Nẻo về văn hóa văn minh Việt Nam - Phần 5: Đồng Nai - Biên Hòa, một vùng thiên nhiên - Văn hóa kỳ thú ở Đông Nam Bộ - Lê Văn Hảo
Bạn đang xem 20 trang mẫu của tài liệu "Nẻo về văn hóa văn minh Việt Nam - Phần 5: Đồng Nai - Biên Hòa, một vùng thiên nhiên - Văn hóa kỳ thú ở Đông Nam Bộ - Lê Văn Hảo", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tài liệu đính kèm:
- neo_ve_van_hoa_van_minh_viet_nam_phan_5_dong_nai_bien_hoa_mo.pdf
Nội dung text: Nẻo về văn hóa văn minh Việt Nam - Phần 5: Đồng Nai - Biên Hòa, một vùng thiên nhiên - Văn hóa kỳ thú ở Đông Nam Bộ - Lê Văn Hảo
- PHẦN 5: Đồng Nai-Biên Hòa, một vùng thiên nhiên-văn hóa kỳ thú ở Đông Nam Bộ Cây ăn trái nổi tiếng nhất của đất Đông Nai-Biên Hòa là bưởi. Có cả một khu sinh thái vườn mà trung tâm là làng bưởi Tân Triều với những vườn bưởi xum xuê, tiêu biểu là vườn ông Năm Huệ, một người làm vườn giỏi nổi tiếng khắp vùng. Là chủ nhân một ngôi vườn rộng đẹp trồng toàn loại bưởi đường lá cam, được bạn bè khuyến khích ông Năm Huệ đã biến nó thành một quán ăn sân-vườn, với một thực đơn dân gian phong phú giữa một không gian yên tịnh. Khách muốn thưởng thức đặc sản Nam Bộ cũng tốt, hoặc chỉ ghé đây uống cà phê nằm võng nghỉ ngơi, thưởng thức chim hót và hương bưởi thơm cũng hay. Nếu khách muốn mua vài trái bưởi về làm quà thì nên đến làng bưởi từ tháng 8 đến tháng 12 là mùa thu hoạch. Có rất nhiều người vừa đi du lịch vườn vừa mua bưởi đường chính gốc về cúng Tết. Gần Sài Gòn nhất là khu du lịch Bò Cạp Vàng (tên một loài hoa) thuộc huyện Nhơn Trạch. Qua phà Cát Lái, đi thêm vài km là đến khu du lịch trên cù lao, với nhà sàn, du thuyền, xe đạp nước, mô tô nước và cắm trại đu đưa võng dưới bóng hoa bò cạp vàng dịu thơm là một lạc thú.
- Du khách thích chơi hang động trong núi lửa thì hãy đi Định Quán, nơi có thắng cảnh Đá Chồng : ba khối đá chồng lên nhau chênh vênh ở độ cao 36 m. cách đó không xa là núi lửa Hang Dơi, chỉ cao khoảng 100 mà nhưng trơn trợt khó trèo : khách nhất thiết phải nhờ dân địa phương dẫn đường để vào Hang Dơi tối om như mực, nếu thiếu những đèn pin cực mạnh. Trước khi đi vào khu du lịch Thác Mai phải qua một khu rừng nguyên sinh. Cách Thác Mai 7 km là suối nước nóng (đủ để luộc trứng). Đến Thác Mai mới thấy đó chỉ là một đoạn của lòng sông La Ngà đầy đá nổi nên được gọi phóng đại là thác, nhưng nhờ cánh rừng nguyên sinh và những bãi tắm nhỏ
- dọc sông nên Thác Mai vẫn là một thắng cảnh đầy thi vị. Khu du lịch Thác Mai ngày thường rất vắng vẻ, cuối tuần có vài chục du khách. Cắm trại, ngủ lều, hay thuê phòng trọ đều được, cũng như có một thực đơn cá suối, gà vườn sẵn sàng chờ đợi du khách. Đồng Nai có một báu vật thu hút nhiều nhà vạn vật học nước ngoài : đó là vườn quốc gia Nam Cát Tiên (74.000 hecta). Rừng Cát Tiên có Thác Trời, Bàu Sấu, trong bàu có nhiều cá quí mà đặc biệt là cá sấu nước ngọt, ven bàu là nơi hẹn hò của nhiều đàn chim lớn : công, trĩ, giang, sếu, gà lôi, mòng két, le le, cù đen
- Tổng cộng có đến 240 loài chim mà quí hiếm nhất là cò quắm xanh, trĩ lông đỏ. Rừng Nam Cát Tiên có một quần thể thực vật hơn 600 loài : hơn 100 loại gỗ quí, hàng trăm loài cây dược liệu, hơn 60 loại hoa phong lan. Những động vật quí hiếm nhất của Nam Cát Tiên là cá sấu, voi, tê giác một sừng, và đó là một vài con tê giác Java cuối cùng ở Việt Nam. Nam Cát Tiên đúng là một cụm rừng phong phú bậc nhất của đất nước, một hệ sinh thái rừng ẩm nhiệt đới xanh tươi quanh năm. Nhưng các nhà vạn vật học, sinh học và sinh thái học đến thăm nơi đây đều có chung một nỗi lo âu sâu sắc. Họ biết rằng trước đây những khu rừng ấy có nhiều đàn nai, voi, bò rừng đông đảo, một thiên đàng của các động vật hoang dã. Thế nhưng Nam Cát Tiên, dù đã trở thành vườn quốc gia, vẫn đang là nạn nhân của những cuộc săn bắn bừa bãi của đủ loại thợ săn vô trách nhiệm, kể cả những quan chức cao cấp của chính quyền. Đến nỗi ngày nay gặp được một con thú hoang dã ở Nam Cát Tiên đang trở thành một cơ may hiếm hoi. Giữa khu rừng nhiệt đới mà cũng là khu vườn quốc gia lớn nhất nước này, nhiều khách tham quan đã phải thở than : "Ôi, thiên đàng đã mất!". Các vùng văn hóa của dân tộc Việt Nam: Xứ Tây Nam Bộ hay Vùng văn hóa đồng bằng sông
- Cửu Long Rời xứ Đông Nam Bộ đẹp tươi, ta hãy nhanh chóng vượt qua Hòn ngọc Viễn Đông một thuở, nay đang rất ồn ào, bụi bặm, kẹt xe, để đi về xứ Tây Nam Bộ xinh xắn, trù phú. Nhờ tiềm năng và năng lực của 11 tỉnh thành mang những cái tên rất đỗi thân quen và những đặc điểm văn hóa miệt vườn vô cùng hấp dẫn nên ngày nay ta có được một đồng bằng sông Cửu Long dài rộng nhất đất nước : 40.000 km2 (so với 15.000 km2 của đồng bằng châu thổ sông Hồng). 11 vùng văn hóa đặc sắc của xứ miệt vườn
- 1. Đồng Tháp-Cao Lãnh-Sa Đéc là một trong ba vùng của Đồng Tháp Mười, quê hương của các giống lúa nổi : lúa trời (lúa ma), lúa sạ (sạ khô, sạ ướt, sạ vãi, sạ tỉa, sạ ngâm) là những giống lúa gieo thẳng, kỷ niệm của thời khẩn hoang ; làng hoa kiểng Sa Đéc, một trong những trung tâm hoa kiểng của toàn miền Nam ; điểm du lịch lý tưởng cho những ai ước mơ được đến thăm Đồng Tháp Mười sen hồng súng tím là Vườn Cò Tháp Mười, Tràm Chim Tam Nông nổi tiếng. 2 . An Giang-Long Xuyên-Châu Đốc là nơi có chùa Tây An, khu du lịch Núi Sam tưng bừng rộn rịp nhờ Miếu
- Bà Chúa Xứ, và lễ hội Miếu Bà có lẽ là lễ hội mùa xuân lớn nhất nước với hàng triệu lượt người tham dự, từ Tết Nguyên Đán đến giữa mùa hè. Còn Long Xuyên và Châu Đốc là hai nơi bán nhiều thứ mắm thơm ngon nhất nước. 3. Tiền Giang-Mỹ Tho-Gò Công, quê hương của chợ nổi Cái Bè, là nơi có di tích khảo cổ học thời Óc Eo, di tích lịch sử Rạch Gầm, Soài Mút thời Nguyễn Huệ và ngày nay có làng dê Song Thuận, trại rắn Đồng Tâm lớn nhất nước. 4 . Vĩnh Long là vùng văn vật với Văn Thánh Miếu cổ kính, vùng đất nông nghiệp trù phú và đa dạng với những gạo ý đông, gạo móng chim, những nếp thơm, nếp sáp, nếp
- đen và những điểm du lịch hấp dẫn ngay giữa sông Tiền : đảo An Bình, đảo Bình Hòa Phước 5. Bến Tre là nơi có nhà cổ Đại Điền, đình cổ Phú Lễ và hát sắc bùa Ba Tri, nơi có Cồn Ốc, Cồn Qui, Cồn Tiên thu hút nhiều du khách, và cả một văn hóa dừa với Bác Tám Thưởng (68 tuổi), người đã sáng tạo giống dừa PB121 có cơm dày 1,5 cm và được mệnh danh "Ông Già Bến Tre trồng dừa được giải thưởng quốc tế". Bến Tre còn là quê hương của sân chim Vàm Hồ. 6. Kiên Giang-Rạch Giá-Hà Tiên-Phú Quốc trong tương lai có lẽ sẽ trở thành một trung tâm du lịch lớn của miền Nam và cả nước, với Hà Tiên thập cảnh vang bóng một thời, với kỷ niệm tao đàn Chiêu Anh Các thắm tình hữu nghị Việt-Hoa thời khai khẩn vùng biển Nam. Vườn quốc gia Phú Quốc là nơi hấp dẫn các nhà vạn vật học. 7. Cần Thơ xứng đáng được vinh danh là Tây Đô của đồng bằng sông Cửu Long, với chợ nổi Phụng Hiệp rất sầm uất trên bến dưới thuyền, với bến Ninh Kiều tấp nập ngày đêm, vừa thoáng đãng vừa tình tứ Bên cạnh đó có các trường đại học và trung tâm nghiên cứu nông nghiệp xuất sắc. 8-9. Trà Vinh và Sóc Trăng là hai trung tâm văn hóa và tôn giáo của đồng bào Khmer. Còn vườn cò Thanh Trì thì xứng đáng cạnh tranh với các tràm chim, sân chim,
- vườn chim khác của miền Tây Nam Bộ. 10. Bạc Liêu ngày nay không còn bóng dáng các công tử ăn chơi khét tiếng nhưng đồng bào Việt-Hoa-Khmer vẫn chí thú làm ăn trên một vùng bình nguyên phì nhiêu, chằng chịt sông rạch, kinh mương. Hấp dẫn du khách nhất vẫn là vườn chim Bạc Liêu vô cùng sống động. 11. Ở cực Nam xứ Tây Nam Bộ, vùng đất mũi Cà Mau với 300 km bãi biển và nhiều đảo biển thì ít chịu ảnh hưởng của sông nước Cửu Long, vì đây chủ yếu là xứ sở của biển và rừng, với rừng U Minh nổi tiếng là loại rừng tràm đước sú vẹt, thiên đàng của các loài chim : thiên nhiên còn ưu ái tặng cho Cà Mau một sân chim U Minh (sân chim Phong Ngạn), một vườn chim Đầm Roi và một vườn chim 19-5. Từ tràm chim Tam Nông đến vườn quốc gia Tràm Chim của Đồng Tháp Mười Hơn tất cả nơi khác trên đất nước, đồng bằng sông Cửu Long là một thánh địa của các loài chim. Hàng trăm loài từ chim bản địa đến chim di trú, từ quen thuộc đến quí hiếm có mặt khắp nơi, nhưng chúng tập trung sinh hoạt ở những nơi
- đặc biệt gọi là tràm chim, mảng chim, vườn chim hay sân chim. Có đến 10 nơi như thế, chưa kể hàng chục vườn chim cỡ nhỏ của tư nhân. Riêng tràm chim Tam Nông thì nổi tiếng thế giới và đã trở thành vườn quốc gia Tràm Chim từ 1998. Trên địa bàn Đồng Tháp, đây là vườn quốc gia ngập nước đầu tiên của Việt Nam, với tổng diện tích 7.600 ha, cũng là một trong những nơi sót lại cuối cùng của hệ sinh thái vùng lau sậy ngập nước. Thảm thực vật của vườn quốc gia rất đa dạng, gồm : đồng cỏ năn ngập nước theo mùa, đầm sen súng, vùng sình lầy ngập nước và rừng tràm tái sinh. Trong số các quần xã cỏ dại, đáng chú ý là quần xã lúa trời (lúa ma) và đặc biệt là rừng kín lá rộng thường xanh và ngập nước
- theo mùa trên vùng đất phèn nuôi dưỡng 130 loài thực vật bậc cao. Hệ động vật của vườn quốc gia có tới 198 loài chim, trong đó 16 loài đang bị đe dọa tuyệt chủng ở qui mô toàn cầu như sếu đầu đỏ (sếu cổ trụi), ô tác, cùng nhiều loài chim di trú khác. Các nhà vạn vật học còn phát hiện và thống kê được 195 loài thực vật nổi, 93 loài động vật nổi, 90 loài động vật đáy, 55 loài cá. Việt Nam đang có trách nhiệm bảo tồn hệ sinh thái rừng tràm ngập nước Đồng Tháp Mười và ưu tiên bảo vệ đàn sếu đầu đỏ, ô tác và một số loài chim di trú khác được ghi trong Sách Đỏ quốc tế. Cho đến nay, vườn quốc gia Tràm Chim thường
- xuyên thu hút đông đảo nhà nhiếp ảnh và du khách đến chiêm ngưỡng hàng trăm con sếu đầu đỏ vui múa trong ánh hoàng hôn, một trong những cảnh tượng thiên nhiên kỳ diệu. Một báu vật của nghệ thuật kiến trúc dân gian : nhà cổ Đại Điền ở Bến Tre Ai từng đặt chân đến làng cổ Giồng Luông, nay là xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú, Bến Tre, sẽ được thấy ngôi nhà đẹp đẽ và có lẽ cổ kính nhất miền Tây Nam Bộ : nhà cổ Đại Điền. Theo giai thoại dân gian địa phương, kiệt tác kiến trúc này được xây dựng từ cuối thế kỷ 19 do các nghệ nhân bậc thầy từ ngoài Bắc, sau khi vào Huế góp phần xây dựng cung đình Phú Xuân, đã phiêu lư u vào Nam
- làm ăn và đã hợp tác với thợ giỏi địa phương xây dựng ngôi nhà này gần chục năm mới xong. Nhà cất theo hình chữ nhật, chu vi khoảng 100 m, gồm 90 cột bằng gỗ quí (lim, cẩm xa). Những cột chính cao 5 m, đường kính 1 m, có chạm khắc chữ nho, hoa văn và họa tiết bằng ốc xà cừ tinh xảo. Nội thất có nhiều bức hoành phi sơn son thếp vàng, thành võng chạm lọng với họa tiết phong cảnh và tứ linh như trong một ngôi đình. Mái nhà lợp ngói âm dương, mỗi viên có in hình cảnh sinh hoạt dân gian gần gũi như mục đồng cỡi trâu, bó lúa, con gà, con cua Toàn thể ngôi nhà đặt trên một nền cao 1 m, được viền bọc bởi những thớt đá hoa cương. Chuyên viên bộ văn hóa và viện bảo tàng Bến Tre đã hoàn tất hồ sơ đề nghị nhà cổ Đại Điền là di tích văn hóa nghệ thuật cấp quốc gia. Đồng bằng sông Cửu Long : cái nôi của Vọng Cổ và Cải Lương Tiếp thu di sản âm nhạc cổ điển và âm nhạc cung đình ở Phú Xuân-Huế, các nghệ nhân đầu tiên của vùng đất mới đã sáng tạo nên hai dòng nhạc tế lễ và nhạc tài tử Nam Bộ gồm "ba Nam, sáu Bắc, bảy Dài, bốn Oán". Muốn cho hoàn thiện, phải thêm mười bài Liên Hoàn và tám bài Ngự.
- Những bài bản mê ly ấy đã thâm nhập tâm hồn một nhạc sĩ thiên tài là Cao Văn Lầu (1892-1976), còn được gọi là Sáu Lầu hay Sáu Bạc Liêu. Sau một bi kịch tình cảm, ông đã sáng tác bài Dạ Cổ Hoài Lang (nghe tiếng trống đêm khuya nhớ chồng) là tiền thân của bài Vọng Cổ. Hình như bi kịch cá nhân của Sáu Lầu đã gặp gỡ thảm kịch tập thể của người Việt mất nước (sau 1885 thất thủ kinh đô) và làm cho nhiều nghệ nhân hữu danh và khuyết danh đã tận lực khai thác chất trữ tình của Dạ Cổ Hoài Lang, từ nhịp nguyên sơ 2-4 phát triển thành nhịp 8, rồi nhịp 16 gắn liền tên tuổi của Năm Nghĩa ở Bạc Liêu, rồi nhịp 32 gắn liền với tài năng của nghệ sĩ Út Trà
- Ôn lỗi lạc để rồi Dạ Cổ Hoài Lang trở thành Vọng Cổ. Đó là điệu ca độc đáo, mẫu mực và nổi tiếng nhất trong ca nhạc thính phòng cũng như trong nghệ thuật cải lương từ những năm 30 của thế kỷ trước. Vọng cổ là khúc nhạc tuyệt vời, có khả năng ứng dụng vào nhiều tình huống cảm thương khác nhau và có thời kỳ (những năm 1930- 1960) đã chiếm địa vị độc tôn trên sân khấu cải lương nhờ tài năng kiệt xuất của những Nam Phỉ, Phùng Há, Bảy Nhiêu, Năm Châu, Út Trà Ôn, Út Bạch Lan cho đến những tài năng trẻ khác trên sân khấu cải lương hôm nay. Nói tóm lại, trên cơ sở nhạc tài tử, nhạc tế lễ và dân ca đồng bằng sông Cửu Long, khởi đầu từ lối ca ra bộ khiêm tốn, tài năng của các nghệ nhân nhiều thế hệ - từ nhiều địa phương đam mê nghệ thuật như Bạc Liêu, Trà Vinh qua Bến Tre, Mỹ Tho tới tận Sài Gòn - đã cung cấp cho kho tàng âm nhạc và sân khấu Việt Nam một khúc Vọng Cổ quỉ khốc thần sầu và một nghệ thuật Cải Lương đã làm rơi bao giọt lệ hay nở bao nụ cười trên gương mặt một dân tộc giàu tình cảm, lòng trắc ẩn và tình nhân đạo. Hò đối đáp trên sông nước Cửu Long phản ánh tâm lý và tính cách cô gái, chàng trai miệt vườn
- Trong vòng chưa đầy 1/4 thế kỷ nỗ lực của các nhà văn, nhà folklore học, nhà văn hóa học Nam Bộ đã tập hợp cho chúng ta một di sản văn hóa dân gian đồ sộ. Riêng trong lãnh vực dân ca Nam Bộ, chỉ trong vòng 15 năm gần đây, Lư Nhất Vũ, Lê Giang và cộng tác viên đã cung cấp cho ta hàng ngàn câu hò, hàng trăm bài lý trong một chục tập, từ Dân Ca Bến Tre (1981) đến Dân Ca Trà Vinh (2005), và hai công trình tổng hợp sáng giá: Hò trong dân ca người Việt (2004) và Hát ru Việt Nam (2005). Khi nắm được khá đầy đủ nội dung hò hát vùng đồng bằng sông Cửu Long qua những công trình vừa kể, chúng ta thấy có hai khía cạnh đáng chú ý: sinh hoạt diễn xướng hò đối đáp trên sông nước vừa là những cuộc gặp gỡ trữ tình đầm thắm, những trao đổi ân tình mặn nồng vừa là những dịp giải tỏa bản năng tính dục và khát vọng
- phồn thực có từ ngàn đời. Thông thường cuộc hát hò khởi đầu bằng những lời ướm hỏi đầy thương cảm: Hò ơ, gió thổi hiu hiu, chín chìu ruột thắt/Nhìn qua bên bắc, nước mắt chảy bên đông/Hò ơ, ai xui chi cho vợ vợ với chồng chồng/Biết đây với đó (mà) ông tơ hồng có se ? Nghe chàng trai than vãn, cô gái cảm thấy cần an ủi và ban cho chàng một tia hy vọng: Hò ơ, câu giao ngôn chắc quá/Em sợ má em rầy/Câu tứ mã nan truy/Em sợ dì em giận/Để em về nhà thưa lại chừng ba má có đành/Thời loan phụng em sẽ với bạn lành bắt tay
- Hò đối đáp qua lại như vậy cho đến lúc "tình trong như đã " thì có thể thốt với nhau những lời ân tình cảm động và đắt giá: Hò ơ câu tôm ngủ gục anh tưởng anh vớt hụt con tôm càng/Hóa ra anh vớt đặng, anh sắm cái kiềng vàng cho em đeo. Chừng đó cô gái tiếc chi mà không làm cho chàng trai cảm thấy một bước đầu gắn bó: Hò ơ, nhứt nhựt kết thân mà nhà cửa anh đâu em hổng biết/Nay gặp anh giữa đường em chí quyết thương anh
- Đó là cung bực ân tình. Còn sau đây là cung bực bản năng tính dục, khát vọng phồn thực phát tiết giữa trời mây sóng nước. Sau vài câu hò giao duyên đối đáp thấy có vẻ trôi chảy, chàng trai bắt đầu mất kiên nhẩn nên từ lãng mạn đã chuyển qua hò hát hơi bạt mạng: Em ơi, thấy em có cái gò má hồng hồng/Hò ơ, phải chi em đừng mắc cở thì anh xin bồng anh hun và còn có những câu hò táo bạo hơn nữa
- Có lẽ trời cao đất rộng, sông ngòi chi chít ở vùng đất này đã tạo cho gái trai Nam Bộ năm xưa cái tâm lý cởi mở hào phóng, táo bạo, có say mê lao động nhưng cũng biết nghỉ ngơi thư dãn bằng hò hát giữa khung cảnh trời nước chứa chan tình người. Vùng đồng bằng sông Cửu Long là quê hương của truyện Ba Phi tuyệt tác Sự xuất hiện của nhân vật lịch sử Ba Phi, tên thật là Nguyễn Long Phi (1890-1968) vào cuối thế kỷ 19 và của truyện Ba Phi vào những năm 30 của thế kỷ 20 là một bổ sung hoàn chỉnh cho diện mạo folklor của cả nước theo dòng chảy Bắc Nam. Huyền thoại Ba Phi và giá trị truyện Ba Phi độc đáo như thế nào trong kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam ? Ở tuổi thanh niên Ba Phi đã cùng với đoàn người di cư từ miệt Đồng Tháp xuống phía Nam rồi cuối cùng định cư ở vùng Rạch Lùm-Kinh Ngang (nay là xã Khánh Hưng A, huyện Trần Văn Thời), tỉnh Cà Mau. Sau gần suốt cuộc đời ở chốn cùng trời cuối đất vùng cực Nam tổ quốc, Ba Phi đã có được những hiểu biết dồi dào và tường tận về thiên nhiên Tây Nam Bộ, từ đất đai, cảnh vật, sông rạch tới cây mắm, cây tràm, cây đước, từ chim trời tới ong mật, từ cá tôm, ốc ếch tới cá sấu, kỳ đà, nai,
- cọp, heo rừng. Ba Phi còn rành rẽ qui luật của từng loại cây, con vật, sự di chuyển theo mùa của từng loại cá, loại chim. Với cái vốn sống thực tiễn vô cùng phong phú ấy và với tài nghệ đặc biệt của một nghệ nhân dân gian, Ba Phi đã sáng tạo hàng loạt truyện cười, truyện trạng có sức hấp dẫn kỳ lạ, đem tới cho người nghe những tràng cười vô cùng sảng khoái. Dần dần nhân vật xưng tôi trong truyện Ba Phi trở thành một hình tượng folklor hoành tráng nơi đó có một chút gì của chàng Lía, Tarzan và Zorro cộng lại. Bởi vì Ba Phi xuất hiện trong truyện kể của mình như một nhân vật lao động giỏi, sống lạc quan yêu đời và bách chiến bách thắng trước mọi trở ngại của thiên nhiên và xã hội nơi đồng bằng sông Cửu Long, vừa là vùng trù phú "làm chơi ăn thiệt" mà cũng là nơi "xuống sông sấu bắt, lên rừng cọp tha", "muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lềnh tựa bánh canh". Vậy mà Ba Phi đã vượt qua tất cả và luôn luôn thắng lợi. Tài năng lớn nhất của Ba Phi là nói trạng, là thậm xưng mà nghe ra vẫn hợp tình hợp lý. Đặc trưng hệ thống truyện Ba Phi (hàng trăm truyện) là nghệ thuật phóng đại, một tấc tới trời. Một hôm Ba Phi cao hứng kể cho hàng xóm láng giềng nghe chiến công sau đây: Truyện cọp xay lúa
- "Nói thiệt tình với bà con, Ba Phi tui là trai tài mà bà nhà tui cũng là gái giỏi. Một đêm cọp mò về làng bắt heo và chó, đúng lúc vợ tui đem lúa đổ ra cối để xay. Tui kêu vợ tui vô nhà dặn việc, thiệt ra là nói bả đừng có sợ cọp vì tui đã có cách trị nó. Con cọp đứng rình hồi nào hổng biết, thấy vợ tui vừa đi khỏi liền nhảy vô nhà bắt chó. Hai cái chưn trước của nó vồ trúng giằng xay, cái giằng xay mà tui chế tạo đặc biệt. Con cọp bị kẹt chưn trong đó gỡ mãi không ra, cứ kéo tới kéo lui, kéo hoài. Cối gạo vừa đổ một loáng cọp đã xay hết. Bà nhà tui lại đem thúng lúa khác đổ vô cối cho cọp xay tiếp, cọp cứ phải xay
- hoài. Sau khi vợ tui bắt nó xay hết 25 giạ lúa, thấy nó có vẻ mệt mỏi tui bèn thương hại tới bên cối hù một tiếng : "Cọp !". Ông ba mươi thất kinh hồn vía, chạy thẳng vô rừng, từ đó không dám trở lại xóm tui quấy phá cuộc sống dân lành nữa". Trong các tập tuyển văn hóa dân gian hay các tập kho tàng truyện cười, truyện trạng, bạn có thể đọc hàng loạt truyện như thế : câu ếch, câu cá sấu, gác kèo, tàu rùa, ăn trứng rồng, chó nhà săn heo rừng, v.v. và sẽ thấy tài trí tuyệt vời của Ba Phi mà nhân dân Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long
- đã kính cẩn gọi bằng "Bác" (ngay từ trước 1945). Bác Ba Phi đúng là mẫu người tượng trưng cho sức mạnh và trí tuệ của con người Việt Nam đi mở cõi, tiếp tục sự nghiệp dựng nước của ông cha thuở trước và không ngừng sáng tạo văn hóa dân gian dưới bầu trời Đông Nam Á. Xứ Gia Định - Bến Nghé - Sài Gòn giữa lòng đại vùng văn hóa Nam Bộ Sài Gòn Năm 1698 kinh lược sứ Nguyễn Hữu Cảnh được
- chúa Nguyễn ủy nhiệm vào Nam để lấy đất Nông Nại đặt thành phủ Gia Định, rồi lập xứ Sài Gòn, đặt huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn. Từ đó Sài Gòn trở thành một trung tâm hành chính, văn hóa, kinh tế, thương mại quan trọng, đến nay đã hơn ba thế kỷ. Vì lẽ đó mà cách nay 8 năm (1998) người dân đã vui vẻ ăn mừng sinh nhật ba trăm tuổi của Sài Gòn. Vào thời Nguyễn Hữu Cảnh, Sài Gòn đã có phố thị Bến Nghé, ban đầu là tên cái bến sông nằm ở ngả ba, nơi kinh Chợ Lớn đổ ra sông Sài Gòn, sau đó kinh Chợ Lớn lại được gọi là kinh Bến Nghé. Rồi vào thế kỷ 18-19, dân gian thường dùng tên gọi Bến Nghé để chỉ thành Gia Định, hoặc cả vùng Sài Gòn nói chung. Bên cạnh phố thị Bến Nghé có xã Minh Hương của Hoa kiều, quen gọi là Chợ Lớn, được Nguyễn Hữu Cảnh ưu ái cho thành lập để người Hoa tị nạn nhà Thanh sống hữu nghị và làm ăn buôn bán với người Việt. Từ 1772, Sài Gòn đã trở thành một thành phố. Đến 1788, Nguyễn Ánh lập trấn Gia Định. Từ 1802 đến 1832, đây là thủ phủ của Gia Định thành. Năm 1833 đổi thành tỉnh Gia Định. Ba năm sau khi Pháp chiếm Sài Gòn, năm 1861 chính quyền thực dân xác định địa giới thành phố như sau : phía đông là sông Sài Gòn, phía bắc là rạch Thị
- Nghè, phía tây từ chùa Cây Mai tới đồn Kỳ Hòa, phía nam là Phú Lâm, với tổng diện tích là 25 km2. Năm 1865, Pháp tách Chợ Lớn khỏi Sài Gòn ; năm 1931, lại sáp nhập Sài Gòn với Chợ Lớn thành khu Sài Gòn - Chợ Lớn. Ngày 30-5-1954 đô thành Sài Gòn - Chợ Lớn ra đời và tồn tại cho đến hết thời kỳ Việt Nam Cộng Hòa. Sài Gòn ngày nay, thành phố lớn nhất và đông dân nhất nước, ở giữa đông và tây Nam Bộ, rộng 2.029 km2, gồm 17 quận, 5 huyện. Các quận nội thành từ 1 đến 12, Gò Vấp, Tân Bình, Bình Thạnh, Phú Nhuận và Thủ Đức ; các huyện ngoại thành : Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ, với một dân số khoảng 5,5 triệu người. "Sài Gòn năm xưa" và "Người Sài Gòn thuở ấy"
- Đã có nhiều người viết rất hay về Sài Gòn và Nam Bộ, từ Trịnh Hoài Đức (1765-1825) với Gia Định thành thông chí tới các tác giả bộ Địa chí văn hóa thành phố Hồ Chí Minh, 4 tập, (1987-1998), nhưng theo thiển ý viết về Sài Gòn trước đây hấp dẫn và cảm động nhất có lẽ là cuốn Sài Gòn năm xưa của Vương Hồng Sển (xuất bản trước 1975, tái bản 1994), và Người Sài Gòn thuở ấy của Sơn Nam (1998).
- Hai tác giả lớn này đã cung cấp cho chúng ta nhiều hình ảnh về Gia Định, Bến Nghé, Nhà Bè, Chợ Lớn, Sài Gòn, một mẫu mực văn minh vừa thị thành vừa sông biển, với nghề buôn bán sớm phát triển trên qui mô lớn. Vài chục năm sau khi Pháp sang đô hộ, Sài Gòn đã mau lẹ tiếp thu văn minh Tây Âu để trở thành một Hòn Ngọc Viễn Đông, và ở Đông Nam Á, Sài Gòn chỉ đứng sau Singapore và Hongkong nhờ cảng sông thuận lợi và khả năng sản xuất dồi dào lúa gạo, cao su, hoa lành, trái
- ngọt. Trên đường phát triển người Việt ở Sài Gòn đã khéo sát cánh với người Ấn (Chà Và), người Khmer Nam Bộ và nhất là người Hoa bình dân đến từ miền Nam Trung Hoa để làm cho Sài Gòn và Nam Bộ ngày càng giàu đẹp về vật chất lẫn tinh thần. Nhà văn Sơn Nam đã vẽ lên cái cảnh sinh động : "Chợ Bình Tây, An Lạc, cầu Ông Lãnh, Bà Chiểu, Tân Định, chợ Bến Thành tấp nập người đến kẻ về ( ). Quán ăn tấp nập đủ thứ, đủ giá cả dành cho nhiều hạng người. Sẵn sàng làm quen với người dường như chưa từng gặp mặt, chưa rành lý lịch, trả tiền tách cà phê cho người bạn, hoặc bạn của người bạn (chưa từng quen biết), không tính toán vụn vặt, người Sài Gòn thích ăn uống lai rai để tìm cơ hội gặp bạn bè hoặc thư giãn ( ). Ham thích di chuyển gần xa, nếu gặp hoàn cảnh thì đi du lịch, thích đi chùa miếu để cầu xin gặp may mắn hoặc sám hối, tạ ơn ( ). Kinh tế thị trường đồng nghĩa với "khi lên voi, lúc xuống chó". Gặp người làm giàu nhanh, không nể trọng cho lắm. Gặp kẻ bỗng dưng xuống dốc, không khinh rẻ ( ). Cuộc sống chộn rộn như vậy, sống lâu ngày rồi quen trở nên bình thản. Tuy bối cảnh ngày nay khác hơn xưa nhưng người Sài Gòn vẫn lạc quan, sống phóng
- khoáng. Xứ không bão lụt, lúa gạo dư ăn, khí hậu không khắc nghiệt. Chịu khó đi tìm bạn bè, giữ chữ tín thì gặp cơ hội làm ăn ( ). Sài Gòn là nơi "lộn xộn" nhưng hiếu khách dầu quen dầu lạ. Thích đọc báo (để tìm lượng thông tin), thích xem ca nhạc, cải lương (thư giãn nhanh với nghe nhìn), thích bóng đá (thư giãn nhanh, đánh thức tiềm năng đang co cụm)" Đồng bào Sài Gòn ta xưa nay là như vậy đó, vô cùng đáng mến, rất đỗi dễ thương. Di tích, danh thắng một vùng đất đã từng được ngợi khen là "Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi"
- Những người đi xa Sài Gòn vài năm trở về thăm thành phố đều ngạc nhiên về cái tốc độ cao ốc, nhà chọc trời, biệt thư sang trọng, nguy nga mọc lên như nấm. Đó là Sài Gòn hiện đại dành cho một thiểu số, nhưng Sài Gòn may mắn còn giữ được vài chục di tích danh thắng có giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật. Tổ tiên người Việt, người Hoa đã để lại cho con cháu những nơi thờ phượng, tôn nghiêm đẹp đẽ như chùa Giác Viên, chùa Gò (Phụng Sơn), chùa Giác Lâm, chùa Ngọc Hoàng, chùa Bà Thiên Hậu, chùa Ông, đình Minh Hương Gia Thạnh, đình Phú Nhuận, v.v. Còn lăng của danh nhân Lê Văn Duyệt, quen gọi là Lăng Ông, là một trung tâm tín ngưỡng và lễ hội lớn nhất của Sài Gòn. Một số di tích liên quan mật thiết tới lịch sử thành phố và đời sống người dân : chợ Bến Thành (có từ trước 1859) ; Thảo Cầm Viên (1864) một vườn bách thảo bách thú phong phú, trong khuôn viên Thảo Cầm Viên có Viện Bảo Tàng Lịch Sử Thành Phố vốn là viện bảo tàng Blanchard de La Brosse (1927) ; Nhà thờ Đức Bà (1877) ; Bưu Điện thành phố (1886) Có lẽ 30 năm (1975-2005) là một thời gian quá ngắn nên chính quyền hiện tại chưa xây dựng được một công trình kiến trúc, công trình văn hóa đáng kể nào. Ngược lại họ đã kế thừa của chế độ thực dân (1859-1954) và
- chế độ cũ (1954-1975) một loạt công thự đẹp đẽ: - Trụ sở Ủy ban Nhân Dân Thành Phố Hồ Chí Minh vốn là Tòa Đô Chánh Sài Gòn (1898). - Hội trường Thống Nhất, vốn là Dinh Độc Lập của chế độ cũ, một công trình của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, xây dựng từ 1962 đến 1966. - Nhà Hát Thành Phố, vốn là Hạ Nghị Viện của chế độ cũ, xưa kia là Nhà Hát Tây (Opéra) xây dựng
- năm 1889. - Viện Bảo Tàng Mỹ Thuật thành phố, xây năm 1920, vốn là nhà riêng của tỷ phú Hui Bon Hoa (Hứa Bồn Hoa, quen gọi là Chú Hỏa). - Viện Bảo Tàng Cách Mạng thành phố, vốn là tư dinh của các thống đốc Nam Kỳ (xây năm 1885), rồi thành Dinh Gia Long trước khi trở thành Tối Cao Pháp Viện (1964-1975). Ẩm thực Sài Gòn : một kiểu mẫu của tiếp biến văn hóa cổ kim đông tây Nói ẩm thực Sài Gòn thì có lẽ chưa đầy đủ, thật ra phải nói ẩm thực Sài Gòn - Nam Bộ mới đúng, bởi vì Sài Gòn là điểm trung tâm của toàn Nam Bộ, ngã ba đường
- của Bắc Nam Đông Tây : Bắc đây là cả hai miền Trung và Bắc, Đông là vùng Đông Nam Bộ, Tây là vùng Tây Nam Bộ và Tây cũng là phương Tây mà Sài Gòn đã sớm tiếp xúc. Hơn thế nữa, Hòn Ngọc Viễn Đông năm xưa có lẽ là nơi gặp gỡ tiền định của Á Đông và Âu Tây vì trong nhiều thế kỷ Sài Gòn đã chung sống với con người và văn hóa Trung Quốc, Ấn Độ, Pháp, Đức, Mỹ, Nga, Nhật, Úc Sài Gòn có thể cung cấp cho ta đầy đủ các món ngon của phương Đông và phương Tây mà không cần một cuộc du lịch xa xôi nào. Quả thật, ở Sài Gòn ngoài tất cả các món ngon Việt của ba miền Trung Nam Bắc, chúng ta còn có thể thưởng thức các món ngon Hoa, Ấn, Nhật, Thái, Ý, Tây Ban Nha , và nhất là các món Pháp nổi tiếng thế giới, bên cạnh thịt nướng Tiệp Khắc, xúc xích Đức, hamburger Mỹ, caviar Nga hay Iran và đủ các loại rượu và bia ngon nhất hoàn cầu. Vậy có thể nói tính chất đầu tiên của ẩm thực Sài Gòn là tính thế giới, tính tứ xứ (cosmopolite) của nó. Nhưng tính chất thứ hai của nó lại là sự đón nhận trân trọng kho tàng văn hóa ẩm thực truyền thống của dân tộc. Bằng chứng là chẳng cần ra Trung hay ra Bắc người Sài Gòn nếu muốn thì có thể vui vẻ thưởng thức phở Bắc,
- chả cá Hà Nội, bún bò Huế, nem tré Huế, mì Quảng, cao lầu Hội An, v.v., bên cạnh những món ngon Nam Bộ bất hủ như canh chua, cá kho tộ, cá lóc nướng trui, lẩu mắm Châu Đốc, hủ tiếu Mỹ Tho, tôm lụi Bạc Liêu, nấm tràm Phú Quốc và nhiều nữa. Tính chất thứ ba và quan trọng nhất của ẩm thực Sài Gòn là
- sự tập hợp tinh hoa của ẩm thực Nam Bộ và sự nâng cao truyền thống ẩm thực miền Nam lên mức cổ điển. Ví dụ : mắm Nam Bộ là món ăn của thời khẩn hoang. Rau đồng, rau vườn, cá sông, cá biển, mắm cá linh tinh lang tang, ăn cho no để lo mở cõi. Vậy mà mấy trăm năm sau, món lẩu mắm nay đã trở thành món ăn cao cấp. Dân nhà giàu Sài Gòn - Chợ Lớn xưa và nay đãi khách bằng lẩu mắm mới sang, và phải nói rằng lẩu mắm có lẽ là kiệt tác sáng giá nhất của văn hóa ẩm thực Việt Nam. Rau, cá, thịt, mắm làm thành món lẩu : hơn 20 loại rau để trong hai dĩa rau to tướng, từ ngó sen, bông súng tới giá, bắp chuối và đủ loại rau thơm. Rồi một mớ thập cẩm : lươn, cá rô, cá kèo, cá chạch, cá ngác, cá lóc, bông lau, basa, cá thu Rồi thêm vô thịt ba rọi, mực, tôm, cua, tàu hủ cùng lên lửa với nước cốt mắm sặc thơm lừng. Thêm hai dĩa bún hay một thố cơm, ba xị rượu ngon, một dĩa tỏi gừng ớt hiểm và thế là ta có đủ đất trời, âm dương, hài hòa và bổ dưỡng nhất trong món lẩu Việt Nam bất hủ. Ẩm thực thuần túy Sài Gòn đúng là sự tổng kết lịch sử ẩm thực của đất phương Nam từ thời khai hoang với mắm, canh chua, cá lóc nướng trui tới thời hiện đại với bò bảy món, trứng rùa Côn Đảo, tôm hùm Biển Đông. Có lẽ không quá đáng khi nói ẩm thực Sài Gòn là tập đại
- thành tinh hoa ẩm thực Việt Nam trên một vùng đất không rộng quá 2.100 km2 mà lại đủ sức mời gọi hơn một chục nền ẩm thực của Á, Âu, Mỹ tới kết bạn và đua tài với ẩm thực Sài Gòn, Nam Bộ Việt Nam mà chưa biết ai hơn ai. Gái trai Sài Gòn năm xưa, qua những câu hò giọng hát trĩu nặng ân tình, chứa chan điệu nghệ Con trai Sài Gòn năm xưa tuân theo luật thương hồ, thường đi lên Đồng Nai, đi xuống miệt vườn buôn bán làm ăn mà các cô gái Lục Tỉnh thì hiếu khách và vô cùng cởi mở. Mới gặp nhau các em đã vồn vã nói cười : Ghe anh đỏ mũi xanh lườn Phải ghe Gia Định xuống miệt vườn kiếm em ? Dễ thương quá, anh Hai xin chân thành đáp lễ : Một trăm con gái Thủ, một lũ con gái Chợ anh chẳng màng Cảm thương con gái ruộng cơ hàn nắng mưa Gặp nhau rồi không dễ gì rút lui nhặm lẹ đâu anh Hai: Cầu Bình Điền xe lửa chạy nghiêng triền Anh gặp em dưới thủy trên thuyền Lời phân bua chưa cạn sao anh liền chia tay ?
- Nghe vậy chàng trai phải làm ra vẻ có cảm tình : Chợ Bến Thành đèn xanh đèn đỏ Anh nhìn cho tỏ thấy rõ đèn màu Lấy em anh đâu kể sang giàu Rau dưa mắm muối chẳng nơi nào hơn em Nếu chàng trai muốn đòi về thì cô em hò dọa một câu: Bớ anh Hai, gá duyên không đặng hội này Em liều lên Chợ Lớn nằm đường rầy cho xe lửa qua Dọa cho vui thôi chứ em cũng biết thủ phận : Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ Đèn Cây Gõ cái tỏ cái lu Nước ròng em thả trái mù u Lỡ duyên cạo trọc lên tu Núi Bà ! Trong nhóm đó có một cô tính tình hiền dịu muốn làm đẹp lòng khách thương hồ : Sông Sài Gòn sông bao nhiêu nước Chợ cũ Sài Gòn kẻ tục người thanh Mấy ai mà đặng như anh Dù cho xao xuyến xin cũng chân thành với em Dễ thương quá, phải làm sao đáp lễ cho xứng đáng : Em Tám ơi, chợ Sài Gòn cất mới Ghe tàu lui tới, bốn mặt đều xinh Thấy em đẹp dạng tốt hình
- Chẳng hay em có chung tình đâu chưa ? Được lời, em xin gởi tới chàng một câu tâm sự về nỗi lòng dè dặt : Hò ơ, đất Sài Gòn nam thanh nữ tú Cột cờ Thủ Ngữ cao thiệt là cao Em thương anh vàng võ má đào Tìm anh khắp chốn vàng thau khó lường Đã vậy em Tám còn cất lên một lời thắm thiết : Hò ơ, ghe anh lui về Gia Định Em nhớ anh, em thọ bịnh liền Không tin anh hỏi lại xóm giềng đều hay Tới đây thì cậu Ba Sài Gòn cầm lòng không đậu, bèn tung ra một chưởng tuy chưa phải là thề thốt nhưng cũng là một bước đầu gắn bó có thể làm đẹp lòng em Tám : Hò ơ, ai về Bà Điểm Hóc Môn Hỏi thăm người ấy có còn hay không ? Để anh kiếm sợi chỉ hồng Nhờ ông Tơ bà Nguyệt kết vợ chồng trăm năm