Giáo trình Phương pháp cho trẻ làm quen với môi trường xung quanh (Bản đầy đủ)

pdf 129 trang ngocly 6961
Bạn đang xem 20 trang mẫu của tài liệu "Giáo trình Phương pháp cho trẻ làm quen với môi trường xung quanh (Bản đầy đủ)", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfgiao_trinh_phuong_phap_cho_tre_lam_quen_voi_moi_truong_xung.pdf

Nội dung text: Giáo trình Phương pháp cho trẻ làm quen với môi trường xung quanh (Bản đầy đủ)

  1. ĐẠI HỌC HUẾ TRUNG TÂM ĐÀO TẠO TỪ XA TS. HOÀNG THỊ OANH THS. NGUYỄN THỊ XUÂN GIÁO TRÌNH PHƯƠNG PHÁP CHO TRẺ LÀM QUEN VỚI MÔI TRƯỜNG XUNG QUANH HUẾ - 2007
  2. Bài mở đầu Đối tượng, nhiệm vụ, cơ sở lý luận và vị trí môn học. Mối quan hệ giữa môn học với các môn học khác. Hướng dẫn phương pháp nghiên cứu và học tập môn học. Yêu cầu Sau khi học xong bài này sinh viên cần: • Hiểu và biết một số vấn đề cơ bản của môn học: đối tượng, nhiệm vụ, cơ sở lý luận, vị trí và mối quan hệ của môn học với các môn học khác để từ đó có định hướng đúng đắn và xác định ý thức học tập môn học này. • Hiểu và biết ứng dụng phương pháp ghi chép, đọc tài liệu và nghiên cứu môn học. I. ĐỐI TƯỢNG, NHIỆM VỤ, CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ VỊ TRÍ CỦA MÔN HỌC 1. Đối tượng Phương pháp cho trẻ làm quen với môi trường xung quanh là một môn khoa học ứng dụng. Nó nghiên cứu quá trình hướng dẫn trẻ làm quen với môi trường xung quanh ở trường mầm non, bao gồm: mục đích, nội dung, phương pháp, phương tiện và cách tổ chức các hình thức cho trẻ làm quen với môi trường xung quanh ở các độ tuổi nhà trẻ và mẫu giáo theo xu hướng đổi mới. 2. Nhiệm vụ Mục tiêu chính của môn học là giúp sinh viên nắm vững kiến thức lý thuyết cơ bản và rèn luyện cho họ kỹ năng thực hành tổ chức, hướng dẫn trẻ mầm non làm quen với môi trường xung quanh. Mục tiêu này được cụ thể hoá thành các nhiệm vụ như sau: - Hướng dẫn sinh viên lĩnh hội hệ thống kiến thức khoa học cơ bản về phương pháp làm quen với môi trường xung quanh. - Hình thành và rèn luyện kỹ năng tổ chức, hướng dẫn các hoạt động làm quen với môi trường xung quanh như: học có chủ đích (chủ đề), dạo chơi, sinh hoạt hằng ngày, tham quan - Giới thiệu một số phương pháp nghiên cứu khoa học đối với lĩnh vực làm quen với môi trường xung quanh. - Giáo dục sinh viên hứng thú học tập môn học, thích tìm hiểu thiên nhiên, cuộc sống xung quanh và có thái độ ứng xử đúng đắn đối với môi trường sống. 3. Cơ sở lý luận 3.1 Cơ sở tâm lý, giáo dục học của việc cho trẻ làm quen với môi trường xung quanh Nghiên cứu của các nhà tâm lý học và giáo dục học đã chỉ ra rằng tám năm đầu cuộc sống của trẻ em là giai đoạn phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng: sự tăng trưởng và hoàn thiện về trọng 2
  3. lượng của não và các dây thần kinh, sự phát triển và hoàn thiện không ngừng khả năng vận động, tâm lý và nhân cách. Trong ba năm đầu của cuộc sống diễn ra sự miêlin hoá các sợi thần kinh, phân hoá về cấu tạo và chức năng của vỏ não, sản sinh hàng ngàn tỷ sợi thần kinh và các xináp (diện tiếp nối giữa 2 nơron). Đến 6 tuổi bộ não của trẻ đã đạt được khoảng 90% khối lượng não của người trưởng thành. Cũng trong những năm đầu tiên của cuộc sống, trẻ em đã lĩnh hội các vận động cơ bản của cơ thể. Các quá trình nhận cảm được hình thành và hoàn thiện dần trên cơ sở phát triển của các giác quan và sự phối hợp vận động giữa các bộ phận trên cơ thể. Ngôn ngữ và trí tuệ của trẻ trải qua các giai đoạn phát triển chính từ trực quan hành động đến tư duy lôgíc. Kinh nghiệm sống của trẻ được tích luỹ nhanh chóng, phạm vi các biểu tượng được mở rộng, xúc cảm của trẻ trở nên dễ điều khiển. Xuất hiện sự tự nhận thức, trẻ hiểu được vị trí của mình trong môi trường giao tiếp với người lạ và người quen. Trẻ bắt đầu có ý thức định hướng trong thế giới đồ vật và tự nhiên, phân biệt được giá trị của những đồ vật đó. Sự phát triển về mặt thể chất và trí tuệ trong những năm đầu tiên của cuộc sống cho phép trẻ tiếp thu, lĩnh hội không chỉ các biểu tượng cụ thể mà cả những biểu tượng khái quát, các mối liên hệ và sự phụ thuộc lẫn nhau của các sự vật, hiện tượng xung quanh. Đây cũng là "thời kỳ nhạy cảm" để cho trẻ tiếp xúc, khám phá thiên nhiên và cuộc sống xã hội. Sự phát triển của trẻ chỉ có thể diễn ra liên tục và hiệu quả trong sự tương tác giữa trẻ với môi trường xung quanh dưới sự hướng dẫn của người lớn. Thông qua làm quen với môi trường xung quanh trẻ không chỉ tích luỹ được hệ thống kiến thức chính xác về thế giới khách quan mà còn phát triển các quá trình tâm lý nhận thức, các phẩm chất trí tuệ và ngôn ngữ, làm cơ sở cho việc tiếp thu các khái niệm khoa học ở trường phổ thông sau này. Việc cho trẻ tiếp xúc với thiên nhiên, cuộc sống, người lớn và trẻ em khác giúp trẻ phát triển những xúc cảm, tình cảm, thẩm mỹ, đạo đức tích cực, thái độ ứng xử đúng đắn với thiên nhiên, xã hội. Khám phá, hoạt động trong môi trường xung quanh giúp trẻ phát triển về thể chất và các kỹ năng lao động. Có thể nói làm quen với môi trường xung quanh là một phương pháp quan trọng, chủ yếu để trẻ phát triển toàn diện. Để chuẩn bị cơ sở và tâm thế cho trẻ vào học ở trường phổ thông, việc tổ chức cho trẻ làm quen với môi trường xung quanh chỉ có thể hiệu quả khi căn cứ trên đặc điểm học của trẻ mầm non. Trẻ mầm non học qua bắt chước, qua trải nghiệm, thí nghiệm; qua sự tương tác, chia sẻ kinh nghiệm; qua tư duy suy luận và vui chơi. Tạo dựng môi trường chăm sóc, giáo dục trẻ phù hợp, kích thích trẻ hoạt động tích cực trong môi trường xung quanh sẽ thúc đẩy sự phát triển của trẻ. 3.2. Cơ sở khoa học của việc cho trẻ làm quen với thiên nhiên Thiên nhiên là tất cả vũ trụ với giới hữu sinh và vô sinh trong đó. Việc cho trẻ làm quen với thiên nhiên có thể dựa trên các cơ sở khoa học khác nhau, trong đó sinh vật học và sinh thái học là hai cơ sở khoa học cơ bản. Sinh vật học là khoa học nghiên cứu các cơ thể sống và các hiện tượng của giới hữu sinh. Theo quan điểm sinh vật học, tất cả các cơ thể sống (giới hữu sinh) khác với giới vô sinh ở một loạt các dấu hiệu và tính chất chung. Đó là đặc điểm cấu tạo, sự trao đổi chất, sự phát triển, tăng trưởng, sinh sản, phản ứng tự vệ và cơ chế tự điều chỉnh. Bất kỳ một cơ thể sống nào dù là động vật hay thực vật đều có các bộ phận, các cơ quan với các chức năng duy trì sự sống, sự phát triển và sinh 3
  4. sôi, nảy nở. Động vật và thực vật đều có các dấu hiệu và tính chất đặc trưng cho cơ thể sống nhưng giữa chúng cũng có những điểm khác nhau: Thức ăn của động vật là các chất hữu cơ còn thực vật tự tạo ra chất hữu cơ từ nước và khí cacbonnic dưới tác dụng của ánh sáng mặt trời. Phần lớn động vật đều di chuyển và vận động rất tích cực, chúng có các cơ quan vận động; còn thực vật không di chuyển hoặc di chuyển rất ít. Khoa học về điều kiện tồn tại của các cơ thể sống trong mối quan hệ qua lại giữa chúng với nhau và với các điều kiện môi trường gọi là sinh thái học. Trong những năm gần đây diễn ra sự thay đổi quan điểm trong tự nhiên học, ngoài cơ sở sinh vật học, bổ sung thêm quan điểm sinh thái học về tự nhiên, thế giới đồ vật và chính con người. Khái niệm trung tâm trong sinh thái học có thể sử dụng trong việc xây dựng phương pháp luận cho trẻ làm quen với môi trường thiên nhiên. Đó là mối quan hệ qua lại giữa cơ thể sống với các điều kiện môi trường. Bất kỳ một cơ thể sống nào cũng có các nhu cầu mà chỉ có các yếu tố của môi trường bên ngoài mới có thể thoả mãn được. Đó trước hết là nhu cầu về thức ăn, nước uống, không khí thông qua quá trình trao đổi chất tạo ra năng lượng giúp cơ thể tồn tại và phát triển. Mỗi cá thể trong quá trình sống của mình đều phải trải qua các giai đoạn phát triển nhất định và ở mỗi giai đoạn cơ thể có các nhu cầu khác nhau cần được thoả mãn. Khái niệm thứ hai của sinh thái học là sự thích nghi của cơ thể sống với các điều kiện môi trường. Sự thích nghi của cơ thể sống với các điều kiện môi trường biểu hiện ở tất cả các loài động vật và thực vật, trong tất cả các lĩnh vực của đời sống như vận động, thức ăn, phương thức bảo vệ, sinh sản, trong đặc điểm cấu tạo ngoài, trong sự thay đổi theo mùa v.v Khái niệm tiếp theo của sinh thái học là quần thể sinh vật mà chúng ta quen gọi bằng từ ngữ thông dụng như rừng, đồng cỏ, thảo nguyên, đầm, hồ v.v Trong mỗi quần thể, thành phần chính là các loại động, thực vật có cùng nhu cầu đối với các điều kiện môi trường. Những sinh vật sống trong một quần thể có một số các đặc điểm bên ngoài giống nhau mặc dù chúng không cùng họ, cùng loài. Ví dụ: những con vật sống dưới nước thường có vây, đuôi; những con vật sống trên không thường có cánh. Mối quan hệ và sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các sinh vật chính là sự phụ thuộc thức ăn - trong sinh thái học gọi là chuỗi thức ăn. Một trong những khái niệm sinh thái cần thiết cho việc xây dựng phương pháp luận làm quen với thiên nhiên là mối quan hệ qua lại giữa con người với thiên nhiên. Con người vừa là nhân tố tích cực trong việc giữ gìn, cải tạo, bảo vệ môi trường thiên nhiên cũng vừa là nguyên nhân cơ bản của sự phá huỷ môi trường, sự tuyệt chủng của một số loài động, thực vật, phá vỡ cân bằng sinh thái trong thiên nhiên. Như vậy, quan điểm sinh vật học và các khái niệm của sinh thái học nêu trên được trình bày phù hợp với khả năng nhận thức của trẻ là cơ sở để xây dựng nội dung và phương pháp cho trẻ làm quen với thiên nhiên. 4
  5. 3.3. Cơ sở khoa học của việc cho trẻ làm quen với môi trường xã hội Môi trường xã hội bao gồm con người và xã hội loài người. Môi trường xã hội do chính con người tạo ra. Trong môi trường xã hội, con người được xã hội hóa. Họ hoạt động và cải tạo xã hội cho phù hợp với nhu cầu của chính mình. Khái niệm con người và quá trình xã hội hoá có thể coi là cơ sở khoa học của việc cho trẻ làm quen với môi trường xã hội. Con người là đối tượng nghiên cứu của nhiều khoa học (sinh vật học, xã hội học, triết học ). Mác và Ăngghen dựa trên thành tựu mới về sinh học của thế kỷ XIX và đứng trên quan điểm triết học duy vật biện chứng đã nhìn nhận con người trong tiến trình phát triển, tiến hoá của loài và phát triển của lịch sử xã hội. Theo hai ông con người vừa là "con", vừa là "người". - "Con" là sản phẩm của tự nhiên, là kết quả của sự tiến hoá sinh vật. Con người là con (sinh vật) nên có những đặc điểm, cấu trúc và cơ chế sinh học của loài. - "Người" là sản phẩm của lịch sử xã hội. Trong tác phẩm nổi tiếng "Lutvic Phơ Băc và sự cáo chung của triết học cổ điển Đức" Mác và Ăngghen đã đưa ra luận điểm nổi tiếng: "Bản chất con người không phải là một cái gì trừu tượng, cố hữu của mỗi cá nhân riêng lẻ. Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hoà các mối quan hệ xã hội"(2). Các mối quan hệ ở đây là quan hệ của người với người, quan hệ kinh tế - xã hội do hoàn cảnh lịch sử cụ thể xung quanh con người tạo nên. Con người tiếp nhận, phản ứng một cách có ý thức với những tác động của môi trường mà tạo nên cái riêng trong mỗi con người. Trẻ em cũng giống như con người, là sản phẩm của tự nhiên và sự phát triển xã hội. Nhưng khác với người lớn, trẻ là sản phẩm chưa hoàn thiện. Theo PGS.TS. Nguyễn Ánh Tuyết "Trẻ em là một thực thể đang phát triển về nhiều mặt (sinh vật, văn hoá và tâm lý cá nhân) để trở thành một thành viên của xã hội, một nhân cách"(3). Trẻ em chỉ thành "người" trong quá trình xã hội hoá. Có ít nhất ba quan điểm về bản chất của quá trình này. Quan điểm thứ nhất: Xã hội hoá là quá trình thích nghi của cá thể với thế giới xung quanh. Theo quan điểm này, khi sinh ra con người chỉ có thể sống được trong xã hội loài người nếu biết thích nghi. Quá trình thích nghi rất phức tạp và diễn ra khác nhau ở mỗi người. Kết quả cuối cùng là mỗi người phải thích ứng với môi trường xã hội nơi họ trưởng thành. Theo quan điểm này, con người có phần thụ động, là kết quả của hoàn cảnh. Quan điểm thứ hai: Xã hội hoá là tổ hợp các quá trình xã hội nhờ đó cá nhân lĩnh hội và tái tạo hệ thống kiến thức, chuẩn mực, giá trị nhất định, cho phép cá nhân trở thành thành viên có đủ (2) Đào Thanh Âm (2002), Giáo dục học mầm non, Tập 1, NXB Đại học Sư phạm. (3) Nguyễn Ánh Tuyết (2005), Giáo dục học mầm non - Những vấn đề lý luận và thực tiễn, NXB Đại học Sư phạm. 5
  6. quyền hạn trong xã hội (I.X.Kôn)(4). Theo quan điểm này, tính tích cực cá nhân còn có phần bị hạn chế, con người mới chỉ tiếp thu các kinh nghiệm xã hội. Quan điểm thứ ba: Xã hội hoá là quá trình phát triển của con người trong mối quan hệ qua lại với thế giới xung quanh (A.V. Mudrik)(5). Theo quan điểm này, con người không chỉ có khả năng tiếp nhận thế giới một cách thụ động mà còn cải tạo nó. Cả ba quan điểm trên đều có một điểm chung: Con người có quan hệ qua lại với cuộc sống xã hội và kết quả của quan hệ đó là xã hội loài người được hình thành. Có thể xem xét ba quan điểm trên như các giai đoạn nhất định trong quá trình xã hội hoá - từ thích nghi (giai đoạn 1) đến sự thay đổi, cải tạo xã hội (giai đoạn 2) và bản thân (giai đoạn 3) ở trong đó. Tuy nhiên không nên hiểu rằng các giai đoạn phát triển của con người cũng tiến hành một cách tuần tự. Từ khi đứa trẻ sinh ra, quá trình xã hội hoá cần phải được thực hiện với định hướng tới giai đoạn ba. Các nhân tố ảnh hưởng đến xã hội hóa trẻ em bao gồm các nhân tố của môi trường hẹp và môi trường rộng. Môi trường hẹp bao gồm bản thân trẻ, gia đình và trường mầm non với những người lớn, sinh hoạt của họ và các đồ dùng, đồ chơi. Môi trường rộng là làng xóm, khối phố, đất nước, hành tinh với phong cảnh thiên nhiên, di tích lịch sử, những công trình công cộng và đặc biệt là người lớn với những quy tắc sống, những chuẩn mực hành vi, ứng xử, các phong tục, tập quán và truyền thống văn hoá đặc trưng. Như vậy, cho trẻ làm quen với môi trường xã hội cần được dựa trên khái niệm về con người và những kiến thức về quá trình xã hội hoá trẻ em, để từ đó xây dựng nội dung, phương pháp giáo dục phù hợp, đảm bảo sự phát triển nhân cách cho mỗi cá nhân. 4. Vị trí của môn học Trong chương trình đào tạo giáo viên mầm non và cán bộ chỉ đạo, phương pháp cho trẻ làm quen với môi trường xung quanh là một môn chuyên ngành, nằm trong nhóm các môn giáo dục chuyên nghiệp. Môn học này cùng với một số môn khoa học ứng dụng khác có nhiệm vụ không chỉ cung cấp kiến thức để sinh viên vận dụng trực tiếp vào quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ mà còn trực tiếp rèn luyện tay nghề cho sinh viên. Trong chương trình chăm sóc và giáo dục trẻ, làm quen với môi trường xung quanh là một nội dung giáo dục quan trọng, góp phần to lớn vào việc giáo dục toàn diện cho trẻ. Khi chương trình chăm sóc giáo dục trẻ được tiến hành theo hướng tích hợp chủ đề thì nội dung làm quen với môi trường xung quanh (MTXQ) trở thành vấn đề trung tâm để từ đó triển khai tất cả các hoạt động giáo dục ở trường mầm non. Từ các nội dung của môi trường xung quanh thông qua các hoạt động làm (4)(5) ấợỗởợõà, ẹ. À. (1998), ềồợðốÿ ố ỡồũợọốờà ợỗớàờợỡởồớốÿ ọợứờợởỹớốờợõ ủ ủợửốàởỹớợộ ọồộủũõốũồởỹớợủũỹỵ, M. ACADEMA. 6
  7. quen với toán, khám phá khoa học, giáo dục thể chất, âm nhạc, tạo hình, và ngôn ngữ giải quyết các mục tiêu giáo dục như nhận thức, thể chất, thẩm mỹ, ngôn ngữ và tình cảm xã hội. Hình thành các Giáo dục biểu tượng toán thể chất h Phương pháp Khám phá cho trẻ làm Tổ chức hoạt quen với khoa h ọ c độ ng MTXQ h h Phát triển Giáo dục ngôn ngữ âm nhạc II. MỐI QUAN HỆ GIỮA MÔN HỌC PHƯƠNG PHÁP CHO TRẺ LÀM QUEN VỚI MÔI TRƯỜNG XUNG QUANH VỚI CÁC MÔN HỌC KHÁC Phương pháp cho trẻ làm quen với môi trường xung quanh có liên quan đến rất nhiều lĩnh vực khoa học khác. - Thứ nhất: Nhóm các môn học cơ sở của môn học này, bao gồm: + Sinh vật học: cung cấp kiến thức về đặc điểm sinh học của động, thực vật như những cơ thể sống. Đặc biệt, những kiến thức về cấu tạo bên ngoài, các tập tính vận động, tiếng kêu, thức ăn, sinh sản và lợi ích, tác hại của động, thực vật là vô cùng cần thiết trong việc cho trẻ làm quen với các con vật và cây cối. + Sinh thái học: cung cấp kiến thức về mối quan hệ của sinh vật với các điều kiện môi trường, sự thích nghi của sinh vật với môi trường sống, mối quan hệ và sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các sinh vật sống trong cùng môi trường. Những nội dung này được trình bày dưới hình thức trực quan, dễ hiểu, là một trong những nội dung giúp trẻ làm quen với thiên nhiên. + Văn hóa học: cung cấp những kiến thức cơ bản về truyền thống văn hoá, các phong tục, tập quán, mối quan hệ ứng xử của con người Việt Nam Đây là cơ sở để xây dựng những nội dung cho trẻ làm quen với cuộc sống xã hội và giáo dục thái độ ứng xử đúng đắn. + Tâm lý học mầm non: cung cấp kiến thức về đặc điểm tâm, sinh lý của trẻ ở từng độ tuổi, đặc biệt kiến thức về đặc điểm nhận thức của trẻ là cơ sở lý luận để xác định yêu cầu, nội dung, phương pháp và hình thức cho trẻ làm quen với môi trường xung quanh. + Giáo dục học mầm non với mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung, phương pháp và hình thức giáo dục trẻ em là cơ sở để xây dựng chương trình và tổ chức các hoạt động cho trẻ làm quen với môi trường xung quanh. 7
  8. - Thứ hai: Nhóm các môn chuyên ngành, bao gồm các môn học: Tổ chức hoạt động tạo hình; phát triển ngôn ngữ; hình thành các biểu tượng toán học; giáo dục âm nhạc; tổ chức hoạt động vui chơi Các môn học này và Phương pháp cho trẻ làm quen với môi trường xung quanh có mối quan hệ tương hỗ. Làm quen với môi trường xung quanh có thể coi là cơ sở để trẻ tiếp thu tốt các nội dung giáo dục khác, đồng thời khi trẻ tham gia vào các hoạt động giáo dục nêu trên thì các kiến thức về môi trường xung quanh được củng cố, khắc sâu và mở rộng hơn. Đối với sinh viên và giáo viên mầm non, việc nắm vững kiến thức về các môn chuyên ngành nói chung và làm quen với môi trường xung quanh nói riêng sẽ giúp họ nắm vững đặc trưng của từng môn học và phối hợp các nội dung giáo dục một cách linh hoạt ở tất cả các độ tuổi mầm non. III. HƯỚNG DẪN PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU VÀ HỌC TẬP MÔN HỌC PHƯƠNG PHÁP CHO TRẺ LÀM QUEN VỚI MÔI TRƯỜNG XUNG QUANH Phương pháp cho trẻ làm quen với môi trường xung quanh là một môn học có phạm vi kiến thức rộng, thuộc nhiều lĩnh vực khoa học đa dạng như sinh vật học, sinh thái học, văn hoá học, tâm lý học mầm non, giáo dục học mầm non, đồng thời là môn học rèn luyện tay nghề cho sinh viên. Để học tốt môn học này đòi hỏi sinh viên phải chịu khó trau dồi kiến thức qua việc nghe giảng, đặc biệt là nghiên cứu giáo trình chính và các tài liệu tham khảo. Việc áp dụng kiến thức vào thực hành cần phải rất linh hoạt, vì vậy sinh viên cần rèn cho mình khả năng tư duy độc lập, sáng tạo, óc phê phán để không bị lệ thuộc một cách máy móc vào một khuôn mẫu nào đó; biết lựa chọn và tìm ra những nội dung, phương pháp phù hợp cho từng đối tượng trẻ trong những điều kiện, hoàn cảnh nhất định. Dưới đây là một số phương pháp học tập: 1. Nghe giảng và ghi chép Khi nghe giảng cần vừa tập trung chú ý để nghe hiểu, vừa phải ghi chép. Việc ghi chép phải mang sắc thái cá nhân, ghi theo cách riêng của mình. Những luận điểm chính, cơ bản của bài giảng cần được ghi chép một cách khoa học, hệ thống, đầy đủ. Đồng thời phần trình bày, phân tích, lấy ví dụ của giáo viên cũng cần được ghi tốc ký, ngắn gọn theo ý hiểu của người học. Nên để lề vở cả bên trái và bên phải. Lề trái làm nổi bật các chương mục, gạch dưới những phần chủ yếu. Những luận điểm nào không nhất trí có thể đánh dấu bằng các ký hiệu ra ngoài lề, những ví dụ nào bổ sung thêm cũng có thể ghi vắn tắt ra lề phải. Sau mỗi bài học, cần xem lại bài giảng không chỉ để khắc sâu tri thức mà còn để mở rộng, bổ sung, đưa ra những cách lý giải, cách nhìn nhận độc lập của mình về vấn đề của bài giảng bằng cách đọc thêm sách và tài liệu chuyên ngành khác. 2. Đọc sách và ghi chép Trước khi đọc giáo trình hay tài liệu tham khảo cần xác định rõ mục đích của việc đọc, đó là tìm hiểu toàn bộ nội dung hay chỉ là một vấn đề, một khía cạnh nào đó hoặc sưu tầm, thu thập tài liệu bổ sung cho vấn đề đang nghiên cứu hoặc giải quyết một vấn đề thực tiễn nào đó. 8
  9. Đọc lướt toàn bộ cuốn sách nhằm tìm hiểu một cách khái quát nội dung chung của cuốn sách. Những mục cần chú ý khi đọc lướt là tên sách, tên tác giả, nơi và năm xuất bản, sau đó là phần mục lục và lời tựa hay còn gọi là lời nói đầu. Sau khi đã đọc kỹ, ghi chép lại những thông tin cần ghi nhớ. Những vấn đề nào trùng nội dung với bài giảng nhưng cách phân tích hoặc ví dụ minh hoạ khác với bài giảng có thể ghi tóm tắt ngay vào bài giảng (bên lề phải). Những thông tin nào mới bổ sung cho bài giảng có thể ghi chép vào bên dưới. Những vấn đề nào chưa rõ có thể đánh dấu lại để hỏi thầy, hỏi bạn. Để học tốt môn Phương pháp cho trẻ làm quen với môi trường xung quanh cần tham khảo thêm nhiều tài liệu thuộc các lĩnh vực khoa học cơ bản như sinh vật học, sinh thái học, cơ sở văn hoá Việt Nam; văn học trẻ em và văn học dân gian Việt Nam Khi tham khảo các tài liệu này cần ghi tóm tắt vào một vở riêng. Ngoài vở bài giảng theo chương trình nên có thêm vở ghi tóm tắt đặc điểm đặc trưng của các đại diện trong các nhóm động, thực vật, tính chất của nguyên, vật liệu như nam châm, thuỷ tinh hoặc ý nghĩa của các sự kiện xã hội. Đây là những kiến thức cơ sở cần thiết của việc cho trẻ làm quen với môi trường xung quanh. 3. Học cách tư duy Trong quá trình học cần phải học cách tư duy, cách phân tích vấn đề (Vấn đề này có thể chia nhỏ ra được không?); học cách sáng tạo (Có thể giải quyết vấn đề này theo cách khác được không?); học cách so sánh, đối chiếu (Vấn đề này có gì đặc biệt? Phương pháp này áp dụng với các đối tượng khác nhau thì có khác nhau không?); học cách nhận xét, phê phán để xác định độ tin cậy của các nguồn thông tin; kiểm tra lý thuyết, nhận xét việc tổ chức các hoạt động của chính mình và của bạn bè, tìm cách khắc phục những hạn chế mà mình hay bạn mắc phải. HƯỚNG DẪN TỰ HỌC - Đọc kỹ bài mở đầu trong tài liệu; so sánh với bài giảng, bổ sung thêm thông tin cần thiết cho bài giảng. - Tìm các giáo trình, tài liệu của các môn học: sinh vật học, sinh thái học; văn hoá học; tâm lý học mầm non; giáo dục học mầm non. Đọc lướt các tài liệu nói trên để xác định các vấn đề nào có thể tham khảo và sử dụng được. - Tìm đọc các tài liệu: "Học và dạy cách học" - Nguyễn Cảnh Toàn (Chủ biên). Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội - 2004. Chú ý chiến lược học và tự học; các phương pháp thu nhận và xử lý thông tin. CÂU HỎI ÔN TẬP 1. Trình bày đối tượng, nhiệm vụ, vị trí của môn học Phương pháp cho trẻ làm quen với môi trường xung quanh. 9
  10. 2. Phân tích mối quan hệ của môn học Phương pháp cho trẻ làm quen với môi trường xung quanh và các khoa học khác có liên quan. 3. Phân tích đặc trưng của phương pháp học tập môn học Phương pháp cho trẻ làm quen với môi trường xung quanh. Trình bày các phương pháp: Nghe giảng và ghi chép; đọc sách và ghi chép; học cách tư duy. 4. Phân tích các quan điểm, khái niệm sinh vật học, sinh thái học, triết học về cơ sở khoa học của việc cho trẻ làm quen với môi trường xung quanh. Nội dung cho trẻ làm quen với môi trường xung quanh có thể xây dựng dựa trên các cơ sở khoa học đó như thế nào? 10
  11. Chương 1 NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG Lược sử môn học Đặc điểm nhận thức của trẻ về thế giới xung quanh Mục đích, nhiệm vụ và các nguyên tắc cho Yêu cầu Sau khi học xong chương 1 sinh viên cần: • Biết sơ lược về lịch sử môn học này ở trên thế giới và Việt Nam. • Nắm vững đặc điểm nhận thức của trẻ mẫu giáo về thế giới xung quanh để làm cơ sở cho việc xác định yêu cầu, nội dung, phương pháp và hình thức cho trẻ làm quen với môi trường xung quanh. • Hiểu mục đích, nhiệm vụ và các nguyên tắc cho trẻ làm quen với môi trường xung quanh để có định hướng đúng đắn khi tổ chức quá trình này ở trường mầm non, và quán triệt các nguyên tắc cho trẻ làm quen với môi trường xung quanh. I. LƯỢC SỬ MÔN HỌC 1. Lịch sử xuất hiện và phát triển vấn đề cho trẻ làm quen với môi trường xung quanh Cho trẻ làm quen với thiên nhiên, với thế giới con người và hoạt động của họ, nói cách khác là cho trẻ làm quen với tất cả những gì của thế giới khách quan là nhiệm vụ mà nhân loại phải giải quyết từ khi nhận thức được sự cần thiết phải truyền lại cho thế hệ sau kinh nghiệm của thế hệ trước. Ngay từ thế kỷ thứ XVI, J.A.Comenxki (1592-1670) trong cuốn sách "Thế giới tranh ảnh" đã thể hiện quan điểm của mình về vấn đề này. Cuốn sách của ông là bách khoa toàn thư đặc biệt dành cho trẻ nhỏ, ở đó trẻ được giới thiệu về thế giới với tất cả sự phát triển khoa học thời bấy giờ. Từ những bức tranh và những bài luận ngắn kèm theo, trẻ đã có thể biết về những công việc đầu tiên của con người trên Trái Đất như: làm vườn, làm ruộng, dệt vải; về những cuốn sách, nghệ thuật lời nói, về đạo đức, tính hài hước, tính nhân văn; về vật lý, hoá học và thiên văn. J.J.Rutxo (1712-1778) − nhà giáo dục học người Pháp đã gọi thời kỳ từ 2 đến 12 tuổi là thời kỳ của các giác quan. Ông cho rằng tri thức của trẻ được hình thành bằng cách tiếp xúc với đồ vật và qua hoạt động thực tiễn. Chính trong quá trình tiếp cận với thế giới xung quanh mà tri thức của trẻ được hình thành. 11
  12. I.G.Pextalozi (1746-1827); P.H.Phrebel (1782-1852); M.Montexxori (1870-1952) cho rằng việc nhận biết thế giới khách quan (về đặc điểm, tính chất) là rất quan trọng đối với trẻ trước tuổi đi học. Chính những quan sát, tiếp xúc với thiên nhiên và xã hội có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với sự phát triển năng lực, trí tuệ của con người. 2. Lịch sử xuất hiện môn học Phương pháp cho trẻ làm quen với môi trường xung quanh ở trường mầm non Ở Nga từ những năm 20 đến 30 của thế kỷ XX, các nhà giáo dục học đã cố gắng lôi cuốn trẻ vào cuộc sống xung quanh; giới thiệu với trẻ tất cả những sự kiện của cuộc sống. Trong "Văn bản về phương pháp" - có thể coi là chương trình giáo dục mầm non đầu tiên ở Nga, đã xác định khối lượng, nội dung kiến thức về môi trường xung quanh, kể cả các sự kiện chính trị xã hội nổi bật. Trong chương trình đầu tiên "Chương trình và chế độ sinh hoạt ở trường mầm non" (1932-1934) có một phần giáo dục chính trị xã hội và một phần làm quen với thiên nhiên. Tuy nhiên, vào thời kỳ đó chương trình đưa ra những kiến thức tương đối nặng đối với trẻ. Năm 1938 xuất bản "Tài liệu hướng dẫn giáo viên mầm non", trong đó nhấn mạnh vai trò của giáo viên như người tổ chức quá trình giáo dục, việc cho trẻ làm quen với cuộc sống xung quanh cần phải tiến hành thường xuyên trong cuộc sống hằng ngày, phải được đặt làm cơ sở của toàn bộ công tác giáo dục ở trường mầm non. Năm 1945 xuất bản tài liệu "Hướng dẫn giáo viên mầm non" trong đó có phần "Làm quen với xung quanh". Năm 1953, chương trình này trở thành bắt buộc trong các trường mầm non. Năm 1962 đến 1969 trong chương trình chăm sóc và giáo dục trẻ có một phần mang tên "Làm quen với xung quanh và phát triển ngôn ngữ". Vào cuối những năm 70 và thập kỷ 80 của thế kỷ XX, trong chương trình giáo dục mầm non và đào tạo cô mẫu giáo, lĩnh vực làm quen với môi trường xung quanh được tách thành 2 môn học là phương pháp làm quen với thiên nhiên và phương pháp làm quen với thực tiễn xã hội. Hiện nay ở Nga phương pháp làm quen với thiên nhiên được thay bằng phương pháp giáo dục sinh thái. Đây là một xu hướng mới, xuất hiện vào cuối những năm 80 và đầu những năm 90. Những quan điểm cơ bản của giáo dục sinh thái gồm: cơ thể sống và môi trường; quần xã sinh vật và môi trường; con người và môi trường. Ở một số nước khác trong chương trình giáo dục trẻ, một trong các lĩnh vực có liên quan nhiều đến nội dung, phương pháp tổ chức cho trẻ làm quen với môi trường xung quanh có tên là khoa học (Khoa học là cách thức tìm hiểu thế giới xung quanh thông qua khám phá, thử nghiệm, phát hiện, giải thích, lập luận ). Kết quả của các hoạt động khám phá môi trường xung quanh là trẻ có được kiến thức khoa học đơn giản và quan trọng hơn là ở trẻ phát triển các năng lực cơ bản như quan sát, tư duy lôgíc, phán đoán, suy luận Ở Việt Nam: Vấn đề cho trẻ làm quen với môi trường xung quanh được các nhà giáo dục Việt Nam quan tâm từ những năm 50 - 60 của thế kỷ XX. Thời kỳ đó cho trẻ làm quen với môi trường 12
  13. xung quanh được coi là phương tiện nhằm mục đích phát triển ngôn ngữ. Các nội dung làm quen với môi trường xung quanh được đưa vào phần "Nhận xét và tập nói" trong chương trình giáo dục mẫu giáo. Nội dung và phương pháp của phần này còn rất phiến diện và đơn điệu. Sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất (1975) nội dung của "Nhận xét và tập nói" được bổ sung, cải tiến và mang tên gọi mới "Tìm hiểu môi trường xung quanh và tập nói". Trong chương trình đào tạo giáo viên mầm non, nội dung trên được đưa vào môn "Phương pháp phát triển ngôn ngữ". Từ những năm 1980, khi chương trình dự thảo và cải cách mẫu giáo được biên soạn thì làm quen với môi trường xung quanh được tách ra như một lĩnh vực tương đối độc lập với tên gọi "Cho trẻ làm quen với môi trường xung quanh". Tên gọi này được duy trì trong chương trình đổi mới hình thức chăm sóc và nuôi dạy trẻ (2004). Trong chương trình giáo dục mầm non sắp ban hành, làm quen với môi trường xung quanh được gọi là khám phá khoa học thuộc lĩnh vực phát triển nhận thức. Trong chương trình đào tạo sinh viên ngành Sư phạm mầm non Phương pháp cho trẻ làm quen với môi trường xung quanh là một học phần nằm trong khối kiến thức chuyên ngành. Nội dung của học phần này kế thừa được những kinh nghiệm tiên tiến trước đây, khắc phục những hạn chế của chương trình cải cách chỉ nặng về cung cấp kiến thức mà ít có các hoạt động trải nghiệm, hoạt động thực tiễn nhằm phát triển năng lực cho trẻ; đồng thời cập nhật những kiến thức mới của các chương trình trên thế giới và thành tựu nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước. II. ĐẶC ĐIỂM NHẬN THỨC CỦA TRẺ VỀ THẾ GIỚI XUNG QUANH 1. Đặc điểm chung 1.1. Trẻ em có nhu cầu rất lớn trong việc nhận thức thế giới xung quanh Nhu cầu nhận thức (theo N.X.Leiitex) là nhu cầu "động não", nhu cầu về sự thoả mãn suy nghĩ, niềm vui nhận thức(6). Nhu cầu nhận thức là một trong những nhu cầu cơ bản của con người. Nó xuất hiện từ khi đứa trẻ mới sinh ra và thể hiện mạnh mẽ vào cuối tuổi nhà trẻ và ở tuổi mẫu giáo. Mức độ đầu tiên của nhu cầu nhận thức ở trẻ là nhu cầu có những ấn tượng từ thế giới bên ngoài. Đó là mức độ đầu tiên, có thể coi đó là nền tảng của những nỗ lực nhận thức. Tiền đề sinh học của nhu cầu này là phản xạ định hướng, hay như cách gọi của I.I.Paplov thì đó là phản xạ "Cái gì đấy". Dưới ảnh hưởng của phản xạ này trẻ làm quen với những đặc điểm, tính chất của sự vật, tạo mối liên hệ giữa chúng. Trẻ lứa tuổi nhà trẻ và mẫu giáo đặc biệt thích tiếp xúc, thích chơi, giao tiếp và khám phá thiên nhiên, thế giới người lớn và bạn bè, bản thân mình và các đồ dùng, đồ chơi, các hiện tượng xảy ra xung quanh. Càng ngày sự tiếp xúc cá nhân và tiếp xúc nhận thức càng chiếm vị trí đáng kể. Chính thông qua những tiếp xúc này trẻ thu thập kiến thức mới, mở rộng tầm nhìn, chính xác hoá kinh nghiệm cá nhân. (6) "ẽủốừợởợóốÿ ợọàðồớớợủũố ọồũồộ ố ùợọðợủũờợõ". ẽợọðồọ. Í.ẹ.ậồộũồủà. è. ACADEMA. 1996. 13
  14. Nhu cầu có những ấn tượng dần dần chuyển thành tính ham hiểu biết. Đây có thể coi là mức độ thứ hai của nhu cầu nhận thức. Tính ham hiểu biết thể hiện rõ ở những câu hỏi của trẻ. Nội dung của những câu hỏi rất đa dạng, không có một lĩnh vực kiến thức nào mà trẻ không hỏi, trẻ hỏi về bản thân, về cây cối, về trái đất, chiến tranh, bệnh dịch HIV v.v Nội dung và tính chất của câu hỏi phụ thuộc vào lứa tuổi: Trẻ 2 đến 3 tuổi thường hỏi tên, đặc điểm, tính chất của đồ vật: Cái gì? Ai? Ở đâu? Như thế nào? Trẻ 4 đến 5 tuổi thường hỏi về mối liên hệ, quan hệ giữa các sự vật và hiện tượng thực tiễn, về hệ thống biểu tượng, về sự giống và khác nhau, v.v Những câu hỏi: Tại sao? Để làm gì? thường xuyên được trẻ đưa ra. Trong những câu hỏi đó trẻ thể hiện mong muốn không chỉ biết mà còn tư duy, không đơn giản là để thu được thông tin mà còn tạo công việc cho tư duy. Trẻ 5 đến 6 tuổi thường đưa ra hàng loạt câu hỏi về một sự vật, hiện tượng cụ thể nào đó. Ví dụ: Có bao nhiêu loại khủng long? Tại sao chúng khác nhau? Tại sao khủng long lại tuyệt chủng? Khủng long trên tivi là thật hay giả? Ở mức độ cao của tính ham hiểu biết là hứng thú nhận thức. Hứng thú nhận thức thể hiện ở mong muốn của trẻ biết cái mới, làm rõ cái chưa hiểu về đặc điểm, tính chất của sự vật, hiện tượng xung quanh, ham muốn đi sâu vào bản chất, tìm ra mối quan hệ giữa chúng (T.A. Kulikova)(7). Dưới ảnh hưởng của hứng thú nhận thức trẻ tỏ ra có năng lực đối với sự tập trung chú ý bền vững, thể hiện tính độc lập trong giải quyết nhiệm vụ trí tuệ và thực hành. Trẻ trải nghiệm những xúc cảm tích cực: ngạc nhiên, vui sướng với kết quả nhận thức, tự tin vào bản thân mình. Hứng thú nhận thức của trẻ thể hiện trong trò chơi, trong hoạt động tạo hình, kể chuyện và các hoạt động khác. Từ những biểu hiện của nhu cầu nhận thức nêu trên có thể rút ra một số kết luận sư phạm như sau: - Gia đình, trường mầm non cần tạo điều kiện cho trẻ được tiếp xúc thường xuyên với thiên nhiên, người lớn, bạn bè và thế giới đồ vật. - Cần có "Nghệ thuật" trả lời các câu hỏi của trẻ: Thứ nhất, cần có thái độ tôn trọng đối với các câu hỏi của trẻ. Thứ hai, câu trả lời cần ngắn gọn và rõ ràng để không dập tắt khát vọng hiểu biết của trẻ mà phải tạo ra tiền đề cho những suy nghĩ, tưởng tượng, hoài nghi của trẻ. Cũng cần phải tính đến mức độ phát triển trí tuệ và vốn kinh nghiệm của trẻ. Thứ ba, không nên vội vàng có câu trả lời ngay, có thể cùng với trẻ tìm câu trả lời trong sách vở, gợi ý để trẻ hỏi ở người lớn có kinh nghiệm hơn, hoặc tổ chức cho trẻ quan sát, trải nghiệm, khám phá. - Gia đình, trường mầm non cần tổ chức các hoạt động phong phú, đa dạng nhằm kích thích hứng thú nhận thức cho trẻ. 1.2. Nhận thức của trẻ mang tính trực quan - Ở trẻ tuổi mầm non, trong quá trình tiếp xúc với các sự vật của thế giới khách quan bước đầu đã có sự nhận thức nhưng sự nhận thức của trẻ nhỏ thường chỉ mang tính nhận mặt. Trẻ có thể gọi (7) C.A.ấợỗởợõà; T.A.ấúởốờợõà. Äợứờợởỹớàÿ ùồọàóợứờà. è. ÀCDEèÀ. 2002. 14
  15. đúng tên sự vật, biết nó là cái gì, của ai nhưng không lý giải được vì sao lại như thế, nói cách khác trẻ chưa biết tách các dấu hiệu đặc trưng của sự vật, hiện tượng. Khi có sự hướng dẫn của người lớn ở trẻ có sự nhận biết nhưng trẻ thường chỉ nhận biết được các dấu hiệu bên ngoài của sự vật, hiện tượng, còn các dấu hiệu bên trong thuộc về bản chất thì trẻ chưa nhận biết được. Ví dụ: Trẻ biết trên tivi có hình ảnh, có âm thanh nhưng vì sao lại có thì trẻ chưa hiểu và chưa giải thích được. Trong một số trường hợp, khi các dấu hiệu bên trong được thể hiện ra bằng các dấu hiệu bên ngoài thì trẻ có thể nhận biết được. Ví dụ: trẻ biết quả chuối chín vì nó có màu vàng, nắn thấy chuối mềm và ngửi thấy mùi thơm hoặc trẻ biết con gà trống vì có mào đỏ, to, chân cao, có cựa, đuôi dài và cong. - Trẻ dễ dàng tập trung chú ý, ghi nhớ và tái hiện sự vật, hiện tượng lạ, hấp dẫn, ngộ nghĩnh. Khả năng chú ý, ghi nhớ và tái hiện của trẻ còn phụ thuộc vào mức độ tích cực hành động với đối tượng. - Trẻ chỉ có thể nhận biết chính xác các thuộc tính của sự vật, hiện tượng khi được hành động trực tiếp với đối tượng, nói cách khác là trẻ được trải nghiệm. Ví dụ: trẻ biết chanh chua khi được nếm; biết hoa hồng thơm khi được ngửi; biết không thể dùng tay bóc vỏ quả dứa khi được trực tiếp "bóc" vỏ, v.v Kết luận sư phạm cho những biểu hiện này như sau: - Trong quá trình cho trẻ làm quen với môi trường xung quanh việc cung cấp tri thức chỉ dừng ở mức biểu tượng và khái niệm sơ đẳng. - Cần tăng cường các yếu tố trực quan sinh động và hấp dẫn, đặc biệt phải tổ chức các hoạt động tích cực trong quá trình cho trẻ làm quen với môi trường xung quanh. - Việc cho trẻ nhận biết các dấu hiệu đặc trưng, các thuộc tính của đối tượng phải thông qua các trải nghiệm, các hoạt động trực tiếp của trẻ với đối tượng. 2. Đặc điểm nhận thức của trẻ ở từng lứa tuổi Trẻ từ 0 đến 6 tuổi là đối tượng giáo dục của nhiều lĩnh vực văn hoá trong đó có làm quen với môi trường xung quanh. Ở lứa tuổi này tốc độ và nội dung phát triển của trẻ diễn ra rất nhanh và đa dạng. Để có thể đưa ra các yêu cầu, nội dung, phương pháp cho trẻ làm quen với môi trường xung quanh một cách hợp lý cần phải nắm được đặc điểm nhận thức ở từng độ tuổi. Trong tâm lý học trẻ em có rất nhiều cách tiếp cận vấn đề phân chia các giai đoạn lứa tuổi. Một số tác giả tiêu biểu có thể kể đến như: P.P.Blonxki phân chia các giai đoạn lứa tuổi theo sự xuất hiện và thay răng; L.X.Vugotxki phân chia theo các giai đoạn khủng hoảng lứa tuổi; J.Piaget thì phân chia dựa vào sự hình thành và phát triển các chức năng tâm lý(8). Tuy cách phân chia có khác nhau song các tác giả đều thống nhất quan điểm coi sự phát triển là quá trình tự vận động không ngừng, đặc trưng của nó ở mỗi giai đoạn là liên tục xuất hiện và tạo thành cái mới, cái chưa có ở giai đoạn trước. (8) Phan Trọng Ngọ, Chủ biên (2001), Tâm lý học trí tuệ, NXB ĐHQG Hà Nội. 15
  16. Từ kết quả nghiên cứu của tâm lý học, trong giáo dục học trẻ em giai đoạn từ 0 đến 6 tuổi được phân thành hai thời kỳ lớn, đó là giai đoạn từ 0 đến 3 tuổi gọi là lứa tuổi nhà trẻ và giai đoạn từ 3 đến 6 tuổi là giai đoạn mẫu giáo. Mỗi giai đoạn trên lại được phân chia thành các giai đoạn nhỏ hơn. Mỗi giai đoạn đều được đặc trưng bởi các đặc điểm phát triển nhất định. • Lứa tuổi nhà trẻ (0 đến 3 tuổi) Trẻ lứa tuổi nhà trẻ được đặc trưng bởi tốc độ phát triển nhanh về mặt thể chất và tâm lý. Sự phát triển thể chất có quan hệ và ảnh hưởng rõ rệt tới sự phát triển trí tuệ của trẻ. Trẻ lứa tuổi nhà trẻ nhận thức thế giới thông qua cảm giác và tri giác, hai quá trình này tạo điều kiện cho sự phát triển nhận cảm (Cồớủoðớợồ ðàỗõốũốồ) ở trẻ. Giáo dục nhận cảm là cơ sở cho giáo dục trí tuệ vì thông qua cảm giác và tri giác trẻ biết về đặc điểm, tính chất của thế giới xung quanh. Trước khi biết nói trẻ đã biết chỉ tay vào đối tượng để trả lời câu hỏi của người lớn. Trẻ lứa tuổi nhà trẻ đã lĩnh hội ngôn ngữ và sự phát triển ngôn ngữ gắn liền với sự phát triển tư duy. Những biểu hiện đầu tiên của tư duy xuất hiện vào cuối năm thứ nhất và đầu năm thứ hai khi đứa trẻ lĩnh hội các hành động thực hành, định hướng vào việc làm rõ mối quan hệ giữa các đối tượng. Đây là tư duy trực quan hành động. Cũng ở giai đoạn này ở trẻ đã phát triển các quá trình tâm lý khác như: trí nhớ, chú ý. Chúng đảm bảo cho trẻ nhận thức thế giới đầy đủ và chính xác hơn. Giữa năm thứ hai trẻ có thể đưa ra một vài kết luận đơn giản, thiết lập các mối quan hệ nhân quả giữa các hiện tượng. Để có được điều này trẻ phải có sự giúp đỡ của người lớn (chỉ cho trẻ, nhắc nhở và hành động cùng trẻ). Ở tuổi này (cuối năm thứ ba) trẻ đã có thể phân biệt âm thanh theo độ cao, cường độ và nhịp điệu, biết gọi tên một số màu sắc. Nghiên cứu của L.A.Venger và các cộng sự cho thấy trẻ 2 đến 3 tuổi có thể phân biệt các hình cơ bản và các hình dạng gần gũi, các màu trong quang phổ và những sắc thái của chúng. Ở tuổi này, hoạt động chủ đạo là hoạt động với đồ vật. Thông qua đó, trẻ lĩnh hội cách sử dụng các công cụ và phương tiện vật chất. Cùng với giao tiếp, hoạt động với đồ vật làm cơ sở cho sự xuất hiện trò chơi sáng tạo ở tuổi mẫu giáo. Trẻ nhà trẻ cũng đã tích luỹ được những kinh nghiệm xã hội đầu tiên. Ở trẻ hình thành những thói quen hành vi. Nhu cầu tiếp xúc cá nhân với người lớn ngày càng tăng, điều đó giúp trẻ mở rộng vốn hiểu biết của mình. • Lứa tuổi mẫu giáo (3 đến 6 tuổi) - Mẫu giáo bé (3 đến 4 tuổi): Việc tiếp xúc của trẻ với thế giới bên ngoài được mở rộng hơn. Trẻ bắt đầu tìm hiểu thế giới của chính con người và dần dần khám phá ra các mối quan hệ đa dạng giữa người với người. Trẻ đã nhận biết được vị trí của mình trong gia đình và trong trường, lớp mẫu giáo. Lứa tuổi mẫu giáo bé cũng là điểm khởi đầu của sự hình thành ý thức bản ngã nên trong ý thức của trẻ còn mang đậm đặc điểm duy kỷ. Trẻ mới chỉ nhận biết được một số quy định đơn giản trong sinh hoạt, giao tiếp ở gia đình và trường mẫu giáo. 16
  17. Tư duy của trẻ mẫu giáo bé đã đạt tới ranh giới của tư duy trực quan hình tượng nhưng các hình tượng và biểu tượng của trẻ còn gắn liền với hành động, vì vậy cần giúp trẻ tích luỹ nhiều biểu tượng thông qua quan sát, tiếp xúc với thế giới xung quanh để cho thế giới biểu tượng ngày càng phong phú. Trẻ lứa tuổi này đã biết phân biệt các sự vật, hiện tượng bằng dấu hiệu bên ngoài tiêu biểu, nhận ra sự khác nhau rõ nét giữa hai đối tượng. Tư duy của trẻ còn gắn liền với xúc cảm và ý muốn chủ quan. Trẻ hay đặt câu hỏi "Tại sao?" là vì tư duy của trẻ chưa cho phép tìm ra những nguyên nhân khách quan. Đối với trẻ mọi vật đều có hồn, có tính tình và ý thích. Trẻ mẫu giáo bé chưa biết phân tích, tổng hợp. Cách nhìn nhận sự vật của trẻ là theo lối trực giác toàn bộ. Khi nhìn một sự vật trẻ không bao quát được sự vật đó là gồm nhiều chi tiết phức tạp mà chỉ để tâm lần lượt đến từng chi tiết một và không liên kết các chi tiết ấy lại với nhau thành một tổng thể. Theo L.X. Vugotxki, sau 3 tuổi tư duy của trẻ đã sẵn sàng hiểu biết các mối quan hệ nhân quả và sự phụ thuộc nếu như chúng thể hiện ở hình thức trực quan hình tượng. Tư duy của trẻ sẽ cụ thể nếu như chúng ta cung cấp cho trẻ những kiến thức cụ thể rời rạc, đứt đoạn và riêng lẻ. Nếu chúng ta cung cấp kiến thức về các mối liên hệ đơn giản và sự phụ thuộc thì trẻ không chỉ tiếp thu được mà còn lập luận, suy luận về chúng. Trẻ mẫu giáo bé rất thích thú khi quan sát các sự vật, hiện tượng xung quanh, thích bắt chước những vận động, hoạt động ngộ nghĩnh, mới lạ. - Lứa tuổi mẫu giáo nhỡ (4 đến 5 tuổi): Mẫu giáo nhỡ là giai đoạn phát triển mạnh mẽ nhất của tư duy trực quan hình tượng. Trẻ em có nhu cầu khám phá các quan hệ phụ thuộc giữa các sự vật, hiện tượng để giải bài toán nhận thức ngày càng đa dạng và phức tạp. Trẻ mẫu giáo nhỡ cũng đã có khả năng suy luận mặc dù những kết luận của trẻ còn rất ngây thơ, ngộ nghĩnh. Trẻ chưa có khả năng tư duy trừu tượng, trẻ thường chỉ dựa vào những biểu tượng đã có, những kinh nghiệm đã trải qua để suy luận những vấn đề mới, nhưng chúng thường chỉ dừng lại ở các hiện tượng bên ngoài chứ chưa đi sâu vào bản chất bên trong. Trẻ dễ lẫn lộn những thuộc tính bản chất và không bản chất của sự vật, hiện tượng, vì vậy cần phải tiếp tục cung cấp những biểu tượng một cách phong phú, đa dạng, hệ thống hoá và chính xác hoá dần các biểu tượng về thế giới khách quan. Trẻ mẫu giáo nhỡ đã biết so sánh các dấu hiệu giống và khác nhau của hai đối tượng. Trong giao tiếp trẻ đã có ý thức đối với hành động và lời nói của mình. Trẻ biết thực hiện nghĩa vụ bản thân và tuân thủ những quy định về nề nếp trong vui chơi, học tập, lao động và sinh hoạt ở gia đình cũng như ở trường mầm non. Tình cảm của trẻ mẫu giáo nhỡ rất mãnh liệt, trẻ thường biểu lộ tình cảm với người thân, những nhân vật trong truyện, các con vật, cỏ cây, đồ vật, đồ chơi và các hiện tượng trong thiên nhiên. Trẻ biết rung cảm rất nhạy bén với những cái đẹp trong thế giới xung quanh. Đối với trẻ cái đẹp, cái tốt chỉ là một, vì vậy để giáo dục tình cảm đạo đức cho trẻ cần sử dụng đồ dùng trực quan đẹp, sinh động và hấp dẫn. - Trẻ mẫu giáo lớn (5 đến 6 tuổi): 17
  18. Ở tuổi này trẻ đã biết tương đối nhiều về bản thân, biết điều khiển những cảm xúc và hành vi, điều đó tạo điều kiện cho sự chủ động của hành vi. Ở mẫu giáo lớn, ý thức bản ngã của trẻ đã được xác định, trẻ đã có khả năng so sánh mình với những người khác. Trẻ đã hiểu được giới tính của mình và biết phải thể hiện thế nào cho phù hợp với giới tính. Trẻ đã có thể lĩnh hội các khái niệm sơ đẳng và có các lập luận, kết luận chính xác khi được dạy dỗ. Chú ý của trẻ mẫu giáo lớn đã tập trung hơn và bền vững hơn. Ghi nhớ cũng có tính chủ động nhiều hơn. Trẻ mẫu giáo lớn đã có khả năng tổng hợp và khái quát hoá đơn giản những dấu hiệu tiêu biểu bên ngoài. Trẻ biết so sánh đặc điểm giống và khác nhau của một vài đối tượng, biết phân nhóm các đối tượng theo một hay vài dấu hiệu rõ nét. Ở trẻ mẫu giáo lớn, kiểu tư duy trực quan hình tượng vẫn mạnh mẽ, vào cuối tuổi mẫu giáo lớn đã xuất hiện kiểu tư duy trực quan sơ đồ. Nó cho phép trẻ đi sâu vào những mối liên hệ phức tạp của sự vật và mở ra khả năng nhìn thấy bản chất của sự vật, hiện tượng, giúp trẻ lĩnh hội kiến thức ở trình độ khái quát cao nhưng vẫn nằm trong phạm vi của tư duy trực quan hình tượng nói chung. Theo tác giả L.A.Venger, tư duy trực quan sơ đồ của trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi là quá trình hình thành các biểu tượng về không gian với hai thao tác trí tuệ là sơ đồ hoá (mã hoá), tức là sắp xếp vị trí của các sự vật trong không gian thật (3 chiều) vào một sơ đồ (không gian 2 chiều) theo một chuẩn trong một hệ quy chiếu nhất định bằng các ký hiệu đã được quy ước, và đọc hiểu sơ đồ (giải mã), tức là từ một sơ đồ không gian 2 chiều trẻ có thể xác định vị trí của các vật tồn tại trong không gian thật (3 chiều) theo hướng và mốc định hướng nhất định. Tư duy trực quan sơ đồ là kiểu trung gian quá độ để chuyển từ kiểu tư duy trực quan hình tượng lên kiểu tư duy mới khác về chất, đó là tư duy lôgíc (tư duy trừu tượng). Kiểu tư duy này đã xuất hiện ở mẫu giáo lớn khi trẻ biết sử dụng thành thạo các vật thay thế. Khi đã phát triển tốt chức năng ký hiệu của ý thức, trẻ bắt đầu hiểu rằng có thể biểu thị một sự vật hay một hiện tượng nào đó bằng những từ ngữ hay những ký hiệu khác. Ở trẻ 5 tuổi, theo L.X.Vugotxki diễn ra "Sự trí tuệ hoá cảm xúc". Trẻ có khả năng ý thức, hiểu và giải thích những tình cảm của riêng mình và trạng thái xúc cảm của bạn bè, làm thay đổi một cách cơ bản quan hệ của trẻ với bạn bè. Trẻ đã biết đánh giá nhóm bạn bè qua sự giúp đỡ, hợp tác trong học tập và vui chơi, chia sẻ suy nghĩ, tình cảm, xuất hiện tình bạn. Ở lứa tuổi này, kinh nghiệm xã hội của trẻ rất nhiều. Trẻ biết thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ của mình, hiểu được ý nghĩa của lao động đối với con người. Có ý thức đối với hành động văn hoá và hành vi văn minh trong cuộc sống. Kết luận sư phạm: Nội dung, phương pháp cho trẻ làm quen với môi trường xung quanh phải phù hợp với đặc điểm nhận thức ở từng lứa tuổi. 18
  19. III. MỤC ĐÍCH, NHIỆM VỤ VÀ CÁC NGUYÊN TẮC CHO TRẺ LÀM QUEN VỚI MÔI TRƯỜNG XUNG QUANH 1. Mục đích Mục đích cho trẻ làm quen với môi trường xung quanh chính là kết quả mong muốn đạt tới của quá trình tổ chức các hoạt động làm quen với môi trường xung quanh. Việc xây dựng mục đích cho trẻ làm quen với môi trường xung quanh trước hết dựa trên các cơ sở khoa học: - Mục tiêu chung của giáo dục mầm non là "Hình thành ở trẻ những chức năng tâm lý, những cơ sở ban đầu của nhân cách, năng lực làm người của trẻ và chuẩn bị cho trẻ vào học phổ thông có hiệu quả " (Chương trình chăm sóc giáo dục trẻ 5 đến 6 tuổi, 2002 - 2003). - Mức độ nhận thức (theo Bloom), bao gồm: biết, hiểu, áp dụng, phân tích, tổng hợp, đánh giá. Đối với trẻ em mục tiêu kiến thức dừng ở 3 mức độ đầu tiên. - Mục đích học tập mà UNESCO đưa ra: Học để biết, để làm, để sống cùng với mọi người, để thành người. - Mô hình nhân cách con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá " Làm chủ tri thức khoa học và công nghệ hiện đại, có tư duy sáng tạo, có kỹ năng thực hành giỏi, có tác phong công nghiệp, có tính tổ chức kỷ luật, " (Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai − Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII). - Đặc trưng của nội dung, phương pháp làm quen với môi trường xung quanh ở trường mầm non. Từ các cơ sở nêu trên tổ chức cho trẻ làm quen với môi trường xung quanh nhằm đạt các mục đích như sau: - Cung cấp hệ thống kiến thức đơn giản, chính xác, cần thiết về các sự vật, hiện tượng gần gũi xung quanh. - Phát triển các năng lực nhận thức để trẻ có thể tự phát hiện vấn đề, tích luỹ kiến thức và giải quyết các tình huống đơn giản xảy ra trong cuộc sống. - Giáo dục thái độ ứng xử đúng đắn đối với thiên nhiên và xã hội. 2. Nhiệm vụ - Hình thành, củng cố các biểu tượng về các sự vật, hiện tượng gần gũi xung quanh. Các biểu tượng cần phải hình thành ở trẻ gồm có: biểu tượng cụ thể (biểu tượng về con gà trống, con gà mái ) và biểu tượng khái quát, còn gọi là khái niệm sơ đẳng (biểu tượng về gia súc, gia cầm, cây ) - Phát triển các kỹ năng nhận thức, bao gồm: + Quan sát: Sử dụng các giác quan để thu thập thông tin về đối tượng quan sát. + So sánh: Tìm những điểm giống và khác nhau của các đối tượng. Có thể so sánh các đối tượng có nhiều điểm giống nhau để xếp chúng vào một nhóm hoặc so sánh những đối tượng có nhiều điểm khác nhau để thấy được sự phong phú, đa dạng của chúng. 19
  20. + Phân nhóm: Xếp các nhóm đối tượng theo các dấu hiệu tiêu biểu như cấu tạo ngoài, chất liệu, công dụng. Phân nhóm có thể theo một dấu hiệu hoặc nhiều dấu hiệu cùng lúc. + Đo lường: Thông qua quan sát và hành động thực tiễn để nhận biết về lượng, kích thước, thời gian, nhiệt độ, v.v Đo lường thường kéo theo việc xếp các đối tượng theo trật tự. Ví dụ: Xếp các con vật theo thứ tự kích thước tăng dần. + Giao tiếp: Trao đổi ý tưởng, hướng dẫn mô tả bằng lời hoặc bằng hình ảnh, sơ đồ, ký hiệu sao cho người khác hiểu ý tưởng của mình. + Suy luận: Dựa trên kết quả quan sát để đưa ra nhiều nhận xét hơn về tình huống quan sát được. Nó đòi hỏi trẻ phải có một vốn kiến thức nhất định, trẻ phải suy ra một điều mà trẻ chưa nhìn thấy, bởi vì nó chưa xảy ra hoặc vì nó không thể quan sát trực tiếp được. + Phán đoán: Đưa ra những dự báo hợp lý hoặc ước lượng dựa trên kết quả quan sát và kinh nghiệm cũng như kiến thức của mình. Ví dụ: Nếu không được tưới nước thì lá cây sẽ héo khô. Dự đoán có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình phát triển hiểu biết về nguyên nhân và kết quả, từ đó có thể phát triển thành khả năng nhận biết quy luật và dựa trên quy luật để dự đoán chính xác điều sẽ xảy ra. + Đặt giả thuyết, kiểm soát các điều kiện bằng nghiên cứu. Đây là những kỹ năng nghiên cứu thường được hình thành ở các thí nghiệm đơn giản. Ví dụ: Làm thế nào để biết cái hạt đỗ này có thể nảy mầm? Cần phải chuẩn bị và làm những gì? Ngoài các kỹ năng nhận thức nêu trên cần hình thành thái độ tích cực đối với việc lĩnh hội kiến thức: tính tò mò, ham hiểu biết, tính hoài nghi, lạc quan và tự tin. Cũng cần phải phát triển ở trẻ khả năng chú ý, ghi nhớ có chủ định và các quá trình nhận thức. - Phát triển ngôn ngữ: + Rèn khả năng phát âm đúng. + Làm giàu, chính xác vốn từ. + Rèn luyện ngôn ngữ mạch lạc. Các nhiệm vụ phát triển ngôn ngữ nêu trên cần được chú trọng giải quyết trong mối quan hệ với các nhiệm vụ khác. Cần tránh ý kiến cho rằng làm quen với môi trường xung quanh chỉ để nhằm phát triển ngôn ngữ, hoặc ngược lại coi nhẹ các nhiệm vụ này. - Giáo dục tình cảm đạo đức, thẩm mỹ. Giáo dục cho trẻ có những xúc cảm, tình cảm tích cực đối với thiên nhiên, với những người xung quanh, với quê hương, đất nước. Cần giáo dục ở trẻ tình yêu thương đối với những sinh vật nhỏ bé nhất như cỏ cây, hoa lá, các con vật bởi vì đây cũng chính là tiền đề của tình yêu quê hương, đất nước. Trẻ cũng rất cần được giáo dục để yêu những người thân của mình trước tiên và sau đó là những người xung quanh, những người lao động, biết trân trọng những sản phẩm do người lớn làm ra. Đồng thời với những tình cảm đạo đức cần giáo dục cho trẻ biết rung cảm trước cái đẹp trong thiên nhiên và trong xã hội, trẻ biết quý trọng, nâng niu cái đẹp và sau đó là có mong muốn tạo ra cái đẹp. Giáo dục tình cảm đạo đức, thẩm mỹ cho trẻ mầm non cần phải có hiệu quả thực chất, tránh hình thức. Điều này chủ yếu phụ thuộc vào phương pháp, nghệ thuật sư phạm của giáo viên. 20
  21. - Giáo dục thái độ ứng xử đúng đắn với thiên nhiên và xã hội. Thái độ ứng xử đúng đắn phải dựa trên lòng nhân ái, tình yêu đối với cái đẹp, thái độ tôn trọng, gìn giữ môi trường và bước đầu biết sống có văn hoá, cụ thể là: + Đối với thiên nhiên trẻ phải có thái độ gần gũi, gìn giữ, có ý thức chăm sóc và bảo vệ. + Đối với người lớn trẻ phải có thái độ lễ phép, tôn trọng, nghe lời, cảm thông, chia sẻ. + Đối với bạn bè phải biết chia sẻ, nhường nhịn, hợp tác, giúp đỡ + Đối với đồ dùng, đồ chơi trẻ biết giữ gìn, sử dụng ngăn nắp, vệ sinh. Bước đầu giáo dục cho trẻ ý thức bảo vệ môi trường, thái độ tôn trọng chấp hành các quy tắc, luật lệ giao thông. - Hình thành và rèn luyện thói quen, kỹ năng cần thiết; hành vi văn hoá, văn minh. Thông qua làm quen với môi trường xung quanh cần rèn luyện cho trẻ: + Các thói quen lễ phép trong giao tiếp, thói quen vệ sinh. + Kỹ năng lao động tự phục vụ, chăm sóc cây cối và giúp đỡ cô giáo, người lớn xung quanh. + Kỹ năng làm việc tập thể như: kỹ năng thoả thuận, hợp tác, chia sẻ, giúp đỡ + Kỹ năng học tập: kỹ năng phát biểu, bước đầu biết sử dụng một số đồ dùng học tập. + Hành vi văn hoá trong giao tiếp, ứng xử, chấp hành quy định ở nơi công cộng và trong tham gia giao thông. 3. Các nguyên tắc cho trẻ làm quen với môi trường xung quanh Làm quen với môi trường xung quanh là một trong những nội dung giáo dục cho trẻ mầm non, vì vậy nó tuân theo các nguyên tắc dạy học nói chung và các nguyên tắc giáo dục trẻ mầm non nói riêng. Các nguyên tắc này là các quan điểm lý luận chỉ đạo toàn bộ quá trình cho trẻ làm quen với môi trường xung quanh, đặc biệt là việc lựa chọn nội dung, phương pháp và việc tổ chức các hình thức cho trẻ làm quen. Dưới đây là một số nguyên tắc chính. 3.1. Đảm bảo tính mục đích Việc tổ chức cho trẻ làm quen với môi trường xung quanh phải hướng tới thực hiện mục tiêu chung của Giáo dục Mầm non là "Hình thành ở trẻ những chức năng tâm lý, những cơ sở ban đầu của nhân cách, năng lực làm người của trẻ và chuẩn bị cho trẻ vào học phổ thông có hiệu quả ". Các nội dung lựa chọn cho trẻ làm quen với môi trường xung quanh, việc tổ chức các hình thức làm quen phải giải quyết tốt nhất các nhiệm vụ đề ra. Trên thực tế, các nhiệm vụ giáo dưỡng như cung cấp kiến thức và rèn luyện năng lực trí tuệ thường được chú trọng hơn các nhiệm vụ giáo dục. Điều đó dẫn đến kết quả là năng lực ứng xử của trẻ chưa được giáo dục một cách đầy đủ. Vì vậy, khi hướng dẫn trẻ các hoạt động làm quen với môi trường xung quanh đòi hỏi giáo viên mầm non phải xác định đầy đủ cả nhiệm vụ giáo dưỡng và giáo dục, làm sao để giáo dục trẻ một cách thiết thực và hiệu quả nhất, tránh hình thức, giáo điều. Ví dụ: Làm quen với phương tiện giao thông cần giáo dục trẻ có hành vi văn hoá khi được đi trên các phương tiện giao thông thay bằng giáo dục trẻ biết bảo 21
  22. quản, sử dụng các phương tiện giao thông đó; làm quen với bác nông dân không chỉ giáo dục trẻ kính trọng bác nông dân mà còn phải giáo dục trẻ quý trọng sản phẩm do bác nông dân làm ra. 3.2. Đảm bảo tính khoa học và phát triển - Đảm bảo tính khoa học Những kiến thức về môi trường xung quanh cần cung cấp cho trẻ là những kiến thức sơ đẳng về sinh vật học, lịch sử, địa lý, vật lý Vì vậy, việc tổ chức cho trẻ làm quen với môi trường xung quanh ở trường mầm non phải đảm bảo tính khoa học. Cụ thể: + Kiến thức cung cấp cho trẻ phải đơn giản, chính xác, có hệ thống và không được tùy tiện. Những kiến thức cung cấp cho trẻ lứa tuổi mầm non là kiến thức "tiền khoa học" và kiến thức đời sống. + Hệ thống kiến thức cung cấp cho trẻ phải liên tục trong cả 3 độ tuổi và phải phù hợp với trình độ nhận thức ở từng độ tuổi. Ví dụ: Ở tất cả các độ tuổi mầm non đều cho trẻ làm quen với động vật nhưng ở mỗi độ tuổi khối lượng kiến thức không giống nhau; lứa tuổi càng lớn thì phạm vi các đối tượng làm quen càng rộng, kiến thức càng sâu sắc và khái quát hơn. Việc phức tạp dần các nội dung cho trẻ làm quen cần phải tính đến sự hình thành những mối liên hệ và sự phụ thuộc giữa các đối tượng của thực tiễn chứ không phải bằng con đường mở rộng một cách đơn giản các sự kiện cần lĩnh hội. + Kiến thức cung cấp cho trẻ thường đi từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp. + Cho trẻ làm quen với các đối tượng gần gũi, quen thuộc trước rồi mới đến các đối tượng ở xa mà trẻ ít được tiếp xúc. - Đảm bảo tính phát triển + Phát triển về đối tượng cho trẻ làm quen: Các sự vật, hiện tượng ở xung quanh chúng ta không tồn tại ở một trạng thái cố định mà nó luôn luôn nằm trong sự thay đổi, phát triển không ngừng, vì vậy cần cho trẻ làm quen với các sự vật, hiện tượng trong các trạng thái khác nhau và cho trẻ cảm nhận được sự phát triển, thay đổi của chúng. Ví dụ: Làm quen với bông hoa trẻ cần phải biết là trước bông hoa là nụ, sau bông hoa là quả hoặc hoa tàn. Với thiên nhiên vô sinh hoặc các đồ vật, hiện tượng cần cho trẻ thấy được cái "quá khứ", cái "hiện tại" và cái "tương lai" của chúng. Ví dụ: Làm quen với đồ dùng bằng gỗ trẻ biết những đồ dùng này được làm từ gỗ của các loại cây khác nhau. Cái bàn hoặc sẽ vẫn được dùng để làm việc hoặc sẽ biến thành củi là phụ thuộc vào cách sử dụng và bảo quản của con người. + Phát triển về nội dung và phương pháp cho trẻ làm quen: Các sự vật, hiện tượng xung quanh rất phong phú, đa dạng, vì vậy cần áp dụng nguyên tắc "Dạy 1 biết 10", tức là dạy trẻ cách tìm hiểu, khám phá một số đối tượng tiêu biểu, từ đó trẻ sẽ tự làm quen với các đối tượng khác. 22
  23. Ví dụ: Làm quen với một số loại hoa, cô hướng dẫn trẻ quan sát một số đặc điểm của hoa hồng, hoa cúc, hoa lay ơn, còn những loại hoa khác trẻ tự áp dụng cách cô hướng dẫn để tìm hiểu chúng. 3.3. Đảm bảo tính thực tiễn "Thực tiễn là cơ sở của nhận thức", vì vậy các nội dung cho trẻ làm quen với môi trường xung quanh phải xuất phát từ thực tiễn thiên nhiên và xã hội ở chính địa phương của trẻ. Giáo viên cần vận dụng linh hoạt các gợi ý của chương trình, đồng thời tận dụng những điều kiện, hoàn cảnh ở địa phương để lựa chọn nội dung cho trẻ làm quen với môi trường xung quanh từ các chủ điểm cho sẵn. Việc xác định các yêu cầu giáo dưỡng và giáo dục; việc sử dụng các phương pháp, hình thức cho trẻ làm quen cũng cần phù hợp với thực tiễn của trẻ, của trường mầm non và của địa phương. Giáo viên mầm non cần nghiên cứu và tìm hiểu điều kiện tự nhiên, văn hóa, phong tục, tập quán và truyền thống của địa phương nơi trẻ sinh sống trước khi tiến hành cho trẻ làm quen với môi trường xung quanh. 3.4. Đảm bảo tính trực quan thẩm mỹ Xuất phát từ đặc điểm nhận thức của trẻ là thiên về trực quan hành động cho nên trong quá trình cho trẻ làm quen với môi trường xung quanh cần phải tăng cường các yếu tố trực quan, nhằm giúp trẻ nhận thức thế giới khách quan một cách hiệu quả, toàn diện và chính xác. Các đồ dùng trực quan sử dụng cho trẻ làm quen phải đảm bảo yêu cầu sư phạm, thẩm mỹ. Đồ dùng trực quan là tranh, ảnh, mô hình thì các đối tượng phản ánh trong đó phải giống như trên thực tế. Tránh sử dụng những tranh ảnh dùng cho kể chuyện cổ tích để cho trẻ nhận biết về các sự vật, hiện tượng xung quanh. 3.5. Đảm bảo tính tích cực hoạt động của trẻ Hoạt động cá nhân là một trong những nhân tố quyết định sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ, đồng thời tổ chức hoạt động theo hướng tích cực hoá hoạt động của trẻ cũng là yêu cầu cơ bản của chương trình đổi mới. Vai trò của giáo viên mầm non là phải tạo ra được môi trường hoạt động phong phú, đa dạng và hấp dẫn. Ví dụ: các đồ dùng, đồ chơi ở lớp, các nguyên liệu của thiên nhiên vô sinh, thực vật, động vật ở góc thiên nhiên phải lôi cuốn sự chú ý của trẻ, kích thích trẻ khám phá, nhận biết. Giáo viên cũng cần động viên, khuyến khích và tạo nhiều cơ hội cho trẻ được trải nghiệm, ứng dụng những điều đã biết vào trong thực tiễn. Trong các hoạt động cho trẻ làm quen có tổ chức giáo viên cần phải sử dụng các phương pháp nhằm phát huy cao độ tính tích cực hoạt động của trẻ. Tính tích cực của trẻ phải được biểu hiện ở các hoạt động tiếp xúc với đối tượng bằng nhiều giác quan và các hoạt động tư duy linh hoạt. Mỗi giờ hoạt động chung cần cho trẻ tham gia vào các dạng hoạt động khác nhau như: hoạt động tập thể, hoạt động theo nhóm và hoạt động cá nhân. 23
  24. HƯỚNG DẪN TỰ HỌC - Đọc kỹ chương 1 trong giáo trình và các tài liệu tham khảo; đối chiếu với bài giảng, bổ sung thêm những thông tin cần thiết cho bài giảng. - Tìm đọc các tài liệu về lịch sử giáo dục học, các quan điểm nói về vai trò của việc cho trẻ làm quen với môi trường xung quanh với sự phát triển của trẻ. - Đọc các tài liệu: + Tâm lý học trẻ em trước tuổi đi học - Nguyễn Ánh Tuyết (Chủ biên). ĐHSP Hà Nội I. + Tâm lý học trẻ em - Ngô Công Hoàn. ĐHSP Hà Nội I. Đọc kỹ đặc điểm nhận thức của trẻ mẫu giáo về môi trường xung quanh để bổ sung thêm thông tin và ví dụ cho giáo trình và bài giảng. - Đọc các tài liệu: Giáo dục học mầm non - Đào Thanh Âm (Chủ biên), ĐHSP Hà Nội I.2003. Tìm đọc tài liệu nói về mục đích, nhiệm vụ, các nguyên tắc giáo dục mầm non; so sánh với mục đích, nhiệm vụ, các nguyên tắc cho trẻ làm quen với môi trường xung quanh. CÂU HỎI ÔN TẬP 1. Trình bày một số quan điểm về tầm quan trọng của việc cho trẻ làm quen với môi trường xung quanh đối với sự phát triển của trẻ. 2. Trình bày quá trình hình thành và phát triển của chương trình cho trẻ làm quen với môi trường xung quanh ở Nga và Việt Nam. 3. Phân tích những đặc điểm nhận thức của trẻ mầm non nói chung và kết luận sư phạm của mỗi đặc điểm. 4. Phân tích đặc điểm nhận thức đặc trưng của từng độ tuổi: nhà trẻ; mẫu giáo bé; mẫu giáo nhỡ; mẫu giáo lớn và kết luận sư phạm. 5. Trình bày mục đích, nhiệm vụ cho trẻ làm quen với môi trường xung quanh. So sánh với mục đích, nhiệm vụ giáo dục mầm non. 6. Phân tích các nguyên tắc cho trẻ làm quen với môi trường xung quanh. Trình bày một số ví dụ về cách vận dụng các nguyên tắc đó trong việc lựa chọn và thực hiện nội dung, phương pháp, phương tiện và hình thức cho trẻ làm quen với môi trường xung quanh. 24
  25. Chương 2 NỘI DUNG CHO TRẺ LÀM QUEN VỚI MÔI TRƯỜNG XUNG QUANH Cấu trúc nội dung cho trẻ làm quen với môi trường xung quanh Giới thiệu nội dung chương trình cho trẻ làm quen Yêu cầu Sau khi học xong chương 2 sinh viên cần: • Nắm vững nội dung cho trẻ làm quen với môi trường xung quanh ở các độ tuổi: nhà trẻ, mẫu giáo bé, mẫu giáo nhỡ và mẫu giáo lớn. • Nắm vững nội dung chương trình "Cho trẻ làm quen với môi trường xung quanh" ở trường mầm non. • Biết vận dụng nội dung cho trẻ làm quen với môi trường xung quanh ở từng độ tuổi vào việc xác định nội dung cụ thể của một số đề tài cho trẻ làm quen với môi trường xung quanh ở các độ tuổi. • Biết phân tích và chứng minh tính khoa học, tính đồng tâm và phát triển của chương trình. I. CẤU TRÚC NỘI DUNG CHO TRẺ LÀM QUEN VỚI MÔI TRƯỜNG XUNG QUANH MTXQ Môi trường tự nhiên Môi trường xã hội TNHS TNVS Động vật, thực Đất, cát, sỏi, nước Cuộc sống xã Đồ vật và t h ộ i Bản thân, PTGT gia đình, Đồ dùng, đồ chơi, Các hiện tượng thiên nhiên trường mầm Nắng, mưa, gió, non, phương tiện Mặt Trời, Mặt Trăng, các vì quê hương, giao thông sao, các mùa trong năm đất nước, Ghi chú: TNHS − thiên nhiên hữu sinh, TNVS − thiên nhiên vô sinh, PTGT − phương tiện giao thông. 25
  26. II. NỘI DUNG CHO TRẺ LÀM QUEN VỚI MÔI TRƯỜNG XUNG QUANH Ở TỪNG LỨA TUỔI 1. Lứa tuổi nhà trẻ Nội 3 - 12 tháng 12 - 24 tháng 24 - 36 tháng dung Dạy trẻ nhận biết tên của Dạy trẻ nhận biết, gọi tên Dạy trẻ nhận biết và gọi mình và tên của một số bộ của mình, tên và chức tên mình, kể về chức năng, phận: mắt, mũi, miệng. năng chính của một số bộ 1 - 2 đặc điểm đặc trưng Bản phận trên cơ thể: mắt, nhất của bản thân (béo, thân mũi, miệng, tai, tay, chân. gầy ) và của các bộ phận trên cơ thể. (Ví dụ: mắt để nhìn, mắt màu đen ) Dạy trẻ chỉ được vào người Dạy trẻ nhận biết, gọi tên Dạy trẻ nhận biết, gọi tên thân qua tên gọi. Biết biểu những người thân trong những người thân và lộ cảm xúc với bố, mẹ, ông, gia đình. Biết thể hiện cảm những người họ hàng gần bà, anh, chị. xúc đa dạng với những gũi. Nhận biết đặc điểm người gần gũi. nổi bật về hình dáng bên ngoài, công việc của người Gia thân (Ví dụ: Bố cao, to; mẹ đình xinh, tóc dài, mẹ nấu ăn). Nhận biết thái độ của những người thân; biết thể hiện cảm xúc của mình trong một vài tình huống tiêu biểu. Dạy trẻ nhận ra cô giáo Dạy trẻ nhận biết và gọi Dạy trẻ nhận biết và gọi tên cô giáo, các bạn. Thích tên cô giáo, các bạn trong nghi với chế độ sinh hoạt lớp. Biết 1 - 2 hoạt động trong trường mầm non. chính của cô và các bạn. Trường Biết tên của cô hiệu mầm trưởng, hiệu phó và bác sỹ non trong trường mầm non. Yêu quý bạn, không tranh giành đồ chơi với các bạn. Nghe lời cô. Dạy trẻ nhận ra một số đồ Nhận ra và gọi tên, nói Gọi tên và nói được chức dùng, đồ chơi quen thuộc được 1 - 2 đặc điểm nổi năng chính, một vài đặc (bát, thìa, cốc, búp bê, bật nhất (màu sắc, hình điểm rõ nét của một số đồ bóng ) qua tên gọi. dạng hoặc kích thước ) dùng, đồ chơi, phương tiện Đồ vật của một số đồ dùng, đồ giao thông quen thuộc. chơi, phương tiện giao Biết sử dụng đồ dùng, đồ thông gần gũi. chơi đúng theo chức năng chính. Nhận ra một số con vật (gà, Nhận ra và gọi được tên, Gọi được tên và nói được mèo, chó), hoa, quả, cây nói được 1 - 2 đặc điểm công dụng, một vài đặc Động cối gần gũi xung quanh qua nổi bật nhất (tiếng kêu, điểm rõ nét nhất của một vật, tên gọi. vận động ) của một số số con vật, cây cối, hoa, thực con vật gần gũi; màu sắc, quả gần gũi. vật hình dạng của một vài cây cối, hoa, quả quen thuộc. 26
  27. 2. Lứa tuổi mẫu giáo Nội Mẫu giáo bé Mẫu giáo nhỡ Mẫu giáo lớn dung (3 - 4 tuổi) (4 - 5 tuổi) (5 - 6 tuổi Dạy trẻ nhận biết tên, tuổi, Dạy trẻ biết danh tính (họ, Tiếp tục nhận biết danh giới tính và một số bộ phận tên, tuổi, tên đệm), giới tính, sự phù hợp của cách trên cơ thể người thông tính của mình. Nhận xét ăn mặc và các hoạt động qua tên gọi, số lượng, chức tên gọi, vị trí, cấu tạo với giới tính; đặc điểm của năng của chúng. Biết nhận ngoài, số lượng, chức các bộ phận, các giác quan xét một vài đặc điểm rõ nét năng, cách giữ gìn, bảo vệ và cách giữ gìn bảo vệ nhất về hình dáng bên các bộ phận trên cơ thể. chúng. Tiếp tục nhận xét ngoài của mình và của các Bước đầu biết giải thích sự sự phù hợp của cấu tạo bạn (Mặc váy hồng, tóc phù hợp của cấu tạo các bộ các bộ phận với chức năng đen buộc nơ, gầy, béo ) phận với chức năng của của chúng (Khuỷu tay để chúng (Ví dụ: mắt có lông tay dễ dàng co duỗi, cầm mày, lông mi để ngăn mồ nắm, đưa thức ăn vào hôi, ngăn bụi; mí mắt để miệng ) chớp cho khỏi mỏi mắt, để nhắm mắt khi đi ngủ ). Phân biệt chức năng, cấu tạo, tính chất của các giác quan, bộ phận chính ở người và động vật. Bản thân So sánh biểu hiện của mình Biết thể hiện cảm xúc theo với biểu hiện của người lớn nhiều cách khác nhau bằng và động vật. Dạy trẻ thể nét mặt, cử chỉ. Cho trẻ hiện tình cảm bằng nét biết sự cần thiết phải giữ mặt, cử chỉ, lời nói, nhận gìn, bảo vệ cơ thể. Biết biết vị trí của mình, có ý Dạy trẻ nhận biết tình một số cách vệ sinh cơ thể thức thực hiện nghĩa vụ, cảm, suy nghĩ, kỹ năng (Rửa mặt, đánh răng, rửa trách nhiệm của bản thân. hành động của mình. Dạy chân tay ). trẻ thể hiện tình cảm và Dạy trẻ biết nhu cầu cơ biết làm chủ cảm xúc của bản của bản thân (Ăn, mình; giáo dục trẻ có thái uống, ngủ, được yêu độ đồng cảm với người thương). khuyết tật. Hình thành biểu tượng về phẩm chất đặc biệt của con người, đó là năng lực, suy nghĩ, sáng tạo. Dạy trẻ nhận biết nhu cầu, sở thích, hứng thú của bản thân và thực hiện các hành động để thoả mãn chúng. Dạy trẻ nhận xét tên gọi, vị trí, mối quan hệ của các thành viên trong gia đình của mình và gia đình của các bạn. Biết địa chỉ, số điện thoại của gia đình mình. Biết nhu cầu sinh hoạt, sở thích, thói quen của gia đình và các thành viên; các hoạt động chung Gia của gia đình và nghề nghiệp của bố mẹ (mẫu giáo bé biết tên nghề, mẫu giáo nhỡ và đình mẫu giáo lớn biết tên và một vài dấu hiệu của nghề). 27
  28. Nội Mẫu giáo bé Mẫu giáo nhỡ Mẫu giáo lớn dung (3 - 4 tuổi) (4 - 5 tuổi) (5 - 6 tuổi Biết quy mô gia đình, thế nào là gia đình đông con, ít con và gia đình mở rộng. Cho trẻ biết ngôi nhà là nơi gia đình sinh sống, biết một vài kiểu nhà, sự cần thiết phải có nhà ở, các nguyên vật liệu làm ra nhà, các nghề nghiệp làm ra nhà, các công việc để giữ gìn ngôi nhà. Gia đình Biết gia đình nên có từ 1 đến 2 con để bố mẹ đỡ vất vả và có thời gian chăm sóc, dạy dỗ con cái. Cho trẻ làm quen với những người họ hàng để thấy được mối quan hệ huyết thống giữa những người cùng họ. Giáo dục tình cảm, nghĩa vụ của trẻ đối với gia đình và họ hàng. Dạy trẻ biết tên, địa chỉ của trường mầm non. Biết môi trường vật chất trong trường: Có tường bao, sân chơi, các lớp học, phòng bảo vệ, nhà bếp, vườn trường, các phương tiện, dụng cụ ở trong đó. Biết tên những người lớn Biết công việc, ý nghĩa công việc của những người lớn. trong trường mầm non. Giáo dục trẻ kính yêu, lễ phép và giúp đỡ người lớn. Cho trẻ biết trong trường Biết trong trường có các bạn trai và bạn gái, mối quan có nhiều trẻ em, bạn bè, hệ giữa các bạn. Biết vị trí, nghĩa vụ, trách nhiệm của các em nhỏ. mình. Biết các hoạt động chính ở trường mầm non. Tích cực tham gia vào các hoạt động đó. Trường Cho trẻ làm quen với mầm trường tiểu học: cơ sở vật non chất; hoạt động của giáo viên và học sinh trong trường tiểu học; đồ dùng của học sinh tiểu học. Giáo dục trẻ yêu quý trường tiểu học, thích đi học. 28
  29. Nội Mẫu giáo bé Mẫu giáo nhỡ Mẫu giáo lớn dung (3 - 4 tuổi) (4 - 5 tuổi) (5 - 6 tuổi Dạy trẻ biết tên, trang Dạy trẻ biết tên, trang Dạy trẻ biết tên, các dấu phục, công việc, sản phục, công việc chính, sản hiệu đặc trưng: trang phẩmchính của một số phẩm và ý nghĩa xã hội của phục, nơi làm việc, công nghề: nghề nghiệp của bố một số nghề nghiệp phổ việc, dụng cụ, thái độ làm mẹ trẻ; của những người biến ở địa phương. việc (tính cách đặc trưng), lớn trong trường mầm non. sản phẩm, ý nghĩa xã hội của một số nghề nghiệp phổ biến trong xã hội. Cho trẻ biết sự hình thành Nghề các nghề trong xã hội; mối nghiệp quan hệ giữa các nghề thông qua công việc, dụng cụ, sản phẩm của các nghề đó. Dạy trẻ phân nhóm dụng cụ, sản phẩm theo nghề. Giáo dục trẻ trân trọng sản phẩm lao động của các nghề, có ước muốn trở thành những người lao động có ích cho xã hội. Dạy trẻ biết tên phố, tên Tiếp tục cho trẻ biết tên Tiếp tục nhận biết về các làng, tên khu tập thể nơi phố, tên làng, biết tên và ý công trình công cộng ở địa gia đình sinh sống. Nhận ra nghĩa xã hội của các công phương (huyện, thành một số công trình công trình công cộng, các di tích phố), biết nghề nghiệp cộng phổ biến: chợ, cửa lịch sử, danh lam thắng truyền thống, người, vật hàng, đường giao thông, cảnh ở địa phương (phố, nổi tiếng ở địa phương. Quê hương, công viên. phường) nơi gia đình sinh Cho trẻ làm quen với tên đất sống. Dạy trẻ biết tên thành phố lớn, danh lam nước, những người hàng xóm, thắng cảnh, công trình xây Bác Hồ mối quan hệ giữa họ với dựng lớn, di tích lịch sử ở nhau. tỉnh của mình. Giáo dục trẻ yêu mến, tự hào về quê hương của mình, có ý thức giữ gìn, bảo vệ các công trình công cộng ở địa phương. Cho trẻ làm quen với những ngày lễ hội lớn của đất nước, giáo dục trẻ lòng tự hào, yêu mến đất nước của mình. Dạy trẻ biết tên đất nước Dạy trẻ biết tên nước, tên Dạy trẻ biết tên, vị trí của Quê mình. thủ đô và một vài thành đất nước mình trên bản hương, phố lớn đồ, thủ đô, các thành phố đất lớn và các công trình văn nước, hoá. Cho trẻ biết một số Bác Hồ biểu tượng của đất nước 29
  30. Nội Mẫu giáo bé Mẫu giáo nhỡ Mẫu giáo lớn dung (3 - 4 tuổi) (4 - 5 tuổi) (5 - 6 tuổi mình như cờ, quốc ca, quốc huy. Dạy trẻ nhận ra những loại thực vật, động vật đặc trưng của đất nước; làm quen với âm nhạc, các thể loại văn hoá dân gian truyền thống, các công trình hội hoạ, kiến trúc nổi tiếng, các trò chơi dân gian. Cho trẻ làm quen với tên của các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, hoạ sĩ nổi tiếng, những anh hùng dân tộc xưa và nay. Cho biết phẩm chất đặc trưng của dân tộc mình là dũng cảm, gan dạ, cần cù. Biết một Dạy trẻ nhận ra Bác Hồ vài dân tộc sống trên đất Dạy trẻ biết Bác Hồ là chủ trong tranh ảnh. nước. tịch, lãnh tụ nước Việt Nam ta; Bác Hồ rất yêu thương Cho trẻ biết Bác Hồ là ai, quan tâm đến trẻ em. ngày sinh của Bác, vị trí làng Bác. Cho trẻ biết khi còn sống Bác đã làm rất nhiều công việc để lãnh đạo nhân dân chiến đấu, sản xuất, xây dựng. Bác rất yêu thương trẻ em, quan tâm đến mọi người và rất yêu thiên nhiên. Cho trẻ biết các bài hát, bài thơ, câu chuyện về Bác Hồ. Giáo dục trẻ kính yêu Bác Hồ, tích cực làm nhiều việc tốt theo 5 điều Bác Hồ dạy. 30
  31. Nội Mẫu giáo bé Mẫu giáo nhỡ Mẫu giáo lớn dung (3 - 4 tuổi) (4 - 5 tuổi) (5 - 6 tuổi Dạy trẻ nhận ra một số người nước ngoài. Có thái độ tôn Cho trẻ làm quen với "biểu trọng họ. tượng" Trái Đất; biết Trái Đất tròn. Cho trẻ tiếp xúc với quả địa cầu và bản đồ tự nhiên. Cho trẻ biết các màu cơ bản trên bản đồ, các đại dương, châu lục trên Trái Đất. Biết Trái Đất quay trong mối quan hệ với Mặt Trời, từ đó giải thích vì sao có ngày và đêm, có mùa nóng và mùa lạnh. Cho trẻ biết các chủng Các người có mặt trên hành hành tinh, sự khác nhau qua tinh và màu da, màu tóc và màu các dân mắt; sự giống nhau về cấu tộc tạo cơ thể, tình cảm, suy trên nghĩ và óc sáng tạo. Giáo thế dục trẻ thái độ tôn trọng giới. họ. Cho trẻ biết tên một số quốc gia gần gũi thân thiện, sự khác nhau của các quốc gia, mối quan hệ của các quốc gia đó. Cho trẻ làm quen với bản đồ chính trị, cho trẻ biết trong một quốc gia cũng có nhiều dân tộc. Cho trẻ biết một số bài hát, điệu múa, trò chơi, truyện cổ tích của một vài dân tộc trên thế giới. Cho trẻ biết tên gọi, màu Tiếp tục dạy trẻ nhận biết Tiếp tục dạy trẻ nhận biết sắc, một số bộ phận, hình đặc điểm đặc trưng của đồ đặc điểm đặc trưng của đồ dạng, công dụng chính, dùng, đồ chơi và một số dùng, đồ chơi, dụng cụ, cách sử dụng của một số dụng cụ lao động đơn giản, sản phẩm lao động; sự đồ dùng, đồ chơi gần gũi nhận biết sự đa dạng, phong phong phú, đa dạng của Đồ vật (đồ dùng, đồ chơi ở lớp phú về chất liệu, hình dạng, chúng, mối quan hệ giữa mẫu giáo; đồ dùng gia công dụng của chúng, dạy cấu tạo và cách sử dụng. đình, đồ dùng cá nhân). trẻ giải thích sự phù hợp của Dạy trẻ nhận biết tính chất cấu tạo đồ vật với chức năng của chất liệu đồ vật. Tìm và cách sử dụng chúng. Cho các chức năng khác nhau trẻ biết chức năng của đồ của đồ dùng, đồ chơi. Cho dùng. Mỗi đồ dùng có chức trẻ biết "quá khứ", "hiện năng chính nhưng có thể có tại" và "tương lai" của một những chức năng sử dụng số đồ dùng. khác ở các tình huống khác 31
  32. Nội Mẫu giáo bé Mẫu giáo nhỡ Mẫu giáo lớn dung (3 - 4 tuổi) (4 - 5 tuổi) (5 - 6 tuổi nhau (Bát để ăn cơm nhưng cũng có thể dùng múc nước, uống nước, cắm hoa ) Tiếp tục dạy trẻ nhận biết đặc điểm đặc trưng của các phương tiện giao thông phổ biến. Bước đầu dạy trẻ Dạy trẻ nhận biết tên gọi, giải thích sự phù hợp cấu một số bộ phận đặc trưng, tạo của phương tiện giao tốc độ, tiếng kêu, công thông với chức năng và Tiếp tục dạy trẻ nhận biết dụng, môi trường hoạt cách sử dụng chúng. đặc điểm của các phương Đồ vật động của một số phương tiện giao thông, biết tên tiện giao thông gần gũi. Dạy trẻ so sánh sự khác và bến đỗ, người điều khiển giống nhau của đồ dùng, đồ chơi, phương tiện giao phương tiện giao thông. thông; bước đầu biết phân Dạy trẻ phân biệt đồ dùng, nhóm đồ dùng, đồ chơi theo công dụng và chất đồ chơi, phương tiện giao liệu. thông qua một số dấu hiệu khác nhau rõ nét của chúng. Dạy trẻ so sánh đặc điểm khác và giống nhau của 2 hoặc nhiều đồ dùng, đồ chơi, phương tiện giao thông. Phân nhóm đồ dùng, đồ chơi theo công dụng, chất liệu, tính chất, cách sử dụng Phân nhóm phương tiện giao thông theo nơi hoạt động, số lượng bánh, cách điều khiển, công dụng Giáo dục trẻ yêu quý, giữ gìn vệ sinh, bảo quản đồ chơi, đồ dùng, có hành vi văn hoá, văn minh khi sử dụng đồ dùng, đồ chơi và phương tiện giao thông. Dạy trẻ nhận biết tên gọi, Tiếp tục nhận biết đặc Tiếp tục nhận biết đặc điểm màu sắc, một số bộ phận điểm đặc trưng của động đặc trưng của các loại động đặc trưng và chức năng vật (động vật nuôi; động vật phổ biến. Dạy trẻ khám của chúng, tiếng kêu, vận vật sống trong rừng; động phá mối liên hệ giữa cấu tạo động chính, thức ăn, sinh vật dưới nước). Dạy trẻ của động vật với vận động, sản, nơi sống, công dụng khám phá sự phù hợp giữa cách kiếm ăn, môi trường Động của một số động vật gần cấu tạo của động vật với sống; mối liên hệ giữa động vật gũi, quen thuộc (động vật vận động và tập tính của vật với nhau và với con nuôi: cá, chim ) chúng. Nhận biết sự đa người; sự phát triển, trưởng dạng, phong phú của thành của một số loài động chúng. vật. Cho trẻ biết động vật sống ở khắp nơi trên Trái Đất; các loài động vật đặc trưng cho từng vùng miền. 32
  33. Nội Mẫu giáo bé Mẫu giáo nhỡ Mẫu giáo lớn dung (3 - 4 tuổi) (4 - 5 tuổi) (5 - 6 tuổi Cho trẻ biết nhu cầu của động vật: cần có nơi ở, có thức ăn, nước uống, cần chăm sóc khi ốm đau. Cho trẻ biết động vật cũng biết vui buồn, biết biểu lộ tình cảm, biết phản ứng mạnh mẽ với các điều kiện môi trường. Dạy trẻ phân biệt đặc điểm Dạy trẻ so sánh đặc điểm Dạy trẻ so sánh đặc điểm khác nhau rõ nét của một khác và giống nhau của 2 khác và giống nhau của 2 số vật nuôi hoặc so sánh con vật. hoặc nhiều con vật cùng loài Động đơn giản 2 con vật với hoặc khác loài. Phân nhóm vật nhau. động vật theo các dấu hiệu đặc trưng: thức ăn, sinh sản, môi trường sống, cấu tạo ngoài Giáo dục trẻ yêu quý, thích Dạy trẻ cách thức biểu lộ tình cảm, chăm sóc, bảo vệ chơi với các con vật gần những con vật gần gũi. Giáo dục ý thức tự giác bảo vệ, gũi. chăm sóc vật nuôi. Dạy trẻ nhận biết, khám Tiếp tục dạy trẻ khám phá Tiếp tục cho trẻ khám phá phá một vài đặc điểm đặc đặc điểm đặc trưng của các đặc điểm, dấu hiệu đặc trưng của các cây, rau, loại thực vật, sự phong trưng của thực vật; sự hoa, quả gần gũi: các bộ phú, đa dạng của chúng. phong phú, đa dạng, mối phận, màu sắc, cấu tạo, Cho trẻ biết nhu cầu của quan hệ giữa thực vật với công dụng và nơi sống, mùi thực vật: cần nước, đất, các điều kiện môi trường, với (Hoa), vị (Quả), cách ăn ánh sáng. động vật và con người, sự (Quả), cách chế biến (Rau). sinh trưởng (bằng hạt, bằng Cho trẻ biết sự đa dạng, cành, bằng rễ, bằng lá); sự phong phú của chúng. phát triển, sự thay đổi của thực vật theo mùa, quá trình trồng và chăm sóc, bảo vệ Thực cây. Cho trẻ biết có nhiều vật loại cây sinh sống ở nhiều Dạy trẻ phân biệt sự khác vùng miền; giải thích sự nhau rõ nét của cây, hoa, Dạy trẻ so sánh đặc điểm thích nghi của thực vật với quả hoặc so sánh đơn giản khác và giống nhau của 2 khí hậu, môi trường sống. 2 loại thực vật với nhau. loại cây, hoa, quả, rau. Bước đầu biết phân nhóm Dạy trẻ so sánh các đặc Giáo dục trẻ yêu thích các một số loại thực vật theo điểm khác và giống nhau loại cây, hoa, quả. Thích ăn các dấu hiệu tiêu biểu. của 2 hoặc nhiều đối các loại rau, quả. tượng. Phân nhóm cây, rau, hoa, quả theo một hoặc nhiều dấu hiệu. Giáo dục trẻ yêu quý, tự giác giữ gìn, bảo vệ cây, biết giúp đỡ người lớn chăm sóc cây cối. Thiên Dạy trẻ nhận biết tên, Dạy trẻ nhận biết khám Tiếp tục cho trẻ khám phá nhiên khám phá một vài đặc điểm phá đặc điểm đặc trưng đặc điểm, tính chất của vô sinh đơn giản rõ nét của một số của một số nguyên liệu các nguyên liệu thiên và các nguyên liệu thiên nhiên vô thiên nhiên vô sinh như nhiên vô sinh phổ biến: hiện sinh gần gũi: nước, cát. Ví đất, cát, nước, sỏi, đá. đất, cát, sỏi, đá, nước, d ớ khô à khô khí á h á 33
  34. Nội Mẫu giáo bé Mẫu giáo nhỡ Mẫu giáo lớn dung (3 - 4 tuổi) (4 - 5 tuổi) (5 - 6 tuổi tượng dụ: Nước không màu, Dạy trẻ so sánh đặc điểm không khí, ánh sáng. thiên không mùi, không vị, có khác và giống nhau của 2 Cho trẻ so sánh đặc điểm nhiên thể hoà tan đường, muối, loại nguyên liệu. khác và giống nhau của 2 chanh. hay nhiều loại nguyên liệu. Dạy trẻ nhận biết ích lợi và tác hại của thiên nhiên vô sinh với con người, động vật, thực vật và môi trường. Từ đó giáo dục trẻ có ý thức giữ gìn, bảo vệ thiên nhiên vô sinh, chống lại sự lãng phí và sự ô nhiễm. Cho trẻ tìm hiểu mối quan hệ và sự phụ thuộc lẫn nhau giữa thiên nhiên vô sinh với nhau, với tác động của con người và môi trường. Dạy trẻ nhận ra và gọi tên Tiếp tục cho trẻ tìm hiểu đặc Tiếp tục tìm hiểu đặc các hiện tượng thiên nhiên điểm đặc trưng rõ nét của điểm, dấu hiệu rõ nét của phổ biến ở địa phương: các hiện tượng thiên nhiên các hiện tượng thiên nhiên mưa, gió, nắng, mặt trời, phổ biến ở địa phương, mở phổ biến ở Việt Nam và mặt trăng, các vì sao, ngày rộng hiểu biết về một vài trên thế giới. Trẻ biết phân và đêm. Gọi tên được 1 - 2 hiện tượng khác như bão, nhóm các hiện tượng thiên dấu hiệu đặc trưng nhất sấm, chớp, giông Cho trẻ nhiên và thời tiết theo của chúng. phát hiện các hiện tượng mùa. Biết các hiện tượng thiên nhiên đặc trưng theo thời tiết phổ biến ở một số mùa. So sánh đặc điểm khác vùng miền ở Việt Nam và và giống nhau rõ nét của 2 trên thế giới. mùa; của ngày và đêm. Tiếp tục cho trẻ biết ảnh hưởng của thời tiết, các hiện Cho trẻ biết ảnh hưởng của tượng thiên nhiên đến sinh thời tiết đến sinh hoạt (ăn, hoạt của con người, đến đời mặc) của con người. sống của động, thực vật và môi trường. Cho trẻ khám phá mối quan hệ của thời tiết, các hiện tượng thiên nhiên đến các hoạt động của con người. Giáo dục trẻ có sinh hoạt phù hợp với mùa, với thời tiết, khí hậu và các hiện tượng thiên nhiên. III. GIỚI THIỆU CHƯƠNG TRÌNH 1. Chương trình chăm sóc - giáo dục trẻ (cải cách) 1.1. Lứa tuổi nhà trẻ Trong chương trình chăm sóc - giáo dục trẻ từ 3 đến 36 tháng (đã chỉnh lý) nội dung cho trẻ làm quen với môi trường xung quanh chủ yếu được đưa vào phần phát triển ngôn ngữ. Ngoài ra trong các phần: rèn luyện giác quan và hoạt động với đồ vật cũng có một số nội dung cho trẻ làm quen với môi trường xung quanh. Mục đích chính của các phần nêu trên là phát triển ngôn ngữ, rèn luyện các giác quan cho trẻ. Mục đích cho trẻ nhận biết các sự vật, hiện tượng xung quanh được thực hiện phối 34
  35. hợp với mục đích phát triển ngôn ngữ. Trẻ lứa tuổi nhà trẻ được làm quen với môi trường xung quanh trong các chủ đề sau: + Những người thân trong gia đình. + Đồ dùng trong gia đình. + Các loại hoa. + Các loại quả. + Các loại rau. + Các con vật. + Các phương tiện giao thông. Mỗi chủ đề trẻ được làm quen với 4 đến 5 đối tượng, tuỳ theo độ tuổi mà giáo viên cho trẻ biết tên, công dụng và một vài đặc điểm rõ nét của đối tượng. Nội dung của nhận biết tập nói trong từng giai đoạn không liên quan đến nội dung của các lĩnh vực khác. Chương trình cũng đưa ra phần hướng dẫn thực hiện các nội dung trên. Cụ thể là: + Sinh hoạt hằng ngày, gồm có các thời điểm: đón trẻ, vệ sinh, ăn, ngủ, trả trẻ. + Hoạt động chơi: các trò chơi vận động đơn giản, chơi với đồ chơi, chơi xếp hình, xâu hạt; chơi nhận biết phân biệt. + Hoạt động dạo chơi ngoài trời. + Giờ chơi - tập nhận biết và tập nói. Các giờ chơi tập ở nhà trẻ được tiến hành theo chủ đề. Mỗi chủ đề thường dạy cho trẻ hai loại bài: * Loại thứ nhất: Làm quen với từng đối tượng riêng lẻ. * Loại thứ hai: Làm quen với 2 đến 3 đối tượng và cho trẻ tập phân biệt đặc điểm khác nhau rõ nét. Đối với giờ chơi tập nhận biết tập nói ở nhà trẻ, chương trình (1989) chỉ đưa ra các định hướng, không có hướng dẫn cụ thể từng loại bài. 1.2. Lứa tuổi mẫu giáo Chương trình chăm sóc và giáo dục trẻ mẫu giáo chia ra theo 3 độ tuổi: mẫu giáo bé (3 - 4 tuổi), mẫu giáo nhỡ (4 - 5 tuổi), mẫu giáo lớn (5- 6 tuổi). Trong chương trình mẫu giáo, làm quen với môi trường xung quanh được đưa vào như một lĩnh vực độc lập. Ở chương trình của cả 3 độ tuổi đều có yêu cầu, nội dung cho trẻ làm quen với môi trường xung quanh; phân phối chương trình theo từng giai đoạn và phần hướng dẫn thực hiện. Nội dung cho trẻ làm quen với môi trường xung quanh ở 3 độ tuổi bao gồm: + Làm quen với môi trường xã hội: Những người gần gũi và lao động của họ; đồ vật; phương tiện giao thông. + Làm quen với môi trường thiên nhiên: Thế giới thực vật; thế giới động vật; một số hiện tượng thiên nhiên. Các nội dung chính trong chương trình của từng độ tuổi về cơ bản là không thay đổi; chỉ có những nội dung cụ thể mới có sự mở rộng và bổ sung từ lứa tuổi này sang lứa tuổi khác. Nội dung 35
  36. cho trẻ làm quen với môi trường xung quanh trong chương trình cải cách tương đối phong phú, nhưng chưa thật đầy đủ. Các nội dung cho trẻ làm quen với thiên nhiên vô sinh (đất, cát, nước ) và các hiện tượng thiên nhiên cụ thể (gió, mưa, nắng ) còn rất mờ nhạt. Ở mẫu giáo, các nội dung cho trẻ làm quen với môi trường xung quanh được thực hiện ở hai nhóm hình thức cơ bản, đó là các hình thức ngoài tiết học và tiết học. Chương trình cải cách có đưa ra hướng dẫn thực hiện các hình thức ngoài tiết học, nhưng gợi ý cụ thể lại chỉ tập trung cho các tiết học. Mỗi tiết học làm quen với môi trường xung quanh đều có gợi ý về yêu cầu, chuẩn bị đồ dùng trực quan và hướng dẫn thực hiện. Nhờ có những gợi ý cụ thể nên việc thực hiện chương trình đối với giáo viên là tương đối dễ dàng, thuận lợi. Song cũng chính những gợi ý đó làm cho việc thực hiện chương trình rất cứng nhắc, rập khuôn, hạn chế khả năng sáng tạo của giáo viên. Nội dung của các tiết học trong từng giai đoạn không liên quan đến nội dung của các lĩnh vực khác. Nội dung của các tiết học ở 3 độ tuổi mẫu giáo như sau: Mẫu giáo bé Mẫu giáo nhỡ Mẫu giáo lớn 1. Đồ chơi của lớp 1. Lao động của người lớn 1. Trường lớp mẫu giáo của 2.Quần áo và đồ dùng của trong trường mầm non cháu bé 2.Một số đồ dùng gia đình 2. Gia đình của cháu Môi 3. Một số phương tiện giao 3. Nghề nghiệp của bố mẹ 3. Đồ dùng gia đình trường thông (đường bộ và đường 4. Phân nhóm đồ vật 4. Phân nhóm đồ dùng xã hội sắt) 5. Một số phương tiện giao 5. Thăm cánh đồng lúa 4. Một số phương tiện giao thông (công viên) thông (đường thuỷ và đường 6. Bác Hồ của chúng em 6. Bác thợ may hàng không) 7. Quần áo của bé 7. Một số nghề nghiệp phổ 8. Một số luật lệ giao thông biến trong xã hội 8. Thủ đô Hà Nội 9. Bác Hồ 10. Trường tiểu học 11. Các loại phương tiện giao thông 12. Một số luật lệ giao thông phổ biến 13. Bác nông dân Môi trường 14. Nghề nghiệp truyền xã hội thống ở địa phương 15. Chú bộ đội 16. Chú công nhân 17. Bác đưa thư 18. Cô bán hàng 19. Phân nhóm phương tiện giao thông 5. Quan sát cây 9. Phân biệt 2 - 3 loại cây 20. Hoa và cây cảnh 6. Một số loại hoa 10. Phân biệt 2 - 3 loại cá 21. Một số loại quả 7. Một số loại quả 11. Một số vật nuôi (gia cầm) 22. Một số loại rau 7. Một số loại rau 12. Một số vật nuôi (gia súc) 23. Quá trình phát triển của 9. Quan sát con cá 14. Một số vật nuôi cây 36
  37. 10. Một số vật nuôi (gia 15. Một số cây cảnh 24. Cây xanh và môi trường cầm) 16. Một số loại rau sống Môi 11. Một số vật nuôi (gia súc) 17. Phân biệt 2 - 3 loài chim 25. Một số vật nuôi trong gia trường 12. Một số con vật sống 18. Một số loại hoa đình thiên trong rừng 19. Một số loại quả 26. Một số vật nuôi (gia nhiên cầm) 13. Quan sát con chim 20. Một số con vật sống trong rừng 27. Một số động vật dưới nước 21. Một số côn trùng 28. Một số vật nuôi (gia súc) 22. Mùa đông 29. Một số côn trùng 23. Mùa hè 30. Một số động vật sống trong rừng 31. Động vật sống ở khắp nơi 32. Thứ tự các mùa trong năm 33. Mặt Trời, Mặt Trăng và các vì sao. 2. Chương trình chăm sóc và giáo dục trẻ (theo nội dung đổi mới hình thức, tổ chức hoạt động giáo dục trẻ) 2.1. Lứa tuổi nhà trẻ Chương trình dành cho lứa tuổi nhà trẻ được chia làm 2 tập: - Tập 1: 3 - 18 tháng (1995) - Tập 2: 18 - 36 tháng (2000) Nội dung cho trẻ làm quen với môi trường xung quanh được thực hiện trong phần hoạt động với đồ vật và phát triển ngôn ngữ, cụ thể là nhận biết tập nói. Nội dung làm quen với môi trường xung quanh không thay đổi so với chương trình cũ (1989), nhưng phân phối nội dung thì có thay đổi. Chương trình hướng dẫn thực hiện các nội dung theo tuần. Nội dung của các hoạt động tập luyện có chủ đích và sinh hoạt, vui chơi trong tuần đều hướng tới một chủ đề cụ thể. Các hoạt động tập luyện có chủ đích như nhận biết tập nói và nhận biết phân biệt đều có gợi ý về cách thực hiện. 2.2. Lứa tuổi mẫu giáo Chương trình của từng độ tuổi mẫu giáo theo hướng đổi mới được xuất bản chính thức năm 2003. Chương trình mẫu giáo bé và nhỡ gồm có 3 phần: Phần 1: Những vấn đề chung. Phần 2: Giới thiệu các chủ đề. Phần 3: Đánh giá. Nội dung cho trẻ làm quen với môi trường xung quanh gồm 5 chủ đề lớn: bản thân; gia đình; môi trường xã hội; môi trường tự nhiên và dinh dưỡng sức khoẻ, trong đó chủ đề thứ năm được lồng ghép trong 4 chủ đề trên. Mỗi chủ đề lớn lại gồm nhiều chủ đề con. Mỗi chủ đề, chương trình đều có 37
  38. phần hướng dẫn chung, trong đó nêu rõ mục tiêu, mạng chủ đề chung, mạng hoạt động và phần hướng dẫn triển khai chủ đề. Chương trình gợi ý thực hiện các chủ đề con trong chủ đề lớn. Chương trình của mẫu giáo lớn có cấu trúc hơi khác so với chương trình của mẫu giáo bé và mẫu giáo nhỡ: Phần 1: Mục tiêu, nội dung chăm sóc. Phần 2: Hướng dẫn chế độ sinh hoạt (Trong phần này có nêu một số nguyên tắc thực hiện nội dung làm quen với môi trường xung quanh). Phần 3: Gợi ý thực hiện các chủ đề. Phần 4: Đánh giá trẻ. Nội dung cho trẻ làm quen với môi trường xung quanh gồm 8 chủ đề: trường lớp mầm non; gia đình; một số ngành nghề; thế giới động vật; Tết và mùa xuân; thế giới thực vật; phương tiện và luật lệ giao thông; quê hương - đất nước - trường tiểu học. Mỗi chủ đề đều có gợi ý về yêu cầu, các nội dung chính liên quan đến chủ đề, kế hoạch hoạt động và gợi ý cụ thể một hoạt động chung. Ở chương trình đổi mới nội dung của từng chủ đề được thực hiện chủ yếu trong các hoạt động làm quen với môi trường xung quanh và các hoạt động thuộc các lĩnh vực khác (làm quen với văn học, chữ cái, tạo hình, âm nhạc ) trong một khoảng thời gian nhất định (từ 3 - 5 tuần). So với chương trình cải cách, nội dung cho trẻ làm quen với môi trường xung quanh đã phong phú và đầy đủ hơn. Việc xây dựng nội dung và các hoạt động cho trẻ làm quen với môi trường xung quanh trong chương trình mang tính mở, giúp cho việc thực hiện chương trình được mềm dẻo, linh hoạt, phù hợp với khả năng, trình độ của trẻ em và điều kiện, hoàn cảnh của từng vùng miền, phát huy tối đa tính sáng tạo của giáo viên. 38
  39. HƯỚNG DẪN TỰ HỌC - Đọc kỹ bài giảng và tài liệu. Đối chiếu, bổ sung cho bài giảng. - Đọc các tài liệu: + Chương trình chăm sóc và giáo dục trẻ từ 3 - 36 tháng ở nhà trẻ (Chỉnh lý) - Hà Nội 1989. + Hướng dẫn và gợi ý thực hiện chương trình chăm sóc giáo dục trẻ từ 3 - 36 tháng: * Tập 1: 3 - 18 tháng. Hà Nội, 1995. * Tập 2: 18 - 36 tháng. Hà Nội, 2000. Đọc kỹ các nội dung phát triển ngôn ngữ (Phần nhận biết tập và nói) và hoạt động với đồ vật. + Chương trình chăm sóc giáo dục mẫu giáo và hướng dẫn thực hiện: * Mẫu giáo bé (3 - 4 tuổi). Hà Nội, 1996. * Mẫu giáo nhỡ (4 - 5 tuổi). Hà Nội, 1996. * Mẫu giáo lớn (5 - 6 tuổi). Hà Nội, 1996. + Hướng dẫn thực hiện đổi mới hình thức tổ chức hoạt động giáo dục trẻ mẫu giáo 3 - 4 tuổi; 4- 5 tuổi; 5 - 6 tuổi (Hà Nội, 2003). Đọc kỹ các nội dung làm quen với môi trường xung quanh. So sánh, đối chiếu các nội dung làm quen với môi trường xung quanh ở các độ tuổi với các nội dung làm quen với môi trường xung quanh trong giáo trình. Nhận xét xem những nội dung nào được đưa vào thực hiện trong chương trình, thực hiện ở mức độ nào và còn nội dung nào chưa được thực hiện. So sánh đối chiếu cụ thể từng nội dung (từng chủ đề) ở 3 độ tuổi để phân tích tính đồng tâm và phát triển của chương trình. So sánh chương trình cải cách và đổi mới. - Đọc các nội dung cho trẻ làm quen với môi trường xung quanh trong chương trình và giáo trình, bài giảng, so sánh với các nội dung đang thực hiện ở trường mầm non nơi anh (chị) công tác. Tìm ra những điểm khác nhau giữa yêu cầu của chương trình với thực tiễn, chỉ ra nguyên nhân của những mâu thuẫn đó. - Khi làm các bài tập của chương này cần đọc kỹ các nội dung cụ thể ở từng lứa tuổi. Tuỳ từng đề tài có thể phải nghiên cứu 2 đến 3 nội dung mới có thể xác định các nội dung cụ thể của đề tài. Ví dụ: Đề tài - Một số đồ dùng gia đình (Mẫu giáo nhỡ) cần đọc nội dung "Gia đình" và "Đồ vật" ở mẫu giáo nhỡ. 39
  40. CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP 1. Phân tích nội dung làm quen với môi trường xung quanh đối với trẻ nhà trẻ (3 - 36 tháng). 2. Phân tích nội dung làm quen với môi trường xung quanh trong các lứa tuổi: mẫu giáo bé (3 - 4 tuổi); mẫu giáo nhỡ (4 - 5 tuổi); mẫu giáo lớn (5 - 6 tuổi). 3. Phân tích tính đồng tâm, tính phát triển của nội dung làm quen với môi trường xung quanh ở các lứa tuổi từ nhà trẻ đến mẫu giáo. 4. So sánh và cho ý kiến nhận xét về các nội dung cho trẻ làm quen với môi trường xung quanh trong giáo trình, trong chương trình và trong thực tiễn của địa phương nơi chị (anh) công tác. 5. So sánh và cho ý kiến nhận xét về nội dung cho trẻ làm quen với môi trường xung quanh và hướng dẫn thực hiện các nội dung đó ở hai chương trình cải cách và đổi mới. Phân tích ưu điểm và hạn chế của hai chương trình đó. 6. Xác định nội dung kiến thức, kỹ năng cần cung cấp và rèn luyện cho trẻ ở các đề tài sau: a. Con cá vàng: nhà trẻ (24 − 36 tháng) và mẫu giáo bé (3 − 4 tuổi). b. Một số loại hoa: nhà trẻ (24 - 36 tháng); mẫu giáo bé (3 - 4 tuổi); mẫu giáo nhỡ (4 - 5 tuổi). c. Một số đồ dùng gia đình: nhà trẻ (18 - 24 tháng); nhà trẻ (24 - 36 tháng); mẫu giáo bé (3 - 4 tuổi), mẫu giáo nhỡ (4 - 5 tuổi); mẫu giáo lớn (5 - 6 tuổi). d. Các giác quan: nhà trẻ (18 - 24 tháng); nhà trẻ (24 - 36 tháng); mẫu giáo bé (3 - 4 tuổi). e. Nghề nghiệp của bố mẹ: mẫu giáo bé (3 - 4 tuổi); mẫu giáo nhỡ (4 - 5 tuổi); mẫu giáo lớn (5- 6 tuổi). f. Nước: mẫu giáo bé (3 - 4 tuổi); mẫu giáo nhỡ (4 - 5 tuổi); mẫu giáo lớn (5- 6 tuổi). g. Thiết kế tài liệu về đặc điểm, dấu hiệu đặc trưng của từng đối tượng thuộc các nội dung cho trẻ làm quen với môi trường xung quanh: động vật, thực vật, thiên nhiên vô sinh, đồ vật, phương tiện giao thông, nghề nghiệp. 40
  41. Chương 3 CÁC PHƯƠNG PHÁP VÀ BIỆN PHÁP CHO TRẺ LÀM QUEN VỚI MÔI TRƯỜNG XUNG QUANH Nhóm trực quan Nhóm dùng lời nói Nhóm thực hành. Yêu cầu Sau khi học xong chương 3, sinh viên cần: • Nắm vững mục đích, ý nghĩa của các nhóm phương pháp và cách thức thực hiện từng phương pháp cụ thể. • Biết vận dụng lý thuyết vào việc hướng dẫn các phương pháp cho trẻ làm quen với môi trường xung quanh với các nội dung cụ thể ở các lứa tuổi. I. VÀI NÉT KHÁI QUÁT VỀ PHƯƠNG PHÁP VÀ BIỆN PHÁP CHO TRẺ LÀM QUEN VỚI MÔI TRƯỜNG XUNG QUANH Để giải quyết các mục đích của việc tổ chức cho trẻ làm quen với môi trường xung quanh ở trường mầm non có thể sử dụng tất cả các phương pháp và biện pháp dạy học và giáo dục. Phương pháp (Theo X. A. Kôzlôva) là hệ thống các cách thức làm việc kế tiếp nhau và có quan hệ mật thiết với nhau của giáo viên và trẻ em nhằm giải quyết các nhiệm vụ dạy học(9). Biện pháp dạy học là tổ hợp các cách thức làm việc cụ thể của cô và trẻ nhằm giải quyết một hoặc một phần nhiệm vụ dạy học. Mỗi phương pháp đều chứa đựng các biện pháp nhất định của giáo viên và trẻ em. Biện pháp càng đa dạng bao nhiêu thì phương pháp chứa đựng các biện pháp đó càng hàm súc và hữu hiệu bấy nhiêu. Có thể phân loại các phương pháp dạy học thành các nhóm theo các quan điểm và tiêu chí khác nhau. Mỗi cách phân loại đều có những ưu và nhược điểm nhất định. Một trong những cách phân loại hợp lý hơn cả đối với "Phương pháp cho trẻ làm quen với môi trường xung quanh" đó là cách phân (9) ấợỗởợõà, ẹ. À., ấúởốờợõà, ề. À. (2002), Äợứờợởỹớàÿ ùồọàóợóốờà, è. ACADEMA. 41
  42. loại dựa vào nguồn kiến thức và đặc điểm tri giác thông tin. Theo cách phân loại này, phương pháp cho trẻ làm quen với môi trường xung quanh bao gồm 3 nhóm, cụ thể là: + Nhóm phương pháp trực quan: quan sát; sử dụng tranh, ảnh, mô hình, vật thật, băng hình; nêu gương, bắt chước các hành động văn hoá và hành vi văn minh. + Nhóm phương pháp dùng lời nói: đàm thoại; trò chuyện; giải thích, giảng giải; chỉ dẫn, giao nhiệm vụ; sử dụng chuyện, thơ, ca dao, tục ngữ, câu đố, bài hát. + Nhóm phương pháp thực hành: trò chơi; mô hình hoá; thí nghiệm; vẽ, nặn, xé dán và sưu tập tranh ảnh, làm tiêu bản. Việc sử dụng các phương pháp nêu trên trong quá trình cho trẻ làm quen với môi trường xung quanh hoàn toàn phù hợp với đặc điểm nhận thức của trẻ lứa tuổi mầm non, vì vậy có thể phát huy tính tự giác, tích cực, độc lập của trẻ dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Bên cạnh đó, việc tổ chức sử dụng các phương pháp từ trực quan đến dùng lời nói và sau đó thực hành là phù hợp với quy luật nhận thức và phù hợp với nguyên tắc dạy học từ cụ thể đến trừu tượng áp dụng cho trẻ nhỏ. Mỗi phương pháp làm quen với môi trường xung quanh thường không sử dụng độc lập mà thường đi kèm với các phương pháp và biện pháp khác. Ví dụ: phương pháp quan sát thường đi kèm với phương pháp đàm thoại, hoặc phương pháp đàm thoại thường đi kèm với phương pháp sử dụng tranh, ảnh, mô hình v.v Khi sử dụng một phương pháp nào đó giáo viên vận dụng nhiều biện pháp khác nhau. Ví dụ: khi sử dụng phương pháp quan sát kết hợp với phương pháp đàm thoại giáo viên sử dụng các hành động như trò chơi, câu đố, so sánh, giải thích, chỉ dẫn và thí nghiệm nhỏ v.v Một biện pháp có thể được sử dụng kết hợp với nhiều phương pháp. Ví dụ: các hành động chơi có thể được sử dụng với phương pháp quan sát, đàm thoại ; giải thích, giảng giải có thể sử dụng với quan sát, đàm thoại, trò chơi, thí nghiệm thực nghiệm. Một phương pháp vừa có thể đóng vai trò là chính nó vừa có thể đóng vai trò như một biện pháp, phụ thuộc vào mục đích mà nó có thể giải quyết được. Ví dụ: Kể chuyện nếu sử dụng ở ngoài tiết học nhằm mục đích tích lũy kiến thức về môi trường xung quanh cho trẻ thì nó là một phương pháp, nhưng nếu kể chuyện được sử dụng ở trên tiết học nhằm minh hoạ cho nội dung đàm thoại thì khi đó nó lại là một biện pháp. Việc lựa chọn và phối hợp các phương pháp sao cho có hiệu quả phụ thuộc vào các yếu tố như: Yêu cầu, nội dung chương trình làm quen với môi trường xung quanh; mục đích của từng hình thức cho trẻ làm quen với môi trường xung quanh; trình độ sư phạm của giáo viên; khả năng của trẻ và điều kiện, hoàn cảnh thực tế của trường mầm non. II. CÁC NHÓM PHƯƠNG PHÁP VÀ BIỆN PHÁP CHO TRẺ LÀM QUEN VỚI MÔI TRƯỜNG XUNG QUANH 1. Nhóm phương pháp và biện pháp trực quan 1.1. Mục đích, vị trí, ý nghĩa 1.1.1. Mục đích 42
  43. - Hình thành, củng cố và làm chính xác biểu tượng của trẻ về các sự vật, hiện tượng xung quanh. - Phát triển và rèn luyện năng lực cảm giác, tri giác và các thao tác trí tuệ. - Giáo dục sự gần gũi, gắn bó với thiên nhiên và cuộc sống xung quanh. 1.1.2. Vị trí Nhóm phương pháp và biện pháp trực quan là nhóm phương pháp quan trọng nhất và được coi là nhóm "phương pháp cơ sở" theo quy luật nhận thức "Từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng, từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn" (V.I.Lênin). Phương pháp trực quan được sử dụng rộng rãi trong quá trình cho trẻ làm quen với môi trường xung quanh từ nhà trẻ đến mẫu giáo vì nó phù hợp với đặc điểm nhận thức của trẻ mầm non. 1.1.3. Ý nghĩa - Nhóm phương pháp và biện pháp trực quan góp phần to lớn vào việc rèn luyện và phát triển các cơ quan cảm giác và óc quan sát. Trong quá trình tri giác với các sự vật, hiện tượng xung quanh, đặc biệt là khi quan sát vật thật trẻ được trải nghiệm một cách tích cực, được tiếp xúc với đối tượng bằng các giác quan, nhờ đó các cơ quan cảm giác của trẻ được rèn luyện và phát triển. Cũng chính trong quá trình quan sát các sự vật, hiện tượng xung quanh ở trẻ hình thành óc quan sát, khả năng phát hiện các đặc điểm, thuộc tính, mối liên hệ và sự phụ thuộc của sự vật, hiện tượng một cách nhanh nhạy, chính xác. - Nhóm phương pháp và biện pháp trực quan góp phần rèn luyện và phát triển tư duy và tính ham hiểu biết. Trong quá trình tri giác, tiếp xúc với các sự vật, hiện tượng xung quanh trẻ phải tập trung vào các dấu hiệu tiêu biểu, rõ nét và cả các dấu hiệu "ẩn" của đối tượng. Khi tri giác nhiều đối tượng cùng một lúc trẻ có thể phân biệt các đặc điểm khác nhau và giống nhau của các đối tượng. Để có được kết quả phân biệt như vậy trẻ phải thực hiện một loạt các thao tác trí tuệ: phân tích, tổng hợp, so sánh, khái quát hoá; đồng thời trẻ cũng phải tập trung chú ý cao độ. Việc phát hiện những điều mới, lạ thôi thúc, kích thích trẻ tìm tòi, khám phá những điều "bí ẩn", lý thú của sự vật, hiện tượng xung quanh. - Nhóm phương pháp và biện pháp trực quan góp phần phát triển, làm giàu vốn từ và phát triển ngôn ngữ. Khi tiếp xúc và nhận xét đặc điểm các đối tượng trực quan trẻ phải dùng từ để gọi tên đối tượng và đặc điểm của nó, vì vậy vốn từ của trẻ được mở rộng đáng kể. Đặc biệt ở trẻ mẫu giáo nhỡ và mẫu giáo lớn khi tiếp xúc với các sự vật, hiện tượng đa dạng, phong phú xung quanh trẻ còn hiểu và biết sử dụng những từ ngữ có hình ảnh, biết sử dụng ngôn ngữ mạch lạc để miêu tả đối tượng. - Nhóm phương pháp trực quan góp phần giáo dục tình cảm yêu mến, gắn bó với thiên nhiên và cuộc sống xung quanh. Trong quá trình tiếp xúc với các sự vật, hiện tượng xung quanh trẻ cảm nhận được vẻ đẹp, sự đáng yêu, sự phong phú, đa dạng của cuộc sống xung quanh, đó là cơ sở nảy sinh xúc cảm và tình cảm tích cực ở trẻ. Trẻ thấy được giá trị của các sự vật, hiện tượng xung quanh, từ đó có ý thức giữ gìn, bảo vệ. 43