Giáo trình Địa lý kinh tế - Xã hội Việt Nam

pdf 156 trang ngocly 2970
Bạn đang xem 20 trang mẫu của tài liệu "Giáo trình Địa lý kinh tế - Xã hội Việt Nam", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfgiao_trinh_dia_ly_kinh_te_xa_hoi_viet_nam.pdf

Nội dung text: Giáo trình Địa lý kinh tế - Xã hội Việt Nam

  1. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH KHOA ĐỊA LÝ TS. PHẠM XUÂN HẬU G I Á O T R Ì N H TP. Hồ Chí Minh – 2002
  2. MỤC LỤC LỜI NÓI ĐẦU 4 Chương I: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ TỔ CHỨC LÃNH THỔ SẢN XUẤT 5 I. Cơ sở xây dựng phương án tổ chức lãnh thổ các vùng ở Việt Nam 5 I.1 Một số quan niệm về vùng 5 I.2 Cơ sở xây dựng phương án 5 I.3 Một số nguyên tắc cần vận dụng khi xây dựng phương án 8 I.4 Các phương pháp cần vận dụng trong quá trình tổ chức lãnh thổ s/x 9 I.5 Nghiên cứu các yếu tố tạo vùng 10 I.6. Hệ thống phân vị 10 II. Khái quát một số phương án phân vùng lãnh thổ Việt Nam 11 II.1 Phương án của khoa Địa lý trường ĐHSP 1 – Hà Nội 11 II.2 Phương án của Bộ môn địa lý kinh tế trường ĐH KT – Kế hoạch, Hà Nội 11 II.3 Phương án của Ban địa lý UBKH – Xã hội Việt Nam 12 II.4 Phương án của Nguyễn Văn Thái (trường ĐHKT – Tp.HCM) 12 II.5 Phương án của Nguyễn Xuân Ngọc – Viện phân vùng quy hoạch TU 12 II.6 Phương án của Ủy ban phân vùng kinh tế Trung ương 13 II.7 Phương án của Viện chiến lược phát triển kinh tế (1994-1995) 14 II.8 Phương án của Viện chiến lược phát triển (đã điều chỉnh ranh giới 2001) 15 Chương II: TỔ CHỨC LÃNH THỔ SẢN XUẤT CÁC VÙNG Ở VN 17 I. VÙNG TÂY BẮC BẮC BỘ 17 1. Các yếu tố ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển vùng 17 2. Tổ chức lãnh thổ sản xuất vùng Tây Bắc Bắc bộ 23 II. VÙNG ĐÔNG BẮC BẮC BỘ 33 1.Các yếu tố ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển vùng 33 2. Tổ chức hệ thống sản xuất lãnh thổ vùng Đông Bắc Bắc bộ 38 3. Những định hướng phát triển kinh tế vùng Đông Bắc Bắc bộ 48 III. VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG 51 1. Các yếu tố ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển vùng 51 2. Tổ chức lãnh thổ sản xuất vùng đồng bằng sông Hồng 53 3. Những định hướng phát triển kinh tế – xã hội vùng đ/bằng sông Hồng 67 IV. VÙNG BẮC TRUNG BỘ 69 1. Các yếu tố ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển vùng 69 2. Tổ chức lãnh thổ sản xuất vùng Bắc Trung bộ 73 3. Những định hướng phát triển kinh tế – xã hội vùng Bắc Trung bộ 81 V. VÙNG DUYÊN HẢI NAM TRUNG BỘ 84
  3. 1. Các yếu tố ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển vùng 84 2. Tổ chức lãnh thổ sản xuất vùng Duyên hải Nam Trung bộ 88 3. Những định hướng phát triển kinh tế vùng 98 VI. VÙNG TÂY NGUYÊN 100 1. Các yếu tố ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển vùng 100 2. Tổ chức lãnh thổ sản xuất vùng Tây Nguyên 104 3. Những định hướng phát triển kinh tế – xã hội vùng Tây Nguyên 110 VII. VÙNG ĐÔNG NAM BỘ 113 1. Các yếu tố ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển vùng 113 2. Tổ chức lãnh thổ sản xuất vùng Đông Nam bộ 117 3. Những định hướng phát triển kinh tế – xã hội vùng Đông Nam bộ 125 VIII. VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG 129 1. Các yếu tố ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển vùng 129 2. Tổ chức lãnh thổ sản xuất vùng đồng bằng sông Cửu Long 133 3. Những định hướng phát triển kinh tế – xã hội vùng ĐBSCL 142 Chương III : KHÁI QUÁT VỀ CÁC VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM VÀ KHU CHẾ XUẤT Ở VIỆT NAM 145 I. Các vùng kinh tế trọng điểm 145 I.1 Khái niệm vùng kinh tế trọng điểm 145 I.2 Vai trò của vùng kinh tế trọng điểm 145 I.3 Các vùng kinh tế trọng điểm ở Việt Nam 149 II. Khái quát các khu chế xuất ở Việt Nam 153 II.1 Khái niệm về khu chế xuất 153 II.2 Đặc điểm của khu chế xuất 154 II.3 Lợi ích của khu chế xuất với nước chủ nhà 155 II.4 Lợi ích của nhà đầu tư vào khu chế xuất 155 II.5 Lựa chọn địa điểm, quy mô của khu chế xuất 155 II.6 Khái quát một số khu chế xuất ở Việt Nam 156 Tài liệu tham khảo 161
  4. LỜI NÓI ĐẦU Học phần địa lý kinh tế – xã hội Việt Nam thuộc chương trình bắt buộc của giai đoạn đại cương đối với một số các trường đại học và cao đẳng, đặc biệt là với sinh viên khoa Địa lý của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn, Đại học Sư phạm, các khoa Kinh tế phát triển của Đại học Kinh tế, các khoa Du lịch của các trường công lập và dân lập. Đến nay, giáo trình này đã được biên soạn nhiều lần ở nhiều nhóm tác giả khác nhau, các tác giả ở Đại học Kinh tế thì chú trọng về vấn đề kinh tế, ở Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn thì chú trọng về mặt xã hội. Ngay ở khoa Địa lý trường Đại học Sư phạm Tp.HCM giáo trình cũng đã được biên soạn nhiều lần, mỗi lần đều có sửa đổi, bổ sung căn bản, cập nhật hóa tư liệu, kiến thức mới nhằm nâng chất lượng giáo trình ngày càng tốt hơn. Dưới sự đồng ý của tổ chuyên môn, hội đồng khoa học và đào tạo khoa, tôi biên soạn cuốn giáo trình Địa lý kinh tế – xã hội Việt Nam (phần II – Tổ chức lãnh thổ sản xuất các vùng ở Việt Nam) với cấu trúc mới, nội dung cập nhật những kiến thức mới nhằm phục vụ kịp thời cho giáo viên và sinh viên của các trường Đại học, Cao đẳng khi học tập học phần này. Giáo trình có kế thừa những nội dung của các tập in trước đây của tác giả và của các tác giả ở các trường khác, nhưng có thay đổi về căn bản, đặc biệt là những kiến thức mới về tổ chức lãnh thổ sản xuất các vùng, vùng trọng điểm, khu chế xuất đáp ứng yêu cầu thời kỳ công nghiệp hóa và hiện đại hóa . Giáo trình được trình bày trong 3 chương : Chương I : Cơ sở lý luận của tổ chức sản xuất lãnh thổ Chương II : Tổ chức lãnh thổ sản xuất các vùng ở Việt Nam Chương III : Khái quát các vùng kinh tế trọng điểm và khu chế xuất ở Việt Nam. Trong quá trình biên soạn nguồn tư liệu đôi khi chưa thật đồng bộ, song tôi cố gắng xử lý cho phù hợp với nội dung của từng phần mà số liệu thể hiện ý nghĩa của nó. Trong thời kỳ phát triển nhanh không ngừng của nền kinh tế ở khu vực, thế giới và nước nhà, yêu cầu của xã hội đòi hỏi ngày càng cao. Giáo trình có thể không đáp ứng được đầy đủ và có thể còn có những sai sót nhất định. Tôi mong nhận được sự đóng góp ý kiến của các bạn đồng nghiệp và các sinh viên khi sử dụng giáo trình, để tôi sửa chữa, bổ sung kịp thời. Tác giả
  5. Chương I : CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ TỔ CHỨC LÃNH THỔ SẢN XUẤT I. CƠ SỞ XÂY DỰNG PHƯƠNG ÁN TỔ CHỨC LÃNH THỔ CÁC VÙNG Ở VIỆT NAM. I.1. Một số quan niệm về vùng. Trong các tài liệu đã tồn tại những quan niệm khác nhau về vùng do cách nhìn khác nhau với mục đích và tiêu chí khác nhau. Song dù quy mô vùng thế nào, lớn hay nhỏ, chúng ta đều thấy có những điểm chung nhất, đó là một lãnh thổ có ranh giới nhất định, trong đó có sự tác động tương hỗ giữa các yếu tố tự nhiên – môi trường và con người (bao gồm các hoạt động sản xuất và tiêu thụ). Có thể hiểu về vùng như sau: “Vùng là một bộ phận của lãnh thổ quốc gia có một sắc thái đặc thù nhất định, hoạt động như một hệ thống do có những mối quan hệ tương đối chặt chẽ giữa các thành phần cấu tạo nên nó cũng như mối quan hệ có chọn lọc với không gian các cấp bên ngoài” Với cách hiểu trên, có thể thấy rằng : vùng là một hệ thống bao gồm các mối liên hệ của các bộ phận cấu thành với các dạng liên hệ địa lí, kĩ thuật, kinh tế, xã hội bên trong hệ thống cũng như bên ngoài hệ thống. Sự tồn tại của vùng là khách quan. Quy mô và số lượng vùng có sự thay đổi theo các giai đoạn phát triển của đất nước. “Vùng tồn tại do yêu cầu phát triển của nền kinh tế quốc gia. Tính khách quan của vùng được cụ thể hóa thông qua những nguyên tắc do con người đặt ra. Vùng là cơ sở để hoạch định các chiến lược, các kế hoạch phát tirển kinh tế theo lãnh thổ cũng như để quản lí các quá trình phát triển kinh tế – xã hội trên mỗi vùng của đất nước”. I.2. Cơ sở xây dựng phương án : Ngay từ giữa thế kỷ XV, khi khoa học địa lý thế giới mới phát triển, ở nước ta “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi ra đời (1435). Một loạt công trình nghiên cứu theo địa vực hành chính, tiếp cận với quan điểm dân tộc, độc lập và tự chủ cũng được biên soạn. Mỗi đơn vị, mỗi địa phương được đề cập tới về vị trí địa lý, ranh giới, quy mô lãnh thổ, tổ chức xã hội, tình hình kinh tế với những đặc thù của riêng mình. Giữa thế kỷ XVII, trong nhiều công trình của mình, Lê Quý Đôn đã nghiên cứu trọn vẹn một địa phương coi như một vùng (Thuận Hóa, Quảng Nam). Trải qua các triều đại phong kiến kế tiếp, trong nhiều công trình chuyên khảo đã có một số công trình chú ý đến lĩnh vực nghiên cứu địa phương như: Lịch triều hiến chương; Đại Nam nhất thống chí Xét dưới góc độ địa lý hành chính, trong quá trình xây dựng và mở mang đất nước, mỗi triều đại đã phân chia lãnh thổ ra thành những đơn vị nhiều cấp để thuận tiện cho việc quản lý và bảo vệ an ninh, quốc phòng. Từ thời Hai Bà Trưng, nước ta đã được chia ra thành các quận, huyện với 65 thành trì. Dưới các triều Lý, Trần, Hồ, các bộ phận của lãnh thổ mang tên là Lộ. Đời Lê các Lộ đổi thành Trấn, cả nước có 5 Đạo. Mỗi Đạo lại bao gồm nhiều Phủ, Châu, Huyện. Đến đời Nguyễn các Trấn đổi thành Tỉnh. Trong từng thời kỳ, tùy theo mục đích chính trị, kinh tế, quân sự mà các đơn vị hành chính trên được gộp thành những đơn vị hành chính dưới cấp quốc gia. Những Đạo thời Lý, Trần, Hồ do nhiều Phủ, Châu, Huyện tạo nên được tập hợp lại thành Đàng trong, Đàng
  6. ngoài thời kì Trịnh Nguyễn phân tranh; thành Kỳ, Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ thời thực dân Pháp đô hộ, các Liên khu thời kháng chiến chống Pháp (1945 – 1954); các Khu tự trị như : Khu tự trị Việt Bắc (1956), khu tự trị Thái – Mèo năm 1955, năm 1962 đổi thành khu tự trị Tây Bắc Việc hình thành một đơn vị lãnh thổ lớn dưới cấp quốc gia cho thấy nhu cầu quản lý đất nước cần có sự phân cấp, trong đó nổi lên là cấp trung gian giữa quốc gia và tỉnh, tạm gọi là vùng. Thời kỳ 1960 – 1975, việc nghiên cứu và phân vùng diễn ra chủ yếu trên lãnh thổ miền Bắc Việt Nam (từ Vĩnh Linh trở ra) với đặc trưng chính về kinh tế là nông, lâm, ngư nghiệp. Do đó, dáng dấp của nó chủ yếu là các vùng nông – lâm – ngư nghiệp. Vào các năm 1960 – 1970, Ủy ban kế hoạch nhà nước phối hợp với Bộ Nông Nghiệp nghiên cứu phân vùng nông nghiệp ở miền Bắc và chia miền Bắc thành 4 vùng nông nghiệp lớn: Tây Bắc, Đông Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Khu Bốn cũ (từ Thanh Hóa đến Vĩnh Linh). Năm 1986, Ủy ban xây dựng cơ bản Nhà nước triển khai nghiên cứu quy hoạch các điểm công nghiệp trên toàn miền Bắc. Đến 1971 – 1975, Nhà nước tiến hành quy hoạch theo các vùng chuyên canh cây công nghiệp. Ngành lâm nghiệp quy hoạch một số vùng chuyên môn hóa như vùng giấy sợi, vùng gỗ trụ mỏ Trong công nghiệp tiếp tục nghiên cứu địa điểm bố trí các công trình lớn. Thời kỳ này cũng bắt đầu tiến hành quy hoạch một số huyện, thị xã trọng điểm. Công tác quy hoạch trong thời kỳ trên chủ yếu đáp ứng yêu cầu tổ chức lại sản xuất nông lâm nghiệp theo các địa bàn lãnh thổ. Vào cuối những năm 60, trong giáo trình giảng dạy về vùng ở các trường Đại học, đặc biệt ở trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Giáo sư Trần Đình Gián phân chia lãnh thổ nước ta thành hai vùng kinh tế cơ bản theo thực thể phân chia ranh giới chính trị hồi đó, với 4 á vùng cho giai đoạn phát triển trước mắt. Trước đó vận dụng nghị quyết Đại hội Đảng lần III, ông phân miền Bắc thành 4 vùng kinh tế hành chính, đồng thời đề ra một hệ thống phân vị 3 cấp : vùng kinh tế – xã hội lớn, vùng kinh tế – hành chính tỉnh (hay liên tỉnh), vùng kinh tế cơ sở huyện (hay liên huyện). Ba cấp đó giống như một hệ thống động lực, tiêu biểu mang đặc điểm Việt Nam. + Cấp vùng kinh tế – xã hội lớn phải đủ tiềm lực để trang bị kỹ thuật và đổi mới kĩ thuật – công nghệ cho nền kinh tế quốc dân trong phạm vi lãnh thổ của mình. Do đó, cần có một mạng lưới năng lượng, nguyên liệu và lương thực cùng với những cơ sở chế tạo và thiết kế cơ bản ở mức độ thích hợp. Hơn nữa, trong điều kiện khoa học đã trở thành một lực lượng sản xuất trực tiếp, trong vùng kinh tế – xã hội lớn phải có một hệ thống nghiên cứu và đào tạo hoàn chỉnh gồm các trường đại học, cao đẳng và kĩ thuật dạy nghề ở quy mô thích hợp với nhiệm vụ tập trung chất xám phục vụ cho sự phát triển chuyên môn hóa đi đôi với sự phát triển tổng hợp lâu dài của vùng. + Cấp vùng kinh tế hành chính tỉnh (hay liên tỉnh) với quy mô lãnh thổ hợp lý là điểm hội tụ của nền kinh tế Trung ương và kinh tế địa phương, nhằm dần dần hình thành cơ cấu công nông nghiệp thích hợp, quy mô vừa và nhỏ, gắn với nhau trong sự phát triển. + Cấp vùng kinh tế cơ sở huyện (hay liên huyện) là những đơn vị hành chính, kinh tế – xã hội, quản lí và tổ chức giữa ngành với lãnh thổ với mục tiêu là xây dựng một cơ cấu nông – lâm – ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và công nghiệp, kết hợp truyền thống địa phương từ làng xã với phong trào rộng rãi của quần chúng cơ sở, lấy quy mô nhỏ là chính, để từng bước thực hiện công nghiệp hóa nông, lâm, ngư nghiệp địa phương. Thời kỳ 1976 – 1980, ngay sau khi đất nước thống nhất, một chương trình phân vùng quy hoạch đã được triển khai trên phạm vi cả nước. Đây là giai đoạn phân vùng nông lâm
  7. nghiệp gắn với công nghiệp chế biến nông, lâm, hải sản. Trên cơ sở 40 tỉnh, thành phố, đặc khu, đất nước được phân chia thành 7 vùng nông nghiệp. Đó là Trung du và miền núi Bắc bộ (10 tỉnh), Đồng bằng sông Hồng (6 tỉnh), Khu 4 cũ nay gọi là Bắc Trung bộ (3 tỉnh), Duyên hải Nam Trung bộ (4 tỉnh); Tây Nguyên (3 tỉnh), Đông Nam bộ (5 tỉnh, thành phố, đặc khu), Đồng bằng sông Cửu Long (9 tỉnh). Hệ thống 7 vùng này hình thành các vùng chuyên môn hóa tập trung. Cụ thể là : - Trung du và miền núi phía Bắc : quế, hồi, sơn, chè, thuốc lá, hoa quả cận nhiệt đới, ngô, sắn, trâu, bò, dê . - Đồng bằng sông Hồng : lúa, gạo, lạc, đỗ tương, mía, cói, đay, rau, sản phẩm chăn nuôi lấy thịt. - Khu IV cũ : gỗ, lạc, hồ tiêu - Duyên hải Nam Trung bộ : mía, bông, đào lộn hột, quế, hồ tiêu, lạc, lúa gạo, khoai lang, bò, lợn. - Tây Nguyên : cà phê, cao su, chè, dâu tằm, ngô, trâu bò - Đông Nam bộ : cao su, cà phê, hồ tiêu, lạc, đậu tương, mía, ngô - Đồng bằng sông Cửu Long hướng sản xuất chính là trồng lúa gạo, đậu tương, mía, cây ăn quả, lợn, vịt, tôm, cá. Bên cạnh việc phân vùng nông lâm nghiệp, công tác phân bố công nghiệp cũng được triển khai. Từ chỗ chủ yếu tìm địa điểm cho từng nhà máy, công trình riêng lẻ, đã bắt đầu nghiên cứu bố trí hệ thống các nhà máy, xí nghiệp có tính chất liên ngành, hỗ trợ lẫn nhau, luận chứng hình thành các cụm công nghiệp. Nhận thức được tầm quan trọng của công tác phân vùng quy hoạch và tổ chức không gian lãnh thổ, năm 1977 Ủy ban phân vùng kinh tế Trung ương đã được thành lập. Vụ phân vùng quy hoạch của Ủy ban kế hoạch Nhà nước được tách ra và đổi tên thành Viện phân vùng quy hoạch Trung ương và là cơ quan thường trực của Ủy ban phân vùng kinh tế Trung ương. Đã hình thành hệ thống tổ chức của ngành từ Trung ương đến các địa phương. Ủy ban phân vùng quy hoạch các tỉnh được thành lập, các Viện quy hoạch ngành cũng được tăng cườøng và phát triển. Toàn bộ quá trình phân vùng quy hoạch được tiến hành dưới sự chỉ đạo tực tiếp của Chính Phủ và của Ủy ban nhân dân các cấp. Từ năm 1981 – 1985, theo quan điểm phát triển kinh tế tổng hợp, đồng bộ và cân đối, năm 1982 lần đầu tiên chúng ta tiến hành nghiên cứu xây dựng Tổng sơ đồ phân bố lực lượng sản xuất giai đoạn 1986 – 2000. Đây là một quá trình nghiên cứu tương đối tổng hợp và toàn diện. Lãnh thổ Việt Nam với 40 tỉnh, thành, đặc khu được chia thành 4 vùng kinh tế cơ bản và 7 tiểu vùng (tương tự như 7 vùng nông lâm nghiệp) + Vùng Bắc Bộ gồm 16 tỉnh được chia làm 2 tiểu vùng là Trung du – miền núi (10 tỉnh) và Đồng bằng sông Hồng (6 tỉnh), gồm các tỉnh Hà Tuyên, Hoàng Liên Sơn, Lau Châu, Quảng Ninh, Sơn La, Lạng Sơn, Vĩnh Phú, Hà Nam Ninh, Hà Nội, Hà Sơn Bình, Hải Hưng, Hải Phòng, Thái Bình. + Vùng Bắc Trung Bộ gồm 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh, Bình – Trị – Thiên (không chia tiểu vùng) + Vùng Nam Trung Bộ được chia làm 2 tiểu vùng Duyên Hải khu V và Tây Nguyên, gồm 7 tỉnh : Gia Lai – Kon Tum, Đắc Lắc, Lâm Đồng, Quảng Nam – Đà Nẵng, Phú Khánh, Nghĩa Bình, Thuận Hải. + Vùng Nam Bộ được chia làm 2 tiểu vùng Đông Nam bộ và Tây Nam bộ, gồm 14 tỉnh : Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Sông Bé, Tây Ninh, đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo, An
  8. Giang, Bến Tre, Cửu Long, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Tiền Giang, Minh Hải. Hệ thống 4 vùng này được phân chia dựa trên cơ sở mỗi vùng phải đảm bảo một số nội dung : + Có cơ cấu tài nguyên nhất định trên lãnh thổ để đảm bảo việc chuyên môn hóa và phát triển tổng hợp nền kinh tế của vùng. + Có nguồn lao động đủ để đảm bảo việc kết hợp tài nguyên thiên nhiên với lực lượng lao động và tư liệu sản xuất. + Có vị trí, chức năng nhất định trong nền kinh tế quốc dân trên cơ sở chuyên môn hóa và phát triển tổng hợp. + Có thành phố, trung tâm công nghiệp hoặc thể tổng hợp sản xuất – lãnh thổ là hạt nhân tạo vùng . + Có hệ thống giao thông đảm bảo mối liên hệ nội vùng, liên vùng, cũng như giữa các vùng với các nước trong khu vực và trên thế giới. Giai đoạn này đã triển khai đồng bộ các khâu như : điều tra cơ bản, phân tích thực trạng, dự báo và xây dựng phương hướng phát triển. Các phương hướng phát triển nông lâm ngư nghiệp, phân bố công nghiệp và các công trình then chốt là những căn cứ cơ bản để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế và nghiên cứu quy hoạch ở các giai đoạn sau. Từ 1986 đến nay, nền kinh tế chuyển từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Cơ cấu nền kinh tế quốc dân có những chuyển biến cả về chất và về lượng. Nhiều yếu tố và cơ hội mới cũng nảy sinh. Bên cạnh đó, do yêu cầu của việc mở cửa với thế giới và hội nhập vào nền kinh tế khu vực, Việt Nam cần có một chiến lược phát triển phù hợp. Trong tình hình đó, Thủ tướng Chính Phủ đã chỉ thị cho Ủy ban kế hoạch Nhà Nước (nay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư) có nhiệm vụ làm đầu mối, chủ trì phối hợp với các ngành Trung ương nghiên cứu quy hoạch 8 vùng lớn, 3 vùng kinh tế trọng điểm ở Bắc bộ, Nam bộ và Trung bộ; chỉ đạo, hướng dẫn và hỗ trợ tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2010. I.3. Một số nguyên tắc cần vận dụng khi xây dựng phương án. 3.1 Nguyên tắc đảm bảo hiệu quả kinh tế cao : Nguyên tắc kinh tế đòi hỏi trong phân chia các vùng, tiến hành tổ chức lãnh thổ ở các vùng phải đảm bảo sự cân đối hài hòa giữa sản xuất – nhu cầu – khả năng của vùng và cả nước, đảm bảo hiệu quả kinh tế cao là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình tổ chức sản xuất theo vùng lãnh thổ. Việc xác định ưu thế của từng ngành, các cực phát triển, cực tăng trưởng, cực liên kết, các hành lang phát triển (những hạt nhân tạo vùng) sẽ tạo cơ sở vững chắc, khoa học cho việc tổ chức không gian kinh tế – xã hội của vùng phát triển hoàn thiện hơn. Từ đó sẽ tạo ra sức mạnh cuốn hút các vùng khác phát triển. 3.2 Nguyên tắc hành chính : Nguyên tắc hành chính đặt ra là nhất thiết phải thống nhất giữa phân vùng kinh tế với việc xác lập ranh giới giữa các đơn vị hành chính theo lãnh thổ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý toàn bộ hoạt động kinh tế – xã hội của vùng, địa phương. 3.3 Nguyên tắc lịch sử – viễn cảnh : Phân vùng kinh tế trước hết phải dựa vào các yếu tố quá khứ để xem xét sự tồn tại và phát triển của ngành, lãnh thổ hiện tại từ đó vạch ra viễn cảnh dự báo cho tương lai.
  9. 3.4 Nguyên tắc đảm bảo sự phát triển bền vững: Đảm bảo sự phát triển bền vững là nguyên tắc bắt buộc đối với mọi hoạt động sản xuất xã hội. Trong quá trình tác động giữa các đối tượng cần đảm bảo sự kết hợp hài hòa giữa khai thác – sử dụng – bảo quản tu bổ. Có chú ý đặc biệt đến vấn đề môi trường. Đối với việc tổ chức lãnh thổ sản xuất các vùng cần phải được đặc biệt chú ý nhằm đảm bảo sự ổn định phát triển lâu dài đối với mỗi địa phương, vùng lãnh thổ. I.4. Các phương pháp cần vận dụng trong quá trình tổ chức lãnh thổ. 4.1 Phương pháp phân tích hệ thống – tổng hợp : Hệ thống lãnh thổ sản xuất là một hệ thống tổng hợp, trong đó mối liên hệ giữa các ngành, liên ngành, các vùng, liên vùng về các chức năng kinh tế – xã hội, các yếu tố phát triển, các hình thức tổ chức theo lãnh thổ ở các cấp luôn luôn diễn ra. Sử dụng phương pháp tiếp cận hệ tống cho phép xác định được hệ thống lãnh thổ sản xuất và các mô hình của các đối tượng khi tiến hành tổ chức sản xuất. Phương pháp tiến hành tiếp cận hệ thống còn nghiên cứu có hệ thống các lãnh thổ sản xuất bao gồm việc tìm và giải thích được mối liên hệ giữa nguồn gốc phát sinh (vạch ra nguồn gốc, các giai đoạn hình thành, phát triển của kiểu lãnh thổ sản xuất nào đó) với hiện tại (hiện trạng sự phát triển của lãnh thổ sản xuất) và phân tích dự báo tương lai (xác định hướng phát triển của hệ thống lãnh thổ sản xuất). Các mối liên hệ đó là yếu tố đảm bảo sự tồn tại, phát triển hay suy thoái của lãnh thổ sản xuất. 4.2 Phương pháp phân tích toán học: Phương pháp phân tích toán học hiện nay được đánh giá là phương pháp có thể đem lại hiệu quả rõ rệt nhất cho việc nghiên cứu phân vùng kinh tế. Trong phân vùng, muốn phân tích cấu trúc, đánh giá môi trường, xác định chất lượng, tính toàn vẹn, tính thích hợp của hệ thống lãnh thổ sản xuất phải nhờ vào kết quả của phương pháp phân tích toán học mới đảm bảo độ chính xác cao. Phương pháp phân tích toán học làm tăng tính định lượng trong khi lập luận chứng kinh tế theo vùng, lãnh thổ, bản thân nó sẽ làm giảm đi sự suy đoán định tính đã được sử dụng từ lâu. 4.3 Phương pháp cân đối: Phương pháp cân đối là tập hợp các phương pháp tính toán nhằm phân tích lập kế hoạch và dự báo sự phát triển của hệ thống lãnh thổ sản xuất, có chú ý đến khối lượng, cơ cấu nhu cầu, tài nguyên và sức chứa của cơ sở vật chất – kỹ thuật phục vụ sản xuất. Phương pháp này đã được dùng để tính toán tương quan về các mặt: + Thu nhập của người sản xuất và chi phí của họ cho việc hoạt động sản xuất + Xác lập cân đối quy mô giữa các ngành, địa phương trong vùng về việc sử dụng tài nguyên, nhân lực, cung ứng vật tư, phương tiện sản xuất, sản phẩm tiêu dùng Sự cân đối này là vô cùng cần thiết, không thể thiếu khi xây dựng kế hoạch phát triển lãnh thổ kinh tế – xã hội vùng. 4.4 Phương pháp bản đồ: Ngay từ khi bắt đầu nghiên cứu phân vùng kinh tế – tổ chức lãnh thổ sản xuất các vùng, phương pháp bản đồ đã xuất hiện. Tên bản đồ không chỉ như một phương tiện phản ánh những đặc điểm không gian về nguồn tài nguyên, dân cư, các địa bàn cư trú mà nó còn là cơ sở để tiếp nhận, phản ánh lượng thông tin mới và vạch ra tính quy luật hoạt động của hệ thống. Tính hệ thống của đối tượng nghiên cứu đòi hỏi phải sử dụng và phân tích hàng loạt các bản đồ khác nhau.
  10. Sự thể hiện của quá trình xác định các vùng lãnh thổ trên bản đồ là bước cuối cùng của người làm công tác phân vùng kinh tế. Thông qua đó chúng ta có thể nhìn được bức tranh tổng quát về các vùng, các lãnh thổ sản xuất riêng biệt trên lãnh thổ vùng các cấp. 4.5 Phương pháp thực địa: Phương pháp thực địa là phương pháp truyền thống của địa lý học, được sử dụng rộng rãi, thường xuyên khi nghiên cứu thực tế địa phương, vùng từ thấp đến cao về các yếu tố tự nhiên, dân cư, phong tục tập quán, trình độ văn hóa, khoa học kỹ thuật, hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ cho tổ chức sản xuất các ngành, địa phương và vùng lãnh thổ. Phương pháp thực địa cho ta thu thập được nguồn thông tin đáng tin cậy để xây dựng ngân hàng tư liệu cho các phương pháp khác (bản đồ, toán học, cân đối ) phát huy ưu thế trong quá trình lập sơ đồø phân bố lực lượng sản xuất, tổ chức lãnh thổ sản xuất vùng. I.5. Nghiên cứu các yếu tố tạo vùng. 5.1 Yếu tố tự nhiên : Sự khác biệt về nguồn tài nguyên thiên nhiên, phân bố các nguồn tài nguyên được xác định trên một ranh giới tự nhiên có sẵn là cơ sở để nhìn nhận, đánh giá phân chia hợp lý giữa các vùng, đồng thời xem xét được quy mô lãnh thổ sản xuất. 5.2 Yếu tố kinh tế – xã hội : Trình độ phát triển của địa phương trong vùng về các mặt kinh tế, tổ chức sản xuất, cơ sở hạ tầng trong mối quan hệ chặt chẽ ở một giới hạn không gian sẽ cho phép xác định ranh giới vùng phù hợp. 5.3 Cơ sở hạ tầng – vật chất kỹ thuật : Hệ thống giao thông vận tải có vai trò đặc biệt đối với việc phát triển vùng, nó đảm bảo hoàn thiện sự lưu thông trao đổi nguyên liệu, sản phẩm giữa các vùng và nội bộ vùng, đảm bảo vận chuyển hành khách, lực lượng lao động nhanh chóng an toàn đáp ứng yêu cầu của mỗi ngành và toàn vùng. Hệ thống thông tin liên lạc hiện đại đảm bảo đưa và nhận thông tin nhanh, tiếp thu khoa học kỹ thuật nhanh, đặc biệt là việc tìm hiểu thị trường ở phạm vi không gian rộng lớn. Sự phát triển khoa học kỹ thuật hiện đại là điểm tựa vững chắc cho quá trình tìm tòi, thăm dò, khai thác tài nguyên. Đặc biệt là việc tham gia vào qui trình công nghệ cao tạo ra sản phẩm chất lượng, đáp ứng yêu cầu, đưa năng suất lao động ngành và lãnh thổ ngày càng cao hơn. Mặt khác làm giảm được sức lao động của con người. I.6. Hệ thống phân vị. Nước ta tuy diện tích không lớn nhưng lại kéo dài trên nhiều vĩ độ (từ 8(30’ đến 23(22’ vĩ độ Bắc). Mặt khác sự phân hóa các yếu tố tự nhiên, kinh tế xã hội giữa các địa phương, các vùng khá phức tạp, nên việc tổ chức lãnh thổ các vùng là một thực tế khách quan. Các nhà khoa học nước ta đã đưa ra hệ thống phân vị gồm 3 cấp tương ứng với cấp độ lớn nhỏ : + Vùng kinh tế lớn gồm nhiều tỉnh kế cận nhau + Vùng kinh tế cấp II (vùng kinh tế tỉnh, hành chính) + Vùng kinh tế hành chính huyện (huyện hoặc liên huyện) Bên cạnh 3 cấp vùng này còn có hệ thống cấp vùng đang được xác lập vì nó cũng có ý nghĩa thực tiễn : cấp tiểu vùng trong vùng kinh tế lớn, các tiểu vùng được xác định chủ yếu
  11. dựa vào những nét riêng biệt về tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, đặc trưng sản xuất và có vai trò riêng trong vùng kinh tế lớn. II. KHÁI QUÁT MỘT SỐ PHƯƠNG ÁN PHÂN VÙNG LÃNH THỔ VIỆT NAM. II.1. Phương án của khoa Địa lý trường ĐHSP 1 - Hà Nội. Phương án chú ý khi phân vùng kinh tế cần quan tâm đến sự phân hóa các điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên theo lãnh thổ. Sự phân hóa lớn nhất về tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên ở nước ta hiện nay thể hiện ở hai khu vực Bắc và Nam mà ranh giới là dãy núi Bạch Mã (đèo Hải Vân) trên vĩ tuyến 16 là rõ rệt nhất. Ở mỗi vùng (Bắc nà Nam) có một cấu trúc dân cư đặc thù, có những di sản văn hóa, sinh hoạt, sự phân bố lực lượng sản xuất khác nhau. Sự khác biệt về kinh tế ở miền Bắc, Nam còn thể hiện ở quan hệ sản xuất, khả năng vận dụng khoa học kỹ thuật, khai thác tài nguyên thiên nhiên. Sự khác biệt đó phải trong thời gian dài mới có thể khắc phục được. Phương án phân chia lãnh thổ nước ta thành hai vùng kinh tế lớn là : + Vùng kinh tế hành chính Bắc bộ + Vùng kinh tế hành chính Nam bộ II.2. Phương án của bộ môn địa lý kinh tế (trường ĐH Kinh tế – Kế hoạch, Hà Nội). Phương án này dựa trên những căn cứ xác định quá trình hình thành vùng như: các điều kiện tự nhiên, các điều kiện kinh tế – xã hội, đặc biệt là cơ sở hệ thống hạ tầng (giao thông vận tải) và vấn đề dân tộc. Các tác giả của phương án cho rằng: Bắc Trung bộ và Nam Trung bộ có đầy đủ điều kiện kinh tế – xã hội, tự nhiên và các yếu tố khác để trở thành vùng kinh tế lớn hoàn chỉnh. Phương án chia lãnh thổ nước ta thành bốn vùng kinh tế lớn : + Vùng 1: gồm các tỉnh Bắc bộ (các tỉnh đồng bằng, trung du, miền núi Bắc bộ) + Vùng 2 : vùng Bắc Trung bộ gồm các tỉnh khu bốn cũ + Vùng 3 : gồm các tỉnh : Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc. + Vùng 4 : gồm các tỉnh : Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Sông Bé, Tây Ninh, Tp.HCM và 11 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. II.3. Phương án của Ban địa lý UBKH – Xã hội Việt Nam. Căn cứ các yếu tố cấu tạo vùng, trước hết là yếu tố vị trí địa lý (có tầm quan trọng quốc tế) và nguồn tài nguyên, các tác giả nhận định mỗi địa phương có thể được coi là hình ảnh thu hẹp về tài nguyên của cả nước, yếu tố dân cư, giao thông vận tải, quốc phòng, cấu trúc cơ sở hạ tầng Phương án cho rằng: Nam Tây Nguyên và Nam Trung bộ bị sức hút mạnh mẽ của vùng Nam bộ, kết hợp với Nam bộ thành vùng kinh tế lớn, hoàn chỉnh. Phương án phân chia lãnh thổ nước ta thành 4 vùng kinh tế lớn: + Vùng Bắc bộ + Vùng Bắc Trung bộ + Vùng Nam bộ và Bắc Tây Nguyên + Vùng Nam Tây Nguyên - Nam Trung bộ và Nam bộ
  12. II.4. Phương án của Nguyễn Văn Thái (trường ĐH Kinh tế – Tp.HCM) Tác giả cho rằng những căn cứ thực tiễn để xác lập hệ thống vùng là: Các nhân tố kinh tế, đường lối phát triển kinh tế của nhà nước, những tiến bộ kỹ thuật, trình độ tổ chức quản lý, vốn đầu tư, giao thông vận tải và sức hút kinh tế. Các nhân tố tự nhiên, diện tích lãnh thổ, trữ lượng, chất lượng, sự phân bố các nguồn tài nguyên. Các nhân tố dân cư, lịch sử, xã hội, quốc phòng, trong đó chú ý đến dân số, các trung tâm dân cư, thành thị, phong tục tập quán. Phương án đặc biệt quan tâm đến việc bảo đảm cho phát triển và phân bố sản xuất giữa các vùng không đến mức chênh lệch quá nhiều. Tác giả phương án chia lãnh thổ thành 5 vùng kinh tế: + Vùng Đông Bắc Bắc bộ + Vùng Tây Bắc và đồng bằng Bắc bộ + Vùng Tây Nam Bắc bộ + Vùng Trung bộ + Vùng Đông Nam bộ và Tây Nam bộ II.5. Phương án của Nguyễn Xuân Ngọc – Viện phân vùng quy hoạch Trung ương. Phương án nêu ra một số quan điểm lý luận, phương pháp luận về phân vùng kinh tế với những căn cứ : Sự chuyên môn hóa sản xuất của vùng, quy mô và ý nghĩa của nó trong nền kinh tế quốc dân Cơ cấu kinh tế của vùng, các mối liên hệ sản xuất, kinh tế trong và ngoài vùng. Hệ thống các trung tâm kinh tế các thành phố, đặc biệt là các thành phố lớn và hệ thống giao thông vận tải. Phương án minh họa đầy đủ về tính thống nhất kinh tế của mỗi vùng: + Vùng Bắc bộ: có 2 tiểu vùng : - Trung Du – Miền núi - Đồng bằng sông Hồng + Vùng Bắc Trung bộ + Vùng Nam Trung bộ : có 2 tiểu vùng : - Tây Nguyên - Duyên Hải khu 5 + Vùng Nam bộ : có 2 tiểu vùng : - Đông Nam bộ - Tây Nam bộ II.6. Phương án của Ủy ban phân vùng kinh tế Trung ương. Khi tiến hành lập phương án, trước hết là quán triệt đầy đủ, sâu sắc nguyên lý, quan điểm Mácxít, thực hiện vận dụng các nguyên tắc như : nguyên tắc xã hội chủ nghĩa “kinh tế”, nguyên tắc “hành chính”, nguyên tắc “lịch sử – dân tộc”. Thông qua hệ thống các quan điểm, các phương pháp phân vùng được trực hiện trên cơ sở nghiên cứu kỹ những phương án của các tác giả, cân nhắc những ưu điểm, nhược điểm ở mỗi phương án, sau đó lực chọn có căn cứ khoa học hợp với thực tế đưa ra phương án tối ưu cho việc phân vùng kinh tế ở nước ta.
  13. Ở nước ta, tuy diện tích lãnh thổ không lớn, song với tính riêng biệt của các yếu tố tạo vùng, phương án xác lập hệ thống phân vị vùng tương đương với lãnh thổ sản xuất lớn, nhỏ. + Cấp vùng kinh tế lớn + Vùng kinh tế hành chính tỉnh + Vùng kinh tế hành chính huyện Bên cạnh 3 cấp vùng này ta còn thấy cấp vùng chưa được xác lập chính thức nhưng nó cũng có nhiều ý nghĩa thưc tiễn gọi là tiểu vùng trong vùng kinh tế lớn. Các tiểu vùng được xác định chủ yếu vào những nét riêng biệt về tự nhiên, tài nguyên dân cư, đặc trưng sản xuất và nó cũng có vai trò riêng trong vùng kinh tế lớn. Việc xác định tiểu vùng có ý nghĩa thực tiễn cho quá trình lập kế hoạch hóa quản lý kinh tế trong chừng mực nhất định (vùng sông Hồng, vùng Tây Nguyên, vùng đồng bằng sông Cửu Long). Phương án phân chia lãnh thổ thành 4 vùng : - Vùng kinh tế Bắc bộ gồm các tỉnh : Cao Bằng, Bắc Thái, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Hà Đông, Sơn Tây, Hoà Bình, Sơn La, Lai Châu, Quảng Ninh, Vĩnh Phú, Phú Thọ, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Thái Bình và thủ đô Hà Nội Có 3 tiểu vùng trong kinh tế lớn : + Tây Bắc Bắc bộ + Đông Bắc Bắc bộ + Đồng bằng sông Hồng - Vùng kinh tế Bắc Trung bộ gồm các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Có 2 tiểu vùng trong vùng kinh tế lớn : + Thanh Nghệ Tĩnh + Bình Trị Thiên - Vùng kinh tế Nam Trung bộ: gồm các tỉnh: Quảng Nam, Đà Nẵng, Đắc Lắc, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Có 2 tiểu vùng trong vùng kinh tế lớn : + Duyên Hải Trung và Nam bộ + Tây Nguyên Vùng kinh tế Nam bộ: gồm các tỉnh: Đồng Nai, Sông Bé, Tây Ninh, Bà Rịa Vũng Tàu, Tp.HCM, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Đồng Tháp, Cần Thơ, Sóc Trăng, Kiên Giang, An Giang, Minh Hải. Có 2 tiểu vùng trong vùng kinh tế lớn : + Đông Nam bộ + Tây Nam bộ Phương án đảm bảo được một số yêu cầu đặt ra đối với mỗi vùng kinh tế như: + Có cơ cấu tài nguyên nhất định trên lãnh thổ, đảm bảo vừa chuyên môn hóa vừa phát triển tổng hợp nền kinh tế vùng, xây dựng một cơ cấu kinh tế kết hợp chặt chẽ giữa công nghiệp với nông nghiệp, giữa kinh tế trung ương với kinh tế địa phương.
  14. + Có số lượng, chất lượng lao động đảm bảo kết hợp tài nguyên với lao động và tư liệu sản xuất. Sử dụng nguồn lao động ở vùng bằng cách phân công lao động tại chỗ trên cơ sở nguồn nguyên liệu với kinh nghiệm tập quán sản xuất của từng địa phương và điều chỉnh lao động trong nội bộ vùng trên cơ sở di chuyển lao động đến nơi có tài nguyên, có cơ sở sản xuất. + Có vị trí, chức năng nhất định trong nền kinh tế quốc dân trên cơ sở chuyên môn hóa và phát triển tổng hợp nền kinh tế vùng. Vùng có khả năng sản xuất một số loại sản phẩm có khối lượng hàng hóa lớn cung cấp cho nhu cầu trong vùng và các vùng khác trong nước, có cả thị trường thế giới. + Có thành phố trung tâm công nghiệp hay hệ thống sản xuất lãnh thổ là hạt nhân tạo vùng. Đây chính là những điểm nút, đầu mối của vùng, có sự hợp tác trao đổi với nhau đồng thời tác động đến hoạt động của lãnh thổ xung quanh. + Có hệ thống giao thông phát triển bảo đảm mối liên hệ bên trong vùng và giữa các vùng với nhau. + Có cơ sở vật chất kỹ thuật đảm bảo cho quá trình khai thác tài nguyên phát triển phù hợp, không ngừng nâng cao năng suất lao động các ngành trong vùng. II.7. Phương án của viện chiến lược phát triển kinh tế (1994 – 1995). Năm 1994 – 1995, Viện chiến lược phát triển kinh tế thuộc Bộ kế hoạch và đầu tư nghiên cứu đưa ra phương án tổ chức phát triển kinh tế nước ta theo 8 vùng, việc phân chia này dựa trên những cơ sở quản lý và phát triển vùng ở Việt Nam. - Cơ sở tiến hành : Trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế kế hoạch hóa sang nền kinh tế thị trường ở nước ta, một trong những vấn đề bức xúc cần phải làm rõ cả về lý luận và thực tiễn nghiên cứu quy hoạch quản lý và phát triển vùng, trên cơ sở thực hiện các mục tiêu cụ thể. Xác định trách nhiệm hiện tại và tình hình hoạt động của các cấp chính quyền trong phát triển kinh tế, quản lý hành chính về kinh tế. Việc xây dựng và quản lý quy hoạch phát triển vùng của Việt Nam. Nghiên cứu so sánh với các nước được lựa chọn chủ yếu là trong khu vực về vai trò, trách nhiệm và quyền hạn (nhất là quyền hạn về tài chính) cũng như chức năng và năng lực kế hoạch hóa của các cấp chính quyền (bao gồm cả quan hệ với các doanh nghiệp nhà nước). Đưa ra khuyến nghị chính sách và thể chế về vai trò và quyền hạn nên có (bao gồm cả cơ chế điều phối) của các cấp chính quyền, đặc biệt là các vấn đề quy hoạch và tài chính; đề xuất các quá trình chuyển đổi thực tế với các tam giác tăng trưởng phía Bắc, miền Trung và phía Nam. Vận dụng kết quả nghiên cứu về mô hình quản lý phát triển vùng đã đề xuất vào việc quản lý phát triển tam giác tăng trưởng. - Quá trình thực hiện dự án phát triển kinh tế vùng đã tiến hành một số các hoạt động như : + Nghiên cứu các văn bản pháp quy của nhà nước về chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền các cấp. + Tổ chức đội ngũ công tác viên nghiên cứu, thu nhập tư liệu báo cáo của các địa phương tỉnh, cơ quan nghiên cứu có liên quan. + Tổ chức khảo sát các địa phương và các tam giác tăng trưởng đã được xác định.
  15. Kết quả cuối cùng đã đề xuất được mô hình quản lý phát triển vùng ở Việt Nam, cụ thể như : đối với quản lý tài nguyên, quản lý các hoạt động kinh tế, quản lý các hoạt động xã hội, quản lý ngân sách, quản lý môi trường. Các vùng cụ thể : 1. Vùng Tây Bắc gồm các tỉnh : Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình 2. Vùng Đông Bắc gồm các tỉnh: Quảng Ninh, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Bắc Thái, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái 3. Vùng đồng bằng sông Hồng gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Hà Đông, Sơn Tây, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình. 4. Vùng Bắc Trung bộ gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. 5. Vùng Duyên hải khu 5 gồm: Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. 6. Vùng Tây Nguyên gồm: Lâm Đồng, Đắc Lắc, Gia Lai, Kon Tum 7. Vùng Đông Nam bộ gồm Tp.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Sông Bé, Tây Ninh. 8. Vùng đồng bằng sông Cửu Long gồm : Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre, Cần Thơ, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, Minh Hải. II.8. Phương án của viện chiến lược phát triển (đã điều chỉnh ranh giới 2001). Viện chiến lược phát triển đã xây dựng phương pháp quy hoạch vùng, kể cả vùng trọng điểm và phương pháp quy hoạch tổng thể kinh tế – xã hội cấp tỉnh Hệ thống 8 vùng tổng hợp gồm : + Vùng Đông Bắc (gồm 11 tỉnh: Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái) + Vùng Tây Bắc (gồm 3 tỉnh: Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình) + Vùng đồng bằng sông Hồng (gồm 11 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Tây, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam, Bắc Ninh và Vĩnh Phúc) + Vùng Bắc Trung bộ (gồm 6 tỉnh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế) + Vùng Duyên hải Nam Trung bộ (gồm 6 tỉnh, thành phố là Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa) + Vùng Tây Nguyên (gồm 4 tỉnh, Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Lâm Đồng) + Vùng Đông Nam bộ (gồm 8 tỉnh, thành phố: Ninh Thuận, Bình Thuận, Tp.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh) + Vùng đồng bằng sông Cửu Long (gồm 12 tỉnh, Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng và Bạc Liêu) Ngoài ra trong các vùng lớn còn thiết lập các vùng kinh tế trọng điểm như : + Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ gồm Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Ninh với 3 đô thị chính (Hà Nội, Hải Phòng, Hạ Long) là 3 cực phát triển. + Vùng kinh tế trọng điểm Nam bộ gồm: Tp.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương với 3 cực tạo thành tam giác phát triển : Tp.HCM – Biên Hòa – Vũng Tàu. + Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung gồm Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi.
  16. Ngoài 2 cấp vùng nêu trên, còn đề xuất chia lãnh thổ nước ta thành các dải lớn. Đó là : + Dải đồng bằng ven biển (kể cả vùng biển và hải đảo quốc gia) + Dải trung du và miền núi (dải này có thể chia thành 2 là dải trung du và dải miền núi) Mỗi cách phân chia nêu trên đều có ưu điểm và nhược điểm. Tuy nhiên, có thể rút ra một số nhận định sau đây : + Mỗi hệ thống cùng được phân chia đều dựa trên một hệ thống chỉ tiêu phục vụ cho một số mục đích trong một giai đoạn nhất định. + Mục đích của phân vùng là hình thành hệ thống vùng để làm căn cứ cho các kế hoạch phát triển theo lãnh thổ, phục vụ việc xây dựng cơ chế, chính sách, bảo đảm sự phát triển bền vững và hiệu quả trên phạm vi toàn quốc. + Căn cứ chủ yếu để phân vùng là các lãnh thổ có sự đồng nhất ở mức độ nhất định về các yếu tố tự nhiên, dân cư, xã hội cùng chịu sự chi phối của thị trường và cùng đảm nhận nhiệm vụ nào đó đối với nền kinh tế trong tương lai. Bảng đồ
  17. Chương II : TỔ CHỨC LÃNH THỔ SẢN XUẤT CÁC VÙNG Ở VIỆT NAM I. VÙNG TÂY BẮC BẮC BỘ Tây Bắc là một phần của miền núi và trung du Bắc bộ trước đây, bao gồm các tỉnh Lai Châu, Sơn La và Hòa Bình. Vùng Tây Bắc có diện tích 35.954,4 km2, chiếm 10,9% diện tích cả nước. Dân số của vùng là 2,2, triệu người (năm 1997) với mật độ 61 người/km2. Đây là vùng có mật độ dân số vào loại thấp nhất, sau vùng Tây Nguyên. Ở vào vị trí Tây Bắc nước ta, phía Bắc của vùng giáp với Trung Quốc có đường biên giới dài 310 km, phía Tây giáp Lào có đường biên giới dài 560km, phía Đông giáp với vùng Đông Bắc và một phần đồng bằng sông Hồng, còn phía Nam tiếp giáp với Bắc Trung bộ. Tây Bắc có ý nghĩa quan trọng trong việc giao lưu kinh tế dọc thung lũng sông Hồng với đồng bằng sông Hồng, với các tỉnh phía Tây Nam Trung Quốc và Thượng Lào. Bên cạnh vị trí về kinh tế, vùng này còn có ý nghĩa đặc biệt về quốc phòng. I. CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN VÙNG. I.1. Các yếu tố tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên. 1.1. Địa chất – địa hình: Vùng có lịch sử địa chất lâu dài chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của vận động tân kiến tạo (giai đoạn tạo sơn Hymalaya) Đặc trưng nổi bật của địa hình là núi cao, hiểm trở, hướng địa hình chạy dọc theo hướng Tây Bắc – Đông Nam từ biên giới Việt – Trung về đồng bằng. Địa hình cắt xẻ mạnh, nghiêng từ Tây Bắc xuống Đông Nam. Phía Bắc là những dãy núi cao, phân định biên giới Việt Trung với các đỉnh Phu Tu Lum (2.090m), Phu La Sin (2.348m), và các đỉnh cao 2.410m, 3.020m, 3.080m Phía Đông và Đông Bắc là dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, cao nhất Việt Nam và Đông Dương với đỉnh Phanxipan (3.143m). Nối tiếp dãy Hoàng Liên Sơn là dãy Pu Luông có địa hình cao bình quân từ 1.500m – 1.800m, độ dốc trung bình trên 30(; có địa hình hiểm trở, chia cắt phức tạp, nhiều đỉnh núi cao. Phía Tây và Tây Nam là các dãy núi cao kế tiếp nhau, phân định biên giới Việt – Lào; gồm các dãy núi Phu Đen Đinh với các đỉnh Khoang La Xan (1.865m), San cho Cay (1.934m), Phu Nam Khe (1.860m), Phu Sai Liên (1.728m) và các dãy núi không tên có các điểm cao 1.285m, 1.430m, 1.454m, 1.579m, 1.500m, 1.940m Tiếp đến là dãy Phu Cang Long với các đỉnh có độ cao 1.370m, 1.514m, 1.309m Nằm giữa vùng Tây Bắc là dòng sông Đà chảy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam. Hai bên sông Đà là các sơn nguyên và cao nguyên đá vôi kế tiếp nhau từ Sìn Hồ (Lai Châu) đến Mai Châu (Hòa Bình), có độ cao giảm dần từ Bắc xuống Nam: Sìn Hồ (1.400m – 1.600m), Tủa Chùa (1.200m – 1.400m), Nà Sản (hơn 1.200m), Mộc Châu (1.050m) Lưu vực sông Đà và sông Mã đã tạo cho Tây Bắc giống như những lòng máng khổng lồ, xung quanh là núi cao và cao nguyên, hình thành một vùng tự nhiên độc đáo với nhiều tiểu vùng khí hậu, đất đai và thực vật rừng phong phú, nhiều hình, nhiều vẻ.
  18. Do Tây Bắc có địa hình cao, dốc đứng, chia cắt phức tạp nên việc mở mang xây dựng và giao lưu với bên ngoài rất khó khăn. 1.2. Yếu tố khí hậu: Vùng Tây Bắc có khí hậu nhiệt đới chịu ảnh hưởng của chế độ gió mùa. Do nằm sâu trong lục địa nên ảnh hưởng bão trong mùa hè và gió mùa Đông Bắc ít hơn các nơi khác. Chế độ gió mùa có sự tương phản rõ rệt. Mùa hè có gió mùa Tây Nam, kéo dài từ tháng 5 đến tháng 9, thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều. Mùa đông có gió mùa Đông Bắc kéo dài từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, có thời tiết lạnh, khô và ít mưa. Các tháng 4 và tháng 10 là những tháng giao thời giữa hai mùa. Chế độ nhiệt, tháng nóng nhất từ tháng 6 đến tháng 8, lạnh nhất tháng 1- 2. Biên độ nhiệt giữa ngày và đêm ở vùng cao nguyên và núi cao lớn hơn ở các thung lũng (ở Sơn La, Mộc Châu) khoảng 10 - 12(C, ở Hòa Bình 6 – 7(C Do có dãy Hoàng Liên Sơn chắn gió mùa Đông Bắc, nhiệt độ mùa đông ở Tây Bắc thường cao hơn Đông Bắc từ 1 – 2(C (ở cùng độ cao) Trái lại, mùa hè ở Tây Bắc đến sớm hơn và kết thúc cũng muộn hơn, do bị ảnh hưởng sớm và nhiều hơn của áp thấp nóng phía Tây. Chế độ gió, mùa đông có gió mùa Đông Bắc, gió Bắc và Tây Bắc; mùa hè có gió mùa Tây Nam, gió Tây (gió Lào), gió Đông và gió Nam. Ngoài ra còn xuất hiện gió xoáy, gió khu vực. Tốc độ gió bình quân hàng năm thấp (từ 0,5 – 2,4 m/s); tốc độ gió lớn nhất là 28m/s (Hòa Bình) và 40m/s (Lai Châu) trong điều kiện có giông, bão hoặc gió xoáy địa hình , song mức độ gây hại không lớn, thường xuất hiện trong thời gian ngắn và trên diện hẹp. Độ ẩm tương đối trung bình hàng năm biến động không lớn, thường từ 78 – 93%, ở các tiểu vùng có độ chênh lệch từ 2 – 5%. Độ ẩm trung bình tháng lớn nhất từ 87 – 93% ở Mường Tè, Lai Châu (vào tháng 7) và 86% ờ Hòa Bình (vào tháng 8,9). Độ ẩm trung bình tháng nhỏ nhất từ 71 – 77% ở Mường Tè (tháng 3,4) và Hòa Bình (vào tháng 4,5). Độ ẩm tối thiểu tuyệt đối là 12 – 15% vào các tháng 1- 3. Độ ẩm tối đa tuyệt đối có thể đạt 100%. Lượng bốc hơi bình quân hàng năm từ 660 – 1100mm Lượng mưa lớn, bình quân từ 1.800 – 2.500 mm/năm. Do ảnh hưởng của địa hình (các dãy núi cao) mà lượng mưa trên một số khu vực có khác nhau: 2.400 – 2.800 mm ở Mường Tè, Sìn Hồ; 1.800 – 2000 mm ở Phong Thổ; 1.600 – 1.80mm ở các cao nguyên Sơn La, Mộc Châu; 1.583 mm ở Điện Biên; 1.185mm ở sông Mã và 2.256mm ở Kim Bôi Lượng mưa phân bố không đều trong năm, thường tập trung vào các tháng mùa hè, chiếm 78 – 85% lượng mưa cả năm. Tháng 6,7 có lượng mưa lớn nhất (trên 300mm/tháng). Tổng số ngày mưa trung bình trong năm biến động từ 114 – 178 ngày. Các hiện tượng thời tiết đặc biệt ở Tây Bắc là gió Lào (gió phơn Tây Nam) và gió địa phương (còn gọi là gió Ô Quy Hồ). Đây là các loại gió nóng khô, gây hạn hán, hỏa hoạn, làm trở ngại cho sản xuất và sinh hoạt. Mưa đá thường xuất hiện trong mùa hè; sương muối và băng giá thường xuất hiện trong mùa đông 1.3. Tài nguyên nước: Tây Bắc là đầu nguồn của một vài hệ thống sông lớn như sông Đà, sông Mã, sông Bôi; trong đó lưu vực sông Đà là lớn nhất và nhỏ nhất là sông Bôi. Sông Đà bắt nguồn từ Ngụy Sơn (Vân Nam, Trung Quốc) có chiều dài 983km (trên đất Việt Nam dài 543km). Trên lưu vực sông Đà có 67 phụ lưu (chỉ tính các phụ lưu có chiều dài
  19. trên 10km). Nếu tính cả suối nhỏ thì có khoảng 200 sông suối, với tổng chiều dài 4.495km, mật độ lưới sông trung bình 0,17km/km2. Lưu vực sông Đà có diện tích 52.500km2, trong đó thuôäc địa phận Việt Nam trên 26.800 km2. Sông Đà có tổng lượng nước bình quân hàng năm là 56,1 tỉ m3, với 2 trung tâm gây lũ là Nậm Tè – Nậm Mươn và Nậm Mu. Lưu lượng dòng chảy chênh nhau rất lớn giữa mùa mưa và mùa cạn. Tại Lai Châu lưu lượng lớn nhất gấp 10 lần lưu lượng trung bình và gấp 100 lần lưu lượng thấp nhất. Chênh lệch mực nước cao nhất so với mực nước trung bình từ 18 – 20m. Ở địa thế lưu vực rất cao, sông dốc, có nhiều ghềnh thác, đã tạo nên nguồn thủy năng rất lớn. Trên dòng sông này đã xây dựng nhà máy thủy điện Hòa Bình có công suất thiết kế 1,92 triệu kw. Ngoài thủy điện Hòa Bình, có ít nhất 4 - 5 điểm có thể xây dựng thủy điện với công suất tương tự. Khả năng xây dựng thủy điện vừa và nhỏ ở Tây Bắc khá phong phú. Nguồn suối nước nóng ở trong vùng tương đối nhiều. Các suối này tập trung ven các dãy núi theo các đường kiến tạo và có khả năng chữa bệnh. Các suối khoáng phân bố ở Lai Châu, Sơn La (có 16 điểm), Hòa Bình (đáng chú ý nhất là Kim Bôi). Những nguồn suối nước nóng này đều có nhiệt độ trên 50(C, đang ở dạng tiềm năng và chưa được khai thác nhiều. 1.4. Tài nguyên khoáng sản : Vùng có nhiều khoáng sản như than, kim loại đen, kim loại màu Than có trữ lượng khoảng 10 triệu tấn, đáp ứng nhu cầu của địa phương. Các mỏ than đáng kể là Suối Bàng, Suối Hoa, Quỳnh Nhai, Hang Mơn – Tà Văn. Mỏ than Suối Bàng là mỏ than gầy, trữ lượng đạt 2,4 triệu tấn. Hàng năm có thể khai thác 1,5 vạn tấn. Mỏ than Quỳnh Nhai, Suối Hoa trữ lượng 6,3 triệu tấn, có khả năng khai thác 0,5 vạn tấn/năm. Mỏ than Hang Mơn – Tà Văn có trữ lượng gần 1 triệu tấn, có thể khai thác 0,5 vạn tấn/năm Đã phát hiện được 4 mỏ Niken và hàng chục điểm quặng, trong đó có 3 mỏ đáng quan tâm là Bản Phúc, Bản Sang, Tạ Khoa. Đồng được phát hiện ở khu vực mỏ Vạn Sài – Suối Chát, với tổng trữ lượng ước khoảng 980 tấn Cu (cấp C2) và dự báo đạt hơn 270.000 tấn ở vùng Suối Chát – Suối Đùng. Cùng với Cu còn có Au, trữ lượng khoảng 4,4 tấn. Vàng sa khoáng phân bố dọc sông Đà và một số chi lưu, trên triền sông và huyện Mường Tè, Phong Thổ, Quỳnh Nhai, Sìn Hồ, Thuận Châu Tiềm năng của vàng sa khoáng đến nay chưa được đánh giá đầy đủ. Các mỏ vàng gốc mới được phát hiện ở khu vực Bản Đứa – Hua Mon – Pi Tong, Nọng Hẻo, Sìn Hồ, Phong Thổ Khu vực Bản Đứa được xác định có 4 đới khoáng hóa Au, với hàm lượng 0,7 – 17 gr/tấn, có khi đạt 20 gr/tấn. Trữ lượng được dự báo khoảng 1000 kg. Tại Hua Mon – Bản Tan, trữ lượng dự báo là 3.320 kg. Nước nóng ở Tây Bắc, phát hiện được 80 mỏ nước nóng và nước khoáng, trong đó có 16 điểm đã được điều tra kỹ và có giá trị sử dụng, tập trung ở Kim Bôi (Hòa Bình), Điện Biên, Phong Thổ, Tuần Giáo, Mường Lay (Lai Châu) và Mường La, Bắc Yên, Phù Yên, Sông Mã (Sơn La) Trong những năm tới sẽ khai thác từ 20 – 50 triệu lít nước khoáng ở mỏ Kim Bôi và mỏ nước khoáng Mường Luân (Điện Biên). Đá vôi ngoài việc làm vật liệu xây dựng, còn là nguồn nguyên liệu để sản xuất xi măng. Đây cũng là một trong những thế mạnh cần được quan tâm khai thác để phục vụ chương trình phát triển kinh tế – xã hội của vùng . 1.5. Tài nguyên đất và rừng: Diện tích tự nhiên của vùng 35.954,4km2 trong đó đất nông nghiệp chiếm 9,92%, đất lâm nghiệp 13,18%, đất chuyên dùng 1,75% và đất chưa sử dụng 75,13%. Các loại đất ở đây có 2
  20. dạng chính là đất núi đỏ vàng và đất bồi tụ giữa núi cũng như bồi tụ dọc hai bên bờ thung lũng sông. Các loại đất đều tương đối tốt. Tuy nhiên, loại đất núi đỏ vàng ở các sườn núi có xu hướng thoái hóa nhanh do việc trồng cây hàng năm và các dạng hoạt động canh tác khác như du canh, du cư, khai thác rừng bừa bãi. Vùng có thế mạnh về chăn nuôi đại gia súc nhờ những cánh đồng cỏ rộng, khí hậu thích hợp, đặc biệt là nuôi bò lấy thịt và sữa ở cao nguyên Mộc Châu (Sơn La). Tài nguyên rừng của vùng đã bị khai thác mạnh. Do đó, việc trồng và khôi phục lại vốn rừng đã bị mất là nhiệm vụ vô cùng cấp bách. I.2. Các yếu tố kinh tế – xã hội. 2.1 Dân số và lao động : - Với dân số 2,2 triệu người, mật độ 61 người/km2, Tây Bắc là vùng có mật độ dân cư thưa thớt so với các vùng trong cả nước. So với Đông Bắc, vùng này được khai thác muộn hơn, dân cư trong vùng chủ yếu là các dân tộc ít người; trong đó tiêu biểu là người Thái, người Mường, người H’Mông Nhìn chung, trình độ dân trí trong vùng còn thấp. Các dân tộc chủ yếu ở Tây Bắc : + Người Mường chiếm 1,2% dân số cả nước, cư trú thành một dải vòng cung giữa địa vực người Việt và người Thái, từ Nghĩa Lộ về Hòa Bình, lan sang miền Tây Thanh Hóa và Nghệ An. Ngôn ngữ được xếp vào nhóm Việt – Mường, dòng Nam Á, nhưng về văn hóa có những nét vừa gần với người Việt cổ, vừa gần với người Thái. Làm ruộng và chăn nưôi là hoạt động chủ yếu của người Mường. Ngoài ra còn có các nghề rèn, chế tạo công cụ tinh xảo có tiếng từ lâu đời. Tại địa bàn cư trú của họ có nền văn hóa Hòa Bình nổi tiếng với nghề trồng lúa đã có từ xa xưa. + Người Thái chiếm gần 1,3% dân số của cả nước. Địa bàn cư trú của họ kéo dài từ hữu ngạn sông Hồng tới thượng du Thanh Hóa, Nghệ An. Người Thái ở đây phân thành hai nhánh chính được phân biệt bởi màu quần áo. Thái trắng cư trú chủ yếu ở Lai Châu, Phù Yên và Thái đen ở Nghĩa Lộ, Sơn La. Người Thái vào Việt Nam từ lâu và nhanh chóng hòa nhập với các dân tộc bản địa. Địa bàn cư trú của họ thường nằm trên các trục giao lưu về văn hóa và lưu vực sông Hồng và một số sông khác. Người Thái định cư tại các vùng thung lũng và dựng làng ở trên những cánh đồng rộng giữa núi như Mường Thanh, Nghĩa Lộ, Than Uyên, Quang Huy. Họ làm ruộng giỏi, dệt những tấm thổ cẩm hoa văn đẹp để trang trí. Người Thái rất ham mê và có khả năng văn nghệ, thể hiện qua các câu ca, điệu hát trữ tình, các điệu múa xòe đậm đà sắc thái dân tộc. Đây là dân tộc miền núi nước ta còn lưu lại một kho tàng văn hóa dân gian phong phú với chữ viết lâu đời. + Người H’Mông định cư và hoạt động sản xuất ở các sườn núi với độ cao trên 1.500m sát biên giới phía Bắc đến thượng du Thanh Hóa, Nghệ An. Chiếm khoảng 0,7% dân số cả nước, họ mới tới Việt Nam cách đây vài trăm năm và sinh sống trên các rẻo cao thuộc các tỉnh miền Bắc nước ta. Người H’Mông giỏi làm ruộng bậc thang, trồng lúa, ngô, các cây thuốc (trong đó có cây thuốc phiện), dệt vải và nhất là giỏi nghề săn bắn với súng tự rèn (súng kíp). + Dân tộc Dao cư trú ở độ cao 700 – 1000m, thấp hơn độ cao của người H’Mông, ở khoảng lưng chừng núi, nơi nạn đốt rừng đang gây ra hiện tượng xói mòn với tốc độ đáng lo ngại. Từ phương thức du canh, du cư cổ truyền, người Dao đang chuyển sang định cư lấy trồng rừng (chủ yếu là trồng rừng quế để xuất khẩu) là chính, kết hợp với làm ruộng và chăn nuôi.
  21. + Cùng sinh sống trên địa bàn này với các dân tộc thiểu số có người Kinh. Họ cư trú ở vùng thấp, chủ yếu là các thị xã, thị trấn Bảng 1: Một số dân tộc chủ yếu ở Tây Bắc Dân tộc Tỉ lệ (%) Địa điểm cư trú tập trung Tổng cộng 100,00 Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình 1. Thái 31,40 Hòa Bình, Sơn La 2. Mường 25,17 Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu 3. Kinh 23,00 Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình 4. H’Mông 11,05 Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình 5. Dao 3,02 Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình 6. Khơ mú 1,46 Lai Châu, Sơn La 7. Tày 1,04 Hòa Bình, Lai Châu 8. Sinh mun 0,66 Sơn la 9. Hà nhì 0,59 Lai Châu 10. Giấy 0,43 Lai Châu 11. Xá 0,40 Sơn La 12. La hủ 0,31 Lai Châu 13. Lào 0,25 Sơn La, Lai Châu 14. Lư 0,21 Lai Châu 15. Mảng 0,13 Lai Châu 16. Kháng 0,12 Lai Châu, Sơn La 17. Hoa 0,09 Lai Châu 18. Dân tộc khác 0,97 Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình Nguồn : Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng Tây Bắc đến năm 2010 (báo cáo chính) Sự phân bố các dân tộc có sự khác nhau rõ rệt trong phạm vi từng khu vực, từng tỉnh, huyện. Lai Châu là tỉnh có nhiều dân tộc nhất (khoảng 30 dân tộc), rồi đến Sơn La (khoảng 16), Hòa Bình (8). Trong nội bộ từng tỉnh, số lượng các dân tộc cũng khác nhau giữa các huyện. Ở Lai Châu, huyện Phong Thổ có 14, Mường Tè 13, Sìn Hồ 11, Mường Lay 10 và Tủa Chùa 7 dân tộc. Ở Sơn La, huyện Bắc Yên, Mộc Châu 7, Phù Yên 6, các huyện khác có từ 4 – 5 dân tộc. Ở Hòa Bình, huyện Mai Châu 6, Đà Đắc, Kỳ Sơn 5, các huyện còn lại từ 2 – 4 dân tộc. Một điểm đáng lưu ý là các dân tộc Thái, Kinh phân bố ở hầu khắp các tỉnh trong vùng, các dân tộc còn lại chỉ cư trú trên từng vùng lãnh thổ nhất định, cụ thể : + Người Mường : tập trung nhất ở Sơn La, Hòa Bình + Người La Hủ, Hà Nhì, Khơ Mú, Kháng, Lô Lô, Cống, Lự, Mảng, Sila tập trung trên các địa bàn tỉnh Lai Châu + Người Puộc, Xá chỉ duy nhất có ở Sơn La
  22. + Người Lào chỉ có ở Lai Châu. Mật độ dân số: Mật độ dân số toàn vùng rất thấp và không đồng đều. Nơi tập trung đông nhất là các thị xã, thị trấn, các điểm dân cư tập trung (nông, lâm trường), các thị xã và trên các trục đường giao thông. Đó là thị xã Lai Châu (307 người/km2), thị xã Sơn La (156 người/km2), huyện Mộc Châu (202 người/km2), thị xã Hòa Bình (124 người/km2), huyện Kỳ Sơn (189 người/km2) Trái lại, ở các khu vực núi cao, đường giao thông ít đi lại khó khăn thường chỉ có các dân tộc ít người sinh sống, nên mật độ dân cư rất thấp : Mường Tè (7 người/km2), Mường Lay (13 người/km2), Sìn Hồ (25 người/km2) Bình quân mật độ dân cư toàn vùng là 61,0 người/km2; trong khi đó ở Lai Châu là 27,8 người/km2; Sơn La 54,0 người/km2; ở Hòa Bình 150 người/km2 (gấp hơn 2 lần mật độ dân cư trung bình của toàn vùng). Mật độ dân số tăng dân từ vùng cao xuống vùng thấp, từ những khu vực đi lại khó khăn xuống nơi có nhiều đường giao thông đi lại thuận tiện. Về đại thể, mật độ dân số phân theo các huyện, thị như sau: từ 1 – 20 người/km2 có 2 huyện, từ 21 – 40 người/km2 có 4 huyện, từ 41 – 60 người/km2 có 6 huyện, 61 – 80 người/km2 có 3 huyện, từ 81 – 100 người/km2 có 5 huyện, từ 121 – 140 người/km2 có 1 huyện, từ 141 – 160 người/km2 có 4 huyện, thị xã và trên 160 người/km2 có 4 huyện, thị xã. - Nguồn lao động : Tổng số lao động trong độ tuổi ở Tây Bắc là 968 nghìn người, trong đó có 878 nghìn lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế quốc dân (chiếm 90,7% tổng số lao động). Như vậy còn 9,3% số lao động chưa có việc làm. Lao động của khu vực nông nghiệp chiếm ưu thế 76,6%. Công nghiệp (gồm cả tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ) chỉ có 23,4%. Số người trên và dưới độ tuổi có khả năng tham gia lao động ước khoảng 163.000 người (chiếm 18,8% lực lượng lao động). Bảng 2: Chất lượng nguồn lao động vùng Tây Bắc (số liệu năm 1995) Tỉnh Tỉ lệ mù Tỉ lệ Lao động có Năng suất lao chữ trong lao trình độ cao động (1.000 độ tuổi động kỹ đẳng và đại đồng/người/n lao động thuật học (%) ăm) (%) (%) Toàn 49,6 7,6 1,7 790 vùng Hòa 23,5 11,5 1.237 Bình Sơn La 63,5 6,3 418 Lai 64,2 4,4 693 Châu Nguồn : Tài liệu của Trung tâm KHXH và NVQG
  23. Điểm nổi bật của Tây Bắc là trình độ dân trí vào loại thấp nhất toàn quốc. Năm 1995, số người mù chữ trong độ tuổi lao động chiếm 49,6% (cả nước là 16,5%); số lao động có kĩ thuật cao chiếm 7,6% (cả nước là 10%), số cán bộ có trình độ đại học và cao đẳng chiếm 1,72%. Đây là vấn đề cần được quan tâm trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho Tây Bắc. Tóm lại, Tây Bắc là vùng tập trung nhiều dân tộc ít người với những bản sắc riêng của mình. Do vậy, trong việc phát triển kinh tế – xã hội, cần khơi dậy các ngành nghề truyền thống kết hợp với việc giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc. Tây Bắc là vùng có nguồn lao động dồi dào, nhưng cơ cấu lao động còn rất đơn giản, chủ yếu là lao động nông nghiệp. Sự phân công lao động xã hội chưa rõ rệt. Cần có kế hoạch khai thác và sử dụng hợp lý nguồn lao động của vùng trong công cuộc phát triển kinh tế – xã hội ở địa bàn này. II. TỔ CHỨC LÃNH THỔ SẢN XUẤT VÙNG TÂY BẮC. II.1 Khái quát về sự phát triển kinh tế – xã hội vùng. Tây Bắc được khai phá muộn hơn Đông Bắc. Tuy nhiên việc khai thác tài nguyên thiên nhiên ở đây có nhiều vấn đề cần quan tâm. Tài nguyên rừng đã bị khai thác quá mức. Độ che phủ trong toàn vùng rất thấp, gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất. Thực tiễn lũ lụt ở Sơn La, Lai Châu những năm qua là minh chứng hậu quả không lường. Tây Bắc là vùng có tiềm năng thủy điện rất lớn so với các vùng khác trong cả nước. Sau khi nhà máy thủy điện Hòa Bình hoạt động, đây là vùng cung cấp điện chính cho cả nước thông qua đường dây siêu cao áp 500 KV tải điện vào Tây Nguyên, Đông Nam bộ. Tài nguyên khai thác không đáng kể, phần lớn dưới dạng tiềm năng. Công nghiệp nhỏ bé, có tính chất địa phương như chế biến đường mía ở Điện Biên, chè Mộc Châu (Sơn la), Tam Đường (Lai Châu), Cửu Long (Hòa Bình); khai thác than ở Điện Biên, Sơn La; chế biến sữa ở Mộc Châu. Ở những vùng cao, sản xuất còn mang nặng tính tự túc, tự cấp, đời sống nhân dân còn khó khăn, thậm chí nhiều nơi còn rất lạc hậu. Tổng GDP năm 1997 của Tây Bắc mới đạt 3.564 tỉ đồng, chiếm 1,4% GDP cả nước. Nền kinh tế đang ở điểm xuất phát thấp, nhịp độ tăng trường GDO chậm và kéo dài nhiều năm. Riêng giai đoạn 1991 – 1995 nhịp độ tăng trưởng có khá hơn, nhưng cũng mới bằng 74,4% nhịp độ tăng trưởng của cả nước. Dân số vẫn tăng ở mức cao (trên 3%/năm), nên GDP bình quân đầu người (bao gồm cả khu vực sản xuất thủy điện Hòa Bình) cũng mới đạt 1616,8 nghìn đồng (bằng 48,2% so với mức bình quân chung của cả nước). Nếu tách thủy điện Hòa Bình ra thì GDP tính theo đầu người của Tây Bắc còn thấp hơn và vào loại thấp nhất so với các vùng trong cả nước. Theo kết quả điều tra về thu nhập bình quân đầu người gần đây, vùng Tây Bắc đạt 74.400 đồng/tháng. Cuộc sống vật chất tinh thần của đồng bào các dân tộc, tuy đã được cải thiện nhưng thực sự còn gặp nhiều khó khăn. GDP bình quân đầu người đã thấp, nhưng lại phân bố không đều giữa các địa phương và giữa các dân tộc. Số có thu nhập cao thường tập trung ở khu vực thị xã, thị trấn, huyện lị, dọc theo trục đường số 6. Tầng lớp dân cư có thu nhập cao là người Kinh, người Mường và người Thái. Thu nhập trong khu vực thuần túy nông nghiệp là rất thấp. Cơ cấu kinh tế tuy có chuyển biến, nhưng còn chậm và chủ yếu là nông – lâm nghiệp. Các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng chưa nhanh. So với cả nước thì còn nhiều thua kém. Đến năm 1997 tỉ trọng nông – lâm nghiệp chiếm 56,16%, công nghiệp – xây dựng 13,66%, dịch vụ 30,18% GDP của vùng. II.2 Các ngành kinh tế chủ yếu.
  24. 2.1. Các ngành sản xuất công nghiệp: Ngành sản xuất điện: Với ưu thế cơ bản trên sông Đà – nhà máy thủy điện Hòa Bình đã xây dựng với lượng đầu tư quy mô lớn. Khởi công xây dựng năm 1979 – hoàn thành năm 1994 có công suất thiết kế 1.920 MW, là nhà máy thủy điện lớn nhất nước ta, nguồn điện cung ứng cho các tỉnh phía Bắc, điện còn được hòa vào mạng lưới điện quốc gia 500KV, phục vụ cho các tỉnh trong cả nước. Đường dây có chiều dài 1487km, công suất chuyển tải cao 600 – 800MW. Hàng năm, đường dây siêu cao áp chuyển từ 3 – 4 tỷ KWH từ nhà máy thủy điện Hòa Bình vào Tây Nguyên, Trung và Nam bộ. Vùng đang tiếp tục thực hiện xây dựng mới nhà máy thủy điện Ta Bú (Sơn La) với công suất 3.600KW, đồng thời cho hoạt động những cơ sở nhỏ phục vụ nhu cầu tại chỗ cho địa phương. Ngành khai thác chế biến gỗ : Vùng có diện tích rừng nguyên sinh tương đối lớn, nhiều loại gỗ quý, giá trị kinh tế cao, nhưng các loại này lại nằm sâu trong những vùng núi cao hiểm trở, khó khai thác, vận chuyển khó khăn do thiếu phương tiện, giao thông không thuận lợi. Bảng 3: Sản lượng gỗ khai thác của vùng (đơn vị 1000m3) 1990 1991 1992 1993 1994 Tổng số 280,3 272,3 246,7 233,3 244,8 Lai Châu 115,0 116,3 118,5 80,8 110,0 Sơn La 90,7 109,8 98,2 102,0 100,8 Hòa Bình 74,6 46,2 30,0 50,5 34,0 (Niên giám thống kê 1995) Lượng gỗ khai thác đưa ra ngoài vùng chủ yếu là dạng thô chưa được chế biến nên thu nhập kinh tế quốc dân của ngành còn hạn chế. Số lượng khai thác chủ yếu là do các đơn vị ngoài quốc doanh, cụ thể: + Sản lượng gỗ khai thác năm 1994 là : 244.500m3 trong đó : Các đơn vị quốc doanh chỉ khai thác : 9100m3 Các đơn vị ngoài quốc doanh : 235.700m3 Số liệu này cho thấy, việc quản lý khai thác, quản lý sản phẩm là một vấn đề lớn đặt ra ở vùng. Sản lượng gỗ khai thác năm 1994 thấp hơn so với các năm trước đó đã nói lên sự cần thiết với ngành trong tương lai phải tổ chức quản lý khai thác có kế hoạch bảo quản, tu bổ, đồng thời cần có cơ sở chế biến sản phẩm với quy trình công nghệ hiện đại đưa hiệu quả của ngành lên cao, trong cơ cấu tổng thu nhập kinh tế quốc dân vùng. Một số ngành sản xuất công nghiệp khác : Phát triển các ngành công nghiệp chế biến trên cơ sở tiềm năng, nguyên liệu của vùng : công nghiệp chế biến chè, hoa quả, đường mía, sữa, sản xuất giấy. Công nghiệp khai khoáng và chế biến : khai thác và chế biến các mỏ khoáng sản vừa và nhỏ, đặc biệt là mỏ kim loại màu. Sản xuất vật liệu xây dựng : xi măng nhỏ, gạch ngói phục vụ nhu cầu tại chỗ, khai thác đá cung cấp cho Hà Nội và một số tỉnh đồng bằng sông Hồng.
  25. * Các hình thức tổ chức lãnh thổ – sản xuất công nghiệp : Đối với vùng Tây Bắc : Hình thành 2 cụm công nghiệp lớn là Hòa Bình và Ta Bú gắn với các công trình thủy điện. Phát triển các ngành công nghiệp chế biến tài nguyên trong vùng : công nghiệp giấy, chế biến chè và công nghệ thực phẩm, vật liệu xây dựng Hình thành các cụm công nghiệp chế biến nông, lâm sản gắn với các thị trấn, thị xã trong mối quan hệ với các vùng nguyên liệu như : cụm công nghiệp chế biến chè, sữa Mộc Châu. Bảng 4 : Hướng quy hoạch các khu, cụm công nghiệp vùng Tây Bắc Tên khu, Địa điểm Điều kiện cơ sở hạ tầng Tính chất khu, cụm CN và cụm : hướng phát triển Điện, nước, giao thông, TTLL Hình thành các cụm CN sau: Hòa Bình Có thủy điện Hòa Bình, Khai thác thuỷ điện, CN chế 1. Thị xã gần Hà Nội tiện giao biến gắn với tài nguyên của Hòa Bình thông vùng như CN giấy, chế biến Có điều kiện cấp thoát chè và các nông sản khác, nước VLXD Sơn La Phát trển thủy điện và kéo 2. Cụm theo một số ngành CN chế thủy điện Có điều kiện xây dựng biến Sơn La nhà máy thủy điện lớn Hình thành nhất nước nhưng đòi các cụm hỏi vốn đầu tư lớn và CN gắn với xây dựng dài các thị trấn, thị xã và chế biến các nguồn nguyên liệu từ nông, lâm sản Lai Châu Phát triển các ngành CN chế như cụm biến nông, lâm sản tiêu thụ CN chè, tại địa phương và một phần chế biến Là khu vực vùng núi xa xuất ra ngoài tỉnh. sữa Mộc xôi, nhưng là thủ phủ Châu (Sơn của tỉnh Lai Châu, các La) điều kiện xây dựng hạ tầng cơ sở mang tính 3. Cụm CN chất nội bộ. Điện Biên Phủ Τ Một số vấn đề đặt ra đối với sự phát triển công nghiệp vùng Tây Bắc:
  26. Vùng Tây Bắc hiện tại và tương lai có thể phát triển những ngành công nghiệp có quy mô lớn dựa trên tiềm năng của vùng như : điện lực, khai thác chế biến lâm sản, khai khoáng, một số ngành công nghiệp chế biến. Nhưng trước hết vùng cần phải được tập trung đầu tư ở một số lĩnh vực cơ bản. + Đầu tư vốn lớn xây dựng hạ tầng (giao thông vận tải – thông tin liên lạc) + Điều hòa, tăng cường nguồn lao động có trình độ khoa học kỹ thuật, công nhân lành nghề . + Hoàn chỉnh đồng bộ hệ thống lãnh thổ sản xuất trong vùng có sự kết hợp chặt chẽ giữa sản xuất với bảo vệ tài nguyên môi trường. 2.2 Sự phát triển nông nghiệp vùng : Thế mạnh của cây công nghiệp với diện tích chè chiếm 10,25% diện tích chè trong cả nước. Năm 1997, diện tích chỉ còn 6.230 ha. Trong những năm gần đây, ở một số nơi trong vùng đang phát triển cà phê để xuất khẩu. Cây công nghiệp ngắn ngày nhiều nhất là mía. Ở Tây Bắc đang xây dựng vùng chuyên canh mía Hòa Bình (trên 2 ngàn ha). Ngoài ra còn có một vài vùng mía quy mô nhỏ, chế biến thủ công như Điện Biên, Bình Lư Các cây công nghiệp khác là đỗ tương (11,6 nghìn ha) phân bố phân tán ở tất cả các tỉnh trong vùng. Bông chủ yếu ở nông trường Tô Hiệu (Sơn La), nhưng quy mô nhỏ. Một sản phẩm khác có giá trị là cánh kiến phát triển nhiều ở Hòa Bình . Nổi bật là thế mạnh về chăn nuôi gia súc lớn, bởi trong vùng có những đồng cỏ liền dải. Nhiều địa phương có truyền thống chăn nuôi nổi tiếng. Năm 1997 đàn trâu có 343,4 nghìn con (chiếm khoảng 10,12% đàn trân cả nước). Đàn bò có 141,3 nghìn con (chiếm 3,65% đàn bò cả nước). Đáng chú ý là đàn bò sữa được nuôi ở Mộc Châu (Sơn La) và ngày càng có triển vọng. Ngoài ra còn có cừu ở Sơn La; dê ở Hòa Bình; ngựa ở Lai Châu Đàn lợn gắn liền với vùng sản xuất lương thực. Năm 1997 cả vùng có 770 nghìn con chiếm 4,5% đàn lợn của cả nước. Về lương thực, từng bước giảm lúa đồi, phát trển lúa nước, xây dựng các cánh đồng miền núi như Mường Thanh, Bắc Yên, Phù Yên, Văn Cấn, Bình Lư và phát triển ruộng bậc thang. Vì vậy, diện tích cây lương thưc đến năm 1997 chiếm 3,16% diện tích cây lương thực cả nước, trong đó diện tích cây lúa là 15,8 nghìn ha (chiếm 2,06% diện tích lúa cả nước). Sản lượng lương thực của vùng là 516,4 nghìn tấn, trong đó có 314,7 nghìn tấn. Về cơ cấu cây lương thực, lúa chiếm 61,0% sản lượng lương tực của vùng, hoa màu 39% chủ yếu là ngô, sắn. Một vấn đề được đặt ra là Tây Bắc có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển cây ngô trên các cao nguyên đá vôi, trong các thung lũng và bãi ven sông. Với phương thức chuyển từ hoa màu, lương thực thành thực phẩm động vật, cây ngô Tây Bắc gắn liền với đàn bò thịt, sữa trên quy mô lớn. Trong tương lai, Tây Bắc sẽ có nguồn thực phẩm động vật xuất khẩu, đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế. Vùng Tây Bắc đã hình thành một số vùng cây con gắn với công nghiệp chế biến, tạo nguồn hàng hóa để xuất khẩu như chè Lương Sơn, bò sữa, cây ăn quả Mộc Châu, vùng cây ăn quả Yên Châu, vùng ngô và bông Mai Sơn (Sơn La), vùng chè Tam Đường (Phong Thổ, Lai Châu) Sản lượng lương thực và các loại cây trồng khác đều tăng khá, nông nghiệp vẫn giữ vị trí quan trọng trong nền kinh tế. 2.3 Về lâm nghiệp : Do có sự đổi mới về chính sách và nhờ sự quan tâm của các tổ chức quốc tế, phong trào trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc đã phát triển mạnh mẽ. Diện tích rừng tự nhiên bước đầu được bảo vệ, diện tích đất trống, đồi núi trọc được thu hẹp dần. Trong lâm nghiệp xuất hiện ngày càng nhiều mô hình vườn rừng, vườn đồi, gắn việc phát triển cây lấy gỗ với
  27. cây công nghiệp, cây ăn quả và chăn nuôi, thực hiện phương châm lấy ngắn nuôi dài, canh tác đa tầng, gắn nông nghiệp với lâm nghiệp. Vì thế, đất đai được sử dụng có hiệu quả hơn. Tây Bắc chiếm 43,26% diện tích và 9,41% trữ lượng gỗ của rừng trồng toàn quốc. Nếu sự trao đổi hàng hóa thuận lợi, chắc chắn vùng này có điều kiện phát triển các ngành chuyên môn hóa riêng của mình về nông nghiệp và lâm nghiệp. II.3 Các thành phố – trung tâm công nghiệp. Hệ thống đô thị của vùng với 4 thị xã là Điện Biên Phủ, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình. Diện tích các đô thị trên là 596,7km2, dân số 178,6 nghìn người (1997). Mật độ dân số 775 người/km2. Dân số đô thị toàn vùng mới đạt 8,1%. Hệ thống đô thị tuy ít nhưng hiện tại và tương lai, chúng sẽ là những trung tâm tạo sức phát triển cho cả vùng. 3.1 Thị xã Sơn La : Nằm trên cao nguyên Sơn La, là thủ phủ của “khu tự trị Thái Mèo” trước đây, thị xã có điều kiện phát triển nhờ công nghiệp thủy điện. Trong tương lai, thị xã Sơn La – tỉnh lị, trung tâm chính trị, kinh tế văn hóa của tỉnh – và chùm đô thị Sơn La sẽ là cực tăng trưởng với trung tâm công nghiệp thủy điện – du lịch sinh thái nhân văn và là đầu mối giao lưu toàn vùng Tây Bắc. Quy mô dân số hiện nay 64,5 nghìn người. Năm 2010 dự báo sẽ đạt 92 nghìn người. 3.2 Thị xã Hòa Bình : Hòa Bình là thị xã tỉnh lị, trung tâm chính trị, kinh tế, thương mại, văn hóa, du lịch của tỉnh, trung tâm công nghiệp thủy điện, cửa ngõ giao lưu giữa vùng Tây Bắc với thủ đô Hà Nội, với đồng bằng Bắc bộ và vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ. Quy mô dân số hiện nay là 75.000 người, đến năm 2010 dự kiến có 120.000 người. 3.3 Thị xã Điện Biên: Điện Biên là thị xã tỉnh lị, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa tỉnh Lai Châu, đầu mối giao thông quan trọng, vựa lúa lớn nhất Tây Bắc (Mường Thanh mà người Thái gọi là Mường Then – Mường Trời). Trong tương lai, dự án tuyến đường quốc tế xuyên Đông Dương và Nam Trung Quốc sẽ đưa Điện Biên trở thành cực tăng trưởng quan trọng của vùng. Đây cũng là trung tâm du lịch quan trọng của cả nước, có sân bay Mường Thanh, cửa khẩu Tây Trang. Quy mô dân số hiện nay là 26.700 người, năm 2010 dự kiến sẽ đạt 61.000 người. Ngoài các thị xã trên, Tây Bắc đã và sẽ hình thành các trung tâm có ý nghĩa khu vực sau đây : 3.4 Thị xã Lai Châu – Mường Lay là trung tâm của khu vực phía Bắc tỉnh Lai Châu. Nó có ý nghĩa về kinh tế, quốc phòng đối với các huyện phía Bắc của tỉnh. Tuy vậy, do tỉnh lị chuyển về Điện Biên, nên dân số thị xã Lai Châu sẽ giảm. Quy mô dân số hiện nay là 13,1 nghìn người; năm 2010 dự kiến là 10.000 người. Nếu kể cả thị trấn Mường Lay (nằm trong cùng một khu vực) thì thị xã Lai Châu – Mường Lay có quy mô 15.000 người năm 2010. Do điều kiện tự nhiên có nhiều ưu đãi, thị trấn Mộc Châu nằm trên cao nguyên cùng tên có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển nông – công nghiệp của vùng. Mộc Châu là trung tâm kinh tế của các huyện phía Nam tỉnh Sơn La, có thế mạnh về chăn nuôi, cây công nghiệp, cây ăn quả và công nghiệp chế biến nông – lâm sản, cung cấp thực phẩm cao cấp cho nội vùng và ngoại vùng. II.4 Cơ sở hạ tầng và vật chất kỹ thuật. 4.1 Hệ thống các tuyến trục giao thông :
  28. Các tuyến trục giao thông Tây Bắc chỉ có 2 loại hình vận tải chính là đường thủy và đường bộ. Ngoài ra còn có đường không nhưng ý nghĩa bị hạn chế . Mạng lưới đường bộ được phát triển mạnh trong những năm gần đây. Nhưng so với cả nước, vùng này có mật độ thấp nhất (0,056km/km2), phân bố lại không đều do đặc thù của vùng núi cao hiểm trở. Các tuyến đường đã có hầu hết chất lượng kém, chỉ có 4,5% đường quốc lộ đạt tiêu chuẩn từ cấp 3 đến cấp 5 đồng bằng; 0,8% đường cấp 2 miền núi; 33,1% đường cấp 4 miền núi; 47,3% đường cấp 5 và 14,3% đường cấp 6 miền núi. Toàn vùng Tây Bắc còn 64 xã trên tổng số 526 xã chưa có đường ô tô, đặc biệt có 44 xã chưa có đường dân sinh (các xã vùng lòng hồ Hòa Bình). - Đường bộ : Trong phạm vi 3 tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu có 11 tuyến quốc lộ đi qua với tổng chiều dài 1.300km. Các tuyến đường đó là : + Quốc lộ 6 xuất phát từ Hà Nội qua các thị xã Hòa Bình – thị xã Sơn La, lên thị xã Lai Châu. Phần thuộc vùng Tây Bắc dài 465km, đoạn Lương Sơn – Hòa Bình dài 43 km, đạt tiêu chuẩn cấp 3 đồng bằng. Đoạn tránh ngập sông Đà K45 (dài 32km) qua các thị trấn Mộc Châu, Hát Lót và Bắc đèo Pha Đin – Tuần Giáo (dài gần 20km) đạt tiêu chuẩn cấp 4 trở lên, còn lại là đuờng cũ cấp 5. + Quốc lộ 37 xuất phát từ Chí Linh (Hải Dương) đến Cò Nòi (Sơn La) dài 422km. Đoạn qua Tây Bắc dài 108km, đi qua huyện Phù Yên, Gia Phú lên phà Vạn Yên gặp quốc lộ 6 ở Xôm Côm (km313). Chỉ có đoạn Gia Phú, Vạn Yên dài 29km đạt tiêu chuẩn cấp 4 miền núi, còn lại là cấp 5. + Quốc lộ 4D là tuyến chạy dọc theo biên giới phía Bắc nối với Saps (Lào Cai) để về xuôi. Phần qua Lai Châu từ Pa So đến trạm Tôn dài 98 km. Đường được xây dựng theo tiêu chuẩn cấp 4 và cấp 5 miền núi. + Quốc lộ 12 xuất phát từ Pa Trần qua thị xã Lai Châu về Điện Biên dài 195km, đường cấp 5 miền núi, có 13km rải nhựa (km84 – km97), còn lại rải đá dăm, cấp phối. + Quốc lộ 279 xuất phát từ Yên Lập (quốc lộ 18) tỉnh Quảng Ninh đến Tây Trang tỉnh Lai Châu dài khoảng 600km. Đoạn qua Tây Bắc dài 148km (qua Sơn La 32km, qua Lai Châu 116km). + Quốc lộ 100 từ Phong Thổ đến Nậm Cây dài 21km, nằm trong tỉnh Lai Châu, đường cấp 4 miền núi, mặt đường đá dăm. + Quốc lộ 32 xuất phát từ Hà Nội qua Sơn Tây, Trung Hà, Nghĩa Lộ, Than Uyên, phần thuộc Lai Châu chỉ có 8km. Nền đường rộng 7m, mặt đường 5,5m. + Quốc lộ 32B: 11km từ ngã ba Mường Côi (km 0) đến địa giới Phú Thọ và Sơn La (km11); đường cấp 4, cấp 5 miền núi. + Quốc lộ 15 nằm trên địa phận Hòa Bình dài 120 km, đường cấp 5 miền núi, nối quốc lộ với vùng núi của tỉnh Thanh Hóa. + Quốc lộ 21 thuộc địa phận Hòa Bình dài 49km, nằm trên đoạn từ Xuân Mai (Hà Tây) đi Phủ Lý (Hà Nam). Đường tiêu chuẩn cấp 5 miền núi. Đường ATK dài tổng cộng 186km ở vùng Kim Bôi (Hòa Bình) tiêu chuẩn đường cấp 6 miền núi, mặt rộng 3m. Vùng Tây Bắc có 17 tuyến tỉnh lộ với tổng chiều dài 736km. - Đường thủy :
  29. + Sông Đà là tuyến đường thủy quan trọng nhất của Tây Bắc. Theo khả năng khai thác có thể chia thành 4 đoạn chủ yếu: Đoạn từ ngã 3 sông Hồng, sông Đà đến đập Hòa Bình có chiều dài 58km, độ sâu trung bình 1,1 – 1,5m. Chiều rộng luồng nhỏ nhất 30m, chiều sâu mùa kiệt là 1,3m. Có thể thông thuyền 100 – 200 tấn. Đoạn sông từ đập Hòa Bình đến Tà Hộc dài 160km, thuộc vùng lòng hồ sông Đà, chiều sâu hàng chục mét, các phương tiện vận chuyển thủy đi lại thuận tiện . Đoạn từ Tà Hộc đến Bản Kết dài 38km. Khi hồ Hòa Bình tích nước (từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau), phương tiện đi lại rất thuận tiện. Khi hồ Hòa Bình xả nước, sông cạn, nước chảy xiết có nhiều ghềnh thác, phương tiện vận tải không thể đi lại được, trừ thuyền nhỏ đi lại trên từng đoạn. Đoạn từ Bản Kết đến thượng nguồn, vào mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 9, mực nước sông lớn, chảy xiết. Mùa kiệt (từ tháng 10 đến tháng 5 năm sau) sông cạn, nhiều ghềnh thác, các loại phương tiện vận tải 1 – 2 tấn chỉ đi lại được từng đoạn. + Sông Bôi dài 60km thuộc loại sông địa phương đã được khai thác vào mục đích vận tải, nhưng khối lượng không đáng kể. Về mùa kiệt, chiều rộng luồng chỉ có 20m, độ sâu xấp xỉ 1m. Khả năng thông thuyền 40 tấn. + Các sông nhỏ khác chỉ phục vụ cho việc sinh hoạt của nhân dân địa phương theo mùa như sông Đập, sông Chum, sông Nởm Na, sông Bưởi Khả năng cho phép các loại thuyền 1 – 2 tấn đi lại được. - Các cảng, đường thủy : + Cảng Hòa Bình được xây dựng từ năm 1970. Nhiệm vụ chính của cảng là phục vụ xếp dỡ hàng hóa của thị xã Hòa Bình, khu vực lân cận và trung chuyển hàng hóa cho các tỉnh Sơn La, Lai Châu. Công suất thiết kế 300.000 tấn/năm. Sản lượng bốc xếp những năm gần đây trung bình đạt 75.000 tấn/năm. Hiện nay đang xây dựng cảng Vạn Yên, Tà Hộc để phục vụ bốc xếp hàng hóa cho Tây Bắc. Công suất thiết kế 92.000 – 95.000 tấn/năm. Tại vùng thượng đập đang xây dựng cảng thượng lưu nhằm phục vụ lưu thông hàng hóa giữa Tây Bắc và đồng bằng Bắc bộ. Công suất thiết kế 300.000 tấn/năm. - Đường hàng không : Tây Bắc có 2 sân bay Điện Biên và Nà Sản được xây dựng từ năm 1952 với quy mô nhỏ. + Sân bay Điện Biên được cải tạo năm 1987, là sân bay cấp 4. Năng lực vận tải lớn nhất cho phép 58.000 khách/năm. Năng lực hiện tại 1.000 – 5.000 khách/năm. + Sân bay Nà Sản ở Sơn La là sân bay cấp 4. Năng lực lớn nhất cho phép 19.000 khách/năm. Năng lực hiện tại 1.000 – 5.000 khách/năm. 4.2 Hệ thống bưu điện, thông tin liên lạc: Là vùng có địa hình phức tạp, song đến nay hầu hết các huyện đã thiết lập được hệ thống các bưu điện thực hiện vận chuyển thông tin giữa các địa phương trong vùng và ngoài vùng. Hệ thống vô tuyến qua mạng di động cũng đang được quan tâm phát triển. Đặc biệt là mở mang đường điện thoại xuống các vùng sâu, vùng xa. III.5 Định hướng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng Tây Bắc. III.1 Những thuận lợi : Tây Bắc là vùng đất rộng, cao và dốc nhất Việt Nam (chiếm 11% diện tícxh toàn quốc), với nhiều thế mạnh về đất đai, tài nguyên rừng và khoáng sản, có điều kiện phát triển kinh tế hàng hóa, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế của cả nước.
  30. Tây Bắc là đầu nguồn của một số lưu vực (sông Đà, sông Mã, sông Nậm Rốn và sông Bôi). Các sông Tây Bắc có tiềm năng lớn về thủy điện, chiếm trên 30% tổng thủy năng của cả nước. Ở đây có nhiều tài nguyên chiến lược có tầm quan trọng đặc biệt đối với phát triển kinh tế đất nước. Vàng, đất hiếm (duy nhất có ở Tây Bắc), đồng, niken, pyrít, than đá, vật liệu xây dựng, nước khoáng là những thế mạnh để phát triển kinh tế – xã hội của khu vực và của cả nước. Tây Bắc là “mái nhà xanh” của khu vực, đặc biệt là của đồng bằng Bắc bộ. Rừng Tây Bắc có vai trò rất lớn trong việc phòng hộ đầu nguồn, chống xói mòn, rửa trôi đất, điều tiết nguồn nước lâu bền cho các công trình thủy điện, có ý nghĩa đặc biệt trong vấn đề môi sinh, môi trường. Sự biến đổi môi trường sinh thái không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào trong vùng, mà còn tác động đến cả Đồng bằng Bắc bộ và các vùng lân cận, kể cả trong và ngoài nước. Tây Bắc là địa bàn cư trú của nhiều dân tộc anh em, là vùng dân tộc đặc thù với truyền thống văn hóa, vật chất và tinh thần độc đáo. Tài nguyên nhân văn của Tây Bắc là một trong những lợi thế so sánh, sẽ được phát huy mạnh mẽ nếu xác định đúng đắn được chiến lược đầu tư và biện pháp phát triển thích hợp với đặc điểm của vùng. Tây Bắc còn giữ vị trí quan trọng trong vấn đề phòng thủ đất nước, trong việc giữa vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. III.2 Một số khó khăn và hạn chế: Tây Bắc là một vùng nghèo, nền kinh tế đang ở điểm xuất phát thấp và đứng trước nhiều khó khăn trở ngại. Hàng năm các tỉnh trong vùng vẫn thường xuyên phải nhận chi viện của nhà nước. Dân số Tây Bắc vẫn còn tăng nhanh (3,1%) là vùng có nhiều dân tộc ít người sinh sống, trình độ dân trí thấp, tỉ lệ người mù chữ cao, (có 49,6% số người lao động trong độ tuổi mù chữ), số học sinh trong độ tuổi đi học bị thất học, bỏ học chiếm tỷ lệ khá cao (hơn 40%). Khó khăn về thông tin giữa các tỉnh trong vùng, từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã và với các tỉnh thuộc các vùng khác, đặc biệt là thông tin kinh tế – thị trường. Vấn đề phát triển kinh tế – xã hội vùng Tây Bắc đang đứng trước những mâu thuẫn cần giải quyết là : + Tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, diện tích đất tự nhiên bình quân đầu người cao nhất so với các vùng trong cả nước, có thể phát huy trong tương lai gần, nhưng không có điều kiện sử dụng (do thiếu vốn, thiếu cơ sở hạ tầng kĩ thuật ) + Lao động tại chỗ dồi dào, nhưng hạn chế về trình độ kĩ thuật . + Có khoảng cách khá xa giữa thành thị và nông thôn, sự tăng trưởng kinh tế so với các vùng khác ngày càng chênh lệch. + Yêu cầu giữa việc cải thiện đời sống vật chất, văn hóa cho đồng bào các dân tộc và việc củng cố an ninh quốc phòng với việc đầu tư xây dựng và phát triển còn khoảng cách lớn. III.3 Định hướng phát triển : Việc phát triển kinh tế – xã hội vùng Tây Bắc theo một số định hướng sau đây: + Khai thác hiệu quả các thế mạnh nông, lâm nghiệp, tài nguyên khoáng sản, du lịch nhằm tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa, tăng nguồn thu ngân sách của từng địa phương, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc. + Đảm bảo cơ cấu kinh tế hợp lý, nhằm tạo ra thị trường ở các địa phương trong vùng gắn liền với thị trường trong nước và xuất khẩu.
  31. + Bảo tồn và phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa, nâng cao dân trí của đồng bào các dân tộc. + Phát triển kinh tế – xã hội gắn liền với việc bảo đảm môi trường sinh thái, bảo vệ và giữ gìn cảnh quan môi trường, đẩy nhanh tốc độ phủ xanh đất trống đồi trọc, nhằm hạn chế những thiệt hại do lũ lụt gây ra. + Xây dựng hệ thống rừng phòng hộ, nâng độ che phủ chung lên 40% vào năm 2010; chống xói mòn, lũ lụt, hạn hán, bảo vệ rừng, đất, nước. Xây dựng hành lang biên giới, gắn việc củng cố, tăng cường an ninh quốc phòng với việc phát triển kinh tế – xã hội. + Một trong những vấn đề mấu chốt của Tây Bắc là phát triển cơ sở hạ tầng. Nâng cấp quốc lộ 6, trước mắt đoạn từ thị xã Hòa Bình đi thị xã Điện Biên – Lai Châu và các quốc lộ 37, 4D, 279, 12. Nâng cấp các trục đường tỉnh, đường huyết mạch quan trọng. Phát triển giao thông nông thôn. Đến năm 2010 phấn đấu 100% số xã có điều kiện thuận lợi thì mở đường ô tô vào trung tâm xã, những xã quá khó khăn thì mở đường để ngựa và xe thồ có thể đi lại dễ dàng. Cải tạo đường thủy, nâng cấp các cảng sông chuyên dùng như Vạn Yên, Tà Hộc, Sơn La. Cải tạo và nâng cấp các sân bay hiện có. + Phát triển mạng bưu chính viễn thông, xây dựng lưới điện kết hợp giữa lưới điện quốc gia với việc phát triển thủy điện vừa và nhỏ, cực nhỏ theo quy mô bản, hộ, gia đình. Phấn đấu đến năm 2010 có 70% dân số được dùng điện. + Về thủy lợi, khôi phục nhanh rừng đầu nguồn, bảo vệ các nguồn nước trên các hồ, đầm, ao, sông, suối. Sửa chữa và xây dựng mới một số đập thủy lợi để chủ động nước tưới cho lúa, cho các cây công nghiệp, cây ăn quả, tiến tới 100% số dân đô thị và 70% số dân nông thôn được dùng nước sạch. + Về công nghiệp, hướng phát triển mạnh vào các ngành chủ yếu như công nghiệp năng lượng (thủy điện lớn, vừa và nhỏ); công nghiệp chế biến lâm sản; công nghiệp khai thác khoáng sản; công nghiệp vật liệu xây dựng; công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng và tiểu thủ công nghiệp ở các đô thị và nông thôn. Cần nâng cấp, cải tạo các xí nghiệp hiện có và từng bước xây dựng thêm các xí nghiệp mới theo hướng hiện đại hóa để sản phẩm có sức cạnh tranh, tạo thị trường tiêu thụ ổn định. + Về nông, lâm nghiệp, kết hợp giữa thâm canh tăng vụ và mở rộng diện tích. Tập trung vào việc thâm canh lúa nước, ngô giống mới, giảm dần diện tích nương rẫy. + Cây công nghiệp tập trung vào các loại như đậu tương, chè, cà phê, bông, dâu tằm. + Chăn nuôi gia súc tập trung vào trâu, bò sữa, lợn. Trong lâm nghiệp, thực hiện giữ rừng, bảo vệ rừng hiện có và trồng rừng mới. Tận dụng các diện tích mặt nước để phát triển nuôi trồng thủy sản, tạo việc làm cho người lao động. + Về thương mại du lịch, phát triển các trung tâm thương mại ở các cửa khẩu, các chợ nông thôn ở cụm xã, củng cố thương nghiệp quốc doanh và khuyến khích các thành phần kinh tế khác trong các hoạt động thương nghiệp. Phát triển các dịch vụ như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm xã hội huy động vốn đầu tư để phát triển kinh tế – xã hội. Phát huy tiềm năng du lịch sẵn có của từng địa phương, tôn tạo, mở rộng các khu di tích lịch sử để thu hút ngày càng nhiều khách du lịch.
  32. II. VÙNG ĐÔNG BẮC BẮC BỘ Vùng Đông Bắc bao gồm 11 tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ, Bắc Giang với diện tích 64.859km2 (khoảng 20% diện tích cả nước), số dân là 8.940,4 nghìn người (1997), chiếm 11,7% dân số cả nước. Phía Bắc vùng này giáp với Đông Nam Trung Quốc, phía Tây vùng Tây Bắc, phía Nam giáp đồng bằng Bắc bộ, phía Đông giáp biển Đông. Vị trí của vùng này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc trao đổi hàng hóa, giao lưu buôn bán với Đông Nam Trung Quốc qua các cửa khẩu Lào Cai, Thanh Thủy (Hà Giang), Trùng Khánh (Cao Bằng) và Móng Cái (Quảng Ninh), với các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương và thế giới qua các cửa cảng Cửa Ông, Hồng Gai và tương lai là cảng Cái Lân. I. CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN VÙNG. I.1 Các yếu tố tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên. 1.1. Địa chất – địa hình: Trải qua thời kỳ kiến tạo lâu dài nhưng chịu ảnh hưởng của vận động tân kiến tạo ít hơn vùng Tây Bắc nên địa hình phần lớn là đồi núi thấp (độ cao khoảng 600 – 700m). Hệ thống núi tiếp nối từ khối núi Hoa Nam (Trung Quốc) thấp dần theo hướng đông nam. Đặc điểm nổi bật của vùng là sự sắp xếp các dãy núi theo hướng vòng cung (vòng cung sông Gâm, vòng cung Ngân Sơn, vòng cung Đông Triều), xen giữa các dãy núi là những thung lũng ven theo các con sông, có những thung lũng diện tích lớn, bề mặt tương đối bằng phẳng, khả năng phát triển sản xuất nông nghiệp phục vụ cho địa phương . Ở độ cao 700m trở lên là các sơn nguyên như : sơn nguyên Bắc Hà, Mường Khương, Quản Bạ, Đồng Văn, ngoài ra vùng còn có các loại địa hình Cacxtơ có khả năng khai thác phát triển ngành du lịch. 1.2. Về khí hậu: Cùng trong nền khí hậu nhiệt đới gió mùa ẩm, nhưng vùng Đông Bắc có những nét nổi bật . Vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp và mạnh mẽ của gió mùa Đông Bắc. Về mùa đông nhiệt độ xuống thấp (có năm xuống tới 0(C, 1(C), hiện tượng thường xảy ra như sương mù, mưa phùn chính những yếu tố khí hậu của vùng đã mở đường cho tập đoàn động thực vật vùng ôn đới tràn vào nước ta làm phong phú cơ cấu cây trồng vật nuôi. 1.3. Nguồn nước: Hệ thống sông ngòi đáng chú ý là sông Hồng chảy qua vùng từ Lao Cai đến Việt Trì (dài 276km), các sông khác phần lớn là thượng lưu chảy qua như : sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam. Hệ thống sông Kỳ Cùng chảy ngược về Thất Khê sang sông Bằng Giang (Trung Quốc). Chế độ nước lên xuống theo mùa mưa và mùa khô. Về mùa mưa thường xuất hiện những con lũ lớn gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của vùng và các tỉnh đồng bằng Bắc bộ. Hệ thống sông ngòi ngoài ý nghĩa lớn là phát triển thủy điện, nó còn đem lượng phù sa bồi đắp cho đồng bằng, phát triển giao thông theo hướng Bắc Nam và Tây Bắc Đông Nam. 1.4. Tài nguyên đất đai : Đất đai chủ yếu là Feralit hình thành ở vùng núi, trung du Đất phân hóa trên nhiều loại nham thạch khác nhau như đá phiến, đá vôi
  33. Đất hình thành trên đá phiến thường có tầng canh tác mỏng, nghèo dinh dưỡng nhưng cũng có khả năng trồng cây công nghiệp lâu năm, phát triển đồng cỏ chăn nuôi gia súc lớn. Đất đỏ vàng ở vùng đá vôi (Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn) là đất có độ tơi xốp cao dễ thấm nước, nên thường thiếu nước. Trên đất này có thể cải tạo phát triển các loại cây lương thực, thực phẩm, cây công nghiệp dài, ngắn ngày (chè, cà phê, thuốc lá, hồi ). Các loại cây dược liệu giá trị kinh tế cao (tam thất, thuốc phiện) Đất phát triển trên phù sa cổ ở các thềm sông cũ, đất có màu vàng nâu (Vĩnh Phú, Bắc Ninh), đất nghèo dinh dưỡng, khả năng giữ nước kém. Nhưng trên đất này có thể cải tạo phát triển cây lương thực, hoa màu lương thực, thực phẩm. Đất đai ở vùng hiện nay đang trong tình trạng bạc màu, thoái hóa (hiện tượng đá ong hóa) nghiêm trọng, điển hình là Phú Thọ, Bắc Giang, đòi hỏi khi sử dụng phải tập trung đầu tư cải tạo, chăm sóc để hạn chế sự thoái hóa đất đai, tăng giá trị sử dụng của đất. Phần đất mặn ở ven biển do ảnh hưởng của thủy triều (Quảng Ninh) cũng cần được đầu tư và phát triển rừng nước mặn tiến tới cải tạo phục vụ cho sản xuất lương thực, thực phẩm. 1.5. Tài nguyên động – thực vật: Cùng với các loại động thực vật vốn có, vùng còn được thừa hưởng luồng di chuyển động thực vật từ phương Bắc xuống, tạo cho vùng có nguồn lợi động thực vật phong phú, đa dạng. Thực vật ngoài những tập đoàn cây lá rộng, còn có loại hỗn giao, lá kim. Tuy mỗi loại có số lượng không thật lớn nhưng có ý nghĩa khác nhau. Loại cây lấy gỗ phục vụ cho công nghiệp vật liệu xây dựng, loại cho nghề sản xuất hàng xuất khẩu, loại làm dược liệu. Bên cạnh những thảm thực vật nguyên sinh, vùng còn có thảm thực vật thứ sinh như : phi lao, bạch đàn, bồ đề. Động vật cũng còn nhiều loại quý hiếm nhưng số lượng không lớn lắm như : nai, hoẵng, hổ, báo. Một số loại lấy thịt như : lợn rừng, cầy hương, chồn vàng, gà rừng. 1.6. Khoáng sản: Đông Bắc là một trong những vùng giàu tài nguyên khoáng sản vào bậc nhất ở nước ta. Ở đây có những loại khoáng sản có ý nghĩa quan trọng đối với quốc gia như: than, apatit, sắt, đồng, chì, kẽm, thiếc Chúng được coi là những tài nguyên quan trọng để phát triển công nghiệp khai khoáng và nhiều ngành công nghiệp khác. Bảng 5: Một số tài nguyên khoáng sản chủ yếu ở vùng Đông Bắc Trữ Tên lượng % so với khoáng Đơn vị Địa điểm công cả nước sản nghiệp Than Tỉ tấn 3,5 90 Quảng Ninh antraxit Phấn Mễ, Làng Cẩm, Than mỡ Triệu tấn 7,1 56 Thái Nguyên Than lửa Triệu tấn 100 Na Dương (Lạng Sơn) đèn Làng Lếch, Quang Xá Sắt Triệu tấn 136 16,9 (Yên Bái), Tùng Bá (Hà Giang)
  34. Mangan Triệu tấn 1,4 Tốc Tất (Cao Bằng) Nằm trong quặng sắt núi Titan Nghìn tấn 390,0 64 Chùa (Thái Nguyên) Tĩnh Túc (Cao Bằng), Thiếc Triệu tấn 10 Sơn Dương (Tuyên Quang) Apatit Tỉ tấn 2,1 Lào Cai Như vậy ở vùng Đông Bắc loại khoáng sản có ý nghĩa công nghiệp đối với cả nước là than, trong đó than antraxit là chủ yếu, chất lượng tốt. Mỏ than này đã được khai thác từ thời thuộc Pháp. Hiện nay đã mở rộng quy mô khai thác, nhằm đảm bảo nhu cầu tiêu dùng trong cả nước và dành một phần cho xuất khẩu. Mỏ sắt ở Lào Cai tuy không lớn như mỏ sắt ở Thạch Khê của vùng Bắc Trung bộ, nhưng xét về quy mô và chất lượng, nó có ý nghĩa quan trọng. Mỏ sắt Thái Nguyên, tuy có trữ lượng nhỏ nhưng chúng ta đã khai thác từ ngày hòa bình lập lại, phục vụ cơ bản cho nhu cầu trong nước. Thiếc có ở Cao Bằng (Tĩnh Túc), Tuyên Quang, Na Dương. Kẽm, chì ở Bắc Cạn (chợ Điền). Bôxít phân bố ở Lạng Sơn, tuy trữ lượng không lớn so với vùng Tây Nguyên, nhưng chất lượng của quặng khá tốt. Hiện nay chúng ta đang khai thác mỏ thiếc Tĩnh Túc (Cao Bằng), mỗi năm khoảng 1000 tấn cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Đông Bắc là vùng duy nhất ở nước ta có mỏ apatit đang khai thác với trữ lượng lớn và tập trung. Tổng trữ lượng dự báo khoảng 2,1 tỷ tấn, đủ đáp ứng cho nhu cầu sản xuất phân lân phục vụ phát triển nông nghiệp ở nước ta và có thể dành một phần để xuất khẩu. Ngoài ra, Đông Bắc còn có các loại khoáng sản khác như pirit, vàng, đá quý, đất hiếm, đá granit, đá xây dựng, đá vôi sản xuất xi măng, nước khoáng Đây cũng là những loại khoáng sản có tiềm năng, là thế mạnh để phát triển công nghiệp khai khoáng và chế biến khoáng sản của vùng và của cả nước. Những mỏ này chủ yếu đang ở dạng tiềm năng. Một số mỏ đã được khai thác ở quy mô nhỏ, có tính chất địa phương. I.2. Các yếu tố kinh tế – xã hội. 2.1 Dân cư, lao động : Năm 1990 dân số của vùng là 9,4 triệu người, năm 1994 là 10,6 triệu người và đến năm 1997 (theo ranh giới các tỉnh mới) là 8,94 triệu người; mật độ dân số trung bình 158 người/km2. Đông Bắc có nhiều dân tộc khác nhau: Tày, Nùng, Mường, Thái, Cao Lan, Sán Chỉ, H’Mông Mỗi dân tộc có sắc thái văn hóa độc đáo phản ánh tập quán sản xuất và sinh hoạt của riêng mình. Tất cả điều đó tạo nên một tổng thể văn hóa đa dạng và phong phú. Những giá trị lịch sử và văn hóa kết hợp với phong cảnh tự nhiên như vịnh Hạ Long, động Tam Thanh, Nhị Thanh, núi Tam Đảo, vùng rừng Bắc Cạn, Yên Bái đã trở thành tiềm năng lớn đối với kinh tế và dịch vụ du lịch. Đông Bắc có tỉ lệ dân số đô thị thấp: 13,95% (năm 1997), thấp hơn mức trung bình của cả nước và rất không đồng đều giữa các tỉnh, cao nhất là ở Quảng Ninh (42,4%). Các đô thị trong vùng được hình thành trên cơ sở một số điểm công nghiệp, trung tâm hành chính. Giao thông chưa thật phát triển đã tác động đến cuộc sống của cộng đồng dân cư. Sự phân bố dân cư hiện nay đang đặt ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết để đảm bảo sự phát triển nhanh và bền vững của vùng.
  35. Vùng Đông Bắc là vùng có cơ cấu dân tộc đa dạng nhất trong cả nước với khoảng hơn 30 dân tộc. Người Kinh chiếm 66,1%, người Tày 12,4%, người Nùng 7,3%, người Dao 4,5%, người H’Mông 3,8% dân số toàn vùng. Ở một số tỉnh như Hà Giang, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Yên Bái, người Kinh chiếm tỷ trọng thấp (khoảng 6 – 7%). Vùng Đông Bắc là nơi sinh sống tập trung của một số dân tộc trong đại gia đình các dân tộcViệt Nam: 93% người Tày, 98% người Sán Chay, 95% người Sán Dìu, 95% người Nùng so với số dân của từng dân tộc trong cả nước. Các dân tộc ít người sống tập trung trên những địa bàn nhất định, thuận lợi cho việc thực hiện chính sách và tổ chức cuộc sống phù hợp với đặc điểm, tập quán, lối sống và trình độ của họ. Tuy nhiên, khó khăn là ở việc đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đời sống, vì trình độ dân trí của đồng bào còn thấp. Trình độ học vấn và chuyên môn của dân cư và nguồn nhân lực ở vùng Đông Bắc khá cao, tương đương với trình độ trung bình của cả nước, cao hơn vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long, nhưng thấp hơn đồng bằng sông Hồng Có đến 53,7% tổng số nguồn nhân lực đã tốt nghiệp phổ thông cơ sở trở lên, thấp hơn vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ (73,2%), đồng bằng sông Hồng (68,9%), nhưng lại cao hơn mức trung bình cả nước (45%). Số người đã tốt nghiệp phổ thông trung học trở lên chiếm 14,5%. Nguồn nhân lực tập trung ở nhóm tuổi 15 – 29 là một lợi thế của vùng trong việc phát triển công nghiệp và tiếp nhận kĩ thuật mới. Tuy nhiên vẫn còn một tỷ lệ không nhỏ không biết chữ (11,2%) và chưa tốt nghiệp phổ thông cơ sở (35,1%), chủ yếu là đồng bào các dân tộc ít người. Bảng 6: Trình độ học vấn của dân cư và nguồn nhân lực vùng Đông Bắc So với cả nước (%) Trình độ Đông Bắc Đồng sông Cả nước học vấn bằng Hồng Dân Nguồn Dân Nguồn Dân Nguồ số nhân số nhân số n (*) lực ( ) (*) lực (*) nhân ( ) lực ( ) Tổng số 100, 100,00 100,0 100,00 100,0 100,0 00 0 0 0 - Chưa 16,5 11,15 7,90 3,90 13,73 8,50 biết chữ 9 - Chưa 47,6 35,10 44,52 27,20 55,32 46,51 tốt 8 nghiệp phổ thông cơ sở - Đã tốt 26,3 39,3 35,47 51,70 21,51 30,95 nghiệp 9 phổ thông cơ sở - Đã tốt 5,26 8,19 8,85 9,30 5,87 8,78 nghiệp phổ
  36. thông trung học - Đã tốt 3,02 4,64 3,54 4,50 2,27 3,36 nghiệp trung học chuyên nghiệp - Đã tốt 1,06 1,62 2,75 3,40 1,30 1,90 nghiệp cao đẳng, đại học trở lên Ghi chú : * Dân số 6 tuổi trở lên * Dân số trong độ tuổi 15 - 59 Có sự chênh lệch đáng kể về trình độ học vấn và chuyên môn, khoa học kỹ thuật của nguồn nhân lực giữa các tỉnh trong vùng. Các tỉnh Thái Nguyên, Quảng Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ có tỉ lệ chưa biết chữ rất thấp (3 – 6%), tỉ lệ người lao động có trình độ chuyên môn kĩ thuật đạt khoảng 13,9%. Các tỉnh còn lại có tỉ lệ người chưa biết chữ rất cao (23 – 34%), khoảng từ 1/2 đến 2/3 nguồn lao động là chưa tốt nghiệp phổ thông cơ sở, tỉ lệ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp, chỉ khoảng 8,5%. Về lao động, vùng trung du và ven biển nhìn chung có đủ để phát triển kinh tế, nhưng lại thiếu ở khu vực miền núi. Từ xưa tới nay, khu vực này vẫn được coi là khu vực tiếp nhận dân cư. 2.2. Các loại hình quần cư : Loại hình quần cư chủ yếu ở trung du và miền núi rất đặc trưng cho nền sản xuất nông, lâm nghiệp của các dân tộc. Có hai dạng chính là làng (của người Kinh) và bản (Tày, Nùng, H’Mông, Dao, Mường ) Các bản của các dân tộc ít người thường phân bố ven bờ suối, dọc thung lũng, trên các cánh đồng, bồn địa, tập trung men theo sườn đồi hướng về đường giao thông hay về con suối. Do quá trình khai thác kinh tế trong những năm qua, chủ yếu là của người Kinh, đã xuất hiện nhiều nông, lâm trường, công trường xây dựng, khu vực khai thác tài nguyên và chế biến, cùng nhiều điểm dân cư mới theo hình thức thị tứ, thị trấn, thị xã mang sắc thái kiểu đô thị miền núi. Bên cạnh các điểm quần cư cố định, còn có các loại hình quần cư di động theo kiểu du canh, du cư. Loại hình này chủ yếu của đồng bào dân tộc (H’Mông, Dao ). Nhà nước đã và đang có những chính sách thích hợp để đưa họ về cuộc sống định canh, định cư.
  37. II. TỔ CHỨC HỆ THỐNG SẢN XUẤT LÃNH THỔ VÙNG ĐÔNG BẮC BẮC BỘ. II.1 Khái quát về sự phát triển kinh tế vùng. Vùng Đông Bắc được khai thác sớm, đặc biệt mạnh mẽ từ thời Pháp thuộc. Do vậy tài nguyên đã suy giảm nhiều và môi trường bị xáo trộn. Thời Pháp thuộc, khoảng 40 – 52% vốn đầu tư vào Đông Dương tập trung ở đây để lấy ra : 27,7 triệu tấn than; 217,3 nghìn tấn thiếc, gần 600 nghìn tấn quặng sắt và mangan; 315,5 nghìn tấn phốt phát và hàng triệu m3 gỗ quý mang về chính quốc. Kinh tế vùng từ năm 1990 đến nay đã đạt được những kết quả nhất định. Đến năm 1997, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của toàn vùng theo giá hiện hành đạt 8.345,9 tỉ đồng chiếm 7,1% GDP toàn quốc. Cơ cấu kinh tế ngành có sự chuyển dịch theo hướng phát triển và đẩy mạnh công nghiệp và dịch vụ. Tỉ trọng công nghiệp, xây dựng trong GDP từ 20,6% năm 1990 tăng lên 26,3% năm 1997, tỉ trọng nông – lâm – ngư nghiệp giảm tương đối từ 46,5% xuống 33,6% và dịch vụ tăng từ 32,9% lên 33,8%. GDP bình quân đầu người năm 1997 đạt 2.052 nghìn đồng, bằng 61,5% bình quân của cả nước. II.2 Tổ chức lãnh thổ sản xuất các ngành. 2.1 Về công nghiệp: Giá trị gia tăng của ngành công nghiệp chiếm 5,8% so với cả nước. Trong 19 ngành công nghiệp có 8 ngành chiếm tỷ trọng từ 5% trở lên. Đó là công nghiệp nhiên liệu (26,7%), luyện kim đen (8,2%), luyện kim màu (6,3%), công nghiệp sản xuất máy móc thiết bị (6%), công nghiệp hóa chất (8,5%), công nghiệp vật liệu xây dựng (13,8%), công nghiệp giấy (5,5%) và công nghiệp thực phẩm (10,3%). Trong vùng đã hình thành một số khu vực tập trung công nghiệp. Ngoài một số khu vực tập trung công nghiệp khai khoáng đã có từ thời Pháp thuộc như: apatit (Lào Cai), thiếc (Tĩnh Túc), than (Quảng Ninh) hiện nay đã hình hành nhiều khu vực tập trung công nghiệp ở một số tỉnh trung du, miền núi tiếp giáp với đồng bằng sông Hồng như : Việt Trì, Lâm Thao, Thái Nguyên – Lưu xá, Gò Đầm – Phổ Yên, Bắc Giang. Đến nay ngoài các xí nghiệp phân bố rải rác khắp nơi, vùng Đông Bắc còn có 11 khu vực tập trung công nghiệp. Bảng 7 : Các khu vực tập trung công nghiệp hiện có ở vùng Đông Bắc (1994) Các khu Lao GDP (giá Giá trị Nộp ngân Các ngành công nghiệp chính cụm động hiện hành tài sản sách (triệu trong khu công (ngườ 1994) cố định đồng) nghiệp i) (triệu (triệu đồng) đồng) Tổng số 165.0 1.507.941 3.065.8 307.619 23 10 Việt Trì 18.73 55.234 141.254 9.269 Dệt, chế biến LTTP, giấy 5 Phù 8.880 276.242 668.769 99.725 Giấy, hóa chất, phân bón Ninh
  38. Lâm Thao Thị xã 10.87 141.316 30.500 5.673 Hóa chất, chế biến lương Bắc 3 thực, thực phẩm. Giang Gò Đầm 6.671 54.020 147.898 4.562 Cơ khí, VLXD, luyện kim – Phổ Yên Thái 30.11 255.930 364.268 47.345 Khai khoáng Nguyên 6 - Gia Sàng Lào cai 4.956 59.160 101.789 15.355 VLXD, chế biến lâm sản Cẩm Phả 37.27 296.387 856.308 92.871 Cơ khí – Dương 1 Huy Hồng 21.58 180.308 377.470 43.926 LTTP, sản phẩm phục vụ du Gai – 8 lịch Bãi Cháy Uông Bí 16.15 107.213 224.747 19.809 Chế biến lâm sản – Mạo 8 Khê Các khu vực tập trung công nghiệp được hình thành ở nơi có vị trí địa lý khá thuận lợi, hoặc gần các nguồn tài nguyên để có thể dễ dàng khai thác (như khu Hồng Gai – Bãi Cháy, Cẩm Phả – Dương Huy, Uông Bí – Mạo Khê, apatit Lào Cai ) hoặc thuận tiện về mặt giao thông (đường sắt, đường bộ, đường thủy). Nhiều khu vực tập trung công nghiệp là hạt nhân hình thành các đô thị và giữ vai trò trung tâm, tác động đến sự phát triển kinh tế chung của vùng. Các khu tập trung công nghiệp phần lớn thu hút nhiều ngành công nghiệp nặng như: luyện kim, cơ khí, hóa chất, phân bón, khai khoáng và một số ngành công nghiệp nhẹ trên cơ sở nguyên liệu nông lâm sản của vùng (như ngành công nghiệp gỗ giấy, mía đường, ép dầu ) + Công nghiệp năng lượng: khai thác than đúng nhu cầu phát triển của các ngành công nghiệp khác trong nước. Mục tiêu năm 2010 là 13 – 15 triệu tấn. Hiện tại đã phát triển với quy trình hoàn chỉnh từ khâu khai thác tuyển lựa sàng lọc đến việc đưa ra cảng xuất khẩu. Với hệ thống máy móc khai thác hiện đại, các cơ sở phục vụ cho khai thác hoàn chỉnh như : sửa chữa, lắp ráp, phương tiện khoan, xúc, vận tải. Nhưng trong tương lai ngành vẫn phải tiếp tục đầu tư để tăng cường hiện đại hóa mà đặc biệt là hệ thống chế biến các sản phẩm. Phát triển nhiệt điện: mở rộng nhà máy thủy điện Phả Lại (600MW) và xây mới nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh (1200MW). Đồng thời phát triển thủy điện vừa và nhỏ. Tăng cường nguồn vốn xây dựng hệ thống đường dây tải điện trong vùng và ngoài vùng, kết hợp với xây dựng các nhà máy thủy điện nhỏ ở các tỉnh miền núi, phục vụ điện cho sản
  39. xuất và tiêu dùng của nhân dân địa phương, vùng sâu, núi cao (Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai ) + Công nghiệp luyện kim : cải tạo và mở rộng nhà máy gang thép Thái Nguyên, đồng thời xây mới thêm nhà máy cán luyện thép ở Quảng Ninh, phát triển luyện kim màu, thiếc, chì. Trung tâm luyện kim đen Thái Nguyên hiện nay có quy mô lớn nhất cả nước, đây là trung tâm luyện kim đen thực hiện quy trình kết hợp giữa khai thác nguyên liệu và chế biến tại chỗ. Hiện tại trung tâm có mức luyện 10 – 20 vạn tấn gang và 10 – 20 vạn tấn thép. Những sản phẩm chủ yếu là thép thỏi, sắt dát mỏng, sắt thép sợi phục vụ cho nhu cầu của công nghiệp cơ khí chế tạo, ngành xây dựng Ngành luyện kim màu của vùng cũng là ngành phát triển mạnh nhất cả nước. Trên cơ sở nguồn quặng chì, kẽ, ngành sản xuất tinh luyện những sản phẩm phục vụ cho các vùng khác mà đặc biệt là cho quân sự, cho công nghiệp thực phẩm, công nghiệp sản xuất phục vụ gia đình Phát triển một số ngành cơ khí: sản xuất động cơ diezel, phụ tùng máy động lực, cơ khí sửa chữa, đóng mới tàu thuyền Công nghiệp đóng tàu thuyền ở Bãi Cháy (Quảng Ninh) là ngành phát triển từ lâu, với trang bị kỹ thuật hiện đại, nhà máy đã thực hiện đóng hoàn chỉnh tàu vận tải hàng hóa, hành khách, đồng thời sửa chữa các tàu vận tải lớn. Nhà máy cơ khí Cẩm Phả là nhà máy lớn nhất nước ta, chuyên sản xuất, sửa chữa máy móc, phục vụ cho ngành khai thác than (sửa chữa ô tô, máy xúc, máy ủi, khoan ) với quy trình công nghệ hiện đại. + Công nghiệp phân bón: khai thác apatit để đảm bảo sản xuất đổi mới công nghệ và mở rộng nhà máy phân lân Lâm Thao. Nghiên cứu xây dựng nhà máy phân đạm Quảng Ninh (1000 tấn NH3/ngày), mở rộng và cải tạo nhà máy phân đạm Hà Bắc Trung tâm khai thác chế biến quặng apatit (Lào Cai) là trung tâm duy nhất của Việt Nam đã phát triển từ lâu, hiện nay đang được đầu tư và mở rộng quy mô, trang thiết bị hiện đại đưa sản lượng tăng nhanh. Nhà máy phân đạm Hà Bắc phát triển sớm, chuyên sản xuất phân bón phục vụ cho sản xuất nông nghiệp của vùng đồng bằng Bắc bộ, ngoài ra phải kể đến nhà máy sản xuất phân lân Lâm Thao (Phú Thọ). + Công nghiệp vật liệu xây dựng và sành sứ : tập trung phát triển sản xuất xi măng vùng Quảng Ninh (Hoàng Bồ) có thể bố trí 1 – 2 nhà máy xi măng lớn. Phát triển công nghiệp sàng sứ, thủy tinh, kính xây dựng gắn với tiềm năng nguyên liệu của vùng. Ngành sản xuất gạch chịu lửa ở Giếng Đáy ở Quảng Ninh đã phát triển phục vụ cho các ngành dệt, luyện kim và sản xuất vật liệu xây dựng khác. + Công nghiệp hóa chất: trung tâm công nghiệp hóa chất Việt Trì chuyên sản xuất hóa cơ bản (các hóa chất hóa học) và công nghiệp sản xuất giấy. Hiện nay đã tạo được vùng nguyên liệu để phát triển công nghiệp sản xuất giấy, khai thác hết công suất các nhà máy giấy hiện có. + Ngành sản xuất dược liệu cũng được phát triển mạnh dựa trên cơ sở nguồn nguyên liệu quý hiếm của vùng mà vùng khác ít có (quế, sa nhân, hồi, tam thất ) Ngoài các ngành công nghiệp trên, vùng Đông Bắc còn tập trung nhân lực, vật lực để phát triển nhiều ngành khai thác, hoàn thiện lãnh thổ các ngành sản xuất như : + Phát triển công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm gắn với nguyên liệu đặc trưng của vùng là chè, trẩu, sở, hồi, hoa quả .