Vai trò của đàn nhị trong âm nhạc cổ truyền Việt Nam

doc 5 trang ngocly 3130
Bạn đang xem tài liệu "Vai trò của đàn nhị trong âm nhạc cổ truyền Việt Nam", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • docvai_tro_cua_dan_nhi_trong_am_nhac_co_truyen_viet_nam.doc

Nội dung text: Vai trò của đàn nhị trong âm nhạc cổ truyền Việt Nam

  1. VAI TRÒ CỦA ĐÀN NHỊ TRONG ÂM NHẠC CỔ TRUYỀN VIỆT NAM Dương Thùy Anh [*] Đàn Nhị là một trong những nhạc khí đa năng trong kho tàng nhạc khí cổ truyền Việt Nam. Với sự độc đáo về tính năng, đa dạng trong thể hiện, với âm sắc đặc thù, phản ánh được nhiều trạng thái tình cảm, đàn Nhị xuất hiện trong rất nhiều thể loại âm nhạc từ cổ truyền đến những sáng tác mới theo hình thức châu Âu; hiện diện đầy đủ với các hình thức diễn tấu từ độc tấu, song tấu, tam tấu đến hòa tấu, từ thính phòng đến sân khấu, đâu đâu đàn Nhị cũng thể hiện rõ khả năng diễn tấu linh hoạt của mình mà khó có một nhạc cụ cổ truyền nào đạt được. Trong âm nhạc cổ truyền, Nhị là một trong những nhạc cụ chính, trong cuốn Nhạc khí dân tộc Việt Nam của hai tác giả Lê Huy và Huy Trân có viết: “Nhị tham gia trong nhiều tổ chức dàn nhạc xưa và nay như phường bát âm, dàn nhã nhạc, ban nhạc chầu văn, ban nhạc tài tử, dàn nhạc dân tộc tổng hợp Các dàn nhạc Tuồng, Chèo, Cải lương càng không thể thiếu âm thanh của cây đàn Nhị”[16; tr. 11]. Như vậy có thể thấy, Nhị có mặt trong rất nhiều dàn nhạc cổ truyền. 1. Đàn nhị trong phường bát âm Phường bát âm là dàn nhạc thường dùng trong các đám ma, đám rước lễ tại Việt Nam. Bát âm là tám chất liệu âm thanh đồng thời gọi chung cho tám loại nhạc cụ khác nhau, đó là: Thạch, Thổ, Kim, Mộc, Trúc, Bào, Ti, Cách. Ngày nay, phường bát âm không còn đầy đủ như ngày xưa, nó thay đổi linh hoạt hơn tuỳ theo từng nhóm nhạc, mỗi nhóm nhạc từ năm đến bảy người, các nhạc cụ đi cùng có thể là trống, kèn bóp, đàn bầu, thanh la, tiêu, ghi ta phím lõm và đặc biệt là luôn có mặt của cây đàn Nhị, dù số lượng người và nhạc cụ trong nhóm nhạc có thay đổi như thế nào thì phường bát âm cũng không thiếu được cây đàn Nhị. Với những âm thanh réo rắt, buồn thảm, da diết đến nao lòng, cùng những kỹ thuật nhấn, vuốt, bóp dây trên một làn điệu chậm, buồn, đã tạo nên những âm thanh như tiếng nấc, tiếng nức nở khóc than, mang lại cảm giác buồn, đau thương, rất phù hợp với cảm xúc trong khung cảnh tiễn đưa người đã khuất. Người Việt Nam thường nói Nhị là cây đàn "ỉ eo" trong đám ma. 2. Đàn Nhị trong hát Xẩm
  2. Trong cuốn Nhập môn Âm nhạc cổ truyền của Hà Hoa có viết: "Hát Xẩm là một loại hát sinh hoạt nghệ thuật dân gian di động, mang tính kể chuyện, phổ biến ở đồng bằng và trung du Bắc Bộ" [14; tr.38]. Chữ Xẩm ý nói về những người khiếm thị đi hát rong kiếm sống. Xẩm được xem là một hình thức mưu sinh của những người dân nghèo khổ, đặc biệt là người khiếm thị. Xẩm thường được biểu diễn ở ngoài chợ, trên đường phố, nơi đông người qua lại chứ rất ít được biểu diễn ở những sân khấu lớn, tuy vậy, ở nước ta (đặc biệt là miền Bắc) có không ít người biết đến và yêu thích loại nhạc truyền thống này. Trước đây người ta đã dùng đàn Bầu để đệm cho hát Xẩm nhưng sau này đã phát hiện ra đàn Nhị, tiếng đàn Nhị to hơn, phù hợp với chỗ đông người, đàn nhỏ gọn, tiện cho việc di chuyển Giờ đây, nói đến hát Xẩm là phải nhắc đến đàn Nhị, nhạc cụ thường có mặt trong nghệ thuật này. Chúng ta đã được biết đến một tài danh, một nghệ nhân nổi tiếng của Việt Nam trong hát Xẩm là bà Hà Thị Cầu. Bà được mến mộ không chỉ vì giọng hát độc đáo, đặc sắc mà còn vì tài nghệ tuyệt vời dùng đàn Nhị đệm cho phần hát của mình. Bà có thể vừa hát vừa ăn trầu, tay kéo Nhị, chân gõ phách. Trong hát Xẩm, đàn Nhị được sử dụng hết sức linh hoạt, mang nhiều tính ngẫu hứng. Tiếng đàn và giọng hát đan xen hòa quện với nhau, lúc trầm, lúc bổng Bên cạnh đàn Nhị còn có nhạc cụ gõ, đó là trống mảnh và sênh. Bộ gõ này hầu như cả hát Xẩm xưa và nay đều sử dụng. 3. Đàn Nhị trong nghệ thuật Chèo Chèo là loại hình sân khấu truyền thống mang đặc điểm diễn kể dân gian, xuất hiện và phát triển nhiều ở vùng châu thổ Sông Hồng. Trong sự thành công của Chèo, không thể không đề cập đến vai trò của dàn nhạc. Ngoài vai trò trong việc đệm cho hát, dàn nhạc Chèo còn đảm đương phần làm nền cho cảnh diễn, tạo tình huống kịch, mở màn cho vở diễn Trước đây, dàn nhạc trong Chèo chủ yếu là bộ gõ. Trong cuốn Nhạc khí gõ - trống đế trong Chèo truyền thống của Nguyễn Thị Nhung có viết: “Dàn nhạc Chèo truyền thống đầu tiên chỉ gồm các nhạc khí trống đế, thanh la, mõ và trống cơm, trống cái dần được bổ sung thêm như Nhị, Hồ, Tiêu, Sáo” [30; tr.37]. Trong cuốn Sức sống của nền âm nhạc truyền thống Việt Nam của nhạc sĩ Tô Vũ viết: Phụ họa các điệu hát Chèo cổ chỉ dùng tới bốn thứ nhạc khí là trống đế, thanh la, mõ và trống cơm. Thành phần đó là căn bản, không thể thay đổi. Mãi về sau chịu ảnh hưởng của phong trào “tuồng hóa” và trong thời kỳ “cải lương” nhiều ban Chèo mới đưa thêm vào những thứ đàn Nhị, Hồ, Tiêu, Sáo [36; tr.22]. Qua những ý kiến trên chúng ta nhận thấy, bộ gõ trong dàn nhạc Chèo giữ vị trí rất quan trọng, bên cạnh đó là các nhạc cụ Nhị, Hồ, Tiêu, Sáo Bộ gõ, tạo không khí
  3. bề ngoài cho diễn xuất, chuyển màn, chuyển lớp, sự ra vào của diễn viên, tuy nhiên lại khó có thể tạo được hiệu quả tính trữ tình của nhân vật. Do vậy, đàn Nhị và một số nhạc cụ khác đã “gánh” trách nhiệm trong việc truyền tải thông điệp nội tâm sâu lắng và phong phú này. Với sự đặc trưng của loại hình nghệ thuật đậm chất dân tộc này, nhạc cụ trong dàn nhạc Chèo cũng được chọn lựa khắt khe để truyền tải phần hồn sao cho gần gũi nhất mà vẫn tôn vinh được tính nghệ thuật cao trong từng vở, từng tích diễn. Mỗi nhạc cụ trong dàn nhạc Chèo đều đóng vai trò thể hiện tiếng nói riêng nhưng vẫn phải gần gũi với giọng người. Trong không gian huyền bí của sân khấu dân gian, âm thanh của dàn nhạc như lời mời, lời gọi người nghe, lời trước, lời sau, hòa quyện, chuyển động nhịp nhàng. Giờ đây dàn nhạc Chèo không chỉ có bộ gõ mà còn gồm rất nhiều nhạc cụ khác như: Đàn Tam thập lục, Thập lục, Nguyệt, Bầu, Sáo, Tiêu, Nhị Trong họ dây của dàn nhạc, đàn Nhị thuộc chi kéo bao gồm Nhị 1, Nhị 2. Đàn Nhị 1 có âm thanh trong trẻo, réo rắt, dễ mang đến cảm xúc vui tươi còn đàn Nhị 2 là những âm thanh trầm ấm, để thể hiện những cảm xúc khắc khoải, sâu lắng của những thân phận bi ai. Đàn Nhị 2 thường được “ưu ái” để diễn tả những trường đoạn mang nặng tâm lý nhân vật trong các vở/tích Chèo. Nhờ đó mà cao trào của vở diễn cũng như sự thăng hoa của diễn viên được đẩy đến đỉnh điểm mang lại hiệu ứng cũng như thành công nhất định trong mỗi đêm diễn. Ở mỗi làn điệu Chèo thường có đoạn “vỉa” ở đầu bài (trong tác phẩm mới gọi là câu dạo đầu), đàn Nhị là nhạc cụ hay được dùng trước tiên cho câu vỉa này để lấy giọng cho người hát theo mỗi làn điệu. Trong mỗi làn điệu Chèo thường được chia thành nhiều trổ, ở giữa mỗi trổ là "lưu không" (giống như cầu nối trong nhạc mới) có thể là lưu không 4, 8, 12 (tương đương với 4, 8, 12 nhịp) tuỳ vào cách diễn của người hát, đàn Nhị và các nhạc cụ khác trong dàn nhạc lại đảm nhiệm vai trò diễn tấu. Như thế, âm nhạc và lời ca cứ thế đan xen, hoà quện với nhau không thể tách rời, tạo nên một phong cách sân khấu riêng biệt, độc đáo. Không sai khi nói dàn nhạc chính là phần hồn không thể thiếu trong nghệ thuật Chèo. Nó đóng vai trò thể hiện nội tâm nhân vật, khắc hoạ cho phần trình diễn của nhân vật được rõ nét và cây đàn Nhị cùng với một vài nhạc cụ tiêu biểu khác đã hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc của mình, tạo nên sự hấp dẫn đặc trưng cho bộ môn nghệ thuật Chèo của vùng châu thổ Sông Hồng nói riêng và của nền nghệ thuật dân gian đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam nói chung. 4. Đàn Nhị trong Đờn ca tài tử
  4. Đờn ca tài tử là loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của vùng đất Nam Bộ. Đây là loại hình nghệ thuật kết hợp giữa đàn (người Nam Bộ gọi là đờn) và ca. Dàn nhạc tài tử gồm các nhạc cụ: Thập lục, Nhị, Gáo, Nguyệt, Bầu, Tiêu sau này có thêm Guitar phím lõm và Violon. Cũng như trong các dàn nhạc Tuồng, Chèo , trong Đờn ca tài tử, đàn Nhị không chỉ hiện diện một cách đơn thuần mà nó còn khẳng định là một nhạc cụ chính trong dàn nhạc. Trong Đờn ca tài tử, đàn Nhị như sợi dây kết nối giữa những âm thanh gãy gọn của đàn Nguyệt, thánh thót của Thập lục, linh hoạt của Guitar phím lõm Với những âm thanh mượt mà mềm mại, da diết, đàn Nhị đã kết nối các nhạc cụ lại với nhau, khiến tổng thể âm sắc dàn nhạc trở nên hòa quyện, đó là điều ít nhạc cụ dân tộc có thể làm được. Trong hầu hết các hình thức hòa tấu của Đờn ca tài tử, từ song tấu đến tam tấu, tứ tấu hầu như đều thấy sự góp mặt của đàn Nhị. Ở những bản nhạc mang tính chất vui tươi (các bản nhạc Bắc), nhạc công thuộc bộ dây gảy với những kỹ thuật điêu luyện thể hiện chạy ngón nhanh nhạy Lúc này nhạc công chơi đàn Nhị cũng diễn tấu không hề thua kém: lúc khoan, lúc nhặt, điềm đạm ở âm khu thấp, vút lên bay bổng ở âm khu cao, rồi cùng hoà quện với những âm thanh của các nhạc cụ khác, tạo nên một bức tranh âm nhạc đầy màu sắc sống động, thu hút người nghe Ở các bản nhạc Oán hay Ai, bằng những kỹ thuật nhấn, vuốt, luyến láy vừa sâu vừa chậm, cây đàn Nhị đã mang lại những cảm giác nao lòng, nỉ non, u buồn cùng với tiếng đàn Nguyệt thổn thức, tiếng Thập lục rì rào đã tạo cảm xúc trọn vẹn cho người nghe khi thưởng thức những bản nhạc Ai, Oán. Có thể nói, dù ở trong bất kỳ dàn nhạc nào, đàn Nhị cũng luôn đóng vai trò quan trọng. Tài liệu tham khảo 1. Đoàn Công Chuân (2005), Đàn Nhị với việc giảng dạy phong cách âm nhạc dân gian và cung đình Huế, Luận văn Thạc sĩ Phương pháp giảng dạy chuyên ngành âm nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. 2. Nguyễn Thế Dân (2006), Tuyển tập phong cách Huế, Trung tâm thông tin và thư viện âm nhạc, Nhạc viện Hà Nội 3. Hoàng Đạm (2004), Vì sự phát triển của âm nhạc truyền thống, Nxb Viện Âm nhạc Việt Nam, Hà Nội. 4. Nguyễn Bình Định (2004), Giáo trình lịch sử âm nhạc Phương Đông, Nxb Văn hoá, Hà Nội. 5. Hà Hoa (2013), Nhập môn Âm nhạc cổ truyền (cho hệ Đại học Sư phạm Âm nhạc), Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương.
  5. 6. Nguyễn Thụy Loan (1993), Lược sử âm nhạc Việt Nam, Nhạc viện Hà Nội – Nhà xuất bản Âm nhạc, Hà Nội. 7. Nguyễn Thụy Loan (2001), Thường thức về âm nhạc cổ truyền Việt Nam và lịch sử âm nhạc, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 8. Nguyễn Thụy Loan (2006), Âm nhạc cổ truyền Việt Nam, giáo trình Cao đẳng Sư phạm, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội. 9. Tô Ngọc Thanh, Hồng Thao (1996), Tìm hiểu âm nhạc dân tộc cổ truyền, Nxb Văn hóa, Hà Nội. 10. Nguyễn Viêm (1996), Lịch sử âm nhạc dân gian cổ truyền, Viện nghiên cứu âm nhạc, Hà Nội. 11. Tô Vũ (1996), Sức sống của nền âm nhạc truyền thống Việt Nam, Nxb Âm nhạc, Hà Nội. 12. Tô Vũ (2000), Âm nhạc truyền thống và hiện đại, Nxb Viện Âm nhạc. ___ [*] Lớp Cao học k4– Chuyên ngành Lí luận và phương pháp dạy học Âm nhạc