Giáo trình mô đun Chuẩn bị ao, bè nuôi và thả giống cá tra, cá ba sa
Bạn đang xem 20 trang mẫu của tài liệu "Giáo trình mô đun Chuẩn bị ao, bè nuôi và thả giống cá tra, cá ba sa", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tài liệu đính kèm:
- giao_trinh_mo_dun_chuan_bi_ao_be_nuoi_va_tha_giong_ca_tra_ca.pdf
Nội dung text: Giáo trình mô đun Chuẩn bị ao, bè nuôi và thả giống cá tra, cá ba sa
- BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN GIÁO TRÌNH MÔ ĐUN CHUẨN BỊ AO, BÈ NUÔI VÀ THẢ GIỐNG CÁ TRA, CÁ BA SA Mã số: MĐ02 NGHỀ NUÔI CÁ TRA, CÁ BA SA TRÌNH ĐỘ SƠ CẤP NGHỀ
- 1 TUYÊN BỐ BẢN QUYỀN Tài liệu này thuộc loại sách giáo trình nên các nguồn thông tin có thể được phép dùng nguyên bản hoặc trích dùng cho các mục đích về đào tạo và tham khảo. Mọi mục đích khác mang tính lệch lạc hoặc sử dụng với mục đích kinh doanh thiếu lành mạnh sẽ bị nghiêm cấm. MÃ TÀI LIỆU: MĐ02
- 2 LỜI GIỚI THIỆU Nuôi cá tra, cá ba sa là nghề được nhiều nông, ngư dân ở hai bên bờ sông Tiền và sông Hậu thực hiện để phát triển kinh tế gia đình. Hiện nay, cá tra cũng đã được nuôi trong các ao hay lồng đặt trên hồ hay sông ở một số địa phương phía Bắc. Tuy nhiên, rất nhiều bà con không được tiếp nhận đầy đủ, có hệ thống các hiểu biết và cách thực hiện thao tác của nghề nên hiệu quả nuôi không cao. Xây dựng chương trình, biên soạn giáo trình dạy nghề Nuôi cá tra, cá ba sa trình độ sơ cấp là một trong những hoạt động triển khai Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” để đào tạo trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng cho người làm nghề nuôi cá tra, cá ba sa và bà con lao động nông thôn, giảm bớt rủi ro, hướng tới hoạt động nuôi cá tra, cá ba sa phát triển bền vững. Chương trình, giáo trình dạy nghề Nuôi cá tra, cá ba sa trình độ sơ cấp do Trường Trung học Thủy sản chủ trì xây dựng, biên soạn từ tháng 10/2011 đến tháng 12/2011 theo quy trình được hướng dẫn tại Thông tư số 31/2010/TT- BLĐTBXH ngày 08/10/2010 của Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hướng dẫn xây dựng chương trình, biên soạn giáo trình dạy nghề trình độ sơ cấp. Chương trình dạy nghề Nuôi cá tra trình độ sơ cấp gồm các mô đun Mô đun 01. Xây dựng ao nuôi, bè nuôi cá tra, cá ba sa Thời gian thực hiện 96 giờ Mô đun 02. Chuẩn bị ao, bè nuôi và thả giống cá tra, cá ba sa Thời gian thực hiện 96 giờ Mô đun 03. Quản lý ao nuôi, bè nuôi cá tra, cá ba sa Thời gian thực hiện 100 giờ Mô đun 04. Quản lý dịch bệnh cá tra, cá ba sa Thời gian thực hiện 96 giờ Mô đun 05. Thu hoạch cá tra, cá ba sa Thời gian thực hiện 76 giờ Giáo trình Chuẩn bị ao, bè nuôi và thả giống cá tra, cá ba sa được biên soạn theo Chương trình mô đun Chuẩn bị ao, bè nuôi và thả giống cá tra, cá ba sa của nghề Nuôi cá tra, cá ba sa trình độ sơ cấp nghề. Giáo trình nhằm giới thiệu một số kiến thức cơ bản về về công tác chuẩn bị ao, bè nuôi và thả giống cá tra, cá ba sa, bao gồm các việc cải tạo ao, lấy nước, kiểm tra môi trường nước, vệ sinh và cố định bè ở vị trí nuôi, chọn, vận chuyển, tắm cá và thả cá vào ao, bè nuôi. Giáo trình còn giới thiệu về đăng ký hoạt động của bè cá trên sông, hồ, các điều kiện của cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cá tra, cá ba sa theo quy định hiện hành.
- 3 Những nội dung được trình bày trong giáo trình từng bước hướng đến thực hiện các tiêu chuẩn của GAP, đưa sản phẩm cá tra, cá ba sa xuất khẩu của Việt Nam đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường sống và đa dạng sinh học của người tiêu dùng trên toàn thế giới. Để tiếp thu các kiến thức và thao tác thành thạo các kỹ năng, đòi hỏi người học phải cẩn thận, nghiêm túc, chính xác trong quá trình học tập, làm việc. Nội dung của giáo trình gồm các bài học: Bài 1. Chuẩn bị ao nuôi cá Bài 2. Chuẩn bị bè nuôi cá Bài 3. Chọn cá giống Bài 4. Vận chuyển cá giống Bài 5. Kiểm tra môi trường nước và thả cá giống Trong quá trình biên soạn, dù đã nhận được nhiều góp ý của các chuyên gia, các hộ nuôi cá tra, cá ba sa, của bạn bè, đồng nghiệp trong ngành, của lãnh đạo Trường Trung học Thủy sản và Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhưng giáo trình không tránh khỏi những thiếu sót, các tác giả rất mong nhận được các ý kiến đóng góp để giáo trình ngày càng hoàn thiện hơn./. Tham gia biên soạn HUỲNH THỊ MINH HẰNG LÊ TIẾN DŨNG
- 4 MỤC LỤC ĐỀ MỤC TRANG Giới thiệu mô đun 6 Bài 1. CHUẨN BỊ AO NUÔI CÁ 7 A. Nội dung 7 1. Chuẩn bị ao mới đào 7 2. Cải tạo ao cũ tháo cạn được nước 14 3. Cải tạo ao cũ không tháo cạn được nước 20 4. Cấp nước vào ao chứa lắng 24 5. Xử lý nước trong ao lắng 26 B. Câu hỏi và bài tập thực hành 27 C. Ghi nhớ 27 Bài 2. CHUẨN BỊ BÈ NUÔI CÁ 28 A. Nội dung 28 1. Đăng ký hoạt động bè nuôi cá 28 2. Kiểm tra, vệ sinh bè 29 3. Xác định vị trí đặt bè 30 4. Đưa bè ra vị trí nuôi 34 5. Cố định bè 36 6. Lắp lồng lưới 38 B. Câu hỏi và bài tập thực hành 40 C. Ghi nhớ 41 D. Phụ lục 42 Bài 3. CHỌN CÁ GIỐNG 44 A. Nội dung 44 1. Tìm hiểu chất lượng con giống 44 2. Chọn cá giống 47 3. Chọn cơ sở sản xuất, kinh doanh cá tra, cá ba sa giống 51 B. Câu hỏi và bài tập thực hành 52 C. Ghi nhớ 52 Bài 4. VẬN CHUYỂN CÁ GIỐNG 53 A. Nội dung 53 1. Xác định thời điểm vận chuyển cá giống 53 2. Luyện cá 54 3. Chọn hình thức vận chuyển cá giống 55 4. Chọn phương tiện vận chuyển cá giống 61 5. Xác định mật độ vận chuyển cá 64 6. Tổ chức vận chuyển 65 B. Câu hỏi và bài tập thực hành 65 C. Ghi nhớ 66 Bài 5. THẢ CÁ GIỐNG 67
- 5 A. Nội dung 67 1. Kiểm tra môi trường nước 67 2. Thả cá giống vào ao 86 3. Thả cá vào bè 87 B. Câu hỏi và bài tập thực hành 87 C. Ghi nhớ 87 HƯỚNG DẪN GIẢNG DẠY MÔ ĐUN 87 I. Vị trí, tính chất của mô đun 87 II. Mục tiêu 87 III. Nội dung chính của mô đun 87 IV. Hướng dẫn thực hiện bài tập, bài thực hành 87 V. Yêu cầu về đánh giá kết quả học tập 87 TÀI LIỆU THAM KHẢO 87
- 6 MÔ ĐUN CHUẨN BỊ AO, BÈ NUÔI VÀ THẢ GIỐNG CÁ TRA, CÁ BA SA Mã mô đun: MĐ02 Giới thiệu mô đun Mô đun Chuẩn bị ao, bè nuôi và thả giống cá tra, cá ba sa nhằm hướng dẫn cho học viên những kiến thức cơ bản về công tác chuẩn bị ao, bè nuôi và thả giống cá tra, cá ba sa, đăng ký hoạt động của bè cá trên sông, hồ, các điều kiện của cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cá tra, cá ba sa theo quy định hiện hành; hướng dẫn học viên cải tạo ao, lấy nước, kiểm tra môi trường nước, vệ sinh, cố định bè ở vị trí nuôi, chọn, vận chuyển, tắm, thả cá vào ao, bè nuôi. Mô đun có các bài Chuẩn bị ao nuôi cá, Chuẩn bị bè nuôi cá, Chọn cá giống, Vận chuyển cá giống và Kiểm tra môi trường nước và thả cá giống Phần lý thuyết của mô đun được trình bày ở lớp học và học viên được thực hành tại các ao, bè nuôi cá và cơ sở sản xuất, kinh doang cá tra, cá ba sa giống. Kết quả học tập của học viên được đánh giá qua trả lời các câu hỏi trắc nghiệm về kiến thức lý thuyết và thực hiện thao tác của các công việc chuẩn bị ao, bè nuôi và thả giống cá tra, cá ba sa. Học xong mô đun này, học viên có được những kiến thức cơ bản và kỹ năng thực hành các bước công việc chuẩn bị ao, bè nuôi và thả giống cá tra, cá ba sa theo đúng trình tự, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, hiệu quả và an toàn lao động cũng như một số quy định hiện hành về nuôi cá tra theo tiêu chuẩn GAP. Để đạt yêu cầu đào tạo, học viên phải có ý thức học tập tích cực, tham gia học đầy đủ thời lượng của mô đun.
- 7 Bài 1. CHUẨN BỊ AO NUÔI CÁ Mã bài: MĐ02-1 Chuẩn bị tốt ao nuôi cá tra nhằm tạo môi trường sống thích hợp, thuận lợi để cá phát triển tốt, ít nhiễm bệnh, giảm hệ số chuyển đổi thức ăn. Tùy theo ao mới đào hay đã nuôi được nhiều vụ mà các bước xử lý có khác nhau. Mục tiêu - Trình bày được cách chuẩn bị ao nuôi cá tra; - Cải tạo được ao nuôi cá đúng kỹ thuật; - Thực hiện được công việc lấy và xử lý nước cấp vào ao nuôi cá tra; - Rèn luyện tính cẩn thận, có ý thức trách nhiệm trong công việc. A. Nội dung 1. Chuẩn bị ao mới đào Quy trình chuẩn bị: Rửa phèn Bón vôi Kiểm tra bờ, cống Làm sàn cho ăn Bao lưới
- 8 1.1. Rửa phèn Thực hiện ở những ao ở vùng đất phèn hoặc phèn tiềm tàng, nước đọng trong ao có màu nâu đỏ, vàng, có váng trên mặt nước. Khi đào ao, lớp đất ở bề mặt bờ và đáy ao tiếp xúc với không khí, chất sinh phèn (pyrit sắt) tồn tại trong đất sẽ phản ứng với oxy và nước để tạo thành phèn sắt (phèn nóng) và phèn nhôm (phèn lạnh). Hình 1.1. Nước phèn đọng trong ao Cách thực hiện: - Lấy nước từ sông, rạch vào đầy ao. - Ngâm ao 3-4 ngày để phèn từ trong bờ và đáy ao hòa tan vào nước. - Tháo bỏ khối nước đã nhiễm phèn này. - Lấy nước vào đầy ao trở lại. - Ngâm 3-4 ngày để phèn từ trong đất tiếp tục hòa tan vào nước. - Tháo bỏ hết nước trong ao. Thực hiện rửa nhiều lần giúp phèn trong đất càng giảm. 1.2. Bón vôi Có 3 loại vôi được dùng để bón vào ao: Vôi nông nghiệp ở dạng bột trắng. Không làm tăng pH đất khi bón vào ao. Hình 1.2. Vôi nông nghiệp CaCO3
- 9 Vôi nung (vôi sống) ở dạng cục. Khi bón vào ao, vôi hút nước, tỏa nhiệt mạnh và làm tăng pH đất. Hình 1.3. Vôi nung CaO Vôi bung (vôi tôi) ở dạng bột ẩm, được tạo thành bằng cách tưới nước vào vôi nung. Làm tăng pH đất khi bón vào ao. Hình 1.4. Cho nước vào vôi nung để tạo thành vôi bung Ca(OH)2 Loại và lượng vôi bón tùy thuộc vào mức độ phèn trong ao, thể hiện qua pH đất. Ao không bị phèn: bón 100-150kg vôi nông nghiệp cho 1.000m2 đáy và bờ ao. Ao bị phèn: Khi phải đào ao ở vùng đất phèn, cần tích cực rửa phèn bằng nước và bón vôi nung hoặc vôi bung với lượng tùy theo pH đất. Bảng 1.1. Lượng vôi bón theo pH đất pH đất Lƣợng vôi nung (kg/1.000m2) 7 Bón vôi như ao không bị phèn
- 10 1.2.1. Đo pH đất Đo trực tiếp bằng thiết bị đo pH đất Đầu đo là 2 vòng kim loại Đầu đo là 3 vòng kim loại Hình 1.5. Thiết bị đo pH đất Hình 1.6. Thiết bị đo pH và độ ẩm đất Cách đo: Bước 1: Cắm đầu đo xuống đất sao cho 2 (hoặc 3) vòng kim loại của đầu đo ngập trong đất. Hình 1.7. Cắm thiết bị đo pH xuống đất Bước 2: Đọc kết quả Đọc chỉ số pH theo kim chỉ trên màn hình (thang đo pH tương ứng từ 3 - 8) Hình 1.8. Kim chỉ ở mức pH=7
- 11 Lưu ý: - Đất đo pH cần ẩm, mềm - Nên đo pH ở 4-5 vị trí trong ao. - Lau sạch các vòng kim loại sau khi đo. Nếu có vết gỉ ố, làm sạch bằng giấy nhám. Đo gián tiếp bằng test pH pH đất có thể được đo gián tiếp qua đo pH của dung dịch đất bằng hộp test pH. Cách đo này được thực hiện khi không có thiết bị đo pH đất hoặc khi đất định đo pH quá khô. Phơi khô mẫu đất trong bóng râm nếu đất quá ẩm. Đập vụn mẫu đất trước khi cho nước cất vào. Hòa 1kg mẫu đất khô vào 1 lít nước cất (tỷ lệ 1:1). Khuấy kỹ để đất tơi rã trong nước. Để yên qua đêm cho nước lắng trong. Lấy dịch đất (phần nước trong) đem đo pH bằng hộp test pH (được hướng dẫn ở bài 5. Kiểm tra môi trường nước và thả cá giống). 1.2.2. Cách bón vôi - Rải đều vôi nông nghiệp vào đáy, bờ ao đối với ao không bị phèn. - Tưới nước vào lượng vôi nung đã được xác định để thành vôi bung. Để qua đêm cho khối vôi tỏa nhiệt hết rồi rải đều vào đáy, bờ ao Hình 1.9. Bón vôi ao cá Lưu ý: - Rải vôi từ cuối chiều gió đi dần lên. - Phải mang khẩu trang, kính mắt, găng tay. - Rửa bằng nước lạnh, sạch nhiều lần nếu bị vôi bám vào người. - Tuyệt đối không sử dụng tay trần, ướt tiếp xúc với vôi nung, vôi bung.
- 12 1.3. Kiểm tra bờ, cống Do ao mới đào nên việc kiểm tra bờ, cống nhằm dọn dẹp các dụng cụ làm việc bỏ quên, loại bỏ các vật chèn trong ống cống, bổ sung các chi tiết bị thiếu như ván phai, lưới chắn 1.4. Làm sàn cho cá ăn Sàn cho cá ăn nhằm cho cá ăn ở vị trí cố định, nơi trộn thức ăn với chất bổ sung, để tạm thức ăn cho cá trong ngày Sàn được đặt ở đầu hoặc giữa ao, cách bờ khoảng 2-5m. Hình 1.10. Sàn cho ăn cố định trên cọc Sàn rộng khoảng 6-8m2, được làm bằng ván gỗ, nẹp tre, có mái che bằng tôn kim loại, được đỡ trên các cọc cố định trong ao hoặc trên hệ thống phao (thùng phuy) để dễ di chuyển. Hình 1.11. Sàn cho ăn đặt trên phao 1.5. Bao lƣới Bao lưới quanh bờ ao để ngăn chặn các sinh vật hại cá như rắn, chuột Cách tiến hành: Bước 1: Chuẩn bị dụng cụ, vật tư - Lưới muỗi hoặc lưới có mắt lưới 10mm, cao 0,8-1m, biên trên của tấm lưới được giềng dây PE cỡ 5-10mm, dài đủ để bao quanh ao. - Cọc tre hoặc gỗ cao 1,2-1,5m, số lượng cọc bằng số mét chu vi ao. - Dây PE hoặc dây kẽm để buộc lưới vào cọc. - Búa, cuốc, xẻng, dao.
- 13 Bước 2: Đào rãnh Dùng cuốc, xẻng đào rãnh quanh bờ ao, sâu khoảng 0,3m, cách mép trong của bờ 0,5-1m. Hình 1.12. Đào rãnh quanh ao Bước 3: Cắm cọc Cắm cọc vào giữa rãnh, sâu 0,1-0,2m, hơi nghiêng ra ngoài ao. Khoảng cách giữa 2 cọc khoảng 1m. Hình 1.13. Cách cắm cọc Bước 4: Bao lưới Buộc dây giềng lưới vào cọc bằng dây PE hoặc dây kẽm, cao từ mặt bờ lên khoảng 0,5-0,8m. Đưa chân lưới vào rãnh, ém đất kỹ để tránh gió thổi tốc lưới lên. Hình 1.14. Lưới bao quanh bờ ao
- 14 2. Cải tạo ao cũ tháo cạn đƣợc nƣớc Quy trình cải tạo Tháo cạn nước ao Sên vét bùn đáy Cày x ới đáy ao Tẩy trùng đáy ao Bón vôi Phơi đáy ao Tu sử a bờ ao Tu s ửa cống Tu sửa sàn cho ăn Bao lưới
- 15 2.1. Tháo cạn nƣớc ao Nước trong ao được tháo cạn bằng máy bơm hoặc qua cống thoát. Nước ra khỏi ao được đưa vào hệ thống ao xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường. Hình 1.15. Đáy ao cạn nước 2.2. Sên vét bùn đáy Bùn đáy là chất thải của cá, thức ăn thừa và phù sa ở đáy ao được tích tụ từ vụ nuôi trước. Bùn đáy ao chứa nhiều khí độc, mầm bệnh sẽ gây hại cho cá nếu không được đưa khỏi ao. Bùn đáy được gom bằng trang (cào). Bùn đáy ao được đưa vào bãi chứa bùn đáy để phân hủy thành phân bón. Hình 1.16. Vét bùn đáy ao bằng trang (cào) 2.3. Cày xới đáy ao Cày xới đáy ao để đất tơi xốp, oxy từ không khí đi sâu vào đất, tạo môi trường hiếu khí, giúp vi khuẩn hiếu khí phân giải bùn đáy ao thành khoáng chất dinh dưỡng (khoáng hóa) tạo cơ sở để thức ăn tự nhiên phát triển trong ao. Hình 1.17. Cày đáy ao bằng cơ giới
- 16 Ngoài ra, cày xới đáy ao giúp vôi đi sâu vào đất hơn khi bón vôi, tăng hiệu quả khử phèn. Có thể sử dụng máy cơ giới hoặc sức trâu bò để cày đáy ao. Cày đất thành rãnh sâu 20- 30cm. Hình 1.18. Cày đáy ao bằng trâu 2.4. Tẩy trùng đáy ao Tẩy trùng đáy ao nhằm tiêu diệt các mầm bệnh như virus, vi khuẩn, nấm tồn tại ở đáy ao. Hóa chất phổ biến để sát trùng đáy ao nuôi thủy sản là clorin. Liều lượng để sát trùng bằng cách tạt vào đáy, bờ ao là 100-200ppm Thực hiện như sau: - Xác định thời điểm xử lý sát trùng đáy ao qua dự báo thời tiết. Thời điểm thích hợp là buổi chiều hay tối, trời mát, nhiệt độ không quá cao. Hình 1.19. Không xử lý clorin lúc trời mưa hoặc nắng nóng - Ước lượng lượng nước cần đủ để tạt ướt đều đáy và bờ ao nuôi. Lấy nước vào vật chứa. - Tính và cân lượng clorin cần dùng theo hướng dẫn. Hình 1.20. Cho clorin vào nước
- 17 - Cho từ từ clorin vào vật chứa nước. Không đổ mạnh nước vào clorin. - Dùng que khuấy cho clorin tan đều trong nước. Hình 1.21. Hòa tan clorin bằng que - Dùng ca múc nước clorin trong xô, tạt đều vào đáy và bờ ao, đi từ hướng cuối gió lên đầu gió để không phải ngửi mùi clorin hoặc clorin dính vào người gây bỏng da. Tạt clorin nhiều hơn ở những chỗ đọng nước. Các hóa chất sát trùng khác cũng được dùng để sát trùng đáy ao như BKC, formol, virkon với liều lượng và cách sử dụng theo hướng dẫn được ghi trên bao bì. Chất sát trùng clorin Ca(OCl)2 Clorin - hypoclorit canxi - là chất bột màu trắng, mùi hăng, dễ tan trong nước và sinh ra các thành phần có tính sát trùng mạnh. Bảo quản không tốt, clorin dễ bị ánh sáng, nhiệt độ cao phá hủy, dễ hút ẩm, vón cục làm suy giảm chất lượng. Hình 1.22. Bột clori Lưu ý: - Hiệu quả diệt trùng của clorin giảm ở môi trường kiềm (pH > 7) nên không bón vôi trước khi xử lý clorin. - Chỉ nên thả giống sau khi xử lý clorin hơn 3 ngày để lượng clo dư phân hủy hoàn toàn. Không sử dụng clorin trong ao đang nuôi cá. - Sử dụng clorin lúc sáng sớm hoặc chiều tối, lúc nhiệt độ thấp, không mưa.
- 18 - Hòa tan clorin trong xô nước (không sử dụng trực tiếp, không đổ mạnh nước vào clorin) rồi tạt đều khắp ao. - Mang khẩu trang, mắt kính, áo quần bảo hộ, không tiếp xúc trực tiếp khi làm việc với clorin. - Clorin có thể làm mục áo quần, gây bỏng da. Phải rửa nước sạch nhiều lần ở vị trí cơ thể tiếp xúc với clorin. Cách quy đổi đơn vị tính Trong nuôi trồng thủy sản, các đơn vị để tính khối lượng thường là ki-lô- gam (kg), gam (g), mi-li-gam (mg) với 1kg = 1.000g 1g = 1.000mg Đơn vị tính thể tích là mét khối (m3), lít (l), mi-li-lít (ml) 1m3 = 1.000l 1l = 1.000ml Đơn vị tính nồng độ là phần trăm (%), phần ngàn (‰, ppt, g/l), phần triệu (ppm, g/m3, mg/l). Cách tính lƣợng clorin sát trùng đáy ao Ví dụ: Tính lượng clorin cần hòa tan với 400l nước để có dung dịch nước clorin nồng độ 200ppm để sát trùng đáy ao Giải: Đổi 200ppm = 200mg/l nghĩa là mỗi lít nước hòa tan với 200mg clorin Vậy: 400 lít nước cần 200mg/l x 400l = 80.000mg = 80g clorin 2.5. Bón vôi - Thông thường, các ao cũ (sau 2-3 vụ nuôi), phèn trong ao đã giảm rất nhiều. Khi ao không còn phèn: bón 70-100kg vôi nông nghiệp cho 1.000m2 đáy và bờ ao. Thao tác bón vôi được thực hiện như ở mục 1.2. Bón vôi. - Ao còn phèn: Bón vôi nung hoặc vôi bung vào các rãnh đáy ao với lượng tùy theo pH đất (Bảng 1.1). Cày lấp lại và đầm nén chặt đáy ao sau khi bón vôi 3-4 ngày. Đầm nén đáy ao để hạn chế ao bị đục trong quá trình nuôi.
- 19 Ngoài ra, có thể sử dụng zeolite, yucca và các chế phẩm men-vi sinh để phân hủy mùn bã hữu cơ trong ao. 2.6. Phơi đáy ao Phơi đáy ao để đất khô và nứt ra, không khí đi sâu vào đáy ao, tạo sự khoáng hóa đất. Phơi đáy ao còn để ánh sáng mặt trời diệt mầm bệnh tồn tại trong ao. Thời gian phơi tùy thuộc vào thời tiết, độ bằng phẳng của đáy ao. Thường phơi khoảng 5-10 ngày, cho đến khi đất nứt chân chim. Hình 1.23. Đất nứt chân chim 2.7. Tu sửa bờ ao Bờ ao thường bị sạt lở, lún sụp, bị các sinh vật đào hang ẩn nấp hay có lỗ mọi làm rò rỉ nước. Tu sửa bờ lại nhằm đảm bảo bờ ao chắc chắn, không rò rỉ và không có địch hại ẩn nấp trong bờ Cách tiến hành: - Chuẩn bị dụng cụ như cuốc, xẻng, dao. - Đào, bắt rắn, chuột và các loài động vật khác làm hang sống ở bờ ao. Lấp hang. - Lấp lỗ mọi ở cả 2 mặt trong và ngoài bờ ao. - Chặt cây, nhổ cỏ trên bờ để không còn nơi trú ẩn cho các sinh vật gây hại cho người nuôi và cá. - Nâng cao các đoạn bờ bị lún sụp, sạt lở, đảm bảo không bị nước tràn bờ do thủy triều cao trong vụ nuôi mới. Hình 1.24. Bờ ao được tu sửa
- 20 2.8. Tu sửa cống - Gỡ bỏ các vỏ hàu bám vào thành cống, sân tiêu năng. - Đắp lại khe phai bị vỡ. - Sửa chữa các ván phai bị mục, gãy cần. Bổ sung ván phai bị mất. - Bổ sung đất, đầm nén chặt khu vực trước và sau cống bị xói lở do áp lực nước. 2.9. Tu sửa sàn cho ăn - Lợp lại tôn, thay bạt mái. - Thay ván, nẹp sàn bị gãy. - Thay cọc chống, thùng phuy bị mục, thủng. 2.10. Bao lƣới Thực hiện như mục 1.5. Bao lưới 3. Cải tạo ao cũ không tháo cạn đƣợc nƣớc Quy trình cải tạo Bơm hút bùn đáy Sát trùng diệt tạp Bón vôi Tu sửa bờ ao Tu sửa cống Tu sửa sàn cho ăn Bao lưới
- 21 Ao không tháo cạn được có thể do: - Xây dựng ao không đạt yêu cầu kỹ thuật (đáy ao không bằng phẳng, cống thoát cao hơn đáy ao). - Đang kỳ nước kém, nước bên ngoài không xuống thấp hơn cao trình đáy ao nên nước trong ao không thoát ra bên ngoài được. - Tháo cạn nước ao, phơi đáy sẽ làm “xì phèn” (chất pyrit sắt biến đổi thành phèn khi tiếp xúc với oxy và nước). 3.1. Bơm hút bùn đáy Dùng máy bơm 8-15 CV nối với ống nhựa dẻo đường kính 15-20cm để kết hợp bơm bớt nước trong ao và hút bùn đáy ao. Có thể đặt máy bơm trên bờ ao, ống nhựa dẻo được cột với các phao nhựa để nổi trên mặt nước. Một người cầm đầu ống hút di chuyển qua lại dưới đáy ao để hút bùn đáy. Khi thấy nước thoát ra ở đầu ống xả đã bớt màu đen của bùn đáy thì di chuyển đầu ống hút sang vị trí khác. Nước bùn thoát ra được đưa vào bãi chứa bùn để phân hủy. Hình 1.25. Bơm hút bùn đáy ao 3.2. Sát trùng, diệt tạp Sát trùng nước trong ao bằng clorin sau khi bơm hút bùn đáy và để lắng trong nước vài ngày nhằm hạn chế clorin giảm hiệu quả do tác dụng với các thành phần lơ lửng trong nước và sinh chất độc gây hại cho cá nuôi. Nồng độ clorin để sát trùng nước ao là 15-30ppm tùy thuộc vào pH hoặc mức độ đục của nước. Nếu pH nước > 7 hay nước đục nhiều thì sử dụng clorin với nồng độ cao. Thời điểm thích hợp để xử lý là sáng sớm hoặc chiều tối, nhiệt độ mát, không mưa.
- 22 Thực hiện như sau: - Xác định mức nước trong ao bằng thước đo hoặc que gỗ, tre. - Tính thể tích nước trong ao = diện tích ao x mức nước Ví dụ: Diện tích ao 4.000m2 Mức nước 0,5m Lượng nước trong ao là: 4.000m2 x 0,5m = 2.000m3 Hình 1.26. Xác định mức nước trong ao - Tính lượng clorin cần dùng = thể tích nước trong ao x nồng độ clorin xử lý Ví dụ: Thể tích nước trong ao là 2.000m3 Nồng độ clorin xử lý là 30ppm = 30g/m3 (xem cách quy đổi đơn vị ở mục 2.4. Tẩy trùng đáy ao) Lượng clorin cần dùng = 2.000m3 x 30g/m3 = 60.000g = 60kg - Cân, hòa tan và đánh clorin vào nước ao được thực hiện như hướng dẫn ở mục 2.4. Tẩy trùng đáy ao. Các hóa chất sát trùng khác cũng được dùng để sát trùng đáy ao như BKC, formol, virkon với liều lượng và cách sử dụng theo hướng dẫn được ghi trên bao bì. Diệt tạp chủ yếu là tiêu diệt các loài cá tạp tồn tại trong ao bằng rễ dây thuốc cá. Hình 1.27. Rễ dây thuốc cá
- 23 Lượng sử dụng là 2-3kg rễ dây thuốc cá cho 100m3 nước. Xay hoặc đập dập rễ dây thuốc cá rồi ngâm trong nước khoảng 12 giờ. Phải mang kính bảo vệ mắt khi thao tác với rễ dây thuốc cá. Hình 1.28. Đập rễ dây thuốc cá Vắt lấy nước dịch rễ dây thuốc cá rồi tạt đều khắp ao. Tuyệt đối không được sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để diệt tạp ao nuôi cá. Hình 1.29. Vắt rễ dây thuốc cá Vớt bỏ cá chết. Công tác diệt tạp trong ao nuôi cá tra thường được thực hiện ở ao có nhiều cá dữ và khi phải thả cá tra giống cỡ nhỏ. Hình 1.30. Cá chết sau khi xử lý 3.3. Bón vôi Thực hiện như ở mục 2.5. Bón vôi 3.4. Tu sửa bờ ao Thực hiện như ở mục 2.7. Tu sửa bờ ao
- 24 3.5. Tu sửa cống Thực hiện như ở mục 2.8. Tu sửa cống 3.6. Tu sửa sàn ăn Thực hiện như ở mục 2.9. Tu sửa sàn ăn 3.7. Bao lƣới Thực hiện như ở mục 2.10. Bao lưới 4. Cấp nƣớc vào ao chứa lắng 4.1. Kiểm tra nguồn nƣớc lân cận Trước khi lấy nước, phải kiểm tra, ghi nhận các vấn đề phát sinh ở khu vực xung quanh. Không tiến hành lấy nước vào ao khi trong khu vực có: - Phun thuốc trừ sâu rầy tập trung ở các ruộng lúa; - Xả chất thải ở các nhà máy công nghiệp; - Dịch bệnh, cá chết trong ao, bè, sông rạch; - Đổi màu bất thường của nước trong sông rạch; - Xuất hiện với số lượng nhiều bất thường các sinh vật trong nguồn nước; - Xuất hiện các sinh vật không phổ biến tại địa phương. 4.2. Lấy nƣớc theo thủy triều Là cách lấy nước ít tốn kém, hiệu quả nhất. Nước được lấy vào ao qua cống đến mức cần thiết vào những kỳ triều cường (kỳ nước rằm và 30 âm lịch) Cách tiến hành: - Lắp túi lọc vào cống Túi lọc dùng để ngăn rác, sinh vật sống trong nước vào ao. Đối với cống ván phai lộ thiên: Túi lọc bằng vải hoặc lưới mắt nhỏ, dài khoảng 6-8m, đường kính tùy thuộc vào khẩu độ và độ cao cống, được mắc vào khung lưới. Hình 1.31. Lắp túi lọc vào cống ván phai
- 25 Chiều rộng khung lưới bằng với chiều rộng của ván phai để khung lưới có thể được giữ trong khe phai. Đặt khung lưới vào khe phai phía trong ao. Với cống ống bê tông hay ống nhựa, túi lọc có đường kính bằng đường kính ống. Túi lọc được mắc vào đầu trong ao của ống cống. Hình 1.32. Túi lọc mắc vào đầu trong ống cống - Mở cống lấy nước Khi mực nước ngoài sông cao hơn trong ao, mở cống để nước ngoài sông tự chảy vào ao. - Kiểm tra túi lọc thường xuyên trong thời gian lấy nước - Đóng cống, ngừng lấy nước khi mực nước đạt yêu cầu hoặc mực nước trong ao bằng với bên Hình 1.33. Nước vào ao qua túi lọc ngoài. 4.3. Lấy nƣớc bằng máy bơm Thực hiện khi cần lấy nước ngay mà mực nước bên ngoài thấp hơn ở trong ao nên không lấy nước theo dòng tự chảy được. Có 2 cách lấy nước bằng máy bơm: - Bơm vào kênh dẫn - Bơm trực tiếp vào ao
- 26 4.3.1. Bơm vào kênh dẫn Thường được thực hiện ở cơ sở nuôi quy mô lớn. Nước được bơm vào kênh dẫn rồi tự chảy vào ao qua cống có mắc lưới lọc. Hình 1.34. Hệ thống máy bơm bơm nước vào kênh dẫn 4.3.2. Bơm vào ao Thường thực hiện ở các ao nuôi nhỏ. Nước được bơm trực tiếp vào ao qua lưới lọc mắc ở đầu ống bơm. Hình 1.35. Máy bơm nước Hình 1.36. Túi lọc 4.4. Lấy nƣớc kết hợp Lấy nước theo thủy triều khi mực nước bên ngoài cao hơn trong ao, nước tự chảy vào ao. Khi mức nước trong và ngoài ao bằng nhau thì đóng cống và lấy nước bằng máy bơm. 5. Xử lý nƣớc trong ao lắng 5.1. Để lắng nƣớc Nước được để yên trong ao chứa khoảng 2-4 ngày để lắng tụ phù sa, chất lơ lửng và để trứng các sinh vật sống trong nước nở ra.
- 27 5.2. Sát trùng nƣớc Sát trùng nước bằng clorin hoặc các chất sát trùng khác. Cách thực hiện được hướng dẫn ở mục 3.2. Sát trùng, diệt tạp. Không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hoặc các hóa chất bị cấm để sát trùng nước. 5.3. Cấp nƣớc vào ao nuôi Cấp nước vào ao nuôi sau khi xử lý sát trùng trong ao chứa. Lượng nước lấy vào là 2-3m. Nếu không cấp đủ một lần, có thể lấy nước ở mức tối thiểu 1m. Sau khi thả cá, nhanh chóng lấy nước vào ao để đạt mức yêu cầu. Nước được cấp vào ao nuôi bằng dòng tự chảy hoặc qua máy bơm. B. Câu hỏi và bài tập thực hành Bài thực hành 1. Cải tạo ao tháo cạn nước Bài thực hành 2. Diệt tạp ao không tháo cạn nước bằng dây thuốc cá Bài thực hành 3. Lấy và xử lý nước trong ao chứa bằng clorin C. Ghi nhớ - Phơi đáy ao để khoáng hóa đất, hạn chế khí độc, tiêu diệt mầm bệnh ở đáy ao. - Clorin giảm hiệu quả khi pH môi trường cao hơn 7. - Không dùng thuốc bảo vệ thực vật để cải tạo ao, xử lý nước.
- 28 Bài 2. CHUẨN BỊ BÈ NUÔI CÁ Mã bài: MĐ02-2 Bè cá trên sông ảnh hưởng đến môi trường và luồng lạch giao thông của các phương tiện vận tải trên sông. Người nuôi cá bè cần phải biết và thực hiện các quy định về hoạt động nuôi cá bè, cách chuẩn bị bè nuôi cá để đáp ứng các tiêu chuẩn của GAP về nuôi trồng thủy sản. Mục tiêu: - Trình bày được các thủ tục đăng ký bè cá. - Tổ chức vệ sinh, đưa và cố định bè vào vị trí nuôi an toàn, chắc chắn. - Cẩn thận, nghiêm túc, có trách nhiệm với tập thể. A. Nội dung 1. Đăng ký hoạt động bè nuôi cá Hoạt động nuôi cá bè ảnh hưởng đến luồng lạch giao thông trên sông, môi trường và an toàn cho người làm việc trên bè. Theo quy định, các bè nuôi cá có dung tích từ 50m3 trở lên đều phải được đăng ký với cơ quan quản lý Nhà nước về thủy sản ở địa phương, cụ thể là Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Hồ sơ đăng ký bè cá gồm: - Tờ khai đăng ký bè cá (Phụ lục 1); - Đơn xin neo đậu bè cá (Phụ lục 2); - Giấy tờ hợp pháp do cơ quan có thẩm quyền cấp về quyền sử dụng mặt nước hoặc quyền thuê mặt nước đặt bè cá; - Sơ đồ vùng nước nơi đặt bè cá (nếu có); - Giấy cam kết đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường trong hoạt động nuôi thủy sản bằng bè. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan đăng ký bè cá cấp Giấy chứng nhận đăng ký bè cá. Phải thực hiện việc đăng ký, đăng kiểm bè trước khi đưa bè ra vị trí nuôi. Không chấp hành việc đăng ký, đăng kiểm bè cá có thể bị phạt tiền.
- 29 2. Kiểm tra, vệ sinh bè 2.1. Bè mới - Kiểm tra, bổ sung các chi tiết thiếu trong quá trình làm bè như mất ốc bu lông - Phun hóa chất diệt khuẩn, sát trùng (BKC, clorine, formol ) lên bè bằng bình phun. - Lượng BKC sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất, được ghi trên bao bì. - Nồng độ clorine, formol sử dụng là 100-200ppm. Cách tính lƣợng hóa chất sử dụng theo nồng độ ppm Ví dụ: Tính lượng formol cần dùng để pha 400l dung dịch formol với nồng độ 100ppm để phun sát trùng bè nuôi cá tra. Bước 1. Đổi nồng độ ppm thành g/m3 100ppm = 100g/m3 nghĩa là 1m3 nước cần pha 100g hóa chất Bước 2. Đổi 400l = 0,4 m3 Bước 3. Lượng formol cần dùng là = 100g/m3 x 0,4 m3 = 40g Do formol là chất lỏng nên sang thể tích 40g ≈ 40ml. Có thể dùng ống tiêm hoặc cốc đong để lấy formol cho vào nước. 2.2. Bè cũ Vệ sinh bè cũ được thực hiện với các việc: - Chà rửa bùn đất, rong tảo. - Cạy gỡ hàu và các sinh vật bám khác. - Phơi nắng. - Kiểm tra, sửa chữa, bổ sung các chi tiết hỏng, thiếu như gãy nẹp, mất ốc bu lông, mục đinh, lưới kẽm - Phun hóa chất diệt khuẩn, sát trùng lên bè.
- 30 Hình 2.1. Bè cũ ở trên cạn 3. Xác định vị trí đặt bè Đoạn sông thẳng, độ dài đủ cho các bè đặt so le, cách nhau hơn 50m. Hình 2.2. Vị trí thích hợp giữa 2 bè Tùy theo quy mô sản xuất, số lượng, kích thước bè, cách bố trí bè mà chọn địa điểm đoạn sông có chiều rộng thích hợp, đảm bảo luồng lạch giao thông và đặt bè.
- 31 Hình 2.3. Vị trí thích hợp giữa 2 bè theo chiều rộng sông Độ sâu mực nước lúc thấp nhất tại vị trí đặt bè phải cao hơn chiều cao ngập nước của bè từ 0,5-1m. Hình 2.4. Khoảng cách thích hợp giữa đáy bè và đáy sông Chất đáy sông là bùn pha cát, đất mềm hay bùn dẻo sẽ giúp neo bám vào đáy sông tốt hơn. Đáy sông phải tương đối bằng phẳng, độ nghiêng nhỏ, không có đá ngầm, xác tàu đắm hay các chướng ngại vật khác. Nguồn nước sông rạch nơi đặt bè cần đảm bảo yêu cầu: - pH = 7-8
- 32 - Hàm lượng oxy hòa tan: 5-8mg/l - Nhiệt độ: 26-320C - Độ mặn 10cm vào mùa lũ - Lưu tốc nước: 0,2-0,5m/giây. Lƣu ý: - Vị trí đặt bè không quá gần những công trình như cầu cảng, cống, cầu và các công trình vượt sông khác hay khu vực cấm đặt bè của cơ quan chức năng địa phương. Hình 2.5. Khu vực lấn vào bờ của sông - Không đặt bè ở khu vực sông lấn sâu vào bờ, doi sông, khúc quanh do lưu tốc nước thay đổi, chất lơ lửng, phù sa dễ bám vào bè làm giảm lưu tốc nước qua bè. Hình 2.6. Khu vực nhô ra của bờ sông
- 33 Hình 2.7. Khúc quanh của sông - Không đặt bè nơi giáp nước Hình 2.8. Hai nhánh sông có màu nước khác nhau - Không đặt bè gần nơi có xoáy nước Hình 2.9. Xoáy nước
- 34 - Không đặt bè nơi dễ sạt lở Hình 2.10. Bờ sông bị sạt lở - Không đặt bè nơi nước chảy xiết Hình 2.11. Đoạn sông nước chảy xiết - Không đặt bè ở hạ lưu nguồn nước thải, nước ô nhiễm của nhà máy, đồng ruộng đổ vào Hình 2.12. Nơi nguồn ô nhiễm đổ ra sông 4. Đƣa bè ra vị trí nuôi 4.1. Chuẩn bị phƣơng tiện Bè được đưa ra vị trí nuôi bằng tàu kéo.
- 35 Bố trí lai dắt bè bằng hai tàu (một tàu trước và một tàu sau bè) sẽ an toàn hơn trong thời gian di chuyển. Trong quá trình lai dắt, khoảng cách an toàn giữa tàu và bè khoảng 80- 100m. Tàu nối với bè bằng dây thừng PE, đường kính 25-35mm. 4.2. Chọn thời gian lai dắt bè Đối với dòng sông hẹp, uốn khúc, việc lai dắt bè đến vị trí nuôi được thực hiện khi sông đầy nước (nước lớn) để tránh cản trở hoặc va chạm với tàu, bè khác. Lai dắt bè xuôi dòng nước chảy sẽ rút ngắn thời gian, giảm tiêu hao nhiên liệu nhưng sẽ khó xử lý (hãm, dừng bè) khi gặp sự cố. 4.3. Lai dắt bè Trong quá trình ra vị trí nuôi, đoàn lai dắt có thể chịu tác động của: - Hướng gió: Hướng gió ngang làm bè bị dạt về phía cuối gió. - Dòng nước: Di chuyển ngược dòng, bè thường bị dạt sang bờ phía bãi. Di chuyển xuôi dòng, bè thường bị dạt sang bờ bên lở. Đoàn lai dắt khó khăn khi chui qua cầu, âu thuyền. Không đưa bè qua vùng nước xoáy để tránh bị hút vào tâm xoáy. - Bờ sông, cầu cống: Tàu di chuyển gần bờ đứng, nước sâu có thể bị quay ngang sông do đuôi tàu bị hút vào bờ. Tàu di chuyển với tốc độ cao gần bờ, cầu cống có thể bị hút vào bờ, thành cầu cống. - Tàu khác: Khi hai tàu di chuyển với tốc độ lớn tránh hoặc vượt nhau ở cự ly gần, tàu có kích thước, tải trọng nhỏ thường bị hút vào tàu lớn, có thể dẫn đến va chạm, nhất là khi vượt nhau. Để tránh va chạm, khi vượt hoặc tránh nhau, khoảng cách giữa hai tàu phải lớn hơn chiều dài của tàu lớn. Một trong hai tàu phải dừng máy để tàu kia qua khỏi mới tiếp tục hành trình. Khi tàu bị hút, cần lùi tàu lại, đệm lót kết hợp chống sào để hạn chế tác động va chạm. 4.4. Sự cố khi lai dắt bè Các sự cố có thể xảy ra trong quá trình lai dắt bè là:
- 36 - Va chạm với tàu, bè khác. - Mắc cạn do không thông thạo luồng lạch, do triều xuống. - Đứt, tuột dây kéo, trôi dạt. - Động cơ hỏng, hết nhiên liệu 5. Cố định bè 5.1. Chuẩn bị vật tƣ, dụng cụ - Cọc neo: bằng gỗ bạch đàn, dài 3-3,5m; đường kính 15-20cm, một đầu được đẽo nhọn để cắm xuống đáy sông. Sử dụng 10-20 cọc cho một bè lớn hay cụm lồng bè 8-10 lồng. - Neo sắt: dùng 4-6 neo nặng 50-70kg (lực bám trung bình lớn hơn khối lượng neo 10 lần) cho bè lớn hoặc cụm lồng bè có 8-10 lồng lưới. - Dây neo: dây nilon hay cước, đường kính 25-35mm, số lượng dây neo tương ứng neo và cọc neo. 5.2. Neo bè 5.2.1. Neo bè bằng neo Thực hiện khi khu vực đặt bè có nền đáy mềm để neo có thể bám được vào đất và có thể dễ dàng kéo neo lên khi chuyển bè. Đầu bè (chiều rộng bè) được đặt đối diện với dòng chảy của sông hướng về phía thượng lưu. Thả neo theo bốn hướng của hệ thống lồng bè và có thể tăng cường thêm cọc neo. Các bước cố định bè như sau: - Lai dắt bè đến vị trí nuôi. - Dùng thuyền nhỏ mang neo và dây cột neo đến vị trí thả neo trước bè phía ngoài sông.
- 37 Hình 2.13. Vị trí thả neo đầu tiên - Cột dây neo vào bè bằng nút buộc neo hay nút thắt cổ. Hình 2.14. Các loại nút cột dây vào quai neo (a): Nút buộc neo (b): Nút thắt cổ - Thả neo xuống đáy sông. - Chuyển đầu dây neo còn lại sang bè. - Cột dây neo vào trụ đứng của bè sao cho chiều dài đoạn dây neo gấp 3-4 lần độ sâu của sông. - Tiếp tục dùng thuyền nhỏ mang neo và dây cột neo đến vị trí thả neo trước bè phía trong bờ và thực hiện tương tự. - Thả dây nối tàu với bè để bè trôi về hạ lưu làm căng dây neo và cố định bè. - Tiếp tục thả neo và cột dây neo vào bè cho 2 vị trí sau bè phía ngoài sông và trong bờ.
- 38 5.2.2. Neo bè bằng coc̣ gô ̃ Thực hiện khi khu vực đặt bè có chất đáy nhiều bùn làm neo không bám đáy được. Tùy theo lưu tốc nước sông (do địa hình, thủy triều hay mưa lũ) mà bố trí 4-6 cọc hoặc 8-10 cọc ở mỗi đầu (cuối) bè. Cọc gỗ bạch đàn 3-3,5m được đóng hơi nghiêng ra ngoài đến sát đáy sông, chừa lại phần đầu cọc khoảng 0,3-0,5m. Hình 2.15. Cố định bè bằng cọc neo (a): theo chiều dọc sông (b): mặt chiếu bằng 6. Lắp lồng lƣới Thực hiện đối với loại lồng bè lưới ở các tỉnh phía Bắc. Lồng lưới thường là loại lưới không gút, kích thước 3x3x4m hay 6x3x4m, mắt lưới 2a=20-50mm tùy theo kích cỡ cá nuôi. Dây giềng đáy lồng bằng PE, đường kính 8-10mm. Tiến hành như sau: - Kiểm tra lồng lưới, chọn lồng có mắt lưới phù hợp với cỡ cá, loại bỏ lồng mục, rách.
- 39 - Cột dây giềng mặt vào một góc của khung lồng (a) - Dồn thịt lưới vừa đủ vào cạnh khung lồng và cố định dây giềng vào khung lồng ở góc thứ 2; - Kéo căng lưới lồng và dây giềng về góc thứ ba đối diện theo góc thứ 2 và buộc cố định; (b) Hình 2.16.a,b. Cột dây giềng vào khung lồng - Rút căng dây giềng và lồng lưới về góc thứ tư, buộc cố định vào khung lồng. - Cố định hình dạng lồng lưới bằng vật nặng hoặc khung định hình. Dùng các vật nặng (đá, khối bê tông ) cột vào 4 góc đáy của lồng lưới hoặc cột 4 góc đáy của lồng lưới vào khung lồng.
- 40 Hình 2.17. Lồng lưới được định hình trong khung lồng - Lắp lưới nắp lồng Hình 2.18. Lưới nắp lồng B. Câu hỏi và bài tập thực hành Câu hỏi: Trình bày các loại giấy tờ cần có theo quy định hiện hành về đăng ký bè cá Bài thực hành. Cố định bè cá vào vị trí nuôi
- 41 C. Ghi nhớ - Phải thực hiện đăng ký bè cá trước khi đưa bè ra vị trí nuôi. - Vị trí đặt bè phải đúng theo quy định của địa phương.
- 42 D. Phụ lục Phụ lục 1. Tờ khai đăng ký bè cá CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc , ngày . tháng . năm 20 . TỜ KHAI ĐĂNG KÝ BÈ CÁ Kính gửi: Tôi tên là: : Thường trú tại: Chứng minh nhân dân số: Xin đăng ký bè cá Mẫu thiết kế Vật liệu đóng: . Kích thước: Dài L (m) . Rộng B (m) . Cao D (m) Nghề: Vùng hoạt động: . Các trang thiết bị an toàn bè cá: TT Tên loại Số lƣợng Hiện trạng 01 02 03 04 05 06 Tôi xin cam đoan những nội dung đã khai ở trên là hoàn toàn chính xác. Tôi xin chịu trách nhiệm về những nội dung đã khai./. XÁC NHẬN ĐẠI DIỆN CHỦ BÈ (UBND xã, phường) (Ký, họ tên)
- 43 Phụ lục 2. Đơn xin neo đậu bè cá CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do - Hạnh phúc ĐƠN XIN NEO ĐẬU BÈ Kính gởi: Tôi tên : . . Địa chỉ : . Tôi có đóng mới, (mua): bè cá có kích thước như sau : Chiều dài L : m. Chiều rộng B: m. Chiều cao D: m. Nay tôi làm đơn này xin được neo đậu bè tại : . Cách bè trên (phía thượng lưu) của Ông, Bà: mét. Cách bè dưới (phía hạ lưu ) của Ông, Bà : mét Thuộc địa phận Phường, Xã, Thị Trấn quản lý : Tôi xin cam đoan chấp hành đầy đủ các qui định của Pháp luật. ., ngày .tháng năm . Ý KIẾN CỦA NGƢỜI LÀM ĐƠN Chính quyền địa phương hoặc cơ quan có thẩm quyền nơi neo đậu bè cá (Ký tên và đóng dấu) Ghi chú: L, B, D là chiều dài, chiều rộng và chiều sâu bè cá đo ở mép trong khung.
- 44 Bài 3. CHỌN CÁ GIỐNG Mã bài: MĐ02-3 Cùng với công tác cải tạo, chuẩn bị ao bè tốt, tạo được môi trường sống thích hợp và ổn định để cá phát triển, công tác giống có vai trò rất quan trọng để có được vụ nuôi thành công. Công tác giống bao gồm việc chọn được con giống đạt yêu cầu kỹ thuật cho từng vụ nuôi và việc chọn được cơ sở sản xuất và bán cá tra, cá ba sa giống tại địa phương đảm bảo các yêu cầu quy định của Nhà nước về cơ sở sản xuất và kinh doanh giống, phù hợp với tiêu chuẩn GAP, đảm bảo cung cấp đủ số lượng con giống, đúng hạn với giá cả hợp lý trong nhiều vụ nuôi. Mục tiêu - Trình bày được các tiêu chuẩn của cá tra, cá ba sa giống tốt, đạt yêu cầu thả nuôi. - Chọn được nơi bán cá tra, cá ba sa giống tốt, thực hiện đúng các quy định của Nhà nước về cơ sở sản xuất, kinh doanh cá tra, cá ba sa giống. - Chọn được cá tra, cá ba sa giống đạt yêu cầu thả nuôi. - Rèn luyện tính cẩn thận, nghiêm túc, chính xác trong quá trình làm việc. A. Nội dung 1. Tìm hiểu chất lƣợng con giống 1.1. Tầm quan trọng của con giống trong nuôi cá Chất lượng con giống là một yếu tố rất quan trọng, có ý nghĩa rất lớn quyết định đến hiệu quả của nghề nuôi cá tra, cá basa. Khi chất lượng giống tốt: - Cá khỏe mạnh, sức đề kháng tốt, ít bệnh, chi phí phòng trị bệnh thấp; - Thời gian nuôi vừa phải, đúng kế hoạch, quay vòng ao và vốn nhanh; - Thịt và mỡ cá trắng, chất lượng nguyên liệu đáp ứng chế biến xuất khẩu; - Cá hấp thu thức ăn tốt, tỷ lệ chuyển đổi thức ăn (FCR) thấp; - Chăm sóc, quản lý quá trình nuôi dễ dàng, nhẹ nhàng, chi phí nhân công thấp. Chất lượng cá giống không đạt yêu cầu dẫn đến: - Cá chậm lớn, vụ nuôi kéo dài; - Cá dễ nhiễm bệnh, tỷ lệ hao hụt cao; - Tiêu tốn nhiều thức ăn; - Thịt và mỡ cá vàng, không đạt yêu cầu xuất khẩu;
- 45 - Chi phí phòng trị bệnh, xử lý môi trường, chi phí quản lý tăng cao. 1.2. Các yếu tố ảnh hƣởng đến chất lƣợng cá giống Chất lượng cá giống phụ thuộc chủ yếu vào các yếu tố: - Chất lượng đàn cá bố mẹ - Kỹ thuật sinh sản - Kỹ thuật ương nuôi - Vận chuyển cá giống 1.2.1. Chất lƣợng đàn cá bố mẹ Chất lượng đàn cá bố mẹ ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cá giống, thể hiện ở các điểm sau: - Yếu tố di truyền Các đặc điểm ưu thế nuôi như lớn nhanh, ít nhiễm bệnh, ngoại hình đẹp, cơ thịt trắng, tiêu tốn ít thức ăn của đàn cá hậu bị và từng cá thể trong đàn sẽ được ghi nhận thông qua việc theo dõi sự tăng trưởng và phát triển của đàn cá. Cá thể có các ưu điểm trên được ưu tiên tuyển chọn làm cá bố mẹ. Sự thoái hóa giống ở thế hệ con do đàn cá bố mẹ có cùng ông bà (cận huyết). Thoái hóa giống làm cá giảm sức sống, chậm lớn, dễ nhiễm bệnh, chất lượng thịt không đạt cho chế biến xuất khẩu. Hàng năm, các cơ sở sản xuất giống cá tra, cá ba sa phải thực hiện luân phiên chuyển đổi đàn cá bố hoặc cá mẹ đến các vùng miền, địa phương khác nhau hoặc bổ sung thay thế từng phần đàn cá bố mẹ lâu năm bằng số cá mới từ các địa phương khác nhau để tránh hiện tượng cận huyết. Duy trì số lượng cá bố mẹ theo quy định. - Tuổi và cỡ cá Cá bố mẹ trong độ tuổi sinh sản cho đàn con có chất lượng tốt nhất. Khối lượng cá bố mẹ ảnh hưởng đến số lượng và kích cỡ trứng. Hạt trứng đạt kích thước tới hạn, cá bột mới nở có nhiều noãn hoàng, giúp cá phát triển tốt trong những ngày đầu tạo tiền đề thuận lợi cho các giai đoạn phát triển tiếp theo. Tuổi sinh sản của cá tra, cá ba sa bố mẹ là 4-8 năm, khối lượng cá cái là 5- 12kg, cá tra đực là 5-12kg, cá ba sa đực là 4-10kg. - Điều kiện nuôi vỗ Thực hiện đúng quy trình kỹ thuật nuôi vỗ cá bố mẹ (cho ăn, quản lý môi trường, kích thích nước ) giúp buồng trứng cá phát triển tốt, sự chuyển hóa tạo noãn hoàng trong hạt trứng đạt tối đa, các bộ phận của phôi cá được hình thành đầy đủ nên tỷ lệ nở cao, cá bột khỏe.
- 46 1.2.2. Kỹ thuật sinh sản Trong sinh sản cá tra, cá ba sa, các sai sót có thể xảy ra là: - Chọn cá bố mẹ chưa hoàn toàn thành thục hoặc buồng trứng, tinh cá đã đi vào giai đoạn thoái hóa để đưa lên đẻ. - Tính toán sai liều lượng, thời gian hiệu ứng của kích dục tố lên cá cái. - Vuốt trứng và thụ tinh nhân tạo không đúng kỹ thuật, kéo dài thời gian. - Cho đẻ tái phát dục nhiều lần trong mùa sinh sản (quy định cho cá đẻ không quá 2 lần/năm) - Quản lý môi trường bể ấp (mật độ trứng, nhiệt độ ấp, lưu tốc nước) không đúng quy định. Nên trứng và tinh trùng giảm chất lượng, tỷ lệ thụ tinh, tỷ lệ nở thấp, cá bột có sức sống kém. 1.2.3. Kỹ thuật ƣơng nuôi Trong quá trình ương từ cá bột lên cá hương và từ cá hương lên cá giống, có thể phát sinh các vấn đề: - Đàn cá bị bệnh, phải sử dụng thuốc kháng sinh và các hóa dược khác đưa vào cơ thể nhiều và thường xuyên làm cho đàn cá chậm hoặc không phát triển được, dư lượng thuốc tích tụ trong cơ thể. - Môi trường ao nuôi biến đổi xấu, phải sử dụng hóa chất để xử lý làm cá bị sốc, giảm hoặc bỏ ăn. - Cho ăn thiếu thường xuyên, kéo dài. - Trị bệnh không triệt để, mầm bệnh vẫn khu trú trong cá gây bệnh mãn tính. - Mật độ ương cao. Dẫn đến tình trạng đàn cá giống không đạt kích thước quy định theo thời gian phát triển hoặc đạt tiêu chuẩn kích cỡ cá giống nhưng thời gian ương nuôi lâu hơn bình thường, gọi chung là “cá còi”. Khi mua phải đàn cá này về nuôi, khả năng thành công không cao. 1.2.4. Vận chuyển cá giống Do điều kiện địa hình nhiều sông rạch, phương tiện vận chuyển cá tra, cá ba sa giống phổ biến là ghe đục. Các vấn đề trong phương thức vận chuyển này ảnh hưởng đến chất lượng cá giống là: - Thời gian vận chuyển kéo dài cho đến khi bán hết cá trong ghe. - Mật độ vận chuyển cá trong ghe cao. - Đi qua nhiều vùng nước, điều kiện môi trường thay đổi, vùng có bệnh. - Cho cá ăn thiếu.
- 47 - Chất lượng đàn cá càng kém cho những người mua giống sau. 2. Chọn cá giống 2.1. Yêu cầu kỹ thuật đối với cá tra, cá ba sa giống Chất lượng giống cá tra, cá ba sa phải đạt yêu cầu quy định trong Bảng 3.1. Bảng 3.1. Yêu cầu kỹ thuật đối với cá tra, cá ba sa giống Chỉ tiêu Cá tra Cá ba sa 1. Ngoại hình - Cân đối, không xây sát, không mất nhớt, màu sắc tươi sáng. - Cỡ cá đồng đều; tỷ lệ dị hình nhỏ hơn 1%. 2. Trạng thái hoạt động Bơi nhanh nhẹn theo Bơi nhanh nhẹn đàn, thường ngoi lên đớp khí. 3. Tuổi tính từ cá hương (ngày) - Giống nhỏ 40 - 60 40 - 60 - Giống lớn 61 - 80 61 - 80 4. Chiều dài (cm) - Giống nhỏ 10 - 14 10 - 12 - Giống lớn 16 - 20 14 - 16 5. Khối lượng (g) - Giống nhỏ 14 - 16 15 - 17 - Giống lớn 60 - 80 50 - 60 6. Tình trạng sức khoẻ Tốt, không có bệnh (Nguồn: 28 TCN 170 : 2001 Cá nước ngọt - Cá giống các loài: tai tượng, tra và ba sa - Yêu cầu kỹ thuật)
- 48 2.2. Cách kiểm tra cá giống 2.2.1. Chuẩn bị dụng cụ Vợt sợi mềm, không gút, mắt lưới 8-10mm, đường kính 50- 60cm. Hình 3.1. Vợt vớt cá Lưới kéo cá, giai chứa cá giống bằng sợi mềm, không gút, mắt lưới 2a = 4-5 mm (hoặc bằng sợi cước, mắt lưới 2a = 3-4 mm). Hình 3.2. Giai chứa cá Thước đo hoặc giấy kẻ ô li có vạch chia chính xác đến mm. Hình 3.3. Giấy kẻ ô li
- 49 Cân đồng hồ loại 5 kg, độ chính xác 20 g Hình 3.4. Cân đồng hồ Xô hoặc thau 30-40l Hình 3.5. Thau, xô 2.2.2. Kiểm tra ngoại hình, trạng thái hoạt động - Thu mẫu: Dùng vợt cá giống vớt ngẫu nhiên 3 mẫu, mỗi mẫu khoảng 100 cá thể giống nhỏ (cá tra: 10-14cm, cá ba sa: 10-12cm) hoặc 50-100 cá thể giống lớn (cá tra: 16-20cm, cá ba sa: 14-16cm) từ giai chứa thả vào chậu hoặc xô chứa sẵn nước sạch. - Quan sát: Quan sát trực tiếp độ nhớt của da, màu, mức độ nhanh nhẹn khi bơi, đớp khí của cá giống trong chậu hoặc xô chứa mẫu ở nơi đủ ánh sáng để phân biệt về ngoại hình và hoạt động. Quan sát 3-4 phút, nếu trong thau (xô) có hơn 3% cá không bơi cùng đàn thì không nên chọn.
- 50 Nhận xét về sự cân đối giữa chiều dài và chiều cao cùa cá, độ đồng đều của đàn. 2.2.3. Kiểm tra tỷ lệ dị hình của đàn cá - Đếm số lượng cá bị dị hình (mù mắt, vẹo cột sống ) trong tổng số cá trong thau (xô). - Tính tỷ lệ % cá dị hình theo công thức: Số cá bị dị hình Tỷ lệ cá dị hình = x 100 Tổng số cá trong thau (xô) (%) Ví dụ: Số lượng cá bị dị hình trong thau mẫu chứa 210 cá giống là 2 con, tỷ lệ dị hình của thau mẫu là 2/210 x 100 = 0,95% Kết luận: Tỷ lệ dị hình của đàn cá không vượt quá mức quy định là 1%. 2.2.4. Đo chiều dài - Vớt ngẫu nhiên từ thau (xô) mẫu ra ít nhất là 50 cá thể cho vào thau (xô) khác. - Đặt cá giống trên giấy kẻ ô li hoặc thước đo kẻ li để đo chiều dài toàn thân cá (từ chót mõm đến mút đuôi). Đo lần lượt cho đến khi hết số cá mẫu. - Để riêng số cá không đạt Hình 3.6. Đo chiều dài của cá chiều dài quy định trong Bảng 3.1. - Tính tỷ lệ % cá không đạt chiều dài quy định theo công thức: Số cá không đạt Tỷ lệ cá không đạt = x 100 (%) Tổng số cá kiểm tra - Kết luận: Tỷ lệ cá thể không đạt chiều dài theo quy định trong Bảng 3.1 phải nhỏ hơn 10% tổng số cá đã kiểm tra. 2.2.5. Cân khối lƣợng - Thu mẫu: Ngừng cho cá ăn trước khi kiểm tra ít nhất 6 giờ.
- 51 Dùng vợt cá giống vớt ngẫu nhiên từ giai chứa 3 mẫu (mỗi mẫu khoảng 1000g cá), trong đó có một mẫu vớt sát đáy giai, thả vào thau hoặc xô chứa sẵn nước sạch. - Ðặt thau (xô) khác chứa nước lên đĩa cân để xác định khối lượng của bì. - Dùng vợt xúc cá của thau (xô) mẫu, để róc hết nước rồi đổ vào thau (xô) đã cân bì. - Cân xác định khối lượng của thau (xô) có cá rồi trừ đi khối lượng của bì để xác định khối lượng của cá. - Ðếm số lượng cá thể trong mẫu đã cân và tính khối lượng bình quân của cá thể trong mẫu. Khối lượng cá thể phải đạt hoặc vượt khoảng giá trị quy định trong Bảng 3.1. 2.2.6. Kiểm tra tình trạng sức khoẻ - Kiểm tra phiếu kiểm dịch đàn cá do cơ quan thú y thủy sản địa phương cấp. - Kết hợp đánh giá tình trạng sức khoẻ của cá giống bằng cảm quan qua các chỉ tiêu quy định trong Bảng 3.1. 2.2.7. Tìm hiểu lý lịch đàn cá giống - Độ tuổi sinh sản của đàn cá bố mẹ: tốt nhất là 4-6 tuổi. - Số lần đẻ trong năm: không quá 2 lần/năm. - Tỷ lệ sống trung bình khi ương từ bột lên giống: từ 50% trở lên. 3. Chọn cơ sở sản xuất, kinh doanh cá tra, cá ba sa giống Cơ sở sản xuất, kinh doanh cá tra, cá ba sa giống phải có đủ các điều kiện: - Có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh về giống thủy sản. - Địa điểm sản xuất, kinh doanh phải theo quy hoạch của địa phương. - Trang thiết bị kỹ thuật, hệ thống cấp và thoát nước, xử lý nước thải, phương tiện vận chuyển, lưu giữ cá phải đầy đủ, phù hợp. - Có ao, bể nuôi cách ly giống mới nhập về. - Có chứng nhận đảm bảo vệ sinh thú y thủy sản, bảo vệ môi trường sinh thái. - Có hồ sơ theo dõi quá trình sản xuất, kinh doanh giống: 1. Sổ ghi nguồn gốc cá thể trong đàn cá bố mẹ (chất lượng dòng thuần, thời gian tuyển chọn, trọng lượng, các đặc điểm, số lần tham gia sinh sản, kết quả đẻ trứng). 2. Sổ ghi chế độ nuôi vỗ (thức ăn và cách cho ăn, chế độ kích thích nước, khả năng phát dục qua các lần kiểm tra).
- 52 3. Sổ ghi kết quả sản xuất từng lô giống (số cá thể tham gia, trọng lượng, việc sử dụng kích dục tố, điều kiện môi trường khi cho đẻ, kết quả số lượng trứng và số lượng cá bột của mỗi lứa đẻ ). 4. Nhật ký theo dõi quá trình ương nuôi từng lô (thời gian ương, số lượng, chế độ chăm sóc, sử dụng thức ăn, tình hình phát triển, diễn biến thời tiết, các biểu hiện của giống ương, kiểm tra bệnh định kỳ, kết quả ương nuôi). - Có nhân viên kỹ thuật có chứng chỉ được đào tạo về sản xuất giống hoặc nuôi trồng thủy sản. - Thực hiện quy trình kỹ thuật và đảm bảo vệ sinh thú y, bảo vệ môi trường nước theo quy định. - Sử dụng thức ăn, thuốc thú y, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hóa chất trong sản xuất, kinh doanh cá tra, cá ba sa theo quy định. - Sử dụng đàn bố mẹ đảm bảo chất lượng theo quy định, có chứng nhận xuất xứ dòng thuần. Mỗi cá thể sử dụng cho sinh sản không quá 2 lần trong một năm. - Công bố chất lượng và ghi nhãn hàng hóa cho các lô giống khi đưa ra thị trường theo quy định. - Thực hiện kiểm dịch bệnh gan thận mủ và trắng mang cho các lô giống cá tra khi đưa ra thị trường. B. Câu hỏi và bài tập thực hành Bài thực hành 1. Chọn giống cá tra, cá ba sa Bài thực hành 2. Tham quan cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cá tra, cá ba sa tại địa phương. Tìm hiểu về việc thực hiện các quy định của Nhà nước và tiêu chuẩn GAP tại cơ sở. C. Ghi nhớ - Chọn cá giống đúng yêu cầu kỹ thuật. - Chọn cơ sở cung cấp cá giống thực hiện đúng quy định của Nhà nước và tiêu chuẩn GAP.
- 53 Bài 4. VẬN CHUYỂN CÁ GIỐNG Mã bài: MĐ02-4 Công tác giống trong nghề nuôi cá tra, cá ba sa gồm chọn giống, vận chuyển giống và thả giống. Chọn được hình thức vận chuyển giống thích hợp và thực hiện đúng phương pháp giúp cá khỏe, ít hao hụt trong quá trình vận chuyển mà còn giúp cá nhanh chóng phục hồi sức khỏe, sớm thích nghi với điều kiện môi trường sống mới trong ao nuôi. Mục tiêu - Trình bày được các phương pháp vận chuyển cá tra, cá ba sa giống. - Lựa chọn được cách vận chuyển cá tra, cá ba sa giống phù hợp với điều kiện tại chỗ. - Đóng bao cá đúng cách. - Rèn luyện tính cẩn thận, nghiêm túc, chính xác trong quá trình làm việc. A. Nội dung Sơ đồ vận chuyển cá giống Xác định thời điểm vận chuyển cá Luyện cá Chọn hình thức và phương tiện vận chuyển cá giống Xác định mật độ vận chuyển Vận chuyển cá giống 1. Xác định thời điểm vận chuyển cá giống Thời điểm vận chuyển cá giống được căn cứ vào:
- 54 - Thời điểm thả giống Sau khi cải tạo, chuẩn bị ao tiến hành lấy nước vào ao. Sau 5-7 ngày, môi trường nước trong ao ổn định, kiểm tra môi trường và thả giống. - Khoảng cách từ cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cá tra, cá ba sa đến ao nuôi. - Căn cứ vào tập quán vận chuyển cá giống tại địa phương. - Những vấn đề phải giải quyết hoặc có thể phát sinh trên đường vận chuyển, nhất là khi vận chuyển bằng ghe đục. 2. Luyện cá Mục đích luyện cá: - Tập cho cá có khả năng chịu đựng với điều kiện khó khăn trong quá trình vận chuyển. - Ruột cá không chứa thức ăn, cá không thải phân gây tiêu hao oxy, tạo khí độc trong vật chứa trong quá trình vận chuyển. Thực hiện qua 2 bước: Bước 1: Luyện cá trong ao ương - Dùng lưới kéo từ từ, nhẹ nhàng từ đầu ao đến cuối ao. - Dồn và giữ cá trong lưới khoảng 15-30 phút. - Hạ lưới, thả cá ra ao Thực hiện vào buổi sáng, chiều, khi nhiệt độ nước không quá cao. Luyện 2 lần trong ngày và thực hiện liên tục trong 3-4 ngày trước khi vận chuyển cá. Yêu cầu: Làm chậm, nhẹ nhàng, không làm cá hoảng hốt, cọ sát vào lưới gây xây sát. - Hoặc có thể lội khắp ao, dùng nhánh cây khô khuấy nhẹ đáy để sục bùn đục nước, tạo môi trường bất lợi cho cá. Kết hợp vớt sạch rêu rác trong ao. - Ngừng cho cá ăn 1 ngày trước khi vận chuyển. Bước 2: Nhốt cá mật độ cao - Đặt giai chứa bằng lưới mềm không gút có diện tích từ 2m2 trở lên ở nơi có nước sạch, mức nước trong giai 1-1,5m, miệng giai phải cao hơn mức nước khoảng 30cm. - Thời gian: Đêm trước khi vận chuyển (Thời gian cá trong khoảng 10-12 giờ).
- 55 - Mật độ nhốt cá: Cỡ cá 5-12cm: 1.500-2.000con/m3 Cỡ cá 12-20cm: 1200-1300con/m3 3. Chọn hình thức vận chuyển cá giống 3.1. Vận chuyển kín Vận chuyển kín là hình thức giữ cá trong các bao bì kín với nguồn oxy hòa tan vào nước trong bao bì chủ yếu được bơm từ các chai oxy áp lực cao sau khi đuổi hết không khí (chứa 20% oxy) ra khỏi bao trước khi vận chuyển. Bao bì chứa cá phổ biến là các bao PE trong với nhiều kích thước khác nhau. Với cá giống, thường sử dụng bao PE 80-120 x 40-60cm dày hoặc 2 bao lồng vào nhau. Lượng nước cho vào bao bì thường khoảng 1/4-1/3 thể tích bao sau khi bơm căng. Có thể cho nước đá vào trong bao cá để duy trì nhiệt độ thích hợp trong khi vận chuyển là khoảng 20-240C. Nếu bao cá được đặt trong thùng mốp hay thùng giấy, có thể cho nước đá vào bao PE nhỏ, cột chặt miệng bao rồi đặt vào trong thùng. Hình thức này thường áp dụng để vận chuyển cá giống nhỏ, cá có nhu cầu oxy cao, cá quý hoặc thời gian vận chuyển ngắn (dưới 6 giờ) Cách đóng bao cá - Chuẩn bị dụng cụ Bao PE 100 x 60cm chứa cá Bao chỉ (bao dứa) bảo vệ bên ngoài bao PE Dây thun tròn (dây cao su) cột miệng bao PE Vợt vớt cá Chai oxy cao áp và dây dẫn Thùng mốp hoặc thùng carton chứa bao cá
- 56 (a) (b) (c) (d) (e) (f) (g) a: Bao PE b: Bao chỉ c: Dây cao su d: Vợt vớt cá e: Chai oxy f: Thùng carton g: Thùng mốp Hình 4.1. Các vật dụng đóng bao cá
- 57 - Các bước thực hiện 1. Lồng 2 túi PE vào nhau. Bọc bên ngoài bằng bao chỉ nếu không vận chuyển bằng thùng mốp hay thùng carton. Lồng 2 bao vào nhau 2. Cuộn miệng 2 bao lại. Cuộn miệng bao 3. Cho nước sạch vào bao khoảng 1/4-1/3 thể tích bao bơm căng (10-15l nước). Cho nước vào bao
- 58 4. Cho cá vào bao sau khi đã cân khối lượng cá theo mẫu đếm. Cho cá vào bao 5. Túm miệng bao, ép bao xuống để đuổi hết không khí trong bao ra. 6. Cho dây dẫn oxy vào đến đáy bao. Đè ép bao 7. Bơm từ từ oxy vào bao trong khi tay vẫn nắm nhẹ bao. Thả dần tay theo độ căng của bao đến khi gần đến miệng bao. Bơm oxy 8. Ngừng bơm, rút dây dẫn oxy ra khỏi bao.
- 59 9. Cuộn xoắn miệng bao PE trong sao cho bao thật căng, cột miệng bao bằng dây cao su. Cuộn xoắn và cột bao trong 10. Cuộn xoắn miệng bao PE ngoài, cột miệng bao bằng dây cao su. Dùng tay đè nhẹ lên bao cá, nếu bao đàn hồi là đạt yêu cầu. Cuộn xoắn và cột bao ngoài 11. Đặt bao cá vào thùng mốp hay carton, đây nắp và cho lên phương tiện vận chuyển. Đặt bao cá vào thùng mốp
- 60 12. Nếu không có thùng chứa thì dùng bao chỉ bọc bên ngoài để bảo vệ bao cá và giúp cá không hoảng sợ. Bao chỉ bọc bên ngoài bao PE Hình 4.2. Các bước đóng bao cá Lƣu ý: Tuyệt đối không được hút thuốc khi đang bơm oxy bao cá vì tàn thuốc có thể làm chảy bao PE và gây nổ 3.2. Vận chuyển hở Là hình thức vận chuyển mà oxy hòa tan vào nước chứa cá trực tiếp từ không khí hay từ máy sục khí hoặc có sự trao đổi nước giữa vật chứa cá với nước bên ngoài. Bao bì chứa cá phổ biến là các thùng mốp, thùng nhựa hoặc tấm bạt nhựa đặt trong khung gỗ, thúng tre hoặc thùng xe tải Hình 4.3. Trải bạt lên xe Hình 4.4. Khung gỗ lót bạt Lượng nước cho vào bao bì thường là tối đa để làm giảm mật độ cá trong quá trình vận chuyển. Có thể dùng nước đá vào trong bao bì chứa cá để duy trì nhiệt độ thích hợp trong khi vận chuyển là khoảng 20-240C.
- 61 Có thể cung cấp thêm oxy vào nước bằng dây sục khí. Hình thức này thường được áp dụng để vận chuyển cá có nhu cầu oxy không lớn như cá tra, trê, lóc , cá giống lớn với số lượng nhiều 4. Chọn phƣơng tiện vận chuyển cá giống 4.1. Xe Gồm có xe tải, xe lạnh (xe bảo ôn), xe kéo, xe gắn máy, xe đạp Hình 4.5. Xe tải chở cá giống Hình 4.6. Xe lạnh (xe bảo ôn) chở cá giống Vận chuyển cá giống bằng xe tải, xe lạnh được thực hiện khi giao thông đường bộ thuận tiện (không dằn xóc), đoạn đường tương đối xa (không nên quá 300km để thời gian vận chuyển không quá 6 giờ).
- 62 Xe tải cỡ 2,5-5 tấn, có mui che nắng, chở cá theo cả 2 hình thức vận chuyển kín và hở. Có thể lót nước đá cây xuống sàn xe để giảm nhiệt độ nước trong bao chứa cá. Xe lạnh thích hợp để vận chuyển kín. Nhiệt độ nước trong bao cá được điều chỉnh chủ động. Phương tiện này được xem là thích hợp nhất nhưng chi phí cao. Vận chuyển cá bằng xe kéo, xe gắn máy, xe đạp với số lượng cá giống ít, đoạn đường ngắn. Hình 4.7. Chở cá bằng xe kéo Các phương tiên này không thích hợp trong vận chuyển cá giống cho nuôi quy mô lớn. Hình 4.8. Chở cá bằng xe máy 4.2. Ghe Gồm ghe tải thường và ghe đục (ghe thông thủy). Vận chuyển bằng ghe được thực hiện khi giao thông thủy thuận lợi (luồng lạch thông suốt, không bị ảnh hưởng của nước lớn, ròng), đoạn đường vận chuyển không quá dài.
- 63 Ghe thường có thể chở cá theo cả 2 hình thức vận chuyển kín và hở. Các bao cá được đặt trong lòng ghe hoặc lót bạt vào lòng ghe, cho nước vào để chứa cá. Hình 4.9. Ghe chở bao cá Hình 4.10. Ghe đục Ghe đục chở cá giống theo hình thức hở. Cá được đưa vào khoang chứa cá qua cửa sàn (ảnh nhỏ trong hình 4.11.) Hình 4.11. Sàn ghe đục và cửa sàn Khi chứa cá, ghe được bơm nước vào, trở nên nặng và chìm một phần trong nước.
- 64 Nước sông vào và ra khỏi ghe qua cửa lưới ở lườn (cửa lưới ngập trong nước khi chở cá) giúp cá có đủ oxy trong quá trình vận chuyển. Vận chuyển cá bằng ghe đục có ưu điểm là thuận tiện trong điều kiện sông rạch nhiều ở miền Tây Nam bộ, lượng cá vận chuyển nhiều, cá khỏe trong thời gian dài. Tuy nhiên, cá dễ bị ảnh hưởng xấu khi ghe đi qua vùng nước bị ô nhiễm (hóa chất, thuốc trừ sâu, nước phèn ) hoặc nước chứa nhiều mầm bệnh ở vùng nuôi cá đang phát bệnh. 4.3. Máy bay Thực hiện khi phải chuyển cá giống sang các miền khác (từ miền Tây Nam bộ ra các tỉnh miền Trung, Bắc). Cá giống được đóng bao, cho vào các thùng mốp, dán keo kín nắp thùng. Nắp thùng có nhãn ghi rõ “Cá giống”. Cần tham khảo thêm quy định của hãng hàng không về quy định vận chuyển vật sống. Hình 4.12. Thùng mốp chứa bao cá để vận chuyển bằng máy bay Phương tiện vận chuyển này tuy nhanh nhưng không phổ biến do chi phí rất cao. 5. Xác định mật độ vận chuyển cá - Mật độ cá đóng bao: Cá giống nhỏ: 15-20con/lít. Cá giống lớn: 8-10con/lít Thời gian vận chuyển không quá 6 giờ - Mật độ cá vận chuyển hở: cá chứa trong thùng nhựa, bạt đặt trong xe, ghe. Mật độ cá tính theo khối lượng cá vận chuyển và lượng nước trong vật chứa. Tỷ lệ cá/nước là 1/10 nghĩa là 1m3 nước chứa 100kg cá giống cỡ 10-15g/con. - Mật độ cá vận chuyển bằng ghe đục
- 65 Tính theo khối lượng cá vận chuyển và lượng nước trong lòng ghe. Tỷ lệ cá/nước là 1/5 nghĩa là 5m3 nước chứa 1 tấn cá giống. 6. Tổ chức vận chuyển 6.1. Vận chuyển bao cá - Thời gian vận chuyển không quá 6 giờ. Nếu quá thời gian trên cần phải thay nước, đóng bao lại. Nên vận chuyển lúc sáng sớm, chiều mát hoặc tối. Cần tính toán để có thể thả cá ra ao, bè lúc mát trời. - Nhiệt độ vận chuyển khoảng 20-240C. Nếu dùng xe tải, có thể lót 1 lớp nước đá cây dưới sàn xe để hạ nhiệt độ nước trong bao. - Thường xuyên kiểm tra độ căng của bao. Nếu bao mềm, phải bơm oxy lại. - Không để ánh nắng chiếu trực tiếp vào bao cá bằng cách dùng xe tải có mui hoặc phủ bạt lên lớp bao cá. - Bao cá vận chuyển bằng xe phải được xếp sát nhau, chèn kỹ để không xê dịch, va chạm nhau trong khi xe chạy. Hạn chế dằn xóc khi vận chuyển. Không xếp các bao cá thành nhiều lớp. 6.2. Vận chuyển hở bằng thùng nhựa, bạt chứa nƣớc - Bổ sung sục khí vào nước khi vận chuyển bằng xe. Thường xuyên thay nước khi vận chuyển bằng ghe (nước sông phải an toàn cho cá). - Tránh ánh sáng chiếu trực tiếp vào cá - Nếu thời gian vận chuyển dài, thay nước 6 giờ/lần, bổ sung muối vào nước (5kg/m3). 6.3. Vận chuyển bằng ghe đục - Tốc độ ghe vừa phải để nước trong khoang chứa cá được trao đổi với bên ngoài và lưu tốc nước trong khoang không vượt quá 0,5m/s, tránh mệt cá. - Khảo sát trước đoạn đường di chuyển. Tránh đi vào vùng sông rạch bị ô nhiễm, vùng nuôi cá đang có dịch bệnh. - Nếu thời gian vận chuyển dài, có thể cho cá ăn bằng thức ăn viên nhưng không quá no. Thường xuyên siphon, hút bỏ phân cá, thức ăn ở đáy ghe, vớt cá chết. B. Câu hỏi và bài tập thực hành Bài thực hành 1. Luyện cá giống Bài thực hành 2. Đóng bao cá Bài thực hành 3. Vận chuyển cá giống bằng ghe đục và trong bao bằng xe tải
- 66 C. Ghi nhớ - Phải luyện cá giống trước khi vận chuyển. - Đóng bao đúng cách: đuổi không khí ra khỏi bao trước khi bơm oxy, sục nhẹ oxy từ đáy bao. - Không được hút thuốc khi đang bơm oxy bao cá. - Thực hiện đầy đủ các yêu cầu khi vận chuyển cá giống theo hướng dẫn.
- 67 Bài 5. THẢ CÁ GIỐNG Mã bài: MĐ02-5 Thả giống là khâu cuối cùng trong công tác giống của nghề nuôi cá tra, cá ba sa. Thả giống đúng cách giúp cá không bị sốc, sớm thích nghi với môi trường mới, hạn chế hao hụt trong thời kỳ đầu ra ao, bè. Thả giống bao gồm việc xác định thời điểm, mật độ thả dựa vào mùa vụ, phương thức nuôi và cách tiếp nhận, thả giống đúng kỹ thuật sau khi kiểm tra môi trường nước ao nuôi. Mục tiêu - Nêu được phương pháp kiểm tra môi trường nước trước khi thả cá; - Trình bày được phương pháp tiếp nhận và thả giống cá tra, cá ba sa vào ao, bè nuôi; - Sử dụng thành thạo dụng cụ thiết bị kiểm tra các chỉ tiêu môi trường nước chủ yếu; - Thực hiện được thao tác tắm cá và thả cá giống vào ao, bè nuôi đúng cách; kiểm tra sức khỏe cá giống sau khi thả; - Rèn luyện tính cẩn thận, nghiêm túc, chính xác trong quá trình làm việc. A. Nội dung 1. Kiểm tra môi trƣờng nƣớc 1.1. Đo pH nƣớc 1.1.1. Lấy mẫu nƣớc - Vị trí: Mẫu nước được lấy ở cách bờ khoảng 2m, cách mặt nước khoảng 0,5m. Ao nhỏ, thu mẫu nước ở 2 vị trí đối xứng. Ao lớn, lấy thêm mẫu ở giữa ao. - Thời gian thu và đo mẫu: 6-7giờ 1.1.2. Đo pH mẫu nƣớc Đo bằng giấy quỳ Hộp giấy quỳ gồm: - Giấy quỳ - Thang so màu Lưu ý đến hạn sử dụng của giấy quỳ
- 68 Hình 5.1. Một số kiểu hộp giấy quỳ Thực hiện đo như sau: 1. Đo trực tiếp nước ao với thời gian và địa điểm như trong hướng dẫn lấy mẫu nước: Lúc 6-7 giờ Cách bờ khoảng 2m, cách Đo trực tiếp nước ao ở vị trí cầu mặt nước khoảng 0,5m. Hoặc đo mẫu nước lấy từ ao theo hướng dẫn lấy mẫu nước. Lấy mẫu nước đo pH
- 69 2. Lấy một mẩu giấy quỳ dài khoảng 2-4cm. Lấy một mẩu giấy quỳ 3. Nhúng mẩu giấy quỳ vào nước ao hoặc mẫu nước cần đo. Nhúng vào nước 4. Để ráo khoảng 5-10 giây Mẩu giấy chuyển màu Để ráo
- 70 5. Đặt mẩu giấy lên thang so màu, so sánh màu của mẩu giấy với các ô màu trên thang so màu. Màu giấy quỳ đậm hơn màu trên thang so màu. So màu 6. Màu giấy quỳ nhạt hơn màu trên thang so màu. Màu mẩu giấy nhạt hơn 7. Đọc kết quả trị số pH ở ô màu gần trùng nhất so với màu mẩu giấy. Màu mẩu giấy trùng với màu của pH=8 trên thang so màu Hình 5.2. Các bước đo pH nước ao bằng giấy quỳ
- 71 Đo bằng bộ thử nhanh (test kit) Lọ nhựa Bộ test kit gồm: - Thuốc thử - Thang so màu Thuốc thử - Lọ nhựa trong chứa mẫu nước Thang so màu Hình 5.3. Các thành phần của hộp test pH Cách đo như sau: 1. Cho nước mẫu vào lọ, tráng đều lọ vài lần. Tráng lọ 2. Đổ nước tráng lọ ra.
- 72 Đổ nước tráng lọ 3. Cho nước mẫu vào lọ đến mức quy định. Cho mẫu nước vào lọ 4. Lau khô bên ngoài lọ. Lau bên ngoài lọ 5. Cho thuốc thử vào lọ với số giọt quy định tùy theo nhà sản xuất sau khi lắc đều chai thuốc thử. Cho thuốc thử vào lọ 6. Lắc nhẹ tròn đều lọ để thuốc thử hòa tan vào mẫu nước thử. Mẫu nước thử biến màu.
- 73 Lắc đều lọ nước mẫu 7. Đặt lọ nước mẫu lên thang so màu, so sánh với các ô màu trên thang so màu. 8. Đọc kết quả trị số pH ở ô màu trùng hoặc gần nhất so với màu nước mẫu. So màu mẫu nước với thang so màu Hình 5.4. Các bước đo pH nước ao bằng bộ thử nhanh Đo bằng máy đo cầm tay (máy đo điện cực) Máy đo pH cầm tay có 2 loại: - Bút đo pH: có đầu dò (điện cực) nằm trực tiếp, phía dưới của máy (bên trong) Được dùng nhiều do dễ sử dụng. Hình 5.5. Bút đo pH - Loại có đầu dò nối với máy bởi dây dẫn. Ít dùng do đắt tiền và khó sử dụng. Hình 5.6. Máy đo pH đầu dò rời Cách đo như sau:
- 74 1. Hiệu chỉnh máy: - Mở nắp máy - Mở máy bằng nút mở-tắt - Giữ phần dưới của máy trong cốc nước cất. - Xoay nhẹ vít trong khe hiệu chỉnh (bên hông hoặc mặt sau của máy), quan sát màn hình. - Ngừng xoay khi màn hình hiện lên số 7,0. Hình 5.7 Hiệu chỉnh máy - Chuyển máy ra khỏi cốc nước cất. 2. Đo pH mẫu nước: - Tráng cốc vài lần bằng nước mẫu vừa lấy ở ao. - Cho mẫu nước cần đo vào cốc. - Cho phần dưới của máy vào cốc nước mẫu. - Lắc nhẹ phần dưới của máy trong nước vài lần. - Chờ 15-30” cho số trên màn hình đứng yên. - Đọc kết quả, ghi vào sổ theo dõi. Hình 5.8. Đo pH mẫu nước - Đưa máy ra khỏi cốc nước. - Tắt máy. - Ngâm đầu dò vào cốc nước sạch một lúc, lấy ra, để ráo. Đậy nắp máy. Cách bảo quản: - Tránh để pin cũ quá lâu trong máy vì có thể gây hỏng máy. - Không đo trực tiếp vào nước ao. - Không để phần trên của máy tiếp xúc với nước để tránh chạm mạch. 1.2. Đo oxy hòa tan trong nƣớc
- 75 1.2.1. Lấy mẫu nƣớc - Mẫu nước được lấy ở cách bờ khoảng 2m, cách mặt nước khoảng 0,5m. - Ao nhỏ, thu mẫu nước ở 2 vị trí đối xứng. - Ao lớn, lấy thêm mẫu ở giữa ao. - Lấy mẫu lúc 6-7 giờ. - Mẫu nước lấy ra khỏi ao phải được kiểm tra oxy hòa tan ngay. 1.2.2. Đo hàm lƣợng oxy hòa tan của mẫu nƣớc Hai dạng thiết bị phổ biến để đo hàm lượng oxy hòa tan là: Bộ thử nhanh (test kit) gồm thuốc thử, thang so màu và lọ nhựa trong chứa mẫu nước. Lưu ý đến hạn sử dụng của test kit Hình 5.9. Các thành phần của hộp test Oxy Máy đo có điện cực (đầu dò) nối với máy bằng dây dẫn (oxymeter). Máy đắt tiền và khó sử dụng, bảo quản nên không thích hợp với quy mô hộ gia đình. Hình 5.10. Máy đo oxy Đo bằng test kit, được thực hiện như sau:
- 76 1. Tráng đều lọ chứa mẫu nước vài lần bằng nước mẫu định kiểm tra. 2. Cho lọ chứa mẫu trực tiếp xuống ao ở vị trí lấy mẫu để lấy nước. Lượng nước lấy vào phải đầy đến miệng lọ. Tráng lọ chứa mẫu nước Hoặc có thể dùng xô, ca cho xuống ao ở vị trí lấy mẫu để lấy nước. Sau đó, cho lọ lấy mẫu vào vị trí giữa ca, xô, lấy nước mẫu vào đến đầy lọ. 3. Lau khô bên ngoài lọ. Lau khô bên ngoài lọ 4. Nhỏ thuốc thử số 1 vào lọ (số giọt có thể thay đổi tùy theo loại test kit) sau khi lắc đều chai thuốc thử. Ví dụ: với hộp test SERA (Đức), nhỏ 6 giọt thuốc thử 1 vào lọ nước mẫu. Cho thuốc thử 1 vào lọ
- 77 5. Nhỏ thuốc thử số 2 vào lọ (số giọt có thể thay đổi tùy theo loại test kit) sau khi lắc đều chai thuốc thử. Ví dụ: với test SERA (Đức), nhỏ 6 giọt thuốc thử 2 vào lọ nước mẫu. Cho thuốc thử 2 vào lọ 6. Đậy kín lọ bằng nắp nhựa ngay (phải không có bọt khí trong lọ). Đậy nắp lọ 7. Lắc đều lọ 8. Mở nắp lọ ra Lắc đều lọ
- 78 9. Đặt lọ nơi nền trắng của thang so màu, so màu với ánh sáng tự nhiên, không trực tiếp chiếu vào lọ. 10. Đọc kết quả hàm lượng oxy của mẫu nước là trị số của ô màu trùng hoặc gần nhất với màu mẫu nước. So màu Hình 5.11. Các bước đo hàm lượng oxy hòa tan bằng bộ thử nhanh 1.3. Đo độ kiềm 1.3.1. Lấy mẫu nƣớc Dùng mẫu nước đo pH để đo độ kiềm. 1.3.2. Đo độ kiềm của mẫu nƣớc Đo độ kiềm của nước ao bằng bộ thử nhanh (kH test kit) Hộp test gồm thuốc thử và lọ nhựa trong chứa mẫu nước. Lưu ý đến hạn sử dụng của hộp test Hình 5.12. Các thành phần của hộp test đo độ kiềm Cách đo độ kiềm của nước ao như sau: 1. Tráng đều lọ vài lần bằng nước mẫu. Tráng đều lọ
- 79 2. Cho nước mẫu vào lọ đến mức quy định. Ví dụ: với hộp test SERA (Đức), lượng nước mẫu là 5ml. Lấy nước mẫu vào lọ 3. Lau khô bên ngoài lọ. Lau khô bên ngoài lọ 4. Nhỏ từ từ từng giọt thuốc thử vào lọ nước mẫu sau khi lắc đều chai thuốc thử. Nước mẫu trong lọ chuyển màu. Ví dụ: với test SERA, nước mẫu chuyển sang màu xanh. Nhỏ thuốc thử vào lọ 5. Nhỏ tiếp tục từng giọt một thuốc thử vào lọ nước mẫu. Lắc đều lọ nước mẫu sau mỗi giọt. 6. Ngừng nhỏ thuốc thử khi nước Mẫu nước có màu xanh mẫu chuyển màu lần nữa.
- 80 Ví dụ: với test SERA, nước mẫu chuyển màu từ xanh sang vàng. 7. Nhân số giọt thuốc thử với hệ số được quy định tùy theo nhà sản xuất. Kết quả nhân là độ kiềm của nước ao. (Với test SERA, hệ số nhân là Mẫu nước có màu vàng 17,9) Hình 5.13. Các bước đo độ kiềm của nước ao bằng bộ thử nhanh Ví dụ: Sử dụng test SERA, tổng số giọt thuốc thử cho vào lọ nước mẫu là 5 giọt, độ kiềm của nước ao là 5 x 17,9 = 89,5 mg CaCO3/l (thích hợp cho ao). 1.4. Đo hàm lƣợng NH3 1.4.1. Lấy mẫu nƣớc Dùng mẫu nước đo pH để đo độ kiềm. 1.4.2. Đo hàm lƣợng NH3 của mẫu nƣớc + Đo hàm lượng NH3 của nước ao bằng bộ thử nhanh (NH3/NH4 test kit). Bộ thử này gồm 3 chai thuốc thử, lọ nhựa trong để chứa mẫu nước và bản hướng dẫn sử dụng có thang so màu.
- 81 + Hinh 5.14. Các thành phần của bộ thử nhanh NH3/NH4 của SERA Cách đo như sau: 1. Tráng lọ vài lần bằng nước mẫu cần kiểm tra. 2. Lấy 5ml nước mẫu vào lọ. Lau khô bên ngoài lọ. 3. Cho 3 giọt thuốc thử 1 vào lọ nước mẫu sau khi lắc đều chai thuốc thử. 4. Đóng nắp và lắc đều lọ nước mẫu. 5. Mở nắp lọ, cho 3 giọt thuốc thử 2 vào lọ nước mẫu sau khi lắc đều chai thuốc thử. 6. Đóng nắp và lắc đều lọ nước mẫu. 7. Mở nắp lọ, cho 3 giọt thuốc thử 3 vào lọ nước mẫu sau khi lắc đều chai thuốc thử. 8. Đóng nắp và lắc đều lọ nước mẫu. 9. So màu của nước mẫu với thang màu sau khi chờ 5’. + Đọc trị số NH4 ở hàng (a) của ô màu trùng với màu nước mẫu (trị số ở hàng b được sử dụng khi đo mẫu nước mặn). 10. Xác định pH của nước mẫu theo cách đã biết ở mục 3.1. Đo pH nước
- 82 + 11. Đoc kết quả hàm lượng NH3 ở ô giao nhau giữa cột giá trị NH4 với hàng trị số pH đã xác định ở bước 10. Ví dụ: theo hình 5.15. + Giá trị NH4 khi so màu là 1,0 pH nước mẫu được xác định ở bước 10 là 7,5 Hàm lượng NH3 của mẫu nước là 0,02mg/l Hình 5.15. Cách đọc kết quả hàm lượng NH3 trong bảng hướng dẫn 12.Làm sạch trong và ngoài lọ chứa mẫu nước bằng nước sạch trước và sau mỗi lần kiểm tra. 1.5. Đo nhiệt độ nƣớc 1.5.1. Vị trí, thời điểm đo - Nhiệt độ nước được đo trực tiếp với nước trong ao nuôi. - Vị trí đo: cách bờ 1-2m. - Thời điểm đo: 13-14 giờ. 1.5.2. Đo nhiệt độ nƣớc ao Nhiệt độ nước được đo bằng nhiệt kế với: - Khoảng đo được từ 00C đến 500C hay 1000C. - Cột chất lỏng có màu đỏ (nhiệt kế rượu) hay xám bạc (nhiệt kế thủy ngân). Hình 5.16. Nhiệt kế rượu
- 83 Đặt nhiệt kế vào ao nuôi. Tránh ánh nắng chiếu trực tiếp. Đặt nhiệt kế vào nước Đọc kết quả sau 5-10’ trong khi vẫn để nhiệt kế trong nước hoặc mang nhiệt kế ra khỏi nước và đọc nhanh. Nhiệt độ nước trong ao là trị số trên vạch chia tại đầu mút của cột màu đỏ hoặc xám bạc của nhiệt kế Đọc kết quả ở đầu cột màu đỏ Hình 5.17. Các bước đo nhiệt độ nước bằng nhiệt kế 1.6. Đo độ trong 1.6.1. Vị trí, thời điểm đo - Độ trong của nước được đo trực tiếp tại ao nuôi. - Vị trí đo: cách bờ 1-2m. - Thời điểm đo: trong ngà. 1.6.2. Đo độ trong Đo độ trong của nước bằng đĩa Secchi, đơn vị tính là cm.
- 84 Đĩa Secchi là tấm kim loại tròn, đường kính 20 - 25cm. Mặt trên được chia đều 4 phần và sơn 2 màu đen-trắng xen kẻ nhau. Đĩa được nối với một sợi dây nhựa hoặc thanh gỗ được chia vạch 5 hoặc 10cm. Hình 5.18. Đĩa Secchi Cách đo độ trong của nước - Thả dây hoặc thanh gỗ để đĩa Secchi xuống nước từ từ. Mắt quan sát đĩa theo chiều thẳng đứng. Cho đĩa Secchi vào nước - Ngừng thả dây khi không còn phân biệt được 2 màu đen trắng nữa. - Kéo dây lên và quan sát đoạn dây (thanh gỗ). Độ trong của nước là chiều dài của đoạn dây (thanh gỗ) bị ướt. Ngừng thả dây Hình 5.19. Các bước đo độ trong của nước bằng đĩa Secchi Có thể đo độ trong của nước đơn giản bằng tay như sau: Xoè bàn tay ra sao cho bàn tay vuông góc vớí cổ tay.
- 85 Cho tay từ từ xuống nước cho tới khi không nhìn thấy các ngón tay. Độ trong của nước là độ dài của cánh tay ướt nước. 1.7. Kết luận về chất lƣợng nƣớc Nước ao đạt yêu cầu sau thì có thể thả cá: - pH: 7,0-8,5 - Oxy hòa tan: > 5,0mg/l - Độ kiềm: 80-120mg CaCO3/l - NH3: 20cm 2. Thả cá giống vào ao 2.1. Xác định mùa vụ, thời điểm, mật độ thả giống - Mùa vụ: Ở miền Nam, cá tra được thả nuôi quanh năm. Cần tuân thủ các quy định, khuyến cáo của cơ quan chức năng ở địa phương về mùa vụ, thời điểm thả cá. Ở các tỉnh phía Bắc, cần tính thời điểm thả giống để tránh nuôi vào các tháng mùa đông, nhiệt độ thấp. Mùa vụ thích hợp là tháng 3-4. - Thời điểm: Sau khi cấp vào ao 5-7 ngày, nước có màu xanh lá non, môi trường ổn định và đạt các chỉ tiêu: pH: 7,0-8,5 Oxy hòa tan: > 5,0mg/l Độ kiềm: 80-120mg CaCO3/l NH3: 20cm Thì tiến hành thả cá Thả cá vào ao lúc sáng sớm hoặc chiều mát, không mưa, không có bất thường về thời tiết như mưa bão, áp thấp nhiệt đới, sương muối, rét đậm, rét hại - Mật độ: Mật độ nuôi phổ biến, phù hợp điều kiện ao, trình độ và khả năng của người nuôi.
- 86 Hiện nay, mật độ tối đa được khuyến cáo là 15 con/m3 hay 60 con/m2 (ao có độ sâu 4m), kích cỡ cá là 1,7-2,2cm chiều cao thân (cỡ cá 1,7cm: 75- 80con/kg, cỡ cá 2,2cm: 30-35con/kg). Ở miền Tây Nam bộ, để thuận lợi cho việc phân cỡ cá, giao dịch nhanh chóng, cá giống được phân cỡ theo đơn vị “lồng”. Lồng lọc cá có dạng rổ (hình 5.20.) hoặc dạng lồng vuông bằng lưới inox. Cỡ lồng là cỡ lưới giữ được cá có chiều cao thân tương ứng. Ví dụ: Lồng 20 là lồng giữ được Hình 5.20. Một loại lồng lọc cá cá có chiều cao thân 20mm trở lên. Để phân cỡ, cá được lọc từ lồng lớn đến lồng nhỏ. Cá không lọt qua lồng nào được xếp cỡ cá theo cỡ lồng đó. Cá lọt qua lồng cỡ lớn tiếp tục được lọc qua lồng cỡ kế tiếp. Thực hiện tiếp tục cho đến khi hết đàn cá. Tuy nhiên, không lạm dụng việc lọc cá bằng lồng để hạn chế cá bị xây sát do chui qua lỗ lưới. 2.2. Tiếp nhận cá Cá về đến trại nuôi được tắm bằng nước muối 2-3% khoảng 5-10 phút để loại bỏ ký sinh trùng bám vào cá. Thực hiện như sau: - Đặt thùng nhựa lớn trên bờ ao hoặc trong ao định thả cá (hạn chế đi lại để tránh làm đục nước). - Cho nước sạch vào thùng, tính thể tích nước trong thùng. Nếu thùng có hình vuông hay chữ nhật, thể tích nước được tính theo công thức: Thể tích nước = chiều dài thùng x chiều rộng thùng x chiều cao mức nước Ví dụ: Chiều dài thùng = 1m, chiều rộng thùng = 0,6m, chiều cao mức nước = 0,5m
- 87 Thể tích nước = 1m x 0,6m x 0,5m = 0,3m3 = 300 lít Nếu thùng có đáy tròn, thể tích nước được tính theo công thức: Thể tích nước = 0,785 x đường kính thùng x đường kính thùng x chiều cao mức nước Ví dụ: Đường kính thùng = 0,8m, chiều cao mức nước = 0,6m Thể tích nước = 0,785 x 0,8m x 0,8m x 0,6m = 0,3m3 = 300 lít - Tính lượng muối cần dùng theo công thức: Lượng muối cần pha = lượng nước trong thùng x nồng độ muối Ví dụ: Lượng nước trong thùng = 300 lít, nồng độ muối = 3% Nồng độ muối = 3% = 30g/l, nghĩa là 30 gam muối trong 1 lít nước Lượng muối cần pha = 300l x 30g/l = 9.000g = 9kg muối - Cân lượng muối cần pha, cho vào thùng nước, khuấy tan hết. - Dùng vợt lưới mắt nhỏ, không gút vớt cá giống cho vào thùng, tắm 5-10 phút. Nếu nước chứa cá còn sạch, có thể pha nước muối bên ngoài rồi cho vào thùng chứa để tắm cá, giúp cá không bị sốc. Thực hiện như sau: - Tập trung cá và nước trong các bao vào thùng chứa. - Tính thể tích nước trong thùng và lượng muối cần pha theo cách tính trên. - Hòa tan lượng muối cần pha với lượng nước sạch vừa đủ để muối tan hết. - Cho nước muối vào thùng chứa, tắm cá 5-10 phút. 2.3. Thả cá 2.3.1. Trƣờng hợp cá không tắm nƣớc muối - Cho các bao cá xuống ao, ngâm bao từ 15-30 phút. - Mở miệng bao, cho nước ao từ từ vào bao. Hình 5.21. Ngâm bao cá trong ao
- 88 - Để cá trong bao bơi ra ao (a trong hình 6.3.). - Không được vội vàng đổ cá ra ao (b trong hình 6.3.). - Đếm số cá chết để tính tỷ lệ hao hụt. Hình 5.22. Thả cá ra ao Nếu cá được vận chuyển hở, chuyển cả vật chứa cá ra ao, ngâm và thả cá theo hướng dẫn trên. Hoặc cho cá và nước vào các xô, thau hoặc bao PE chuyển ra ao, ngâm và thả cá như trên. 2.3.2. Trƣờng hợp cá đƣợc tắm nƣớc muối Sau khi tắm nước muối, cá được thả ra ao. Thực hiện như với cá vận chuyển hở trên. 2.4. Kiểm tra tình trạng cá trong ao Trong ngày đầu, không cho ăn để cá thích nghi với môi trường mới. Thường xuyên kiểm tra ao, vớt bỏ cá chết. Nếu chỉ có vài con chết do yếu, không chịu đựng được môi trường mới thì vụ thả cá giống là thành công. Nếu số lượng cá chết nhiều, phải tìm hiểu nguyên nhân để có hướng xử lý thích hợp, kịp thời. Trong 3-4 ngày đầu, cho cá ăn với khẩu phần 1% (1kg thức ăn cho 100kg cá thả vào ao). Sau đó, từ từ tăng dần lên đến khẩu phần quy định. 3. Thả cá vào bè 3.1. Xác định mùa vụ, thời điểm, mật độ thả giống - Mùa vụ: Thực hiện như nuôi cá trong ao. - Thời điểm: Không có bất thường về thời tiết như mưa bão, áp thấp nhiệt đới, sương muối, rét đậm, rét hại Không có những bất thường về nguồn nước của các sông rạch ở khu vực nuôi như: Màu nước biến đổi đột ngột.
- 89 Xuất hiện màu nước lạ. Bị ô nhiễm hóa chất, thuốc trừ sâu. Bị nước phèn xâm nhập do hoạt động rửa phèn từ vùng trồng lúa ở thượng lưu. Thời điểm thích hợp thả cá vào bè là sáng sớm hoặc chiều mát, không mưa. - Mật độ: Mật độ nuôi phổ biến, phù hợp điều kiện bè, trình độ và khả năng của người nuôi. Cá tra: mật độ thả là 80-120 con/m3, cỡ cá là 60-80g/con. Cá ba sa: mật độ thả là 90-150 con/m3, cỡ cá là 80-100g/con. 3.2. Tiếp nhận cá Thực hiện tắm cá bằng nước muối như với thả cá trong ao ở mục 1.2. Tiếp nhận cá. 3.3. Thả cá 3.3.1. Trƣờng hợp cá không tắm nƣớc muối Ngâm bao và thả cá như trong ao. Nếu cá được vận chuyển hở bằng ghe thường, thay ½ nước trong ghe bằng nước sông trong 15-30 phút. Sau đó, chuyển cá vào bè bằng xô, thau. Nếu cá được chuyển bằng ghe đục, dùng lưới mắt nhỏ không gút gom cá lại và chuyển cá vào bè bằng xô, thau. 3.3.2. Trƣờng hợp cá đƣợc tắm nƣớc muối Sau khi tắm nước muối, cá được chuyển vào bè bằng xô, thau. 3.4. Kiểm tra tình trạng cá trong bè Thực hiện như kiểm tra cá trong ao. B. Câu hỏi và bài tập thực hành Bài thực hành 1. Tắm cá bằng nước muối Bài thực hành 2. Thả cá giống vào ao, bè C. Ghi nhớ Phải thả cá đúng cách: cho cá ra ao, bè từ từ, không đổ cá vội vàng vào nước.
- 90 HƢỚNG DẪN GIẢNG DẠY MÔ ĐUN I. Vị trí, tính chất của mô đun - Vị trí: Mô đun Chuẩn bị ao, bè nuôi và thả giống cá tra, cá ba sa được học sau mô đun Xây dựng ao nuôi, bè nuôi cá tra, cá ba sa; học trước các mô đun Quản lý ao nuôi, bè nuôi cá tra, cá ba sa, Quản lý dịch bệnh cá tra, cá ba sa và Thu hoạch cá tra, cá ba sa. - Tính chất: Chuẩn bị ao, bè nuôi và thả giống cá tra, cá ba sa là mô đun được tích hợp giữa lý thuyết và thực hành chuẩn bị ao, bè nuôi và thả giống cá tra, cá ba sa; học viên được học lý thuyết tại cơ sở dạy nghề và thực hành tại thực địa. II. Mục tiêu Sau khi học xong chương trình mô đun, học viên có khả năng: Kiến thức - Trình bày được các bước chuẩn bị ao, bè nuôi cá; - Trình bày được các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng cá giống; - Trình bày được tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cá giống và cách thả cá vào ao, bè nuôi. Kỹ năng - Chuẩn bị ao, bè nuôi cá đúng quy trình; - Chọn được cá giống đạt tiêu chuẩn kỹ thuật; - Đóng bao và vận chuyển cá giống đúng cách; - Đo được các yếu tố môi trường nuôi trước khi thả giống; - Thả cá vào ao, bè nuôi đúng kỹ thuật. Thái độ Rèn luyện tính cẩn thận, thao tác chính xác, đảm bảo an toàn lao động.
- 91 III. Nội dung chính của mô đun Thời lƣợng (giờ học) Mã Loại bài Tên bài Địa điểm bài dạy Tổng Lý Thực Kiểm số thuyết hành tra MĐ Chuẩn bị ao Lớp học, ao Tích hợp 26 6 19 1 02-1 nuôi cá nuôi cá Lớp học, MĐ Chuẩn bị bè Tích hợp bè 20 4 15 1 02-2 nuôi cá nuôi cá Lớp học, MĐ Chọn cá cơ sở sản xuất Tích hợp 10 2 7 1 02-3 giống giống cá tra, ba sa Lớp học, cơ sở sản xuất MĐ Vận chuyển Tích hợp giống cá tra, 10 2 7 1 02-4 cá giống ba sa, ghe đục Lớp học, MĐ Thả cá giống Tích hợp cơ sở nuôi 25 4 20 1 02-5 cá tra, ba sa Kiểm tra kết thúc mô đun 05 05 Tổng số 96 18 68 10 IV. Hƣớng dẫn thực hiện bài tập, bài thực hành Bài 1. Chuẩn bị ao nuôi cá Bài thực hành 1. Cải tạo ao tháo cạn nước - Nguồn lực: Máy bơm nước, máy hút bùn, trang, cào, vôi, xô, thùng, xẻng, ca, khẩu trang, nón - Tổ chức thực hiện: Chia các nhóm nhỏ (5 học viên/nhóm). Giáo viên hướng dẫn và học viên thực hiện cải tạo ao. - Thời gian hoàn thành: 3 giờ /nhóm. - Phương pháp đánh giá:
- 92 Đánh giá thao tác, kết quả, thời gian thực hiện và sự phối hợp nhóm của học viên. - Kết quả cần đạt được: Ao sạch bùn, đáy ao bằng phẳng, bón vôi đủ liều lượng, đúng cách và an toàn. Bài thực hành 2. Diệt tạp ao không tháo cạn nước bằng dây thuốc cá - Nguồn lực: Dây thuốc cá, cân, máy tính, thùng, xô, ca, khẩu trang, nón - Tổ chức thực hiện: Chia các nhóm nhỏ (5 học viên/nhóm). Giáo viên hướng dẫn và học viên tính toán lượng nước ao, lượng dây thuốc cá và thực hiện các bước diệt tạp. - Thời gian hoàn thành: 2 giờ/nhóm. - Phương pháp đánh giá: Đánh giá thao tác, kết quả, thời gian thực hiện và sự phối hợp nhóm của học viên. - Kết quả cần đạt được: Tính toán đúng lượng nước ao, lượng dây thuốc cá và thực hiện được các bước diệt tạp. Bài thực hành 3. Lấy và xử lý nước trong ao chứa bằng clorin - Nguồn lực: Máy bơm, lưới lọc, clorin, xô chậu, khẩu trang, nón - Tổ chức thực hiện: Chia các nhóm nhỏ (5 học viên/nhóm). Giáo viên hướng dẫn, học viên thực hiện bơm nước vào ao chứa, tính lượng nước, lượng clorin, chọn thời điểm xử lý và tiến hành xử lý. - Thời gian hoàn thành: 2 giờ/nhóm. - Phương pháp đánh giá: Đánh giá thao tác, kết quả, thời gian thực hiện và sự phối hợp nhóm của học viên. - Kết quả cần đạt được: Tính toán đúng lượng nước, clorin, chọn đúng thời điểm và thao tác xử lý đúng.
- 93 Bài 2. Chuẩn bị bè nuôi cá Bài thực hành. Cố định bè cá vào vị trí nuôi - Nguồn lực: Bè nuôi cá, dây, neo - Tổ chức thực hiện: Chia các nhóm nhỏ (5 học viên/nhóm). Giáo viên hướng dẫn và học viên thực hiện neo bè vào vị trí nuôi. - Thời gian hoàn thành: 2 giờ/nhóm. Phương pháp đánh giá: Đánh giá thao tác, kết quả, thời gian thực hiện và sự phối hợp nhóm của học viên. - Kết quả cần đạt được: Bè ổn định, cân bằng, đủ độ sâu, khoảng cách với bè xung quanh. An toàn cho học viên. Bài 3. Chọn cá giống Bài thực hành 1. Kiểm tra giống cá tra, cá ba sa - Nguồn lực: Cá tra, cá ba sa giống Vợt, thước đo, giấy kẻ ô li, cân, xô, thau, giai - Tổ chức thực hiện: Chia các nhóm nhỏ (2 học viên/nhóm). Giáo viên hướng dẫn và học viên thực hiện kiểm tra cá giống theo các tiêu chuẩn ở bảng 3.1. bài Chọn cá giống. - Thời gian hoàn thành: 30 phút/nhóm. - Phương pháp đánh giá: Đánh giá thao tác, kết quả, thời gian thực hiện và sự phối hợp nhóm của học viên. - Kết quả cần đạt được: Học viên đánh giá đúng chất lượng cá giống. Bài thực hành 2. Tham quan cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cá tra, cá ba sa tại địa phương Tìm hiểu về việc thực hiện các quy định của Nhà nước và tiêu chuẩn GAP tại cơ sở. - Nguồn lực Cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cá tra, cá ba sa tại địa phương.
- 94 - Tổ chức thực hiện: Chia các nhóm nhỏ (2 học viên/nhóm). Giáo viên hướng dẫn và học viên thực hiện tham quan và phỏng vấn chủ cơ sở về các điều kiện sản xuất, kinh doanh. - Thời gian hoàn thành: 1 giờ/nhóm. Phương pháp đánh giá: Đánh giá kết quả, thời gian thực hiện và sự phối hợp nhóm của học viên. - Kết quả cần đạt được: Báo cáo kết quả và nhận xét của học viên về cơ sở. Bài 4. Vận chuyển cá giống Bài thực hành 1. Luyện cá giống - Nguồn lực: Cá giống Vợt, giai, lưới, cân, xô, thau - Tổ chức thực hiện: Chia các nhóm nhỏ (5 học viên/nhóm). Giáo viên hướng dẫn và học viên thực hiện kéo lưới luyện cá giống. - Thời gian hoàn thành: 2 giờ/nhóm. Phương pháp đánh giá: Đánh giá thao tác, kết quả, thời gian thực hiện và sự phối hợp nhóm của học viên. - Kết quả cần đạt được: Học viên thực hiện đúng hướng dẫn, cá khỏe Bài thực hành 2. Đóng bao cá - Nguồn lực: Cá giống Vợt, giai, bao PE, bao chỉ, dây cao su, chai oxy, thùng carton, thùng mốp, cân, xô, thau. - Tổ chức thực hiện: Chia các nhóm nhỏ (2-3 học viên/nhóm) Giáo viên hướng dẫn và học viên thực hiện đóng bao cá giống. - Thời gian hoàn thành: 30 phút/nhóm. - Phương pháp đánh giá: Đánh giá thao tác, kết quả, thời gian thực hiện và sự phối hợp nhóm của học viên.
- 95 - Kết quả cần đạt được: Bao cá căng, tỷ lệ nước/oxy trong bao đúng quy định. Bài thực hành 3. Vận chuyển cá giống bằng ghe đục và trong bao bằng xe tải - Nguồn lực Cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cá tra, cá ba sa tại địa phương Ghe đục, xe tải Bao cá - Tổ chức thực hiện: Chia các nhóm nhỏ (2-3 học viên/nhóm). Giáo viên hướng dẫn và học viên thực hiện vận chuyển cá bằng xe tải, ghe đục. - Thời gian hoàn thành: 1 giờ/nhóm. - Phương pháp đánh giá: Đánh giá kết quả, thời gian thực hiện và sự phối hợp nhóm của học viên. - Kết quả cần đạt được: Các bao cá được xếp lên xe tải đúng cách. Lượng cá trong ghe đục đúng quy định. Cá khỏe trong quá trình vận chuyển. Bài 5. Thả cá giống Bài thực hành 1. Đo các chỉ tiêu môi trường nước trong ao nuôi cá tra - Nguồn lực: Bộ thử nhanh pH, oxy hòa tan, độ kiềm, NH3, đĩa Secchi, nhiệt kế. - Tổ chức thực hiện: Chia các nhóm nhỏ (2-3 học viên/nhóm). Giáo viên hướng dẫn và học viên thực hiện đo các chỉ tiêu môi trường nước. Nhận xét kết quả. - Thời gian hoàn thành: 60 phút/nhóm. - Phương pháp đánh giá: Đánh giá thao tác, kết quả, thời gian thực hiện và sự phối hợp nhóm của học viên. - Kết quả cần đạt được: Thao tác chính xác, đúng hướng dẫn, kết quả. Nhận xét hợp lý. -
- 96 Bài thực hành 2. Tắm cá bằng nước muối - Nguồn lực: Cá giống Vợt, xô, thau, tỷ trọng kế Muối ăn - Tổ chức thực hiện: Chia các nhóm nhỏ (2-3 học viên/nhóm). Giáo viên hướng dẫn, học viên thực hiện pha nước muối và tắm cá. - Thời gian hoàn thành: 1 giờ/nhóm. - Phương pháp đánh giá: Đánh giá thao tác, kết quả, thời gian thực hiện và sự phối hợp nhóm của học viên. - Kết quả cần đạt được: Nước muối pha đúng nồng độ, cá khỏe sau khi tắm. Bài thực hành 3. Thả cá giống vào ao, bè - Nguồn lực: Bao cá giống Xô, thau - Tổ chức thực hiện: Chia các nhóm nhỏ (2-3 học viên/nhóm) Giáo viên hướng dẫn và học viên thực hiện thả cá giống vào ao, bè. - Thời gian hoàn thành: 1 giờ/nhóm. - Phương pháp đánh giá: Đánh giá thao tác, kết quả, thời gian thực hiện và sự phối hợp nhóm của học viên. Kết quả cần đạt được: Thao tác đúng. V. Yêu cầu về đánh giá kết quả học tập Bài 1. Chuẩn bị ao nuôi cá Tiêu chí đánh giá Cách thức đánh giá Trính bày đúng quy trình cải tạo ao Bài báo cáo, kiểm tra của học viên
- 97 Xác định đúng lượng vôi, clorin cần Bài báo cáo, kiểm tra của học viên dùng Thực hiện cải tạo ao đúng quy trình Quan sát thao tác của học viên, đối chiếu với hướng dẫn của bài học Bài 2. Chuẩn bị bè nuôi cá Tiêu chí đánh giá Cách thức đánh giá Trình bày đầy đủ yêu cầu quy định Bài báo cáo, kiểm tra của học viên về đăng ký bè cá Cố định bè nuôi cá đúng cách Quan sát thao tác của học viên, đối chiếu với hướng dẫn của bài học Bài 3. Chọn cá giống Tiêu chí đánh giá Cách thức đánh giá Trình bày đúng và đầy đủ tiêu chuẩn Bài báo cáo, kiểm tra của học viên của cá tra, cá ba sa giống Kiểm tra chính xác cá giống Quan sát thao tác của học viên, đối chiếu với tiêu chuẩn hướng dẫn của bài học Trình bày đúng và đầy đủ điều kiện Bài báo cáo, kiểm tra của học viên cơ sở sản xuất, kinh doanh cá tra, cá ba sa Bài 4. Vận chuyển cá giống Tiêu chí đánh giá Cách thức đánh giá Trình bày đúng, đầy đủ công tác vận Bài báo cáo, kiểm tra của học viên chuyển giống Luyện cá, đóng bao cá đúng cách, cá Quan sát thao tác của học viên, đối khỏe chiếu với hướng dẫn của bài học Vận chuyển cá nhanh chóng, an Quan sát thao tác của học viên, đối toàn, tỷ lệ hao hụt thấp chiếu với hướng dẫn của bài học
- 98 Bài 5. Thả cá giống Tiêu chí đánh giá Cách thức đánh giá Kiểm tra môi trường nước nuôi cá Quan sát thao tác của học viên, đối chính xác chiếu với hướng dẫn của bài học Tắm cá, thả cá giống đúng cách Quan sát thao tác của học viên, đối chiếu với hướng dẫn của bài học
- 99 TÀI LIỆU THAM KHẢO - Phạm Văn Khánh, 2003. Kỹ thuật nuôi cá tra và ba sa trong bè. Nhà xuất bản Nông nghiệp; - Chương trình Bạn nhà nông. Nuôi cá tra trong ao đầm. Phim phổ biến kỹ thuật. Ban Khoa giáo Đài truyền hình Việt Nam; - Chương trình Bạn nhà nông. Nuôi cá tra trong lồng. Phim phổ biến kỹ thuật. Ban Khoa giáo Đài truyền hình Việt Nam; - Vụ Công nghiệp cơ sở (DPI), bang Victoria, Australia; Mạng lưới các trung tâm NTTS châu Á-Thái Bình Dương (NACA); Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 (RIA2); Trường Đại học Cần Thơ (CTU). Quy phạm thực hành tốt hơn (BMP) cho nuôi cá tra thương phẩm. 2009; - Vụ Công nghiệp cơ sở (DPI), bang Victoria, Australia; Mạng lưới các trung tâm NTTS châu Á-Thái Bình Dương (NACA); Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 (RIA2); Trường Đại học Cần Thơ (CTU). Quy tắc thực hành quản lý tốt hơn cho nuôi cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam. Phiên bản 3.0. Tháng 5, 2011; - Dương Tấn Lộc. Những điều cần biết về kỹ thuật sản xuất giống và nuôi cá tra xuất khẩu.Nhà xuất bản Thanh Hóa; - Nguyễn Đình Trung, 2004. Quản lý chất lượng nước trong nuôi trồng thủy sản - Nhà xuất bản Nông nghiệp TPHCM.
- 100 DANH SÁCH BAN CHỦ NHIỆM XÂY DỰNG CHƢƠNG TRÌNH, BIÊN SOẠN GIÁO TRÌNH DẠY NGHỀ NUÔI CÁ TRA, CÁ BA SA TRÌNH ĐỘ SƠ CẤP (Theo Quyết định số 1415 /QĐ-BNN-TCCB ngày 27 tháng 6 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) 1. Bà Lê Thị Minh Nguyệt - Phó hiệu trưởng Trường Trung học Thủy sản Chủ nhiệm 2. Ông Nguyễn Ngọc Thụy - Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phó chủ nhiệm 3. Bà Huỳnh Thị Minh Hằng - Giáo viên Trường Trung học Thủy sản Thư ký 4. Bà Đặng Thị Minh Diệu - Phó trưởng khoa Trường Trung học Thủy sản Ủy viên 5. Bà Nguyễn Thị Phương Thanh - Trưởng khoa Trường Trung học Thủy sản Ủy viên 6. Ông Nguyễn Quốc Đạt - Phó trưởng khoa Trường Cao đẳng Cơ điện và Nông nghiệp Nam bộ Ủy viên 7. Ông Mai Thành Lộc - Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Bến Tre Ủy viên
- 101 DANH SÁCH HỘI ĐỒNG NGHIỆM THU CHƢƠNG TRÌNH, GIÁO TRÌNH DẠY NGHỀ NUÔI CÁ TRA, CÁ BA SA TRÌNH ĐỘ SƠ CẤP (Kèm theo Quyết định số 1785/BNN-TCCB ngày 05 tháng 8 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) 1. Ông Lê Thái Dương - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện và Nông nghiệp Nam bộ Chủ tịch 2. Bà Trần Thị Anh Thư - Chuyên viên Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thư ký 3. Bà Nguyễn Kim Nhi - Giảng viên Trường Cao đẳng Cơ điện và Nông nghiệp Nam bộ Ủy viên 4. Ông Đỗ Văn Sơn - Giáo viên Trường Cao đẳng Thủy sản Ủy viên 5. Ông Nguyễn Văn Toán - Kỹ thuật viên Xí nghiệp nuôi trồng thủy sản Cần Thơ Ủy viên