Nẻo về văn hóa văn minh Việt Nam - Phần 3: Xứ Quảng và xứ Tây Sơn - Giữa đại vùng văn hóa ven biển miền Trung (Tiếp theo) - Lê Văn Hảo

pdf 48 trang ngocly 2560
Bạn đang xem 20 trang mẫu của tài liệu "Nẻo về văn hóa văn minh Việt Nam - Phần 3: Xứ Quảng và xứ Tây Sơn - Giữa đại vùng văn hóa ven biển miền Trung (Tiếp theo) - Lê Văn Hảo", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfneo_ve_van_hoa_van_minh_viet_nam_phan_3_xu_quang_va_xu_tay_s.pdf

Nội dung text: Nẻo về văn hóa văn minh Việt Nam - Phần 3: Xứ Quảng và xứ Tây Sơn - Giữa đại vùng văn hóa ven biển miền Trung (Tiếp theo) - Lê Văn Hảo

  1. Nẻo về văn hóa văn minh Việt Nam * Việt Nam nước non ngàn dặm Lê Văn Hảo PHẦN 3: Xứ Quảng và xứ Tây Sơn - giữa đại vùng văn hóa ven biển miền Trung Xứ Quảng là tên gọi thân quen của vùng đất hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, còn xứ Tây Sơn thì hiển nhiên là mảnh đất tỉnh Bình Định, quê hương của những người áo vải đã làm nên một triều đại ngắn ngủi (chưa đầy ba thập niên) nhưng để lại một tiếng vang khá lớn trong lịch sử. Trên bản đồ địa-văn hóa của Việt Nam nước non ngàn dặm, có thể thấy văn hóa xứ Quảng là tập đại thành của bốn tiểu vùng văn hóa : Quảng Nam, Đà Nẵng, Hội An, Quảng Ngãi ; và văn hóa xứ Tây
  2. Sơn là vùng văn hóa Bình Định – Qui Nhơn, nằm ngay chính giữa đại vùng văn hóa miền Trung. Tiểu vùng văn hóa Quảng Nam Trước khi nói tới hai trung tâm văn hóa Đà Nẵng và Hội An, cần đề cập tới môi trường văn hóa độc đáo chung quanh là đất Quảng Nam. Với hai triệu dân sống trên diện tích 12.000 km2, đây là một trong những tỉnh lớn của miền Trung, với những dòng sông lớn : Sông Hàn, Thu Bồn, Tam Kỳ ; núi rừng chiếm hơn 60% đất đai và cung cấp nhiều loại gỗ quí, nhiều đặc sản : quế Trà Mi, hồ tiêu Tiên Phước, hoa trái Đại Bường, đồ thủ công mỹ nghệ Ngũ Hành Sơn
  3. Biển Quảng Nam cung cấp nước mắm Nam Ô, yến sào Cù Lao Chàm, nhiều bãi tắm đẹp : Non Nước, Mỹ Khê, Sơn Trà Đất Quảng còn có một nơi nghỉ dưỡng lý tưởng nhờ khí hậu ôn đới : Bà Nà. Núi Bà Nà (huyện Hòa Vang) cách Đà Nẵng 35 km và cao 1.470 m, trên đỉnh núi địa hình bằng phẳng như một vùng cao nguyên nhỏ, với nhiệt độ chỉ xê dịch từ 17 đến 20°C và thời tiết bốn mùa trong một ngày : sáng xuân, trưa hè, chiều thu, đêm đông, giữa rừng cây xanh um, đồi thông bát ngát. Cũng như Hải Vân cách đó không xa, Bà Nà có một đặc điểm mà hiếm vùng nghỉ mát nào có được : mây trời chỉ bay lượn ở lưng chừng núi, còn vùng bằng phẳng trên đỉnh luôn quang đảng nhờ đó mà du khách được đắm mình trong một toàn cảnh núi-sông-trời-biển mà như đang bồng bềnh bay giữa trăm gió ngàn mây
  4. Người xứ Quảng cũng tự hào về một thắng cảnh độc đáo khác của quê hương : bán đảo Sơn Trà, cách Đà Nẵng chưa đầy 15 km. Sau ngót 30 năm chiến tranh, Sơn Trà ngày nay vẫn nguyên vẹn là một bảo tàng thiên nhiên của cuộc sống hoang dã. Dài 15 km, chỗ rộng nhất 5 km, với một đỉnh núi cao nhất là 700 m, Sơn Trà còn giữ được 4.500 hecta rừng nguyên sinh, với 289 loài thực vật bậc cao, nhiều loài thú quí hiếm như gà tiền mặt đỏ, khỉ đuôi dài và nhất là hơn 400 khỉ voọc chà. Bờ biển Sơn Trà dài 50 km, với nhiều bãi tắm hoang sơ, nước xanh màu ngọc bích. Sau khi bơi lặn, du khách
  5. có thể ra khơi theo dõi dân chài đánh cá, câu mực, săn tôm hùm hay leo núi quan sát những con chim, con khỉ quí hiếm. Từ bán đảo Sơn Trà có thể đi thăm làng cổ Phong Nam của huyện Hòa Vang, nơi còn giữ được nhiều đình, đền, chùa, miếu, nhà thờ tổ, nhà cổ, giếng cổ mang nét đặc trưng của một làng quê miền Trung với tuổi đời bảy thế kỷ. Xứ Quảng là quê hương của nhiều lễ hội dân gian nổi tiếng như lễ hội Bà Thu Bồn (12 tháng 2 âm lịch) : bà vốn là một nữ thần Chăm mà người Việt vẫn thờ cúng và kính cẩn gọi là Bồ Bồ phu nhân ; lễ tế cá Ông tại những làng có đền, miếu thờ "Ông" : người Chăm và người Việt ở miền Trung từ lâu đã xem "Ông" (cá voi) là ân nhân của dân chài và những tàu thuyền gặp nạn trên biển ; sau phần tế lễ luôn luôn có hát bả trạo, hát bội, hát hò khoan
  6. Trong kho tàng văn hóa ẩm thực Việt Nam, xứ Quảng đã có những đóng góp tốt đẹp và độc đáo : mì Quảng, cao lầu Hội An, bò tái Cầu Mống, bánh tráng cuốn thịt heo, giò ốc, ốc vú nàng, bánh vạc, bánh bao, bánh tổ, v.v. Mì Quảng bây giờ đã là món ngon thân quen của người Việt ở nhiều nơi, không thua gì phở Bắc, bún bò Huế, hủ tiếu Mỹ Tho nhưng thưởng thức được một tô mì Quảng tuyệt chiêu thì phải là loại mì chế biến từ bột bánh làm bằng gạo Phú Chiêm, với tôm cua Cửa Đại và rau thơm Trà Quế. Cũng như món cao lầu Hội An, phải chọn cho được
  7. một trong hai thứ gạo thơm thuần chủng địa phương để chế biến sợi cao lầu vừa mềm vừa dai. Chọn thịt heo nạc làm xá xíu rồi bánh tráng nướng, loại bánh tráng dày, rắc thật nhiều hạt mè trắng và nước cốt dừa ngậy béo, cộng thêm rau đắng, rau thơm, rau cải non Trà Quế, thêm một chút nước mắm Nam Ô : đó là tô cao lầu phố Hội lý tưởng vang bóng một thời ! Nói tiểu vùng văn hóa Quảng Nam thì cũng phải nhắc tới kho tàng văn nghệ dân gian của nó với vè Quảng, hò đi cấy, hò xay lúa, hò tát nước, hò giã gạo, hò giã vôi, hò đạp xe nước, hò khoan, hò ba lý, hát bã trạo, hát nhân ngãi, hô bài chòi với thổ ngữ và cái giọng Quảng chắc nịch, đậm đà : Ví dầu tình bậu muốn thôi Bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu ra Bậu ra cho khỏi tay qua Cái xương bậu nát cái da bậu mòn ! Tiểu vùng văn hóa Đà Nẵng Là thành phố lớn vào hàng thứ tư sau Sài Gòn, Hà Nội, Hải Phòng, nằm ngay chính giữa đất nước, trung tâm kinh tế lớn nhất của miền Trung với cảng biển lớn và sân bay quốc tế, Đà Nẵng có nhiều thắng cảnh và một chiều dày văn hóa đáng kể bên cạnh Hội An và Mỹ Sơn lừng danh.
  8. Hai trọng điểm văn hóa-du lịch của Đà Nẵng là thắng cảnh Ngũ Hành Sơn và Viện Bảo Tàng Điêu Khắc Chăm. Ngũ Hành Sơn dân gian quen gọi là hòn Non Nước hay núi Non Nước là một quần sơn tươi đẹp ở phía đông-nam thành phố gồm năm ngọn núi mang những cái tên đầy ý vị triết học phong thủy, liên quan đến năm yếu tố cơ bản của vũ trụ, mà cũng là những vật thể thiết thân với con người : đất-nước-gỗ-vàng-lửa. Ở phía bắc là Thủy Sơn, phía đông Mộc Sơn, phía tây Kim Sơn, phía nam Hỏa Sơn, ở giữa Thổ Sơn, với Biển Đông trước mặt. Đó là một toàn cảnh sơn thủy hữu tình, một biểu trưng cho hồn nước non, cho tình thiên nhiên đất nước bất diệt trong tâm linh Việt.
  9. Thủy Sơn là núi lớn và đẹp nhất, đường lên núi lát đá xếp thành bậc dẫn đến chùa Tam Thai, sau chùa là động Huyền Không thờ Quan Âm và Thích Ca, trần động cao thông với bầu trời và ánh nắng tạo ra một tiểu cảnh huyền ảo. Trên đỉnh Thủy Sơn có Vọng Giang Đài và Vọng Hải Đài, từ đây du khách say sưa ngắm sông Hàn uốn lượn quanh co và Biển Đông lai láng một hồn thơ xanh diệu vợi, xa xa quần đảo Cù Lao Chàm ẩn hiện như một tác phẩm điêu khắc nửa thực nửa hư dưới ánh bình minh hay trong bóng hoàng hôn. Người Việt mãi mãi biết ơn dân tộc Chăm đã tặng cho Việt Nam và thế giới một vật báu thứ hai của nước non
  10. Đà Nẵng : Viện Bảo Tàng Điêu Khắc Chăm (sẽ được nói kỹ hơn khi đề cập tới vùng văn hóa xứ Chăm). Tiểu vùng văn hóa Hội An Xưa gọi là Faifo, Hải Phố, Hoài Phố, đô thị cổ Hội An của tỉnh Quảng Nam vốn là một thành phố cảng lớn của vương quốc Champa trên vùng đất Amavarati từ thế kỷ thứ 2 đến thế kỷ 15. Đầu thế kỷ 14, đám cưới Việt- Chăm Huyền Trân - Chế Mân (1306) với của hồi môn Ô Ri đã làm cho biên giới Đại Việt vươn tới vùng đất bắc Quảng Nam. Sau 1471, vùng đất từ Quảng Nam đến Bình Định đã nằm trong bản đồ Đại Việt. Hội An ra đời từ đó và, nhờ hải cảng lớn của nó ở sông Thu Bồn là Cửa Đại Chiêm mà người Việt quen gọi tắt là Cửa Đại, đô thị cảng này đã phát triển mạnh dưới thời các chúa Nguyễn cho đến cuối thế kỷ 18 thì suy tàn vì nội chiến Trịnh-Nguyễn-Tây Sơn.
  11. Cách không xa những địa danh Chăm lừng lẫy một thời (kinh đô Trà Kiệu, thánh địa Mỹ Sơn), Hội An ngày nay là một trung tâm văn hóa - du lịch lớn, với tư cách là một di sản văn hóa thế giới. Nhìn lại lịch sử, Hội An có nhiều lý do để tự hào : di tích Việt-Hoa sớm nhất là chùa Chúc Thánh (khởi dựng năm 1454). Người Nhật, người Hoa cùng các giáo sĩ, thương nhân phương Tây đã đóng góp nhiều cho sự phồn thịnh của Hội An. Người Hoa đến sớm lập ra phố người Đường, xây miếu Quan Công (1653) cùng nhiều chùa và hội quán ở các thế kỷ 17-18. Người Nhật còn đến sớm hơn, từ cuối thế kỷ 16, họ đã lập ra phố người Nhật, dựng cầu Nhật Bản (1593) bên
  12. trên có Chùa Cầu. Người Việt tất nhiên có mặt sớm nhất (ngay sau khi Lê Thánh Tông làm chủ vùng đất Vijaya, 1471) ngót một trăm năm trước khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận-Quảng (1558-1613). Ngày nay, ở thế kỷ 21, Hội An không còn vai trò quan trọng về kinh tế như Đà Nẵng nhưng lại là một trung tâm văn hóa lớn với diện tích hơn 60 km2 và khoảng 100.000 dân. Ngay từ trước 1999 (năm Hội An và Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới), Hội thảo quốc tế về đô thị cổ Hội An được tổ chức tại Đà Nẵng (1990), sau đó là Hội thảo khoa học về đô thị cổ Hội An được tổ chức tại Tokyo (1994) với sự tham dự của hơn 120 nhà khoa học Nhật Bản, Việt Nam và nhiều nước khác. Sau đó đã ra đời bộ phim "Hội An, diện mạo của quan hệ Việt-Nhật sau 400 năm" của nhà điện ảnh Yasushima Nakamura, quay tại Hội An (1994). Từ sau 1999 đến nay (2005), ngành văn hóa Hội An, được sự giúp đỡ của bộ văn hóa và các tổ chức văn hóa quốc tế, đã sửa chữa, trùng tu được cả thảy 900 di tích và công trình kiến trúc lớn nhỏ : miếu, đình, chùa, hội quán, nhà thờ họ, nhà cổ, mộ cổ, giếng
  13. cổ Chăm, Việt, Nhật, Hoa. Từ 1997 đến 2000, Việt Nam đã hợp tác với Nhật Bản và nhiều nước khác để trục vớt một chiếc tàu cổ bị đắm cách nay khoảng 500 năm tại một vùng biển gần Cù Lao Chàm ngoài khơi Hội An. Sau ba năm khai quật, các nhà khảo cổ và chuyên gia cổ vật quốc tế đã phát hiện được khoảng 240.000 hiện vật còn nguyên vẹn có niên đại thế kỷ 15, chủ yếu là đồ gốm Chu Đậu trước đây (thuộc tỉnh Hải Dương ngày nay). Các bên tham gia khai
  14. quật con tàu bị đắm đều nhận được một phần kho báu. Riêng về phần của Việt Nam, Bảo Tàng Quảng Nam đã nhận khoảng 1/5 số lượng cổ vật và đã chuyển một số cho Bảo Tàng gốm sứ Hội An để du khách đến đô thị cổ này khám phá được những kiệt tác gốm Chu Đậu, một trong hai đỉnh cao của kho tàng gốm Việt Nam, bên cạnh gốm Bát Tràng. Từ ngày Hội An được vinh danh là di sản văn hóa thế giới, đời sống văn hóa của đô thị cổ đã trở nên vô cùng hào hứng, sôi nổi. Du khách nước ngoài nườm nượp đến. Nếu vào đầu thập kỷ 1990 của thế kỷ 20 chỉ có lèo tèo vài trăm du khách quốc tế đến tham quan Hội An thì vào những năm cuối của thập kỷ con số đó đã lên tới hàng trăm ngàn lượt người, và đến nay phải tính con số hàng triệu. Đúng như Nguyễn Phước Tương, nhà Hội An học xuất sắc, mới đây đã viết : "Hội An thời nào cũng đẹp : là đô thị thương cảng, trung tâm trung chuyển của con đường tơ lụa và gốm sứ quốc tế xuyên đại dương, nối liền phương Đông và phương Tây dưới thời chúa Nguyễn của Đàng Trong Đại Việt, là cái nôi ra đời của chữ quốc ngữ đầu thế kỷ 17 [ ], là di sản văn hóa thế giới". Hội An cũng đã đoạt giải thưởng "dự án kiệt xuất
  15. về hợp tác, bảo tồn di sản văn hóa thế giới" tại cuộc thi Di sản Châu Á-Thái Bình Dương do UNESCO tổ chức vào năm 2000. Tiểu vùng văn hóa Quảng Ngãi Ở phía nam Quảng Nam, Quảng Ngãi cũng là một tiểu vùng văn hóa độc đáo của miền Trung với 1,3 triệu dân sống trên 5.200 km2 diện tích : địa hình núi thấp, xen thung lũng ở phía tây với các đỉnh núi Đá Vách, Làng Rầm (1.100 m), đồng bằng tích tụ và cồn cát ven Biển Đông được tưới tắm bởi những dòng sông đẹp : Vệ, Trà Bồng, Trà Khúc xuôi về Cửa Đại, Cửa Lò. Quảng Ngãi nổi tiếng với đường mía (cát, phổi, phèn), kẹo gương, mạch nha , những bánh xe nước to
  16. lớn, đường kính 12 m, làm bằng tre nứa gỗ quay suốt ngày đêm, vừa làm ruộng lúa, ruộng mía phì nhiêu, vừa làm phong cảnh đồng quê sống động, đẹp vui. Nay mai Quảng Ngãi sẽ vừa là một trung tâm kinh tế vừa là điểm du lịch hấp dẫn với núi Thiên Ấn, sông Trà Khúc, thành cổ Châu Sa, đồn Cổ Lũy, chùa Ông, chùa Hang, di tích khảo cổ học Sa Huỳnh nổi tiếng với các khu mộ táng tiêu biểu cho văn hóa Sa Huỳnh cội nguồn của văn hóa Champa, cách nay hơn 2.000 năm, và không khí rộn rã của các lễ hội nghinh ông là lể hội nước lớn nhất của ngư dân vùng biển Quảng Ngãi, với những đêm diễn hát bội, hát bả trạo tưng bừng, xen lẫn với những hò chèo thuyền, hò mái nhặt, hò đẩy xe mía, hố giựt chì, lý thương nhau, lý bơ thờ thâu đêm suốt sáng. Văn hóa xứ Tây Sơn của vùng Bình Định Qui Nhơn Bình Định có địa hình đa dạng : vùng núi, vùng giáp núi, vùng đồng bằng và vùng bãi bồi ven biển. Huyện Phù Cát có suối nước khoáng, thành phố tỉnh lỵ là Qui Nhơn có cảng biển thuộc loại lớn của miền Trung. Bình Định có những đăïc sản nổi tiếng : tơ lụa, yến sào, tôm cá, gỗ quí, trầm hương Vùng đất này còn lưu giữ nhiều di tích kiến trúc và văn hóa Champa từ thế kỷ 15 về trước, nơi đã từng là
  17. một trong những kinh đô của vương quốc Chăm : Vijaya, và đã hiên ngang đi vào lịch sử Việt Nam ở các thế kỷ 17, 18, 19 với những danh nhân, anh hùng, hào kiệt : các chúa Nguyễn, Đào Duy Từ, Quang Trung, Đào Tấn để trở thành một cái nôi của nghệ thuật hát bội, dân ca bài chòi, hát bả trạo, quê hương của môn phái võ Tây Sơn và điệu múa trống trận thể hiện tính cách thượng võ và sức sống mãnh liệt của người dân vùng văn hóa này. Những lễ hội đặc sắc vùng Bình Định - Qui Nhơn Lễ hội vui nhộn nhất của vùng này là lễ hội Đỗ Giàn tổ chức vào ngày rằm tháng 7 hàng năm tại Chùa Bà, làng An Thái, huyện An Nhơn. An Thái là một làng võ lâu đời, đã từng sản sinh ra nhiều võ sư, võ sĩ xuất sắc của đất Bình Định và của Việt Nam. Cho nên, ngoài ý nghĩa lễ Vu Lan, lễ báo hiếu của nhà Phật, đây còn là một lễ hội thượng võ, hội đua tài giữa các hào kiệt trẻ già ở các làng võ quanh vùng. Tục ngữ địa phương nói : Trai An Thái, gái An Vinh là để nói lên đặc trưng của hai làng cùng uống chung dòng nước sông Côn mà một bên là con trai giỏi võ nghệ, một bên là con gái đẹp nổi tiếng. Phần hấp dẫn của lễ hội là hát bội, nhưng cái đinh của lễ hội lại là cuộc tranh tài cướp heo quay, vật cúng thần
  18. được tung từ trên giàn cao xuống để các võ sĩ tranh nhau cướp cho được con heo quay đem về cho làng mình. Lễ hội long trọng và qui mô lớn nhất của Bình Định là lễ hội Tây Sơn được tổ chức tại nhiều làng của huyện Bình Khê cũ, nay đổi tên là huyện Tây Sơn. Đông đảo và tưng bừng nhất là lễ hội tổ chức tại làng Kiên Mỹ, quê hương và cũng là nơi dấy binh của ba anh em Tây Sơn. Lễ hội diễn ra trong nhiều ngày, mồng 5 tháng Giêng (kỷ niệm chiến thắng Đống Đa) là ngày lễ chính. Trước sân điện thờ và nhà bảo tàng Tây Sơn, tiếng trống đại vang lên trong không khí trang nghiêm thơm ngát mùi trầm ; vị chánh tế đọc bài văn tế ôn lại sự nghiệp của phong trào Tây Sơn và những thành tựu của triều đại Tây Sơn (1770-1802), các đoàn đại biểu đến từ nhiều miền của đất nước dâng hương trước điện thờ. Dàn nhạc võ 12 trống vang lên từ khúc thúc quân đến khúc khải hoàn. Từ phái võ Tây Sơn đến nhạc võ Tây Sơn hào hùng Bình Định - Qui Nhơn là đất thượng võ, quê hương của anh hùng nông dân Lía đã được dân gian bất tử hóa qua áng Vè Chàng Lía : Chiều chiều én liệng Truông Mây Gẫm thương chú Lía bị vây trong Thành, cũng là quê hương của bà Bùi Thị Xuân và nhiều
  19. anh hùng khác của phong trào Tây Sơn đã đi vào ca dao, truyền thuyết và giai thoại, và nhất là quê hương của người anh hùng đã được công chúa Ngọc Hân ca ngợi trong Ai tư vãn: Rằng nay áo vải cờ đào Giúp dân dựng nước xiết bao công trình ! Từ vùng đất này đã ra đời một phái võ làm rạng danh truyền thống võ nghệ Việt Nam từ nhiều thế kỷ nay : phái võ Tây Sơn. Hàng năm phái võ này sống lại rạng rỡ trong lễ hội Tây Sơn, và hàng trăm ngàn người hành hương về đây để được nghe lại âm hưởng của khúc nhạc trống trận, được chiêm ngưỡng những thế võ, bài quyền bất hủ, nào là long quyền, hổ quyền, kê quyền, quyền gà chọi gắn liền với tên tuổi Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ là những võ sĩ đã góp phần cách tân, nâng cao võ thuật Tây Sơn ở các môn côn, quyền, song kiếm, đại đao Võ thuật Tây Sơn cũng đã thăng hoa thành nghệ thuật âm nhạc. Đó là điệu múa-nhạc trống võ Tây Sơn mà mười mấy năm nay, những người dự lễ hội Tây Sơn tại Bình Định được thưởng thức qua tài nghệ của một thiếu nữ - cháu bảy đời của dòng tộc Nguyễn Huệ - mặc áo chẽn đỏ (hay trắng), quần màu hồng nhạt, lưng thắt đai xanh, hai tay múa cặp dùi lướt chớp nhoáng trên cả 12 mặt của bộ trống trận Tây Sơn, với một phong thái
  20. làm chủ oai phong vô cùng điệu nghệ, lại được tiếng kèn và nhịp chập chõa phụ họa, tạo nên một ấn tượng hùng tráng tuyệt vời. Xứ Nam Trung Bộ của đại vùng văn hóa ven biển miền Trung Trong cuộc hành trình xuyên Việt, sau hai vùng văn hóa xứ Quảng và xứ Tây Sơn là vùng văn hóa xứ Nam Trung Bộ, cũng là vùng đất cực nam của vương quốc Champa xưa. Dõi theo bước chân của người Việt mải miết tiến về Nam, ta thấy : năm 1611 chúa Nguyễn lấy đất Phú Yên, 1653 làm chủ Khánh Hòa, 1692 Ninh Thuận và Bình Thuận thuộc về Đàng Trong của Đại Việt. Đại vùng văn hóa ven biển miền Trung đã định hình từ ấy. Nam Trung Bộ có thể tự hào về một số chùa miếu cổ kính vài ba trăm tuổi (Đá Trắng, Chùa Hang, Trà Kú ) và một số lễ hội đông vui (Đầm Ô Loan, Dinh Thầy, lễ hội Cá Voi ), nhưng đáng nói nhất là các thắng cảnh biển, các thành tựu ẩm thực và vốn dân ca phong phú. Tiểu vùng văn hóa Phú Yên đã ngót 400 tuổi
  21. Phú Yên có diện tích 5.300 km2 và dân số 800.000 người ; phía tây là vùng núi và bán sơn địa Trường Sơn Nam mà đỉnh cao nhất là Hòn Vọng Phu (2.064 m), phía đông là những cánh đồng bầu bạn với ba dòng sông Đà Rằng, Kỳ Lô và Bàn Thạnh. Phú Yên nằm giữa Đèo Cù Mông phía bắc và Đèo Cả phía nam. Quốc lộ 1, đoạn qua Phú Yên là đoạn đẹp nhất với những vùng biển thơ mộng: "Vũng Đông, Vũng Lấm, Vũng Chào Vũng La, Vũng Sứ, vũng nào cũng thương". Quả thật Phú Yên có những thắng cảnh khó quên. Đầm Ô Loan (huyện Tuy An) là một đầm nước lợ rộng 1.200 hecta, với cảnh trí xinh xắn và nhiều đặc sản ngon lành : hàu, sò huyết, cua Huỳnh Đế, tôm rằn, tôm bạc với lễ hội đua thuyền tưng bừng vào dịp Tết xuân.
  22. Ghềnh Đá Đĩa (huyện Tuy An) ở ngay bờ biển có cấu tạo kỳ lạ : vô số trụ đá hình ngũ giác đều đặn xếp chồng lên nhau, xa trông như một tổ ong, lại gần giống như những chồng dĩa chén, đá có màu sắc đen tuyền nửa chìm nửa nổi bên biển. Bãi biển Mỹ Á (huyện Tuy An) là một trong những bãi tắm đẹp trải dài dưới bóng dừa xanh. Khu bảo tồn thiên nhiên Krong Trai (huyện Sơn Hòa) rộng hơn 22.000 hecta, còn khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Đèo Cả tuy chỉ có 8.800 hecta rừng nhưng lại có một quần thể thực vật và động vật phong phú : 191 loài
  23. cây, 55 loài chim, 22 loài thú quí (trĩ sao, khỉ mặt đỏ, têtê, báo hoa, gấu ngựa ). Người Phú Yên tự hào về những đóng góp vào kho tàng ẩm thực Việt Nam : chả giông (một loài bò sát sống ở vùng đất cát), sò huyết Đầm Ô Loan, ghẹ Đầm Cù Mông (hấp, rang muối, rim me đều rất ngon), gỏi cá ngừ Đại Dương, gỏi sứa biển Tuy Hòa, tôm hấp nước dừa, mắm cá mòi, mắm cá thu, bánh ít lá gai, v.v. Tiểu vùng văn hóa Khánh Hòa – Nha Trang nay đã hơn 350 tuổi Khánh Hòa, với 5.300 km2 và dân số hơn một triệu người, là một tỉnh lớn của Việt Nam vì có thành phố Nha Trang, Vịnh Cam ranh nổi tiếng và huyện Trường Sa
  24. ngoài khơi Biển Đông. Bờ biển Khánh Hòa dài 200 km với trên 200 đảo lớn nhỏ. Hải sản đặc biệt quí là yến sào, sản lượng hàng năm trên 2,5 tấn. Cam Ranh là một cảng biển vào loại tốt nhất thế giới. Nhưng viên ngọc quí ở đây trước hết là thành phố biển Nha Trang, với bãi tắm trải dài 7 km dọc theo đại lộ Trần Phú (Độc Lập cũ). Những đêm đẹp trời, bãi biển trở thành nơi hẹn hò lý tưởng của những người yêu nhau. Nhờ kinh tế thị trường, các dịch vụ thể thao biển phát
  25. triển mạnh : lướt ván buồm, dù bay trên biển, thuyền máy cao tốc kéo người lướt sóng Không xa bãi biển thành phố có trung tâm suối khoáng nóng Tháp Bà, là chỗ tắm bùn rất tốt cho sức khỏe. Ở ngay Nha Trang mà thích vừa leo núi vừa ngắm cảnh biển và nghỉ ngơi thì nên đi thăm thắng cảnh Hòn Chồng, một khu vực nửa nằm trên bờ nửa dưới biển, dân gian quen gọi là Hòn Chồng, Hòn Vợ, một quần thể những khối đá lớn nhỏ, nhiều tầng, nhiều lớp, với những hình thù kỳ dị xếp chồng lên nhau chạy từ bờ cao xuống biển. Viện Hải Dương Học và Bảo Tàng Hải Dương Học Nha Trang, thành lập từ 1923, có hơn 20.000 mẫu vật của hơn 4.000 loài sinh vật biển và nước ngọt, bên cạnh thủy cung của những mẫu vật sống được nuôi thả trong những bể gương lớn. Hấp dẫn kỳ thú nhất là đi quanh một vòng các đảo biển. Nếu chỉ có quãng thời gian từ sáng đến chiều thì đi theo lộ trình : Thủy Cung Trí Nguyên, Hòn Mun, Hòn Tằm (ăn trưa), Làng Chài trên Hòn Miễu (thưởng thức hải sản). Hòn Miễu (Đảo Bồng Nguyên) là nơi có Thủy Cung Trí Nguyên được xây dựng từ 1971 : đó là một vùng hồ
  26. trên biển được ngăn lại bằng hệ thống kè đá, trong đó được nuôi thả hàng trăm loài sinh vật biển quí hiếm và đẹp mắt. Phía bên kia đảo là Làng Chài với nhiều lồng nuôi hải sản nổi. Đặc sản nổi tiếng là món tiết canh tôm pha rượu và có một trò rất vui là chèo thuyền thúng trên biển. Hòn Tằm không có dân ở nhưng nhờ có bãi cát đẹp lại khuất gió nên đã trở thành điểm dừng chính của cuộc du lịch. Hòn Mun có vách đá cheo leo dựng đứng đen tuyền như mun, là nơi yến thích làm tổ và đang được khai thác. Hơn những nơi khác, nước biển chung quanh
  27. Hòn Mun trong vô cùng, tầm nhìn vươn tới độ sâu 30 m, đáy biển ánh lên một màu tím biếc huyền ảo. Hòn Nội (Đảo Yến) là hòn đảo chính của nghề khai thác yến, nơi đây có tổ đình nghề yến. Hòn Lớn (Hòn Tre) là đảo lớn nhất. Tuy nó không nằm trong lộ trình du lịch thông thường nhưng có Bãi Trũ với cát trắng mịn và nước đặc biệt trong xanh nên đã được xem là bãi cát đẹp nhất của vùng biển Khánh Hòa với hai khu du lịch : Con Sẻ Tre và Hòn Ngọc Việt. Còn nhiều địa điểm khác đáng thưởng ngoạn : suối Ba Hồ, dốc Lết, đầm Nha Phu, vịnh Văn Phong, bãi biển Đại Lãnh
  28. Khánh Hòa - Nha Trang còn là địa điểm của văn hóa ẩm thực sang trọng và bình dân. Món sang trọng ở đây là yến sào (tổ kết bằng nước miếng chim én biển) với giá trị dinh dưỡng cao. Hấp dẫn nhất là các món : yến xào thịt gà mái tơ, yến chưng cách thủy với gà giò, yến tần với chim câu ra ràng, yến hấp đường phèn và nhân sâm, yến nấu với hột sen thành chè yến. Nem chua Ninh Hòa chế biến từ thịt heo Đất Đỏ, xứng đáng cạnh tranh với nem Huế, nem Thủ Đức, nem Lai Vung (Đồng Tháp). Mắm cá thu Nha Trang, nhất là mắm Bà Tô, được xếp vào hàng quí tộc của các loại mắm. Nước mắm cốt Nha Trang đủ sức cạnh tranh với nước mắm Cát Hải, Phan Thiết, Phú Quốc. Các thành tựu khác của ẩm thực Khánh Hòa - Nha Trang là bún lá cá dầm, bún cá Chợ Đầm, gỏi cá cầu Hà Ra, thịt vịt Ninh Hòa Tiểu vùng văn hóa Ninh Thuận – Phan Rang Với 3.500 km2 diện tích và dân số chưa đến nửa triệu người, Ninh Thuận là một tỉnh nhỏ của miền Trung. Năm 1998, thiên tai lại ập tới : đầu năm hạn hán trầm trọng, cuối năm 6 cơn bão lũ liên tiếp đi qua làm cho các nhà nghiên cứu kinh tế đã đánh giá Ninh Thuận là một
  29. trong 6 tỉnh nghèo nhất, với tỷ lệ đói nghèo là 17% và tốc độ tăng trưởng chỉ có 2,5%, thấp hơn bình quân cả nước, lại nằm trong khu vực có vùng khô hạn nhất nước, nhiệt độ trung bình 27°C, lượng mưa trung bình 705 mm (vùng miền núi 1.100 mm). Bất chấp thiên nhiên khắc nghiệt ấy, Ninh Thuận vẫn luôn phấn đấu để trở thành một trong những ngư trường lớn, một vùng sản xuất chuyên canh khá thành công về nho, mía, bông, hành, tỏi, và nuôi trồng thủy sản. Cái đáng nói nhất là Ninh Thuận nằm trong cụm du lịch quốc gia thuộc tam giác Đà Lạt-Nha Trang-Phan Rang Tháp Chàm và xuất hiện như một bức tranh hài hòa giữa đồng bằng, đồi núi và biển cả. Các tháp Chăm ở đây hầu như
  30. còn nguyên vẹn và một số thắng cảnh Ninh Thuận đã được du khách quốc tế đánh giá cao : đèøo Ngoạn Mục, bãi biển Ninh Chữ, bãi biển Cà Ná, vịnh Vĩnh Hy, núi Đá Trắng Gọi là núi Đá Trắng (huyện Ninh Phước) bởi vì núi chỉ toàn đá trắng phau với những bụi cây nhỏ lúp xúp, phong cảng trầm lặng hùng vĩ, phía trước cánh đồng lúa nhấp nhô lượn sóng, xa xa phía bắc đỉnh Po Klong vươn cao, phía nam tháp Po Romé đứng trầm tư mặc tưởng trước nắng gió, phía tây núi Đá Trắng là một góc nam Trường Sơn trùng điệp để cho Ninh Thuận dựa lưng vào mà nhìn ra Biển Đông. Cách Phan Rang 5 km, bãi biển Ninh Chữ (huyện Ninh Hải) là một trong những bãi tắm đẹp, với một bờ biển hình vòng cung bằng phẳng dài 10 km, chung quanh là rừng dương và những núi Đá Chồng,
  31. Tân An, Cà Đú. Cách đó không xa về phía nam, ngay bên quốc lộ 1, là bãi biển Cà Ná nổi tiếng đẹp, yên tĩnh, xa dân cư. Một làng du lịch đầy đủ tiện nghi vừa được thành lập, du khách có thể tắm lặn, đi chơi rừng và thăm các thắng cảnh hấp dẫn : hang Ông Phật, Ghềnh Ông Nồng, Giếng Đục, Núi Bạc
  32. Xa hơn một chút, vịnh Vĩnh Hy bắt đầu thu hút nhiều du khách, vì đây là một vùng vịnh thiên nhiên, còn nhiều nét hoang sơ. Tiểu vùng văn hóa Bình Thuận - Phan Thiết Khác với Ninh Thuận, Bình Thuận là một trong những tỉnh lớn. Với 8.000 km2 và hơn một triệu dân, Bình Thuận là ngư trường lớn nhất miền Trung, với một bờ biển dài 200 km. Nhiều nhánh Trường Sơn Nam đâm thẳng ra biển tạo nên các mũi : La Gàn, Mũi Nhỏ, Mũi Rơm, Mũi Né, Kê Gà, chia bờ biển thành những đoạn lõm tạo ra những vùng cửa biển tốt. Bãi tắm Phan Thiết sạch đẹp, chỉ cách trung tâm thành phố một cây số với nhiều khách sạn, quán ăn đặc sản trông thẳng ra biển. Cạnh bãi tắm là Vạn Thủy Tú, một vạn chài độc đáo. Các vạn chài ven biển miền Trung thường xây dinh để thờ cá voi. Dinh Vạn Thủy Tú trải hơn 200 năm tôn tạo đang bảo quản hơn một trăm bộ xương (cốt ông, cốt bà, cốt cậu). Giữa sân trước dinh có trưng bày một bộ xương cá voi khổng lồ dài hơn 20 m. Ở vùng ngoại ô thành phố Phan Thiết, trên đường đi Mũi Né có thắng cảnh Suối Tiên : một con suối đẹp từ độ cao hơn 6 m lướt qua những rặng dừa êm ả, những đồi cát đỏ cao vút rồi chảy xuống. Dưới lòng suối là những lớp đất sét vàng pha cát.
  33. Từ Suối Tiên tiếp tục đi trên con đường ngoạn mục chạy dọc bờ biển, du khách sẽ đến Mũi Né, một trung tâm du lịch biển điển hình. Mười năm trước đây Mũi Né còn hoang sơ lắm, nhưng rồi dân Sài Gòn và cả nước đổ xô tới xem nhật thực toàn phần (mùa thu 1995). Xem nhật thực thì không vừa ý lắm vì trời có mây mù nhưng cảnh quan quá đẹp mà tắm biển thì tuyệt vời, từ đó khu du lịch Mũi Né ra đời, cung cấp những thú vui của thể thao biển, câu cá, du thuyền, chơi cù (golf) giữa môi trường thiên nhiên trong lành, cảnh quan hùng vĩ : Bãi Ông Địa, Bãi Trước, Bãi Sau, Đồi Cát đã trở thành những đề tài sáng tác của nghệ thuật nhiếp ảnh. Gần huyện lỵ Hàm Tân là bãi biển Đồi Dương, một bãi tắm lý tưởng dài hàng chục km, với những bãi cát trắng xen lẫn với những đồi đất thấp thoải dần ra biển. Khu du lịch nghỉ dưỡng Vĩnh Hảo - Tuy Phong đã được xây dựng chung quanh suối nước khoáng Vĩnh Hảo nổi tiếng, từng được so sánh với Vichy của Pháp. Tuy Phong, huyện phía bắc của Bình Thuận có bờ biển dài hơn 50 km, với các khu nghỉ dưỡng Hòn Lao Câu, Ghềnh Son và các di tích Việt, Chăm như Chùa Hang, tháp Po Dam. Một thắng cảnh khác của Bình Thuận rất hấp dẫn là Núi Trà Kú, lưng chừng núi có Chùa Linh Sơn Trường
  34. Thọ, với tượng Phật nằm lớn nhất Việt Nam dài 49 m, được dựng năm 1962, thu hút nhiều khách hành hương. Vào những ngày lễ lớn, có trên 10.000 tín đồ. Vài ngàn người qua đêm trong khuôn viên chùa. Tham quan núi Trà Kú nên đi vào những ngày không có lễ hội và những đêm trăng : giữa rừng tre, rừng bằng lăng rậm rạp, không có chỗ cho bụi trần, chỉ có tiếng tụng kinh sáng sớm, tiếng chuông thu không xế chiều, rồi trăng lên, gió hát, sương rơi, côn trùng rỉ rả đưa ta vào giấc mơ thoát tục. Văn hóa ẩm thực Ninh Thuận - Bình Thuận đã để lại nhiều kỷ niệm tốt đẹp cho du khách. Ở thành phố Phan Thiết, nhà hàng Nam Thanh Lầu có món cơm cháy ngon độc đáo được giới thiệu là món gia truyền bốn đời.
  35. Hấp dẫn nhất ở Ninh Thuận - Bình Thuận là gỏi cá mai, cá suốt dọn lên mâm trông huy hoàng rực rỡ như bức tranh lụa đầy đủ sắc màu. Cá cơm sông Vu Gia được chế biến thành nhiều món hấp dẫn như cá cơm rút xương rán vàng, cá cơm kho khô, cá cơm làm mắm nêm và ngon hơn cả là canh cá cơm nấu me đất. Nếu Khánh Hòa Nha Trang có yến sào thì Bình Thuận có hải sâm. Hải sâm (đỉa biển) được khai thác tại đảo Phú Quí, con nhỏ nhất bằng ngón tay cái, lớn nhất nặng tới 2 kg. Hai loại hải sâm quí nhất là huyền sâm (loại đen) và hoàng sâm (loại vàng). Bắt được đem về moi ruột, luộc rồi xắt lát mỏng, ướp ngũ vị hương và hành tỏi xào chín, cuốn với bánh tráng rau thơm, khế, chuối chát, chỉ có thế mà ngon nhớ đời. Giông, một loài cắc kè đã thấy ở Phú Yên, là một con vật nhỏ mà giới ẩm thực Bình Thuận rất trọng nể qua những bữa tiệc nhậu có giông nướng hay giông xào sả ớt, giông làm chả hay giông nấu lẩu. Nổi tiếng là mực tươi nướng Mũi Né, cần được xử lý bằng than hoa, xé từng sợi mực tươi trắng ngà chấm với tương ớt vừa dòn lại vừa mềm dẻo với cái vị ngọt đậm, cay nồng cùng mùi thơm đặc biệt khó quên. Nói về văn hóa ẩm thực mà không đề cập đến nghệ thuật âm thanh là một thiếu sót, huống chi dân ca Nam
  36. Trung Bộ là một đóng góp tốt đẹp vào kho tàng folklor Việt Nam. Có những điệu hò lao động chung cho cả vùng như hò giã gạo, hò xay lúa, hò đi cấy, hò đạp xe nước Hô bài chòi thì còn phổ biến rộng hơn : từ xứ Huế đến tận Bà Rịa. Nhưng cũng có những điệu hò đặc biệt của một vùng như hò mài dừa, hò đẩy xe mía, hò khiêng xe nước của Bình Định, hò leo dốc, hò giã đậu, hò khoan của Phú Yên. Lại có những làn điệu cùng tên hay gần cùng tên nhưng giai điệu và nhịp điệu lại khác nhau từ tiểu vùng này sang tiểu vùng kia : hò chèo thuyền Quảng Nam, hò chèo đò Quảng Ngãi, hò đò Bình Định, hò đò Phú Yên, hò đò Ninh Thuận hay các điệu hát huê tình đối đáp khác nhau từ tỉnh này sang tỉnh khác, mặc dù chúng cũng bao gồm những hát chào, hát hỏi, hát đố, hát nhân ngãi, hát kết, hát nhắn, hát chờ, hát trách, hát tạ từ: "Ai về nhắn với bạn nguồn Mít non gởi xuống cá chuồn gởi lên" . "Anh tới đây đất nước lạ lùng Con chim kêu cũng sợ, con cá vùng cũng kiêng". "Anh ra về em cũng muốn về theo Sợ truông cát nóng, sợ đèo đá dăm". "Giã chàng cho thiếp hồi hương
  37. Kẻo cha mẹ thiếp trăm đường chờ trông" Hai điệu dân ca mà người dân Nam Trung Bộ ưa thích nhất có lẽ là hai điệu hát hội hè : hô bài chòi và hát bả trạo. Hô bài chòi gắn với trò chơi đánh bài chòi rất bình dân và hào hứng trong các dịp Tết xuân. Còn hát bả trạo là điệu hát không thể thiếu trong các lễ hội thờ cúng cá ông ở những vạn chài ven biển. Nhiều nhà biên soạn tuyển tập văn học dân gian đã phê phán nội dung hát bả trạo là lạc hậu, nặng tính chất mê tín nên không đưa vào các tuyển tập, đó là điều đáng tiếc vì trong thực tế đông đảo ngư dân Việt vẫn tha thiết với tín ngưỡng thờ cá ông, vẫn hoan nghênh nhiệt liệt các đoàn nghệ nhân bả trạo dưới sự điều khiển của các tổng lái, tổng mũi, tổng khoang, vừa cầm chèo vừa hát múa
  38. thật là uyển chuyển và trịnh trọng: "Bớ chú Tổng, chú Tổng, Trước mũi kia có chú, sau lái nọ có tui Giữ thuyền lan đừng có sụt sùi Lặng gió sẽ lần qua bể ải" "Làm người quân tử lao tâm Tiểu nhân lao lực trong lòng vô lo Bây giờ trời đã im rồi Chúng ta cất bước nhổ thời neo lên" Xứ Chăm - người Chăm và quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa Chăm- Việt Xin tạm dùng các từ ngữ xứ Chăm, xứ Hoa, xứ Khmer để chỉ định những vùng sinh hoạt văn hóa vật chất và tinh thần của ba sắc dân thiểu số ở miền đồng bằng đất nước ta : người Chăm, người Hoa và người Khmer, nhóm thì sống tập trung, nhóm lại rải rác tùy theo những hoàn cảnh lịch sử và điều kiện địa-văn hóa khác nhau đã diễn ra trong thời gian, không gian Việt Nam xưa nay.
  39. Hãy bắt đầu với sắc tộc và văn hóa Chăm, gắn bó với một vấn đề lý thú là quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa Chăm-Việt. Văn hóa Champa trước đây và môn Champa học ngày nay Nhờ thành tích nghiên cứu hơn một trăm năm qua của các học giả Pháp, Chăm, Việt từ Parmentier, Maspéro, Stern tới Lafont, Boisselier, Le Bonheur ; từ Po Dharma, Nguyễn Văn Huy (Paris) tới Inrasara, Lương Ninh, Trần Kỳ Phương, Ngô Văn Doanh, Cao Xuân Phổ (Việt Nam), chúng ta được biết khá nhiều về lịch sử Champa quá đỗi truân chiên, về nền văn hóa Chăm cổ xưa thật rực rỡ, nay trở thành một thành phần xuất sắc đáng tự hào của văn hóa, văn minh Việt Nam đa sắc tộc. Champa học đã ra đời từ cuối thế kỷ 19 nhờ Học Viện Viễn Đông Pháp (EFEO-Ecole Française
  40. d’Extrême-Orient), và gần đây đang là một trong những cái đinh của nền Đông phương học qua những hoạt động học thuật quốc tế diễn ra tại Đan Mạch, Malaysia, Pháp, Hoa Kỳ , qua những xuất bản phẩm của EFEO, của Chương trình Thế giới Mã Lai - Thế giới Đông Dương, qua tập san Champaka, Nghiên cứu lịch sử và nền văn minh Champa rất phong phú do International Office of Champa (Hoa Kỳ) và Champa International Arts and Culture Foundation (Canada) đồng bảo trợ và xuất bản cùng lúc tại Paris, Toronto và San Jose từ 1999. Mới đây nhất là nhiều hoạt động nghệ thuật và học thuật qui mô lớn mà giới văn hóa Pháp dành cho lịch sử và văn hóa Chăm được tổ chức tại Viện bảo tàng quốc gia các nền nghệ thuật Á Đông Guimet ở Paris, từ 12-10-2005
  41. đến 9-1-2006, gồm cuộc triển lãm lớn "Kho tàng nghệ thuật Việt Nam : nền điêu khắc Champa (từ thế kỷ 5 đến thế kỷ 15)", nhiều cuộc diễn thuyết khoa học và nghệ thuật, và quan trọng nhất là Ngày Học Thuật (7- 12-2005) dành cho "Di Sản Việt Nam : Những Khía Cạnh Của Nền Văn Minh Chăm, 100 Năm Nghiên Cứu và Phát Hiện", với sự tham dự của nhiều chuyên gia quốc tế, kèm theo nhiều xuất bản phẩm mới về Champa, v.v. Từ vương quốc Champa xưa tới xứ Chăm ngày nay Vào khoảng cuối thế kỷ 2 cho đến đầu thế kỷ 19, trên dãi
  42. đất dài rộng từ Nam Đèo Ngang đến Tây Nguyên và Nam Bình Thuận đã tồn tại một quốc gia gồm nhiều tiểu vương quốc thuộc hai bộ tộc lớn Cau và Dừa liên hợp lại thành vương quốc Champa với những tên gọi khác nhau qua từng thời kỳ : Lâm Ấp, Hoàn Vương, Chiêm Thành trên 5 khu vực hành chánh khác nhau từ Bắc tới Nam : Ulik-Indrapura (Bình Trị Thiên), Amavarati (Quảng Nam, Quảng Ngãi), Vijaya (Bình Định), Aryaru-Kauthara (Phú Yên, Khánh Hòa) và Panduranga (Ninh Thuận-Bình Thuận). Trong gần 17 thế kỷ quan hệ giữa hai vương quốc Champa và Đại Việt vô cùng phức tạp : chiến tranh, lấn chiếm, rồi hòa bình, hòa
  43. hiếu, sui gia, đồng thuận, rồi lại chiến tranh, đổ nát, điêu tàn Những hình tượng Mỵ Ê, Huyền Trân-Chế Mân, Chế Bồng Nga còn mãi đó trong ký ức tập thể Chăm và Việt, buồn hay vui, cảm thông hay oán hờn trước những biến thiên vô tình, bất nhẫn, hay phi lý của lịch sử mạnh được yếu thua, may ít rủi nhiều ? Người Chăm hôm nay, với một số dân trên 100.000 người (3/5 theo Bà La Môn giáo, 2/5 còn lại theo Hồi giáo cải biên), là một sắc dân thiểu số sống tập trung ở hai khu vực : Ninh Thuận-Bình Thuận và An Giang-Châu Đốc. Họ theo lịch Chăm, có chữ viết Chăm mà ngày nay chỉ còn một số người rất ít ỏi có thể đọc được. Di sản mỹ thuật Chăm còn lại từ văn hóa Champa cổ xưa gồm có : a. Viện Bào Tàng Điêu Khắc Chăm ở Đà Nẵng với gần 400 pho tượng và bức phù điêu tinh tế điêu luyện mà người Pháp đã tập hợp được từ cuối thế kỷ 19-đầu thế kỷ 20, và người Việt đã bổ sung từ sau 1975 từ các vùng như Mỹ Sơn, Đồng Dương, Trà Kiệu, Bình Định, Tháp Mẫm b. Những công trình kiến trúc và điêu khắc còn sót lại của thánh địa Mỹ Sơn được Unesco tôn vinh là một trong di sản văn hóa thế giới, được Nhật, Pháp, Ba Lan giúp đỡ trùng tu và tôn tạo.
  44. c. Khoảng 20 nhóm đền tháp còn tương đối đứng vững ở các vùng Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, trong đó đáng chú ý nhất là Tháp Dơi ở Phú Yên, đền tháp Po Inư Nagar (Tháp Bà) ở Nha Trang, đền tháp Po Khlong Garai (Tháp Chàm) gần Phan Rang, tháp Po Rome và tháp Po Shanư gần Phan Thiết là những nhóm đền tháp đẹp, nơi đó ngày nay vẫn diễn ra các nghi thức thờ cúng và sinh hoạt lễ hội đầy nhiệt tình của người Chăm theo Bà La Môn giáo. Còn người Chăm theo Hồi giáo chính thống ở An Giang- Châu Đốc thì có những thánh đường riêng khi họ cử hành những nghi lễ Suk Yương, Ramadan Các
  45. lễ hội Chăm tổ chức tại những đền tháp ở Nam Trung Bộ vừa kể trên đều là những lễ hội lớn liên quan đến nhiều làng và cả một vùng : - Lễ Poh Mbang Yang (lễ khai mương đắp đập) là nghi lễ mở đầu cho chu kỳ hội lễ hàng năm tổ chức vào tháng 11 lịch Chăm để cầu xin thần linh cho phép dân đào kênh, đắp đập, làm mùa; - Lễ Yor Yang (hạ điền), lễ Plao Pasah (cầu đảo) tổ chức vào tháng 4 lịch Chăm ; - Lễ Chabun là hội lễ thờ cúng, tôn vinh Bà mẹ xứ sở, tức nữ thần Po Inư Nagar diễn ra vào tháng 9 lịch Chăm; - Quan trọng hơn cả, có qui mô lớn và kéo dài nhiều ngày là lễ hội Mbang Katê. Đây là Tết của người Chăm, là dịp để tưởng niệm các vị vua thần Po Rome, Po Klong Garai để tưởng nhớ chư thần và tổ tiên, được tổ chức vào tháng 7 lịch Chăm. Còn lại là các nghi lễ nông nghiệp diễn ra theo chu kỳ nông lịch mà người Chăm rất gắn bó : lễ dựng chòi ruộng, lễ cúng lúa đẻ nhánh, lễ cúng lúa làm đòng, lễ thu hoạch lúa chín, lễ mừng lúa mới, lễ chặn nguồn nước, lễ tế trâu đều là những nghi lễ dân gian trong đó ảnh hưởng tôn giáo không đáng kể.
  46. Một nét đặc sắc của xã hội Chăm ở miền Trung, rất khác với người Việt, là cộng đồng người Chăm theo chế độ mẫu hệ, thể hiện cụ thể như sau : huyết thống của con cái đều tính theo dòng mẹ, thừa kế tài sản theo trực hệ bên mẹ. Chế độ ngoại hôn phải thực hiện theo dòng mẹ, nếu vi phạm điều này thì mang tội loạn luân. Người phụ nữ Chăm giữ vai trò chủ động trong tình yêu và hôn nhân, sau hôn lễ phải về cư trú bên nhà vợ. Vai trò và vị trí người phụ nữ trong xã hội luôn luôn được đề cao và có tính quyết định so với nam giới. Vai trò của ông cậu (anh hoặc em của mẹ) rất lớn đối với mỗi thành viên trong gia đình. Nếu vợ chết mà bên vợ không có người nối kết hôn nhân với chồng (tục "nối nòi", các sắc tộc
  47. Tây Nguyên gọi là "chuê nuê") thì người chồng phải trở về dòng họ mình với hai bàn tay trắng, không con cái, không của cải. Chế độ mẫu hệ này đã thể hiện lâu đời theo luật tục Chăm. Vào giữa thế kỷ 20, nó đã được một bô lão Chăm có uy tín trong cộng đồng là cụ Dương Tấn Phát đã đúc kết lại và văn bản hóa thành Bộ luật Chăm đến nay vẫn còn giữ nguyên giá trị. Có thể nói chế độ mẫu hệ khá đậm nét và chặt chẽ này cộng với sự đoàn kết, cố kết trong dòng họ, làng xóm, cùng với hệ thống tín ngưỡng, nghi lễ, phong tục và hội hè rất bền vững đã tạo nên sức mạnh và sức sống của cộng đồng người Chăm hôm nay.