50 năm - Một chặng đường nghiên cứu khoa học của khoa lịch sử, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn

pdf 14 trang ngocly 2930
Bạn đang xem tài liệu "50 năm - Một chặng đường nghiên cứu khoa học của khoa lịch sử, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdf50_nam_mot_chang_duong_nghien_cuu_khoa_hoc_cua_khoa_lich_su.pdf

Nội dung text: 50 năm - Một chặng đường nghiên cứu khoa học của khoa lịch sử, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn

  1. 50 NĂM - MỘT CHẶNG ĐƯỜNG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CỦA KHOA LỊCH SỬ, TRƯỜNG ĐH KHXH & NV PGS.TS Nguyễn Văn Kim Khoa Lịch sử, Trường ĐH KHXH & NV 1. Nhìn lại chặng đường nửa thế kỷ Cuối năm 2000, trong hồ sơ gửi đến Hội đồng thi đua các cấp đề nghị xét tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, cùng với việc trình bày những thành tích đã đạt được, Ban Chủ nhiệm Khoa Lịch sử cũng đã khẳng định lại một lần nữa định hướng nghiên cứu khoa học của Khoa: “Khoa học Lịch sử là một khoa học cơ bản nên việc nghiên cứu phải lấy khoa học cơ bản làm nền tảng và trước hết là để phục vụ cho việc biên soạn giáo trình, bài giảng, nâng cao chất lượng đào tạo. Trên cơ sở đó, Khoa luôn tìm mọi cách mở rộng diện nghiên cứu và phục vụ nhu cầu xã hội, kết hợp chặt chẽ, hài hoà giữa khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng. Đề tài nghiên cứu khoa học vì thế đã được mở ra trên tất cả các lĩnh vực sử học”. Trải qua nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, cùng với những thành tích về đào tạo, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp (nay là Trường ĐH KHXH & NV thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng đã từng bước trưởng thành về cả đội ngũ và trình độ nghiên cứu. Nhờ có định hướng nghiên cứu đúng và một thái độ thực sự tôn trọng lịch sử, coi trọng giá trị của các nguồn sử liệu, coi trọng phương pháp, lý thuyết nghiên cứu mới, năng động và nhạy cảm trong việc nắm bắt các khuynh hướng học thuật của khu vực và thế giới nên Khoa đã tạo dựng được cho mình một vị thế vững chắc trong các cơ quan đào tạo, nghiên cứu về Lịch sử nói riêng và Khoa học xã hội - nhân văn ở Việt Nam nói chung. Từ đó, như các học giả trong nước và quốc tế nhận xét, đã hình thành nên một “Trường phái sử học
  2. Tổng hợp”, luôn giữ vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực nghiên cứu. Tên tuổi cùng công trình nghiên cứu của một số nhà khoa học đã vượt ra khỏi biên giới quốc gia và được giới học giả cùng nhiều trung tâm nghiên cứu hàng đầu thế giới ghi nhận. Ngay sau khi được thành lập năm 1956, trong điều kiện đất nước có nhiều khó khăn, dưới sự lãnh đạo, dẫn dắt của các Giáo sư Trần Văn Giàu, Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo các thầy Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng, Vương Hoàng Tuyên, Chu Thiên, Phan Đại Doãn, Vũ Dương Ninh, Phạm Thị Tâm với sự cộng tác của các nhà Hán học uyên thâm như Trần Lê Nhân, Ngô Lập Chi, Đoàn Thăng, Phan Huy Tiếp, Trần Lê Hữu đã biên soạn thành công một số giáo trình và công trình chuyên khảo. Trong số đó tiêu biểu là các tác phẩm: Chống xâm lăng, Giai cấp công nhân Việt Nam, Sự khủng hoảng của chế độ phong kiến nhà Nguyễn trước 1858 của GS. Trần Văn Giàu; Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến cuối thế kỷ XIX, Nguồn gốc dân tộc Việt Nam, Vấn đề An Dương Vương và nước Âu Lạc, Vấn đề hình thành dân tộc Việt Nam của GS. Đào Duy Anh. Bên cạnh đó, các nhà khoa học Khoa Lịch sử còn viết các bộ sách: Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam, Lịch sử Việt Nam cận đại, Lịch sử thế giới, Lịch sử đảng Cộng sản Việt Nam, Cở sở Khảo cổ học, Dân tộc học đại cương Điều đáng chú ý là, các công trình nghiên cứu như Chế độ ruộng đất và kinh tế nông nghiệp thời Lê sơ của GS. Phan Huy Lê, Lịch sử chế độ cộng sản nguyên thuỷ Việt Nam, Sơ yếu khảo cổ học nguyên thuỷ Việt Nam của các GS. Trần Quốc Vượng - Hà Văn Tấn; Tình hình công thương nghiệp Việt Nam trong thời Lê mạt của PGS.Vương Hoàng Tuyên; Hoàng Hoa Thám và Phong trào nông dân Yên Thế của GS. Đinh Xuân Lâm - Nguyễn Văn Sự, Những đề nghị cải cách của Nguyễn Trường Tộ của các thầy Đặng Huy Vận - Chương Thâu đều được hoàn thành khi tuổi đời của tác giả công trình còn rất trẻ. Cùng với các công trình chuyên khảo, một số nhà khoa học còn tham gia dịch, chú giải các tác phẩm nổi tiếng như: Dư địa chí (GS. Hà Văn Tấn), Quân trung từ mệnh tập (GS. Phan Huy
  3. Lê), Việt sử lược (GS. Trần Quốc Vượng), Việt Nam vong quốc sử (PGS. TS Chương Thâu - Chu Thiên) Ngay trong những tháng năm chiến tranh ác liệt, một số công trình khoa học khảo cứu chuyên sâu, đạt trình độ học thuật cao đã được hoàn thành như: Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên - Mông thế kỷ XIII của GS. Hà Văn Tấn - PGS. Phạm Thị Tâm; Tìm hiểu thêm về phong trào nông dân Tây Sơn của GS. Phan Huy Lê; Khởi nghĩa Lam Sơn (1418-1427) của các GS. Phan Huy Lê - Phan Đại Doãn; Sự phân bố các dân tộc và cư dân miền Bắc Việt Nam của PGS. Vương Hoàng Tuyên; Một số trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử dân tộc của tập thể tác giả: Phan Huy Lê - Bùi Đăng Dũng - Phan Đại Doãn - Phạm Thị Tâm - Trần Bá Chí; Những trang sử vẻ vang của các dân tộc ít người của GS. Đinh Xuân Lâm - GS. Trần Quốc Vượng Trên cơ sở những thành tựu nghiên cứu đáng tự hào đó, sau khi đất nước thống nhất và tiến hành công cuộc Đổi mới, đội ngũ các nhà khoa học Khoa Lịch sử vẫn tiếp nối truyền thống, giữ vai trò là một trung tâm nghiên cứu sử học tiêu biểu của đất nước. Chỉ tính riêng trong hơn một thập kỷ qua, đội ngũ các nhà khoa học trong Khoa đã được giao chủ trì 13 đề tài khoa học cấp Nhà nước, hàng chục đề tài cấp Bộ, cấp tỉnh và Đại học Quốc gia. Hầu hết các đề tài đều được thực hiện đúng tiến độ và được đánh giá xuất sắc. Nhiều đề tài đã được các tác giả tiếp tục chỉnh sửa và xuất bản thành sách phục vụ thiết thực cho công tác đào tạo, nghiên cứu khoa họcnhư: Các giá trị truyền thống và con người Việt Nam hiện nay (KX 07-05 do GS. Phan Huy Lê làm Chủ nhiệm), Thiết chế chính trị xã hội nông thôn Việt Nam (KX 08-09, GS. Phan Đại Doãn), Tư tưởng đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh (GS.TS Phùng Hữu Phú) Trong số đó, có một số đề tài có ý nghĩa khoa học và thực tiễn quan trọng, đã góp phần xây dựng những luận cứ khoa học vững chắc cho các cơ quan nghiên cứu, hoạch định chính sách của Đảng, Nhà nước và phục vụ thiết thực cho cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, an ninh đất nước. Đó là các đề tài: Lịch sử và hiện trạng hệ thống chính trị ở Việt Nam (KX
  4. 05-03, GS.TSKH Vũ Minh Giang), Luận cứ khoa học và những giải pháp thực tiễn tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân ở nước ta hiện nay (KHXH 05-06), Lãnh thổ phía Nam và biên giới Tây Nam trong lịch sử và Lịch sử chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa (BĐHĐ 01-01). Một số bộ sử do tập thể khoa học Khoa biên soạn cũng được dư luận xã hội và giới chuyên môn đánh giá cao như: Lịch sử Quốc hội (tập 1 & 2) và Lịch sử chính phủ (tập 1) (do PGS. Lê Mậu Hãn Cb); Tiến trình lịch sử Việt Nam, Lịch sử Việt Nam (4 tập), (do PGS.TS Nguyễn Quang Ngọc Cb) Cùng với những công trình đó, trong khoảng 20 năm trở lại đây, từ việc tập trung vào lịch sử kháng chiến chống ngoại xâm, khuynh hướng nghiên cứu của Khoa Lịch sử dần chuyển trọng tâm vào các vấn đề kinh tế - xã hội và văn hoá như thiết chế làng xã, xã hội nông thôn, kinh tế nông nghiệp, nhân học xã hội và các vấn đề về cội nguồn, bản sắc văn hoá dân tộc Trong quá trình đó, Khoa Lịch sử cũng đẩy mạnh nghiên cứu về khu vực và thế giới trên cơ sở kết hợp giữa định hướng nghiên cứu chuyên ngành và khu vực học. Khuynh hướng nghiên cứu đó được thể hiện bằng kết quả của các công trình: Theo dấu các nền văn hoá cổ; Đến với lịch sử - văn hoá Việt Nam và Chữ trên đá, trên đồng - Minh văn và lịch sử của GS. Hà Văn Tấn; Văn hoá Phùng Nguyên (PGS.TS Hán Văn Khẩn); Thời đại đồ đồng (TS. Lâm Mỹ Dung); Gò Mả Vôi (A. Reinecke - Nguyễn Chiều - Lâm Mỹ Dung); Cổ Loa - Trung tâm hội tụ văn minh sông Hồng và Văn hoá Lý - Trần: Nghệ thuật điêu khắc kiến trúc chùa tháp (PGS.TS Hoàng Văn Khoán Cb); Hoa văn Thái và Văn hoá các dân tộc Tây Bắc Việt Nam (PGS.TS Hoàng Lương); Nghề dệt cổ truyền ở đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam (PGS.TS Lâm Bá Nam); Tìm về cội nguồn 2 tập (GS. Phan Huy Lê); Địa bạ Hà Đông, Địa bạ Thái Bình, Địa bạ Hà Nội, Mục lục châu bản triều Nguyễn (GS. Phan Huy Lê Cb) với sự tham gia của GS. Nguyễn Đức Nghinh - GS.TSKH Vũ Minh Giang - TS. Vũ Văn Quân - TS. Phan Phương Thảo ; Các công trình: Theo dòng lịch sử; Việt Nam - Cái nhìn địa - văn hoá; Trên mảnh đất ngàn năm văn vật; Hà Nội như tôi hiểu; Môi trường,
  5. con người và văn hoá và Thăng Long - Hà Nội tìm tòi và suy ngẫm (GS. Trần Quốc Vượng); hay các chuyên khảo: Thăng Long - Hà Nội thế kỷ XVII-XVIII-XIX (PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ); Về một số làng buôn ở đồng bằng Bắc Bộ thế kỷ XVIII-XIX (PGS.TS Nguyễn Quang Ngọc); Một làng Việt cổ truyền ở đồng bằng Bắc Bộ (PGS.TSKH Nguyễn Hải Kế); Địa chí Nam Định (PGS.TS. Nguyễn Quang Ngọc Cb); Chính sách quân điền năm 1839 ở Bình Định qua tư liệu địa bạ (TS. Phan Phương Thảo); Làng ở vùng châu thổ sông Hồng: Vấn đề còn bỏ ngỏ ( GS. Phan Huy Lê - GS. Phan Đại Doãn - TS. Vũ Văn Quân ), Làng xã Việt Nam - Một số vấn đề về kinh tế - văn hoá - xã hội và Làng Việt Nam - Đa nguyên và chặt (GS. Phan Đại Doãn); Cơ cấu kinh tế xã hội Việt Nam thời thuộc địa (PGS.TS Nguyễn Văn Khánh); Biến đổi cơ cấu giai cấp xã hội Miền Bắc thời kỳ 1954-1975 (PGS.TS Nguyễn Đình Lê); Lịch sử vương quốc Chămpa và Vương quốc Phù Nam - Lịch sử và văn hoá (GS. Lương Ninh); Một số chuyên đề về lịch sử thế giới (GS. Vũ Dương Ninh Cb); Mấy vấn đề về lịch sử châu Á và lịch sử Việt Nam - Một cách nhìn (PGS. Nguyễn Văn Hồng); Xu hướng đổi mới trong lịch sử Việt Nam (GS. Đinh Xuân Lâm - PGS. Nguyễn Văn Hồng) Bên cạnh đó, một số vấn đề nghiên cứu “truyền thống” vẫn được tiếp nối trên cơ sở những tư liệu, nhận thức và phương pháp tiếp cận mới: Góp phần tìm hiểu cuộc đời và tư tưởng Hồ Chí Minh (GS. Đinh Xuân Lâm); Hồ Chí Minh - Người chiến sĩ quốc tế (PGS. Nguyễn Quốc Hùng); Sức mạnh dân tộc của cách mạng Việt Nam dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh (PGS. Lê Mậu Hãn); Nguyễn Ái Quốc với việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin ở Việt Nam và Góp phần tìm hiểu lịch sử quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ (PGS.TS Phạm Xanh); Vùng tự do Thanh - Nghệ - Tĩnh trong kháng chiến chống Pháp (PGS.TS Ngô Đăng Tri), Đảng lãnh đạo xây dựng căn cứ du kích ở đồng bằng Bắc Bộ và Tìm hiểu chủ trương đối ngoại của đảng thời kỳ 1945-1954 (PGS.TS Vũ Quang Hiển), Việt Nam Quốc dân đảng trong lịch sử cách mạng Việt Nam (PGS.TS Nguyễn Văn
  6. Khánh); Quá trình chính trị hoá của quần chúng ở Việt Nam (1925-1939) (TS. Phạm Hồng Tung) Cùng với những công trình và thành tựu nghiên cứu nêu trên, đội ngũ các nhà khoa học Khoa Lịch sử còn đề xuất, tham gia tổ chức, trình bày báo cáo tại nhiều hội thảo khoa học quốc gia, quốc tế và góp phần vào sự thành công của các hội thảo này. Trong số đó tiêu biểu là các hội thảo về Đô thị cổ Hội An; Phố Hiến; Hội thảo quốc tế về Việt Nam học lần thứ I (1998) và lần thứ II (2004); Lý Công Uẩn và vương triều Lý, Quan hệ Việt - Nhật qua giao lưu gốm sứ; Đông Á - Đông Nam Á: Những vấn đề lịch sử và hiện tại; Điện Biên Phủ 50 năm nhìn lại; Việt Nam trong tiến trình đấu tranh thống nhất đổi mới và hội nhập; 100 năm phong trào Đông Du và nhiều hội thảo chuyên ngành, lịch sử địa phương, các danh tướng và danh nhân văn hoá - lịch sử khác. Thông qua các hoạt động khoa học phong phú, tích cực, nhiều nhà khoa học, chuyên gia văn hoá, khảo cổ của Khoa đã góp phần phát hiện, bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá của các di tích, di chỉ và thời đại văn hoá. Trong số đó, một số di tích, di sản đã trở thành tài sản văn hoá Quốc gia và được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá thế giới như Đô thị cổ Hội An, Mỹ Sơn, Huế Từ trong đội ngũ những nhà khoa học luôn say mê, tâm huyết với nghề đó đã có một số nhà giáo được nhận những huân danh cao quý của Nhà nước và quốc tế. Khoa Lịch sử đã có bốn Giáo sư được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh: Đào Duy Anh, Trần Văn Giàu, Trần Đức Thảo, Hà Văn Tấn; ba Giáo sư được nhận Giải thưởng Nhà nước: Phan Huy Lê, Phan Đại Doãn, Phan Hữu Dật; và mới đây ba công trình được trao Giải thưởng KHCN của ĐHQG HN: Cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông thế kỷ XIII (GS. Hà Văn Tấn - PGS. Phạm Thị Tâm), Văn hoá Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm (GS. Trần Quốc Vượng), Địa chí Nam Định (PGS.TS Nguyễn Quang Ngọc Cb). Năm 1996, GS. Phan Huy Lê được tặng Giải thưởng Văn hoá châu Á Fukuoka (Nhật Bản), và năm 2002 Giáo sư được tặng Cành cọ Hàn lâm của chính phủ Pháp. Nhờ có uy tín và những thành tựu khoa học đặc biệt
  7. xuất sắc nhiều nhà khoa học của Khoa đã được mời tham gia Hội đồng khoa học, Hội đồng học hàm và Hội đồng lý luận của Quốc gia. Nhiều NCS do Khoa đào tạo đã được nhận Giải thưởng Phạm Thận Duật (do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phối hợp với dòng họ Phạm tổ chức) dành cho những luận án tiến sĩ sử học xuất sắc. Trong 50 năm qua, cùng với việc mở cửa đón nhận nhiều nhà khoa học quốc tế đến trao đổi chuyên môn, giảng dạy và hợp tác nghiên cứu, đã có gần 200 lượt các nhà khoa học của Khoa tham gia các hội thảo tại các trường đại học và trung tâm học thuật quốc tế. Qua các hội thảo đó, và các chương trình phối hợp nghiên cứu quốc tế, đội ngũ cán bộ khoa học của Khoa đã có điều kiện trao đổi thông tin, kinh nghiệm, tri thức và phương pháp nghiên cứu. Khoa Lịch sử luôn coi các chương trình hợp tác và giao lưu quốc tế là nhân tố “ngoại sinh” có ý nghĩa hết sức quan trọng để làm giàu nguồn lực tri thức của chính mình đồng thời thúc đẩy năng lực học thuật và khả năng nắm bắt những thành tựu nghiên cứu mới của giới chuyên môn và đồng nghiệp quốc tế. Trên thực tế, được sự giúp đỡ, hỗ trợ của Nhà trường và ĐHQG HN, Khoa Lịch sử đã xây dựng được mối quan hệ hợp tác mật thiết với nhiều nhà khoa học, trung tâm nghiên cứu của Nga, Trung Quốc, Hà Lan, Pháp, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia Đông Nam Á. Một số chương trình hợp tác đã phát triển theo chiều sâu và đem lại hiệu quả thiết thực. Bên cạnh đó, để bổ sung thêm nguồn tư liệu đồng thời không ngừng nâng cao trình độ nghiên cứu, làm phong phú thêm các quan điểm khoa học, Ban Chủ nhiệm Khoa Lịch sử cũng đang có kế hoạch phối hợp với Nxb Thế Giới dịch và xuất bản một số công trình khảo cứu, ký sự nổi tiếng của các học giả quốc tế, các thương nhân, nhà truyền giáo và thám hiểm sang tiếng Việt. Lịch sử nửa thế kỷ xây dựng và phát triển của Khoa Lịch sử cho thấy trong một số thời điểm lịch sử, tập thể Khoa đã phải vượt qua những thách thức khắc nghiệt nhưng cuối cùng nhờ tinh thần đoàn kết, ý chí phấn đấu và luôn xác định được những mục tiêu khoa học cơ bản nên Khoa vẫn khẳng định được tầm thế của
  8. một đơn vị đào tạo, nghiên cứu hàng đầu. Ngay cả trong điều kiện muôn vàn khó khăn của một đất nước có chiến tranh, Khoa Lịch sử vẫn luôn xác định rõ và thực hiện tốt hai nhiệm vụ trọng tâm là Đào tạo và Nghiên cứu khoa học. Đây là hai nhiệm vụ có mối liên hệ hữu cơ hết sức mật thiết, hỗ trợ và là động lực của nhau. Từ chỗ chỉ đào tạo hệ cử nhân, từng bước Khoa Lịch sử đã đảm đương thêm trách nhiệm đào tạo Phó tiến sĩ và hiện nay là đào tạo theo ba cấp: Cử nhân, Thạc sĩ và Tiến sĩ. Việc mở thêm hệ đào tạo sau đại học đòi hỏi đội ngũ giảng viên phải không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn và trau dồi phương pháp. Khuynh hướng nghiên cứu và đào tạo chuyên sâu ở trình độ cao vừa là một thế mạnh của Khoa Lịch sử nhưng đồng thời cũng là mục tiêu mà tập thể cán bộ khoa học trong Khoa đã và đang tiếp tục phấn đấu làm tốt hơn nữa trong thời gian tới. Trải qua 50 năm phát triển, Khoa Lịch sử có thể tự hào về truyền thống nghiên cứu và vị trí học thuật của Khoa. Cuốn sách “50 năm Khoa Lịch sử” sắp được xuất bản là bản tổng kết tương đối đầy đủ những thành tựu nghiên cứu đó. Nhìn chung, trong khoảng 5 năm trở lại đây, hàng năm cán bộ trong Khoa công bố từ 100 đến 120 bài khảo cứu trên các tạp chí khoa học trong nước, quốc tế. Bình quân mỗi người có đến 2,5 công trình khoa học một năm. Những thống kê và phân tích định lượng có thể cho chúng ta những chỉ số cụ thể hơn về những hoạt động, thành tựu và khuynh hướng khoa học trong nửa thế kỷ qua của Khoa Lịch sử. Nhìn lại những thành tựu nghiên cứu trên ta thấy các công trình của các nhà giáo, nhà khoa học rất phong phú, đa dạng, đề cập đến nhiều lĩnh vực sử học, dân tộc học, khảo cổ học, văn hoá học Có thể khẳng định rằng Khoa Lịch sử có được thành tựu đó bởi vì ngay tự thân cơ cấu phát triển của Khoa đã chứa đựng trong đó yếu tố Đa ngành, Liên ngành. Tám Bộ môn, hai Trung tâm nghiên cứu và không khí học thuật trong Khoa đã tích hợp nên những động lực phát triển, nhu cầu bổ sung những thông tin khoa học và phương pháp cần thiết cho mỗi ngành nghiên cứu. Đó chính là một thế mạnh, là di sản vô cùng quý báu mà không phải đơn vị đào tạo và nghiên cứu Lịch sử nào trên cả nước cũng có thể có được. Tiếp tục xây
  9. dựng, củng cố, không ngừng hoàn thiện cơ cấu đa ngành và liên ngành; nâng cao hơn nữa chất lượng nghiên cứu, đổi mới nội dung đào tạo là trách nhiệm chung của tập thể đội ngũ cán bộ, công chức trong Khoa. Trong khi nhấn mạnh đến tính đa dạng, phong phú của các công trình nghiên cứu cũng phải thấy ngay rằng, hầu hết các nhà khoa học trong Khoa đã luôn gắn bó công việc nghiên cứu của mình với những mục tiêu, nhiệm vụ trọng đại của đất nước qua các thời kỳ lịch sử. Sự nghiệp nghiên cứu, đào tạo của đội ngũ các nhà khoa học trong Khoa đã có những đóng góp tích cực vào cuộc đấu tranh bảo về độc lập dân tộc và xây dựng, phát triển đất nước. Từ việc phác dựng một số công trình nghiên cứu nêu trên, có thể thấy trong 50 năm qua đóng góp của các nhà giáo, nhà khoa học Khoa Lịch sử chủ yếu đã tập trung vào 6 lĩnh vực cơ bản sau: 1.1. Đã góp phần làm sáng tỏ tiến trình hình thành, phát triển liên tục của dân tộc Việt Nam; cội nguồn lịch sử và văn hoá Việt Nam với những phát hiện hết sức quan trọng về các nền văn hoá thời kỳ tiền và sơ sử, những đặc tính tiêu biểu và bản sắc văn hoá của dân tộc Việt Nam - Một quốc gia đa dân tộc. 1.2. Đã nghiên cứu về truyền thống yêu nước và tinh thần đấu tranh quật cường của dân tộc ta và về nghệ thuật quân sự Việt Nam; những thắng lợi vang dội của dân tộc ta qua các cuộc đụng đầu lịch sử với những đội quân xâm lược của các đế chế lớn, hùng mạnh. Nhiều công trình đã khơi dậy, hun đúc lòng tự hào dân tộc và tinh thần đấu tranh bất khuất của nhân dân ta, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà. 1.3. Nghiên cứu về các vấn đề kinh tế nông nghiệp và xã hội nông thôn, về thiết chế làng xã và vấn đề sở hữu; về cơ sở và những nhân tố dung dưỡng cho sự tồn tại, phát triển của các hệ tư tưởng, tôn giáo, tín ngưỡng bản địa từ đó đã góp phần làm sáng tỏ những đặc tính của xã hội nông nghiệp Việt Nam trong tương quan, so sánh với các xã hội khác ở phương Đông.
  10. 1.4. Nhiều nhà khoa học trong Khoa đã tham gia tích cực vào các cuộc trao đổi đồng thời góp phần làm sáng tỏ một số vấn đề mang tính lý luận và học thuật như: Phương thức sản xuất châu Á; vấn đề hình thái kinh tế - xã hội; sự tồn tại và những đặc thù của chế độ chiếm hữu nô lệ; quá trình hình thành, phát triển cùng những đặc tính của chế độ phong kiến phương Đông và các quan điểm phân kỳ trong lịch sử Việt Nam, các dân tộc châu Á và lịch sử thế giới 1.5. Đã đem lại những nhận thức cơ bản về lịch sử và tình hình chính trị, xã hội thế giới. Có một số công trình nghiên cứu chuyên sâu về lịch sử khu vực, về các cuộc cách mạng xã hội và các phong trào, trào lưu cách mạng thế giới; về quá trình hình thành, phát triển và ảnh hưởng của các tổ chức khu vực, quốc tế; chính sách, chiến lược của các cường quốc đã tiến hành nghiên cứu, phân tích vị thế của Việt Nam cũng như con đường phát triển đặc thù của Việt Nam trong so sánh với một số quốc gia phương Đông. 1.6. Đã góp phần làm rõ tiến trình cách mạng Việt Nam, sự ra đời của Đảng và vai trò lãnh đạo của Đảng qua các thời kỳ cách mạng, các cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc; về tư tưởng Hồ Chí Minh, sự hội nhập với những phát triển chung của khu vực và thế giới, quá trình chuyển biến về nhận thức, cơ sở và quyết tâm thực hiện đường lối Đổi mới của Đảng. 2. Những định hướng nghiên cứu trong chặng đường tiếp theo Từ những thành tựu đã đạt được trong nửa thế kỷ qua (mà một số lĩnh vực cần tiếp tục đi sâu và nghiên cứu toàn diện hơn nữa như vấn đề nông nghiệp - nông thôn, nghiên cứu tổng kết, biên soạn các bộ sách công cụ ), trên cơ sở phân tích tình hình nghiên cứu trong nước, quốc tế đồng thời đứng trước những yêu cầu phát triển mới đặt ra đối với sự phát triển của Khoa học lịch sử và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; tiếp nhận ý kiến của một số nhà khoa học và đề xuất định hướng nghiên cứu của các Bộ môn tại Hội nghị bộ môn năm 2004, được sự nhất
  11. trí của Hội đồng Khoa học và Đào tạo Khoa Lịch sử họp ngày 25-11-2005, Ban Chủ nhiệm Khoa xác định 5 định hướng nghiên cứu chủ yếu giai đoạn 2004-2009 và những năm tiếp theo như sau: 2.1. Để có được nhận thức sâu sắc và toàn diện về lịch sử - văn hoá Việt Nam, Khoa Lịch sử sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc nghiên cứu về vùng đất phương Nam (bao gồm vùng Trung Bộ và Nam Bộ, Việt Nam) về lịch sử, văn hoá của các vương quốc cổ; quá trình khai phá, mở rộng lãnh thổ và xác lập chủ quyền của Tổ quốc ta trên vùng đất này; các chính sách kinh tế - xã hội đối với vùng đất mới; sự hoà hợp dân tộc và vai trò tích cực, chủ thể của người Việt trong quá trình khai phá, xác lập chủ quyền lãnh thổ ở phương Nam. 2.2. Nghiên cứu về môi trường kinh tế biển, truyền thống khai thác biển và ý thức về biển của dân tộc ta trong lịch sử; quá trình xác lập chủ quyền lãnh hải, truyền thống bảo vệ hệ thống đảo, bảo vệ những nguồn lợi trên biển; nghiên cứu về thương mại biển và các mối bang giao khu vực, quốc tế diễn ra trong hệ thống hải thương châu Á đặc biệt là khu vực Biển Đông. 2.3. Nghiên cứu và làm sáng tỏ hơn nữa vấn đề giao lưu và tiếp xúc văn hoá của các nền văn hoá, trung tâm văn hoá trên đất nước ta trong lịch sử; xác định rõ khái niệm Vùng văn hoá, Không gian văn hoá, những ưu thế và đặc thù của mỗi vùng văn hoá, vấn đề văn hoá tộc người để làm rõ tính thống nhất và đa dạng của văn hoá Việt Nam trong nền cảnh văn hoá khu vực. Đồng thời, nghiên cứu về sự biến đổi của văn hoá Việt Nam hiện tại cũng như khả năng diễn tiến, hệ quả nhiều mặt của các mối quan hệ giao lưu, tiếp xúc văn hoá trong thời đại công nghiệp hoá và hội nhập quốc tế hiện nay. 2.4. Tập trung nghiên cứu về đô thị và xã hội thành thị bao gồm các vấn đề về không gian tự nhiên và xã hội trong việc thiết lập, quy hoạch đô thị, kinh nghiệm quản lý đô thị; cơ sở phát triển và những đặc tính của từng loại hình thành thị. Nghiên cứu cấu trúc dân cư, nhân học đô thị và vấn đề đô thị hoá, hoạt động kinh tế, văn hoá thị dân và mối quan hệ giữa thành thị với nông thôn để từ
  12. đó làm rõ vai trò của thành thị Việt Nam trong lịch sử đặt trong mối liên hệ với xã hội nông nghiệp nhằm làm rõ mô hình tiến triển và những đặc điểm tiêu biểu của thành thị Việt Nam trong so sánh với các loại hình thành thị phương Đông và thế giới. 2.5. Nghiên cứu và làm sáng tỏ hơn nữa con đường phát triển đặc thù của Việt Nam; tiến trình đấu tranh thống nhất đất nước và bảo vệ nền độc lập dân tộc; các chính sách, chủ trương lớn của Đảng và những thành tựu của công cuộc Đổi mới; tiến trình hội nhập khu vực, chính sách của các nước lớn; vận hội và những thách thức đã và đang đặt ra đối với đất nước ta trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế hiện nay. Các định hướng nghiên cứu trên được đề xuất trên cơ sở nắm bắt những yêu cầu đã và đang đặt ra đối với đất nước ta trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, trong việc thiết lập và mở rộng quan hệ quốc tế đặc biệt là thiết lập mối quan hệ láng giềng thân thiện với các quốc gia khu vực trên cơ sở tôn trọng lịch sử và công pháp quốc tế. Các chương trình nghiên cứu đó nhìn chung cũng phù hợp với những định hướng của một số cơ quan quản lý Nhà nước về nghiên cứu khoa học, của Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Các định hướng nghiên cứu cơ bản trên sẽ góp phần củng cố, bổ sung và làm sáng tỏ nhận thức về một số vấn đề hết sức quan trọng trong lịch sử, văn hoá Việt Nam. Khoa Lịch sử cố gắng nắm bắt sát sao những phát triển mới của nền sử học và các khuynh hướng học thuật thế giới; phát huy tốt hơn nữa và cập nhật các nguồn sử liệu; tiếp nhận và ứng dụng các phương pháp và quan điểm nghiên cứu mới trên cơ sở đó tiếp tục mở rộng phạm vi nghiên cứu, duy trì và từng bước nâng cao vị thế của Khoa với tư cách là một trung tâm đào tạo, nghiên cứu sử học cơ bản, hàng đầu của đất nước. Trên thực tế, một số vấn đề và khía cạnh của các định hướng nghiên cứu cơ bản trên đã được các Bộ môn và nhóm nghiên cứu của Khoa thực hiện trong
  13. những năm qua. Khoa đã tập hợp được nhiều nguồn tư liệu quý, đã có một số kinh nghiệm và thành tựu nghiên cứu. Đó là cơ sở và vốn quý ban đầu, cần thiết cho việc thực hiện và khả năng thực hiện thành công các chương trình nghiên cứu này. Bên cạnh đó, để bảo đảm sự thành công, Khoa Lịch sử sẽ tiếp tục mở rộng hơn nữa liên thông, liên kết với các chuyên gia, các nhà nghiên cứu trong, ngoài nước đặc biệt là các cơ sở đào tạo, nghiên cứu của Đại học Quốc gia Hà Nội và ĐHQG Tp Hồ Chí Minh; các trung tâm, viện nghiên cứu thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam; khoa Lịch sử của các trường đại học, các cơ quan văn hoá, nghiên cứu địa phương và một số viện nghiên cứu, trường đại học quốc tế cùng tham gia các chương trình đào tạo và phối hợp tiến hành các dự án nghiên cứu. Những định hướng khoa học trên đây được thực hiện trên cơ sở tập trung lực lượng và sức lao động sáng tạo của đội ngũ các nhà khoa học đã và đang công tác ở Khoa, phát huy thế mạnh của các Bộ môn, thế mạnh của một đơn vị đào tạo, nghiên cứu đa ngành. Ban Chủ nhiệm Khoa đã và đang có kế hoạch làm việc với các Bộ môn và Nhà trường để chuẩn bị những bước tiến hành cụ thể. Khoa sẽ mời các nhà khoa học có uy tín, chuyên gia đầu ngành phụ trách từng định hướng nghiên cứu để từ đó xây dựng nên các dự án khoa học mang tính khả thi. Hiện nay, Khoa Lịch sử đang có 17 cán bộ giảng dạy và nghiên cứu trẻ. Trong vòng 5 năm tới số cán bộ trẻ sẽ tăng lên trên 20 người tức là chiếm khoảng 50% số cán bộ trong Khoa. Thông qua việc thực hiện các chương trình nghiên cứu cơ bản trên, Ban Chủ nhiệm Khoa Lịch sử chủ trương thực hiện kế hoạch đào tạo và phát triển đội ngũ theo những định hướng nghiên cứu cơ bản đã được Hội đồng Khoa học và đào tạo của Khoa xác định. Mục tiêu của chương trình này nhằm gắn kết hơn nữa công tác giảng dạy với nghiên cứu của đội ngũ cán bộ khoa học trẻ, gắn khoa học với thực tiễn, gắn đề tài của các luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ với những định hướng nghiên cứu cơ bản của Khoa. Các giảng viên trẻ Khoa Lịch sử đều đã xác định được định hướng khoa học lâu dài và phấn đấu trở thành một giảng viên giỏi, một người nghiên cứu chuyên sâu về một lĩnh vực chuyên môn cụ
  14. thể trên cơ sở tự trang bị cho mình năng lực sử dụng ngoại ngữ và một khối lượng kiến thức cơ bản, liên ngành. Cùng với việc thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo và một số hoạt động khoa học khác, thông qua 5 chương trình nghiên cứu chủ yếu trên, tập thể Khoa Lịch sử - Trường ĐH KHXH & NV, ĐHQG HN mong muốn tiếp tục xây dựng Khoa thành một Tập thể khoa học mạnh với những bước đi vững chắc trên con đường học thuật, xứng đáng với truyền thống mà nhiều thế hệ cán bộ, công chức trong Khoa đã dày công xây đắp, xứng đáng với vị thế của một Đơn vị Anh hùng. Hà Nội, ngày 19-8-2006 (Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 9 (365), 2006)