Bản chất của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam (Kinh nghiệm lịch sử)

pdf 8 trang ngocly 2320
Bạn đang xem tài liệu "Bản chất của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam (Kinh nghiệm lịch sử)", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfban_chat_cua_chu_nghia_yeu_nuoc_viet_nam_kinh_nghiem_lich_su.pdf

Nội dung text: Bản chất của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam (Kinh nghiệm lịch sử)

  1. Bản chất của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam (Kinh nghiệm lịch sử) I. Nhân loại từ khi hình thành các quốc gia, cộng đồng dân tộc, thì bản năng gắn bó và bảo vệ không gian sinh tồn của sinh học đã vận động, phát triển thành tinh thần yêu nước, thành văn hóa yêu nước, thương nòi. Như vậy, yêu nước là thuộc tính phổ biến mang tầm nhân loại. Yêu nước không phải là độc quyền của bất kỳ một cộng đồng, một giai tầng, một thế hệ nào. Yêu nước, chống ngoại xâm thì cộng đồng nào, dân tộc nào cũng kiên cường bất khuất, không chịu làm nô lệ. Vì thế, câu khẩu hiệu "Không có gì quý hơn Độc lập Tự do" mà Hồ Chí Minh - Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tổng kết, không chỉ cộng hưởng với nhận thức, khát vọng của nhân dân Việt Nam mà cũng đồng vọng với lương tri của mọi cộng đồng nhân loại. Nhưng bên cạnh điểm chung, phổ biến đó, thì biểu hiện (hay là động thái vận động thể hiện bản chất) của yêu nước lại luôn mang dấu ấn của mỗi cộng đồng, thời đại, lịch sử cụ thể. Những biểu hiện cụ thể đó là kết quả tổng hợp, là sản phẩm của một quá trình lịch sử - tự nhiên trong tiến trình phát triển kinh tế - chính trị - xã hội của mỗi quốc gia, mà trước hết là phụ thuộc vào năng lực, phẩm chất bộ phận cầm quyền, lãnh đạo quốc gia trong những hoàn cảnh lịch sử cụ thể của nó. Chủ nghĩa yêu nước của các quốc gia - dân tộc vì thế mang một định danh cụ thể: Chủ nghĩa yêu nước Hoa Kỳ, tinh thần yêu nước Trung Hoa, Hàn Quốc, Lào v.v Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam - sản phẩm của hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của một cộng đồng 54 dân tộc anh em, sinh tồn trong không gian địa - chiến lược, địa - chính trị hết sức "mở" với hàng ngàn biên giới km từ đất liền đến biển, hải đảo không chỉ bị thử thách thường xuyên trước thiên nhiên nắng nhiều, mưa lắm, bão táp, phong ba mà còn trước những thế lực xâm lăng thường lớn
  2. mạnh, giàu có hơn từ phương Bắc (Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh ), từ phương Tây (thực dân Pháp, đế quốc Mỹ) II. Trước giặc ngoại xâm, tinh thần yêu nước của dân tộc Việt Nam, không nghi ngờ gì nữa, như Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từng tổng kết từ giữa thế kỷ XX: " mỗi khi tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần đó lại sôi nổi ". Hồ Chí Minh cũng chỉ ra cái căn cốt tạo thành bản lĩnh, thành cội nguồn bùng nổ sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, ấy là tinh thần yêu nước sôi nổi ấy được "kết thành một làn sóng". Chính vì kết thành một làn sóng mới tạo thành nguồn năng lượng "vô cùng mạnh mẽ, lướt qua mọi nguy hiểm khó khăn, nhấn chìm tất cả lũ cướp nước và lũ bán nước". Chân lý - điều tổng kết đó rõ ràng, hẳn nhiều người Việt Nam phải thuộc. Nhưng thuộc, thậm chí thuộc lòng là một chuyện. Còn thực hành lại là chuyện khác. Xin hãy làm một thao tác giản dị: Đi từ cuối mệnh đề mà Hồ Chí Minh đã chỉ ra: Thứ nhất, Hồ Chí Minh nói: Lũ cướp nước và lũ bán nước đều là đối tượng phải bị quét sạch của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. Trong lịch sử dân tộc Việt Nam đâu là lũ cướp nước, điều đó đã rõ ràng. Nhưng còn lũ bán nước - mặt đối lập của yêu nước, lũ đó là ai? Từ khi hình thành quốc gia, có hai bộ phận cơ bản: Bộ phận chúng dân đông đảo và bộ phận cai trị - đó là các chính quyền của Nhà nước hình thành từ thời dựng nước. Chúng dân không và chưa bao giờ bán nước! Ngược lại, chính chúng dân - những nông dân, hay nô tỳ, gia nô, gia đồng của đời Trần chẳng hạn, như chính nhận xét của vua Trần Nhân Tông năm 1292 "khi quốc gia lắm hoạn nạn, thì chỉ có mặt bọn chúng", hay những manh, những lệ (người nông dân, nô tỳ nghèo khổ)
  3. thế kỷ XV lại có mặt trong đội quân khởi nghĩa cuả Lê Ngã, Phạm Ngọc đến khởi nghĩa Lam Sơn của Lê Lợi, Nguyễn Trãi. Và, những người dân tuất, dân lân việc cuốc, việc cày tay vốn quen làm ở Nam Bộ lại chính là những nghĩa quân Cần Giuộc chống thực dân Pháp ở nửa cuối thế kỷ XIX. Xin nhắc lại một lần, chúng dân không và chưa bao giờ bán nước. Đó là một sự thật khách quan. Trước hết và giản dị là trong lịch sử, chúng dân không có "quyền hành" quản lý đất nước, để mang đất nước ra làm vật trao đổi, bán mua với giặc ngoại xâm. Giặc ngoại xâm bao giờ cũng muốn bình định nhanh, để tổ chức cai trị, đô hộ, đồng hóa. Chiến lược "đánh nhanh, thắng nhanh" không chỉ là tham vọng đầu tiên của riêng kẻ xâm lược nào mà là mục tiêu chiến lược, ít tốn kém nhất, tiết kiệm nhất, hạn chế tối đa sự sa lầy của mọi đội quân xâm lươc. "Dùng người bản xứ đánh người bản xứ", "chia để trị", "dĩ Di trị Di", "dĩ Man trị Man" , "Dùng người Việt Nam đánh người Việt Nam" là những cách thức, dã tâm cụ thể của chiến lược "Lấy chiến tranh nuôi chiến tranh" thường thấy của các quân xâm lược. Chúng dân là đối tượng mà quân xâm lược nhằm vào để thực hiện dã tâm đó, nên chúng dân nhất thời và vì sinh tồn, mạng sống của bản thân, gia đình trong nhiều trường hợp là đối tượng đông đảo để phải "theo" hay "cộng tác" với phía quân xâm lược, thành những thổ quan hay thổ quân - theo cách gọi của mỗi thời. Nhưng còn với bộ phận cầm quyền quản lý quốc gia, là đối tượng mà quân xâm lược tấn công, lợi dụng cũng là bộ phận - như lịch sử dân tộc đã ghi lại, đã không chỉ một lần bán nước để cầu vinh, để vớt, giữ quyền lợi của mình. Dẫu từ lâu kinh điển Nho học luôn tái bản "dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vị khinh"(dân làm là đầu tiên, rồi đến xã tắc, còn vua thì coi nhẹ hơn). Nhưng oái ăm thay, trong quá trình vận động, logic ấy lại thường bị đảo ngược.
  4. Năm 937, sau khi phản chủ tướng Dương Đình Nghệ đưa quân sang để chiếm lấy ngôi vị ở Tống Bình, rồi nghe tin Ngô Quyền kéo quân ra hỏi tội, thì chính Kiều Công Tiễn đã cầu cứu đến Nam Hán mang quân sang giúp y Đấy là một thời điểm. Thế kỷ XIII, trước giặc Thát Đát (quân xâm lươc Mông Cổ), có kẻ bổng lộc đầy mình, học vấn, chức vụ cũng đầy mình, như Thái sư Trần Nhật Hiệu run rẩy viết khuyên vua Trần "nhập Tống", có kẻ tự nhận đủ tài, sức, vị thế làm vua như Trần Ích Tắc mà không được làm vua đã lặng lẽ cho người đến Vân Đồn liên kết với thương nhân phương Bắc, xúi, hẹn nhà Nguyên cất quân sang xâm lược, rồi đến trước năm 1285 đem cả gia đình chạy theo quân giặc Lại có kẻ được cử triều đình cử đi sứ, nhưng lại được nhà Nguyên phong cho làm An Nam quốc vương, vẫn im ỉm nhận danh tước, theo quân xâm lược hộ tống về nước Đấy là một thời điểm. Thế kỷ XVIII, để lấy lại ngai vàng mục ruỗng, suy đồi mà tự mình không giữ được hàng trăm năm trước sự chia rẻ mâu thuẫn lợi quyền, nhóm Lê Chiêu Thông đã lặn lội sang cầu cứu nhà Thanh cất quân sang để giúp. Đó là một thời điểm nữa Thứ hai, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra động thái hay bản chất sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, như lịch sử đã hình thành và thẩm định là đồng nghĩa với đoàn kết "kết thành một làn sóng". Yêu nước là tiềm tàng sức mạnh quật khởi, nhưng tiềm tàng đó chỉ trở thành hiện thưc một khi được tổ chức, kết luyện lại thành một làn sóng, mới có thể hóa, bùng thành sức mạnh vượt qua mọi khó khăn thử thách, nhấn chìm lũ cướp nước và bán nước. Nói như Đức thánh Trần Hưng Đạo, sức mạnh đánh thắng oanh liệt 3 lần giặc Mông - Nguyên ở thế kỷ XIII, là ở "vua tôi đồng tâm, anh em hòa thuận, cả nước góp sức".
  5. Sức mạnh để làm nên Bình Ngô đại cáo, "rửa nỗi nhục ngàn thu", "mở nền thái bình", bước sang trang Duy Tân - đổi mới của Đại Việt đầu thế kỷ XV, như Nguyễn Trãi tổng kết là từ "nêu hiệu gậy làm cờ, tụ hội khắp bốn phương manh lệ, hòa rượu mời lính, trên dưới một dạ cha con" "Chúng chí thành thành"; "Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao" nhận thức của nhân loại, hay dân gian Việt Nam cũng từ lâu hiểu sức mạnh của tinh thần đoàn kết. Nhưng không phải cứ muốn đoàn kết mà làm được ngay ! Cuối XIV, đầu XV, tổ quốc Đại Việt đứng trước nạn xâm lăng của giặc Minh. Vương triều Hồ kiên quyết kháng chiến, tiến hành hàng loạt các hoạt động chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến không tránh khỏi: Dời đô, xây dựng phòng tuyến: Một thành Tây Đô được gấp rút dựng nên từ 1397; một phòng tuyến kiên cố và kéo dài từ Đa Bang đến vùng Lục Đầu giang; rồi lấp, khóa các cửa sông bằng xích sắt, huy động xây dựng một đội quân chính quy với một ước ao nóng bỏng "ước gì ta có trăm vạn quân, ta chẳng sợ gì giặc phương Bắc cả" Nhiều công việc trong chuỗi triển khai trên không phải là lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Kinh đô của quốc gia thế kỷ X đã từng từ Cổ Loa về Hoa Lư (968), rồi từ Hoa Lư về bên sông Nhị (Thăng Long - 1010). Nhưng lần này là một cuộc thiên đô tốn kém vào bậc nhất, khó khăn vào bậc nhất cho đến thời điểm này. Năm 1075-1077, cả Đại Việt đã dựng nên phòng tuyến sông Như Nguyệt. Cả triều đình, thần dân đều đồng vọng "Nam quốc sơn hà, tiệt nhiên định phận, nghịch lỗ lai xâm phạm, nhữ đẳng hành khan thủ bại hư" (sông núi nước Nam, hiển nhiên định phận bọn ngoại bang xâm lược tất phải nhận lấy thất bại). Nhưng, đau xót thay, tất cả những công sức chuẩn bị ấy của triều đình Hồ lại không được dựng xây trên một tảng nền, mà những tri thức đương thời từ Tả Tướng quốc Hồ Nguyên Trừng đã chỉ ra "thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân
  6. không theo" đến Nguyễn Trãi - Thái Học sinh khai khoa của vương Triều Hồ, thẩm định "chính sự phiền hà, khiến trong nước lòng dân oán hận". Yêu nước, thừa quyết tâm kháng chiến, mà cuối cùng cha con vua Hồ Quý Lý - người anh hùng - trong tâm thức của Nguyễn Trãi, phải để lại nỗi hận ngàn đời (anh hùng di hận kỷ thiên niên) bởi không có đủ tâm thức, năng lực, sự chuẩn bị, tổ chức, phát động, phát huy được sức mạnh yêu nước - đoàn kết của toàn thể quốc dân thế trận "muôn người như một". Nửa cuối XIX, trước nạn xâm lược của thực dân Pháp, vua Tự Đức và triều đình Nguyễn không phải không nhìn thấy, không dám chuẩn bị kháng chiến bảo vệ đất nước, vương triều. Những thành lũy Vauban - kinh nghiệm tiên tiến được thẩm định từ lâu ở Phương Tây đã được đưa vào xây dựng ở Gia Định từ 1799 rồi cả nước từ sau 1802, rồi trang bị vũ khí, phòng vệ cửa biển Tiếc thay, một lợi khí không bao giờ lạc hậu, không bao giờ thay đươc là lòng dân thì triều đình Nguyễn, sau hơn nửa thế kỉ cầm quyền từ Gia Long, Minh Mạng đến Tự Đức đã không nhìn thấu, mà tự đánh mất đi "khí dân" (bỏ rơi dân chúng) để cuối cùng, triều đình Phú Xuân chấp nhận đầu hàng, nhằm giữ lấy quyền lợi làm vua, quan bù nhìn - trong tay quân xâm lược Pháp Đấy cũng một thời. Nhưng, lịch sử dân tộc Việt Nam không phải chỉ có như vậy. Thế kỷ XIII, trên chặng đường dựng xây và bảo vệ quốc gia Đại Việt, vương triều Trần - đại diện cho quốc gia Đại Việt, còn cực kỳ non trẻ. Đến năm 1258, khi phải đương đầu với một đế chế ngoại xâm Thát Đát to, mạnh, triều đình Đông A mới thành lập được gần 1/4 thế kỷ (thành lập năm 1225). Rồi 1285, 1288 khi Đại Việt phải lần thứ hai, lần thứ ba buộc phải tiến hành kháng chiến với quân Mông - Nguyên, là khi vương triều Trần đã trải qua hơn nửa thế kỷ cầm quyền, cai quản đất nước. Nhưng, ở bất kỳ thời điểm nào, dù một phần tư hay hơn nửa thể kỷ, vương triều Trần của Đại Việt ở nửa sau thế kỷ XIII chỉ bé nhỏ như "bọ ngựa
  7. trước bành cỗ xe" của quân xâm lược (hình ảnh mà chính tướng giặc Ô Mã Nhi ngạo mạn) vẫn luôn tìm thấy ở trong lòng dân tộc, quốc gia mình sức mạnh thần kỳ ở tinh thần yêu nước đoàn kết của toàn thể Đại Việt và không ngừng tổ chức, khơi dậy, phát huy nó. Đầu những năm 80 thế kỷ XIII, Đức Hưng Đạo Vương không chỉ công khai tình thế của quốc gia cho toàn bộ tướng sĩ biết : " Ta cùng các ngươi sinh ở đời nhiễu - nhương loạn lạc, lớn lên gặp phải buổi gian - nan, trông thấy sứ giặc đi lại rầm - rập,nghênh ngang ngoài đường, uốn lưỡi cú diều mà xỉ - mắng triều - đình, đem thân dê chó mà bắt - nạt tể - phụ, lại cậy thế Hốt Tất Liệt mà đòi ngọc-lụa, ỷ thế Vân - Nam - vương để vét bạc vàng; của kho có hạn, lòng tham không cùng, khác nào như đem thịt mà nuôi hổ đói, giữ sao cho khỏi tai - vạ về sau!" Triều đình Trần chăm lo xây dựng khối đoàn kết đó không chỉ bằng "không có áo thì ta cho áo, không có ăn thì ta cho ăn, quan còn nhỏ thì ta thăng thưởng, lương có ít thì ta tăng cấp, đi thủy thì ta cho thuyền, đi bộ thì ta cho ngựa, lúc hoạn - nạn thì cùng nhau sống chết, lúc nhàn - hạ thì cùng nhau vui cười" mà còn dám và biết đòi hỏi trách nhiệm, nghĩa vụ trước vương triều, quốc gia với tướng sĩ, chúng dân", mà vẫn nghiêm khắc chỉ ra (chứ không vỗ về "dân túy"): "Các ngươi trông thấy chủ nhục mà không biết lo, trông thấy quốc - sỉ mà không biết thẹn, thân làm tướng phải hầu giặc, mà không biết tức, tai nghe nhạc để hiến ngụy sứ, mà không biết căm ". Vua Trần mời các vị bô lão mọi miền về điện Diên Hồng, và đặt trước đại biểu của trăm họ, ngàn làng - như đặt, trao trước chính các đại thần, câu hỏi : "Nên hàng hay nên đánh?". Những hành động ấy không chỉ đơn giản là biểu hiện của GẦN DÂN, THÂN DÂN nữa, mà cao hơn cả là TIN DÂN! Và chính niềm tin mãnh liệt vào lòng dân như vậy, triều đình Trần đã nhận được từ "trăm lời như cùng một miệng: " Đánh" - cộng hưởng quyết tâm của các bậc đại thần "Đầu tôi chưa rơi xuống đất xin bệ hạ đừng lo" (Trần Thủ Độ), "Bệ
  8. hạ muốn hàng hãy chém đầu tôi đi đã"(Trần Hưng Đạo) như luyện thành một khối, khơi, nhân, giải phóng sức mạnh vô địch của dân tộc Việt Nam. Tất cả những điều ấy hẳn không chỉ để cho non sông Việt Nam vững âu vàng qua muôn trùng gian khổ của riêng cuộc chiến tranh vệ quốc thế kỷ XIII. PGS.TSKH Nguyễn Hải Kế Viết giữa những ngày dông bão số 2 tháng 6/2011