Vai trò và những yêu cầu mới đối với cán bộ thư viện thông tin trong kỷ nguyên internet

pdf 10 trang ngocly 2900
Bạn đang xem tài liệu "Vai trò và những yêu cầu mới đối với cán bộ thư viện thông tin trong kỷ nguyên internet", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfvai_tro_va_nhung_yeu_cau_moi_doi_voi_can_bo_thu_vien_thong_t.pdf

Nội dung text: Vai trò và những yêu cầu mới đối với cán bộ thư viện thông tin trong kỷ nguyên internet

  1. VAI TRÒ VÀ NHỮNG YÊU CẦU MỚI ĐỐI VỚI CÁN BỘ THƯ VIỆN THÔNG TIN TRONG KỶ NGUYÊN INTERNET NGUYỄN THỊ NGỌC MAI Tóm tắt Internet từ khi ra đời đã tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội trong đó có nghề thư viện thông tin. Trong bài viết này tác giả nêu sự phát triển của internet cũng như ảnh hưởng của nó đến hoạt động thư viện thông tin từ đó xác định vai trò nổi bật của cán bộ thư viện trong xã hội thông tin và kỷ nguyên internet. Trên cơ sở phân tích tình hình thực tiễn hoạt động thư viện thông tin ở Việt Nam, tác giả đề xuất một số phẩm chất và năng lực mà cán bộ thư viện nên có và gợi ý nhiệm vụ đặt ra cho các cơ sở đào tạo cán bộ thư viện thông tin hiện nay. 1. Kỷ nguyên Internet Thuật ngữ “kỷ nguyên Internet” (Internet Age) đã được Bill Gates cựu Chủ tịch Tập đoàn Microsoft nhắc tới trong bài viết “Hình thành kỷ nguyên Internet” của mình năm 2000. Internet đã làm cho mọi người trên toàn thế giới có thể giao tiếp với nhau một cách hiệu quả và không tốn kém chi phí, mang lại những cơ hội mới cho hoạt động của chính phủ, hoạt động kinh doanh và giáo dục đào tạo. Mới xuất hiện ở Việt Nam khoảng hơn 10 năm trở lại đây nhưng Internet đã tạo cơ sở cho một loạt các hoạt động trong đó có đề án về chính phủ điện tử, các hoạt động và dịch vụ thương mại điện tử, học tập điện tử Tính đến năm 2007, Internet đã đi tới 100% các viện nghiên cứu, các trường đại học và cao đẳng, các bệnh viện trung ương, các tập đoàn và tổng công ty nhà nước, 98% các trường trung học phổ thông, trung học chuyên nghiệp, 92% các doanh nghiệp vừa và nhỏ, 50% các trường trung học cơ sở, bệnh viện cấp tỉnh và trở thành một phần không thể thiếu được của các cơ quan, tổ chức (10). Thống kê của Liên minh Viễn thông Quốc tế ITU cho biết hiện nay ở Việt Nam có hơn 24 triệu người dùng internet, chiếm hơn 27% dân số.
  2. Việt Nam đang giữ vị trí thứ 7 trong top các quốc gia Châu Á có số lượng người sử dụng Internet cao nhất (5). Theo nghiên cứu của các nhà khoa học tìm hiểu về cuộc cách mạng trực tuyến, khi Internet mới bắt đầu trở nên phổ biến đã có nhiều người hoài nghi về những rủi ro của nó đối với xã hội. Trên thực tế, mặc dù có nhiều mặt trái, song không thể phủ nhận những lợi ích to lớn mà internet mang lại cho xã hội. Trong hoạt động thông tin - thư viện, cộng đồng thư viện toàn cầu đã thực sự đặt chân vào thế giới của thư viện điện tử từ những năm đầu thập kỷ 1990. Ở Việt Nam, năm 1997 lần đầu tiên Internet được đưa vào ứng dụng. Sự kiện này đã tạo đà cho sự phát triển mới trong lĩnh vực thư viện - thông tin ở Việt Nam khi triển khai mạnh mẽ hơn việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động nghiệp vụ thư viện. Việc sử dụng Internet trong các thư viện ở Việt Nam ngày càng trở nên phổ biến. Tính đến năm 2006, đã có khoảng 80% các thư viện tỉnh ở Việt Nam triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ. Sự phát triển của công nghệ đã làm cho tính chất nghề thư viện có nhiều thay đổi. Sự bùng nổ thông tin trong thế kỷ XX đã mang lại cuộc cách mạng công nghệ trên diện rộng và việc truy cập tới thông tin trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Các thư viện thuộc mọi loại hình đã và đang trải qua một giai đoạn với những thay đổi vô cùng nhanh chóng. Sự phát triển xã hội và phát triển về công nghệ bắt đầu từ cuối thế kỷ XX đã thay đổi về cơ bản cách thức mà thư viện thực hiện những nhiệm vụ truyền thống như lựa chọn, tổ chức, bảo quản và truy cập thông tin. Các cán bộ thư viện thường được biết tới với tư cách là người làm việc trong một tòa nhà thư viện thực hiện các công việc như bổ sung, tổ chức, bảo quản tài liệu in ấn cũng như hỗ trợ người đọc trong việc định vị thông tin họ cần. Trong những thập kỷ cuối của thế kỷ XX, hình ảnh người cán bộ thư viện đã thay đổi rất nhiều dưới tác động của những cải tiến mới trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông. Ở nhiều thư viện, những bộ sưu tập tài liệu giấy đã nhường chỗ cho các bộ sưu tập được kết nối mạng, lưu trữ trên máy tính và người dùng có thể tra tìm được như các cơ sở dữ liệu thư mục, các mục lục truy cập công cộng trực tuyến (OPAC) đã khiến người dùng không cần phải trực tiếp đến các tòa nhà thư viện nữa. Cùng với việc số hóa ngày càng nhiều bộ sưu tập và việc phát triển các phần cứng và phần mềm tin học và truyền thông, việc truy cập tới các thông tin
  3. được số hóa nằm trong các bộ sưu tập ở nhiều địa điểm khác nhau đã trở thành hiện thực. Các bức tường thư viện vì vậy đã bị xóa bỏ và “thư viện ảo” trong không gian ảo đã ra đời. Người cán bộ thư viện đứng ở vị trí nào giữa bối cảnh đó và vai trò của họ trong giai đoạn mới có gì khác biệt là những câu hỏi đã và đang được đặt ra không phải cho một mà cho tất cả những người làm nghề thư viện. Đồng thời, đây cũng là vấn đề hàng đầu được quan tâm bởi các cơ sở đào tạo đội ngũ cán bộ thư viện nhằm cung cấp nguồn nhân lực đảm bảo trình độ và kỹ năng đáp ứng yêu cầu của thực tiễn trong điều kiện mới. 2. Hoa tiêu trên biển thông tin Trước sự phát triển của mạng Internet, các nhà tư tưởng vị lai, các nhà văn chuyên viết xã luận, và rất nhiều người khác từ nhiều năm nay đã cho rằng vai trò của các thư viện sẽ không còn, vì họ lập luận rằng mạng Internet đã khiến công chúng không còn cần đến thư viện, thậm chí không còn cần đến những quyển sách. Thời gian gần đây, khi khái niệm thư viện số trở nên phổ biến, nhiều người lại cho rằng Internet và thư viện số là một. Tuy nhiên, các nhà thư viện học đã đưa ra những lý do thuyết phục về việc Internet không thể thay thế cho thư viện - kho tàng tri thức của nhân loại, của dân tộc - mà chỉ là một công cụ để khai thác thư viện hiệu quả hơn (1). Báo cáo của IMLS (the Institute of Museum and Library Services - Viện nghiên cứu về công tác thư viện và bảo tàng) đã chỉ rõ, “các thư viện và bảo tàng đang phát triển nhanh chóng trong kỷ nguyên Internet và là nguồn cung cấp thông tin đáng tin cậy đối với tất cả mọi người” (4). Trên thực tế, bằng nhiều cách, Internet đã khiến sự lưu chuyển thông tin tăng lên rất nhanh trong tất cả các dịch vụ và phương tiện thông tin thư viện, khiến các dịch vụ này có phạm vi phục vụ rộng hơn, vượt ra ngoài giới hạn của các bức tường của tòa nhà thư viện. Internet và việc tiếp cận với thế giới thông tin mà nó mang lại ngày nay đã đem đến cho các thư viện một công nghệ và phương tiện khác hẳn về chất so với những công nghệ và các phương tiện truyền thông đã có trước đây. Số lượng thông tin có thể truy cập qua mạng Internet lớn đến nỗi nó dẫn tới sự thay đổi về chất của các dịch vụ thông tin mà các thư viện cung cấp (2). Thông qua Internet, các thư viện có thể cung cấp cho người dùng tin các dịch vụ thông tin và truy cập tài liệu, các cơ sở dữ liệu trực tuyến trong suốt 24h mỗi ngày và 7 ngày mỗi tuần. Tại nhà hoặc từ bất kỳ nơi nào khác, người dùng có thể kiểm tra trực tuyến các danh mục tại các thư viện, đăng ký các tài liệu mà họ muốn mượn, và gia
  4. hạn các tài liệu đến hạn hoặc quá hạn trả - mọi chức năng của các hệ thống thư viện tổng hợp đều có thể đến được với công chúng thông qua mạng Internet. Internet với tác động mạnh mẽ của nó đã mang lại những thay đổi lớn trong nghề thư viện. Kể từ sự ra đời của biểu ghi biên mục đọc máy USMARC vào cuối những năm 1960 với kết quả là sự phát triển nhanh chóng và rộng khắp của các mục lục trực tuyến, những phát triển về công nghệ đã khuyến khích các cán bộ thư viện trở thành những người tổ chức, đánh chỉ số, làm tóm tắt, lưu trữ hiệu quả hơn và bên cạnh đó cũng phải đảm đương những vai trò mới là người trung gian, hỗ trợ, đào tạo người dùng tin, thiết kế và tổ chức website, nghiên cứu, thiết kế giao diện, quản lý tri thức và sàng lọc các nguồn thông tin (7). Rusbridge (1997) đã nhận định: Nhiệm vụ của cán bộ thư viện trong thế giới số hiện nay cũng như những gì đã thực hiện trong thế giới tài liệu in ấn - không chỉ trong việc ngăn chặn truy cập tới các tài liệu rác, mà còn trong việc khuyến khích truy cập tới những gì có chất lượng (1). Hiện nay, các nguồn thông tin điện tử và mạng Internet đã khiến cho việc thu thập tài liệu tham khảo trở nên dễ dàng hơn và nhanh chóng hơn nhiều so với trước. Các cơ sở dữ liệu trên máy tính đã thay thế các mục lục phiếu cồng kềnh, các phương tiện mới đã cho phép mở rộng lượng tài liệu khả dụng (Percovitz, 1995). Trên thực tế, ngày nay, thông tin không chỉ được xuất bản dưới dạng in ấn như trước nữa. Tài liệu in ấn trước đây chiếm ưu thế độc tôn thì giờ đây là sự pha trộn giữa các nguồn tài liệu in và tài liệu điện tử. Sự thay đổi về công nghệ này đã ảnh hưởng tới hầu hết các loại hình thư viện bao gồm cả thư viện công cộng, thư viện trường học, thư viện nghiên cứu và thư viện chuyên dạng. Số thư viện không tiếp cận với công nghệ là rất ít ỏi. Nghề thư viện là một trong những ngành nghề lâu đời nhất trên thế giới và thời đại ngày nay đòi hỏi một thế hệ cán bộ thư viện mới, những người nắm bắt và tích hợp công nghệ thông tin và việc học tập vào một mô hình mới (Drake, 1996) (7). Theo chia sẻ của nhiều cán bộ thư viện, công nghệ đã làm thay đổi cơ bản công việc của người cán bộ thư viện nhưng không hề làm giảm bớt vai trò của họ trên con đường chuyển giao thông tin tới người dùng tin (8). Về vai trò của người cán bộ thư viện trong kỷ nguyên Internet, ông Maurice J. (Mitch) Freedman, nguyên chủ tịch Hiệp hội Thư viện Hoa Kỳ, đã khẳng định: “Các thư viện công cộng và những nhân viên làm việc tại những thư viện này vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ công chúng tìm kiếm
  5. và khai thác “biển cả thông tin” giờ đây đã có thể đến với độc giả dễ dàng qua mạng Internet.” Như vậy, trong bối cảnh công nghệ thông tin và Internet, vai trò “hoa tiêu trên biển thông tin” - vai trò trung gian giữa thông tin và người dùng tin của người cán bộ thư viện càng trở nên vô cùng cần thiết. Thêm vào đó, những vai trò mới của họ cũng được K. Nageswara Rao và KH Babu (2001) xác định như sau: Cán bộ thư viện là người trung gian tìm kiếm thông tin: Vai trò này luôn luôn tồn tại bởi trong môi trường số, việc tìm được thông tin chính xác, nhanh chóng ngày càng trở nên phức tạp và đòi hỏi nhiều thời gian, công sức. Cán bộ thư viện là người hỗ trợ: Vai trò này thể hiện trong việc nhận diện, tập hợp và tổ chức cơ sở hạ tầng thông tin như truy cập mạng, truy cập phần mềm, giấy phép và mật khẩu để sử dụng các nguồn thông tin phải trả phí, xác định các nhu cầu thông tin của người dùng và xác định các nguồn thông tin đáp ứng nhu cầu của họ. Cán bộ thư viện là người đào tạo người dùng tin: Đào tạo người dùng tin về tổ chức các nguồn thông tin, chiến lược tìm tin, các công cụ, kỹ năng tìm tin, hiểu biết về nguồn thông tin và thông báo các nguồn thông tin mới. Cán bộ thư viện là người xây dựng website hoặc nhà xuất bản: Tham gia tạo lập website để phổ biến thông tin về thư viện và các dịch vụ thư viện. Cán bộ thư viện là người nghiên cứu: Tham gia ngày càng nhiều vào hoạt động nghiên cứu và trở thành một thành viên then chốt trong nhóm nghiên cứu khoa học trên cơ sở một trình độ chuyên sâu về quy trình nghiên cứu khoa học và hiểu biết về các nguồn thông tin thuộc các lĩnh vực khác nhau. Cán bộ thư viện là người thiết kế giao diện: Hỗ trợ các chuyên gia công nghệ thông tin trong việc thiết kế các dịch vụ thông tin dựa trên công nghệ. Cán bộ thư viện là người quản lý tri thức: Tổ chức tri thức thành các hệ thống và cấu trúc, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng chúng có hiệu quả.
  6. Cán bộ thư viện là người sàng lọc các nguồn thông tin: Giúp người dùng nhận diện và tiếp cận các nguồn thông tin trong không gian thông tin rộng lớn. 3. Những năng lực và phẩm chất cần thiết của cán bộ thư viện thông tin Kỷ nguyên Internet mang lại những cơ hội lớn cho những người làm nghề thư viện, đặc biệt là làm tăng khả năng cung cấp các dịch vụ thông tin dễ dàng, kịp thời và phù hợp hơn cho người dùng tin, đồng thời cũng đặt ra những thách thức lớn, những yêu cầu, đòi hỏi mới cho đội ngũ này. Để đáp ứng yêu cầu của xã hội, thế hệ cán bộ thư viện trong kỷ nguyên Internet cần phải được trang bị những kỹ năng chuyên môn mới. Theo Morris (1999), các kỹ năng cần thiết cho đội ngũ cán bộ thư viện là các kiến thức cơ bản về phần cứng, khắc phục sự cố, hiểu biết về các chương trình phần mềm, và kỹ năng tìm kiếm, hiển thị và truy xuất dữ liệu một cách hiệu quả trong nhiều hệ thống truy xuất thông tin (7). Theo Bách khoa toàn thư Britannica (2011), những yêu cầu về năng lực nghề nghiệp của cán bộ thư viện hiện nay bao gồm: “hiểu biết về tính chất của tài liệu và vai trò của chúng trong xây dựng vốn tài liệu, các kỹ năng tổ chức tri thức thông qua việc biên mục và phân loại, khả năng phân tích và điều tra nhu cầu, khả năng phổ biến thông tin, đáp ứng các yêu cầu thông tin, và cần có trình độ cao về tin học.” Như vậy, trên thực tế, người cán bộ thư viện thông tin trong giai đoạn hiện nay, ngoài các kỹ năng thư viện truyền thống, một mặt cần có hiểu biết về các công nghệ liên quan tới thư viện số và các kỹ thuật phân phối các dạng thức mới của nguồn và dịch vụ thông tin, tạo lập website, xây dựng và duy trì mạng máy tính, thiết kế giao diện tìm kiếm thông tin, trình độ sư phạm để đào tạo người dùng tin; mặt khác, ngoài các kỹ năng mang tính kỹ thuật, họ còn cần có khả năng thích nghi và làm việc có hiệu quả với một môi trường năng động và luôn tiềm ẩn sự thay đổi như môi trường mạng (Burke, 2001). Trước những đòi hỏi mới về phẩm chất và kỹ năng đối với cán bộ thư viện, với tư cách là những chiếc nôi đào tạo nguồn nhân lực này cho xã hội, các cơ sở đào tạo cũng đứng trước những yêu cầu mới. Do các kỹ năng và kiến thức chuyên môn cần thiết của cán bộ thư viện tiếp tục tăng lên, các trường về thư viện học cũng theo đó điều chỉnh chương trình giảng dạy của
  7. mình. Hầu hết các trường đào tạo nghề thư viện đã đáp ứng việc ứng dụng công nghệ ngày càng mạnh mẽ hơn bằng cách tăng cường số lượng các chương trình học về thông tin học. Các chương trình thông tin học tích hợp việc nghiên cứu từ các lĩnh vực truyền thông, tin học, tâm lý học nhận thức (cognitive psychology), trí tuệ nhân tạo, toán học, triết học, khoa học về công trình, kinh doanh và các lĩnh vực khác. Nền tảng liên ngành này cung cấp cho những sinh viên đã tốt nghiệp đại học một kiến thức rộng về tự động hóa thư viện, các hệ thống, ngân sách, tìm kiếm trực tuyến, nghiên cứu và biên mục. Trên thế giới, kể từ những năm 1980, hầu hết các trường về thư viện học đã trở thành trường thư viện - thông tin học hay đơn giản là trường thông tin học. Ngày càng có nhiều trường còn yêu cầu người học phải tham gia các khóa về phương pháp nghiên cứu khoa học, về các kỹ năng phân tích, giao tiếp, quản lý, xây dựng và phát triển dự án. Nhằm đảm bảo thời lượng giảng dạy thích hợp để trang bị các kỹ năng mới cần cho cán bộ thư viện mà không bỏ qua bất cứ kỹ năng thư mục truyền thống nào, một số trường đã tăng số lượng giờ học cần thiết. Ngoài việc được theo học chính quy tại các cơ sở đào tạo, các nhân viên thư viện ở mọi trình độ được hưởng lợi từ việc học tập tiếp trong các chương trình đào tạo tiếp tục. Trước đây, những nhân viên thư viện mới có thể làm nghề và họ biết tất cả những gì cần phải thực hiện trong suốt quãng đời làm việc của mình, nhưng hiện nay thì không phải như vậy. Tất cả các hệ thống thư viện đang tiếp tục thay đổi, và cán bộ thư viện cần phải luôn được tiếp tục đào tạo để theo kịp những bước phát triển này. Hầu hết các trường thư viện - thông tin đều cung cấp một loạt các khóa học tiếp tục được thiết kế cho các cán bộ thư viện mong muốn hiện đại hóa và tăng cường những kỹ năng của mình. Ngoài ra, các hiệp hội nghề nghiệp cũng tiến hành các khóa đào tạo tiếp tục cho cán bộ thư viện (6). Ở Việt Nam, nhiệm vụ đào tạo đội ngũ nguồn nhân lực thư viện thông tin là nhiệm vụ chung của toàn ngành thư viện - thông tin, trong đó có vai trò then chốt của các cơ sở đào tạo cán bộ thư viện thông tin. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 54 trường tham gia đào tạo nguồn nhân lực thư viện thông tin từ bậc cao đẳng, đại học, cao học cho đến tiến sĩ. Nội dung chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy, đội ngũ cán bộ giảng dạy, cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập ở một số trường đã có nhiều đổi mới để bắt kịp với xu thế chung. Về cơ bản, trong những năm gần đây, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực thư viện - thông tin ở Việt Nam đã được nâng cao một bước nhưng chưa thực sự đáp ứng nhu cầu của các hệ thống thư viện ở Việt Nam (7, tr.269-277).
  8. Trên thực tế, việc đào tạo nguồn nhân lực với năng lực và phẩm chất đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn đã đặt ra những nhiệm vụ cấp thiết cho các cơ sở đào tạo cán bộ thư viện thông tin ở Việt Nam trong những năm sắp tới với việc tiếp tục đổi mới, cải tiến chương trình đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ giảng dạy có trình độ cao, đổi mới phương pháp giảng dạy và tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập. Kết luận Cán bộ thư viện là những chuyên gia được đào tạo về bổ sung, tổ chức, truy xuất và phổ biến thông tin. Nghề thư viện trong kỷ nguyên Internet và nội dung số không khác nhiều so với những gì đã được thực hiện trong các thư viện truyền thống, có khác chăng là cách thức đảm đương công việc và hiệu quả của công việc. Nhiệm vụ của họ sẽ vẫn tiếp tục là người lựa chọn các nguồn thông tin thích hợp, cung cấp truy cập tới các nguồn thông tin đó, hướng dẫn và hỗ trợ người dùng tin trong việc hiểu các nguồn thông tin, bảo quản cả phương tiện và thông tin chứa đựng trong đó. Vai trò “hoa tiêu” trên biển thông tin của cán bộ thư viện là không thay đổi và để giữ vững vai trò này, người cán bộ thư viện trong kỷ nguyên Internet cần được đào tạo và tự đào tạo thường xuyên để nâng cao trình độ và năng lực nghề nghiệp của mình. Để kết thúc bài viết, xin được dẫn lời của Stephen Pinfield, cán bộ thông tin tại Đại học Nottingham Hoa Kỳ: “Tôi vẫn thường cho rằng cán bộ thư viện là những người thực thi 3 nhiệm vụ: cung cấp nội dung, các dịch vụ và không gian. Trong các thư viện truyền thống, chúng tôi cung cấp nội dung trong sách, chúng tôi cũng cung cấp các dịch vụ như cách tra tìm sách, và cung cấp không gian trong các tòa nhà thư viện rộng lớn để làm việc và lưu giữ vốn tài liệu. Ngày nay, chúng tôi vẫn làm 3 nhiệm vụ đó nhưng bản chất của chúng đã thay đổi rất nhiều: nội dung thường ở dạng điện tử thông qua việc đặt mua các sách, tạp chí điện tử, cơ sở dữ liệu, mà hiện giờ đang chiếm một tỷ lệ lớn trong kinh phí bổ sung của hầu hết các thư viện. Là cán bộ thư viện chúng ta buộc phải thích nghi hoặc sẽ chẳng ai cần tới chúng ta nữa.”(8) N.T.N. M Tài liệu tham khảo
  9. 1. Burke, Liz, The future role of librarians in the virtual library environment, The Australian Library Journal, truy cập ngày 26 tháng 8 năm 2011 từ ml, 2001. 2. Freedman, Maurice J. (Mitch), Các thư viện công cộng trong thời đại Internet, Tạp chí điện tử của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Tháng 3 năm 2006, truy cập ngày 19 tháng 7 năm 2011 từ ,200 6. 3. Herring, Mark Y, 10 lý do để Internet không thể thay thế thư viện, truy cập ngày 8/9/2011 từ tm=1201080797, 2001. 4. IMLS, IMLS Report: Libraries Trusted, Valuable Information Providers, Library Journal, truy cập ngày 8 tháng 9 năm 2011 từ -276/imls_report_libraries_trusted_valuable.html.csp, 2008. 5. Internet World Stats, Truy cập ngày 8 tháng 9 năm 2011 từ 2011. 6. Microsoft Encarta Reference Library (2005), Microsoft Corporation, Redmond. 7. Rao, K. Nageswara & Babu, KH, Role of Librarian in Internet and World Wide Web Environment, Informing Science The International Journal of an Emerging Transdiscipline, 4(1), 25-34, 2001. 8. Sykes, et al, Librarians: how has technology changed your role? Education guardian, April truy cập ngày 9 tháng 9 năm 2011 từ 2,00.html , 2008. 9. The changing role of libraries, Encyclopedia Britannica, truy cập ngày 22 tháng 8 năm 2011
  10. từ The-changing-role-of-libraries, 2011. 10. Thủy Nguyên, Mười năm Internet Việt Nam: Nhìn lại những thành tựu và thời cơ mới, truy cập ngày 11 tháng 8 năm 2011 từ nhung-thanh-tuu-va-tim-thoi-co-moi/65092134/217/ , 2007. 11. Trần Thị Minh Nguyệt, Đào tạo cán bộ thông tin thư viện trước ngưỡng cửa tương lai, Kỷ yếu hội thảo Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Hà Nội, 2009, tr 269- 277.