Nẻo về văn hóa văn minh Việt Nam (Phần 1) - Lê Văn Hảo
Bạn đang xem 20 trang mẫu của tài liệu "Nẻo về văn hóa văn minh Việt Nam (Phần 1) - Lê Văn Hảo", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tài liệu đính kèm:
- neo_ve_van_hoa_van_minh_viet_nam_phan_1_le_van_hao.pdf
Nội dung text: Nẻo về văn hóa văn minh Việt Nam (Phần 1) - Lê Văn Hảo
- Nẻo về văn hóa văn minh Việt Nam * Việt Nam nước non ngàn dặm Lê Văn Hảo PHẦN 1: Nước non ngàn dặm ra đi - cái tình chi - mượn màu son phấn - đền nợ Ô-Li Mỗi lần nghe câu ca Huế điệu Nam Bình, tôi luôn cảm thương, khâm phục và biết ơn sự hy sinh cao quí của cô công chúa họ Trần 700 năm trước. Mấy chữ "nước non ngàn dặm" làm tôi nao nức muốn ngợi ca đất nước ngàn trùng diệu vợi mà sao gần gũi tấc gang : Việt Nam ơi, tổ quốc liền một dải xuyên Việt dằng dặc Lũng Cú-Cà Mau, liền một vùng biển trời Trường Sơn- Trường Sa thăm thẳm. Núi rừng, sông nước, đầm phá, hồ bàu, cỏ cây, chim thú, xóm làng, vườn ruộng, phong tục, lễ hội, di tích lịch sử, công trình văn hóa, tác phẩm nghệ thuật, điệu múa lời ca, cung đàn nhịp phách tất cả đã tạo nên một hình tượng cao cả tươi đẹp xiết bao trìu mến : Việt Nam nước non ngàn dặm.
- Từ rẻo cao Tây Bắc, Việt Bắc xuống trung du đất Tổ, qua đồng bằng Bắc Bộ tới Trường Sơn đèo ải chập chùng, rồi đồng bằng duyên hải miền Trung nhìn ra biển Đông bao la, tới tận Nam Bộ và những đảo biển gần xa : Cái Bầu, Trà Bàn, Cát Bà, Cù Lao Chàm, Côn Sơn, Phú Quốc Kể sao cho hết những kỳ quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh : vịnh Hạ Long, hồ Ba Bể, rừng Cúc Phương, động Phong Nha, đền Hùng, Hoa Lư, Yên Tử, Sa Pa, Tam Đảo, chùa Keo, chùa Hương, Đình Bảng, Tây Đằng, Hải Vân, Bạch Mã, lăng tẩm Huế, Hội An, Mỹ Sơn, Đồng Dương, vịnh Cam Ranh, Đà Lạt, hồ thác Tây Nguyên Rồi những xóm làng trù phú nổi lên giữa biển lúa tốt tươi, sau lũy tre kiên cố, hay dưới răïng dừa êm ả, với cây đa cây gạo rợp bóng đình chùa nhịp cầu bến nước, với đàn cò vạc, bồ nông bay lượn giữa tiếng sáo diều vi vu và gần xa là những dòng sông hùng vĩ thượng võ : Bạch Đằng, sông Hồng, sông Mã, Cửu Long như con ngựa phi nước đại, hay những dòng xanh êm đềm hiền hòa : sông Cầu, sông Lam, Nhật Lệ, Hương Giang, Thu Bồn, Trà Khúc, Đồng Nai, Vàm Cỏ như dải lụa xanh vắt qua chân đồi thửa ruộng Rồi những bãi biển tươi xinh, Trà Cổ, Bãi Cháy, Đồ Sơn, Sầm Sơn, Cửa Lò, Cửa Tùng, Cửa Thuận, Tiên Sa, Nha Trang, Vũng Tàu chan hòa nắng gió, sóng vỗ thông reo.
- Đẹp lắm tổ quốc ta, non nước thần tiên, và có đẹp hơn chăng là tình ta mến thương tổ quốc! Đất nước Việt Nam, xứ sở của núi rừng, cao nguyên, đồng bằng và sông biển Hơn 3/4 lãnh thổ Việt Nam là đồi núi, cao nguyên, trung du. Dù ở đồng bằng không ai không cảm thấy bóng dáng núi đồi ở cạnh mình, nơi mà người Việt cổ tổ tiên ta đã bắt đầu sự nghiệp dựng nước. Từ Hà Nội đi về hướng Hà Tây, Hòa Bình, Phú Thọ, Yên Bái, Yên Tử là đã thấy núi non chất ngất. Ở các đồng bằng Trung bộ, núi không còn xa lạ nữa mà đã nhập vào trong phong cảnh một cách tự nhiên, hài hòa đến nỗi núi non và đồng bằng hầu như là một. Tất cả các tỉnh và thành phố ở miền Trung nơi nào cũng gần các huyện miền núi. Ví dụ tại Huế, vừa ra khỏi thành phố vài cây số để viếng thăm chùa chiền lăng tẩm là đã thấy đồi núi, rừng thông. Đi vào Nam chỉ có miền Trung và Tây Nam bộ (đồng bằng sông Cửu Long) mới thật ở xa núi, nhưng rồi núi lại xuất hiện đột ngột ở Hà Tiên ngay trên bờ biển, thật thú vị. Đất nước ta chia thành tám vùng địa lý tự nhiên thì bốn vùng rộng lớn nhất đã thuộc về núi rừng và cao nguyên : Đông Bắc (hay Việt Bắc), Tây Bắc, Trường Sơn Bắc, Trường Sơn Nam và Tây Nguyên là xứ sở của 50 sắc tộc thiểu số, còn lại là bình nguyên, nơi cư ngụ của bốn sắc tộc lớn :
- Việt, Chăm, Hoa, Khmer Nam bộ. Nhờ tính chất núi rừng của hơn 3/4 lãnh thổ mà đồng bào ta tuy sống ở một xứ sở nhiệt đới nóng ẩm vẫn có được những tiểu vùng khí hậu ôn đới ôn hòa như Sa Pa, Tam Đảo, Bạch Mã, Bà Nà, Đà Lạt và nhiều nơi khác trên Tây Nguyên đều là những nơi nghỉ mát, nghỉ đông, an dưỡng. Một đặc điểm khác của đất nước ta là tính chất bán đảo và tính chất sông biển. Chỉ với một diện tích đất liền khiêm tốn, 331.689 km2, Việt Nam có đến 2.860 con sông lớn nhỏ, lại có bờ biển dài hơn 3.600 km. Vùng biển của ta lại có hơn 4.000 đảo lớn nhỏ, chưa kể hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa ngoài khơi biển Đông, thành thử nước ta có nhiều bãi biển, đảo biển đẹp nổi tiếng từ vịnh Hạ Long, di sản thiên nhiên thế giới, đến Hà Tiên thập cảnh, rồi Côn Sơn, Phú Quốc Ở gần sông nước có rất nhiều hang động mang vẻ đẹp kỳ bí như Tam Cốc, Bích Động, Phong Nha, Non Nước, Thạch Động Gắn với sông nước là thác ghềnh, đầm phá, hồ bàu đã trở thành những thắng cảnh tự lâu đời : thác Bản Giốc ở biên giới Việt Trung, thác Prenn, thác Ponguour và hàng chục thác ghềnh khác ở Tây Nguyên, hồ Thăng Hen, hồ Tây, hồ Lắk, bàu Tró, phá Tam Giang, đầm Ô Loan, ao Bà Om và nhiều nữa. Vì đất nước Việt Nam là một đại bán đảo có chiều
- dài lớn gấp bốn lần chiều rộng nhất, do đó không nơi nào ở nước ta lại xa biển hơn 500 km theo đường chim bay. Mỗi người Việt Nam dù sống ở đâu, kể cả trên núi rừng, hình như bao giờ cũng được nghe tiếng rì rào của biển cả ngày đêm không ngừng vổ sóng vào bờ (Lê Bá Thảo, Thiên nhiên Việt Nam, 2001). Và biển Đông của chúng ta dù chỉ là một biển phụ của Thái Bình Dương cũng vẫn rộng đến gần ba triệu rưỡi km2, đứng hàng thứ ba về diện tích so với các biển khác trên thế giới, vẫn đang chờ người Việt Nam phát huy tinh thần mạo hiểm, kinh bang tế thế trên sóng nước. Với hàng ngàn danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử văn hóa, tiềm năng du lịch của Việt Nam vô cùng to lớn Trong một tập sách in đẹp (bản tiếng Việt và bản tiếng Pháp), nhan đề Việt Nam, đất nước, con người (Hà Nội, 2004), các tác giả đã nói Việt Nam có hơn 7.000 di tích lịch sử - văn hiến (trang 9) mà không cho biết đã dựa vào những nguồn tài liệu nào để đưa ra một con số thống kê to tát như thế. Tuy nhiên những nhà nghiên cứu hay người dân thường ước ao làm một kiểm kê bước đầu về kho tàng di sản văn hóa văn minh Việt Nam bằng cách tham khảo một số tác phẩm như Tự Điển Bách Khoa Việt Nam, tập 1, 2, 3 (1995-2003, hơn
- 3.000 trang), Non nước Việt Nam (1998, 740 trang), Tìm trong di sản văn hóa Việt Nam, Thăng Long - Hà Nội (2002, 732 trang), Kho tàng L? hội cổ truyền (2000, 1.446 trang), Đình chùa lăng tẩm nổi tiếng Việt Nam (1998, 824 trang), Việt Nam cảnh đẹp và di tích (1989, 480 trang), Đình Việt Nam (1998, 436 trang), Chùa Việt Nam (1993, 402 trang), Kỳ quan hang động Việt Nam (2001, 251 trang), v.v., thì có thể đi đến kết luận tạm thời là đất nước ta trải qua một quá trình lịch sử lâu đời đã có nhiều ngàn thắng cảnh và di tích từ Bắc xuống Nam, từ đồng bằng lên miền núi, từ đất liền ra hải đảo. Hình: Hòn Phụ tử (Hà Tiên) Từ nhiều thế kỷ nay tên tuổi các kỳ tích thiên nhiên, các di tích văn hóa Việt Nam đã vượt ra ngoài biên giới lãnh
- thổ quốc gia và cho tới nay thế giới đã biết đến sáu di sản thiên nhiên hay di sản văn hóa được công nhận là thuộc về kho tàng di sản của nhân loại : Hạ Long, Hội An, Mỹ Sơn, Phong Nha-Kẽ Bàng, di tích Huế, Nhã nhạc Huế. Trong lúc chờ đợi thế giới công nhận thêm nhiều kỳ tích thiên nhiên hay sáng tạo văn hóa khác mà Việt Nam đang chuẩn bị hồ sơ gởi tới Unesco để được lựa chọn và vinh danh như : hát ả đào, hát quan họ, múa rối nước, cồng chiêng, chùa Hương, vườn quốc gia Cúc Phương, hoàng thành Thăng Long , chúng ta hãy tạm dừng chân vài lần trên nẻo đường xuyên Việt ngàn dặm để chiêm ngưỡng vài viên ngọc quí trong chuỗi ngọc vô vàn đã tô điểm cho đất nước ngàn năm. Vì bạn đọc đã từng tiếp xúc với Phong Nha-Kẽ Bàng và Nhã nhạc cung đình Huế , chúng ta hãy làm quen - hay trở lại thăm - Hạ Long, phố cổ Hội An, cố đô Huế, thánh địa Mỹ Sơn. Hạ Long, quần đảo thần tiên, di sản thiên nhiên của nhân loại
- Suốt dọc bờ biển Việt Nam có nhiều cảnh đẹp nhưng không nơi nào đẹp lãng mạn, đẹp trữ tình như vịnh Hạ Long. Nhà thơ Trung Quốc Tiêu Tam, khi chơi thuyền trên vịnh cách nay hơn 50 năm, đã làm thơ ca ngợi đó là chốn Đào Nguyên nơi trần thế. Cái đẹp của Hạ Long trước hết là sự kỳ vĩ của thiên nhiên, chưa có vùng bờ biển nào ở đất nước ta mà trên một diện tích 1.500 km2 lại mọc lên hàng ngàn hòn đảo, đảo đá xen lẫn đảo đất, nhấp nhô khuất khúc như phượng múa rồng chầu. Đảo có chỗ quần tụ lại xúm xít trông xa như chồng chất lên nhau, có chỗ lại dàn ra thưa thớt, hòn này với hòn kia đứng biệt lập như sao trên trời, như quân cờ bày chon von trên mặt biển, có chỗ đứng dọc ngang xen kẽ nhau thành một tuyến chạy dài hàng chục cây số như bức trường thành vững chải ngăn khơi với lộng, nối mặt biển với chân trời. Đảo đây không buồn
- tẻ đơn điệu, mà mỗi hòn mỗi vẻ, thấp thoáng hình ảnh sự sống của muôn loài, có hòn như đôi gà xám xòe cánh chọi nhau trên mặt nước : hòn Gà Chọi ; có hòn bề thề như cả một tòa nhà lớn : hòn Mái Nhà ; có hòn như cụ già trầm tĩnh ngồi câu cá trên mặt vịnh : hòn Ông Lã Vọng Thiên nhiên Hạ Long chẳng những hùng vĩ mà còn duyên dáng thơ mộng. Vẻ đẹp nên thơ nên tranh của nó chính là cái tươi mát của sóng nước, cái rạng rỡ của đất trời. Mặt nước Hạ Long quanh năm trong xanh phẳng lặng như nước hồ thu, bầu trời Hạ Long bốn mùa sáng tươi êm dịu. Quanh năm ngày tháng Hạ Long khoác lên mình những sắc xanh đằm thắm : sắc xanh biếc của biển, màu xanh lam của núi, sắc xanh thắm của trời, màu xanh xanh trắng mỏng của khói sương, những sắc xanh như trường cữu, bát ngát, mênh mang, trẻ trung, phơi phới làm cho nhà văn Nguy?n Tuân phải thốt lên : "Chỉ có núi mới chịu già chứ biển và sóng biển Hạ Long thì trẻ tráng đời đời". Huế di sản của nhân loại, thành phố-vườn bên dòng Hương xanh
- Hình: Đồi Vọng Cảnh Huế Xưa gọi là Phú Xuân, Huế đứng tựa Trường Sơn nhìn ra biển Đông qua một vùng đồi rừng chập chùng những thác ghềnh đổ vào Hương giang, nối liền một vùng bình nguyên xanh thắm. Trên cái nền thiên nhiên tươi đẹp ấy, những kiến trúc sư khuyết danh ở các thế kỷ trước đã xây dựng cả một hệ thống đền chùa, cung điện, thành quách, phố xá tạo nên một thành phố-vườn, "một kiệt tác đô thị nên thơ" (un chef d’oeuvre de poésie urbaine, chữ dùng của nhà văn hóa Amadou Mahtar M’Bow, nguyên tổng giám đốc Unesco). Khởi đầu cho sự hình thành và phát triển của cố đô, tiêu biểu cho vẻ đẹp sâu lắng của Huế là sông Hương. Tên của dòng xanh có lẽ do mùi thơm tinh khiết của các loài sâm rừng, thạch xương bồ, thủy xương bồ mọc ở đầu nguồn. Từ đó Hương rời thác Thủ cuộn sóng về bến
- Tuần ở ngã ba Bằng Lãng ; từ ngã ba sông nên thơ ấy Hương lặng lờ trôi qua những xóm làng, vườn tược Kim Long, Nguyệt Biều, Vĩ Dạ, Đông Ba, Gia Hội, Chợ Dinh, Nam Phổ, Bao Vinh quyện theo mùi thơm các các loài hoa xứ Huế : ngọc lan thoang thoảng, dạ lý nồng nàn, hoa cau ngan ngát, hoa sen ngào ngạt. Hương là bản giao hưởng xanh của nước trời cây cỏ, điểm xuyết bằng mảng đỏ rạo rực, nồng nàn của hoa phượng, mảng trắng ngây thơ dịu nhẹ của tà áo dài và nón bài thơ học trò dập dìu như những cánh bướm trên các nẻo đường, nhịp cầu, bến đò. Sở dĩ Huế được người trong nước và cả thế giới chú ý vì thành phố có một quần thể di tích lịch sử-văn hóa và thắng cảnh bao gồm thành quách, cung điện, lăng tẩm, đền miếu, chùa chiền, và nổi bật lên tất cả là hệ thống lăng tẩm triều Nguyễn. Lăng tẩm tách ra thành một cụm nằm riêng biệt ở miền cận sơn, trên vùng gò đồi xanh tươi tĩnh mịch ở phía Nam cố đô, rải rác hai bên bờ sông Hương. Tiêu biểu nhất cho nghệ thuật lăng và vườn-lăng ở Huế là lăng Tự Đức, được xem là công trình có giá trị cao về nghệ thuật kiến trúc-phong cảnh truyền thống của Việt Nam. Qua các mùa mưa nắng, lăng hấp thụ không khí mát mẻ, thanh thỏa của một thắng cảnh với những lối
- đi nẻo về tạo ra cảm giác dịu nhẹ, khoảng khoát của một công viên yên ả giữa những đồi rừng tịch liêu, với suối hát, thông reo, hoa cười, bướm giỡn Phong cảnh vườn- lăng gồm nhiều tiểu cảnh luôn luôn thay đổi làm người xem bất ngờ trong cảm giác và suy tư vì hệ thống đường đi lối lại hoàn toàn quanh co khúc khuỷu, và các công trình kiến trúc lớn nhỏ đều phân bố không đối xứng trên hai trục đường vòng quanh hồ sen thơm dịu. Bên cạnh khu điện thờ là khu lăng mộ, với sân chầu, nhà bia và huyền cung, bên trong huyền cung là mộ vua. Rừng thông tỏa bóng trên mộ làm cho cảnh trí càng thêm thâm u, tịch mịch. Giữa vườn-lăng là hai công trình kiến trúc nhỏ xinh : tạ Xung Khiêm, nơi vua đọc sách, câu cá ; tạ Dũ Khiêm, nơi hóng mát và cũng là bến thuyền rồng để vua dạo chơi trên hồ. Hai công trình trang nhã này cùng với cây xanh ven hồ chia cắt không gian mặt nước, làm nổi bật phong cảnh quanh hồ tạo nên chất thơ bâng khuâng dìu dặt tỏa ra khắp vườn-lăng mà ca dao Huế xưa đã thấm nhuần: Tứ bề núi phũ mây phong Mảnh trăng thiên cổ, bóng tùng Vạn Niên. Hội An, đô thị cổ bên dòng sông Thu Bồn đã trở thành di sản văn hóa của nhân loại Hội An, mà người phương Tây gọi là Faifo, Haipo,
- đã được nhắc đến nhiều trong các thế kỷ 17, 18 khi nó còn là một thương cảng quan trọng của xứ Đàng Trong nước Đại Việt thời các chúa Nguy?n. Vốn là một cảng biển của vương quốc Chămpa, được gọi là Đại Chiêm hải khẩu trong tập bản đồ thời Hồng Đức cuối thế kỷ 15, nó trở thành một thị trấn ven biển của người Việt với tên gọi là Hải Phố. Trên tấm họa đồ Đại Việt công bố năm 1653, Alexandre de Rhodes đã vẽ cửa sông Thu Bồn, bên cạnh đó ghi hai chữ Haipho để sau này người nước ngoài đọc chệch thành Haipo, hay Faifo. Hình: Chùa Cầu Hội An Bắc qua một con ngòi nhỏ nối liền hai xã Cẩm Phô và Minh Hương xưa là chiếc cầu gỗ dài 18 mét, mái lợp ngói, gọi là cầu Nhật Bản, tương truyền do cộng đồng người Nhật
- ở Hội An góp tiền xây dựng từ cuối thế kỷ 16. Nhân dân địa phương quen gọi di tích cổ nhất này là Chùa Cầu, xưa còn gọi là cầu Lai Vi?n Nổi bật lên giữa đô thị cổ là khoảng 20 ngôi chùa và hội quán, trong đó có chùa Ông Bổn (tức Hội quán Triều Châu) đã được xây dựng trong suốt 40 năm mới xong (1845-1885). Tất cả đều là những ngôi chùa và hội quán to đẹp thờ Phật, Thánh, dù được tu bổ nhiều lần vẫn giữ được những bộ khung nhà đẹp vững, những cánh cửa chạm lộng, những mảng điêu khắc tinh vi, những đồ cổ quí hiếm của Việt Nam, Trung Hoa, Nhật Bản Hội An là tinh hoa của xứ Quảng mà ca dao cổ đã gợi tả : Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm Rượu Hồng Đào chưa nhấm đã say ! Hội An quả thật là một trong những cái nôi của văn hóa dân dã Việt, nền tảng của tính cách dân gian Việt. Đô thị cổ này như đang hồi sinh và phục hưng để tiếp đón tất cả những ai muốn tìm về cái hài hòa của tâm hồn Việt Nam lắng đọng trong lời ca dao mới : Trời Hội An chưa xanh đã thắm Người Hội An vừa ngắm đã thương Thánh địa Mỹ Sơn, đỉnh cao nghệ thuật Chăm, một di sản văn hóa Việt Nam và nhân loại
- Nằm trong địa phận xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam), thánh địa Mỹ Sơn của dân tộc Chăm ra đời vào thế kỷ 4, tồn tại và phát triển đến thế kỷ 13 như một nhân chứng tiêu biểu cho quá trình tiến hóa của nghệ thuật Chăm, với một quần thể kiến trúc rộng lớn gồm đền, tháp, bia, tượng, lâu đài, thành quách phong phú và đa dạng đầy tính chất thiêng liêng. Hình: Điêu khắc Chàm Kiến trúc sư Ba Lan Kazimierz Kwiakoski, sau nhiều năm gắn bó với Mỹ Sơn đã đánh giá : "Người Champa cổ đã gởi gắm tâm linh vào đất, đá và đã biết dựa vào thiên nhiên để làm nên một Mỹ Sơn tráng lệ, thâm nghiêm, hùng vĩ". Đáng tiếc là thánh địa kỳ vĩ này đã rơi vào hoang phế trong nhiều thế kỷ. Đến cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ
- 20, các nhà khảo cổ học Pháp đã kiểm kê được 70 công trình kiến trúc, nhiều chục tượng và bia. Thế mà đến năm 1975, các nhà khảo cổ học Việt Nam chỉ còn tìm thấy khoảng 20 công trình mà phần lớn đều không nguyên vẹn. Đặc điểm chủ yếu của thánh địa Mỹ Sơn là đã lưu giữ được một hệ thống đền-tháp (kalan) đẹp nhất của nghệ thuật Chămpa gồm 9 nhóm thuộc nhiều phong cách tiêu biểu cho nhiều thời kỳ mỹ thuật : Mỹ Sơn E1, thế kỷ 7-8 ; Hòa Lai, thế kỷ 8-nửa đầu thế kỷ 9 ; Đồng Dương, cuối thế kỷ 9 ; Mỹ Sơn A1, đỉnh cao của nghệ thuật Chăm, thế kỷ 10 ; Po Nagar, thế kỷ 11 ; Bình Định, thế kỷ 12-13. Giữa những phong cách này, các nhà nghiên cứu Chăm học trên thế giới đã chọn ra hai phong cách điển hình nhất của nền nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc Chăm cổ : Mỹ Sơn E1 và Mỹ Sơn A1 (Lương Ninh, Vương quốc cổ Chămpa và những vùng văn hóa của nó, 1998 ; Trần Kỳ Phương, Mỹ Sơn trong quá trình tiến hóa của nghệ thuật Chăm, 2002). Mỹ sơn E1 (đền tháp chạm trổ tinh tế) mang dáng vẻ khởi nguyên, mê say, nồng nhiệt. Còn Mỹ Sơn A1 (đền tháp cao đến 24 mét, mỗi cạnh 10 mét) mang dáng vẻ thon thả, trang nhã, hài hòa giữa kiến trúc và điêu khắc, nhẹ nhàng, duyên dáng mà vẫn gây ấn tượng linh
- thiêng, huyền nhiệm. Nhiều tác phẩm điêu khắc đã được đưa từ thánh địa Mỹ Sơn về Bảo Tàng Chăm ở Đà Nẵng (1915) góp phần làm nên bộ sưu tập lớn nhất về điêu khắc Chăm (trên 300 tác phẩm) : tượng Phật và Bồ Tát, tượng các thầ n Brahma, Shiva và Vishnu, tượng ngỗng thần Hamsa, chim thần Garuda, voi thần Ganesa, rắn thần Naga, bò thần Nandin, mặt nạ Kala, biểu tượng phồn thực Linga-Yoni, tượng tu sĩ Bà La Môn, tượng vũ nữ Apsara tuyệt tác tiêu biểu cho một nền điêu khắc lớn của mỹ thuật thế giới. Rời Hạ Long, phố cổ Hội An, cố đô Huế và thánh địa Mỹ Sơn, hãy cùng nhau viếng thăm các vùng văn hóa muôn màu muôn vẻ của Việt Nam nước non ngàn dặm.
- Lăng Tự Đức Lăng Gia Long
- Lăng Thiệu Trị Đông Bắc - Tây Bắc Trường Sơn Bắc - Trường Sơn Nam Tây Nguyên
- Nét đẹp vùng văn hóa Đông Bắc (Việt Bắc) Dân tộc Việt Nam là tập đại thành của 54 sắc tộc và có thể tạm thời khẳng định rằng văn hóa Việt Nam là tập đại thành của 10 vùng văn hóa : Thăng Long - Hà Nội, Phú Xuân - Huế, Sài Gòn - Gia Định, Trung du và đồng bằng Bắc bộ, Đông Bắc, Tây Bắc và Trường Sơn Bắc, Trường Sơn Nam - Tây Nguyên, đồng bằng ven biển Bắc Trung bộ, đồng bằng ven biển Trung và Nam Trung bộ, Nam bộ. Các sắc tộc thiểu số và đa số của đất nước ta - với tổng
- số hơn 80 triệu người mà 85% là người Việt - có số dân không đồng đều : 6 sắc dân trên một triệu người (Việt, Tày, Thái, Khmer, Mường, Hoa) ; 3 sắc dân từ 600.000 đến một triệu người (Nùng, Hmông, Dao) ; 8 sắc tộc từ 100.000 đến 600.000 người (Gia Rai, Ê Đê, Ba Na, Sán Chay, Chăm, Xơ Đăng, Sán Dìu, Cờ Ho) ; 14 sắc dân từ 1.000 đến 100.000 người, 5 sắc dân từ 300 đến 600 người (Ơ Đu, Si La, Pu Péo, Brâu, Rờ Măm). Nhưng dù chỉ có 300 người hay chiếm 85% dân số Việt Nam, mỗi sắc dân đều có một nền văn hóa đóng góp vào vườn hoa trăm sắc ngàn hương của đại gia đình văn hóa Việt Nam. Bây giờ chúng ta hãy chiêm ngưỡng những nét đẹp của đại vùng văn hóa núi rừng ở ba vùng : Đông Bắc - Tây Bắc và Trường Sơn Bắc - Trường Sơn Nam và Tây Nguyên (các cao nguyên miền Tây Nam Trung bộ). Nét đẹp vùng văn hóa Đông Bắc (Việt Bắc)
- Đó là vùng núi rừng gồm phần đất các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, một phần các tỉnh Quảng Ninh, Lào Cai, Bắc Cạn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hà Giang. Cư dân các sắc tộc sinh sống nơi đây là người Tày, Nùng, Hmông, Dao, Hoa trong đó người Tày là cư dân bản địa lâu đời nhất, có số dân đông nhất. Các sinh hoạt văn hóa cộng đồng thể hiện qua các hình thức lễ hội cổ truyền, qua sinh hoạt văn hóa chợ, qua một nền văn học dân gian phong phú : Pú Lương Quân, Chín Chúa Tranh Vua, Then Bách Điểu, Lấy Chồng Bé, Chống Ép Duyên mà các mẫu đề và hình tượng thể hiện quá trình giao lưu văn hóa giữa nhiều sắc tộc núi rừng. Vùng văn hóa Đông Bắc trước hết là quê hương
- của hội lồng tồng (xuống đồng). Hội này là sản phẩm văn hóa của cư dân nông nghiệp Tày Nùng, tối thiểu diễn ra trong phạm vi một bản (làng), thông thường một số bản gần gũi nhau liên kết cùng tổ chức, có khi mở rộng ra một vùng vài chục bản. Dự hội đông đảo nhất là người Tày, người Nùng nhưng luôn có nhiều sắc tộc láng giềng tham gia, kể cả những người đồng tộc ở bên kia biên giới Việt-Trung và người Việt ở miền xuôi lên. Hội tổ chức ngoài trời, trên một thửa ruộng lớn gọi là ruộng xuống đồng. Chủ trì hội là ông thại đinh (người coi đình) hay người coi việc thờ cúng Thần Nông của bản. Tất cả gia đình tham dự hội đều mang theo cỗ để làm lễ vật cúng thần đất, thần núi, Thần Nông và Thành Hoàng : đó là những mâm cỗ thịnh soạn, trình bày đẹp. Ở một số hội qui mô lớn, người chủ trì còn cho tổ chức lễ hiến tam sinh (trâu, heo, gà hay heo, dê, gà). Là lễ hội quan trọng nhất của vùng Đông Bắc nên mọi người đều mặc y phục sắc tộc đẹp nhất, các bà, các cô được
- tô điểm bằng đồ trang sức quí nhất. Hội thường diễn ra trong một ngày, có nơi kéo dài đến ba, bốn ngày. Các bản không tổ chức hội một cách đồng loạt để còn có dịp dự hội ở các bản láng giềng gần xa, cho nên hàng chục hội lồng tồng được tổ chức luân phiên, bắt đầu từ ngày mồng 2 Tết nguyên đán cho đến hết tháng giêng, thậm chí có khi sang tháng hai, như người Việt vùng Bắc Ninh tổ chức luân phiên mười mấy hội quan họ của thời xuân xưa. Trên thửa ruộng xuống đồng đàn tế Thần Nông và các thần khác được trần thiết. Lễ hội bắt đầu khi
- chiêng trống nổi lên, rồi các bô lão và tráng đinh rước Thần Nông và Thành Hoàng từ đình ra ruộng, còn các gia đình thì rước cỗ bày ra trên bãi hội. Người chủ trì hội xướng bài mo cúng chư thần rồi tuyên bố phá c ỗ . Gia đình nào có cỗ thịnh soạn và mời được nhiều khách dự hội đến thưởng thức cỗ nhà mình thì xem đó là điều may mắn cho cả năm. Có nơi các vị bô lão được mời đi thưởng cỗ , có thanh niên gái trai đi theo múa hát, chúc cho từng gia đình vạn sự tốt lành. Ăn cỗ xong, mọi người tiếp tục ca hát và tham gia các trò chơi dân gian : cuớp còn (như người Mường, người Việt vùng trung du chơi cướp nõn nường ), ném còn, kéo co, đánh quay, đánh yến, đánh đu, múa kỳ lân, múa sư tử, múa võ, múa giáo Trong khi chơi trò ném còn , gái trai chia làm hai phe để hát sli, lượn , là hai hình thức đối ca giao duyên nam nữ thể hiện tục cầu mùa , còn trò chơi kéo co giữa các cô gái chàng trai Tày
- Nùng vừa mang tính chất cầu mùa, cầu mưa, cầu nước như một nghi lễ tín ngưỡng nông nghiệp lâu đời. Điệu múa tiêu biểu của hội lồng tồng là múa sư tử . Những điệu múa lễ hội khác của người Tày Nùng là xòe chiêng , múa then . Ngoài hội lồng tồng, vùng văn hóa Đông Bắc còn có những lễ hội lớn khác là hội Lượn Nàng Hai (lễ hội Mẹ Trăng) được tổ chức ba năm một lần ở một số địa phương tại Lạng Sơn, Cao Bằng để bày tỏ sự sùng bái nữ thần Trăng. Đó cũng là những lễ hội cầu mùa , nhưng tổ chức về đêm, là một loạt hội mùa xuân diễn ra trong những đêm trăng đẹp vào trung tuần các tháng Giêng, Hai, Ba. Mẹ Trăng là một hình thức nữ tính của
- Thần Nông được ca ngợi qua các điệu Lượn Hai là hàng trăm bài ca cầu nguyện và bài ca tình yêu mà các cô gái, chàng trai Tày Nùng say sưa hát đối đáp trong hơn một chục đêm Hội Lượn Nàng Hai (Trần Quốc Vượng, Lê Văn Hảo, Dương Tất Từ, Mùa xuân và phong tục Việt Nam , 1976). Nét đẹp vùng văn hóa Tây Bắc - Trường Sơn Bắc Đó là vùng núi rừng gồm phần đất các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Lào Cai, Hòa Bình và miền núi các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế. Cư dân các sắc tộc sinh sống nơi đây là người Thái (có dân số đông hơn cả), người Hmông, Dao, Hà Nhì, Lô Lô, Mường, Khơ Mú, Xinh Mun, Lào, Lự, Chứt, Thổ , tất cả hơn 20 sắc tộc cư trú xen cài với nhau và thuộc ba gia đình ngôn ngữ khác nhau : Môn-Khmer, Hmông-Dao, Tạng-Miến. Vùng văn hóa Tây Bắc - Trường Sơn Bắc trước hết là quê hương của một nền văn học và ca nhạc dân gian rực rỡ, đã cống hiến cho văn hóa Việt Nam những Tiễn dặn người yêu, Chàng Lú-Nàng Ủa,
- Ú Thềm, Nàng Dợ-Chà Tăng, A Thào-Nù Câu, Tiếng hát cưới xin, Tiếng hát làm dâu, Tiếng hát mồ côi, Tiếng hát cúng ma : Hát cúng Đám To, Hát cúng Đám Nhỏ Lễ hội đầu tiên đáng chú ý của vùng Tây Bắc - Trường Sơn Bắc, đó là những hội mừng mùa măng mọc của các sắc tộc Khơ Mú, Xinh Mun, La Ha, Kháng, Mảng, được gọi chung là các sắc tộc Xá. Trong lễ hội này, người ta hát dân ca Mưa rơi, bài hát được ưa thích nhất và cũng là một trong những điệu dân ca Việt Nam đẹp nhất : "Mưa rơi cho cây tốt tươi - Búp chen lá trên cành - Rừng đẹp trăm hoa rung rinh theo gió - [ ] Mưa rơi cho chim ướt cánh - Để nó sa bẫy trong rừng - Dập dìu ai đi đơm cá bên suối - [ ] Trên nương thơm hương
- nếp vàng - Măng cười hé vươn lên cùng ". Trung tâm ngày hội mừng mùa măng mọc là cây quấn hoa, một cây chuối có cắm treo các con giống bằng nan nhuộm nhiều màu, các loài hoa, các hạt giống ngũ cốc. Trong ngày hội xuân này, con trai con gái Khơ Mú, Xinh Mun không chỉ hát dân ca Mưa rơi mà còn múa tăng bu, múa hưn mậy, múa xe cắp Tăng bu tăng bẳng là những ống tre to, rỗng, có kích thước dài ngắn khác nhau được vỗ xuống một tấm ván phát ra những âm thanh brum brum có cao độ khác nhau và nhịp nhàng theo tiết tấu múa. Múa tăng bu gồm nhiều động tác quen thuộc của đời sống nương rẫy : phát cây, dọn cỏ, gieo hạt, đuổi chim tha giống Mỗi động tác đều phóng khoáng, say sưa theo nhịp dồn dập của ống tăng bu tăng bẳng vỗ mạnh xuống tấm ván.
- Hưn mậy là những ống nứa to nhỏ khác nhau ; múa hưn mậy đượm nhiều chất trữ tình nhờ âm thanh của các ống nứa gọt rỗng đập nhẹ vào bàn tay nghệ nhân, nghe như tiếng vọng thì thào của núi rừng. Múa xe cắp có tiết tấu tưng bừng, khí thế hồ hởi của những thanh nam thiếu nữ yêu đời khi mùa xuân, mùa của tình yêu, đang trở về với thiên nhiên, vạn vật. Tây Bắc còn là quê hương của những ngày hội chơi núi hái hoa tuyệt vời và hội hoa ban là những ngày hội lớn
- nhất, lâu đời và trữ tình nhất. Người Thái và nhiều sắc tộc láng giềng mở hội chơi núi ngắm hoa xuân này để tưởng nhớ mối tình trong trắng của một đôi gái trai sống trước Roméo và Julliette hơn cả ngàn năm. Tục truyền có chàng trai tên Khun làm nương giỏi, săn bắn tài. Láng giềng của anh là nàng Ban, đẹp như hoa xuân, dịu như trăng rằm, khéo tay dệt vải, hát hay như vàng anh. Khun và Ban thương yêu nhau, một mối tình nồng nàn như nước suối rừng. Cha mẹ Ban tham giàu, bắt nàng phải lấy con trai nhà tạo (thủ lãnh địa phương), lười biếng và gù lưng. Ban trốn nhà đi tìm Khun nhưng Khun đi vắng, nàng chạy tìm người thương khắp nơi, gọi tên chàng vang cả núi rừng, lên đến đỉnh núi thì gục ngã, bất động. Từ nơi nàng nằm mọc lên một cây hoa trắng như búp tay người con gái, đó là cây hoa ban. Chàng Khun trở về không thấy Ban, chạy tìm nàng khắp chốn. Cuối cùng Khun kiệt sức ngã xuống bên đường biến thành con chim. Từ đó chim khun sống lẻ loi trong rừng, mùa xuân đến hoa ban nở trắng núi đồi thung lũng, gợi hứng cho con chim khun hót vang, hót mãi như tiếng gọi người tình, tuyệt vọng đến muôn đời. Trên đây chỉ là một trong những huyền thoại về hoa ban Tây Bắc. Mùa xuân hoa ban nở rộ, và hội hoa ban chính là ngày hội của tình yêu, của tuổi trẻ và mọi lứa tuổi. Hoa
- ban làm đẹp mùa xuân và lòng người, đi vào huyền tích, cổ tích và dân ca như tượng trưng của khát vọng yêu đương : "Đôi ta yêu nhau không tính mùa ban nở - Không thấy ngày ban tàn - Không tính tháng, không tính năm - Mãi mãi như mùa hoa đầu đôi ta yêu nhau" (Tình ca Thái). Hoa ban của tình yêu còn là hoa của ước mơ trường thọ, của thiên nhiên và tâm hồn trẻ mãi không già nhờ nghị lực tình yêu và hài hòa vũ trụ : "Trăm mùa ngắm ban nở còn ngắm mãi - Mỗi mùa ban lại trẻ thêm ra không già". Mùa xuân đến trên dòng Nậm Na (Lai Châu), nhìn hoa ban, hoa mạ nở trên bờ đất hay vách núi in bóng xuống nước tưởng như Nậm Na trở thành một dòng sông hoa. Chính lúc ấy diễn ra những hội giao duyên trên thuyền, hội chơi thuyền hái hoa. Trên sông Nậm Na màu hoa ban trắng rực, chan hòa với màu áo trắng tinh, nẹp áo cài hai hàng khuy bạc hình bướm, áo may sít gọn làm nổi bật đường nét thân hình cô gái Thái. Rồi từ mặt sông vang lên âm điệu của những bản tình ca Tản chụ xiết xương đệm đàn tính tẩu với lời ca của người con gái : "Anh ơi ! Ta yêu nhau khi ban còn đơm nụ - Ta yêu nhau khi ban nở trên cành". Người con trai đáp lại : "Má em yêu trắng hồng màu hoa ban - Má em yêu tươi thắm
- màu hoa mạ - Má thắm hồng, lòng em không ngả nghiêng ". Tiếng đàn, tiếng hát trải dài trên sông hoa theo thuyền về hạ lưu. Tới một quảng rừng ban đẹp, thuyền cập bến, gái trai lên bờ hái hoa tặng nhau rồi vui chơi xòe múa giữa thiên đường hoa. Tây Bắc - Trường Sơn Bắc là quê hương của rất nhiều điệu múa đặc sắc : xòe vòng (còn gọi là múa cầm tay), múa khăn, múa quạt, múa nhạc, múa sạp, múa nón, múa then. Múa nón Thái cũng có nhiều điệu, múa nón Mường Lay không giống múa nón Phong Thổ. Người Dao có múa chuông, múa đao, múa đi ngựa, múa bắt ba ba. Người Cao lang có múa chim gâu ; người Hmông có múa khèn, múa ô làm cho các phiên chợ Tây Bắc - Trường Sơn Bắc càng thêm rộn ràng sống động. Có thể nói Tây Bắc - Trường Sơn Bắc là vùng có nhiều điệu múa đẹp, độc đáo vào loại nhất nhì của các sắc tộc thiểu số Việt Nam. Nét đẹp vùng văn hóa Trường Sơn Nam – Tây Nguyên
- Đó là vùng núi rừng gồm phần đất các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc, Lâm Đồng và rẻo cao các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Thuận, vùng sơn nguyên xen cài giữa các dãy núi cao trung bình với các cao nguyên đất đỏ, quê hương của hơn 20 sắc tộc thuộc hai gia đình ngôn ngữ. Các sắc tộc tiêu biểu cho gia đình Môn- Khmer (Nam Á) là Ba Na, Xơ Đăng, Mơ Nông, Mạ, Xtiêng Còn các sắc tộc tiêu biểu cho gia đình Malayo- polynésien (Nam Đảo) là Ê Đê, Gia Rai, Raglai, Chu Ru. Cũng như ở Trường Sơn Bắc, nếp sống chủ đạo ở vùng Trường Sơn Nam - Tây Nguyên là nếp sống nương
- rẫy, nó qui định tất cả các sắc thái văn hóa lớn của vùng, nó sản sinh ra quan niệm vạn vật hữu linh : mọi vật chung quanh con người đều có hồn, có thần linh (yang) che chở, phù hộ. Nếp sống nương rẫy để lại dấu ấn trong luật tục, trong văn học nghệ thuật truyền thống, từ huyền thoại, huyền tích, tục ngữ, dân ca đến cổ tích, truyện cười và nhất là sử thi anh hùng, một sáng tạo văn hóa lớn. Đó là những trường ca mà người Ê Đê gọi là Khan, người Gia Rai gọi là Hơri, người Ba Na gọi là Hơmôn, người Mạ gọi là Nôtông, người Mơ Nông gọi là Ót Nrông. Kho tàng sử thi anh hùng ấy, với hơn một trăm tác phẩm lớn nhỏ : Đăm San, Đăm Di, Đăm Noi, Khinh Dú, Xinh Nhã, Chàng Tiăng, Hơbia Đơrang, Đăm Ktech Mlan nay đã thuộc về kho tàng văn hóa của nhân loại. Bên cạnh các sử thi anh hùng là những đóng góp khác của văn hóa Trường Sơn Nam - Tây Nguyên : những nhạc cụ độc đáo như các dàn cồng chiêng, đàn kôk, klong put, đàn t'rưng, t'rưng nước, t'rưng gió, chinh krên (chiêng gió), đinh goong những điệu múa : khiêng, chim grứ (Ê Đê), brim, xơ goa (Ba Na) những công trình kiến trúc và điêu khắc độc đáo : nhà rông, nhà dài, nhà mồ, tượng mồ, những con rối trong lễ bỏ mả Gây ấn tượng nhiều hơn cả trong sinh hoạt và diễn
- xướng văn hóa vùng Trường Sơn Nam - Tây Nguyên là lễ hội đâm trâu và lễ hội bỏ mả, bên cạnh các hội đua voi, hội cồng chiêng Lễ hội là những sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa rất quen thuộc của các sắc tộc, những cái mốc đánh dấu hoạt động khai thác nương rẫy và mọi sinh hoạt quan trọng của đời người, từ cái nôi ru em đến ngôi nhà mồ đầy tính thẩm mỹ. Trong lễ hội nổi bật lên nghi thức hiến sinh và con vật hiến sinh tiêu biểu nhất là con trâu. Lễ hội đâm trâu gắn liền với văn hóa nương rẫy với
- ý nghĩa tiễn biệt năm cũ, đón mừng năm mới. Người chủ trì lễ hội - vị già làng có uy tín nhất của buôn, plây - cho chặt một cây bông gạo làm cột chính, bên cạnh là nhiều cột phụ, trong đó có bốn cột dùng để cột trâu. Trên mỗi cột vẽ hoa knia hay những đàn chim. Trâu nuôi để tế lễ phải thật béo, da mỏng, sừng to. Quanh bãi đâm trâu, dân làng và dân các buôn plây láng giềng vây kín, chiêng trống rền vang, những điệu múa hát diễn ra tưng bừng, dồn dập. Sau những bài khấn vái bằng văn vần, thầy cúng trịnh trọng lấy giáo đâm vào đùi trước của trâu như là nghi thức khai mạc. Một chàng lực sĩ của buôn plây, được chọn từ trước, dùng chiếc giáo dài vừa múa theo nhịp trống chiêng vừa tìm chỗ đâm vào sườn trâu cho
- trúng thẳng vào tim. Khi giáo được rút ra cũng là lúc máu trâu được hứng vào một chiếc nồi pha với rượu để tế thần. Nhảy múa và ca hát vẫn tiếp tục rộn ràng, hào hứng và mọi người bắt đầu vào tiệc, một bữa tiệc thịnh soạn được chuẩn bị từ nhiều ngày trước, làm cho mọi người đều thỏa mãn. Một mùa nương rẫy mới có thể bắt đầu. Tục lệ bỏ mồ mả là tín ngưỡng và tập tục lớn nhất của vùng Trường Sơn Nam - Tây Nguyên. Sau khi chôn cất người chết, một túp lều nhỏ được dụng trên mồ, chung quanh có hàng rào ; trong lều đặt ché, chiêng, và những vật tùy táng khác. Người trong gia đình đi lại thăm nom mồ mả một thời gian rồi được sự giúp đỡ của buôn plây sẽ tổ chức lễ hội bỏ mả để sau đó không đi lại thăm viếng mồ mả nữa. Tất cả các sắc tộc Tây Nguyên đều có lễ này, thường tổ chức vào mùa xuân. Một nhà mồ được xây dựng đẹp, được trang trí bằng nhiều tượng mồ độc đáo và lễ hội có thể thực sự bắt đầu. Lễ hội bỏ mả của người Ba Na thường kéo dài từ ba đến năm ngày. Đã có cột đâm trâu thì cũng có cột bỏ mả, người Ba Na và Gia Rai gọi đó là cột klao, một hình thức cây-đời hay cây-vũ trụ ; ở một vài sắc tộc khác được gọi là cột kút. Nghi thức quan trọng nhất của lễ hội là đám rước hồn người chết đi vòng quanh cột klao và
- nhà mồ. Già làng khấn vái khai mạc hội lễ, mời thân nhân vào nhà mồ than khóc người chết lần cuối rồi hạ lệnh cho cồng, chiêng, trống nổi lên và đám rước bắt đầu, gồm hàng chục người múa (thường là phụ nữ), người khiêng và đánh trống lớn, người đánh cồng chiêng, người đeo mặt nạ, người trình diễn các con rối. Rước xong, thân nhân người chết và dân buôn plây tổ chức ăn, uống rượu cần thoải mái, rồi tiếp tục nhảy múa, ca hát quanh nhà mồ suốt đêm. Nghiên cứu các sắc tộc của vùng văn hóa Trường Sơn Nam - Tây Nguyên trên thực địa, một nhà văn hóa học đã đi đến kết luận sâu sắc : " Tất cả những thứ như khố hai vạt với khăn quấn đầu có cắm lông chim, dàn chiêng cồng và cái trống lớn, cối giã gạo hình thuyền và chày đứng, kiểu mái nhà trên nở dưới thót, thuyền độc mộc hình thoi với trang trí ở mũi và mạn, v.v. tất cả những thứ ấy dường như mới từ những hình khắc trên mặt trống đồng Ngọc Lũ I trở về với hiện thực. Đến Tây Nguyên ít nhiều có cảm giác như đang sống trong không gian văn hóa Đông Sơn vậy. Vùng văn hóa Tây Nguyên hay là vùng hậu duệ rõ nét nhất của văn hóa Đông Sơn ? Có thể lắm chứ!" (Tô Ngọc Thanh, "Vùng văn hóa Tây Nguyên", 1995). Thăng Long - Hà Nội
- Giữa đại vùng văn hóa đồng bằng Bắc bộ Đã có một cuộc trưng cầu ý dân của một ông vua : Chiếu Dời Đô Tháng 7 năm Canh Tuất (1010), Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Đại La. Trong một tờ chiếu bất hủ, nhà vua đã suy tư và giải thích : "Thành Đại La ở nơi trung tâm trời đất, có thế rồng cuộn hổ ngồi, đặt đúng giữa Nam Bắc Đông Tây, tiện hình thế núi sông sau trước, đất rộng mà bằng phẳng, chỗ cao mà sáng sủa, dân cư không khổ về ngập lụt, muôn vật rất mực phong phú tốt tươi, xem khắp nước Việt chỗ ấy là nơi hơn cả. Thật là chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương, cũng là nơi kinh đô bậc nhất
- của đế vương muôn đời. Trẫm muốn nhân địa lợi ấy mà đóng đô, các khanh nghĩ thế nào ? ". Sử cũ ghi lại : Bầy tôi đều nói : "Bệ hạ vì thiên hạ mà lập kế dài lâu để trên cho có nghiệp to lớn được thịnh vượng, dưới cho nhân dân được giàu của đông người, việc lợi như thế ai dám không theo". Vua rất mừng. Mùa thu tháng 7 dời kinh đô từ Hoa Lư sang thành lớn Đại La. Thuyền tạm đỗ dưới chân thành, có rồng vàng hiện ra trước thuyền ngự, vì thế đổi tên là Thăng Long (rồng bay). Ý nghĩa con rồng Việt Nam và kinh đô RồngBay Đúng như nhiều nhà văn hóa học đã phân tích, đối với người Việt Nam con rồng vốn có từ lâu và mang một
- ý nghĩa lớn. Huyền thoại rồng bay lên trước mặt vua trên bầu trời Đại La đã thể hiện khí thế của triều đình mới và phản ánh hoài bảo chung của cả dân tộc muốn vươn lên với khí thế và sức mạnh của rồng. Rồng là biểu tượng thiêng liêng, là vật tổ của nhân dân Việt cổ. Vua đầu tiên và tổ đầu tiên của chúng ta là vua Rồng xứ Lạc, và chúng ta là con Rồng cháu Tiên. Vua Rồng Việt cổ đã chiến thắng bọn ác quỷ trên rừng dưới biển để xây dựng một giang sơn cho muôn đời con cháu. Qua đêm dài Bắc thuộc đau thương, rồng đã co lại để lấy sức rồi cuối cùng vùng lên. Và rồng đã bay trên mảnh đất Thăng Long đón chào cuộc dời đô của vua Lý, cũng là nghênh đón một thời đại mới cho cả dân tộc Đại Việt đang hồi sinh và phục hưng. Sau cuộc dời đô với tư thế một quốc gia cường thịnh, triều Lý đã biến Thăng Long thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của đất nước, đã sửa sang lại thành quách, xây dựng nhiều công trình văn hóa : cung điện, lâu đài, chùa quán, đền miếu, hình thành nên một quần thể kiến trúc bề thế và ngoạn mục mà mới đây các nhà khảo cổ học đang làm sống lại dưới mắt chúng ta. Một biến cố khảo cổ học lớn lao đang diễn ra tại Hà Nội : phát hiện di tích hoàng thành Thăng Long
- Trên khu vực nằm giữa các đường lớn Hoàng Diệu, Hoàng Văn Thụ, Độc Lập, Bắc Sơn, từ tháng 12-2002 đến nay, Viện Khảo Cổ Học đã tiến hành đào bới trên một diện tích hơn 200.000 m2 : đây là qui mô khai quật lớn nhất ở Việt Nam mà cũng vào loại lớn nhất ở Đông Nam Á. Từ đó đã phát hiện một phức hệ di tích-di vật vô cùng phong phú và đa dạng có từ thời kỳ tiền Thăng Long (thế kỷ 7- 9), với nhiều triệu di vật thu thập được. Trên cơ sở phát hiện này, các nhà khảo cổ học còn phải dành nhiều thời gian để chỉnh lý các hiện vật và hoàn chỉnh các hồ sơ khoa học ; các nhà khoa học nhân
- văn thuộc nhiều chuyên ngành liên quan cũng cần nhiều thời gian để nghiên cứu hàng loạt vấn đề được đặt ra, nhưng về đại thể đã có đủ cơ sở khoa học để đưa ra những đánh giá bước đầu về giá trị lịch sử-văn hóa của khu di tích đã phát hiện. Đây là di tích một phần phía tây hoàng thành Thăng Long các thới Lý, Trần, Lê sơ, Mạc, Lê trung hưng thế kỷ 11- 18, ngược lên thành Đại La thế kỷ 7-9 và kéo dài đến thành Hà Nội thế kỷ 19. khu di tích này đã bộc lộ một chiều dày lịch sử hơn 13 thế kỷ, nó là di sản văn hóa vô giá của dân tộc mà nếu nghiên cứu kỹ, bảo tàng tốt, chắc chắn sẽ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa của nhân loại. Từ ba năm nay, dư luận trong nước và trên thế giới đã sôi nổi
- lên tiếng, đánh giá cao khu di tích lớn lao này. Những thông tin phía Việt Nam đưa ra thì chúng ta đã biết. Còn sau đây là phát biểu đáng chú ý của hai chuyên gia châu Á. Giáo sư Shigeeda Yutaka, thuộc trường đại học tổng hợp Nippon, đã nói : "Các nước láng giềng của Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Campuchia và Thái Lan cũng có những kinh thành cổ, hay cố đô được bảo vệ, bảo tồn và đã triển khai những cuộc nghiên cứu lớn về Trường An, Lạc Dương (Trung Quốc), Sukhotai và Atthaya (Thái Lan), Angkor (Campuchia), Khánh Châu (Hàn Quốc), Nara và Kyoto (Nhật Bản), trong đó Kyoto có lịch sử lâu nhất, từ 794 đến 1867. Nhưng nếu kể cả lịch sử trước Thăng Long như An Nam Đô Hộ Phủ thì Hà Nội có lịch sử chính trị và văn hóa gần 1.400 năm : từ 618 đến nay ! Chắc chắn đây là trường hợp lâu dài nhất trong khu vực châu Á, và có lẽ chỉ có La Mã (thủ đô Ý) mới so sánh được". Giáo sư Yamanaka Akira, thuộc trường đại học Mie, đã nhấn mạnh : "Đặc trưng nhất của khu di tích hoàng thành Thăng Long này là sự phát hiện đúng trung tâm của các kinh thành, từ các thời An Nam Đô Hộ Phủ, Lý, Trần, Lê và Nguyễn trong cùng một khu khai quật.
- [ ] Di tích kiến trúc như ở khu A1 của hoàng thành Thăng Long rất hiếm hoi. Dù đã có các di tích vĩ đại như Rôma ở Ý, Trường An ở Trung Quốc hay Heian-Kyo ở Kyoto cũng không thể vĩ đại như di tích ở đây. Cho nên di tích này có giá trị xứng đáng là di sản văn hóa thế giới (Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hoàng thành Thăng Long, Phát hiện khảo cổ học, đặc san Xưa và Nay, 2004). Một ngàn năm tinh hoa vùng Thăng Long-Hà Nội Sự phát hiện lớn lao về di tích hoàng thành Thăng Long có lẽ là bằng
- chứng cụ thể nhất của truyền thống văn hóa Thăng Long-Hà Nội ngàn năm. Kể từ 1010, khi Thăng Long trở thành kinh đô của Đại Việt thì nhiều thiên tài và nhân tài, có tên hay không tên, từ mọi miền đã tập hợp về đây để lập ra phố phường, tạo ra những kỳ tích văn hóa nghệ thuật. Các nghệ nhân đúc đồng ưu tú đã làm ra "tứ đại khí", bốn vật báu to tát của Đại Việt thời Lý Trần, trong đó có hai "đại khí" ra đời tại Thăng Long : Tháp Báo Thiên vòi vọi và Chuông Qui Điền khổng lồ. Các nghệ nhân gốm sứ tài giỏi đã tạo ra những ngói thếp vàng, thếp bạc, tô điểm cho lớp mái cong các điện Càn Nguyên, Tập Hiền, Giảng Võ, Long An, Long Thụy và một số chùa chiền hoành tráng như chùa Một Cột nổi tiếng và qui mô lớn (chớ không nhỏ bé như chùa Một Cột hiện nay).
- Nghệ thuật múa rối nước và múa rối cạn đã đạt được những thành tựu tuyệt vời : trong ngày hội đèn Quảng Chiếu giữa kinh đô Thăng Long, vua và dân đã được thấy cây đèn độc đáo hình nhà sư, vặn máy biết giơ dùi đánh chuông, nghe tiếng sáo biết quay mặt lại chào ; trong ngày hội đua thuyền trên sông Hồng, máy Kim Ngao hình con rùa lớn bơi được trên mặt nước, mắt lúng liếng, miệng phun nước, đầu cử động biết cúi chào nhân dân dự hội (Văn bia chùa Đọi trước tháp Sùng Thiện Diên Linh, tạc năm 1121 đời Lý Nhân Tông). 1076 : Quốc Tử Giám, trường đại học đầu tiên của Việt Nam được thành lập, sáu năm sau khi Văn Miếu ra đời. Ở Khâm Thiên Giám, đài thiên văn đầu tiên của đời Trần, Đặng Lộ đã chế ra máy Lung Linh Nghi để quan
- sát các vì sao mà soạn ra lịch riêng cho Đại Việt. Đời Lê, Vũ Hữu và Lương Thế Vinh đã soạn ra sách toán học. Lương Thế Vinh còn viết Hý Phường Phả Lục, công trình nghiên cứu lý luận đầu tiên về nghệ thuật sân khấu truyền thống. Ở thế kỷ 16, Vũ Như Tô, nhà kiến trúc đại tài, đã xây dựng bên bờ Hồ Tây một đài Cửu Trùng trăm nóc, với bệ ngọc thềm vàng. Tại Thăng Long, các nhà sư thời Lý Trần đã sáng tác hàng trăm áng thơ văn Thiền, Lý Thường Kiệt viết Nam Quốc Sơn Hà, Trần Hưng Đạo công bố Hịch Tướng Sĩ, Nguyễn Trãi làm thơ Nôm và sáng tác Đại Cáo Bình Ngô, một áng "thiên cổ hùng văn"". Nguyễn Giảng Thanh ca ngợi Thăng Long là nơi "văn vật thanh danh" qua bài phú Phụng Thành xuân sắc. Đặng Trần Côn viết khúc ngâm Chinh Phụ, Nguyễn Gia Thiều viết khúc ngâm Cung Oán, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du, bà Thanh Quan làm thơ Nôm, rồi Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Văn Siêu, Phạm Đình Hổ, Cao Bá Quát với tài năng mỗi người một vẻ, đã cống hiến nhiều kiệt tác làm rạng danh Thăng Long. Một nét son của vùng văn hóa Thăng Long Hà Nội : nghệ thuật ẩm thực Một trong những thành tựu lớn của văn hóa văn minh Việt Nam là nghệ thuật ẩm thực. Nói đến cái đẹp,
- cái ngon, cái hương, cái vị của món ăn Việt Nam trước hết phải nói đến món ăn Hà Nội-Kẻ Chợ, tiêu biểu cho văn hóa ẩm thực Việt Nam xưa nay. Hà Nội ở giữa đồng bằng Bắc bộ nên món ăn Hà Nội được chế biến chủ yếu từ các sản phẩm của nghề nông
- và nghề đánh cá : thịt heo, bò, gà, vịt, chim, cá, cua, tôm, ốc và rau lành trái ngọt của đồng bằng. Một số món ăn đặc sản của Hà Nội cũng được chế biến từ sơn hào hải vị : dê rừng, heo rừng, hươu nai, rùa núi, cá biển, tôm biển, cua biển, hải sâm Nổi tiếng nhất mà rất bình dân là phở Hà Nội, một món ăn dân tộc độc đáo chỉ có ở Việt Nam. Do tiếp thu ảnh hưởng của nước ngoài nên ngày nay có nhiều loại phở. Phở bò (chín hay tái) đó là loại phở quen thuộc, Việt Nam nhất mà cũng Hà Nội nhất. Bên cạnh phở bò có phở gà, phở vịt, phở heo, phở ngan, có cả phở cá ! Bên cạnh phở nước có phở áp chảo, phở xào, phở chua, phở xốt-vang (do ảnh hưởng của Pháp) và nhiều nữa. Bánh chưng là món ăn Hà Nội và cũng là món ăn toàn quốc, đó là bánh chưng xanh, nhưng chỉ có Hà Nội là có bánh chưng gấc (bánh chưng đỏ). Khi nói đến những món ăn Hà Nội đặc sắc nhất, người ta nghĩ ngay đến cơm tấm giò chả, bún chả, bên cạnh bún thang, bún bung, bún ốc, bún sườn, bún riêu , bánh cuốn Thanh Trì, bành dầy Quán Gánh, bánh rán Cầu Khâu, bánh phồng Kẻ Vẽ, bánh tôm Hồ Tây, chả cá Lã Vọng, đùi ếch tẩm bột rán, giò lụa, giò hoa, giò nây, giò hạt lựu chả quế, chả bì, chả bò Còn chả cốm, chè cốm, bánh cốm thì được chế biến từ cốm Vòng, món ngon nổi tiếng.
- Đỉnh cao của ẩm thực Hà Nội là cỗ, bữa ăn vừa long trọng vừa thân tình. Cỗ Hà Nội có nhiều loại, có cỗ mặn, cỗ chay. Cỗ tứ quí gồm bốn vị hải sản chế biến thành. Cỗ cưới nhất thiết phải có xôi gấc, cỗ nhà đám có xôi trắng. Cỗ một tầng, hai tầng, hoặc cỗ ba tầng, bốn tầng. Cỗ một tầng thường gồm năm bát : bóng, miến, măng, mọc, chim hay gà tần, và năm đĩa : giò, chả, nộm, xào, thịt gà (hay vịt) luộc. Có khi gia giảm bằng các món rán, nướng, quay, hay nem. Xôi chè là món tráng miệng. Bát nước chấm (nước mắm, tiêu, chanh, ớt, cà cuống) đặt ở giữa mâm cỗ. Mỗi mâm cỗ đẹp như một bức tranh. Sau khi ăn cỗ, uống trà ngon, nghe hát ả đào, hay hát quan họ. Đáng tiếc là ngày nay các phường nấu cỗ thuê chỉ còn là thời vang bóng.