Giáo trình Cơ sở văn hóa Việt Nam - Phần 2

pdf 161 trang ngocly 1861
Bạn đang xem 20 trang mẫu của tài liệu "Giáo trình Cơ sở văn hóa Việt Nam - Phần 2", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfgiao_trinh_co_so_van_hoa_viet_nam_phan_2.pdf

Nội dung text: Giáo trình Cơ sở văn hóa Việt Nam - Phần 2

  1. Chương 5 SINH HOẠT VĂN HÓA 5.1. TÍN NGƯỠNG Tín ngưỡng là tin vào một điều mà ta có cảm nhận, có linh cảm là đúng và có thật, rồi từ đó tìm ra các cách thức, hình thức, biện pháp để thể hiện niềm tin, lòng tin ấy. Tín ngưỡng là biểu hiện đầu tiên của sinh hoạt văn hóa nhằm mục đích tìm về cội nguồn của con người, giữ gìn và tự cải tạo bản thân con người trong mối tương tác với tự nhiên; đồng thời, thông qua đó có biện pháp khuyến thiện, trừ ác. Tín ngưỡng là hình thái đặc trưng của tôn giáo và do đó nó khác với mê tín. Tín ngưỡng nằm trong khuôn khổ và được định hướng bởi mục tiêu rõ ràng. Tín ngưỡng thuộc về đức tin, tôn thờ có giới hạn trong khuôn khổ giáo lý, tập tục. Người sống có tín ngưỡng đúng đắn thì có sự suy xét minh mẫn về hành vi của mình đúng với mục tiêu tâm linh đã được xác định, và do đó luôn hướng thiện và cổ vũ cho lối sống đạo đức, sống có lý tưởng. Mê tín là tin một cách vô căn cứ, tin bừa bãi, tin mà không suy xét, không kiểm chứng, tin mù quáng. Người mê tín khi gặp nghịch cảnh dễ bị kích động bùng phát thành cuồng tín. Đã là người cuồng tín thì sẵn sàng bất chấp đạo đức, pháp luật, và do đó trở thành kẻ hung dữ, có thể huỷ diệt người khác vì cho rằng mình đang phụng sự đức tin. Tín ngưỡng chia ra ba nhóm: sùng bái tự nhiên, sùng bái con người, tín ngưỡng phồn thực. 5.1.1. Sùng bái tự nhiên Đây là giai đoạn tất yếu của tín ngưỡng dân gian trong quá trình phát triển văn hóa của các dân tộc. Nó thể hiện sự hùng vĩ của tự nhiên, của vũ trụ mà con người phải sùng bái, bởi sức mạnh của tự nhiên chứa đầy bí ẩn, ngay cả đối với con người của thời đại văn minh với nhiều loại hình công nghệ tiên tiến. 101
  2. Mỗi dân tộc có cách sùng bái tự nhiên riêng của mình. Chẳng hạn, ở Việt Nam, các dân tộc Tày, Nùng tin rằng có rất nhiều thần thánh, ma quỷ hiện hữu ở trên trời, trong rừng và trong nhà (phi phạ ở trên trời, phi đông ở trong nhà, phi pấu pú ở tổ tiên con người). Tự ngàn xưa họ coi vạn vật trong vũ trụ đều mang tính linh thiêng, đều có hồn (vạn vật hữu linh). Trong sùng bái tự nhiên, trước tiên phải nói đến việc sùng bái các vật tổ (gốc gác tổ tiên; và sau đó là tên họ, dòng họ; thánh thần). Người Việt Nam có các sùng bái như sau: - Sùng bái cá sấu, cá voi (vùng sông nước); sùng bái trâu (vùng đất ruộng); sùng bái cóc, gà (biểu hiện của mối liên hệ giữa trời-đất-người: tiếng cóc gọi trời mưa, tiếng gà gáy sáng); sùng bái chim, hươu nai (vùng rừng núi). - Sùng bái thực vật: thờ các loại cây chỉ mùa màng, tức là các loại cây cho thức ăn và đồ mặc (thờ thần lúa, thần đỗ, thần dâu tằm); các loại cây chỉ truyền thuyết (trầu, cau, dừa), v.v - Sùng bái đất đá: thờ các hòn đá (đặt tên cụ thể gây ấn tượng: Hòn trống mái, Hòn chồng, An ninh thần đồng, Hòn vọng phu); thờ các nấm mồ (mồ yên mả đẹp, đào sâu chôn chặt, chôn sâu lấp kín); thờ các vùng đất đá. Cũng như phần lớn cư dân Nam Á, cư dân Việt Nam thờ thần mặt trời - biểu tượng cao nhất của tự nhiên (về mặt thuật ngữ, lúc đầu người Việt gọi là Bà Trời - ông Trăng (ông Giăng), về sau chuyển đúng tính chất của nó Ông Trời- chị Hằng). Rồi sau đó, đến những năm đầu công nguyên ở Việt Nam còn thờ các hiện tượng trong tự nhiên như mây, mưa, sấm, chớp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện). Khi Phật giáo vào Việt Nam, người ta thờ bộ Tứ Pháp này ở các chùa (chùa Bà Dâu, chùa Bà Đậu, chùa Bà Tướng, chùa Bà Giàn). Việc thờ bộ Tứ Pháp được đặc biệt chú ý vào thời nhà Lý (thế kỷ XI): triều đình cho rước Pháp Vân đi theo quân lính đánh giặc với niềm tin rằng gió, mây xua đuổi được kẻ thù. Việc sùng bái tự nhiên để lại dấu ấn trong tên gọi các bộ lạc, bộ tộc, địa danh theo vật tổ, chẳng hạn xóm Gà (Cổ Loa), bộ lạc Dâu (Hà Bắc), bộ tộc Cau, bộ tộc Dừa; đồng thời, về sau trở thành truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam, chẳng hạn, truyền thống đền ơn đáp nghĩa. Tục thờ cá voi (cá Ông, ông Nam Hải) là một ví dụ. Cá voi thường xuất hiện lấy thân mình 102
  3. đưa thuyền ngư dân vào bờ khi họ gặp phải phong ba ngoài biển khơi. Để đền ơn, một khi cá Ông vướng phải lưới chăng của ngư dân thì họ có tục mở hết các cửa chướng và cửa nồm, rồi khấn vái cho đến khi cá Ông thoát khỏi lưới mới thôi. Hoặc tục thờ ngọc cốt của ông Nam Hải tại các lăng Ông một khi có cá Ông chết (1). Người Việt Nam có một quan niệm luận rõ ràng về tầng bậc của vũ trụ: tầng trên là trời, tầng giữa là người, tầng dưới chia đôi gồm đất (trên) và nước (dưới). Quan niệm này ảnh hưởng đến các tạo tác văn hoá phẩm, chẳng hạn, việc chế tác trống đồng. Trần Quốc Vượng cho rằng trống đồng - với mặt trống và thân trống chia thành 3 phần là tang-trụ-chân cũng có thể coi là một biểu tượng vũ trụ. Quan niệm luận về tầng bậc vũ trụ còn ảnh hưởng đến các sinh hoạt văn hoá, chẳng hạn, phong tục chôn cất người chết theo lối địa táng (chôn đất), thuỷ táng (táng bằng quan tài gỗ hình thuyền được định vị dưới nước), hoặc thiên táng (táng bằng quan tài được định vị tự do trong không gian rừng cây). Quan niệm luận về tầng bậc vũ trụ còn hướng người Việt Nam thờ các thần coi sóc các phương và các thần coi sóc thời gian. Đó là việc thờ Ngũ phương chi thần, Thập nhị hành khiển. Tín ngưỡng ngày càng thể hiện tính thống nhất của văn hóa nhận thức người Việt Nam: không gian thống nhất với thời gian để tạo thành vũ trụ, 5 phương (ứng với ngũ hành) đi liền với 12 thần coi sóc 12 tháng trong năm (2). Theo thời gian, người Việt Nam càng có ý thức hơn về tín ngưỡng liên quan đến con người, đặc biệt là phụ nữ. Việc thờ các bộ Tam phủ, Tứ phủ là một bằng chứng: Mẫu Thoải, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Cửu Trùng, Mẫu Liễu Hạnh. Ngoài việc thờ các bộ Tam phủ, Tứ phủ, người Việt Nam còn thờ Thần Nông. Thần Nông được thờ cùng với Thần làng (Thành hoàng) ở các đình làng (các tỉnh phía Bắc) hoặc thờ ở các miếu thờ riêng (một số tỉnh phía Nam), hoặc thờ cúng ở đàn Xã Tắc (hoàng thành Huế). (1) Trước đây, khi có cá Ông chết, người ta neo xác dưới nước cho đến khi còn lại bộ xương. Xương cá Ông được đem về làng, tắm bằng rượu, phơi khô, đặt vào quan quách để thờ tại lăng Ông. Lễ hội cầu ngư thường diễn ra tại lăng Ông để hội tụ được phần linh thiêng của cá Ông. (2) Quan niệm luận của người Việt về không gian là tính tầng bậc, về thời gian là tính chu kỳ. Trần Quốc Vượng cho rằng tính chu kỳ của thời gian được biểu thị bởi các dải vòng tròn quanh ngôi sao giữa mặt trống đồng (tài liệu đã dẫn, tr. 146). 103
  4. Việc thờ Tam Phủ, Tứ phủ, Thần Nông là chỗ dựa tinh thần giúp cho cư dân nông nghiệp lúa nước vượt qua thiên tai, không bệnh tật, có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đỉnh cao trong sùng bái tự nhiên là việc thực hiện hai nhóm lễ quan trọng của cư dân nông nghiệp Việt Nam. Đó là lễ Tịch điền và lễ Nam Giao. Lễ Tịch điền (hay còn gọi là lễ Hạ điền) được tổ chức lần đầu tiên ở nước ta vào năm 987 (đời vua Lê Đại Hành). Theo truyền thuyết, năm ấy, khi cày ruộng vua bắt gặp một chum vàng, năm sau lại bắt gặp một chum bạc. Do đó những thửa ruộng này được gọi là kim ngân điền (ruộng vàng ruộng bạc). Đến đời nhà Lý, vua cho xây đàn cúng tế, làm lễ Thần Nông xong rồi mới xuống ruộng cày vài đường cầu cho mùa màng bội thu, qua khỏi thiên tai, con dân nhờ đó mà làm ăn thịnh vượng. Dưới triều nhà Trần, lễ Tịch điền có phần bị coi nhẹ. Vua không thân hành ra làm lễ Tịch điền, không đích thân xuống ruộng cày, mà chỉ sai quan lại lập đàn Xã Tắc để cúng tế. Đến đời Lê Thánh Tông, lễ Tịch điền được coi trọng trở lại. Vua cho dựng đàn Tiêu Nông ở ngoài thành Thăng Long để hàng năm ra cúng tế Thần Nông, làm lễ Tịch điền, đích thân xuống ruộng cày. Dưới triều Nguyễn, lễ Tịch điền được các nhà vua coi trọng và tổ chức một cách nghiêm trang. Vua Gia Long cho xây đàn Xã Tắc (cúng tế Thần Nông) và lập khu Tịch điền ở khu vực Tây Lộc hiện nay. Vua Minh Mạng ban dụ cho phục hồi và chỉnh đốn lại các nghi lễ cổ truyền liên quan đến lễ Tịch điền. Chẳng hạn, việc tổ chức lễ Tịch điền giao cho Bộ Lễ; lập đài cao (quan canh) cho vua ngự xem cày; chuẩn bị đầy đủ dụng cụ và thóc giống cho việc cày ruộng; chuẩn bị long đình để rước cày, bừa và thóc giống; sắm sửa lễ vật cho lễ Tịch điền như trâu, dê, lợn, xôi, rượu, hoa quả, hương nến, lụa trắng, ngọc trắng; chuẩn bị các nghi thức cần thiết khác cho buổi lễ được bắt đầu đúng vào giờ Mão (5 giờ sáng). Khi ra cày trong lễ Tịch điền, vua mặc áo bào, cầm cày sơn son thếp vàng và roi mây. Đại nhạc và nhã nhạc được cử lên, rồi đoàn nhạc sinh múa cờ vàng. Vua cày xong ba đường thì đến lượt hoàng tử, hoàng thân cày năm đường và sau đó các quan cày chín đường. Sau buổi lễ, vua hồi cung và ban yến cho hoàng tử, hoàng thân và 104
  5. đại thần. Lễ Tịch điền được duy trì cho đến khi thực dân Pháp xâm lược nước ta. Lễ Nam Giao: Lễ diễn ra tại đàn Nam Giao. Đây là lễ tế Trời. Kinh thư có nói: “Trời muốn giúp đỡ dân mới đặt ra vua. Trời thương dân, vua phải vâng mệnh trời. Cho nên, lúc tế Giao vua cáo Trời, tức là đem cái nhiệm vụ của mình đối với dân và cái cảm tình của dân đối với Trời mà giải bày trước Thượng đế, xin Thượng đế giáng phúc cho dân”. Lễ tế Giao (Nam Giao) của Việt Nam có từ năm 1154 dưới đời vua Lý Anh Tông (3 năm làm một lễ lớn, 2 năm làm một lễ trung, mỗi năm một lễ nhỏ). Đến thời nhà Lê, lễ tế Giao được tiến hành hàng năm, trong suốt thời gian ba trăm năm. Đến thời nhà Nguyễn, vào năm 1806, đàn Nam Giao được đắp ở phía Nam Kinh thành Huế. Đàn Nam Giao cao 4,7m, có 3 tầng, xây bằng gạch và đá. Tầng cao nhất là hình tròn (viên đàn), tượng trưng cho trời, màu xanh, đường kính 38,4m, cao 2,8m, gồm 10 án thờ. Tầng giữa có hình vuông (phương đàn), tượng trưng cho đất, màu vàng, mỗi cạnh 76m, cao 1,6m, gồm 8 án thờ. Tầng dưới cùng cũng là một hình vuông, sơn màu đỏ, mỗi cạnh 130,8m, cao 0,84m, mặt trước có xây 2 hàng đá tảng, mỗi hàng có 6 tảng để cắm tàn. Tiến trình Lễ Nam Giao như sau: - Trước lễ chính 3 ngày, Bộ Lễ cho chuẩn bị một số thủ tục bắt buộc. - Đại lễ (chính lễ) cử hành vào giờ Tý (từ khoảng 1 giờ sáng), cho đến khoảng giờ Dần, giờ Mão. Các lễ chính là: Lễ tiến trầm, lễ tiến tửu (tiến rượu, cả thảy có 3 lần tiến rượu), lễ tấn trở (tiến thực phẩm, dâng thức ăn; rồi chia cho các quan theo thứ tự phẩm tước), lễ triệt và đốt phẩm vật. Lễ Nam Giao lần cuối cùng của triều Nguyễn được cử hành vào giờ Tý rạng ngày 23 tháng 3 năm 1945. 5.1.2. Sùng bái con người 5.1.2.1. Tại sao phải sùng bái con người Bản chất con người: Con người, về thực chất là một vũ trụ thu nhỏ, là một thành phần của tự nhiên, thuộc về tự nhiên, sản phẩm của tự nhiên, cho nên tuân thủ đúng các quy luật của tự nhiên. Đến khi xã hội phát triển, con người lại mang trong mình đặc trưng xã hội, tức là bổ sung tính tổng hòa 105
  6. các quan hệ xã hội”(Các Mác) vào cái đặc trưng tự nhiên của mình để thực sự trở thành CON NGƯỜI với đúng nghĩa của nó là một chỉnh thể, một hệ thống có cấu trúc đặc biệt. Cấu trúc: Người Việt Nam quan niệm rằng cơ thể con người là các cặp lưỡng lập (âm dương) người sống - người chết, thể xác - linh hồn, hồn - vía theo sơ đồ cấu trúc sau: Con người Thể xác Linh hồn Hồn Vía Cái tinh anh, minh mẫn trong nhận thức ÅTinh (nam 7 vía, nữ 9 vía) Năng lượng, trí lực làm cơ thể hoạt động Å Khí Thần thái, thần sắc, sức sống Å Thần (Vía là cái làm hoạt động các quan năng, tức là các nơi tiếp xúc cơ thể với môi trường). Quan niệm này mang tính duy vật thô sơ: trên cơ sở thuyết âm- dương về bản chất của sự vật để làm nổi rõ các vấn đề như nội dung và hình thức, cái chung và cái riêng, cái tĩnh và cái động, v.v Về sau, có người lợi dụng một số yếu tố duy tâm khác để bàn thêm về hoạt động của cơ thể con người, từ đó sinh ra hạng thầy cúng, thầy mo, bà đồng. - Cơ thể con người còn có thể được xem xét trên các bình diện sau đây: + Bình diện thể chất. Nó thể hiện mối liên hệ giữa con người với tự nhiên trên hai cơ sở là tính tự nhiên vốn có trong con người (môi trường tự thân mang tính bản năng) và tính tự nhiên trong môi trường xung quanh (môi trường tự nhiên). + Bình diện tâm - sinh lý. Nó thể hiện hai mối liên hệ, đó là mối liên hệ trong tự thân con người, tức là mối liên hệ với chính bản thân mình (liên hệ 106
  7. nội tại con người, hướng nội, mang tính cá thể), và mối liên hệ giữa người này với người khác (liên hệ hướng ngoại mang tính cộng đồng xã hội). + Bình diện tâm linh. Trong con mắt của con người- cá thể và con người - xã hội thì bình diện này thể hiện mối liên hệ giữa thế giới thực tại (thực) và phản thế giới thực tại (ảo) nhằm làm phong phú thêm cuộc sống tinh thần, củng cố các bình diện thể chất và tâm - sinh lý. Trên cơ sở khẳng định bản chất tự nhiên và xã hội của con người, cũng như cách nhìn nhận về cấu trúc của cơ thể con người và các bình diện như đã trình bày, chúng ta có thể thấy rõ quan niệm của người Việt Nam về mối liên hệ giữa thể xác và linh hồn, giữa đời sống tinh thần và đời sống tâm linh như sau: - Người ta cho rằng khi chết thì vía hòa đồng vào thể xác mà tiêu tan, còn hồn tách ra khỏi thể xác đi về cõi âm (do vậy có tục gọi hồn hú vía). - Quan niệm “sống gửi, thác về” (do đó, coi hồn là bất tử, hồn còn mãi trong tạo hoá). - Quan niệm về ngoại cảm là hiện tượng có thực, nó tăng cường sự cân bằng các bình diện về thể chất, tâm - sinh lý, tâm linh của cơ thể con người. Các quan niệm trên đây thể hiện sự tôn trọng con người, và do đó dẫn đến phong tục thờ cúng con người của cư dân Việt Nam. 5.1.2.2. Sùng bái con người như thế nào Có hai biểu hiện sùng bái con người. Đó là tôn thờ con người khi con người còn sống và thờ cúng con người khi con người đã mất. Có ba cấp độ thờ cúng: thờ cúng tại gia đình (gia tiên), thờ cúng ở cấp độ làng xã (Thành hoàng) và thờ cúng ở cấp độ quốc gia (Quốc tổ). Thờ cúng gia tiên là hình thức tín ngưỡng thể hiện quan niệm về nhân sinh của người Việt Nam: chết chưa phải là hết, tổ tiên luôn bên cạnh hậu thế. Nó tạo ra nguồn sức mạnh tinh thần để con người vượt qua khó khăn, thử thách trong cuộc sống. Nó còn thể hiện đạo làm người, làm con cháu (sống vì mồ vì mả chứ không vì cả bát cơm), cũng như nguyên tắc sống "uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây". Thờ cúng gia tiên là một tín ngưỡng phổ biến, có sức sống mãnh liệt và có ảnh hưởng rộng lớn ở Việt Nam: nhà nào cũng có bàn thờ tổ tiên. Dần 107
  8. dần tín ngưỡng này trở thành phong tục và đạo lý tốt đẹp của người Việt Nam, - đó là đạo hiếu thảo, hiếu đễ. Đây là cái gốc đạo đức và tình cảm của mỗi người, dần dần trở thành một giá trị quý báu trong truyền thống yêu nước thương nòi của nhân dân Việt Nam. Thờ cúng tổ tiên có hai lý do tồn tại: Thứ nhất, về tín ngưỡng, tức là hướng về cội nguồn, sùng kính tổ tiên. Thứ hai, về một nghi thức duy trì khối cộng đồng, nhất là khi sự tồn vong của cộng đồng người Việt Nam hầu như luôn luôn bị đe dọa trước bao thiên tai địch họa. Thờ cúng gia tiên chính là một cách giáo dục rất cơ bản nhằm hướng các thành viên trong gia đình phải sống sao cho xứng đáng với kỳ vọng của ông cha, của những người đi trước để tự hào rằng con hơn cha là nhà có phúc. Chiếc bàn thờ tổ tiên trong ngôi nhà của người Việt thể hiện lòng tin của họ rằng ở đó có sự hiện diện của con người cả hai thế giới âm và dương, biểu hiện tình cảm khắng khít giữa các thế hệ đã mất và các thế hệ đang tồn tại, họ chia sẻ với nhau bao niềm vui khi hạnh phúc (sinh nở, cưới xin, đỗ đạt, mừng thọ ) và nỗi buồn khi gặp tai ương, mất mát (bệnh tật, chết chóc ). Mỗi hành vi của người sống như đang được người quá cố nhìn thấy, điều đó càng thiêng liêng vô cùng vì nó đã góp phần giúp các thế hệ người sống luôn hướng thiện, luôn ý thức giữ gìn những truyền thống cao đẹp của ông cha. Tục vinh quy bái tổ trong khoa cử phong kiến cũng là một thí dụ điển hình về vấn đề này, minh chứng cho một nền đạo đức tốt đẹp ẩn chứa trong tín ngưỡng thờ cúng gia tiên. Cùng với việc thờ cúng gia tiên, người Việt Nam còn thờ cúng táo quân, thờ thổ công, thổ địa, thổ kỳ, thờ thần tài và các kiểu thờ cúng khác. Chẳng hạn, người Tày, người Nùng ngoài việc thờ cúng tổ tiên, thờ Thành hoàng, thổ công, thổ địa, còn thờ Phật Bà, Ngọc Hoàng, Ngũ hổ. Ban thờ chia ra ba, bốn tầng: tầng trên cùng thờ Ngọc Hoàng và Phật Bà, kế đến là bàn thờ tổ tiên, dưới cùng thờ Ngũ hổ. Với người Việt Nam, tình yêu quê hương, đất nước được tạo dựng và hun đúc từ tình yêu gia đình, gia tộc. Vì vậy, người Việt Nam còn thờ cúng người khai canh (Thành hoàng làng), thờ cúng tổ nghệ (nghề đúc, nghề rèn, nghề dạy học, v.v ). Ở cấp độ quốc gia, người Việt thờ bộ Tứ bất tử (tức là thờ Thánh Tản Viên, Thánh Gióng, Mẫu Liễu Hạnh và Chử Đồng Tử). Việc thờ Tứ bất tử thể hiện rõ mong muốn một cuộc sống yên lành, ấm no hạnh 108
  9. phúc, buôn bán thuận lợi và đầy đủ sức khỏe để lao động sản xuất. Chẳng hạn, việc thờ Chử Đồng Tử thể hiện ý nguyện buôn bán phát đạt, lập được đô thị riêng sầm uất. Nó còn đề cập tính khéo léo trong giao tiếp và giao lưu (1). Ở cấp độ quốc gia, người Việt Nam còn thờ các anh hùng có công dựng nước và giữ nước, đặc biệt là những người có cống hiến lớn lao trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Họ đều được tôn xưng là thần linh, thánh thần, sau khi mất đều được thờ cúng tế theo quan niệm sinh vi danh tướng, tử vi thần. Giỗ Tổ Hùng Vương, giỗ Đức Thánh Trần (Trần Quốc Tuấn), giỗ Chủ tịch Hồ Chí Minh là những bằng chứng hùng hồn nhất về đạo lý uống nước nhớ nguồn của người Việt Nam. Dù ai đi ngược về xuôi Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba. Dù ai buôn xa bán xa Nhớ ngày giỗ Tổ tháng ba mùng mười. Đền Hùng - nơi đó là cội nguồn dân tộc. Lễ hội đền Hùng có ý nghĩa đặc biệt thiêng liêng. Về với đền Hùng là nhớ đến tổ tiên, là tìm về với niềm tin sức mạnh cộng đồng người Việt Nam. Như vậy, cùng với phong tục thờ cúng tổ tiên, việc thờ cúng các anh hùng xả thân vì Tổ quốc, vì dân tộc là nét đẹp văn hóa trong truyền thống yêu nước của người Việt Nam. 5.1.3. Tín ngưỡng phồn thực 5.1.3.1. Bản chất Tín ngưỡng phồn thực chính là sùng bái sự sinh sôi nảy nở của tự nhiên và con người. Nó mang tính duy vật thô sơ từ lâu đời. Trong tác phẩm Nguồn gốc gia đình, tư hữu và nhà nước, Ăngghen có nhận định: hai hình thức sản xuất quan trọng nhất đó là sản xuất phương tiện sống (công cụ, đồ ăn, đồ mặc), và sản xuất ra bản thân con người, tức là sự kế tục nòi giống. (1) Tương truyền, đô thị của Chử Đồng Tử và Tiên Dung dần dần bị tan biến để lại một vùng đầm Dạ Trạch (Hải Dương). Trong lịch sử, đầm Dạ Trạch là căn cứ vững chắc của Triệu Quang Phục đánh tan giặc Lương vào giữa thế kỷ thứ VI. 109
  10. 5.1.3.2 Biểu hiện Có 3 hình thức biểu hiện tín ngưỡng phồn thực. Đó là thờ sinh thực khí, thờ hành vi tính giao, phát triển lễ hội và phong tục. (Các bằng chứng về sinh thực khí ở tại di chỉ Văn Điển; trên thạp đồng - thế kỷ thứ 5 trước công nguyên; tục thờ cúng nõ nường; lễ rước sinh thực khí vào ngày mồng 6 tháng giêng; tục rước dâu; v.v ). 5.1.4. Các đặc trưng cơ bản của tín ngưỡng Việt Nam - Gắn bó với thiên nhiên và cộng đồng cư dân nông nghiệp lúa nước. - Thể hiện rõ nguyên lý âm dương - ngũ hành. - Đề cao nữ tính (âm mạnh hơn dương). - Đề cao tính tập thể của các thần, thờ đa thần. Điều này khác với phương Tây, nơi thông thường có các tôn giáo riêng. - Tín ngưỡng có thể được coi là phần âm tính trong nền văn hóa Việt Nam. - Bên cạnh những mặt tích cực, có gốc duy vật, tín ngưỡng Việt Nam cũng còn nhiều mặt tiêu cực cần được khắc phục. 5.2. PHONG TỤC D. Home có nhận xét rất thú vị khi ông cho rằng phong tục là người hướng dẫn lớn của cuộc sống nhân bản. Quả thực, phong tục là những thói quen sinh hoạt ăn sâu vào đời sống xã hội được đa số chấp nhận, làm theo và lâu ngày trở thành thuần phong mỹ tục. Phong tục có mặt ở mọi bình diện văn hóa, tuy nhiên nó bộc lộ rõ trong các giai đoạn của cuộc đời con người, - đó là phong tục về hôn nhân, phong tục sinh đẻ - nuôi dưỡng, phong tục tang ma và hai nhóm lễ tết, lễ hội thể hiện sinh hoạt cộng đồng rõ nét nhất. 5.2.1. Phong tục hôn nhân 5.2.1.1. Tính cộng đồng của văn minh nông nghiệp lúa nước trong hôn nhân Phong tục hôn nhân được quy định chặt chẽ bởi tính cộng đồng, đáp ứng quyền lợi cộng đồng gia tộc, làng xã và quốc gia. Nó còn thể hiện đặc trưng văn minh nông nghiệp lúa nước (ruộng sâu trâu nái không bằng lấy gái cùng làng; trai trong làng như vàng trong túi; lấy vợ xem tông, lấy 110
  11. chồng xem giống; gái mà thắt đáy lưng ong, đã giỏi chiều chồng lại khéo nuôi con), hoặc những minh chứng cho nền văn minh ấy. Chẳng hạn trong phong tục lễ hỏi của người M’Nông, người mối đem hai ống lồ ô trong đó đựng măng chua và da trâu thái nhỏ sang nhà gái cầu hôn. Nếu nhà gái đồng ý thì nhận hai ống lồ ô như là vật giao ước. Còn nếu từ chối lời cầu hôn thì ông mối mang bát gạo do nhà gái đưa cho để về báo lại việc từ hôn. Đến lễ cưới, nhà gái mở đầu bằng việc mang biếu cho họ nhà trai mỗi người một bát gạo đầy và ngược lại, nhà trai biếu trả cho nhà gái số lượng ché tương ứng. Trong đám cưới của người Cà Dong có tổ chức lễ ăn thề không bỏ nhau của đôi tân hôn bằng cách trao cho nhau 9 miếng trầu, 9 miếng cau, lại còn lấy nắm cơm bôi lên đầu nhau với ý nguyện hồn của hai người hòa nhập vào nhau. Hoặc trong đám cưới người Thái ở Nghệ An, ông mối, bà mối dọn một mâm cơm nhất thiết phải có 2 quả trứng luộc tượng trưng cho mầm sống của đôi vợ chồng trẻ, ông mối lại còn chuẩn bị một hũ rượu cần, có hai cần đã buộc sẵn hai chùm tơ lụa tượng trưng cho hai chòm râu (sống đến đầu bạc răng long), rồi giao cho đôi tân hôn cùng dùng rượu. Trong khi đôi vợ chồng trẻ uống rượu thì ông mối liên tục chế nước vào hũ rượu và cất lên lời ca dặn dò đôi tân hôn trong cuộc sống vợ chồng sau này. 5.2.1.2. Lập hôn Theo tục xưa có 6 lễ sau đây: - Lễ nạp thái: Đôi bên nhà trai gái đính ước, nghĩa là họ đã chọn với nhau. - Lễ vấn danh: Nhà trai hỏi tên, tuổi, ngày sinh tháng đẻ của cô gái. - Lễ nạp cát: Nhà trai chấp nhận sự đính ước sau khi đã so tuổi hai người trai gái và thấy hợp nhau. - Lễ nạp tệ: Đây là lễ ăn hỏi. - Lễ thỉnh kỳ: Tức là lễ xin cưới. - Lễ thân nghênh, hay còn gọi là nghênh hôn, rước dâu ăn cưới. Hiện nay ở Việt Nam nhìn chung người ta chỉ tiến hành 2 hoặc 3 lễ trong số 4 lễ dưới đây, tùy theo phong tục từng vùng, miền: - Lễ chạm ngõ: Nhà trai mang lễ trầu, cau, trà, rượu tới nhà gái. Đây là dịp để người con trai biết rõ người con gái, còn gọi là lễ xem mặt. Có nhiều 111
  12. nơi đã bỏ lễ này, có nơi vẫn duy trì, vì đôi khi do ông mối bà mối có nhầm lẫn trong việc làm mai mối cho phía nhà trai. - Lễ ăn giạm (lễ giạm hỏi): Đây là lễ vấn danh. Nhà trai mang đồ lễ tới nhà gái và xin bản lộc mệnh (tờ giấy ghi ngày tháng năm sinh) của cô gái để so tuổi. Nếu được thì sẽ định đoạt việc hôn nhân. Hiện nay có nhiều nơi bỏ qua lễ ăn giạm. - Lễ ăn hỏi (nạp tệ): Đây là lễ quan trọng trong hôn nhân. Ngày cử lễ, nhà trai dẫn tới nhà gái đồ lễ gồm bánh trái, rượu trà, cau. Nhà gái nhận đồ lễ rồi đem chia cho thân thuộc để báo tin mừng. Nhận lễ ăn hỏi tức là nhà gái đã nhận hẳn việc gả con mình cho nhà trai. Sau đó chàng rể phải sêu tết nhà vợ chưa cưới, nghĩa là vào những dịp như tết Nguyên đán, tết Đoan ngọ, Tết cơm mới, những ngày giỗ chính của nhà gái chàng rể phải có đồ lễ tới gia đình nhà vợ. Ở một vài nơi còn có tục ở rể sau ăn hỏi, trước khi làm lễ cưới. - Lễ nghênh hôn (lễ ăn cưới): Bao gồm lễ dẫn cưới, lễ rước dâu và lễ ăn cưới. Lễ dẫn cưới: Trước khi ấn định lễ rước dâu, nhà gái thường thách cưới nhà trai, đưa ra những đồ lễ nhà gái đòi, gọi là lễ dẫn cưới. Thách cưới xong là có thể thoả thuận ấn định ngày nghênh hôn. Trong ngày nghênh hôn, dẫn đầu đoàn nhà trai mang lễ đến nhà gái là một ông già tay cầm hương. - Vào nhà gái: đồ lễ và tiền bạc dẫn cưới được đặt lên bàn thờ. - Nhà gái thắp hương để chú rể, cô dâu cùng lễ gia tiên. - Có một tiệc trà nhà gái dọn mời họ nhà trai. Sau bữa tiệc, đúng giờ hoàng đạo thì nhà trai xin phép được rước dâu. Lễ rước dâu (còn gọi là lễ vu quy, nghĩa là gái về nhà chồng): Đây là một lễ trọng thể, phải chú ý giữ gìn cẩn thận. Một đại diện nhà trai (thường là người nhiều tuổi, hoặc chú bác của chú rể) trình bày về sự lo toan chu toàn cho việc rước dâu và xin phép họ nhà gái để rước dâu. Lễ rước dâu có xe đón dâu. Đoàn xe phải cố gắng đi liền nhau, đừng để bị ngắt quãng. Theo phong tục xưa, khi tới nhà chồng: - Cô dâu bước qua một hoả lò than hồng (trừ vía độc, trừ tà ma trong khi đi dọc đường về tới nhà chồng). 112
  13. - Mẹ chồng cầm bình vôi đi qua nhà hàng xóm lánh mặt một lúc (bình vôi tượng trưng cho sự coi sóc gia đình). Lễ tại bàn thờ: Cô dâu chú rể cùng lễ ra mắt tổ tiên trước bàn thờ và họ hàng nhà trai. 5.2.2. Phong tục sinh đẻ - nuôi dưỡng Phong tục này bộc lộ rõ quan niệm về mối liên hệ giữa phần thể xác và linh hồn, giữa vật chất và tinh thần. Đó là các tục như cầu tự, cúng mụ, đốt vía, lễ đặt tên (lập tĩnh), lễ trưởng thành (n’hao sắk), v.v Trong các tục này thì tục cầu tự, về phương diện sinh học, thể hiện kết quả của quá trình trao đổi chất, tức là thể hiện một phần tính chất duy vật của phong tục bên cạnh sự tô vẽ các yếu tố không duy vật. Việc chăm sóc trẻ sơ sinh có các tục như tục cúng đầy cữ (khi con trai đầy 7 ngày, con gái 9 ngày thì cúng đầy cữ bằng cách dùng các thứ như 12 chiếc bánh, 12 miếng trầu, 12 bộ quần áo, 12 trái cây v.v ), lễ đầy tháng (lễ đặt tên), lễ thôi nôi (khi trẻ đầy một năm tuổi). Trong lễ thôi nôi người ta đặt trước mắt đứa trẻ các thứ đồ chơi cho nó chọn, qua đó mà suy đoán tính cách của đứa trẻ và tương lai của nó (1). Lễ lập tĩnh của người Dao có ý nghĩa to lớn về mặt tinh thần đối với cả dòng họ: nếu đứa bé chưa được đặt tên, sau này cho dù có lấy vợ đẻ con thì con cái lại cũng không có tên, tức là cả dòng họ sau đó cũng không có tên, không có người kế tục. Khi làm lễ đặt tên, người ta nhờ một bà già đông con nhất trong dòng họ bế đứa bé, đưa nó tới trước bàn thờ tổ tiên, thắp hương, bày lễ vật và một chiếc vòng bạc. Bà già vừa hát bài hát ru, vừa đeo chiếc vòng bạc vào cổ đứa bé, nói vào tai nó cái tên đã đặt, rồi lại tiếp tục hát ru. Người ta tặng cho đứa bé những tặng phẩm họ mang tới. Trong quá trình nuôi dưỡng, các dân tộc trên dải đất Việt Nam có những tục rất thú vị, xuất phát từ quan niệm về sự thống nhất linh hồn với thể xác, sức sống và sự phát triển của con người trong nền văn minh gốc nông nghiệp. Chẳng hạn, người Khơ Mú ở Tây Bắc trong lễ hội Mah Grơ và múa Velrguông (có ý nghĩa tổng kết một vụ mùa và chuẩn bị làm một vụ mùa khác) có tục ông chủ nhà vê từng viên xôi nhỏ đính vào tóc cho mỗi (1) Xem thêm Toan Ánh, Phong tục Việt Nam, Sài Gòn, Nhà sách Khai Trí, 1969, phần nói về sinh đẻ. 113
  14. đứa trẻ 4 viên với ý niệm rằng hồn đứa trẻ ở trên đầu cũng phải được ăn cơm mới, chóng lớn, không ốm đau. Hoặc tục bôi khoai, bôi bí sau khi đã được đồ chín vào áo của mọi người: ai được bôi nhiều là người gặp nhiều may mắn và hạnh phúc trong năm, trong vụ mùa sắp tới. Người M’Nông có lễ n’hao sắk, tức là lễ trưởng thành, ghi nhận bước ngoặt lớn khôn của người con trai tính từ độ tuổi 18-20. Trong lễ trưởng thành, người con trai quấn khố hoa mới, thân choàng khăn mới, đầu quấn khăn mới, núm tóc cài hoa đỏ mới và đeo chiếc hoa tai bằng ngà voi. Sau khi làm lễ theo đúng thủ tục quy định, người con trai phải đi xa nhà trong 4 đến 5 ngày, sau đó đi làm việc mà chàng trai cho là cần thiết nhất, rồi mang một ít của cải tự kiếm được đem về cho gia đình. Từ đó trở đi, chàng trai được coi là trưởng thành thực sự, sau đó mới tính đến việc lập gia đình và vì vậy không bị dân bản chê cười và coi thường. 5.2.3. Phong tục tang ma Lễ tang mang hai ý nghĩa: thương đau và bất tử. Nó vừa mang tính chất tín ngưỡng, vừa thể hiện tính cộng đồng. Cũng cần lưu ý biểu hiện của tính âm dương - ngũ hành trong phong tục tang ma (cúng bốn thứ: cơm, trứng, đôi đũa, nắm bùi nhùi). Điều này tượng trưng cho vòng thái cực (bát cơm), lưỡng nghi (đôi đũa), tính hỗn mang (nắm bùi nhùi) và mầm mống sự sống (quả trứng). Khi sự sống mất đi, người ta thương tiếc mà khóc(1). Các bài hát trong tang lễ có hai loại: lâm khốc và lưu thủy (tiếng khóc dày như rừng cây, dài như dòng nước chảy); lâm khốc thể hiện nỗi thương đau, lưu thủy là niềm lạc quan về cuộc sống vĩnh hằng. Trở lên là ba nhóm phong tục cơ bản nhất trong cuộc đời một con người. Đương nhiên còn có những phong tục khác nằm ngoài ba nhóm ấy. Chẳng hạn, kết chạ là phong tục văn hóa truyền thống của cư dân xứ Kinh Bắc, có từ trước công nguyên. Tục kết chạ cùng với Hội Lim hát quan họ tạo nên tính độc đáo của lễ hội Quan họ vùng văn hóa Kinh Bắc. Nội dung của tục kết chạ là thiết lập mối quan hệ có tính truyền đời giữa hai làng (1) Tiếng khóc tự nhiên trong tang lễ là của tang quyến. Tuy nhiên, đôi khi phường bát âm (phường nhạc hiếu) kiêm dịch vụ khóc thuê. Có thể coi khóc thuê là hủ tục. 114
  15. nhằm giúp đỡ lẫn nhau, tạo ra sự đồng cảm về mọi mặt sinh hoạt (chẳng hạn, đình làng lấy cùng hướng như nhau, thờ cúng các vị thần như nhau, việc hiếu hỉ cùng lo chung), gắn bó, đoàn kết, không phân biệt sang hèn. Tục kết chạ ra đời ở Kinh Bắc là sản phẩm triết lý của nền văn minh nông nghiệp lúa nước. Chẳng hạn, làng Lũng Giang (tượng trưng cho vùng sông nước) kết chạ với làng Tam Sơn (tượng trưng cho vùng rừng núi), đó chính là biểu tượng của âm dương hòa hợp. Đây là hai làng kết chạ điển hình của các làng cổ ở Bắc Ninh. Nét thú vị là trong hai làng kết chạ không cho phép bạn quan họ (liền anh, liền chị) lấy nhau. Như vậy, tục kết chạ cùng với hội hát quan họ đã trở thành chỗ dựa tinh thần trong đời sống văn hóa vô cùng phong phú của nhân dân Việt Nam. Nói tóm lại, phong tục bộc lộ rất rõ nguồn gốc của nền văn hóa nông nghiệp, tính cộng đồng rộng rãi và sâu sắc, tín ngưỡng phồn thực và những yếu tố tâm linh đậm nét của dân tộc Việt Nam. 5.3. LỄ HỘI 5.3.1. Lễ hội - sinh hoạt văn hóa phong phú và giá trị Lễ hội được hình thành và phát triển trong quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, là một nét đặc sắc trong đời sống cộng đồng các tộc người anh em có từ rất lâu đời và trường tồn cùng năm tháng, là dịp ngợi ca và tôn vinh các giá trị văn hóa trong tiến trình lịch sử dân tộc, thông qua đó bồi đắp bản lĩnh con người Việt Nam, bản sắc văn hoá của một quốc gia có trên 50 tộc người cùng sinh sống. Lễ hội mang trong mình hầu như toàn bộ những cảm nhận của con người về thiên nhiên, đất nước, về cộng đồng, về ngay chính bản thân mình, đặc biệt là về lối ứng xử hài hòa, nhạy cảm và thâm thúy, là môi trường tỏa sáng màu sắc văn hoá dân tộc. Lễ hội là cuộc trình diễn văn hóa của cả cộng đồng, là dịp để con người trưng diễn các văn hóa phẩm (bao gồm sản phẩm văn hóa vật thể và phi vật thể như: đồ dùng, vật phẩm mỹ nghệ, ca múa nhạc, các trò chơi và diễn xướng, ), là dịp để con người được sống trong không khí của một cuộc sống tâm linh hướng thiện, thỏa mãn khát vọng của cộng đồng, thỏa mãn 115
  16. nhu cầu sinh hoạt vật chất và tinh thần trong niềm hứng khởi và cộng cảm sâu sắc. Lễ hội là dịp để con người (chủ thể văn hoá) hoà mình vào các sinh hoạt văn hoá truyền thống nhằm tìm tòi và hiểu rõ hơn các giá trị của các địa chỉ văn hoá, qua đó họ thể hiện tính sáng tạo và phát huy cao nhất tính sáng tạo văn hoá (lễ hội là nơi hoàn thiện các chủng loại nghệ thuật và văn hoá phẩm), cũng như sự hưởng thụ văn hoá. Với cách hiểu về lễ hội như vậy, ta có thể thấy rằng con người đến với lễ hội trong tâm thế của người tham dự lễ hội, tức là chủ thể chủ động chứ không bị động, không gò ép. Vì vậy, chức năng giải thoát tâm-sinh lý và tình cảm của lễ hội được nhiều người tham dự lễ hội phóng chiếu đúng với ý nghĩa vốn có của nó. Cũng trên cơ sở đó mà trong lễ hội nhiều hành vi có vẻ thái quá hoặc vô trật tự vẫn được công chúng dự lễ hội không chấp trách, trái lại họ rất thông cảm mà bỏ qua. 5.3.2. Các giá trị của lễ hội Trước hết, lễ hội thể hiện giá trị hướng về cội nguồn, và do đó, có sức cố kết cộng đồng trên tinh thần cộng cảm. Thứ hai, lễ hội cân bằng đời sống vật chất và đời sống tinh thần thông qua cảm nhận tâm linh, và do đó làm cho con người có năng lực hướng thiện. Thứ ba, lễ hội thể hiện giá trị sáng tạo và hưởng thụ văn hoá trên cơ sở tính kế thừa truyền thống, và do đó làm cho con người luôn luôn có ý thức bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc để tiếp tục có quyền được hưởng thụ và sáng tạo văn hoá. Công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đòi hỏi phải biết cải biến, nâng cấp lễ hội thành một sinh hoạt văn hoá cộng đồng hiện đại, nhằm một mặt thỏa mãn các nhu cầu mới, đồng thời, định hướng được thị hiếu và thẩm mỹ mới về văn hoá, bồi đắp tâm hồn con người mới Việt Nam xã hội chủ nghĩa, trên cơ sở giữ vững dáng vóc, đường nét và màu sắc dân tộc, tức là bản sắc văn hoá dân tộc. Như vậy, sáng tạo văn hoá đi liền với hưởng thụ văn hoá, và ngược lại, việc hưởng thụ văn hoá bắt buộc con người - chủ thể văn hoá luôn luôn có ý thức và hành động sáng tạo. Nói cách khác, lễ hội mang tính truyền thống và tính đổi mới thông qua sức sáng tạo và sự hưởng thụ văn hoá. Đổi 116
  17. mới lễ hội là để tạo ra cho lễ hội truyền thống với sắc diện mới và sức hấp dẫn mới, tức cũng là làm giàu đời sống tâm linh của con người - một truyền thống lâu đời của người Việt Nam. Như vậy, ở góc độ đạo đức học, lễ hội thể hiện giá trị cao cả là góp phần điều chỉnh hành vi con người trong các hoạt động xã hội. 5.3.3. Các chức năng cơ bản của lễ hội Lễ hội có chức năng xã hội rất to lớn. Một khi lễ hội biểu hiện giá trị của nhân vật, hình tượng được cử lễ (các vua Hùng chẳng hạn) thì đó đồng thời cũng chính là giá trị của cả cộng đồng, là giá trị cố kết cộng đồng. Những nghi ngờ, đố kỵ, hận thù được gỡ bỏ, tinh thần đoàn kết và thống nhất được tái lập. Lễ hội còn thực hiện chức năng giải thoát tâm -sinh lý và tình cảm. Thật vậy, lễ hội tạo cho con người một khung cảnh mới của cuộc sống, khác nhiều so với cuộc sống thường nhật của họ mặc dù khoảnh khắc này chỉ thoáng qua trong kỳ lễ hội. Nhờ có lễ hội mà những xung cảm bị kìm hãm trong đời sống đơn điệu hàng ngày được giải phóng, một trật tự mới được tạm thời hình thành, giúp cho con người có khả năng tự điều chỉnh và tái sáng tạo trong lĩnh vực hoạt động của mình. Cả hai chức năng này của lễ hội có thể được xem như động lực của văn hoá nông nghiệp. 5.3.4. Tính cá thể và tính cộng đồng trong lễ hội Trong xã hội hiện đại, con người có xu hướng định vị ngày càng rõ hơn cái tôi của mình. Tuy nhiên, trên thực tế, con người cá thể bao giờ cũng vẫn phải nương tựa vào cộng đồng (cộng đồng đương đại, cộng đồng thần linh siêu nhiên, cộng đồng người quá cố). Chính vì vậy, cái gốc của lễ hội vẫn là lễ hội của làng, cho dù lễ hội có thể đặc trưng và mở rộng ra trong phạm vi vùng, miền, hoặc toàn quốc. Cũng vì vậy mà chúng ta phải tôn trọng tính đặc thù của làng, làm cho lễ hội làng trở nên độc đáo, nghĩa là chúng ta cần đề cập tính sáng tạo trong lễ hội truyền thống của từng làng. 5.3.5. Số lượng lễ hội và thời gian diễn ra lễ hội Tính đến tháng 3 năm 2008 trên toàn quốc có 8.902 lễ hội với quy mô khác nhau(1). (1) Báo Nhân dân hằng tháng, số 131/3-2008, tr. 40. Còn thống kê đến tháng 2 năm 2003 chỉ có 7.850 lễ hội. 117
  18. Theo Từ điển hội lễ, có 402 lễ hội đã được miêu tả, phân ra các loại như: hội thờ anh hùng dân tộc, hội nông nghiệp, hội nghề, v.v Có lễ hội truyền thống mang tính chất toàn quốc (quốc lễ), có người đứng đầu quốc gia đứng ra làm chủ tế. Đó là hội đền Hùng. Lại có những lễ hội truyền thống khác có ý nghĩa rất to lớn như hội Gióng, hội Chử Đồng Tử, Đống Đa, Yên Tử, Bà Chúa Xứ, hội xuân núi Bà Đen, v.v Lễ hội ở Việt Nam thường được tổ chức vào các tháng của mùa xuân: tháng giêng (43%), tháng hai (11%), tháng ba (28%)(2). “Việt Nam có ưu thế là có một truyền thống lâu đời về hội lễ mà kết quả lưu lại là: có một nhân dân say mê hội lễ, thích thú du lịch, vốn có một hệ thống hội rất phong phú, đa dạng, sáng tạo, có tính toàn dân và đã từ lâu đời trở thành phong tục, nếp sống, ăn sâu trong đời sống của nhân dân”.(3) 5.3.6. Phân nhóm lễ hội Có ba nhóm lễ hội: lễ hội nông nghiệp (hội đâm trâu, hội chọi trâu, hội đua voi, lễ thờ thần lúa, lễ hội lồng tồng, lễ Neakta Sree cầu an, lễ Oóc- om-bok cúng trăng cầu mưa(4), lễ hội cầu ngư, tục kết chạ, hội Lim, lễ hội K’sai xoè múa cầu phúc, cầu lộc, v.v ), lễ hội kỷ niệm tổ nghề (nghề rèn, nghề mộc, nghề làm trống, ), lễ hội tưởng nhớ các anh hùng dựng nước và giữ nước như hội Gióng, hội đền Hùng, lễ hội Hai Bà. Chẳng hạn, về lễ hội nông nghiệp ta nhận thấy các đặc điểm nổi bật sau đây: - Cuộc sống nông nghiệp liên quan với môi trường tự nhiên (hội cốm, hội đua thuyền, hội cầu mưa mô phỏng tiếng động tiếng sấm qua việc đốt pháo, ném pháo đất liên quan đến đất đai và tưởng tượng tiếng sấm của pháo, đồng thời thể hiện sự khéo léo của con người). (2) (3) Phan Đăng Nhật, Du lịch và lễ hội, Tạp chí Cộng sản, số 10, tháng 5/2000, tr. 41- 42. Còn TS Đỗ Kim Thịnh nói rằng theo thống kê chưa đầy đủ hiện nay ở nước ta có khoảng 6000 lễ hội (Báo Lao động, 10-7-2002). (4) Lễ hội Ooc-om-bock được Tổng cục du lịch Việt Nam công nhận là 1 trong 15 lễ hội cấp quốc gia. Lễ hội này được tổ chức vào ngày 15 tháng mười âm lịch trên sông Maspero tỉnh Sóc Trăng. 118
  19. - Cầu an cho cuộc sống (hội thả diều). - Ước vọng phồn thực (trò đánh đáo). - Cầu mong sức khỏe, nhanh nhẹn, tháo vát (thổi cơm thi, vật, võ). - Cuộc sống nông nghiệp liên quan với môi trường xã hội (hội chùa Thầy, chùa Hương, hội bà Chúa Xứ núi Sam, hội xuân núi Bà Đen). 5.3.7. Cấu trúc lễ hội Lễ hội là một thể thống nhất, một hệ thống bao gồm hai phần là phần lễ và phần hội theo đúng chiết tự của thuật ngữ này. Phần lễ là phần linh thiêng, phần linh hồn tạo ra ý nghĩa của những ngày hội. Phần hội là những trò chơi dân gian độc đáo và đặc sắc, là “bách hí” làm nổi rõ ý nghĩa của phần lễ, làm toát lên cái thần của phần lễ. Có thể coi phần lễ như là biểu hiện tinh thần, còn phần hội như là biểu hiện vật chất trong một thể thống nhất của văn hóa. Và như vậy, về phương diện tính chất thì lễ hội truyền thống có hai yếu tố là chất thiêng liêng và chất thế tục. Tuy nhiên, trên thực tế có những lễ không có hội kèm theo. Lúc này, lễ giữ nguyên nghĩa sơ khai ở mức độ cao nhất của nó là nghi thức ứng xử của xã hội, tức là các lễ thức. “Cuộc lễ là sự bày tỏ kính ý đối với một sự kiện xã hội hay tự nhiên, hư tưởng hay có thật, đã qua hay hiện tại, được thực hành theo nghi điển rộng lớn và theo phương thức thẩm mỹ, nhằm biểu hiện giá trị của đối tượng được cử lễ và diễn đạt thái độ của công chúng hành lễ ” (Đoàn Văn Chúc, Văn hóa học, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1997, tr.131). 5.3.8. Con người và các lực lượng siêu nhiên trong lễ hội Trong lễ hội, các lực lượng thiên nhiên, siêu nhiên được nhân hóa. Đây là cách giúp con người giao tiếp dễ dàng với các lực lượng ấy bằng chính ngôn ngữ hàng ngày của mình. Mặc dù được nhân hóa nhưng các lực lượng ấy bao giờ cũng được hình dung có năng lực siêu phàm vô song, là những đấng thiêng liêng làm chỗ dựa tinh thần cho con người. Việc thánh hóa các nhân vật có thật trong lịch sử và tục thờ các vị thần cũng là một phương thức giữ gìn truyền thống của người Việt Nam thông qua lễ hội, là sự tôn vinh đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, là một nhân sinh quan và thế giới quan đầy lạc quan, bởi người Việt Nam tin 119
  20. rằng tổ tiên, đồng bào và các đấng siêu nhiên luôn luôn ở bên cạnh họ, giúp đỡ họ trong mọi mặt, mọi lúc của cuộc sống. Như vậy, lễ hội mặc nhiên trở thành chiếc cầu nối quá khứ với hiện tại và hiện tại với tương lai. Nói cách khác, giá trị tâm linh của lễ hội đã mang tính lịch sử của nó. 5.3.9. Sức quy tụ của lễ hội và nguyên nhân của sức quy tụ 5.3.9.1. Sức quy tụ Lễ hội có sức quy tụ rất lớn. Nó quy tụ cả về không gian, thời gian lẫn con người. Nếu là hội làng, nó quy tụ hầu như tất cả cư dân dưới mái đình làng. Đôi khi còn thu hút cư dân các làng lân cận. Nếu là hội chùa hoặc hội đền thờ các thần, các danh nhân văn hóa, các vị tướng tài ba, những người có công với nước, các vị hiền triết, thì sức quy tụ của lễ hội lại càng lớn hơn nhiều. Đó là hội Chùa Hương, hội Gióng (thờ Thánh Gióng) (1), hội đền Lý bát đế (thờ 8 vị vua nhà Lý), hội đền Kiếp Bạc (thờ Trần Hưng Đạo), hội đền Hùng (thờ các vua Hùng), v.v Sức quy tụ không phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng, đẳng cấp, không phân biệt già, trẻ, gái, trai, không phân biệt người trong nước và kiều bào ở nước ngoài. Lễ hội ngày nay còn có sức quy tụ cả những du khách quốc tế hăm hở tìm cái hay, cái đẹp của lễ hội truyền thống trong nền văn hóa Việt Nam. 5.3.9.2. Nguyên nhân của sức quy tụ Lễ hội có sức quy tụ mạnh mẽ và rộng lớn như vậy trước hết là vì sức hấp dẫn của phần nghi lễ đầy ý nghĩa tâm linh. Nguyên nhân thứ hai - đó là ước vọng cao đẹp về chân-thiện-mỹ, khát vọng trường tồn của dân tộc. Điều này thấm sâu vào các hình tượng được tôn thờ, tạo nên sức mạnh thần kỳ của con người Việt Nam trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của mình. Cuối cùng, sức quy tụ của lễ hội còn được lý giải bởi không gian lễ hội. Thông thường, đó là các công trình kiến trúc có ý nghĩa, nơi hội tụ trí tuệ, sức sáng tạo, mồ hôi nước mắt và cả xương máu của nhiều thế hệ người dân lao động. Cũng chính không gian lễ hội như vậy đòi hỏi con người phải có (1) Hội Gióng diễn ra từ ngày 6 đến ngày 8 tháng giêng âm lịch (Gia Lâm, Hà Nội). Hội Chùa Hương diễn ra từ ngày 6 đến ngày 15 tháng giêng âm lịch tại Hà Tây (nay thuộc Hà Nội). 120
  21. sự cảm nhận đúng đắn và sâu sắc, phải biết cách kính cẩn lưu truyền cho con cháu mai sau. Không gian lễ hội là không gian thiêng liêng, cao cả, thường được chọn ở những khu vực có công trình kiến trúc đặc sắc như đình, chùa, đền, miếu, lăng, tháp, bia, tượng, v.v Đó không những là di sản văn hóa vật thể, mà còn là nơi lưu giữ các huyền thoại, truyền thuyết, cổ tích, thần phả, v.v Vậy tức là, qua không gian lễ hội mà ta hiểu rõ hơn ý nghĩa của lễ hội, đặc biệt là hệ thống các kiến trúc không gian lễ hội gắn kết chặt chẽ 3 cấp độ lễ hội: gia đình - làng xã - quốc gia. Tuy nhiên, lễ hội Việt Nam chủ yếu là lễ hội của làng xã (Trống làng nào, làng ấy đánh. Thánh làng nào, làng ấy thờ), bởi lẽ đây là không gian ấm cúng nhất, chặt chẽ nhất, con người hiểu rõ nhau nhất. 5.3.10. Cảm quan về không gian và thời gian trong lễ hội Cảm quan về không gian là cảm quan dễ nhận biết trong lễ hội. Ngoài cảm quan về không gian, lễ hội còn mang lại cho mỗi con người và cả cộng đồng cảm quan về thời gian. Nói cách khác, lễ hội được tổ chức trong sự hội tụ của các cách cảm nhận về thời gian không giống nhau như: thời gian vũ trụ, thời gian con người sinh học, thời gian tâm linh (con người tâm lý) và thời gian với tư cách là các mốc lịch sử. Chẳng hạn, cảm quan về thời gian vũ trụ nổi rõ trong các lễ hội xuân vào tháng giêng, tháng hai và thậm chí tháng ba (hội Gầu tào, hội Lồng tồng, hội Lim, v.v ). Cảm quan về thời gian lịch sử thể hiện rõ ở hội đền Hùng Còn khi con người đứng trước bàn thờ tổ tiên sẽ có cảm quan về thời gian tâm linh. 5.3.11. Biểu tượng trong lễ hội Lễ hội truyền thống bao giờ cũng mang yếu tố thiêng liêng được đúc kết trong các biểu tượng, tức là trong các “ngôn ngữ” lễ hội với sự đa dạng, phong phú về ý nghĩa của mình. Biểu tượng là hạt nhân trung tâm của lễ hội. Không có lễ hội nào là không có biểu tượng, bởi vì biểu tượng là sự khái quát hóa và hiện thực hóa trí tuệ của con người. Các nhóm biểu tượng khác nhau như biểu tượng biểu thị trời, đất, tín ngưỡng phồn thực, vật tổ, tôn giáo, v.v giúp cho con người đối thoại với thế giới thiên nhiên và siêu nhiên, với thế giới nội tâm của chính mình (tâm linh), tạo ra những cảm xúc đặc biệt, linh thiêng với tính thẩm mỹ cao. Sự hiện diện các loại biểu tượng trong lễ hội chính là cách bày tỏ tâm thức của cộng đồng trong sự lựa chọn 121
  22. của mình với những định hướng cụ thể để tạo dựng niềm tin, sức mạnh tinh thần, khát vọng và ý nguyện thiêng liêng nhất. 5.3.12. Lễ hội và việc xã hội hóa các hoạt động lễ hội trong thời đại mới Hiện nay nhiều hội làng, hội vùng được khôi phục, thể hiện sắc thái riêng của mình trong dòng chảy chung của lễ hội cả nước. Các sắc thái riêng đó được biểu hiện dưới các dạng như thi hát dân ca, thi tấu nhạc cụ dân tộc, thi làm bánh làm cỗ, thi làm hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống, v.v Xã hội hóa các hoạt động lễ hội là khai thác thế mạnh của các đơn vị, tổ chức, cá nhân, các thành phần kinh tế tham gia tổ chức hoạt động lễ hội. Xã hội hóa lễ hội cốt nhằm làm cho lễ hội ngày một mang tính văn hóa cao hơn. Xã hội hóa các hoạt động lễ hội không có nghĩa là tổ chức cho thật nhiều và thật rầm rộ các lễ hội, biến lễ hội thành hình thức và cơ hội để kinh doanh, thậm chí mua thần bán thánh, gieo rắc những điều mê tín. 5.4. LỄ TẾT Chữ Tết là do biến âm của chữ tiết mà ra. Tiết gốc Hán có nghĩa là một khoảng thời gian được chia ra theo sự vận động có chu kỳ của khí trời đất trong một năm. Do đó, “Tết là một sự cử hành một nghi thức để đánh dấu, loan báo sự đến của một kỷ thời gian với cả khí tượng của nó. Có thể nói: Tết là một kiểu loại cuộc lễ với đối tượng chính yếu là thời tiết. / / Tết là một hành lễ vừa tượng trưng vừa thực tại đối với thời tiết là chủ yếu, trong một thời gian định sẵn theo chu kỳ tự nhiên, để cầu thịnh vượng, an khang và kích thích ý chí của người sản xuất trước mỗi thời tiết chính của việc sản xuất nông nghiệp ” (Đoàn Văn Chúc, tlđd, tr. 129, 132). Như vậy, lễ tết là một sinh hoạt văn hóa liên quan đến việc đánh dấu một khoảng thời gian, thời tiết có chu kỳ nhằm kích thích và tăng cường hoạt động lao động sản xuất của người làm nông nghiệp trong chu kỳ đó. Các ngày lễ tết được phân bố theo thời gian và hướng về tổ tiên, gia tộc. Do đó, lễ tết có chức năng xã hội mang tính cộng đồng sâu sắc theo thời gian và không gian. 5.4.1. Cấu trúc Lễ Tết có cấu trúc hai phần là phần lễ (cúng tổ tiên và những người có công) và phần tết (thưởng thức sản vật theo tiết trời; đây là phần ăn uống theo tiết theo mùa, mùa nào cúng thứ ấy, tết nào cúng lễ vật đó). 122
  23. 5.4.2. Số lượng Ở Việt Nam có 12 Tết chính trong một năm, trong đó có 3 Tết tiêu biểu (phần in nghiêng) là Tết Nguyên đán (1/1), Tết Khai hạ (8/1 hạ nêu), Tết Nguyên tiêu (Thượng nguyên (15/1), Tết Hàn thực (3/3), Tết Thanh minh (tháng 3), Tết Đoan ngọ (5/5), Tết Trung nguyên (15/7), Tết Trung thu (15/8), Tết trùng cửu (9/9), Tết trùng thập (10/10), Tết Hạ nguyên (15/10, Cơm mới), Tết Ông Táo (23/12). 5.4.2.1. Tết Nguyên đán (1). Đây là Tết Cả, Tết Nhất, tức tết lớn nhất trong năm (buổi sáng đầu tiên của một năm). Theo phong tục Việt Nam, Tết Nguyên đán trước hết là tết của gia đình. Ngày 23 tháng chạp người ta dựng cây nêu ở trước nhà, bên trên có treo vàng mã để trừ tà ma. Tết Nguyên đán có ba cuộc gặp gỡ lớn, thiêng liêng và quan trọng nhất tại mỗi nhà. Thứ nhất là cuộc gặp gỡ của các vị thần linh ngay trong nhà (gia thần); Tiên sư (nghệ sư), tức là vị tổ nghề nghiệp; Thổ công, tức là vị thần trông coi đất đai nơi gia đình đang ở và Táo quân (thần bếp), trông coi việc ăn ở và sinh hoạt của mọi thành viên trong gia đình. Thứ hai là cuộc gặp gỡ tổ tiên, ông bà, những người đã khuất (gia tiên). Theo quan niệm truyền thống, hương hồn người đã khuất cũng về họp mặt với con cháu trong những ngày đầu năm mới. Thứ ba là cuộc họp mặt của các thành viên trong gia đình. Như vậy, Tết Nguyên đán là dịp đoàn tụ, sum họp gia đình, là dịp biểu lộ tình cảm giữa các thành viên trong gia đình, hỏi han về sức khỏe, công việc làm ăn và các vấn đề khác trong cuộc sống. Việc đi lễ tết cũng được quy định rõ ràng. Đi lễ tết trước hết phải đến nhà trưởng họ, cúng lễ trước bàn thờ họ, sau đó theo thứ tự trong dòng họ (Mồng một tết cha). Đến ngày mồng hai Tết, trẻ nhỏ thường theo mẹ, theo bà đi chúc tết bên ngoại (Mồng hai tết mẹ). Ngày mồng ba là ngày thăm hỏi (1) Trên thực tế, Tết năm mới đối với mỗi tộc người trên dải đất Việt Nam diễn ra không trùng nhau về thời gian, lại còn có những khái niệm cũng không trùng nhau. Chẳng hạn, Tết của người Mông diễn ra vào cuối tháng mười một đầu tháng chạp âm lịch; người Khơme không có khái niệm đón giao thừa, Tết Chon Chnăm Thmây của họ diễn ra giữa tháng tư dương lịch (đây cũng là lễ hội cầu mưa). Còn người Vân Kiều không có chữ Tết, họ chỉ dùng chữ Ta may với nghĩa là năm mới (vào khoảng tháng mười một âm lịch). 123
  24. lẫn nhau của bạn bè thân hữu, láng giềng, bạn học, chúc tết thầy dạy học (Mồng ba tết thầy). Triều đình phong kiến Việt Nam cũng có những quy định cụ thể đối với việc ăn Tết Nguyên đán. Ngày 23 tháng chạp, các quan viên làm lễ hạp ấn, tức là cất ấn triện vào hộp, biểu trưng cho việc nghỉ ngơi. Ngày mồng một Tết, vua thân hành đến làm lễ tế ở đàn Nam Giao (phía bắc huyện Thọ Xương thuộc kinh thành Thăng Long; chu vi đàn khoảng 10 trượng). Từ canh năm, vua ngự ở điện Vĩnh Thọ để các hoàng tử cùng các quan cận thần đến chúc mừng, rồi sau đó mới vào cung Trường Xuân làm lễ cúng các tiên đế. Mồng hai Tết là ngày mọi quan viên được ở nhà để lo cúng tổ tiên. Đến ngày mồng bốn Tết vua ban yến đầu năm cho các triều thần. Ngày mồng bảy Tết là lễ khai hạ (khai hạp). Vào ngày này các quan viên mở hộp đựng ấn triện ra như là một biểu hiện tượng trưng mở đầu công việc hành chính trong năm mới. Ngày này cũng là ngày hạ cây nêu. 5.4.2.2. Tết Đoan ngọ Có xuất xứ từ Trung Quốc. Đây là tết tỏ lòng thương nhớ Khuất Nguyên - nhà thơ nổi tiếng, vị trung thần nước Sở, do can ngăn vua Hoài Vương không được, đã uất ức ôm đá gieo mình xuống sông Mịch La tự vẫn vào ngày mồng 5 tháng 5 âm lịch. Vào dịp tết Đoan ngọ, người dân Trung Quốc xưa làm bánh, quấn chỉ ngũ sắc phía bên ngoài, bơi thuyền ra giữa sông rồi thả bánh xuống để cúng Khuất Nguyên. Giờ chánh ngọ của ngày mồng 5 tháng năm âm lịch là cao điểm của dương khí. Lúc này các tia cực tím rọi xuống bề mặt trái đất nhiều nhất. Tục hái các loại lá vào giờ ngọ (gọi là lá mồng năm) thể hiện tính chất tiệt trùng của lá cây trong giai đoạn chuyển mùa, chuyển tiết đặc biệt này. Vậy nên người Việt Nam gọi Tết Đoan ngọ là Tết giết sâu bọ. Người ta quan sát thấy rất ít khi có mưa vào ngày Tết Đoan ngọ. Tuy nhiên, ngày xưa các nhà làm lịch tin rằng vào Tết Đoan ngọ có mưa thì càng tốt, bởi đó là dấu hiệu chuẩn bị một vụ mùa tốt tươi sắp đến. Ngày Đoan ngọ thường gần hoặc trùng với tiết Mang chủng, dịp lúa trổ đòng: Lúa chiêm ngấp nghé đầu bờ Hễ nghe tiếng sấm phất cờ mà lên. 124
  25. Vào dịp Tết Đoan ngọ, người Việt Nam thường ăn thịt vịt (âm tính), chè kê (nhiều năng lượng và bổ tỳ dương, đặc biệt rất tốt cho những người tỳ vị hư hàn), bánh ú (làm bằng gạo nếp, chứa nhiều lipít và gluxít, còn cho ngậm nước tro là để thêm chất kali làm lợi tiểu, bổ tạng tâm). 5.4.2.3. Tết Trung Thu Rằm tháng Tám là Tết Trung thu. Đây là Tết đặc trưng dành cho trẻ con. Tết Trung thu có cách nay ít nhất là hai ngàn năm. Các vị vua chúa xưa có tục lệ tế mặt trời vào mùa xuân, mặt trăng vào mùa thu. Ngày 15 tháng tám (giữa thu) được coi là ngày lành để tế mặt trăng; trong lễ tế thần mặt trăng có trên bàn thờ bánh hình mặt trăng hay còn gọi là bánh hình đoàn viên, để cả gia đình có dịp đoàn tụ ăn bánh và ngắm trăng thu trong trẻo. Người lớn ngắm trăng, đoán mùa màng; trẻ em rước đèn, múa sư tử (trong Nam gọi là múa lân). Khởi nguồn của ngày Tết Trung thu là ngày lễ nông nghiệp. Cỗ Trung thu là cỗ chay, gồm toàn sản vật nông nghiệp như cốm, bưởi, chuối, hồng, đặc biệt là bánh dẻo, bánh nướng. Trung Thu là tết của trẻ em, nhưng người lớn cũng nhân đây mà họp mặt, uống rượu, uống trà, ngắm trăng, ngắm cảnh. Thông thường, ban ngày người ta làm lễ cúng gia tiên, đến tối bày hoa quả, bánh kẹo, chè cháo để trẻ em vui chơi, phá cỗ, rước đèn ông sao, ngắm trăng. Ngày trước, nhà nào cũng có đèn kéo quân, đèn ông sao, đèn con cá, đèn con thỏ; bày chung với hoa quả và các loại bánh. Ở thành phố có bánh dẻo, bánh nướng; ở nông thôn có bánh đúc. Các bà, các cô vào dịp trung thu trổ tài bày cỗ, tỉa hoa đủ loại, làm đẹp mâm cỗ, làm hài lòng người lớn và trẻ em. Đó chính là nghệ thuật ẩm thực của Tết trung thu truyền thống mà hiện nay không còn thấy mấy nữa. Tết Trung thu truyền thống có đồ chơi đặc trưng là đèn ông sao, tượng ông tiến sĩ và đèn kéo quân. Theo quan niệm của người xưa, ba loại đồ chơi này là biểu tượng của vận mệnh, trí tuệ và tài năng khéo léo của con người. Như vậy, các đồ chơi trong dịp tết Trung thu nhằm khuyến khích trẻ em ra sức học tập và rèn luyện để trở thành nhân tài cho đất nước. Đây là biểu hiện trọng văn, trọng tài năng của nền văn minh nông nghiệp lúa nước. Vào dịp Trung thu, người ta còn thấy nặn tò he khắp phố phường và ngay cả ở chốn thôn quê. Tò he không chỉ nặn bán vào dịp trung thu mà trong suốt cả năm. Để bảo tồn vốn quý dân tộc, mấy năm trở lại đây Bảo tàng dân tộc học đã cử cán bộ về làng quê, tìm hiểu lại các trò chơi dân gian, phát hiện các 125
  26. nghệ nhân để khôi phục những nghề làm đồ chơi truyền thông, chẳng hạn, chuồn chuồn tre, ông quan võ đánh gậy, ông tiến sĩ giấy, v.v Nói chung, lễ tết và lễ hội đều là sự tổng hợp uyển chuyển của cái linh thiêng (lễ) và cái trần thế (hội, tết). Lễ tết giới hạn trong gia đình là chủ yếu, còn lễ hội giới hạn trong làng xã là chủ yếu. Lễ tết và lễ hội kết hợp với nhau tạo nên nhịp sống hài hòa suốt bao đời nay của dân tộc Việt Nam. 5.5. LUẬT TỤC 5.5.1. Khái niệm Về mặt thuật ngữ, luật tục là từ Hán-Việt, còn người Thái gọi là hịt khoỏng, người Êđê gọi là phatkđi, người Mường gọi là phatkđuôi. Luật tục là một hiện tượng xã hội, mang tính phổ quát ở vào thời kỳ phát triển tiền giai cấp, tiền công nghiệp, tồn tại dưới nhiều dạng thức và mức độ khác nhau đối với một số tộc người trên thế giới, đặc biệt là ở Châu Á và Châu Phi từ rất xa xưa. Nội dung của luật tục đề cập các cách ứng xử và quản lý cộng đồng trong phạm vi hẹp. Các dạng thức tồn tại của luật tục có thể là truyền miệng hoặc bằng chữ viết (văn bản) được cộng đồng hẹp chấp nhận và làm theo. Luật tục là một sản phẩm gắn liền với xã hội cổ truyền, gắn liền với hình thái kinh tế - xã hội khi mà gia đình, buôn làng giữ vai trò cơ bản, là chỗ dựa vững chắc của phong tục tập quán. Như vậy, luật tục là một biểu hiện của sinh hoạt văn hóa cộng đồng trong một phạm vi hẹp nhằm xử lý các tình huống liên quan đến những vi phạm về ứng xử và quản lý cộng đồng đó. 5.5.2. Chức năng của luật tục Luật tục thực hiện chức năng cố kết cộng đồng, điều hòa các mối quan hệ và liên kết giữa các thành viên cộng đồng, giữa thành viên cộng đồng với tự nhiên. Luật tục, do đó, là một trong những di sản của văn hóa dân tộc, có giá trị về nhiều mặt như lịch sử, văn hóa, nghệ thuật. 5.5.3. Quá trình phát hiện và sưu tầm luật tục Ra đời từ rất lâu, nhưng luật tục ở Việt Nam mới được chú ý điều tra, sưu tầm, nghiên cứu vào những năm đầu của thế kỷ XX. Luật tục đầu tiên được sưu tầm ở Tây Nguyên là luật tục của người Êđê. Đến năm 1952 trường Viễn Đông Bác cổ ấn hành hai tập sách nhan đề Luật tục những bộ 126
  27. lạc Bana, Xơđăng, Giarai ở tỉnh Kontum (viết bằng tiếng Pháp). Về sau còn công bố một bộ luật tục của người Cơho và người Xtiêng. Như vậy, cho đến giữa thế kỷ XX đã có một số luật tục của các dân tộc thiểu số thuộc các tỉnh miền Trung, Bắc, Nam Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ được in thành sách (viết bằng tiếng Pháp hoặc có chữ ghi âm từ của người bản địa). Các tác giả người Việt cũng rất quan tâm đến việc sưu tầm, biên dịch, biên soạn, chỉnh lý và phổ biến các luật tục. Từ năm 1975 đến 1998 nhiều tác giả đã nghiên cứu được một số luật tục của các dân tộc thiểu số như Êđê (từ 1975 đến 1996), Mơnông (từ 1982-1990), Thái (1997); đặc biệt có giới thiệu Lệ Mường tức là Lệ Làng, và 17 điều Luật Mường (cả Lệ Mường và Luật Mường là luật lệ của cư dân Thái Trắng). Như vậy, kể từ các thập niên đầu thế kỷ XX đến nay, các tác giả người Pháp và người Việt đã hoàn thành nhiều công trình nghiên cứu luật tục các dân tộc ở Việt Nam, tính từ miền Đông Nam Bộ lên đến vùng Tây Nguyên rộng lớn và ra đến các tỉnh Thanh Hóa, Hòa Bình, Hà Tây, Sơn La. 5.5.4. Nội dung luật tục Luật tục đề cập các chuẩn mực ứng xử trong đời sống vật chất cũng như tinh thần của cộng đồng. Nhìn chung có thể quy về các vấn đề cơ bản sau đây: - Phần quy định chung. - Phần nói về người chủ làng. - Về các vi phạm lợi ích cộng đồng. - Về hôn nhân-gia đình, quan hệ giữa cha mẹ, con cái. - Về của cải và quyền sở hữu. - Về các trọng tội, v.v 5.5.5. Cấu trúc luận tội theo luật tục Mỗi điều luật thường có phần nêu khuyết điểm (dẫn dắt vấn đề) cùng với lời khuyên (lời luận tội), và mức phạt đền tương ứng. Phần dẫn dắt vấn đề và phần luận tội thường được đưa ra bằng cách nói vần, dựa vào các hiện tượng hiển hiện trong tự nhiên và xã hội. Vì vậy, ngôn ngữ ở phần luận tội được sử dụng một cách hình tượng, có vần điệu, dễ ghi nhớ và có sức thuyết 127
  28. phục cao. Chẳng hạn, về tục phải nối nòi giống thì người Ê-đê nói: “Rầm nhà gãy thì phải thay, dát sàn nát thì phải thế. Chết người này thì phải nối bằng người khác”. Hoặc khi nói rằng con cái không thể khinh thường cha mẹ thì luật tục Giơ-rai khẳng định “Chái nhà không thể lớn hơn mái nhà, cối giã gạo không thể cao hơn cái chày, hòn đá không thể lớn hơn quả núi, đập nước không thể dài hơn con sông. Vậy nên con trẻ không thể khinh thường mẹ cha”. Còn luật tục Giơ-rai luận tội người đàn bà góa chưa làm lễ bỏ mả cho chồng mà đã đi ngoại tình thì được giới thiệu như sau: “Cô ta thích bắt hàng trăm con cá nheo dưới suối, hàng trăm con cá sấu trong hồ và thích bắt những đứa con trai giàu có trong làng. Đất vẫn chưa chia, cây tơmôh vẫn chưa trồng, gà con vẫn chưa chôn, thời kỳ để tang vẫn chưa hết. Chính vì lỗi đó mà xảy ra chuyện với cô ta và cô ta bị phạt ”. Về phần phạt đền. Cần nói rõ là cách xử của người lớn tuổi có uy tín (Pô phatkđi) trong tòa án luật tục dựa chủ yếu vào quan niệm cho rằng bị cáo có tội tức cũng là mang nợ, và do đó phải chịu phạt đền (đền nợ để hết tội). Mọi nợ nần đều được quy đổi ra của cải và tính mạng (vậy nên, ở đợ để trả nợ cũng là một biểu hiện của việc quy đổi nợ ra tính mạng con người). 5.5.6. Luật tục và luật pháp 5.5.6.1. Luật tục Ngay trong bản thân thuật ngữ luật tục vừa có mối liên hệ sâu sắc với phong tục, tập quán và luật pháp, vừa chứa đựng các yếu tố của luật pháp. Luật tục có thể được coi như là bước đệm, là giai đoạn chuyển tiếp giữa phong tục tập quán với luật pháp. Nó có ý nghĩa và đóng góp rất lớn cho giai đoạn lập pháp “quá độ” đó. Luật tục có nhiều mức độ biểu hiện. Chẳng hạn, luật tục có thể biểu hiện dưới dạng hương ước (1). Đặc trưng lớn nhất của hương ước là tính hai (1) Tính đến tháng 12-2001 cả nước ta có 27.678 trong tổng số 79.201 làng, thôn, bản đã xây dựng được hương ước, quy ước mới, chiếm tỷ lệ gần 35% (Báo Nhân dân, 26-12-2001). Bên cạnh một số hương ước được điều chỉnh tốt, phù hợp với luật pháp Việt Nam, còn có không ít hương ước cần phải được xem xét lại một cách nghiêm túc. Viện kiểm sát nhân dân của 29 tỉnh đã phát hiện từ năm 1999 đến 2001, hàng trăm hương ước không những có nội dung trái với pháp luật mà còn trái với nhân tính, trái với đạo lý, mở đường cho các hủ tục tái diễn. Nguyên nhân nằm ở tính cả nể, sự mơ hồ giữa cái đúng và cái sai, mưu đồ tư lợi và quyền lực cá nhân không đúng chỗ của một số người (Báo Nhân dân cuối tuần, 02-12-2001, tr. 7). 128
  29. mặt của nó: một mặt, nó là công cụ điều chỉnh các mối quan hệ xã hội ứng với điều kiện cụ thể của mỗi làng nhằm thể hiện tính tự trị, tự quản; mặt khác, hương ước là tri thức dân gian về quản lý cộng đồng, được nâng lên mức công cụ quản lý xã hội làng xã, được nhà nước khuyến khích và cho phép. Vì vậy, xét ở góc độ nhất định, hương ước là luật pháp được áp dụng cho bản làng, làng xã. Vấn đề chỉ là ở chỗ cần xem xét hương ước có mâu thuẫn với luật pháp của cả dân tộc, của cả một thể chế chính trị thống nhất của quốc gia hay không. Chẳng hạn, làng Cấn Thượng xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây có bản quy ước ra đời tháng 4 năm 1995 gồm 9 chương, 32 điều dựa trên pháp luật của nhà nước kết hợp với truyền thống đạo lý của nhân dân tại địa phương. Khi có hương ước, các tệ nạn xã hội được hạn chế rất nhiều, việc cưới, việc tang thực sự có chuyển biến theo hướng tinh giảm mà vẫn trang trọng, tệ hút xách và ăn uống linh đình cũng như các tục rườm rà khác đều bị loại bỏ. Với cách nhìn nhận đó, ta có thể nói rằng luật tục là sự phát triển cao của phong tục tập quán và là bước phát triển đầu tiên của luật pháp áp dụng cho một cộng đồng hẹp. Chính vì vậy, ngày 16-6-1998 Thủ tướng đã ban hành chỉ thị số 24/CT-TTg về việc hướng dẫn xây dựng hương ước, quy ước mới ở các làng, thôn, bản trong cả nước. Tại thông tư số 04/TTLT của liên bộ Tư pháp, Văn hóa-Thông tin, Ban thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam và Ủy ban quốc gia Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) ban hành ngày 9-7-2001 có đưa chính sách DS- KHHGĐ vào hương ước. Việc xây dựng các hương ước mới không phải là dễ dàng. Trên thực tế, kể từ khi ban hành Chỉ thị 24/CT-TTg cho đến nay, đã có 203 bản hương ước, quy ước làng vi phạm pháp luật, đó là những trường hợp đáng lưu ý và cần có biện pháp tốt để khắc phục 5.5.6.2. Luật pháp Năm 1042 Lý Thái Tông cho ban hành bộ Hình thư. Đây là bộ luật thành văn đầu tiên của nước ta. Nó có giá trị như một hệ thống luật pháp tương đối hoàn chỉnh so với những điều luật tản mạn, việc xét xử tùy tiện chưa có chuẩn mực chung từng tồn tại trong các thời đại trước đó. Bộ Hình 129
  30. thư ra đời là một sự kiện quan trọng trong lịch sử pháp quyền Việt Nam, chứng tỏ nhà nước trung ương tập quyền đã dần dần thể hiện tính chất ổn định tương đối của mình. Bên cạnh việc sử dụng các hình phạt khắc nghiệt phù hợp với tính chất chung của pháp luật hình sự phong kiến, bộ Hình thư đã đặt cơ sở pháp lý cho việc xét xử, có tác dụng hạn chế sự lộng hành và tùy tiện của quan lại. Năm 1483 Lê Thánh Tông cho hệ thống hóa, bổ sung để xây dựng bộ luật mới gọi là Luật Hồng Đức mà về sau gọi là Lê triều hình luật hay Quốc triều hình luật. Bộ luật này có nội dung cơ bản là bảo vệ lợi ích và đặc quyền của giai cấp thống trị, củng cố chế độ quân chủ chuyên chế; đồng thời thể hiện sự tôn trọng phong tục tập quán của nhân dân, bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia và phát triển kinh tế đất nước. Luật Hồng Đức mang tính tổng hợp cao, là một công trình lập pháp lớn, thể hiện bước tiến mới rất quan trọng của lịch sử pháp quyền Việt Nam. Nó bao gồm cả luật hình, luật hôn nhân và gia đình, luật dân sự và luật tố tụng. Tất cả được trình bày dưới hình thức quy phạm hình luật. Năm 1815 nhà Nguyễn ban hành bộ Hoàng triều luật lệ hay còn gọi là Luật Gia Long. Bộ luật này gồm 22 quyển, 7 chương, 398 điều. Tư tưởng chủ đạo của bộ luật này là bảo vệ uy quyền tuyệt đối của nhà vua, trên cơ sở không áp dụng những chế định tương đối tiến bộ của bộ luật Hồng Đức về dân luật, về luật hôn nhân gia đình. Tính chất khắc nghiệt của bộ luật này là ở chỗ mở rộng phạm vi trừng trị thể hiện bởi những hình phạt rất tàn nhẫn (lăng trì, trảm khiêu, v.v ). 5.5.7. Công tác bảo tồn và phát triển luật tục trong quan hệ với luật pháp Luật tục ở các cộng đồng cư dân Việt Nam có một vị trí quan trọng. Nó thể hiện trách nhiệm của các thành viên cộng đồng đối với nhau và đối với tự nhiên. Đây là yêu cầu bức thiết và là yêu cầu hàng đầu đối với cư dân nông nghiệp lúa nước. Chính vì vậy, các cộng đồng dân tộc Thái, Cơho, Êđê, v.v đều có những luật tục riêng của mình dưới dạng truyền miệng hoặc bằng văn bản. Ngày nay, luật tục vẫn giữ một vai trò đáng kể trong nhiều vùng nông thôn, miền núi nước ta. Một số làng xã đã cho khôi phục hương ước của mình. Đây là việc làm nhằm mục đích ổn định tính cộng đồng trong phạm vi 130
  31. hẹp, thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng đó về các mặt như chính trị - xã hội, kinh tế, văn hóa - giáo dục, v.v Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm sao sưu tập các luật tục (hoặc các điểm cơ bản của các luật tục) có giá trị phổ quát trong nhiều cộng đồng hẹp, tìm biện pháp phát huy được giá trị của chúng trong một vùng văn hóa lớn, hoặc xích gần lại với luật pháp của nhà nước Việt Nam hiện nay. Một số điểm cần lưu ý trong quá trình sưu tầm, biên soạn lại luật tục. - Có một số điểm trong luật tục chỉ tồn tại như là một dấu ấn lịch sử cộng đồng, nên không có nhu cầu phục hồi. Đây là điểm thuận lợi cho các nhà sưu tầm, chỉnh lý, phổ biến luật tục. - Có một số điểm trái với pháp luật nhà nước, do nhận thức lạc hậu để lại. Đây là điểm phức tạp đối với các nhà sưu tầm, chỉnh lý, phổ biến luật tục. - Có một số điểm tuy trái với pháp luật nhà nước nhưng lại thuận với tộc người có luật tục đó, và vì vậy có tác dụng rất lớn trong ứng xử pháp luật theo lối luật tục, không gây nguy hiểm hoặc phiền hà cho cộng đồng hẹp khác. Đây là điểm cần hết sức lưu ý để một mặt điều chỉnh pháp luật trong mức độ có thể phù hợp nào đó, mặt khác, không làm tổn thương và tổn thất nguồn luật tục còn lại rất ít ỏi của một số cộng đồng dân tộc thiểu số trên lãnh thổ một quốc gia đa dân tộc. Việc nghiên cứu luật tục trong giai đoạn hiện nay nhằm bảo tồn và phát huy những tinh hoa văn hóa của các dân tộc, từng bước khắc phục những điểm lạc hậu trong luật tục, hướng tới một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh, vừa làm nổi rõ tính bình đẳng trước pháp luật, vừa làm phong phú thêm văn hóa dân gian trong luật tục của đồng bào các dân tộc. Rõ ràng, việc sưu tập, bảo tồn luật tục đòi hỏi một quy trình khoa học chặt chẽ, ý thức luật pháp cao, hiểu biết văn hóa rộng. Có như thế, công việc này mới có ý nghĩa và giá trị thực tiễn, tức là nó vừa mang tính dân gian, tính địa phương, vừa mang tính phổ quát và tính đa dạng của luật tục phù hợp với luật pháp hiện hành của nhà nước, tính đa dạng trong sự thống nhất của văn hóa dân tộc. Có 2 biện pháp cơ bản để bảo tồn và phát huy luật tục trong mối quan hệ với luật pháp. Trước hết, đó là sự điều tiết của đường lối, chính sách, luật pháp Nhà nước. Sự điều tiết này làm cho các dân tộc xích lại gần nhau 131
  32. hơn, hiểu biết và đoàn kết với nhau hơn. Trên cơ sở đó, dân trí được mở mang, phong tục cổ truyền được cải hóa, tạo ra sự dung hợp phong tục, tập quán giữa các dân tộc. Cũng từ đó, một số luật tục lạc hậu được xóa bỏ hoàn toàn, thay vào đó là các giá trị văn hóa dân tộc Việt Nam cao hơn. Thứ hai, đó là sự giác ngộ ngày càng cao từ phía người dân và sự hướng dẫn, tổ chức của các cấp chính quyền địa phương nhằm thực hiện đúng đắn đường lối chính sách và luật pháp nhà nước bên cạnh việc tuân thủ những quy định của luật tục. Nói cách khác, đây là phong trào xây dựng đời sống văn hóa mới ở từng làng, từng buôn, từng gia đình đồng thời với việc xây dựng và phát triển luật tục, hương ước mới. 5.6. NGHỆ THUẬT THANH SẮC 5.6.1. Khái niệm Nghệ thuật thanh sắc là loại hình sinh hoạt văn hoá thể hiện tâm tư, tình cảm, nguyện vọng và cảm xúc của con người thông qua 4 hình thức: ca, múa, nhạc, sân khấu. Cảm xúc của con người một khi nâng lên thành cảm xúc nghệ thuật thanh sắc thì nó sẽ tạo cơ sở cho sáng tạo và cảm thụ nghệ thuật thanh sắc. 5.6.2. Vị trí, vai trò của âm nhạc Khổng Tử (năm 551-479 trước công nguyên) từng cho rằng âm nhạc là tiết tấu, là nhịp điệu. Âm nhạc do xúc cảm tự trong lòng mà sinh ra, vậy nên nó làm rung động lòng người. Theo Khổng Tử thì âm nhạc cốt đem đến ba cái "hoà": âm nhạc là sự hoà hợp trời đất (âm dương), âm nhạc làm cho lòng dân có hoà khí, âm nhạc làm cho xã hội có một trật tự ôn hoà. Khổng Tử cho rằng người quân tử ngoài những đức tính tốt thì phải biết trau dồi lễ, nhạc và dùng chúng đúng chỗ, vì lễ nhạc là hai vấn đề đứng đầu trong sáu vấn đề mà mỗi người phải học và biết từ nhỏ: lễ, nhạc, xạ, ngự, thư, số (lễ, nhạc, bắn cung, cưỡi ngựa, đọc sách, học toán). Từ xa xưa, người Việt Nam rất coi trọng và đam mê âm nhạc. “Sống dầu đèn, chết kèn trống” là một ngạn ngữ thể hiện tinh thần lạc quan, yêu đời, yêu thích cái vui, cái đẹp sủa của cuộc sống, tức là đã đề cao vai trò của âm nhạc. Lời ca tiếng hát ru cho em bé vào đời, ru cho tình yêu say đắm của lứa đôi, ru cho tình yêu thiết tha quê cha đất tổ, ru cho lòng người thanh 132
  33. thản từ giã chốn trần gian (1). Một trong những cội nguồn làm nên bản sắc văn hóa Việt Nam truyền thống trong nghệ thuật thanh sắc - đó là quan niệm về thiên - địa - nhân hợp nhất, tạo nên tính thống nhất của vũ trụ, của vạn vật. Quan niệm này đã được các nhà văn hóa, nghệ nhân vận dụng sáng tạo vào nghệ thuật thanh sắc. Trong thời đại ngày nay, khi sự giao lưu văn hóa đang là hiện tượng mang tính toàn cầu, khi trình độ thưởng thức nghệ thuật của đông đảo quần chúng đã được nâng lên, thì việc sáng tạo nghệ thuật, giữ gìn và phát huy những giá trị cổ truyền trong dòng chảy hiện đại cũng như việc thưởng thức nghệ thuật có nhiều đòi hỏi khắt khe và táo bạo nhưng rất uyển chuyển và ôn hòa. 5.6.3. Về ca Người Việt Nam có nhiều làn điệu dân ca hay, bắt nguồn từ lời ru, từ các điệu hò trong lao động sản xuất (hò giã gạo, hò hụi, hò mái nhì, hò mái đẩy, hò khoan, hò nện, hò kéo lưới, hò ba lý, hò chèo thuyền sông lớn, hò chèo thuyền sông nhỏ, v.v ), gắn liền với lao động và lễ hội, đặc biệt là lễ hội mùa xuân (hát xoan, hát quan họ), với sinh hoạt đồng quê (các điệu lý, điệu hò, lời ru, hát xẩm), với chiến đấu (điệu trống quân), với sinh hoạt của trí thức (hát ả đào). Hình thức ngâm thơ cũng rất phổ biến. Điều cần lưu ý là dù dân ca gắn chặt với lao động sản xuất, với đời sống xã hội, nhưng tuyệt nhiên nó không phải chính ở những hoạt động đó; nó là loại hình nghệ thuật đặc biệt, được cách điệu từ những biểu hiện cụ thể của hoạt động lao động sản xuất với trí tưởng tượng phong phú của con người để rồi từ đó quay trở lại phục vụ đời sống tinh thần của con người, là chất men kích thích tinh thần lao động hăng say, tình yêu con người, tình yêu lứa đôi, tình yêu quê hương xứ sở. Ở nước ta có các loại dân ca độc đáo như hát ví, hát dặm Nghệ Tĩnh, hát dặm Hà Nam, hát quan họ, hát giao duyên của các dân tộc thiểu số, v.v (1) Ngày 27-11-2003 các nhà khoa học Hoa Kỳ đã công bố công trình nghiên cứu về hiệu quả của âm nhạc đối với bệnh viêm khớp mạn tính. Nếu mỗi ngày tập trung nghe nhạc 20 phút thì sau 2 tuần mức độ các cơn đau thuyên giảm được 50%, bởi vì âm nhạc giúp cơ thể tạo ra chất endorphins làm giảm cơn đau, điều hòa huyết áp, nhịp tim, nhịp hô hấp (Nguồn: Báo Lao động, 29-11-2003, tr. 6). 133
  34. Các loại dân ca này gắn liền với sinh hoạt văn hóa, lao động sản xuất, tưởng nhớ và tri ân công lao của các vị anh hùng dựng nước và giữ nước trong các chiến công hiển hách để xây dựng và bảo vệ tổ quốc, thể hiện tình yêu lứa đôi và những ước vọng, tình cảm tốt đẹp của người lao động. 5.6.4. Về nhạc 5.6.4.1. Nhạc cụ Người Việt Nam chế tác nhiều nhạc cụ truyền thống độc đáo, gắn liền với nguồn gốc nông nghiệp lúa nước. GS.TS.Tô Ngọc Thanh cho rằng bát âm, tức là 8 loại chất liệu chế tạo nhạc cụ chia ra hai nhóm, đó là kim loại, đá, đất nung, gỗ (thuộc dương tính); tre, da, tơ, vỏ quả bầu (thuộc âm tính). Việc phân định tính chất âm dương trong chất liệu nhạc cụ nhằm mục đích hòa tấu (Tô Ngọc Thanh, Về âm nhạc dân gian Việt Nam, trong Hành tinh chúng ta hiện nay, tr. 32 - 39). Trong các loại nhạc cụ, phổ biến nhất là bộ gõ (bộ tự thân vang), trong đó xưa nhất là đàn đá (12 thanh dài ngắn, nặng nhẹ khác nhau với âm thanh chuẩn). Trống đồng là một biểu hiện đa dạng của tín ngưỡng phồn thực thông qua các họa tiết, hoa văn cũng như cách đánh trống đồng. Ngoài ra, mõ, chuông, cồng, chiêng, phách đều có từ thời xa xưa. - Bộ dây: Đàn cổ nhất là đàn cò, tức đàn nhị có cấu tạo theo nguyên lý âm dương. Các loại đàn khác như đàn bầu, đàn nguyệt, đàn tranh, v.v cũng đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống tinh thần của nhân dân ta. - Bộ hơi: Khèn, sáo, tiêu, klôngpút là những nhạc cụ thuần túy gốc nền văn minh nông nghiệp lúa nước, vì chúng gắn liền với cây cối, nước và hơi, âm sắc của vùng rừng núi. Có lẽ cổ hơn cả vẫn là kèn đá, gắn liền với đất đá (1). - Bộ gõ: Trống đồng, đàn đá, sanh phách, trống các loại (xem thêm phần phụ lục). 5.6.4.2. Đạo đàn Các bậc hiền nhân tao nhã ngày xưa rất coi trọng nghệ thuật đàn hát. Người ta đưa ra 8 điều cần tránh khi chơi đàn (gọi là bát bất đàn): (1) Tính đến tháng 11 năm 1996 tại huyện Tuy An tỉnh Phú Yên đã tìm thấy 3 chiếc kèn đá. 134
  35. - Bất ngộ tri âm bất đàn, nghĩa là không gặp được người hiểu tiếng đàn (hay tâm sự của mình) thì không đàn. - Bất thanh tâm bất đàn, nghĩa là tâm hồn chưa thanh thản thì không đàn. - Bất chỉnh y quan bất đàn, nghĩa là không đàn khi chưa tắm rửa, chưa thay quần áo, khăn mũ nghiêm chỉnh. - Bất phần hương bất đàn, nghĩa là không đàn khi chưa đốt hương (trầm). - Cận thị, cận giang bất đàn, nghĩa là gần nơi sông nước, chợ búa thì không đàn. - Lân gia hiếu hỷ bất đàn, nghĩa là không đàn khi láng giềng có chuyện hiếu hoặc hỷ. - Lôi vũ bất đàn, tức là không đàn khi trời có mưa gió, sấm chớp. - Quan, hôn, tang, lễ bất đàn, tức là không đàn khi đang vướng vào các chuyện như việc quan, việc cưới xin, ma chay và việc tế lễ. Điều đó chứng tỏ người xưa rất tôn trọng nghệ thuật. Đàn hát cũng có đạo của nó, tức chơi âm nhạc với một tinh thần trong sáng, một tâm hồn lạc quan và thanh thoát thì mới đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật. 5.6.5. Về múa Múa là một bộ phận quan trọng trong các lễ hội, ca múa nhạc truyền thống. Nó là một nghệ thuật giữ vai trò như chất xúc tác cần thiết, là bộ phận không thể thiếu trong các loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống và hiện đại. Chẳng hạn, những lớp múa trong tuồng, chèo là ngôn ngữ của lối diễn tạo hình, góp phần tạo nên hình tượng và tính cách đặc trưng của nhân vật. Múa hiện đại cần có những nét cách tân từ các điệu múa dân gian truyền thống, mang hơi thở của cuộc sống muôn hình muôn vẻ, làm cho trình độ thẩm mỹ của con người vừa mang tính hiện thực, vừa luôn luôn đổi mới. Hiện nay đã có xu hướng muốn đưa vào các điệu múa hiện đại một phần yếu tố võ thuật nhằm bảo lưu vốn võ cổ truyền của dân tộc, đó là điều đáng khích lệ. 5.6.6. Sân khấu Có các loại hình sân khấu nổi bật sau đây: 135
  36. - Chèo và tuồng. Nghệ thuật chèo ra đời vào thời nhà Đinh - Lê. Tổ nghệ chèo là bà Phạm Thị Trân. Chèo là loại hình sân khấu truyền thống, bình dân, bản địa. Nhiều nhân vật của chèo là hề, thầy bói, thầy cúng. Nhờ đó nghệ thuật chèo mang tính trào lộng và hài hước rất cao(1). Nhà hoạt động sân khấu Tào Mạt nhận xét rằng ở chèo, tính cách là hình tượng quán xuyến, chỉ đạo đường hướng cho âm nhạc, vũ đạo phối hợp. Múa chèo mềm mại, uyển chuyển, biểu hiện nội tâm, khác hẳn lối dậm dật phô trương hình thể. Các vở chèo mới thành công, cùng với nội dung tốt, là biết chú trọng tích và trò, tuân theo các thủ pháp tượng trưng, ước lệ, tăng nhịp độ tiết tấu và bằng tư duy hệ thống, sắp xếp lớp lang hoàn chỉnh, thích ứng với đòi hỏi của người thưởng thức (Báo Nhân Dân, Xuân Quý Dậu, 1993, tr.10). Nghệ thuật tuồng bắt nguồn từ ca hát dân tộc, tức là mang nguồn gốc bản địa, về sau kết hợp với các gánh hát Trung Hoa. Căn cứ vào nội dung và hình thức biểu diễn mà người ta chia tuồng ra làm hai loại chính là tuồng đồ và tuồng thầy. - Cải lương xuất hiện vào những năm 20 của thế kỷ XX. Sân khấu cải lương rất chú ý đến trang trí gần với thực tế, điều này làm cho nó khác với chèo và tuồng. Cải lương còn coi trọng lời ca bắt nguồn từ điệu vọng cổ, các điệu lý, hò, và đã trải qua nhiều thay đổi (xem phụ lục). - Múa rối là một loại hình sân khấu đặc thù của Việt Nam (2). Loại hình sân khấu này có từ lâu đời, trong đó múa rối nước xuất hiện vào khoảng thời nhà Lý (xem phụ lục). - Hô bài chòi. Ở khu vực miền trung Việt Nam (từ Bình -Trị -Thiên vào đến Bình Thuận) từ lâu đã có trò chơi đánh bài chòi vui xuân, giải trí trong dịp Tết Nguyên đán, mà về sau trở thành nghệ thuật hô bài chòi (năm 1962 Đoàn dân ca kịch bài chòi Bình Định được thành lập, tiền thân là Đoàn nghệ thuật bài chòi Liên khu 5). Văn chương bài chòi là văn chương bình dân, nhưng không phải vì thế mà mất đi sức hấp dẫn và tính sâu sắc của nó. Đây là một loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống đặc sắc, nguyên gốc (1) Giỗ tổ chèo vào ngày 12 tháng tám âm lịch, lễ hội này có từ thời nhà Đinh. Kể từ năm Canh Dần (2010) đây là ngày truyền thống sân khấu Việt Nam. (2) Dân tộc Tày đã từng có loại hình múa rối dây với 33 con rối làm bằng gỗ, trong đó có 2 con rối que. Kỹ thuật điều khiển rối đạt trình độ khá cao. 136
  37. là trò đánh bài chòi mang tính tự sự (thông qua vai nghệ nhân ban đầu là anh hiệu), về sau hình thành sân khấu cụ thể với sự xuất hiện của nhiều nghệ nhân, mang dáng dấp như sân khấu tuồng với nhiều tuồng tích hẳn hoi. Đó là sân khấu hô bài chòi hay còn gọi là hát bài chòi với các làn điệu dân ca như xuân nữ, xàng xê, cổ bản, hồ quảng tiến xa với những tuồng tích hoàn chỉnh như Phạm Công - Cúc Hoa, Thạch Sanh - Lý Thông, Thoại Khanh - Châu Tuấn, v.v - Tuồng Dá Hai là loại hình kịch hát tiếng Nùng ở phía bắc, bắt nguồn từ nghệ thuật "Mộc thầu hí " - nghệ thuật múa rối dân gian có nguồn gốc từ những kịch bản cổ bằng tiếng Hán. Người Nùng đã khéo léo tiếp thu và vận dụng nghệ thuật này, chuyển từ tiếng Hán ra tiếng Nùng, biên tập và chỉnh lý kịch bản, dựng các vở ca kịch, trong đó có các vở mới. Tuồng Dá Hai có nhiều làn điệu, nhưng sử dụng nhiều nhất các làn điệu sau đây: pìn ti ảo (dùng khi mở màn), pìn chén cáo ti ảo (mở đầu), hí ti ảo (diễn tả trạng thái vui, mạnh mẽ), sái vá ti ảo (diễn tả cảnh vật thiên nhiên), sý ti ảo (diễn tả tình cảm yêu thương, nỗi niềm, suy tư), khù ti ảo (diễn tả nỗi buồn, đau khổ), sán pan (dùng để kết thúc mỗi hồi, mỗi màn hoặc cả vở diễn). Dàn nhạc tuồng Dá Hai gồm hai đàn nhị, một trống, hai bộ chũm chọe, một mõ và một sáo, trong đó hai đàn nhị giữ vai trò chủ đạo. Từ những năm 70 của thế kỷ XX, hoạt động của các đội tuồng Dá Hai yếu dần, đến năm 1979 thì mất hẳn. Đặc điểm chung của sân khấu Việt Nam là tính biểu trưng cao (bút pháp tả thần, không chú trọng đến chi tiết, sự kết hợp cụ thể và trừu tượng trong tư duy), tính biểu cảm sâu đậm (trữ tình trong dân ca, động tác múa mềm mại), tính dễ thích ứng (tự tạo nhạc cụ và cải tiến, tự sáng tác, hát không phụ thuộc vào lời mà có thể cải biến, người biểu diễn và người xem không cách biệt), tính tổng hợp (không phân chia rạch ròi bi kịch, hài kịch, ca múa). 5.6.7. Đặc điểm của nghệ thuật thanh sắc Nếu như nghệ thuật phương Tây nói chung, nghệ thuật thanh sắc nói riêng có truyền thống tả thực, thì nghệ thuật Việt Nam có truyền thống tả thần. Do đó, nghệ thuật thanh sắc Việt Nam có nét nổi bật là tính biểu trưng, được thể hiện trước hết ở nguyên lý đối xứng, hài hoà. Ngay như khi 137
  38. tạo ra bộ đàn đá Khánh Sơn người ta cũng đã nghĩ đến việc chia 12 thanh ra thành hai nhóm âm dương đối nhau (âm thanh trầm thuộc dương, âm thanh cao thuộc âm) và gọi là bộ nam, bộ nữ. Tính cân đối và sự hài hoà thể hiện quan niệm về cái đẹp trong nghệ thuật thanh sắc của người Việt Nam. Vì vậy, chẳng hạn, nghệ thuật múa được xây dựng trên cơ sở các mối tương quan từng đôi một giữa các bộ phận của cơ thể, giữa các động tác với nhau: thượng hạ tương phù, tả hữu tương ứng, phì sấu tương chế, nội ngoại tương quan(trên dưới kết hợp nhau, trái phải cân ứng nhau, béo gầy bù chế nhau, trong ngoài liên quan nhau). Tính biểu trưng được thể hiện ở thủ pháp ước lệ: dùng ít để chỉ nhiều, dùng một bộ phận để ngụ ý tổng thể, dùng một động tác để nói toàn cảnh, từ sàn diễn dẫn dắt người nghe, người xem liên hệ với đời thường. Chẳng hạn, người ta nói về chiếu chèo sân đình: Nhất thân kiêm phụ tử quân thần, nhất bộ công danh đáo để. Nhất tịch hữu triều đình châu quận, thiên thu sự nghiệp trùng khai (Một mình đóng hết các vai cha con vua quan, một điệu bộ thể hiện hết mọi bước công danh trên đời. Một vuông chiếu mà đủ cả triều đình và châu quận, sự nghiệp ngàn thu còn mãi). Tính biểu trưng còn được thể hiện bằng thủ pháp mô hình hoá thông qua việc hoá trang lông mày, bộ râu; phục trang quần áo theo đúng loại hình nhân vật. Ngoài tính biểu trưng, nghệ thuật thanh sắc Việt Nam còn mang tính biểu cảm sâu đậm nhằm diễn tả tình cảm nội tâm sâu lắng hướng ra ngoài đời, đậm chất trữ tình tha thiết, làm phong phú thêm cuộc sống thực. Với nguyên tắc đó, nghệ thuật thanh sắc Việt Nam rất chú trọng các cách luyến láy và thể hiện âm sắc độc đáo, thiên về âm tính. Ngay cả trong các điệu múa cũng thể hiện tính biểu cảm: nhẹ nhàng, uyển chuyển, mềm mại, thướt tha, kín đáo. Nghệ thuật thanh sắc Việt Nam còn mang tính tổng hợp. Nó phù hợp với tư duy và lối sống của cư dân nông nghiệp lúa nước là biện chứng và linh hoạt, không bị siêu hình, không bị gò bó theo một mô hình nhất định. - Trước tiên đó là tổng hợp ba loại hình ca múa nhạc (mà về sau, trong sự giao lưu với văn minh phương Tây phân chia rạch ròi ra ba loại hình theo lối tư duy phân tích). 138
  39. - Tính tổng hợp còn thể hiện ở sự dung nạp nhiều phong cách ngôn ngữ (nói, ngâm), nhiều làn điệu dân ca (hò, lý) trong cùng một bài diễn. - Ta còn có thể nhận thấy tính tổng hợp ở cách chế tác và sử dụng một số nhạc cụ, trong đó có cây đàn bầu Việt Nam độc đáo: với một dây, đàn bầu cho ra đủ loại cung bậc âm thanh, nốt nhạc với các nét luyến láy điệu nghệ của người chơi đàn. Nghệ thuật thanh sắc Việt Nam còn thể hiện rõ tính linh hoạt. Đặc trưng này bộc lộ ở các điểm như sau: - Trước hết là ở cấu tạo và việc sử dụng các nhạc cụ. Người Việt Nam có một số nhạc cụ độc đáo. Chẳng hạn, tính linh hoạt của đàn bầu thể hiện ở chỗ chỉ đưa ra việc phân định ba vùng cơ bản trên sợi dây đàn có thể tạo ra âm thanh (còn các vùng khác không tạo ra được), rồi từ đó nhạc công linh hoạt xác định các nốt nhạc cụ thể bằng cách vuốt và nhún cần đàn. Người chơi đàn phối hợp nhịp nhàng đôi bàn tay, nhịp nhàng mà vẫn phân định rạch ròi công việc của mỗi bàn tay để tạo nên những âm thanh rung hoặc phẳng, những cung bậc ngắn hoặc dài, hài hòa theo ý muốn của họ. - Tính linh hoạt còn thể hiện ở trình độ diễn tấu tự do nhưng rất chuẩn xác của nghệ nhân, cũng như ở sự tò mò, cắt ngang bài diễn từ phía người xem nhằm thử tài nghệ nhân và đồng thời tỏ rõ vốn kiến thức phong phú của mình để giao lưu với nghệ nhân. Và thế là hình thành mô hình mới - mô hình bài diễn có tiếng đế. Nó làm cho không khí vở diễn trở nên sôi nổi, uyển chuyển, linh hoạt: từ bi kịch thành hài kịch, khóc mà phải cười, cười trong nước mắt; từ nghiêm trang trở thành dân dã, thân quen, không cách biệt nghệ nhân và quần chúng. "Tiếng đế trên sân khấu còn chính là dấu vết truyền thống dân chủ của nền văn hoá làng xã nông nghiệp. Tiếng đế phá ngang mà lại càng gây được sự hứng thú - đó là kết quả sự tôn trọng người xem, mối giao hoà linh hoạt giữa sân khấu với người xem." (Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hoá Việt Nam, NXB Tp. Hồ Chí Minh, 1997, tr. 342) 5.7. NGHỆ THUẬT HÌNH KHỐI 5.7.1. Khái niệm Nghệ thuật hình khối là loại hình sinh hoạt văn hoá thể hiện tâm tư, tình cảm, nguyện vọng và cảm xúc của con người thông qua 2 hình thức: hội họa và điêu khắc. Cảm xúc của con người một khi nâng lên thành cảm 139
  40. xúc nghệ thuật hình khối thì nó sẽ tạo cơ sở cho sáng tạo và cảm thụ nghệ thuật hình khối. Nghệ thuật hình khối đề cập ở đây chính là hội họa và điêu khắc - các loại hình nghệ thuật biểu trưng độc đáo, được xây dựng trên các chất liệu như gỗ, giấy, đá, đồng, sắt, ngà voi, v.v Mỗi tác phẩm nghệ thuật nói chung, mỗi bức tranh hoặc bức khắc nói riêng, đều có một ý tưởng của nghệ sĩ gởi gắm vào đó. Không một tác phẩm nào thoát khỏi ý tưởng hay còn gọi là đề tài nội dung. Đề tài nội dung sẽ được nghệ sĩ khắc họa bằng hình tượng cùng với ngôn ngữ của nghệ thuật hình khối (đường nét, màu sắc, không gian, bố cục) dù đó là hiện thực hay trừu tượng. Sự thành công của tác phẩm nghệ thuật hình khối do các yếu tố về vốn sống, tay nghề chuyển sang cảm xúc được truyền vào chất liệu cụ thể phù hợp (chạm khắc gỗ, đá, ngà voi; vẽ trên giấy dó phủ điệp; hiện nay còn có cải tiến vẽ trên nhiều chất liệu khác nữa ). Nghệ thuật tranh và khắc dân gian Việt Nam đạt đỉnh cao là nhờ sự linh hoạt của nghệ nhân thể hiện trong các yếu tố nói trên. Nghệ thuật hình khối phong phú và đa dạng về thể loại: tranh dân gian, tranh sơn mài, điêu khắc ở đình làng, điêu khắc trang trí. 5.7.2. Tranh dân gian Trong thể loại tranh dân gian cần nhìn nhận sự phong phú và đa dạng về tiểu loại. Chẳng hạn, hiện nay người ta chia tranh dân gian Việt Nam ra làm 4 tiểu loại hay còn gọi là 4 nhóm: tranh thờ, tranh chúc tụng, tranh sinh hoạt, tranh minh họa văn học và các sự kiện lịch sử. Về tranh thờ. Đây là tiểu loại không thể thiếu tại các trung tâm làm tranh. Phổ biến nhất là các tranh ông tướng canh cửa chùa, đền, điện - các vị quan võ uy nghiêm trừ tà ma. Còn ở nhà dân thì treo bộ tranh Tiến tài, tiến lộc vận triều phục quan văn, hy vọng mang lại sự thịnh vượng cho chủ nhà, hoặc bộ tranh gà Đại cát - Nghinh xuân để xua đuổi tà ma và cầu may, v.v Về tranh chúc tụng. Tranh dân gian chúc mừng năm mới hay còn gọi là tranh Tết, bao giờ cũng thể hiện ý nghĩa sâu xa và thâm thúy. Chẳng hạn, các bức tranh Con cóc, Vinh hoa phú quý nhằm cầu chúc sự giàu sang, phú quý, nhiều tài lộc. Còn sự thành đạt và lập nên công danh của con trẻ được người nghệ sĩ khắc họa trong các bức tranh Cá hóa rồng, Lý ngư vọng 140
  41. nguyệt. Tranh Tết thường lấy hình tượng 12 con giáp hoặc các con vật gần gũi với cuộc sống của cư dân nông nghiệp lúa nước Việt Nam để bày tỏ ước nguyện và lời cầu chúc năm mới an khang, thịnh vượng. Trong tranh không nhất thiết phải có hình ảnh của con người. Chẳng hạn, Đám cưới chuột là một bức tranh đặc sắc, diễn tả nhiều vấn đề về đời sống vật chất và tinh thần của con người Việt Nam thể hiện trong nhiều khía cạnh của tín ngưỡng và phong tục. Thủ pháp lấy cái này để ngụ ý cái khác, lấy con vật để nói đến con người là thủ pháp đắt giá nhất trong nghệ thuật tranh dân gian nói riêng, nghệ thuật hình khối Việt Nam nói chung. Đây chính là nét văn hóa dân gian độc đáo của dân tộc Việt Nam. Tranh Tết xưa thường được gọi nôm na là tranh gà - lợn, bởi tín ngưỡng phồn thực và tính thực tế của cuộc sống nông nghiệp. Rõ ràng, hình gà trống là biểu trưng của sự thịnh vượng với 5 đức tính tốt của con người là văn, võ, dũng, nhân, tín; hình lợn là biểu trưng của sự no đủ, đông con nhiều cháu. Do đó, tranh gà Vinh hoa phú quý; Đại cát; tranh Lợn đàn là lời chúc tốt đẹp đầu năm cho mỗi gia đình. Khát vọng phồn thực, con đàn cháu đống còn thể hiện ở các bức tranh về em bé: Đào hiến thiên xuân; Tử tôn vạn đại; v.v Tranh chúc tụng còn nhằm cầu chúc sức khỏe người cao tuổi: quý già già để tuổi cho. Điển hình là bức tranh Tam Đa Phúc - Lộc - Thọ. Về tranh sinh hoạt. Đây là mảng tranh rất phong phú. Nó phản ánh thời tiết bốn mùa, vạn vật tươi tốt xinh đẹp, con người hăng say trong công việc, nhưng cũng rất háo hức với các trò vui xuân. Đó là các tranh như Ngồi nghỉ giữa buổi bừa; Bản đồ canh nông; Sỹ, nông, công, thương; Ngư, tiều, canh, mục; Hứng dừa; Đấu vật; Đám cưới chuột; Đánh ghen; v.v Về tranh minh họa văn học - lịch sử. Kho tàng văn học và lịch sử của nước nhà gợi mở cho các nghệ nhân con đường nghệ thuật công phu, mang tính nghệ thuật và thực tế cao. Chẳng hạn, các truyện Thạch Sanh, Truyện Kiều, Phạm Công Cúc Hoa được vẽ liên hoàn nhiều cảnh trong một bức hoặc trong nhiều bức hợp thành một bộ tranh độc đáo. Đồng thời, tranh dân gian còn minh hoạ lịch sử nước nhà, khắc hoạ các anh hùng dân tộc với những chiến công oanh liệt. Đó là các bức tranh Cờ lau tập trận, Bà Triệu, Ngô Quyền, v.v Có một nét độc đáo là tranh dân gian còn có loại đề chữ kèm theo. Thông thường, các chữ này nằm ở một góc của bức tranh. Người nghệ sĩ 141
  42. đưa chữ vào tranh là để tăng thêm độ tinh tế của tác phẩm, giúp người xem thấu hiểu giá trị nghệ thuật thông qua nội dung ý nhị của các chữ đó. Tranh Hứng dừa là một trong những bức tranh như vậy. Ở phía trên góc phải có hai cột chữ Nôm: Khen ai khéo tạc nên dừa Đấy trèo đây hứng cho vừa một đôi Đúng là một đôi: người con trai trèo hái dừa, người con gái hớ hênh hứng dừa. Rồi cũng vừa đúng một đôi - một cặp - hai quả dừa - những gì người con trai có và muốn tặng cho bạn gái của mình! Tư tưởng của tín ngưỡng phồn thực đã thấm sâu vào nét vẽ và hai câu chữ đề trong tranh mà người họa sĩ đã gửi gắm trong đó. Người xem có thể cảm nhận ý tưởng sâu sắc của họa sĩ qua bức tranh Tam dương khai thái, khắc họa ba con dê đang ăn cỏ trong ba tư thế cao thấp khác nhau: cúi xuống ăn cỏ, phóng tầm mắt tìm cỏ mới, ngẩng đầu ngắm mặt trời. Phía trên bên phải là vầng thái dương chiếu sáng. Phía trên bên trái là bốn chữ Tam dương khai thái được hiểu nôm na là thái bình, thịnh trị, sung túc. Ý nghĩa sâu xa của các chữ này nằm ở cấu tạo của chúng. Đây là một lối chơi chữ thâm thúy. Ở bề mặt, tam dương nghĩa là ba con dê, khai thái nghĩa là tạo ra sự thái bình, thịnh trị. Ở bề sâu, người thưởng thức cần biết về quẻ khai thái trong kinh Dịch. Nó được cấu tạo từ quẻ càn (ba vạch dương - tam dương) ở phía trên và quẻ khôn (ba vạch âm) ở phía dưới. Vậy là tam dương mở đầu, khai phá sự hài hòa của vũ trụ: âm dương hài hòa, thái âm đi liền với thái dương, có trời có đất hòa hợp, trời đất tương giao, vạn vật khai thông và phát triển. Bốn chữ đề tam dương khai thái cho bức tranh ba con dê ăn cỏ dưới nắng xuân thể hiện một tài trí dân gian hàm chứa vốn văn hóa uyên bác của các bậc túc nho và nghệ nhân Việt Nam xưa. 5.7.3. Điêu khắc Chất liệu dùng cho điêu khắc bao gồm: đá, gỗ, kim loại, ngà voi, v.v Trong thể loại điêu khắc đình làng, điều đặc biệt cần lưu ý là điêu khắc gỗ trên những bức cuốn, ván nong, trên hệ thống rường cột và các hàng xà với các kỹ thuật chạm phong phú và tinh xảo như chạm bong, chạm lộng, chạm nông, chạm thủng. Ở làng Kẻ Canh (nay thuộc thị trấn Hương Canh) tại ba 142
  43. đình làng nổi tiếng là Hương Canh, Ngọc Canh và Tiên Canh (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) có đến 48 bức chạm khắc gỗ tiêu biểu nhất. Mỗi bức chạm khắc gỗ là một tác phẩm nghệ thuật khắc họa những nét đặc sắc trong cuộc sống thường nhật của con người, đặc biệt là đời sống tâm linh; hoặc khắc họa lại các tích cổ. Đề tài các bức điêu khắc phong phú: bơi thuyền, đấu vật, lễ hội, v.v (Nội dung chi tiết, xem bài Đình làng Hương Canh của Bạch Hạc, trên Báo Nhân dân, 13-9-2002, tr.6). 5.7.4. Các đặc điểm cơ bản của nghệ thuật hình khối Tính biểu cảm thể hiện ở chỗ nội dung là đề tài trữ tình ngay cả ở những nơi thiêng liêng, trong các bức tranh, bức khắc bao giờ cũng có những nụ cười hồn nhiên và thâm thuý. Tính biểu cảm còn thể hiện ở nghệ thuật sử dụng màu sắc, chủ yếu lấy từ các màu có sẵn trong thiên nhiên: màu đen chế từ than lá tre khô, màu vàng từ quả dành dành, v.v Tính biểu trưng: Tính biểu trưng là đặc điểm rất quan trọng của nghệ thuật hình khối Việt Nam truyền thống, được thể hiện rất sinh động và linh hoạt. Thử lấy việc chạm khắc con rồng làm thí dụ. Vào thời nhà Lý, con rồng được chạm khắc nhẹ nhàng, thân rồng dài, uốn lượn đều đặn, trơn tru như thể hình con rắn, tượng trưng cho nguồn nước và mây mưa, một niềm khát khao ngàn đời của cư dân nông nghiệp lúa nước. Vào thời nhà Trần, thân hình rồng chắc nịch, lượn sóng tự do và phóng khoáng, nhưng vẫn thể hiện tính hiền hòa của nó (đặc điểm này thể hiện rõ nhất ở con rồng chạm trên cánh cửa gỗ chùa Phổ Minh, tỉnh Nam Định, với nét chạm trau chuốt và sinh động). Con rồng đời hậu Lê (thế kỷ XV - XVII) khỏe, đầu to, có sừng, lông gáy tua tủa, năm móng chân quặp vào biểu hiện uy quyền của triều đại phong kiến. Tính biểu trưng nổi trội là các hình vẽ chú ý nhiều đến hình hình học, mang ý nghĩa sâu xa; là các đồ án trang trí, là bộ tứ linh. Tính biểu trưng còn thể hiện ước vọng phồn thực (thạp đồng Đào Thịnh; các bức tranh Lợn đàn, Chuột đánh trống). Tính biểu trưng nổi trội còn thể hiện ở cách xử lý hình khối, xử lý không gian và xử lý màu sắc (xem các bức tranh Đánh vật, Đám cưới chuột, Chèo thuyền, Ngũ hổ). Một nét nổi bật của tính biểu trưng là không gian ước lệ, và do đó mọi hình ở trong không gian ấy cũng mang tính ước lệ, để từ đó người xem hiểu nhiều khía cạnh của bức tranh, bức khắc. Chẳng hạn, con lợn, con trâu hoặc con hổ muốn nhìn rõ nhất thì phải 143
  44. được vẽ ở thế nằm ngang, nhưng đồng thời mõm lợn, đầu trâu và đuôi hổ lại phải được nhìn từ phía trước (xem các bức Lợn ăn khoai sọ, Ngồi nghỉ giữa buổi bừa, bức khắc Con hổ ở lăng Trần Thủ Độ). Tất cả các hình trên bức tranh, bức khắc đều được trải ra, không che khuất nhau, được khắc họa theo một tỷ lệ cường điệu, không như ở ngoài đời. Thủ pháp phóng to thu nhỏ các hình mặc dù nhiều khi đi ngược lại với thực tế nhưng có ưu điểm lớn là nhằm vào nhiều mục đích. Không gian bức tranh có thể được cắt ra theo một ý đồ nghệ thuật nhất định của tác giả. Các hình trong tranh mặc dù là cường điệu, song đều có thể được quy về các hình hình học cơ bản: bé ôm gà như hình quả trứng; con lợn, con trâu như hình chữ nhật; cặp đô vật trong các tư thế được khắc hoạ theo hình bán nguyệt, thang cân, tam giác; v.v Hiện nay, người ta khai thác những biểu tượng đặc thù vốn có trong cuộc sống như ngôi sao, bàn tay, trái tim, chim bồ câu, chồi cây non, v.v để thể hiện tính biểu trưng. Tính tổng hợp với bốn cách biểu hiện sau đây: tổng hợp biểu cảm và biểu trưng, tổng hợp không gian và thời gian, tổng hợp tĩnh và động, tổng hợp các góc nhìn. Tính tổng hợp, một mặt, tạo nên sự hỗn hợp của vũ trụ, mặt khác thể hiện sự cân đối lệch của sự vật được miêu tả. Do đó, các nghệ sĩ phải khắc họa được nội dung một cách cô đọng, cụ thể, thông qua hình thức nghệ thuật giản dị nhưng mang tính khái quát cao. Như vậy, tính biểu trưng - một đặc trưng lớn nhất của nghệ thuật hình khối - là nhằm thông qua cái cụ thể để nói lên cái khái quát, bằng vào cái cụ thể để cách điệu sự vật. Các đặc trưng của nghệ thuật hình khối làm nên giá trị nghệ thuật đặc biệt của tranh dân gian bên cạnh giá trị nội dung của chúng. Giá trị nghệ thuật đặc biệt này thể hiện ra ở bố cục, tỷ lệ các hình, đường nét và màu sắc. Với bố cục không gian ước lệ, hình vẽ ước lệ, kích thước và tỷ lệ của các hình cũng ước lệ, tranh dân gian thể hiện được quan niệm về sự bình đẳng, về tư tưởng quân bình của cư dân nông nghiệp. Đường nét bức tranh cũng tạo ra sự khác biệt nhất định giữa các dòng tranh. Chẳng hạn, nét ở tranh Đông Hồ đậm chắc, ít có chi tiết vụn vặt, trong khi đó nét ở tranh Hàng Trống mảnh mai, phong phú về số lượng, có thể tạo ra một cảm giác rối nhất định. Điểm lưu ý về màu sắc là mặc dù nghệ nhân dùng ít màu đặc trưng của tự nhiên, nhưng nhờ cách chế biến và kỹ thuật in chồng màu hoặc in 144
  45. lệch màu nên tạo ra được nhiều màu mới phù hợp với sở thích của người chơi tranh và tạo ra những bất ngờ cho người xem tranh. 5.8. NGHỆ THUẬT NGÔN TỪ VÀ VĂN HÓA GIAO TIẾP BẢN CHẤT CỦA VĂN HÓA GIAO TIẾP 5.8.1. Khái niệm 5.8.1.1. Giao tiếp Giao tiếp (GT) là sự tiếp xúc tâm lý giữa người với người, tri giác lẫn nhau, thông qua đó con người trao đổi với nhau về thông tin, cảm xúc, xác lập và vận hành các quan hệ xã hội, hiện thực hóa các quan hệ đó để tạo ra các ảnh hưởng nhất định. GT được thực hiện thông qua các hành động và thao tác GT, hay còn gọi là hành vi GT. Về phương diện văn hoá học, GT là điều kiện, là môi trường hình thành, giữ gìn và phát triển văn hóa, là điều kiện cần yếu để văn hoá thực hiện đầy đủ các chức năng của mình. 5.8.1.2. Các tính chất của giao tiếp Giao tiếp được thể hiện qua các hành vi giao tiếp (HVGT). Các HVGT sử dụng các phương tiện khác nhau, đây chính là tính chất kỹ thuật của GT. Các phương tiện này nhằm đạt những mục đích nhất định trong giao tiếp; đây chính là tính mục đích của GT. Và cuối cùng, GT là nhằm thỏa mãn nhu cầu cụ thể nào đó của cộng đồng; đây chính là tính chất có động cơ của GT. Tóm lại, HVGT mang trong mình nó tính chất kỹ thuật GT, mục đích GT và động cơ GT. 5.8.1.3. Các hình thức giao tiếp - Xét về phương tiện GT, ta có GT bằng ngôn ngữ và GT bằng các tín hiệu phi ngôn ngữ khác. - Xét về khoảng cách GT người ta chia ra GT trực tiếp, GT gián tiếp. GT gián tiếp có thể thông qua truyền thông đa phương tiện (multimedia) như hình ảnh, âm thanh, mùi vị, không gian ba chiều. - Xét về quy cách GT có thể thấy các hình thức GT chính thức, GT không chính thức. 145
  46. Ba hình thức GT nói trên không diễn ra độc lập, mà ngược lại, luôn luôn bổ sung cho nhau để trở thành một hệ thống GT chuẩn mực. 5.8.1.4. Giao tiếp có văn hóa Trong quá trình GT, chủ thể văn hóa càng ngày càng nhận rõ giá trị GT, nghĩa là chủ thể lớn lên về mặt giao tiếp. Đây chính là kết quả của GT có văn hóa. Nói cách khác, GT có văn hóa là tiêu chuẩn cần thiết để con người hoặc xã hội thực hiện HVGT ngày càng đúng đắn và phù hợp, ngày càng có giá trị về 4 phương diện sau: - HVGT được vận hành theo các chuẩn mực và quy tắc mà xã hội thừa nhận. - HVGT được vận dụng một cách đúng đắn và linh hoạt, phù hợp với tình huống và đối tượng GT cụ thể. - Các phương tiện thực hiện HVGT (phương tiện ngôn ngữ, phi ngôn ngữ) phải phù hợp với hoàn cảnh GT, đúng theo chuẩn mực xã hội. - Thái độ GT tự tin, tự trọng, đồng thời tôn trọng người đối thoại. 5.8.1.5. Văn hóa giao tiếp Văn hóa giao tiếp (VHGT) là hệ thống các giá trị giao tiếp có văn hóa, là các tiêu chuẩn đã được lựa chọn trong hệ thống các giá trị GT đó, nghĩa là các định chuẩn đã được tinh tuyển trong xã hội. Nói cách khác, đây là bảng chuẩn mực các giá trị giao tiếp có văn hóa của một xã hội nhất định. 5.8.2. Bản chất của văn hóa giao tiếp VHGT là những định chuẩn giao tiếp được tinh tuyển, tạo thành nền nếp, được hoàn thiện và nâng cao về cách thức, về ứng xử ngôn ngữ, ứng xử hành vi và về phương thức trao đổi, tiếp xúc trong xã hội, tức là phương thức giao lưu. VHGT luôn luôn vận động và phát triển. Đây là quá trình tăng trưởng dần về lượng và chất. Văn hóa giao tiếp, do đó, là giá trị tinh tuyển của giao tiếp có văn hóa từ các giá trị giao tiếp ban đầu. 146
  47. NGÔN NGỮ LÀ HÌNH THỨC TỒN TẠI CHỦ YẾU CỦA GIAO TIẾP 5.8.3. VHGT diễn ra chủ yếu dưới dạng GT bằng ngôn ngữ, bằng lời Do đó, rõ ràng VHGT bằng ngôn ngữ là một yêu cầu hoàn thiện và nâng cao của sự tinh tuyển của định chuẩn GT bằng lời. Việc giữ gìn và phát triển các kỹ năng, kỹ xảo ngôn ngữ là một yêu cầu cần thiết đối với VHGT bằng lời. 5.8.4. Có hai quan điểm cơ bản liên quan đến VHGT bằng lời Quan điểm thứ nhất: Văn hóa là động lực phát triển xã hội và con người, đồng thời là biểu hiện của bản sắc dân tộc. Ngôn ngữ là bộ phận chủ yếu của văn hóa, là một trong những dấu hiệu cơ bản để nhận ra dân tộc. Do đó, ngôn ngữ dân tộc là biểu hiện của bản sắc văn hóa dân tộc. Vì vậy, muốn bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc thì trước hết cần phải bảo vệ ngôn ngữ dân tộc, bảo vệ giao tiếp bằng ngôn ngữ. Truyền thông đa phương tiện hiện nay có giá trị thay đổi nhận thức của con ngưòi về thế giới, và qua đó cũng làm thay đổi thế giới. Đây là một cuộc cách mạng thông tin, và nó đã làm cho vai trò giao tiếp bằng ngôn ngữ chủ yếu nghiêng về tiếng Anh. Tính đến năm 2000 trên thế giới đã xuất hiện một tỷ trang web, và số máy chủ đã lên đến 6,5 triệu. Trong số các trang web có tới 86,55% viết bằng tiếng Anh, 2,36% bằng tiếng Pháp, 0,54% bằng tiếng Đức, còn lại là một số thứ tiếng khác. Và như vậy là ở phương diện này ngôn ngữ dân tộc (trừ tiếng Anh) đã lâm vào tình trạng bế tắc trong quá trình phát triển. Quan điểm thứ hai: Ngôn ngữ là công cụ tư duy và công cụ giao tiếp quan trọng nhất, là vũ khí sắc bén của văn hóa, khoa học, nghệ thuật, v.v Do đó, muốn phát huy có hiệu quả chức năng xã hội của ngôn ngữ thì người sử dụng ngôn ngữ phải tự rèn luyện và trau dồi các kỹ năng, kỹ xảo ngôn ngữ, phải được giáo dục về mặt hoạt động ngôn ngữ trong giao tiếp xã hội. Truyền thông đa phương tiện ngày nay, trong một chừng mực, cũng làm cho phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ trở thành phương tiện chủ yếu. Thay vì gặp gỡ, viếng thăm nhau, đi siêu thị, đọc sách tại thư viện một cách trực tiếp, người ta sử dụng thư điện tử, báo điện tử, dịch vụ trò chuyện, thương mại điện tử, v.v Nói tóm lại, mọi hoạt động đều có thể được chương trình hoá tối đa, đồng thời việc đi lại được giảm thiểu rất nhiều. Truyền thông đa phương tiện làm cho cảm xúc đích thực của con người 147
  48. càng ngày càng bị thu hẹp dần và thậm chí xơ cứng, thay vào đó là những hành vi thiên về lý trí, rất có thể tư duy máy móc, tính nhân văn vì thế mà cũng dần dần bị mai một. Và như vậy là, ngôn ngữ - công cụ của tư duy, phương tiện giao tiếp quan trọng nhất - sẽ khó bề phát triển theo đúng con đường và chức năng của nó. 5.8.5. Ngôn ngữ, về sau là văn hóa, và đồng thời cùng với văn hóa, - đó là các sản phẩm đặc biệt của trí tuệ con người, là các sản phẩm của vật chất bậc cao - bộ não của con người, được dùng làm phương tiện giao tiếp quan trọng nhất của cộng đồng một dân tộc Văn hóa được kiểm nghiệm qua chất văn hóa kết tinh trong các văn hóa phẩm (hiểu theo nghĩa rộng của thuật ngữ này), trong đó có ngôn ngữ: hình ảnh, hình tượng, hành vi cử chỉ, thái độ, ngôn ngữ, v.v Cốt lõi bên trong (văn hóa) cho mọi ứng xử bên ngoài (trong đó có giao tiếp bằng lời) là triết lý sống, là quan niệm về đạo đức, quan niệm về cái tốt, cái xấu. Ứng xử thực tiễn, trong đó có giao tiếp bằng lời là cách biểu hiện điển hình nhất của văn hóa. Văn hóa cùng với ngôn ngữ có chung một chủ thể quan trọng và rất quý giá - đó là con người - một sinh vật có tư duy và năng lực sáng tạo, có tài trí thông minh và khéo léo, có trái tim biết rung cảm trước những sự tinh tế trong sinh hoạt đời thường và hoạt động lao động sản xuất. Con người - chủ thể văn hóa, tuỳ theo môi trường sống, môi trường ngôn ngữ và văn hóa khác nhau, có thể có các cách thể hiện những yếu tố tâm lý trong giao tiếp bằng lời không giống nhau. Chẳng hạn, người Việt Nam mang đậm dấu ấn của truyền thống văn hóa nông nghiệp lúa nước, cho nên trong lời ăn tiếng nói hàng ngày thường chứa đựng các yếu tố liên quan mật thiết với đất, nước, ruộng đồng, sông ngòi, đầm phá, biển cả, v.v Hình ảnh sông nước hằn sâu vào tâm khảm người Việt Nam đến mức các sinh hoạt đều lấy con thuyền, sông nước và các sự vật ở đó làm chuẩn mực. Thật vậy, Buôn tàu bán bè không bằng ăn dè hà tiện (răn dạy con người biết tiết kiệm), Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo (răn dạy con người cần có nghị lực trong mọi hoàn cảnh), Ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau; Nước nổi thuyền nổi (nói về kinh nghiệm sống, kinh nghiệm làm ăn); Sông có khúc, người có lúc; Sông sâu còn có kẻ dò, lòng người nham hiểm ai đo cho tường (phép so sánh, nói về tính tương đối của bản chất con người); Thân 148