Tính dân tộc và tính hiện đại trong nghệ thuật tạo hình Việt Nam

pdf 7 trang ngocly 3630
Bạn đang xem tài liệu "Tính dân tộc và tính hiện đại trong nghệ thuật tạo hình Việt Nam", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdftinh_dan_toc_va_tinh_hien_dai_trong_nghe_thuat_tao_hinh_viet.pdf

Nội dung text: Tính dân tộc và tính hiện đại trong nghệ thuật tạo hình Việt Nam

  1. TÍNH DÂN TỘC VÀ TÍNH HIỆN ĐẠI TRONG NGHỆ THUẬT TẠO HÌNH VIỆT NAM TRƯƠNG BÉ-Sự sống-sơn mài Mỹ thuật Việt Nam đã kế thừa và phát huy được tinh hoa nghệ thuật truyền thống hàng ngàn năm của ông cha để xây dựng một nền nghệ thuật tạo hình Việt Nam rất đáng tự hào. Năm 1925 trường Mỹ thuật Đông Dương được thành lập, là nhân tố quan trọng cho sự hình thành và phát triển của nền nghệ thuật tạo hình Việt Nam. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, các thế hệ họa sĩ và nhà điêu khắc như những chiến sĩ đem hết sức lực tài năng của mình phục vụ kháng chiến cho đến ngày thắng lợi.
  2. Hòa bình thống nhất đất nước, các thế hệ họa sĩ, nhà điêu khắc và những người làm công tác mỹ thuật tiếp tục đóng góp công sức rất lớn trong việc đặt nền móng cho sự nghiệp mỹ thuật nước nhà. Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Sáng, Nguyễn Phan Chánh, Diệp Minh Châu, Nguyễn Tiến Chung, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sỹ Ngọc, Nguyễn Khang, Nguyễn Văn Tỵ, Hoàng Tích Chù, Nguyễn Thị Kim, Huỳnh Văn Gấm, Dương Bích Liên, Nguyễn Hải từ lâu đã là những tên tuổi lớn của nền Mỹ thuật Việt Nam. Nghệ thuật cách mạng đã tạo nên một trang sử Mỹ thuật với nhiều phong cách, cá tính sáng tạo đem đến những biến đổi về chất của nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Năm 1986, Đảng cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo sự đổi mới toàn diện về kinh tế, văn hóa xã hội của đất nước. Nghị quyết Trung ương 5 về văn hóa văn nghệ của Bộ Chính trị như một luồng gió mới trong lành. Đảng và Nhà nước khuyến khích mọi tìm tòi sáng tạo trong văn học nghệ thuật. Tôn trọng cá tính sáng tạo của các nghệ sĩ, đồng thời góp phần xây dựng một nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc hiện đại. Tại đại hội lần thứ VI của Đảng (12-1986) kêu gọi đổi mới toàn diện về mọi mặt tư duy chính trị - kinh tế - văn hóa xã hội. Mặc dù không khí sáng tác mỹ thuật thời kì này tự do hơn, cởi mở hơn. Phong cách nghệ thuật đã bắt đầu đa dạng hơn, phong phú hơn; song cũng chỉ là những biểu hiện của thời kì đầu mở cửa hội nhập. Sự đổi mới mạnh mẽ trong nghệ thuật tạo hình phải đến thập kỷ 90 mới bộc lộ rõ rệt. Trước hết là đổi mới về hoạt động nghệ thuật, các triển lãm hội họa cá nhân và nhóm xuất hiện ngày càng nhiều. Đời sống mỹ thuật sôi động, các họa sĩ thật sự bị
  3. cuốn hút vào công việc sáng tác và công bố tác phẩm. Tự lo đời sống, sáng tác và triển lãm là điều trước đây chưa từng xảy ra. Thập kỷ 90 cũng được coi là thập kỷ đánh dấu sự ra đời ồ ạt các gallery nghệ thuật, các nhà sưu tập nghệ thuật mới, góp phần hình thành thị trường nghệ thuật trong nước. Bắt đầu có sự giao lưu trao đổi triển lãm với quốc tế. Sự đổi mới có tính căn bản đó là đổi mới nhận thức và đổi mới quan niệm nghệ thuật. Nghệ thuật tạo hình không còn rập khuôn cách nhìn, cách biểu hiện hiện thực mà chuyển sang giai đoạn phát triển nhiều cách biểu hiện khác nhau. Do tính quốc tế hóa của nghệ thuật nên xuất hiện các loại hình pop - art, installation, performance, video art. Đây là sự ảnh hưởng tất yếu của nghệ thuật trong quá trình mở cửa hội nhập và đổi mới. Người Việt Nam chưa quen cảm thụ các loại hình nghệ thuật còn quá mới lạ nên không tránh khỏi sự ngỡ ngàng. Mặt khác, một số tác giả trẻ do chưa đầy đủ bản lĩnh, vốn sống, kinh nghiệm nghề nghiệp, đặc biệt là vốn văn hóa dân tộc nên cách đặt vấn đề cũng như giải pháp thể hiện vào tác phẩm sắp đặt, trình diễn, video art chưa gây được hiệu quả về nội dung và xã hội cũng như thẩm mỹ, nên thiếu sự hưởng ứng của công chúng. Dù vậy năm 2007, các cơ quan văn hóa vẫn tổ chức cuộc trưng bày có tính quy mô toàn quốc tại trường Đại học mỹ thuật Việt Nam. Sau cuộc triển lãm cho đến nay, các loại hình nghệ thuật này có phần thưa dần. Hy vọng trong tương lai, các thể loại này sẽ tiếp tục được các nghệ sĩ tìm tòi nghiên cứu, không ngừng nâng cao chất lượng sáng tác vừa mang sắc thái Việt Nam dân tộc vùa hiện đại. Khuyến khích và tôn trọng mọi tìm tòi sáng tạo. Tôn trọng mọi khuynh hướng và phong cách nghệ thuật đã làm cho không khí sáng tác càng sôi động. Đội ngũ sáng
  4. tác ngày càng đông đảo, nhiều gương mặt mới xuất hiện. Nhiều cách tiếp cận và phản ánh cuộc sống theo cách nhìn, cách vẽ khác nhau được công bố. Nhận thức thay đổi dẫn đến quan niệm nghệ thuật thay đổi. Người nghệ sĩ được hoàn toàn tự do sáng tạo nên không khí nghệ thuật được cởi mở. Đã có nhiều triển lãm tranh trừu tượng cá nhân và nhóm ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh từ những năm đầu mở cửa 1988 đến những năm sau 1992. Các họa sĩ cao niên trong giai đoạn này, vẫn chủ yếu sáng tác theo khuynh hướng hiện thực. Trong sáng tác của họ luôn giữ được bản sắc dân tộc. Nhưng ngôn ngữ biểu hiện có phần bị hạn chế chưa đưa được các yếu tố hiện đại vào tác phẩm, do vậy cũng hạn chế ít nhiều đến hiệu quả nghệ thuật của tác phẩm. Các họa sĩ và nhà điêu khắc thuộc thế hệ thứ hai và thứ ba của nền nghệ thuật tạo hình Việt Nam đã tiếp bước đàn anh đi trước, trở thành thế hệ nghệ sĩ tạo hình trong thời kỳ đổi mới. Đây là lực lượng sáng tác sung sức và đầy nhiệt huyết. Nhiều tác giả đã định hình, nổi tiếng với nhiều phong cách, cá tính sáng tạo mới. Các tác giả của thế hệ này sáng tác theo nhiều khuynh hướng khác nhau: hiện thực, siêu thực, lập thể, trừu tượng. Họ thành công trong việc học tập có chọn lọc những tinh hoa nghệ thuật của thế giới và tiếp thu những đỉnh cao giá trị của nghệ thuật dân tộc để vận dụng một cách nhuần nhuyễn vào tác phẩm của mình, tạo nên những sắc thái mới và hiệu quả cho cả nội dung lẫn hình thức trong các tác phẩm. Hội họa trừu tượng sơn mài là một trong những thành công của các tác giả trung và cao niên trong thời kỳ này. ít thấy các nước trên thế giới dùng kỹ thuật sơn mài truyền thống để biểu hiện ngôn ngữ tạo hình theo xu hướng trừu tượng như ở Việt Nam. Nhìn vào một bức tranh trừu tượng sơn mài, chúng ta thấy rất rõ tính dân tộc ở
  5. kỹ thuật và chất liệu. Vẽ, đắp nổi, pha độn màu, mài, gắn vỏ trứng, thếp vàng, bạc, vỏ sò, vỏ xả cừ, chỗ mài phẳng, chỗ ghồ ghề, chỗ biểu cảm nét, chỗ bộc lộ chất, tạo ra biết bao hiệu quả tạo hình thẩm mỹ bất ngờ. Càng nhìn càng thấy lung linh huyền ảo, ẩn chứa sâu kín dưới tầng tầng lớp lớp chất son no đầy óng ả, lộng lẫy, huy hoàng; no về chất, đầy về lượng, sâu thẳm không gian. Sơn mài hiện đại không đánh mặt tranh bóng mượt như gương mà thường đánh nhẵn vừa độ, nhiều chỗ không đánh bóng để lấy hiệu quả về chất. Chính vì vậy tạo cho sơn mài trừu tượng một hiệu quả thẩm mỹ bất tận. Nhìn vào một bức tranh trừu tượng có nghề người ta thấy đầy đủ tính chất, cốt cách của người vẽ, của triết lý thẩm mỹ dân tộc, triết lý phương Đông. Đã gọi là trừu tượng tức không hình. Không hình tức là không diễn tả những đối tượng sự vật trông thấy bằng mắt vào tác phẩm. Còn hội họa trừu tượng vẫn có “hình“, “hình“ đó là “hình“ trừu tượng. Bằng thủ pháp trừu tượng, khái quát, ước lệ, tượng trưng chú trọng đến nhịp điệu, ấn tượng tổng thể toàn bộ tác phẩm để gây hiệu quả thẩm mỹ cho bức tranh. Các tác phẩm trừu tượng gợi mở những miền sâu thẳm trong tâm thức của con người, từ đó khơi dậy trí tưởng tượng, trí tuệ và óc sáng tạo. Nội dung của tác phẩm hội họa trừu tượng chính là “tinh thần“ của tác phẩm ấy tạo ra. Hiện thực phương Đông quan niệm là hiện thực “tinh thần“. Người nghệ sĩ phương Đông không chăm chăm đạt cái giống bên ngoài, mà muốn đạt tới tâm trạng cao rộng hơn thế nhiều, tới mức tác phẩm tự nó tìm được cách biểu hiện khi người nghệ sĩ không còn nghĩ gì đến sự nói trên nữa. “Học ở vật chưa bằng học ở tâm“ tranh phương Đông là vậy. Phương Đông nhìn bao quát tổng hợp. Trong khi phương Tây tách bạch phân minh; phương Tây duy lý; phương Đông duy cảm. Trong tranh phương Đông luôn đồng thời nhìn thấy các biểu trưng trừu tượng lồng vào nhau, bao quát rồi mới đến cái cụ thể. Cụ thể nằm trong bao
  6. quát thành một chỉnh thể. Lão Tử nói: “Đại tượng vô hình“ cảnh lớn thì không có hình. Không có hình vì nó đã bao trùm toàn bộ trong đó. Không gian làm gì có hình nhưng không gian chứa cả trời đất, các thiên hà, các hành tinh trong vũ trụ. “Hư không là vạn năng bởi nó chứa đựng vạn vật“ chỉ trong hư không thì mới có sự vận động. Cái gì mà bản thân nó tạo ra được hư không để cho mọi sự thể khác xâm nhập vào dễ dàng thì sẽ là chủ thể của mọi linh thể. “Lý thuyết về không gian trống rỗng được tượng trưng bằng sự vắng mặt của vật thể“ bởi tin rằng mọi nguyên lý sáng tạo vô hình của thế giới đều ở “Đạo - mẹ của vạn vật. “Đạo“ là lớn. “Đạo“ là trời. “Đạo“ không lý giải được. Người phương Đông quan niệm như vậy suốt hàng ngàn năm nay nên nó trở thành những nguyên lý hết sức cơ bản, ứng xử trong nghệ thuật. Vậy nên có thể nói rằng hội họa trừu tượng là “gốc“ từ phương Đông. Người phương Đông và Việt Nam có vẽ trừu tượng thì cũng là điều tất yếu vì nó trở về “gốc“. Đến đây, có thể nói rằng tính dân tộc và tính hiện đại trong nghệ thuật tạo hình Việt Nam bao hàm rất nhiều yếu tố: phong tục, tập quán, lối sống, ứng xử, cốt cách, tâm hồn, quan niệm thẩm mỹ, truyền thống bao trùm đó là văn hóa. Mà văn hóa là những gì con người tạo ra và để lại trong quá trình hình thành và phát triển của một cộng đồng người. Nó bao gồm cả văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần. Hay văn hóa là tổng hòa của các mối quan hệ xã hội. Tính hiện đại trong nghệ thuật tạo hình được biểu hiện trong phương pháp nhận thức thời đại phù hợp với quan niệm thẩm mỹ của thời đại mới. Trong thủ pháp xử lý kỹ thuật chất liệu ngôn ngữ nghệ thuật, trong phong cách biểu hiện ngôn ngữ đặc thù để tạo ra những giá trị mang tính thời đại mà người sáng tạo ra đang sống. Theo dòng lịch sử và thời gian, tính dân tộc và hiện đại cũng sẽ có sàng lọc và rơi rụng. Nhưng
  7. ngược lại cũng có những bồi đắp thêm. Cái gì hay, đẹp và có giá trị thì lưu truyền tồn tại. Cái gì chưa hay, chưa đẹp, chưa có giá trị thì dần dần bị loại trừ. Nghệ thuật tạo hình tạo ra những giá trị vật thể trông thấy được, sờ mó được cùng với thời gian. Do vậy không thể khen nhiều mà được hay chê nhiều mà nên. Thời gian sẽ rất khách quan công bằng với nghệ thuật. Người nghệ sĩ đam mê lao động sáng tạo cho nghệ thuật bao nhiêu thì sẽ nhận lại được chân giá trị của nghệ thuật bấy nhiêu. Cho nên, tốt nhất người nghệ sĩ phải hoàn toàn chìm trong bóng tối để đưa ra ánh sáng bản thể của nghệ thuật. Cũng không nên tự ti mặc cảm. Ngược lại cũng không nên tự hào ngộ nhận quá đáng. Không nên đem nghệ thuật phương tây so với ta để rồi nói rằng ta lạc hậu yếu kém. Mọi sự so sánh đều khập khiễng. Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc đều có nền văn hóa riêng, nghệ thuật riêng. Không ai phủ nhận những tinh hoa nghệ thuật thế giới, tinh hoa nghệ thuật dân tộc. Vấn đề là tiếp thu có chọn lọc để bồi đắp cho nền nghệ thuật của mình thêm phong phú đa dạng và ngày càng cao hơn trước. Đó mới là ý nghĩa của sự hội nhập và phát triển, tự do sáng tạo nghệ thuật. Để xây dựng một nền nghệ thuật tạo hình Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc nhưng không thiếu tính hiện đại.