Cam kết về dịch vụ khi gia nhập WTO: Bình luận của người trong cuộc

pdf 215 trang ngocly 650
Bạn đang xem 20 trang mẫu của tài liệu "Cam kết về dịch vụ khi gia nhập WTO: Bình luận của người trong cuộc", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfcam_ket_ve_dich_vu_khi_gia_nhap_wto_binh_luan_cua_nguoi_tron.pdf

Nội dung text: Cam kết về dịch vụ khi gia nhập WTO: Bình luận của người trong cuộc

  1. CAM KẾT VỀ DỊCH VỤ KHI GIA NHẬP WTO: BÌNH LUẬN CỦA NGƯỜI TRONG CUỘC 1
  2. LỜI NÓI ĐẦU Trong 2 năm qua, sau khi chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam đã nghiêm túc thực hiện các cam kết của mình với tổ chức này trong tất cả các lĩnh vực như thuế, phi thuế, sở hữu trí tuệ, dịch vụ Sự nghiêm túc của Việt Nam được các thành viên WTO và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đánh giá cao và đó cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng góp phần tạo ra kết quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài đầy ấn tượng trong 2 năm 2007 và 2008 vừa qua. Tuy nhiên, như ở nhiều thành viên mới gia nhập WTO khác, quá trình thực thi cam kết ở Việt Nam cũng đã gặp một số vướng mắc gây khó khăn không nhỏ cho doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước hữu quan. Những vướng mắc này chủ yếu phát sinh trong lĩnh vực dịch vụ, một lĩnh vực còn khá mới và hết sức phức tạp, không chỉ với nước ta mà còn với nhiều nước khác trên thế giới. Sự phức tạp trong thực thi các cam kết dịch vụ bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân không dễ nhận biết nếu dịch vụ hoặc đàm phán dịch vụ không phải là lĩnh vực chuyên môn của người có liên quan. Trong những nguyên nhân này, có nguyên nhân thuộc về cách định nghĩa và phân loại dịch vụ, có nguyên nhân thuộc về cách thức cam kết mở cửa thị trường dịch vụ, nhưng cũng có những nguyên nhân bắt nguồn từ chiến thuật đàm phán của các nhà đàm phán, tức là không mấy liên quan tới bản chất và nội dung, khiến quá trình thực thi vốn đã phức tạp càng trở nên phức tạp và rắc rối hơn. Sự phức tạp trong thực thi các cam kết dịch vụ đã và đang gây khó khăn cho các doanh nghiệp và cơ quan quản lý, cấp phép đầu tư tại các địa phương. Nhiều doanh nghiệp, do chưa hiểu rõ nội dung của Biểu cam kết dịch vụ, đã bỏ công điều tra, chắp nối, xây dựng nghiên cứu tiền khả thi và nộp đơn xin thành lập các dự án đầu tư trong những ngành hoặc phân ngành dịch vụ mà Biểu cam kết dịch vụ không cho phép hoặc chỉ cho phép sau một thời gian chuyển đổi, dẫn đến việc hồ sơ xin phép bị cơ quan cấp phép từ chối và doanh nghiệp phải gánh chịu những mất mát to lớn về thời gian và chi phí. Ở chiều ngược lại, cũng do chưa nắm rõ nội dung của Biểu cam kết nên rải rác đã xuất hiện tình trạng cơ quan quản lý nhà nước từ chối các quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư khiến nhà đầu tư phải khiếu nại, ảnh hưởng đến uy tín không chỉ của cơ quan quản lý nhà nước có liên quan mà còn của cả Chính phủ Việt Nam trong quá trình thực thi cam kết gia nhập WTO. 2
  3. Kể từ khi gia nhập WTO, Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương), Bộ Kế hoạch Đầu tư và nhiều Bộ, ngành hữu quan đã nỗ lực phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, giới thiệu các nội dung cam kết trong lĩnh vực dịch vụ của Việt Nam khi gia nhập WTO. Nhiều tài liệu hỗ trợ, giải thích cam kết đã được xuất bản nhưng dường như vẫn chưa đáp ứng được sự trông đợi của các doanh nghiệp bởi mức độ giải thích chưa được sâu và chưa nêu được cặn kẽ ý nghĩa và bản chất của các cam kết mà Việt Nam đã đưa ra trong khi đây lại là điều tối quan trọng đối với doanh nghiệp và cơ quan quản lý, cấp phép đầu tư tại các địa phương. Xuất phát từ thực tế đó, Bộ Công Thương, với sự trợ giúp của Dự án Hỗ trợ Thương mại Đa biên giai đoạn 3 (MUTRAP III) do Liên minh Châu Âu tài trợ, đã quyết định biên soạn và xuất bản cuốn sách “Cam kết về dịch vụ khi gia nhập WTO: Bình luận của người trong cuộc”. Như tên gọi đã chỉ ra, đây là cuốn sách do các chuyên viên đàm phán của Bộ Công Thương và một số Bộ, ngành liên quan - những người đã trực tiếp tham gia đàm phán gia nhập WTO và xây dựng Biểu cam kết dịch vụ - biên soạn. Điểm đặc biệt của cuốn sách là bên cạnh các giải thích chuyên môn đầy đủ và sâu nhất từ trước tới nay, những người viết đã cố gắng đưa ra một số tình huống giả định để truyền tải rõ hơn nội dung của các cam kết tới các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý hữu quan, hy vọng từ đó sẽ góp phần xây dựng được cách hiểu và thực thi nhất quán cam kết trên thực tế. Mặc dù có sự tham gia của người trong cuộc và tất cả đều đã rất cố gắng để bảo đảm diễn giải chính xác nội dung của các cam kết nhưng cuốn sách này, trong mọi trường hợp, không thể coi là giải thích chính thức của Bộ Công Thương hay của bất kỳ cơ quan quản lý nhà nước nào khác về nội dung của các cam kết trong lĩnh vực dịch vụ. Như đã trình bày, cuốn sách chỉ đưa ra bình luận và giải thích của những người đã trực tiếp tham gia đàm phán, với hy vọng góp thêm một tiếng nói cho quá trình hướng dẫn thực thi cam kết chứ không thay thế cho các giải thích chính thức của các cơ quan Nhà nước. Bộ Công Thương mong cuốn sách sẽ trở thành tài liệu tham khảo hữu ích cho các doanh nghiệp, các nhà quản lý và tất cả bạn đọc muốn tìm hiểu thêm về cam kết trong lĩnh vực dịch vụ của Việt Nam khi gia nhập WTO. Để những lần xuất bản sau được hoàn thiện hơn, Bộ Công Thương và những người tham gia biên soạn cuốn sách mong nhận được ý kiến góp ý, phê bình của các doanh nghiệp, các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu và toàn thể bạn đọc. Bộ Công Thương xin chân thành cảm ơn các chuyên gia của Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải và các Bộ, ngành liên quan khác về 3
  4. những đóng góp chuyên môn trong việc biên soạn cuốn sách này. Bộ Công Thương cũng xin cảm ơn Dự án Hỗ trợ Thương mại Đa biên giai đoạn 3 (MUTRAP III) đã hỗ trợ kinh phí cho việc in ấn và xuất bản cuốn sách. THỨ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG TRƯỞNG ĐOÀN ĐÀM PHÁN CHÍNH PHỦ NGUYỄN CẨM TÚ 4
  5. GIẢI THÍCH CHUNG VỀ BIỂU CAM KẾT DỊCH VỤ I. Kết cấu của Biểu cam kết dịch vụ Đàm phán mở cửa thị trường dịch vụ trong khuôn khổ WTO được tiến hành theo các nguyên tắc và quy định của Hiệp định chung về thương mại dịch vụ (GATS). Kết quả đàm phán được các bên có liên quan ghi lại vào một biểu theo mẫu quy định của WTO, được gọi là Biểu cam kết cụ thể về thương mại dịch vụ (trong tài liệu này, xin gọi tắt là Biểu cam kết dịch vụ hoặc Biểu cam kết). Biểu cam kết dịch vụ gồm 3 phần: phần cam kết chung, phần cam kết cụ thể và danh mục các biện pháp miễn trừ đối xử tối huệ quốc (miễn trừ MFN). Phần cam kết chung bao gồm các cam kết áp dụng cho tất cả các ngành dịch vụ xuất hiện trong Biểu cam kết dịch vụ. Phần này chủ yếu đề cập tới các chính sách kinh tế - thương mại tổng quát như các quy định về chế độ đầu tư, hình thức thành lập doanh nghiệp, chính sách đất đai, các biện pháp về thuế, trợ cấp v.v Do đây là các biện pháp ảnh hưởng đồng loạt tới tất cả các ngành nên WTO gọi là "cam kết nền" (horizontal commitments). Cụm từ này tương đối xa lạ với người Việt nên khi chuyển sang tiếng Việt, các cơ quan đã thống nhất sử dụng cụm từ "cam kết chung" (general commitments) cho dễ hiểu hơn. Một biện pháp, nếu đã được bảo lưu trong phần cam kết chung thì về nguyên tắc không cần phải xuất hiện lại trong phần cam kết cụ thể. Tuy nhiên, trong thực tế, thỉnh thoảng ta vẫn thấy một số biện pháp xuất hiện cả trong phần cam kết chung và phần cam kết cụ thể (thí dụ như tỷ lệ vốn tối đa mà các nhà đầu tư nước ngoài được phép đầu tư vào các ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam). Sở dĩ có hiện tượng đó là do các nhà đàm phán muốn khẳng định thêm "sức nặng" của biện pháp bảo lưu mà thôi, không liên quan đến kỹ thuật cam kết dịch vụ của WTO. Phần cam kết cụ thể bao gồm các cam kết áp dụng cho từng dịch vụ đưa vào Biểu cam kết dịch vụ. Với mỗi dịch vụ được liệt kê, đều có cam kết cụ thể đi kèm, chẳng hạn như các cam kết về dịch vụ viễn thông, dịch vụ bảo hiểm, dịch vụ ngân hàng hoặc dịch vụ vận tải. Nội dung cam kết thể hiện mức độ mở cửa thị trường đối với từng dịch vụ cho các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài. Danh mục các biện pháp miễn trừ đối xử tối huệ quốc liệt kê các biện pháp tuy vi phạm nguyên tắc MFN của WTO nhưng được các thành viên WTO, thông qua 5
  6. đàm phán, cho phép duy trì. Nguyên tắc MFN là nguyên tắc quan trọng bậc nhất của WTO, theo đó, các thành viên không được phân biệt đối xử giữa dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ của thành viên này với dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ của thành viên khác. Tuy nhiên, GATS cho phép một thành viên được vi phạm nguyên tắc MFN nếu thành viên này đưa biện pháp vi phạm vào danh mục các biện pháp miễn trừ đối xử tối huệ quốc và được các thành viên khác chấp thuận. Tên đầy đủ của danh mục là Danh mục các biện pháp miễn trừ đối xử tối huệ quốc. Tuy nhiên, các nhà đàm phán có thể dùng nhiều từ khác nhau để chỉ danh mục này, thí dụ "danh mục loại trừ MFN", "danh mục miễn trừ MFN" hay đơn giản hơn nữa là "ngoại lệ MFN". Một điều cần lưu ý là ngoài Biểu cam kết dịch vụ, Việt Nam còn đưa ra một số cam kết có liên quan đến mở cửa thị trường dịch vụ tại Báo cáo của Ban công tác về việc Việt Nam gia nhập WTO (Các chính sách ảnh hưởng đến thương mại dịch vụ, đoạn 472-508). Vì vậy, để có được bức tranh đầy đủ về cam kết trong lĩnh vực dịch vụ của Việt Nam, ngoài Biểu cam kết, cần tham khảo thêm cả Báo cáo của Ban công tác về việc Việt Nam gia nhập WTO II. Phương thức trình bày Biểu cam kết dịch vụ Biểu cam kết dịch vụ gồm 4 cột: i) cột mô tả ngành/phân ngành; ii) cột liệt kê các biện pháp về tiếp cận thị trường; iii) cột liệt kê các biện pháp về đối xử quốc gia và iv) cột liệt kê các cam kết bổ sung. Cột mô tả ngành/phân ngành thể hiện tên và mã số của dịch vụ cụ thể được đưa vào cam kết. Theo phân loại của WTO (tài liệu MTN.GNS/W/120), lĩnh vực dịch vụ được chia thành 11 ngành chính (sector), mỗi ngành chính lại phân tiếp thành nhiều ngành nhỏ hơn được gọi là phân ngành (sub-sector), tổng cộng bao gồm 155 phân ngành. Do tài liệu của W/120 của WTO chỉ liệt kê tên ngành/phân ngành, không giải thích nội dung cụ thể nên để thống nhất cách hiểu cho từng ngành/phân ngành, người ta phải viện dẫn đến Hệ thống phân loại sản phẩm trung tâm tạm thời (Provisional Central Product Classification - PCPC) của Liên hợp quốc. Vì vậy, mỗi ngành/phân ngành dịch vụ đưa vào Biểu cam kết đều có một mã số PCPC mà trong đàm phán, để thuận tiện, người ta thường ghi ngắn gọn là CPC. Việc ghi ngắn gọn như vậy đôi khi đã gây lầm lẫn giữa 2 tài liệu PCPC (được sử dụng để đàm phán) và CPC (được sử dụng cho mục đích thống kê), đều do Liên hợp quốc ban hành. 6
  7. Vì vậy, trong khuôn khổ đàm phán dịch vụ tại WTO, ký hiệu CPC phải được hiểu đầy đủ là PCPC. Giả sử một thành viên muốn đưa ra bản chào hoặc cam kết đối với ngành bảo hiểm nhân thọ. Trong tài liệu W/120 của WTO, dịch vụ này thuộc phần có tiêu đề "dịch vụ bảo hiểm", thuộc ngành "dịch vụ tài chính". Thông qua tham chiếu đến PCPC, dịch vụ bảo hiểm nhân thọ có mã số PCPC tương ứng là 8129. Vì vậy, trong bản chào hoặc biểu cam kết của mình, thành viên có liên quan sẽ ghi tại cột mô tả ngành dòng chữ "dịch vụ bảo hiểm nhân thọ (CPC 8129)". Cột hạn chế tiếp cận thị trường liệt kê các biện pháp hạn chế mà thành viên đưa ra cam kết muốn áp dụng cho các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài. GATS quy định 6 loại biện pháp hạn chế bao gồm: 1) hạn chế về số lượng nhà cung cấp dịch vụ; 2) hạn chế về tổng giá trị của các giao dịch hoặc tài sản; 3) hạn chế về tổng số hoạt động dịch vụ hoặc số lượng dịch vụ cung cấp; 4) hạn chế về số lượng lao động; 5) hạn chế hình thức thành lập doanh nghiệp; và 6) hạn chế vốn góp của nước ngoài. Biểu cam kết nào liệt kê càng nhiều biện pháp hạn chế thì mức độ mở cửa thị trường cho các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài càng chặt chẽ. Cột hạn chế đối xử quốc gia liệt kê các biện pháp mà thành viên đưa ra cam kết muốn duy trì để phân biệt đối xử giữa nhà cung cấp dịch vụ trong nước với nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài. Biểu cam kết nào liệt kê càng nhiều biện pháp trong cột này thì sự phân biệt đối xử giữa các nhà cung cấp dịch vụ trong nước với các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài càng lớn. Cột cam kết bổ sung liệt kê các biện pháp ảnh hưởng đến hoạt động cung cấp và tiêu dùng dịch vụ nhưng không thuộc về hạn chế tiếp cận thị trường hay hạn chế về đối xử quốc gia. Thí dụ, cột này có thể đưa ra các quy định liên quan đến trình độ, tiêu chuẩn kỹ thuật, các yêu cầu về thủ tục cấp phép v.v Nhìn chung, dù đã có nhiều nỗ lực trong việc thống nhất mục đích sử dụng của cột này, các thành viên WTO vẫn sử dụng cột này khá tùy tiện. III. Phương pháp tiếp cận “chọn - bỏ” và “chọn - cho” Phương pháp tiếp cận “chọn - bỏ” (negative) là cam kết theo dạng "được làm tất cả những gì không bị hạn chế". Phương pháp tiếp cận “chọn - cho” (positive) là cam kết theo dạng "chỉ được làm những gì được phép làm". WTO sử dụng phương pháp chọn - cho khi xác định phạm vi cam kết, tức là các ngành/phân ngành dịch vụ được đưa vào Biểu cam kết dịch vụ. Theo đó, bên đưa 7
  8. ra cam kết chỉ cam kết mở cửa thị trường cho các dịch vụ xuất hiện trong Biểu. Với những dịch vụ không xuất hiện trong Biểu, bên cam kết không có nghĩa vụ nào cả. Ví dụ, trong trường hợp của Việt Nam, những dịch vụ như quản lý bất động sản, in ấn, xuất bản không xuất hiện trong Biểu cam kết dịch vụ. Điều đó có nghĩa là Việt Nam không cam kết gì cho những ngành này, ngoại trừ nghĩa vụ áp dụng các quy tắc chung của GATS. Phương pháp tiếp cận chọn - cho này đã gây ra nhiều phiền toái cho việc giải thích và thực thi cam kết. Do các ngành/phân ngành không đưa vào Biểu cam kết của Việt Nam phần lớn đều là những ngành nhạy cảm (như phát thanh, truyền hình, in ấn, xuất bản, phân phối xăng dầu, phân phối dược phẩm) nên một số người đã hiểu nhầm rằng "không xuất hiện trong Biểu cam kết có nghĩa là bị cấm và vì vậy, không được cấp phép đầu tư". Thực ra thì không phải vậy. Việc một dịch vụ nào đó không xuất hiện trong Biểu cam kết chỉ mang một ý nghĩa duy nhất là Việt Nam không đưa ra cam kết gì cho dịch vụ đó mà thôi. Do không đưa ra cam kết nên Việt Nam sẽ không phải chịu bất kỳ ràng buộc nào đối với dịch vụ này, ngoài các nguyên tắc chung của GATS (như đối xử tối huệ quốc, minh bạch hóa v v). Tóm lại, với các dịch vụ không xuất hiện trong Biểu cam kết, Việt Nam được toàn quyền cho hay không cho nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài tiếp cận thị trường nước mình và trong trường hợp cho, được toàn quyền đưa ra các điều kiện cho việc cấp phép, miễn là tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của GATS. Giữa khái niệm "toàn quyền" và "tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của GATS" có một ranh giới rất mờ mà các nhà quản lý phải chú ý đặc biệt. Lấy dịch vụ xuất bản làm ví dụ. Do không xuất hiện trong Biểu cam kết dịch vụ nên Việt Nam có "toàn quyền" trong việc đóng cửa thị trường này đối với các nhà xuất bản nước ngoài. Tuy nhiên, nếu Việt Nam đồng ý cấp phép cho một nhà xuất bản nước ngoài nào đó thì ngay lập tức, việc "tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của GATS" sẽ được áp dụng. Do một trong những nguyên tắc cơ bản của GATS là MFN (không phân biệt đối xử giữa các thành viên) nên Việt Nam sẽ phải cấp phép cho cả các nhà xuất bản nước ngoài khác nếu được yêu cầu. Để xử lý nhất quán các vấn đề mà phương pháp tiếp cận chọn - cho tạo ra, cách tốt nhất là rà soát lại tất cả các ngành/phân ngành không xuất hiện trong Biểu cam kết dịch vụ và phân chúng vào các danh mục như (i) không cho phép đầu tư nước ngoài; (ii) cho phép có điều kiện và (iii) cho phép không điều kiện. Ví dụ, những ngành nhạy cảm cao như phát thanh, truyền hình, xuất bản có thể đưa vào danh mục "không cho phép đầu tư nước ngoài"; những ngành nhạy cảm vừa phải như in ấn, phân phối dược phẩm có thể đưa vào danh mục "cho phép có điều kiện" (ví dụ như chỉ cho phép hình thức liên doanh với tỷ lệ vốn góp của nước ngoài không 8
  9. vượt quá 49%); những ngành không nhạy cảm lắm như quản lý bất động sản, kinh doanh bất động sản có thể đưa vào danh mục "cho phép không điều kiện" để các tỉnh, thành có thể cấp phép theo nhu cầu. Việc có được các danh mục rõ ràng như vậy sẽ tạo thuận lợi rất nhiều cho các cơ quan quản lý, cấp phép đầu tư ở các địa phương và các doanh nghiệp. Phương pháp chọn - bỏ được sử dụng khi đưa ra cam kết đối với các dịch vụ được đưa vào Biểu. Theo đó, bên cam kết sẽ liệt kê toàn bộ các biện pháp hạn chế mà bên đó muốn áp dụng cho dịch vụ có liên quan. Ngoài các biện pháp này, sẽ không áp dụng bất kỳ biện pháp hạn chế nào khác trong số 6 biện pháp mà GATS liệt kê. Nguyên tắc là như vậy nhưng một vài thành viên WTO, khi đi vào từng ngành cụ thể, thỉnh thoảng vẫn áp dụng phương pháp chọn - cho. Vì vậy, hai cụm từ "không hạn chế, ngoại trừ" và "chưa cam kết, ngoại trừ" thường được đưa thêm vào Biểu cam kết để khẳng định phương pháp tiếp cận tại một phương thức cung cấp dịch vụ nào đó là chọn - bỏ hay chọn - cho. IV. Các phương thức cung cấp dịch vụ Để tiện cho đàm phán, GATS thống nhất quy định 4 phương thức cung cấp dịch vụ, bao gồm: • Phương thức 1 (Mode 1): Cung cấp qua biên giới • Phương thức 2 (Mode 2): Tiêu dùng ngoài lãnh thổ • Phương thức 3 (Mode 3): Hiện diện thương mại, và • Phương thức 4 (Mode 4): Hiện diện thể nhân. Phương thức cung cấp qua biên giới (gọi tắt là Phương thức 1 hay Mode 1) là phương thức mà theo đó, dịch vụ được cung cấp từ lãnh thổ của một thành viên này sang lãnh thổ của một thành viên khác, ví dụ như giáo dục từ xa qua mạng Internet. Theo phương thức này, cả người cung cấp dịch vụ lẫn người tiêu dùng dịch vụ đều không di chuyển ra khỏi lãnh thổ nước mình. Dịch vụ được cung cấp và tiêu thụ "qua biên giới". Phương thức tiêu dùng ngoài lãnh thổ (gọi tắt là Phương thức 2 hay Mode 2) là phương thức mà theo đó, người tiêu dùng của một thành viên di chuyển sang lãnh thổ của một thành viên khác để tiêu dùng dịch vụ, ví dụ như khách du lịch nước ngoài sang Việt Nam tham quan và mua sắm. 9
  10. Phương thức hiện diện thương mại (gọi tắt là Phương thức 3 hay Mode 3) là phương thức mà theo đó, nhà cung cấp dịch vụ của một thành viên thiết lập các hình thức hiện diện như công ty 100% vốn nước ngoài, công ty liên doanh, chi nhánh v.v trên lãnh thổ của một thành viên khác để cung cấp dịch vụ, ví dụ như Ngân hàng HSBC thành lập ngân hàng con 100% vốn HSBC tại Việt Nam để kinh doanh. Phương thức hiện diện thể nhân (gọi tắt là Phương thức 4 hay Mode 4) là phương thức theo đó thể nhân cung cấp dịch vụ của một thành viên di chuyển sang lãnh thổ của một thành viên khác để cung cấp dịch vụ, ví dụ như các nhà quản lý cấp cao, các nghệ sĩ nước ngoài sang Việt Nam biểu diễn nghệ thuật v v. Trong 2 cột Tiếp cận thị trường và Đối xử quốc gia của Biểu cam kết dịch vụ, ta thấy xuất hiện lần lượt các chữ số 1, 2, 3, 4 trước các lời văn cam kết. Đó chính là cách viết tắt của các phương thức 1, 2, 3 và 4 như đã trình bày trên. Vì vậy, khi thấy đề "(1) Không hạn chế" thì phải hiểu đầy đủ là "Phương thức 1: Không hạn chế", tức là không áp dụng bất kỳ hạn chế nào trong số các hạn chế mà GATS đã liệt kê đối với phương thức cung ứng dịch vụ qua biên giới. V. Mức độ cam kết Biểu cam kết dịch vụ là tài liệu mang tính ràng buộc pháp lý nên việc có hay không có các hạn chế về tiếp cận thị trường hay đối xử quốc gia phải được thể hiện hết sức chính xác và thống nhất. Phụ thuộc vào mức độ hạn chế mà mỗi thành viên có thể đưa ra, thường có 3 trường hợp sau: 1. Mở cửa toàn bộ (cam kết toàn bộ) Mở cửa toàn bộ (hay cam kết toàn bộ) có nghĩa là không áp dụng bất cứ hạn chế nào về tiếp cận thị trường hay đối xử quốc gia đối với một hoặc nhiều dịch vụ hay đối với một hoặc nhiều phương thức cung cấp dịch vụ. Trong trường hợp này, thành viên có liên quan sẽ thể hiện trong Biểu cam kết của mình dòng chữ “Không hạn chế” (None) vào các cột hoặc các phương thức thích hợp. Tuy nhiên, các biện pháp liệt kê trong phần cam kết chung vẫn được áp dụng. Có một điểm cần lưu ý là cam kết "không hạn chế" trong cột tiếp cận thị trường chỉ có ý nghĩa với 6 biện pháp mà GATS liệt kê. Các biện pháp mang tính hạn chế tiếp cận thị trường nhưng không nằm trong 6 biện pháp mà GATS liệt kê có thể vẫn được áp dụng nếu không vi phạm các cam kết khác hoặc các nguyên tắc cơ bản khác của GATS. 10
  11. Ví dụ, tại dịch vụ bảo hiểm nhân thọ, một thành viên ghi dòng chữ "Không hạn chế" vào Phương thức 3 của cả hai cột tiếp cận thị trường và đối xử quốc gia. Điều đó có nghĩa là thành viên đó sẽ không áp dụng bất kỳ hạn chế nào trong số 6 hạn chế mà GATS đã liệt kê đối với hiện diện thương mại của nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài và khi đã hiện diện trên lãnh thổ của thành viên, nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài sẽ được hưởng sự đối xử bình đẳng như các nhà cung cấp dịch vụ trong nước. Tuy nhiên, thành viên có liên quan vẫn có quyền quy định mức vốn pháp định cho hiện diện thương mại, thí dụ như phải có 100 triệu USD mới được thành lập công ty bảo hiểm nhân thọ. Quy định này không bị coi là vi phạm cam kết nếu nó cũng được áp dụng cho các công ty bảo hiểm nhân thọ trong nước (tuân thủ cam kết về đối xử quốc gia) và cho tất cả các công ty bảo hiểm đến từ bên ngoài (tuân thủ nguyên tắc tối huệ quốc). 2. Mở cửa kèm theo các hạn chế (cam kết một phần) Cam kết một phần xảy ra khi thành viên có liên quan chấp nhận đưa một ngành/phân ngành dịch vụ nào đó hay một phương thức cung cấp dịch vụ nào đó vào Biểu cam kết nhưng lại liệt kê (tại các vị trí thích hợp) các biện pháp hạn chế nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài. Khi đó, thành viên thường thể hiện trong Biểu cam kết của mình dòng chữ “Không hạn chế, ngoại trừ ” (None, except ) hoặc “Chưa cam kết, ngoại trừ ” (Unbound, except ). Ví dụ, tại Phương thức 2, cột tiếp cận thị trường của dịch vụ giáo dục, một thành viên ghi "Không hạn chế, trừ giáo dục tiểu học và trung học". Ghi như vậy có nghĩa là thành viên đó sẽ không áp dụng các biện pháp hạn chế công dân của mình ra nước ngoài để tiếp nhận giáo dục đại học và các loại hình giáo dục khác dành cho người lớn. Cam kết như thế được coi là "cam kết một phần" bởi thành viên vẫn có quyền duy trì các hạn chế đối với việc ra nước ngoài để theo học tiểu học và trung học. Một ví dụ khác, tại Phương thức 1, cột tiếp cận thị trường, dịch vụ phân phối, một thành viên ghi "Chưa cam kết, ngoại trừ bán phần mềm máy tính qua mạng". Ghi như vậy có nghĩa là thành viên sẽ không áp dụng bất kỳ hạn chế nào, kể cả hạn chế về thanh toán, đối với việc mua bán phần mềm máy tính qua mạng. Đối với các sản phẩm khác, thành viên vẫn duy trì quyền đưa ra các hạn chế nếu cần thiết bởi đã ghi rõ là "Chưa cam kết". Đây cũng là ví dụ cho thấy khi đi vào từng ngành cụ thể, các bên liên quan vẫn có thể sử dụng phương pháp tiếp cận chọn - cho dù theo nguyên tắc chung, phương pháp tiếp cận chọn - bỏ phải được áp dụng. 11
  12. Mở cửa một phần còn xảy ra khi một nhánh nhỏ của ngành hoặc phân ngành bị loại trừ hoàn toàn ra khỏi phạm vi cam kết. Ví dụ, tại cột mô tả ngành, một thành viên ghi "Dịch vụ bảo hiểm nhân thọ (CPC 8129), ngoại trừ bảo hiểm hưu trí". Trong trường hợp này, thành viên không đưa ra cam kết gì cho bảo hiểm hưu trí, một phân nhánh của ngành bảo hiểm nhân thọ. Tương tự, trong ngành dịch vụ phân phối, một thành viên có thể ghi rõ tại phần tiêu đề (chapeau) rằng "các cam kết dưới đây không áp dụng cho hoạt động phân phối thuốc lá, xăng dầu, dược phẩm và đường". Trong trường hợp này, thành viên có quyền duy trì mọi hạn chế đối với nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài trong việc phân phối thuốc lá, xăng dầu, dược phẩm và đường. 3. Chưa cam kết (Unbound) Nếu muốn duy trì khả năng đưa ra các biện pháp hạn chế về tiếp cận thị trường và đối xử quốc gia đối với một hoặc nhiều dịch vụ (hay với một hoặc nhiều phương thức cung cấp dịch vụ), thành viên có thể ghi dòng chữ "Chưa cam kết" (Unbound) vào các vị trí thích hợp trong Biểu cam kết, thường là vào các Phương thức cung cấp dịch vụ tại 2 cột tiếp cận thị trường và đối xử quốc gia. Trong một số trường hợp, một phương thức cung cấp dịch vụ có thể là không khả thi về mặt kỹ thuật. Ví dụ như cung cấp dịch vụ xây dựng qua biên giới. Khi đó, thành viên có thể ghi “Chưa cam kết do không khả thi về mặt kỹ thuật". 12
  13. PHẦN THỨ NHẤT CAM KẾT CHUNG I. Một số yếu tố cần chú ý khi tìm hiểu nội dung phần cam kết chung 1. Phạm vi áp dụng Tại cột mô tả ngành và phân ngành của phần cam kết chung có ghi “tất cả các ngành và phân ngành trong Biểu cam kết”. Ghi như vậy có nghĩa là tất cả các dịch vụ được liệt kê tại cột ngành và phân ngành trong Biểu cam kết (như dịch vụ kinh doanh, dịch vụ xây dựng, dịch vụ tài chính v.v.) đều phải chịu sự điều chỉnh của các biện pháp được mô tả trong phần cam kết chung. 2. Vấn đề cung cấp dịch vụ qua biên giới (Mode 1) và tiêu dùng ngoài lãnh thổ (Mode 2) Khác với phần cam kết cụ thể của Biểu cam kết, cột hạn chế tiếp cận thị trường và cột hạn chế đối xử quốc gia của phần cam kết chung không đề cập tới phương thức cung cấp dịch vụ qua biên giới (Mode 1) và phương thức tiêu dùng ngoài lãnh thổ (Mode 2). Việc thiếu vắng hai phương thức 1 và 2 tại phần cam kết chung không có nghĩa là Biểu cam kết đã bỏ sót 2 phương thức này. Nó chỉ hàm ý rằng Việt Nam hiện không duy trì các quy định hoặc biện pháp hạn chế áp dụng chung cho Phương thức 1 và Phương thức 2. Các biện pháp hạn chế, nếu có, sẽ được nêu tại các ngành và phân ngành dịch vụ cụ thể ở phần sau của Biểu cam kết. Chẳng hạn, Mode 1 của dịch vụ giáo dục trong Biểu cam kết ghi là “chưa cam kết”. Trong trường hợp này, dù không có quy định gì về Mode 1 tại phần cam kết chung, Việt Nam vẫn có quyền áp dụng mọi biện pháp hạn chế đối với việc cung cấp dịch vụ giáo dục qua biên giới (giáo dục từ xa). 3. Lưu ý nội dung phần cam kết chung khi tìm hiểu nội dung của phần cam kết cụ thể Như đã trình bày tại phần mở đầu, các biện pháp hoặc quy định ghi trong phần cam kết chung được áp dụng cho tất cả các ngành/phân ngành dịch vụ xuất hiện tại cột mô tả ngành/phân ngành của Biểu cam kết. Do đó, để nắm được toàn bộ nội dung 13
  14. cam kết đối với một ngành dịch vụ nào đó, bên cạnh việc tra cứu nội dung của phần cam kết cụ thể, cần tra cứu cả nội dung của phần cam kết chung. Ví dụ, trong dịch vụ nghiên cứu và phát triển có ghi “Không hạn chế” đối với Phương thức 3 nhưng ghi như vậy không có nghĩa là Việt Nam không duy trì bất kỳ hạn chế nào. Trong trường hợp này, các biện pháp nêu tại phần cam kết chung như "không được hiện diện dưới hình thức chi nhánh" hoặc "văn phòng đại diện không được hoạt động kinh doanh" vẫn được áp dụng. II. Bình luận nội dung cam kết 1. Trừ khi có quy định khác tại từng ngành và phân ngành cụ thể của Biểu cam kết này, doanh nghiệp nước ngoài được phép thành lập hiện diện thương mại tại Việt Nam dưới các hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh, doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Cam kết này khẳng định, với những ngành và phân ngành đã xuất hiện trong biểu cam kết, nếu không có bảo lưu gì khác, doanh nghiệp nước ngoài sẽ được quyền hiện diện dưới 3 hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh, doanh nghiệp liên doanh và doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Tuy nhiên, cam kết này chỉ áp dụng khi không có quy định gì khác tại phần cam kết cụ thể của Biểu cam kết. Vì vậy, để biết doanh nghiệp sẽ được hiện diện dưới hình thức nào trong một ngành hoặc phân ngành, ta phải căn cứ vào cam kết cụ thể của ngành hoặc phân ngành đó. Nếu trong ngành hoặc phân ngành mà ta quan tâm xuất hiện bảo lưu về hình thức hiện diện thương mại thì phải thực hiện theo bảo lưu. Tình huống giả định Một doanh nghiệp nước ngoài dự kiến vào Việt Nam để cung cấp dịch vụ tư vấn quản lý (CPC 865). Tại Mode 3 của dịch vụ này Việt Nam chỉ đưa ra bảo lưu về hình thức chi nhánh. Với các hình thức hiện diện khác, cam kết của Việt Nam là "không hạn chế". Trong trường hợp này, cam kết nêu tại phần cam kết chung sẽ được áp dụng. Doanh nghiệp nước ngoài được quyền lựa chọn trong 3 hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh, doanh nghiệp liên doanh hay doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Một doanh nghiệp khác dự kiến thành lập công ty liên doanh để cung cấp dịch vụ cho thuê máy móc và thiết bị khác (CPC 83109). Do Mode 3 của dịch vụ này ghi là “Chưa cam kết” nên Việt Nam không có nghĩa vụ phải chấp thuận đơn xin thành lập liên doanh của doanh nghiệp. 14
  15. 2. Các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được phép thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam nhưng các văn phòng đại diện không được tham gia vào các hoạt động sinh lợi trực tiếp. Văn phòng đại diện cũng được coi là một trong những hình thức hiện diện thương mại nhưng việc cho phép văn phòng đại diện được trực tiếp cung cấp dịch vụ tới người tiêu dùng là tùy thuộc vào luật pháp của mỗi nước. Tại Việt Nam, các văn phòng đại diện không được tham gia hoặc tiến hành các hoạt động sinh lợi trực tiếp. Các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài là cá nhân không được phép thành lập văn phòng đại diện vì theo quy định của Hiệp định chung về Thương mại dịch vụ (GATS), nhà cung cấp dịch vụ là cá nhân không được cung cấp dịch vụ qua hình thức hiện diện thương mại. Chỉ có các nhà cung cấp dịch vụ là pháp nhân mới được hưởng quyền này. 3. Chưa cam kết việc thành lập chi nhánh, trừ khi có quy định tại từng ngành và phân ngành cụ thể của Biểu cam kết này. Để được cung cấp dịch vụ tại Việt Nam, doanh nghiệp nước ngoài phải hiện diện dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh, doanh nghiệp liên doanh hoặc doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Việt Nam không có nghĩa vụ phải xem xét các đơn xin thành lập chi nhánh để cung cấp dịch vụ trừ khi việc cho phép hình thức chi nhánh đã được ghi rõ trong Biểu cam kết, thí dụ như ở dịch vụ ngân hàng hay dịch vụ máy tính. Chi nhánh đề cập ở đây là chi nhánh của doanh nghiệp bên ngoài, không phải của hiện diện thương mại đã xuất hiện ở Việt Nam. Nếu doanh nghiệp nước ngoài đã thiết lập hiện diện thương mại tại Việt Nam (công ty liên doanh, công ty 100% vốn nước ngoài) thì việc hiện diện thương mại đó mở chi nhánh tại các tỉnh và thành phố ngoài trụ sở chính được điều chỉnh bằng các quy định khác của pháp luật, không liên quan gì đến cam kết này. Tình huống giả định Một doanh nghiệp nước ngoài xin thành lập chi nhánh để cung cấp dịch vụ máy tính và dịch vụ viễn thông. Tham chiếu nội dung cam kết của dịch vụ máy tính (cho phép hiện diện dưới hình thức chi nhánh) và dịch vụ viễn thông (không đề cập đến hình thức chi nhánh), cơ quan cấp phép có thể chỉ cho phép thành lập chi 15
  16. nhánh để cung cấp dịch vụ máy tính mà không cho phép cung cấp dịch vụ viễn thông. Nếu doanh nghiệp nước ngoài muốn cung cấp cả hai dịch vụ, họ phải xin thành lập dưới hình thức khác. Trong trường hợp này là hình thức liên doanh bởi đây là hình thức hiện diện đã được cam kết trong cả hai dịch vụ. 4. Các điều kiện về sở hữu, hoạt động, hình thức pháp nhân và phạm vi hoạt động được quy định tại giấy phép thành lập hoặc cho phép hoạt động và cung cấp dịch vụ, hoặc các hình thức chấp thuận tương tự khác, của nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam sẽ không bị hạn chế hơn so với mức thực tế tại thời điểm Việt Nam gia nhập WTO. Như nhiều Thành viên khác của WTO, cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO có thể chặt hơn hiện trạng. Thí dụ, trong một ngành dịch vụ nào đó, Việt Nam có thể đã cho phép doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài nhưng trong cam kết, Việt Nam lại ghi là "chỉ cho phép hiện diện dưới hình thức liên doanh". Trong trường hợp này, sẽ xuất hiện mâu thuẫn giữa hiện trạng và cam kết nên để xử lý mâu thuẫn, các Biểu cam kết dịch vụ tại WTO thường đưa vào một câu như trên để "bảo lưu hiện trạng" cho các giấy phép đã cấp ra trước ngày cam kết có hiệu lực. Nói cách khác, Việt Nam không thể dựa vào cam kết khi gia nhập WTO để thu hẹp lại những gì đã cho phép từ trước ngày gia nhập WTO. Với điều khoản này, nước đưa ra cam kết sẽ không bị coi là vi phạm nguyên tắc MFN khi các giấy phép cấp ra sau ngày gia nhập WTO có nội dung và phạm vi hẹp hơn so với các giấy phép cấp ra trước ngày gia nhập WTO. Tình huống giả định Doanh nghiệp A của nước ngoài đã được cấp giấy phép thành lập siêu thị 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam từ trước năm 2007. Theo cam kết trong dịch vụ phân phối, phải đến năm 2009 hình thức doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài mới được phép thành lập. Tuy nhiên, với cam kết "bảo lưu hiện trạng" nói trên, doanh nghiệp A vẫn có quyền duy trì các siêu thị của mình. Tương tự doanh nghiệp A, doanh nghiệp B cũng đã được phép mở một số siêu thị 100% vốn nước ngoài từ trước năm 2007. Các siêu thị này, từ trước năm 2007, đã tham gia phân phối mặt hàng gạo. Theo cam kết trong dịch vụ phân phối thì gạo là mặt hàng mà Việt Nam có quyền không cho phép doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phân phối. Vậy các siêu thị của doanh nghiệp B có được tiếp tục bán gạo hay không? 16
  17. Theo điều khoản "bảo lưu" thì những gì đã cho phép từ trước khi Việt Nam gia nhập WTO sẽ không bị thu hẹp lại. Vì vậy, các siêu thị của doanh nghiệp B, nếu đã được phép bán gạo từ trước năm 2007, sẽ tiếp tục được bán gạo sau khi Việt Nam gia nhập WTO. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp B lập thêm siêu thị mới thì Việt Nam có quyền không cho phép các siêu thị mới đó kinh doanh mặt hàng gạo, trừ phi giấy phép đầu tư của doanh nghiệp B có quy định khác đi. Một bệnh viện 100% vốn nước ngoài được cấp phép đầu tư từ trước năm 2007. Giấy phép đầu tư quy định rõ bệnh viện được quyền bán lẻ thuốc chữa bệnh cho bệnh nhân nội trú và ngoại trú. Tháng 8/2008, cơ quan quản lý kiểm tra và phạt hành chính bệnh viện về hành vi "bán lẻ thuốc chữa bệnh" bởi theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO, nước ngoài không được phép tham gia bán buôn và bán lẻ thuốc chữa bệnh. Quyết định của cơ quan quản lý là không chính xác bởi chỉ căn cứ vào cam kết trong dịch vụ phân phối mà không để ý đến cam kết tại phần cam kết chung, cụ thể là điều khoản "bảo lưu hiện trạng". 5. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép thuê đất để thực hiện dự án đầu tư của mình. Thời hạn thuê đất phải phù hợp với thời hạn hoạt động của các doanh nghiệp này, được quy định trong giấy phép đầu tư. Thời hạn thuê đất sẽ được gia hạn khi thời gian hoạt động của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền gia hạn. Đây là quy định liên quan đến vấn đề thuê đất của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực dịch vụ. Thực ra, Việt Nam không nhất thiết phải đưa ra cam kết về vấn đề này nhưng vì một số lý do khách quan, cam kết về 'thuê đất" đã xuất hiện trong phần cam kết chung. 6. Nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được phép góp vốn dưới hình thức mua cổ phần trong các doanh nghiệp Việt Nam. Trong trường hợp này, tổng mức vốn cổ phần do các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trong một doanh nghiệp không được vượt quá 30% vốn điều lệ của doanh nghiệp đó, trừ khi luật pháp Việt Nam có quy định khác hoặc được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép. Một năm sau khi gia nhập, hạn chế 30% cổ phần nước ngoài trong việc mua cổ phần của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ được bãi bỏ, ngoại trừ đối với việc góp vốn dưới hình thức mua cổ phần trong các ngân hàng thương mại cổ phần và với những ngành không cam kết trong Biểu cam kết này. Với các ngành và phân ngành khác đã cam kết trong Biểu cam kết này, mức cổ phần do các nhà đầu tư nước 17
  18. ngoài nắm giữ khi mua cổ phần tại doanh nghiệp Việt Nam phải phù hợp với các hạn chế về tỷ lệ tham gia vốn của nước ngoài được quy định trong các ngành và phân ngành đó, bao gồm cả hạn chế dưới dạng thời gian chuyển đổi, nếu có. Cam kết về tỷ lệ tham gia cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong các công ty cổ phần của Việt Nam là một trong những cam kết phức tạp nhất của Việt Nam khi gia nhập WTO. Theo cam kết này, trong năm đầu tiên sau khi gia nhập WTO, Việt Nam có quyền hạn chế tỷ lệ tham gia cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài ở mức 30%, thậm chí thấp hơn. Một năm sau đó, hạn chế 30% này sẽ được bãi bỏ, trừ đối với ngành ngân hàng và những ngành không cam kết trong Biểu cam kết dịch vụ. Nói cách khác, một năm sau khi gia nhập WTO, đối với hơn 100 phân ngành dịch vụ mà Việt Nam đã chào ra trong Biểu cam kết, Việt Nam phải đưa ra tỷ lệ mới, trừ ngành ngân hàng vẫn được giữ ở mức 30%. Với những ngành dịch vụ mà Việt Nam không đưa vào Biểu cam kết (như in ấn, xuất bản ) và toàn bộ các ngành sản xuất, Việt Nam vẫn có quyền quy định tỷ lệ tham gia cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài ở bất kỳ mức nào, thậm chí là 0%. Với những ngành/phân ngành dịch vụ đã xuất hiện trong Biểu cam kết, tỷ lệ mới sẽ tùy theo mức độ và thời gian mở cửa của ngành đó. Thí dụ như ngành chuyển phát nhanh, Việt Nam cho phép nước ngoài sở hữu đến 51% vốn của doanh nghiệp liên doanh ngay từ khi gia nhập WTO, đến tháng 1/2012 thì cho phép doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Như vậy, nhà đầu tư nước ngoài sẽ được quyền mua tới 51% cổ phần của các doanh nghiệp chuyển phát nhanh vào năm 2008, khi hạn chế 30% được bãi bỏ. Đến tháng 1/2012, họ sẽ được quyền mua tới 100% nếu như có người bán. Tỷ lệ cho các ngành khác cũng được suy ra theo cách tương tự. Có những ngành tuy xuất hiện trong Biểu cam kết nhưng khi đi vào chi tiết Việt Nam lại loại trừ một số lĩnh vực. Với những lĩnh vực này, Việt Nam vẫn có quyền hạn chế tỷ lệ tham gia vốn của nhà đầu tư nước ngoài. Thí dụ như ngành phân phối, kể từ 01/01/2009, nhà đầu tư nước ngoài đã được phép thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam nên về nguyên tắc, họ sẽ được mua tới 100% cổ phần của các công ty phân phối. Tuy nhiên, với dược phẩm và xăng dầu, Việt Nam lại bảo lưu quyền không cho phép nước ngoài tham gia phân phối nên trên thực tế, Việt Nam vẫn có thể hạn chế tỷ lệ tham gia cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong các công ty phân phối dược phẩm và xăng dầu ở bất kỳ mức nào, kể cả mức 0%. Tương tự là dịch vụ ghi âm. Tuy dịch vụ này đã xuất hiện trong Biểu cam kết nhưng Việt Nam lại không đưa ra bất kỳ cam kết gì về hiện diện 18
  19. thương mại trong ngành này. Vì vậy, về nguyên tắc, Việt Nam vẫn có quyền quy định tỷ lệ tham gia vốn cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài ở bất kỳ mức nào. Biểu cam kết dịch vụ chỉ đưa ra cam kết về thương mại dịch vụ. Các ngành sản xuất không phải là đối tượng của đàm phán gia nhập WTO và tỷ lệ tham gia vốn cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong các ngành sản xuất cũng không chịu sự điều chỉnh của Biểu cam kết dịch vụ. Cam kết về tỷ lệ tham gia vốn cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đã làm nảy sinh một số vấn đề kỹ thuật hết sức phức tạp. Thứ nhất, với những ngành dịch vụ không xuất hiện trong Biểu cam kết, tỷ lệ tham gia vốn cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài sẽ ở mức nào? Có ý kiến đề nghị áp dụng theo Luật Doanh nghiệp nhưng việc này không đơn giản bởi nhà đầu tư nước ngoài không thể tham gia vốn vào các ngành in ấn, xuất bản, phân phối dược phẩm, phân phối xăng dầu như nhà đầu tư Việt Nam. Thứ hai, cam kết gia nhập WTO cho phép Việt Nam không mở cửa một số ngành như in ấn, phân phối dược phẩm, phân phối xăng dầu. Tuy nhiên, trên thực tế, Việt Nam đã cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được mua tới 49% cổ phần của các công ty dược, in ấn và bán buôn, bán lẻ xăng dầu niêm yết trên sàn chứng khoán. Mâu thuẫn này, nếu chậm được xử lý, có thể ảnh hưởng tới một số quyền chính đáng mà Việt Nam lẽ ra được hưởng theo cam kết gia nhập WTO. Thứ ba, tỷ lệ tham gia vốn của nhà đầu tư nước ngoài được cam kết ở mức khác nhau cho các ngành khác nhau trong Biểu cam kết dịch vụ. Nếu một doanh nghiệp hoạt động đồng thời trong 3-4 ngành thì tỷ lệ tham gia vốn của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp đó sẽ được xác định theo mức nào? Vấn đề này có thể gây khó khăn cho cả đầu tư trực tiếp, không riêng gì đầu tư gián tiếp. Để xử lý các vấn đề trên, có ý kiến cho rằng nên tiếp cận theo hướng quy định thật rõ một khu vực hạn chế vốn đầu tư gián tiếp của nước ngoài. Tỷ lệ tham gia vốn sẽ là 0% với những ngành thật nhạy cảm như phát thanh, truyền hình, xuất bản. Với những ngành ít nhạy cảm hơn như in ấn, cảng biển, phân phối dược phẩm, phân phối xăng dầu có thể cho phép nước ngoài được tham gia vốn ở mức độ nhất định, có lưu ý đến thực tế là Việt Nam đã cho phép họ được mua cổ phần của các công ty niêm yết trên sàn. Ngoài khu vực hạn chế này, có thể cho phép nhà đầu tư nước ngoài được mua cổ phần ở mức không hạn chế. Tình huống giả định 19
  20. Một doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ bảo vệ tại TP Hồ Chí Minh muốn bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, do dịch vụ bảo vệ không được đưa vào cam kết trong Biểu cam kết nên cơ quan cấp phép có quyền từ chối yêu cầu của doanh nghiệp nếu pháp luật trong nước không có quy định gì khác. Công ty NCK của Việt Nam chuyên hoạt động trong lĩnh vực phân phối điện thoại di động muốn bán cổ phần cho nhà đầu tư Hàn Quốc. Công ty này hiện đã có hàng chục cửa hàng bán lẻ điện thoại di động tại các tỉnh, thành trọng điểm. Chiểu theo cam kết tại phần cam kết chung và cam kết về hình thức hiện diện thương mại cũng như về mặt hàng hạn chế sự tham gia của nước ngoài trong dịch vụ phân phối, việc bán cổ phần của Công ty NCK dường như không gặp vướng mắc gì. Tuy nhiên, cam kết của dịch vụ phân phối lại quy định "việc thành lập điểm bán lẻ từ thứ hai trở đi của nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài phải được xem xét trên cơ sở kiểm tra nhu cầu kinh tế". Mặc dù Công ty NCK là pháp nhân Việt Nam nhưng nếu bán cố phần cho nhà đầu tư Hàn Quốc thì theo quy định của WTO, pháp nhân mới sẽ được coi là nhà cung cấp dịch vụ có yếu tố nước ngoài và vì vậy, phải chịu sự điều chỉnh của các quy định về hạn chế mở thêm điểm bán lẻ. Do Công ty NCK đã có nhiều hơn một điểm bán lẻ nên việc bán cổ phần cho nhà đầu tư Hàn Quốc của công ty có thể bị cơ quan cấp phép từ chối, trừ trường hợp pháp luật hiện hành có quy định khác. Công ty LHT tại TP Hồ Chí Minh chuyên cung cấp dịch vụ nghiên cứu thị trường muốn bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài. Công ty muốn biết tỷ lệ cổ phần có thể bán cho nhà đầu tư nước ngoài là bao nhiêu. Đối chiếu với cam kết của dịch vụ nghiên cứu thị trường trong Biểu cam kết, ta thấy nước ngoài được thành lập liên doanh với vốn góp không quá 51% vốn pháp định ngay từ khi Việt Nam gia nhập WTO (năm 2007) và được thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài từ ngày 01/01/2009. Kết hợp với cam kết về bãi bỏ hạn chế tỷ lệ tham gia vốn cổ phần tại phần cam kết chung, năm 2008 Công ty LHT sẽ được quyền bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài ở mức tối đa là 51% vốn điều lệ và từ ngày 01/01/2009, được quyền bán toàn bộ công ty cho nhà đầu tư nước ngoài. 7. Các khoản trợ cấp có thể chỉ dành cho các nhà cung cấp dịch vụ Việt Nam, nghĩa là các pháp nhân được thành lập trên lãnh thổ Việt Nam, hoặc một vùng của Việt Nam. Việc dành trợ cấp một lần để thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình cổ phần hóa không bị coi là vi phạm cam kết này. Chưa cam kết đối với các khoản trợ cấp dành cho nghiên cứu và phát triển. Chưa cam kết đối với các khoản trợ cấp trong các ngành y tế, giáo dục và nghe nhìn. Chưa cam kết đối với 20
  21. các khoản trợ cấp nhằm nâng cao phúc lợi và tạo công ăn việc làm cho đồng bào thiểu số. Cam kết này được đưa ra trong cột "đối xử quốc gia", ngụ ý rằng khi đưa ra trợ cấp cho lĩnh vực dịch vụ, Chính phủ Việt Nam sẽ không phân biệt đối xử doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vì cả hai đối tượng này đều là “pháp nhân được thành lập trên lãnh thổ Việt Nam hoặc một vùng của Việt Nam”. Chẳng hạn, nếu Chính phủ miễn giảm thuế cho các doanh nghiệp lữ hành 100% vốn Việt Nam thì việc miễn giảm thuế đó cũng được áp dụng cho các doanh nghiệp lữ hành có vốn đầu tư nước ngoài. Trong một số trường hợp, Chính phủ Việt Nam được quyền dành riêng trợ cấp cho doanh nghiệp dịch vụ 100% vốn Việt Nam mà không bị coi là vi phạm cam kết. Trước hết, đó là các khoản trợ cấp một lần để hỗ trợ cho quá trình cổ phần hoá, thí dụ như miễn giảm thuế hoặc ưu đãi tín dụng. Tuy nhiên, khoản trợ cấp này chỉ được phép cung cấp một lần. Không thể lấy lý do "hỗ trợ cổ phần hóa" để cung cấp trợ cấp riêng và lâu dài cho doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam. Đối với trợ cấp dành cho nghiên cứu và phát triển, trợ cấp dành cho các ngành y tế, giáo dục, nghe nhìn và trợ cấp nhằm nâng cao phúc lợi và tạo công ăn việc làm cho đồng bào thiểu số, Chính phủ Việt Nam không có nghĩa vụ phải đối xử công bằng giữa doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Ví dụ, các trường đại học Việt Nam có thể nhận các khoản trợ cấp từ ngân sách nhà nước nhưng các trường đại học có vốn đầu tư nước ngoài có thể không được hưởng các khoản trợ cấp này. 8. Chưa cam kết, trừ các biện pháp liên quan đến nhập cảnh và lưu trú tạm thời của các thể nhân thuộc các nhóm sau: (a) Người di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp Các nhà quản lý, giám đốc điều hành và chuyên gia, như được định nghĩa dưới đây, của một doanh nghiệp nước ngoài đã thành lập hiện diện thương mại trong lãnh thổ Việt nam, di chuyển tạm thời trong nội bộ doanh nghiệp sang hiện diện thương mại này và đã được doanh nghiệp nước ngoài tuyển dụng trước đó ít nhất 1 năm, được phép nhập cảnh và lưu trú trong thời gian ban đầu là 3 năm và sau đó có thể được gia hạn tuỳ thuộc vào thời hạn hoạt động của các đơn vị này tại Việt Nam. Ít nhất 20% tổng số các nhà quản lý, giám đốc điều hành và chuyên gia phải là công dân Việt Nam. Tuy nhiên, mỗi doanh nghiệp nước ngoài sẽ được phép 21
  22. có tối thiểu 3 nhà quản lý, giám đốc điều hành và chuyên gia không phải là người Việt Nam. Với phương thức hiện diện thể nhân (Mode 4), như nhiều Thành viên WTO khác, Việt Nam cũng không đưa ra cam kết, ngoại trừ đối với một số đối tượng nhất định, trước hết là với người di chuyển trong nội bộ công ty. Theo cam kết trích ở trên, các doanh nghiệp nước ngoài đã thiết lập hiện diện thương mại tại Việt Nam (như văn phòng đại diện, chi nhánh, công ty có vốn đầu tư nước ngoài) được phép luân chuyển các nhà quản lý, giám đốc điều hành hoặc chuyên gia từ nơi khác sang Việt Nam làm việc trong hiện diện thương mại mà họ đã thành lập tại Việt Nam. Các nhà quản lý, giám đốc điều hành hoặc chuyên gia này phải đã được doanh nghiệp nước ngoài tuyển mộ 1 năm trước khi sang Việt Nam. Thời gian lưu trú của những đối tượng này tại Việt Nam là 3 năm và có thể được gia hạn. Yêu cầu "ít nhất 20% tổng số các nhà quản lý, giám đốc điều hành hoặc chuyên gia phải là công dân Việt Nam" được đưa ra để khuyến khích nước ngoài chuyển giao công nghệ quản lý cho người Việt Nam. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, mỗi hiện diện thương mại của nước ngoài đều được quyền có tối thiểu là 3 nhà quản lý, giám đốc điều hành hoặc chuyên gia không phải là người Việt Nam. Cam kết này của Việt Nam là tương tự như cam kết của rất nhiều Thành viên WTO khác. Nói chung, các Thành viên WTO không hạn chế việc di chuyển nhân sự cấp cao trong nội bộ công ty. Họ chỉ đưa ra định nghĩa thế nào thì được coi là nhân sự cấp cao (nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia) nhằm hạn chế các trường hợp lợi dụng cam kết để di chuyển lao động có tay nghề thấp. Tình huống giả định Văn phòng đại diện của Tập đoàn viễn thông A của Hoa Kỳ tại Việt Nam hiện có 2 nhân sự cấp cao, đều là người nước ngoài. Để hỗ trợ thêm cho hoạt động của tập đoàn tại Việt Nam, văn phòng đại diện quyết định tuyển dụng thêm một chuyên gia của tập đoàn từ Thái Lan sang. Theo nội dung cam kết, việc tuyển dụng đó là được phép bởi người này đáp ứng được các tiêu chuẩn của chuyên gia mà Việt Nam đã đưa ra trong Biểu cam kết. Hạn mức 20% không áp dụng trong trường hợp này vì hiện diện thương mại của nước ngoài được quyền có tối thiểu 3 nhân sự cấp cao không phải là người Việt Nam. 22
  23. Sau một thời gian hoạt động, văn phòng đại diện nói trên quyết định tăng số lượng nhân sự cấp cao lên 5 người. Văn phòng dự kiến mời thêm 2 chuyên gia khác của tập đoàn từ Singapore sang. Cơ quan quản lý của Việt Nam không đồng ý bởi nếu số lượng nhân sự cấp cao vượt quá 3, hạn mức 20% sẽ được áp dụng. Công ty đồng ý chỉ mời thêm 1 chuyên gia từ Singapore sang, vị trí còn lại sẽ tuyển dụng công dân Việt Nam. Làm như vậy là hoàn toàn phù hợp với cam kết. (b) Nhân sự khác Các nhà quản lý, giám đốc điều hành và chuyên gia, như được định nghĩa ở mục a trên đây, mà người Việt Nam không thể thay thế, do một doanh nghiệp nước ngoài đã thành lập hiện diện thương mại tại Việt Nam tuyển dụng bên ngoài lãnh thổ Việt Nam để tham gia vào hoạt động của doanh nghiệp này trên lãnh thổ Việt nam, được phép nhập cảnh và lưu trú theo thời hạn của hợp đồng lao động có liên quan hoặc trong một thời gian lưu trú ban đầu là 3 năm, tùy theo thời hạn nào ngắn hơn và sau đó có thể được gia hạn tuỳ thuộc vào thời hạn của hợp đồng lao động giữa họ với hiện diện thương mại này. Nếu hiện diện thương mại của doanh nghiệp nước ngoài cần nhà quản lý, giám đốc điều hành hoặc chuyên gia nhưng không thể tìm ra ứng cử viên tại Việt Nam thì có thể tuyển dụng ở nước khác và đưa sang làm việc tại Việt Nam. Tuy nhiên, đó phải là những nhân sự mà “người Việt Nam không thể thay thế”. Cam kết tại mục này khác với cam kết nêu tại mục (a). Mục (a) đề cập đến nhân sự đã làm việc được tối thiểu là 1 năm trong công ty. Mục này đề cập đến nhân sự mới tuyển dụng để đưa sang làm việc tại Việt Nam. Đối tượng này phải chịu hạn chế lớn hơn so với đối tượng nêu tại mục (a). Cụ thể, hiện diện thương mại phải chứng minh được rằng họ không thể tìm được người Việt Nam để tuyển dụng vào vị trí có liên quan. Cho tới nay, dường như chưa có văn bản nào của Việt Nam cụ thể hóa nội dung cam kết này. (e) Nhà cung cấp dịch vụ theo hợp đồng (CSS) Các tự nhiên nhân làm việc trong một doanh nghiệp nước ngoài không có hiện diện thương mại tại Việt Nam có thể nhập cảnh và lưu trú tại Việt Nam trong thời hạn 90 ngày hoặc theo thời hạn hợp đồng, tùy thời hạn nào ngắn hơn, nếu đáp ứng được các điều kiện và yêu cầu sau: 23
  24. - Doanh nghiệp nước ngoài đã có hợp đồng dịch vụ với một doanh nghiệp Việt Nam hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Cơ quan có thẩm quyền Việt Nam phải thực hiện được các thủ tục cần thiết để đảm bảo tính xác thực của hợp đồng. - Những người này phải có: (a) bằng đại học hoặc chứng chỉ chuyên môn kỹ thuật chứng nhận có kiến thức tương đương; (b) trình độ chuyên môn, nếu cần, để thực hiện công việc trong lĩnh vực liên quan theo quy định của pháp luật Việt Nam; và (c) ít nhất 5 năm kinh nghiệm chuyên môn trong lĩnh vực dịch vụ này. - Số lượng các tự nhiên nhân theo quy định trong Hợp đồng sẽ không nhiều hơn mức cần thiết để thực hiện hợp đồng và có thể do luật pháp, điều kiện và yêu cầu ở Việt Nam quyết định. - Những người này đã được doanh nghiệp nước ngoài không có hiện diện thương mại tại Việt Nam sử dụng ít nhất hai năm và phải đáp ứng các điều kiện đối với “chuyên gia” nói trên. Những người này được nhập cảnh để cung cấp dịch vụ máy tính và các dịch vụ liên quan (CP 841-845, 849) và dịch vụ tư vấn kỹ thuật (CPC 8672). Nhiều Thành viên WTO cho phép nhân viên của các doanh nghiệp nước ngoài không có hiện diện thương mại trên lãnh thổ họ được nhập cảnh vào lãnh thổ họ để hỗ trợ khách hàng trong quá trình thực hiện hợp đồng. Những người này được gọi là "nhà cung cấp dịch vụ theo hợp đồng" (CSS). Việt Nam cũng đưa ra cam kết cho CSS nhưng phạm vi cam kết rất hẹp (chỉ áp dụng cho dịch vụ máy tính và dịch vụ tư vấn kỹ thuật). Nội dung cam kết của Việt Nam cũng rất chặt. Trên thực tế, Việt Nam hầu như không có hạn chế gì đối với CSS. Họ chính là hàng ngàn chuyên gia nước ngoài đang làm việc tại nhiều dự án của Việt Nam, nhất là các dự án được tài trợ bằng nguồn vốn ODA. Tuy nhiên, trong tương lai, khi người Việt Nam đảm nhận được các công việc này, Việt Nam có quyền đưa ra các hạn chế đối với CSS mà không ngại vi phạm cam kết với WTO. * 24
  25. PHẦN THỨ HAI CAM KẾT CỤ THỂ I. DỊCH VỤ KINH DOANH A. DỊCH VỤ CHUYÊN MÔN 1. Dịch vụ pháp lý (CPC 861) a. Phạm vi dịch vụ pháp lý mà tổ chức luật sư nước ngoài được phép cung cấp Trong Biểu cam kết sử dụng cụm từ “tổ chức luật sư nước ngoài”, được hiểu là tổ chức của các luật sư hành nghề do một hoặc nhiều luật sư hoặc công ty luật nước ngoài thành lập ở nước ngoài dưới bất kỳ hình thức công ty thương mại nào, bao gồm hãng luật, công ty luật trách nhiệm hữu hạn, công ty luật cổ phần v.v Theo nội dung cam kết, tổ chức luật sư nước ngoài được phép cung cấp tất cả các loại hình dịch vụ pháp lý trừ hai loại hình gồm: i) tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa hay đại diện khách hàng của mình trước Toà án Việt Nam; và ii) dịch vụ giấy tờ pháp lý và công chứng liên quan tới pháp luật Việt Nam. Điều này có nghĩa là họ chủ yếu được thực hiện các công việc sau: - Các tổ chức luật sư nước ngoài (không có hiện diện thương mại tại Việt Nam) được cung cấp dịch vụ tư vấn liên quan tới luật nước ngoài (luật của một nước khác), luật quốc tế (luật thương mại quốc tế, luật kinh tế ) v.v ; - Các tổ chức luật sư nước ngoài có mặt tại Việt Nam dưới các hình thức chi nhánh, công ty con của tổ chức luật sư nước ngoài, công ty luật nước ngoài, công ty luật hợp danh có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được quyền tư vấn luật trong tất cả các lĩnh vực. Các tổ chức này được phép tư vấn luật Việt Nam nếu luật sư tư vấn của tổ chức đã tốt nghiệp đại học luật của Việt Nam và đáp ứng được các yêu cầu áp dụng cho luật sư hành nghề tương tự của Việt Nam; Tình huống giả định Một công ty nước ngoài đang dự định đầu tư vào Việt Nam muốn tìm hiểu về luật đầu tư nước ngoài của Việt Nam. Công ty này thuê chi nhánh của Công ty Luật Baker&McKenzie tại Hà Nội tư vấn cách thức lập dự án theo luật pháp của Việt 25
  26. Nam. Nếu luật sư tư vấn của Công ty Baker&McKenzie đã tốt nghiệp đại học luật Việt Nam và đáp ứng được các yêu cầu áp dụng cho luật sư Việt Nam thì việc nhận hợp đồng tư vấn này không vi phạm cam kết. b. Vấn đề thuê luật sư Việt Nam và luật sư nước ngoài Theo nội dung cam kết, các tổ chức luật sư nước ngoài có hiện diện tại Việt Nam được phép thuê luật sư Việt Nam và luật sư nước ngoài để cung cấp dịch vụ miễn là các luật sư này phải đáp ứng được các điều kiện về chuyên môn theo quy định của pháp luật Việt Nam. Đối với trường hợp này, các công ty luật Việt Nam được đối xử như thế nào thì các hình thức hiện diện thương mại của tổ chức luật sư nước ngoài được đối xử như vậy. Tình huống giả định Công ty luật P&C là công ty luật nước ngoài tại TP Hồ Chí Minh muốn tuyển 1 người Việt Nam để cung cấp dịch vụ tư vấn luật Việt Nam cho khách hàng. Người này chưa có bằng cử nhân luật theo quy định của pháp luật Việt Nam. Trường hợp này cần được xử lý như thế nào? Công ty luật P&C có quyền thuê người Việt Nam vào làm việc cho mình nhưng nếu những nhân viên này chưa tốt nghiệp đại học luật Việt Nam và chưa có đủ điều kiện áp dụng cho luật sư Việt Nam thì không được tư vấn luật Việt Nam. Trong ví dụ nêu trên, việc công ty P&C thuê nhân viên chưa tốt nghiệp đại học luật để tư vấn luật Việt Nam là không phù hợp với cam kết. 2. Dịch vụ kế toán, kiểm toán và ghi sổ kế toán (CPC 862) a. Vấn đề cung cấp dịch vụ qua biên giới (từ nước ngoài vào Việt Nam) Theo nội dung cam kết, các công ty kế toán, kiểm toán ở nước ngoài có thể cung cấp dịch vụ qua biên giới cho các doanh nghiệp Việt Nam. Các doanh nghiệp ở Việt Nam có thể gửi tài liệu gồm giấy tờ và sổ sách kế toán của mình ra nước ngoài để các công ty kế toán, kiểm toán nước ngoài xem xét và kiểm toán cho mình. Kết quả kiểm toán của các công ty kế toán, kiểm toán nước ngoài sẽ được các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam công nhận nếu đáp ứng được các yêu cầu về mặt kỹ thuật theo quy định của pháp luật Việt Nam. b. Vấn đề thành lập hiện diện thương mại tại Việt Nam để cung cấp dịch vụ 26
  27. Các công ty kế toán, kiểm toán nước ngoài được thành lập tất cả các hình thức hiện diện thương mại tại Việt Nam, trừ hình thức chi nhánh. Ngoài ra, họ không phải chịu bất kỳ hạn chế nào khác và được đối xử như các doanh nghiệp kế toán, kiếm toán của Việt Nam. 3. Dịch vụ tư vấn thuế (CPC 863) Theo cam kết, các công ty tư vấn thuế nước ngoài được thành lập tất cả các hình thức hiện diện thương mại tại Việt Nam để cung cấp dịch vụ, trừ hình thức chi nhánh. Tuy nhiên, trong vòng 1 năm kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO, Bộ Tài chính Việt Nam có quyền hạn chế số lượng của các công ty tư vấn thuế nước ngoài tại Việt Nam. Bộ Tài chính cũng có quyền chấp nhận hoặc từ chối cấp phép trên cơ sở đánh giá nhu cầu và tình hình phát triển của thị trường Việt Nam. Tiêu chí để đánh giá bao gồm số lượng doanh nghiệp đã có, tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trên thị trường và tác động của giấy phép dự kiến cấp thêm đối với sự ổn định của thị trường và nền kinh tế. Nói tóm lại, trong 1 năm sau khi Việt Nam gia nhập WTO, việc cấp phép cho các công ty tư vấn thuế nước ngoài sẽ được xem xét theo từng trường hợp cụ thể. Ngay cả trong trường hợp được Bộ Tài chính cấp phép thì công ty tư vấn thuế nước ngoài cũng chỉ được cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các dự án có sự tài trợ của nước ngoài tại Việt Nam. Hạn chế này chỉ được bãi bỏ sau 1 năm kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO. Như vậy, đến hết năm 2008, các công ty tư vấn thuế nước ngoài không phải chịu bất kỳ hạn chế nào nữa ngoại trừ các điều kiện mang tính chất kỹ thuật (nếu có) theo quy định của pháp luật Việt Nam. Ngoài ra, hiện diện thương mại của các công ty tư vấn thuế nước ngoài sẽ được đối xử như các công ty Việt Nam hoạt động trong cùng lĩnh vực. Tình huống giả định Công ty Tư vấn đầu tư TLH tại Bình Dương muốn thành lập liên doanh với đối tác Nhật Bản (phía Nhật Bản góp 75% vốn) để cung cấp dịch vụ tư vấn thuế cho khách hàng tại Việt Nam. Khi công ty nộp đơn lên cơ quan quản lý thì bị từ chối. Công ty khiếu nại rằng theo cam kết thì công ty liên doanh cung cấp dịch vụ tư vấn thuế được phép thành lập ngay từ khi Việt Nam gia nhập WTO. Do đó, việc cơ quan quản lý từ chối cấp phép là vi phạm cam kết gia nhập WTO. 27
  28. Trên thực tế, thời điểm mà Công ty TLH nộp đơn là năm 2008, tức là chưa hết thời gian áp dụng các hạn chế nêu tại Biểu cam kết. Vì vậy, cơ quan quản lý hoàn toàn có quyền từ chối đơn của công ty nếu thấy việc cấp phép là không phù hợp với nhu cầu và tình hình của thị trường. Công ty TLH không có cách nào khác là phải chờ sang năm 2009 để xin cấp phép. 4. Dịch vụ kiến trúc (CPC 8671), dịch vụ tư vấn kỹ thuật (CPC 8672) và dịch vụ tư vấn kỹ thuật đồng bộ (CPC 8673) Theo cam kết, các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được phép thành lập tất cả các hình thức hiện diện thương mại tại Việt Nam để cung cấp dịch vụ kiến trúc, dịch vụ tư vấn kỹ thuật và dịch vụ tư vấn kỹ thuật đồng bộ, trừ hình thức chi nhánh. Với các dịch vụ này, Biểu cam kết duy trì một số hạn chế như sau: Thứ nhất, trong vòng 2 năm kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO, các công ty 100% vốn nước ngoài chỉ được phép cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Tức là phải đến năm 2009 các công ty 100% vốn nước ngoài mới được quyền cung cấp dịch vụ cho tất cả các khách hàng tại Việt Nam. Thứ hai, với dịch vụ tư vấn kỹ thuật và tư vấn kỹ thuật đồng bộ, nếu việc cung cấp dịch vụ của các hiện diện thương mại của nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài liên quan đến khảo sát địa hình, địa chất công trình, địa chất thuỷ văn thì hoạt động đó phải được Chính phủ Việt Nam cho phép. Quy định này thực chất là một bảo lưu về an ninh quốc gia và trật tự công cộng được GATS cho phép. Tình huống giả định Công ty VWJ là công ty liên doanh giữa Việt Nam và Hàn Quốc, được cấp phép thành lập vào cuối tháng 12/2005. Phạm vi hoạt động của công ty là cung cấp dịch vụ tư vấn kỹ thuật và tư vấn kỹ thuật đồng bộ cho các doanh nghiệp xây dựng tại Việt Nam. Do thay đổi chiến lược kinh doanh, đại diện Hàn Quốc trong công ty liên doanh quyết định mua lại toàn bộ cổ phần của phía Việt Nam để thành lập công ty 100% vốn nước ngoài vào năm 2007. Tuy nhiên, khi nhận được giấy phép đầu tư, công ty chỉ được phép cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Việc điều chỉnh như vậy là phù hợp với cam kết bởi công ty đã chuyển đổi hình thức từ liên doanh sang doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài và vì vậy phải chịu hạn chế về đối tượng khách hàng đã đưa ra trong Biểu cam kết dịch vụ (cho đến cuối 2008). 28
  29. Công ty cũng không thể viện dẫn "điều khoản bảo lưu" trong phần cam kết chung để khiếu nại bởi giấy phép chuyển đổi sang công ty 100% vốn là giấy phép mới, không phải giấy phép đã cấp ra từ trước ngày Việt Nam gia nhập WTO. 5. Dịch vụ quy hoạch đô thị và kiến trúc cảnh quan đô thị (CPC 8674) Theo nội dung cam kết tại Mode 1, các công ty cung cấp dịch vụ quy hoạch đô thị và kiến trúc cảnh quan đô thị ở nước ngoài (không có hiện diện thương mại tại Việt Nam) được phép cung cấp dịch vụ cho khách hàng tại Việt Nam (cung cấp quan biên giới). Tuy nhiên, nội dung dịch vụ mà bên nước ngoài cung cấp phải tuân thủ luật pháp và các quy định có liên qua của Việt Nam và phải được kiến trúc sư có chứng chỉ hành nghề phù hợp làm việc trong một tổ chức kiến trúc có tư cách pháp nhân của Việt Nam xác nhận. Chẳng hạn, một hồ sơ thiết kế do công ty ở nước ngoài thực hiện phải được kiến trúc sư có chứng chỉ hành nghề của một công ty kiến trúc Việt Nam xác nhận và phải phù hợp với các quy định hiện hành của Việt Nam. Đối với hình thức hiện diện thương mại (Mode 3), nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được thành lập công ty liên doanh trong đó không hạn chế tỷ lệ góp vốn của nước ngoài để cung cấp dịch vụ tại Việt Nam ngay từ khi Việt Nam gia nhập WTO. Đến năm 2009, họ được thành lập công ty 100% vốn nước ngoài. Việc hiện diện dưới hình thức chi nhánh là chưa được cam kết. Việc cung cấp dịch vụ của các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài chịu một số hạn chế như sau: Thứ nhất, trong vòng hai năm kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO, các công ty 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam chỉ được phép cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Trong đàm phán, đã có một số đối tác thắc mắc về hạn chế này bởi theo cam kết, phải tới năm 2009 Việt Nam mới cho phép hình thức công ty 100% vốn và như vậy, trong hai năm đầu sau khi Việt Nam gia nhập WTO, sẽ không có công ty 100% vốn nước ngoài nào tại Việt Nam để áp dụng hạn chế này. Trên thực tế, hạn chế này được đưa ra để áp dụng cho một số công ty 100% vốn nước ngoài đã có mặt tại Việt Nam từ trước khi Việt Nam gia nhập WTO. Với các công ty này, hạn chế về đối tượng cung cấp dịch vụ sẽ tiếp tục được áp dụng cho tới năm 2009. 29
  30. Thứ hai, kiến trúc sư nước ngoài chịu trách nhiệm trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải có chứng chỉ hành nghề do Chính phủ Việt Nam cấp hoặc công nhận. Thứ ba, theo quy định của Chính phủ Việt Nam, các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài có thể không được phép cung cấp dịch vụ tại một số địa bàn trên lãnh thổ Việt Nam. Như đã chỉ rõ trong Biểu cam kết, hạn chế này được đưa ra để phục vụ các mục tiêu an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội. Tình huống giả định Công ty TNHH S&T tại Đà Nẵng dự kiến xây dựng cao ốc văn phòng cho thuê. Công ty muốn thuê một công ty kiến trúc tại Singapore thiết kế cho dự án của mình. Công ty muốn biết bản thiết kế do công ty kiến trúc của Singapore thực hiện có được sử dụng để làm hồ sơ xin phép xây dựng hay không? Bản thiết kế của công ty Singapore có thể được sử dụng để làm hồ sơ xin cấp phép xây dựng cho dự án nếu bản thiết kế này phù hợp với các quy định hiện hành của luật pháp Việt Nam và được kiến trúc sư có chứng chỉ hành nghề làm việc tại một công ty kiến trúc của Việt Nam xác nhận. 6. Dịch vụ thú y (CPC 932) Đây là dịch vụ duy nhất trong Biểu cam kết mà tại Mode 3, thay vì nói về hiện diện thương mại, lại nói về hiện diện thể nhân. Cụ thể, nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài chỉ có thể vào Việt Nam để cung cấp dịch vụ với tư cách cá nhân, sau khi đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Việc thành lập công ty liên doanh hay công ty 100% vốn nước ngoài là chưa được cam kết. B. DỊCH VỤ MÁY TÍNH VÀ CÁC DỊCH VỤ LIÊN QUAN 7. Dịch vụ máy tính (CPC 841-845, CPC 849) Cam kết về dịch vụ máy tính là khá đơn giản và dễ hiểu. Như các Thành viên WTO khác, Việt Nam không duy trì nhiều hạn chế đối với dịch vụ này. Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và từ đó là các hình thức kinh doanh mới dựa trên nền tảng mạng, ngày càng có ít công ty chỉ kinh doanh dịch vụ máy tính đơn thuần. Dưới mác "công nghệ thông tin", họ đã và đang phát triển sang cả viễn thông, báo chí, quảng cáo, truyền hình và thậm chí là cả phân 30
  31. phối (thương mại điện tử). Vì vậy, khi cấp phép cho các công ty nước ngoài cung cấp dịch vụ "máy tính" tại Việt Nam, cơ quan cấp phép cần phải hết sức thận trọng. a. Vấn đề lập website thương mại điện tử Một câu hỏi thường gặp là liệu các dịch vụ như Ebay (lập trang web, sau đó cho thuê không gian trên trang web đó) có thuộc về dịch vụ máy tính hay không. Xét về bản chất, việc một công ty lập trang web, sau đó cho các công ty khác thuê không gian trên trang web của mình và không tiến hành bất kỳ hoạt động bảo dưỡng, bảo trì website đó cho các đối tượng khác không thuộc phạm vi điều chỉnh của dịch vụ máy tính theo định nghĩa của Hệ thống phân loại sản phẩm trung tâm tạm thời (PCPC). Dịch vụ này thực chất là một dịch vụ mới, chưa được phân loại vào bất kỳ ngành dịch vụ nào. Nếu đối chiếu theo bảng phân loại của GATS, dịch vụ này có thể được phân vào mục “các dịch vụ khác”. Với lập luận trên, có thể coi là Việt Nam chưa đưa ra cam kết gì cho dịch vụ này khi gia nhập WTO. Do vậy, việc xem xét cấp phép là hoàn toàn dựa trên quy định hiện hành của Việt Nam. Hay nói cách khác, Việt Nam có toàn quyền đưa ra các quy định về quản lý và cấp phép cho dịch vụ này. b. Vấn đề thành lập hiện diện thương mại để cung cấp dịch vụ Theo nội dung cam kết, nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được thành lập công ty liên doanh (không hạn chế tỷ lệ góp vốn của nước ngoài) và công ty 100% vốn nước ngoài để cung cấp dịch vụ máy tính tại Việt Nam ngay từ khi Việt Nam gia nhập WTO. Tuy nhiên, trong vòng 2 năm đầu kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO, các công ty 100% vốn nước ngoài chỉ được cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Ngoài ra, vào năm 2010, các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài sẽ được phép hiện diện dưới hình thức chi nhánh với điều kiện trưởng chi nhánh phải là người thường trú tại Việt Nam. Tình huống giả định Bà T., sống tại TP Hồ Chí Minh, dự kiến hợp tác với ông Ching quốc tịch Singapore để thành lập công ty liên doanh cung cấp các dịch vụ đóng gói phần mềm, hướng dẫn sử dụng phần mềm in sẵn, cung cấp phần mềm đóng gói sẵn và lắp đặt máy tính, trong đó ông Ching góp tới 99,5% vốn điều lệ. Bà T. không rõ công ty của mình với ông Ching có phải chịu hạn chế về đối tượng khách hàng nêu tại Biểu cam kết dịch vụ hay không? 31
  32. Công ty do bà T. và ông Ching lập ra, dù ông Ching chiếm tới 99,5% vốn, vẫn là công ty liên doanh theo định nghĩa của luật nên không phải chịu hạn chế về đối tượng khách hàng như nêu trong Biểu cam kết dịch vụ. Công ty được quyền cung cấp dịch vụ cho tất cả các khách hàng tại Việt Nam. C. DỊCH VỤ NGHIÊN CỨU VÀ PHÁT TRIỂN 8. Dịch vụ nghiên cứu và phát triển (CPC 851) Theo nội dung cam kết, nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được phép cung cấp dịch vụ nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực khoa học tự nhiên. Họ được phép thành lập tất cả các hình thức hiện diện thương mại, trừ hình thức chi nhánh, để cung cấp dịch vụ. Ngoài ra, Việt Nam cam kết sẽ đối xử với hiện diện thương mại của nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài như đối với các doanh nghiệp Việt Nam, không có bất kỳ sự phân biệt nào ngoài những bảo lưu về đối xử quốc gia đã nêu tạo phần cam kết chung. Đây là một trong những dịch vụ có mức độ cam kết thông thoáng nhất trong Biểu cam kết dịch vụ của Việt Nam. E. DỊCH VỤ CHO THUÊ KHÔNG KÈM NGƯỜI ĐIỀU KHIỂN 8. Dịch vụ cho thuê không kèm người điều khiển a. Dịch vụ cho thuê máy bay (CPC 83104) Theo nội dung cam kết, nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được phép cung cấp dịch vụ cho thuê máy bay qua biên giới cho các tổ chức và cá nhân Việt Nam có nhu cầu. Ngoài ra, họ được phép thành lập tất cả các hình thức hiện diện thương mại tại Việt Nam, trừ hình thức chi nhánh, để cung cấp dịch vụ. Các hình thức hiện diện này không phải chịu hạn chế gì khác và được đối xử như các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong cùng lĩnh vực. b. Dịch vụ cho thuê máy móc và thiết bị khác (CPC 83109) Theo nội dung cam kết, nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được phép cung cấp dịch vụ cho thuê máy móc và thiết bị công nghiệp qua biên giới cho các tổ chức và cá nhân Việt Nam có nhu cầu. Việt Nam chưa cam kết gì đối với việc cho thuê các 32
  33. loại thiết bị khác (không phải thiết bị công nghiệp) qua biên giới. Việt Nam cũng chưa cam kết về hiện diện thương mại tại dịch vụ này. Nội dung cam kết như vậy là rất chặt, bảo đảm sự linh hoạt cho Chính phủ trong việc đưa ra các quy định nhằm quản lý hoạt động cho thuê máy móc, thiết bị. Tuy nhiên, cho đến nay, dường như Việt Nam cũng có rất ít hạn chế trong lĩnh vực này. Khái niệm thiết bị công nghiệp nêu tại Mode 1 của cam kết, nếu không được hướng dẫn, có thể sẽ làm phát sinh một số vướng mắc cho các hợp đồng thuê thiết bị từ bên ngoài. Tình huống giả định Bà Cheng, quốc tịch Đài Loan, đang thực hiện dự án đầu tư tại TP Hồ Chí Minh theo giấy phép đầu tư được cấp vào năm 2004 để cung cấp dịch vụ cho thuê, thiết kế, chế tạo, sản xuất và lắp đặt các hệ thống cung cấp điện, máy phát điện, tải điện, thiết bị quản lý điện năng. Năm 2008, bà xin đăng ký lại doanh nghiệp và được cơ quan quản lý yêu cầu rút bỏ hoạt động "cho thuê" trong phạm vi kinh doanh. Bà Cheng cho rằng như vậy là không phù hợp với cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO. Dự án của bà Cheng được cấp phép trước thời điểm Việt Nam gia nhập WTO nên theo "điều khoản bảo lưu" của phần cam kết chung, nếu bà Cheng chỉ đơn thuần "đăng ký lại", cơ quan quản lý sẽ không thể thu hẹp phạm vi kinh doanh của công ty bà. Hơn nữa, Biểu cam kết dịch vụ chỉ nói rằng Việt Nam "chưa cam kết" gì về các hình thức hiện diện thương mại của dịch vụ cho thuê máy móc, thiết bị. Việc cấp phép, vì vậy, là hoàn toàn theo luật pháp hiện hành của Việt Nam. Nếu luật pháp hiện hành của Việt Nam không có quy định nào cấm hoặc hạn chế nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh dịch vụ cho thuê máy móc, thiết bị thì cơ quan quản lý, theo thẩm quyền, có thể cho phép công ty của bà Cheng hoạt động trong lĩnh vực cho thuê thiết bị điện. F. DỊCH VỤ KINH DOANH KHÁC 9. Dịch vụ quảng cáo (CPC 871) Theo cam kết, các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được phép cung cấp dịch vụ quảng cáo cho tất cả các loại sản phẩm, trừ thuốc lá. Việc cung cấp dịch vụ quảng cáo cho mặt hàng rượu là được phép nhưng phải đảm bảo tuân thủ các quy định 33
  34. của Nhà nước, được áp dụng chung cho cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam. Các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được cung cấp dịch vụ quảng cáo qua biên giới cho các tổ chức và cá nhân Việt Nam có nhu cầu. Bên cạnh đó, ngay khi Việt Nam gia nhập WTO, họ sẽ được phép thành lập công ty liên doanh trong đó phần vốn góp của nước ngoài không vượt quá 51% để cung cấp dịch vụ. Đến ngày 01/01/2009, hạn chế về tỷ lệ vốn góp của nước ngoài trong liên doanh mới được dỡ bỏ. Khi đó, nước ngoài có thể góp vốn vào liên doanh ở bất kỳ tỷ lệ nào nhỏ hơn 100%. Dịch vụ quảng cáo có hai bảo lưu quan trọng. Thứ nhất, Việt Nam không cam kết hình thức công ty 100% vốn và hình thức chi nhánh cho các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài. Các đơn xin thành lập công ty 100% vốn nước ngoài hoặc chi nhánh công ty quảng cáo nước ngoài tại Việt Nam, vì vậy, có thể bị cơ quan quản lý của Việt Nam từ chối, trừ phi luật pháp Việt Nam có quy định khác. Thứ hai, mặc dù Việt Nam cho phép liên doanh nhưng đối tác Việt Nam trong liên doanh phải là thương nhân đã được phép kinh doanh dịch vụ quảng cáo, trừ phi luật pháp Việt Nam có quy định khác. Một điểm cần lưu ý là các liên doanh quảng cáo sẽ được hưởng sự đối xử như các doanh nghiệp quảng cáo của Việt Nam. Các quy định mang tính phân biệt đối xử, vì vậy, cần phải được rà soát và loại bỏ ngay sau khi Việt Nam gia nhập WTO. Tình huống giả định Công ty Lan Hương tại Vĩnh Phúc muốn thuê một doanh nghiệp quảng cáo của Thái Lan xây dựng chiến lược quảng cáo và chương trình quảng cáo cho sản phẩm của mình. Nếu sản phẩm của công ty không phải là thuốc lá thì theo cam kết, việc công ty thuê nhà cung cấp dịch vụ Thái Lan xây dựng chiến lược quảng cáo và chương trình quảng cáo cho mình sẽ không gặp vướng mắc gì. Công ty PGI là công ty liên doanh giữa Anh và Việt Nam, chuyên cung cấp dịch vụ quảng cáo cho khách hàng tại Việt Nam. Để chủ động trong công việc, công ty đề nghị được ký hợp đồng quảng cáo trực tiếp với các đài phát thanh và truyền hình Việt Nam. Tuy nhiên, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam đã từ chối. Công ty PGI cho rằng việc từ chối là không phù hợp với cam kết gia nhập WTO của Việt Nam. Khiếu nại của Công ty PGI là hợp lý bởi theo cam kết, các công ty quản cáo liên doanh phải được đối xử ngang bằng với các công ty quảng cáo 100% vốn Việt Nam. Nếu các công ty quảng cáo của Việt Nam được phép ký hợp đồng trực tiếp 34
  35. với đài phát thanh và truyền hình thì công ty quảng cáo liên doanh cũng được quyền làm như vậy. 10. Dịch vụ nghiên cứu thị trường (CPC 864) Theo cam kết, các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được cung cấp các dịch vụ nghiên cứu thị trường, cụ thể là các dịch vụ liên quan tới việc thu thập thông tin về triển vọng, tiềm năng, hiện trạng của sản phẩm trên thị trường, phân tích thị trường, thu thập thông tin kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, họ không được cung cấp dịch vụ thăm dò ý kiến công chúng về các vấn đề xã hội, kinh tế, chính trị, v.v Để cung cấp dịch vụ nghiên cứu thị trường, nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài có thể thành lập liên doanh với đối tác Việt Nam, trong đó phần vốn góp của phía nước ngoài không được vượt quá 51%. Từ ngày 01/01/2009, các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được quyền thiết lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam để cung cấp dịch vụ nghiên cứu thị trường. Hiện diện thương mại của nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được đối xử bình đẳng như các công ty Việt Nam hoạt động trong cùng lĩnh vực. Tình huống giả định Công ty TKV là công ty liên doanh hoạt động tại TP Hồ Chí Minh, được cấp phép từ năm 1999 và chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn quản lý cho các doanh nghiệp Việt Nam. Tỷ lệ vốn góp của phía nước ngoài trong liên doanh là 49%. Tháng 12/2007, công ty nộp đơn xin điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư. Theo đó, phía Việt Nam trong liên doanh sẽ bán toàn bộ phần vốn góp của mình cho phía nước ngoài và công ty dự kiến bổ sung thêm một số hoạt động vào phạm vi kinh doanh, bao gồm quảng cáo thương mại, nghiên cứu thị trường Nếu chỉ cung cấp dịch vụ tư vấn quản lý thì việc chuyển đổi thành công ty 100% vốn nước ngoài của liên doanh TKV sẽ không gặp vướng mắc gì. Tuy nhiên, trong trường hợp này, Công ty TKV lại xin bổ sung thêm 2 ngành nghề kinh doanh có mức độ cam kết rất chặt trong Biểu cam kết là dịch vụ quảng cáo và dịch vụ nghiên cứu thị trường. Như đã trình bày, với dịch vụ quảng cáo, Việt Nam chưa đưa ra cam kết với hình thức 100% vốn nước ngoài. Về công ty liên doanh, trước thời điểm 01/01/2009, tỷ lệ vốn góp của nước ngoài cũng không được vượt quá 51%. Đối với dịch vụ nghiên cứu thị trường, công ty 100% vốn nước ngoài được phép thành lập từ ngày 01/01/2009. Do vậy, cơ quan quản lý của Việt Nam, căn cứ vào cam kết, có quyền từ chối việc công ty chuyển đổi từ hình thức liên doanh sang 35
  36. hình thức 100% vốn nước ngoài, trừ phi công ty chấp nhận từ bỏ ý định bổ sung thêm hai ngành nghề kinh doanh là dịch vụ quảng cáo và dịch vụ nghiên cứu thị trường. Tới ngày 01/01/2009, nếu luật pháp Việt Nam chưa có quy định cho phép công ty 100% vốn nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo, công ty chỉ có thể bổ sung thêm dịch vụ nghiên cứu thị trường vào phạm vi kinh doanh. Nếu đối tác Việt Nam trong Công ty TKV là doanh nghiệp đã được phép kinh doanh dịch vụ quảng cáo và công ty vẫn giữ ý định cung cấp cả 2 loại hình dịch vụ quảng cáo thương mại và nghiên cứu thị trường, công ty có thể chờ đến 01/01/2009 để chuyển đổi thành liên doanh trong đó tỷ lệ góp vốn của phía nước ngoài không bị hạn chế (thí dụ, có thể nâng tỷ lệ vốn góp của phía nước ngoài trong liên doanh lên tới 99,99%). 11. Dịch vụ tư vấn quản lý (CPC 865) Theo cam kết, nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được phép hiện diện tại Việt Nam dưới tất cả các hình thức, bao gồm cả hình thức công ty 100% vốn nước ngoài. Riêng chi nhánh, phải tới năm 2010 mới được thành lập, với điều kiện trưởng chi nhánh phải là người thường trú tại Việt Nam. Hiện diện thương mại của nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được đối xử bình đẳng như các công ty Việt Nam hoạt động trong cùng lĩnh vực. Đây cũng là một trong những dịch vụ có mức độ cam kết thông thoáng nhất trong Biểu cam kết dịch vụ của Việt Nam. 12. Dịch vụ liên quan đến tư vấn quản lý (CPC 866) Cần lưu ý sự khác nhau giữa dịch vụ này với dịch vụ tư vấn quản lý. Theo đó, cần tham khảo phần diễn giải mã CPC của tài liệu Hệ thống Phân loại Sản phẩm Trung tâm tạm thời để phân định rõ phạm vi điều chỉnh của 2 loại dịch vụ. Dù tên của hai dịch vụ gần giống nhau nhưng phạm vi điều chỉnh hoàn toàn khác nhau. Cam kết đối với dịch vụ liên quan đến tư vấn quản lý bao gồm các dịch vụ sau: a. Dịch vụ trọng tài và hoà giải (CPC 86602) Việt Nam không cam kết toàn bộ dịch vụ trọng tài và hoà giải. Việt Nam chỉ cam kết dịch vụ trọng tài và hoà giải đối với tranh chấp thương mại giữa các thương nhân. Các tranh chấp khác, ví dụ như tranh chấp lao động, không thuộc phạm vi điều chỉnh của cam kết đưa ra trong phần dịch vụ trọng tài và hòa giải. 36
  37. Ngay cả với tranh chấp thương mại, nếu luật pháp Việt Nam không có quy định khác, các nhà cung cấp dịch vụ trọng tài và hòa giải của nước ngoài cũng không được phép cung cấp dịch vụ ngay từ khi Việt Nam gia nhập WTO. Họ phải chờ đến năm 2010. Khi đó, họ sẽ được thành lập tất cả các hình thức hiện diện, bao gồm cả chi nhánh. Tuy nhiên, trưởng chi nhánh phải là người thường trú tại Việt Nam. b. Các dịch vụ liên quan đến tư vấn quản lý, ngoại trừ dịch vụ trọng tài và hoà giải (CPC 86601 và 86609) Đối với các dịch vụ này, trong vòng 1 năm kể từ ngày Việt Nam gia nhập WTO, nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được phép hiện diện dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc liên doanh trong đó không hạn chế tỷ lệ góp vốn của phía nước ngoài. Đến năm 2008, họ được phép thành lập công ty 100% vốn nước ngoài và sau đó 2 năm, được phép hiện diện dưới hình thức chi nhánh để cung cấp dịch vụ với điều kiện trưởng chi nhánh phải là người thường trú tại Việt Nam. Ngoài những hạn chế này, hiện diện thương mại của nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài không phải chịu bất kỳ hạn chế nào khác và được đối xử bình đẳng như các công ty Việt Nam hoạt động trong cùng lĩnh vực. 13. Dịch vụ phân tích và kiểm định kỹ thuật (CPC 8676) a. Vấn đề dịch vụ giám định hàng hoá (freight inspection) Câu hỏi thường gặp là liệu dịch vụ giám định hàng hoá có thuộc phạm vi của dịch vụ phân tích và kiểm định kỹ thuật. Về mặt kỹ thuật, hai dịch vụ này giống nhau ở chỗ cùng thực hiện công việc kiểm tra các tính năng của sản phẩm để trên cơ sở đó cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn, giấy xác nhận tính năng hoặc chứng từ khác có liên quan. Tuy nhiên, mục đích sử dụng kết quả của hai dịch vụ này khác nhau. Kết quả của dịch vụ giám định hàng hoá được sử dụng trong nghiệp vụ xuất nhập khẩu và thường đi liền với dịch vụ vận tải và hỗ trợ vận tải. Do đó, dịch vụ giám định hàng hoá được phân loại trong dịch vụ hỗ trợ các phương thức vận tải (CPC 749). Trong khi đó, kết quả của dịch vụ phân tích và kiểm định kỹ thuật được sử dụng cho nhiều mục đích khác, ví dụ như đăng kiểm xe cộ, xác nhận hợp chuẩn v.v Tình huống giả định 37
  38. Công ty KTC của Hàn Quốc nộp hồ sơ tại Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh A xin thành lập công ty 100% vốn nước ngoài để cung cấp dịch vụ giám định hàng hoá. Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh A gửi công văn xin ý kiến các Bộ, ngành liên quan. Công văn trả lời của Bộ K. nhất trí với dự án này vì cho rằng dịch vụ giám định hàng hoá thuộc về dịch vụ phân tích và kiểm định kỹ thuật. Công văn của Bộ G. cho rằng dự án không phù hợp với cam kết WTO vì dịch vụ giám định hàng hoá không thuộc dịch vụ phân tích và kiểm định kỹ thuật. Như đã trình bày, dịch vụ giám định hàng hoá là một phần của dịch vụ hỗ trợ vận tải (CPC 749). Với dịch vụ này, Việt Nam cam kết khi gia nhập WTO sẽ cho phép thành lập công ty liên doanh trong đó vốn góp của nước ngoài không vượt quá 49%. Đến năm 2010, nước ngoài được phép tham gia vốn tới 51%. Đến năm 2014, nước ngoài được phép tham gia vốn ở bất kỳ tỷ lệ nào nhỏ hơn 100% trong liên doanh. Việt Nam chưa đưa ra cam kết đối với hình thức công ty 100% vốn nước ngoài. Ý kiến của Bộ G., vì vậy, là hoàn toàn chính xác. b. Vấn đề đăng kiểm phương tiện vận tải và dịch vụ công Việt Nam chưa đưa ra cam kết gì về dịch vụ kiểm định và cấp giấy chứng nhận cho phương tiện vận tải (đăng kiểm). Với dịch vụ này, kể cả khi Việt Nam cho phép "xã hội hóa", Việt Nam cũng không có nghĩa vụ phải mở cửa thị trường cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Với các dịch vụ phân tích và kiểm định kỹ thuật khác, nếu đã từng là dịch vụ "thực thi thẩm quyền của Chính phủ" (dịch vụ công) nhưng Việt Nam đã cho phép khu vực tư nhân tham gia kinh doanh (xã hội hóa) thì nước ngoài sẽ có cơ hội hiện diện tại Việt Nam để cung cấp dịch vụ. Cụ thể, sau 3 năm kể từ khi khu vực tư nhân được tham gia kinh doanh các dịch vụ đã từng là dịch vụ công, nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài sẽ được phép thành lập liên doanh trong đó không hạn chế tỷ lệ góp vốn của phía nước ngoài. 2 năm tiếp theo đó, nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài sẽ được hiện diện dưới tất cả các hình thức, trừ hình thức chi nhánh. Hiện diện thương mại của nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được đối xử bình đẳng như các công ty Việt Nam hoạt động trong cùng lĩnh vực. Cam kết của dịch vụ phân tích và kiểm định kỹ thuật được thiết kế khá phức tạp. Có thể nhận thấy ý đồ dành cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam qua cách thiết kế cam kết của dịch vụ này. Tình huống giả định 38
  39. Tháng 12/2007, Việt Nam cho phép "xã hội hóa" dịch vụ kiểm định kỹ thuật. Tháng 6/2008, một nhà đầu tư Singapore xin thành lập công ty 100% vốn nước ngoài để cung cấp các dịch vụ này. Dự án bị từ chối vì theo cam kết, phải 5 năm sau khi các công ty tư nhân Việt Nam được tham gia kinh doanh dịch vụ kiểm định kỹ thuật mới cho phép thành lập công ty 100% vốn nước ngoài. c. Hạn chế tiếp cận vì lý do an ninh quốc gia Dịch vụ phân tích và kiểm định kỹ thuật đôi khi đòi hỏi công ty cung cấp dịch vụ phải xuất hiện tại hiện trường để thu thập dữ kiện. Một bảo lưu về hạn chế tiếp cận một số khu vực địa lý, vì vậy, đã được đưa ra để phục vụ các mục tiêu an ninh quốc gia. 14. Dịch vụ liên quan đến nông nghiệp, săn bắn và lâm nghiệp (CPC 881) Theo nội dung của ghi chú số 10 (phía dưới Biểu cam kết), nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài không được phép cung cấp các dịch vụ điều tra, đánh giá và khai thác rừng tự nhiên bao gồm: khai thác gỗ và săn bắn, đánh bẫy động vật hoang dã quý hiếm, dịch vụ chụp ảnh hàng không và phun thuốc hoá chất bằng máy bay, quản lý quỹ gen cây trồng, vật nuôi và vi sinh vật sử dụng trong nông nghiệp. Đối với các dịch vụ còn lại thuộc phạm vi của CPC 881, bao gồm cả chăn nuôi và phát triển giống, nếu luật pháp Việt Nam không có quy định gì khác, nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài chỉ được phép thành lập liên doanh để cung cấp dịch vụ, trong đó tỷ lệ góp vốn của phía nước ngoài không được vượt quá 51%. Một bảo lưu về hạn chế tiếp cận một số khu vực địa lý đã được đưa vào Biểu để phục vụ các mục tiêu an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Tình huống giả định Ông Mạc Cường (quốc tịch Việt Nam) và ông Wu Jin (quốc tịch Trung Quốc) xin thành lập công ty liên doanh trong đó vốn góp của ông Cường là 20%, ông Wu là 80% để cung cấp các dịch vụ sau: - Nghiên cứu phát triển công nghệ kỹ thuật nông nghiệp và chăn nuôi gia súc, gia cầm, thuỷ sản - Chuyển nhượng kỹ thuật nông nghiệp và chăn nuôi gia súc - Tư vấn kỹ thuật nông nghiệp và chăn nuôi gia súc, gia cầm 39
  40. Theo cam kết, nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài chỉ được phép thành lập liên doanh trong đó vốn góp của phía nước ngoài không vượt quá 51% vốn điều lệ. Dự án của hai ông Cường và Wu không phù hợp với cam kết vì vốn góp của phía nước ngoài (ông Wu Jin) lên tới 80%. Để được cấp phép, hai ông cần thoả thuận điều chỉnh lại tỷ lệ góp vốn sao cho phù hợp với cam kết. Ngoài ra, nếu 2 ông dự kiến kinh doanh dịch vụ quản lý quỹ gien cây trồng, vật nuôi và vi sinh vật sử dụng trong nông nghiệp thì cơ quan cấp phép có quyền từ chối bởi Việt Nam chưa cam kết mở cửa hoạt động này cho nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài. 15. Dịch vụ liên quan đến khai thác mỏ (CPC 883) Theo diễn giải của tài liệu Hệ thống phân loại sản phẩm trung tâm tạm thời, dịch vụ có mã CPC 883 hoàn toàn là dịch vụ phục vụ cho khai thác dầu khí, không liên quan đến hoạt động thăm dò và khai thác các loại khoáng sản khác như sắt, đồng, mangan Các hoạt động thăm dò và khai thác khoáng sản khác được phân loại tại dịch vụ liên quan đến tư vấn khoa học kỹ thuật (CPC 8675). Do đó, để tránh nhầm lẫn, có thể gọi dịch vụ liên quan đến khai thác mỏ (CPC 883) là dịch vụ hỗ trợ khai thác dầu khí. Về phạm vi kinh doanh, theo cam kết, các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài có thể không được phép cung cấp các dịch vụ bao gồm: cung ứng vật tư, thiết bị và hoá phẩm, dịch vụ căn cứ, dịch vụ tàu thuyền, dịch vụ sinh hoạt, đời sống và dịch vụ bay. Cơ quan quản lý Việt Nam có toàn quyền dành các dịch vụ này cho các công ty dịch vụ dầu khí của Việt Nam. Các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài chưa có hiện diện thương mại tại Việt Nam được phép cung cấp dịch vụ cho khách hàng tại Việt Nam (cung cấp qua biên giới) nhưng họ có thể sẽ phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam nếu Chính phủ Việt Nam quy định như vậy. Về hiện diện thương mại, các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được phép thành lập liên doanh với tỷ lệ góp vốn của phía nước ngoài không vượt quá 49% kể từ thời điểm Việt Nam gia nhập WTO. Đến năm 2010, tỷ lệ góp vốn của nước ngoài trong liên doanh có thể lên tới 51%. Đến năm 2012, công ty 100% vốn nước ngoài sẽ được phép thành lập. Hiện diện thương mại của nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được đối xử bình đẳng như các công ty Việt Nam hoạt động trong cùng lĩnh vực. 40
  41. Trong cột "đối xử quốc gia", ngoài cụm từ "Không hạn chế", còn xuất hiện cụm từ "ngoại trừ các biện pháp đã nêu tại cột tiếp cận thị trường". Việc xuất hiện cụm từ này là không cần thiết, có thể nói là thừa. Tuy nhiên, theo đề nghị của một số Thành viên và xét thấy việc này không làm thay đổi nội dung cam kết, Việt Nam đã đồng ý đưa thêm cụm từ này vào Biểu. Tình huống giả định Một công ty dịch vụ dầu khí tại Singapore muốn cung cấp dịch vụ bay, dịch vụ sửa chữa dàn khoan và một số dịch vụ hỗ trợ khai thác dầu khí khác cho các dàn khoan của Công ty BP tại Việt Nam. Theo cam kết, nếu luật pháp Việt Nam không có quy định khác, công ty sẽ không được cung cấp dịch vụ bay bởi dịch vụ này không dành cho nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài. Công ty được phép cung cấp dịch vụ sửa chữa dàn khoan và một số dịch vụ hỗ trợ khai thác dầu khí khác với điều kiện phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam nếu Chính phủ Việt Nam có quy định như vậy. 16. Dịch vụ liên quan đến sản xuất (CPC 884 và 885) a. Gia công có phải là dịch vụ liên quan đến sản xuất? Theo diễn giải mã CPC 884 & 885 của tài liệu Hệ thống phân loại sản phẩm trung tâm tạm thời, dịch vụ liên quan đến sản xuất được hiểu là các dịch vụ sản xuất có thu phí hoặc theo hợp đồng. Trong quá trình sản xuất, nguyên liệu thô được chế biến, xử lý hoặc hoàn thiện nhưng không thuộc sở hữu của nhà sản xuất. Với diễn giải này, có thể coi gia công là dịch vụ liên quan đến sản xuất. b. Vấn đề thành lập hiện diện thương mại để cung cấp dịch vụ Trong vòng 3 năm kể từ khi gia nhập WTO, Việt Nam không có nghĩa vụ phải mở cửa thị trường cho nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài. 3 năm sau khi gia nhập WTO, nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được hiện diện dưới hình thức liên doanh, trong đó tỷ lệ góp vốn của phía nước ngoài không được vượt quá 50%. 8 năm sau khi gia nhập WTO, tức là đến 2015, công ty 100% vốn nước ngoài mới được phép thành lập. Điểm cần lưu ý ở đây là tới năm 2015, dù công ty 100% vốn nước ngoài đã được phép thành lập nhưng nếu bên nước ngoài lựa chọn hình thức liên doanh thì tỷ lệ góp vốn của nước ngoài trong liên doanh vẫn không được vượt quá 50%. 41
  42. Điểm thứ hai cần lưu ý là trong dịch vụ này, Việt Nam không cam kết đối xử bình đẳng với hiện diện thương mại của các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài. Tình huống giả định Năm 2008, Công ty Hoàng Minh tại Bình Thuận xin thành lập liên doanh với một đối tác Hàn Quốc để gia công hàng dệt may tại Việt Nam. Tỷ lệ vốn góp của đối tác Hàn Quốc trong liên doanh là 51%. Đơn xin thành lập liên doanh có thể bị từ chối vì theo cam kết, phải tới năm 2010 Việt Nam mới có nghĩa vụ mở cửa thị trường cho công ty liên doanh và cũng chỉ mở cho các công ty mà phần vốn góp của phía nước ngoài không vượt quá 50% vốn điều lệ. Tình huống giả định trên đây cho thấy việc vận dụng máy móc cam kết có thể ảnh hưởng mạnh tới khả năng thu hút vốn đầu tư của Việt Nam. Như đã trình bày, trong một số trường hợp, cam kết của Việt Nam là chặt hơn hiện trạng. Có 3 lý do để dẫn tới tình trạng đó. Một là, ngoại trừ những trường hợp đã được cấp giấy phép, Việt Nam không muốn mở cửa thêm thị trường. Hai là, Việt Nam muốn bảo lưu một không gian linh hoạt để sau này, vào bất kỳ thời điểm nào cũng có thể đưa ra các quy định chặt chẽ hơn. Ba là, chặt hơn hiện trạng chỉ là hệ quả của chiến thuật đàm phán. Theo hướng đó, khi hướng dẫn một cam kết nào đó, cơ quan quản lý cần tham khảo tình huống mà cam kết đó ra đời để tránh vận dụng máy móc, gây ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của Việt Nam. Nếu lý do đưa ra bảo lưu không phải là lý do thứ nhất như đã trình bày trên thì nên diễn giải cam kết theo hướng có lợi cho môi trường đầu tư của Việt Nam. 17. Dịch vụ liên quan đến tư vấn khoa học kỹ thuật (CPC 8675) Theo diễn giải của tài liệu Hệ thống phân loại sản phẩm trung tâm tạm thời, dịch vụ này bao gồm các dịch vụ thăm dò và nghiên cứu địa chất, dịch vụ khảo sát bề mặt, dịch vụ làm bản đồ. Các dịch vụ liên quan đến khai thác khoáng sản (ngoại trừ dầu và khí đốt) được phân loại trong dịch vụ này. Tại Mode 1, nội dung cam kết là tương tự như dịch vụ liên quan đến khai thác mỏ (CPC 883). Các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài chưa có hiện diện thương mại tại Việt Nam được phép cung cấp dịch vụ cho khách hàng tại Việt Nam (cung cấp qua biên giới) nhưng họ có thể sẽ phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam nếu Chính phủ Việt Nam quy định như vậy. 42
  43. Về hiện diện thương mại, kể từ thời điểm Việt Nam gia nhập WTO, các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được phép thành lập liên doanh để cung cấp dịch vụ với tỷ lệ góp vốn của nước ngoài không vượt quá 49%. Đến năm 2009, tỷ lệ góp vốn của nước ngoài trong liên doanh có thể lên tới 51%. Đến năm 2011, công ty 100% vốn nước ngoài sẽ được phép thành lập. Hiện diện thương mại của nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được đối xử bình đẳng như các công ty Việt Nam hoạt động trong cùng lĩnh vực. Nhìn bề ngoài, cam kết nêu tại dịch vụ liên quan đến tư vấn khoa học kỹ thuật là khá thông thoáng (cho phép cả hình thức 100% vốn nước ngoài). Tuy nhiên, nếu tham chiếu cột mô tả ngành (chỉ cam kết cho CPC 86751, 86752 và 86753) và ghi chú 12 ở phía dưới Biểu cam kết, có thể thấy phạm vi cam kết và mức độ cam kết đã được thu hẹp đáng kể. Các cơ quan cấp phép cần đặc biệt lưu ý điểm này. Tình huống giả định Công ty TNHH Biển Xanh tại Đà Nẵng muốn hợp tác với nhà đầu tư Thái Lan để thành lập công ty liên doanh cung cấp các dịch vụ hỗ trợ khai thác quặng sắt tại Việt Nam. Vốn góp của phía Thái Lan trong liên doanh là 51%. Công ty nhờ Công ty luật BM của Việt Nam tư vấn thành lập dự án. Công ty BM cho rằng Công ty Biển Xanh phải chờ đến năm 2010 mới được thành lập công ty liên doanh. Công ty Biển Xanh không nhất trí bởi cho rằng dịch vụ hỗ trợ khai thác quặng sắt thuộc về dịch vụ liên quan đến tư vấn khoa học kỹ thuật và theo cam kết, công ty liên doanh trong đó vốn góp của nước ngoài chiếm 51% được phép thành lập từ năm 2009. Trong trường hợp này, cách hiểu của Công ty Biển Xanh là đúng. 18. Dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng máy móc, thiết bị (CPC 633) a. Nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được phép sửa chữa, bảo dưỡng những loại máy móc, thiết bị gì theo cam kết tại mục này? Theo diễn giải của mã CPC 633 trong tài liệu Hệ thống phân loại sản phẩm trung tâm tạm thời, dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng máy móc và thiết bị chỉ bao gồm dịch vụ sửa chữa và bảo dưỡng đồ dùng cá nhân và gia đình. Việc bảo dưỡng và sửa chữa các sản phẩm khác được phân loại tại các hạng mục dịch vụ khác. Chẳng hạn, dịch vụ sửa chữa ôtô được phân loại trong dịch vụ bán ôtô dưới mã CPC 61120; dịch vụ sửa chữa máy tính và thiết bị văn phòng được phân loại trong dịch vụ máy tính dưới mã CPC 84500; dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa tàu biển, máy bay và các phương tiện vận tải khác được phân loại trong dịch vụ vận tải. 43
  44. Do được phân loại vào các hạng mục dịch vụ khác nhau nên mức cam kết dành cho nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài trong lĩnh vực bảo dưỡng và sửa chữa máy móc, thiết bị cũng khác nhau. Ví dụ, đối với dịch vụ bảo dưỡng và sửa chữa ôtô, nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được thành lập công ty liên doanh không hạn chế tỷ lệ góp vốn của nước ngoài từ ngày 01/01/2008. Với dịch vụ bảo dưỡng và sửa chữa máy bay, trong năm đầu tiên sau khi gia nhập WTO, nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài chỉ được hiện diện dưới hình thức công ty liên doanh với tỷ lệ góp vốn của phía nước ngoài không vượt quá 51%. Tóm lại, không nên áp dụng cam kết tại dịch vụ bảo dưỡng và sửa chữa máy móc thiết bị (CPC 633) cho tất cả các hoạt động sửa chữa và bảo dưỡng thiết bị, đặc biệt là ôtô, máy tính và máy bay. b. Vấn đề hiện diện thương mại của nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài Nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được phép thành lập liên doanh với tỷ lệ góp vốn của phía nước ngoài không vượt quá 49% ngay từ khi Việt Nam gia nhập WTO. Đến năm 2010, tỷ lệ góp vốn của nước ngoài trong liên doanh có thể lên tới 51%. Đến năm 2012, công ty 100% vốn nước ngoài sẽ được phép thành lập. Hiện diện thương mại của nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được đối xử bình đẳng như các công ty Việt Nam hoạt động trong cùng lĩnh vực. Tình huống giả định Ông Lim (quốc tịch Singapore) và bà Trương (quốc tịch Việt Nam) dự kiến thành lập công ty liên doanh để cung cấp dịch vụ sửa chữa và bảo dưỡng máy móc, thiết bị công nghiệp, trong đó ông Lim đóng góp 49% vốn, bà Trương đóng góp 51% vốn. Do máy móc, thiết bị công nghiệp không thuộc phạm vi điều chỉnh của CPC 633 nên cơ quan quản lý sẽ không căn cứ vào cam kết nêu tại CPC 633 để cân nhắc cấp phép cho ông Lim và bà Trương mà sẽ căn cứ vào pháp luật đầu tư của Việt Nam. * 44
  45. II. DỊCH VỤ THÔNG TIN B. DỊCH VỤ CHUYỂN PHÁT Dịch vụ chuyển phát nhanh là dịch vụ mới nhưng phát triển rất nhanh tại Việt Nam trong thời gian qua. Việt Nam đã cho phép nhiều công ty chuyển phát hàng đầu thế giới như DHL, UPS, TNT, Fedex v.v tham gia cung cấp dịch vụ trên thị trường Việt Nam. Có công ty đã được phép thành lập liên doanh với đa số vốn và nắm quyền kiểm soát. Theo cam kết tại Mode 3, sau khi Việt Nam gia nhập WTO, nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài sẽ được phép hiện diện dưới hình thức liên doanh, trong đó tỷ lệ góp vốn của phía nước ngoài không được vượt quá 51% vốn pháp định. Hạn chế này được duy trì trong vòng 5 năm kể từ khi gia nhập. Đến năm 2012, nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài sẽ được góp vốn với tỷ lệ không hạn chế trong liên doanh. Cũng vào năm 2012, họ sẽ được thành lập công ty 100% vốn nước ngoài để cung cấp dịch vụ chuyển phát nhanh. Để tạo điều kiện cho Bưu chính Việt nam phát triển ổn định sau khi tách khỏi lĩnh vực viễn thông, Việt Nam đã bảo lưu một mảng dịch vụ chuyển phát nhanh dành riêng cho Bưu chính Việt Nam. Bảo lưu này được thể hiện dưới dạng "diễn giải" phạm vi cam kết trong cột mô tả ngành. Cụ thể, việc xử lý các vật gửi là thông tin dưới dạng văn bản có tổng khối lượng không quá 2000 gam và giá cước dịch vụ thấp hơn 10 lần giá cước của một bức thư tiêu chuẩn gửi trong nước (ở nấc khối lượng đầu tiên) hoặc thấp hơn 9 USD (khi gửi quốc tế) không được coi là lĩnh vực chuyển phát mà Việt Nam mở cửa cho bên ngoài. Do phạm vi cam kết là yếu tố quyết định cơ hội kinh doanh nên khác với các dịch vụ khác, trong đàm phán dịch vụ chuyển phát nhanh, các bên đã tập trung vào cột mô tả ngành nhiều hơn là vào Mode 3 của cột tiếp cận thị trường. Việt Nam cam kết không phân biệt đối xử giữa các dịch vụ chuyển phát nhanh và các nhà cung cấp dịch vụ chuyển phát nhanh đối với các loại hình dịch vụ chuyển phát nhanh đã cho phép cạnh tranh. Cam kết mở cửa thị trường dịch vụ chuyển phát nhanh đã chính thức hoá thực tế mở cửa thị trường cho đầu tư nước ngoài và đưa ra lộ trình phù hợp tiến tới xoá bỏ hoàn toàn hạn chế vốn nước ngoài. Các công ty hàng đầu nước ngoài, thực chất chỉ có một vài tập đoàn đa quốc gia, với truyền thống và năng lực kỹ thuật vượt trội sẽ tiếp tục chiếm ưu thế ở thị trường chuyển phát nhanh quốc tế và mảng thị trường 45
  46. chất lượng cao. Khách hàng chính của họ vẫn là các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Các công ty Việt Nam vẫn có cơ hội phát triển ở thị trường chuyển phát trong nước và mảng thị trường chất lượng trung bình, khách hàng đại chúng. Tình huống giả định Công ty Tân Việt tại Đà Nẵng muốn liên doanh với Công ty BV của Đan Mạch để cung cấp dịch vụ chuyển phát nhanh bưu phẩm và tài liệu quốc tế tại Việt Nam, trong đó công ty Tân Việt góp 30% và công ty BV góp 70% vốn điều lệ. Dự án này có thể bị từ chối cấp phép bởi theo cam kết, trong vòng 5 năm kể từ khi gia nhập WTO, nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài chỉ được góp không quá 51% vốn điều lệ của công ty liên doanh. C. DỊCH VỤ VIỄN THÔNG Dịch vụ viễn thông là một trong những dịch vụ có cam kết phức tạp nhất trong Biểu cam kết dịch vụ của Việt Nam. Để hiểu rõ cam kết về dịch vụ viễn thông, việc đầu tiên là nghiên cứu cột mô tả ngành. Trong cột này, dịch vụ viễn thông trước hết được chia thành dịch vụ viễn thông cơ bản và dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng. Dịch vụ viễn thông cơ bản, đến lượt nó, lại được chia tiếp thành hai nhóm, một nhóm chỉ bao gồm dịch vụ mạng riêng ảo (VPN), một nhóm bao gồm tất cả các dịch vụ được liệt kê từ (a) đến (o), kết thúc ở dịch vụ kết nối internet (IXP). Dịch vụ giá trị gia tăng cũng được chia thành hai nhóm, một nhóm chỉ bao gồm dịch vụ truy nhập internet (IAS), một nhóm bao gồm tất cả các dịch vụ được liệt kê từ (h) đến (n). Tổng cộng có 4 nhóm. Mỗi nhóm đều có cam kết riêng cho cả 4 phương thức cung cấp dịch vụ. Khi đi vào từng nhóm trong số 4 nhóm, có thể thấy Mode 1 và Mode 3 lại được tách tiếp làm đôi để đưa ra cam kết riêng. Cụ thể, Mode 1 được tách thành dịch vụ hữu tuyến và di động mặt đất và dịch vụ viễn thông vệ tinh. Mode 3 được tách thành dịch vụ không có hạ tầng mạng và dịch vụ có hạ tầng mạng. Nhân với 4 nhóm đã đề cập ở phần trên, ta có tổng cộng 8 cam kết về Mode 1 và 8 cam kết về Mode 3 cho dịch vụ viễn thông. Khi đã nắm được cách thiết kế, việc theo dõi các cam kết trong dịch vụ viễn thông không có gì là khó khăn nữa. Qua quan sát, có thể nhận thấy rất rõ những nguyên tắc thú vị xuyên suốt các cam kết: 46
  47. - Viễn thông cơ bản mở cửa ít hơn viễn thông giá trị gia tăng - Dịch vụ hữu tuyến và di động mặt đất mở cửa ít hơn dịch vụ viễn thông vệ tinh - Dịch vụ có hạ tầng mạng mở cửa ít hơn dịch vụ không có hạ tầng mạng - Những dịch vụ được tách ra khỏi nhóm lớn (VPN, IAS) có độ mở lớn hơn các dịch vụ nằm trong nhóm lớn. Bình luận Mode 1 Cam kết đưa ra tại Mode 1 (cung cấp qua biên giới) là như nhau cho cả 4 nhóm dịch vụ viễn thông. Có hai hạn chế được áp dụng tại Mode 1. Một là, dịch vụ phải được cung ứng thông qua thoả thuận thương mại với pháp nhân được thành lập tại Việt Nam. Hai là, pháp nhân Việt Nam trong thỏa thuận đó phải là đơn vị đã được cấp phép cung cấp dịch vụ viễn thông quốc tế. Nếu bên nước ngoài không tìm được đối tác "đã được cấp phép cung cấp dịch vụ viễn thông quốc tế" hoặc tìm được nhưng không đi đến được "thỏa thuận" thì việc cung cấp dịch vụ qua biên giới sẽ không thể thực hiện được. Hai hạn chế này được nới lỏng cho dịch vụ viễn thông vệ tinh. Cụ thể, ngay sau khi Việt Nam gia nhập WTO, nhà cung cấp dịch vụ viễn thông vệ tinh nước ngoài có thể tiếp cận trực tiếp một số đối tượng khách hàng như cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế v v. 3 năm sau đó, họ được tiếp cận thêm các công ty xuyên quốc gia (TNC) với điều kiện các TNC này phải đáp ứng được các tiêu chí nêu tại ghi chú số 19. Cần lưu ý là để tiếp cận trực tiếp nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài, các đối tượng nêu trên đều phải được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp phép sử dụng dịch vụ viễn thông vệ tinh. Với mọi đối tượng khác, dịch vụ viễn thông vệ tinh vẫn phải chịu 2 hạn chế như đã nêu. Việt Nam cam kết cho phép bên nước ngoài được kết nối dung lượng cáp quang biển (dung lượng toàn chủ) của các tuyến cáp quang biển mà Việt nam là thành viên với các trạm cập bờ của Việt nam và bán dung lượng truyền dẫn này cho các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông quốc tế có hạ tầng mạng được cấp phép tại Việt Nam (như VNPT, Viettel, VP Telecom). 4 năm sau khi gia nhập, bên nước ngoài được phép bán dung lượng nêu trên cho các nhà cung cấp dịch vụ mạng riêng ảo và dịch vụ kết nối Internet (IXP) quốc tế được cấp phép (như FPT, VNPT, Viettel, VP Telecom). Bình luận Mode 3 47