Định đô Thăng Long - Bước trưởng thành vượt bậc của dân tộc

pdf 11 trang ngocly 2210
Bạn đang xem tài liệu "Định đô Thăng Long - Bước trưởng thành vượt bậc của dân tộc", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfdinh_do_thang_long_buoc_truong_thanh_vuot_bac_cua_dan_toc.pdf

Nội dung text: Định đô Thăng Long - Bước trưởng thành vượt bậc của dân tộc

  1. ĐỊNH ĐÔ THĂNG LONG - BƯỚC TRƯỞNG THÀNH VƯỢT BẬC CỦA DÂN TỘC PGS.TS Vũ Văn Quân Kinh đô - thủ đô là trung tâm quyền lực quốc gia[1]. Quyền lực đó phải được tập trung và lan toả. Có như vậy mới đáp ứng được yêu cầu và hiệu quả về quản lý và phát triển đất nước, tạo nên sự gắn kết quốc gia - dân tộc. Vì thế, chọn lựa vị trí để dựng đặt kinh đô - thủ đô là một vấn đề lớn, có đúng đắn nhưng cũng có sai lầm, mặt khác nữa - do tác động bởi nhiều yếu tố mang tính lịch sử, cũng không phải là nhất thành bất biến. Cũng chính vì thế, phần lớn các quốc gia trên thế giới, trong suốt quá trình lịch sử của mình, việc dời chuyển kinh đô - thủ đô là chuyện bình thường. Thậm chí, đến nay, vẫn đang còn diễn ra. Vậy đâu là đúng đắn khi chọn lựa vị trí dựng đặt kinh đô - thủ đô? Ở đây phải giải bài toán giữa địa điểm và khả năng phát triển thành “trung tâm quyền lực quốc gia”. Đó là sự tổng hợp của tất cả các nhân tố tự nhiên, kinh tế, xã hội, văn hoá. Kinh tế, xã hội, văn hoá được quy định nhiều bởi tự nhiên. Lợi thế tự nhiên (địa hình, khí hậu, thuỷ văn) thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội, văn hoá. Nhưng như thế chưa đủ - tất cả những thế mạnh này phải được đặt ở một vị trí địa lý - không gian tối ưu nhất để, thứ nhất - cộng hưởng với yếu tố trung tâm chính trị - hành chính quốc gia vốn được tạo ra bởi chủ quan của lực lượng cầm quyền để phát triển và thứ hai - khả năng phủ - toả của quyền lực đó trên phạm vi toàn quốc. Trong điều kiện thời cổ trung đại, khi khoa học kỹ thuật chưa phát triển, cơ sở hạ tầng còn thấp kém, đó thường phải ở vị trí “trung tâm” - theo nghĩa “ở giữa”. Sau này, từ thời cận đại, khi khoa học đã phát triển, cơ sở hạ tầng đã hiện đại - nhất là
  2. trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, yêu cầu này không còn mang ý nghĩa tiên quyết nữa. Trên những ý nghĩa như thế, lập đô là một việc lớn, liên quan không chỉ đến tầng lớp thống trị, mà còn quyết định đến sự an nguy của xã tắc, sự phát triển hay tụt hậu của quốc gia - dân tộc. Vương triều Lý ra đời năm 1009 mở đầu một thời kỳ phát triển mạnh mẽ của quốc gia người Việt, của một “thời đại Lý - Trần” vàng son trong lịch sử Việt Nam. Ngay sau ngày lên ngôi, Lý Thái Tổ đã quyết định dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La, đổi tên thành Thăng Long. Sự kiện này, xét trên mọi chiều cạnh, phản ánh một bước trưởng thành vượt bậc của dân tộc. 1. Trưởng thành về lực lượng Năm 905 Khúc Thừa Dụ xưng nền tự chủ - mở đầu một thế kỷ quá độ - bản lề của lịch sử Việt Nam[2]. Tuy nhiên, đó mới chỉ là mốc khởi đầu. Với hai nội dung cơ bản là độc lập dân tộc và thống nhất quốc gia, thế kỷ X là cuộc đấu tranh không ngừng của cha ông ta để thực hiện các mục tiêu đó. Bao trùm hơn cả là cuộc đấu tranh giành, giữ và khẳng định nền độc lập dân tộc. Với Khúc Thừa Dụ - rồi họ Khúc, họ Dương (905 - 937) - nền tự chủ của người Việt đã được khôi phục, nhưng phải đến chiến thắng Bạch Đằng (938) nền độc lập của người Việt mới được xác lập đầy đủ, cả trên thực tế, cả trên danh nghĩa, và phải đến chiến thắng chống Tống lần thứ nhất (981), nền độc lập đó mới được khẳng định một cách mạnh mẽ. Dồn dập các sự kiện quân sự để rồi qua mỗi sự kiện đó người Việt thêm một bước lớn mạnh, nền tự chủ - độc lập của người Việt thêm một lần được khẳng định. Đánh bại nhà Tống - một đế chế đã thống nhất Trung Quốc và đang trên đường hùng mạnh - là thắng lợi vĩ đại của cha ông ta, nó chứng tỏ sự lớn mạnh vượt bậc về lực lượng của người Việt trên mọi phương diện và khẳng định vững chắc chủ quyền, nền độc lập của dân tộc.
  3. Thứ hai, đây cũng là thế kỷ của cuộc đấu tranh giữa hai khuynh hướng tập quyền thống nhất và phân tán cát cứ. Dưới thời Bắc thuộc, từ khoảng thế kỷ VI, trong lòng xã hội người Việt đã hình thành tầng lớp hào trưởng địa phương giàu có. Nhờ có tinh thần dân tộc muốn thoát khỏi sự lệ thuộc vào phong kiến Trung Hoa, tầng lớp này đã giành được uy tín lớn trong nhân dân và trở thành người phất cờ trong các phong trào khởi nghĩa vũ trang giành độc lập dân tộc. Tuy nhiên, khi nền tự chủ - độc lập đã giành lại được, nhất là khi người đại diện cho các chính quyền tự chủ - độc lập đó không đủ công huân, tài năng và uy tín thì các hào trưởng với thuộc tính cố hữu là cục bộ địa phương sẽ lập tức trỗi dậy. Đỉnh điểm của xu hướng này là cục diện mười hai sứ quân xuất hiện sau khi Ngô Quyền mất (944), chính quyền trung ương nhà Ngô suy yếu và tan rã (965). Đó là một bất lợi lớn ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của đất nước, đến nền độc lập vừa mới giành lại được. Bởi, chúng ta biết, hai nhiệm vụ có tính lịch sử của Việt Nam xuất phát từ vị trí địa lý, địa hình và đặc điểm khai phá châu thổ sông Hồng là chống ngoại xâm và trị thủy. Đó cũng chính là những nhân tố tác động đến sự ra đời của nhà nước Văn Lang trong điều kiện phân hóa xã hội chưa cao, đồng thời là những nhân tố luôn tác động, quy định nhiều nội dung và đặc điểm của lịch sử Việt Nam sau nay. Cụ thể và đặc biệt là, để thực hiện hiệu quả hai nhiệm vụ đó, chính quyền nhà nước - nhất là chính quyền trung ương phải vững mạnh, quốc gia phải thống nhất. Vì thế, tập quyền và thống nhất quốc gia phải là yêu cầu và xu thế của lịch sử Việt Nam. Đinh Bộ Lĩnh cờ lau dẹp loạn, lần lượt đánh dẹp các sứ quân, thống nhất đất nước, khôi phục chính quyền trung ương đánh dấu một thành tựu, một bước trưởng thành trên “con đường dân tộc” của dân tộc Việt Nam, khẳng định sự thắng thế của yêu cầu và xu hướng tập quyền và thống nhất đất nước. Thứ ba, thế kỷ X, dù phải tập trung cao độ nỗ lực vào việc thực hiện các nhiệm vụ trên, nhưng cũng là thế kỷ bước đầu của công cuộc dựng xây đất nước. Thể chế nhà nước từng bước được xây dựng quy củ - trong đó rất đáng chú ý là những cải cách trên phương diện hành chính - tổ chức lại hệ thống chính quyền địa
  4. phương. Kinh tế có bước tiến nhất định, với nhiều sông ngòi được khai thông, đường sá được mở mang, vua đi cày ruộng tịch điền (Lê Hoàn) để khuyến khích chăm lo nông nghiệp Văn hoá, bên cạnh phần lớn bình dân - dân giã - dân gian, ngày càng đông đảo tầng lớp sư tăng - trí thức uyên bác và lịch lãm Tóm lại, thế kỷ X với quá nhiều các hoạt động quân sự để giành và giữ nền độc lập dân tộc, để khắc phục khuynh hướng phân tán cát cứ đã kết thúc với sự khẳng định vững chắc nền độc lập dân tộc, với sự thắng thế của xu hướng tập quyền và thống nhất quốc gia. Thành tựu đó là cộng dồn của cả một thế kỷ cha ông ta nỗ lực không ngừng, của đóng góp của họ Khúc, họ Dương, của các nhà Ngô, Đinh, Tiền Lê. Nó là bằng chứng về bước trưởng thành vượt bậc của lực lượng dân tộc, làm tiền đề cho cuộc bứt phá vĩ đại, mà sự kiện dời đô vừa như một biểu hiện, vừa như một mốc mở đầu. 2. Trưởng thành về nhận thức Xét trên nhiều ý nghĩa, Thăng Long - Hà Nội hội đủ những điều kiện căn bản để trở thành kinh đô - trung tâm quốc gia. Vùng đất này ở vào vị trí “trung tâm” đất nước, trung tâm châu thổ sông Hồng, điều kiện tự nhiên thuận lợi, đủ thế mạnh để hội tụ và lan toả. Có lẽ vì thế, một cách “tự nhiên”, từ rất sớm những lợi thế này đã được phát hiện. Bằng chứng là, sau kháng chiến chống Lương thắng lợi năm 542, Lý Bí - Lý Nam Đế đã chọn vùng trung tâm Hà Nội ngày nay để đặt thủ phủ, dựng thành luỹ, mở chùa Khai Quốc - tiền thân của chùa Trấn Quốc ngày nay. Nhiều nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng, có thể coi Lý Bí là người Việt đầu tiên đã nhận ra vị trí trung tâm đất nước của Thăng Long - Hà Nội. Tiếp đấy, đến thời các chính quyền đô hộ Trung Hoa Tùy và Đường, cũng đã chọn nơi đây làm thủ phủ. Năm 607 nhà Tùy chuyển trị sở quận Giao Chỉ (vùng Bắc Bộ) từ Long Biên (Bắc Ninh) về Tống Bình (Hà Nội). Năm 679, nhà Đường lập An Nam đô hộ phủ (vùng lãnh thổ Việt Nam từ Đèo Ngang trở ra và một phần phía nam hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây của Trung Quốc), Tống Bình trở thành trị sở của An Nam đô hộ phủ. Một hệ thống thành luỹ và dinh thự được xây dựng: năm 621,
  5. Tổng quản Khâu Hòa xây Tử Thành (thành con) bên sông Tô Lịch, năm 767 Kinh lược sứ Trương Bá Nghi đắp La Thành[3], năm 866 Tiết độ sứ Cao Biền đắp Đại La thành “ chu vi 1.980 trượng 5 thước (6,139km), cao 2 trượng 6 thước (8,06m), chân thành rộng 2 trượng 6 thước (8,06m), bốn mặt xây nữ tường (tường nhỏ xây trên thành lớn) cao 5 thước 5 tấc (1,7m), 55 địch lâu (lầu vọng địch), 5 môn lâu (lầu xây trên cửa thành), 6 ủng môn (cửa tò vò, cửa nách), 3 ngòi nước, 34 con đường; lại đắp đê chu vi 2125 trượng 8 thước (6,589 km), cao 1 trượng 5 thước (4,65m), chân đê rộng 3 trượng (9,3m), lại dựng hơn 5.000 gian nhà”[4]. Dường như đặc tính “đất đế vương” của Thăng Long - Hà Nội là một cái gì đó tự nhiên, dễ nhận thấy và đã được nhận thấy từ rất sớm. Việc Lý Công Uẩn dời đô ra thành Đại La có thể coi là sự tiếp nối của nhận thức đó. Nhưng khác với trước đó, đây là lần đầu tiên, nhận thức đó được “tuyên ngôn” với những phân tích toàn diện - phản ánh một tư duy khoa học đáng kinh ngạc của Lý Công Uẩn về vị thế của Thăng Long - Hà Nội qua Chiếu dời đô: “ Huống chi thành Đại La, đô cũ của Cao Vương, ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi mãi muôn đời ”[5]. Từ cảm nhận tự nhiên (Lý Bí) đến nhận thức khoa học (Lý Công Uẩn) là một bước tiến, bước trưởng thành quan trọng của người Việt Nam trong nhận thức về vị thế của vùng đất Thăng Long - Hà Nội này. 3. Trưởng thành về tư duy quản lý đất nước Đó là tư duy cầm quyền dựa trên quan điểm phát triển, lấy phát triển để tạo ra khả năng phòng thủ. Kinh đô - thủ đô là trung tâm quyền lực của đất nước, là trung tâm chính trị, hành chính quốc gia. Trong điều kiện đặc thù của Việt Nam với hai nhiệm vụ lịch sử mang tính hằng xuyên là chống ngoại xâm và trị thuỷ luôn đòi hỏi một thiết chế chính trị tập quyền cao với một chính quyền nhà nước
  6. trung ương mạnh và trạng thái quốc gia thống nhất thì vai trò của kinh đô - thủ đô lại càng đặc biệt quan trọng. Vấn đề ở đây là phải giải bài toán giữa mục tiêu đảm bảo an ninh với yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội và văn hoá. Có khi hy sinh cái này để đảm bảo cái kia và ngược lại. Trên một ý nghĩa nhất định, hai nhà Đinh - Tiền Lê đóng đô ở Hoa Lư là sự lựa chọn ưu tiên cho mục tiêu an ninh vì Hoa Lư ở vào địa thế hiểm yếu, khả năng phòng thủ tốt. Đó có thể coi là lựa chọn “không thể khác” trong bối cảnh bấy giờ[6]. Trong điều kiện một chính quyền - nhất là chính quyền trung ương chưa thực sự vững mạnh, nguy cơ xâm lăng từ phương Bắc và sự trỗi dậy của các thế lực cát cứ luôn tiềm ẩn thì việc chọn Hoa Lư làm kinh đô của hai nhà Đinh và Tiền Lê có thể coi là hợp lý. Hoa Lư dù không thật cô lập do vẫn có hệ thống giao thông - nhất là đường thủy thông với bên ngoài, nhưng có địa thế hiểm trở. Đóng đô ở Hoa Lư là một sự lựa chọn đảm bảo an toàn hơn cho chính quyền trung ương trong những điều kiện như thế[7]. Nhưng Hoa Lư không thuận lợi về vị trí, về điều kiện tự nhiên để phát triển thành trung tâm kinh tế, văn hoá số một của đất nước. Vì thế, lựa chọn này, trên một ý nghĩa nhất định, có thế xem là sự “hy sinh” phát triển để đáp ứng yêu cầu an ninh. Còn Thăng Long - Hà Nội, với vị trí ấy, điều kiện tự nhiên và lịch sử ấy tập trung rất nhiều lợi thế để phát triển thành trung tâm chính trị, hành chính, văn hoá số một của đất nước. Nhưng Thăng Long - Hà Nội lại cũng có hạn chế lớn, là ở vào nơi rất trống trải giữa vùng đồng bằng, khả năng phòng thủ kém. Chọn Thăng Long làm kinh đô là để phát triển mạnh mẽ đất nước, không phải là sự đánh đổi - hy sinh yếu tố an ninh để phát triển, mà là lấy phát triển để tạo ra khả năng quốc phòng, để đảm bảo an ninh. Có thể nhận thấy thực tế này ngay sau đó mấy thập kỷ kể từ khi vương triều Lý được thành lập. Từ Lý Công Uẩn định đô Thăng Long, quốc gia Đại Cồ Việt - Đại Việt bước vào thời kỳ phát triển mạnh mẽ. Lý Công Uẩn và các vua nhà Lý sau này, đã trên cơ sở trung tâm chính trị, hành chính Đại La của chính quyền đô hộ phương
  7. Bắc thời Tùy, Đường xây dựng Thăng Long trở thành trung tâm chính trị - hành chính, trung tâm kinh tế và trung tâm văn hóa số một của đất nước. Bộ máy nhà nước trung ương được xây dựng và kiện toàn theo hướng tập quyền nên Thăng Long ngay từ đầu đã trở thành trung tâm quyền lực với sự tập trung cao. Bộ máy quan lại và quân đội tập trung về Thăng Long làm thay đổi tính chất và làm sống dậy đô thị này: đời sống kinh tế, đời sống văn hóa đều phát triển mạnh mẽ. Thăng Long thời Lý, bên cạnh vai trò trung tâm chính trị, hành chính quốc đã nhanh chóng phát triển trở thành trung tâm kinh tế, trung tâm văn hóa số một của quốc gia Đại Cồ Việt - Đại Việt. Tính chất hội tụ (tập trung quyền lực, hội tụ cư dân), kết tinh (văn hóa) và lan tỏa (quyền lực và văn hóa) của Thăng Long thời Lý dần định hình. Trên cơ sở đó, Thăng Long cùng với cả nước thời Lý đã đạt được những thành tựu hết sức rực rỡ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Từ trung tâm quyền lực Thăng Long, nhà Lý đã thực hiện được sự kiểm soát tương đối hiệu quả trên phạm vi cả nước và phát huy mạnh mẽ ảnh hưởng ra bên ngoài; từ trung tâm quyền lực Thăng Long nhà Lý đã tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến chống Tống (1075 - 1077) bằng quyết định vô tiền khoáng hậu trong lịch sử kháng chiến chống ngoại xâm của Việt Nam: đem 10 vạn quân sang đất Tống, triệt phá các căn cứ xâm lăng của Tống (ở Khâm Châu, Liêm Châu và nhất là thành Ung Châu) và, đặc biệt, bảo vệ an toàn trọn vẹn cho kinh thành bằng phòng tuyến sông Như Nguyệt - kỳ tích mà các triều đại về sau hầu như không thực hiện được. Rõ ràng, sức mạnh của quốc gia, của kinh đô đã là một nhân tố mang ý nghĩa quyết định đến khả năng phòng thủ vững chắc của đất nước, của kinh đô trước xâm lược ngoại bang mà cuộc kháng chiến chống Tống ở cuối thế kỷ XI là một ví dụ sinh động - cũng là bằng chứng sinh động về giải quyết mối quan hệ giữa phát triển với an ninh - quốc phòng. 4. Trưởng thành về trách nhiệm Một thực tế phải thừa nhận là, sự ra đời của vương triều Lý, định đô Thăng Long - mốc mở đầu cho thời kỳ phát triển rực rỡ của quốc gia Đại Cồ Việt - Đại
  8. Việt, là dựa trên những tiền đề được tạo ra trong suốt một thế kỷ nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi của cha ông ta. Lý Công Uẩn dời đô là dựa trên cơ sở của những thành tựu, của sự lớn mạnh lực lượng dân tộc ấy kết hợp với nhận thức sáng suốt về vị thế của vùng đất này và tư duy cầm quyền - quản lý đất nước khoa học của ông và rộng ra là của người Việt Nam lúc này. Nhưng còn một khía cạnh nữa để góp thành một nhân tố làm nên sự kiện lịch sử lớn lao này - đó là trách nhiệm của Lý Công Uẩn, cũng như cả triều đình Hoa Lư bấy giờ trước sự hưng thịnh của đất nước. Trách nhiệm đó thể hiện ở sự trăn trở của Lý Công Uẩn trước quyết định dời đô: “Ngày xưa, nhà Thương đến đời Bàn Canh năm lần dời đô, nhà Chu đến Thành Vương ba lần dời đô, há phải các vua thời Tam đại ấy theo ý riêng tự dời đô xằng bậy đâu. Làm như thế cốt để mưu nghiệp lớn, chọn ở chỗ giữa, làm kế cho con cháu muôn đời, trên kính mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu có chỗ tiện thì dời đổi, cho nên vận nước lâu dài, phong tục giàu thịnh. Thế mà hai nhà Đinh, Lê lại theo ý riêng, coi thường mệnh trời, không noi theo việc cũ Thương, Chu, cứ chịu yên đóng đô nơi đây, đến nỗi thế đại không dài, vận số ngắn ngủi, trăm họ tổn hao, muôn vật không hợp. Trẫm rất đau đớn, không thể không dời”[8]. Trách nhiệm đó thể hiện ở sự sẵn sàng trước những bất lợi của vùng đất thành Đại La. Trong Chiếu dời đô chỉ thấy Lý Công Uẩn phân tích về những lợi thế của thành Đại La mà không thấy nhắc đến những hạn chế của vùng đất này. Nhưng điều đó không có nghĩa là Lý Công Uẩn và triều đình Hoa Lư không thấy được những điểm yếu của nơi đây. Bản thân Lý Công Uẩn và những cố vấn thân cận nhất của ông chắc chắn đều hiểu rất rõ những hạn chế đó, mà lớn nhất là tính chất trống trải, khả năng phòng thủ kém của vị trí này. Nhưng Lý Công Uẩn và triều đình do ông đứng đầu đã không theo cách của hai nhà Đinh - Lê mà gia cố Hoa Lư hay về quê Cổ Pháp đóng đô. Quyết định ra thành Đại La “ở giữa khu vực trời đất”, Lý Công Uẩn đã không “theo ý riêng”, chấp nhận “mạo hiểm” để “tính kế” cho muôn đời con cháu mai sau. Đó là một tinh thần trách nhiệm nghiêm túc
  9. trước xã tắc, trước vận hội phát triển của đất nước, đành rằng việc dời đô là dựa trên sự chuẩn bị về lực lượng của cả thế kỷ X, là thể hiện sự tự tin vào sự trưởng thành của Đại Cồ Việt của Lý Công Uẩn. * Nhà Lý ra đời và dời đô ra Thăng Long đã chính thức khép lại một thế kỷ với dồn dập những sự kiện quân sự, với sự thay đổi liên tục các dòng họ - triều đại cầm quyền, với sự “loay hoay” của cha ông ta trong dựng đặt kinh thành[9] - để mở đầu một thời kỳ mới phát triển rực rỡ của quốc gia dân tộc - của kỷ nguyên Đại Việt, văn hoá Thăng Long. Nó phản ánh bước tiến lớn, bước trưởng thành vượt bậc của người Việt về lực lượng, về nhận thức, về tư duy quản lý đất nước và về trách nhiệm trước vận hội đi lên của đất nước trên con đường phục hưng và phát triển. [1]“Quyền lực” ở đây được hiểu theo nghĩa là lực lượng - sức mạnh; “trung tâm quyền lực” ở đây cũng được hiểu theo nghĩa rộng, không chỉ là quyền lực chính chính trị - hành chính, mà còn là quyền lực kinh tế, quyền lực văn hoá. [2]Tham khảo: Thế kỷ X những vấn đề lịch sử, Nxb KHXH, Hà Nội, 1984. [3]La Thành vốn không phải là một danh từ riêng như xác nhận của hầu hết các nhà nghiên cứu. “La” có nghĩa là bao bọc, “la thành” là thành bao (ôm lấy) Tử Thành, rồi sau dần trở thành một danh từ riêng. [4] Việt sử lược, bản dịch của Trần Quốc Vượng, Nxb Văn Sử Địa, Hà Nội,1959, tr. 37. [5] Đại Việt sử ký toàn thư, bản dịch, Nxb KHXH, Hà Nội, 1998, tập I, tr. 241. [6] Việc nhà Đinh và nhà Tiền Lê lựa chọn Hoa Lư làm kinh đô là điều có thể giải thích được trong bối cảnh:
  10. - Trước hết, phải thừa nhận một thực tế, dưới thời họ Khúc, họ Dương và các triều Ngô, Đinh, Tiền Lê chính quyền nói chung - nhất là chính quyền trung ương chưa thực sự vững mạnh. Họ Khúc, họ Dương vẫn cơ bản sử dụng mô hình tổ chức và bộ máy cai trị dưới thời thuộc Đường. Các nhà Ngô, Đinh, Tiền Lê tuy có nhiều nỗ lực trong việc thiết lập một mô hình tổ chức và bộ máy cai trị mang tính tập quyền nhưng trên thực tế chưa thực sự có hiệu quả. - Trong khi đó, xâm lược của phong kiến phương Bắc nhằm tái áp đặt ách đô hộ diễn ra liên tục trong thế kỷ X. Tính từ ngày Khúc Thừa Dụ xưng nền tự chủ (905), trong thế kỷ X đã ít nhất ba lần phong kiến Trung Hoa tiến hành chiến tranh xâm lược: hai cuộc xâm lược của nhà Nam Hán vào các năm 930 và 938 và đặc biệt là cuộc xâm lược của nhà Tống vào năm 981. - Đồng thời với nguy cơ xâm lược của phong kiến phương Bắc là sự trỗi dậy của các thế lực cát cứ. Đỉnh điểm của xu hướng này là cục diện mười hai sứ quân xuất hiện sau khi Ngô Quyền mất, chính quyền trung ương nhà Ngô suy yếu. [7]Cùng với việc lựa chọn Hoa Lư với địa thế hiểm trở, để bảo vệ chính quyền trung ương trước sự tấn công của phong kiến phương Bắc và của các thế lực cát cứ chống đối trong nước, các nhà nước Đinh, Tiền Lê áp dụng các biện pháp cai trị rất khắt khe cũng như đặc biệt tăng cường quân đội. Sử chép đến những hình phạt khốc liệt được áp dụng dưới hai triều Đinh, Tiền Lê như đặt vạc dầu, nuôi hổ đói để xử tử người có tội ; quân đội dưới thời Đinh đông tới một triệu người (?). [8]Đại Việt sử ký toàn thư, bản dịch, Sđd, tr. 241. [9]Thế kỷ X có ít nhất 5 hoạt động quân sự lớn liên quan đến cuộc đấu tranh giành và bảo vệ nên độc lập dân tộc: khởi nghĩa chống Đường năm 905, xâm lược của Nam Hán năm 930, kháng chiến chống Nam Hán lần thứ nhất năm 931, kháng chiến chống Nam Hán lần thứ hai năm 938, kháng chiến chống Tống lần thứ nhất năm 981; có 5 dòng họ - triều đại thay thế nhau: họ Khúc (905 - 930), họ Dương (931 - 937), nhà Ngô (939 -965), nhà Đinh (968 - 980), nhà Tiền Lê (981 - 1009);
  11. có 3 lần chuyển đổi thủ phủ - kinh thành: Đại La (hai họ Khúc, Dương), Cổ Loa (nhà Ngô), Hoa Lư (hai nhà Đinh, Tiền Lê). Bài in trong Kỷ yếu hội thảo khoa học 1000 năm Vương triều Lý và kinh đô Thăng Long, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2009