Địa lí nông nghiệp Việt Nam

pdf 9 trang ngocly 2280
Bạn đang xem tài liệu "Địa lí nông nghiệp Việt Nam", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfdia_li_nong_nghiep_viet_nam.pdf

Nội dung text: Địa lí nông nghiệp Việt Nam

  1. ĐỊA LÍ NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM Lịch sử phát triển nông nghiệp Việt Nam đã để lại cho hiện tại và tương lai những bài học giá trị. Thời Pháp thuộc hàng triệu người đã chết đói, nhiều triệu người khác thiếu ăn. Nhưng giờ đây, Việt Nam đã vươn lên đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu gạo, nhờ có những chủ trương, cơ chế đúng đắn. Trong thế kỷ 20 Việt Nam đã trải qua ba cuộc chiến tranh và hai cuộc khủng hoảng kinh tế lớn (1930 và 1985). Thế mà dân số nước ta trong thời gian này vẫn tăng hơn sáu lần với suất tăng trưởng hơn 2% năm, trong cả suốt thế kỷ 19 dân số chỉ tăng chưa đến ba lần với suất tăng trưởng dưới 1%. Đến 1990 tốc độ tăng dân số vẫn còn cao hơn tăng lương thực, nhưng chỉ trong thập kỷ cuối cùng của thế kỷ 20, sản lượng lương thực và thóc gạo đã vượt lên và trong cả thế kỷ đã tăng gần tám lần. Nếu sản lượng thóc trên đầu người đầu thế kỷ là hơn 300 kg, thì cuối thế kỷ đã tăng lên hơn 400 kg.
  2. Nông nghiệp vào đầu thế kỷ chủ yếu là nền nông nghiệp cổ truyền, dựa trên nền kinh tế gia đình nông dân và cộng đồng làng xã. Nghề trồng lúa chủ yếu dựa vào nước trời và đầu tư lao động, chưa có cải tiến kỹ thuật đáng kể. Năng suất lúa khoảng 12 tạ/ha, sản lượng vừa đủ ăn một cách khó khăn. Sản lượng tăng chủ yếu do khai phá thêm đất đai. Ở Bắc kỳ từ 1925 đến 1926 đã có 35 lần vỡ đê. Chính quyền Pháp đã bắt đầu xây dựng một số công trình tưới tự chảy. Ở đồng bằng sông Cửu Long đất nhiều và ít dân, diện tích trồng lúa tăng nhanh nhờ việc đào kênh, khiến dư thừa thóc gạo để xuất khẩu. Sở hữu ruộng đất không đồng đều, ở miền bắc không có nhiều địa chủ lớn nhưng 50 % nông dân không có ruộng đất. Ở miền nam ruộng đất tập trung vào tay các điền chủ lớn và nông dân không có ruộng chiếm đến 2/3 nông dân. Trong những năm 30, nhà địa lý Pháp Pierre Gourou (1936) viết cuốn sách "Những người nông dân đồng bằng Bắc Bộ" đã mô tả hệ thống nông nghiệp của một vùng có mật độ dân số cao nhất thế giới. Thời bấy giờ dân số nông thôn vùng đồng bằng này là 6,5 triệu người với mật độ là 430 người/km2 . Tác giả dự báo với suất tăng
  3. dân số là từ 1,0 đến 1,3 % năm, dân số vùng này sẽ đạt 13 triệu người vào các năm 1984-2001. Thực tế dân số vùng này đã tăng đến 17 triệu vào năm 2000. Gourou đã nói: " Hình như châu thổ này hiện nay không nuôi đủ 430 người/ km2, không thể nuôi được một dân số gấp đôi" (trang 197). Nhưng thực tế nông dân nơi đây đã tìm được cách không những nuôi được một dân số tăng hơn gấp đôi, mà còn dư thừa để tích luỹ và xuất khẩu. Sau năm 1930, tốc độ tăng dân số đã tăng lên 2,2% năm, chịu tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới và các cuộc chiến liên tục, khiến nông nghiệp nước ta gặp nhiều khó khăn trong sự phát triển. Sản lượng thóc bắt đầu giảm dần và đến 1945 hai triệu người đã chết đói. Sau Cách mạng Tháng Tám, chính phủ cách mạng đã quyết định giảm 25% địa tô cho nông dân, và năm 1948 tịch thu 250.000 ha ruộng của địa chủ Pháp và người hợp tác với Pháp để chia cho người không có đất. Năm 1953, tiến hành cải cách ruộng đất, tịch thu ruộng của
  4. địa chủ để chia cho nông dân. Nông dân đã phấn khởi sản xuất, sản lượng lương thực lại tăng nhanh. Tiếp đó sau năm 1960, việc tập thể hóa nông nghiệp và cuộc kháng chiến chống xâm lược Mỹ đã làm cho nông nghiệp giảm sút. Sau chiến tranh, nông nghiệp đã phục hồi một cách khó khăn, các nhược điểm của chế độ kế hoạch hóa tập trung và nông nghiệp tập thể dần dần lộ ra. Ở miền bắc mặc dù phần đất của hộ nông dân chỉ chiếm có 5-10 % của toàn bộ ruộng đất nhưng thu nhập từ kinh tế hộ đã vượt quá 70 %. Việc tập thể hóa ở đồng bằng sông Cửu Long không thành công. Nông dân ở nhiều nơi thực hiện việc khoán sản lượng cho hộ nông dân đã chứng minh ưu thế của chế độ này. Từ năm 1980 chế độ khoán này được chỉ thị 100 của Ban Bí thư công nhận tạo đà phát triển mới cho nông nghiệp. Quá trình cải cách kinh tế đã bắt đầu đưa nền kinh tế trở thành kinh tế thị trường và đưa nông nghiệp về với kinh tế gia đình vào năm 1988. Cuộc cải cách này đã đưa đến một kết quả bất ngờ. Ngay năm 1989, Việt Nam lại bắt đầu xuất khẩu gạo trở lại và đã trở thành nước xuất khẩu gạo thứ hai trên thế giới. Việc quan tâm đến lợi ích của nông dân đã làm cho nông nghiệp phát triển một cách toàn diện. Các năm
  5. gần đây nông nghiệp đã tăng 4,3%/năm. Sản lượng lúa của đồng bằng sông Cửu Long tăng nhanh nhờ việc đầu tư phát triển thủy lợi. Ngoại tệ do xuất khẩu gạo cho phép nhập nhiều phân bón. Các tiến bộ kỹ thuật từ hệ thống nghiên cứu khoa học được người nông dân tiếp thu nhanh. Các cây trồng khác cũng đã phát triển đáng kể đưa Việt Nam vào loại xuất khẩu hàng đầu của thế giới như cà-phê, hạt điều hay có triển vọng như hồ tiêu, chè, cao-su Chăn nuôi cũng phát triển nhanh hơn dân số nhưng chưa như mong muốn vì tốc độ còn chậm hơn trồng trọt. Nghề nuôi thủy sản và đánh bắt thủy sản cũng phát triển rất mạnh. Việc phát triển nông nghiệp trong tương lai đang đứng trước những thách thức lớn cần phải tìm cách khắc phục. Sự tăng trưởng nông nghiệp liên quan với việc phát triển một nền nông nghiệp hàng hóa thực sự và với sự chinh phục các thị trường mới. Nông nghiệp hàng hóa đã có ở miền nam từ lâu với hướng xuất khẩu. Ở miền bắc trước đây xuất khẩu sang các nước xã hội chủ nghĩa, nay thị trường này không còn nữa, chưa tìm được thị trường mới.
  6. Các sản phẩm còn kém về chất lượng. Đặc điểm này làm cho hàng hóa khó đi vào thị trường các nước đã phát triển. Cải tiến chất lượng và tiếp cận thị trường là các mục tiêu thích hợp với sản xuất gia đình, nhưng phải có hỗ trợ và chính sách thích hợp. Sau đổi mới, các sự chuyển đổi cơ cấu quan trọng của nền kinh tế đã xảy ra: Tỷ trọng nông nghiệp trong sản phẩm trong nước giảm nhường cho công nghiệp và dịch vụ. Lao động nông nghiệp cũng giảm về tương đối nhưng vẫn tiếp tục tăng về tuyệt đối. Việc chuyển đổi cơ cấu ở nông thôn rất hạn chế, sự đa dạng hóa nông nghiệp, sự phát triển chế biến nông sản, các hoạt động phi nông nghiệp, được thực hiện rất chậm. Lao động nông nghiệp đang tăng lên ở nông thôn, tạo nên tình trạng thiếu việc làm, làm cản trở việc tăng năng suất lao động và tăng được thu nhập. Việc thỏa mãn nhu cầu thực phẩm chỉ là giai đoạn đầu, rất cần thiết cho sự phát triển. Nhưng để thúc đẩy sự tăng trưởng, chuyển đổi cơ cấu kinh tế và phát triển bền vững, nhưng còn thúc đẩy được sự phát triển của toàn xã hội, việc chuyển sang sản xuất hàng hóa là rất cần thiết.
  7. Một chiến lược phát triển nông nghiệp dựa vào xuất khẩu nông sản thô không thúc đẩy được sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cũng như tăng trưởng nông nghiệp bền vững vì nó không dẫn đến sự đa dạng hóa cũng như công nghiệp chế biến thực phẩm hay công nghiệp nông thôn. Việc giá cả nông sản thay đổi trên thị trường thế giới là cản trở chính cho hướng phát triển nông nghiệp này. Trái lại việc phát triển nông nghiệp để phục vụ thị trường trong nước, phục vụ nhu cầu của công nghiệp hóa lại thúc đẩy được chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Hiện nay dân số Việt Nam là 80 triệu người, diện tích đất nông nghiệp là 9,4 triệu ha, số hộ nông dân là 13,5 triệu trung bình mỗi hộ chỉ có 0,7 ha. Nếu không giảm được lao động nông nghiệp thì nông sản thặng dư khó mà tăng thêm được. Hộ nông dân hiện nay hoạt động trong một môi trường kinh tế và xã hội không được thuận lợi. Nhà nước đã rút lui khỏi nhiều hoạt động ở nông thôn lúc đã hủy bỏ chế độ bao cấp, đồng thời nhiều xí nghiệp quốc doanh và nông trường quốc doanh đã thôi hoạt động. Kinh tế
  8. hàng hóa phát triển một cách rụt rè vì thiếu các cơ sở hạ tầng và khung pháp lý thích hợp. Các hoạt động hỗ trợ công cộng đối với hộ nông dân rất hạn chế và nhiều nơi không có. Các HTX cũ phải chuyển đổi thành các HTX dịch vụ không thực hiện được vì gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là thiếu vốn và còn các món nợ chưa thanh toán được. Nông thôn đang ở trong tình trạng thiếu các thể chế thích hợp. Thể chế tạo ra thị trường có hiệu quả. Thị trường hiệu quả là các thể chế có chi phí trao đổi thấp và tạo ra lợi ích kinh tế để các tác nhân cạnh tranh với nhau qua giá và chất lượng. Trong quá trình phát triển của hộ nông dân, lúc hộ đang còn ở giai đoạn tự cấp thì nông dân thường tham gia vào thị trường để trao đổi các vật chất tiêu dùng. Lúc bắt đầu phát triển kinh tế hàng hóa, hộ nông dân thường phải đa dạng hóa sản xuất trong đó có phát triển các hoạt động phi nông nghiệp bao gồm cả việc buôn bán để tăng thêm việc làm và thu nhập. Trong quá trình phát triển kinh tế hàng hóa, xu hướng chung là nông dân từ bỏ dần hoạt động buôn bán để chỉ tập trung vào sản xuất. Trong quá trình này người nông dân mất dần quyền mặc cả. Nông dân thường phải chịu sự áp đặt giá cả của khách hàng. Thế lực chính trị của nông dân ngày càng bị giảm nên họ mất thế lực trong việc mặc cả giá. Phải phát triển hợp tác xã tiêu thụ nông sản để giúp nông dân tham gia thị trường như các công ty kinh doanh chế biến
  9. và buôn bán. Chế độ nông nghiệp hợp đồng cần khung pháp lý để bảo đảm việc thực hiện hợp đồng. Cần phát triển các hình thức tổ chức nông dân đa dạng. Tổ chức nông dân cần phải bắt đầu từ thấp đến cao, thực hiện việc học tập qua việc làm. Cần phải đào tạo cán bộ tổ chức nông dân. Quá trình xây dựng các thể chế mới cần được thực hiện đi đôi với sự phát triển dân chủ ở cơ sở.