Văn học dân gian Việt Nam (Phần 2) - Trần Tùng Chinh

pdf 59 trang ngocly 1310
Bạn đang xem 20 trang mẫu của tài liệu "Văn học dân gian Việt Nam (Phần 2) - Trần Tùng Chinh", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfvan_hoc_dan_gian_viet_nam_phan_2_tran_tung_chinh.pdf

Nội dung text: Văn học dân gian Việt Nam (Phần 2) - Trần Tùng Chinh

  1. CHƯƠNG 4: TỤC NGỮ VÀ CÂU ĐỐ Tục ngữ I.KHÁI NIỆM TỤC NGỮ: Tục ngữ là một trong những thể loại gần gũi và quen thuộc nhất của văn học dân gian Việt Nam. Tục ngữ gắn liền với đời sống của mỗi con người bởi nó chính là lời ăn tiếng nói thường ngày. Vậy tục ngữ là gì? Ông Chu Xuân Diên định nghĩa tục ngữ là những sáng tác dân gian ngắn gọn, có đơn vị là câu, nội dung ghi lại những điều quan sát về thiên nhiên con người và xã hội, những kinh nghiệm sống, những lời khuyên răn. Có thể coi tục ngữ là một thể loại triết lý dân gian. Cũng đồng nhất với ý kiến này, ông Đỗ Bình Trị nói tục ngữ là những câu (nói) chắc gọn, xuôi tai, diễn đạt những kinh nghiệm về thiên nhiên, về con người và về xã hội của nhân dân. Những sáng tác dân gian”nhỏ” nhất ấy (bằng một câu tục ngữ) kết tinh hầu như toàn bộ kho tàng kinh nghiệm đời sống, kinh nghiệm xã hội - lịch sử của nhân dân suốt mấy ngàn năm. Cụ thể hơn, Giáo trình ĐHSP(1978) cho rằng tục ngữ là câu nói thường ngắn gọn có vần hoặc không có vần, có nhịp điệu hoặc không có nhịp điệu, đúc kết kinh nghiệm sản xuất hay đấu tranh xã hội, rút ra một chân lý phổ biến, ghi lại một nhận xét về tâm lý, phong tục tập quán của nhân dân. Tục ngữ do nhân dân sáng tác và được toàn thể xã hội công nhận. Ta có thể liệt kê ra đây một loạt các ý kiến khác như "Một câu tục ngữ tự nó phải có một ý nghĩa đầy đủ, hoặc khuyên răn hoặc chỉ bảo điều gì" (Dương Quảng Hàm - Việt Nam Văn học sử yếu ); Tục ngữ là một câu tự nó diễn trọn một ý, một nhận xét, một luân lý, một công lý, có khi là một sự phê phán (Vũ Ngọc Phan - Tục ngữ ca dao dân ca ) Ông Hoàng Tiến Tựu cũng góp vào một định nghĩa, tục ngữ là một thể loại văn học dân gian có chức năng chủ yếu là đúc kết kinh nghiệm, tri thức, nêu lên những nhận xét dưới hình thức những câu nói ngắn gọn, súc tích, giàu vần điệu, hình ảnh, dễ nhớ, dễ truyền. Xét về chức năng ngữ pháp và nội dung ý nghĩa thì dù ngắn, mỗi câu tục ngữ đều diễn trọn một ý (một phán đoán). Và cuối cùng là ý kiến của ông Trần Hoàng (Giáo trình ĐH Huế):Tục ngữ là một loại sáng tác dân gian - một loại câu nói ngắn gọn, có cấu trúc tương đối bền vững và thường có vần, nhịp được dùng trong lời nói, trong sinh hoạt hàng ngày của nhân dân. Nội dung tục ngữ là những nhận xét phán đoán, những kinh nghiệm, kết luận của nhân dân về tự nhiên, lịch sử - xã hội và con người. Như vậy, các định nghĩa trên đã giới thuyết nội hàm khái niệm tục ngữ khá rõ ràng và đầy đủ. Theo chúng tôi, tục ngữ là lời ăn tiếng nói của dân gian, thường có dung lượng rất ngắn gọn, nội dung hàm súc mà ở đó, dân gian đã thể hiện trí tuệ sâu sắc và thâm thúy về những kinh nghiệm, triết lý về tất cả mọi lĩnh vực trong đời sống. Để hiểu rõ hơn thể loại này cũng cần đặt nó vào trong sự so
  2. sánh giữa thành ngữ và tục ngữ. Dù đã có rất nhiều công trình khoa học đi vào giải quyết vấn đề này nhưng kết quả vẫn chưa như mong muốn mà lý do chủ yếu là vì hầu hết đều thiên về cách nhìn nhận tục ngữ như là một hiện tượng ngôn ngữ hơn là một loại hình văn hóa dân gian độc lập, một hiện tượng ý thức xã hội. Ông Hoàng Trinh (Dẫn theo "Tìm hiểu thi pháp tục ngữ Việt Nam" - Phan Thị Đào), thậm chí còn khẳng định ngay cả một số nhà tục ngữ học đầu ngành cũng đã phải thừa nhận là không một định nghĩa nào có thể cho phép xác định rõ ràng như thế nào là một câu thành ngữ, tục ngữ. Rõ ràng có một hiện tượng là các công trình sưu tầm công phu về thể loại này đã xếp chung thành ngữ và tục ngữ thành "Tự điển thành ngữ - tục ngữ", hoặc giả tựa đề là Tục ngữ Việt Nam, nhưng nội dung bên trong lại nhập nhằng hai thể loại này. Xét về phương diện lý thuyết, không thể tách biệt rõ ràng, chính xác ranh giới giữa thành ngữ và tục ngữ. Bởi chúng có mối quan hệ thâm nhập, giao hòa và cách sử dụng linh hoạt ngoài thực tế. Còn xét về phương diện thực tế, có trường hợp, thành ngữ kết hợp với thành ngữ hoặc thành ngữ kết hợp với một số từ để tạo ra một câu tục ngữ. "Rồng đến nhà tôm" là một câu thành ngữ, nhưng "Mấy đời rồng đến nhà tôm" lại là một câu tục ngữ. Hay các câu sau đây đứng độc lập thì chúng tồn tại như những thành ngữ: Thuận buồm xuôi gió; Chén chú chén anh; Lên thác xuống ghềnh; Mày tao chi tớ. Nhưng khi kết hợp chúng lại với nhau thì nó lại là một câu tục ngữ rất thâm thúy và đặc sắc: Thuận buồm xuôi gió (thì) chén chú chén anh (còn khi) lên thác xuống ghềnh (là) mày tao chi tớ. Tóm lại, ta có thể dựa vào một số tiêu chí cụ thể như sau để phân biệt thành ngữ và tục ngữ. Về hình thức, thành ngữ thể hiện một cụm từ cố định, còn tục ngữ thể hiện bằng câu. Về nội dung, thành ngữ thể hiện khái niệm còn tục ngữ thể hiện một phán đoán. Về chức năng, thành ngữ có chức năng định danh trong khi tục ngữ có chức năng thông báo. II. NGUỒN GỐC VÀ BẢN CHẤT THỂ LOẠI CỦA TỤC NGỮ: 1. Nguồn gốc: Theo nội dung biểu hiện trong từng câu tục ngữ, có thể khái quát thành ba nguồn gốc hình thành tục ngữ. Đầu tiên, đại bộ phận tục ngữ được hình thành từ sự đúc rút kinh nghiệm trong đời sống lao động sản xuất và chiến đấu của nhân dân, từ trong cuộc sống thực tiễn của nhân dân. Ta có thể kể ra hàng loạt những câu tục ngữ như thế: Ăn kỹ no lâu cày sâu tốt lúa, Con trâu là đầu cơ nghiệp, Làm ruộng có năm chăn tằm có lúc, Tháng bảy heo may chuồn chuồn bay thì bão, Được mùa lúa uá mùa cau được mùa cau đau mùa lúa, Ăn một miếng tiếng một đời, Của như non ăn mòn cũng hết, Bà con vì tổ vì tiên không ai bà con vì tiền vì gạo, Trẻ cậy cha già cậy con, Măng không uốn uốn tre sao được, Miếng ngon nhớ lâu lời đau nhớ đời, Trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã tường Một số tục ngữ được rút ra từ các sáng tác dân gian khác (hay các sáng tác dân gian ra đời để minh họa cho câu tục ngữ?). Trường hợp này, ta có thể tìm thấy
  3. tựa đề của một số truyện dân gian là một câu tục ngữ hoặc kết thúc một truyện dân gian là một câu nói có vần có điệu đúc kết chân lý ở đời thông qua câu chuyện kể . Chẳng hạn như Cái kiến mày kiện củ khoai, Chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng, Tham thì thâm, Cứu vật trả ơn cứu nhân nhân trả oán, Của thiên trả địa, Bụng làm dạ chịu, Nợ như chúa chổm, Cha mẹ nuôi con biển trời lai láng con nuôi cha mẹ kể tháng kể ngày, Sự giàu mang đến dửng dưng- lọ là con mắt tráo trưng mới giàu, Con vợ khôn lấy thằng chồng dại- như bông hoa lài cắm bãi cứt trâu, To đầu mà dại bé dái mà khôn, Nói dối như cuội Ngoài ra, tục ngữ còn hình thành do con đường dân gian hóa những lời hay ý đẹp rút ra từ các tác phẩm văn học viết, những điển tích, điển cố; những lời nói bất hủ của các nhà tư tưởng, văn hóa, các nhà hoạt động nổi tiếng của các thời đại. Trường hợp này dù đã được dân gian hóa nhưng một số trong những câu nói ấy dường như vẫn chưa có một độ lùi lịch sử nhất định để đo độ bền sức sống của nó như một thể loại dân gian đích thực. Tuy nhiên, thực tế tồn tại của những câu nói này trong dân gian đã cho nó một đời sống diễn xướng như những câu tục ngữ do dân gian sáng tác. Thậm chí có trường hợp người dùng đưa vào những tình huống sinh động mà phù hợp của cuộc sống để khai thác tối đa tính chất triết lý của nó mà không hề biết, không hề quan tâm tác giả là ai. Tức là nó đã được dân gian hóa. Ta có Có tài mà cậy chi tài - Chữ tài liền với chữ tai một vần / Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ / Ngày vui ngắn chẳng tày gang/ Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau (Nguyễn Du); Còn bạc còn tiền còn đệ tử, hết cơm hết rượu hết ông tôi (Nguyễn Bỉnh Khiêm); Ví không có cảnh đông tàn, thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân / Sự vật vần xoay đà định sẵn, hết mưa là nắng hửng lên thôi / Không có gì quý hơn độc lập tự do / Vì lợi ích mười năm trồng cây, Vì lợi ích trăm năm trồng người (Hồ Chí Minh). Trong số những câu nói của danh nhân được dân gian hóa thành tục ngữ, chúng ta phải kể đến một số câu nói có nguồn gốc, xuất xứ từ nước ngoài, du nhập vào nước ta và được Việt hóa. Trường hợp này cũng khá phổ biến, đặc biệt là kho kinh sách Nho - Phật - Lão với những lời tầm chương trích cú. Ta có các câu như Ôn cố nhi tri tân (Ôn cũ biết mới), Nhân chi sơ tính bổn thiện, Lương y như từ mẫu (Thầy thuốc như mẹ hiền), Time is money (Thời giờ là vàng bạc) 2. Bản chất thể loại: Ở góc độ ngôn ngữ, tục ngữ là một hiện tượng ngôn ngữ đặc biệt: một cấu trúc ngôn ngữ hoàn chỉnh, hàm súc, ngắn gọn Ở góc độ xã hội, tục ngữ là một hiện tượng ý thức xã hội, là tư tưởng nằm trong hệ thống quan niệm của người xưa về cuộc sống. Ở góc độ nghệ thuật, tục ngữ là một đơn vị thông báo có tính nghệ thuật, là một dạng văn học đặc biệt - “văn học đúc kết kinh nghiệm” (Cao Huy Đỉnh). III. NỘI DUNG PHẢN ẢNH CỦA TỤC NGỮ: 1.Tục ngữ về lao động sản xuất: Tục ngữ, như đã nói, hình thành trong thực tiễn lao động, sản xuất của nhân dân. Tục ngữ biểu đạt những kinh nghiệm của con người về công việc lao động và các hiện tượng tự nhiên mà họ tích lũy được trong quá trình lao động sản
  4. xuất. Ở một nước nông nghiệp mà khoa học kỹ thuật còn rất thô sơ, công việc phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện tự nhiên - thời tiết, khí hậu như nước ta, những kinh nghiệm được đúc kết và truyền lại cho đời sau trở thành một trong những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Nó giúp cho nhân dân lao động trong cuộc đấu tranh sinh tồn với tự nhiên, trong lao động ở mọi lãnh vực ngành nghề phong phú khác nhau có thể tự tin hơn, đạt được hiệu quả thành công cao hơn, hạn chế những sai lầm không đáng có, là lời hướng dẫn đáng tin cậy mỗi khi người đời sau vấp phải khó khăn, trở ngại (thường thì sự thất bại bao giờ cũng để lại những bài học kinh nghiệm đáng quý). Đó là những câu tục ngữ dự báo thời tiết (nắng, mưa, gió, bão ) như Mau sao thì nắng vắng sao thì mưa / Tháng ba bà già chết cóng / Trăng quần thì hạn trăng tán thì mưa / Tháng bảy heo may chuồn chuồn bay thì bão ; những câu tục ngữ nói về những kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi như Làm ruộng ba năm không bằng chăn tằm một lứa / Cày ruộng tháng năm xem trăng rằm tháng tám, cày ruộng tháng mười, xem trăng mồng tám tháng tư / Gió đông là chồng lúa chiêm gió may gió bấc là duyên lúa mùa / Khoai ruộng lạ mạ ruộng quen Mặc dù phần lớn những câu tục ngữ dân gian chỉ mới dừng lại ở mức độ kinh nghiệm thực tiễn chứ chưa nâng lên thành những kiến thức khoa học hoàn chỉnh. nhưng trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể, những kinh nghiệm ấy, những tri thức ấy trở nên vô cùng quí báu. Sở dĩ tục ngữ về thời tiết, về lao động sản xuất chiếm một vị trí đáng kể là vì nước ta là một nước nông nghiệp. Nền nông nghiệp ấy đã tồn tại trong một thời gian lạc hậu thủ công thô sơ kéo dài. Nền sản xuất chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, vào thiên thời địa lợi là chính. Đó là mảnh đất màu mỡ cho tục ngữ mang nội dung này nảy sinh, tồn tại và phát triển. Ta có thể thấy mọi vấn đề liên quan đến lĩnh vực này trong tục ngữ. Nào là đặc tính các loại lúa (Lúa chiêm bóc vỏ, lúa mùa xỏ tay / Lúa chiêm đào sâu chôn chặt, lúa mùa vừa đặt vừa đi / Chiêm cập cời, mùa đợi nhau ); nào là kinh nghiệm làm mạ (cơm quanh rá, mạ quanh bờ ); nào là kinh nghiệm cày bừa (Nhai kỹ no lâu, cày sâu tốt lúa / Nhất cày ải, nhì rải phân ); rồi thì kinh nghiệm chăm bón (Người đẹp vì lụa, lúa tốt vì phân / Một lượt tát, một bát cơm ); rồi thì kinh nghiệm trồng các loại cây khác ( khoai ruộng lạ, mạ ruộng quen) Ngoài ra là kinh nghiệm một số ngành nghề khác chẳng hạn như kinh nghiệm đi lưới: Tôm đi chạng vạng, cá đi rạng đông; Kinh nghiệm nuôi tằm: Một nông tằm năm nong kén / Làm ruộng ăn cơm nằm , chăn tằm ăn cơm đứng ; Kinh nghiệm chọn giống gia súc: Lấy vợ xem bà vải, tậu trâu xem con nái đầu đàn / Gà đen chân trắng mẹ mắng cũng mua - Gà trắng chân chì mua chi giống ấy).vv và vv 2.Tục ngữ về các hiện tượng lịch sử, xã hội: Không chỉ đúc kết những kinh nghiệm về thời tiết, về lao động sản xuất, tục ngữ Việt Nam còn là một kho tàng về văn hóa, lịch sử dân tộc. Trong tục ngữ, ký ức về một thời lịch sử xa xôi của dân tộc ta được nhắc lại một cách vô cùng sinh động (Ăn lông, ở lỗ; Con dại cái mang; Chồng chung vợ chạ ). Tục ngữ còn ghi lại những hiện tượng, sự kiện lịch sử, những biến đổi về kinh tế, chính trị
  5. ảnh hưởng đến nhân dân và các nhân vật lịch sử (Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi / Cờ bay Sơn Đồng, ngựa lồng Chương Dương). Bên cạnh đó, tục ngữ phản ảnh đời sống của những giai cấp tầng lớp khác nhau trong xã hội phong kiến (Ngồi mát ăn bát vàng / Nhà giàu đứt tay bằng ăn mày đổ ruột / Con đóng khố, bố cởi truồng / Cá lớn nuốt cá bé / Con giun xéo lắm cũng quằn ). Qua đó, thể hiện rõ quan điểm tư tưởng tình cảm của nhân dân. Ở tục ngữ, chúng ta còn bắt gặp trong đó đời sống tinh thần phong phú của dân tộc ta. Một phần lớn tục ngữ phản ảnh phong tục, tập quán sinh hoạt của nhân dân các vùng quê khác nhau.(Phép vua thua lệ làng / Đất lề quê thói / Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp / Miếng trầu là đầu câu chuyện / Cha truyền con nối / Chuông làng nào làng ấy đánh, thánh làng nào làng ấy thờ / Chồng cô, vợ cậu, chồng dì, ba người ấy chết đều thì không tang ). 3. Tục ngữ về đạo đức truyền thống (Của nhân dân lao động): Tục ngữ Việt Nam luôn đề cao quí trọng giá trị của con người (Người ta là hoa của đất / Người sống đống vàng / Một mặt người hơn mười mặt của / Cứu một người hơn xây mười kiểng chùa ); đề cao giá trị của lao động, lao động sáng tạo để làm ra của cải vật chất và tinh thần cho xã hội (Người làm ra của của không làm ra người / Khen nết hay làm, ai khen nết hay ăn / Có làm thì mới có ăn ); đề cao những phẩm chất tốt đẹp của con người như cần cù, nhẫn nại, chung thủy, thật thà, lạc quan, nhân ái trong đối nhân xử thế (Có công mài sắt có ngày nên kim / Còn nước còn tát / Đói cho sạch, rách cho thơm / Chị ngã em nâng/ Lá lành đùm lá rách / Máu chảy ruột mềm / Môi hở răng lạnh / Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ / Thật thà là cha quỷ quái ). Tóm lại: Tục ngữ được ví như “túi khôn dân gian”, “kho báu của trí tuệ nhân dân”. Chức năng quan trọng và cơ bản nhất của tục ngữ là diễn đạt, truyền bá kinh nghiệm đời sống. Đề tài của tục ngữ rất rộng bao quát hầu như tất cả các lĩnh vực của thực tại. Có thể nói: ở đâu, lĩnh vực nào nhân dân có kinh nghiệm thì ở đó, lĩnh vực đó có tục ngữ. Trên đây chỉ là một số nội dung tiêu biểu, thiết nghĩ với một kho tàng tục ngữ hết sức đa dạng và phong phú, rộng lớn và sâu sắc, chúng ta cần tìm hiểu thêm để thấy được sự phản ánh rất đầy đủ của tục ngữ về những kinh nghiệm mà nhân dân đã đúc kết được trong đời sống. IV. ĐẶC ĐIỂM THI PHÁP: 1.Tính hàm súc (Lời ít ý nhiều, tiết kiệm ngôn ngữ tới mức tối đa) Những kinh nghiệm, trí tuệ, tư tưởng của dân gian được thể hiện trong những câu tục ngữ cô đúc. Mỗi câu tục ngữ thường rất ngắn gọn, hàm súc cô đọng, thậm chí tục ngữ còn có khuynh hướng rút gọn đến mức tối đa. Khuynh hướng rút gọn tiếp tục phát huy trong quá trình lưu truyền: Ví dụ: Nhất nước nhì phân tam cần, tứ giống lại được sử dụng phổ biến thành câu Nước, phân, cần, giống.
  6. Khảo sát kho tàng tục ngữ Việt Nam, ta thấy câu tục ngữ ngắn nhất chỉ có ba tiếng (May hơn khôn, Túng thì tính ) và câu dài nhất chỉ có hai dòng lục bát (Chuồn chuồn bay thấp thì mưa, bay cao thì nắng bay vừa thì râm). Vì tục ngữ ra đời và được sử dụng chủ yếu trong giao tiếp, trong lời ăn tiếng nói hằng ngày nên tính ứng dụng trong đời sống của nó rất cao. Thực ra, thể loại nào của văn học dân gian cũng có chức năng thực hành sinh hoạt cả nhưng trường hợp của thể loại tục ngữ đặc biệt ở chỗ nó cũng chính là lời ăn tiếng nói hàng ngày của nhân dân. Ngắn gọn để dễ nhớ, dễ lưu truyền. Ngắn gọn để kinh nghiệm truyền lại cho đời sau có thể có một đời sống lâu dài thậm chí vĩnh cửu trong lòng quần chúng nhân dân - những người không phải lúc nào cũng có điều kiện học hành chữ nghĩa đến nơi đến chốn nhưng vốn sống thì rất phong phú. Tục ngữ đã trở thành kho tàng trí tuệ của quần chúng mà ở đó làm sao trong một dung lượng nhỏ nhất nhưng nội dung được chuyển tải nhiều nhất đã trở thành một yêu cầu thử thách sự sáng tạo của thể loại độc đáo mà sâu sắc này. Vì vậy, ngắn gọn nhưng chứa đựng nhiều ý tưởng, tục ngữ đã giúp cho lời nói thêm sâu sắc, diễn đạt một cách tốt nhất những điều khó diễn đạt hoặc không thể diễn đạt thành lời. 2. Giàu hình ảnh hình tượng cụ thể: Tục ngữ sở dĩ ngắn gọn nhưng lại khơi gợi nhiều ý tưởng phong phú sâu sắc bởi tính cụ thể sống động của những hình ảnh quen thuộc. Những hình ảnh ấy được sử dụng để diễn đạt những kinh nghiệm có tính trừu tượng, khái quát. Nhờ thế, tục ngữ dễ đi vào trí nhớ của người nghe. Trong cách diễn đạt, tục ngữ thường sử dụng các biện pháp tu từ miêu tả - so sánh, ẩn dụ, nhân hóa (Đàn gãy tai trâu / Đũa mốc chòi mâm son / Vỏ quít dày móng tay nhọn / Kiến tha lâu đầy tổ ). Và bao giờ những hình ảnh đó cũng tạo ra sự liên tưởng tức thì đầy hiệu quả mà đôi khi cách nói thẳng vừa dài dòng, vừa khô khan, khó hiểu, khó nhớ. Cách nói giàu hình ảnh, hình tượng cụ thể như thế vừa gợi nghĩa vừa gợi cảm. Vì sử dụng hình ảnh nên tục ngữ hầu như ít diễn đạt một nghĩa (nghĩa đen, nghĩa thực) mà diễn đạt nhiều nghĩa (nghĩa đen - nghĩa bóng / nghĩa hẹp - nghĩa rộng/ nghĩa trực tiếp - gián tiếp/ nghĩa tường minh - nghĩa hàm ẩn theo cách nói của khoa ngôn ngữ học). Một số câu tục ngữ, người nói và người nghe đều muốn truyền đạt và tiếp nhận nghĩa bóng của nó mà thôi (Nồi da nấu thịt / Rút dây động rừng / Rau nào sâu ấy ). Sự phong phú về nét nghĩa nói lên tính chất tiềm ẩn về ngữ nghĩa của tục ngữ rất lớn. Nghĩa đen và nghĩa bóng của tục ngữ đem lại sự nhận thức vừa gần gũi, cụ thể vừa khái quát, sâu sắc. 3. Kết cấu ngữ pháp và quan hệ ngữ nghĩa trong tục ngữ: Nói đến kết cấu ngữ pháp của tục ngữ, các nhà nghiên cứu cũng có nhiều cách phân chia, chủ yếu là dựa vào cấu trúc ngữ pháp của câu để khảo sát. Vì vậy có câu tục ngữ tương đương với một câu đơn, có câu lại có cấu trúc của một câu ghép (hay còn được gọi là câu phức). Ở đây, cách phân chia sau sẽ đơn
  7. giản hóa kết cấu ngữ pháp của tục ngữ hơn. Dù có thể không phải là một cách phân chia tối ưu, nhưng lại là một cách tiếp cận khá bao quát các hình thức ngữ pháp phong phú của tục ngữ. Đó là các loại kết cấu theo vế câu: một vế, hai vế, ba vế trở lên Kết cấu một vế gần như là một câu đơn. Chẳng hạn như Con trâu là đầu cơ nghiệp / Người ta là hoa của đất / Lòng vả như lòng sung / Chơi dao có ngày đứt tay / Cái nết đánh chết cái đẹp / Không thầy đố mày làm nên / Trâu buộc ghét trâu ăn Bên cạnh đó là kết cấu hai vế, dạng kết cấu này chiếm đa số. Ví dụ như những câu tục ngữ Người tốt vì lụa, lúa tốt vì phân / Ăn trông nồi, ngồi trông hướng/ Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng/ Tấc đất tấc vàng/ Chạy buồm xem gió/ Buôn có bạn, bán có phường/ Cùng nghề đi tát, mạt nghề đi câu/ Thứ nhất cày nỏ, thứ nhì bỏ phân/ Cá không ăn muối cá thối, người không ăn lời người hư/ Mềm nắn rắn buông/ Đàn bà không biết nuôi heo đàn bà nhác, đàn ông không biết nuột lạt đàn ông hư Ít phổ biến hơn là kết cấu ba vế. Trường hợp này là các câu như Của làm ra để trên gác, của cờ bạc để ngoài sân, của phù vân để ngoài ngõ / Nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò/ Dạy đĩ vén xống, dạy ông cống vào tràng, dạy bà lang bốc thuốc/ Ba tháng biết lẫy, bẩy tháng biết bò, chín tháng lò dò chạy đi/ Gái một con trông mòn con mắt, gái hai con vú quặt đàng sau, gái ba con thì đâu ngồi đấy/ Hàm chó, vó ngựa, cựa gà, ngà voi Phong phú và đa dạng hơn là quan hệ ngữ nghĩa. Một loại quan hệ ngữ nghĩa rất phổ biến là sự thể hiện bằng những phán đoán khẳng định giản đơn: Người sống đống vàng / Tấc đất tấc vàng/ May hơn khôn / Nhiều tay thời vỗ nên bộp / Là lượt là vợ thông hai, nhễ nhại là vợ học trò / Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa / Chó chê mèo lắm lông / Tửu tam trà nhị / Ăn hết nhiều ở hết bao nhiêu / Cọc tìm trâu / Con gà tức nhau tiếng gáy / Cháy nhà mới ra mặt chuột Tuy nhiên, tạo thành một kho tàng kinh nghiệm đầy đặn hơn cả đó là nhờ dân gian đã khéo léo xây dựng các câu tục ngữ bằng cách suy luận dựa trên mối quan hệ giữa các vế. Quan hệ tương đồng: Đất lề, quê thói / Đường đi hay tối, nói dối hay cùng / Đầu gà má lợn / Ăn vóc học hay / Ăn cơm lừa thóc, ăn cóc bỏ gan / Trẻ cậy cha già cậy con / Lớn thuyền lớn sóng Quan hệ tương phản: Được mùa cau đau mùa lúa / Miệng nam mô, bụng bồ dao găm / Được làm vua, thua làm giặc / Tre già măng mọc / Khôn ba năm dại một giờ / Người ăn thì còn, con ăn thì mất / Đàn ông rộng miệng thì sang, đàn bà rộng miệng tan hoang cửa nhà Quan hệ điều kiện - nhân quả: Gieo gió gặt bão / Ở hiền gặp lành / Rút dây động rừng / Đời cha ăn mặn đời con khát nước / Chạy buồm xem gió / Có thực mới vực được đạo / Con dại cái mang / Trèo cao ngã đau / Nước chảy đá mòn
  8. Quan hệ so sánh: Cái răng cái tóc là góc con người / Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống / Một mặt người bằng mười mặt của / Một con sa bằng ba con đẻ / Miếng ăn là miếng nhục / Ăn cơm không rau như đánh nhau không có người gỡ / Đàn ông nông nổi giếng khơi, đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu / Người không học như ngọc không mài / Thương người như thể thương thân / Lễ Phật quanh năm không bằng ngày rằm tháng giêng / Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng Quan hệ phụ thuộc: Con sâu làm sầu nồi canh / Môi hở răng lạnh / Quạ tắm thì ráo sáo tắm thì mưa / Măng không uốn uốn tre sao được / Nhà sạch thì mát bát sạch thì ngon Quan hệ liệt kê: Thứ nhất phao câu, thứ nhì chéo cánh / Thứ nhất vợ dại trong nhà, thứ nhì nhà dột, thứ ba nợ đòi / Thứ nhất cày nỏ, thứ nhì bỏ phân / Nhất quỉ nhì ma, thứ ba học trò / Nhất nước nhì phân tam cần tứ giống ) 4. Vần nhịp và tính chất hòa đối trong tục ngữ: Phần lớn, tục ngữ Việt đều có vần. Vần chính là chất keo gắn liền các yếu tố ngôn từ trong tục ngữ làm thành những kết cấu vững chắc, bền vững làm cho tục ngữ dễ nhớ, dễ thuộc, dễ lưu truyền. Cách gieo vần trong tục ngữ rất phong phú đa dạng. Ta có vần liền (Hay khen hèn chê / Ăn vóc học hay / Cốc mò cò xơi / Ăn chắc mặc bền / Bút sa gà chết); vần cách ( Trẻ lên ba cả nhà học nói / Thứ nhất cày ải thứ nhì rải phân / Không thầy đố mày làm nên/ Khéo ăn thì no khéo co thì ấm ) Nhịp cũng là một yếu tố quyết định sự bền vững của tục ngữ. Nhịp xuất hiện trong đa số các trường hợp mà giữa các vế có số âm tiết đều nhau tạo nên sự đối xứng giữa các vế: (3/3 ; 2/2 ; 4/4). Nhịp càng giúp tục ngữ (đặc biệt là những câu không có vần) dễ nhớ, dễ truyền ( Ăn cây nào rào cây nấy / Người khôn của khó / Đời cha ăn mặn đời con khát nước ) Ngoài ra, cách cấu tạo cân đối hài hòa thể hiện dưới nhiều hình thức cụ thể khác nhau như đối thanh, đối ý, đối cân, đối lệch Chẳng hạn câu tục ngữ Mềm nắn rắn buông, ta thấy có hiện tượng đối thanh, mềm là thanh bằng, rắn là thanh trắc, nắn là thanh trắc, buông là thanh bằng; đối ý tức là nghĩa của mềm và rắn hoàn toàn trái ngược nhau; còn đối cân tức là câu tục ngữ này có hai vế, mỗi vế có hai âm tiết đều và rất cân đối. Còn câu Xấu như ma - vinh hoa cũng đẹp, ngoài đối thanh và đối ý ra, câu tục ngữ này là một dạng đối lệch - tức là hai vế không đều nhau. Câu đố I. KHÁI NIỆM CÂU ĐỐ: Câu đố là một thể loại độc đáo của văn học dân gian. Ở đó vừa có chất trí tuệ của ngụ ngôn, tục ngữ, vừa có chất trữ tình của ca dao dân ca, vừa có chất dí dỏm hài hước của truyện cười, vè Ông Chu Xuân Diên (SGK 10. T1) cho rằng câu đố là những sáng tác dân gian ngắn gọn, miêu tả sự vật bằng lời nói chệch (nói một đằng hiểu một nẻo). Một
  9. cách định nghĩa khác thay cách "nói chệch" bằng "nửa kín nửa hở" là của ông Đỗ Bình Trị (SGK 10 . T1 . Ban KHXH). Theo ông, câu đố là những câu (nói) vần vè, mô tả sự vật, hiện tượng quen thuộc một cách nửa kín nửa hở thành cái gì khác lạ để đánh đố người ta, đòi hỏi người ta đoán ra nó. Hay tác giả Trần Hoàng (ĐHSP Huế) cho đó là một loại sáng tác nghệ thuật dân gian ngắn gọn phản ánh các sự vật hiện tượng khách quan bằng một lối nói đặc biệt, lối nói chệch, lối nói gần với ẩn dụ. Cách "nói chệch" hay "nửa kín nửa hở" đó, theo ông Lê Chí Quế (ĐHSP H), được hình thành từ sự quan sát những nét tương đồng giữa các sự vật, giữa vật đố với vật được miêu tả, và đó chính là phương thức khám phá van phản ảnh các sự vật hiện tượng khách quan bằng những hình tượng nghệ thuật đặc biệt. Câu đố là hình thức sáng tác dân gian có chức năng miêu tả, phản ảnh đặc điểm của các sự vật hiện tượng trong tự nhiên và đời sống xã hội bằng phương pháp dấu tên và nghệ thuật ẩn dụ đặc biệt (hay phương pháp chuyển hóa – chuyển cái nọ thành cái kia) để thử tài suy đoán, kiểm tra sự hiểu biết và mua vui giải trí. Thật vậy, "câu đố vừa là nghệ thuật vừa là khoa học (khoa học thường thức dân gian), câu đố đem lại cho nhân dân một loại thức ăn tinh thần đặc biệt, vừa bổ ích vừa rất thú vị hấp dẫn" (Hoàng Tiến Tựu) II. BẢN CHẤT THỂ LOẠI – ĐẶC ĐIỂM CỦA CÂU ĐỐ: Câu đố và sinh hoạt đố – giải có nguồn gốc rất cổ xưa. Một số nhà nghiên cứu cho rằng sự ra đời của câu đố có liên quan tới tục kiêng kị trong lời nói và lối miêu tả sự vật không tên (hoặc thiếu tên) của con người thời cổ đại – dần dần sáng tác câu đố và sinh hoạt đố giải trở thành hình thức vui chơi, giải trí và rèn luyện trí lực của dân gian. Khi sáng tạo câu đố, người ta tìm ra đặc trưng và chức năng của từng đồ vật cá biệt và sau đó phản ánh thông qua sự so sánh, hình tượng hóa. Hoạt động đố giải là một quá trình chuyển hóa giữa tư duy logic và tư duy hình tượng. Chẳng hạn khi đố về việc sàng gạo, người đố quan sát về cái sàng, thấy có "hàng trăm cái lỗ", sau đó là những hạt gạo khi được sàng tạo nên sự liên tưởng rất hình tượng (có tính ẩn dụ) là "vô số trẻ con, đua nhau chạy tròn, chen nhau chui xuống". Như vậy, nhân dân thường quan sát những nét tương đồng giữa các sự vật, giữa vật đố (tức lời giải đố) với vật được miêu tả (câu đố). Những nét tương đồng ấy thể hiện mối quan hệ giữa con người và thế giới chung quanh. Nghệ thuật ẩn dụ phát sinh ngoài ý thức làm nghệ thuật của người xưa. Khả năng tạo ra hình tượng sẽ phụ thuộc vào những nét đặc điểm của vật được đố mà tác giả câu đố quan tâm nhiều nhất. Nhìn cây kéo, người Việt liên tưởng thân kéo như chiếc lá tre và tạo ra câu đố Vừa bằng lá tre, xum xoe đánh vật, nhưng người Nga lại chú ý đến hai mũi nhọn của kéo và cái chốt đinh ở giữa, thế là cũng đố cái kéo nhưng họ lại có câu Hai đầu nhọn ở giữa có đinh. Chính những sự quan tâm khác nhau đó khi quan sát sự vật và hiện tượng mà câu đố có những đặc điểm khác nhau.
  10. Có những câu đố nói lên chức năng của sự vật (Ví dụ Mười người thợ lo đỡ mọi bề (2 bàn tay) / Tay cầm bán nguyệt xênh xang - Làm tôi vì chúa sửa sang cõi bờ (Cái liềm) / Cả nhà có một bà hay la liếm (cái chổi) / Ngả thân cho thế gian nhờ, vừa êm vừa ấm lại ngờ bất trung (cái phản) ). Có những câu đố nói lên nguồn gốc của sự vật (Ví dụ Thân em xưa ở bụi tre, mùa đông xếp lại mùa hè mở ra (Quạt) / Cây xanh mà trồng đỗ xanh, Trồng đậu trồng hành lại thả lợn vô (Cái bánh chưng). Xuất hiện phổ biến hơn là những câu đố nói lên đặc điểm (hình dáng, kích thước, màu sắc, mùi vị, hoạt động ) của sự vật (Ví dụ như Sù sì da cóc / Trong bọc trứng gà, Bổ ra thơm phức cả nhà muốn ăn (quả mít) / Ngày búp đêm nở (Ngọn đèn) / Trong trắng ngoài xanh, đóng đanh ở giữa (Miếng trầu) / Bằng cái vung, vùng xuống ao, đào chẳng thấy, lấy chẳng được (Mặt trăng) / Vừa bằng hột lạc, trong nạc ngoài xương (Con ốc vặn) / Bằng lá tre, ngo ngoe dưới nước (con đỉa) / Chân đen mình trắng, đứng nắng giữa đồng (Con cò) / Thân dài, lưỡi trắng là ta, Không đầu không cẳng đố là cái chi? (cái gầu sòng) / Cha mẹ gai mà đẻ con trọc, cha mẹ trọc mà đẻ con gai (Cây bưởi và cây mít) III. ĐỀ TÀI & NỘI DUNG Ý NGHĨA: 1. Đề tài: Không có gì lạ khi đề tài câu đố vô cùng rộng lớn, phong phú, bởi lẽ sự quan sát, khám phá thế giới tự nhiên và xã hội chung quanh con người là khôn cùng. Đó là nhu cầu của cuộc sống liên quan đến kinh tế , văn hóa, xã hội. Nó thể hiện mối quan hệ khăng khít của con người với môi trường sống của mình. Vì vậy, nói đến đề tài câu đố ta có thể kể ra hàng loạt đề tài quen thuộc và gần gũi. Đó là các hiện tượng trong thiên nhiên, vũ trụ (mặt trăng, mặt trời, sao, mưa, gió, sấm chớp, núi, sông, biển ). Ví dụ như Tròn như đỉa, xỉa xuống ao, Một trăm cái thuổng mà đào chẳng lên (mặt trăng) / Thuở bé em có hai sừng, Đến tuổi nửa chừng mặt đẹp như hoa, Ngoài hai mươi tuổi sắp già, Rồi thì em lại mọc ra hai sừng (Trăng non, trăng tròn và trăng già) / Quê em thì ở thôn Đông, Em đi lấy chồng trên thượng thôn Tây, sáng chiều lên xuống hàng ngày, Nhìn em ai cũng cau mày nhăn nheo (Mặt trời) / Một mẹ sinh được vạn con, Rạng ngày chết hết chỉ còn một cha, Mặt mẹ như hương như hoa, Mặt cha nhăn nhó chẳng ma nào nhìn (Sao, mặt trăng và mặt trời) / Cây cao nghìn trượng, lá rụng tứ tung, nấu thì được, nướng thì không (hạt mưa) Đó là các loại sinh vật (bao gồm cả động vật và thực vật như trâu, bò, ngựa, chó, mèo, gà, cá, cua, tôm, ốc, ếch, đỉa, tằm, nhộng, nhện, ruồi, muỗi Lúa, ngô, khoai, rau muống, chuối, mít, cau, dừa, tre, bưởi, ổi, chanh, cà, ớt ) thường quen thuộc, gần gũi, dễ nhận biết. Ta có thể đọc lên hàng loạt câu đố thuộc đề tài này như Không bào mà nhăn (Cây chuối) / Hai gươm tám giáo, mặc áo da bò, thập thò miệng lỗ (Con cua) / Cây lăn tăn dễ ăn khó trèo (cây lúa) / Thân em bé nhỏ tí ti, Em có tí lửa cực kỳ sáng ghê, Trẻ em chẳng đứa nào chê, Chúng bắt em về bỏ lọ mà chơi (Đom đóm) / Mẹ gai góc con trọc đầu (quả bưởi) / Đầu rồng đuôi phượng le te, Mùa xuân ấp trứng mùa hè nở hoa (cây
  11. cau) / Sù sì da cóc, trong bọc trứng gà, bổ ra thơm phức cả nhà muốn ăn (Quả mít) / Vừa bằng hạt đỗ, ăn cỗ với vua (con ruồi) Đó là các đồ dùng và phương tiện do con người tạo ra, bao gồm những đồ dùng trong nhà, đồ dùng học tập, công cụ lao động (như cày, bừa, cuốc, rựa, liềm, hái, gầu sòng, khung cửi, kéo, kim, cối xay lúa, cối giã gạo, bát đĩa, dao thớt, chiếu, võng, đèn, chổi, lược, quạt, nón, tơi ). Có thể là cái cày: Đi lè lưỡi về lè lưỡi / Cái cối xay: Ở nhà có một bà hay khóc / Cái đòn gánh và hai thùng nước: Ở giữa cầu, hai đầu hai giếng / Có thể là cái võng: Trong nhà có một bà hai đầu / Cái chày giã gạo: Không ăn mà mổ cuống mổ cuồng, Đục lấy cái chuồng nhốt lấy cái đuôi / Con dao: Có con mà chẳng có cha, có lưỡi không miệng đó là vật chi? Đó là con người và hoạt động của con người. Khi đố về con người, dân gian hay tập trung đố những bộ phận trên cơ thể người (mặt, mắt, mũi, miệng, hàm răng, đôi bàn tay, ồng chân, bàn chân ). Đề tài này tạo ra nhiều câu đố thú vị như Lưng đàng trước bụng đàng sau, Con mắt ở dưới, cái đầu ở trên (cẳng) / Đi nằm, đứng nằm, ngồi nằm, nằm thì ngồi (bàn chân) / Hai cô mà ở hai phòng, Ngày thì mở cửa ra đông, Đêm thì đóng cửa lấp chông ra ngoài (mắt) / Một cây mà có năm cành, Ngâm nước thì héo để dành thì tươi (Bàn tay) / Đố anh chi sắc hơn dao, Chi sâu hơn bể, chi cao hơn trời (Mắt, lòng người và trán) Bên cạnh đó, câu đố dân gian còn hướng đến những hoạt động của con người như sinh hoạt, học tập, lao động (đồng áng, trồng trọt, chăn nuôi, thủ công với muôn vàn công việc phong phú như nhổ mạ, cấy lúa, tát nước, trục lúa, kéo vó, móc cua, chăn vịt, ươm tơ, dệt vải, xẻ gỗ, rèn sắt, xay lúa, giã gạo, ăn cơm, hút thuốc, nhai trầu, xâu kim, cho con bú ). Đề tài này đã nói lên rất rõ ràng tác giả của nó không ai khác hơn là quần chúng nhân dân lao động - đặc biệt là người lao động chân tay. Ta có các câu đố như Một trăm tấm ván, một vạn thằng quân, thằng nào cởi trần, đều lăn xuống hố (Sàng gạo) / Con ai hai đứa hai nơi, Gặp nhau một chỗ, cùng chơi một phòng, Không may nhà sập đá chồng, tan xương nát thịt máu hồng chứa chan (Ăn trầu) / Nghênh ngang cờ phất bốn bề, ngày thì tập trận, tối về điểm quân (Chăn vịt) / Đập đập trói trói, nhịn đói một ngày, Ngàymai đi đày, đặt cho tên khác (Nhổ mạ và cấy) / Năm ông cầm hai cái sào, Đuổi đàn cò trắng bay vào trong hang (Ăn cơm) / Ba ngày lặn xuống thủy cung, Tắm mát vẫy vùng rồi lên thượng gian, Lên rồi phủ lá vây màn, Khi mô đầu bạc lại toan ra ngoài (ngâm giống) Khi tư duy về các sự vật hiện tượng để sáng tác câu đố, các tác giả dân gian thường thiên về các sự vật hiện tượng cụ thể, hầu như ít có những câu đố về những khái niệm trừu tượng (như đạo đức, tôn giáo, luân lý, nhân sinh quan, thế giới quan ). Điều này cũng dễ hiểu bởi những yếu tố trực quan sinh động bao giờ cũng tác động mạnh hơn vào tư duy con người. Những câu đố các sự vật cụ thể sẽ hướng đến đối tượng người giải đố một cách rộng rãi hơn vì nó thật sự phù hợp với cách cảm, cách nghĩ của mọi người. Đó cũng là do tính tập thể của đông đảo quần chúng nhân dân quy định.
  12. 2. Nội dung ý nghĩa: Những tưởng câu đố là một thể loại mà chức năng chính của nó chỉ là giải trí, mua vui. Thật sự thì không hẳn như vậy. Câu đố tập hợp ở đó rất nhiều ý nghĩa. Trước hết là ý nghĩa khoa học thường thức. Câu đố thể hiện những tri thức thực tiễn của nhân dân rút ra trong quá trình tiếp xúc và quan sát các sự vật hiện tượng trong thế giới khách quan. Nội dung các câu đố hầu hết đều xoay quanh đời sống nông thôn. Qua câu đố, ta thấy hiện lên môi trường sống của người nông dân, đó là một cuộc sống giản dị mộc mạc của những con người gắn bó với ruộng đồng. Dù không thể sánh bằng ca dao, tục ngữ nhưng câu đố, ở một bộ phận nào đó, tồn tại những ý nghĩa xã hội không kém phần sâu sắc. Nấp dưới cái vỏ là một vật đố, dân gian đã khéo léo lồng ghép những ẩn ý sâu xa về xã hội, về những mâu thuẫn giai cấp, phân biệt giàu nghèo. Ở những câu đố đề cập đến những vấn đề nhạy cảm này của dân gian, nó đã tạo ra khá nhiều lớp nghĩa thâm thúy và đôi khi còn gởi gắm cả thái độ phê phán quyết liệt của dân gian. Ta đọc các câu sau sẽ nhận ra điều vừa nói: * Bộ tịch quan anh xấu lạ lùng Khom lưng uốn gối cả đời cong Lưỡi to ra sức mà ăn khoét Cái kiếp theo đuôi, có thẹn không ( Cái cày) * Một lũ ăn mày, một lũ quan Quanh đi quẩn lại, cũng một đoàn Đêm khuya gió lọt đèn thì tắt Hết cả ăn mày, hết cả quan ( Cái đèn kéo quân) * Không vay mà trả ( Thuế) Cảm hứng phê phán trong câu đố đã lạ. Cảm hứng trữ tình đằm thắm ngọt ngào làm cho ranh giới giữa câu đố và ca dao dường như bị xóa nhòa. Về mặt này , ta có những câu đố ngợi ca người lao động với những phẩm chất tốt đẹp, tấm lòng nhân ái, thủy chung. Câu đố, thậm chí, còn cất tiếng bênh vực cho thân phận người phụ nữ. * Trên vì nước dưới vì nhà Người dù không biết trời đà biết cho (Cái máng nước) * Nắng ba năm ta không bỏ bạn Mưa một ngày bạn lại bỏ ta.( Cái bóng) * Xưa kia em trắng như ngà Vì chàng quân tử em đà nên thâm Trách ai mang tính vô tâm Chàng đánh, chàng đập, chàng lại còn nằm với em ( Chiếc chiếu) Vì vậy trong câu đố, dân gian đã để lại những triết lý nhân sinh sâu sắc, những cách sống, cách đối nhân xử thế ở đời. Câu đố sau đây dưới hình thức đối đáp với chất triết lý vừa bình dị vừa sâu lắng - thứ triết lý của tấm lòng, của trái tim. Trong trăm thứ dầu, dầu chi không ai thắp? Trong trăm thứ bắp, bắp chi không ai rang? Trong trăm thứ than, than chi không ai quạt?
  13. Trong trăm thứ bạc, bạc chi không ai tiêu? Trai nam nhi đối đặng, gái mỹ miều xin theo (Và câu đố này còn lưu truyền cả câu giải đáp cũng rất độc đáo: Trong trăm thứ dầu, có mưa gió dãi dầu là dầu không thắp. Trong trăm thứ bắp, có bắp mồm bắp miệng là bắp không rang. Trong trăm thứ than, có than thở thở than là than không quạt, Trong trăm thứ bạc, bạc tình bạc nghĩa là bạc không tiêu). IV. ĐẶC ĐIỂM THI PHÁP: 1.Cấu trúc của câu đố: Nhìn từ hình thức, có thể dễ dàng nhận thấy câu đố có những hình thức cấu trúc giống như một câu tục ngữ (bởi tính chất ngắn gọn), như một câu ca dao (bởi vần, điệu hòa hợp), như một bài thơ luật Đường của văn học viết. Và trong mỗi hình thức mà câu đố sử dụng, câu đố cũng phát huy hết tất cả sự nhịp nhàng, vần điệu, cân đối của hình thức thể loại đó. Ta thử khảo sát một vài hình thức cấu trúc câu đố như đã nói. Trước hết là cấu trúc theo kiểu tục ngữ (Từ, thanh, vần, điệu, đôi khi sử dụng đối). Ví dụ các câu đố sau:  Không khều mà rụng (mưa)  Chợ đông không ai bán (trường học)  Con đóng khố, bố cởi truồng (măng, tre)  Bằng con bò nằm co giữa ruộng (gò đất)  Cả nhà có một bà hay la liếm (chổi)  Anh lớn mặc áo đỏ, em nhỏ mặc áo xanh (ớt)  Bằng cái vung, vùng xuốg ao Đào không thấy, lấy không được (mặt trăng) Kế đến là cấu trúc theo kiểu ca dao: dùng các thể thơ quen thuộc của ca dao với vần điệu trữ tình (thể thơ ba chữ, bốn chữ, năm chữ, thể thơ lục bát).  Đầu tròn trùng trục – Đuôi dài lê thê Khắp chợ cùng quê – ai ai cũng có (gáo dừa)  Năm ông cầm hai cái sào Đuổi đàn cò trắng bay vào trong hang (ăn cơm)  Chiếc thuyền nho nhỏ – mũi đỏ như son Chèo ra giữa biển nước non dầm dề Nghênh ngang cờ phất bốn bề Ngày thời tập trận, tối về điểm quân (chăn vịt) Hay cấu trúc theo kiểu thơ văn học viết (Đường luật: thất ngôn tứ tuyệt, thất ngôn bát cú). Ví dụ các câu đố sau:  Cái dạng quan anh xấu lạ lùng Khom lưng uốn gối cả đời cong Lưỡi to ra sức mà ăn khoét Cái kiếp theo đuôi có thẹn không? (Cái cày)  Hai chân sòng sõng đứng bằng nhau Một cẳng dài nguyên nhúc nhích đầu
  14. Một cẳng đứng yên không động đậy Một tay lơ lửng thúc mau mau (Tát nước gàu sòng) Tuy nhiên, dù có cấu trúc theo kiểu nào, câu đố vẫn mang tính chất đối thoại (giữa người đố và người được đố). Vì vậy, người sáng tác ra câu đố luôn luôn phải chú ý đến người nghe để đặt ra những câu đố hay, độc đáo nhằm tạo hứng thú, hấp dẫn cho hoạt động đố giải. 2. Miêu tả trong câu đố: Để hoạt động đố - giải diễn ra lý thú và hiệu quả, quá trình quan sát sự vật hiện tượng trong đời sống luôn luôn đi kèm với thao tác lựa chọn và mô tả (hay miêu tả) theo kiểu nói đặc biệt của câu đố. Ta có thể quy các biện pháp miêu tả trong câu đố thành hai loại chính. Đó là miêu tả trực tiếp và miêu tả gián tiếp. Miêu tả trực tiếp là miêu tả những đặc điểm vốn có của sự vật (như hình dáng, màu sắc, tính chất). Chẳng hạn khi đố về cây rau sam, tác giả dân gian đã mô tả như sau: Lá xanh cành đỏ hoa vàng, Hạt đen rễ trắng, đố chàng cây chi? Hay đố về con đỉa, con cò, sự miêu tả sau thể hiện sự quan sát kỹ lưỡng đối tượng được đố: Vừa bằng lá tre, ngo ngoe dưới nước (đỉa) và Chân đen mình trắng, đứng nắng giữa đồng (con cò). Lối miêu tả này giúp người nghe tái hiện lại sự vật, hiện tượng được đố. Và khi sự tái hiện đó tương đồng với khả năng miêu tả - hệ quả của sự quan sát thì lời giải đúng sẽ bật ra đầy thú vị. Mối giao cảm giữa người đố và người được đố trở nên gần gũi và đồng cảm hơn. Miêu tả gián tiếp tức là bằng cách liên tưởng đến một đối tượng khác đôi khi chẳng ăn nhập gì đến đối tượng được đem đi đố nhưng kỳ thực là có một mối liên quan gần gũi và thú vị ít ai ngờ. Dạng câu đố này không chỉ thách thức trí tuệ của người được đố mà còn khơi gợi sự liên tưởng, trí tưởng tượng bay bổng, kích thích không chỉ tư duy mà còn là cảm xúc, tình cảm khi sự liên tưởng đó gắn với môi trường sống, môi trường văn hóa của mỗi con người (đó là cái nhìn có tình đối với tạo vật của những người lao động). Bằng cách này câu đố đã góp phần bồi đắp tình yêu và lòng tự hào của mỗi con người về quê hương đất nước mình. Trong trường hợp miêu tả gián tiếp này, nghệ thuật ẩn dụ, nghệ thuật chuyển hóa đối tượng được phát huy một cách tối đa, sáng tạo và rất hiệu quả. Khi người đố và người nghe đố đã trùng "trường liên tưởng" thì ý nghĩa và chức năng mà câu đố mang lại hơn chúng ta tưởng rất nhiều. Cụ thể là với một vật đố, dân gian lại nhân cách hóa, tức là chuyển nó thành con người với những hình dáng, hoạt động, suy nghĩ ứng xử như con người. Trường hợp này, đôi khi đại từ nhân xưng được khai thác tối đa để tạo sự nhập tâm. Chẳng hạn như cây chổi, đôi đũa cả, cái võng trở thành người đàn bà (Trong nhà có một bà hay la liếm / Trong nhà có bà ăn cơm trước / Trong nhà có một bà hai đầu ). Hay lời tự bạch của một chiếc chiếu, một cây quạt - cũng đồng thời là lời của một người con gái (Xưa kia em trắng như ngà, vì chàng quân tử em đà nên thâm. Trách ai mang tính vô tâm, chàng đánh, chàng đập, chàng còn nằm với em / Thân em xưa ở bụi tre, mùa đông xếp lại mùa hè mở ra ). Ngược lại khi đố về con người, những bộ phận trên cơ thể người hoặc những hoạt động của con người, tác giả câu đố lại cố tình chuyển thành con vật, đồ vật hay những hiện tượng này bị chuyển hóa thành những hiện tượng khác. Chẳng hạn Đố anh chi sắc hơn dao
  15. (Mắt) chi sâu hơn bể (lòng người) chi cao hơn trời (trán). Hay chuyện ăn trầu bình thường lại thành chuyện sập nhà chết người đầy bất thường (Con ai hai đứa hai nơi, Gặp nhau một chỗ cùng chơi một phòng, Không may nhà sập đá chồng, Tan xương nát thịt máu hồng chứa chan ) Nghệ thuật ẩn dụ, chuyển hóa trong câu đố đã tạo thành một thế giới đặc biệt trong câu đố. Nhìn tổng thể thì đó là một thế giới lạ lùng, có phần kỳ dị (vì là kết quả của sự liên tưởng, tưởng tượng ở mức độ cao), thậm chí quái đản - chẳng những không hề có trong thế giới hiện thực mà cũng hiếm thấy ngay cả trong thế giới cổ tích. Thế nhưng từng bộ phận hợp thành thế giới ấy thì lại là sản phẩm hoàn toàn đậm đặc chất hiện thực. Ví dụ ẩn dụ và chuyển hóa hình ảnh vật đố là cái bánh chưng, nhìn tổng thể, tác giả câu đố tạo thành một không gian rắc rối như một mê cung: Một thửa đất vuông, bốn phía xây thành, xung quanh trồng chuối, giữa tỉa đậu trồng hành, ngoài thành trồng giang. Hoặc chuyện sàng gạo thì là Một trăm tấm ván, một vạn thằng dân, Thằng nào cởi trần, thằng ấy chui lọt. Còn cái đèn đĩa lại là Sông cạn nước vàng, con rắn nằm ngang, lấy sào mà chọc, nó ngóc đầu lên 3. Nghệ thuật dùng từ trong câu đố: Do những cách miêu tả như đã trình bày ở trên, ngôn ngữ câu đố có những đặc điểm rất nổi bật. Đó là tính chất cô đúc và gợi hình, gợi cảm. Câu đố phải gọn ghẽ như thể một đề bài toán đố. Vì vậy tính chính xác của ngôn ngữ cộng với không gian ngôn ngữ tiết kiệm tới mức tối đa là những yêu cầu hết sức nghiêm nhặt. Phải vừa đủ, không thiếu không thừa thì cách nói "nửa kín, nửa hở", "nói chệch" của câu đố mới phát huy tác dụng của nó. Tín hiệu ngôn ngữ để cho người nghe có thể đoán ra một cách không phải dễ dàng đòi hỏi những cách sử dụng ngôn ngữ có một yêu cầu nghệ thuật riêng (không giống như các thể loại văn học dân gian văn vần cũng như văn xuôi khác). Ta có thể kể ra một số biện pháp ngôn ngữ phổ biến trong câu đố như sau: Nổi bật nhất là cách dùng từ hình ảnh (ẩn dụ, nhân hóa, liên tưởng chuyển hóa đối tượng). Những nghệ thuật vừa nêu tạo thành một thế giới từ ngữ trong câu đố đậm đặc và giàu có những hình ảnh phong phú gợi hình, gợi cảm. Từ đàn cò trắng phau / đầu rồng đuôi phượng đến Lá xanh cành đỏ hoa vàng / Trong trắng ngoài xanh đóng đanh ở giữa Rồi nào là lá tre xum xoe đánh vật / mẹ gai góc, con trọc đầu / Bằng cái vung, vùng xuống ao / Giữa cầu hai đầu giếng Câu đố cũng phát huy tối đa cách dùng từ đồng âm ( tức là vật đố cùng tên với vật được đố)  Có mái mà không có trống (mái nhà)  Trùng trục như con bò thui, Chín mắt chín mũi chín đuôi chín đầu (bò thui) Cách chơi chữ:  Nửa làm mứt nửa nấu canh Đến khi mất sắc theo anh học trò (quả bí và hòn bi) Nói đến chuyện xâu kim, ở đây, nghệ thuật chơi chữ đã kết hợp nhuần nhuyễn với nghệ thuật nhân hóa và nâng cao sự liên tưởng từ tính đa nghĩa của từ ngữ.
  16. Văn cho thông lọt qua cửa ải Văn không thông trở lại mất đầu (Xâu Kim) Ông Đỗ Bình Trị phân tích, từ văn là vấn, là xe nhưng cũng có nghĩa là chữ nghĩa, giấy tờ. Thông là xỏ qua được nhưng còn có nghĩa là thông hiểu. Cửa ải là đồn biên phòng đi kèm nghĩa bóng là trôn kim. Mất đầu khá thú vị, nó nói lên một sự liên tưởng là khi xỏ kim không qua được, đầu sợi chỉ sẽ bị tòe ra, người xỏ phải cắn lại đầu sợi chỉ cho ngay ngắn để xỏ lại. Người đố đã lợi dụng tính đa nghĩa của ngôn ngữ để chơi chữ thật độc đáo và thú vị. Bởi lẽ nó hướng người nghe đến một sự liên tưởng khác là: Giấy tờ hợp lệ, lời lẽ rõ ràng, thì qua cửa ải suôn sẻ; giấy tờ không hợp, lời lẽ không rõ, thì bị đuổi trở lại và bị chết chém. Câu đố gợi đến tình cảnh người có tội muốn trốn qua quan ải. Cách nói lái cũng tạo ra những câu đố ngộ nghĩnh, thú vị: Đục rồi cất, cất rồi đục (cục đất) / Khi đi cưa ngọn, khi về cưa ngọn (con ngựa). Ngoài ra, một bộ phận câu đố dùng ngôn ngữ Đố tục giảng thanh. Để tạo nên tính chất sống động, câu đố thừa nhận thủ pháp này một cách hồn nhiên: "Đố thô giảng thanh, miệng chào anh, hai tay nâng đít". Vật được đố là thanh nhưng ngôn ngữ để tạo sự liên tưởng lại là ngôn ngữ tục (tức nói đến sinh thực khí và hoạt động tính giao hoặc nói đến cơ quan bài tiết, hoạt động bài tiết). Khi trí tưởng tượng hướng theo lĩnh vực này thì sự vật hiện tượng nào cũng có thể được tư duy bằng ngôn ngữ tục nhằm mô tả "việc ấy", "chuyện ấy". Tuy nhiên không thể coi đó là một xu hướng liên tưởng lành mạnh - nhất là đối với trẻ em. CHƯƠNG 5: CA DAO - DÂN CA KHÁI NIỆM CA DAO - DÂN CA Trong giáo trình văn học dân gian của Đại học quốc gia Hà Nội, ông Lê Chí Quế có trình bày lịch sử khái niệm ca dao dân ca, bắt đầu từ nguồn gốc Hán - Việt. "Ca" tức là bài hát có hòa với nhạc, còn "dao" có nghĩa là lời của bài hát đó. Và sở dĩ có hiện tượng chiết tự khái niệm "ca" và "dao" bởi lẽ trong thư tịch cổ Trung Quốc chỉ có khái niệm "ca" và "dao" mà không có thuật ngữ "ca dao dân ca" như các công trình nghiên cứu văn học dân gian Việt Nam vẫn thường gọi. Trong quyển giáo trình biên soạn về văn học Việt Nam - Việt Nam văn học sử yếu - ông Dương Quảng Hàm có nói ca dao (ca: hát, dao: bài hát không có chương khúc) là những bài hát ngắn lưu hành trong dân gian, thường tả tính tình, phong tục của người bình dân. Có lẽ đây chỉ là một định nghĩa còn dừng lại ở mức nhận định chung chung sơ sài, nhằm để bước đầu phân biệt thể loại này với thể loại khác. Nhấn mạnh sự khác nhau của ca dao với phong dao (những bài ca phong tục), với đồng dao (những bài ca của trẻ con gắn với những trò vui của trẻ con), với tục ngữ (những câu tục ngữ mang hình thức lục bát của ca dao), nhóm tác giả Trần Vĩnh - Nguyễn Tấn Phát (Giáo trình ĐHSP - 1978) định nghĩa ca dao là những bài hát có hoặc không có chương khúc, sáng tác bằng thể văn vần dân tộc (thường là lục bát) để miêu tả, tự sự, ngụ ý và diễn đạt tình cảm. Ông Trần
  17. Hoàng (ĐH Huế) xác định khái niệm ca dao được sử dụng rộng rãi đầu thế kỷ XX, với hai loại ý kiến vẫn còn phiến diện. Một là ca dao có nguồn gốc ban đầu là dân ca, sau đó lời bài hát phát triển thành một thể thơ dân gian, vậy ca dao thật ra là phần lời của dân ca. Hai là ca dao là những câu mang tính chất trữ tình đậm đà được sáng tác theo phong cách riêng. Còn dân ca là những bài hát dân gian do quần chúng nhân dân sáng tác, diễn xướng và lưu truyền. Đó là những bài hát có hoặc không có chương khúc, phổ biến trong dân gian ở từng vùng, miền, có quan hệ với sinh hoạt văn hóa tinh thần ở đó (Quan họ Bắc Ninh, hát dặm Nghệ Tĩnh, Hò Đồng Tháp ) hoặc lưu hành rộng rãi ở nhiều vùng có nội dung trữ tình và có giá trị đặc biệt về âm nhạc. Ở dân ca, phần lời và phần nhạc điệu cùng thể thức diễn xướng gắn bó trong một chỉnh thể thống nhất. Dù định nghĩa riêng từng khái niệm nhưng ta thấy toát lên từ các ý kiến nêu trên là sự quan tâm đến mối quan hệ của ca dao và dân ca. Nói như ông Hoàng Tiến Tựu, dân ca và ca dao là hai khái niệm phản ánh hai thực thể khác nhau nhưng có quan hệ với nhau rất mật thiết. Như vậy có thể thấy rõ các định nghĩa trên có xu hướng tách rời hai khái niệm ca dao và dân ca. Có thể xem đó là cách tiếp cận thứ nhất. Một cách tiếp cận khác thường định nghĩa đồng nhất ca dao và dân ca. Tức là ca dao chính là một tên gọi khác của dân ca và ngược lại. Tuy nhiên đáng chú ý chính là những định nghĩa dùng thuật ngữ kép "Ca dao dân ca" của các tác giả của sách giáo khoa văn 10, tập 1. Ông Chu Xuân Diên cho rằng Ca dao dân ca là tên gọi chung các thể loại trữ tình dân gian kết hợp lời thơ và giai điệu nhạc, nội dung miêu tả những tâm trạng, những tư tưởng và tình cảm của con người. Phần lớn lời thơ của dân ca được gọi là ca dao. Mặt khác, ca dao không chỉ là lời hát, mà còn là lời nói (dùng xen vào lời nói thường). Tương tự, ông Đỗ Bình Trị định nghĩa dân ca - ca dao là tên gọi chung các thể loại trữ tình dân gian. Trong diễn xướng đó là những bài ca, là thơ được hát lên theo những giai điệu nhạc nhất định. Các thể loại dân ca có bản chất chung là trữ tình (tức là chủ yếu biểu hiện những tâm trạng, những cảm nghĩ của con người) và khác nhau về chức năng sinh hoạt là chính. Và theo ông, thuật ngữ ca dao và dân ca hoàn toàn tương đương với nhau. Hiểu theo nghĩa rộng, đây là một khái niệm bao hàm ba yếu tố gắn bó chặt chẽ với nhau. Đó là lối hát (tức là hình thức sinh hoạt ca hát hay phương thức diễn xướng), có hát trong lễ hội và hát trong ngày thường (sinh hoạt, lao động), có hát trơn và hát kèm theo (kèm theo khí nhạc, múa, trò chơi), có hát cuộc (hát lề lối) và hát vặt, có hát theo "bọn" (hát tập thể) và hát một người Thứ hai là điệu hát (tức là làn điệu nhạc của những câu hát) bao gồm cả hệ thống phong phú, từ những điệu hát mộc mạc như hát - nói - kể đến những điệu hát đã đạt đến trình độ nghệ thuật cao (đã thành giai điệu như lý, hò, hát ). Thứ ba là lời hát (tức là lời ca đã tước bỏ tiếng đệm, tiếng láy, tiếng đưa hơi) còn gọi là lời thơ. Lời của ca dao chính là thơ. Từ đó, ông Đỗ Bình Trị rút ra nhận định rằng, khi nghiên cứu , giới thiệu "những câu hát - bài hát dân gian" một cách toàn vẹn hoặc chỉ riêng về mặt âm nhạc, ta gọi đó là dân ca. Còn khi nghiên cứu, giới thiệu chỉ riêng phần lời của những câu hát - bài hát ấy, ta gọi đó là ca dao.
  18. Trong giáo trình này, để phù hợp với tình hình học tập của sinh viên khoa Ngữ văn, nói đến đối tượng nghiên cứu ca dao dân ca là chỉ nói đến bộ phận nghệ thuật ngôn từ (ca dao) nhưng nó phải đặt trong mối quan hệ khăng khít với làn điệu âm nhạc, nghệ nhân biểu diễn, thời gian và không gian diễn xướng. NỘI DUNG PHẢN ÁNH CỦA CA DAO DÂN CA VIỆT NAM Nội dung của ca dao dân ca Việt Nam vô cùng phong phú và đa dạng. Khi đi vào một số thể loại của ca dao dân ca, chúng tôi cũng có nhắc đến nội dung của một số tiểu loại tiêu biểu. Ở đây chúng tôi chỉ điểm qua một vài nội dung cơ bản của ca dao dân ca trữ tình. Ca dao dân ca phản ánh khát vọng chinh phục thế giới tự nhiên, phản ánh quá trình lao động sinh tồn của nhân dân từ xưa. Đồng thời ca dao là sự phản ánh đầy đủ và sâu sắc cuộc sống lao động Ca dao dân ca phản ánh một cách đa dạng những tình cảm phong phú của thế giới nội tâm con người. Đó là những tâm tư tình cảm trong những phạm vi khác nhau (gia đình - xã hội) trong những lĩnh vực khác nhau (lao động, sinh hoạt ), trong những mối quan hệ khác nhau như đối với quê hương đất nước, đồng bào, trong đối nhân xử thế ngoài xã hội, trong quan hệ ruột rà máu mủ gia đình - đặc biệt là quan hệ tình yêu đôi lứa. Đây là nội dung lớn nhất, hay nhất và có đời sống sâu rộng nhất trong ca dao dân ca trữ tình nói chung Ca dao dân ca còn phản ánh hiện thực lịch sử xã hội của dân tộc. Những tình cảm tự hào về truyền thống thông qua các nhân vật và sự kiện lịch sử; những cuộc kháng chiến và chiến thắng giặc ngoại xâm, những cuộc đấu tranh giai cấp gay gắt và quyết liệt tất cả tạo nên một bức tranh sinh động đa dạng về chiều dài lịch sử nước nhà (bằng cả cảm hứng ca ngợi và phê phán). Và còn nhiều nội dung phong phú khác. ĐẶC ĐIỂM THI PHÁP Nhân vật trữ tình Trong ca dao truyền thống, chủ thể trữ tình (tức tác giả - hiện thân trữ tình của quần chúng nhân dân) luôn luôn đồng nhất với nhân vật trữ tình (tức là nhân vật mà cảm nghĩ của nó được diến tả trong bài ca). Nhân vật đó, theo ông Đỗ Bình Trị chỉ có một số kiểu nhất định (giống như kiểu nhân vật trong truyện cổ tích). Đó là cô gái và chàng trai trong quan hệ bè bạn, lứa đôi; Người vợ, người chồng, người mẹ, người con trong đời sống gia đình; Người con gái, con dâu, người vợ trong gia đình gia trưởng; Người lính và người vợ lính trong cảnh ngộ ly biệt và xa cách; Người làm ruộng, người làm thợ, người dân chài và người trai đò trong lao động, sinh hoạt và trong quan hệ với xóm làng, quê hương, đất nước Ta có thể nhận thấy qua tên chung và tên tập hợp của những nhân vật trữ tình trong ca dao, xu hướng của nhân dân muốn diễn tả những nét bản chất nhất của con người thời đại ấy.
  19. Những nét bản chất này thể hiện một cách tập trung ở cảm hứng trữ tình chủ đạo trong ca dao, dù là chàng trai hay cô gái, người vợ hay người chồng, người làm ruộng hay làm nghề sông nước nhưng nếu cảm nhận về thân phận mình là thấy buồn thấy khổ thì sẽ cất lên thành bài ca thở than về những khổ đau và bất hạnh của kiếp người; nêu cảm nghĩ về những người mình thương mến, những nơi thân thuộc mà thấy yêu thấy thương thì ắt sẽ cất lên thành bài ca ân tình ân nghĩa - tình gia đình, tình bạn bè, tình đôi lứa, tình quê hương xứ sở, đồng bào Chính vì thế, nói đến ca dao dân ca, người ta hay nhắc đến những câu hát than thân và những câu hát tình nghĩa của quần chúng nhân dân - những người lao động và bị áp bức trong xã hội cũ. Nhân vật trữ tình thường gắn với những đại từ nhân xưng trong ca dao, những đại từ như anh, em, mình, ta, chàng, thiếp, tôi, người, qua, bậu và kể cả những hình ảnh xưng hô ẩn dụ như mận, đào, trúc, mai, rồng, mây, trăng, gió Tất cả không hề có dấu ấn cá nhân nên dễ dàng gợi được sự đồng cảm sâu xa ở người đọc. Kết cấu Những hình thức kết cấu cơ bản: Ca dao dân ca, xét chung, thường rất ngắn, ca dao dân ca trữ tình lại càng ngắn. Những bài ca dao hai dòng, bốn dòng chiếm số lượng lớn hơn cả, có những bài dài hơn thì cũng chỉ trên dưới mười dòng. Với một dung lượng ngắn như thế nhưng nếu đặt ra vấn đề kết cấu ở cách thức tổ chức thanh điệu, vần, nhịp , tổ chức nội dung, cấu tạo ý, tứ, đoạn, mạch, dài, ngắn thì phạm vi vấn đề nghiên cứu kết cấu ca dao sẽ rất rộng. Trước đây, một số nhà nghiên cứu đã tiếp thu từ ca dao cổ trong Kinh thi Trung Quốc để phân thành ba loại kết cấu (Phú, tỉ và hứng). Một số khác dựa vào hình thức đối đáp trong đại bộ phận ca dao dân ca để chia làm đối đáp một vế và đối đáp hai vế Tuy còn khác nhau khá nhiều về cách nhìn nhận, tiếp cận nhưng những ý kiến ấy góp phần tích cực cho việc tìm hiểu kết cấu ca dao. Trong giáo trình này, để sinh viên bước đầu tìm hiểu và có cái nhìn bao quát, chúng tôi tổng hợp hai ý kiến của hai nhà nghiên cứu văn học dân gian là ông Đỗ Bình Trị và ông Hoàng Tiến Tựu để trình bày một số hình thức kết cấu tiêu biểu. Một là Lối đối đáp (hay là phương thức đối thoại). Đó là những lời trò chuyện trực tiếp bằng thơ ca (phần lớn là của các chàng trai, cô gái - chủ thể của những bài ca dao, đóng vai trò là nhân vật chính của cuộc đối đáp, trò chuyện). Điều này cũng là tất yếu bởi lẽ chiếm hầu hết trong kho tàng ca dao dân ca là mảng đề tài về tình yêu đôi lứa và tình cảm gia đình. Búp sen lai láng giữa hồ Anh muốn đưa tay ra bẻ sợ trong chùa có sư. - Có sư thì mặc có sư Anh cứ đưa tay ra bẻ, có hư em bồi. Hoặc:
  20. Dầu mà không lấy được em Anh về đóng cửa cài rèm đi tu - Tu mô cho em tu cùng May ra thành Phật thờ chung một chùa Trong một cuộc đối ca, tính chất đối đáp còn thể hiện rõ nét hơn: Em đố anh từ Nam chí Bắc Sông nào là sông sâu nhất, Núi nào là núi cao nhất nước ta ? Anh mà giảng được cho ra Thì em kết nghĩa giao hòa cùng anh. - Sâu nhất là sông Bạch Đằng Ba lần giặc đến ba lần giặc tan, Cao nhất là núi Lam Sơn Có ông Lê Lợi trong ngàn bước ra Nhưng trong kho tàng ca dao dân ca được sưu tầm, lại có rất nhiều những lời trò chuyện chỉ có “1 vế”. Tuy nhiên, vì bản thân bài ca ấy là một lời trò chuyện nên tự nó đã có đặc tính của kết cấu đối đáp.  Ước khi nao hợp lại một nhà Chồng cày vợ cấy mẹ già đưa cơm.  Hoa thơm héo lại càng thơm, Em giòn rách áo, đói cơm càng giòn.  Gặp đây anh nắm cổ tay Anh hỏi câu này có lấy anh không ?  Cô kia cắt cỏ bên sông Muốn sang anh ngã cành hồng cho sang.  Ước gì sông rộng một gang Bắc cầu dải yếm cho chàng sang chơi Hai là lối kể chuyện (còn được gọi là phương thức trần thuật). Mặc dù lối đối đáp được xem như là hình thức kết cấu đặc trưng của ca dao dân ca trữ tình nhưng lối đối đáp dù đa năng cũng không thể thích ứng với mọi lối hát điệu hát. Và điều quan trọng là cũng không có đủ khả năng biểu đạt hết những cảm hứng trữ tình phong phú, nhiều màu, nhiều vẻ, giàu sắc điệu của tất cả các nhân vật trữ tình trong ca dao. Cho nên, lối kể chuyện cũng được sử dụng như một hình thức kết cấu cơ bản. Cả hai nương tựa vào nhau và bổ sung cho nhau trong việc thực hiện chức năng "biểu hiện cảm hứng trữ tình của đời sống dân tộc" của ca dao dân ca. Tuy nhiên hình thức kể chuyện ở đây không hề giống như giọng kể trong các tác phẩm tự sự dân gian hay lối kể vè. Điều khác biệt rõ nét chính là nhân vật trữ tình trong ca dao tự kể câu chuyện của mình ( Vè, truyện tự sự là do người khác kể). Kế nữa là câu chuyện kể trong ca dao dân ca là câu chuyện tâm tình - một nỗi niềm được kể lễ hơn là một cảnh ngộ được thuật lại
  21. (trong khi những loại kể chuyện khác chỉ có thái độ của người kể với các sự kiện và nhân vật mà thôi). Ta đọc bài ca dao kể chuyện sau: Ngang lưng thì thắt bao vàng Đầu đội nón dấu, vai mang súng dài. Một tay thì cắp hỏa mai Một tay cắp giáo quan sai xuống thuyền. Thùng thùng trống đánh ngũ liên, Bước chân xuống thuyền, nước mắt như mưa. Những lời trần thuật ở bốn câu thơ đầu chỉ để nhằm chuẩn bị cho con người tâm trạng của anh lính thú xuất hiện ở hai câu cuối cùng. Nhờ lối kể chuyện tinh tế, thân phận người lính - ở đây là cảnh ngộ và nỗi niềm - đã được diễn tả sâu sắc mà kín đáo hơn. Hay: Hôm qua anh đến chơi nhà, Thấy mẹ nằm võng thấy cha nằm giường. Thấy em nằm đất anh thương, Anh đi mua gỗ đóng giường tám thang. Như vậy trong phương thức trần thuật (kể chuyện) có cả phương thức miêu tả (mà là miêu tả theo cảm hứng trữ tình). Nhìn chung, những câu hát dân gian hướng về tình nghĩa, hoặc hát theo lề lối thường phù hợp với kết cấu đối đáp; còn những câu hát than thân, hoặc là những câu hát lẻ, hát vặt thường sử dụng hình thức kể chuyện. Bởi lẽ những nỗi niềm của các nhân vật trữ tình quen thuộc trong những câu hát than thân phải mượn lối kể chuyện mới dịu bớt đi những ẩn ức của tình cảm, tâm tư. Lối kể chuyện nhắc đến cảnh ngộ hơn là hoàn cảnh được kể. Câu chuyện kể trong bài ca, vì thế, thường không có "chuyện" mạch lạc theo kiểu kể sự đếm việc mà sự mạch lạc của nó lại ẩn trong logic của sự kể lể nỗi niềm. Nhưng thật ra, thực tế ca dao dân ca cho thấy, trong không ít bài ca, có sự kết hợp giữa cả hai phương thức nêu trên. Tức là vừa đối đáp vừa kể chuyện, vừa độc thoại vừa ngầm hướng đến đối tượng để đối thoại, vừa miêu tả tự sự vừa trần thuật trữ tình Ta có rất nhiều những bài ca như thế - Trèo lên cây bưởi hái hoa, Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc Em có chồng anh tiếc lắm thay. Ba đồng một mớ trầu cay Sao anh không hỏi những ngày còn không? Bây giờ em đã có chồng Như chim vào lồng như cá cắn câu Cá cắn câu biết đâu mà gỡ Chim vào lồng biết thuở nào ra?
  22. - Trên trời có đám mây xanh Chính giữa may trắng xung quanh mây vàng Ước gì anh lấy được nàng Để anh mua gạch Bát Tràng về xây Xây dọc rồi lại xây ngang Xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân - Sáng ngày em đi hái dâu Gặp hai anh ấy ngồi câu Thạch Bàn. Hai anh đứng dậy hỏi han Hỏi rằng: "Cô ấy vội vàng đi đâu?" Thưa rằng em đi hái dâu" Hai anh mở túi lấy trầu cho ăn. Thưa rằng: "Bác mẹ em răn Làm thân con gái chớ ăn trầu người" Ở những bài ca dao hay, thường có những kết cấu cân đối, hoàn chỉnh, kết hợp chặt chẽ các hình thức kết cấu một cách thật hài hòa mà độc đáo khéo léo. Một vấn đề nổi bật trong ca dao dân ca có liên quan mật thiết đến kết cấu, đó là những công thức truyền thống. Nói một cách đơn giản, do điều kiện truyền miệng và nhu cầu ứng tác, nhân dân đã sử dụng những công thức có sẵn (những khuôn, những dạng) để tạo nên những đơn vị tác phẩm cùng một hệ thống. Ông Bùi Mạnh Nhị gọi những công thức truyền thống là "chìa khóa mở bí mật đặc trưng cấu trúc của bài ca trữ tình dân gian". Viện sĩ Đ.X. Likhachôp nhận xét rất sâu sắc: " Bài ca trữ tình dân gian là tấm gương được phản ánh trong một tấm gương khác Đây là bài ca về bài ca" Tấm gương khác ở đây chính là truyền thống, hát về bài ca chính là hát theo truyền thống. Văn bản bài ca trong điều kiện truyền miệng và ứng tác tập thể đã được xây dựng từ các công thức. Công thức vừa là một yếu tố bộ phận của bài ca vừa là một yếu tố truyền thống vượt ra ngoài phạm vi của văn bản - và về bản chất, nó không phải là sở hữu của riêng bất cứ bài ca nào. Thí dụ công thức gãy đàn trong các bài ca sau:  Đờn năm dây biết gãy dây nào  Cầm đàn gãy đủ năm dây Sầu riêng em chịu từ ngày ước ao  Em thương anh dạ xót xa Cầm đàn ra gãy biết là có nguôi Như vậy công thức là giao điểm của truyền thống và bài ca. Và trong hệ thống công thức truyền thống thì các công thức mẫu đề đóng vai trò quan trọng hàng đầu. Mỗi công thức mẫu đề có một tập hợp các công thức chi tiết thuộc các tiểu loại khác nhau về dung lượng, nội dung và hình thức. Ví dụ mẫu đề "Mười thương" (hoặc "mười yêu") mẫu đề "Ước muốn - hóa thân", "Thân em như ", "Trên trời có ", "Còn duyên hết duyên " v.v Có thể nói, mỗi mẫu đề truyền thống là một chỉnh thể thống nhất. Nó là văn cảnh cụ thể, trực tiếp của bài ca.
  23. Cấu trúc của bài ca là sự vận động từ công thức truyền thống này đến công thức truyền thống khác, trên cơ sở quy định chặt chẽ của mẫu đề. Để làm sáng tỏ thêm thành phần các công thức của một mẫu đề và sự liên kết vận động của chúng trong bài ca, xin dẫn một ví dụ minh họa (Theo Bùi Mạnh Nhị - Công thức truyền thống và đặc trưng cấu trúc của ca dao dân ca trữ tình): - Ước gì anh hóa ra hoa Để em nâng lấy rồi mà cài khăn Ước gì anh hóa ra chăn Để cho em đắp em lăn em nằm - Ước gì mình biến ra ao Ta biến ra cá bơi vào bơi ra Ước gì mình biến ra hoa Ta biến ra bướm bay ra bay vào Đây là hai bài ca dao khác nhau nhưng có chung chủ đề "ước muốn - hóa thân" Bài đầu là chỉ cháng trai hóa thân để được gần gũi người yêu. Bài hai là cả hai - chàng trai và cô gái đều ước muốn hóa thân để mãi mãi được sóng đôi bên cạnh nhau. Trên những phương diện không đồng nhất đó lại là những nét tương đồng. Đó là sự ước muốn hóa thân, sự gắn bó sum họp, sánh đôi hạnh phúc. Điều này làm cho công thức mẫu đề của ca dao là một tập hợp mở mà dựa vào đó, dân gian sẽ không ngừng sáng tạo. Trong khi đó, bài ca dao "Ước gì sông rộng một gang - Bắc cầu dải yếm cho chàng sang chơi" cũng có cùng công thức "ước gì" nhưng lại không phải là mẫu đề "ước muốn - hóa thân" bởi đó là một ước muốn liên quan đến hoàn cảnh khách quan chứ không phải là một mong ước chủ quan. Như vậy nói một cách khác, rằng các mẫu đề khác nhau có những công thức khác nhau. Sự thống nhất của các lối kết cấu: Khi so sánh ca dao với thơ lục bát, người ta thường nêu nhận xét là "hầu hết ca dao đều ngắn hơn thơ". Nhận xét này đúng nhưng chưa nói lên được thực chất của ca dao dân ca. Thật ra hình thức "ngắn" (hoặc "rất ngắn") của ca dao chỉ là dấu hiệu của hình thức bên ngoài. Mỗi bài ca là một mạch cảm nghĩ âm vang thành câu hát cất lên hồn nhiên tự tâm hồn. Chúng rất tươi mát, chân thực, hàm súc và rất tự nhiên như hơi thở của đời sống. Và như vậy thì các hình thức kết cấu cơ bản của ca dao đều mang tính chất phiến đoạn, cô đúc. Những bài không có kết cấu đối đáp là những lời trò chuyện trực tiếp bằng thơ ca. Những bài ca dao có kết cấu kể chuyện tuy không có "đối" và "đáp" nhưng cũng thấp thoáng có bóng dáng của hai nhân vật trò chuyện. Đó là trò chuyện gián tiếp, trò chuyện trong tâm tưởng. Chẳng hạn những bài hát ru phần lớn có kết cấu kể chuyện, nhưng những bài này luôn gợi lên trước mắt chúng ta hình ảnh người mẹ, người chị đang kể chuyện với em nhỏ, trò chuyện với em nhỏ. Ru em em hãy nín đi, Kẻo mà mẹ đánh em thì em đau. Em đau chị cũng buồn rầu Bé mồm bé miệng kêu đâu bây giờ !
  24. Hay những câu hát than thân mở đầu bằng "Thân em" như một lời bộc bạch kể lại cảnh ngộ bấp bênh bất hạnh của mình, luôn bị khai thác ở giá trị sử dụng mà không hề có một sự tôn trọng đúng mức. Nhưng khi ý thức được điều đó thì bản chất nội dung mà các bài ca dao ấy đề cập chính là hướng đến đối tượng xã hội phong kiến hà khắc trọng nam khinh nữ. Vậy bài ca dao là lời kể chuyện hay đối thoại? Có thể định nghĩa ca dao là những câu hát trò chuyện dân gian, là một lối thơ trữ tình - trò chuyện của nhân dân. Tính thống nhất của các lối kết cấu ca dao dân ca cũng chính là ở đấy. Hệ thống hình ảnh và ngôn ngữ Hệ thống hình ảnh: Là nhân vật trữ tình, nhân vật trong ca dao dân ca chủ yếu là những cảm nghĩ của nó. Xét về lời thơ, phương diện chính để biểu đạt những cảm nghĩ ấy là hình ảnh và ngôn ngữ. Hệ thống hình ảnh trong ca dao rất phong phú. Đó là hệ quả của đề tài trong ca dao dân ca và các kiểu nhân vật trữ tình của nó. Để những lời hát luôn luôn nồng nhiệt, hấp dẫn và say mê qua bao đời, bao thế hệ, các tác giả dân gian không ngừng sáng tạo những ý tình kèm theo những hình ảnh mới, những cách biểu đạt mới. Nhìn chung có thể chia những hình ảnh trong ca dao dân ca thành các nhóm dựa theo những tiêu chí khác nhau. Ông Đỗ Bình Trị khi phân các nhóm hình ảnh đã dựa vào các kiểu nhân vật như: Những hình ảnh gắn liền với kiểu nhân vật “chàng trai - cô gái” trong quan hệ bè bạn lứa đôi; những hình ảnh gắn liền với kiểu nhân vật “những người phụ nữ trong những nghịch cảnh về hôn nhân và gia đình; những hình ảnh gắn liền với kiểu nhân vật “những người lao động trong quan hệ yêu thương gắn bó với công việc làm ăn, gia đình, quê hương, xứ sở, đồng bào”. Nhưng dù phân chia như thế nào thì cũng không thể phủ nhận rằng ca dao dân ca, xét về phương diện ngôn từ- là những bài ca giàu hình ảnh. Trong đó, những hình ảnh so sánh, ẩn dụ là phổ biến nhất. Nói về thân phận người con gái trong xã hội phong kiến, ca dao có một loạt hệ thống hình ảnh đi kèm như Tấm lụa đào, hạt mưa rào, hạt mưa sa, giếng giữa đàng, cá rô thia, hạc đầu đình, củ ấu gai, chổi chùi chân Nói đến đôi lứa trong tình yêu nam nữ ta thấy các hình ảnh như Đũa ngọc - mâm vàng, rồng - mây, chèo bẻo - măng vòi, thuyền - bến, mận - đào - Em như tố nữ trong tranh Anh như ngòi bút chấm cành hoa mai. - Đôi ta như thể con tằm Cùng ăn một lá, cùng nằm một nong Đôi ta như thể con ong Con quấn con quýt con trong con ngoài
  25. Trong ca dao dân ca, so sánh thường đi đôi với miêu tả trực tiếp và miêu tả phần lớn phải dựa vào so sánh thì miêu tả mới sinh động. Ví dụ tả người con gái: Cổ tay em trắng như ngà Con mắt em liếc như là dao cau Miệng cười như thể hoa ngâu Cái khăn đội đầu như thể hoa sen. Từ đó ta nhận thấy rằng nếu so sánh mạnh về khái quát cái chung, cái bản chất thì miêu tả trực tiếp có ưu thế nêu bật cái riêng, cái chi tiết của đối tượng biểu hiện, tuy cả hai đều có chức năng cụ thể hóa nó. Những hình ảnh so sánh tập trung thể hiện nhân vật, còn miêu tả lại hướng đến cảnh vật - chủ yếu là cảnh vật thiên nhiên nhưng cũng gửi gắm vào đó tình ý của người hát. - Đường vô xứ Nghệ quanh quanh Non xanh nước biếc như tranh họa đồ - Cần Thơ gạo trắng nước trong Ai đi đến đó, lòng không muốn về. - Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh. - Hồ Tĩnh Tâm giàu sen Bạch Diệp Đất Hương Cần ngọt quýt thơm cam Ai về cầu ngói Thanh Toàn Đợi đây về với một đoàn cho vui ! - Ở đây phong cảnh vui thay, Trên chợ, dưới bến, lại có gốc cây hữu tình. Đứng ở một góc độ khác, ta lại thấy các hình ảnh so sánh, ẩn dụ, những hình ảnh miêu tả lại có hai loại rõ rệt. Một là những hình ảnh giàu tính ước lệ tượng trưng (gần với văn học viết) như rồng - mây, trúc - mai, loan - phượng Hai là những hình ảnh dân dã, bình thường, giản dị, chân thực, tự nhiên như chính đời sống vậy (nào là rau muống thả dưới hồ, trái bần trôi, củ ấu gai ; nào là cánh bèo, chiếc thuyền beo, tấm ván nổi chìm ). Tuy nhiên ngay cả những hình ảnh ước lệ khi được dân gian hóa vẫn tạo được nét đẹp rất bình dân. Chẳng hạn như - Ước gì anh được vô phòng Cho loan ôm lấy phượng, phượng bồng lấy loan. - Thiếp xa chàng như rồng nọ xa mây Như con chim chèo bẻo xa cây măng vòi. Ngôn ngữ: Ngôn ngữ chính là thành phần tao nên sự tồn tại độc lập của ca dao ngoài ca hát. Bởi ngôn ngữ ca dao đã được xem là phần lời của dân ca. Nếu các yếu tố nhạc điệu, động tác đóng vai trò quan trọng trong dân ca thì ở phần lời thơ, vai
  26. trò chủ yếu thuộc về ngôn ngữ. Tìm hiểu đặc điểm ngôn ngữ trong ca dao truyền thống, ông Hoàng Tiến Tựu nhấn mạnh đến bốn mối quan hệ. Đó là ngôn ngữ ca dao với tiếng nói dân tộc, ngôn ngữ ca dao với tiếng nói địa phương, ngôn ngữ ca dao với chức năng và phương thức nghệ thuật của ca dao và ngôn ngữ ca dao với ngôn ngữ thơ trong văn học viết. Nhờ biết dựa vào ngôn ngữ dân tộc, khai thác và sử dụng ngôn ngữ dân tộc mà ca dao dân gian Việt Nam rất giàu bản sắc. Không những thế mà ca dao còn có tác động ngược trở lại ngôn ngữ dân tộc để củng cố và phát triển ngôn ngữ dân tộc. Văn học dân gian vốn có tính dân tộc, tính tập thể và tính truyền miệng nên vừa thống nhất vừa rất đa dạng. Vì vậy mà hai khuynh hướng dân tộc hóa và địa phương hóa luôn diễn ra song song và tác động lẫn nhau. Ngôn ngữ ca dao cũng thế. Vừa đậm đà bản sắc dân tộc vừa mang sắc thái địa phương. Đọc ca dao, đứng ở góc độ ngôn ngữ các nhà nghiên cứu có thể giải mã vùng, miền với độ chính xác khá cao nhờ đặc trưng ngôn ngữ địa phương toát ra từ bài ca dao ấy. Ca dao Bắc bộ hát giã bằng ngôn ngữ nhẹ nhàng tình tứ: Người về em chẳng cho về Em nâng vạt áo, em đề câu thơ Ca dao Nam bộ lai diễn tả nội dung này bằng một cách nói rõ ràng, bộc trực hơn, dứt khoát và rạch ròi hơn: Anh về em nắm vạt áo em la làng Anh phải bỏ chữ thương chữ nhớ giữa đàng cho em Tuy nhiên, khi sáng tác ca dao, nhân dân chọn lựa và sử dụng ngôn ngữ theo yêu cầu của nghệ thuật thơ ca (dù là thơ ca dân gian thì cũng phải có yếu tố này) để bộc lộ tâm tình và những cảm xúc thẩm mỹ mà ngôn ngữ giao tiếp thông thường không thể nào diễn đạt được. Thật vậy, như đã trình bày ở trên, ngôn ngữ ca dao là một thứ ngôn ngữ giàu sắc thái biểu cảm, tính chất biểu tượng, ước lệ, tượng trưng, ẩn dụ rất đậm nét. Đêm trăng thanh anh mới hỏi nàng Tre non đủ lá đan sàng nên chăng ? - Đan sàng thiếp cũng xin vâng Tre vừa đủ lá non chăng hỡi chàng ? "Tre non đủ lá" còn được hiểu là trai gái đã đến tuổi thành niên. "Đan sàng" còn có ý là kết hôn, tác thành đôi lứa. Và nếu chỉ hiểu ngôn ngữ ấy theo kiểu giao tiếp lời nói thông thường thì câu ca dao tỏ tình nêu trên sẽ không còn độc đáo và ý nghĩa nữa. Ngôn ngữ ca dao còn có quan hệ với ngôn ngữ trong thơ ca của văn học viết (Còn có hiện tượng các nhà thơ văn học viết sáng tác "ca dao"). Đứng ở góc nhìn ngược lại từ phía văn học viết, các nhà thơ ta từ cổ chí kim đã học hỏi, vận dụng rất phổ biến ca dao vào trong sáng tác của mình (Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Khuyến, Tản Đà, Nguyễn Bính, Tố Hữu ). Ngược lại các tác giả
  27. dân gian cũng tiếp nhận ít nhiều ngôn ngữ văn học viết trong cách diễn đạt, lựa chọn từ ngữ Ta đọc thử bài ca dao: Lửng lơ vầng quế soi thềm Hương đưa bát ngát càng thêm bận lòng Dao vàng bỏ đẫy kim nhung Biết rằng quân tử có dùng ta chăng Đèn tà thấp thoáng bóng trăng Ai đem người ngọc thung thăng chốn này ? Trong hệ thống khá phong phú các từ ngữ thơ ca bác học được dùng ở ca dao, có nhà nghiên cứu đã thống kê khá nhiều các danh từ riêng chỉ tên nhân vật và địa danh trong văn học viết như Kim Trọng, Thúy Kiều, Từ Hải, Lục Vân Tiên, Nguyệt Nga, Đại Thánh, Trương Phi Núi Thái Sơn, sông Ngân Hà, cầu Ô Thước các nước Tấn, Tần, Ngô, Sở, Hán, Hồ - Đôi ta như điểu với ngư Chàng như Kim Trọng, thiếp như Thúy Kiều - Bấy lâu Hồ, Hán hai phương Ngày nay gặp mặt người thương đã rồi - Bây giờ con tạo xoay vần Xui nên kẻ Tấn, người Tần gặp nhau - Công cha như núi Thái Sơn Nghĩa mẹ như nước trong nguốn chảy ra. - Sông Ngân nguyện bắc cầu Ô Thước Duyên nợ này không trước thì sau Cũng tìm hiểu ngôn ngữ ca dao, có nhà nghiên cứu thiên về tính chất của ngôn ngữ hơn nên nêu ra các đặc điểm biểu hiện như tính chất giản dị, mộc mạc, chân tình. Cách nói kiểu cách với những ngôn từ hoa mỹ không phải là cách biểu đạt quen thuộc của ca dao. Sau này trong văn học viết, nhà thơ nào vượt ra khỏi những quy phạm đã trở thành khuôn khổ của văn học cổ điển để sáng tác bằng lời ăn tiếng nói của nhân dân, vận dụng những hình ảnh quen thuộc trong ca dao thì được gọi là nhà thơ có cách diễn đạt dân gian, thơ có chất ca dao. Ở đây điều cần lưu ý là ta không nên hiểu một cách thô thiển về tính giản dị của ngôn ngữ ca dao. Đó là sự giản dị đã được kết tinh từ lời ăn tiếng nói của quần chúng nhân dân. - Lên non đón gió lấy trầm, Xui ông lấy mật, giục tằm nhả tơ. - Ai về giồng Dứa qua truông, Gió lay bông sậy, để buồn cho em Một tính chất khác của ngôn ngữ gắn liền với tính giản dị là tính chất sinh động. Ca dao biểu hiện cảm nghĩ một cách gợi cảm, miêu tả sự vật một cách gợi hình. Đặc điểm này thể hiện tập trung ở việc khai thác triệt để và sử dụng sáng tạo
  28. trước hết là những giá trị gợi tả dồi dào của âm thanh trong tiếng Việt (từ mô phỏng, từ láy, thanh điệu, vần ); kế tiếp là các hình thức chuyển nghĩa trong kết cấu tiếng Việt (như so sánh, ẩn dụ, tượng trưng, nhân hóa, lộng ngữ đã được trình bày ở phần hệ thống hình ảnh) và cuối cùng là hệ thống động từ và tính từ chỉ tình thái của tiếng Việt. Để chứng minh cho điều này, ta dẫn giải bài ca dao sau: Trời mưa Quả dưa vẹo vọ Con ốc nằm co Con tôm đánh đáo Con cò kiếm ăn Bài ca dao miêu tả chính xác trạng thái của từng sự vật, con vật trong cơn mưa: dưa méo mó (tục ngữ: nắng tốt dưa, mưa tốt lúa - dưa kết trái vào cử mưa thường không tròn quả); ốc thấy động nước, chui vào vỏ chìm xuống; tôm búng mình bơi lăng quăng hớt các sinh vật phù du; cò được dịp đục nước, tranh thủ kiếm mồi. Nghĩa bóng của bài ca dao cũng được thể hiện tài tình: trước hoàn cảnh xáo động, có hạng người bị "biến dạng" đi, có hạng người khiếp nhược co mình lại, có hạng người nhởn nhơ vô tư lự Riêng người lao động vẫn an nhiên chủ động trong công việc của mình. Chỉ có mấy từ vẹo vọ, nằm co, đánh đáo, kiếm ăn (chủ yếu là động từ) mà vẽ ra được một bức tranh sống động, tả thực cũng giỏi mà ngụ ý cũng thích đáng. Thể thơ Các thể thơ trong ca dao, còn được gọi là những thể thơ dân tộc, bao gồm thể lục bát và lục bát biến thể, thể song thất lục bát và song thất lục bát biến thể, thể vãn (3, 4 hoặc 5 chữ) và cuối cùng là thể hỗn hợp (sử dụng kết hợp với các thể kể trên). Thể lục bát và lục bát biến thể: - Ngập ngừng vịt lội ao sen Bữa nay gặp lại người quen tôi mừng - Đêm nằm mà gác tay qua Giường không chiếu lạnh, lụy sa hai hàng. - Đêm khuya em ngồi dựa mái hiên đình Sương sa, gió lạnh, không thấy mình vãng lai - Hai đứa mình như con sáo tắm ao sâu Ban ngày xa cách nhưng tối đâu đâu cũng về. - Hai đứa mình gá nghĩa bữa nay, Tiền nhựt em nói vậy, còn hậu lai thế nào? Anh dứt lời than, em ruột thắt gan bào, Anh đi về bển, em vô phòng đào nước mắt rơi. Song thất lục bát và song thất lục bát biến thể:
  29. - Mây trên trời bủa giăng tứ phía Nước ngoài biển sóng dợn tứ bề Làm sao hiệp nghĩa phu thê, Đó chồng, đây vợ ra về có đôi. - Miễn bậu chịu ừ, anh chẳng từ lao khổ, Dẫu đăng sơn tróc hổ hay quá hải đồ long. Trước sau giữ trọn một lòng Gian lao chi sá, anh quyết một lòng theo em. Thể vãn (vãn ba chữ, bốn chữ, năm chữ ) - Xỉa cá mè Đè cá chép Chân nào đẹp Đi buôn men Chân nào đen - Lạy giời mưa xuống Lấy nước tôi uống Lấy ruộng tôi cày Lấy bát cơm đầy Lấy khúc cá to Và thể hỗn hợp (hay còn gọi là thể thơ tự do) - Hòn đá đóng rong Vì dòng nước chảy Hòn đá bạc đầu Bởi tại sương sa Em thương anh chẳng dám nói ra Sợ mẹ bằng đất, sợ cha bằng trời Em thấy anh cũng muốn kết đôi Sợ vầng trăng bạc trên trời mau tan - Tàu Nam Vang mũi đỏ, Ghe Sa Đéc mũi đen. Em ở chi nước rẫy nước phèn, Theo anh về chợ đốt đèn măng xông. - Đầu đường có cây duối Cuối đường có cây đa Ngã ba đường có dây tơ hồng Con gái chưa chồng trong lòng hớn hở Con trai chưa vợ mặt tợ trái chanh Ngó lên mây trắng trời xanh Thương ai cũng vậy, thương anh cho rồi. Trong tất cả các thể thơ vừa ví dụ nêu trên, thể thơ lục bát chiếm một số lượng rất lớn và trở thành một thể thơ tiêu biểu nhất của ca dao. Đây là một thể thơ cách luật cổ điển. Tuy không phải "thuần túy Việt Nam nhưng mang nhiều đặc
  30. trưng dân tộc, có một đời sống mạnh mẽ và vận mệnh lâu dài trong văn học Việt Nam" (Bùi Mạnh Nhị). Thật vậy, thể lục bát hàm chứa nhiều đặc điểm của ngôn ngữ dân tộc về vần, nhịp, thanh điệu và được sử dụng phổ biến không chỉ trong văn học dân gian mà còn ở cả văn học viết (Lục bát truyện Kiều, lục bát Lục Vân Tiên ). Lục bát có một số dấu hiệu nhận biết rất cơ bản như số lượng âm tiết nhất định trong hai dòng thơ bắt buộc tạo nên một đơn vị tế bào lục bát; thứ tự và chức năng cấu trúc của mỗi dòng (Lục trước mở đầu, Bát sau kết thúc một đơn vị); những quy tắc về vần, nhịp, luật bằng, trắc (sự chuyển đổi vần và thanh điệu trong mỗi dòng thơ. Chẳng hạn như câu Cái cò lặn lội bờ sông - Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non). Những dấu hiệu vừa nêu đều có những biến thể, tạo nên những cách tân trong thể thơ quen thuộc này. Chiếm đến hơn 90 % trong ca dao dân ca, thể thơ lục bát rất phù hợp với ngôn ngữ dân tộc và có khả năng phản ánh nhiều phương diện về đời sống. Nhạc điệu của thể thơ này rất phù hợp với các giai điệu dân ca Việt Nam ngọt ngào, trữ tình mà đa dạng, biến hóa. Lục bát trong ca dao rất ngắn gọn (đây là một đặc điểm chứ không hẳn là một ưu điểm) với phần lớn một bài ca tương đương một đơn vị một cặp lục bát. Sở dĩ như vậy là vì ca dao - một thể loại không có cốt truyện (nên không thể triển khai ở dung lượng dài) là một thể loại trữ tình diễn tả những khoảnh khắc giây phút bùng nổ tâm trạng thường được sáng tác trong hoàn cảnh ứng tác nhanh, ngắn gọn hầu dễ nhớ, dễ lưu truyền. Thời gian và không gian nghệ thuật Thời gian nghệ thuật trong ca dao dân ca trữ tình là thời gian hiện tại của chính thời điểm diễn xướng (Không giống như thời gian quá khứ trong thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích). Thật vậy, dù nhân vật có nói về năm xưa, hôm qua, ngày đi, ngày về thì cũng từ thời điểm hiện tại mà nói. Cứ mỗi lần bài ca được hát lên, nó lại được hiện tại hóa thời gian. Như vậy, thời gian luôn mới, luôn là thời gian hiện tại mỗi lần diễn xướng. Và vì thế, yếu tố thời gian có là quá khứ hay tương lai thì cũng được xác định từ hiện tại.  Hôm qua anh đến chơi nhà  Hôm qua tát nước đầu đình  Đêm qua ra đứng bờ ao  Ngày đi em chửa có chồng  Bao giờ cho đến tháng mười  Sáng ngày em đi hái dâu Nếu thời gian trong nhiều thể loại tự sự dân gian là thời gian huyền thoại thì thời gian trong ca dao dân ca là thời gian có thực. Thời gian hư cấu, nếu có, đều mang tính chất chủ quan của tác giả. Ta có thể gọi đây là thời gian tâm lý (hay thời gian tâm trạng) được cảm nhận bằng tâm trạng, bằng sự tưởng tượng hoặc hồi tưởng.
  31. Đã là thời gian tâm lý thì nó có muôn vàn cách biểu hiện phụ thuộc vào những cảm nghĩ, tâm tư, cảm xúc của nhân vật trữ tình. Đó có thể là dòng chảy của năm tháng gắn bó với sự đổi thay của sự vật con người. - Ngày đi em chửa có chồng Ngày về em đã con quấn, con quít, con bế, con bồng, con mang - Nhớ khi anh bủng anh beo Tay nâng chén thuốc, tay đèo múi chanh. Bây giờ anh khỏi, anh lành, Anh mê duyên mới, anh tình phụ tôi Và sự cảm nhận thời gian ở đây không còn tuân thủ những nguyên tắc vật lý khoa học nữa mà là một sự cảm nhận hoàn toàn chủ quan theo tâm trạng của nhân vật: - Tôi xa mình ông trời nắng tôi nói mưa, Canh ba tôi nói sáng, ông trời trưa tôi nói chiều. - Chờ em đã tám hôm nay, Hôm qua là chín, hôm nay là mười Trong ca dao dân ca trữ tình tồn tại hàng loạt công thức thời gian mà mỗi một công thức như thế có một ngữ nghĩa nghệ thuật riêng, đôi khi rất hiệu quả trong việc giải mã tình cảm nhân vật trữ tình trong bài ca. Nhân vật trữ tình đang hát ở một thời điểm nào thì ít nhiều ta có thể xác định điều gì đang diễn ra trong tâm trạng của nhân vật ấy. Chẳng hạn như Chiều chiều thường diễn tả nỗi buồn xa quê; Đêm qua thường gợi nhắc những nỗi nhớ về kỷ niệm; Trăm năm thường là những mong ước thề nguyền v.v Không gian nghệ thuật trong ca dao dân ca trữ tình là nơi nhân vật trữ tình đang đứng hoặc hình dung, suy tưởng. Khác với không gian nghệ thuật mang tính chất phiếm chỉ trong truyện cổ tích, không gian ở đây thường được xác định. Đặc biệt là ca dao dân ca địa danh. Những tên gọi cụ thể mang tên một tỉnh, một vùng, một làng cụ thể gắn với khu vực địa lý thực tế ở thời điểm đó, một số vẫn tồn tại đến bây giờ. - Ai về Đồng Tỉnh, Huê Cầu Để thương, để nhớ, để sầu cho ai. - Rủ nhau xem cảnh Kiếm Hồ Xem cầu Thê Húc, xem chùa Ngọc Sơn - Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh Gái nào bảnh bằng gái Cần Thơ Làm chi nay đợi mai chờ Linh đinh Phong Mỹ, dật dờ Hoài An. Tuy nhiên cũng giống như thời gian nghệ thuật, không gian nghệ thuật trong ca da dân ca trữ tình cũng là không gian tâm lý. Và nếu xác định được nhân vật trữ tình đang hát ở nơi nào, địa điểm nào thì ta cũng đoán biết được tâm trạng của
  32. nhân vật đang diễn ra như thế nào. Chẳng hạn như Ngõ sau là nỗi buồn nỗi nhớ; Giữa đường là nơi gặp gỡ làm quen; Bến sông là nơi ngóng trông chờ đợi v.v Đôi khi những yếu tố thuộc về không gian lại tham gia vào trong lời độc thoại của nhân vật trữ tình và đóng vai trò là một đối tượng được nhân hóa để chủ thể trữ tình hướng tới; tham gia vào tình huống tạo nên kịch tính để tác động đến tình cảm nhân vật hoặc xuất hiện như là những trở ngại để giúp nhân vật thổ lộ và khẳng định tình yêu, niềm tin và lòng chung thủy - Núi cao chi lắm núi ơi Che khuất mặt trời chẳng thấy người thương. - Ai đưa em đến chốn này Bên kia là núi bên này là sông Sông thưa nước chảy đôi dòng Trai nên vợ, gái nên chồng thì nên. - Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo Thất bát sông cũng lội, ngũ lục, cửu thập đèo cũng qua. - Trời cao đất rộng em giữ trọn lời nguyền - Trăm năm ước nguyện chung tình, Trên trời, dưới nước có mình với ta. Cuối cùng không gian nghệ thuật trong ca dao dân ca trữ tình có thể hoàn toàn là không gian đồng hiện. Đó là Biên ải với quê nhà; Ngõ sau với quê mẹ; Bờ ao với nhà người yêu
  33. CHƯƠNG 6: VÈ KHÁI NIỆM “VÈ” Vè là một hình thức sáng tác dân gian bằng văn vần với những thể thơ, luật thơ đa dạng. Vè cũng diễn xướng theo một làn điệu nhất định qua con đường truyền miệng của các tác giả dân gian. Chúng ta cũng không loại trừ một vài đoạn vè khá trữ tình. Nhưng không giống như ca dao, vè thiên về tự sự, ít có tính chất trữ tình. Trong dân gian, người ta hay bảo là "kể vè" chứ không nói "hát vè". Điều này chứng tỏ làn điệu âm nhạc và vần luật trong vè chỉ là phương tiện bổ trợ cho lối kể chuyện vè thêm sinh động mà thôi. Một bài vè thường ít được trau chuốt về mặt hình thức như ca dao mà lại chủ yếu tập trung thể hiện nội dung được thông báo. Là một loại hình tự sự nhưng vè cũng không hề giống các thể loại truyện dân gian bởi yếu tố văn vần đã đành mà còn ở nội dung truyện trong vè không phải là truyện tưởng tượng hay hư cấu. Vè kể về người thực, việc thực. Trong SGK. Văn học 10. T1, ông Chu Xuân Diên cho rằng nội dung vè kể lại - có kèm theo bình luận - những sự kiện có tính chất thời sự (gọi là vè thế sự) hoặc những sự kiện lịch sử (gọi là vè lịch sử). Có thể coi vè - đặc biệt là vè thế sự - như một loại "khấu báo" (báo bằng miệng), một hình thức báo chí dân gian (được ví như thể ký, thể phóng sự trong văn học viết và văn học hiện đại sau này) Ông Đỗ Bình Trị - khi xác định khái niệm vè, không dừng lại ở hai tiểu loại vè nêu trên mà dựa vào nội dung phong phú mà vè đề cập đến để lưu ý thêm có những bài vè kể về sự vật (gọi là vè trẻ em - Chúng tôi ngờ rằng đây là đồng dao? - NV), có những bài vè kể chuyện về thân phận con người trong xã hội cũ (gọi là vè than thân). Đi từ nguồn gốc (từ nguyên), ông Đinh Gia Khánh đưa ra nhận xét là vè có liên quan đến từ "vần vè" trong dân gian. Theo ông, vè là lời nói có vần mà tiếng Việt vốn là một ngôn ngữ giàu thanh điệu. Nhân dân ta trong lời ăn tiếng nói hàng ngày lại thích dùng những câu nhịp nhàng, đối xứng, thích nói ví von. Cho nên bên cạnh lối tự sự bằng văn xuôi đã xuất hiện lối tự sự bằng văn vần. Và đó là vè. Ông Lê Chí Quế bổ sung thêm rằng vè có cơ sở từ lối nói vần của nhân dân. Ngoài ra, những ý kiến, những khái niệm khác hầu hết đều thống nhất với các định nghĩa nêu trên. Như vậy, theo chúng tôi, vè là một loại văn vần - tự sự dân gian. Bằng hình thức nôm na, đơn giản dễ hiểu, vè phản ánh nhanh nhạy kịp thời những sự vật, sự kiện, nhân vật, sản vật ở một địa phương nào đó. Rồi tùy vào tính chất hấp dẫn của hình thức và bản thân sự vật, sự việc, con người được phản ánh mà quyết định sự lan rộng, phổ biến của nó. NGUỒN GỐC VÀ ĐẶC ĐIỂM 1. Về thời điểm xuất hiện:
  34. Cho đến nay, vẫn chưa xác định rõ ràng cụ thể thời điểm xuất hiện của vè nhưng theo nhiều ý kiến của các nhà nghiên cứu thì vè nảy sinh và phát triển chủ yếu trong thời kì phong kiến và giai đoạn cận đại (thế kỷ thứ XVIII, XIX, đầu XX - tức là từ thời Trịnh Nguyễn phân tranh về sau). Bài "Vè ông Ninh" (kể về ông Ninh Quốc Công Trịnh Toàn - em cùng cha khác mẹ với chúa Tây Đô Vương Trịnh Tạc 1657 - 1682) có thể coi là một trong những bài vè đời sớm còn lại đến nay. 2. Đặc điểm chung: Vè là một thể loại văn học dân gian có chức năng, đặc điểm riêng không lẫn lộn với bất kỳ một thể loại văn học dân gian nào khác. Tính thời sự, tính xác thực cụ thể, tính địa phương là những đặc điểm chung, hết sức nổi bật của thể loại này. ính thời sự: Vè phản ánh người thật việc thật, những sự kiện vừa mới xảy ra, những con người đương thời. Những sự kiện, con người đó được sự quan tâm chú ý của nhân dân ở vùng, làng có khi còn ảnh hưởng, có tiếng vang rộng hơn ở địa phương ( như xã, huyện, tỉnh hoặc toàn quốc). Vè ghi nhanh, kịp thời, cụ thể các sự kiện và nhân vật gắn liền với sự kiện ấy. Như đã nói, đây là một loại thông tin bằng miệng của quần chúng nhân dân, một loại báo chí truyền khẩu của dân gian. Vè ít có hư cấu trong nội dung. Các yếu tố thời gian, không gian, nhân vật sự kiện hầu như đều được xác định rõ ràng cụ thể. Ví dụ: Vè Bão năm Thìn 1904, Vè Trương Định. Tính địa phương: Vè ra đời gắn với địa phương và thường giới hạn sự phổ biến trong địa phương ấy. Khi sự việc có tính tiêu biểu thì vè mới được phổ biến rộng hơn. Chẳng hạn như Vè Đi ở, Vè về các nhân vật lịch sử, Vè chống Pháp Tính khuynh hướng tư tưởng: Không chỉ kể lại sự việc câu chuyện, vè còn bày tỏ thái độ quan điểm, sự bình giá của nhân dân đối với sự kiện, nhân vật ấy. Đó là thái độ khen chê rõ ràng dứt khoát ví dụ như chê bai những anh hay đánh vợ, phê phán những cặp vợ chồng làm biếng, căm ghét bon cường hào ác bá, ca ngợi, kính trọng những nhân vật anh hùng. Các tác giả dân gian thường đứng trên lập trường quan điểm, tư tưởng tình cảm và lý tưởng thẩm mỹ của nhân dân mà thuật kể, mà bình phẩm, đánh giá. Tính cá nhân: Vai trò cá nhân có vị trí và ý nghĩa rất quan trọng ở khâu sáng tác và kể vè. Dấu ấn cá nhân của người sáng tác thể hiện rõ ở nội dung và nghệ thuật vè. Và vì là một loại báo chí dân gian, làm sao cho dân gian dễ nhớ, dễ lưu truyền trong khi dung lượng truyện kể trong vè thường không ngắn như ca dao nên câu vè thường ngắn gọn, có vần có điệu, lời lẽ đơn giản, mộc mạc, nôm na. Yếu tố vần được chú ý hơn cả (dù đôi khi gieo vần theo kiểu áp đặt khiên cưỡng), ngoài ra những yếu tố khác tương đối sơ sài, lỏng lẻo.
  35. PHÂN LOẠI VÀ NỘI DUNG TỪNG TIỂU LOẠI 1.Vè sinh hoạt xã hội: Vè sinh hoạt (hay vè thế sự) hướng về sinh hoạt bình thường nhằm phản ảnh kịp thời những sự việc đáng chú ý xảy ra trong đời sống hằng ngày của nhân dân (thường là người thật việc thật). Những câu chuyện kể trong vè thế sự có những điểm gần gũi với truyện cổ tích sinh hoạt (nhưng không nói về những chuyện xảy ra trong quá khứ mà nói về những chuyện hiện tại như chuyện một đám cưới lớn, một đám ma to, chuyện làm đình, bắc cầu, đào sông, đào giếng, đi lính, đi phu, lụt bão, mất mùa ). Chính vì đề tài cuộc sống sinh hoạt phong phú như thế nên vè sinh hoạt được sáng tác nhanh hơn, nhiều hơn, thường xuyên và rộng khắp hơn. Không ở đâu mà tiếng nói của đời thường đi vào một cách nhanh chóng trực tiếp như ở vè sinh hoạt. Trong làng có gái không chồng mà chửa, ngay lập tức có "Vè chửa hoang": Vè vẻ vè ve Nghe tôi đặt truyện vè con gái hoang thai Ham chơi hoa nguyệt sạt sài tấm thân Ngó lên hòn núi phân vân Ngó về cái bụng càng lần càng to. Hoặc một đám ma lớn: Nhất vui là đám cố Lơn Dẫu bữa cuồng lớn gặp cơn mưa rào Hoãn lại bữa sau cho trời quang biển lặng Đến giờ dần tảng sáng Đến giờ mão rạng ngày thắp đèn đuốc vui thay Những câu chuyện kể trên trong vè không chỉ có thông báo mà còn cả bình luận - một cách bình luận cũng khá đặc biệt vì bởi cái nhìn hài hước, bởi tiếng cười ý nhị rất dân gian. Tuy vậy, ở vè thế sự, tính chất trữ tình cũng được dân gian chú ý thể hiện bên cạnh cái nhìn cười cợt trào phúng. Nỗi khổ có khi được nêu trực tiếp trong bài vè, chẳng hạn như bài "Vè bắt lính" sau đây: Sáng mai đi cày Ông lý ngồi giục Chưa được sào đất Việc quan tức khắc Có lệnh vua bắt Việc quan tức thì ! Anh trở về nhà Anh phải ra đi Anh mở cửa ra Lòng không dạ đói Trong nhà vắng vẻ Lệnh quan cứ trói Con mèo nằm giữa Điệu cổ anh đi Ông bếp ba bên Bắt lính thế ni Bắc nồi cơm lên Khổ ơi là khổ! Cơm sôi sùng sục Ta thấy các chi tiết nêu trong bài vè thường rất cụ thể. Và cũng chính vì quá cụ thể mà nó ít khi nào vượt ra khỏi địa phương của nó. Cho nên, những bài vè
  36. nêu lên các sự việc, con người có tính phổ biến hơn sẽ lan rộng ra nhiều địa phương hơn. Tính phổ biến đó, đôi khi làm cho nội dung bài vè hướng đến tính khái quát cao hơn và vì thế, vè cũng xích lại gần hơn với ca dao. Chẳng hạn như bài "Vè giữ trâu" dưới dây, những chi tiết cụ thể xác thực đã giảm bớt để nhường chỗ cho những cảm xúc trữ tình, bộc lộ tâm trạng: Lẳng lặng mà nghe Nghe vè chăn trâu Ra đứng đầu cầu Khóc mẹ, van cha. Hai hàng nước mắt rỏ sa Cách sông cách núi biết nhà chú đâu? Nhà chú có một con trâu Líp nảy nỏ có lấy đầu che mưa Thân tôi đi sớm về trưa Vác cày vác bừa đã mỏi hai vai (Líp nảy - lịp nảy: nón và áo tơi / nỏ: không - tiếng địa phương Nghệ Tĩnh) Chính hình thức nửa vè nửa ca dao như vậy rất thích hợp với nhu cầu vừa kể chuyện vừa bộc lộ tâm tình của tác giả dân gian - đáp ứng được về độ dài của nội dung câu chuyện kể mang tính chất tự sự với nhiều chi tiết, tình tiết cần nêu. Có một điều mà ta cần lưu ý. Khi kể lể những nỗi thống khổ của những con ở, vợ lẽ, người làm dâu, người góa bụa, người đi phu, người đi lính, người vợ lính vè sinh hoạt đã đi từ những nội dung thế sự chuyển dần sang nội dung giai cấp, đi từ những cuộc đấu tranh phản kháng cục bộ ở địa phương mình đến việc phản ảnh lại những cuộc đấu tranh có quy mô rộng lớn hơn. Đó là những cuộc khởi nghĩa nông dân chống lại các tập đoàn phong kiến thống trị, những cuộc kháng chiến chống xâm lược của nhân dân cũng là cách phản ứng lại sự nhu nhược của triều đình. Trong trường hợp này, ta có tiểu loại vè lịch sử. 2.Vè lịch sử: Có những điểm liên hệ gần gũi giữa truyền thuyết lịch sử và vè lịch sử. Nhưng tất nhiên hai thể lại này không hề giống nhau. Trên thực tế, khi tiếp cận với các thể loại văn học dân gian, không quá khó khăn để phân biệt truyền thuyết lịch sử với vè lịch sử. Nhưng không phải không có người nhầm lẫn giữa vè lịch sử và diến ca lịch sử Diễn ca lịch sử hay sử ca thuộc loại các tác phẩm văn học viết nhưng được dân gian thông thuộc như Thiên Nam ngữ lục, Đại Nam quốc sử diễn ca. Diễn ca lịch sử lấy lịch sử làm đề tài (hay đối tượng phản ánh), dùng hình thức văn vần kể lại những sự kiện đã xảy ra trong quá khứ mà tác giả không trực tiếp chứng kiến. Trong khi đó, vè lịch sử lấy đề tài là những biến cố, những sự kiện lịch sử đương thời đang diễn ra hoặc vừa mới diễn ra nhằm phản ánh kịp thời trực tiếp những gì mà tác giả là người đã ít nhiều được chứng kiến hay được sống trong không khí bối cảnh lịch sử ấy. Đó là trường hợp của các bài Vè vợ ba Cai Vàng, Vè thất thủ kinh đô, Vè Tây chiếm tỉnh Thanh, Vè chàng Lía Như vậy, tính thời sự là đặc điểm chung cũng là đặc điểm nổi bật
  37. của vè lịch sử. Đó chính là chỗ khác nhau cơ bản giữa vè lịch sử và diễn ca lịch sử. Đối với tiểu loại này, sự tham gia sáng tác và lưu truyền của dân gian sâu rộng hơn. Tất nhiên những nhân vật lịch sử và những biến cố lịch sử bao giờ cũng có ảnh hưởng sâu sắc đối với nhân dân. Vì thế, khi một bài vè lịch sử ra đời, nó đã nhanh chóng vượt ra khỏi địa phương sinh thành để trở thành một sản phẩm chung với tính dân tộc rất cao. Khi ấy, những sự kiện, con người đậm đà chất xác thực - người thật việc thật - ban đầu đã được trí tưởng tượng và lòng kính trọng của dân gian nhào nặn thêm để rồi một bộ phận không nhỏ đã trở thành những tác phẩm văn học dân gian đạt giá trị cao về nội dung và hình thức. Đọc nội dung các bài vè ở loại này, với tính xác định của thời điểm, địa danh và nhân vật, ta dễ dàng đoán định được hoàn cảnh ra đời của những bài vè này. Phần lớn các bài vè lịch sử đã được sưu tầm lại đều nảy sinh từ phong trào nông dân khởi nghĩa chống phong kiến và phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trong thế kỷ XVIII, XIX và đầu XX. Ta thử điểm qua một số bài vè tiêu biểu của thể loại này. Trong vè lịch sử, hình tượng chàng Lía trong "Vè chàng Lía" khá điển hình cho hình ảnh người nông dân đứng lên khởi nghĩa chống chế độ phong kiến. Lừng danh chàng Lía tài cao Thâu được thành nọ tiếng hào đồn ran Vỗ về chiêu dụ trăm dân Trước sau yên ổn mười phần làm ăn. Các tác giả dân gian kể vè, nói vè thật đơn giản. Không dông dài ý nghĩa to tát như các thể loại truyện kể thế mà tác dụng khách quan cùng sức tác động của nó trong đời sống lại rất cao. Chỉ là một câu chuyện về một người cố nông dám đứng lên chống lại triều đình. Chẳng biết Lía họ gì, cứ sinh ra và lớn lên bên mẹ như nhân vật trong truyền thuyết Phù Đổng. Thương mẹ mà không nuôi nổi mẹ, phải đi ăn trộm. Nhỡ tay đánh chết người, bỏ nhà, bỏ mẹ lên rừng. Từ khi mẹ mất, Lía bắt đầu thỏa chí tung hoành vì chính nghĩa, không chỉ cướp của nhà giàu chia cho dân nghèo mà còn đánh tan cả quân chúa Nguyễn ở Quy Nhơn. Nhưng rồi, cũng như những cuộc khởi nghĩa nông dân tự phát manh động dễ khinh suất khác, Lía bị phản công và thất bại. Để rồi bài vè kết thúc bằng nỗi ngậm ngùi: Chiều chiều én lượn Truông Mây Cảm thương chú Lía bị vây trong thành. Những diễn biến trong cuộc đời chàng Lía là sự thu nhỏ của hình ảnh xã hội Việt Nam thế kỷ XVII - XVIII. Câu chuyện kể từ cuộc đời thật phải chăng là một cuộc diễn tập quy mô cho cuộc khởi nghĩa của người anh hùng áo vải cờ đào thế kỷ sau ? Ở một địa phương khác, "Vè vợ ba Cai Vàng" cũng lan tỏa khắp làng quê phố chợ.
  38. Khen cho trí lực đàn bà Bắc Ninh tài tướng vợ ba Cai Vàng Cai Vàng tên thật là Nguyễn Văn Thịnh, người làng Phượng Nhỡn, tổng Hoàng Vân (tỉnh Bắc Ninh). Ông làm cai ở tổng Vàng nên người gọi là Cai Vàng. Có ba vợ, khi gặp nguy nan, hai bà vợ lớn của Cai Vàng đều bàn lùi, chỉ có bà vợ ba (còn gọi là cô Quận) là quyết sống mái với kẻ thù. Trong bài vè, hình ảnh của bà rực rỡ đến lu mờ hình ảnh Cai Vàng. Ngồi trên ngựa gọi tiếng loa, Các quan mới biết vợ ba Cai Vàng! Đem tin triều biết rõ ràng: "Chính ta vợ bé Cai Vàng ra đây !" Quan phó ngự tượng đánh lao, Quan phủ tiếp diễn kéo vào tới nơi. Cô Quận sống thác cũng chơi Phó gươm bắt mác xem trời bằng vung. Hình ảnh người phụ nữ anh hùng có tài thao lược này đã được lòng yêu mến và ngưỡng mộ của nhân dân lý tưởng hóa. Họ phủ lên hình tượng của bà sự hư cấu thần kỳ trong một cách diễn đạt bởi ngôn ngữ dân gian bình dị, tự nhiên mà sống động. Một bài vè đặc sắc khác là "Vè thất thủ kinh đô", "thông qua cuộc đấu tranh nội bộ giữa hai phái chủ hòa và chủ chiến trong triều đình Huế, nói lên tinh thần yêu nước, quyết tâm kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta" (Lê Chí Quế). Cũng giống như hình tượng vợ ba Cai Vàng, ở đây, các nhân vật lịch sử anh hùng luôn được dân gian khắc họa bằng biện pháp lý tưởng hóa đến mức thần kỳ với những nét siêu phàm. Đây là hình tượng Tôn Thất Thuyết: Nước ta quan tướng anh hùng. Bách quan văn võ cũng không ai tày Người có ngọc vẹt cầm tay Đạn vàng Tây bắn ba ngày không nao Tài hay văn võ lược thao Khí khái nhân địa ra vào rất thông Bốn bề cự chiến giao công Tây phiên nói: " Thực anh hùng nước Nam" Theo tài liệu của ông Tôn Thất Bình (trường ĐH Huế), bài vè này dài đến 1850 câu. Bản ở ĐH Huế còn lưu giữ lại đến 2243 câu. Có bản sưu tầm dài đến 4900 câu. Đây là bài vè dài nhất hiện nay mà chúng ta có được. Tác giả dân gian kể lại sự việc từ năm 1885 đến khoảng các năm 1907-1908, một giai đoạn lịch sử sau năm Thuận An thất thủ trên dưới 30 năm. Đây là một giai đoạn ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống nhân dân mà trong đó là những bức tranh sinh động về đời sống nhân dân, về cuộc đấu tranh của nhân dân với những biến cố lịch sử và các nhân vật lịch sử quan trọng khác. 3.Vè sự vật:
  39. Vè sự vật (hay còn được gọi là vè kể vật, vè kể việc) hướng về các sự vật cụ thể trong tự nhiên và trong đời sống xã hội, phát hiện và nêu lên những đặc điểm chủ yếu (về chức năng, tác dụng, tính chất, hình dạng, màu sắc ) trong sự liệt kê, so sánh, đối chiếu hoặc cố tình nói khác, nói ngược để kích thích sự tìm hiểu thế giới của nhiều đối tượng người nghe - đặc biệt là trẻ em. Vì đặc trưng này mà vè sự vật rất gần với đồng dao và câu đố qua những thể thơ ngắn, ngôn ngữ giản dị, hình ảnh ngộ nghĩnh, đáng yêu. Đề tài của vè sự vật vì thế rất rộng bao gồm hầu hết các sự vật hiện tượng trong tự nhiên, trong xã hội. Đây chỉ giới thiệu một số hình thức độc đáo của vè sự vật. Tiêu biểu là kiểu nói xuôi và nói ngược rất thú vị và hấp dẫn: - Cây nghễ có hoa Cây cà có trái Con gái có chồng Đàn ông có vợ Con cá có vây Ông thầy có sách Hàng Bạch có tàn Ông quan có lộng - Hay ăn thịt chết Là thằng quạ đen Tinh mắt hay ghen Là con chim gáy Vừa đi vừa nhảy Là con sáo xinh Hay nói linh tinh Là con liếu điếu - Ve vẻ vè ve Cắm vè cắm lối Xắn quần mà lội Lội núi cheo leo Chống gậy mà trèo Trèo sông trèo bể Tôi ngồi tôi kể Cái vè của tôi Cứng như xôi Mềm như đá Thơm như cá Tanh như hương Tối như gương Sáng như mực - Nghe vẻ nghe ve Nghe vè nói ngược
  40. Ngựa đi dưới nước Tàu chạy trên bờ Lên núi đặt lờ Xuống sông bửa củi Các tiểu loại vè trong phần trình bày nêu trên chỉ là một trong rất nhiều cách phân chia. Thực tế, có nhiều cách phân chia đa dạng khác. Có người dựa vào thể thơ để chia ra vè lục bát, vè song thất lục bát, vè nói lối, vè theo thể vãn Có người dựa vào độ dài ngắn để chia ra vè dài, vè ngắn Có người lại dựa vào phương thức thể hiện để chia thành vè tự sự và vè trữ tình v.v Trong đó thì cách phân loại dựa vào đề tài theo phân trình bày cụ thể nêu trên vẫn phổ biến hơn cả. VÀI NÉT VỀ NGHỆ THUẬT 1. Ngôn ngữ: Do mục đích và nội dung sáng tác khá đặc biệt nên ngôn ngữ vè giản dị, mộc mạc, không cầu kỳ và quá trau chuốt, sử dụng nhiều tiếng địa phương quen thuộc, đôi khi không loại trừ cả những từ ngữ nôm na. Để sáng tác kịp thời, phản ánh cụ thể, chi tiết về người thật việc thật, các tác giả dân gian chỉ đặc biệt chú ý đến nội dung thông báo truyền đạt mà hầu như không quan tâm đến việc gọt giũa và trau chuốt về hình thức. Cho nên dù hình thức của vè có phong phú đa dạng thì cũng là sự phong phú đa dạng trong trạng thái tự nhiên, thô phác, mộc mạc. Những từ ngữ giàu hình ảnh ẩn dụ, ước lệ, tượng trưng trong ca dao ít được sử dụng trong lối kể vè. Tuy nhiên do tính chất phổ biến rộng rãi hơn, đối tượng tiếp nhận cũng phong phú đa dạng hơn, trong đó không ít người là những nghệ nhân tài hoa trong lối kể vè, sáng tác vè; ngôn ngữ vè lịch sử thường đạt yêu cầu gọt giũa tốt hơn loại vè sinh hoạt (do vè sinh hoạt đáp ứng nhu cầu thông báo tức thời). 2. Thể thơ: Các thể thơ dân gian được sử dụng trong vè rất rộng rãi, tự do (Tùy theo tính chất của đề tài và sở trường của người sáng tác vè mà lựa chọn thể thơ thích hợp) Vì thế nói đến thể thơ trong vè là nói đến sự phong phú với các thể văn vần khác nhau. Có thể kể đến là 4 chữ (có xen 3 chữ), 5 chữ, lục bát, song thất lục bát, nói lối, hỗn hợp 3. Kết cấu: Kết cấu của vè đi theo công thức kết cấu của một tác phẩm tự sự. Tức là có mở đầu, diễn biến và kết thúc. Đa phần nội dung trong một bài vè - đặc biệt là vè lịch sử và vè thế sự- thường là một câu chuyện kể có tình tiết, có nhân vật, có mâu thuẫn, xung đột Kết cấu của vè là kết cấu của một tác phẩm tự sự bằng văn vần. Phần mở đầu, có một số bài vè đi theo công thức:  Lẳng lặng mà nghe
  41.  Nghe vẻ nghe ve  Ve vẻ vè ve  Ngồi buồn đặt một chuyện vè Làng trên xã dưới ngồi nghe tỏ tường Tuy nhiên, một số bài vè trữ tình (vè than thân, trách phận , giải bày tâm trạng) có kết cấu linh hoạt hơn. Ví dụ: Vè đi ở, Vè đi phu, Vè người làm lẽ