Ngày giỗ tổ đã qua, nhớ, tiếc và thương muộn hai nữ nghệ nhân xấu số
Bạn đang xem 20 trang mẫu của tài liệu "Ngày giỗ tổ đã qua, nhớ, tiếc và thương muộn hai nữ nghệ nhân xấu số", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tài liệu đính kèm:
- ngay_gio_to_da_qua_nho_tiec_va_thuong_muon_hai_nu_nghe_nhan.pdf
Nội dung text: Ngày giỗ tổ đã qua, nhớ, tiếc và thương muộn hai nữ nghệ nhân xấu số
- TẠP BÚT NĂM QUÍ DẬU 1993 - DI CẢO 132 (viết ngày 27 th.10-993. 13 th.9 Quí Dậu) NGÀY GIỖ TỔ ĐÃ QUA, NHỚ, TIẾC VÀ THƯƠNG MUỘN HAI NỮ NGHỆ NHÂN XẤU SỐ Kính gởi Nguyễn Ngọc Linh Phó tổng biên tập báo Sân Khấu, 5B Võ Văn Tần, TP. HCM (để tùy nghi đăng nếu được nơi số Xuân 1994 càng quí. Thân và xin đa tạ. Sển) Ngày giỗ Tổ năm Quí Dậu đã qua và tiếc không được dự, muốn dự cũng thật khó, vì diễn hai chỗ, lại bữa nay chỉ còn quen biết và thân có ba người, một bà Bảy5 (bà P.H), tôi kính trọng, một Thành Tôn và một Đinh Bằng Phi, còn lại số ngàn, đều xinh đều hay, thân già quá mùa, đến cúng thì đã qua ngày, Tổ dự nơi nao? 1) Nay nhớ một người xuân sắc đang thời, nhưng tại sao quá xấu số? Thanh Nga. 5 Bà Phùng Há (bt)
- TẠP BÚT NĂM QUÍ DẬU 1993 - DI CẢO 133 Sơ khởi, tôi đụng đầu một luật sư người Bắc, trẻ trung, gặp nơi tòa soạn báo Bách Khoa đường Nguyễn Đình Chiểu, ông bắt tay, nói tiếng Pháp: - Nous sommes cousin. Tôi cự nự, đáp gọn: - Depuis quand? (Từ lúc nào?) Luật sư nói gọn: -Thì ông có bà Năm Sa Đéc, tôi có Thanh Nga, cả hai đào hát thì ông và tôi, cột chèo, lái trước lái sau, anh em không thúc-bá thì cô-cửu, được lắm chứ! Tôi vội bắt tay, gọn lại: - D’accord: Xin đồng ý. Rờ bủa-xua, Re bonjour lần nữa. Rồi một phen là giỗ Tổ năm 1969, một phen khác nữa, vào dịp mừng gánh Thanh Minh-Thanh Nga, được bà Thơ ký giấy mời và được Thanh Nga gọi Papa ngọt xớt và được tặng cuốn sổ Kỷ niệm mười lăm năm “sống mạnh”, cuốn sổ nầy tôi cho là “vô giá, có một không hai” vì có mang chữ ký đủ mặt khách dự, nhưng than ôi, nay chữ ký còn đó mà người ký như sao rụng trên nền trời buổi bình minh còn lại không mấy ngoe, và chỉ thẹn cho mình sống dai làm chi với cái tài “giỏi ăn cơm chực” Rồi một phen khác nữa là ngày anh em lương hữu, thỉnh lời anh Khai Trí, đi chúc Thọ dịp Tết cho Nguyễn Thành Châu và vì khách dự đến chưa đủ mặt nên tạm cùng nhau lấy nhà của Phạm Duy dừng chơn, anh em có mặt yêu cầu Thanh Nga cho nghe giọng oanh vàng, T.N. làm
- TẠP BÚT NĂM QUÍ DẬU 1993 - DI CẢO 134 nũng, than không thuộc và bắt chồng chạy về nhà lấy cuốn sổ tay, nhưng kể đến đây cũng khá vừa, đủ thấy tuy tuổi già nhưng trí nhỡ có thừa Bỗng một buổi sáng sớm có tin đến nhà: cô Thanh Nga đi hát, bận trở về nhà đã bị một thất phu thiếu giáo hóa bắn tử thương, chở đến nhà thương cứu cấp không kịp lẹ và có lẽ đã không tiếp máu kịp thời, sáng hôm sau tin dữ đế n nhà, Năm Sa Đéc đi xe xích-lô đến nơi chia buồn cùng bà Thơ, chuyến về nhà, tôi còn nhớ mấy câu gọn-lỏn: - Tội nghiệp và thảm thương quá: nó nằm phê phê như ngủ, mặt chưa rửa, phấn son đẹp tươi như tiên nga, áo quần chưa thay nếu cứu tiếp kịp thì thật là đáng tiếc và tội nghiệp! Mấy lời cục mịch của Năm Sa Đéc mà tôi cho là thành thật, tự đáy lòng, đã cùng đứng chung với nhau hôm nào trên sân khấu, cần gì lựa chọn và xếp đặt? Trưa hôm đám tang đưa đến nhà hội của nghệ sĩ đặt tại đường Trương Minh GIảng cũ (nay là đường Lê Văn Sỹ), tôi có việc gấp vô nhà anh bạn thân Lê Ngọc Trụ, bận đi xe lam từ bến Dương Công Trừng chạy hướng về Gia Định (Bà Chiểu), xe đến ngã Tư thì kẹt đường, thiên hạ, người hiếu kỳ cùng với kẻ chơn thành đưa đám, chật nghẹt như nêm, lúc ấy binh Giải phóng vào đây chưa lâu, lòng dân xao xuyến chưa biết muốn gì, trật tự không giữ xuể, xe ngừng bánh gần đôi giờ mới bắt đầu nối tiếp chạy và về vừa tới cầu Đakao thì có một nữ bộ hành xin xuống. Lúc ngồi trên xe, tôi có nghe lóng cô nầy phê bình, tôi nghe ba tiếng “ Chỉ quá chời” tôi phân vân không nhịn được và xin cô dừng lại cắt nghĩa cho nghe hai chữ “quá chời ”, cô nầy ngồi bệt xuống sàn xe, hối hả nói: “Thôi bác ơi, xin để cho tôi xuống cho kịp xe chạy, chị Thanh Nga một tuổi với tôi, ông Úy chỉ cũng bắt, ông Tá chỉ cũng nuốt, ông
- TẠP BÚT NĂM QUÍ DẬU 1993 - DI CẢO 135 Tướng chỉ cũng không chừa, chỉ lấy chồng luộc sạp, không chừa mặt nào, tôi nói “quá chời” hiểu là “quá Trời”, chào bác xin cho tôi xuống, không khéo tôi tưới ướt sàn xe bây giờ!” Lại một câu nói trổng, không xúc phạm vong linh người đã mất đâu, và tôi đã hiểu nghĩa Thanh Nga như xiết bao hồng nhan bạc phận khác, không khác bông tươi hoa đẹp làm mồi cho quân tướng sai giữ nhà giữ nước mà chỉ biết ăn cắp của công lấy tiền nuôi gái, đứa làm bến cảng Nhà Rồng, lấy tiền thuế bỏ túi cho em, đứa khác trộm xi măng rồi cho tàu xà lan chìm, đứa lấy sắt đúc nhà để nay nhà về tay khác ở, và nay tôi rõ ra rồi, trời hỡi trời, trăm ban vạn sự chỉ có ông là gánh nổi, khá khen ông mạnh chở, và xin chở giùm chúng tôi buổi nầy, làm giàu mau là làm giàu quá trời, ngủ quá trời là ngủ không bao giờ thức, mau quá trời, dữ quá trời, và tóm lại ngu như tôi có quá trời hay không, hèn chi thuở trước Tôn Thọ Tường làm thơ tự thuật ông cũng viết hai câu chót vĩ thân mình như thân Kiều: “Chẳng trách chi Kiều, trách Hóa-công” , mà thiệt mà, trách Kiều ắt có người bênh, chỉ trách Hóa-công, và Hóa-công, tức ông Trời, một lần nữa, “Trời hỡi trời, xin Trời cứu khổ cho chúng tôi với!” Tôi cà-kê vì tôi chỉ biết lượt-bượt đã quen, và một lần nữa, nếu có mấy lời xúc phạm danh tiếng Thanh Nga, tôi không ý xấu và chỉ muốn nhấn mạnh người nhà binh Mỹ-Ngụy không làm tròn phận sự, để khó để nghèo cho chúng tôi. 2) Một nữ tài hoa khác, nay nhắc lại đây mà ứa nước mắt, người có biết cho tôi đây chăng? Tôi đã viết nhiều trong tập Hồi ký 50 năm mê hát, (Nhà Phạm Quang Khải xuất bản năm 1968), Giải phóng vô năm 1975, sách bán không chạy, đem đón các rạp Sài Gòn Bà Chiểu,rao giá
- TẠP BÚT NĂM QUÍ DẬU 1993 - DI CẢO 136 một đồng (1$00) sách không người mua, để chật nhà, sợ mối gặm, tôi phải cho phải ép chúng bạn lấy bớt nay không còn một cuốn sách rách để tặng anh em, và tôi xin trích vài đoạn về nường, hồn có linh xin chứng! Nường hay nàng, có học trường Áo Tím (nữ trung học Gia Long), học chưa thành tài đã bị đuổi học, cha mẹ từ bỏ, nàng lãng mạn thả cầm- thơ, cậy sắc cậy tài, đã có lúc nổi danh một thời, đóng vai chánh trong tuồng “Tối độc phụ nhơn tâm” do giáo viên Phạm Công Bình, (ông Bình nầy lúc thi đậu bằng thành-chung, có một nữ con nhà giàu hứa kết hôn rồi phụ tình, ông Bình ra Hà Nội học ba năm trường Cao đẳng Sư phạm, thi đậu về làm giáo sư dạy môn Pháp văn nơi trường Trung học Chasseloup-Laubat), nhớ lại chuyện cũ, viết tuồng cho học trò trường Huỳnh Công Phát ở Cầu Muối học tập để diễn dịp bãi trường, nàng được mời thủ vai đào chánh, rồi bèo nước nàng chuyền qua tay nhiều học sanh Trung học thuở ấy, nhưng người nàng quen, họ Mã và Thúc Sanh thì nhiều và nàng không gặp một ông Từ Hải nào, một anh sau làm thơ ký tư cho ông Thơ, phó tổng thống của ông Diệm rồi cũng phang tay, lúc tôi còn độc thân, lối năm 1926, nói ra đây không có ý khoe, tôi có làm gan hỏi nàng có ưng làm bạn kết tóc, nhưng nào quá cao thượng, thú thật: “Em đã không còn xứng đáng và em không muốn làm hư đời cho một người như anh!”. Nhưng than ôi! Nếu em còn em sẽ thấy anh đây vẫn Hư và Hư thật quá nhiều, còn em, em không muốn làm cho đây hư để em nay là gái không chồng, xác nằm nơi đâu, và vẫn nằm trong đất lạnh! Tỷ tê làm gì cho chán mắt người đọc. Và xin tóm tắt đời nàng: Một hôm nơi căn phố nhỏ trong kẹt xóm trệt sau Nhà thương Cứu cấp đường Bonard (nay là đường Lê Lợi), lúc ấy tôi ở trọ ăn cơm tháng
- TẠP BÚT NĂM QUÍ DẬU 1993 - DI CẢO 137 nhà anh bạn chí thân, đồng hương Nguyễn Văn Công, bút toán hãng Denis Frères, tôi muốn khoe biết làm thơ luật Đường, tôi chìa tập thơ ruột có bài tứ tuyệt: “Nguyệt khuyết rồi ra có thuở tròn, “Giang hộ cốt cách cách phận con con, “Vương hầu mặc kẻ say mùi tục, “Hồng tía trăm hoa chuộng sắc son. (V.H.S) Xin cạn kẽ đôi điều, bốn chữ đầu là tên địa danh tỉnh nhau rún, Sốc Trăng, vua Minh Mạng chê là nửa nạc nửa mỡ (ngày nay ở đây lại viết Sóc không chấm có dấu mũ, tiện đây xin hỏi “đã là ngày sóc, vì sao có trăng?” nên vua đổi làm “sông trăng” (nguyệt giang), còn Vương Hồng, vốn là tên của một đứa đểu cáng muốn làm tàng, nàng khôn cần suy nghĩ, chụp cây viết trên bàn, họa tức khắc: “Nguyệt áng mây che ẩn bóng hình, “Giang hồ đau đớn lúc linh đinh, “Vương sâu xiết kể lòng ta thán, “Hồng phấn phiêu lưu ngán nỗi tình! (T.Q.A) Rõ là khẩu khí của một người sẽ chịu nhiều u ẩn sau nầy, hay hơn của tôi nhiều và chớ chi bớt giọng đoạn trường họa may sống được đến bây giờ và cũng xấp xỉ tuổi nữ nghệ sĩ nhân dân Bảy P.H. Nhưng bọn cạo giấy làm mọi cho tây bỏ qua một bên, cô nàng có một người tình, thơ Đường, thơ Hán thơ Nôm đều bóng mướt tình tứ, tôi xin chép lại đây làm dấu tích:
- TẠP BÚT NĂM QUÍ DẬU 1993 - DI CẢO 138 “Nhứt điểm tàn đăng, nhứt phiếm tình, “Cô phòng đối ảnh bạn thâm canh; “Phù trầm lân tự chung kình hưởng, “Ai oán đông tường độc điểu thinh. “Nguyệt chiếu mãn song vân tán loạn, “Nhơn sầu bán chẩm lệ lưu thanh. “Tâm tư vô hạng tùy nhơn thức, “Dạ “Vĩnh” bồi hồi ức Quế Anh. Câu 8, chữ thứ 2 có dấu “ ”, và tiếp theo tác giả nguồn hứng dồi dào tự dịch ra nôm, thơ sắc sảo ngọt lịm như mật ong đường phổi: “Một bóng đèn khuya một tấm tình, “Ngồi than với bóng suốt năm canh. “Bên chùa vắng tiếng chuông kình động, “Ngoài cửa kêu sầu giọng điểu oanh. “Trăng giọi đầy sân mây kéo gượng, “Người buồn nửa gối lụy tròng đoanh; “Nỗi niềm biết kể cùng ai nhỉ, “Ngơ ngẩn canh dài vắng Quế Anh! Hai chữ “đa tình” là ngón đặc sắc của một Chu Mệnh Trinh, và hai chữ “ngơ ngẩn” nơi bài nôm trên đã làm cho ông Vĩnh Miền Nam , tứ thơ chưa cạn, làm thêm hai bài nữa để nhớ Sáu Ênh (Quế Anh): Đề tài. “Kìa lau ngọn gió thổi hiu, Biết đâu mưa sớm nắng chiều là đâu?” Thơ rằng.
- TẠP BÚT NĂM QUÍ DẬU 1993 - DI CẢO 139 Bài 1: “Hẹn gió thề trăng bẻ chữ đồng, “Một ngờ, hai giận, bốn ba trông! “Mấy năm tình tự dồn dài-dặc, “Nửa gánh tương-tư quảy nặng gồng! “Thương cũng ơn lòng, thôi cũng đội, “Oan thì chịu tiếng, miếng thì không. “Mưa du giọt lệ tràn lai láng, “Biển lấp sầu un, núi chập chồng! Bài 2: “Nhứt dạ tri tình, hỡi Quế Anh, “Bỗng lòng ái truất lảng không đành. “Xót phần bồ liễu phần nên bạc, “Tủi kiếp phù hoa kiếp rất mành. “Tài sắc mà chi trời ghét bỏ, “Gió trăng cho phải nhụy tan tành. “Trăm năm sạch ắt là xương trắng “E nỗi không người phát cỏ xanh! Nay tôi làm thầy mù, bói muộn, làm trai muốn hát bài “tẩu mã” đã mở hơi rõ ràng, “e nỗi không người phát cỏ xanh”, nhưng người nữ đa tình, ỷ tài ỷ tận, đến khi mưa sớm nắng chiều, thì trở tay không kịp Tôi chép thêm lại đây ba bài luật Đường của người thừa tài mà mỏng mạng, và nếu như tin nghe có thật, thì nàng vè sau, bịnh hoạn, thuốc thang thiếu hụt, không người tế độ đúng lúc, nàng đã bỏ mình theo một gánh hát nhỏ vô danh và đã bỏ thây nơi đất khách miền Trung, núm mồ
- TẠP BÚT NĂM QUÍ DẬU 1993 - DI CẢO 140 nếu còn cũng đã san bằng dưới chưn trâu bò vô tri. Tôi mạn phép chép thêm để điếu hai người, câu sáo: “Mỹ nhân tự cổ như danh tướng, bất hứa nhân gian kiến bạch đầu”. Và dưới đâu là ba bài của Trần Quế Anh, còn lại: Tự thán “Một bóng đèn khuya khắc lụng vơi “Tàn canh say tỉnh giận thay đời; “Bụi hồng lắm lúc cơn mưa nắng, “Má phấn nhiều phen chịu lấp vùi; “Cầm sắt những ngờ xuôi lá thắm, “Tang thương âu hẳn phận bèo trôi; “Nào người chung đội trong trời đất, “Gang tấc nầy xin nhắn một lời. (10 août 27, Trần Quế Anh) Dưới bài “Tự thán” nầy rõ ràng là nàng đã xưng tên và ký “Trần Quế Anh 10 août 27”. Bài số 2 dưới đây viết trên một mảnh giấy nhỏ 7 x 8 cm, không đề và đọc: “Thơ thẩn vào ra cũng một mình, “Mơ màng nét ngọc vẽ trăng thinh, “Lầu son lén lút chong dầu đợi, “Gác tía đòi cơn ngóng mặt nhìn; “Nhớ thuở chia vui lời hải thệ, “Tưởng hồi vầy cuộc khúc sơn minh; “Hờn duyên tủi phận năm canh lụng “Nhán hỏi kìa ai có thấu tình?
- TẠP BÚT NĂM QUÍ DẬU 1993 - DI CẢO 141 Bài số 3 khóa sổ. “Đen bạc xưa nay cái thế tình, “Nghĩ càng ngán ngẩm một đời mình; “Tài hoa chưa có người vun bén, “Bạc mạng đành không kẻ giữ gìn; “Chín suối đã cam phai tuyết giá, “Trên mồ còn lạnh đám rêu xanh; “Trăm năm đâu rõ tình ngang trái, “Rõ đấng hồng nhan vắng tể khanh! Đúng là thơ tuyệt mạng, đúng là bài “tuyệt bút”. * * * Lời viết thêm mà tôi cho là thừa: Có người cho tôi biết ông giỏi vừa Hán vừa Nôm là bác sĩ họ lâm tên Vĩnh, không làm trong bộ y tế và chuyên trị bịnh cho phu cạo mủ cao su một đồn điền Pháp vùng Biên Hòa Đồng Nai, mối tình khá lâu, nhưng “chị cả hay ghen” và ông cũng không muốn “chơi đèn hai tim” và câu “mỹ nhân tự cổ ” kết thúc bài nầy cũng vừa. S. Ngoài Bắc, thơ để đời như bài T.T.Kh. vẫn có, trong Nam người trong giới cầm ca, xuân sắc trên báo Sân Khấu vẫn nhiều, tôi chưa thấy như Quế Anh, một người nữa tên Chín Ênh, Ngọc Anh, sắc không thua cô Ba Trà, nhưng vì thiếu đồ bắt kế nên đành mai một.
- TẠP BÚT NĂM QUÍ DẬU 1993 - DI CẢO 142 (viết sáng ngày 4 octobre 1993) CẢM TƯỞNG SAU NGÀY 3-10-1993 Ngày 3/10 vừa rồi là một ngày vui lớn của tôi. Tôi biết làm sao nói ra được những vui nầy. Trời trọn ngày vần vũ. 2 giờ trưa xáng xuống một đám mưa như nước trút. Bụng đang lo, khách hẹn 4 giờ đến, mà ông trời chơi khăm kiểu nầy! Mặc dầu bụng lo như vậy, không lo làm sao được, chiều tàn bóng xế, tuổi đã 92, lo thì vẫn lo, nhưng chưa là 3 giờ mà đã thay đồ, mà đồ gì chứ? 18 năm, suýt 19 năm, chưa có một bộ đồ mặc mới. Vẫn ngày ngày quần tà lỏn (pantalon), áo ba lỗ (tricot), nay sắp có khách viếng, mở tủ ra soạn rồi cũng thì áo vải thâm rách khờn, quần đen dài may từ trước khi Giải Phóng vô đây, cha đời bộ đồ nầy, mất chúng mất bạn cũng vì mầy, áo ơi! Suy nghĩ xấu như vậy, nhưng cũng ra nằm nơi võng để chờ khách đến. Và hôm nay là ngày gì mà “có hai khôi tinh chiếu mạng” 4 giờ đúng hẹn khách là một nữ họa sĩ chủ hiệu buôn tranh ở Singapore, một nhà khác ở Hà Nội và một nhà khác khác nữa ở chính TP.HCM nầy. Khách ở chơi độ một tiếng đồng hồ, nói ba điều bốn chuyện, vui quá rồi khách ra về
- TẠP BÚT NĂM QUÍ DẬU 1993 - DI CẢO 143 Đưa khách, tiễn khách ra cửa, thấy lù lù một bóng ngồi nơi ghế xích đu. Thì đó là một nường “khôi tinh” khác, cựu xướng ngôn hoa khôi Huế-đô, nay có chồng trẻ, và chồng đang mắc vòng li-tiết, không biết mắc tội gì, bị cầm mấy tháng rồi thả, rồi bắt lại và nay còn chưa được ra về. Nường thỉnh thoảng lại nhà để nhờ mình cho ý kiến, và hôm nay đến, lại rủi nhà có khách, nên phải ngồi chờ. Mà cơ khổ, chủ nhà đã qua một buổi tiếp quá vui, chủ tiếp nường và khi nường từ giã, lên honda phóng đi, bóng hồng khuất dạng, bốn cái bánh “Trung thu hậu tam nhựt” nằm chình-ình trên bàn, hối quá, hối không kịp, chẳng biết làm sao chuộc hối, đành ngâm câu sáo: “Mạc phóng xuân thu giai nhựt khứ! Tối nan phong vũ mỹ nhân lai.” Hai câu nầy, ăn cắp trong một cặp liễn khúc treo tại nhà, đã hỗn đổi “cố nhân” thành “mỹ nhân”. (viết 9 giờ 4-10, có tặng bộ HCĐS và viết “mến mộ tặng ”, khách ra về, quên chớ chi viết: “Biển bao nhiêu nước cho vừa? Tranh xưa (vì khách buôn tranh), tranh xưa mua bao nhiêu cũng cũng chưa phỉ lòng!”)
- TẠP BÚT NĂM QUÍ DẬU 1993 - DI CẢO 144 (viết ngày 15-07-1993) MUÔN MẶT HAY MUÔN VẺ? Vừa rồi tôi viết cuốn Sài Gòn tạp-pín-lù . Sách được in nhưng đã bị cắt xén, thiến, bỏ bớt những đoạn tôi viết để nhớ thương cha mẹ cho tiền ăn học, nhớ ơn thầy dạy dỗ, chuyện tôi tỷ-tê nhớ chiếc xe đạp đầu tiên ở thành phố nhỏ Sốc Trăng, Ba tôi đầu thế kỷ 20 mua được của Tây Trường-tiền, lão nhơ nghỉ công-cán được về Pháp nên bán chiếc xe đạp “bánh-bôm-hơi” ấy , và ba tôi thời mua được, tưởng rằng sắm được một thú vui mới lạ, vì bao nhiêu, mấy ông mấy thầy thông, thầy ký, thầy phán, ông huyện nơi tòa bố, nơi tòa án, đều sắm xe-bánh-cao-su-đặc, chạy đau đít tức cu, cho nên chủ nhựt, ngày lễ, mấy thầy quen với ba tôi, đều thường đến nhà, mượn thử chiếc xe bánh bộng để đi thử cho biết và để hưởng thử thế nào là xe êm, xe chạy không tức dái, vân vân và vân vân Tôi gò bó viết được mấy trang công phu, tưởng rằng nhờ vậy tỏ được chút nào nhớ thương công sanh thành dưỡng dục của đấng phụ thân đã quá vãn, cũng như những hàng kỹ lưỡng đắc ý nhắc lại danh tánh mấy thầy đã dạy nơi trường tỉnh nhỏ hạt Sốc Trăng nhau rún, nhưng những trang hàng gởi gắm ấy, thầy cò, thầy thợ ấn công sắp chữ nơi nhà in, đã bôi bỏ thành đoạn, mượn cớ rằng không dính dấp vào đề tài chánh là chuyện rặt ròng về tác-giả, tức kẻ hèn nầy. Tiếp theo đó, khi tôi được cho xuất bản quyển Hơn nửa đời Hư thì sách in ra vẫn bị thâu gọn lại, dồn lại còn một cuốn cũng chỉ độ 600 trang chữ in, nhưng khi in không cho tôi xem trước, lỗi chánh tả đã nhiều, mà tệ hại hơn nữa, là đã
- TẠP BÚT NĂM QUÍ DẬU 1993 - DI CẢO 145 sơ sót nhiều chỗ, tỷ như đâu trong bản thảo “vàng muốn cho đỡ móp thì vòng vàng mỏng thường đổ đé trong lòng”, thợ nhà in đã tự sửa lại “đổ đá” thay vì “đổ đé”; một câu khác, tôi viết: “người giữ đạo Hồi (musulman, mahométan) , thường ăn uống, giữ không cho đụng môi”, thì sách in ra, lại thấy thêm “ không cho đụng môi như heo” và cố nhiên khi tôi duyệt lại thì bản thảo của tôi vẫn không có chữ in thêm “như heo” nầy, tôi tức tối mà không phân trần được vì sách đã in lỡ rồi.
- TẠP BÚT NĂM QUÍ DẬU 1993 - DI CẢO 146 (viết ngày 25-7-93) ĐỌC SÁCH VÀ SUY LUẬN Một bạn trẻ đã có lòng tốt, cho tôi đọc quyển Pháp văn De cape et de plume tác giả Guy des Cars viết và nhà xuất bản Flammarion in năm 1965. Đọc rất hấp dẫn, khởi đầu phê bình các soạn giả trước, tỷ như Roland Dorgelès, viết hay về les croix de bois, nhưng đã quá nhây đến chán, khi viết mãi về nhà binh , còn nơi đoạn sau, Guy des Cars nói về Đại Thế giới năm xưa tại đất Sài Gòn Chợ Lớn, tôi lấy làm ngờ, không biết tác giả đã từng đặt chưn tại đây hoặc đã do theo lời một thám tử Tây giấu tên thuật và kể khá tường tận buổi phong ba vô chánh phủ thời Bảy Viễn hoành hành, tự phong làm tướng, bá chủ sòng bài, nhưng kỳ thật Viễn vẫn là một tù phạm vượt hải đảo, và khi gặp tướng Pháp thì tướng De La Tour không khứng bắt tay, và Viễn tung hoành nổ như pháo bản xứ rồi tịt ngòi và chết vô danh nơi hải ngoại. “De cape” là “từ mũi kiếm” và “de plume” là “từ ngọn bút”, nếu dịch sát chữ là “ kiếm, qua bút” thì khó nghe, đọc thấy tức hông, và theo tôi, muốn cho êm tai và thuận giọng, tưởng nên pha phách và dịch “Thơ kiếm” và “Bút nghiên” thì mới chèo xuôi mát mái, v.v
- TẠP BÚT NĂM QUÍ DẬU 1993 - DI CẢO 147 (viết ngày 5-10-1993) LUẬN VỀ ĐỒ XƯA, SÁCH CŨ VÀ NÓI THÊM VỀ LĂNG PHẠM ĐĂNG HƯNG Ở GÒ CÔNG - Xin hỏi đồ xưa là gì, và sách cổ khác với sách cũ thế nào? - Tôi trả lời lẹ, những việc ấy tôi đã có nói rồi trong bộ Hiếu cổ đặc san , sách ấy đã bán hết, nay không cần lặp lại và xin tóm tắt gọn. Lấy một tỉ dụ nhỏ, khi tôi năm 1947 bỏ chạy từ Sốc Trăng lên Sài Gòn, kết bạn với Năm Sa Đéc, mướn một chòi lá mỗi tháng trả ba đồng, ở xóm Cù Lao đường Võ Di Nguy cũ, trước chòi có một dây bầu, lúc ấy vận cũng vừa đỏ, viện bảo tàng trong thảo cầm viên mời tôi vô làm thơ ký trả lương công nhựt, tôi thấy giàn bầu kết chà tre, tôi bèn lựa một nhánh con, cắt làm cán bút, trở vô làm theo lối tạm bợ chạy gạo qua ngày, cán bút ấy là một nhánh tre quèn, nhưng đối với tôi nay là vật kỷ niệm, trở nên vật xưa. Xin lấy một tỉ dụ khác, cũng lúc ấy, tôi lượm một miếng gỗ trắc đáng cho vào bếp chụm, tôi đưa cho một thợ dân làng Đình Bảng tôi tuyển vào viện bảo tàng làm phu gác đêm, và gặp tay khéo có hoa tay, miếng gỗ trở nên một cây dao rọc giấy, và cây dao ấy tôi vẫn giữ, kể như hai vật nầy, nếu rớt rơi giữa đường, ít ai ngó ngàng đến, chẳng qua biết giá trị hay là không, cũng tùy người.
- TẠP BÚT NĂM QUÍ DẬU 1993 - DI CẢO 148 Cán bút tre và dao rọc giấy nầy, nay đổi bút Waterman hoặc dao rọc mạ vàng, tôi cũng không ưng. Trái lại đời Tây trở qua, Bollaert và ông Bảo Đại kéo nhau ra một hải đảo, ký kết với nhau gì đó và đổi nhau hai cây bút máy mắc tiền, nhưng tôi dám chắc hai ông không giữ hai bút kia đâu, ngai vàng còn bỏ, huống hồ vật ti-tiểu, có tiền muốn mua lúc nào lại chẳng được. Và nghĩ lại cũng buồn, trên kia một nước lân bang nọ, người ta biết củng cố ngôi, còn ông nầy lại bỏ ngôi, âu cũng vận mạng gì đó, chớ chi ông biết nhẫn nại và chịu khó một thời gian, thì ắt cũng được đất phong hầu, nói nữa không hay. Mấy hàng trên đây, tôi cố viết để tả nỗi lòng, nhưng độc giả khi đọc ắt là nhức mắt vì tôi nói quá mơ hồ, làm sao hiểu được nỗi lòng của tôi, ấy chẳng qua là tại tôi bất tài, viết không được hết ý, kỳ trung tôi muốn giải thích, “chơi đồ cổ” cũng như “chơi sách xưa, sách cũ” đều là phải có chút năng khiếu và chút ít thiện chí, chớ không phải vì có nhiều tiền, rồi ỷ của, mua quấy mua quá, rồi tụ hào “đã biết và thành thạo chơi đồ xưa!” Tôi xin lấy tỷ dụ của tôi mà nói, năm 1928, khi tôi từ trường Máy (Ecole des Mécaniciens Asiatiques ) ở Sài Gòn, được thuyên chuyển về làm bút toán nơi tòa hành chánh cũ tỉnh Sa Đéc, lúc ấy, tôi quả có lòng ham muốn và muốn học chơi đồ xưa, nhưng tôi nào biết ất giáp gì, và mấy lần tôi có dịp đi ngang hai nhà buôn đồ xưa, nhà ông Tư Muôn và nhà ông Thợ Thiệu, tôi vẫn thấy trưng bày nhiều dĩa “ám-long” (cũng gọi dĩa long-ám), có mây xanh xanh vẽ trên lòng dĩa màu trắng đẹp, hỏi giá, trả lời “mỗi dĩa 5$00” nhưng nào tôi dám mua, vì xin nhớ 5$00 lúc ấy (lối 1928) giá trị tương đương hoặc nhiều hơn 50.000 đồng giấy ngày
- TẠP BÚT NĂM QUÍ DẬU 1993 - DI CẢO 149 nay (1993); lại nữa, lúc ấy, tôi đang không đủ tiền chợ tiền cơm, tiền đâu có mà sắm sanh đồ chơi quý giá. Trái lại ngày nay, những dĩa ám long long ám ấy đã không còn thấy nữa, hoặc đã xuất ngoại, hoặc đã cất giấu trong tủ “nhược thâm trân tàng” chăng? Về sách báo cũ, sau ngày Giải phòng 30-4-1975 cũng đã biến mất, nay mấy nhà bán sách cũ, nếu còn giữ được thì bán giá “mắc như vàng” tôi nào dám rớ. Chung qui, mọi vật đều tương đối, thay đổi về giá tiền và về giá trị tùy thời. Người biết chơi, không nên tị hiềm và phải ở theo thời mới được. Vừa rồi, tôi nhơn đọc báo, thấy trên tờ Văn Nghệ số 110 (từ 7 đến 13 th.10, 1993) có bài “Nỗi buồn Lăng Mộ” của Nguyễn Hoài Nhơn viết và tỏ ý than tiếc cho mộ Phạm Đăng Hưng, ngoại tổ vua Tự Đức bị phá hư và không ai lo tu bổ; nay tôi không có ý làm quảng cáo nhưng xin tán đồng ý kiến của tác giả Hoài Nhơn và tôi thầm trách làng xã ở Gò Công, có di tích cũ mà không biết giữ gìn, trái lại tỉ như hạt Sa Đéc vẫn có lăng mộ ông Nguyễn Thành Nhơn (ông Nhơn nầy là quan lớn đời vua Gia Long) vẫn không nghe bị phá phách gì, và theo tôi chẳng qua vì hai chữ may và rủi, và có lẽ mộ lăng ông Nhơn được ở về địa phận một vùng yên tịnh, có làng xã biết giữ gìn di tích cũ xưa, và trái lại ở Gò Công, làng xã đã không biết bảo tồn mộ lăng P.Đ.H và thêm nữa cháu con dòng họ Phạm cũng không biết bảo thủ lăng mộ của ông bà để lại, và nhứt là từ ngày họ Nguyễn Phước đã có người bất tài (B.Đ) kế vị, không được như trên kia, hoàng tử đất Angkor, B.Đ. đã bỏ nước ra đi, và nhà Ngô Đình lên ngồi ghế tổng thống chỉ lo củng cố địa vị họ mình và thêm nữa chính Ngô Đình Nhu, học bên phương Tây mà áp dụng trật lất lấy
- TẠP BÚT NĂM QUÍ DẬU 1993 - DI CẢO 150 gương Khu Chiến Lược của Mã-Lai-Á hay của Nam Dương quần đảo đem về đây thi hành lỏng lẻo, khiến nên đã đuổi dòng Phạm Đăng không cho ở nơi nhà cũ, bỏ trống nhà nầy vì phải theo lịnh Đình Nhu ra ở dưới quyền kiểm tra của ấp chiến lược tai hại kia, và đến đây xin cho tôi nhắc lại chuyện xưa. Năm đó, Tây còn ở đây, tôi đã làm tài khôn dẫn dắt đưa nhơn viên và hội viên hội Pháp Société des Etudes Indochinoises (hội Cổ học Ấn Hoa) đến Gò Công viếng di tích “nhà cổ Phạm Đăng Hưng”, thì năm ấy, nhà cửa dòng họ của bà Từ Dũ thái hậu đã tiêu điều, đồ từ khí trong nhà, như lư hương và đồ thờ phượng (chưn đèn, lư đồng), đã bán hoặc bị mất cắp từ trước, (buổi đó tôi không xem phần lăng mộ, nên nay xin miễn bàn đến). Và trở lại nếu mộ cũ P.Đ.H. ngày nay bị phá bị làm cho hư tệ, tôi xin qui tội cho nhà Ngô Đình trước và sau đó xin mạn phép trách làng xã Gò Công thật là quá lơ là và không lo gìn giữ bảo tồn di tích cũ xưa. Nay thì đã muộn, lăng mộ điêu tàn, dầu có xuất tiền muôn bạc triệu sửa chữa cũng không làm sao còn y như cũ. Ở Huế thì lăng mộ Kiên Thái Vương cũng điêu tàn, duy như tôi đã từng thấy nhiều nơi từ Thổ Nhĩ Kỳ nơi Istanbul, qua La Mã (Rome), Pháp, đền đài vua chúa nơi nơi đều giữ lại kỹ càng và lấy đó làm chỗ khai thác du lịch, vân vân; duy có nước mình, dân ương ngạnh quá nhiều, khiến lăng bà Thái hậu Từ Dũ thì bị đào và ăn cắp vàng nữ trang, mộ cấp nhà giàu như mộ bà Hà Minh Phải ở Tân Sơn Nhứt cũng bị đào và kẻ trộm đã lấy cắp đầu lâu của bà H.M.P vì miệng có ngậm kim cương lớn hột mà tên trộm lúc đào tìm không thấy, và những việc hư tệ phá hoại như vậy, chỉ tạm nên trách giáo dục còn non, dân tín còn thiếu, và vì không tiền không bề thế thì trách làng trách xã cũng nên tội nghiệp cho làng cho xã và riêng tôi, tôi phải chịu tội nói oan
- TẠP BÚT NĂM QUÍ DẬU 1993 - DI CẢO 151 Trở lại vẫn đề chơi đồ cổ và chơi sách hiếm, theo tôi phải có bản lĩnh trước đã rồi sẽ nói về phương tiện và may rủi về sau. Chung qui tôi có phần dị đoan và xin độc giả bỏ qua cho. Và âu cũng là “vận, hạn”! Tôi đã bắt quàng nói về lăng mộ cũ, nay nói qua đồ cổ và sách cũ, theo tôi, chánh phủ nên cứ cho chơi, cho dân chơi líp (libre) mà khỏi làm chánh trị! Lời nói ấy là lời một kẻ già nói tầm xàm bá láp, xét lại ngày xưa già nên nết nên trên cao chấp nhận lời của hội nghị Ziên Hồng, còn nay già như tôi, tưởng nên câm miệng lại là hơn, tuy vậy, đã trót và lỡ nói, thì cũng nên nói luôn, còn chấp nhận cùng chăng là của người cao kiến khác. Điều cần nhứt là không nên ở trên tuyên bố mà không thực hành. Trước đây, cho phép đào mả lấy chỗ trồng trọt cho có hoa lợi, nhưng khi áp dụng, nhà nước coi không xuể không xiết, vả chăng con nhiều cha không lo giỗ và cha nhiều con thì con mảng lo chia gia tài và đã quên tuân theo lịnh cha, câu ví dụ đã sai mà thật ra dân ngày nay cũng có phần khó trị, trên dạy và cấm thì dưới giả tuân lời mà vẫn tréo ngoe làm trái lịnh trên, tốt hơn là làm sao đừng có Tuấn Đen, Tuấn Trắng lủng đoạn nơi không cảng T.S.N. và tốt nhứt một lẽ khác là nên giáo dân cho biết tuân lịnh trên, vân vân. Lời nói mấy trang nầy là dư thừa, gẫm lại chánh phủ có đường lối của chánh phủ và như tôi đây, không nên xía vào việc lớn. Tôi viết mấy trang nầy, bằng như may lời nói được xét và nghe theo, thì tóm tắt lại tưởng nên “đừng cấm việc chơi đồ cổ và đừng cấm việc chơi sách cũ, sách xưa, để chỗ trống cho dân có chỗ để thở, và cấm quá có ngày nồi súp-de (chaudière) nước sôi quá tự biết mở nắp thùng xòa, e tràn lan cả đám”.
- TẠP BÚT NĂM QUÍ DẬU 1993 - DI CẢO 152 (viết ngày 7-10-1993) THUẬT LẠI GỐC TÍCH VIỆC HỌC CHỮ TÂY VÀ SỰ TÍCH TRƯỜNG CHASSELOUP-LAUBAT Trường trung học Tây gọi trường Xách-lu (collège Chasseloup- Laubat) nay còn sừng sựng y chỗ cũ, nhưng danh vị và tên gọi đã thay đổi mấy lần. Tôi là một trong nhóm sáu bảy đứa còn sống sót, chúng tôi vào học năm 1919, thi ra trường năm 1923, nay tôi ghi chép lại đây những gì biết và đã học về trường nầy. Lập năm 1874 do Nghị định 14 Novembre 1874, chỉ sau ngày Tây chiếm trọn Lục tỉnh Nam kỳ có bảy năm. Ban sơ khi chiếm làm thuộc địa, Tây đã gởi sang Pháp một số học sanh có khiếu và cho học trường ở Alger, vì e không chịu nổi thời tiết quá lạnh bên Tây. Còn nhớ vài ông xin kể sơ là Diệp Văn Cương, Nguyễn Trọng Quản, Lưu Văn Lang, Lương Văn Mỹ Và năm 1874 thì xây dựng xong trường Chasseloup-Laubat, học sanh nội trú bản xứ học quãng góc đường Mac Mahon-Testard đươc phát ảo nỉ nút một hàng và gọi khu bản-xứ (quartier indigène) và một ít năm kế đó xây dựng thêm góc Mac Mahon - Chasseloup Laubat, làm ra khu quartier Européen dành cho học sanh Âu. Buổi đầu mỗi năm trường thâu 100 học viên, cho học ba năm (sau lên bốn năm) thì mở khoa thi ra trường lấy cấp bằng gọi diplôme và thi năm 1877, hình như chỉ dạy bốn bài toán, và văn Pháp, nhưng các ông ra
- TẠP BÚT NĂM QUÍ DẬU 1993 - DI CẢO 153 trường ấy đều cứng cáp về tiếng Tây và dịch phiên âm rất tài tình, những khóa sau học thêm nhiều môn nữa như trí-tri sự việc (leçons des choses, v.v ) nhưng không lão luyện bằng mấy khóa đầu. Học sanh thi đậu ra trường sẽ tuyển làm giáo viên (instituteurs) để truyền bá lớp kế, và chọn trong 10 đậu đầu cho lương sáu đồng bạc (6$00) mỗi tháng, người đậu 11 đến 20 sẽ bổ làm thơ ký ( sécrétaire , lương 4$00 (vì có tiền trà nước, gọi lì xì, chưa phải là tiền hối lộ). Từ số 21 đến sau sẽ bổ nhiệm qua các sở như bưu điện, công chánh, điền địa, vân vân. Về sau Pháp mới nghĩ lập thêm 4 trường dạy công nghệ (sẽ nói sau). Tôi xin nhắc lại đây năm 1884 Pháp mới chiếm Bắc kỳ, và vào năm 1927-1928, collège Chasseloup-Laubat, Tây dành lại làm trường Lycée dạy tới bằng tú tài, và đưa tất cả collégiens bản xứ qua học trường trung học mới là trường Pétrus Ký. Từ 1928, học trò học chữ Tây càng ngày càng đông và thi đậu tú tài, cử nhơn quá đông, chớ lúc đầu tiên nhà có của có sản nghiệp, vì nhớ cựu triều vì sợ triều cũ trở lại, nên ít cho con vào trường Tây, phải bắt đi học và vẫn có trốn học. Vào học được nội trú thì được lương 4$00 mỗi tháng, có phát xà-bông, y-phục 2 năm cho một vài bộ mới và có áo nỉ để hãnh diện. Tôi nhớ dường như khi mở trường cao đẳng y khoa đào tạo lương y phụ-tá (médecins auxiliaires) và mở trường cao đẳng hành chánh (école de droit) thì ở Bắc các tiểu thơ mới đẻ ra các tiểu thơ mới đẻ ra “phi cao đẳng bất thành phu phụ”, và khi khoa bảng Tây có nhiều, ta có đến thạc sĩ (agrégé), cử nhân, tấn sĩ, kỹ sư cầu cống, vân vân, khi ấy Tây mới khóa chặt sự học, sanh ra đậu cao mà thất nghiệp mới biến ra chống Tây. Rồi ta có người nói tiếng Pháp, Tây cãi không lại (đấu khẩu giữa Châtel, phó toàn quyền với Lê Văn Kim, luật sư, cãi nơi hội đồng kinh-
- TẠP BÚT NĂM QUÍ DẬU 1993 - DI CẢO 154 tế Đông-Pháp (conseil supérieur des finances gì đó) nên Châtel phải rút nghị-định siết chặt gì gì đó Tôi lại nhớ chính Paul Doumer, toàn quyền nầy, đã lập trường Y khoa ở Hà Nội, thay vì lập ở Sài Gòn vì Doumer cho rằng con nhà giàu trong Nam dễ ra Hà Nội học, lại nữa mở trường Y khoa ở Bắc đễ dụ sinh viên Trung Quốc qua cũng như mở đường sắt lên Vân Nam là Pháp đã dòm hành vùng sang đất Tàu. Một lần nữa tôi nhấn mạnh, tục chơi đồ cổ thạnh hành, là từ Khải Định ăn lễ Khánh-hạ tứ-tuần (1925) và từ bác sĩ Cognacq và Bernard, cả hai người ham đồ cổ, mới có chạy đua mua sắm đồ cổ. Xin đừng quên trước đó tánh sợ ma, ngoài Bắc thì ma xó ma trành, ở Trung miếu thờ lủ khủ, Tháp Chàm trong nầy sợ ma quỉ, sợ ông Tà á-Rắc, thì có ai dám chơi đồ xưa??
- TẠP BÚT NĂM QUÍ DẬU 1993 - DI CẢO 155 (viết ngày 25-9-1993) PARC MAURICE LONG LÀ VƯỜN ÔNG THƯỢNG THÌ CHƯA ĐÚNG Vườn ông Thượng, cũng gọi công viên Tao Đàn. Tôi không hay giỏi hơn ai, chỉ được cái già (tuổi 92) và là mọt sách. Tôi lại ham nói, nay xin nói về công viên, tên Pháp gọi “Parc Maurice Long” và có một tên Tây nữa là “Jardin de la ville”. Theo tôi hiểu “parc” là vườn, công viên, hoa viên, gọi như vậy đều được. Có người đã nói và có lẽ nói ẩu là vườn Tao Đàn, có người gọi là vườn ông Thượng , và Thượng đây là toàn quyền Pháp tên Maurice Long. Tôi nghe thì tức tức, nhưng cãi cọ, cãi giống làm chi, vì cũng là người kiếm cơm bằng viết lách như nhau. Nay tôi nói như dưới đây, nghe hay không, cũng mặc. Theo tôi tra cứu trong sách đã có, thì Maurice Long làm toàn quyền cõi Đông Dương đến hai kỳ, lần 1 từ 21- 2-1920 đến 17-11-1920; và lần thứ 2, từ 1-4-1921 đến 14-4-1922. Nhưng Maurice Long khi từ Pháp trở lại kỳ nhì, khi Tàu đến Colombo, ông vướng bịnh và tắt thở ngày 15-1-1923, quan tài được chở về Pháp theo chiếc André Lebon. Cho hay làm đến chức toàn quyền mà cũng bị giặc trời như ai, quả trời xanh có mắt.
- TẠP BÚT NĂM QUÍ DẬU 1993 - DI CẢO 156 Còn danh từ “vườn ông Thượng”, theo tôi, ông Thượng đây là vì kính trọng không dám gọi tên và chỉ gọi theo chức tước, Thượng đây là ông Tả-quân có lăng mộ thờ nơi Bà Chiểu, ngài có miếu thờ trấn chận trước dinh tòa bố của Tây mà không bị Tây phá, và ngày xưa, đất của ngài, chạy dài suốt từ Lăng-miếu đến khỏi dinh Toàn-quyền Tây cũ và ăn lấn luôn vườn Tao Đàn nên dân chúng gọi “vườn ông Thượng” là vậy. Năm 1920, học trò trường Chasseloup-Laubat bỏ trường làm “reo” (grève) lần thứ nhứt ở đây, có tôi trong số nghịch ngợm nầy, thì đã có danh từ “vườn ông Thượng” từ lâu, từ đời cổ hỷ nào cũng không chắc. Nay tôi xin trích dẫn ra đây lai lịch Parc Maurice Long, nhưng không chỉ tôi cóp theo sách nào. Đầu tiên, vườn nầy vẫn thuộc và dính liền với hoa viên dinh Toàn- quyền cũ. Vào năm 1869, Phó Thủy-sư đô-đốc Contre-Amiral Ohier, với trách nhiệm làm toàn quyền, ra lịnh cắt đứt phần sau của hoa viên và giao cho đô-thành làm vườn công cộng cho dân chúng dạo chơi, nhưng suốt ba chục năm trường, đô-thành nhận lãnh mà không làm gì theo ý Toàn-quyền là phải nối dài đường Taberd (nay là đường Nguyễn Du) chạy nối giáp tới đường Verdun (C.M.T.8 nay) và khai thông vườn với ba cổng (cửa) lớn Taberd, Verdun, Chasseloup (nay đã có rồi). Đến năm 1899, hoa viên nầy bị bỏ rơi, đô-thành không thiết tha đến, và vì vậy, có việc vườn bị cắt đất bán chia tam xẻ tứ, và nảy ra có: - Hội Hiếu nhạc “société philharmonique” chiếm một khoảnh (1896) nay là Quốc-gia âm-nhạc. - Hội Tam Điểm (Loge Maçonnique) chiếm một phần (1897) và năm nầy có đường Miss Cavell (nay là đường Huyền Trân công chúa);
- TẠP BÚT NĂM QUÍ DẬU 1993 - DI CẢO 157 - Cùng một lúc, có một thực dân Pháp đề nghị xin mướn trọn hoa viên trong 15 năm để lập vườn trồng cây va-ni, và cho dân được dạo chơi trong vườn, chừng ấy đô-thành mới tỉnh ngộ và không chấp nhận lời bao thầu như vậy. - Năm 1902, Câu-lạc-bộ Thể thao “Cercle Sportif” thành lập chiếm một phần Đến ngày 26-2-1923, hội đồng đô thành mới thật thức dậy và để tưởng niệm Toàn-quyền làm khá nhiều việc ích cho xã hội, đã đặt tên là Parc Maurice Long. Nhưng vườn vẫn còn bị chia cắt vì thống đốc Krautheimer, năm 1926 và 1927 lập nơi góc đường Chasseloup và Verdun Viện Dục-nhi “Institut de Puériculture”, năm 1932 trở nên trụ sở bộ Y tế và hội A.M.A.S. Đến đây, tôi nghẹt lối, không biết gì thêm nữa, duy nay còn dư chút giấy, tôi xin thêm về Maurice Long, Tây với Tây phá nhau, nên đã có báo đối thủ, nhạo chơi và đặt tên lại là Maurice Scieur de Long và “scieur de long” là thợ xả súc gỗ thành gỗ ván, nhưng toàn quyền vẫn cười và không giận. Một đàng khác, năm 1947, từ Sốc Trăng tôi chạy lên đây, và khi chạy lên xóm Cù Lao ở chung với bà Năm Sa Đéc, trên đường Võ Di Nguy, mé trái, từ Viện bảo tàng về xóm, nơi một quán nhỏ bé của một anh thợ hớt tóc quen nhau từ ở Sốc Trăng, khi tôi ngồi cho thợ cắt tóc, chợt tôi thấy treo trên vách, một bức ảnh vẽ dầu màu, là ảnh Maurice Long, miệng ngậm ống điều cối, râu ria xồm xoàm, tóc tai bù rối, tôi chăm chú nhìn thật kĩ, nói ra đây thì tục, và đó là ảnh một con đầm lõa thể nằm lõa
- TẠP BÚT NĂM QUÍ DẬU 1993 - DI CẢO 158 lồ, tóc thả xuống, hai vế dựng ngược lên, và mồm của toàn quyền Pháp là cửa mình của mụ đầm. Tôi nài mua, anh thợ hẹn sẽ bán, sau tôi trở lại thì anh thợ nầy dọn đi mất! Viết thêm 26-9-93: Công viên Tao Đàn, tên Pháp Parc Maurice Long, tên xưa vẫn là Vườn ông Thượng, và một lần nữa, tôi xin lặp lại rằng ông Thượng đây, chính là ngài Tả-quân có lăng mộ và miếu thờ ở Bà Chiểu, mà xưa kia không một ai dám gọi ngài bằng tên tộc, chính chức phẩm cũng tránh và kính nể gọi ông Thượng là đủ, thậm chí vì ngài làm thái giám, thì dân chúng ở đây cũng kiêng cữ không dám nói chữ “giám” và dùng chữ “giếm” để thay thế. Một tên Pháp khác là Jardin de la ville, thì rất phân minh rồi, duy còn một danh từ mượn của tiếng Tây là “vườn Bờ-Rô”. Bờ-Rô là gì, đến nay còn phân vân bất nhứt, mạnh ai nấy nói và giải thích, không ai nhượng cho ai: - Một thuyết, do anh giáo Trần Văn Xường, dạy ở Chợ Lớn, nay đã khuất, Xường, tiếng Tàu, tức là Tường, vẫn cho rằng, hoặc người Tây coi sóc vườn có tên là ông Bureau, hoặc giả, ông nầy làm thêm văn phòng (bureau) và khi người phu làm vườn muốn lãnh tiền thì lên “bureau” mà lãnh, nên gọi vườn như vậy. Nay anh Xường đã không còn, tôi xin miễn luận. - Một thuyết thứ 2 là theo như tôi đã nghe người tuổi tác dẫn giải cho biết, thì “Bờ-Rô” có lẽ do chữ “préau” của Pháp. Vả lại, hiển nhiên “Préau” là sân có lợp nóc để tránh mưa gió của các tu viện, bịnh viện, ngục thất và học đường, mỗi lycée nào cũng có, trường Chasseloup có
- TẠP BÚT NĂM QUÍ DẬU 1993 - DI CẢO 159 một préau, không biết nay ra thế nào, và préau nầy ở mé đường Lê Quý Đôn, sát cửa vào. Vậy tôi cin chừa danh từ “Vườn Bờ-Rô” cho người cao kiến dạy lại. Riêng như tôi biết và chứng cớ rành mạch thì nơi mé sân túc cầu, phía đường Huyền Trân, lúc đầu tôi thấy có một bệ khá cao và rộng, đời Tây, họ làm nơi diễn tuồng, diễn thuyết, có khi dọn làm sân đánh võ “boxe” và gọi “préau”. Qua năm có bày hội chợ, gọi kermesse, lối những niêm 1930-35 gì đó, thì họ đặt thêm nhiều chậu kiểng cau vàng và lấy préau nầy làm “théâtre de verdure” - “rạp hát ngoài trời hoặc lộ thiên” gì gì đó, và vợ chồng tôi vẫn có đến dự. Nay nói bắc cầu luôn qua vài địa danh tiếng Tây, nay đã lạc lối, tỷ như: - Service de pyrotechnie , đã dịch “Sở kho đạn”, tưởng khỏi cần dài dòng - Có 3 địa danh đều do chữ “ma” khởi đầu: thành “Ô Ma” là thành lính tập “tirailleurs”, Pháp gọi Camp des Mares. Khu đất rộng bao la hà lãng, nay lấy làm trường Đại học Sư phạm, vân vân, trước kia thuở đàng cựu, có miếu thờ cô-hồn và Ngũ Hành, và nơi mé Nguyễn Cư Trinh, tôi có gặp một trại thật lớn lợp ngói có rất nhiều cột gỗ bị mối ăn, gọi Hiển- Trung-từ do chúa Nguyễn Ánh lập thờ công-thần (có thờ lính Pháp tên Manuel – Mạnh Hòe) nữa và đời Tây thì để luôn làm miếu của Trại Lính Tập, vì Hiển-Trung-từ nầy vẫn liệt vào hàng cổ-tích (monumments historiques), nhưng đến kỳ Tây trở lại thì nhà binh Tây dỡ bỏ
- TẠP BÚT NĂM QUÍ DẬU 1993 - DI CẢO 160 Chính lối năm 1948 hay 1949, tôi đi với ông Pierre Dupont vào đây tìm miếu HIển Trung, có gặp một ngôi mộ cổ kiên cố và đã lạc lối khó biết đường về. Khu Thành Ô Ma gồm khu rộng chung quanh theo tên cũ là đường Arras, Frères Louis, Nancy và đường xe lửa Biên Hòa - Hà Nội, mé đường ngang rạp chớp bóng thẳng lên nhà thương bà Từ Dũ ngày nay và dọc theo đường sắt cũ, trước kia thường ngập lụt, và gọi “Đường Nước Nhĩ” tên ấy chọn thật đúng, vì nước ứ đọng thường. Trong sách Trương Vĩnh Ký để lại và tạp chí Excursions et Reconnaissances cũ, có nói trước khi biến ra thành Ô Ma, thì Tây có lập sở Nuôi Ngựa (Haras) sau dời về Tân Sơn Nhứt. Một địa danh cũ nữa là Mares aux Poissons , truy ra ngày xưa khi Tây qua đây, ngày được nghỉ lễ hoặc ngày chủ nhựt, để giết thì giờ, họ ít đi săn bắn vì ít an ninh, nên thông thường họ thích đi câu cá, còn phụ nữ Pháp thì chiều chiều ngồi xe song mã, thắng hai ngựa, chạy vòng chung quanh Sài Gòn/Gia Định và gọi Tours de l’Inspection , dạo vòng quanh đường tuần tra. Quan viên, nhứt là kỹ sư quan võ thì câu nơi Thành Ba Son, tiếng Pháp là Mares aux Poissons, nhưng đã có người diễn khác và rằng có một thợ tên “Son” thứ 3, nên đặt gọi Ba Son. Tôi biết một giai thoại có một thợ sở Ba Son, có tánh lập dị, thích hút xì-gà (cigar, thuốc cuốn để nguyên lá), và ngày nào, chiều ra sở đón xe lửa về Gò Vấp ai ai cũng vẫn thấy cụ ta ngậm xì-gà, sau mới rõ một tuần cụ chỉ ngậm duy nhứt một điếu, cứ lên xe là quẹt đốt rồi để tắt, v.v chừng ấy dân Gò Vấp mới đặt tên cho cụ là “Ông Xi-gà tuần”!
- TẠP BÚT NĂM QUÍ DẬU 1993 - DI CẢO 161 Một thuyết nữa là Trại chữa ghe tàu Ba Son , Pháp vẫn gọi “Bassin de radoub”, bassin là ụ nước, radoub là sửa chữa ghe tàu, từ Bassin biến ra Ba Son, dễ ợt! Vậy tôi xin chừa độc giả mặc tình chọn lựa. Ngày xưa, chúa Nguyễn lập và tàu đi biển vẫn gọi tàu ô, vì lập nơi Ba Son, nên nay khó làm cầu bắc ngang qua Thủ Thiêm, khiến Thủ Thiêm ngó ngang Sài Gòn mà không phát triển được. Một địa danh nữa là Ô Cắp tức Pháp là “je vais au cap”, và cap là cap Saint-Jacques, tức đi Vũng Tàu. Tôi không cần nói dài, độc giả dư biết. Còn 6, 7 cơ sở nhà binh cũ của Tây, xưa thuộc cơ mật, ít cho nói, nay xin kể mà không dẫn giải: - II ème R.I.C Onxième Infanterie Coloniale là thành Sơn Đá, khu Đại học Lâm Nông tên chánh thức là Caserne Martin des Pallières (lập lối 1870 đến 1873). Sau khi binh Tây rút lui về xứ, tôi đề nghị và kiến trúc sư Lê Văn Lắm cắt thành Sơn Đá làm thông thương và có đường Đinh Tiên Hoàng nối dài tới Chasseloup như hiện nay. - Khu lính thủy (Marine) gọi Garnier; - Trại San-đầm Gendarmerie Le Lièvre; - Khu Pháo-thủ (Artillerie) (camp Virgile); - Tòa án nhà binh (Tribunal Militaire, Justice Militaire); - Direction du Génie;
- TẠP BÚT NĂM QUÍ DẬU 1993 - DI CẢO 162 - Direction d’Artillerie; - Bureau de recrutement La Grandière, v.v Khi Tây qua đây, ở miền Nam, vẫn do quan võ cai trị nên dinh họ ở gọi dinh phó soái, vì chánh soái, tức là quan toàn quyền Đông Dương. Chính trạng sư (luật sư) Blancsubé (đường Lăng Xi Bề) (1834-1888) năm 1879 tranh đấu và thắng được, giành quyền cai trị trả về quan văn mới bỏ chức Phó Soái (La-Lăng-De: de La Grandière) và gọi dinh thống đốc v.v Blancsubé ở Tòa binh vực cho nhóm Chà bán vải, trước đây còn rao hàng “Première qualité! mêm xôi (Même chose) Blancsubé!” và vải bán vo vo.
- TẠP BÚT NĂM QUÍ DẬU 1993 - DI CẢO 163 (viết ngày 21-09-1993) NHẮC LẠI NHỮNG TRƯỜNG DẠY NGHỀ ĐỜI TÂY TÔI ĐÃ BIẾT Theo tôi hiểu, chánh phủ thuộc địa Pháp, khi đặt chơn vào nước mình, (tôi muốn nói đất Nam kỳ), sau khi lấy được sáu tỉnh, họ chỉ mong đào tạo một số người để làm tay sai cho họ. Tỷ dụ đầu tiên là đào tạo người coi việc biên chép (thơ ký) và người làm thông ngôn giữa họ và người bổn xứ (indigènes), thì họ lập ra trường dạy chữ Tây và tiếng tây, tiêu biểu là trường Trung học gọi collège Chasseloup-Laubat và sở dĩ họ chọn tên ông nầy đặt tên cho trường là để nhớ ơn và công của lão, với chức bộ trưởng bộ gì đó, có lẽ là bộ Thủy binh (Marine) và tuy chẳng hề đến Nam kỳ, nhưng lão khăng khăng một mực xin hoàng đế Napoléon III, đừng nghe lời nhượng hay bán lại cho ta và quyết giữ lấy đất nầy làm thuộc địa. Chasseloup-Laubat đột ngột chết năm 1873 và được dựng hình nơi quê quán ở Marennes năm 1874, trong khi tại Sài Gòn nầy, tên ông được chọn để đặt tên cho con đường và cũng tên trường, và đường nầy thay cho đường cũ kỳ cựu nối liền làng Phú Mỹ vô tới Chợ Lớn trước gọi “boulevard”, sau đổi còn là “rue” và nay gọi đường Nguyễn Thị Minh Khai, thay thế cho tên cũ. “Xách Lu” (Chasseloup), qua Hồng Thập Tự, rồi xuống làm đường Chữ Thập Đỏ, một thời gian sau tôi nhớ lại đường nầy lại mang tên Xô Viết Nghệ Tĩnh gì gì đó, và đến đây, muốn viết có chút ích lợi, tôi sẽ ghi: vào đời Tây, đường ban sơ đặt tên là đường Stratégique (đường Chiến lược), lần hai đổi gọi đường số 25,
- TẠP BÚT NĂM QUÍ DẬU 1993 - DI CẢO 164 qua lần ba đặt thiệt thọ là rue Chasseloup-Laubat kể từ năm 1865, và tới năm 1995 mới có tên là đường Hồng Thập Tự. Và tôi rất mừng vì đã tuổi 92 khỏi đi học nơi nhà trường, vì thú thật làm sao nhớ nổi bao nhiêu tên đổi thay liền liền như vậy. Không phải tôi dám nói đụng chạm, nhưng quả trước đây tôi từng viết và tưởng riêng mình là thổ-công đất Sài Gòn nầy, nhưng nay tôi mới rõ và tự thẹn sức học và biết về môn Sử-Địa của tôi, vẫn còn kém và thua xa sức biết của một anh làm nghề đạp xe xích-lô đương thời, vì anh xích-lô phải thuộc làu và biết rành tên đường tên phố hiện hữu thì mới mong hành nghề và kiếm đủ tiền nuôi vợ nuôi con, chớ như tôi đã già, thì làm sao theo dõi và biết được. Như phần viết trên đây, vì tật ham nói sa đà, tôi đã kéo dài và nói nhiều về đường và suýt lạc đề quên nói tóm lại, khi người Pháp đã có thơ ký và thông ngôn, khi đó họ mới nghĩ qua mớ tay sai khác và họ đã đào tạo, lập ra mấy trường sơ đẳng và dạy nghề ở Nam Kỳ, tại Sàn Gòn, như sau: a) Trường dạy về máy tàu và máy xe ô tô, tên gọi Ecole des Mécaniciens Asiatiques , sau đổi gọi Ecole Rosel (tên người sáng lập) nay là trường Trung học Cơ khí, ở đường Huỳnh Thúc Kháng; b) Trường dạy bá nghệ, tên Pháp là Ecole Pratique d’Industrie đường Hồng Thập Tự; c) Trường dạy vẽ ở Gia Định (Ecole de desin à Gia Định); d) Trường dạy về đồ mộc ở Thủ Dầu Một, vì nơi đây có gỗ danh mộc nhiều;
- TẠP BÚT NĂM QUÍ DẬU 1993 - DI CẢO 165 e) Trường dạy về nghề đồ gốm ở Biên hòa, vì đất sét ở đây nhiều và hạp nghề. Tôi kể như trên mà không biết trường nào có trước, trường nào có sau, duy tôi xin kể nhiều về trường Rosel, vì ông nầy là ân nhơn đỡ đầu cho tôi khi tôi thi đậu ra trường, và cũng nên gọi ông là ân nhơn của nhiều thế hệ người hành nghề về máy, máy tàu cũng như máy xe hơi, chính ông Tôn Đức Thắng là môn đệ của Rosel trong khóa dạy ban sơ, như tôi đã hiểu. Rosel, người lùn, không hơn 1 mét 50, nhưng có bề ngang, đi đứng nhậm lẹ, tay bằng miệng miệng bằng tay, tiếng nói rổn rảng như máy nổ, có thể nói ông là thực dân xấu nhứt, vì ông hay rầy và quở các học trò trường ông, nhưng xin cho tôi cải chính minh oan cho ông và tôi dám quả quyết Rosel là người thương và giúp ích cho người Việt ta nhiều hơn các Tây ở đây tôi đã biết. Rosel là kỹ sư về máy nơi sở Ba Son (Arsenal), ông xin tách khỏi bộ Thủy binh và ông đã lập ra trường, ban đầu đặt vị trí ở chung với trường Bá Nghệ đường Chasseloup-Laubat, năm tạo lập kể là 1906, nhưng qua năm 1908, là thiệt thọ ở nơi hiện nay (đường Huỳnh Thúc Kháng) và năm 1948 nhớ công cán đào tạo nên đặt trường tên là Ecole Rosel . Theo tôi Rosel giỏi nghề giao thiệp, nhờ sửa chữa máy tàu máy xa mà ông thân thiện với các tay to mặt lớn, và nhờ giúp nhiều cho thống đốc, khiến nên khi sắp hạng và định lương cho học trò trường, Rosel đã òn ỹ và xin được sắp hạng người học trường của ông được ăn lương ngang hàng với lương thơ ký ngạch Soái-phủ (ông cắt nghĩa phải được lương cao thì ông mới tuyển được nhiều người học nghề máy). Ngoài số lương hậu hỷ, thầy thợ dạy nơi trường, ông đều cấp nhà ở khỏi tiền.
- TẠP BÚT NĂM QUÍ DẬU 1993 - DI CẢO 166 Vào năm 1924, hai trường dạy nghề đều giao cho Rosel làm hiệu trưởng và gọi chung là Ecole Technique Spéciale de Sàigòn . Rosel sanh năm 1866 ở Toulon, đậu bằng diplôme trường Quốc gia Mỹ nghệ của tỉnh Aix, đi lính thủy dưới quyền Thủy-sư đề-đốc Amiral Courbet, dự trận đánh ở Tonkin, xin lên bộ nhận chức đốc-học trường Máy từ 1906 và năm về hưu 1924, được phong chức mécanicien en chef và đặc biệt phong chức mécanicien-inspecteur (thanh-tra các trường dạy máy). Lúc kẻ hèn là tôi làm việc giấy, coi về mua vật liệu cho trường tôi ngán vì học tiếng Pháp mà lần hồi quên mất vì quanh năm chỉ quen với nào bù- lon (boulon), nào long-đền (rondelle), một phần khác vì nợ bao đồng quá nặng, tôi xin thuyên chuyển và đổi về làm bút toán nơi tòa bố tỉnh Sa Đéc, thì tại trường máy còn hai công chức kỳ cựu là ông Phạm Công Nghiệp, coi về trả tiền mua vật liệu, ông Nghiệp suốt ba chục niên làm nơi trường, sau mắc bịnh tâm thần, ông Rosel cho ở nhà dưỡng bịnh ngót đôi ba tháng, lãnh lương đủ và trọn. Một ông nữa là Đinh Văn Long, gọi Nhứt Long, vì chức giáo viên nổi tiếng dạy Pháp văn, đào luyện nhiều thế hệ sốp-phơ lái ô-tô và thầy đội coi máy tàu các tỉnh Nam kỳ và cấp bằng có gạnh chữ “ancien élève de l’Ecole dé Mécaniciens Asiatiques” , chữ viết tay mực son, những chuyên viên ấy đều được trọng dụng, tỷ như người tôi mang ơn nuôi cơm không nhận tiền là Phạm Văn Lẫm, nhiều năm làm sếp máy hãng mía làm đường ở Hiệp Hòa, và như Tư Dền, Sáu Hòa, Hòa Nhỏ, cả ba lái xe cho quan tây lớn và lương rất cao. Dền sốp-phơ mà lương 60$ mỗi tháng và chức là major dạy lái và chạy xe cho thống đốc Cognacq đến Pagès. Rosel, thình lình đang mạnh khỏe, một đêm vào năm 1939 ông dùng cơm tối, bị mắc nghẹn, phu nhơn định sai người đi rước bác sĩ Viel, Rosel cản lại rằng họ ăn giá mắc (10$ thay vì giá ban ngày là 5$), hà tiện
- TẠP BÚT NĂM QUÍ DẬU 1993 - DI CẢO 167 năm đồng bạc, đêm ấy ông nghẹn thở, và năm ấy tôi không hay và rất tiếc không được tiễn một quan thầy đỡ đầu tốt bụng. Duy anh Nguyễn Văn Thành, có nhà ở Kho Đạn gần vườn thảo cầm, một tay lo việc tẩm liệm và quan tài của Rosel được đưa xuống tàu chở về an táng ở quê nhà tại Toulon. Khu trường Máy do Rosel tạo lập, chiếm trọn một vuông đất bao gồm bốn đường cái quan trọng, mặt hậu trổ ra đường Hàm Nghi, và hiện nay đã trở nên phố xá tấp nập lớp buôn bán, lớp làm cửa hàng to, sở Ba Son hiện được tôn trọng và có tượng đồng ông Tôn Đức Thắng. Tôi tiếc và viết lại đây không rõ tượng đồng bán-thân của Rosel có còn hay đã dẹp nơi lầu thượng trên căn phòng trường Máy cũ, nhà nầy đã cất lại làm trường trung học Huỳnh Thúc Kháng. Nhắc lại ông Emmanuel Rosel, tuy được kể về hưu năm 1924 như đã nói nơi đoạn trên, nhưng ông vẫn được lưu dụng tại chức cho đến ngày mãn phần, thọ 73 tuổi, vả lại những gì tôi nói đây đều do ký ức nhớ chớ không thấy hoặc riêng tôi chưa gặp sách nào kể cho rành về mấy trường công nghệ ở miền Nam nầy, vậy tôi kể luôn, nơi đường cũ Chasseloup- Laubat, vẫn có một trường tên Pháp gọi Ecole Professionnelle d’Industrie sau gọi Ecole Pratique d’Industrie , tôi không biết lập năm nào và hiệu trưởng tên gì, duy tôi biết lối 1928, vẫn đặt dưới quyền thanh tra của ông Rosel, và trường dạy về làm đồ mộc, học trò ra trường vẫn được tuyển vào xưởng mộc của kỹ sư Tây là Foinet và một hãng gọi Etablissement Lamorte, đóng bàn, ghế gỗ giá tỵ rất khéo, hãng nầy có đặc quyền mua gom gỗ giá tỵ và khi nào hàng nầy dư dùng mới bán gỗ giá tỵ ra cho các tiệm Tàu mua về đóng thùng đựng nước và bàn ghế cho dân dùng. Theo tôi biết, trường Bá Nghệ đường Chasseloup nầy có một Tây chức là phó giám đốc tên Robert, và một phó giám đốc khác tên Thưởng (đốc Thưởng); ông nầy, tôi xin kể lại là thân phụ của ba người
- TẠP BÚT NĂM QUÍ DẬU 1993 - DI CẢO 168 trai thảy đều khác lạ: một người là Nguyễn Văn Huấn, làm thơ ký Ngân khố vào đời tổng thống Pétain, có lịnh sa thải công chức bê bối, Huấn làm việc ở kho bạc Cần Thơ, viên kho bạc Pháp công trực, không ưng hạ cấp Tuấn và phúc trình binh vực Huấn rằng Huấn làm việc trôi chảy, còn tánh tình cứng cỏi, thì không đáng phải bị khiển trách; một người trai nữa là Nguyễn Văn Thìn là người đã kết bạn với danh kỹ Ba Trà, tôi đã kể trong quyển Sài Gòn Tạp-pín-lù ; một người trai thứ ba là Nguyễn Văn Khai, làm thông ngôn tòa đại hình Sài Gòn, đẹp trai, nói tiếng Pháp rất thành thạo, người vợ là một huê khôi, nhưng mạng yểu, thường ngồi xe ô-tô dạo phố với Ba Trà, khi mãn phần, chồng là Khai khóc và đề bia mộ đá: “Elle a vécu ce que vivent les roes, l’espace d’un matin”, (câu nầy tôi nhớ lại và không ắt đúng nguyên văn). Một trường thứ ba tôi biết là trường dạy vẽ ở Gia Định , nay vẫn còn, vẫn đào tạo và dạy môn vẽ dessin, luyện công chức sau nầy bổ qua trường Công lộ (Travaux Publics) vẽ họa đồ nhà, vẽ kiểu xây cầu cống, v.v và trường nầy cũng đào tạo dessinateur du cadastre et arpenteur , dạy vẽ địa đồ ruộng, đo đất ruộng vườn. Tôi nói đây có phần lộng ngôn nói hỗn, nhưng già rồi nên sợ ai mà không nói? Sở dĩ theo tôi hiểu, người Tây qua đây là để khai thác thuộc địa, gánh vàng gánh bạc về nước họ, nhưng luật trời chí công, như mẹ gà, ấp mớ trứng vịt, nay vịt con đã trộng và đều nhảy xuống nước lội te- te trong khi mẹ gà trên bờ kêu trời mà chịu. Những năm 1930 lối đó, bên Pháp có phong trào “Mặt trận bình dân” (Front Populaire), và ở đây, học trò đã trưởng thành và trở nên sinh viên, Pháp muốn giữ sự kềm chế, nên phải mở ở Hà Nội các trường từ Cao đẳng (écoles supérieures) đổi lên làm Đại học (Lycée, Faculté, vân vân) khi ấy mới có nhơn tài bản xứ
- TẠP BÚT NĂM QUÍ DẬU 1993 - DI CẢO 169 học với những họa sư giỏi Tardieu, v.v và trở nên những Nguyễn Gia Trí, những Nguyễn Sáng, v.v nhưng đến vấn đề nầy, tôi xin nhường lời cho các nhà nghề thuật lại, à tôi chỉ biết những chuyện vặt vạnh, những chi tiết nhỏ, thuật lại nghe chơi, và xin nói cho công bình, người Pháp qua đây bỏ xác và đổ máu rất nhiều, nhưng kết quả vẫn ngoài ý muốn của họ. Kể sơ như về ruộng điền thì ngoài Bắc có Puginier, trong Nam có Evêque d’Adran, hội Mission Evangélique miền Hậu Giang và trên Nam Vang làm chủ. Về tiền tệ, bày ra đúc tiền điếu, đúc bạc trắng, thì Ba Tàu ở Chợ Lớn làm đầu nậu, đúc tiền Chinh (do Sùng Trinh nhà Minh), ăn trên đầu Tây thuộc địa, và Tây thuộc địa mảng chạy giấy tờ sang bên Tây, ru chánh phủ và nội các Tây ngủ say, ở bên nầy bày ra lấy độc trị độc, cho phép hội lập ra, nào Cao Đài, nào Hòa Hảo, nào Phật, nào Da-tô, tranh nhau giành nhau, rốt cuộc binh Nhựt thua ở đâu mà vẫn chạy tràn về đây, gom lúa, thâu cao-su, lật đổ toàn quyền Đơ-cu (một cu còn chịu không nổi!) và rốt cuộc như ngày nay đã thấy, tôi không cần nói nhiều. Riêng về trường Mỹ nghệ, tôi nhớ ở Thủ Dầu Một trước có lập trường dạy làm đồ mộc, và nhờ đó sanh ra những nhà làm đồ mộc nhờ khai thác và đốn cây danh mộc thiên niên trên rừng, tỷ như rừng vùng Bình Thuận (cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận), có cây quí, gỗ trắc, cẩm lai, mun, gõ đỏ (gọi cây Bên theo tiếng Thổ) nay còn địa danh Tánh Linh, theo tôi là viết và nói sai, chớ thật ra đó là “đất Tấn Linh” vì theo tôi biết ngày xưa ông bà ta để lại và để lại rất phân minh và rất rành rọt, tiếc thay chúng ta không nghe và không biết áp dụng, tỷ như ở Lục Tỉnh ngày xưa, mỗi bên kinh rạch, mé sông thì đặt ra tỷ như mé tả là chữ
- TẠP BÚT NĂM QUÍ DẬU 1993 - DI CẢO 170 Nhiêu (tổng Nhiêu Khánh, Nhiêu Hòa), mé hữu là chữ Phong (Phong Mỹ, Phong Điền) hễ đọc ra là biết ngay thuộc bên nào, và hễ dưới sông thì chữ Tấn (Vàm Tấn là Đại Ngãi (Sốc Trăng), Vàm Tấn lại là tiếng mượn của Đàn Thổ, Cơ-me) và Tấn Linh mới có nghĩa, chớ Tánh Linh, theo tôi thì vô nghĩa. Và nơi Tấn Linh nầy ngày xưa Pháp định mở đường xe lửa (xe hỏa) và dạy đốn gỗ rừng, lúc đó rừng nầy cây gốc thật to thật quá lớn, vả lại rừng thường ngập lụt nên thợ rừng hủy hoại gỗ súc, bày ra làm giàn trò cao và chỉ đốn nội khúc trên của cây gỗ lớn, đổ thừa dưới cây có đỉa có vắt, có thú dữ (cọp voi), tre trúc cũng dùng câu liêm móc giựt chỉ dùng đoạn trên và về sau, khi gỗ đã trở nên quá quí, mới nhớ lại mà cho thợ rừng đào móc lấy lại những gốc cây bỏ lóng trước, và khi ấy mới biết tiết kiệm, cưa lại theo mặt gỗ đứng, lấy từng lớp mỏng và dùng làm mặt bàn tròn, có thứ to lớn, đến 1 mét 80 cm kính tâm hoặc đến 2 mét, nay rất quí hiếm và trước đây còn lại nơi Thủ Dầu Một và nơi Lái Thiêu, hai nhà của hiệu Thuận Hòa và của nhà Nguyễn Long Thao, làm và bán bàn viết mặt đá, ván ngựa (gọi ván ba tức gồm ba tấm ván), ván hai hay ván đôi (có hai tấm) và ván một (chỉ một tấm) v.v Ở Thủ, tôi biết có một người thợ rất khéo và đã chế tạo ra một chiếc xe đạp, chỉ sợi dây sên (chaine) là bằng thép, còn sườn, vành, đều toàn bằng gỗ, xe vẫn chạy như xe kim khí, và người thợ mộc nầy đã được phần thưởng xứng đáng. Nhưng xe không được phổ biến và chỉ để thấy người thủ công của ta vẫn hoa tay giỏi. Tóm lại, nghề như vẽ tranh nay đang thạnh hành, thì có lúc, trong xứ vẫn thiếu vật liệu (thiếu màu vẽ, thiếu giấy thiếu đất trắng và đồ nội hóa kém sút, cho nên trường dạy làm đồ gốm ở Biên Hòa, theo tôi biết, một
- TẠP BÚT NĂM QUÍ DẬU 1993 - DI CẢO 171 đoạn lối 1950-1960, lò gốm Biên Hòa sản xuất gốm kém thua lúc Pháp còn ở đây, vì phải nói Pháp dạy rất kỹ và rất khó tánh, sinh viên làm món chưa vừa ý, họ đều bỏ không cho nung, còn ngày nay, tôi chịu thua và không biết được. Nay việc cũ, nhắc lại về bốn ngành mỹ-nghệ, và xin độc giả bỏ qua cho: 1) Về máy móc, tôi làm nơi trường Máy ông Rosel ngót sáu năm từ 1923 đến 1928, tôi mua tôle thiếc lợp nóc chuồng gà Mỹ của thống đốc, được đặc hạng 18 tháng mà thăng lên một cấp, ông Favier phó và ông Rosel cho tôi theo xe để học lái xe, nhưng tôi thừa dịp để xe đi dạy người khác, còn tôi thì xuống xe và dùng thì giờ đi với chị em và đến nay tôi vẫn không biết lái xe; 2) Về tranh, tôi xét không đủ tiền theo kịp các tay điên tiền. Khi làm nơi Viện bảo tàng ở Vườn thú ở đây, tôi thấy cả mấy chục tấm tranh vẽ màu, mực Tàu, vẽ dầu, có một bức màu ba phụ nữ Bắc, Trung, Nam, ngồi chùm nhum trên sàn nhỏ, tôi cho là rất khéo, những tranh ấy đều do họa sư Pháp vẽ, không biết hiện nay về đâu? 3) Về gốm, mặc dầu tôi chơi gốm cổ, nhưng tôi không sắm gốm Biên Hòa, chỉ có đôi gốm do đời Tây để lại, và nay rất khó kiếm. Nay gốm mới tôi không quan tâm nữa. 4) Rốt cuộc, tôi thích đồ mộc, vì theo tôi đồ mộc Thủ và Lái Thiêu, gỗ tự nhiên trắc, cẩm lai, lâu niên thành cổ. Mộng mẹo cho thật khít khao, để lâu năm thì quí.
- TẠP BÚT NĂM QUÍ DẬU 1993 - DI CẢO 172 Nhà Tân Hanh, trước ở đường Nguyễn Trãi, khi chủ mất, nhà bị bán, chủ xin được yên thân vùi xác trong một chiếc hòm cây giá tỵ, kỳ dư liễn, hoành sơn son thiếp vàng, vô số kể, treo đầy vách, nay về tay ai. Tôi đã bỏ qua nhiều dịp tốt, nay tiếc đã muộn. Nhà Tái Hiệp Hòa ở Chợ Lớn, tôi gặp năm nọ đã lâu, 12 (mười hai) chiếc ghế gỗ mun, do thợ Bà Rịa làm năm 1900 hay lối đó, ra giá mỗi ghế 600 bạc cũ đời Thủ hiến Trần Văn Hữu, cả thảy giá 7.200, tôi cò kẻ trả bớt không được, khi về nhà lấy tiền trở lại chủ nhựt sau thì ghế đã bán mất, tiếc quá. Nhà Huê Hưng chứ cả kho đồ mộc kiểu đời Thanh, sập ba thành, bàn mặt đá quí, giá rẻ mạt, nhưng mua về không chỗ chứa, nay đâu còn? Nhà Huê Hưng cũng đã dẹp. Lúc ở Sa Đéc, chủ Quảng Đông tiệm mộc tên Đăng Quán, quen thân, một hôm tôi mời chơi bài thiên cửu, Quán nói mắc dỡ nhà cũ cho kịp sáng chủ nhận tiền, sau đó Quán cho biết phải dỡ nhẹ lấy bộ cột cho kịp lúc vì cột ấy toàn gỗ mun, mà người chủ bán nói cột sơn dầu hắc bán giá cột chụm củi, và rõ lại người chủ ấy là bạn học bên Tây đồng song với bác vật Lưu Văn Lang, tên Lương Văn Mỹ, kỹ sư công chánh. Tôi gần đây đã gặp một bộ ghế cây trắc giả bắt chước bàn ghế dây mây đan (rotin tresssé) mộng khít rịt, tôi mua không kịp, nay về đảo Đài Loan, đáng tiếc, hoặc tại tôi vô duyên.
- TẠP BÚT NĂM QUÍ DẬU 1993 - DI CẢO 173 (viết tiếp từ 27 septembre 93) TÔI VIẾT BA-LĂNG-NHĂNG TRỐI MẶC TÔI, CÁC BẠN TRẺ XÀI ĐƯỢC THÌ CỨ XÀI Nay tôi nhớ lại, khi tôi được chấm cho vào học nơi trường Trung học tây Chasseloup-Laubat, lúc ấy chưa có người quen ở Sài Gòn ưng làm correspondant tức người bảo chứng cho học trò ở xa nhà là tôi, (sau tôi xin được ông Thanh, em ông Cao Đắc Lỹ là chú của bạn đồng song tên Tệt (Trước, Tre) nhận cho tôi ở đậu ngày nghỉ lễ hay chủ nhựt, nhưng tôi cũng ít đến vì sẵn tánh nhút nhát. Nhà ông Thanh nầy số 90 đường d’Espagne, và có chứa ông Nguyễn Văn Sâm, làm chánh trị bị giết trên xe buýt, cũng người Sốc Trăng, nhắc lại năm 1919, tôi thường ghé một nhà ở đường Mac Mahon, ngang dinh Toàn-quyền, mỗi khi ra trường ngày nghỉ lễ, nhà nầy là trụ sở của một trường do một ông Tây làm quan to ở Bắc, vì về hưu nên vô Sài Gòn xin được lập trường lớn dạy nghề thêu thùa, nhưng tuyển học trò trong Nam không ai vào học, vỏn vẹn năm 1919 ấy, chỉ có bốn ngoe học trò, một nữ ba nam, trong số đó có anh Hải, con ông Quản tên Đủ, làm nghề đóng sách cho tòa bố ở Sốc Trăng, anh Hải nầy có tên khác là Chơn, nhận làm correspondant cho tôi, về sau anh học lươn-khươn không ra gì, rồi bỏ học, lại trở nên đứng dọn bàn rồi thăng lên là đầu bếp cho Busssière, tham-biện chủ-tỉnh tỉnh Sốc Trăng, ông nầy có dắt Chơn (Hải) sang Pháp làm bồi (boy à tout
- TẠP BÚT NĂM QUÍ DẬU 1993 - DI CẢO 174 faire), bồi dọn bàn mà lãnh nấu bếp luôn, chính anh Chơn, khi đi bên Tây rồi trở về, đã nói với tôi, ông chủ Busssière, chức ở bên nầy là quan cai trị chủ tỉnh, thế mà ở bên Pháp, ông chỉ có duy nhứt một con bò cái nuôi để lấy sữa, và nhà ở của ông và vườn của ông là nhà mướn, vườn mướn, còn lúc học thêu ở Sài Gòn, học trò gì mà chỉ một nữ ba nam, không thấy thầy đến dạy, bốn người ở chầu chực, chờ lãnh tiền cơm rồi thua buồn lần hồi bỏ học, ông chủ trường là ông George Bois, lặn hụp rồi cũng mất tăm mất dạng, và trường dẹp luôn, day qua tôi có bạn là Tăng Thiện Lăng, học lớp nhứt ở Sốc Trăng, năm 1919, lên đây học trường Máy của ông Rosel, Lăng trong lúc học năm đầu (1 ère année), lén lấy sắt lấy thép, lấy chì của nhà trường, rối lén lút đúc bàn tay sắt (tên tiếng Pháp là coup de poing américain) và đúc lưỡi búa thép, lưỡi bề ngnag 4 hay 5 cm, cán bằng gỗ cứng, búa lợi hại và bén ngót, dùng để khi đánh lộn giữa học trò các trường tại Sài Gòn thì chém hay búa đầu nhau, học trò trường Chasseloup-Laubat chia ra có hai phe, phe dân tộc Nam, gồm hai nhóm, nhóm có học bổng chánh phủ hoặc làng xã tỉnh hạt cấp, nhóm khác không học bổng và do cha mẹ khá giả xin được cho con vào học, hai nhóm nầy nói chí tình, đều lo học hành và giữ hạnh kiểm tốt, duy trường Chasseloup vẫn có một nhóm thứ 3 mà có lẽ là nhóm chánh, gồm học trò dân tộc Âu Pháp, chữ gọi “quartier européen” nhưng kỳ trung đó là dân tộc phức tạp Tây lai có, Chà-và đen dân Pháp có, và phần lớn phần đông là Ba Tàu, con chệt nhà giàu trong Chợ Lớn hoặc con các bang trưởng Quảng Đông hay Triều Châu ở Lục Tỉnh gởi lên, thảy đều có máu mặt, thảy đều con nhà giàu xụ, tốp lại thảy đều là công tử mất dạy, không lo học chữ và nghĩa mà học những thói xấu, tập làm công tử bột, làm trai hư “có mèo” có bồ bạn gái trường Áo Tím (nữ trung học Gia Long) hoặc bạn gái “đầm lai” trường Áo Trắng Nhà
- TẠP BÚT NĂM QUÍ DẬU 1993 - DI CẢO 175 Phước (do các dì phước, cũng bọi bà phước (sœur ou révérende-mère carrmélites gọi tắt là Nhà Phước, Nhà Trắng), hoặc học trò nữ quốc tịch Âu Pháp trường Ecole des filles françaises, sau gọi trường Marie Curie, nhưng nói đây là tôi nói tầm-ruồng vô trật tự và xin nói cho chính đáng (hay chí đáng), riêng phần tôi, ai mặc ai, tôi giữ phận tôi, và ba tôi hy sanh, nhịn ăn nhịn mặc, gởi tôi lên đây để học chữ Tây, cơm nhà áo mẹ, tôi học rất cần và rất phát, không dám làm phụ lòng ba tôi, cho nên nói chí tình, Chơn (Hải) rồi Tăng Thiện Lăng, mỗi chủ nhựt hay ngày nghỉ lễ, thường đến đón tiếp tôi từ cổng cửa lớn trường Chasseloup là để cùng nhau đi hoặc ăn sáng, tôi hủ tíu ba xu, hoặc uống giải khát “Au Rendez- vous des Poilus” là quán ở đường Amiral Courbet, chuyên bán cà phê, nước ngọt, sau nầy Lăng học đủ ba năm nơi trường Máy Rosel và được bổ nhiệm làm đội máy coi tàu và giữ kho gọi Vọng Thoàn, nơi tỉnh nhà Sốc Trăng và phân tay với tôi, thi đậu và làm thơ ký quét bu-rô làm tôi mọi cho chánh phủ Tây, Hơn nửa đời Hư là vậy, nói càng xấu nhục * * * Trở lại như đã nói, trường Trung học Collège Chasseloup-Laubat lập ra từ năm 1874, nhưng tương đương với trường công và chánh thức của Tây bày ra, nhưng một vì khó có phương tiện nhập học trường công nầy, hai là theo lẽ riêng hiểu của tôi là dạy chữ mà ít lo và để tự do phóng túng về đạo đức, một lẽ thứ ba là về sau có phong trào Tây không theo Thiên Chúa giáo, hoặc theo đạo Tam Điểm (loge maconnique), ghét và nghịch với đạo Da-tô, nên bên Công giáo nảy lập ra một trường nay đồ sộ và còn lại chỗ duy đã đổi cách dạy dỗ khác, tôi muốn gọi và nói cám ơn tuy không học trường nầy và đó là Institution Taberd , trường chọn
- TẠP BÚT NĂM QUÍ DẬU 1993 - DI CẢO 176 tên như vậy, nhưng người tạo lập, sáng tạo và tự xuất tiền lập công đức lớn thật lớn nầy là ông Kerlan, mà tôi xin kể sơ lược như vầy: Kerlan, trước tiên là người thế tục (laique) không theo đạo Da-tô. Tên họ đủ là Henri, Marie Thérèse, Alexandre Juhel des Isles de Kerlen. Sanh năm 1844 tại Angers (Maine et Loire), khu paroisse de la Trinité. Học trường collège de Combrée, và tuy không theo đạo nhưng được tuyển cho nhập học ngày 26 Septembre 1864 nơi trường chủng viện Séminaire des Missions Etrangèrres. Được phong mục sư prêtre ngày 15 juin 1867 và ngày 16 août được cắt về xứ Nam kỳ. Đến địa phận nầy, đức Cha Michel sai đi Bà Rịa, trước giữ chức trợ tế (vicaire) rồi lên làm mục sư (curé). Tiếp theo đó, được làm phụ tá cho cha R.P. Gernot, giữ họ đạo dòng Cái Mơn. Đến năm 1871, được làm mục sư (curé) địa phận Sài Gòn. Kể từ đây, ông chuyên làm toàn việc thiện. Ông xuất tiền nhà, lập Institution Taberd nầy năm 1874 (đồng thời đồng niên với trường bổn-quốc collège Chasseloup). Trường chuyên dành cho trẻ lai bị bỏ rơi , tiếc thay danh ấy thọ nhưng mạng lại yểu, Kerlan về với Chúa ngày 27 mars 1877, lên trái-trời (petite vérole noire (trái đen), tức lên trái (variole) do một bịnh nhơn lây cho. Trường Taberd mở rộng, xây lầu, cất cao và rộng thêm mãi, nhưng nay tôi không vào bên trong được và không biết nơi sân trong của trường có tồn tại tượng đồng bán thân của Kerlan chăng, tượng nầy do Thủy-sư Đề-đốc Duperré dựng lên và đến ngày 14 mai 1877 Duperré dặt tên Kerlan cho một con đường mới nối đại lộ Norodom qua đường Lucien Mossard.
- TẠP BÚT NĂM QUÍ DẬU 1993 - DI CẢO 177 Trường Taberd hữu ích và đã đào tạo khá nhiều công chức cho chánh phủ thuộc địa Pháp. Môn dạy chữ rất hay, thi đậu rất nhiều, nhưng cũng dạy kinh, các thầy dòng có tục hết lòng dạy bọn đẹp trai, gọi tục ấy là “cộ”. Ra trường quen kinh và theo Công giáo cũng bộn. Từ những năm 1920 về sau, trong Nam người và của cải phát mạnh, lúa có giá, dân sanh đẻ mau, nhà nước thuộc địa mở ra lớp dạy và luyện thi tú tài, gọi “tú tài bản xứ”, lớp ấy mở tại trường Chasseloup, sinh viên học tấn pháp, thi đỗ bằng Brevet Supérieur, Baccalauréat français rồi “lô-canh” rồi tăng collège thành lycée trường lang-sa, tách nhóm Việt qua lập trường Pétrus (1928) và môn dạy lấy cấp bằng thấy kiếm ăn được, trường mở ra: • Trường Nguyễn Xích Hồng, mời giáo sư Pháp dạy, lương tính mỗi giờ 5$00; • Trường Huỳnh Công Phát nối lấy chỗ và N.X.H. chạy vô Gia Định; • Trường Chấn Hưng hay Chấn Thanh ở Cầu Muối, Ông Lãnh; • Trường Huỳnh Khương Ninh, học trò ương ngạnh, giấu thầy nghề võ, học mô xành-tả (thần-đả) thử sức chém đứt lưng xảy ra án mạng • Trường Nguyễn Phan Long, ông chọn rể, gả con, nghĩa-tế, công tử con nhà giàu lớn ở Sốc Trăng, tên Giang Đông Đẩu; ông Long thấy không dạy được, vận động cho Đẩu qua Pháp, Đẩu trở về chở theo một ô-tô nhớ như hiệu Alpha-Roméo, đăng bộ tại Paris, qua Sài Gòn, lính cò phạt, phải gởi giấy phạt sang Paris, lính tây, cò (cẩm) Pháp chịu thua.
- TẠP BÚT NĂM QUÍ DẬU 1993 - DI CẢO 178 Đẩu về làm công tử tại quê nhà ở quận Long Phú (Bang Long), chủ quận đốc phủ Lê Quang Trường cũng chạy mặt. • Trường mở rộng xuống Cần Thơ như trường Hậu Giang Bassac của Phạm Văn Bạch; rồi Long Xuyên có trường tư người dạy có kết quả tốt là học giả Nguyễn Hiến Lê, xuất thân công-cán ủy-viên công-chánh, vân vân • Rồi nào trường của Cao Đài, của Hòa Hảo, trường Nguyễn Tích Thiện ở châu thành Sốc Trăng, giám thị trường là Phan Văn Hùm, sau trường đổi chủ và giao cho thầy cũ lớp nhứt trường tỉnh Sốc Trăng là ông Trần Văn Điền, là thầy đào tạo ra tôi ngày nay, với ân sư dạy lớp nhì (cours moyen) là ông Trần Tấn Chức. Dạy nhiều, nhồi sọ, không cho tấn phát, đẻ ra lối dạy bằng-bằng, gọi Plan horizontal , thi ra trường quá nhiều mà sở làm kiếm không ra, và nhà nước thuộc địa chưn đất sét bị xô ngả, mới có xã hội như nay. Thiên-địa tuần hườn
- TẠP BÚT NĂM QUÍ DẬU 1993 - DI CẢO 179 (viết tiếp ngày 28 septembre 1993) VÀI CHUYỆN CŨ CÒN NHỚ VỀ ĐƯỜNG PHỐ SÀI GÒN NGÀY XƯA Cách nay vài năm, trong báo có đăng tin người bỏ xứ đi xa, nay muốn biết địa chỉ một thân nhơn, cho địa chỉ số nhà số mấy? và đường gọi “d’Adran”, nhưng báo chí không đăng trả lời, tôi định là vì không biết. Nay tôi tìm ra, vậy xin cho hay, nhưng đã muộn: Đường ở chợ Cũ Sài Gòn tên gọi “đường d’Adran” đó là đường gọi “rue Georges Guynemer” tức đường bắt đầu sau tòa tạp tụng và nối liền mối đường Đỗ Hữu Vị chạy tuốt xuống đụng mé sông mang tên đường mé sông ấy là quai de Belgique , chỗ cầu móng cũ nay đã hư tệ. Tên mới tôi xin chừa vì tôi không rành. Georges Marie Guynemer là phi công Pháp, sanh trưởng tại Paris (24-12-1894) tuổi vừa 22, đã bắn hạ rất nhiều máy bay của địch (a-lơ- măng), chức đại úy đeo ba lon và đã có ngũ đẳng bửu tinh, và sau tử trận mất tiêu thi-thể và xác máy bay, đất không chôn được xác anh hùng và hồn thiêng bất tử vẫn tồn tại phiêu phiêu trên mây bạc. Ngày 26 avril 1920, Hội-đồng Đô-thành Sài Gòn chọn tên người vị quốc vong thân, đặt thay tên đường cũ “rue d’Adran”, nhờ đó mà tôi biết được, vì lúc nhỏ, theo ba tôi lên trên nầy năm 1919, đã từng cha con dạo phố và để chưn nơi đường nầy, và nhớ bên mé hữu, kể từ đường Đỗ Hữu
- TẠP BÚT NĂM QUÍ DẬU 1993 - DI CẢO 180 Vị đi xuống mé sông thì sau và ngang miếng đất trống Tổng Ngân Khố, (đất trống do phá bỏ chợ cũ còn đất lại) và mé tay mặt đó có một tiệm thợ bạc lớn, treo bảng hai chữ “Kim Ngọc” và thân phụ tôi dạy cho biết đó là lò ông thợ cha của hội đồng quản-hạt tên Khá (Trần Văn Khá) tức rể của đốc phủ Vịnh (Nguyễn Văn Vịnh, trước có ngồi làm ở tỉnh Sốc Trăng), ông Vịnh là bào huynh của Duyên (giáo sư), của Liễn (dược sư) người gốc làng Tân Trụ (Chợ Lớn) v.v Tên d’Adran kéo qua nhắc lại Bá-Đa-Lộc, nay đã bị phá mồ (lăng Cha Cả) nhưng tưởng nên ghi lại để cho người đến sau được rõ. Những chỗ cũ, tên cũ cần ghi lại để biết: 1) Trường gọi “collège d’Adran” ở đâu? 2) Place Pigneau de Béhaine? 3) Statue Pigneau de Béhaine? 1. Collège d’Adran Danh từ nầy thay đổi nhiều lần và nhiều người lầm lộn với trường gọi “des stagiaires” v.v Tôi biết sao thì nói vậy. Collège d’Adran : năm 1862, qua năm 1910 đổi làm École des Filles Françaises; qua năm 1922 xây cất thêm và đặt École Normale d’instituteurs (đào luyện giáo viên) sau thêm lớp cao cấp gọi Écoles primaires supérieures để qua nhiều trào cai trị và nôm na vẫn gọi “trường Sở Cọp” vì cọp Sở Thú gầm kế bên. Năm 1942, đời thống đốc Tây Rivoal, lấy tên cũ gọi “collège d’Adran” nhưng tên nầy không tồn tại
- TẠP BÚT NĂM QUÍ DẬU 1993 - DI CẢO 181 2. Place Pigneau de Béhaine Đó là chỗ trước Nhà thờ, tượng đồng hình Bá-Đa-Lộc đứng che chở cho đông-cung Cảnh, tuy bị hạ bệ từ lâu, nhưng bệ đá màu đỏ tươi rất đẹp, vẫn không hề hấn và giữ lại làm bệ tượng Maria bằng thạch cao nay còn thấy. Nhắc lại đây, Place nầy trước ở chỗ gọi Place de l’Horloge (đời Amiraux) là chỗ có vườn cây nơi đường Đồng Khởi, giữa hai đường La Grandière và Espagne, đồng hồ chỉ giờ đời Tây qua sau dẹp vì đã có đồng hồ lớn tòa Bưu chính (Hôtel des Postes). Xin nhắc luôn cathédrale (Nhà thờ lớn) đặt tên Vương-cung thánh- đường ấy, thì khởi công xây cất từ năm 1877, (như vậy đã trên 100 năm), nhưng vườn ấy có lúc bị bỏ thiếu sự chăm nom, đợi đến 1893, vườn mới được tu bổ lại, và tên đặt làm Place Pigneau de Béhaine là có từ 1920. 3. Status Pigneau de Béhaine Đã nói tượng đồng nầy ở trước Nhà thờ lớn. Đó là tượn do Dormier chế tác và được dựng mars 1902. 4. Bia đá bên hông Viện bảo tảng Bách thảo Nói tại đây, có stèle (bia đá) đặt nơi hông Viện bảo tàng Bách thảo, là do Taboulet xin dựng lên để ghi chỗ ở xưa của Đức Cha Cả, bia nầy dựng vào 3 octobre 1936, có Phạm Quỳnh chứng kiến. (Chữ Pháp “décédé” đối với một chức sắc lớn của Công giáo, lựa dịch trên bia “tịch” thì là chữ mượn của đạo Phật?)
- TẠP BÚT NĂM QUÍ DẬU 1993 - DI CẢO 182 Năm trước ra Huế, tôi gặp một tượng d’Adran và Đông-cung, tượng giấy bồi và giấu trong kho kín Tôn-Nhơn-Phủ
- TẠP BÚT NĂM QUÍ DẬU 1993 - DI CẢO 183 (viết ngày 29-9-93 tức 14 th.8 Quí Dậu/Trung thu tiền nhứ nhựt) DỊ ĐOAN, ĐỒNG DIÊU, CA DAO Người mới, đời mới, thuyết Mác-Lê cũng mới, dị đoan đã bớt người tin theo. Tôi thuật lại đây hầm-bà-lằng cuốc-chí, ai tin cùng không cũng mặc và tôi cứ thuật. Lúc tôi được bảy, tám tuổi, tôi ở châu thành Sốc-Trăng, trong xóm có một nhỏ hai dòng máu, tên Hên (Hưng), sau thuần lại và làm hương hào và gọi hương hào Hên, lúc còn học lớp chót và nhỏ hơn tôi vài tuổi, tánh tình Hên ương ngạnh không ai chịu nổi. Chính nó bày ra hay nó học lóm ở đâu rồi truyền cho chúng tôi, là mỗi khi muốn ngạo ai, chọc tức ai, thì nó hô lớn: “Bồ-kề!” rồi nó bắt chúng tôi phải vỗ tay và lặp lại hai tiếng ấy. Không ai hiểu nghĩa là gì, chính người lớn cũng lây chứng và nhại theo “Bồ-kề!” và sau đó nó còn bày ra nói “Bồ-kề! Áp-tác-lách-xi-cu-la Canh-ti-nả. Bồ-kề!” Không nói và la theo nó thì nó đánh, nó giọi trên đầu. Trong xóm có một trưởng lão, tức một ông già chệt Tiều, cao lớn, mặt đỏ au, tóc bạc trắng búi một bi-bi (đuôi sam nhỏ xíu, thắt lòng thòng sau lưng, tay cầm một ống điếu tre dài nơi đầu có gắn một nồi thuốc hút, cái đầu ngậm vào mồm là một ống đá cẩm thạch rất đẹp, mỗi khi chúng tôi ra đường đụng đầu với ông lão nầy thì thàng Hên hô to: “Bồ-kề! Bổ cu ông già!” và lẹ như chớp nhoáng, tức thì ông nổi tam bành, chơn rượt, tay bổ tưới ống điếu vào đầu đứa nào chạy không kịp thì lãnh đủ, miệng ông chửi: “Lù-
- TẠP BÚT NĂM QUÍ DẬU 1993 - DI CẢO 184 má-mầy là thằng xích-câm-xa!”, chúng tôi chạy ra xa, khỏi tầm tay thì đứng lại hô “Bồ-kề” như cũ. Ngày nay chuyện xưa kể lại dong dài mà nhơn vật cũ đâu còn mống nào, trừ kẻ hèn nầy tuổi đã 92, và nhờ chưa xuống dưới gặp lại bạn cũ, tôi lần mò tìm hiểu và nay phân tích lại cho các bạn trẻ biết, thì: “Bồ-kề” là tiếng Triều Châu, phiên âm Hán tự là “Bất hảo!” (đúng ra là Bồ-ềnh (bất an), Bồ-hố (bất hảo), hoặc đủ chữ là “Bồ-xừ-phềnh-an” (vô sự bình an); nhưng không hiểu vì sao mà thằng Hên bày ra hai chữ Bồ-kề! Và nguyên câu “Áp-tác-lách-xi-cu-la Canh-ti-nả!”, đúng ra là tiếng Tây “La tablette de chocolat de la rue Catinat”, câu nầy là tôi sắp đặt lại về sau cho có nghĩa, còn hồi đó, đúng ra thằng Hên nó theo mẹ lên Sài Gòn rồi khi trở về Sốc Trăng nó truyền bá ra làm vậy. (Xin các bạn trẻ ráng hiểu lấy). Còn “bỏ cu ông già”, tôi không cần giải thích cho thêm rắc rối, bổ-cu (beaucoup: nhiều) dễ hiểu dễ biết quá mà! Tôi đánh máy đến trang nầy rồi tự thấy mừng vì tuy tuổi đã hơn chín chục mà trí nhớ vẫn còn sắc bén, và bình tâm xét lại, tôi sanh năm 1902, và cái năm sanh ra có câu “Bồ-kề! Áp-tác-lách” ấy, có lẽ là lối năm 1910, và đúng như sử sách ghi chép lại, thì năm 1911, Tân Hợi, là năm bên Trung Quốc xảy ra vụ làm cách mạng lật đổ nhà Thanh, và từ bên Tàu cho đến đâu có chệt Tàu ở, thì họ đều cắt đuôi, bỏ đeo bì-bi (đuôi sam) trên đầu, và đúng y chang câu đồng dao do thằng Hên bày hát, và đúng với một sự tôi cho là kỳ, là lạ, là vào mấy năm 1910, 1911 ấy, tre trồng trong rẫy ở Sốc Trăng, tôi thấy trước mắt, hễ trồng cắm rễ vào đất thì tre mọc èo-uốt lâu lắc, và nếu dộng ngược gốc tre cắm xuống đất thì
- TẠP BÚT NĂM QUÍ DẬU 1993 - DI CẢO 185 tre vẫn mọc và mọc mạnh mọc mau là khác, và câu tục ngữ địa phương để lại và nay tôi nhắc ra đây, còn người mới, tin cùng không tôi cóc cần biết, và câu kinh nghiệm ấy là: “Trồng tre ở gốc về trời! Ông Bổn về Tàu, thằng Chệt đứt đuôi!” (Tôi giải thích thêm: ông Bổn, tức là vị thần của người Hoa thờ nơi các chùa miễu của họ, Bổn cảnh thành hoàng, nói tắt. Ông Bổn về Tàu, tức là năm Tân Hợi ấy (1911), người Hoa nhiễm tiến bộ văn minh, một phần dân Tàu, bớt tin dị đoan, bỏ hay nhẹ bớt tục thờ cúng, và đã đưa ông Bổn về Tục người Tàu dưỡng tóc kết đuôi sam, theo ba tôi nói lại, là có lẽ tục của dân tộc Mãn Châu (Mandchourie), có lẽ họ thờ “động vật tổ” (totem) của họ là “lư”, là con lừa, cho nên y phục đại lễ Thanh triều, tay áo lất lên như móng lừa, họ lễ bái, lạy khúm núm như lừa quì bái, và tóc trên đầu vẫn cạo chung quanh sạch bách, chỉ chừa một một lọn kết và kèm thêm tóc giả hoặc chỉ tơ đỏ đen làm bì-bi, và nghĩa kín ít nói cho biết là họ ngầm muốn tỏ ra: “Tứ xứ di tồn Trung quốc” (ý đen là bốn di man (man là người phương Nam nước Tàu), bốn dân ấy cạo sạch, chỉ chừa người Hán còn lại, v.v Xin thêm, năm cách mạng Tân Hợi, quốc kỳ Trung quốc ban đầu là cờ ngũ sắc [Hán, Mãn (Mandchou), Mông (Mongol, Mông Cổ), Hồi (Mahométan), Tạng (Tibétan)]. Tôi đã sa đà vì tôi viết để nhắc lại việc cũ cho nên việc rối trong nhà, cô bác anh em đọc rồi xin bỏ qua cho. Vạn tạ. (29-9-93) Trung-thu tiền nhứt nhựt, nói làm vậy cho khỏi dị đoan cữ 5, 14, 23 )
- TẠP BÚT NĂM QUÍ DẬU 1993 - DI CẢO 186 (viết thêm ngày 30 septembre 1993) VỀ HAI TIẾNG TIỀU Ở SỐC TRĂNG ĐẾN NAY CÒN ÍT AI CẮT NGHĨA: BỒ-KỀ Xin thưa lại: “Trong bài viết nơi trước, tôi đã nói “Bồ-kề” là “Bất- hảo” của người Triều Châu, nhưng nay tôi gẫm lại và dám quả quyết: “Bồ-kề” không phải tiếng Triều chi cả, và rõ lại có lẽ đó hai tiếng “Bồn- kèn” ở Sài Gòn thuở những năm 1910-1911 hoặc trước đó vài mươi năm, và Bồ-kề như vậy là Bồn-kèn (kiosque à musique) do Tây khi mới qua họ xây tại Bồn Nước ngày nay trước hãng Charner cũ, và Bồn kèn nầy mắt tôi đã thấy, vẫn là một bệ xây đá xanh tám góc vuông vức, mỗi chiều thứ năm trong tuần, họ sai sơn-đá đem kèn đem trống đến và tấu nhạc võ lên, - ông bà nhà quê lớp xưa để lại thành ngữ “đánh mũi dích” (musique) - thơ Huỳnh Mẫn Đạt: “ nhạc Tây hơi trổi lạ ” - thơ cỡ Bùi Hữu Nghĩa: “Tò-le kèn thổi tiếng năm ba ” và như vậy tôi dám chắc ở Sốc Trăng trẻ nhỏ lớp tôi những năm lối 1910-1911, có thằng Hên là con ý Bang Chu, ý nầy dắt nó lên Sài Gòn dạo chơi và nó mua về Sài Gòn thứ bánh kẹp chocolat hiệu Netslé (ở Sài Gòn mang về và mang theo hai tiếng Bồn-kèn mà nó lặp lại và biến ra “Bồ-kề” là như vậy )
- TẠP BÚT NĂM QUÍ DẬU 1993 - DI CẢO 187 Tiếng Tàu, tiếng Quảng (Quảng Đông) và tiếng Triều (Triều Châu) của tôi, là những tiếng học đường học xá, nhưng tôi dám chắc vẫn có căn có bổn. Nhắc lại: đồng dao hay câu do thằng Hên dạy chúng tôi hát thuở ấy: “Ác-táp-lách xi-cu-la Canh-ti-nả Bồ-kề” là tiếng Tây ba-trợn, “la tablette de chocolat Catinat Bồn-kèn”. Cũng vào những năm 1911, Cách mạng xảy ra bên nước Tàu lật đổ nhà Thanh, thì tại Sốc Trăng nhóm người Tàu cũng dẹp tục cúng cô hồn tháng 7 (lễ vong xá cô hồn) và thay thế vào lễ giựt giàn là lấy tiền cúng ma cho vào kết (caisse) hội từ thiện (lập nhà thương, trường học, tiếp tế, v.v ); chớ trước 1911 ấy thì vẫn có lễ cúng cô hồn tháng 7 ở Sốc Trăng. Tôi còn nhớ Sốc Trăng có ba nhóm người Tàu, thì có ba nghĩa địa chôn: • nghĩa địa dành cho người Phước Kiến, đường Bãi Xàu, (ông Tiêu ốm nhom); • nhóm Quảng Đông, nghĩa địa cũng ở đường qua Bãi Xàu và ông Tiêu cũng ốm teo • nhóm Tiều, nghĩa địa ở trên đường đi ra Đại Ngãi, thì ông Tiêu (Tiêu-diện ma-vương), mới thật là cao lớn, dình dàng, cao gần gần ba mét, áo giáp xanh lè tực rỡ, tay cầm cây giản thật lớn, lẫm liệt oai phong, trên mão có hình Phật Bà Quan Âm để trị bớt tánh hung Tiêu- diện, cho bớt ăn thịt hồn ma bóng quỉ, và đáng ghê sợ hơn cả là ông Tiêu nầy le lưỡi dài tới bụng!
- TẠP BÚT NĂM QUÍ DẬU 1993 - DI CẢO 188 Nay tôi nhớ lại, và nhắc lại nghe chơi, để trẻ sắp nhỏ trong nhà được biết, quãng những năm 1910-1911, từ Sốc Trăng muốn lên Sài Gòn phải đi thuyền, theo ghe chài chở lúa, hoặc đi tàu thủy (lối 1920 v.v ) chớ đường bộ chưa có. Khi lên tới Sài Gòn, nhà ngủ Nam chưa có, phải tìm nhà quen hoặc là nhà tiếp khách của Ba Tàu, và thuở đó ở Sài Gòn và Chợ Lớn, vẫn người Tàu gần như làm chủ, vì nhà nước Tây nhắm mắt chỉ lo thâu thuế, và đã để chệt khách muốn làm chi chi cũng được. Tây giao cho bảy bang (Thất phủ miếu, thờ Quan Đế) mà kỳ thật nói bảy bang nhưng đếm chỉ có Phước Kiến (chành lúa, người Phước Kiến), Hẹ (Ha-kas, ít người chuyên bán và làm thịt thú: dê, trừu, bò ), Tiều (Triều Châu, làm rẫy, làm mướn – coolie gánh lúa), và Quảng (Quảng Đông); buổi ấy người Tàu khác, như Bắc Kinh, Tô Châu chưa có, và mỗi năm rằm tháng giêng, rằm tháng 7, rằm tháng 8 và rằm tháng 10, những lễ Tàu ấy thường ở đường lớn (Quảng-tống-Cái, rue de Canton), (đường Thủy- binh, rue des marins), đều có làm lễ cúng tháng 7 cô hồn rất lớn (với bọng bằng tre bằng giấy hoa hòe xanh đỏ, gọi “Thổ lâu”), và mỗi khi như vậy thì ở Sốc Trăng người Tàu hưởng ứng theo và bang Triều Châu, còn gọi “bang Tư” (thứ 4), lúc ấy bang-trưởng là Lưu Liễu, (người Tiều mẹ Việt). Bang Tư nầy quen giao thiệp với mấy ông mấy thầy trong tòa bố tòa án, và quen tánh ăn to xài lớn, (sanh nghiệp là chứa bài, vì vậy sau khi bị hạ và bị đâm chết lối năm 1946), bang Tư nầy tổ chức cúng cô hồn tháng 7 rất trọng thể, nơi nghĩa địa (nhị tì) mướn đến hai gánh hát Tiều, một “thùng xanh hay thùng đỏ”, tiếng Tiều là ánh-láng, xe-láng, (láng là rương, áng là đỏ, xe là thanh, xanh); còn gánh khác nữa là gánh thùng sơn màu đen gọi “ô-láng” của bà bang Bủi Thiêm nhà ở châu thành, ngay khu chợ Sốc Trăng do hai người con trai là chủ gánh hát (tôi
- TẠP BÚT NĂM QUÍ DẬU 1993 - DI CẢO 189 quên tên) và em của chủ gánh hát là cũ Cụi, (cũ là Cựu, cậu, và Cụi là Quế), cũ Tư Cụi nầy là công tử nửa mùa, hai người con gái nay còn cô Hai (vợ Xã Liên) và cô Ba Ba, nay có chồng và ở đường Nguyễn Thông (Sài Gòn). Mỗi rằm tháng 7 ở Sốc Trăng ấy là một ngày lễ vui lớn, nay không còn gặp nữa, và ở nghĩa địa Tiều nơi đường đi Đại Ngãi nầy, vui và đông nghẹt khách dạo chơi, quán bán cháo Tiều, bán vịt luộc, hủ tíu cá, quán bán chả giò, nem bún, vân vân, đếm không xiết và vui không chỗ nói Ở Sài Gòn cũng như ở Sốc Trăng, nhạc tây chưa có, chỉ có kèn lính tập (clairon) còn nhạc Tàu thì tôi nhớ có: trống Bắc-cấu (trống Quảng Đông) và “Tùa-lầu-cấu” (Đại-lão-cổ) là trống nhạc Tiều, phèng la, chục chõa Quảng, và hát Tiều ở nghĩa địa Tiều ở Sốc Trăng. Tôi nhớ họ hát sáng đêm và vẫn hai rạp hát chọn một tuồng tích và hát thi đua với nhau, tiếng Tiều là hát “siêu-tạo”, cứ gánh thùng đen hát Tam Quốc thì gánh nọ cũng đổi lớp và hát Tam Quốc y theo, đôi bên bầy ra thí võ trên sân khấu rồi kình chống nhau, kéo nhau xuống sân cỏ rồi đánh vật với nhau đổ máu trầy da và đúng ngày rằm cúng ngọ xong thì bày ra thí giàn, quẳng thẻ gỗ từ trên giàn cho người đứng dưới tranh giành lấy thẻ ấy vào miễu cho ủy ban tổ chức coi theo số thẻ cây mà phát thưởng, và những vật thưởng ấy gồm cốm nếp, thịt heo tươi, lễ vật cúng kiếng cho hồn ma (bánh ếch, bánh tét, v.v ) và nhứt là rau muống kết làm giỏ tre gọi “đụng”, “đụng” đây là tiếng chuyên môn, theo chính tả Lê Ngọc Trụ diễn là vật góp mua từng con (heo), cắt xả, rã ra miếng lớn, chia nhau, nhưng đây là thịt chặt từng đùi, từng miếng lớn kết lại trong “đụng” ngoài che bằng rau muống, và như vậy đụng rau muống thí giàn ở Sốc Trăng những năm 1910-1911 đó vẫn bị dân giành giựt nhau dữ hơn đụng bánh trái khác. Và xin cho tôi nói tha cầu biệt dạng, vừa rồi tôi có xem
- TẠP BÚT NĂM QUÍ DẬU 1993 - DI CẢO 190 chớp diễn tivi tuồng Hồng Lâu Mộng của hãng Hồng-kông, tôi rất bất mãn và không tiếp xem đến mãn tuồng, tuy vậy tôi được phép cho ý kiến và tôi bất mãn vì hãng phí mấy trăm triệu đôla mà diễn lại vẫn không tuân theo niên kỷ đời Tào Tuyết Cần viết về đời Thanh Khương Hi, Kiền Long, vì Tương Hi Phụng, công tử Do Hồng (Bảo Ngọc) làm sao uống trà trong tách (tasse Hong-kong đời nay), và cách ăn mặc y phục bất tuân thời đại và Bảo Ngọc (19 tuổi đã có vợ, đi thi đỗ cao và bỏ nhà đi tu ) mà diễn viên trong phim theo tôi là kép trộng tuổi, đẹp trai xứng đáng thật nhưng niên kỷ chưa đúng, riêng các tiểu thơ, tỷ tấc, con đòi, Tạp Nhân, Bảo Thoa, v.v theo tôi là gái 16, 17 còn trong phim đều trộng tuổi hơn tuy rằng vẫn là người đẹp. Tôi nói dông dài và muốn chờ xem nếu có thể được là chờ xem phim sẽ quay lại và giữ đúng nề nếp tục lệ hơn. Theo tôi, đời nào vẫn nên giữ và diễn lại cho gần đúng vào đời ấy thì mới gọi là “làm văn hóa”. Hồng Lâu Mộng còn tin thần thánh ma quỉ, và năm 1910-1911, ở Sốc Trăng còn tin á-rặc, tin ông Tà, ngày nay người Miên dùng thuốc Tây và như vậy tôi cho là “đã lạc ông Bổn” và đã mất căn cội. Đã lỡ sa đà xin sa đà luôn và cho nói luôn, chuyện cũ nhớ lại, năm 1921, quan năm colonel Đỗ Hữu Chẩn đem xác em là quan ba Đỗ Hữu Vị về làm lễ an táng tại vườn Bà Lớn đường Nguyễn Trãi ngày nay, lúc đó đường nầy mang tên Frères Louis và còn tre mọc đầy hai bên lề đường và vẫn còn trải đá ong. Ngày đem xác từ tàu đậu nơi bến Nhà Rồng ( Messageries Maritimes ), trường Chaseloup có biệt phái một tốp học sanh và tôi được cử thay mặt 2 è année, theo các anh lớp 3 è và 4 è và lớp quartier européen , cả thảy độ bốn, năm chục đứa, có thầy gác
- TẠP BÚT NĂM QUÍ DẬU 1993 - DI CẢO 191 (surveillant) dẫn ra trường, đi bộ xuống bến tàu rồi theo xe chở quan tài, cuốc bộ dọc theo đường Catinat, tới Frères Louis rồi đến vườn (nghĩa trang họ Đỗ Hữu), nghe đọc diễn văn rồi cuốc bộ về trường; chung qui đi bộ trên mười cây số đường mà không thấy rằng dài, và nay nhớ lại, sao dời vật đổi, họ Đỗ Hữu đã lu mờ, chính bộ sắc-phục chức capitaine aviateur , nỉ đen nút xi vàng của Đỗ Hữu Vị, tôi vẫn thấy cất giữ chung với áo triều phục bông bạc màu xanh da trời của Nguyễn Thông, viện bảo tàng có còn giữ lại hay là đã dẹp đâu rồi? Nơi đường Nguyễn Trung Trực ngày nay, đời thuộc địa Tây gọi rue Filippini , ngày nay ban đêm đi còn rùng rợn, vì có bụi da xum xuê thật lớn, lá xào xạc như có ma theo chờ nhát kẻ gan thỏ; đọc sách cũ nhớ có kể lại Filippini nầy (1834-1887) vốn là quận trưởng (préfet) bên Pháp, qua đây bổ nhiệm làm thống đốc Nam kỳ, chẳng may qua đời ở Sài Gòn và làm đám ma thật lớn, định chở xác về xứ, và trối trăng làm linh-xa, bàn đưa thật cao và khi di táng, bắt mé nhánh cây để đừng vướng ngọn linh-xa và đã mé nhánh quá trớn và mé thế nào, khiến những người Pháp dọc theo đường dời linh-xa đều phàn nàn và cho rằng lễ tánh vượt bực, và về sau nhựt báo Tây kể lại đúng là một trò cười vì dường như xác đã dời về xứ âm thầm từ trước. Rõ lại Filippini đã làm rộn dân chúng lúc chết hơn là lúc sống. Ở đây đã sáng suốt giữ lại những con đường đầy ân tình cũ: Pasteur, Calmette, trường Marie Curie; tưởng cũng nên nhắc ơn Yersin đã cho ta nghỉ mát Đà Lạt và nhớ lại nhà trứ-danh thảo-mộc-học Pierre (1833- 1905) tôi đã từng thấy một bia đá xinh xinh nơi vườn bách-thảo, nay có còn hay chăng? Tội nghiệp cho ông, ông bỏ công sưu tầm, nghiên cứu Cam-bốt, Nam kỳ Thủy-chân-lạp, Xiêm-quốc Thái Lan, vùng Đông Mã-
- TẠP BÚT NĂM QUÍ DẬU 1993 - DI CẢO 192 lai-á, xong rồi về nước Pháp, trải nửa đời người, từ 1879 đến 1899, soạn được bộ Thảo-mộc-học danh vang hoàn cầu, ông được cấp mỗi năm 6.000 francs để ông tiếp tục soạn sách nghiên cứu, thế mà hội đồng quản hạt rị mọ viết thơ đòi ông phải nạp trong năm hoàn toàn bộ sách ấy bằng không sẽ bị truất chút bổng cấp ấy, ông thua buồn trả lời nước Anh vẫn cấp mỗi năm 60.000 francs để ông Hooker nghiên cứu cũng như ông nhưng về thảo mộc của Ấn Độ, thơ ông gởi năm 1903 cho hội-đồng quản-hạt mà không quản-lượng ấy, để qua năm 1905, ông từ trần, với mớ tuổi 72, và với câu đau đớn, tôi xin chép lại đây: “Me reposer? me reposer? je n’en ai pas le temps la vie est si courte!” và tôi dịch: “Đâu có thời giờ cho tôi nghỉ? Đời cụt ngẳn kia mà!” Làm tàng nói về đường lộ lên Tây, xin nói luôn: Đời thuộc địa Pháp, nới xóm Lò Heo cầu Ông Lãnh cũ, có một đường ngắn từ Douaumont qua Galliéni tên “Belland”. Nhớ lại, người Tiều làm nghề trồng rau, ta gọi “Chệt Rẫy”, nay lão Tây nầy phải gọi là gì? Lão có công năm 1897 mua hột giống từ Ceylan Sri Lanka (Si-ri-lan-ca ngày nay), mua 1.000 hột cao su về răm giống ở Suối Giao, chỉ mọc 37. Không ngả lòng, qua 1899, mua 1.000 nữa, nhưng phen nầy cho 600. Belland mừng quá, qua năm 1901 đặt mua 15.000 rồi 1902 cũng 15.000 nữa và được tuần tự 4.300 rồi 9.000 cây cao su con. Và từ 1904, liên tiếp đất nầy có vườn trồng hévéas cho mủ như bây giờ đã thấy. Nhớ thêm và tức cười, có một Tây chủ vườn cao su to lớn ở Biên hòa, Bà Rịa gì đó, một bữa nọ, lão ta đến khu có mấy chục gốc cổ thụ cao su, (chỗ trước kia là bộ Văn hóa của Ngô Trọng Hiếu đó mà), cây đã quá già, không ai lấy mủ, mủ ứ lại, gốc nổi u nổi nần như cổ nổi bướu của mấy bà già thầy lể thầy giác Có người tọc mạch hỏi “Cây nầy là gì?”. Lão lắc đầu trả lời: “Không biết!”. Mà trời đất ôi, ông cha ông lấy nước chúng tôi, hút máu rúc rỉa
- TẠP BÚT NĂM QUÍ DẬU 1993 - DI CẢO 193 tận cốt tủy chúng tôi, suốt tám chín chục năm, ông được sai qua đây làm chủ vườn mà không nhìn ra cây nầy, hèn chi ông Giáp cho các ông một bài học ở Điện Biên Phủ, cũng vừa! * * * Trên đây tôi nhắc ông Piere, chủ đầu tiên của vườn Bách thảo. Bia đá ghi công ông nơi vườn, không biết còn mất thể nào, còn con đường ở Đa-kao, mang tên của ông, sau đổi tên là đường Phạm Đăng Hưng, rồi nay là đường Mai Thị Lựu. Mỗi lần tôi đi trên đường nầy, để đến nhà bạn Vĩnh Bảo nghe tranh nghe kìm, tôi nhớ và ngậm ngùi cho ngôi chùa nay gọi “Phước Hải Tự” mà cơ khổ, đó đâu phải là chùa thờ Phật mà đó là “Ngọc Hoàng điện” kia mà. Tôi chưa từng vào trong và không biết thay đổi thế nào? Duy theo tôi, đổi mà làm chi, giữ lại như cũ có lẽ thâm thúy và cao kiến hơn. Tôi còn giữ của nơi nầy một viên gạch do một sư già cho năm trước, gạch màu trắng y như màu sành sứ Giang Tây, vuông vứt do đúng 20 phân bề dài, 10 phân bề ngang, và 5 phân ½ bề gáy, viên nào y như viên nấy, tôi tâng tiu dùng làm gối nằm để xứng với sập «”uí phi sàng” nơi nhà, mỗi khi đi mây về gió, thì gợi lại cảnh một khu u tịch của cái chùa mà vẫn là điện Ngọc Hoàng nầy. Tôi quên nói cho rõ hơn: viên gạch có một cạnh phủ lớp men xanh thật dày, và lớp men xanh ấy, là viền xanh bắt chỉ của khu u tịch nầy. Một bữa, trời chạng vạng nhá nhem, cũng không hiểu vì duyên cớ gì tôi lọt vào chốn nầy, tôi đang ngắm nghía lằn hồi-văn thật xanh thật khéo trên vách tường đã rêu phong nọ, dưới chơn vách là một bụi tre ngà lốm đốm màu vảy đồi mồi, lá múa lơ thơ, đong đưa hai cây quạt lá cũ treo nhún-nhắn bên cạnh mấy chùm tóc rối phất phơ theo chiều gió, một mụ Bắc sồn sồn lom khom
- TẠP BÚT NĂM QUÍ DẬU 1993 - DI CẢO 194 đang lăm lăm vái van khấn nguyện gì đó, à phải rồi, chỉ còn một hôm nầy nữa, ngày mai nầy là sang Tết năm mới, quạt kia, mớ tóc kia quạt để cho mát, tóc rối gỡ ra treo đây cầu mong hết rôi rắm vào đầu xuân nhựt, mụ đang trút cỗi mớ sầu tư, tôi lật đật và khép nép tránh chỗ cho lời khấn của mụ được như nguyện, trong chùa hay điện, nghe dội ra ba tiếng chuông và trống buổi kinh chiều. Mụ ôi, than thở mà chi, đời vẫn là đời, và đời nầy ai lại khỏi mang mển chút ưu tư riêng, tôi mảng nghĩ xa gần, thoạt nhìn lại sau lưng, mụ sồn sồn không thấy nữa, chỉ thấy ba đóm nhang nhá nhem, một luồn hương nhẹ thoảng; phải chăng ba hồi chiêu mộ, một vũng tang thương, sẽ gội sạch trong buổi năm tàn tháng hết nầy. (viết xong 1-10-1993)
- TẠP BÚT NĂM QUÍ DẬU 1993 - DI CẢO 195 (viết ngày 15-8-1993) SUY NGHĨ LUNG TUNG VỀ NHÀ YÊU NƯỚC NGUYỄN AN NINH Năm nay 1993, Nhà nước làm lễ kỷ niệm 50 năm ngày mất của Nguyễn An Ninh, tâng lên hàng Nhà Yêu Nước. S.G.G.P. ra hai tờ báo, sáng nầy 15-8, tôi sai trẻ đi mua, hỏi hai quán gần nhà, đều bán sạch, đắt quá. Hình N.A.N. trên số báo 5781 thì trẻ trai đẹp quá, tôi nhìn không ra, hai người viết ký tên Nguyễn Văn Linh và Phạm Văn Đồng, đều từng nếm một thứ cơm tù, ngủ một thứ chỗ nằm trong ngục mắc mớ gì tôi mà tôi viết bài nầy? Tuổi đã 92, chờ ngày ra mắt Diêm vương, còn tranh danh đoạt lợi gì mà viết? N.A.N. đã được đề cao, nhưng vừa rồi có người con của ông, đến nhà lần thứ hai, xin tôi cho chụp ảnh cái nhà tôi đang ở, tôi từ chối, rằng tôi đang lâm vào cảnh ngặt nghèo và chờ ngày hầu tòa án. Nhơn dân của phường, về tội trót làm bạn với bà Năm Sa Đéc, hai tôi có đứa con chung tên là Bảo, và Bảo làm nghề phá sơn lâm, làm ăn thất bại, nợ nần số mấy chục ngót trăm triệu, tôi không đành bán bớt đồ cổ ngoạn và ưng cho Bảo bán bớt một căn phố trong bốn căn xây trên đất tôi làm chủ, nghiệt nỗi, tôi để bà Năm Sa Đéc đứng tên và khi Bảo làm thủ tục bán bớt một căn lấy tiền trả nợ, thì bỗng người con riêng của Năm Sa Đéc đứng đơn ngăn cản sự bán, rằng bốn căn đó y có quyền thừa hưởng, nhưng tôi đã cắt nghĩa với con của N.A.N. (tôi quên hỏi tên gì) rằng
- TẠP BÚT NĂM QUÍ DẬU 1993 - DI CẢO 196 người thưa kiện tôi vốn là con không khai sanh của Đốc phủ Đặng Ngọc Chấn, Chấn là chủ quận trong Chợ Lớn, Chấn từng bắt N.A.N. và Phan Văn Hùm, theo tôi, Chấn là nghịch thủ của Đảng, như vậy U.B.N.D. Bình Thạnh sẽ xử cho con (lấy họ cha làm tên), y tên Nguyễn Ngọc Đặng, (ăn theo họ mẹ), như vậy Đảng sẽ binh vực y mà cho chia gia tài của tôi làm ra hay sao, v.v và vì lẽ ấy mà tôi đã từ chối xin miễn viết về N.A.N. Trái lại, hôm nay, khi đọc hai từ S.G.G.P., tôi bỗng bắt ngứa nghề, nay viết bài nầy đề nói lại những gì tôi biết rõ về N.A.N. và xin cáo lỗi với người con của N.A.N. vậy. Tôi không viết dài, chỉ tự trách sao không chết phứt trước Năm Sa Đéc, để khỏi hầu tòa U.B.N.D. Bình Thạnh, và viết đến đây, nhớ lại nghĩ tội cho ông nọ thân làm lớn ở sân bay T.S.N, tại sao không an phận chờ về hưu hủ hỉ với vợ, để nay bị án chung thân, và riêng tôi sống để coi đời như vầy cũng nên sống. Còn như N.A.N., có bằng cấp luật sao không xét xa, cứ ở Paris chống chánh phủ đô hộ bên ni, lại về đây chịu dưới quyền của thống đốc Cognac lãnh chúa, để thân bị tù rồi chết, chớ tôi từng biết thì Ninh cũng như mọi người, (trước có người vợ đầu tiên rất giàu, là người cùng quê tỉnh nhỏ Sốc Trăng như tôi, người nầy từng lên Sài Gòn với mẹ, từng ở nhà ngủ Chiêu Nam Lầu, ở đường Charner cũ, nay tại sao người con của Ninh không nhớ mà xin đặt một tấm lắc (plaque) ghi dấu Chiêu Nam Lầu nầy? Ninh cưới người ấy rồi cùng người ấy thôi nhau xin tòa cho xé hôn thú để khỏi liên lụy Ninh quen với tôi nhiều lần, sở dĩ tôi làm thân với Ninh là tôi cố ý mượn cớ ấy để được đổi đi Lục tỉnh chớ làm ở trường Máy (nay là trường Trung học cơ khí Huỳnh Thúc Kháng), ngày
- TẠP BÚT NĂM QUÍ DẬU 1993 - DI CẢO 197 ngày quen với bù-lon, long-đền (boulon, rondelle) thì quên tiếng Tây hết đi, nhưng tại sao tôi là bạn đồng song với Hồ Văn Ngà, với Trần Văn Thạch, tôi dự đám tang Phan Châu Trinh, tôi từng mua La Cloche Fêlée, từng phát tờ báo ấy cho các bạn đồng liêu thì họ sợ như mắc dịch, còn tôi trơ trơ không bị đổi vì ông Rosel chủ trường Máy có cảm tình nhắm mắt để tôi tự tung tự tác vì ông biết tôi có tánh ngay thẳng, phen tôi mời Ninh vào nhà bán cơm Tây cùng tôi dùng bữa, Ninh từ chối và Ninh đãi tôi mấy lần ăn chung hột vịt lộn để uống la-ve, lúc đó gọi là uống “bốc” (bock). Tôi nhớ lại Ninh hình thù vạm vỡ, gan lỳ bặm trợn hơn ảnh đăng trên báo, Ninh vào tù, bị nhốt khám chung chạ với thường phạm (droit commun) chớ không được đãi hàng tù chánh trị (được ở phòng có vệ sinh hơn) và khi thời Đốc phủ Tâm là Thủ tướng tôi có xin đừng phá cái hồ nước trong Khám Lớn vì không ở trong phạm vi trường Đại học Văn khoa thời đó (nay là thơ-viện gì đó) và tôi rất tiếc để cho Khám I.ớn Sài Gòn bị phá bình địa uổng quá, lúc đó tôi có đề nghị lên Viện khảo cổ thời Trương Bửu Lâm xin chỉ phá chung quanh ba mặt Khám Lớn, đủ xây căn phố hoặc buôn bán cho cán bộ hữu công, dọn Khám làm văn- khố (archive) hoặc làm thơ viện thì ít tốn lại được giữ lại một di tích đô hộ Tây, một lần nữa, dưới mắt tôi, trước khi vào Khám trở nên như ngày nay là Nhà Yêu Nước mà xác khô còn nằm lạnh ngoài Côn Đảo, chớ Ninh vẫn đầu đen máu đỏ, như mình. Giấy còn tôi xin nhắc tiếc bảy hay tám số báo Việt Nam hồn của tôi sắm được nhưng về sau, đã bị mục nát vì tôi dại dột chôn dưới đất thấm nước hư đi.
- TẠP BÚT NĂM QUÍ DẬU 1993 - DI CẢO 198 Chị Emilie Penne, vợ đầu tiên của Ninh, mất lối 1990 ở Pháp, từng nuôi tôi nơi phố lầu số 34 đường Bonard cũ, trước khi tôi theo Năm Sa Đéc lên Phú Nhuận.
- TẠP BÚT NĂM QUÍ DẬU 1993 - DI CẢO 199 (viết ngày 5-XI-1993) CẢM TƯỞNG HOANG MANG KHI ĐƯỢC TIN CHÂU HẢI KỲ VẮN SỐ Tôi chưa quen, chưa biết mặt lần nào, chỉ thỉnh thoảng đọc trong sách của Lộc Đình-Nguyễn Hiến Lê thì biết Châu Hải Kỳ viết văn gãy gọn và đúng đắn. Vừa rồi tôi lại được anh Lê Ngộ Châu gởi biếu một cuốn dày 176 trang rộng khổ 12 x 19 nhan là Nguiễn Ngu Í, cuộc đời và văn nghiệp do Châu Hải Kỳ soạn, sách nầy tôi đang đọc chưa xong, đọc đến trang 172 thì hay tin dữ dội Hải Kỳ đã mất ngày 18-7-1993 và khi đọc trở lại nơi trang 2, bìa tập sách, mới rõ tên thật của Hải Kỳ là Võ Văn Côn, quê Quảng Nam nhưng sanh tại Quảng Ngãi, sau năm 1945, đã đậu bằng tú tài Pháp Việt, than ôi, Hải Kỳ còn toan viết, và mình còn trúng mong đọc tiếp những gì anh nầy viết về các nhà văn mình từng quen đọc, thì bỗng bút rơi người mất, khiến khôn xiết xúc động và nhớ lại hai câu tự nhiên khóc bạn của kép Tư Chơi khóc kép Tư út: “Những thằng đáng chết sao không chết, lại chết chi thằng đáng sống lâu?”, và tuổi già sắp tới ngày khao đãi tuổi 93, và cũng chẳng cần muốn ăn khao làm gì, và đang hoang mang với tin dữ thì nhớ lại quyển sách nhỏ đang đọc là nhắc lại cuộc đòi của một nhà văn mình đã từng tiếp xúc và lắm phen bực trí vì anh Hữu Ngư, cũng là Ngu Í nầy, thường ba hoa nói liền miệng, và nay Ngư (Cá) hay Í (í ngu) nầy nào có khác chi mình, cũng thì chích
- TẠP BÚT NĂM QUÍ DẬU 1993 - DI CẢO 200 chòe bá láp liền xì, duy chưa biết có ai đã trách mình vẫn cũng có tánh ăn ngay nói thẳng và nói hết không chừa? Nhớ lại câu nho học lóm “Nhơn sanh vô bá tuế, Uổng tác thiên niên kế”, anh bạn Hải Kỳ có lòng muốn soạn lại một cách đúng đắn để truyền lại cho học trò theo học lớp của anh nơi trường ở Nha Trang thì trời đành dứt số. Lại nhớ hai câu trong cặp liễn tre treo nơi vách thơ phòng: “Tối dị hành kim nhựt sự”, “Đắc nhàn độc cổ nhân thư” (khó nhứt việc thường ngày nay, muốn nhàn hãy đọc thơ cổ nhân để lại), lại vẫn làm tàng khách sáo, Sển nầy nay khóc hai hồn chết chưa đáng chết. Huy lụy. Lời nói thêm ngày 19-XI-1993: Trên đây tôi viết lỡ Hải Kỳ sanh 1945, thọ 48 tuổi, nay rõ lại Hải Kỳ có lẽ sanh 1925 và như vậy thọ 68, là tuổi “cổ lai”, tôi đã sớn sác và xin nhắn độc giả xem mấy lời cải chánh nơi trang nầy. Còn một trang nầy nữa, viết để vá vào trang thiếu, lại nhớ nghề vá víu của ngày nay là nghề của kỹ sư hay cán bộ cao cấp gọi “cán sự chuyên môn” (agent technique) của sở công chánh, tức một nghề minh minh chánh chánh phải có thực tài mới làm nổi, thế mà ngày xưa nghề nầy đủ bị chê là nghề hạ tiện, năm thật xưa lối 1900, đã có một chức tri huyện làm ở tòa bố tỉnh Sốc Trăng, chức huyện, làm việc nơi văn phòng thế mà vì quan chủ tỉnh cắt sai quan huyện ra trông coi trồng cây bọc theo đường lộ của châu thành, rồi quan huyện nầy tức giận bèn xin về hưu, mà đã quên rằng thà làm ông đốc công coi trồng cây che mát lộ mà vẫn có ích cho xã hội hơn làm huyện làm phủ mà chỉ biết vinh thân ích
- TẠP BÚT NĂM QUÍ DẬU 1993 - DI CẢO 201 gì? Than ôi, cũng vì nạn người mình quá ham làm quan, chỉ trông mong thi đậu làm quan để bóc lột, và chừng sáng mắt biết tỉnh ngộ, biết không làm quan và biết tranh đấu chen vào thương trường mua bán với khách Tàu khách Chà thì cũng đã trễ Và việc đời nghĩ chẳng hay cùng, xin cho tôi lẻo mép, nói lạc đề: chuyện xưa tích cũ, thánh Gandhi, linh hồn của thuyết “bất chống” đã hy sinh binh vực sự sống còn của nước Ấn, nhưng cũng có đứa thất phu giết Châu Ân Lai, nhà chánh trị một mực thẳng thán làm cho Trung quốc trở nên hùng mạnh, nhưng khi biết mình không sống mãi thì đã dặn hỏa táng hơn là xây mộ kềnh càng, còn trêu đời nầy ngày nay thiếu chi người, sanh tiền chỉ đục khoét ăn xới, nhưng lại muốn có sinh phần hay phần mộ bê-tông cốt sắt để đời. Giết một mạng bị đưa ra tòa xử về tội sát nhơn, giết cả muôn thiên lại được tiếng Anh hùng. Mấy chữ “sanh vi tướng, tử vi thần” đã làm cho bao nhiêu từ mạng, và đọc sách cũ, tại sao bên Tây, vua không đáng ra vua nhưng nhờ phe võ mạnh mà đi chiếm thuộc địa, chứ phe văn cũng tèm nhèm dơ bẩn nhưng vì viết văn hay nên khi chết được an xác trong diện Panthéon, còn bên nước Việt ta, vua giỏi nhưng quan võ đánh giặc bằng dao mác làm sao cự nổi với súng bắn xa, mousqueton, canon bùm bùm và quan văn ở theo sách biết giữ tiết, không bao giờ sợ chết. Báo chí ngày nay nhiều như nấm mối gặp mưa rào, tiền đâu đủ mua, mỗi trang mỗi ngày toàn chém giết, chết chóc, nghe mãi về chiến tranh chỗ nầy chỗ kia, đạo nầy đạo nọ, chừng nào mới thấy hòa bình để hưởng những chuỗi ngày nhàn nhã, khoai ngọt cơm tươi, vẫn giết cá ở biển bằng thuốc súng, và dùng súng mạnh tàn sát voi trong rừng để lấy ngà, săn thú bán thịt, ô hô “chữ nhàn bán rẻ thứ ai ưa?”.
- TẠP BÚT NĂM QUÍ DẬU 1993 - DI CẢO 202 (viết ngày 15-XI-1993) SUY CỔ NGHIỆM KIM Ở đời, không có chi là tồn tại, rốt rồi ai ai cũng chết. Duy lúc sống, biết cư xử thì tiếng thơm còn lại, bằng như tung hoành làm cho đã nư, sau rốt vẫn phải trả và còn lại tiếng xấu là khác. • Hạng Võ, dùng sức mạnh, Hàn Tín, dùng trí, đều chết với số tuổi hơn 30 chưa tới bốn chục. • Lấy việc gần đây mà xét, Trần Bá Lộc, chém và giết đồng bào và tàn sát dân trong Nam, để dâng sáu tỉnh Nam kỳ cho Tây làm chủ, được thưởng mề-đay của Tây và nay chỉ còn tiếng “phản quốc, làm mọi cho Tây”, ích gì? Con cháu ngày nay, không nghe ai nói, hoặc đã đổi danh diệt tánh từ lâu rồi. • Trong Nam nầy, ngày xưa có ai giàu hơn hội đồng Trạch ở tỉnh Bạc Liêu? À há! Nay xét lại mới biết, Trạch sanh con đặt tên “cậu Hai Đinh” (con cua đinh), “cậu Ba Huy” (không phải Huy là sáng, là huy- hoàng đâu, mà đích thị là Qui (con rùa), và con trai nhỏ út xưng “cậu Tám Bò”, không cần tìm hiểu. Nhưng gẫm lại hội đồng Trần Trinh Trạch trong Nam, làm sao giàu và bì kịp nhà giàu đất Bắc, Bạch Thái Bưởi, chẳng là có tàu đi biển và có nhà in đồ sộ.