Giáo trình Phương pháp phát triển ngôn ngữ cho trẻ (Phần 1)

pdf 53 trang ngocly 2570
Bạn đang xem 20 trang mẫu của tài liệu "Giáo trình Phương pháp phát triển ngôn ngữ cho trẻ (Phần 1)", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfgiao_trinh_phuong_phap_phat_trien_ngon_ngu_cho_tre_phan_1.pdf

Nội dung text: Giáo trình Phương pháp phát triển ngôn ngữ cho trẻ (Phần 1)

  1. TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINH 0 O 0 Trần Thị Hoàng Yến PHƯƠNG PHÁP PHÁT TRIỂN NGÔN NGỮ CHO TRẺ (Dùng cho hệ đào tạo từ xa - ngành Giáo dục mầm non) Vinh - 2011 1
  2. LỜI NÓI ĐẦU Phương pháp phát triển ngôn ngữ cho trẻ là một bộ phận của giáo dục học Mầm non. Đây là một môn học bắt buộc trong chương trình đào tạo Giáo viên mầm non ở các hệ đào tạo. Vì vậy để đáp ứng nhu cầu dạy - học và thực hành cho thầy, trò ngành giáo dục Mầm non, chúng tôi biên soạn cuốn giáo trình Phương pháp phát triển ngôn ngữ cho trẻ. Cuốn giáo trình được chúng tôi biên soạn dựa trên những thành tựu nghiên cứu của các nhà sư phạm, các nhà nghiên cứu Nga và Việt Nam với mục đích cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản, khoa học, hiện đại về phương pháp dạy nói cho trẻ từ 0 – 6 tuổi. Cuốn sách gồm 5 chương: Chương I: Những vấn đề chung về bộ môn Phương pháp phát triển ngôn ngữ cho trẻ. Chương II: Nhiệm vụ, phương pháp và các hình thức phát triển ngôn ngữ cho trẻ. Chương III: Phương pháp luyện phát âm cho trẻ Chương IV: Phương pháp phát triển vốn từ cho trẻ Chương V: Phương pháp dạy trẻ nói đúng ngữ pháp Chương VI: Phương pháp phát triển ngôn ngữ mạch lạc Chương VII: Phương pháp dạy trẻ làm quen chữ cái Để cuốn sách tiếp tục hoàn thiện, chúng tôi rất mong được ý kiến đóng góp của các bạn đồng nghiệp và anh chị em sinh viên trong quá trình sử dụng. Tác giả 2
  3. CHƯƠNG I NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ BỘ MÔN PHƯƠNG PHÁP PHÁT TRIỂN NGÔN NGỮ CHO TRẺ I. ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU CỦA BỘ MÔN 1. Đối tượng nghiên cứu Môn phương pháp phát triển ngôn ngữ cho trẻ là một khoa học thực hành. Nó dựa trên đặc điểm ngôn ngữ nói chung, đặc điểm tiếng mẹ đẻ nói riêng, dựa vào quy luật tâm lý của quá trình tiếp thu tiếng mẹ đẻ ở từng lứa tuổi, dựa vào nguyên lý giáo dục để xác định một cách khoa học: mục đích, nhiệm vụ, nội dung, phương pháp, biện pháp, các hình thức và phương tiện phát triển ngôn ngữ cho trẻ từ 0- 6 tuổi. Phương pháp phát triển ngôn ngữ cho trẻ có thể xem là một môn khoa học thuộc lĩnh vực ngôn ngữ học ứng dụng. Dựa trên cơ sở của ngôn ngữ học và một số ngành khoa học cơ bản khác, phương pháp phát triển ngôn ngữ cho trẻ cố gắng xác định phương hướng, nội dung, phương pháp trong việc làm cụ thể là dạy nói cho trẻ. Vậy đối tượng nghiên cứu của môn học là các quy luật hoạt động sư phạm nhằm hình thành và phát triển ngôn ngữ cho trẻ. Nói cách khác: đó là những đặc điểm của quá trình giáo dục và dạy học trong lĩnh vực ngôn ngữ nhằm phát triển ngôn ngữ cho trẻ. 2. Sơ lược về quá trình hình thành, xây dựng bộ môn phương pháp phát triển ngôn ngữ. Từ sau Cách mạng tháng 8, tiếng Việt đã được dùng để giảng dạy trong tất cả các môn học ở nhà trường phổ thông cũng như trường đại học. Môn tiếng Việt dần dần được hình thành ở các cấp học và ngày càng được cải tiến. Đảng, nhà nước và ngành giáo dục đã có ý thức đầy đủ, sâu sắc về vai trò của tiếng Việt trong cách mạng văn hoá tư tưởng, cách mạng khoa học - kỹ thuật và đặc biệt trong sự nghiệp giáo dục thế hệ thanh niên. Việc giảng dạy môn tiếng Việt ở nước ta từ sau cách mạng tháng 8 đến nay có thể phân ra thành 3 thời kỳ: Thời kỳ 1: Thời kỳ nghiên cứu về tiếng Việt chưa có là bao, việc giảng dạy tiếng Việt được tiến hành chủ yếu thông qua môn văn học. Cách dạy này không cung cấp cho học sinh những hiểu biết có cơ sở khoa học về hệ thống tiếng Việt. Thời kỳ 2: Khoảng từ năm 1960 trở đi là thời kỳ mà các thành tựu nghiên cứu về tiếng Việt đã khá phong phú. ở các trường đại học và cao đẳng, việc giảng dạy ngôn ngữ học ở các khoa ngữ văn đã có hệ thống và ngày càng chất lượng được nâng cao. Nhiệm vụ của môn tiếng Việt ở trường phổ thông được quan 3
  4. niệm là cung cấp cho học sinh các tri thức về tiếng Việt và thực hành các tri thức này nhằm sử dụng tốt tiếng Việt. Tuy nhiên tình hình nói, viết tiếng mẹ đẻ của người học chưa tốt. Thời kỳ 3: Thời kỳ ý thức được sự cần thiết phải xây dựng ở Việt Nam một ngành khoa học nghiên cứu về việc dạy và học phải đưa vào chương trình giảng dạy các trường sư phạm môn phương pháp dạy tiếng Việt. Một số hội nghị khoa học ở T.W cũng như địa phương đã hướng nội dung vào việc thảo luận nâng cao chất lượng giảng dạy môn tiếng Việt ở nhà trường. Trên một số tạp chí đã xuất hiện rải rác một số bài nghiên cứu về nội dung, phương pháp dạy tiếng ở nhà trường. Đặc biệt có cuốn "Dạy nói cho trẻ trước tuổi cấp 1" của Phan Thiều (1979) và cuốn " Dạy trẻ phát âm đúng và làm giàu vốn từ cho trẻ" của Tạ Thị Ngọc Thanh (1980). Tuy nhiên, nhìn chung nội dung các báo cáo khoa học, các bài nghiên cứu mới chỉ dừng lại ở mức độ giải thích, vận dụng các tri thức ngôn ngữ học, các thành tựu nghiên cứu về tiếng Việt vào nhà trường. Phải đến hội nghị khoa học về dạy tiếng Việt trong nhà trường tổ chức năm1982 tại trường ĐHSP Hà Nội, chuyên ngành phương pháp dạy tiếng mới được đạt ra với tư cách là một khoa học độc lập trong mối liên hệ chặt chẽ với các ngành khoa học khác như giáo dục học, tâm lý học, ngôn ngữ học Năm 1983, Bộ giáo dục quyết định đưa vào chương trình cải cách khoa Ngữ văn các trường ĐHSP môn Phương pháp dạy học tiếng Việt. Tiếp theo đó là khoa Tiểu học, khoa Mầm non của trường đại học sư phạm Hà Nội I được thành lập và môn phương pháp dạy tiếng cũng được giảng dạy, nghiên cứu. 3. Mối liên hệ giữa môn phương pháp phát triển ngôn ngữ cho trẻ với các ngành khoa học khác a. Mối liên hệ với học thuyết Mác - Lênin về tiếng nói. Học thuyết Mác- Lênin đã chỉ ra rằng: Ngôn ngữ bắt đầu từ lao động, bắt nguồn từ nhu cầu giao tiếp giữa con người với con người trong lao động và trong cuộc sống. Ở trẻ em, ngôn ngữ phát triển trong nhu cầu giao tiếp giữa trẻ với môi trường xung quanh. Trẻ bắt chước mọi người nói và được mọi người dạy nói. Từ đó, chúng ta có thể khẳng định rằng: chỉ có dựa trên học thuyết Mác- Lênin về nguồn gốc của ngôn ngữ, khi đó các nhà giáo dục mới có phương pháp đúng đắn nhất để hình thành và phát triển ngôn ngữ cho trẻ. Bộ môn Phương pháp phát triển ngôn ngữ cho trẻ dựa trên quy luật biện chứng, nhìn nhận sự phát triển ngôn ngữ của trẻ như sự chuyển đổi từ lượng thành chất. Lúc đầu ngôn ngữ của trẻ chỉ là những từ riêng lẻ xuất phát từ sự nhận thức thế giới xung quanh. Trẻ chưa thể nói thành câu hoàn chỉnh. Qua quá trình tiếp xúc với mọi người, vốn ngôn ngữ của trẻ tăng lên, trẻ học được cách nói của người lớn, lúc đó trẻ mới nói được thành câu hoàn chỉnh. Rõ ràng: Triết học Mác- Lênin là cơ sở phương pháp luận của bộ môn Phương pháp phát triển ngôn ngữ cho trẻ mới có thể giải quyết được vấn đề cốt 4
  5. lõi, đó là: hiểu về sự phát triển ngôn ngữ và xây dựng phương pháp phù hợp với quy luật phát triển ngôn ngữ. b. Mối quan hệ với ngôn ngữ học - Hai khái niệm ngôn ngữ và ngữ ngôn: Ngôn ngữ được dùng để chỉ một hệ thống các ký hiệu ngữ âm có ý nghĩa chung đối với một tập hợp người và có những quy tắc phát âm, ngữ nghĩa và ngữ pháp thống nhất trong trong toàn bộ tập hợp người sử dụng ngôn ngữ ấy. Hoạt động ngôn ngữ là quá trình sử dụng một ngôn ngữ nào đó để giao tiếp. Hoạt động ngôn ngữ là một dạng hoạt động tâm lý, là hiện tượng có tính chủ quan. Hoạt động ngôn ngữ của một chủ thể nói năng nào đó phản ánh đặc điểm tâm lý về tính cách, sở thích về tình cảm, nói năng. Vì thế qua hoạt động ngôn ngữ các nhà khoa học nghiên cứu đặc điểm tâm lý: tư duy, tưởng tượng, chú ý, ghi nhớ của các chủ thể hoạt động. Phát triển ngôn ngữ cho trẻ là dạy trẻ sử dụng ngôn ngữ để giao tiếp, tư duy. - Mô hình cấu trúc ngôn ngữ: Khi trẻ em học ngôn ngữ thì học cụ thể những gì? Ngôn ngữ cấu tạo từ tiểu hệ thống, bao gồm: âm thanh ngôn ngữ, ngữ nghĩa, cấu trúc ngữ pháp chung và cách thức sử dụng ngôn ngữ hàng ngày. Biết một ngôn ngữ là phải nắm vững các lĩnh vực trên và tổng hợp chúng vào hệ thống giao tiếp linh hoạt, hiệu quả. Thành tố đầu tiên là ngữ âm: đây là thành tố đầu tiên khi học một ngôn ngữ. Lĩnh hội năng lực này như thế nào là khoa học về sự phát triển ngữ âm. Mỗi ngôn ngữ có một cách thức phát âm riêng, học một ngôn ngữ là học cách thức phát âm ngôn ngữ, là học nghe âm thanh ngôn ngữ, là để hiểu ngôn ngữ. Thành tố thứ hai là ngữ nghĩa: Ở đây yêu cầu cần làm giàu vốn từ và cách thức nắm một khái niệm nào đó được diễn đạt trong một từ hay một tập hợp từ. Khi trẻ mới sử dụng từ, từ đó không có ý nghiã như giống từ như ở người lớn. Để xây dựng vốn từ đa năng, trẻ phải thấu hiểu nghĩa của hàng ngàn từ và liên kết chúng lại vào mạng lưới khái niệm có liên quan đến nhau. Lớn dần trẻ trẻ chỉ không chỉ sử dụng từ chính xác mà còn luôn có ý thức về ngữ nghĩa của các từ. Như thế trẻ luôn làm rõ nghĩa của từ và thực hiện chúng theo cách thức sáng tạo. Thành tố thứ ba là kiến thức về ngữ pháp: Khi trẻ lĩnh hội được vốn từ, trẻ bắt đầu biết liên kết các từ và biến đổi chúng theo một ý nghĩa nào đó. Kiến thức ngữ pháp bao gồm hai thanh phần: - cú pháp (những quy luật là từ được liên kết trong câu); - hình thái học (cách thức sử dụng các quy luật ngữ pháp về thời, giống, số, thể chủ động, thể bị động). 5
  6. Thành tố cuối cùng là tính thực tiễn, tức là vấn đề giao tiếp ngôn ngữ của chủ thể sử dụng. Để giao tiếp có hiệu quả, trẻ phải học cách thức tham gia vào hoạt động giao tiếp, tiếp tục và phát triển chủ đề giao tiếp, thể hiện ý nghĩ của mình một cách rõ ràng. Thêm vào đó trẻ phải biết diễn đạt bằng cử chỉ, điệu bộ, giọng nói và vận dụng ngữ cảnh để giao tiếp. Tính thực tiễn bao gồm cả kiến thức về xã hội, vì xã hội luôn quy định cách thức sử dụng ngôn ngữ. Để giao tiếp thành thạo, trẻ phải học các nghi lễ giao tiếp trong một xã hội nhất định. Bốn thành tố trên phụ thuộc chặt chẽ vào nhau, nắm vững mặt này của ngôn ngữ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc lĩnh hội các mặt khác. Học ngôn ngữ là học tất cả các thành phần ngôn ngữ một cách thống nhất với nhau trong một mô hình giao tiếp linh hoạt. - Mối quan hệ của phương pháp phát triển ngôn ngữ với ngôn ngữ học: Như trên đã nói, ngôn ngữ là công cụ để biểu hiện, để tích luỹ và mở rộng các khái niệm của tư duy, nhận thức và là phương tiện để hình thành ý thức của con người. Cho nên ngôn ngữ phục vụ cho những mục đích bình thường hàng ngày và cả những mục đích cao cả nhất trong cuộc sống. Bộ môn Phương pháp phát triển ngôn ngữ cho trẻ phải biết và nắm vững những thành tựu khoa học trong lĩnh vực ngôn ngữ học để không ngừng cải tiến nội dung và phương pháp dạy nói cho trẻ. Rõ ràng bộ môn này có mối quan hệ khăng khít với ngôn ngữ học. Bởi vì những người làm công tác phát triển ngôn ngữ chỉ có một mục đích duy nhất, đó là giúp trẻ nắm vững ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ. c. Mối quan hệ với tâm lý học - Ngôn ngữ là một dạng hoạt động tâm lý Trong tâm lý học, ngôn ngữ được coi là một dạng hoạt động tâm lý đặc biệt. Nó có những chức năng sau: Ngôn ngữ là một phương tiện giao tiếp quan trọng nhất của con người. Ngôn ngữ là phương tiện bảo tồn giữ gìn và truyền đạt kinh nghiệm lịch sử của xã hội loài người. Ngôn ngữ còn là phương tiện để tư duy, hoạt động trí tuệ. - Lý thuyết Tâm lý học Mác-xit về sự phát triển ngôn ngữ Theo lý thuyết Tâm lý học Mac-xít, yếu tố sinh lý là yếu tố tiền đề quan trọng, là yếu tố tiên quyết đóng vai trò cho sự phát triển ngôn ngữ trẻ em (não, bộ máy phát âm, tai nghe). Yếu tố giáo dục và dạy học trong lĩnh vực phát triển ngôn ngữ cho trẻ em là yếu tố quan trọng nhất, quyết định và có động lực thúc đẩy cho sự phát triển ngôn ngữ của trẻ em. Môi trường giáo dục của gia đình tác động đầu tiên vào đối với sự phát triển ngôn ngữ của trẻ. Dạy ngôn ngữ cho trẻ trong trường mầm non là quan trọng nhất đối với trẻ. Chương trình phát triển ngôn ngữ cho trẻ ở trường mầm non được xây dựng có mục đích, có hệ thống, đảm bảo tính khoa học. 6
  7. Trường mầm non là nơi có phương tiện và điều kiện phát triển ngôn ngữ tốt nhất. Chương trình phát triển ngôn ngữ cho trẻ nhằm mục đích phát triển những kỹ năng ngôn ngữ một cách toàn diện, giúp cho trẻ nói thành thạo trước khi đến trường phổ thông. Chương trình còn nhằm khắc phục những khuyết tật của trẻ em về mặt ngôn ngữ. Môi trường xã hội là điều kiện để phát triển ngôn ngữ cho trẻ. Trẻ em muốn học nói bình thường thì phải được giao tiếp trong môi trường ngôn ngữ, trẻ em học cách thức giao tiếp, học tập ngôn ngữ từ những người xung quanh mình.Vì vậy môi trường xã hội cũng phải là môi trừơng văn hoá. Ngoài ra môi trường tự nhiên góp phần ảnh hưởng đến sự phát triển ngôn ngữ của trẻ. Tính tích cực của bản thân trẻ cũng đóng vai trò tích cực đến sự phát triển ngôn ngữ của mình. - Mối quan hệ với Tâm lý học: Đứng ở góc độ tâm lý học, các nhà ngôn ngữ học nhận thấy rằng: việc tiếp thu ngôn ngữ của trẻ có nhiều điểm khác với việc tiếp thu kiến thức trong các lĩnh vực khác. Ngôn ngữ được hình thành rất sớm. Trẻ em không có ý thức về ngôn ngữ nhưng bằng cách bắt chước có tính chất bản năng, trẻ sẽ học được cách nói từ những người xung quanh. Đó là cách học theo phương pháp tự nhiên. Nhưng đến độ tuổi nhất định, khi tư duy phát triển đến một mức độ cần thiết thì có thể tổ chức dạy nói cho trẻ như các môn học khác, nghĩa là bằng cách lý giải, phân tích, phân loại Đó là cách học có ý thức. Hai phương pháp này đều có những ưu, nhược điểm riêng có thể bổ sung cho nhau.Người làm công tác nghiên cứu phương pháp phát triển ngôn ngữ cho trẻ phải biết đặc điểm tâm lý đó của trẻ để tiến hành dạy nói cho trẻ. Mặt khác, tâm lý học lứa tuổi (tâm lý học trẻ em trước tuổi đi học) còn chia các giai đoạn phát triển ngôn ngữ cuả trẻ thành nhiều thời kỳ. Điều đó rất quan trọng đối với các nhà nghiên cứu phương pháp phát triển ngôn ngữ cho trẻ. Họ có cơ sở để xác định mục đích yêu cầu, nội dung, tìm ra phương pháp và các hình thức tổ chức dạy nói phù hợp với từng độ tuổi. Rõ ràng sự liên hệ giữa bộ môn Phương pháp phát triển ngôn ngữ cho trẻ với bộ môn tâm lý học làm cho phương pháp phát triển ngôn ngữ cho trẻ trở thành một khoa học tích cực, có hiệu quả giúp cho các cô giáo có chương trình dạy trẻ sát đối tượng. d. Mối quan hệ với giáo dục học Phương pháp phát triển ngôn ngữ cho trẻ là một bộ phận khoa học chuyên nghiên cứu các quy luật hoạt động sư phạm nhằm hình thành và phát triển ngôn ngữ cho trẻ. Nó là một bộ phận của giáo dục học trước tuổi đi học. Cho nên nó có mối quan hệ mật thiết với giáo dục học. Cũng như các môn học khác, phương pháp phát triển ngôn ngữ cho trẻ góp phần thực hiện các mục tiêu giáo dục trẻ. 7
  8. Từ mục tiêu đó, phương pháp phát triển ngôn ngữ cho trẻ xác định mục đích của mình là phát triển ngôn ngữ cho trẻ để giao tiếp. Mặt khác, muốn dạy nói cho trẻ đạt kết quả tốt, cô giáo phải đảm bảo các nguyên tắc trong giáo dục học: tính khoa học, tính hệ thống, tính trực quan, tính vừa sức tiếp thu và nguyên tắc lý luận kết hợp với thực tiễn. Phương pháp phát triển ngôn ngữ cho trẻ phải dựa trên giáo học pháp đại cương để lựa chọn những phương pháp đảm bảo cho sự tích cực của đứa trẻ lựa chọn những điều kiện phát triển ngôn ngữ cho trẻ. Phát triển ngôn ngữ cho trẻ còn sử dụng những thành tựu mới trong lĩnh vực giáo dục học như: khẳng định việc dạy nói cho trẻ ở mọi lúc mọi nơi. Như vậy: giáo dục học là cơ sở để xác định nội dung và phương pháp tốt nhất để dạy nói cho trẻ. e. Mối quan hệ với giải phẩu sinh lý Mối quan hệ này được coi là cơ sở tự nhiên của phương pháp phát triển ngôn ngữ cho trẻ. Trẻ em sinh ra thừa hưởng cơ chế di truyền những đặc điểm sinh lý theo kiểu người từ thế hệ đi trước. Những đặc điểm sinh lý tham gia vào hoạt động ngôn ngữ, là điều kiện tiên quyết cho sự lĩnh hội phát triển của trẻ em. Những cơ quan: trung tâm ngôn ngữ trên võ não, cơ quan thính giác, hệ thống cơ quan phát âm (phổi, khí quản, dây thanh, khoang miệng, lưỡi, răng ) hình thành và phát triển chín muồi là tiền đề cho sự phát triển ngôn ngữ sau này. Học thuyết về hệ thống tín hiệu đã khẳng định: ngôn ngữ là hệ thống tín hiệu thứ hai, là sự hoạt động đặc biệt của võ bán cầu đại não. Học thuyết này đảm bảo phương pháp phát triển ngôn ngữ cho trẻ lựa chọn đúng các phương pháp trong việc dạy nói cho trẻ, nhấn mạnh tính hiệu quả của những phương pháp tích cực: tích cực nhận thức và thực hành ngôn ngữ. Chính vì ngôn ngữ là hệ thống tín hiệu thứ hai, là sự hoạt động đặc biệt của võ bán cầu đại não cho nên việc phát triển ngôn ngữ cho trẻ phải được liên mật thiết với việc phát triển, hoàn thiện bán cầu đại não và hệ thần kinh trung ương nói chung. Các nhà giải phẫu sinh lý đã khẳng định: trong ba năm đầu là kết thúc sự trưởng thành về mặt sinh lý những vùng não chỉ huy ngôn ngữ. Vì vậy cần phải phát triển ngôn ngữ đúng lúc mới đạt kết quả tốt. Tóm lại: Bộ môn phương pháp phát triển ngôn ngữ cho trẻ có quan hệ khăng khít với với nhiều ngành khoa học khác. Dựa trên cơ sở của các ngành khoa học khác mà phương pháp phát triển ngôn ngữ cho trẻ tìm ra những cách làm đúng nhất để dạy nói cho trẻ. II. VAI TRÒ CỦA NGÔN NGỮ TRONG SỰ PHÁT TRIỂN TRẺ EM Ngôn ngữ có vai trò rất lớn trong cuộc sống của con người. Nhờ ngôn ngữ mà con người có thể trao đổi với nhau những hiểu biết, truyền cho nhau những kinh nghiệm, tâm sự với nhau những nỗi niềm thầm kín. 8
  9. Bác Hồ của chúng ta dã dạy: “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc chúng ta phải giữ gìn và bảo vệ nó” (Ngôn ngữ và lý luận văn học – Tài liệu dùng trong trong các trường sư phạm mẫu giáo). Trong công tác giáo dục trẻ mầm non cho đất nước, chúng ta càng thấy rõ vai trò của ngôn ngữ đối việc giáo dục trẻ thơ. Ngôn ngữ góp phần đào tạo các cháu trở thành những con người phát triển toàn diện. 1. Ngôn ngữ là công cụ giao tiếp “Bản chất con người là tổng hoà các mối quan hệ xã hội” (Marx). “Con người muốn tồn tại thì phải gắn bó với cộng đồng. Giao tiếp là một hoạt động đặc trưng quan trọng của con người. Ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp quan trọng nhất” (Lênin). Nhờ có ngôn ngữ mà con người có thể hiểu được nhau, cùng nhau hành động vì những mục đích chung: lao động, đấu tranh, xây dựng và phát triển xã hội. Không có ngôn ngữ, không thể giao tiếp được, thậm chí không thể tồn tại được nhất là trẻ em, một sinh thể yếu ớt cần được sự chăm sóc, bảo vệ của người lớn. Ngôn ngữ chính là một trong những phương tiện thúc đẩy trẻ trở thành một thành viên của xã hội. ở trẻ nhỏ nhu cầu giao tiếp của trẻ rất lớn. Ngôn ngữ là công cụ hữu hiệu để trẻ có thể bày tỏ nguyện vọng của mình từ khi còn rất nhỏ để người lớn có thể chăm sóc, điều khiển và giáo dục trẻ là một điều kiện quan trọng để trẻ tham gia vào mọi hoạt động và trong hoạt động sẽ hình thành nhân cách. 2. Ngôn ngữ là công cụ để phát triển tư duy, nhận thức Usinxki đã nhận định: “Tiếng mẹ đẻ là cơ sở của mọi sự phát triển, là vốn quý của mọi tri thức” (Phát triển ngôn ngữ, Nguyên bản tiếng Nga, NXB Matxcơva, tr3). Ngôn ngữ có vai trò rất lớn trong việc giáo dục trí tuệ cho trẻ. Trước hết ngôn ngữ là phương tiện giúp trẻ nhận thức thế giới xung quanh. Bởi vì sự phát triển trí tuệ của trẻ chỉ diễn ra khi các cháu lĩnh hội những tri thức về sự vật hiện tượng xung quanh. Song sự lĩnh hội những tri thức đó lại không thể thực hiện được khi không có ngôn ngữ. Ví dụ: Khi dạy trẻ từ “quả cam” chúng ta có thể cho trẻ quan sát, cho trẻ nhận biết tên gọi, đặc điểm quả cam đó gắn với các từ tương ứng như: quả cam, vỏ cam, múi cam, hạt cam, ăn cam có vị ngọt Ngôn ngữ chính là cơ sở của mọi sự suy nghĩ và là công cụ của tư duy. Trẻ em có nhu cầu rất lớn trong việc nhận thức thế giới xung quanh, trong quá trình nhận thức sự vật và hiện tượng, muốn cho các cháu phân biệt được vật này với vật khác, biết được tên gọi, màu sắc, hình dáng, công dụng và những thuộc tính cơ bản của vật, nếu chỉ cho các cháu xem xét mà không không dùng từ ngữ để giải thích, hướng dẫn và khẳng định những kết quả đã quan sát được thì những tri thức mà các cháu thu nhận được sẽ hời hợt, nông cạn, có khi còn sai lệch. Trong 9
  10. khi nhận biết các sự vật đó, trẻ phải dùng từ để gọi tên sự vật, tên các chi tiết, đặc điểm, tính chất, công dụng của sự vật. Từ đó trẻ biết phân biệt sự vật này với sự vật khác. Khi trẻ đã lớn, nhận thức của trẻ phát triển thì trẻ không chỉ nhận biết những sự vật hiện tượng gần gũi xung quanh trẻ mà trẻ không trực tiếp nhìn thấy. Trẻ muốn biết về quá khứ và về tương lai, trẻ muốn biết về công việc của người lớn, của bố mẹ. Để đáp ứng những nhu cầu nhận thức đó của trẻ không có cách nào khác là thông qua lời kể của người lớn, thông qua các tác phẩm văn học có kết hợp với hình ảnh trực quan. Khi đã có một vốn ngôn ngữ nhất định, trẻ sử dụng ngôn ngữ của mình để như là phương tiện biểu hiện nhận thức của mình. Trẻ có thể dùng lời để diễn đạt những hiểu biết và suy nghĩ, cảm xúc của mình. Trẻ hiểu được lời chỉ dẫn của người lớn, của cô giáo thì các hoạt động trí tuệ, các thao tác tư duy của trẻ được chính xác, kích thích trẻ tích cực hoạt động, kích thích trẻ nói và hiểu biết đó ngày càng nâng lên. Trẻ còn dùng ngôn ngữ để đặt ra muôn vàn câu câu hỏi, yêu cầu, nguyện vọng, thể hiện biết bao nguyện vọng, thái độ, tình cảm yêu ghét Biểu hiện bằng ngôn ngữ giúp nhận thức của trẻ được cũng cố sâu sắc hơn, tạo cho trẻ được sống trong môi trường có các hoạt động giao tiếp, trên cơ sở đó nảy sinh nhiều suy nghĩ sáng tạo mới. Vì vậy trong các trường mầm non, khi cho trẻ tiến hành các hoạt động vui chơi, lao động, học tập cần tạo điều kiện và kích thích trẻ nói. Một trong những phương pháp để kiểm tra nhận thức của trẻ là phải thông qua ngôn ngữ. Rõ ràng ngôn ngữ đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục trí tuệ cho trẻ. Thông qua ngôn ngữ, trẻ có thể nhận thức về thế giới xung quanh một cách sâu rộng, rõ ràng, chính xác. Ngôn ngữ giúp trẻ tích cực sáng tạo trong hoạt động trí tuệ. Vì vậy, việc phát triển trí tuệ cho trẻ không tách rời với việc phát triển ngôn ngữ. 3. Ngôn ngữ là công cụ để giáo dục đạo đức cho trẻ Phát triển và hoàn thiện nhân cách dần dần nhân cách cho trẻ mầm non không những có ý nghĩa to lớn trong việc phát triển trí tuệ mà còn có tác dụng quan trọng đối với việc giáo dục tình cảm, đạo đức. Ở lứa tuổi mầm non, đặc biệt là lứa tuổi mẫu giáo, các cháu đã bắt đầu hiểu biết và lĩnh hội những khái niệm, quy tắc, những chuẩn mức đạo đức của xã hội. Tuy đây mới chỉ là bước đầu nhưng lại vô cùng quan trọng, có tính chất quyết định đến việc hình thành những nét tính cách riêng biệt của mỗi con người trong tương lai. Muốn cho các cháu hiểu và lĩnh hội những khái niệm đạo đức này, chúng ta không chỉ thông qua những hoạt động, hành vi cụ thể hoặc những sự vật hiện tượng trực quan đơn thuần mà phải có ngôn ngữ. Nhờ có ngôn ngữ mà các cháu có thể thể hiện được đầy đủ những nhu cầu, nguyện vọng và tình cảm của mình. Cũng nhờ có ngôn 10
  11. ngữ mà các nhà giáo dục, các bậc phụ huynh có điều kiện để hiểu con cháu mình hơn. Từ đó uốn nắn, giáo dục và xây dựng cho các cháu những hành vi đạo đức trong sáng và chuẩn mực nhất. Ví dụ: khi trẻ được nghe kể câu chuyện ”Ba cô gái”, trẻ sẽ nhận ra rằng: cô Út mới thực lòng thương mẹ và cô được sống cuộc đời hạnh phúc. Từ đó, trẻ có suy nghĩ và hành động sao cho tốt hơn. Như vậy, ngôn ngữ rất quan trọng trong việc giáo dục đạo đức cho trẻ. Ngôn ngữ đã góp phần không nhỏ vào việc trang bị cho trẻ những hiểu biết về những nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức, rèn luyện cho trẻ những tình cảm và hành vi đạo đức phù hợp với xã hội mà trẻ đang sống. 4. Ngôn ngữ là công cụ để giáo dục thẩm mỹ cho trẻ Ngôn ngữ có vai trò quan trọng trong việc giáo dục, tác động có mục đích, có hệ thống nhằm phát triển ở trẻ năng lực cảm thụ cái đẹp và hiểu đúng đắn về cái đẹp trong tự nhiên, trong đời sống xã hội, trong nghệ thuật; giáo dục trẻ lòng yêu cái đẹp và năng lực tạo ra cái đẹp. Thật vậy, trong đời sống hàng ngày, khi giao tiếp với người lớn, trẻ nhận thức được cái đẹp ở xung quanh từ đó trẻ có thái độ trân trọng cái đẹp và tạo ra cái đẹp. Đặc biệt khi tiếp xúc với những bộ môn nghệ thuật như : âm nhạc, tạo hình, trẻ có thể cảm nhận được cái đẹp tuyệt vời của cuộc sống xung quanh qua âm thanh, đường nét Từ đó giúp trẻ nhạy cảm hơn đối với cái đẹp. Và khi trẻ đã làm quen với các tác phẩm văn học, trẻ có thể tìm thấy ở đó những hình tượng nhân vật điển hình, mỗi nhân vật mang một sắc thái riêng, một vẻ đẹp riêng (những nét đẹp về thể chất, về tinh thần). Từ đó, trẻ tự biết mình phải sống như thế nào. Ví dụ: Khi được nghe người lớn kể chuyện “Tấm Cám”, trẻ tìm thấy ở cô Tấm những nét đẹp bề ngoài và những nét đẹp trong tâm hồn: hiền lành, đôn hậu, chịu khó còn ở cô Cám là lười biếng, độc ác, tham lam Từ đó, trẻ hiểu ra rằng phải sống tốt và sống đẹp như cô Tấm. Chúng ta có thể khẳng định rằng ngôn ngữ đã góp phần không nhỏ vào vào quá trình giáo dục cho trẻ những tình cảm thẩm mỹ cao đẹp. 5. Ngôn ngữ đối với việc giáo dục thể chất cho trẻ Giáo dục thể lực cho trẻ trong trường mầm non là quá trình tác động chủ yếu vào cơ thể trẻ, tổ chức cho trẻ vận động, rèn luyện cơ thể, giữ gìn vệ sinh, tổ chức chế độ sinh hoạt hợp lý nhằm bảo vệ, làm cho cơ thể trẻ khoẻ mạnh, phát triển hài hoà, cân đối, sức khoẻ tăng cường, đạt đến trạng thái hoàn thiện về mặt thể chất. Để giáo dục thể lực cho trẻ, các nhà giáo dục đã kết hợp nhiều phương pháp khác nhau. Trong đó, ngôn ngữ đóng vai trò quan trọng đáng kể. 11
  12. Trong chế độ sinh hoạt hàng ngày, cô giáo và người lớn đã dùng ngôn ngữ hướng dẫn trẻ thực hiện tốt các yêu cầu do mình đề ra, góp phần làm cho cơ thể trẻ phát triển. Đặc biệt, trong các giờ thể dục, giáo viên dùng lời, tạo điều kiện giúp trẻ phát triển cân đối. Ngoài chế độ sinh hoạt hàng ngày, trẻ còn phải được ăn ngon, ăn đủ chất thì cơ thể trẻ mới phát triển hoàn thiện. Trong khi trẻ ăn, người lớn cần phải dùng ngôn ngữ động viên, kích thích để trẻ ăn được nhiều và ăn ngon hơn. Kết luận: Ngôn ngữ đóng vai trò quan trọng trong quá trình giáo dục trẻ trở thành những con người phát triển toàn diện. Sự phát triển chậm trễ về mặt ngôn ngữ có ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ. Cho nên, các nhà giáo dục cần phải đề ra nhiệm vụ, nội dung, phương pháp phát triển ngôn ngữ trẻ đúng lúc và phù hợp với lứa tuổi. III. CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN QUÁ TRÌNH HỌC NÓI CỦA TRẺ Trẻ lớn lên không phải tự nhiên mà nói được, muốn nói được trẻ phải trải qua quá trình rèn luyện lâu dài và phức tạp. Quá trình lĩnh hội và rèn luyện tiếng nói phụ thuộc vào nhiều yếu tố như sau: 1. Yếu tố sinh lý: - Não: phải phát triển bình thường. Sự sắp xếp các tế bào võ não, sự phân chia các miền chức năng nghe, nói được hoàn thiện cơ bản vào lúc một tuổi rưỡ đến lúc hai tuổi. - Bộ máy phát âm: muốn nói được con người phải vận dụng cơ bắp của nhiều cơ quan khác nhau. + Phổi đóng vai trò quan trọng trong việc phát âm, là kho chứa không khí. Luồng không khí từ phổi đi ra làm rung động dây thanh, cọ xát vào các bộ phận khác để tạo ra việc chú ý đến tư thế của trẻ khi học, khi nói cũng như việc rèn luyện cho trẻ biết cách thở ra hít vào là điều rất cần thiết. Ví dụ: Để giúp trẻ điều khiển cơ môi và luyện hơi thở có thể sử dụng trò chơi: Thổi bóng hay làm chuồn chuồn bay lâu hơn. + Hầu và dây thanh: là chỗ gô ra ở cổ có bốn miệng sụn chính tạo thành một hộp có dây thanh. Dây thanh có hai màng mỏng có thể mở ra khép vào, lúc căng lúc chùng khi nói. Dây thanh dài khoảng 20mm và dày lên theo lứa tuổi. + Khoang miệng và khoang mũi: có vai trò như hộp cộng hưởng biến đổi âm thanh do dây thanh phát ra. Âm thanh phát ra từ dây thanh được uốn nắn qua miệng và hốc mũi trở nên đa dạng, dễ nghe. Muốn nói được con người không chỉ có bộ máy phát âm bình thường mà bộ máy này cần phải được rèn luyện đúng lúc, đúng mức. Cần phải tìm mọi cách tác động đến thời kỳ phát triển ngôn ngữ quan trọng này (từ sơ sinh đến 7 tuổi), thời kỳ mà bắt đầu sử dụng cơ chế vận động ngôn ngữ và những khuyết tật của người lớn đều do sự phát triển không đầy đủ của cơ chế vận động từ khi còn rất bé. 12
  13. Ví dụ: Để luyện cơ quan phát âm cho trẻ có thể sử dụng các bài tập luyện cơ môi, cơ hàm, hàm dưới sau đây: Đánh răng: luyện cơ lưỡi; Trốn tìm lưỡi: luyện cơ lưỡi, hàm dưới; Thi cười: luyện cơ môi. - Tai nghe: muốn học nói được thì trước tiên trẻ phải xem người lớn nói như thế nào mới bắt chước được. Trẻ bị điếc không thể học nói được. Muốn nói được đòi hỏi cơ quan thính giác của trẻ phát triển bình thường để thu nhận và phân biệt âm thanh ngôn ngữ một cách chính xác tinh tế. Ở trường mầm non cần chú ý vấn đề rèn luyện thính giác cho trẻ. Ví dụ: có thể sử dụng các trò chơi luyện thính giác: Tiếng kêu ở đâu hay Nghe thấy tiếng gì? 2. Yếu tố tâm lý Loại yếu tố thứ hai ảnh hưởng đến quá trình học nói của trẻ là yếu tố tâm lý. Sự phát triển các chức năng ngôn ngữ ở trẻ có mối quan hệ tương hỗ qua lại với sự phát triển của tư duy. Việc tiếp thu ngôn ngữ còn phụ thuộc vào khả năng tri giác, sự tinh tế nhạy bén, khối lượng cũng như thời gian chú ý, khả năng ghi nhớ, óc sáng tạo, ý chí, tình cảm và tính cách của trẻ cũng ảnh hưởng đến quá trình học nói. Hiện tượng trẻ chậm nói so với mức bình thường thường thấy ở trẻ quá rụt rè, nhút nhát, trầm lắng, ít chan hoà với tập thể hoặc thường thấy ở trẻ bị chấn động tâm lý nặng dẫn đến việc trẻ bị nói lắp, nói ngọng hoặc thậm chí không nói được. 3. Yếu tố xã hội Đây là yếu tố quan trọng hàng đầu, có ảnh hưởng quyết định đến việc rèn luyện và phát triển tiếng nói của trẻ. Muốn nói được, trẻ phải sống trong xã hội loài người. ở đây cũng cần nhắc đến trường hợp xảy ra từ xa xưa: Vua Phiđric Hôlengtaophen đệ nhị đã quyết định tìm hiểu xem con người sẽ phát triển như thế nào, sẽ nói tiếng gì nếu không dạy nói. Ông đã tách một số trẻ nhỏ từ khi chưa biết nói ra khỏi xã hội loài người và cấm không cho ai được nói chuyện và tiếp xúc với chúng, kể cả những người có nhiệm vụ chăm sóc những trẻ đó. Kết quả là những đứa trẻ đáng thương này không biết nói gì và chết rất sớm. Hay một ví dụ khác: Đó là hai cô gái ấn Độ được tìm thấy năm 1921 trong một vùng ít người ở phía đông ấn Độ. Họ sống chung với bầy sói trong hang, không nói được và biết hú như tiếng sói. Như vậy, xã hội loài người là nguồn phát ra hệ thống tín hiệu thứ hai tác động lên cơ quan thần kinh, kích thích bộ máy phát âm hoạt động. Trẻ học nói trong môi trường giao tiếp tự nhiên và thường xuyên quan hệ với thế giới xung quanh, các quá trình tiếp xúc này có thể kìm hãm hoặc tạo điều kiện cho việc học nói của trẻ. Dưới tác động của yếu tố tâm lý, sinh lý và xã hội, kỹ năng ngôn ngữ của trẻ dần dần được hình thành trong quá trình rèn luyện lâu dài. 13
  14. IV. CÁC GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN NGÔN NGỮ CỦA TRẺ EM Sự phát triển ngôn ngữ của trẻ em được các nhà tâm lý – ngôn ngữ học nhìn nhận ở những góc độ khác nhau. L.S Vưgôtxky xuất phát từ mục đích mà nhìn nhận: “Bản chất sự phát triển ngôn ngữ nhằm mục đích giao tiếp và nhận thức và tất nhiên sự phát triển ngôn ngữ của trẻ không chỉ thuần tuý dựa trên sự phát triển khả năng nhận thức của trẻ”. Nhấn mạnh vai trò giao tiếp của ngôn ngữ, A. A Lêonchiep lại cho rằng: “Sự phát triển lời nói của trẻ em trước hết là sự phát triển của phương thức giao tiếp”. Nguyễn Huy Cẩn và K.Hai-nơ Dich đều thống nhất với nhau rằng khi cho rằng: Sự phát triển ngôn ngữ của trẻ trải qua các giai đoạn từ thấp đến cao, phù hợp với các giai đoạn nhất định của lứa tuổi; có thể tìm thấy nguồn gốc của sự phát triển ngôn ngữ ở các giai đoạn trước. Như vậy, có thể nhận thấy rằng: Sự phát triển ngôn ngữ của trẻ là một quá trình từ thấp đến cao với các giai đoạn mang những đặc trưng khác nhau tuỳ thuộc vào độ tuổi của nhà trẻ; ở mỗi giai đoạn có sự kế thừa và phát triển những thành tựu của các giai đoạn trước. Các nhà ngôn ngữ học thống nhất với nhau chia sự phát triển ngôn ngữ của trẻ em thành hai giai đoạn: giai đoạn tiền ngôn ngữ và giai đoạn ngôn ngữ chính thức. 1. Giai đoạn tiền ngôn ngữ Đây là thời kì đầu tiên trong quá trình học nói của trẻ. Giai đoạn này kéo dài khoảng 12 tháng tuổi. Các nhà tâm lý học cho rằng thời kỳ tiền ngôn ngữ này là chung cho tất cả các ngôn ngữ và thời kỳ bập bẹ của trẻ em toàn thế giới đều như nhau. Điều này chứng tỏ chúng ta sinh ra đã có sẳn bản năng giao tiếp. Giai đoạn này giao lưu xúc cảm chiếm vai trò chủ đạo. Giai đoạn này chỉ xuất hiện một số dấu hiệu báo trước của các chức năng ngôn ngữ sắp hình thành. Ở giai đoạn trẻ bắt đầu tập sử dụng cơ quan phát âm, hình thành phản xạ vận động có điều kiện. Từ tháng thứ hai ở trẻ xuất hiện những tiếng động, tiếng huýt không rõ nét. Đến tháng thứ ba trẻ bắt đầu bập bẹ gừ gừ như chim. Đặc biệt khi người lớn nói chuyện với trẻ ở xuất hiện cảm xúc tổng hợp tích cực. Đến tháng thứ năm, thứ sáu trẻ có khả năng phân biệt từ, âm tiết được nhấn mạnh trong lời nói: ba, mẹ, măm Trẻ có thể thực hiện một số mệnh lệnh hoặc yêu cầu của người lớn. Nhưng điều đó không có nghĩa lúc trẻ dã lĩnh hội được nghĩa của từ. Đây chỉ là sự hình thành phản xạ có điều kiện, gắn liền với hoàn cảnh, với hình thức âm thanh, ngữ điệu lời nói, và cử chỉ của người lớn khi nói. Cuối năm thứ nhất, đầu năm thứ hai ở trẻ xuất hiện ngôn ngữ hoàn cảnh, từ đó trẻ dùng mang nhiều nghĩa, tuỳ lúc, tuỳ nơi Muốn hiểu được người lớn phải dựa vào hoàn cảnh của trẻ khi nói. Sau giai đoạn này, các chức năng ngôn ngữ của trẻ được hình thành không phải thông qua mối quan hệ trực tiếp với hệ thống tín hiệu thứ hai nữa. 14
  15. 2. Giai đoạn ngôn ngữ chính thức Bắt đầu từ tháng 12 trở đi ở trẻ xuất hiện những âm bập bẹ có nghĩa đầu tiên và ngay lập tức trẻ huy động chúng vào giao tiếp với những người xung quanh. Các âm bập bẹ nhanh chóng mất đi, nhường chỗ cho các từ tham gia vào việc cấu tạo câu để giao tiếp. Những từ đầu tiên xuất hiện, các kiểu câu có cấu tạo đơn giản gồm 2- 3 từ xuất hiện khiến khả năng giao tiếp của trẻ càng tăng lên. Trẻ tích cực tham gia vào giao tiếp và sử dụng ngôn ngữ để giao tiếp. Nhu cầu giao tiếp càng tăng lên thúc đẩy hoạt động giao tiếp ngôn ngữ. Kết quả là các kỹ năng giao tiếp được hình thành. Đến 7 tuổi quá trình hình thành các chức năng ngôn ngữ của trẻ kết thúc về cơ bản. V. CÁC LÝ THUYẾT VỀ SỰ PHÁT TRIỂN NGÔN NGỮ CỦA TRẺ EM Ngôn ngữ - thành tựu lớn nhất của con người phát triển với tốc độ cực lớn trong những năm đầu của cuộc đời. Một tuổi, Nam đã biết sử dụng từ đơn để gọi tên vật thể quen thuộc và thể hiện suy nghĩ của mình. Ba tuổi Lan biết sử dụng một số cách thức giao tiếp đơn giản. Trẻ đã biết liên kết các từ thành câu chưa từng nghe trước đó. Bốn tuổi, Huy đã biết nói câu dài và câu có cấu trúc tương đối phức tạp. Khi nói chuyện về chủ đề nào đó, bé đã tỏ ra có khả năng giao tiếp. Sự phát triển ngôn ngữ nhanh chóng của trẻ đã và đang đặt ra những vấn đề cho các nhà nghiên cứu khoa học. Chẳng hạn: - Vốn từ to lớn và hệ thống ngữ pháp phức tạp được trẻ làm quen như thế nào? - Ngôn ngữ là một năng lực tách biệt hay là đơn giản chỉ là một thành tố của năng lực tư duy nói chung. - Nếu không được giao tiếp trong môi trường ngôn ngữ, trẻ em có thể tự sáng tạo ra ngôn ngữ được không? - Tất cả trẻ em đều lĩnh hội ngôn ngữ theo cách thức chung hay còn có sự khác biệt về văn hoá và cá nhân? Trong suốt nửa thiên niên kỷ này, những nghiên cứu về sự phát triển trẻ em chủ yếu mang tính mô tả - nhằm xây dựng những chuẩn mực về các giai đoạn phát triển ngôn ngữ. Những nghiên cứu đầu tiên đã vạch ra được các mốc quan trọng trong sự phát triển ngôn ngữ của trẻ trên toàn cầu: 6 tháng tuổi bập bẹ, một tuổi nói từ đầu tiên, liên kết các từ vào cuối tuổi thứ hai, lĩnh hội vốn từ tương đối lớn và cấu trúc ngữ pháp vào khoảng 4-5 tuổi. Trình tự của các thành tựu này cho thấy quá trình này được quy định bởi sự trưởng thành và chín muồi của đứa trẻ tuân theo quy luật khách quan. Cùng lúc đó, ngôn ngữ có vẻ là hiện tượng như do học tập mà có. 15
  16. Tất cả những nghịch lý trên đã sinh ra và được phản ánh trong hai học thuyết trái ngược nhau về sự phát triển ngôn ngữ ở trẻ em. 1. Lý thuyết “ Hành vi chủ nghĩa” của B. F SKinner Trong tác phẩm “ Hành vi bằng lời” xuất bản năm 1957, B. F SKinner kết luận rằng : “ngôn ngữ giống như bất kỳ một hành vi âm thanh nào đó, cha mẹ nhận những âm giống từ, khích lệ các âm thanh bằng cử chỉ âu yếm, nụ cười và nhắc lại các từ này cho trẻ nghe”. Ví dụ: Lan 12 tháng phát ra các âm ba- ba- ba - bà- bà Bố mẹ nghe và nhắc lại các âm này và dạy cháu gọi bà bằng “bà”. Như vậy cháu có vốn từ này rất sớm. “Bắt chước” cùng với kết hợp hành vi được dùng để giải thích nguyên nhân trẻ nắm bắt từ ngữ một cách nhanh chóng, thậm chí cả cấu trúc ngữ pháp phức tạp. Bắt chước cùng bắt buộc và động viên khích lệ khi trẻ nói đúng sẽ giúp trẻ lĩnh hội ngôn ngữ nhanh chóng hơn. Tuy nhiên hiện nay các nhà nghiên cứu ít có xu hướng theo quan điểm chủ nghĩa hành vi trong nghiên cứu trẻ em. Một mặt, nếu trẻ có được sự dạy dỗ tích cực ở phía người lớn thì đến 6 tuổi trẻ sẽ có vốn từ khổng lồ. Mặt khác, người ta cũng có thể quan sát thấy trẻ em sáng tạo ra những dạng ngôn ngữ mà trẻ chưa hề học được từ phía người lớn. Như vậy, có thể giả định rằng trẻ em đã tự phát triển ngôn ngữ của mình và tự xây dựng, tìm hiểu các quy luật về ngữ pháp. Tuy vậy tư tưởng của SKinner và các hành vi chủ nghĩa khác không thể phủ nhận hoàn toàn. Trong thực tế chúng ta thấy vai trò của cha mẹ và những nhà giáo dục là rất to lớn trong sự phát triển ngôn ngữ trẻ em. Những nguyên tắc của hành vi chủ nghĩa có vai trò lớn trong giáo dục khuyết tật về ngôn ngữ giúp trẻ vượt qua những trì trệ về ngôn ngữ (Rat-net, 1993). 2. Lý thuyết “ Tự nhiên chủ nghĩa” của Noam Chomsky. Nhà ngôn ngữ học Noam Chomsky (1957) trong tác phẩm: “Cấu trúc ngữ nghĩa” đã phân tích có phê phán lý thuyết của Skinner, lần đầu tiên thu phục thế giới rằng: trẻ em đóng vai trò chính, là nhân tố chính trong sự phát triển ngôn ngữ của mình. Ngược lại hoàn toàn với chủ nghĩa hành vi, Chomsky lập luận rằng những cấu trúc bên trong là năng lực hiểu và sản sinh ngôn ngữ. Ông coi ngôn ngữ là hiện tượng có cơ sở sinh học, là thành tựu của con người. Lý thuyết của ông là lý thuyết theo khuynh hướng tự nhiên. Nghiên cứu những thành tích về ngữ pháp của trẻ em, Chomsky cho rằng: những nguyên tắc để xây dựng câu là quá phức tạp để dạy trẻ cũng như rất khó khăn cho việc lĩnh hội đối với trẻ nhỏ tuổi. Nhưng con người sinh ra cùng với cơ quan lĩnh hội ngôn ngữ - mô hình cấu trúc bẩm sinh có cơ sở khoa học giúp cho việc lĩnh hội ngôn ngữ, chỉ cần có thêm tác động của môi trường bên ngoài. Thực tế có hai nhóm tiếp cận: Nhóm một tiếp cận đã coi trọng vai trò của cảm giác và đưa ra một vài quy trình để phân tích kích thích như điểm khởi đầu của sự phát triển. Quan điểm này bênh vực lý luận của Piget cho rằng: những mối tác động qua lại phong phú giữa 16
  17. đứa trẻ và môi trường chính là động lực đầu tiên thúc đẩy cho sự phát triển nhận thức. Quan điểm này có tính hành vi chủ nghĩa và tính lĩnh vực chung. Nhóm hai, ngược lại, là quan điểm tự nhiên chủ nghĩa và tính lĩnh vực đặc trưng. Theo quan điểm này cơ quan lĩnh hội ngôn ngữ cho phép trẻ lĩnh hội ngôn ngữ vốn từ đầy đủ, tổ hợp từ thành những câu đúng khi phát âm và hiểu nghĩa câu nghe được.Vậy làm thế nào để một cơ quan lĩnh hội ngôn ngữ có thể đảm bảo cho trẻ lĩnh hội được các ngôn ngữ đa dạng trên thế giới. Theo Chomsky (1976) trong cơ quan lĩnh hội ngôn ngữ có vùng ngữ pháp toàn cầu- kho chứa tất cả các nguyên tắc của tất cả ngôn ngữ trên thế giới. Trẻ em sẽ sử dụng những kiến thức này để giải mã các phạm trù ngôn ngữ và mọi quan hệ trong bất kỳ quan hệ nào mà trẻ em được tiếp xúc. Khi đưa ra hệ thống ngữ pháp toàn cầu, Chomsky đã nhấn mạnh đặc điểm chung của các loại ngôn ngữ trên thế giới. Thêm vào đó, cơ quan lĩnh hội ngôn ngữ (LDA) đặc biệt dành cho chức năng lĩnh hội ngôn ngữ, những chức năng tư duy cấp cao không cần thiết để tiếp thu tất cả các cấu trúc ngôn ngữ. Thay vào đó trẻ em làm điều này một cách tự phát. Vì vậy đối nghịch với quan điểm hành vi chủ nghĩa, quan điểm tự nhiên chủ nghĩa coi việc dạy có chủ định của cha mẹ là không cần thiết cho sự phát triển ngôn ngữ. Thay vào đó, mặc dầu có tính di truyền phức tạp (LAD) đảm bảo rằng ngôn ngữ được lĩnh hội ngay từ giai đoạn đầu (Pinker, 1994). Những bằng chứng ủng hộ quan điểm tự nhiên chủ nghĩa: Nhiều nghiên cứu cho rằng: trẻ em có khả năng to lớn để sáng tạo ra hệ thống ngôn ngữ mới. Cung cấp chứng cớ để ủng hộ quan điểm này có ba chứng cớ: - Dạy loài vật hệ thống ngôn ngữ - Định vị các chức năng ngôn ngữ trên bán cầu đại não của con người. - Tìm xem có thực sự tồn tại một giai đoạn nhạy cảm đến sự phát triển ngôn ngữ hay không? Sau đây chúng ta sẽ lần lượt xem xét từng vấn đề: + Một con vượn có thể học ngôn ngữ được không? Có phải năng lực ngôn ngữ chỉ có ở con người? Để giải quyết vấn đề người ta đã có gắng nhiều lần dạy vượn người - một chủng loại gần nhất trong bậc thang tiến hoá - học ngôn ngữ. Vượn người có một vài năng lực giao tiếp bằng ký hiệu.Ví dụ: các vượn người sử dụng một vài ký hiệu có chủ định như vẫy tay để yêu cầu đưa thức ăn từ vượn mẹ, giống như trẻ em thường làm khi chưa biết nói.Tuy nhiên khả năng lĩnh hội ngôn ngữ của trẻ còn rất hạn chế. Sau một thời gian dài (có thể nhiều tháng hay nhiều năm) dạy nói cho vượn người vốn từ cơ bản chỉ tương đương với trẻ 3- 4 tuổi. Và không có chứng cớ nào để kết luận chúng có thể lĩnh hội hệ thống ngữ pháp phức tạp. + Vùng ngữ pháp trên não bộ 17
  18. Con người có vùng chuyên biệt trên não bộ giúp lĩnh hội các kỹ năng ngôn ngữ. Nói chung vùng ngữ pháp cư trú trên bán cầu trái của não. ở đó có hai cấu trúc đặc trưng. Vùng Broca nằm ở thuỳ trước, điều khiển sự sản sinh ngôn ngữ. Tổn thương ở vùng này dẫn đến sự rối loạn trong giao tiếp, con người mặc dù có thể hiểu ngôn ngữ nhưng nói chậm, không có ngữ pháp, không biểu cảm. Ngược lại, vùng Wenicker ở thuỳ dương trái chịu trách nhiệm thông hiểu ngôn ngữ. Khi vùng này bị tổn thương, ngôn ngữ vẫn có nhưng chứa đựng nhiều từ không có nghĩa, năng lực lĩnh hội ngôn ngữ của con người cũng bị tổn thương. Thêm vào đó các nhà nghiên cứu còn cho rằng khi trẻ em lĩnh hội một ngôn ngữ nào đó não bộ trở nên chuyên môn hoá hơn. - Có tồn tại một giai đoạn nhạy cảm đến sự phát triển ngôn ngữ hay không? Erick Lenberg (1967) đầu tiên đưa ra giả thuyết rằng trẻ em phải lĩnh hội ngôn ngữ trong suốt giai đoạn chuyên biệt hoá chức năng của não bộ và nó kéo dài suốt lứa tuổi trưởng thành. Nếu quan điểm này đúng đắn, nó sẽ cung cấp chứng cớ cho lý thuyết của chủ nghĩa tự nhiên cho rằng: sự phát triển ngôn ngữ có đặc thù sinh học duy nhất. Bằng chứng là họ xem xét các trường hợp trẻ em bị bỏ rơi và ít được giao tiếp với người khác trong suốt thời kỳ ấu thơ. Nghiên cứu gần đây nhất là một em Genie – một em bé bị bỏ rơi một mình trong phòng học phía sau nhà khi em mới 20 tháng tuổi mà không ai biết đến tận 13 tuổi. Không ai được nói với em và em bị đánh mỗi khi làm ồn. Qua một vài năm được các nhà giáo dục chăm sóc hết lòng, ngôn ngữ của Genie được phát triển nhưng không đạt được kết quả như các em bé bình thường khác. Mặc dù em lĩnh hội vốn từ to lớn và em có thể hiểu tốt trong giao tiếp bình thường nhưng năng lực về ngữ pháp của em bị hạn chế (giống như vùng ngôn ngữ ở não bộ bị tổn thương). Trường hợp trên phù hợp với giả thuyết của Erick Lenberg cho rằng ngôn ngữ phát triển có hiệu quả nhất trong quá trình chuyên biệt hoá chức năng của não bộ. Những ưu điểm- hạn chế của quan điểm Tự nhiên chủ nghĩa: Lý thuyết của Noam Chomsky có ảnh hưởng lớn đến các quan điểm hiện thực về sự phát triển ngôn ngữ. Hiện nay người ta chấp nhận rộng rãi rằng yếu tố tiên quyết sinh học duy nhất ở con người có vai trò to lớn trong việc học ngôn ngữ. Nhưng quan điểm của Chomsky về sự phát triển ngôn ngữ vẫn đứng trước một số thách thức : Đầu tiên, sự so sánh giữa các ngôn ngữ khác nhau đã bộc lộ các hệ thống ngữ pháp hoàn toàn khác nhau. Chomsky và một số nhà nghiên cứu khác đã cố gắng tìm ra một hệ thống ngữ pháp toàn cầu, một tập hợp duy nhất cho tất cả các ngôn ngữ trên thế giới đã không có kết quả. Người ta phê phán Chomsky về ý tưởng ngữ pháp toàn cầu, cái mà ông cho rằng là có cơ sở nhằm tìm ra các quy luật ngữ pháp chung trong lý thuyết của ông. 18
  19. Thứ hai, giả định của Chomsky rằng kiến thức về mặt ngữ pháp được quy định từ lúc mới sinh ra không phù hợp với những quan sát về phát triển của ngôn ngữ. Mặc dù đã đạt được những bước đặc biệt trong thời kỳ trước tuổi học, song sự làm quen với nhiều kiểu loại câu khác nhau không xảy ra lập tức mà từ từ và tăng dần. 3. Lý thuyết về sự phát triển ngôn ngữ và nhận thức a. Lý thuyết của Pieget Pieget và Vưgotsky nghiên cứu vấn đề nóng hổi trong tâm lý học: vai trò của ngôn ngữ trong sự phát triển trí tuệ (cả hai nhà tâm lý học đều cùng sinh một năm 1896, mặc dù sống và làm việc ở hai nơi cách biệt, Pieget ở Thuỵ Sĩ và Vưgotsky ở Nga. Vấn đề hai ông đặt ra là: có phải trẻ em hình thành các suy nghĩ trước rồi sau đó dịch chúng sang từ ngữ, hay năng lực về ngôn ngữ mở ra một cánh cửa phát triển trí tuệ, giúp trẻ tư duy theo cách thức cao hơn. Trong tác phẩm “Ngôn ngữ và tư duy của trẻ”- Pieget cho rằng: Ngôn ngữ là tương đối không quan trọng trong sự phát triển tư duy. Thay vào đó, ông còn cho rằng những tiến bộ về mặt tư duy xảy ra khi trẻ hành động trực tiếp với các vật thể vật chất, phát hiện ra những thiếu sót trong cách thức tư duy hiện có và luyện tập nó để sáng tạo ra phương thức tư duy phù hợp với hiện thực bên ngoài. Sau đó một vài năm, nhà tâm lý học trẻ tuổi Vưgotsky (1934/1986) xem xét lại kết luận trên. Trong “Tư duy và ngôn ngữ của trẻ em” ông lập luận rằng: hoạt động tinh thần của con người là kết quả của hoạt động có tính chất xã hội chứ không phải là hoạt động học tập một cách cá thể. Ngôn ngữ là phương thức đầu tiên mà qua đó con người trao đổi những giá trị xã hội. Vưgotxky coi ngôn ngữ là vô cùng quan trọng trong sự phát triển tư duy và ông cũng coi sự làm quen với ngôn ngữ là thành tựu lớn nhất trong sự phát triển trẻ em. Vào khoảng hai tuổi đầu tuổi thứ ba, trẻ em có những bước tiến nhảy vọt về ngôn ngữ. Piget công nhận rằng: ngôn ngữ là phương thức linh hoạt nhất thể hiện tinh thần của con người. Nếu tách tư duy ra khỏi hành vi làm cho nhận thức của con người có hiệu quả hơn rất nhiều so với trước đó giai đoạn - trực quan hành động. Khi chúng ta tư duy về từ chúng ta sẽ vượt qua giới hạn về thời gian và không gian cụ thể. Chúng ta có thể liên hệ với quá khứ, hiện tại, tương lai cùng một lúc, sáng tạo ra biểu tượng về hiện thực khách quan càng lớn hơn, liên quan chặt chẽ với nhau hơn. Mặc dù nhìn thấy sức mạnh của ngôn ngữ, song Pieget không công nhận ngôn ngữ có vai trò trong những hình thức cao hơn tư duy. Thay vào đó ông coi hoạt động trực quan sẽ dẫn đến biểu tượng bên trong của kinh nghiệm mà sau này trẻ gọi là từ.Ví dụ: những từ đầu tiên trẻ thường gọi là những từ chỉ hành động và sự vật quen thuộc. 19
  20. Tuy nhiên lý thuyết của Pieget không nói lên một cách chính xác mô hình trực quan hành động đã chuyển hoá thành biểu tượng đó như thế nào và sau đó thành các phạm trù, được biểu hiện trong võ bọc từ ngữ như thế nào. Như vậy Pieget không đánh giá hết vai trò của ngôn ngữ trong sự phát triển của tư duy. * Pieget và giáo dục: Lý thuyết có ảnh hưởng vô cùng quan trọng trong giáo dục, đặc biệt đối với giáo dục mầm non và tiểu học. Ba nguyên tắc giáo dục của Pieget là nền tảng của một loạt các chương trình giáo dục theo quan điểm của Pieget hơn ba mươi năm qua. + Chú trọng đến học tập tìm tòi: trong các lớp học theo trường phái Pieget thì trẻ em được động viên tìm tòi phát kiến qua các mối tác động qua lại một cách ngẫu nhiên. Thay vào việc cung cấp cho trẻ em kiến thức sẵn có bằng lời, giáo viên đưa ra một loạt các hành động thiết kế nhằm kích thích sự khám phá và phát hiện, tìm tòi và cho phép trẻ tự do lựa chọn các hoạt động này. + Nhận thức rõ ràng sự hoạt động của trẻ em Pieget tin rằng kinh nghiệm học tập phù hợp xây dựng trên mức độ phát triển hiện tại của tư duy. Giáo viên quan sát và lắng nghe học sinh của mình, giới thiệu những kinh nghiệm cho phép trẻ thực hiện những mô hình mới, sửa đổi cách thức nhìn nhận thế giới còn sai lạc. Nhưng những kỹ năng mới không thể áp đặt trước khi trẻ chưa hoàn toàn thích thú, sẵn sàng. Bởi điều này sẽ dẫn đến ghi nhớ máy móc những công thức mà không có sự thấu hiểu đích thực (Jondson and Hooper, 1982). + Công nhận sự khác biệt cá thể: Lý thuyết của Pieget cho rằng tất cả trẻ em đều trải qua sự tự phát triển như nhau, nhưng mỗi trẻ phát triển với một tốc độ khác nhau. Vì thế giáo viên phải nỗ lực tổ chức các hoạt động cho cá nhân trẻ hoặc một nhóm trẻ chứ không phải cả lớp. Sau đó giáo viên đánh giá sự tiến bộ của trẻ bằng cách so sánh từng nhóm trẻ với nhau ở cùng một độ tuổi hay thành tích trung bình của nhóm trẻ cùng độ tuổi. Nhưng những ứng dụng của lý thuyết Pieget cũng bị phê phán. Đặc biệt phê phán nhiều về việc ông quá chú trọng đến hành vi như một cách thức học tập mà dẫn đến việc coi thường giao tiếp bằng lời. Tuy nhiên ảnh hưởng của Pieget đến giáo dục là rất lớn. Ông đã cung cấp cho giáo viên cách thức mới để quan sát, nhận định và tăng cường cho sự phát triển của trẻ em. ông còn trang bị những cơ sở lý luận cho cách thức tiếp cận theo hướng lấy trẻ em làm trung tâm trong hoạt động học tập và giảng dạy. b. Lý thuyết xã hội hoá của Vưgotxky Vưgotxky tin rằng (Pieget cũng vậy) trẻ em là những chủ thể tìm tòi tri thức tích cực, nhưng ông không coi đứa trẻ là những cá thể tách biệt. Trong lý thuyết của ông, trẻ em và môi trường xã hội hợp tác với nhau để định hướng nhận 20
  21. thức theo cách thức xã hội quen thuộc. Ông cho rằng: sự nhận thức của con người vừa có tính ngôn ngữ, lại vừa có cơ sở là ngôn ngữ. Nhưng Pieget cho rằng: ở trẻ có loại ngôn ngữ tự ngã trung tâm.Ngôn ngữ tự ngã trung tâm của trẻ là loại ngôn ngữ trẻ tự nói với chính mình, không hề quan tâm đến đối tượng giao tiếp, nó xuất hiện ở những đứa trẻ chưa được xã hội hoá một cách đầy đủ và nó cũng không có một chức năng thực tế nào trong hoạt động giao tiếp của trẻ. Hay nói cách khác, đây là loại ngôn ngữ có tính duy kỷ (chỉ nói với chính mình, không đặt mình vào quan hệ đối thoại. Vưgotsky phản đối mạnh mẽ kết luận của Pieget.Ông lập luận rằng, trẻ em tự nói với chính mình là để tự điều khiển và điều chỉnh hành vi. Do vậy ngôn ngữ giúp trẻ tư duy về hành vi của mình và lựa chọn các hành động phù hợp.Vưgotsky đánh giá ngôn ngữ như nền tảng cho tất cả các quá trình tư duy bậc cao, như điều khiển chú ý, ghi nhớ có chủ định và nhớ lại Tóm lại, hai mươi năm qua các nhà nghiên cứu đã tiến hành đánh giá hai quan điểm trên, xem quan điểm nào là đúng đắn. Kết quả là loại ngôn ngữ tự ngã nói với chính mình không được gọi là ngôn ngữ tự ngã trung tâm nữa mà được gọi là ngôn ngữ cá nhân. Và nếu như ngôn ngữ cá nhân thúc đẩy cơ bản sự phát triển nhận thức, vậy nó xuất hiện từ đâu? Câu trả lời của Vưgotsky nhấn mạnh bản chất xã hội của nhận thức. Đó là sự khác biệt cơ bản giữa Vưgotsky và Pieget . Vưgotsky coi rằng tất cả các quá trình nhận thức bậc cao đều là kết quả cuả các sự tương tác xã hội. Lý thuyết này đề cập đến một loạt bài tập mà trẻ không tự giải quyết nhưng có thể thực hiện được với sự giúp đỡ của người lớn hay của banh bè có kỹ năng cao hơn.Khi chúng tham gia vào các hoạt động và đối thoại với những người có kỹ năng cao hơn. Chúng sẽ học tập ngôn ngữ của các đối thoại này, biến chúng thành một phần của ngôn ngữ cá nhân của trẻ và sử dụng ngôn ngữ này để tổ chức nỗ lực cá nhân theo cách thức tương tự. Thứ hai là “đặc điểm hướng dẫn thích ứng”. Đó là sự thay đổi của những ủng hộ xã hội trong quá trình giảng dạy. Người lớn thay đổi sự giúp đỡ của mình để phù hợp với mức độ phát triển tư duy hiện có của trẻ bằng cách sử dụng các chỉ dẫn, giảng giải trực tiếp dần dần khả năng của trẻ được nâng cao, hướng dẫn thích ứng này sẽ giảm đi cùng với sự phát triển khả năng thành công của trẻ. * Vưgotxky với giáo dục: Lý thuyết của Vưgotxky đã đưa đến một tầm nhìn mới trong dạy và học - nhấn mạnh tầm quan trọng của các ngữ cảnh xã hội và việc cùng hợp tác trong hành động.Hiện nay các nhà giáo dục áp dụng rộng rãi tư tưởng của Vưgotxky để thúc đẩy sự phát triển trí tuệ của trẻ em. Trường phái giáo dục của hai ông giống nhau: coi trọng sự tham gia tích cực và sự khác biệt cá thể. 21
  22. Nhưng Vưgotxky khác Pieget: giáo dục không chỉ hoàn thiện những cái đã hình thành.Thay vào đó, giáo dục đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển khi trẻ tiếp thu những chỉ dẫn từ phía người lớn, những người có kinh nghiệm. Trong lứa tuổi mầm non, Vưgotxky chỉ dẫn cần phải tạo ra nhiều cơ hội hoạt động để phát triển tác động qua lại giữa trẻ với trẻ, giữa trẻ với người lớn. Thêm vào đó, phải dành nhiều thời gian cho các trò chơi tưởng tượng.Theo Vưgotxky giáo viên phải biến ngôi trường thành môi trường văn hoá cao. Khi trẻ nói với nhau về các nội dung về đọc, viết, toán chúng sẽ phản ánh những điều này trong các quá trình tư duy. Làm như vậy trẻ sẽ phát triển năng lực điều khiển hệ thống tín hiệu của nền văn hoá nơi trẻ sống, như vậy trẻ tiến tới mức độ phát triển tư duy cao hơn.(Vưgotxky, 1934/1986). VI. CÁC CHỨC NĂNG NGÔN NGỮ CỦA TRẺ Tiếng nói của trẻ thực hiện các chức năng liên hệ trẻ với thế giới xung quanh: chức năng giao tiếp, chức năng nhận thức và chức năng điều khiển. 1. Chức năng giao tiếp: đây là chức năng xuất hiện sớm nhất từ vào khoảng thứ 9 đến tháng thứ 12. Nhu cầu giao tiếp với những người xung quanh đã kích thích và thúc đẩy trẻ hoàn thiện tiếng nói trong tương lai, trẻ có thể dùng lời của mình để thực hiện các mong muốn, yêu cầu và nhận thức của mình. Trẻ có thể hiểu khi người lớn nói chuyện với trẻ. Sau ba tuổi, trẻ bắt đầu lĩnh hội ngôn ngữ bên trong. Từ lúc này tiếng nói đối với trẻ không chỉ là phương tiện giao tiếp nữa, nó còn thực hiện các chức năng khác. 2. Chức năng nhận thức: Khi lĩnh hội các từ mới, các cấu trúc ngữ pháp mới, trẻ mở rộng các biểu tượng của mình về thế giới xung quanh, về sự vật hiện tượng cùng với các mối quan hệ của chúng. Ngược lại khi nhận biết các tên gọi, đặc điểm, thuộc tính các sự vật, hiện tượng xung quanh trẻ dùng ngôn ngữ của mình để chỉ rõ những đặc điểm đó làm cho nhận thức của trẻ rõ ràng, chính xác hơn. 3. Chức năng điều khiển: Cùng với chức năng giao tiếp và chức năng nhận thức, ở trẻ tiếng nói còn thực hiện chức năng điều khiển. Các từ đầu tiên thực hiện chức năng này: được, không được, cấm, ăn đi, hãy làm Những từ như vậy sẽ đánh thức sự tự ý thức của trẻ, luyện tập ý chí và tính kỷ luật, giúp trẻ hiểu thế nào là tốt là xấu, cái gì nên làm và cái gì không nên làm. Các từ điều khiển hành vi trẻ cần được sử dụng trong hoàn cảnh giao tiếp khác nhau để giúp trẻ hiểu rõ bản chất vấn đề. Tránh sử dụng từ như là mối de 22
  23. doạ: không được, mẹ đánh đấy Trường hợp de doạ không xảy ra trẻ bắt đầu chơi với nguy hiểm, nó sẽ cố tình làm điều cần. Các từ ngữ có chức năng điều khiển cần được trẻ tiếp nhận một cách có ý thức với từng động cơ khác nhau. Cuối cùng trẻ sẽ tập sử dụng ngôn ngữ của mình- ngôn ngữ bên trong để lập kế hoạch cho bản thân. Đây là hình thức ngôn ngữ cao nhất. Khi ngôn ngữ bắt đầu thực hiện các chức năng điều khiển là khi ngôn ngữ trở thành công cụ giáo dục đạo đức kể từ lúc đấy. Vì vậy người lớn cần chú ý đến hành vi và lời nói của mình. Như nói ở trên, những từ có chức năng đầu tiên mà trẻ nắm được là các từ: đừng, được, phải, không nên Nhờ các từ đó mà trẻ hiểu được các khái niệm tốt, xấu giúp rèn luyện ý chí, phân biệt phải trái, đúng sai và khi lĩnh hội tiếng mẹ đẻ đồng thời trẻ lĩnh hội cả cấu trúc ngữ pháp. Thay vì trẻ nói: “đọc đi”, trẻ sẽ nói ”Cô đọc cho cho nghe với” CÂU HỎI TỰ HỌC 1. Đối tượng nghiên cứu của bộ môn Phương pháp phát triển ngôn ngữ cho trẻ là gì? 2. Mối quan hệ giữa bộ môn Phương pháp phát triển ngôn ngữ cho trẻ với các ngành khoa học khác? 3. Phân tích vai trò của ngôn ngữ trong sự phát triển của trẻ em. 4. Trình bày hiểu biết của bản thân về các lý thuyết phát triển ngôn ngữ của trẻ em. 5. Trình bày các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình học nói của trẻ. 6. Trình bày hiểu biết của bản thân về các chức năng của ngôn ngữ, lấy ví dụ. HƯỚNG DẪN TỰ HỌC 1. Đối tượng nghiên cứu của bộ môn PPPTNN cho trẻ là quá trình giáo dục nhằm hình thành và phát triển ngôn ngữ cho trẻ để trẻ có phương tiện giao tiếp và nhân thức. Từ đó giúp hình thành và phát triển nhân cách cho trẻ. Quá trình này được quy định bởi các thành tố nhiệm vụ, phương pháp và các hình thức phát tổ chức hoạt động phát triển ngôn ngữ cho trẻ. 2. Bộ môn PPPTNN cho trẻ co mối quan hệ mật thiết với các ngành khoa học khác: - Mối quan hệ với học thuyết Mác - LêNin về nguồn gốc của ngôn ngữ: đây là cơ sở phương pháp luận để các giáo dục ngôn ngữ cho trẻ xác định đúng nhiệm vụ, phương pháp và hình thức phát triển ngôn ngữ cho trẻ. 23
  24. - Mối quan hệ với tâm lý học: Những thành tựu nghiên cứu về sự phát triển tâm lý nói chung và tâm lý lứa tuổi trẻ em nói riêng là cơ sở để lựa chọn trọng tâm nội dung, phương pháp và hình thức giáo dục ngôn ngữ phù hợp với từng độ tuổi của trẻ. - Mối quan hệ với ngôn ngữ học: những thành tựu về tiếng mẹ trẻ trên các bình diện ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp, ngữ dụng là hệ thống kiến thức giúp các nhà sư phạm vận dụng vào quá trình tổ chức các hoạt động phát triển ngôn ngữ cho trẻ. - Mối quan hệ với giáo dục học: khoa học về giáo dục học nói chung và giáo dục học mầm non nói riêng đã giúp các nhà sư phạm xác định đúng các nguyên tắc giáo dục cần thiết, phù hợp với đặc điểm tâm lý lứa tuổi mầm non. - Mối quan hệ với giải phẩu sinh lý: các nhà giáo dục cần có những hiểu biết về sự hình thành, phát triển các cơ quan sinh lý liên quan đến quá trình nói năng của trẻ. Từ đó, có tác động phù hợp và kịp thời và hiệu quả với từng giai đoạn phát triển ngôn ngữ của trẻ này. 3. Ngôn ngữ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển toàn diện cho trẻ. - Ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp quan trọng nhất. - Ngôn ngữ là phương tiện để phát triển tư duy, nhận thức. - Ngôn ngữ là phương tiện để giáo dục đạo đức. - Ngôn ngữ là phương tiện để giáo dục thẫm mỹ. - Ngôn ngữ là phương tiện để phát triển thể lực. 4. Nắm được quan điểm chính của các nhà nghiên cứu về sự phát triển ngôn ngữ của trẻ: - Lý thuyết “Hành vi chủ nghĩa” của Skinner”. Lý thuyết nêu lên tinh thần chính: trẻ em phát triển ngôn ngữ bản thân chủ yếu do hành vi bắt chước, làm theo mẫu. - Lý thuyết “Tự nhiên chủ nghĩa” của Noam Chomky: lý thuyết nêu lên tinh thần chính: trẻ em phát triển ngôn ngữ bản thân chủ yếu là do cấu trúc sinh học bên trong. 5. Các yếu tố ảnh hưởng đến qua trình học nói của trẻ: - Yếu tố sinh lý (não, cơ quan phát âm, tai nghe); - Yếu tố tâm lý - Yếu tố xã hội (môi trường sống, môi trường ngôn ngữ, vai trò của giáo dục). 6. Về các chức năng ngôn ngữ trong lời nói của trẻ: - Chức năng giao tiếp - đây là chức năng căn bản và xuất hiện sớm nhất trong lời nói của trẻ. - Chức năng nhận thức - chức năng này giúp thoả mãm nhu câu nhận biết, tìm hiểu thế giới xung quanh của trẻ. 24
  25. - Chức năng điều khiển – chức năng này giúp trẻ điều chỉnh hành vi, suy nghĩ của bản thân phù hợp với thực tiễn khách quan. 25
  26. CHƯƠNG II NHIỆM VỤ, PHƯƠNG PHÁP VÀ CÁC HÌNH THỨC PHÁT TRIỂN NGÔN NGỮ CHO TRẺ I. NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN NGÔN NGỮ CHO TRẺ 1. Nhiệm vụ - Hình thành cho trẻ những nhận thức, cảm giác về tiếng mẹ đẻ. - Giúp trẻ có khả năng phát âm đúng các âm, các thanh tiếng mẹ đẻ, biết sử dụng và sắp xếp từ theo đúng cấu trúc ngữ pháp tiếng Việt, biết diễn đạt mạch lạc ý nghĩa của mình. - Chuẩn bị cơ sở cho việc học môn tiếng Việt ở cấp I, giúp trẻ có khả năng thực hành tiếng Việt, biết nhận diện chữ cái ghi âm tiếng Việt, biết ngồi đúng tư thế, biết cách cầm bút khi tô chữ cái theo mẫu. 2. Nội dung a. Dạy trẻ phát âm đúng, rõ ràng, biểu cảm âm thanh tiếng mẹ đẻ - Dạy trẻ phát âm đúng theo các quy tắc chuẩn mực của tiếng Việt: dạy trẻ phát âm đúng chính âm (những thành phần của âm tiết: thanh điệu, âm đầu, âm đệm, âm chính, âm cuối) Đến 5 tuổi trẻ phải phát âm chính xác tất cả 36 âm của tiếng Việt. Vì đến độ tuổi này bộ máy phát âm của trẻ đã hoàn thiện giống người lớn. Trẻ phải biết phát âm rõ ràng, các âm tách biệt, các âm trong từ, các mệnh đề, các câu có nhiều âm. Từ đó, chúng ta giúp trẻ nói thành thạo để tạo thói quen, kỹ xảo phát âm, để trẻ tự động nói rõ ràng và đúng. - Dạy trẻ phát âm đúng, chuẩn xác còn là dạy trẻ biết điều chỉnh âm lượng, không nói to quá, không nói nhỏ quá, biết thể hiện đúng ngữ điệu, có tác phong văn hóa trong quá trình giao tiếp. Lứa tuổi mẫu giáo là giai đoạn hình thành và rèn luyện những thói quen này. - Sửa lỗi phát âm cho trẻ: khi bắt đầu học nói, bộ máy phát âm chưa hoàn thiện thì nói ngọng là hiện tượng thường thấy ở trẻ. Sửa các lỗi ngọng (phát âm sai âm vị, thanh điệu) là công việc thường xuyên đối với các cô giáo mầm non và người lớn trong công việc dạy nói cho trẻ. b. Phát triển vốn từ cho trẻ Phát triển vốn từ không chỉ làm giàu vốn từ mà còn chú trọng phát triển vốn từ về chiều rộng và chiều sâu. Phát triển vốn từ bao gồm những nhiệm vụ sau: - Làm giàu vốn từ cho trẻ: là phát triển vốn từ về chiều rộng (làm tăng số lượng từ trong vốn từ của trẻ); cung cấp thêm các từ gọi tên sự vật, hiện tượng, các hoạt động trạng thái tính chất của sự vật hiện tượng. 26
  27. - Chính xác hóa vốn từ, đào sâu nghĩa của từ: giúp trẻ hiểu nghĩa của từ, dạy trẻ dùng từ chính xác, phát triển vốn từ đồng nghĩa, trái nghĩa. Điều này giúp trẻ có khả năng lựa chọn và sử dụng từ chính xác và đa năng. - Tích cực hoá vốn từ cho trẻ: tức là giúp trẻ sử dụng tốt vốn từ một cách tích cực để giao tiếp. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng. Phát triển vốn từ cho trẻ là nền tảng văn hoá giao tiếp, là giúp trẻ sử dụng tốt vốn từ để giao tiếp để phát triển tư duy. Có thể nói, lời nói của trẻ chỉ được phát triển thông qua giao tiếp với mọi người và quá trình tiếp xúc với môi trường thiên nhiên. Tuy nhiên, sự phát triển ngôn ngữ của trẻ khó đạt kết quả nếu thiếu sự tổ chức có kế hoạch, có khoa học của trường mầm non. Bộ môn PPPTNN nghiên cứu các phương pháp, thủ pháp nhằm giúp trẻ làm giàu vón từ và sử dụng vốn từ, giáo dục trẻ nói năng có văn hoá. c. Dạy trẻ nói đúng ngữ pháp Dạy trẻ nói đúng ngữ pháp là nói đúng theo quy luật ngữ pháp của ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ: các loại câu đơn, câu ghép, các kiểu câu đặc biệt trong những tình huống giao tiếp. Bên cạnh đó cần giúp trẻ sửa các câu sai: câu què và câu cụt, các câu sai về trật tự từ, sai về logic ngữ nghĩa. Trên thực tế nhiều khi người lớn tạo thói quen nói sai ngữ pháp cho trẻ. Ví dụ: Cô hỏi: Đây là con gì? Trẻ trả lời: đây là con cá. Trong trừơng hợp này cần dạy trẻ trả lời một cách lễ độ: “Thưa cô, đây là con các ạ” là đúng. Còn nếu trẻ nói: “Thưa cô, con cá ạ “ là chưa đúng. Ở lứa tuổi mầm non trẻ học các quy tắc ngữ pháp của ngôn ngữ thông qua thực hành giao tiếp bằng ngôn ngữ. Trẻ phải nói được các kiểu câu phong phú và da dạng của ngôn ngữ. Như vậy, vai trò của giáo viên là phải củng cố cách thức sử dụng đúng một số kiểu câu, sửa chữa một số kiểu câu sai của trẻ, cho trẻ làm quen với các kiểu câu khó hơn và cuối cùng hình thành cho trẻ thói quen nói đúng ngữ pháp. d. Phát triển ngôn ngữ mạch lạc Phát triển mạch lạc cho trẻ là giúp lời nói của trẻ có nội dung thông báo rõ ràng, đầy đủ, lôgíc và hình ảnh. Khi nói, trẻ diễn đạt rõ ràng, không ê a ấp úng, ngắt nghĩ giọng đúng chỗ, giọng nói có sắc thái biểu cảm. Phát triển ngôn ngữ mạch lạc là nhiệm vụ quan trọng nhất. Trẻ em có thể giao tiếp bằng từ, bằng câu nhưng chỉ nhờ đến ngôn ngữ mạch lạc thì trẻ mới có được công cụ vạn năng, hữu hiệu để giao tiếp. Ngôn ngữ mạch lạc là hình thức cao nhất của ngôn ngữ, là kỹ năng khó nhất. Kỹ năng ngôn ngữ này phải được hình thành và phát triển một cách thường xuyên và thông qua những tiết học chuyên biệt. 27
  28. Dạy trẻ ngôn ngữ mạch lạc là dạy hai hình thức ngôn ngữ: đối thoại và độc thoại. - Dạy trẻ lời nói đối thoại là dạy trẻ biết nghe và hiểu lời nói đối thoại, biết nói chuyện, biết trả lời câu hỏi và biết đặt ra các câu hỏi khi nói chuyện, biết điều khiển bản thân một cách có văn hoá, cần phải lịch sự khi trả lời và đặt câu hỏi. - Dạy trẻ lời nói độc thoại là dạy trẻ biết kể chuyện đã được nghe; dạy trẻ biết tự đặt câu chuyện đơn giản mà nội dung và hình thức của truyện phải thể hiện được tính độc lập, sáng tạo của trẻ. Chẳng hạn: kể lại chuyện, kể theo tri giác, kể theo trí nhớ và kể sáng tạo. Ở nước ta hiện nay, giáo dục ngôn ngữ độc thoại chưa được chú ý đúng mức ở các cấp học. Do đó, các học sinh phổ thông cũng gặp những khó khăn nhất định khi diễn đạt một vấn đề nào đó một cách có trình tự, trôi chảy. Dạy trẻ ngôn ngữ độc thoại là nhiệm vụ quan trọng và cần thiết ngay từ khi ở lứa tuổi mầm non. Trẻ có độc thoại tốt yêu cầu phải có trí nhớ, tư duy và trí tưởng tượng phong phú. e. Chuẩn bị cho trẻ đọc, viết trước khi đến trường phổ thông Chuẩn bị cho trẻ bước vào lớp Một là nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Nó được cụ thể hoá trong các hoạt động giáo dục. Trước hết là chuẩn bị về mặt tâm thế, khơi gợi trẻ hứng thú đến trường, thích sách vở, cặp sách. Có thể thông qua hoạt động vui chơi trẻ làm quen với một số đồ vật đồ chơi cho trẻ làm quen dàn với sách vở. Bằng những việc làm cụ thể, tiếp xúc với các vật liệu, đồ dùng để khi bước vào lớp Một trẻ sẽ sử dụng đồ dùng học tập hay trò chuyện với trẻ về các đồ dùng, việc đến trường phổ thông. Về kiến thức: giúp trẻ làm quen với biểu tượng 29 chữ cái ghi âm tiếng Việt và làm quen với các khái niệm âm, tiếng, từ, câu Về kỹ năng: tập cho trẻ biết cách cầm bút đúng tư thế, ngồi đúng tư thế và tô đúng các chữ cái tiếng Việt theo mẫu; cách giở sách, đọc từ trên xuống, từ trái qua phải Như vậy, các nhiệm vụ phát triển ngôn ngữ trên được phân phối thực hiện đồng đều ở các lứa tuổi mẫu giáo, chỉ có nội dung cụ thể là khác nhau và nó phụ thuộc vào khả năng của từng lứa tuổi. Ở bất kỳ hoạt động nào của trẻ mầm non các nhà sư phạm cũng phải chú ý đến yêu cầu của việc phát triển ngôn ngữ cho trẻ. Việc phân chia rõ ràng các nhiệm vụ như trên là cần thiết nhưng trong quá trình giáo dục chúng luôn được thực hiện phối hợp chặt chẽ với nhau. Các nhiệm vụ trên phải được thực hiện một cách thống nhất với nhau, trong đó nhiệm vụ phát triển mạch lạc là nhiệm vụ quan trọng nhất. II. CÁC PHƯƠNG PHÁP PHÁT TRIỂN NGÔN NGỮ CHO TRẺ Phát triển ngôn ngữ cho trẻ là một lĩnh vực khoa học giáo dục mầm non. Phương pháp phát triển ngôn ngữ cho trẻ là cách thức, là con đường thực hiện các nhiệm vụ phát triển ngôn ngữ cho trẻ nhằm giúp trẻ lĩnh hội ngôn ngữ như là một 28
  29. phương tiện giao tiếp quan trọng nhất, góp phần giáo dục nhân cách và giáo dục toàn diện. Là một lĩnh vực giáo dục mầm non, khoa học phát triển ngôn ngữ cũng xây dựng ba nhóm phương pháp giáo dục ngôn ngữ chính cho trẻ sau: 1. Nhóm phương pháp trực quan Nhóm phương pháp này giúp đảm bảo mối liên hệ giữa hệ thống tín hiệu thứ nhất với hệ thống tín hiệu thứ hai. Nhóm phương pháp trực quan mở ra trước mắt trẻ thế giới xung quanh và hình thành ngôn ngữ cho trẻ trong sự liên hệ chặt chẽ với việc phát triển tư duy và nhận thức. Trong trường mầm non có thể sử dụng các dạng trực quan sau đây nhằm mục đích phát triển lời nói cho trẻ: rèn luyện phát âm cho trẻ (dạy cho trẻ cách thức phát âm); hình thành và phát triển vốn từ - Trực quan bằng vật thật: đó là hình thức cho trẻ được tiếp xúc với các vật cụ thể (trẻ được xem, nhìn, sờ, nắm, ngửi vật có trong cuộc sống). Xem xét vật thật giúp trẻ nhận biết, tri giác vật một cách khái quát và cụ thể từng chi tiết của vật. Ví dụ: chúng ta cho trẻ xét quả táo thật. Trẻ sẽ có nhận xét: vỏ quả táo trơn, có màu xanh xen lẫn màu đỏ, trong quả táo có hạt và khi ăn táo có vị thơ ngọt. Trực quan bằng vật thật giúp trẻ có nhận xét sâu sắc về vật và từ được gọi tên chính xác với vật. Trường hợp không có vật thật, cô giáo sẽ cho trẻ xem đồ chơi, tranh ảnh- là hình ảnh của vật thật. - Quan sát: là phương pháp cho trẻ sử dụng giác quan của mình để tích luỹ dần dần những kinh nghiệm, những hình ảnh, những biểu tượng và kỹ năng ngôn ngữ. Những bài tập về quan sát phải gắn liền với việc cung cấp các từ để từ ngữ luôn theo sát và củng cố những điều trẻ đã thu lượm được. Khi cô giáo tổ chức quan sát không nên chỉ hướng dẫn sự chú ý của trẻ vào các sự vật riêng lẻ mà cần phải làm cho trẻ thấy được mối quan hệ giữa chúng. Ví dụ: quan sát hiện tượng trời nắng, trời mưa Điều đó giúp trẻ suy nghĩ mạch lạc và biểu hiện những ấn tượng của mình bằng lời nói trôi chảy. Việc vận dụng phương pháp quan sát để làm giàu ngôn ngữ cho trẻ cần phải có hệ thống, có kế hoạch. Trẻ lớn hơn thì hướng dẫn trẻ kể lại bằng lời kể rõ ràng, mạch lạc hơn. - Tham quan: là con đường đưa trẻ đến gần với vật thể, hiện tượng.Tuỳ theo từng lứa tuổi, tham quan đi từ những vật thể liên quan đến sinh hoạt cá nhân hàng ngày ra thế giới rộng lớn hơn. Buổi tham quan tổ chức cho trẻ phải đảm bảo những yêu cầu: nội dung tham quan phải đáp ứng được sở thích của trẻ; cô giáo phải nắm vững số lượng trẻ; không để những vấn đề ngoài nội dung tham quan làm lạc hướng chú ý của trẻ. Buổi tham quan không nên mang tính chất của buổi học; sau buổi tham quan cô giáo cần củng cố các nhận thức và ấn tượng thu được ở trẻ. 29
  30. - Xem phim, băng hình, điã VCD: là cách thức sử dụng máy móc thiết bị vào quá trình dạy học trong điều kiện cho phép nhằm tạo điều kiện cho trẻ quan sát, tham quan cảnh vật mà trẻ không thể đi đến nơi để xem được hoặc xem những cảnh quay diễn ra trong quá khứ. Ví dụ: xem phim về cảnh các con vật sống trong rừng, hoặc dưới biển. Nhóm phương pháp trực quan là nhóm phương pháp chủ đạo trong quá trình phát triển ngôn ngữ cho trẻ. Vì vậy phương pháp trực quan được sử dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực dạy nói cho trẻ: trên giờ học, ở mọi lúc, mọi nơi. 1. Nhóm phương pháp dùng lời - Đọc thơ (ca dao, tục ngữ, đồng dao) cho trẻ nghe Thơ ca đến với trẻ từ khi trẻ mới ra đời. Thơ ca mang tính nhịp điệu, vần điệu cao. Vì vậy khi đọc các vần thơ cần đọc chậm vừa phải, chú ý ngắt giọng sau mỗi và nhấn mạnh các từ mang vần. Đọc thơ cho trẻ nghe sẽ giúp trẻ cảm nhận được vần điệu, nhịp điệu của tiếng Việt. - Kể và đọc chuyện: là phương pháp chủ yếu nhằm giúp trẻ làm quen với văn học. Khi đọc và kể chuyện cô giáo cần phải thể hiện được tình cảm, sử dụng đúng ngữ điệu giọng nói để bộc lộ được đặc điểm, tính cách của nhân vật. Đọc, kể phải chậm rãi vừa phải để trẻ còn lắng nghe được các từ ngữ , câu văn trong chuyện. - Kể lại chuyện: là hình thức cho trẻ kể lại chuyện theo mẫu mà trẻ đã được nghe. Kể lại chuyện giúp cho ngôn ngữ mạch lạc của trẻ phát triển và tư duy logic của trẻ cũng được phát triển. - Đàm thoại: là cách thức sử dụng hệ thống câu hỏi và câu trả lời của trẻ nhằm làm cho ngôn ngữ của trẻ phát triển. Đàm thoaị nên được tiến hành nhẹ nhàng, thoải mái và tự nhiên, đáp ứng yêu cầu của trẻ. Đàm thoại có thể bắt đầu từ trẻ 3-4 tuổi, đàm thoại nên tiến hành riêng với từng trẻ, có đồ dùng trực quan đặt trước mắt trẻ. Câu hỏi đơn giản, dễ hiểu, phù hợp với dặc điểm ngôn ngữ lứa tuổi. Mục đích đàm thoại là củng cố và hệ thống hoá bằng công cụ ngôn ngữ những kiến thức mà trẻ thu nhận được. - Mẫu ngôn ngữ của cô: là phương pháp quan trọng đặc thù cho việc phát triển ngôn ngữ cho trẻ. Theo mẫu ngôn ngữ của cô giáo, trẻ sẽ học cách thức sử dụng ngôn ngữ: cách thức phát âm theo đúng chính âm, dùng từ chuẩn, nói đúng ngữ pháp. Biện pháp mẫu ngôn ngữ được sử dụng như một phương pháp khi chỉ cho đứa trẻ cách thức tốt nhất để diển đạt suy nghĩ của mình. Ví dụ: Với mẫu câu: Chủ ngữ- vị ngữ- bổ ngữ Cháu đi nhà trẻ./ Cháu đi mẫu giáo. / Cháu đi công viên. Trẻ học ngôn ngữ vì mục đích sử dụng ngôn ngữ trong trong cuộc sống hàng ngày để giao tiếp với người xung quanh, trẻ em học ngôn ngữ bằng con đường thực hành ngôn ngữ, bắt chước ngôn ngữ. Biện pháp mẫu ngôn ngữ rất 30
  31. quan trọng cần thiết và phù hợp trong những năm đầu học nói của trẻ: phát âm mẫu, nói mẫu câu đúng. Còn trong những năm tiếp theo thì mẫu ngôn ngữ như kể chuyện mẫu, nói diễn cảm là phù hợp hơn.Và nó giúp trẻ lĩnh hội hình thức ngôn ngữ phức tạp nhất: Ngôn ngữ kể chuyện. - Giảng giải: là phương pháp dùng lời lẽ để nói cho trẻ hiểu về bản chất, đặc điểm, tính cách của một vật hoặc một hành động nào đó. Cô giáo vận dụng vốn hiểu biết của trẻ để giảng giải nghĩa từ mà trẻ chưa biết, giúp cho vốn từ của trẻ phát triển. Giảng giải phải rõ ràng, dễ hiểu, chính xác. Ví dụ: câu thơ: Chú đi tiền tuyến, nửa đêm chú về thì tiền tuyến là nơi có giặc. Giảng giải chỉ sử dụng khi trẻ không hiểu hoặc chưa hiểu nội dung ý nghĩa của từ, câu, câu chuyện - Câu hỏi để hỏi trẻ: câu hỏi được dùng để hỏi trẻ có nhiều loại khác nhau. Có những câu hỏi đơn giản hướng sự chú ý của trẻ tới việc nhận thức đối tượng: ai, cái gì, ở đâu, khi nào? Đó là các câu hỏi về các dấu hiệu cảm tính của sự vật hiện tượng, hỏi về kết quả của quá trình tri giác bằng các giác quan. Nhóm câu hỏi yêu cầu trẻ sử dụng ngôn ngữ miêu tả, thường là kết quả của sự kết hợp hoạt động quan sát và tư duy. Ví dụ: như thế nào là câu hỏi đòi hỏi sự mô tả và sử dụng ngôn ngữ miêu tả Nhóm câu hỏi phức tạp: các câu hỏi là kết quả của quá trình nhận thức lý tính, là kết quả của của sự phát triển các phương thức tư duy bậc cao như các câu hỏi: vì sao? do đâu mà có? có quan hệ gì? có đặc điểm gì giống và khác nhau. Ngoài ra trong nhóm phương pháp dùng lời còn có thể dùng một số phương pháp khác nữa: nhắc lại, chỉ bảo, bài tập, nhắc nhở để giúp cho ngôn ngữ của trẻ phát triển. Tuỳ theo điều kiện mà ta sử dụng phương pháp này hay phương pháp khác. Tóm lại: Trong quá trình phát triển ngôn ngữ cho trẻ, chúng ta sử dụng nhiều phương pháp khác nhau. Trong đó có hai nhóm phương pháp được sử dụng thường xuyên để dạy nói cho trẻ là phương pháp trực quan và phương pháp dùng lời. Nếu phương pháp trực quan dùng để dạy trẻ nhận biết sự vật hiện tượng thì phương pháp dùng lời sử dụng để dạy trẻ biết sử dụng ngôn ngữ, biết diễn đạt sự hiểu biết của mình trên cơ sở trẻ nhận thức được. 2. Nhóm phương pháp thực hành Là nhóm phương pháp sử dụng các trò chơi, các hoạt động lao động của trẻ vào quá trình phát triển ngôn ngữ cho trẻ. a. Phát triển ngôn ngữ cho trẻ thông qua các trò chơi Ngôn ngữ và tư duy liên hệ chặt chẽ với hoạt động, lao động của con người. Hoạt động chính của trẻ em là vui chơi. Vui chơi được thể hiện thông qua các trò chơi. Trẻ em tích luỹ kinh nghiệm qua các trò chơi. Từ trò chơi, các em khám phá ra những hiện tượng rồi liên hệ đến từ. Trò chơi kích thích mạnh mẽ 31
  32. đến sự phát triển ngôn ngữ của trẻ. Trong trò chơi, trẻ em có quan hệ thường xuyên với đồ chơi, nhờ đó mà tên đồ chơi, đồ vật, màu sắc, cấu tạo, công dụng của vật thể dễ được tiếp nhận, dễ được ghi nhớ. Mỗi vật có một tên riêng, mỗi hành động đều có một động từ riêng. Cho nên các cô cần tổ chức tốt hoạt động chơi, cung cấp đồ dùng, đồ chơi để trẻ có điều kiện tăng cường các hoạt động ngôn ngữ, cô giáo đóng vai trò tổ chức hướng dẫn, theo dõi trò chơi, cung cấp cho trẻ những từ mới, nói chuyện với trẻ, làm phong phú ngôn ngữ cho trẻ. Vui chơi đã tạo điều kiện để trẻ vận dụng tốt vốn ngôn ngữ của mình vào việc giao tiếp với bạn bè và những người xung quanh. b.Phát triển ngôn ngữ thông qua hoạt động lao động Trong trường mầm non, trẻ được tham gia vào các hoạt động lao động như: lao động trong thiên nhiên, lao động tự phục vụ.ở gia đình trẻ được hoà vào lao động, cách thức sử dụng một số công cụ lao động đồng thời giúp trẻ tiến hành lao động. Trong lao động, người lớn cần đặt ra yêu cầu cung cấp cho trẻ những từ chỉ sự vật hiện tượng, từ chỉ các dụng cụ lao động, đồ vật và các hoạt động lao động. Tất cả các hình thức trên phù hợp với trẻ đều tạo ra những khả năng làm phong phú thêm ngôn ngữ cho trẻ. III. CÁC HÌNH THỨC PHÁT TRIỂN NGÔN NGỮ CHO TRẺ 1. Phát triển ngôn ngữ thông qua các giờ học Các hình thức tổ chức dạy nói cho trẻ ở trường mầm non hiện nay rất đa dạng. Việc dạy nói cho trẻ không tách rời các mặt giáo dục khác. Nó hoà quyện vào vào nhau và cùng tồn tại trong các hình thức giáo dục ở các hoạt động của trẻ như: vui chơi, học tập, lao động a. Phát triển ngôn ngữ thông qua các giờ học - Giờ Nhận biết - tập nói (lứa tuổi Nhà trẻ) Dạy trẻ nhận biết - tập nói là hướng dẫn trẻ quan sát một sự vật hiện tượng quen thuộc đối với trẻ. Qua đó hình thành khái niệm ban đầu về sự vật hiện tượng nhằm mục đích phát triển ngôn ngữ cho trẻ. Ví dụ: dạy trẻ nhận biết về quả cam là giúp trẻ gọi tên được quả cam cũng như gọi tên các bộ phận, công dụng của quả cam. Mỗi một sự vật hiện tượng được trẻ vừa lĩnh hội đều được củng cố ngay bằng ngôn ngữ. Loại giờ này học này tạo điều kiện rèn luyện kỹ năng phát âm, rèn luyện câu theo cấu trúc ngữ pháp và đặc biệt làm tăng nhanh vốn từ của trẻ. - Giờ Làm quen với môi trường xung quanh (lứa tuổi mẫu giáo) Giờ học làm quen với môi trường xung quanh giúp trẻ tiếp xúc với các sự vật hiện tượng, biết những đặc điểm, cấu tạo, hình dáng, chất liệu của sự vật hiện tượng.Từ đó hình thành các biểu tượng đúng đắn về các sự vật hiện tượng xung quanh và trẻ nói được điều trẻ biết. 32
  33. Như vậy, ở những giờ học này, trẻ được rèn luyện kỹ năng phát âm, rèn luyện theo cấu trúc ngữ pháp và vốn từ của trẻ tăng lên rất nhanh, tạo điều kiện phát triển ngôn ngữ mạch lạc cho trẻ. - Giờ Làm quen tác phẩm văn học: giờ học này có tác dụng làm giàu vốn từ, phát triển ngôn ngữ mạch lạc ở trẻ, bồi dưỡng năng lực cảm thụ tác phẩm văn học và diễn đạt bằng ngôn ngữ văn học. - Các giờ học khác: giờ Tạo hình, Làm quen với biểu tượng về toán, Giáo dục âm nhạc, Giáo dục thể chất cũng có thể có tác dụng đối với việc phát triển ngôn ngữ của trẻ. Qua các giờ học đó, trẻ được rèn luyện về mặt phát âm, có thêm nhiều từ mới và hiểu được ý nghĩa của từ. Trẻ được rèn luyện thêm về mặt ngữ pháp. Cô giáo còn sử dụng các giờ học này như là một phương tiện để củng cố những ngôn ngữ mà trẻ đã thu nhận được. b. Phát triển ngôn ngữ thông qua hoạt động ngoài giờ - Phát triển ngôn ngữ cho trẻ qua các hoạt động vui chơi. Thông qua trò chơi, các biểu tượng mà trẻ thu nhận được trước đây được chính xác hoá bằng ngôn ngữ. Qua trò chơi, trẻ còn tập trung vận dụng các tri thức đã thu nhận được. Trò chơi đã giúp trẻ nhớ ngôn ngữ, đồng thời tạo ra các tình huống để trẻ sử dụng vốn ngôn ngữ đã tích luỹ được. - Phát triển ngôn ngữ thông qua hoạt động lao động Trẻ ở lứa tuổi mầm non chưa phải lao động để tạo ra của cải vật chất cho xã hội, nhưng chúng ta phải giáo dục trẻ ý thức lao động, cho trẻ tham gia vào các hoạt động lao động nhẹ nhàng, lao động tự phục vụ mình Khi tham gia vào các hoạt động lao động, trẻ được tiếp xúc với thiên nhiên, với đồ dùng lao động, đồ dùng sinh hoạt Như vậy trẻ có điều kiện hình thành các biểu tượng chưa có và khắc sâu các biểu tượng đã có. Từ đó trẻ sẽ biết sử dụng ngôn ngữ trong các hoạt động lao động. Vốn ngôn ngữ của trẻ sẽ tăng lên. - Phát triển ngôn ngữ thông qua dạo chơi, tham quan Dạo chơi, tham quan có tác dụng rất lớn đối với việc mở rộng tầm hiểu biết cho trẻ. Vì vậy dạo chơi, tham quan có tác dụng to lớn trong việc phát triển ngôn ngữ cho trẻ. - Phát triển ngôn ngữ trong sinh hoạt hàng ngày Ngoài các giờ học, giờ chơi, giờ lao động trẻ còn có giờ ăn, giờ ngủ. ở những giờ này, cô giáo cũng có thể dạy nói cho trẻ. Trong khi giúp trẻ tiến hành công việc hàng ngày, cô giáo cần lựa chọn nội dung thích hợp, cần nói tên những công ngày công việc đó cho trẻ biết. Tóm lại, việc giáo dục ngôn ngữ cho trẻ trong trường mầm non là một nhiệm vụ cơ bản và thiết thực. Những người làm công tác giáo dục trẻ ở mọi lứa tuổi mầm non phải biết tận dụng mọi hình thức dạy nói cho trẻ ở mọi lúc, mọi nơi để phát triển ngôn ngữ cho trẻ. 33
  34. IV. CÁC YÊU CẦU CHUNG ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC CÓ NỘI DUNG PHÁT TRIỂN NGÔN NGỮ 1. Chuẩn bị cho giờ học Giáo án phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, nếu có sử dụng trực quan thì dụng cụ phải đảm bảo yêu cầu nhận thức, giáo dục và thẩm mỹ. 2. Xác định mục đích yêu cầu: nhiệm vụ đặt ra trên tiết học phải thể hiện tính tổng hợp cao. Mục tiêu giáo dục hay kết quả giáo dục mong đợi cần xác định dưới dạng trẻ biết gì, có thể nói gì, làm gì và làm thế nào sau khi hoạt động này kết thúc. - Các nhiệm vụ giáo dưỡng trên tiết học (hay một hoạt động phát triển ngôn ngữ) chúng ta đề ra và giải quyết ba nhiệm vụ sau: Xác định phạm vi kiến thức mà trẻ tiếp thu trên tiết học. Ví dụ: khi dạy các loại hoa trẻ phải biết được tên gọi, màu sắc, hình dáng, mùi vị và các quan hệ với môi trường sống, vẻ đẹp của hoa, hoa trong cuộc sống con người. Phát triển các thao tác tư duy tương ứng, dạy trẻ quan sát, phân tích, so sánh, tổng hợp, dạy trẻ cách thức phát hiện và tìm hiểu sự vật. Ví dụ: khi giúp trẻ phát hiện ra chất liệu sứ, nhựa thì ta phải sờ, gõ. Phát triển kỹ năng ngôn ngữ tương ứng: phát triển vốn từ để diễn đạt các kiến thức về vốn từ tổng hợp khái quát, vốn từ về cách thức tư duy, dạy trẻ nói đúng ngữ pháp, phát triển kỹ năng ngôn ngữ hội thoại, kể chuyện. - Những nhiệm vụ giáo dục: Đề ra những nhiệm vụ giáo dục phù hợp với đề tài, cảm nhận vẻ đẹp, có thái độ bảo vệ ngôn ngữ và có hứng thú đói với ngôn ngữ. Dần dần hình thành ở trẻ khả năng cảm nhận cái đẹp của nghệ thuật ngôn từ, hình thành ngôn ngữ trong sáng giàu hình ảnh, đầy biểu tượng. 3. Yêu cầu về phương pháp và cách thức tiến hành trên hoạt động Trên các tiết học PTNN chúng ta có thể áp dụng các phương pháp một cách linh hoạt, kết hợp nhiều phương pháp khác nhau tuỳ theo cấu trúc nhất định của hoạt động. Nhưng tất cả đều phải giải quyết các nhiệm vụ đặt ra như nói ở trên một cách đầy đủ nhất. Bên cạnh đó cần gây hứng thú cho trẻ và duy trì hứng thú đó cho hết hoạt động. 4. Cường độ căng thẳng tối đa Giáo viên cần xác định trước mức độ căng thẳng của trí tuệ trẻ, đừng đưa trẻ đến sự mệt mỏi, chán học.Trong trường hợp này giáo viên cần đưa ra một số hình thức có tính chất hấp dẫn hơn hoặc không dạy nữa mà chuyển sang hoạt động khác. 5. Tính chất giáo dục của giờ học Nguyên tắc giáo dục của hoạt động có nội dung phát triển ngôn ngữ là không đưa trẻ đến những kiến thức lẻ tẻ mà cả một hệ thống kiến thức nhất định. Nắm được tiếng mẹ đẻ thì nhận thức được sự phong phú trẻ dần dần sẽ có lòng 34
  35. yêu nước. Nội dung và cách thức tổ chức giờ học sẽ giáo dục cho trẻ tính nghị lực, kiên trì và giờ phát triển ngôn ngữ có tác dụng giáo dục thẩm mỹ cho trẻ 6. Tính xúc cảm của hoạt động Vào giờ học giáo viên phải gợi lên ở trẻ sự ham thích hoạt động, ham hiểu biết mong muốn biết những điều mới. Giờ học cần phải mang đến cho trẻ một cảm giác thoả mãn. Sự ham thích của trẻ là người liên minh quan trọng của giáo viên. 7. Cấu trúc giờ học rõ ràng Cần nhắc lại kiến thức cũ đầu giờ học. Sau đó nêu cho trẻ biết mục đích của giờ học và tiếp đến là phần trọng tâm của hoạt động. Phần kết thúc hoạt động phải ngắn gọn và tình cảm. 8. Phát huy được tính tích cực ngôn ngữ của trẻ trong hoạt động Tính tích cực của trẻ không thể hiện ở việc trẻ nói luôn miệng mà nó biểu hiện ở chỗ trẻ tích cực tiếp thu tiếng nói của người khác và hiểu lời nói đó.Vậy ở đây đặt ra yêu cầu đối với giáo viên: nói năng chậm rãi, rõ ràng để trẻ có thể nghe và suy nghĩ, tìm câu trả lời; hướng dẫn trẻ đối thoại 9. Kết hợp tính tập thể và tính cá biệt trong hoạt động Những bài tập chung cần phải gắn với những bài tập riêng cho mỗi một trẻ. Giáo viên dựa vào kiến thức, sở thích, sự ham mê và các thói quen ngôn ngữ của trẻ mà lựa chọn phương pháp và bài tập cho thích hợp. Cần chú ý những đứa trẻ mà ngôn ngữ phát triển kém và có nhược điểm về ngôn ngữ: ít nói, không cởi mở hay nói chuyện và hay cáu gắt. V. NHỮNG PHƯƠNG TIỆN VÀ ĐIỀU KIỆN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH 1. Yêu cầu đối với cô giáo và những người xung quanh a. Yêu cầu đối với cô giáo: Cô giáo đóng vai quan trọng trong việc thực hiện nội dụng, nhiệm vụ phát triển ngôn ngữ cho trẻ cho nên cô cần phải được chuẩn bị kỹ và rèn luyện tốt. Để dạy nói cho trẻ, trước hết cô cần phải biết và nắm vững tiếng mẹ đẻ, ngôn ngữ của cô cần phải mẫu mực. Ngoài những yêu cầu về ngôn ngữ, cô cần phải biết những đặc điểm tâm lý trẻ nói riêng, cô giáo cần nắm vững mục đích, nhiệm vụ, nội dung phát triển ngôn ngữ cho trẻ và có khả năng thực hiện những nhiệm vụ và nội dung đó. Ngoài ra cô giáo cần phải được rèn luyện kỹ năng thực hành cần thiết như biết giao tiếp với trẻ, biết tổ chức cho trẻ chơi, biết lên kế hoạch công việc, biết điều khiển các hoạt động của trẻ trong ngày Cuối cùng, cô giáo phải là người thực sự yêu thương trẻ, yêu nghề nghiệp của mình. b. Những yêu cầu đối với những người xung quanh: Nhiệm vụ giáo dục ngôn ngữ cho trẻ không phải chỉ là công việc của cô giáo mà của tất cả những người có quan hệ giao tiếp với trẻ. Cho nên người lớn phải có ý thức trong công việc này: ngôn ngữ phải chính xác, không ngọng, không lắp, lời nói có văn hoá 35
  36. giao tiếp lịch thiệp để làm gương cho trẻ bắt chước. Mặt khác người lớn phải có ý thức sửa sai ngôn ngữ cho trẻ. Gia đình có vai trò đặc biệt trong việc phát triển ngôn ngữ cho trẻ. Trong đó phải kể đến vai trò của người mẹ. Chính người mẹ đã đặt cơ sở cho những thói quen đầu tiên trong việc học ngôn ngữ của trẻ. Ngoài ra, các thành viên khác trong gia đình cũng cần quan tâm đến nhiệm vụ phát triển ngôn ngữ cho trẻ. Giữa gia đình và nhà trường phải có mối liên hệ chặt chẽ, cùng phối hợp để thực hiện chương trình phát triển ngôn ngữ cho trẻ một cách có hiệu quả. 2. Chế độ sinh hoạt hàng ngày Tổ chức chế độ sinh hoạt hàng ngày là yếu tố quan trọng trong việc phát triển ngôn ngữ cho trẻ có hiệu quả. Trong khi thực hiện các nhiệm vụ, cô giáo cần tăng cường nói chuyện giao tiếp với trẻ, tạo môi trường tự nhiên tốt nhất để trẻ được thực hiện việc nói năng trong mọi tình huống khác nhau.Trẻ phải được thoải mái, sung sướng và tự tin.Có như vậy mới kích thích trẻ nói, ngôn ngữ của trẻ mới được rèn luyện và phát triển. 3. Cơ sở vật chất Cơ sở vật chất đầu tiên sử dụng để dạy trẻ nói phải kể đến môi trường tự nhiên. Đó là môi trường tự nhiên tốt nhất. Nó có tác dụng mạnh mẽ nhằm thúc đẩy và làm giàu vốn ngôn ngữ cho trẻ. Ngoài ra cô còn sử dụng những điều kiện có sẳn của địa phương như: danh lam, thắng cảnh, công trình văn hoá nhằm mở rộng hiểu biết và ngôn ngữ của trẻ. Các trang thiết bị, đồ dùng dạy học trong trường mầm non như: đồ dùng đồ chơi, tranh ảnh, phim, đèn chiếu cũng là cơ sở vật chất hết sức quan trọng trong việc phát triển ngôn ngữ cho trẻ. Trong nhà trẻ và trường mẫu giáo cần chuẩn bị tốt nhất các phương tiện, đồ dùng dạy học phục vụ cho các nhiệm vụ phát triển ngôn ngữ. CÂU HỎI TỰ HỌC 1. Phân tích các nhiệm vụ phát triển ngôn ngữ cho trẻ mầm non? 2. Trình bày các phương pháp được sử dụng nhằm phát triển ngôn ngữ cho trẻ. 3. Trình bày các hình thức phát triển ngôn ngữ cho trẻ? HƯỚNG DẪN TỰ HỌC 1. Cần hiểu vấn đề: để giúp trẻ có khả năng nghe, hiểu, nói được ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ, các cô giáo mầm non cần thực hiện các nhiệm vụ phát triển ngôn ngữ sau: - Hình thành cho trẻ những nhận thức, cảm giác về tiếng mẹ đẻ. 36
  37. - Giúp trẻ có khả năng phát âm đúng các âm, các thanh tiếng mẹ đẻ, biết sử dụng và sắp xếp từ theo đúng cấu trúc ngữ pháp tiếng Việt, biết diễn đạt mạch lạc ý nghĩa của mình. - Chuẩn bị cơ sở cho việc học môn tiếng Việt ở cấp I, giúp trẻ có khả năng thực hành tiếng Việt, biết nhận diện chữ cái ghi âm tiếng Việt, biết ngồi đúng tư thế, biết cách cầm bút khi tô chữ cái theo mẫu. 2. Cần nắm lý do, vai trò và nhiệm vụ của việc sử dụng các phương pháp phát triển ngôn ngữ cho trẻ. - Phương pháp trực quan: đây là phương pháp cho trẻ trực quan sự vật hiện tượng tồn tại trong thế giới xung quanh gần gũi với trẻ, qua đó đồng thời hình thành và rèn luyện các kỹ năng ngôn ngữ nghe, nói và viết cho trẻ. - Phương pháp dùng lời: phương pháp này giúp trẻ cảm nhận được vần điệu, nhịp điệu của tiếng Việt; giúp nắm được vốn từ của tiếng mẹ đẻ để từ đó sử dụng vào quá trình giao tiếp một cạc rõ ràng, mạch lạc và lôgic. - Phương pháp thực hành: phương pháp này giúp củng cố những kĩ năng ngôn ngữ cho trẻ. 3. Để phát triển ngôn ngữ cho trẻ, giáo viên cần linh hoạt sử dụng các hình thức giáo dục sau: - Phát triển ngôn ngữ thông qua hoạt động chung có chủ đích. - Phát triển ngôn ngữ thống qua hoạt động góc, hoạt động ngoài giờ 37
  38. CHƯƠNG III PHƯƠNG PHÁP LUYỆN PHÁT ÂM CHO TRẺ Con người giao tiếp với nhau hàng ngày chủ yếu bằng ngôn ngữ nói. Để nắm được công cụ giao tiếp ấy, ngay từ thưở ấu thơ, các bậc cha mẹ, các cô nuôi dạy trẻ cần có ý thức rèn luyện ngôn ngữ cho trẻ. Rèn luyện ngôn ngữ cho trẻ trước tiên là rèn luyện khả năng nghe âm thanh ngôn ngữ, phát âm lại các âm đã nghe. Việc dạy trẻ phát âm chỉ đạt hiệu quả khi chúng ta nắm được đặc điểm về ngữ âm của trẻ ở từng độ tuổi và trên cơ sở đó lựa chọn những phương pháp thích hợp nhằm thúc đẩy quá trình phát âm. I. KHÁI NIỆM PHƯƠNG PHÁP LUYỆN PHÁT ÂM CHO TRẺ Dạy trẻ phát âm là hướng dẫn trẻ phát âm đúng, rõ ràng, có sắc thái biểu cảm trong lời nói. Trẻ cần phải phát âm chính xác các thành phần của âm tiết, từ, không nói ngọng, nói lắp, biết thể hiện tình cảm qua nét mặt, điệu bộ, nắm được những đặc điểm của văn hoá giao tiếp như ngữ điệu, điệu bộ, tư thế Quá trình phát âm của trẻ là một quá trình bao gồm việc ghi nhận các âm thanh (nghe bằng tai, nhìn bằng mắt cách thức phát âm) và tái hiện nó bằng âm thanh ngôn ngữ của mình.Trẻ tiếp thu âm thanh tiếng nói dần dần. Vào đầu độ tuổi mẫu giáo, bộ máy ngôn ngữ của trẻ đã hình thành. Tuy nhiên khả năng tái tạo ngôn ngữ chưa hoàn chỉnh trẻ thường nói không đúng một số thành phần khó của âm tiết như âm đầu, âm đệm hoặc thanh điệu; hay chúng ta thấy trẻ nói rất nhanh, không rõ ràng; khi nói miệng của trẻ há không đúng, sự cấu âm còn yếu; việc thở của trẻ có những đặc điểm riêng: thở nông, thở nhanh, liên tục khi nói. Những đặc điểm này thường gặp nhiều ở trẻ mẫu giáo, khi lớn lên sẽ ít gặp dần. Phát âm đúng đặc biệt quan trọng vì nghe và phát âm đúng là cơ sở để đọc và viết đúng sau này. II . ĐẶC ĐIỂM NGỮ ÂM CỦA TRẺ TỪ 0 - 6 TUỔI 1. Đặc điểm phát âm của trẻ giai đoạn tiền ngôn ngữ (từ 1-12 tháng tuổi) Thời kỳ tiền ngôn ngữ được hiểu là thời kỳ trước khi đứa trẻ dùng các ký hiệu ngôn ngữ để giao tiếp. Do việc hiểu khác nhau về khả năng giao tiếp của đứa trẻ mà có ý kiến cho rằng: Thời kỳ tiền ngôn ngữ bắt đầu từ sơ sinh đến 6 tháng tuổi (E. A Llorach,1968) hoặc có thể kéo dài đến khoảng 18 tháng tuổi. Theo tác giả Nguyễn Huy Cẩn, thời kỳ tiền ngôn ngữ ở trẻ em Việt Nam là từ sơ sinh đến 12 tháng tuổi. Bởi vì từ 1 tuổi trở đi giao tiếp của trẻ thay đổi về chất so với thời kỳ trước đó. Cũng khoảng lứa tuổi này trẻ bắt đầu học nắm và sử dụng các ký hiệu ngôn ngữ quy ước. 38
  39. Nghiên cứu về giao tiếp của đứa trẻ ở giai đoạn tiền ngôn ngữ, ngoài việc xác định tính chất của các âm tố phát ra của trẻ, người ta còn tìm kiếm các mối quan hệ và các bước chuyển từ hành động, cử chỉ đến ký hiệu. Sự tìm kiếm này tiến hành qua sự phân tích: Trẻ - Đối tượng - Người lớn. Và tìm hiểu các nhân tố kích thích đối việc hình thành các phương tiện giao tiếp. Trong đó đặc biệt chú ý phân tích sự phát triển ý định giao tiếp của trẻ, sự biến đổi về mặt chức năng của các phương tiện cảm giác - vận động và các hành phát âm của đứa trẻ; sự hình thành các phương tiện giao tiếp đầu tiên và những cơ sở cho sự hình thành, phát triển các cấu trúc sau này của đứa trẻ. - Những hành vi giao tiếp khởi đầu giữa đứa trẻ và người lớn Trẻ 1-2 tháng tuổi khi đói, lạnh, rét, ốm đau thường hay khóc và vận động chân tay. Những tiếng khóc của đứa trẻ được coi là phương tiện giao tiếp đầu tiên sớm nhất. Cũng từ 1-2 tháng trẻ bắt đầu giao tiếp với những người lớn thông qua hành vi nựng yêu. Có thể xem hành vi nựng yêu của trẻ là bài tập nói đầu tiên.Về mặt ngữ âm, đứa trẻ được luyện tập các cử động đầu tiên của lưỡi, môi, thính giác. Dần dần đứa trẻ bắt đầu chú ý hơn đến lời nói của những người xung quanh, trẻ quay đầu, hướng mắt về phía có tiếng nói.Tuy vậy giao tiếp lúc này giữa trẻ và những người xung quanh thuần tuý mang tính cảm xúc mà chưa thể hiện mục đích rõ ràng nào. Hoạt động phát âm của trẻ còn mang tính bản năng, bởi vì mọi trẻ thơ có sức khoẻ bình thường đều có hiện tượng “hóng chuyện”. Trẻ 3-6 tháng trẻ có khả năng cảm nhận được phương tiện cảm xúc của lời nói thông qua giọng điệu, là cái chung nhất bao trùm lên toàn bộ câu nói. Nghe giọng điệu mạnh, dữ dội như khi ta quát mắng trẻ khóc và sợ hãi. Còn giọng điệu của những bài hát ru làm trẻ đỡ khóc hơn. - Sự tiến triển của khả năng phát âm ở mỗi giai đoạn trẻ thường phát âm những âm tố điển hình (chiếm khoảng 50- 70 %) còn một số kiểu âm tố khác thì ít được phát ra ít hơn. Thời kỳ sơ sinh: từ 1-2-3 tháng tuổi trẻ thường phát ra được các âm tố sau: gờ gờ, gừ gừ, a –a- a, ư- ư Có trẻ chỉ phát âm ra một trong dãy âm tố nói trên. Có thể còn thỉnh thoảng phát âm ra phụ âm họng [ h]. Từ 3 - 4 -5 tháng, trẻ thường phát âm ra một chuỗi âm gồm 2 -3 âm. Nguyên âm phát ra đầu tiên thường dài hơn các nguyên âm sau. Thời kỳ bập bẹ (từ 5- 12 tháng tuổi) Từ 5 – 6 tháng trẻ thường phát âm các phụ âm môi [ b, m, p, f] như bờ bờ, pù pù, phù phù Khoảng 7-8 tháng trẻ có thể phát ra các âm mặt lưỡi - ngạc [z], âm đầu lưỡi răng [v] và trẻ phát âm ra các âm bập bẹ gắn với các hoàn cảnh nhất định Từ 9- 12 tháng trẻ phát các phụ âm đầu lưỡi [ch], [nh], [tr] và kết hợp các nguyên âm [a-e-] như nhà, nhà ; trờ, trờ Và tất cả trẻ đều có thể phát ra 39
  40. các phụ âm [p, m, n] . Thời kỳ này trẻ phát ra các âm bập bẹ và trong hoàn cảnh đó các âm bập bẹ này mang một ý nghĩa nhất định, ví dụ: thấy mẹ bê một bát cháo, cháu muốn ăn nên phát ra: măm, măm, măm Âm bập bẹ gồm có hai loại: Âm bập bẹ không có nghĩa: là những âm được phát ra không thể hiện một nhu cầu mong muốn nào cả mà chỉ có tác dụng luyện bộ máy phát âm. Âm bập bẹ có nghĩa: là âm phát ra chỉ thể hiện một nhu cầu mong muốn nào đó của trẻ gắn với hoàn cảnh nhất định. Nét nổi bật của âm bập bẹ không có nghĩa là tính không ổn định giữa âm và nghĩa. Cùng một nhu cầu đòi ăn những giữa các trẻ khác nhau các âm biểu hiện cũng khác nhau: [pắp, pắp, pắp ], [măm, măm, măm ]. Ngoài các âm bập bẹ, ở trẻ xuất hiện những từ đầu tiên. Những từ đầu tiên của trẻ là những từ có cấu âm đơn giản, dễ phát âm như: bà, mẹ, cha, cá. gà Đồng thời những từ này là từ gọi tên của những người, đồ vật, con vật gần gũi thân thiết nhất đối với trẻ. Trong qua trình phát triển ngữ âm, các âm bập bẹ và các từ phát triển trong mối quan hệ qua lại. Những cháu có số lượng âm bập bẹ càng nhiều thì số lượng từ càng ít và ngược lại. Các cháu ở đầu một tuổi có một số âm bập bẹ còn khá nhiều nhưng đến 18 tháng lượng âm bập bẹ ít dần đi. Đến cuối hai tuổi thì các âm bập bẹ của trẻ dường như mất hẳn và nhường chỗ cho sự phát triển các từ chủ động. 2. Đặc điểm ngữ âm của trẻ từ 2-3 tuổi Trẻ từ 2-3 tuổi, cơ quan phát âm và tai nghe ngôn ngữ đã phát triển hoàn thiện hơn. Trẻ có khả năng phát âm đúng hầu hết các âm và thanh điệu. Số lượng từ tăng nhanh. Xét về số lượng các âm vị dần dần xuất hiện trong các từ của trẻ 2-3 tuổi, chúng ta thấy: - Các phụ âm đầu: Các phụ âm đầu của tiếng Việt đều đã xuất hiện dần dần trong các từ của trẻ 2-3 tuổi, trong đó các phụ âm như: b, m, đ, t, ch, th, n. Các phụ âm ít xuất hiện: g, ph, p Mặc dù các âm đầu của tiếng Việt xuất hiện ít trong các từ của trẻ 2-3 tuổi, nhưng cho tới 3 tuổi trẻ còn mắc lỗi ngữ âm. Hầu hết các phụ âm đầu lưỡi chưa được trẻ phát âm đúng hoàn toàn. Ví dụ: Âm k phát âm thành t: quá - toá Âm đ thành âm t: đóng - tóng Âm g thành âm h: gà - hà Âm l thành âm n: làm - nàm Âm kh thành âm h: không- hông Âm nh thành âm d: nhện - dện Âm th thành âm x: thử - xử Âm th thành âm ch: thật- chật 40
  41. Âm ch thành âm t: cháu- táu Âm s thành âm th: súng - thúng Âm ng thành âm nh: ngủ- nhủ. Trong số các phụ âm đầu thì phụ âm b, m được trẻ nói đúng nhất (đã được định vị). - Âm đệm: Âm đệm / W/ là âm tròn môi trong âm tiết tiếng Việt, là âm khó phát âm đối với trẻ 3 tuổi. Các từ có âm đệm khi phát âm thường bị lược bỏ. Ví dụ: hoa - ha quả - cả xoăn – xăn hoè – hè - Âm chính: Các nguyên âm dài, bốn nguyên âm ngắn và ba nguyên âm đôi đã xuất hiện trong các từ của trẻ dưới 3 tuổi. Nhưng có một số âm trẻ nói chưa đúng như: ê- â: ếch – ấc o - ă: xong – xăng i - ia: bút chì- bút chìa ươ - iê: hươu- hiêu; rượu - riệu Các nguyên âm được trẻ nói đúng: a, ă, ư. - Phụ âm cuối: Sáu phụ âm đã được xuất hiện trong vốn từ của trẻ dưới ba tuổi trong đó âm cuối n được xuất hiện khá nhiều; âm c, ch, p xuất hiện ít nhất. Có một số âm cuối bị trẻ phát âm sai.Ví dụ: Âm ng thành n: uống – uốn Âm m thành n: phim- phin Âm ch thành c: khuyếch khoác- khất khác -Thanhđiệu: Trong 6 thanh điệu của tiếng Việt thì thanh ngã và thanh hỏi chưa ổn định. Chúng thường bị trẻ chuyển đổi thành dấu nặng và dấu sắc. Ví dụ: Võng- vóng Ngủ- ngụ Ngủ- nhụ. 3. Đặc điểm ngữ âm của trẻ từ 3- 6 tuổi ở thời kỳ này trẻ hoàn thiện dần về mặt ngữ âm, các phụ âm đầu, âm cuối, âm đệm, thanh điệu dần dần được định vị. Trẻ phát âm đúng hầu hết các âm vị của tiếng mẹ đẻ, kể cả các âm, các vần khó (iêu, ươn, uông). Trẻ biết điều chỉnh nhịp điệu, cường độ giọng nói khi giao tiếp để phù hợp với hoàn cảnh; lời nói của trẻ rõ ràng, dứt khoát hơn. 41
  42. Tuy vậy, ở lứa tuổi này, trẻ nhỏ vẫn mắc một số lỗi về phát âm, còn nhầm lẫn khi phát âm một vài phụ âm và nguyên âm ( x /s, ch/t, ươ /uô) và thanh điệu ( ? / ~ ). Mỗi một cháu thường hay nói sai một âm hoặc một thanh riêng. Khi nói trẻ 3 - 4 tuổi hay nói chậm, kéo dài giọng, đôi khi còn ậm ừ, ê a, song các cháu vẫn phát âm sai thành âm đệm, âm cuối và thanh ngã. Trẻ 5-6 tuổi do phạm vi tiếp xúc rộng hơn, vốn từ và sự hiểu biết của trẻ giàu và phong phú hơn nên các chúa phát âm đúng hơn, phát âm được cả những âm khó đến cuối 6 tuổi, về cơ bản trẻ đã phát âm đúng, trừ một vài trường hợp trẻ phát âm sai do các lý do: khuyết tật bẩm sinh của cơ quan phát âm, do ảnh hưởng của môi trường sống (những người xung quanh trẻ phát âm sai dẫn đến trẻ bắt chước và phát âm theo). Căn cứ trên những đặc điểm phát âm của trẻ qua từng độ tuổi, ta có thể rút ra một số kết luận: Khả năng hoàn chỉnh về phát âm của trẻ được tăng dần theo từng độ tuổi, trẻ nhanh chóng định vị được các âm vị có cấu âm đơn giản. Còn những âm vị có cấu âm phức tạp trẻ dễ mắc lỗi, xong nếu tập luyện kiên trì thì hầu hết trẻ em đều có khả năng định vị các âm vị của tiếng mẹ đẻ (trừ các cháu có khuyết tật về cơ quan thính giác). 4. Phân loại nhược điểm ngữ âm của trẻ và các biện pháp khắc phục - Loại một: Là loại mà trẻ nào cũng có, do lứa tuổi và trình độ phát triển chung của trẻ. Stécnơ đã nói: Bất kỳ một từ nào mà các trẻ tiếp thu được đều phải nghe bằng tai, hiểu được bằng ý thức, phải phát âm trở lại và phải được lưu chuyển lại trong trí nhớ”. Từ đó có thể chỉ ra nguyên nhân nhược điểm ngữ âm: a. Nhược điểm về cảm giác: do trẻ chưa phân biệt được sự khác nhau rất tinh tế trong cách phát âm mà chỉ tiếp nhận một cách chung chung. Ví dụ: trẻ nghe: tai- tay. Để khắc phục nhược điểm này, người lớn cần có những bài tập - trò chơi chuyên biệt luyện tai nghe cho trẻ, cũng như khi khi nói phải rõ ràng mạch lạc với tốc độ vừa phải dễ nghe để tạo điều kiện cho trẻ nghe tốt. b. Khả năng chú ý của trẻ còn yếu, không ổn định nên trẻ chưa chú ý được đều đặn đối với từng phần của tiếng trong từng lời nói Vì vậy những âm được đọc lướt trẻ dễ bị bỏ qua, không chú ý. Vì vậy muốn khắc phục nhược điểm này, ngoài việc luyện phát khả năng chú ý của trẻ qua các bài tập trò chơi người lớn cần tạo điều kiện để tập cho trẻ khả năng chú ý: không quá ồn ào, nói có ngữ điệu, diễn cảm, giải thích để trẻ hiểu rõ nghĩa của từng từ trong các tình huống. c.Nhược điểm về vận động Khả năng phân tiết và cấu tạo cơ quan phát âm của trẻ phát triển chưa đầy đủ nên trẻ chưa có thể phát âm đúng các âm khó. Để thúc đẩy sự phát triển khả 42
  43. năng vận động của cơ quan phát âm, cô giáo cần có những trò chơi luyện tập thích hợp. Người lớn cần chú ý không nhắc lại lỗi sai của trẻ vì trẻ sẽ bắt chước và làm quen với cách cấu âm đó. d. Trí nhớ của trẻ còn hạn chế nên trẻ chưa có thể nhớ hết khối lượng các âm tiếp thu, cũng như trật tự tiếng nói trong lời nói. Vì vậy cần có những bài tập luyện trí nhớ cho trẻ. e. Kinh nghiệm sống của trẻ còn nghèo nàn, nhận thức của trẻ còn hạn chế dẫn đến tình trạng trẻ dùng từ không chính xác, câu lủng củng. - Loại thứ hai: Là nhược điểm thuộc phạm vi giải phẩu sinh lý và vật lý. Những hiện tượng sinh ra nhược điểm ngôn ngữ như sứt môi, răng hở, nói lắp, câm điếc Những trẻ thuộc loại nhược điểm này cần được chữa trị và dạy dỗ bởi các nhà chuyên môn, chuyên ngành. - Loại thứ ba: là do ảnh hưởng tiếng địa phương, do ảnh hưởng ngôn ngữ không chuẩn mực của những người xung quanh.Cần tránh không cho trẻ nghe những hình thái ngôn ngữ không chính xác. Vậy cần nâng cao trình độ ngôn ngữ của những người xung quanh. Đặc biệt đối với những người có ngôn ngữ không chuẩn mực; Người lớn phải hiểu những nguyên nhân lỗi sai của trẻ và tìm cách khắc phục mọi lúc mọi nơi bằng nhiều biện pháp khác nhau. III. NỘI DUNG, PHƯƠNG PHÁP LUYỆN PHÁT ÂM CHO TRẺ Ở TỪNG LỨA TUỔI 1. Nội dung, phương pháp luyện phát âm cho trẻ giai đoạn tiền ngôn ngữ a. Nội dung, phương pháp luyện phát âm cho trẻ giai đoạn 2- 4 tháng tuổi - Nội dung: Hình thành sự tập trung thính giác và thị giác cho trẻ. Hình thành các phức hợp vận động nhỏ như: sự thích thú qua nét mặt, sự cử động chân tay, sự âu yếm, trò chuyện của người lớn, nhìn vào mặt của người lớn, phát âm nhỏ (gừ gừ). - Phương pháp, biện pháp: Trẻ học nói bằng cách dựa vào người lớn, vì vậy trò chuyện với trẻ là phương pháp ưu việt để dạy cho trẻ nói. Khi trò chuyện với trẻ, người mẹ, người lớn cần nói với âm điệu nhẹ nhàng, âu yếm tạo được sự âu yếm tình cảm giữa người nói với trẻ để kích thích nhu cầu học nói của trẻ. Trẻ học nói trong sinh hoạt hàng ngày, vì vậy cần nói chuyện với trẻ càng nhiều càng tốt, trong mọi lúc, mọi nơi ( khi chăm sóc, cho trẻ ăn uống, vệ sinh). Đối với trẻ lứa tuổi này, cô giáo nên nói chuyện trực tiếp với từng trẻ. Khi nói chuyện cô giáo nên gọi tên trẻ để trẻ nhìn thẳng vào mặt cô đồng thời cô cầm tay trẻ, hoặc vuốt ve người trẻ. Cô giáo có thể đưa đồ chơi có màu sắc sặc sỡ, có tiếng kêu khác nhau ra trước mắt trẻ và kết hợp trò chuyện để trẻ vừa xem vừa nghe âm thanh ngôn ngữ 43