Giáo trình Âm nhạc (Phần 1) - Mai Tuấn Sơn

pdf 73 trang ngocly 2620
Bạn đang xem 20 trang mẫu của tài liệu "Giáo trình Âm nhạc (Phần 1) - Mai Tuấn Sơn", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfgiao_trinh_am_nhac_phan_1_mai_tuan_son.pdf

Nội dung text: Giáo trình Âm nhạc (Phần 1) - Mai Tuấn Sơn

  1. TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINH Mai Tuấn Sơn GIÁO TRÌNH ÂM NHẠC (Dùng cho ngành GD Mầm non hệ từ xa) 1
  2. Vinh 2011 LỜI NÓI ĐẦU Hiện nay có khá nhiều giáo trình, tài liệu hướng dẫn việc dạy và học âm nhạc cho đông đảo các bạn học sinh, sinh viên nhưng đối với học viên ngành Giáo dục Mầm non hệ Vừa làm vừa học thì chưa có giáo trình nào phù hợp. Trước tình hình đó chúng tôi biên soạn giáo trình “Âm nhạc” nhằm cung cấp tài liệu học tập cho học viên. Giáo trình gồm 3 chương: Chương 1. Nhạc lý Giúp người học nắm được những kiến thức cơ bản nhất về nhạc lý, đủ để họ có thể hiểu được ý nghĩa của các ký hiệu, nốt trên bản nhạc, làm sở cho việc thực hành các kỹ năng hoạt động âm nhạc. Chương 2. Cơ sở lỳ luận âm nhạc Trang bị cho học viên những hiểu biết nhất định về kỹ thuật ca hát, cách phát âm, đẩy hơi trong khi hát. Hiểu về thể loại, hình thức âm nhạc, cấu trúc của bài hát, bản nhạc, biết cách phân tích nắm vững bài trước khi dạy hát, dạy vận động. Chương 3. Thực hành âm nhạc Học viên được hướng dẫn một cách cụ thể về phương pháp đọc cao độ, trường độ, đọc ghép lời bài hát, biết cách chỉ huy hát nối tiếp, đối đáp, hát to nhỏ theo hướng đổi mới ở trường mầm non. Học viên biết sử dụng đàn, cách đánh riêng tay phải, tay trái, kết hợp hai tay và tự đánh được các bài hát đơn giản Để đảm bảo tính kế thừa, tính khoa học trong quá trình biên soạn, chúng tôi luôn tìm hiểu, đối chứng, so sánh các tài liệu khác để có cách biên soạn hay, nội dung tốt, phù hợp với người học. Trong quá trình biên soạn, tuy đã có nhiều cố gắng song cũng không tránh khỏi những khiếm khuyết, sai sót Chúng tôi rất mong được sự góp ý của đồng nghiệp và các bạn học viên để giáo trình hoàn thiện hơn. Vinh, tháng 11 năm 2011 TÁC GIẢ 2
  3. MỤC LỤC Trang Lời nói đầu Chương I NHẠC LÝ Bài 1. Khái quát về nghệ thuật âm nhạc 3 Bài 2. Các ký hiệu cơ bản, cách ghi độ cao, độ dài 5 Bài 3. Phách nhịp 14 Bài 4. Cung - Quãng 23 Bài 5. Điệu thức, Gam, Giọng 28 Bài 6. Hợp âm 44 Chương II CƠ SỞ LÝ LUẬN ÂM NHẠC Bài 1. Sơ lược về thể loại và hình thức âm nhạc 57 Bài 2. Phân tích bài hát 64 Bài 3. Kỹ thuật hát 72 Chương III THỰC HÀNH ÂM NHẠC Bài 1. Xướng âm và học bài hát 85 Bài 2. Chỉ huy hát tập thể 94 Bài 3. Đàn organ 99 Một số bài tập thực hành 105 3
  4. Chương I. NHẠC LÝ BÀI 1. KHÁI QUÁT VỀ NGHỆ THUẬT ÂM NHẠC I. Âm nhạc là gì ? Trong thực tế đã có nhiều nhà sư phạm đưa ra những khái niệm khác nhau về âm nhạc nhưng theo chúng tôi có thể nói: Âm nhạc là loại hình nghệ thuật kết hợp những âm thanh thành một hệ thống theo quy luật riêng, có tính gắn bó chặt chẽ và lôgíc, diễn ra trong khoảng thời gian nhất định để thể hiện những tư tưởng, tình cảm của con người. Những giai điệu âm thanh mượt mà, bay bổng vừa có tác động về mặt tình cảm, thẩm mỹ, vừa tác động về mặt sinh lý của con người. Một bản nhạc trầm lắng, đều đều dễ gây cảm giác buồn, vô vị. Ngược lại, một bản nhạc hành tiến, một hồi kèn xung trận với âm sắc réo rắt, tiết tấu sôi nổi lại có ý nghĩa thôi thúc, dục giã, khiến người ta bồn chồn, xao động Khi nhìn vào bức tranh hay pho tượng, chúng ta có thể cảm nhận được ngay vẻ đẹp, nội dung tư tưởng của nó nhưng với âm nhạc lại đưa đến cho người ta một cách từ từ những cảm xúc, hấp dẫn bằng sự chuyển động của âm thanh để rồi cuối cùng gây được một ấn tượng nhất định trong tình cảm của người nghe. Âm nhạc không mô tả hiện thực một cách chính diện, trực tiếp mà hướng vào cảm xúc và thế giới nội tâm của con người, từ đó người nghe có thể liên tưởng đến tất cả sự phong phú của cuộc sống, bồi dưỡng thế giới thẩm mỹ và đạo đức con người. Âm nhạc thường ca ngợi những tình cảm tốt đẹp, luôn vươn tới việc thể hiện lý tưởng đạo đức của thời đại, dân tộc và giai cấp. Tuân Tử – triết gia thời phong kiến cổ đại Trung Hoa trong bài “luận về âm nhạc” đã viết: “Thanh nhạc nhập vào lòng người rất sâu, cảm hoá người rất nhanh cho nên các Tiên vương phải trau dồi lý luận về nhạc. Nhạc mà bình thì dân hoà mà không bị dục vọng lôi cuốn, nhạc mà nghiêm trang thì dân tề nhất mà không loạn. Dân đã hoà và tề thì binh mạnh mà thành vững, địch quốc không dám đánh trái lại nhạc mà bất nghiêm, hiểm hóc thì dân sa đà và bi tiện, loạn lạc và tranh dành, mà nước đã loạn thì binh yếu, thành bị phạm cho nên khi lễ nhạc suy thì âm dấy lên. Đó là gốc của mối nguy cơ mất nước”. II. Âm nhạc có từ bao giờ ? 4
  5. Nhiều nhà nghiên cứu vẫn chưa có lời giải đáp về sự ra đời của âm nhạc. Biết bao thế hệ con người mất đi đều mang theo cả tiếng hát. Cái khó khăn nhất là chúng ta không có những căn cứ cụ thể bằng hình ảnh, hiện vật về âm thanh thời xa xưa của loài người, mãi sau này con người mới có cách ghi nhạc trên chất liệu giấy. Các nhà khảo cổ tạm thời đồng ý với việc sưu tầm hiện vật còn lại từ những cổ vật cổ xưa tới những hình khắc hoạ trên đá, trên gỗ để suy luận ra âm nhạc thời tiền sử. Âm nhạc đến với người cổ xưa một cách tự nhiên, trước hết là những tiếng hú dài ngắn khác nhau để thông tin cho đồng loại, sau đó có thể là tiếng ngân nga cao thấp dài ngắn khác nhau để biểu thị những cảm xúc khác như vui mừng, sợ hãi kèm theo những điệu bộ như nhảy múa, hò la tiếng hát sơ khai cũng xuất hiện từ đó. Cũng từ cuộc sống bầy đàn, người cổ đã biết tìm ra những vật dụng xung quanh để hỗ trợ cho tiếng hát như gõ vào những thân cây rỗng hoặc đục thân cây cho gió lùa qua để tạo ra những âm thanh cao thấp khác nhau. Khi dùng cung tên để săn bắn thú rừng, người ta lại phát hiện ra những âm thanh mới: tiếng rung của sợi dây cung, đó là nguồn gốc của sự phát minh ra các loại đàn dây (nguyệt, nhị, viôlông ). Hàng ngàn năm cứ trôi qua, mỗi sự phát hiện của âm thanh lại được truyền bá, phổ biến qua nhiều thế hệ để trở thành một nền âm nhạc như ngày nay. III. Thuộc tính của âm thanh âm nhạc Xung quanh chúng ta có vô số âm thanh khác nhau. Âm thanh được tạo ra bởi sự giao động của một vật thể đàn hồi nào đó. Khi vật thể đàn hồi giao động đã tạo ra những sóng âm, những sóng âm này làn truyền trong không gian làm cho màng nhĩ cũng dao động cùng với tần số của sóng đó. Từ màng nhĩ sóng âm này truyền qua hệ thần kinh của bộ não tạo nên cảm giác về âm thanh. Trong số âm thanh mà con người cảm thụ được có những âm thanh có tần số hoàn toàn xác định được như tiếng hát, tiếng đàn, tiếng sáo những âm thanh này có cao độ rõ ràng hay còn gọi là những âm thanh có tính nhạc (âm thanh âm nhạc). Những âm thanh không có tần số nhất định như tiếng còi, tiếng gió thổi, tiếng sấm sét là những âm không có cao độ rõ ràng hay còn gọi là những tạp âm. Âm thanh âm nhạc có các thuộc tính: + Cao độ: là độ cao của âm thanh, phụ thuộc vào tần số (tốc độ) dao động của vật thể rung. Dao động càng nhiều thì âm thanh càng cao và ngược lại. 5
  6. + Cường độ: là một độ mạnh nhẹ, to nhỏ của âm thanh phụ thuộc vào biên độ giao động. Biên độ càng rộng thì âm thanh càng lớn và ngược lại. + Trường độ: là độ dài ngắn của âm thanh, phụ thuộc vào thời gian ngân vang của âm thanh. Thời gian càng lâu thì âm thanh càng dài và ngược lại. + Âm sắc: là màu sắc của âm thanh (hay còn gọi là chất lượng của âm thanh). Tuy không nhìn được một cách cụ thể nhưng vẫn có thể cảm nhận được âm thanh trong sáng hay buồn tối, gay gắt căng thẳng hay mềm mại du dương. Chúng ta có thể hiểu thêm âm sắc thông qua bài điệu thức hoặc đàn Organ. IV. Thang âm tự nhiên Thang âm là sự sắp xếp các âm thanh theo một thứ tự cao độ nhất định, mỗi âm của thang âm được gọi là một bậc. Thang âm có thể là 3, 4, 5, 6, 7 âm. Khi số lượng âm thanh là 5, 7 âm thì có thể gọi là gam 5 âm, gam 7 âm (chúng ta sẽ nghiên cứu ở bài sau ). Thang âm và gam là tập hợp những nốt nhạc cơ bản, được coi như chất liệu để các nhạc sỹ dựa vào đó mà khai thác âm hưởng, xây dựng nên tác phẩm âm nhạc. BÀI 2. CÁC KÝ HIỆU CƠ BẢN PHƯƠNG PHÁP GHI ĐỘ CAO, ĐỘ DÀI I. Hệ thống hàng âm, tên gọi 7 âm cơ bản Âm nhạc sử dụng rất nhiều âm thanh, những âm này làm thành 1 hệ thống từ thấp đến cao (còn gọi là hệ thống hàng âm). Từ âm thấp nhất có tần số dao động khoảng 16Hz đến âm cao nhất có tần số dao động khoảng 4176Hz, đây là những âm mà tai người có khả năng phân biệt được. Mỗi âm của hệ thống hàng âm được gọi là mỗi bậc cơ bản. Tuy số lượng là 88 âm nhưng thực chất chỉ có 7 âm: Do, Re, Mi, Fa, Son, La, Si được lặp lại nhiều lần theo chu kỳ: Do Re Mi Fa Son La Si - Do Re Mi Fa Son La Si - Do Re Khoảng cách giữa hai âm có tên giống nhau sau mỗi chu kỳ (ví dụ Đồ - Đô hay Rề - Rê) gọi là quãng tám (q8) hệ thống âm của âm nhạc trên bàn phím Piano gồm bảy q8 đủ và hai q8 thiếu ở hai đầu của thang âm. Các q8 có tên gọi như sau: q8 cực trầm (thiếu) - q8 trầm - q8 lớn - q8 nhỏ - q8 thứ nhất- q8 thứ hai - q8 thứ ba - q8 thứ tư - q8 thứ năm (thiếu). 7 âm cơ bản(còn gọi là thang bảy âm) có tên gọi, cách đọc, ký hiệu các bậc như sau: 6
  7. - Tên gọi: Do - Re - Mi - Fa - Son - La - Si - Đọc là : Đô rê mi pha xon la xi - Ký hiệu: C D E F G A B - Các bậc: I II III IV V VI VII Khoảng về độ cao giữa các bậc trong một q8 không giống nhau, có khoảng rộng, khoảng hẹp, chúng ta sẽ nghiên cứu ở bài sau. II. Hình nốt, khuông, khóa nhạc 1. Hình nốt (nốt nhạc): là ký hiệu dùng để diễn tả độ dài (trường độ) của âm thanh. Nốt nhạc có hình bầu dục, gồm 7 loại nhưng trong ca khúc (nhạc có lời) chỉ dùng 5 loại sắp xếp theo thứ tự nhỏ dần như sau: - Nốt tròn: (trường độ lớn nhất) - Nốt trắng: (trường độ bằng 1/2 nốt tròn) - Nốt đen: (trường độ bằng 1/2 nốt trắng) - Nốt móc đơn: (trường độ bằng 1/2 nốt đen) - Nốt móc kép: (trường độ bằng 1/2 nốt đơn) 2. Khuông nhạc: Để diễn tả độ cao của âm thanh, người ta dùng khuông nhạc. Khuông nhạc gồm 5 dòng kẻ song song cách đều và 4 khe được tính thứ tự từ dưới lên. thứ tự 5 dòng kẻ thứ tự 4 khe - Các nốt nhạc được ghi lên các dòng kẻ hoặc vào các khe: - Những nốt nhạc quá cao hoặc quá thấp không ghi được trên khuông thì sẽ ghi vào các dòng kẻ phụ và khe phụ ở trên hoặc dưới khuông (dòng kẻ phụ chỉ dài hơn 7
  8. đường kính nốt nhạc khoảng vài li). Các dòng kẻ phụ và khe phụ được tính từ trong ra ngoài: 3. Khoá nhạc: là ký hiệu đặt đầu khuông, tuỳ vào vị trí (dòng kẻ) để xác định tên nốt nhạc từ đó sẽ biết các nốt khác (âm khác) của thang âm. Có 3 loại khoá: - Khoá Pha (pha 4): quy định nốt ghi trên dòng kẻ thứ 4 mang tên nốt Pha (âm pha), thuộc quãng 8 nhỏ. - Khoá Đô (đô 3, alto): quy định nốt ghi trên dòng kẻ thứ 3 mang tên nốt Đô (âm đô), thuộc quãng 8 thứ nhất. - Khoá Son (son 2): quy định nốt ghi trên dòng kẻ thứ 2 mang tên nốt Son (âm son), thuộc quãng 8 thứ nhất. Trong ca khúc chủ yếu là dùng khoá Son, từ nốt Son người bước đầu học nhạc dễ dàng xác định tên các nốt khác trên khuông: III. Dấu lặng: là ký hiệu dùng để diễn tả sự ngừng vang của âm thanh, nó cũng là một trong những chất liệu để xây dựng hình tượng cho tác phẩm âm nhạc. 8
  9. Vì có 7 loại độ dài âm thanh (7 loại hình nốt) nên cũng có 7 loại dấu lặng nhưng thường dùng 5 loại: - Lặng tròn: - Lặng trắng: - Lặng đen: - Lặng đơn: - Lặng kép: Giá trị độ dài của dấu dấu lặng bằng giá trị độ dài của nốt nhạc cùng tên (chỉ khác là lặng thì âm thanh không vang lên). Có thể so sánh giá trị độ dài như sau: IV. Một số ký hiệu thường dùng 1. Dấu nối hình vòng cung ( ) nối liền độ dài các nốt cùng độ cao nằm cạnh nhau. Ví dụ: “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” (trích) của Phạm Tuyên: (đơn vị phách chúng ta sẽ nghiên cứu ở bài sau). 2. Dấu luyến hình vòng cung ( ) liên kết các nốt khác độ cao. Gặp dấu này người biểu diễn phải luyến mềm mại qua tất cả các nốt. Ví dụ: “Qua cầu gió bay” (dân ca Quan họ Bắc Ninh): 9
  10. 3. Dấu chấm dôi là chấm đặt cạnh bên phải nốt nhạc ( ) làm tăng thêm một nửa độ dài sẵn có. Ví dụ: “Yêu Hà Nội” (trích) của Bảo Trọng: *Trường hợp chấm đặt cạnh dấu lặng cũng có giá trị tương tự như đối với hình nốt. Nếu có chấm thứ hai thì dấu này có trường độ bằng một nửa dấu thứ nhất (ít dùng). 4. Dấu miễn nhịp ( ) là dấu cho phép tăng độ dài nốt nhạc không hạn định, được đặt trên hoặc dưới nốt nhạc (kể cả dấu lặng). Ví dụ: “Mẹ yêu con” (trích) của Nguyễn Văn Tý: 5. Dấu nhắc lại từng bộ phận (dấu tái hiện): Trong khi trình tấu, nếu gặp dấu này thì phải nhắc lại bộ phận âm nhạc đó. Khi nhắc lại, nếu cuối tác phẩm có sự thay đổi thì trên các ô nhịp thay đổi sẽ có dấu ngoặc vuông (còn gọi là dấu nhảy von ta), dưới dấu ngoặc vuông có ghi số 1 (lần 1), số 2 (lần 2).Ví dụ: Thực hiện là: “Nắm tay nhau, bắt tay nhau vui cùng nhau múa vui. Nắm tay nhau, bắt tay nhau vui cùng nhau múa đều”. 10
  11. 6. Dấu nhắc lại cả bài (Segno): Được đặt ở ô nhịp bắt đầu nhắc lại và cuối bài, nghĩa là quay lại diễn lần thứ hai. Ví dụ “Cái Bống” (trích) của Phan Trần Bảng: - Nếu trong tác phẩm viết theo thể ba đoạn (a, b, a) mà người ta không muốn chép lại đoạn ba (đoạn giống nguyên xi đoạn một) thì thay vào đó, ở cuối đoạn hai người ta viết: Da capo alfin (DC al Fine), có nghĩa là từ đầu đến chữ Fine (Hết). 7. Dấu nhắc lại nhảy cách (còn gọi là Cô đa): Khi bản nhạc dùng nhiều dấu nhắc lại thì Cô đa là dấu nhắc lại cuối cùng. Ví dụ: 8. Nốt hoa mỹ (nốt tô điểm): Trong tác phẩm thanh nhạc, có khi cao độ nốt nhạc chính chưa phù hợp với dấu giọng lời ca để thể hiện rõ nội dung ý nghĩa của ca từ đồng thời trang điểm làm mềm mại giai điệu, người ta dùng thêm nốt nhạc phụ (nhỏ hơn nốt chính, không tính trường độ) gọi là nốt hoa mỹ. Ví dụ: “Ru con mùa đông” (trích) của Đặng Hữu Phúc: V. Một số từ chỉ nhịp độ, cường độ sắc thái (tiếng Ý) Khi hát (đàn hoặc xướng âm) nếu không thể hiện đúng nhịp độ sắc thái, sẽ 11
  12. làm sai lệch, méo mó nội dung của bản nhạc. Với bài “hát ru” không thể hát nhanh và mạnh, ngược lại với bài “hành khúc”, nếu hát chậm, ề à sẽ mất đi tính rắn rỏi, mạnh mẽ của bài hát. Một số bài không ghi nhịp độ, sắc thái ta cần đọc (hát) nhiều lần rồi xác định nhịp độ cho thích hợp với nội dung của bài nhạc. 1. Nhịp độ là tốc độ chuyển động của các phách, nhịp đồng thời là một trong các phương tiện diễn cảm, phụ thuộc vào nội dung tác phẩm âm nhạc. - Từ chỉ nhịp độ thường dùng: Adagio : nghĩa là Chậm Lento : Chậm vừa Andante: Thanh thản Moderato: Vừa phải Allegro – Mode rato: Nhanh vừa Allegro: Nhanh Nhằm tăng cường tính diễn cảm khi thể hiện các tác phẩm âm nhạc, người ta dùng ký hiệu để tăng nhanh hoặc kìm lại sự chuyển động: Stringehdo (Stri): nghĩa là Nhanh lên Rallentando (Rall): Chậm lại Khi muốn trở lại nhịp độ ban đầu, người ta dùng ký hiệu: A tempo: nghĩa là Vào nhịp Để quy định nhịp độ cụ thể, chính xác hơn, người ta dùng máy đập nhịp (Met’rônôm) của Men Xen để tính số phách chuyển động trong một phút. Ví dụ: - Nhịp độ Allegro, MM = 180 - Nhịp độ Moderato, MM = 120 2. Ký hiệu chỉ cường độ sắc thái: - pp: nghĩa là Rất nhỏ (khẽ) ; - f : nghĩa là Mạnh - p : Nhỏ ; - ff : Rất mạnh - mf : Mạnh vừa ; - fff : Cực mạnh Để diễn tả một cách cụ thể hơn, người ta còn dùng thêm một số ký hiệu: - nghĩa là To dần 12
  13. - nghĩa là Nhỏ dần Câu hỏi 1. Các loại hình nốt, dấu lặng? mối quan hệ giữa dấu lặng và hình nốt nhạc? 2. Thế nào là dấu nối, luyến, chấm dôi, miễn nhịp, nhắc lại từng đoạn, nhắc lại cả bài? Lấy ví dụ minh hoạ. Bài tập thực hành: 1.Viết các loại nốt nhạc lên khuông nhạc và đọc tên những nốt nhạc đó. 2.Vẽ bàn phím đàn organ, đọc thuộc tên nốt trên bàn phím và nhận biết vị trí cung, 1/2 cung. 3. Nhận biết nốt trong bản nhạc sau (đọc chính tả): Không đề Mưa rơi (Dân ca Xá) 13
  14. HƯỚNG DẪN TỰ HỌC Kiến thức cơ bản 1. Hệ thống hàng âm trên đàn Piano có 8 quãng 8, organ có 5 quãng 8. Thứ tự cung và 1/2 cung trong các quãng 8 giống hệt nhau. 2. Để diễn tả độ dài của âm thanh người ta dùng kí hiệu gọi là hình nốt. Có 7 loại hình nốt và cũng có 7 loại dấu lặng, giá trị độ dài của hình nốt và dấu lặng cùng tên bằng nhau. 3. Khuông nhạc gồm 5 dòng kẻ và 4 khe (tính dưới lên). Khóa nhạc thường dùng là khóa Sol dòng 2, những nốt ở dòng 2 gọi là Sol. 4. Một số kí hiệu thường dùng có liên quan tới độ cao, độ dài: dấu nối, luyến, chấm dôi, quay lại từng đoạn, quay lại cả bài, ngân tự do, hoa mĩ 5. Cách viết nốt nhạc lên khuông, cách đọc tên nốt trên khuông. Câu hỏi 1. Các loại hình nốt, dấu lặng? mối quan hệ giữa hình nốt và dấu lặng? Gợi ý: - Để diễn tả độ dài của âm thanh người ta dùng những ký hiệu gọi là hình nốt. Có 7 loại (kể tên 7 loại hình nốt nhạc). Khi muốn âm thanh ngừng vang, ngắt, 14
  15. nghỉ người ta lại dùng dấu lặng. Vì có 7 loại hình nốt nên cũng có 7 loại dấu lặng (kể tên 7 loại dấu lặng). - Mối quan hệ: Khi gặp nốt nhạc thì phải hát, đàn (có âm thanh) nhưng khi gặp dấu lặng thì phải ngắt, nghỉ (lặng, không có âm thanh). Dấu lặng và nốt nhạc cùng tên gọi thì giá trị trường độ bằng nhau. 2. Thế nào là dấu nối, luyến, chấm dôi, miễn nhịp, nhắc lại từng đoạn, nhắc lại cả bài? Lấy ví dụ minh hoạ. Gợi ý: - Nêu khái niệm, tác dụng của dấu nối, luyến, chấm dôi Lấy ví dụ từ các bài hát mầm non và nêu cách thực hiện. - Những kí hiệu đó đã góp phần tạo nên hình tượng cho tác phẩm âm nhạc. 3. Bài tập: Gợi ý: - Phân biệt cách viết các nốt đuôi quay xuống, quay lên, nốt có nối, có luyến. - Đọc tên các nốt được viết rời móc, liền móc, nốt có nối, có luyến. BÀI 3. PHÁCH - NHỊP I. Phách, các dạng phách, tiết nhịp 1. Phách là những khoảng thời gian bằng nhau được giới hạn bởi các tiếng gõ, nhấn đều đặn. Khoảng thời gian giữa các tiếng gõ, nhấn là trường độ của phách, những tiếng gõ, nhấn là điểm rơi của phách (cũng là giới hạn phách). Trong sự ngẫu nhiên đều đặn, có những phách được chú ý, nhấn rõ hơn gọi là phách mạnh (>), phách không được chú ý, không nhấn mạnh gọi là phách nhẹ ( - ). Ví dụ: “Con kênh xanh xanh“ của Ngô Huỳnh: Phân tích: 15
  16. 2. Các dạng phách, tiết nhịp Phách có thể là: nốt đơn, nốt đen, nốt trắng sự nối tiếp đều đặn mạnh, nhẹ của phách hình thành các chu kỳ gọi là tiết nhịp. + Chu kì 2 phách (1,2) hình thành tiết nhịp 2 phách: tiết 2 phách tiết 2 phách nốt đen nốt đơn 1 2 1 2 1 2 1 2 hoặc: + Chu kì 3 phách (1,2,3) hình thành tiết nhịp 3 phách: tiết 3 phách tiết 3 phách nốt đen nốt đơn 1 2 3 1 2 3 hoặc: 3. Số chỉ nhịp: Để phân biệt các loại tiết nhịp người ta dùng số chỉ nhịp, đó là một phân số (không có vạch ngang) đặt vào đầu bản nhạc (sau khoá, sau hoá biểu). Tử số chỉ số phách có trong mỗi ô nhịp, mẫu số chỉ độ dài của mỗi phách bằng mấy phần nốt tròn. Ví dụ: II. Nhịp, nhịp đơn, nhịp kép 1. Nhịp: Sự tuần hoàn của các phách mạnh, phách nhẹ tạo thành những khoảng thời gian đều nhau của một bản nhạc gọi là nhịp. Nhịp nằm giữa 2 vạch nhịp: nhịp nhịp nhịp nhịp 16
  17. số chỉ nhịp vạch nhịp vạch hết bài Trong thực tế có những trường hợp nhịp không đủ phách gọi là nhịp thiếu, nhịp thiếu đứng đầu bản nhạc còn gọi là nhịp lấy đà. Những bản nhạc có nhịp lấy đà thì thường ở cuối cũng có một nhịp thiếu. Nhịp đà và nhịp thiếu ở cuối có tổng trường độ bằng một nhịp đủ (xem trích trong bài “Vì sao mèo rửa mặt” của Hoàng Long): nhịp thiếu (đà) nhịp thiếu 2. Nhịp đơn là nhịp chỉ có một trọng âm (phách mạnh) trong mỗi ô nhịp. Các loại nhịp đơn thường dùng là: một bốn, hai bốn, ba bốn, hai hai. Ví dụ: 3. Nhịp kép là nhịp có hai trọng âm trở lên, có thể do hai hay nhiều nhịp đơn giống nhau tạo thành. Nhịp kép có số trọng âm bằng tổng số nhịp đơn hợp lại (trọng âm thứ nhất mạnh hơn trọng âm thứ hai, thứ ba ). Các nhịp kép thông dụng là: 4/4 (C), 6/8 : Trong khí nhạc còn dùng loại nhịp 9/8, 12/8: Nhịp hỗn hợp Ngoài các loại nhịp đơn, nhịp kép còn có loại nhịp hỗn hợp được hình thành do sự kết hợp hai hay nhiều loại nhịp đơn khác nhau. Ví dụ nhịp 5/4 (gồm nhịp 2/4 + 3/4). Trọng âm của loại nhịp này phân bố không đều (nhịp ít dùng). Cũng có khi trong cùng một bài nhạc nhưng lại dùng hai loại nhịp như: Lý hoài nam (dân ca Bình Trị Thiên), Tiếng đàn bầu (nhạc: Nguyễn Đình Phúc, lời: Lữ Giang), hoặc: Hoa thơm bướm lượn Dân ca Quan Họ Bắc Ninh 17
  18. III. Phách nguyên, phách chia 1. Phách nguyên: Khi diễn muốn diễn đạt một chủ đề nhỏ, mộc mạc, đơn giản có tính rắn rỏi, khúc chiết thì giai điệu thường là phách nguyên (tức mỗi phách được viết thành một nốt nhạc). - Nhịp 2/2 phách nguyên = - Nhịp 2/4 phách nguyên = Ví dụ: Bài “Búp Bê’’ của Mông Lợi Chung ở nhịp 2/4, mỗi phách được viết thành một nốt đen (phách nguyên): 18
  19. 2. Phách chia: Khi diễn đạt một nội dung âm nhạc kịch tính, hài hước hoặc những tình cảm nhẹ nhàng, uyển chuyển thì giai điệu phải mở rộng, giàu sức biểu cảm và thường dùng nhiều dạng phách chia khác nhau: chia hai, chia ba, chia bốn Nhịp 2/4 phách nguyên là đen ( ) có thể chia thành 7 dạng cơ bản sau: 1. = (2 nốt đơn) 2. = (đơn chấm trước, kép sau - móc giật) 3. = (đơn trước, 2 kép sau) 4. = (2 kép trước đơn sau) 5. = (đơn giữa 2 kép - đòn gánh) 3 6. = (chùm 3) 7. = (4kép ) Lưu ý: Đối với các bạn Sinh viên bước đầu học nhạc, bên cạnh việc tập chép nhạc, đọc cao độ thì phải thường xuyên luyện gõ, đọc phách nguyên và các dạng phách chia loại nhịp 2/4, làm cơ sở để đọc các loại nhịp khác. Chúng ta có thể xem cách sử dụng phách nguyên, phách chia của nhạc sỹ Xuân Giao trong tác phẩm sau: Em mơ gặp Bác Hồ Nhạc và lời: Xuân Giao 19
  20. IV. Đảo phách – nghịch phách 1. Đảo phách là hiện tượng một âm bắt đầu vang lên ở phách nhẹ hoặc phần nhẹ của phách ngân sang phách mạnh hoặc phần mạnh của phách tiếp theo. Cũng do việc một âm được ngân, kéo dài nên trọng âm (kể cả phần mạnh của phách nhẹ) được bắt đầu sớm hơn (xê dịch trọng âm). Trọng âm của tiết tấu giai điệu (tiết điệu) không trùng với trọng âm của nhịp (tiết nhịp). Ví dụ: Lời ru trên nương (trích) Nhạc Trần Hoàn- Thơ: Nguyễn Khoa Điềm Chiều ngoại ô Matxcơva (trích) Nhạc Nga 20
  21. Ơi cuộc sống mến thương (trích) Nhạc và lời: Nguyễn Ngọc Thiện 2. Nghịch phách là hiện tượng ngắt nghỉ ở đầu nhịp, đầu phách (tức có dấu lặng ở phách mạnh hoặc phần mạnh). Nghịch phách cũng giống đảo phách ở chỗ trọng âm của tiết tấu giai điệu rơi vào phách yếu hoặc phần yếu của phách, không trùng với trọng âm của nhịp. Cách cú (nhạc chèo) Tuy đảo phách và nghịch phách là “chất liệu tốt” để xây dựng hình tượng cho tác phẩm âm nhạc nhưng cũng do đặc điểm lứa tuổi nên trong các bài hát độ tuổi nhà trẻ mẫu giáo (phần bài dạy trẻ hát), các nhạc sĩ ít dùng. Câu hỏi 1. Thế nào là phách, nhịp? Cho ví dụ minh hoạ. 21
  22. 2. Nêu ý nghĩa của số chỉ nhịp, phân biệt sự khác nhau giữa nhịp đơn và kép. 3. Viết phách nguyên và các dạng phách chia của nhịp 2/4. Bài tập thực hành: 1. Đánh dấu phách mạnh, nhẹ cho các bài hát: - Trường chúng cháu đây là trường mầm non (Phạm Tuyên). - Ngày vui của bé (Hoàng Văn Yến). - Cá vàng bơi (Hà Hải). - Hoa bé ngoan (Hoàng Văn Yến) 6. Tập đọc trường độ: 7. Đọc gam Đô trưởng: 8. Đọc các âm ổn định: 9. Bài tập đọc: (xướng âm) HƯỚNG DẪN TỰ HỌC 22
  23. Kiến thức cơ bản 1. Phách: - Khái niệm - Các dạng phách: nốt đơn, nốt đen, nốt trắng. - Số chỉ nhịp, ý nghĩa của từng con số. 2. Nhịp: - Khái niệm - Nhịp đơn : 2/4, 2/8, 3/4 - Nhịp kép: 4/4, 6/8 - Các dạng phách chia cơ bản của nhịp 2/4. - Cách viết, đọc, gõ trường độ, phách, nhịp 3. Đảo phách, tác dụng của đảo phách Câu hỏi 1. Thế nào là phách, nhịp? Cho ví dụ minh hoạ. Gợi ý: - Phách là những khoảng thời gian bằng nhau được giới hạn bởi các tiếng gõ, nhấn đều đặn. Khoảng thời gian giữa các tiếng gõ, nhấn là trường độ của phách, những tiếng gõ, nhấn là điểm rơi của phách. - Nhịp là sự tuần hoàn của các phách mạnh, phách nhẹ tạo thành những khoảng thời gian đều nhau của một bản nhạc. Căn cứ vào số chỉ nhịp để phân biệt các loại nhịp. - Ví dụ về phách nhịp: lấy ví dụ từ các bài hát trong chương trình. 2. Nêu ý nghĩa của số chỉ nhịp, phân biệt sự khác nhau giữa nhịp đơn và kép. Gợi ý: + Số trên chỉ số lượng phách, số dưới chỉ độ dài mỗi phách bằng mấy phần của nốt tròn. Ví dụ: - nhịp 2/4: mỗi nhịp có 2 phách, mỗi phách là nốt đen. - Nhịp 3/8: mỗi nhịp có 3 phách, mỗi phách là nốt đơn. + Sự khác nhau giữa nhịp đơn và nhịp kép: 23
  24. - Nhịp đơn: mỗi ô nhịp có 1 phách mạnh: nhịp 2/4, 2/8, 3/4, 3/8 - Nhịp kép: mỗi ô nhịp có 2 (hoặc 3) phách mạnh: nhịp 4/4, 6/8 3. Viết phách nguyên và các dạng phách chia của nhịp 2/4. BÀI 4. CUNG - QUÃNG I. Cung và nửa cung - Khoảng cách về độ cao giữa các bậc cơ bản trong một q8 không giống nhau, có khoảng rộng và khoảng hẹp. Khoảng rộng là quãng 1 cung ( ), khoảng hẹp là quãng nửa cung ( ). Gam Đô 7 âm tự nhiên có 5 nguyên cung và 2 nửa cung, chúng được sắp xếp như sau: - Chúng ta có thể quan sát hệ thống bàn phím Piano (hoặc organ) để nhận diện vị trí cung và nửa cung. Giữa 2 phím trắng cách nhau 1 cung (Đô - Rê; Rê - Mi; Fa - Son; Son - La; La - Xi) có 1 phím đen, 2 phím trắng cách nhau nửa cung (Mi - Fa; Xi - Đô) không có phím đen. Như vậy, bàn phím được phân thành 2 nhóm: - Nhóm 1: gồm 3 phím trắng, 2 phím đen; 24
  25. - Nhóm 2: gồm 4 phím trắng và 3 phím đen. Đó cũng là cơ sở để khi mới học đàn, các bạn sinh viên dễ phân biệt được tên nốt nhạc. II. Dấu hoá Giữa hai âm thanh của bậc cơ bản cách nhau 1 cung có thể hình thành một bậc phụ, bậc này không có tên riêng mà được gọi theo tên của bậc cơ bản thăng hoặc giáng (có thể quan sát trên bàn phím organ). Dấu hoá là ký hiệu dùng để nâng cao hoặc hạ thấp các bậc cơ bản. Có 3 loại: + Dấu thăng: nâng cao bậc cơ bản lên 1/2 cung. + Dấu giáng: hạ thấp bậc cơ bản xuống 1/2 cung. + Dấu hoàn: làm vô hiệu hoá dấu thăng, giáng. - Còn 2 kiểu dấu hoá nữa là thăng kép (x) và giáng kép (bb) trong ca khúc hầu như không dùng. - Dấu hoá được đặt bên cạnh khoá (theo bộ) gọi là hoá biểu, có hiệu lực trong suốt tác phẩm âm nhạc: + Hoá biểu dấu thăng: + Hoá biểu dấu giáng: - Dấu hoá được đặt bên cạnh nốt nhạc gọi là dấu hoá bất thường, chỉ có hiệu lực trong một ô nhịp: + Hóa bất thường: III. Quãng 1.Khái niệm: Sự kết hợp đồng thời hoặc nối tiếp nhau của hai âm thanh gọi là quãng. - Các âm thanh của quãng phát ra đồng thời (cột dọc) gọi là quãng hoà âm. - Các âm thanh của quãng phát ra nối tiếp (lần lượt) gọi là quãng giai điệu. - Âm dưới của quãng gọi là âm gốc, âm ở trên là âm ngọn (nếu thực hiện trên đàn thì gọi là âm, không thực hiện thì gọi là nốt). 25
  26. + Quãng hoà âm: + Quãng giai điệu: 2. Tên quãng: thường được xác định bởi hai yếu tố: số lượng và chất lượng. + Yếu tố số lượng là số bậc hợp thành quãng. Ví dụ: - Âm Đô nhắc lại âm Đô có 1 bậc nên gọi là quãng 1(q1) - Từ Đô đến Rê có 2 bậc nên gọi là q2 - Từ Mi đến Sol có 3 bậc nên gọi là q3 - Từ Đô đến Đố có 8 bậc nên gọi là q8 + Yếu tố chất lượng là tính chất, màu sắc(cảm nhận): trong, đục, sáng, tối do số lượng nguyên cung và nửa cung trong quãng tạo nên. - Quãng có tính chất trong sáng gọi là quãng trưởng (T). - Quãng có tính chất dịu tối gọi là quãng thứ (t). - Quãng có tính chất đầy đặn gọi là quãng đúng (Đ). - Quãng có tính chất căng, chói tai gọi là quãng tăng (+). - Quãng có tính chất thiếu, hẫng hụt gọi là quãng giảm ( - ). Giữa các bậc cơ bản của hàng âm (trong phạm vi quãng tám) hình thành các quãng đơn sau: - Quãng một đúng (1Đ) = 0 cung - Quãng hai thứ (2t) = 1/2 cung - Quãng hai trưởng (2T) = 1 cung - Quãng ba thứ (3t) = 1,5 cung - Quãng ba trưởng (3T) = 2 cung - Quãng bốn đúng (4Đ) = 2,5 cung - Quãng bốn tăng (4+) = 3 cung - Quãng năm giảm (5-) = 3 cung - Quãng năm đúng (5Đ) = 3,5 cung - Quãng sáu thứ (6t) = 4 cung - Quãng sáu trưởng (6T) = 4,5 cung - Quãng bảy thứ (7t) = 5 cung - Quãng bảy trưởng (7T) = 5,5 cung 26
  27. - Quãng tám đúng (8Đ) = 6 cung Cụ thể trên khuông: - Nếu lấy Đô làm âm gốc theo hướng đi lên, ta sẽ thấy thứ tự các quãng Đúng và quãng Trưởng: - Nếu lấy Đô làm âm ngọn theo hướng đi xuống, ta sẽ thấy thứ tự các quãng Đúng và quãng thứ: 3. Thành lập quãng: Từ các quãng cơ bản trên, người ta có thể tạo ra các quãng khác bằng cách dùng dấu hoá để nâng cao âm ngọn, hạ thấp âm gốc và hình thành các quãng tăng, quãng giảm khác. - Quãng giảm nhỏ hơn quãng thứ, quãng đúng cùng tên 1/2 cung (trừ q1Đ) - Quãng tăng lớn hơn quãng trưởng, quãng đúng cùng tên 1/2 cung. - Quãng cùng tên nhưng số cung tăng dần nên tính chất thay đổi. Ví dụ: 3- 3t 3T 3+ 5- 5Đ 5+ Trong ca khúc (nhạc 1 bè) người ta thường dùng quãng trong phạm vi một quãng 8 (quãng đơn), âm vực phù hợp với giọng hát nhưng trong tác phẩm khí nhạc người ta còn dùng các quãng lớn hơn một quãng 8, gọi là quãng ghép: Câu hỏi 1. Nêu khái niệm quãng và giải thích tên gọi của quãng. 2. Thế nào là hóa bất thường, hóa biểu? Viết hóa biểu hướng thăng, hướng giáng. 27
  28. 3. Nêu tên và số cung các quãng trong phạm vi quãng 8 đô - đố. Bài tập thực hành: 1. Thành lập các quãng 2t, 2T, 3t, 3T, 3+, 3-, 4Đ, 4+, 5Đ, 5+, 6t, 6T, 6+, 6-, 7t, 7T, 7+, 7- từ nốt: Đô, Đô thăng, Rê, Rê thăng. 2. Đánh trên đàn và nghe các quãng trên. HƯỚNG DẪN TỰ HỌC Kiến thức cơ bản 1. Cung và 1/2 cung là độ cao cơ bản giữa các âm tự nhiên, âm hoá. Cung là đơn vị để xác định khoảng cách giữa các âm trong âm nhạc (quãng) 2. Dấu hoá: - Hoá biểu hướng thăng tăng dần từ 1 đến 7 dấu, các dấu cách nhau 1 quãng 5 Đ (đi lên). Dấu đầu là Pha thăng, tiêp đến là Đô thăng cuối là Xi thăng. - Hoá biểu hướng giáng tăng dần từ 1 đến 7 dấu, các dấu cách nhau 1 quãng 4 Đ (đi xuống). Dấu đầu là Xi giáng, tiêp đến là Mi giáng cuối là Pha giáng (ngược hướng với dấu thăng). 3. Quãng: - Khi nối tiếp các quãng giai điệu, ta được một đường nét giai điệu hoàn hảo, đó là chính là các bài hát, bản nhạc. - Khi xếp các quãng 3 chồng lên nhau, ta sẽ được các hợp âm trưởng, thứ ,bảy Hợp âm dùng để đệm khi đánh đàn (organ, piano, ghi ta ) nhằm làm cho giai điệu thêm khoẻ khoắn, sinh động Câu hỏi 1. Nêu khái niệm quãng và giải thích tên gọi của quãng. Gợi ý: + Quãng là khoảng cách giữa 2 âm gốc – ngọn. + Tên của quãng gọi theo 2 yếu tố: số lượng và chất lượng. - Yếu tố số lượng là số bậc có giữa 2 âm (1 bậc=quãng 1; 2 bậc= quãng 2 ) - Yếu tố chất lượng là tính chất, màu sắc do 2 âm đó tạo nên (sáng, dịu, đầy đặn ). Ví dụ: a. quãng Đô-Đô có 1 bậc, nghe đầy đặn => Quãng 1 Đúng. b. quãng Đô-Rê có 2 bậc, nghe trong sáng => Quãng 2 Trưởng. c. quãng Rê-Pha có 3 bậc, nghe dịu,tối => Quãng 3 thứ 28
  29. 2. Thế nào là hóa bất thường, hóa biểu? Nêu cách viết hóa biểu hướng thăng, hướng giáng. Gợi ý: + Có 2 cách viết dấu hóa: viết trước nốt nhạc gọi là hóa bất thường (trường hợp này ít dùng), viết đầu khóa thành từng bộ gọi là hóa biểu. + Hóa biểu: - Hướng dấu thăng: tăng dần từ 1 dấu đến 7 dấu. Dấu đầu là Pha thăng, đi lên một quãng 5Đ là Đô thăng Khi viết trên khuông cần lưu ý: dấu đầu tiên (Pha thăng) nằm ở dòng 5; dấu thứ 2 (Đô thăng) nằm ở khe 3; dấu thứ 3 ( Xon thăng) nằm phía trên dòng 5 cuối cùng là Xi thăng. Ví dụ bộ hóa biểu 7 dấu thăng: - Hướng dấu giáng: tăng dần từ 1 dấu đến 7 dấu (ngược lại hướng dấu thăng). Dấu đầu là Xi giáng, đi xuống một quãng 5Đ là Mi giáng Khi viết trên khuông cần lưu ý: dấu đầu tiên (Xi giáng) nằm ở dòng 3; dấu thứ 2 (Mi giáng) nằm ở khe 4; dấu thứ 3 (La giáng) nằm ở khe 2 cuối cùng là Pha giáng.Ví dụ bộ hóa biểu 7 dấu giáng: BÀI 5. ĐIỆU THỨC - GAM - GIỌNG I. Điệu thức 1. Khái niệm: Tác phẩm âm nhạc là một tổ chức gồm nhiều âm thanh. Có những âm được nhắc lại nhiều lần nên cảm giác quen thuộc, nổi trội, khó quên nhưng cũng có những âm ít xuất hiện, ít gây được ấn tượng và chỉ thoáng lướt qua. Điều thú vị là giữa các âm thanh đó luôn có mối quan hệ gắn bó mật thiết, theo một quy luật nhất định, chính mối quan hệ này đã tạo nên sắc thái, tình cảm và có thể coi là “phần hồn” của tác phẩm âm nhạc. Ví dụ: Em đi qua ngã tư đường phố Nhạc và lời: Hoàng Văn Yến 29
  30. Ở bản nhạc trên chúng ta thấy nổi trội lên 3 âm Fa, La, Đô các âm này là âm chính, ổn định về cao độ trong đó Fa ổn định nhất được gọi là âm chủ. Các âm còn lại như: Sol, Xi là những âm không ổn định và bị hút, dẫn về âm ổn định Fa, La đó là sự giải quyết mang tính ngẫu nhiên. Nếu đọc nghe nhiều lần, chúng ta sẽ cảm nhận được mối quan hệ mật thiết về cao độ âm chủ với các âm khác và tính chất trong sáng của giai điệu. Ngoài ra, nếu kết hợp nghe lời ca chúng ta càng thấy rõ hơn nội dung âm nhạc, màu sắc tình cảm của tác phẩm! Vậy, Điệu thức là mối quan hệ (1/2cung, 1cung, 1,5cung) giữa các âm ổn định và không ổn định tạo nên tính chất vui tuơi, trong sáng hay u buồn, du dương cho tác phẩm âm nhạc. 2. Các loại điệu thức: a. Âm nhạc dân tộc Việt Nam sử dụng thang (gam) 5 âm, 7 bậc: Hò, Xự (Xừ), Xang, Xê, Cống (Phan) với 4 loại điệu thức (còn gọi là hơi): Bắc, Xuân, Ai, Oán. Trong đó điệu Bắc có tính chất trong sáng, điệu Ai và Oán tính chất u buốn, điệu Xuân thì tuỳ bài mà có khi trong sáng hoặc u buồn: + Điệu Bắc (sáng, trong) có thứ tự quãng: 2T- 3t – 2T – 2T – 3t + Điệu Xuân (sáng, dịu) có thứ tự quãng: 2T – 3t – 2T – 3t – 2T + Điệu Ai (tối, mềm mại) có thứ tự quãng: 3t – 2T – 2T – 3t – 2T + Điệu Oán (buồn, du dương) có thứ tự quãng: 3t – 2T – 2T – 2T – 3t b. Âm nhạc dân tộc Trung Quốc, Mông Cổ có 5 âm, 5 bậc : Cung, Thương, Giốc, Chuỷ, Vũ và dùng 5 loại điệu thức, họ gọi tên của điệu thức theo bậc của thang âm. Thang có bậc Cung đứng đầu thì gọi là Điệu Cung, bậc Thương đứng đầu gọi là Điệu Thương + Điệu Cung (sáng, trong) có thứ tự quãng: 2T – 2T – 3t – 2T – 3t + Điệu Thương (sáng, dịu) có thứ tự quãng: 2T – 3t – 2T – 3t – 2T 30
  31. (Nhìn chung điệu thức trong âm nhạc 5 âm Việt Nam và ngũ cung Trung Quốc không dùng quãng 1/2 cung). c. Âm nhạc Phương Tây sử dụng 7 âm (Đô - Rê- Mi- Fa- Son- La- Xi), 7 bậc: I, II, III, IV, V, VI, VII gồm các điệu thức Trưởng, Thứ, Hoà thanh, Giai điệu. Trong đó điệu thức Trưởng (tự nhiên) và điệu thức Thứ (tự nhiên) được dùng nhiều nhất. + Điệu thức Trưởng (dur): + Điệu thức Thứ (moll): 3. Tên các bâc của điệu thức: + Bậc I : Âm chủ ( T ) + Bậc II : Âm dẫn đi xuống ( SII ) + Bậc III : Âm trung ( DTIII) + Bậc IV : Âm hạ át ( S ) + Bậc V : Âm át ( D ) + Bậc VI : Âm thượng át ( TSVI ) + Bậc VII : Âm dẫn đi lên ( DVII ) Các âm: chủ ( T ), hạ át ( S ), át ( D ) là các bậc chính trong điệu thức. II. Gam (hay còn gọi là âm giai, thang âm) 1. Khái niệm: Sự sắp xếp các âm thanh theo thứ tự độ cao đi lên hoặc đi xuống, bắt đầu từ âm chủ đến âm chủ của quãng tám tiếp theo gọi là Gam. Tên gam là tên âm chủ kết hợp với loại điệu thức. Nếu gam có âm chủ Đô, loại điệu thức trưởng thì gọi là gam Đô trưởng (Cdur). Gam có âm chủ La, loại điệu thức thứ thì gọi là gam La thứ (Amoll) 31
  32. Gam là chất liệu để các nhạc sỹ khai thác âm hưởng “xây” nên tác phẩm . Có thể ví gam là gạch, đá, xi măng Nhạc sỹ chính là những người Thợ xây còn tác phẩm âm nhạc là những công trình kiến trúc xinh xắn, lộng lẫy 2. Các loại gam: a. Loại gam 7 âm, 7 bậc: I, II, III, IV, V, VI, VII (thuộc dòng nhạc Châu Âu). Ví dụ: 1. Gam Đô trưởng (Cdur), âm chủ Đô, điệu trưởng: 2. Gam La thứ (Amoll), âm chủ La, điệu thứ: b. Loại gam 5 âm 7 bậc: Hò, Xự (Xừ ), Xang, Xê, Cống (Fan), liu (nhạc d.t Việt) Ví dụ: Gam Đô Bắc ( Hò Đô, điệu Bắc): (Bậc cao hơn “Hò” một quãng 8 thì gọi là “Liu”) c. Loại gam 5 âm 5 bậc: Cung, Thương, Giốc, Chuỷ, Vũ (nhạc d.t Trung Quốc) Ví dụ: Gam Đô Cung (âm chủ Đô, điệu Cung): III. Giọng 1. Khái niệm: Giọng là độ cao của một âm (âm chủ) để từ đó hình thành gam và sắp xếp điệu thức. 32
  33. - Tên giọng là tên âm chủ kết hợp với loại điệu thức. (giọng Đô trưởng: âm chủ Đô, điệu thức trưởng; giọng Rê thứ: âm chủ Rê, điệu thức thứ ). Tên giọng cũng giống tên gam (gọi theo âm chủ) nhưng ý nghĩa thì khác nhau: “Giọng” chỉ độ cao của chủ âm là âm gì, nằm ở quãng 8 nào (bằng âm thanh), còn “Gam” chỉ tên của chủ âm là nốt gì, số lượng bao nhiêu nốt (bằng ký hiệu). - Giọng không tồn tại độc lập, riêng lẻ (vì nó chỉ là yếu tố độ cao) mà luôn nằm trong Gam hay một Tác phẩm âm nhạc cụ thể. Mối quan hệ giữa Điệu thức, Gam, Giọng có thể trình bày như sau: Đi ỆU THỨC+ÂM CHỦ GAM GIỌNG CỦA TÁC PHẨM => => Ví dụ: 2. Các loại giọng: Khi soạn nhạc, các nhạc sỹ đã lựa chọn cho tác phẩm của mình một giọng phù hợp nhất về âm điệu, tầm cữ nhằm làm nổi bật chủ đề, hình tượng, nội dung của tác phẩm đồng thời thuận tiện cho việc ca hát hoặc trình tấu nhạc cụ. Do đặc điểm lứa tuổi, chất giọng, âm vực giọng hát nên trong thực tế, một tác phẩm thanh nhạc lại được nhiều người thể hiện ở những giọng cao thấp khác nhau. Việc thay đổi giọng trong khí nhạc thường ít gặp nhưng trong thanh nhạc thì không làm ảnh hưởng đến hình tượng, nội dung của tác phẩm (trừ những bản rô- măng- xơ, a-ri-a và thể loại thanh nhạc lớn như ôpêra, ôratôriô). Tuy nhiên, thay đổi giọng là thay đổi độ cao của âm chủ, đồng thời kéo theo sự thay đổi độ cao của các âm khác, nâng cao hoặc hạ thấp đường nét giai điệu chứ không thể thay đổi điệu (điệu thức) vì mỗi tác phẩm đã được mặc định về điệu (giới tính), nó được coi như phần hồn của tác phẩm âm nhạc. Trong đời sống âm nhạc đa dạng như hiện nay, phong trào ca hát quần chúng ngày càng phát triển và lan rộng. Tuỳ vào khả năng, sở thích, chúng ta có thể trình bày các bài hát ở nhiều giọng khác nhau, âm sắc khác nhau nhất là đối với những bài hát Nhà trẻ mẫu giáo. 33
  34. Ví dụ: “Con cò cánh trắng” (Xuân Giao) ở giọng Gdur nhưng khi dạy ở Nhóm trẻ 3 tuổi có thể dịch xuống giọng Fdur, hoặc Nhóm trẻ 5 tuổi dịch lên giọng Adur (việc làm đó gọi là dịch giọng): IV. Thành lập gam giọng theo thứ tự của dấu hoá Lấy gam Đô trưởng (C dur) hoặc La thứ (a moll) làm mẫu (vì hai gam này đã có các quãng 2 sắp xếp theo thứ tự đúng với điệu trưởng tự nhiên, thứ tự nhiên), từ một bậc âm bất kỳ đều có thể làm âm chủ để hình thành các gam giọng trưởng, thứ tự nhiên khác. Trong khi thành lập các gam giọng mới, một số bậc phải biến đổi cho phù hợp với Khung cấu tạo nên phải dùng dấu hoá thăng hoặc giáng (tức có hoá biểu). 1. Gam giọng trưởng 1. theo hướng dấu thăng Nhìn vào cấu tạo gam Đô trưởng ta thấy có hai nhóm: 4 âm dưới và 4 âm trên. - Nhóm 4 âm dưới bắt đầu từ âm chủ ( T ), kết thúc bằng âm hạ át. ( S ) - Nhóm 4 âm trên bắt đầu từ âm át ( D ), kết thúc bằng âm chủ ( q8 trên ) - Hai nhóm cách nhau 1 cung ( q2T ) + Cách tiến hành: - Lấy nhóm 4 âm trên của gam Đô trưởng (Son, La, Xi, Đô) làm nhóm 4 âm dưới của gam mới, sau đó tạo thêm nhóm 4 âm trên ( Rê, Mi, Pha, Son) theo thứ tự các quãng 2: 2T – 2T – 2t, ta được gam giọng mới: Son trưởng (G dur) có 1 dấu thăng xuất hiện ở bậc VII (pha thăng). - Tương tự, lấy gam Son trưởng làm mẫu rồi tiến hành theo cách trên ta sẽ được gam giọng mới: Rê trưởng ( D dur) có 2 dấu thăng, dấu thăng thứ 2 cũng ở bậc VII (đô thăng): 34
  35. Cứ như vậy, lần lượt ta lập được các gam giọng mới có 3, 4, 5, 6, 7 dấu thăng. Dấu thăng lần lượt xuất hiện ở bậc VII của gam và được sắp xếp theo quãng 5 đi lên bắt đầu từ Pha thăng theo thứ tự: Pha, Đô, Son, Rê, La, Mi, Xi. + Hệ thống gam giọng trưởng có dấu thăng theo thứ tự họ hàng (giọng khác nhau một dấu hoá theo khoá và có 6 âm chung) như sau: 35
  36. 2. Theo hướng dấu giáng + Cách tiến hành: - Lấy nhóm 4 âm dưới của gam Đô trưởng (Đô, Rê, Mi, Pha) làm nhóm 4 âm trên của gam mới, sau đó tạo thêm nhóm 4 âm dưới (Pha, Son, La, Xi) theo thứ tự các quãng 2: 2T – 2T – 2t, ta được gam giọng mới: Pha trưởng (F dur) có 1 dấu giáng xuất hiện ở bậc IV (Xi giáng). - Tương tự, lấy gam Pha trưởng làm mẫu rồi tiến hành theo cách trên ta sẽ được gam giọng mới: Xi giáng trưởng ( Bb dur) có 2 dấu giáng, dấu giáng thứ 2 cũng ở bậc IV (Mi giáng): 36
  37. Cứ theo cách trên, ta sẽ được tất cả các gam giọng trưởng có dấu giáng. Dấu giáng xuất hiện lần lượt ở bậc IV của gam và được sắp xếp theo quãng 5 đi xuống bắt đầu từ Xi giáng theo thứ tự: Xi, Mi, La, Rê, Son, Đô, Fa . + Hệ thống gam giọng trưởng có dấu giáng theo thứ tự họ hàng như sau: 1. Gam giọng thứ 1. Theo hướng dấu thăng + Cách tiến hành: (tương tự như đối với hướng dấu thăng giọng trưởng) - Lấy nhóm 4 âm trên của gam La thứ (Mi, Pha, Son, La) làm nhóm 4 âm dưới của gam mới, sau đó tạo thêm nhóm 4 âm trên (Xi, Đô, Rê, Mi) theo thứ tự các quãng 2: 2t – 2T – 2T, ta được gam giọng mới: Mi thứ (E moll) có 1 dấu thăng xuất hiện ở bậc II (pha thăng). 37
  38. Cứ như vậy, lần lượt ta lập được các gam giọng mới có 2, 3, 4, 5, 6, 7 dấu thăng. Dấu thăng lần lượt xuất hiện ở bậc II của gam và được sắp xếp theo quãng 5 đi lên bắt đầu từ Pha thăng theo thứ tự: Pha, Đô, Son, Rê, La, Mi, Xi. (giống như ở giọng trưởng). Tên gọi theo hệ thống chữ cái (chữ thường) cộng với điệu thức thứ: moll. Ví dụ: La thứ: a- moll, Son thứ: g- moll. Tuy nhiên để cho gọn và thuận tiện trong khi viết, chúng ta có thể dùng chữ cái in hoa (giống điệu trưởng) nhưng nhất thiết phải viết thêm chữ “m” Ví dụ La thứ: Am, Son thứ: Gm + Hệ thống gam giọng thứ hướng dấu thăng cũng có quan hệ họ hàng với nhau như các giọng trưởng, chúng được sắp xếp theo trình tự tăng dần các dấu hoá: 38
  39. 2. Theo hướng dấu giáng + Cách tiến hành: (tương tự như đối với hướng dấu giáng giọng trưởng) - Lấy nhóm 4 âm dưới của gam La thứ (Là, Xi, Đô, Rê) làm nhóm 4 âm trên của gam mới, sau đó tạo thêm nhóm 4 âm dưới (Rê, Mi, Pha, Son) theo thứ tự các quãng 2: 2T – 2t – 2T, ta được gam giọng mới: Rê thứ (d moll) có 1 dấu giáng xuất hiện ở bậc VI (Xi giáng): Cứ theo cách trên, ta sẽ được tất cả các gam giọng thứ có dấu giáng. Dấu giáng xuất hiện lần lượt ở bậc VI của gam và được sắp xếp theo quãng 5 đi xuống bắt đầu từ Xi giáng theo thứ tự: Xi, Mi, La, Rê, Son, Đô, Fa (giống như ở giọng trưởng). + Hệ thống gam giọng thứ có dấu giáng theo thứ tự họ hàng như sau: 39
  40. Nhận xét chung: - Dấu thăng trong giọng trưởng và giọng thứ xuất hiện cách nhau quãng 5 đi lên bắt đầu từ pha thăng. - Dấu giáng trong giọng trưởng và giọng thứ xuất hiện cách nhau quãng 5 đi xuống bắt đầu từ xi giáng. - Dấu thăng và dấu giáng xuất hiện những âm cùng tên nhưng trái chiều nhau: Chiều dấu thăng xuất hiện Fa Đô Son Rê La Mi Xi Chiều dấu giáng xuất hiện - Theo chiều tăng của dấu thăng, các gam giọng có dấu thăng lần lượt xuất hiện theo quãng 5 đi lên (giọng trưởng bắt đầu từ Cdur ; giọng thứ bắt đầu từ Amoll). - Theo chiều tăng của dấu giáng, các gam giọng có dấu giáng lần lượt xuất hiện theo quãng 5 đi xuống (giọng trưởng bắt đầu từ Cdur ; giọng thứ bắt đầu từ Amoll). - Các gam giọng trưởng và thứ có hoá biểu giống nhau (hay nói cách khác có thành phần âm thanh giống nhau), gọi là gam giọng song song. Ví dụ: + Đô trưởng và La thứ: 40
  41. + La trưởng và Pha thăng thứ. -Các gam giọng trưởng và thứ có âm chủ giống nhau gọi là các gam giọng cùng tên Ví dụ: + La thứ và La trưởng: + Đô trưởng và Đô thứ: V. Tìm hoá biểu gam giọng Như chúng ta đã biết, gam Đô trưởng tự nhiên có khung cấu tạo là điệu trưởng, gam La thứ tự nhiên khung cấu tạo là điệu thứ, hai gam giọng này không có hoá biểu, ngoài ra các gam giọng khác đều có hoá biểu. Chúng ta đã tiến hành thành lập theo quy trình và thứ tự như trên, tuy nhiên để biết cụ thể hoá biểu của một gam giọng bất kỳ, chúng ta phải tìm theo các bước sau: - Viết khung cấu tạo điệu thức của gam đã cho - Viết ký hiệu chữ của gam lên khung - Đặt dấu hoá (thăng hoặc giáng) trước ký hiệu chữ để phù hợp với khung - Nhận xét và viết hoá biểu, gam lên khuông nhạc. Ví dụ: 1. Tìm hoá biểu gam Gdur : 41
  42. 2.Tìm hoá biểu gam Dmoll: 3.Tìm hoá biểu gam Ab trưởng: Chú ý: - Khi viết dấu hoá lên khung cấu tạo có thể vị trí các dấu không theo thứ tự quy định nhưng khi viết lên khuông nhạc nhất thiết phải tuân theo thứ tự xuất hiện của hướng dấu thăng hoặc dấu giáng. - Nếu âm chủ là âm hoá thì chỉ tính dấu hoá một lần. VI. Cách xác định giọng: + Nhìn vào một bản nhạc có lời (ca khúc) trước hết chúng ta phải xác định bản nhạc đó thuộc giọng gì? Có phù hợp với tầm cữ giọng hát hay không? Muốn vậy, chúng ta cần căn cứ vào các yếu tố: - Hoá biểu (là dấu hóa ở khoá: thăng hoặc giáng) - Nốt kết thúc bản nhạc (thường là âm chủ của giọng). (Ngoài ra có thể nhìn vào đường nét giai điệu để xác định giọng) Cụ thể: - Hoá biểu không dấu : Kết nốt Đô là giọng Cdur, kết nốt La là giọng Amoll. - Hoá biểu 1# : Kết nốt Son là giọng Gdur, kết nốt Mi là giọng Emoll. - Hoá biểu 1b : Kết nốt Fa là giọng Fdur, kết nốt Rê là giọng Dmoll Ví dụ 1. Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng (trích) Nhạc và lời: Phạm Tuyên 42
  43. - Nhận xét: Bài hát ở giọng Gdur (vì hoá biểu Pha thăng và kết nốt Son). Ví dụ 2: Đường và chân (trích) Nhạc: Hoàng Long Lời: Xuân Tửu - Nhận xét: Bài viết ở giọng Fdur ( vì hoá biểu Xi giáng, và kết nốt nốt Fa). + Với những ca khúc dân ca, việc xác định giọng thông qua bản nhạc cần tinh tế hơn đặc biệt là những làn điệu gốc, trên bản nhạc thường không ghi hoá biểu và kết thúc giai điệu nhiều khi không về chủ âm bởi vậy việc xác định giọng để hát hoặc đệm đàn chủ yếu phải nghe âm điệu và dựa vào cách tiến hành của giai điệu. Ví dụ: “Lý con sáo” (d.c Nam Bộ): Nhận xét: - Bản nhạc không hoá biểu, lẽ ra thuộc giọng Đô trưởng hoặc La thứ và kết ở nốt Son thì có thể là giọng Son trưởng, nhưng đọc giai điệu ta lại thấy âm hưởng của giọng Rê thứ: La – rê – la – rê, rê – rê – rê– #đô – la – rê – pha – pha – la – đô – rê Biến âm - Bài thuộc loại nhạc 5 âm dân tộc (điệu Bắc hò Rê): Rê, pha, son, la, đô, rê đã “mượn” thêm âm thứ 6 (xi) của gam 7 âm. Giai điệu sử dụng nốt đô thăng và pha thăng là những biến âm, tạm ly về giọng cùng tên (Rê trưởng), đồng thời kết ở Son – bậc IV (không về âm chủ) là một kiểu kết lửng, thường gặp trong dân ca. - Kết luận: bài thuộc giọng Rê thứ. 43
  44. Câu hỏi 1. Thế nào là điệu thức, gam, giọng? 2. Nêu các bước tìm hoá biểu. Tìm hoá biểu gam: Gdur, Ddur, Em, Bm. 3. Tác dụng của việc xác định giọng, điệu. 4. Viết khung cấu tạo và phân biệt sự khác nhau của điệu thức trưởng, điệu thức thứ. Bài tập thực hành: Xác định điệu thức trong các bài: - Trường chúng cháu đây là trường mầm non (Phạm Tuyên). - Ngày vui của bé (Hoàng Văn Yến). - Cùng múa hát mừng xuân (Hoàng Hà). - Hoa trường em (Dương Hưng Bang). - Em tập lái ôtô (Nguyễn Văn Tý). - Ru con mùa đông (Đặng Hữu Phúc). - Khúc hát ru của người mẹ trẻ (Phạm Tuyên). HƯỚNG DẪN TỰ HỌC Kiến thức cơ bản 1. Điệu thức,Gam, Giọng: + Điệu thức: - Có 2 loại; điệu thức trưởng và điệu thức thứ. Điệu thức không tồn tại độc lập, điệu thức nằm trong gam, trơng tác phẩm, không nhìn thấy bằng mắt mà chỉ cảm thấy qua tai nghe. + Gam: Là một tập hợp âm, tên gam là tên âm chủ kết hợp với loại điệu thức: Gam Đô trưởng, gam Đô thứ Gam là chất liệu để cấu tạo nên tác phẩm âm nhạc, từ gam sẽ hình thành giọng của tác phẩm. + Giọng: Chúng ta có thể biết được giọng của tác phẩm nhờ vào âm chủ (nốt kết thúc). Mỗi tác phẩm thường được viết ở một giọng nhất định: Giọng Đô trưởng, giọng La thứ 2. Gam, giọng trưởng theo thứ tự của dấu hóa (chỉ dành cho những Sinh viên khá) 3. Hóa biểu của gam giọng: Mỗi tác phẩm âm nhạc đều được lấy chất liệu từ một gam giọng và các gam giọng đều có hóa biểu (trừ gam Đô trưởng, La thứ), bởi vậy việc tìm hóa biểu cho các gam giọng có ý nghĩa quan trọng 4. Xác định giọng để hát, đàn đúng giọng (không bị cao hoặc thấp quá), người nghe 44
  45. có cảm giác dễ chịu, tạo thuận lợi cho việc thưởng thức nghệ thuật, hiểu nội dung tác phẩm Câu hỏi 1. Thế nào là điệu thức, gam, giọng? Gợi ý: + Điệu thức là mối quan hệ (1/2cung, 1cung, 1,5cung) giữa các âm ổn định và không ổn định tạo nên tính chất vui tuơi, trong sáng hay u buồn, du dương cho tác phẩm âm nhạc. - Có 2 loại điệu thức cơ bản được áp dụng trong các tác phẩm âm nhạc (chủ yếu là ca khúc) là điệu thức trưởng và điệu thức thứ. - Là phần hồn của tác phẩm nên rất trừu tượng. Muốn “thấy” được, chúng ta phải nắm chắc lý thuyết kết hợp với nghe nhiều để có kinh nghiệm. + Gam: : Sự sắp xếp các âm thanh theo thứ tự độ cao đi lên hoặc đi xuống, bắt đầu từ âm chủ đến âm chủ của quãng tám tiếp theo gọi là Gam. + Giọng: Khi kết hợp gam (có 1 âm chủ) với một điệu thức (trưởng hoặc thứ) ta sẽ được một giọng có độ cao nhất định. + Điệu thức, gam, giọng là những yếu tố quan trọng tạo nên tác phẩm âm nhạc. 2. Nêu các bước tìm hoá biểu. Tìm hoá biểu gam: Gdur, Ddur, Em, Bm. Gợi ý: - Cần xác định điệu thức được sử dụng là trưởng hay thứ, thứ tự quãng 2 trong từng điệu thức. - Nêu các bước và tiến hành tìm hóa biểu phải theo tuần tự, tránh làm ngược quy trình. - Khi nhận xét và viết dấu hóa lên khuông nhạc, cần phải theo thứ tự xuất hiện của dấu hóa. 3. Tác dụng của việc xác định giọng, điệu. Gợi ý - Xác định đúng giọng thì sẽ nắm chắc tên, cao độ của âm chủ và các âm ổn định khác, từ đó mà hát, đàn đúng giọng, - Xác định đúng điệu thức (điệu tính) thì sẽ thể hiện được tình cảm, tính chất, nội dung của tác phẩm nhằm góp phần khắc họa hình tượng âm nhạc. 4. Viết khung cấu tạo và phân biệt sự khác nhau của điệu thức trưởng, điệu thức thứ. Gợi ý - Cần đặt 2 khung cấu tạo gần nhau để thấy được sự khác nhau về thứ tự các quãng 2, đặc biệt là quãng 3 gốc (hơn kém nhau 1/2 cung). 45
  46. - Sự khác nhau về cấu tạo đã làm cho 2 điệu thức có sự tương phản về màu sắc (giới tính). BÀI 6. HỢP ÂM I. Hợp âm và các loại hợp âm 1. Khái niệm: Khi nhiều âm thanh nối tiếp lần lượt theo chiều ngang (từ trái sang phải) thì hình thành một giai điệu, kết hợp cùng một lúc theo chiều dọc gọi là chồng âm. Hợp âm là một chồng âm từ 3 âm trở lên, liên kết theo lối quãng 3. Khi âm thanh của hợp âm vang lên chúng ta được nghe màu sắc của nhiều âm trộn lẫn vào nhau, đó là một cảm giác hoà âm rất thú vị. Ví dụ: (thực hiện trên đàn) + Chồng âm + Hợp âm 2. Các loại hợp âm: Nếu hợp âm có 3 âm (3 nốt) gọi là hợp âm ba (cũng có thể gọi là hợp âm năm – theo quãng ngoài cùng), 4 âm gọi là hợp âm bảy, 5 âm gọi là hợp âm chín, 6 âm gọi là hợp âm mười một - Âm thứ nhất (từ dưới lên) là âm 1 - Âm thứ hai là âm 3 - Âm thứ ba là âm 5 - Âm thứ tư là âm 7 + Hợp âm ba + Hợp âm bảy + Hợp âm chín + Tên của hợp âm : có thể gọi theo nhiều cách. Cách 1 : Gọi theo âm 1 kết hợp với tính chất: trưởng, thứ, tăng, giảm : Hợp âm Đô trưởng (Cdur), hợp âm La thứ (Am) Cách 2 : Gọi theo âm 1 và quãng : Hợp âm Son bảy (G7), hợp âm La bảy (A7) 46
  47. Cách 3 : Gọi theo quãng và tính chất: trưởng, thứ, tăng, giảm : Hợp âm 5 tăng (5+), hợp âm 5 giảm (5-), hợp âm 6 trưởng, hợp âm 6 thứ Với âm nhạc chuyên nghiệp, người ta còn sử dụng nhiều loại hợp âm (ngoài quy luật quãng 3, còn dùng thêm quãng 4, quãng 6 )với tên gọi đa dạng. Trong phạm vi giáo trình này chúng ta chỉ nghiên cứu một số hợp âm cơ bản thường sử dụng: hợp âm 3 nốt, 4 nốt và gọi theo cách 1 và cách 2 để tiện trong việc đánh bài và đệm hát. II. Hợp âm ba, hợp âm ba chính 1.Hợp âm ba: (còn gọi là hợp âm 5) Hợp âm ba có 3 âm, căn cứ vào các quãng ba trong hợp âm mà chia hợp âm ba thành các loại: hợp âm ba trưởng, hợp âm ba thứ, hợp âm ba tăng, hợp âm ba giảm (quãng 3 dưới có vai trò quyết định màu sắc của hợp âm). + Hợp âm ba trưởng gồm hai quãng 3 chồng lên nhau : q3T ở dưới, q3t ở trên, ngoài cùng là q5Đ : Quãng 3 dưới (là 3T) làm cho hợp âm ba trưởng có màu sắc trong sáng. - Hợp âm trưởng có thể viết tắt bằng chữ in hoa: Ddur = D ; Edur = E + Hợp âm ba thứ gồm hai quãng 3 chồng lên nhau : q3t ở dưới, q3T ở trên, ngoài cùng là q5Đ : Quãng 3 dưới (là 3t) làm cho hợp âm ba thứ có màu sắc dịu êm. - Hợp âm thứ có thể viết tắt bằng chữ in hoa và chữ “m”: Cmoll = Cm; Dmoll = Dm 47
  48. 2. Hợp âm 3 chính + Các hợp âm ba chính giọng trưởng: Trong giọng trưởng tự nhiên, hợp âm ba xây dựng trên 3 bậc chính I, IV, V gọi là hợp âm ba chính và đều là hợp âm trưởng. Nó thể hiện rõ tính chất của giọng trưởng vì các âm của giọng đều nằm trong ba hợp âm này (đây là những hợp âm chủ yếu dùng để đệm hát, đánh bài ở điệu trưởng). - Hợp âm ba chủ (nằm ở bậc I) ký hiệu T - Hợp âm ba hạ át (nằm ở bậc IV) : S - Hợp âm ba át (nằm ở bậc V) : D Ví dụ : + Hợp âm ba chính giọng Đô trưởng : + Hợp âm ba chính giọng Son trưởng : + Các hợp âm ba chính của giọng thứ: Các hợp âm ba xây dựng trên bậc chính của gam thứ tự nhiên lại là các hợp âm ba thứ tiêu biểu cho tính chất thứ của điệu thức. (đây là những hợp âm chủ yếu dùng để đệm hát, đánh bài ở điệu thứ). - Hợp âm ba chủ (nằm ở bậc I) : t - Hợp âm ba hạ át (nằm ở bậc IV): s - Hợp âm ba át (nằm ở bậc V) : d Ví dụ : + Hợp âm ba chính giọng La thứ : 48
  49. + Hợp âm ba chính giọng Rê thứ : * Lưu ý : Ký hiệu hợp âm 3 chủ : T (t), hợp âm 3 hạ át : S (s), hợp âm 3 át : D của giọng trưởng và thứ chỉ có tác dụng trong việc phối hoà âm nên chúng tôi không nhắc lại ở các phần sau. III. Hợp âm bảy, hợp âm bảy át 1.Hợp âm bảy là hợp âm gồm 4 âm, có thể coi hợp âm bảy là một hợp âm ba có thêm âm thứ tư. Gọi là hợp âm bảy vì trong hợp âm có âm bảy (tính theo gam cùng tên) và có quãng 7 do hai âm ngoài cùng tạo nên. Cách viết hợp âm bảy là số 7 đặt cạnh ký hiệu chữ nốt: C7, G7 + Có nhiều loại hợp âm bảy, để phân biệt người ta phải căn cứ vào cấu tạo, quãng mà đặt tên. a. Hợp âm 7 trưởng thứ : gồm ba quãng 3 chồng lên nhau, q3T ở dưới và hai q3t ở trên, ngoài cùng là q7t. Ví dụ: b. Hợp âm 7 trưởng trưởng : gồm ba quãng 3 chồng lên nhau, q3 dưới và q3 trên là 3T, ở giữa là q3t, ngoài cùng là q7T. Ví dụ: 49
  50. c. Hợp âm 7 thứ thứ : gồm ba quãng 3 chồng lên nhau, q3 dưới và q3 trên là 3t, ở giữa là q3T, ngoài cùng là q7t. Ví dụ: 2. Hợp âm bảy át (D7) Các hợp âm bảy có thể được thành lập từ các bậc I, II, III của gam nhưng trong quá trình đánh bài hát hoặc đệm hát, người ta hay dùng nhất là loại hợp âm bảy trưởng thứ (a) được thành lập ở bậc V (át) của gam giọng, gọi là hợp âm bảy át. (bậc V có ký hiệu là D - viết tắt từ Domin ante - nên hợp âm bảy át còn có ký hiệu là D7) Ví dụ: Xác định hợp âm 7 át của gam, giọng Đô trưởng: Theo cách tương tự, ta sẽ xác định được hợp âm bảy át của giọng Fa trưởng là hợp âm C7, của giọng La thứ là hợp âm E7 IV. Đảo hợp âm: Đảo là thay đổi vị trí các nốt của hợp âm. Có nhiều lý do để người ta phải đảo hợp âm: - Tạo cảm giác mới lạ (đánh trên piano) - Thuận lợi trong việc bấm liên kết các hợp âm (trên đàn phím) - Một số đàn, phần hợp âm cho tay trái chỉ hơn một q8 nên không thể bấm các hợp âm ở thể gốc cho một vòng hoà thanh 1. Đảo hợp âm ba: Hợp âm ba có 3 âm, ngoài thể gốc (nguyên vị) còn có hai thể đảo. - Thể đảo một(gọi là hợp âm 6) âm 3 là âm trầm(ở dưới cùng) âm 1đưa lên một q8. - Thể đảo hai (gọi là hợp âm 6-4) âm 5 là âm trầm, âm 1 và âm 3 đưa lên một q8. Ví dụ: - Đảo hợp âm C: 50
  51. - Đảo hợp âm Dm: 2.Đảo hợp âm bảy: Hợp âm bảycó 4 âm nên ngoài thể nguyên vị còn có ba thể đảo. - Thể đảo một (hợp âm 6- 5 ) âm 3 là âm trầm, âm 1 đưa lên một q8. - Thể đảo hai (hợp âm 4- 3) âm 5 là âm trầm, âm 1 và âm 3 đưa lên một q8. - Thể đảo ba (hợp âm 2 ) âm 7 là âm trầm, âm 1, 3, 5 đưa lên một q8. Ví dụ: - Đảo hợp âm C7 trưởng thứ: - Đảo hợp âm A7 trưởng thứ: 2. Xác định hợp âm 3 chủ, 3 hạ át, 7 át của một giọng: Khi đệm một bài hát người ta thường sử dụng nhiều loại hợp âm nhằm làm phong phú về màu sắc. Trong số những hợp âm đó trước hết phải kể đến 3 hợp âm quan trọng nhất đó là: hợp âm 3 chủ (ở bậc I), hợp âm 3 hạ át (ở bậc IV) và hợp âm 7 át (ở bậc V) của giọng. Ví dụ: - Bài hát ở giọng Đô trưởng thì dùng các hợp âm: C, F, G7 (giọng trưởng: dùng hợp âm trưởng và bảy): 51
  52. - Bài hát ở giọng Rê thứ thì dùng các hợp âm: Dm, Gm, A7 (giọng thứ: dùng hợp âm thứ và bảy): Tương tự như vậy, khi đã xác định được giọng của bài hát, từ âm chủ ta có thể tìm được các hợp âm cần thiết. Viết thể gốc và các thể đảo hợp âm 3 chủ, 3 hạ át, 7 át của một số giọng thường dùng: Câu 1. Giọng: Cdur, C#m, Fdur - Giọng Cdur dùng hợp âm 3 chủ: C; 3 hạ át: F; 7 át: G7 - Giọng C#m dùng hợp âm 3 chủ: C#m; 3 hạ át: F#m; 7 át: G#7 - Giọng Fdur dùng hợp âm 3 chủ: F; 3 hạ át: Bb; 7 át: C7 Câu 2. Giọng: Ddur, Dm, Gdur - Giọng Ddur dùng hợp âm 3 chủ: D; 3 hạ át: G; 7 át: A7 52
  53. . - Giọng Dm dùng hợp âm 3 chủ: Dm; 3 hạ át: Gm; 7 át: A7 . - Giọng Gdur dùng hợp âm 3 chủ: G; 3 hạ át: C; 7 át: D7 Câu 3. Giọng: Adur , Am, Dm - Giọng Adur dùng hợp âm 3 chủ: A; 3 hạ át: D; 7 át: E7 - Giọng Am dùng hợp âm 3 chủ: Am; 3 hạ át: Dm; 7 át: E7 - Giọng Dm dùng hợp âm 3 chủ: Dm; 3 hạ át: Gm; 7 át: A7 Câu 4. Giọng: Abdur , F#dur , Am 53
  54. - Giọng Abdur dùng hợp âm 3 chủ: A; 3 hạ át: D; 7 át: E7 - Giọng F#dur dùng hợp âm 3 chủ: F#; 3 hạ át: B; 7 át: C7 - Giọng Am (xem câu 3) Câu 5. Giọng: Fdur , Cm, Edur - Giọng Fdur (xem câu 1) - Giọng Cm dùng hợp âm 3 chủ: Cm; 3 hạ át: Fm; 7 át: G7 - Giọng Edur dùng hợp âm 3 chủ: E; 3 hạ át: A; 7 át: B7 Câu 6. Giọng: Adur , Bbdur , Gm - Giọng Adur (xem câu 3) - Giọng Bbdur dùng hợp âm 3 chủ: Bb; 3 hạ át: Eb; 7 át: F7 - Giọng Gm dùng hợp âm 3 chủ: Gm; 3 hạ át: Cm; 7 át: D7 54
  55. Câu 7. Giọng : Dm, F#m, Gbdur - Giọng Dm (xem câu 2) - Giọng F#m dùng hợp âm 3 chủ: F#m; 3 hạ át: Bm; 7 át: C#7 - Giọng Gb dur dùng hợp âm 3 chủ: Gb; 3 hạ át: Cb; 7 át: Db7 Câu 8. Giọng Cm, Abdur , Em - Giọng Cm (xem câu 5) - Giọng Abdur (xem câu 4) - Giọng Em dùng hợp âm 3 chủ: Em; 3 hạ át: Am; 7 át: B7 Câu 9. Giọng Am, Bdur, Dm - Giọng Am (xem câu 3) - Giọng Dm (xem câu 3) - Giọng Bdur dùng hợp âm 3 chủ: B; 3 hạ át: E; 7 át: F7 55
  56. Câu 10. Giọng Ddur , Gm, Bbm - Giọng Ddur (xem câu 2) - Giọng Gm (xem câu 6) - Giọng Bbm dùng hợp âm 3 chủ: Bbm; 3 hạ át: Ebm; 7 át: F7 Câu 11. Giọng Gdur , Fm, Em - Giọng Gdur (xem câu 2) - Giọng Em (xem câu 8) - Giọng Fm dùng hợp âm 3 chủ: Fm; 3 hạ át: Bbm; 7 át: C7 Câu 12. Giọng Cdur , Cm, Fdur - Giọng Cdur (xem câu 1) - Giọng Cm (xem câu 5) - Giọng Fdur (xem câu 1) Câu 13. Giọng Gdur ,Gm, Dm - Giọng Gdur (xem câu 2) - Giọng Gm (xem câu 6) - Giọng Dm (xem câu 3) Câu 14. Giọng Cdur , Gdur , Gm 56
  57. - Giọng Cdur (xem câu 1) - Giọng Gdur (xem câu 2) - Giọng Gm (xem câu 6) Câu 15. Giọng Gdur , Bm, Dbdur - Giọng Gdur (xem câu 2) - Giọng Bm dùng hợp âm 3 chủ: Bm; 3 hạ át: Em; 7 át:F#7 - Giọng Dbdur dùng hợp âm 3 chủ: Db; 3 hạ át: Gb; 7 át: Ab7 Câu hỏi 1. Nêu khái niệm hợp âm, chồng âm, cho ví dụ. 2. Thế nào là hợp âm ba, hợp âm bảy? cho ví dụ. Phân biệt sự khác nhau giữa hợp âm ba và hợp âm bảy. 3.Xác định những hợp âm ba chính của các giọng: Đô trưởng, Đô thứ, Rê trưởng, Rê thứ, Fa trưởng, La thứ. Bài tập thực hành: Viết thể gốc và các thể đảo hợp âm 3 chủ, 3 hạ át, 7 át của giọng Cdur, Cm, Ddur, Dm, F, G, Am, Eb, Db, F#m, Bb, Ab. HƯỚNG DẪN TỰ HỌC Tài liệu tham khảo 1. Trịnh Tuấn. Lý thuyết âm nhạc cơ bản. NXB Trường CĐSP NH TƯ 1986. 2. Ngô Thị Nam (chủ biên). Âm nhạc và Phương pháp giáo dục âm nhạc, tập I. Trung tâm nghiên cứu đào tạo bồi dưỡng giáo viên, Hà Nội 1994. 3. Phạm Trọng Cầu (chủ biên). Âm nhạc phổ thông. NXB Giáo dục TP HCM, 1997. 4. Ngô Ngọc Thắng. Nhạc lý nâng cao. NXB Âm nhạc TP HCM, 1997. 57
  58. 5. Nguyễn Bạch Mai, Âm nhạc và Phương pháp giảng dạy, tài liệu giảng dạy. 2002 6. Hoàng Văn Yến (tuyển chọn) Trẻ Mầm non ca hát, NXB Âm nhạc, 2002 7. Xuân Tứ. Phương pháp dạy và học đàn phím điện tử. NXB Đại học Sư phạm 2004. 8. Mai Tuấn Sơn Âm nhạc I. Giáo trình Đào tạo giáo viên MN ĐHV 2005. 9. Ngô Thị Nam Hát (giáo trình CĐSP) NXB Đại học Sư phạm 2004. 10. Phạm Thị Hoà – Ngô thị Nam (đồng chủ biên). Giáo dục âm nhạc tập 1. NXB Đại học Sư phạm 2008. Kiến thức cơ bản 1. Hợp âm: - Các nốt trong hợp âm liên kết theo quãng 3. - Hợp âm 3 thường dùng là hợp âm 3 trưởng và hợp âm 3 thứ. - Hợp âm 7 thường dùng là hợp âm 7 trưởng thứ. - Tác dụng của hợp âm: Đệm tay trái khi độc tấu, đánh bài hát hoặc đệm hát nhằm nâng đỡ giai điệu, giọng hát, làm dày âm thanh, thêm màu sắc hòa âm - Khi phối hòa âm hoặc đệm hát người ta thường dùng hợp âm 3 chủ, 3 hạ át, 7 át (có khi dùng thêm hợp âm 3 át, hợp âm 3 bậc VI). 2. Đảo hợp âm: - Đảo để tạo thuận lợi về thế bấm khi liên kết các hợp âm với nhau, ngoài ra đối với piano, đảo hợp âm có thể làm thay đổi màu sắc của hợp âm, tránh nhàm chán tai nghe. - Các âm trong hợp âm đảo không theo quy luật quãng 3 như hợp âm gốc. Câu hỏi 1. Nêu khái niệm hợp âm, chồng âm, cho ví dụ. Gợi ý: - Khi thực hiện trên đàn, các âm thanh của hợp âm, chồng âm đều vang lên cùng một lúc (hòa âm). - Các nốt rong hợp âm liên kết có tổ chức quãng 3 (hợp âm gốc), các nốt trong chồng âm không có tổ chức (không có quy luật). 2. Thế nào là hợp âm ba, hợp âm bảy? cho ví dụ. Phân biệt sự khác nhau giữa hợp âm ba và hợp âm bảy. Gợi ý: + Hợp âm 3: có 3 âm tạo thành hai quãng 3, ngoài cùng của hợp âm là quãng 5 (hợp âm 3 còn gọi là hợp âm 5, xem ví dụ trang 51, 52,53). Các hợp âm 3 thường dùng được hình thành ở các bậc I, IV của gam gọi là hợp âm 3 chính. 58
  59. - Hợp âm 7: có 4 âm tạo thành ba quãng 3, ngoài cùng của hợp âm là quãng 7. (xem ví dụ trang 51, 52,53). Hợp âm 7 thường dùng được hình thành ở các bậc V (át) của gam gọi là hợp âm 7 át. 3. Xác định những hợp âm ba chính của các giọng: Đô trưởng, Đô thứ, Rê trưởng, Rê thứ, Fa trưởng, La thứ. Gợi ý: + Hợp âm 3 chính là hợp âm 3 được hình thành ở các bậc I, IV. Ở giọng trưởng hợp âm 3 chính là 3 trưởng, giọng thứ thì 3 thứ: - Giọng Đô trưởng: Cdur, Fdur - Giọng Rê trưởng: Ddur, Gdur - Giọng Pha trưởng: Fdur, Bbdur - Giọng Đô thứ: Cm, Fm - Giọng Rê thứ: Dm, Gm - Giọng La thứ: Am, Dm Chương 2. CƠ SỞ LÝ LUẬN ÂM NHẠC BÀI 1. SƠ LƯỢC VỀ THỂ LOẠI VÀ HÌNH THỨC ÂM NHẠC I. Thể loại âm nhạc Thể loại âm nhạc là những loại, dạng tác phẩm mang nét đặc trưng nhất định liên quan đến phương pháp biểu hiện mà khi nghe chúng ta dễ nhận biết nhờ vào đặc điểm giai điệu, tiết tấu, nhịp điệu hoặc nội dung lời ca. Mảng thanh nhạc (nhạc có lời) gồm hai thể loại lớn là ca khúc chuyên nghiệp và ca khúc dân ca. * Ca khúc chuyên nghiệp gôm các thể loại: + Hành khúc có giai điệu chắc khoẻ, tiến hành liền bậc hoặc nhảy quãng 4, 5 kèm theo tiết tấu là những nốt đơn chấm và móc kép có tính kêu gọi, hiệu triệu. Nhịp điệu 2/4 khoẻ khoắn,nhịp độ vừa phải, hợp với bước đi khi diễu hành,đi đều như: “Bác đang cùng chúng cháu hành quân” của Huy Thục, “Hành khúc Đội TNTP” của Phong Nhã. “Đi một hai” của Đoàn Phi + Chính ca là những bài hát chính thức dùng trong các nghi lễ như quốc ca, những bài hát chính thức của các đoàn thể, thanh thiếu niên, sinh viên, phụ nữ, các lực lượng vũ trang, như các bài “Tiến quân ca” của Văn Cao, “Chào mừng Đảng Cộng sản Việt Nam” của Đỗ Minh, “Thanh niên làm theo lời Bác” của Hoàng Hà 59
  60. + Hợp xướng là loại hình thanh nhạc có nhiều bè, nhiều giọng biểu diễn như: “Tiếng hát dâng Đảng” của Huy Thục, “ Du kích Sông Thao” của Đỗ Nhuận, “Mái trường khát vọng” của Mai Tuấn Sơn + Trữ tình là những tác phẩm có giai điệu phóng khoáng, mềm mại. Tiết tấu tự do dàn trải, không có âm hình cụ thể. Nhịp điệu 2/4, 3/4, nhịp độ chậm, tính chất âm áp du dương như bài “Tình ca” của Hoàng Việt, “Con kênh xanh xanh” của Ngô Huỳnh + Hát ru là loại ca khúc được lấy âm hưởng từ làn điệu ru gốc, tính chất âm nhạc giống với thể loại nhạc trữ tình, có nhịp độ chậm, tính chất đằm thắm nhưng cũng rất tự hào trong sáng như: “Mẹ yêu con” của Nguyễn Văn Tý, “Ru con” của Đặng Hữu Phúc + Ca khúc thiếu nhi là dạng ca khúc chuyên nghiệp cũng gồm nhiều thể loại. Tuy nhiên những ca khúc này đều có điểm chung là giai điệu đơn giản, cấu trúc ngắn gọn, tiết tấu có âm hình, giọng điệu ít dấu hóa * Ca khúc dân ca gồm nhiều thể loại: + Chèo, tuồng, chầu văn, trống quân Bắc Bộ + Ví, dặm, lý , hò, ru Trung Bộ + Cải lương, đờn ca tài tử Nam Bộ Mảng khí nhạc (nhạc không lời) gồm các thể loại: Giao hưởng, Uvectuya viết cho dàn nhạc giao hưởng biểu diễn (nhạc giao hưởng).Conxecto, Xonate, Etuyt, Preluyt viết cho một hoặc nhóm nhạc cụ biểu diễn (thính phòng). II. Hình thức âm nhạc Mỗi tác phẩm âm nhạc dù đơn giản nhất cũng đều được cấu thành bởi các bộ phận. Bộ phận nhỏ nhất của hình thức âm nhạc (hình thức còn gọi là thể thức) là mô típ (động cơ) lớn hơn môtíp là tiết nhạc, câu nhạc, đoạn nhạc 1. Mô típ nhạc là một tổ âm (khoảng 3 đến 5 âm) bao quanh một phách mạnh (có khi hai phách) nó là nhân tố chính, chất liệu chính để phát triển thành câu nhạc, đoạn nhạc. Thông thường mô típ xuất hiện ngay đầu câu nhạc và trong quá trình phát triển của giai điệu, mô típ có thể được nhắc lại hoặc xuất hiện những mô típ mới. Trong bài hát viết cho trẻ em, các nhạc sỹ thường sử dụng một hoặc hai mô típ (bài người lớn có khi dùng 3, 4 mô típ tuỳ vào cấu trúc, thủ pháp của tác giả).Ví dụ bài “Đôi dép” của tác giả Hoàng Kim định, mô típ nằm đầu bản nhạc: 60
  61. mô típ 2. Tiết nhạc có khuôn khổ khoảng bốn nhịp 2/4, 2/8 hoặc hai nhịp 3/4, 4/4 . Có tiết được phân thành mô típ nhưng cũng có tiết không phân mô típ. Tiết nhạc là một bộ phận của câu nhạc, đoạn nhạc. Khi nhìn vào tác phẩm chúng ta dễ nhận thấy sự phân tiết vì cuối tiết thường có dấu lặng hoặc những nốt trường độ lớn. .Ngoài ra, để nhận biết giới hạn của tiết nhạc chúng ta cũng có thể xem phần lời ca, sau khoảng 4 nhịp thì lời ca cũng trọn 1 ý, khi hát người ta thường ngắt câu, lấy hơi nên tiết nhạc tương ứng với 1 câu hát. Ví dụ bài hát “Con chuồn chuồn” của Vũ Đình Lê”: Tiết nhạc (1câu hát) 3. Câu nhạc là một ý nhạc khá trọn vẹn khoảng 8 ô nhịp, cũng có khi câu chỉ 4 nhịp (bài hát nhà trẻ) hoặc lên đến 15, 17 nhịp. Câu nhạc thường là hai tiết (hai câu hát), có khi ba tiết (ba câu hát), hoặc không phân tiết. Cuối câu nhạc là nốt có trường độ lớn (hoặc dấu lặng), đó là những bậc chính của giọng (chủ, át) hoặc thuộc hợp âm 3 chủ, 7át. Nhìn vào bài hát (bản nhạc) chúng ta có thể phân biệt giới hạn của câu nhạc trên cơ sở số nhịp, giai điệu và lời ca.Ví dụ trong bài “Chiếc khăn tay” của Văn Tấn: Câu nhạc (gồm 2 tiết = 2 câu hát) 4. Đoạn nhạc là một tư duy âm nhạc có tính lôgíc và hoàn chỉnh, thường gồm hai câu nhạc, giữa các câu của đoạn nhạc luôn có sự đối đáp nhau. Câu một dừng ở bậc V (át) chức năng nghi vấn (đối), câu hai dừng ở bậc I (chủ) chức năng khẳng định (đáp). Có nhiều loại đoạn nhạc: Đoạn 2 câu cân phương (mỗi câu 8 nhịp), 2 câu không cân, 3 câu hoặc không phân câu. Cấu trúc đoạn nhạc có thể dùng để làm 61
  62. một tác phẩm độc lập (bài một đoạn) hoặc một bộ phận của một tác phẩm lớn hơn nó (bài hai đoạn, ba đoạn ) Ví dụ: Đoạn nhạc gồm 2 câu: Một con vịt Nhạc và lời: Kim Duyên III. Các hình thức âm nhạc Cũng như trong văn học, các tác phẩm âm nhạc có nhiều hình thức lớn nhỏ khác nhau. Có tác phẩm đơn giản chỉ gồm 2 câu, mỗi câu 4 nhịp nhưng lại có tác phẩm đồ sộ gồm nhiều đoạn, nhiều chương, phải trình tấu trong thời gian hàng giờ. Trong phạm vi giáo trình này, chúng ta chỉ xem xét hai hình thức hay được sử dụng trong ca khúc phổ thông. 1. Hình thức một đoạn đơn là tác phẩm âm nhạc có cấu trúc một đoạn đơn gồm 2 câu cân phương (mỗi câu 8 nhịp) hoặc không cân phương. Câu 1 thường dừng ở bậc V (D, D7 hoặc d), câu 2 về bậc I (T, hoặc t). Các bài hát nhà trẻ mẫu giáo chủ yếu được viết ở hình thức này. + Đoạn 2 câu cân phương (tác phẩm) có thể vễ sơ đồ như sau: Câu 1 D7(d) Tác phẩm Câu 2 T (t) Ví dụ: - Hoà bình cho bé (Huy Trân) - Em đi qua ngã tư đường phố (Hoàng Văn Yến) - Chú bộ đội (Hoàng Hà) - Trời nắng trời mưa (Đặng Nhất Mai) 62
  63. + Đoạn 2 câu không cân phương (câu 2 được mở rộng, bổ sung cho kết): Câu 1 D7 (d) Tác phẩm Câu 2 T (t) Ví dụ: - Cá vàng bơi (Hà Hải) - Cùng múa hát mừng xuân (Hoàng Hà) - Em đi mẫu giáo (Dương Minh Viên) Ngoài ra còn có một số bài được viết ở hình thức một đoạn đơn 3 câu hoặc không phân câu. + Đoạn 3 câu: Câu 1 D7 (hoặc T,t) Tác phẩm Câu 2 D7 (hoặc T,t) Câu 3 T(t) Ví dụ : Múa với bạn Tây Nguyên (Phạm Tuyên); Cho con (Phạm Trọng Cầu) + Đoạn không phân câu: - Cùng múa vui (Xuân Giao) - Là con mèo (Mộng Lân) 2. Hình thức hai đoạn đơn là tác phẩm có cấu trúc hai đoạn, mỗi đoạn là một đoạn đơn 2 câu. Đoạn 1 là phần trình bày, đoạn 2 phát triển từ đoạn 1(tái hiện) hoặc tương phản với đoạn 1 (không tái hiện). Kết đoạn thường về chủ ở giọng điệu chính. Câu 1 D7 Đoạn A(trình bày) Câu 2 T(t) Tác Phẩm Câu 3 D7 Đoạn B(phát triển) Câu 4 T(t) Ví dụ + Hai đoạn đơn tái hiện: - Em là hoa hồng nhỏ (Trịnh Công Sơn) - Mẹ yêu con ( Nguyễn Văn Tý) 63
  64. - Khát vọng mùa xuân ( Mô Za) - Làng tôi (Văn Cao) + Hai đoạn đơn không tái hiện: - Chiếc đèn ông sao (Phạm Tuyên) - Ngày đầu tiên đi học (Nguyễn Ngọc Thiện). - Em yêu trường em (Hoàng Vân) - Tiến quân ca (Văn Cao) Câu hỏi 1. Thế nào là thể loại âm nhạc, hình thức âm nhạc? Cho ví dụ. 2. Thế nào là hình thức một đoạn đơn? Cho ví dụ. Vẽ sơ đồ hình thức một đoạn đơn cân phương, không cân phương. 3. Thế nào là hình thức hai đoạn đơn? Cho ví dụ. Vẽ sơ đồ hình thức hai đoạn đơn. 4. Thế nào là mô típ, tiết, câu, đoạn nhạc? Cho ví dụ. HƯỚNG DẪN TỰ HỌC Kiến thức cơ bản 1. Phân biệt khái niệm thể loại âm nhạc, hình thức âm nhạc. Các thể loại trong thanh nhạc. 2. Bài hát nhà trẻ mẫu giáo thuộc thể loại ca khúc thiếu nhi trong đó cũng bao gồm nhiều thể loại nhỏ. 3. Các bài hát trong chương trình nhà trẻ mẫu giáo được sắp xếp theo chủ đề nhưng trong cùng một chủ đề cũng có thể gồm nhiều thể loại. 4. Nắm nội dung, cấu trúc của bài hát nhằm chủ động chọn nội dung trọng tâm cho tiết dạy, cách tiến hành dạy hát, hát nâng cao; dạy vận động, biên đạo động tác, bài vận động; tổ chức trò chơi, cách di chuyển, rung lắc xắc xô, thay đổi đội hình Câu hỏi 1. Thế nào là thể loại âm nhạc, hình thức âm nhạc? Cho ví dụ. Gợi ý: - Giai điệu, tiết tấu, nhịp điệu, tính chất âm nhạc hoặc nội dung lời ca là những yếu tố cơ bản cấu thành tác phẩm âm nhạc. Mỗi thể loại thường có đặc điểm 64
  65. riêng, bởi vậy muốn nhận biết các thể loại chúng ta có thể nhìn bản nhạc (với người có hiểu biết âm nhạc); nghe nội dung, xem cách thể hiện tác phẩm - Hình thức âm nhạc chính là cấu trúc của tác phẩm, mỗi tác phẩm thường gồm các bộ phận: câu, đoạn Một bài hát dù ngắn gọn cũng có cấu trúc nhất định. Trước khi thực hiện bài hát (dạy hát, hát cho trẻ nghe, vận động bài hát ) đều phải nghiên cứu cấu trúc tác phẩm. 2. Thế nào là hình thức một đoạn đơn? Cho ví dụ. Vẽ sơ đồ hình thức một đoạn đơn cân phương, không cân phương. Gợi ý: - Hình thức một đoạn đơn là tác phẩm có cấu trúc một đoạn đơn gồm 2 câu nhạc (có khi 3 câu), đây là hình thức đơn giản, phù hợp nhất được áp dụng trong ca khúc nhà trẻ mẫu giáo. Một số bài hát được trẻ yêu thích cũng vì có cấu trúc ngắn gọn, được viết ở hình thức đoạn đơn cân phương, dễ nhớ, dễ thuộc như: “Múa cho mẹ xem” (Xuân Giao), “Chú bộ đội” (Hoàng Hà), “Mẹ yêu không nào” (Lê Xuân Thọ), “Cháu yêu bà” (Xuân Giao), “Em đi qua ngã tư đường phố” (Hoàng Văn Yến) - Hình thức một đoạn đơn còn được sử dụng để làm một bộ phận của tác phẩm lớn hơn nó (tác phẩm 2 đoạn, 3 đoạn ) - Đoạn đơn không cân phương tức đoạn gồm 2 câu dài ngắn khác nhau: “Gà trống, mèo con và cún con” (Thế Vinh), “Con gà trống” (Tân Huyền) 3. Thế nào là hình thức hai đoạn đơn? Cho ví dụ. Vẽ sơ đồ hình thức hai đoạn đơn. Gợi ý: - Hình thức 2 đoạn đơn là tác phẩm có cấu trúc 2 đoạn, mỗi đoạn là một đoạn đơn. - Thông thường giữa hai đoạn của một tác phẩm có sự đối tỷ về một số yếu tố như: âm vực đoạn 1 thấp, âm vực đoạn 2 cao; đoạn 1 có tính ngắt nẩy, khỏe khoắn thì đoạn 2 có tính liền giọng, du dương - Ngoài cách phân tích câu, có thể nhận biết đoạn thông qua âm chủ vì ở cuối đoạn bao giờ cũng là chủ âm. 4. Thế nào là mô típ, tiết, câu, đoạn nhạc? Cho ví dụ. Gợi ý: - Mô típ được coi như chất liệu chính để phát triển thành tác phẩm. Một tác phẩm có thể sử dụng nhiều mô típ khác nhau nhưng cũng có thể chỉ dùng 1 mô típ. 65
  66. - Tiết nhạc là một ý nhạc nhỏ có khuôn khổ khoảng 4 nhịp. Trong ca khúc, tiết nhạc được coi là một câu hát (sau đó phải lấy hơi, lời ca được 1 ý), trong múa và vận động thì mỗi động tác cũng tương ứng với 1 tiết nhạc. - Câu nhạc là một ý nhạc khá hoàn chỉnh, được hình thành từ các tiết nhạc. Tùy mục đích, ý đồ của người sáng tác mà có khi kết câu là âm bậc I, III, V. - Đoạn nhạc là một tư duy âm nhạc hoàn chỉnh, có thể đứng độc lập thành một tác phẩm hoặc một bộ phận của tác phẩm lớn. Kết đoạn là chủ âm nên có cảm giác đầy đủ, ổn định, thoải mái BÀI 2. PHÂN TÍCH BÀI HÁT Khác với một số loại hình nghệ thuật, các tác phẩm âm nhạc chứa đựng rất nhiềucác yếu tố: cấu trúc, nhịp điệu, giọng điệu, thang âm, tiết tấu, giai điệu, cao độ, trường độ, âm sắc, âm vực, lời ca, thủ pháp mỗi yếu tố lại bao hàm những khái niêm nhỏ, riêng lẻ. Để hiểu được ngôn ngữ, hình tượng trong bài hát, làm cơ sở cho việc dạy hát , nghe nhạc, vận động theo nhạc ở trường Mầm non được tốt, chung ta cần nghiên cứu một số yếu tố cơ bản ẩn chứa trong tác phẩm. I. Cấu trúc Khi chuẩn bị bài hát trước hết cần phải nghiên cứu về cấu trúc của bài (về hình thức âm nhạc). Bài hát viết cho lứa tuổi nhà trẻ mẫu giáo đều có cấu trúc đơn giản, phần lớn ở thể một đoạn đơn (như trên chúng tôi đã trình bày). Tuy nhiên, để hiểu một chính xác, toàn diện cho từng bài thì chung ta cần xem xét cụ thể. Ví dụ: Sắp đến tết rồi Câu 1: mô típ 1 (nhắc lại) G7(7át) 66
  67. tiết 1 (câu hát 1) tiết 2 (câu hát 2) Câu 2: mô típ 2 (nhắc lại) C (Chủ) tiết 3 (câu hát 3) tiết 4 (câu hát 4) Nhận xét: - Bài được viết ở giọng Cdur thể 1 đoạn đơn vuông vắn gồm hai câu không nhắc lại (a, b). Mỗi câu 8 nhịp, có hai tiết (4+4).Toàn bài sử dụng 2mô típ, câu một nhắc lại mô típ một ở đầu tiết2.Câu hai nhắc lại mô típ hai ở đầu tiết 4. - Câu 1 dừng ở nốt Son là âm chủ của hợp âm G7 (7 át ), câu 2 dừng ở nốt Đô, âm chủ của hợp âm 3 chủ Cdur. Đồng thời kết câu, kết bài (kết trọn). Giai điệu của bài tiến hành một cách bình ổn. Câu 1 có âm hình tiết tấu : mở đầu là những bước trùng. Việc nhảy quãng 4 đi xuống được nhắc lại nhiều lần (La - Mi) đã tạo cảm giác thoải mái, khoẻ khoắn cho câu hát. - Câu 2 âm hình tiết tấu: , đường nét giai điệu dưới đi lên liền bậc, ngược hướng với câu 1. Quãng chủ đạo của câu 2 là 5 Đúng (Đô - Son) càng làm cho giai điệu mạch lạc, dễ hát, dễ thuộc, phù hợp với đặc điểm lứa tuổi trẻ em. * Một số dạng cấu trúc được sử dung trong bài hát Nhà trẻ mẫu giáo: + Bài một đoạn, 2 câu: Mỗi câu 4 nhịp gồm: - Lời chào buổi sáng (Nguyễn Thị Nhung) - Búp bê (Mông Lợi Chung) - Chú mèo (Chu Minh) - Lái ô tô (Đoàn Phi) - Con cò cánh trắng (Xuân Giao) Câu một 4 nhịp, câu hai 8 nhịp gồm: - Gà trống mèo con và cún con (Thế Vinh) - Làm chú bộ đội (Hoàng Long) Mỗi câu 8 nhịp gồm: 67
  68. - Cháu yêu bà (Xuân Giao) - Một con vịt (Kim Duyên) - Vương trường mùa thu (Cao Minh Khanh) - Cho tôi đi làm mưa (Hoàng Hà) Câu một 8 nhịp, câu hai 12 nhịp gồm: - Cá vàng bơi (Hà Hải) - Cùng múa hát mừng xuân (Hoang Hà) - Em đi mẫu giáo (Dương Minh Viên) + Bài một đoạn, 3 câu: - Múa với bạn Tây Nguyên (Phạm Tuyên) - Cho con (Phạm Trọng Cầu) - Em đi chơi thuyền (Trần Kiết Tường) - Thật đáng chê (theo điệu Bắc kim thang) + Bài 2 đoạn, mỗi đoạn 2 câu: - Chiếc đèn ông sao (Phạm Tuyên) - Ngày đầu tiên đi học (Nguyễn Ngọc Thiện). - Em yêu trường em (Hoàng Vân) - Em là hoa hồng nhỏ (Trịnh Công Sơn) II. Nhịp điệu, giọng điệu 1. Nhịp điệu Trong âm nhạc, thuật ngữ nhịp điệu được hiểu là nhịp mấy? (2/4, 3/4 ) và gõ, nhún nhảy như thế nào, theo điệu gì? (disco, wal ). Như chúng ta đã biết, mỗi bài hát thường được viết ở một loại nhịp có cấu tạo, tiết nhịp, chu kỳ luật động khác nhau. Bởi vậy, khi hát chúng ta phải tạo nên một phong cách riêng cho từng loại nhịp. Sự thể hiện trọng âm bằng cách vỗ, gõ phát ra âm thanh hoặc được thể hiện bằng cơ thể như nhún nhảy, lắc lư, di chuyển cơ thể, bước đi theo tư thế nhảy múa thì gọi là điệu. - Nhịp 2/4 gồm 2 phách, mỗi phách là 1 nôt đen ( ). Phách thứ nhất mạnh, phách 2 nhẹ ( v - ), theo điệu Disco, Pop - Nhịp 3/4 gồm 3 phách, mỗi phách là 1 nôt đen. Phách thứ nhất mạnh, phách 2, 3 nhẹ ( v - - ), theo điệu Wal, Boston - Nhịp 4/4 gồm 4 phách, mỗi phách là 1 nôt đen. Phách thứ nhất mạnh, phách 2, 4 nhẹ, phách 3 mạnh vừa ( x - v - ), theo điệu Cha Cha Cha, Rum ba, 68
  69. Có khi trong một bài hát lại sử dụng hai loại nhịp (bài người lớn) nên khi trình diễn, người ta phải dùng hai loại điệu . Ví dụ: bài Tình ca Tây Bắc, Nhạc: Bùi Đức Hạnh, lời phỏng thơ Cẩm Giang). Đoạn một được viết ở nhịp 2/4, điệu Balas. Đoạn hai nhịp 3/4 , điệu Walxơ. Chúng ta có thể xem bài Thuyền và biển Nhạc: Phan Huỳnh Điểu, lời thơ: Xuân Quỳnh 2. Giọng điệu bao hàm hai yếu tố “giọng” cao hay thấp (âm chủ) và “điệu” trong sáng hay dịu êm (điệu thức). Bởi vậy, tên giọng nói một cách đầy đủ phải bao hàm hai yếu tố âm chủ và điệu thức: giọng La trưởng, giọng La thứ Có thể hiểu Giọng như “phần xác”, Điệu là “phần hồn” của một tác phẩm âm nhạc. Bởi vậy, khi nghe hoặc trình diễn một bài hát, chúng ta cần phải biết bài hát đó thuộc giọng điệu gì, tính chất trong sáng ngợi ca hay đằm thắm du dương. Bài hát cho trẻ mẫu giáo chủ yếu sử dụng giọng điệu Đô trưởng (Cdur), Sol trưởng (Gdur), Fa trưởng (Fdur). Một số bài dân ca hoặc ca khúc viết ở giọng điệu 5 âm có tính chất trong sáng nên khi đệm đàn, chúng ta cũng cò thể dùng các hợp âm chính theo nhạc 7 âm. III. Tiết tấu, thang âm 1. Tiết tấu Giai điệu của bài hát là sự nối tiếp của nhiều âm thanh, mỗi âm thanh gồm hai yếu tố cơ bản là cao độ và trường độ. Khi tập hợp một nhóm trường độ thì ta được một tiết tấu hay nói một cách khác tiết tấu là một tổ chức của trường độ. Ví dụ: Nhìn vào giai điệu bài “Vì sao con mèo rửa mặt” (Hoàng Long), chúng ta dễ nhận biết tiết tấu: đơn đơn đơn đen đen đơn đơn đơn đen đen tiết tấu tiết tấu (nhắc lại) Mỗi bài hát thường có một đường nét giai điệu riêng mang tính đặc trưng, bao gồm nhiều nhóm tiết tấu. Nếu nhóm tiết tấu được nhắc lại gọi là âm hình tiết tấu, không nhắc lại gọi là tiết tấu tự do. Tiết tấu đóng vai trò quan trọng trong việc 69
  70. khắc hoạ hình tượng và góp phần tạo nên tình cảm cho tác phẩm âm nhạc. Bài hát ở độ tuổi nhà trẻ mẫu giáo dùng nhiều loại tiết tấu nhưng với khuôn khổ giáo trình này, chúng tôi chỉ nêu mang tính liệt kê một số tiết tấu đơn giản hay được sử dụng nhất: 1. Tiết tấu chậm: Đọc là: đen đen đen lặng Trong bài: - Cháu yêu bà (Xuân Giao) - Con chuồn chuồn (Vũ Đình Lê) - Con gà trống (Tân Huyền) - Con chim non (Lý Trọng) - Là con mèo (Mộng Lân) - Búp bê (Mông Lợi Chung) - Cùng múa vui (Xuân Giao) 2. Tiết tấu nhanh: Đọc là: đơn đơn đơn đơn đen lặng Trong bài: - Sắp đến tết rồi (Hoàng Vân) - Lái ô tô (Đoàn Phi) - Quà mùng 8/3 (Hoàng Long) - Cháu vẫn nhớ trường Mầm non (Hoàng Văn Yến) 3. Tiết tấu hỗn hợp: Đọc là: đen đơn đơn đen lặng Trong bài: - Chú bộ đội (Hoàng Hà) - Nhớ ơn Bác (Phan Huỳnh Điểu) - Chào ngày mới (Hoàng Văn Yến) - Đôi dép (Hoàng Kim Định) - Múa với bạn Tây Nguyên (Phạm Tuyên) - Đêm pháo hoa (Phạm Tuyên) 4. Tiết tấu 2 nhanh, 2 chậm: Đọc là: đơn đơn đen đen lặng Trong bài: - Sắp đến tết rồi (Hoàng Vân) 5. Tiết tấu 2 nhanh, 1 chậm : Đọc là: đơn đơn đen 70
  71. Trong bài: - Vườn trường mùa thu (Cao Minh Khanh) - Thật là hay (Hoàng Lân) * Ngoài ra còn có loại tiết tấu tự do : (không có âm hình) Trong bài: - Anh trăng hoà bình ( Nhạc: Hồ Bắc, Lời: Mộng Lân) - Cò lả (Dân ca đồng bằng Bắc Bộ) - Đèn xanh đèn đỏ ( Nhạc: Lương Vĩnh, ý thơ: Lê Hội) - Em đi mẫu giáo (Dương Minh Viên) 2. Thang âm Như phần trên chúng tôi đã trình bày, thang âm (hay còn gọi là gam) là chất liệu để xây dựng nên tác phẩm âm nhạc. Âm nhạc dân gian Việt Nam sử dụng nhiều loại thang âm, tuỳ vào làn điệu. Làn điệu đơn giản hoang sơ dùng thang 3 âm, 4 âm, làn điệu mang tính truyền thống, bản sắc dùng thang 5 âm. Do sự giao thoa văn hoá giữa các vùng miền, các dân tộc và sự ảnh hưởng mạnh mẽ của âm nhạc Phương Tây mà xuất hiện những làn điệu sử dụng biến âm, giai điệu được mở rộng giàu sức biểu cảm thì dùng thang 6 âm, có làn điệu dùng gam 7 âm giống như ca khúc nhạc mới. Bài hát dùng cho độ tuổi nhà trẻ mẫu giáo gồm các loại: ca khúc dân ca, ca khúc chuyên nghiệp mang âm hưởng dân ca, ca khúc chuyên nghiệp nên cũng dùng nhiều loại thang âm: Thang 3 âm: Rê - Mi - Fa Ví dụ: Búp bê (Mông Lợi Chung) Thang 4 âm: Mi - Son - La - Rê Ví dụ: Ếch ộp (Văn Chung) Thang 5 âm: Đô - Rê - Fa - Son - La Ví dụ: Đường và chân (Nhạc: Hoàng Long, Lời: Xuân Tửu) Thang 6 âm: Son - La - Xi - Đô - Rê - Mi Ví dụ: Thật đáng chê (theo điệu Bắc kim thang) Thang 7 âm: Đô - Rê - Mi - Fa - Son - La - Xi Ví dụ: Trái đất này là của chúng mình (Nhạc: Trương Quang Lục, Lời: Đình Hải) Câu hỏi 1. Hiểu thế nào là nhịp, điệu? Nêu tác dụng của việc xác định nhịp, điệu bài hát. 2. Hiểu thế nào là giọng, điệu? Nêu tác dụng của việc xác định giọng, điệu bài hát. 71
  72. 3. Kể tên các loại nhịp điệu, giọng điệu sử dụng trong bài hát Nhà trẻ mẫu giáo, cho ví dụ. 4. Nhận xét về tiết tấu, thang âm được sử dụng trong bài hát Nhà trẻ mẫu giáo, cho ví dụ. Bài tập thực hành Phân tích các bài hát: - Cháu yêu bà (Xuân Giao) - Múa với bạn Tây Nguyên (Phạm Tuyên) - Cá vàng bơi (Hà Hải) - Cùng múa hát mừng xuân (Hoàng Hà) - Em đi chơi thuyền (Trần Kiết Tường) HƯỚNG DẪN TỰ HỌC Kiến thức cơ bản 1. Cấu trúc của bài hát có liên quan đến cách trình bày, cách dạy hát, cách tổ chức trò chơi và cách biên đạo động tác vận động của trẻ. Số tiết nhạc trong bài hát có liên quan đến số động tác trong bài vận động, bài múa và cách tiến hành dạy hát nâng cao cho trẻ 2. Nhịp điệu: Mỗi bài hát thường sử dụng một loại nhịp nhất định. Từ số chỉ nhịp người ta có thể xác định trọng âm, cách gõ phách, cách thể hiện nội dung tác phẩm và cũng từ đó mà chọn điệu (tiết tấu) cho phù hợp. 3. Tiết tấu là một tổ chức về trường độ (có thể 3, 4, 5, 6 nốt). Tiết tấu là yếu tố quan trọng góp phần tạo nên tình cảm, đặc điểm riêng của tác phẩm. Trước khi thực hiện tác phẩm (hát, đàn )chúng ta cần nhìn vào giai điệu và nhận biết tiết tấu (âm hình tiết tấu) của bài? 4.Thang âm còn gọi là gam có thể 5, 6 hoặc 7 âm là chất liệu để xây dựng nên tác phẩm âm nhạc, bài hát nhà trẻ mẫu giáo cũng không nằm trong ngoại lệ. Những bài mang âm hưởng dân ca lấy chất liệu từ thang 5 âm dân tộc: Đô cung, Đô thương, Xon cung, Xon thương Những bài lấy chất liệu từ thang 7 âm Châu Âu: Đô trưởng, Xon trưởng, Pha trưởng Câu hỏi 1. Hiểu thế nào là nhịp, điệu? Nêu tác dụng của việc xác định nhịp, điệu bài hát. Gợi ý: 72
  73. - Nhịp, điệu một trong những yếu tố quan trọng, là hơi thở, là sức sống của tác phẩm làm cuốn hút người nghe. - Các loại nhịp khác nhau tạo nên các điệu (tiết tấu) khác nhau. Bởi vậy, trước khi đàn hoặc hát một tác phẩm nào đó, người ta thường căn cứ vào loại nhịp để chọn điệu (tiết điệu) cho phù hợp. 2. Hiểu thế nào là giọng, điệu? Nêu tác dụng của việc xác định giọng, điệu bài hát. Gợi ý: - Giọng, điệu là yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định tính chất, màu sắc, tình cảm cho tác phẩm âm nhạc. - Giọng của tác phẩm có thể dịch lên hoặc xuống nhưng điệu (điệu tính) là yếu tố nhất quán, mặc định (trừ khi chuyển điệu). 3. Kể tên các loại nhịp điệu, giọng điệu sử dụng trong bài hát nhà trẻ mẫu giáo Gợi ý: - Nhịp điệu thường dùng: + 2/4 - điệu Disco, Macrh + 3/4 - điệu Waltz, Boston + 4/4 - điệu Rum ba, Cha cha cha - Giọng điệu thường dùng: + Giọng Đô – điệu thức trưởng (Cdur). + Giọng Rê – điệu thức trưởng (Ddur) + Giọng Sol – điệu thức trưởng (Gdur) - Các nhịp điệu 2/8, 2/2, 3/8, 6/8; các giọng điệu thứ như Rê thứ, Mi thứ ít dùng. 4. Nhận xét về tiết tấu, thang âm được sử dụng trong bài hát Nhà trẻ mẫu giáo Gợi ý: - Các loại tiết tấu được dùng trong bài hát nhà trẻ mẫu giáo thường đơn giản, dễ nhớ và phù hợp với khả năng âm nhạc của trẻ + + 73