Người Hoa với những đóng góp trong việc xây dựng những trung tâm thương mại nổi tiếng vùng Nam Bộ xưa

pdf 7 trang ngocly 2510
Bạn đang xem tài liệu "Người Hoa với những đóng góp trong việc xây dựng những trung tâm thương mại nổi tiếng vùng Nam Bộ xưa", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfnguoi_hoa_voi_nhung_dong_gop_trong_viec_xay_dung_nhung_trung.pdf

Nội dung text: Người Hoa với những đóng góp trong việc xây dựng những trung tâm thương mại nổi tiếng vùng Nam Bộ xưa

  1. Người Hoa với những đóng góp trong việc xây dựng những trung tâm thương mại nổi tiếng vùng Nam Bộ xưa Phan Đình Dũng I. Cộng đồng người Hoa đến với vùng đất Nam Bộ Do nhiều biến động của xã hội, nhiều dân tộc từ các nơi khác đã tìm đến vùng đất Nam Bộ sinh sống trong nhiều thời kỳ lịch sử. Sự cộng cư nhiều thành phần dân tộc nói chung, trong đó có cộng đồng người Hoa nói riêng đã góp phần làm đa dạng sắc thái tộc người, sự phong phú về văn hóa của vùng đất Nam Bộ. Cho đến nay, dù chưa biết đích xác những lưu dân Việt đặt chân lên xứ Đồng Nai vào thời điểm nào, nhưng chắc chắn, họ đã có mặt trước năm 1623, khi chúa Nguyễn thiết lập đồn thu thuế tại Preikor (địa điểm được xác định thuộc nội ô thành phố Hồ Chí Minh hiện nay). Sự có mặt của nhóm cộng đồng người Hoa được sử sách chép với mốc thời gian định vị rõ ràng. Sách Gia định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức cho biết: “Tháng 4 năm Kỷ Mùi (1679), quan Tổng binh thủy lục trấn thủ các xứ ở Long Môn thuộc Quảng Đông nước Đại Minh là Dương Ngạn Địch và phó tướng Hoàng Tấn, quan Tổng binh trấn thủ các châu Cao, Lôi, Liêm là Trần Thắng Tài, phó tướng Trần An Bình dẫn quân và gia nhân hơn 3.000 người với chiến thuyền hơn 50 chiếc xin được vào Kinh bằng hai cửa Tư Dung và Đà Nẵng ( ) họ không thể thần phục nhà Minh nên chạy sang nước Nam nguyện được làm dân mọn ( ) Triều đình mới tổ chức khao đãi ân cần, chuẩn y cho giữ nguyên chức hàm, phong cho quan tước rồi lệnh cho tới Nông Nại (Đồng Nai) làm ăn, gắng sức khai phá đất đai ( ). Bọn tướng Long Môn họ Dươngđem binh thuyền tiến nhanh vào cửa Xoài Rạp và cửa Đại, cửa Tiểu dừng trú tại xứ Mỹ Tho. Bọn tướng các xứ Cao, Lôi, Liêm họ Trần thì đem binh thuyền vào cửa Cần Giờ Trần Thượng Xuyên theo cửa biển Cần Giờ rồi đồn trú tại xứ Bàn Lân thuộc Đồng Nai”[1]. Năm 1680, một nhóm người Hoa khác do Mạc Cửu đến Hà Tiên. Một số tư liệu cho biết: Mạc Cửu (người Lai Châu, Quảng Đông, Trung Quốc), không phục nhà Thanh, đem gia quyến, người thân khoảng 400 người sang khai phá vùng đất Hà Tiên. Mặc dầu trải qua nhiều biến cố trênn vùng đất mới nhưng Mạc Cửu đã khôn khéo vượt qua và sau đó thần phục dâng đất, thần phục nhà Nguyễn. Năm 1708, Mạc Cửu dâng biểu xưng thần với chúa Nguyễn và được phong làm Tổng binh, cai quản trấn Hà Tiên. Năm 1735, Mạc Cửu mất, chúa Nguyễn cho con trai trưởng của ông là Mạc Thiên kế tập, cai quản xứ Hà Tiên. Bắt đầu từ cuối thế kỷ XVII cho đến những giai đoạn về sau, số lượng người Hoa đến vùng Nam Bộ ngày càng tăng qua nhiều đợt di dân mỗi khi Trung Quốc hay các vùng người Hoa sinh sống biến động về xã hội. Bao thế hệ người Hoa từ đoàn di dân đầu tiên đến những đợt di cư do về sau đã lần hồi góp phần xây dựng vùng đất Nam Bộ vốn là nơi “tị nạn” trở thành “quê hương” bao dung đối với họ. Trải qua bao biến cố lịch sử, lúc thăng, lúc trầm trong suốt quá trình di cư, định cư, cộng đồng người Hoa đã có nhiều đóng góp quan trọng trong công cuộc khai khẩn; đặc biệt là việc xây dựng những trung tâm thương mại nổi tiếng vào những thời kỳ khai khẩn, góp phần cho sự phát triển kinh tế - xã hội vùng đất Nam Bộ, đặt cơ sở cho kinh tế hàng hóa phát triển về sau. 1 | T r a n g
  2. II. Những trung tâm thương mại nổi tiếng ở Nam Bộ thế kỷ XVII - XVIII 2.1. Xứ đại đô hội - Nông Nại đại phố Nông Nại đại phố xưa được xác định là vùng Cù lao Phố hiện nay thuộc xã Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Đây là một cù lao giữa hai nhánh sông với vị thế thuận lợi lớn về đường thủy. Xưa kia, đây chính là điểm “trung gian” giữa miệt hạ lưu và thượng lưu sông Đồng Nai – trước gọi là Phước Long giang. Tên gọi Cù lao Phố vừa dân dã ấy lại là danh xưng dễ quen, dễ nhớ về một nơi từng được định danh “xứ đô hội” mà công đầu tạo dựng của nhóm người Hoa do Trần Thượng Xuyên dẫn đầu. Khi đến vùng Cù lao Phố, Trần Thượng Xuyên thấy địa hình này có ưu thế cho việc phát triển nông nghiệp, lại thuận tiện giao thông thủy, bộ; có lợi cho việc buôn bán nên đã xây dựng nơi đây thành một thương cảng. Đường xá ở Cù lao Phố được mở mang, phố xá được tạo dựng, chợ búa được thành lập, hàng hóa dồi dào, thường xuyên có nhiều tàu nước ngoài đến buôn bán. Cảnh phồn vinh, sầm uất của Cảng thị Cù lao Phố được sử sách ghi chép: “Trần Thượng Xuyên chiêu tập người thương buôn nước Trung Quốc đến lập ra phố xá, mái ngói tường vôi, lầu quán cao ngất, dòng sông rực rỡ, ánh nhật huy hoàng, liền nhau tới 5 dặm, Chia làm ba đường phố, đường phố lớn lót đá trắng, đường phố ngang lót đá ong, đường phố nhỏ lót đá xanh, toàn thể đường bằng phẳng như đá mài, kẻ buôn tụ tập, ghe thuyền đi biển, đi sông đều đến cuốn buồm neo đậu, đầu đuôi thuyền đậu kế tiếp nhau, thật là một chỗ đô hội. Các nhà phú thương buôn to bán lớn chỉ đây là nhiều hơn, có người mà cả nước biết tiếng ”[2]. Trong lịch sử phát triển, Cù lao Phố được hình thành như một cảng sông sâu trong nội địa nên đã có ưu thế tối ưu như một trung tâm thu mua hàng hóa được từ nhiều nguồn, đa dạng và thương mại phát triển của một khu vực được khai phá sớm. Ngay từ vùng Cù lao Phố là nơi sớm tập trung các ngàngh nghề thủ công: dệt chiếu, làm tơ lụa, làm gốm, mộc, đúc đồng, làm pháo hay chăn nuôi tằm, trồng mía, nấu đường Đặc biệt, những sản phẩm của Cù lao Phố được xem như những hàng đặc sản nhiều nơi đặt mua. Ngoài nguồn hàng cung cấp tại chỗ, thương cảng Cù lao Phố còn tiếp nhận các nguồn hàng hóa từ nơi khác trên vùng Đồng Nai lúc bấy giờ như Phước Thiền, Bến Gỗ, Bến Cá nơi có một số người Hoa thạo nghề buôn bán sinh sống. Cù lao Phố trở thành “Tàu thuyền người Hoa, người phương Tây, người Nhật, người Đồ Bà (Chà Và)tụ tập tấp nập, phong hóa Trung Quốc lần lần lan ratha61m đượm cả vùng Đông Phố “[3]. Hàng hóa được trao đổi, mua bán ở thường cảng Cù lao Phố rất đa dạng: “Sản vật mà các chủ thuyền thường hay mua là những sản vật được sản xuất ở Đồng Nai như gạo, cá khô, sừng tê, ngà voi, gạc nai, các loại dược thảo phía Nam. Còn sản vật các chủ buôn thường nhận mua là những sản phẩm tiêu dùng gồm tơ lụa, vải bố, dược phẩm cho đến những đồ xa xí, trang trí như gạch ngói, sứ men, đá xay cột chùa, nhang đèn, giấy tiền vàng bạc ”[4]. Sử sách ghi chép vắn tắt, song qua đó phản ánh sự phát triển kinh tế mạnh mẽ của Cù lao Phố, nhất là về giao thông hàng hóa, đó chính là một trung tâm thương mại và giao dịch sầm uất của Nam Bộ thời bấy giờ. Nông Nại Đại Phố đã trở thành một thương cảng lớn, một trung tâm thương mại lớn ở Nam Bộ từ cuối thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XVIII. Kiến trúc phong quang của Cù lao Phố bị ảnh hưởng và tàn phá nặng nề qua cuộc bạo loạn của thương nhân người Phước Kiến là Lý Văn Quang vào năm 1747; trong cuộc tranh chấp giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh, đặc biệt vào các năm 1776, 1777. Quân Tây Sơn tiến đánh Gia Định, tàn phá Cù lao Phố “chiếm dỡ lấy phòng ốc, gạch đá, của cải chở về Quy Nhơn”[5]. Thương cảng Cù lao Phố vốn sầm uất bị tàn phá nặng nề. 2 | T r a n g
  3. 2.2. Xứ phồn hoa huyên náo - Mỹ tho đại phố Mỹ Tho đại phố được xác định là “nằm dọc theo nhánh bên trái của rạch Mỹ Tho; bắt đầu từ bến Tắm Ngựa ở chỗ giao nhau giữa rạch Mỹ Tho với sông Tiền (nay thuộc phường 2, TP Mỹ Tho), chạy dài theo đường Nguyễn Huỳnh Đức khoảng 4 km (nay thuộc phường 2 và phường 8, TP Mỹ Tho), cho đến cầu Vỹ, Gò Cát (nay thuộc xã Mỹ Phong, TP Mỹ Tho). Do được thành lập ở ngã ba sông, nên ngôi chợ này có khả năng quy tụ ghe thuyền, vật lực từ các địa phương khác; và từ đó lan tỏa ra khắp nơi, thông thương với các trung tâm thương mại lớn ở trong nước, kể cả với nước ngoài”. Chợ phố lớn Mỹ Tho còn là thương cảng có quan hệ buôn bán với nước ngoài. Hoạt động chính yếu, nhộn nhịp, sầm uất của Mỹ Tho đại phố là nội thương và ngoại thương[6]. Mỹ Tho đại phố được hình thành và phát triển mạnh có sự đóng góp rất lớn của nhóm người Hoa do Dương Ngạn Địch dẫn đầu. Năm 1679, khi vào Nam Bộ, nhóm người Hoa này vượt cửa Đại, cửa Tiểu đi vào Mỹ Tho; trong khi nhóm Trần Thượng Xuyên vượt cửa Soài Rạp vào xứ Biên Hòa. Bên cạnh những thành quả khai khẩn của cư dân Việt đến trước khai khẩn, chủ yếu về nông nghiệp, nhóm người Hoa vốn thạo buôn bán đã làm cho vùng đất Mỹ Tho phát triển theo hướng trao đổi hàng hóa ngày càng mạnh mẽ. Sự phồn thịnh của chợ phố lớn Mỹ Tho được Trịnh Hoài Đức mô tả:“Phía nam trị sở là chợ phố lớn Mỹ Tho, mái ngói chạm cột phủ, đinh cao, nha thự rộng, thuyền bè sông biển ra vào, buồm thuyền trông như mắc cửi, thật là nơi đô hội lớn phồn hoa huyên náo”[7]. Về sau, Mỹ Tho đại phố ngày càng phát triển: “Tính đến năm 1781, trải qua hơn 100 năm hoạt động nhộn nhịp, Mỹ Tho đại phố đã có sự phát triển mạnh mẽ, vừa là trung tâm kinh tế - thương mại, vừa là trung tâm chính trị - hành chính nổi bật của dinh Trấn Định nói riêng và cả vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung”[8]. Trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động của vùng đất Nam Bộ, sự tranh giành quyền lực, thôn tính nhau giữa các thế lực mà Mỹ Tho đại phố cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Nội bộ nhóm người Hoa cũng xảy ra tranh chấp mà hậu quả của nó là viên phó tướng Hoàng Tiến (Hoàng Tấn) nổi lên giết chủ tướng Dương Ngạn Địch vào năm 1788. Mỹ Tho đại phố cũng bị cảnh tàn phá khi quân Tây Sơn tiến đánh. Năm 1785, quân Xiêm/Thái Lan tràn sang và tàn phá. Mỹ Tho những lúc loạn lạc ấy trở thành bãi chiến trường, phố xá bị tàn phá, của cải bị cướp bóc, dân tình khốn khổ, xiêu tán. 2.3. Xứ đô hội biển Hà Tiên Về xứ Hà Tiên và nhân vật Mạc Cửu, có nhiều tư liệu chưa thống nhất nhau một số điểm như thời gian Mạc Cửu trú ngụ, hay ở Xiêm hoặc dâng đất thần phục nhà Nguyễn . Nhưng, chắc chắn rằng, xứ Hà Tiên được phát triển “trở thành xứ đô hội” buổi ban đầu có sự đóng góp rất lớn của nhóm người Hoa do Mạc Cửu dẫn đầu. Mạc Cửu có công lập ấp rải rác từ Vũng Thơm, Trùng Kè, Cần Vọt, Rạch Giá, Cà Mau, Hà Tiên. Dần dần, Mạc Cửu xây dựng vùng này trở thành thương cảng quan trọng, thôn ấp định cư đông đúc nằm sát biển, thuận lợi cho ghe thuyền lui tới buôn bán Tiếng lành đồn xa, lưu dân khắp nơi trong vịnh Thái Lan xin vào đây lập nghiệp. Vùng đất này Hà Tiên tiếp tục phồn thịnh dưới thời Mạc Thiên Tích – con của Mạc Cửu lãnh đạo. Hà Tiên vào thời Mạc Cửu, Mạc Thiên Tích là một mắt xích quan trọng của tuyến hàng hải thương mại châu Á qua vịnh Thái Lan để đi đến nhiều quốc gia hay vùng lãnh thổ khác. Mạc Thiên Tích đã áp dụng một chính sách thông thoáng và coi trọng thương mại trong việc phát triển Hà Tiên như mở cảng cho tàu buôn nước ngoài đến buôn bán và áp dụng chính sách miễn thuế trong những thời điểm cụ thể để thu hút nguồn hàng trao đổi. Vùng đất Hà Tiên cũng nổi tiếng với nhiều hàng hóa, sản vật danh tiếng: 3 | T r a n g
  4. sáp trắng (bạch lạp), huyền phách Cảnh Hà Tiên hưng thịnh:”đường xá giao nhau, phố xá nối liền, người Việt, người Tàu, người Cao Miên, người Chà Và đều họp nhau sinh sống, ghe thuyền ở sông biển qua lại nơi đây như mắc cửi, thật là nơi đại đô hội nơi dọi biển vậy”[9]. Thế nhưng, xứ Hà Tiên trong từng giai đoạn cụ thể cũng lâm cảnh bị tàn phá: “ nạn giặc cướp biển, rồi bị Nặc Bồn xâm lấn (1739), vua Cùi Tiêm La uy hiếp (1766), lại bị Trần Thái dấy lên làm loạn và 1771 bị quân Tiêm La nhiều lần chiếm đóng, phá sạch nhà cửa đồn bảo Đây là giai đoạn khiến cho cộng đồng dân cư ở đây, trong đó có người Hoa phải xiêu tán”[10]. 2. 4. Xứ đô hội náo nhiệt Chợ Lớn Những biến cố của vùng đất Nam Bộ nói chung hay từng địa bàn như xứ Nông Nại Đại Phố, Mỹ Tho đại phố, Hà Tiên đã làm cho các trung tâm này mất dần đi vị thế của mình. Cộng đồng người Hoa tại các nơi này đã xiêu tán, tìm đến các nơi khác sinh sống. Sau những biến cố đó, dẫu có một số người Hoa có trở lại để sinh sống nhưng các nơi này đã không còn như xưa. Trịnh Hoài Đức ghi chép trong Gia Định thành thông chí cho thấy: Xứ Nông Nại “ chỗ nầy biến thành vườn gò hoang. Sau khi trung hưng tuy có người trở về, nhưng chưa bằng một phần trăm (mười phần ngàn) lúc trước”[11]. Còn đối với Mỹ Tho đại phố thì “Từ năm 1788, dân cư mới lần lượt trở về, tuy có trù mật, nhưng đối với xưa chưa được phân nửa”[12]. Sự suy tàn của các địa điểm vốn hưng thịnh một thời này lại là một điều kiện thuận lợi cho vùng Chợ Lớn/ Sài Gòn phát triển. Vùng Chợ Lớn/ Sài Gòn từ năm 1788 bước vào việc xây dựng và phát triển trở thành một trung tâm có vị thế quan trọng trong hướng phát triển của chúa Nguyễn đối với vùng đất Nam Bộ. Cùng với những nhóm cư dân đến trước, người Hoa từ các vùng chiến tranh, loạn lạc tìm đến Chợ Lớn/Sài Gòn sinh sống và góp phần làm cho Chợ Lớn trở thành trung tâm thương mại danh tiếng. Chợ Lớn/Sài Gòn thời bấy giờ được mô tả:” Các đường đan xuyên nhau hình chữ điền, phố xá liền mái nhau, người Việt và người Tàu ở chung lộn dài độ 3 dặm. Hàng hóa trong phố bày bán có: gấm, đoạn, đồ sứ, giấy má, châu báu trang sức, hàng sách vở, tiệm thuốc, tiệm trà, tiệm hủ tíu. Hai đầu nam bắc bến sông không gì là không có nam nữ dập dìu, thật là một phố lớn nơi đô hội náo nhiệt”[13]. Sau này, Chợ Lớn còn phát triển với những ngành kinh tế mà người Hoa năm vai trò chính: ”tập trung tất cả nền thương mại vùng này và của gần như cả miền Hạ Nam Kỳ, nền thương mại mà người Tàu đã biết chiếm lấy và có thể nói là độc quyền”[14]. *Trong buổi đầu khai khẩn Nam Bộ, người Hoa đã có những đóng góp cùng với những cộng đồng cư dân Việt đến trước đó. Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh là người điểm nhãn về mặt pháp lý trong việc khẳng định biên cương ở vùng đất phương Nam trong diễn trình lịch sử nước Việt. Sự có mặt, khai phá của cư dân Việt là nhân tố quan trọng và khai phá của nhóm cộng đồng người Hoa là nhân tố tích cực, cả hai đã góp phần tạo nên cơ sở:”dân khai mở trước, nhà nước quản lý sau” để Nguyễn Hữu Cảnh thực hiện thiết lập bộ máy hành chánh đầu tiên ở Nam Bộ trong chuyến kinh lược vào năm 1698. Sách sử chép, Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh (Kính) kinh lược phương Nam. Ông “lấy đất Nông Nại đặt làm phủ Gia Định, lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng nên dinh Trấn Biên, lấy xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình lập dinh Phiên Trấn. Mỗi dinh đều đặt chức Lưu thủ, Cai bạ. Ký lục ”, đồng thời “lập ra xã thôn, phường ấp, phân định địa giới, ruộng đất, lập ra tô thuế,xây dựng đinh điền bạ tích. Con cháu người Hoa nếu ở TRấn Biên được quy lập thành xã Thanh Hà, còn ở Phiến Trấn thì lập xã Minh Hương rồi cho phép vào hộ tịch”[15]. Trong việc hình thành Nông Nại đại phố, Mỹ tho đại phố, Hà Tiên, Bến Nghé - Sài Gòn ở Nam Bộ trong thế kỷ XVII – XVIII, cộng đồng người Hoa vốn thông thạo buôn bán đã nhanh chóng biến các nơi mình 4 | T r a n g
  5. định cư trở thành những trung tâm thương mại sầm uất, đặt nền móng cho sự sự phát triển nền kinh tế hàng hóa. Một số nhận định của các nhà nghiên cứu sau đây đã đánh giá khá đầy đủ những đóng góp này. Theo Giáo sư Lê Xuân Diện: “Từ thế kỷ XVII về sau, Nam Bộ hoang sơ dần trở thành vùng đất hứa cho nhiều cộng đồng dân cư ngoại nhập. Đầu tiên là người Việt đã mở đầu công cuộc khai phá đất hoang, thực hiện một cuộc “cách mạng nông nghiệp” ở đây (vùng châu thổ sông Cửu Long). Tiếp đến, những dân tộc người Hoa (Quàng Đông – Phúc Kiến –Hải Nam ), lần lượt nhập cư, tập trung chủ yếu vào hoạt động thương mãi (đường dài), mở ra cuộc cách mạng đô thị “tiền công nghiệp”[16]. Theo Phan Thành Tài: “Số người Hoa này đặt chân đến vùng đất Sài Gòn – Gia Định, sớm nhất cũng từ giữa thế kỷ XVII, và họ đã sinh sống trên đất nước ta bằng nhiều nghề, nhiều cách khác nhau. Nhưng tựu trung, họ vẫn tỏ ra thành thạo nhất trong hoạt động buôn bán và trao đổi hàng hóa. Giữa họ cũng dần dần phân hóa thành nhiều tầng lớp xã hội khác nhau, nhưng một bộ phận có thế lực, lẫn kinh nghiệm buôn bán, trở nên giàu có và hình thành nên những “chủ bao mua”. Chính bộ phận người Hoa này đã đóng vai trò quan trọng trong việc trao đổi, lưu thông hàng hóa và giao lưu kinh tế”[17]. Chính việc hình thành các trung tâm thương mại sầm uất như Nông Nại đại phố, Mỹ Tho đại phố, Hà Tiên, Bến Nghé – Sài Gòn đã góp phần làm cho nền kinh tế của vùng đất Nam Bộ có tính chất mở: “Kinh tế Nam Bộ, ngay từ đầu đã không phải là nền kinh tế khép kín, trái lại nó có mối liên hệ rộng rãi với bên ngoài và hết sức năng động”[18]. Việc hình thành và phát triển của Mỹ Tho đại phố trong thế kỷ XVII – XVII cho thấy sự gắn kết trong mối giao thương với các trung tâm thương mại khác trong vùng Nam Bộ đương thời như Nông Nại đại phố, Bến Nghé – Sài Gòn và cả đối với các vùng lãnh thổ lân cận trong khu vực Đông Nam Á. Trong phạm vi khu vực Nam Bộ, sự gắn kết từ cộng đồng xuất thân, cùng đồng cam chịu khổ theo chuyến hải trình và mục đích đến nước Việt của nhóm người Hoa do Trần Thượng Xuyên, Dương Ngạn Địch dẫn đầu là cơ sở thuận lợi cho việc Nông Nại đại phố, Mỹ Tho đại phố cùng hỗ trợ, giao thương với nhau trong quá trình hình thành, phát triển. Kể từ khi Chợ Lớn/ Sài Gòn nổi lên là một trung tâm kinh tế phát triển mạnh của cả vùng Nam Bộ, thì các vùng Nông Nại, Mỹ Tho “dầu không còn vị thế như trước” sau những biến cố, nhưng do nguồn hàng hóa, sản vật tại các địa điểm này đa dạng, phong phú nên chắc chắn các nơi này là một trong những vệ tinh trong nền kinh tế hàng hóa năng động của vùng Nam Bộ, góp phần làm cho Chợ Lớn/ Sài Gòn ngày càng phát triển: “Hai nhóm Quảng Tây ở Mỹ Tho và Quảng Đông ở Biên Hòa chia nhau định cư ở phía nam và bắc Sài Gòn. Hai nhóm đó đều chú trọng làm thương mãi nhưng họ không thể lấn ép, mà trái lại mỗi ngày họ càng phải đề cao trung tâm của Sài Gòn”[19]. *Hơn ba thế kỷ quá nhiều đổi thay trong diễn trình lịch sử Nam Bộ, sự hình thành các trung tâm thương mại gắn với cộng đồng người Hoa là một yếu tố tích cực cho sự phát triển kinh tế hàng hóa của vùng đất này. Dấu tích của các trung tâm thương mại như Nông Nại đại phố (Biên Hòa – Đồng Nai), Hà Tiên (Kiên Giang), Chợ Lớn – Sài Gòn (Thành phố Hồ Chí Minh), Mỹ Tho đại phố (Tiền Giang) còn lại không nhiều so với thời gian dâu bể. Điều đó cũng lẽ thường trong sự phát triển không ngừng của xã hội. Thế nhưng, với quá trình phát triển trong lịch sử, những trung tâm thương mại này đã đặt những nền móng cơ sở cho sự phát triển kinh tế ở các địa phương nói riêng, cho cả Nam Bộ nói chung. 5 | T r a n g
  6. Tài liệu tham khảo 1. Trịnh Hoài Đức. Gia Định thành thông chí. Bản dịch của Lý Việt Dũng. NXB Tổng hợp Đồng Nai, 2005. 2. Trần Văn Giàu (chủ biên – nhiều tác giả). Địa chí Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh (Giáo sư Trần Văn Giàu chủ biên). NXB Tp.HCM, 1987. 3. Hùynh Văn Tới – Phan Đình Dũng. Văn hóa Đồng Nai – sơ thảo. NXB Đồng Nai, 2005. 4. Diệp Đình Hoa – Phan Đình Dũng. Làng Bến Cá xưa và nay. NXB Tổng hợp Đồng Nai, 1998. 5. Đỗ Bá Nghiệp (chủ biên – nhiều tác giả). Lịch sử văn hóa Cù lao Phố. NXB Tổng hợp Đồng Nai, 1998. 6. Hội Khoa học lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh. Nam Bộ đất và người. NXB Trẻ, 2002. 7. Hội Khoa học lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh. Nam Bộ đất và người (tập 7). NXB Trẻ, 2009. 8. Nguyễn Văn Sanh (chủ biên – nhiều tác giả). Văn hóa nghệ thuật người Hoa Thành phố Hồ Chí Minh (nhiều tác giả). Trung tâm Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, 2006. 9. Nhiều tác giả. Biên Hòa – Đồng Nai: 300 năm hình thành & phát triển. NXB Tổng hợp Đồng Nai, 1998 10. Nhiều tác giả. Địa chí Đồng Nai. Tập Lịch sử - III. NXB Tổng hợp Đồng Nai, 2001. 11. Các tạp chí Xưa & Nay của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. 12. Một số trang thông tin điện tử: của Trường Đại học Tiền Giang, Kiên Giang, Đồng Nai . Ghi chú [1] Trịnh Hoài Đức. Gia Định thành thông chí. Bản dịch của Lý Việt Dũng. NXB Tổng hợp Đồng Nai, 2005. tr.110 [2] Trịnh Hoài Đức. Gia Định thành thông chí. Bản dịch của Lý Việt Dũng. NXB Tổng hợp Đồng Nai, 2005. tr.238. [3] Trịnh Hoài Đức. Gia Định thành thông chí. Bản dịch của Lý Việt Dũng. NXB Tổng hợp Đồng Nai, 2005. tr.110. [4] Dẫn theo Địa chí Đồng Nai (Nhiều tác giả). Tập Lịch sử - III. NXB Tổng hợp Đồng Nai, 2001. tr 123. [5] Trịnh Hoài Đức. Gia Định thành thông chí. Bản dịch của Lý Việt Dũng. NXB Tổng hợp Đồng Nai, 2005. tr.238. [6] Dẫn theo Nguyễn Phúc Nghiệp. Sự hình thành và phát triển của Mỹ Tho đại phố. [7] Trịnh Hoài Đức. Gia Định thành thông chí. Bản dịch của Lý Việt Dũng. NXB Tổng hợp Đồng Nai, 2005. tr.241. 6 | T r a n g
  7. [8] Dẫn theo Nguyễn Phúc Nghiệp. Sự hình thành và phát triển của Mỹ Tho đại phố - [9] Trịnh Hoài Đức. Gia Định thành thông chí. Bản dịch của Lý Việt Dũng. NXB Tổng hợp Đồng Nai, 2005. tr.246. [10] Dẫn theo Huỳnh Ngọc Trảng. Văn hóa nghệ thuật người Hoa Thành phố Hồ Chí Minh (nhiều tác giả). Trung tâm Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, 2006.tr.10. [11] Trịnh Hoài Đức. Gia Định thành thông chí. Bản dịch của Lý Việt Dũng. NXB Tổng hợp Đồng Nai, 2005. tr.238. [12] Trịnh Hoài Đức. Gia Định thành thông chí. Bản dịch của Lý Việt Dũng. NXB Tổng hợp Đồng Nai, 2005. tr.238 & 241. [13] Trịnh Hoài Đức. Gia Định thành thông chí. Bản dịch của Lý Việt Dũng. NXB Tổng hợp Đồng Nai, 2005. tr.229. [14] Dẫn theo Ngô Ái Long. Người Hoa & công cuộc khai phá vùng đất Sài Gòn – Gia Định. Tạp chí Xưa & Nay, số 55 B. Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, 1998. tr. 14. [15] Trịnh Hoài Đức. Gia Định thành thông chí. Bản dịch của Lý Việt Dũng. NXB Tổng hợp Đồng Nai, 2005. tr.112. [16] Dẫn theo Giáo sư Lê Xuân Diệm. Bước đầu tìm hiểu sự hình thành & phát triển đô thị ở Nam Bộ. Nam Bộ đất và người. Hội Khoa học lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh. NXB Trẻ, 2002, tr.25. [17] Dẫn theo Phan Thành Tài. Sự hình thành & phát triển trung tâm Sài Gòn – Gia Định. Nam Bộ đất và người. Hội Khoa học lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh. NXB Trẻ, 2002, tr.43. [18] Dẫn theo Nguyễn Thị Huê. Giao thương ở Đàng Trong thế kỷ XVII-XVIII: Đôi điều suy nghĩ. Nam Bộ đất và người. tập VII. Hội Khoa học lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh. NXB Tổng hợp Tp.HCM, 2009, tr.261. [19] Dẫn theo Địa chí Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh (Giáo sư Trần Văn Giàu chủ biên). NXB Tp.HCM, 1987, tr.152. Nguồn: 7 | T r a n g