Danh lam Thánh Duyên nhìn từ góc độ khai thác du lịch

pdf 15 trang ngocly 2110
Bạn đang xem tài liệu "Danh lam Thánh Duyên nhìn từ góc độ khai thác du lịch", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfdanh_lam_thanh_duyen_nhin_tu_goc_do_khai_thac_du_lich.pdf

Nội dung text: Danh lam Thánh Duyên nhìn từ góc độ khai thác du lịch

  1. Hội thảo Khoa học “Di sản văn hóa Phật giáo và vấn đề phát triển du lịch ở Huế”, Phân viện Nghiên cứu Văn hóa Thông tin tại Huế, Huế, 07/05/2010. DANH LAM THÁNH DUYÊN NHÌN TỪ GÓC ĐỘ KHAI THÁC DU LỊCH - Nguyễn Thị Tâm Hạnh (Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam Tại Huế) 1. Dẫn nhập Xã hội càng hiện đại, công nghệ càng cao, nhu cầu vật chất của con người càng dễ đáp ứng thì dường như con người càng ít thể hiện niềm tin vào tâm linh; lòng trung thành với các giáo lý tôn giáo cũng suy giảm. Song, đến một giới hạn nhất định, người ta lại hướng đến tâm linh như một cách để khám phá chính mình và tìm kiếm ý nghĩa đích thực cho bản thân giữa nhịp sống quá rạch ròi đến trần trụi, độc lập đến cô đơn này. Cho dù khái niệm tâm linh không còn thuần tuý gắn với tôn giáo như quan niệm truyền thống - bởi người vô thần, kể cả người chống đối tôn giáo đều cần phải có tâm linh1 - nhưng việc thực hành các hoạt động liên quan đến tôn giáo như một nhu cầu tâm linh đang trở thành một trào lưu rộng khắp. Tôn giáo không chỉ là lĩnh vực tinh thần, nó còn chi phối đến sức khoẻ, hoạt động kinh doanh, các ngành công nghiệp trên toàn thế giới. Du lịch đương đại cũng là một ngành công nghiệp chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của tôn giáo, trong đó, du lịch tôn giáo (Religious Tourism)2 thường xuyên được nhắc đến như một loại hình mới nổi. Chúng thậm chí được nhận định là: đã tiến vào một khu vực quan trọng, phát triển ngày càng đa dạng và là bộ phận liên tục lớn mạnh của thị trường du lịch3. Từ nhiều góc độ khác nhau (thần học, kinh tế học, xã hội học ), các nhà nghiên cứu4 đã quan tâm đến việc đưa ra định nghĩa cho khái niệm du lịch tôn giáo ; xác định hiệu quả kinh tế thông qua các khảo sát cụ thể 1 Catherine Jane Rogers (2007), "Secular Spiritual tourism", p.4 2 Trong một số trường hợp du lịch tâm linh (Spiritual Tourism) được quan niệm là du lịch tôn giáo (Religious Tourism). Trên thực tế, du lịch tôn giáo là một hành trình tâm linh nhưng du lịch tâm linh không nhất thiết phải liên quan đến tôn giáo. 3 McKelvie, J. (2005). “Religious Tourism.” Travel and Tourism Analys, (4): 1 - 47; Rusell, P. (1999). “Religious Travel in the New Millennium.”, Travel and Tourism Analys, (5): 39 - 68 4 Shackley, M. (2001). Managing Sacred Sites: Service Provision and Visitor Experience. London: Continuum. 1
  2. mang tính định tính (về số lượng, giá trị, phạm vi hoạt động) với tư cách là một tập hợp con của Du lịch văn hoá (Culture Tourism) cũng như cách thức tổ chức quản lý, vận hành của nó5. Trong khi định nghĩa khái niệm du lịch tôn giáo, người ta nhận ra rằng giữa du lịch và tôn giáo có một mối liên hệ rất khăng khít6, đến nỗi mà: “thật khó để hiểu được sự phát triển của du lịch mà không nghiên cứu tôn giáo và không hiểu được hiện tượng hành hương”7. Nói cách khác, du lịch tôn giáo không phải là hiện tượng mới, thậm chí nó được xem là loại hình du lịch cổ xưa nhất8. Có chăng, nó chỉ là chủ đề mới trong lĩnh vực nghiên cứu hoặc là một bộ phận mới trong ngành công nghiệp du lịch đương đại. Chính sự nổi lên của loại hình du lịch này khiến các cơ sở tôn giáo (Chùa, nhà thờ Thiên chùa giáo, giáo đường Hồi giáo, các tu viện ) trở thành địa điểm thu hút một lượng lớn du khách có mục đích hoàn toàn hoặc một phần có liên quan đến tôn giáo hay tâm linh. Đây cũng là cơ hội tăng trưởng kinh tế cho nhiều quốc gia, điều đặc biệt có ý 5 Richard Sharpley (2009), “Tourism, Religion and Spiritual” in Tazim Jamal and Mike Robinson [edit], The sage handbook of tourism Studies, Lon don: Sage Pulocation. Ltd: 237 - 254. 6 Tất nhiên, giữa hành hương (tôn giáo) và du lịch (thế tục) có những khác biệt cơ bản về mặt chức năng và ý nghĩa: ở một thái cực, chuyến đi của người hành hương được dẫn dắt bởi niềm tin, tính thiêng thiêng, sự thực hành tôn giáo; một thái cực khác, người du lịch cố tìm để thoả mãn một số điều cần thiết cho bản thân hay tâm linh thông qua du lịch. Như vậy, du khách và người hành hương chia sẻ những nhu cầu cơ bản như nhau trong thời gian du lịch (như thời gian, nguồn tài chính, sự ủng hộ của xã hội), nhưng sự khác biệt của hai đối tượng này có thể nhận biết trong giới hạn niềm tin mà từng cá nhân gắn với mỗi hoạt động (Smith, V. (1992), “Introduction: The Quest of Guets”, Annals of tourism research, 19 (1): 103 - 108, trích từ Richard Sharpley, 2009, tlđd, tr.238). Có thể dẫn ra trường hợp cụ thể. Một khách hành hương (tôn giáo) lấy việc thăm một địa điểm linh thiêng đối với tôn giáo của mình làm mục đích chính, như người theo Thiên chúa đến thăm Vatican; người Hồi giáo đến Mecca; người Do Thái đến thăm Jerusalem Trong hành trình này, người hành hương (tôn giáo) đồng thời là một khách du lịch mà động cơ chính là tôn giáo (khách du lịch tôn giáo); họ hành xử với tất cả niềm tin, sự kính cẩn, lòng sùng đạo. Ngược lại, một khách du lịch thông thường không nhất thiết phải là một người hành hương (tôn giáo). Anh ta có thể đồng thời đến thăm các ngôi chùa của Phật giáo hay các thánh đường của Hồi giáo, Thiên chúa giáo hay một số sự kiện và địa điểm khác. Có thể mục đích của anh ta chỉ đơn thuần giải trí, thưởng ngoạn hay thậm chí là giết thời gian. Song, không ít trường hợp, dù không chủ ý, du khách đã tìm thấy ý nghĩa cuộc sống, niềm tin cá nhân của mình thông qua việc khám phá các tôn giáo và hệ thống niềm tin khác trong hành trình của mình. Trong những trường hợp này, rõ ràng, ranh giới giữa du lịch và hành hương; tôn giáo và thế tục không phải lúc nào cũng phân cực rõ ràng nếu không muốn nói là có vô số sự kết hợp. 7 Collins - Kreiner, N. & Gatrell, J. (2006), “Tourism, Heritage and Pilgrimage: The case of Haifa’s Bahái gardent”, Journal of Heritage Tourism, 1(1): 33, trích từ Richard Sharpley, 2009, tlđd, tr.237. 8 Trong suốt thời kỳ trung cổ, du lịch tôn giáo được thể chế hóa dưới hình thức hành hương và đã trở thành truyền thống của nhiều tôn giáo chính như Hindu, Phật giáo, Thiên chúa giáo và đạo Hồi. Phong trào ấy vẫn duy trì cho đến ngày nay với nhiều trung tâm hành hương như Mecca, Rome, Jerusalem, Lourder, Santiago de Compostella, Guadeloupe, Varanasi (Benares) vẫn còn như cũ hoặc được thiết lập lại như những điểm du lịch hành hương nổi tiếng đương đại. Hiện nay, người ta ước tính có khoảng 240 triệu đi hành hương mỗi năm. (Kaelber, L. (2006), “Paradigms of Travel: from Medicval Pilgrimage to the Postmodern Virtual Tour”, in Timothy and D.Olsen (Eds), Tourism, Religion and Spiritual Journey, (pp. 49 - 63), Abingdon: Routledge. ; (Olsen, D. &Timothy, D. (2006), “Tourism and Religious Journeys”, in Timothy and D.Olsen (Eds), Tourism, Religion and Spiritual Journey, (pp. 49 - 63), Abingdon: Routledge, trích từ Richard Sharpley, 2009, tlđd, tr.237). 2
  3. nghĩa với các nước đang phát triển - cũng đồng thời là những nơi còn tồn tại sự đa dạng tôn giáo với khá nhiều các di tích và sự kiện liên quan. Ở một số nơi, du lịch tôn giáo đã được chú ý khai thác không chỉ bởi các công ty lữ hành mà còn được “tiếp thị” bởi những chính sách cụ thể của chính phủ. Ấn Độ là một ví dụ điển hình nhất về hàng loạt các hoạt động được khởi xướng nhằm thúc đẩy du lịch tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo9. Tại Việt Nam, du lịch tôn giáo cũng đang thu hút đông đảo du khách. Từ các thành phố trung tâm, người ta có thể dễ dàng đăng ký các Tour du lịch tỏa ra các địa điểm tôn giáo tâm linh10. Điềm đáng lưu ý là ngoài các cơ sở tôn giáo sẵn có, một số khu du lịch tâm linh mới đã được hình thành với số tiền đầu tư hàng tỷ đồng, như Thiền viện trúc lâm Tây Thiên (Vĩnh Phúc), Khu du lịch tâm linh Bái Đính (Ninh Bình); Lạc cảnh Đại Nam văn hiến (Bình Dương); Thiền viện trúc lâm (Đà Lạt) Nhằm đa dạng hóa sản phẩm và bắt nhịp với xu hướng chung của ngành du lịch, Thừa Thiên Huế cũng đã bắt đầu chú ý đến du lịch tâm linh. Tuy nhiên, so với vị trí là trung tâm tôn giáo của cả nước, thì du lịch tôn giáo (trong đó có du lịch Phật giáo) vẫn chưa khai thác hết tiềm năng thế mạnh vốn có. Điều này được thể hiện rõ trên bản đồ Tour của các công ty du lịch và có thể giải thích từ nguyên nhân khách quan là sự hiện diện của hệ thống đền đài lăng tẩm triều Nguyễn - vốn là thế mạnh riêng có của Huế. Mặc dù vậy, không thể không kể đến một số dự án đầu tư cho du lịch tâm linh trong thời gian gần đây, như: Thiền viện Trúc lâm Bạch Mã (huyện Phú Lộc), đền Huyền Trân Công Chúa (huyện Hương Thủy), Khu du lịch tâm linh Quán Thế Âm (Hương Thủy) và bước đầu thu hút khách tham quan. 9 Năm 1992, Quốc hội Ấn Độ đã đưa ra chính sách phát triển các địa điểm di sản Phật giáo và thu hút du khách với sự ủng hộ mạnh mẽ của bởi thủ tướng Prime Minister Atal Behari Vajpayee. Đến tháng 8 năm 2003, chính phủ Ấn Độ đã quyết định kết nối tất cả các địa điểm di sản Phật giáo chính bằng một mạng lưới đường sắt với chi phí 7 triệu đôla. Cũng trong năm này, Ấn Độ đã thu hút khoảng 2.5 triệu du khách quốc tế đến thăm các địa điểm tâm linh. Đáng chú ý là từ ngày 17 đến 19 tháng 02 năm 2004, trong vai trò chủ nhà, bộ Du lịch văn hóa và bộ Hàng không dân dụng Ấn Độ đã tổ chức Hội nghị của các lãnh tụ Phật giáo thế giới về đạo Phật và du lịch tâm linh. Hội nghị đã bàn thảo hai mảng chủ đề lớn: (1) Sự thích ứng của đạo Phật và triết học Phật giáo trong thế giới hiện đại, gồm 3 phần (1.1.) Phật Giáo trong Thế Kỷ 21; (1.2.) Phật Giáo và Hoà Bình Thế Giới, (1.3.)Phật Giáo và Quốc Tế Hoá; (2) Phật giáo - cuộc hành trình tâm linh cũng gồm 3 phần (2.1.) Các di tích văn hóa Phật giáo ở Ấn Độ,(2.2.) Hành hương đất Phật- các vấn đề và triển vọng, (2.3.) Đẩy mạnh các chuyến du lịch Phật giáo tại Ấn Độ. (Pallab Bhattacharya (2004), "Secular Spiritual tourism", Thích Nhật Từ (2004), “Đạo phật và du lịch tâm linh Ấn Độ”, www.daophatngaynay.com/viet/pgtg/tamlinh.htm). Tại Việt Nam, các công ty lữ hành đã triển khai các Tour du lịch hành hương về đất Phật đến các địa điểm tại Ấn Độ như New Delhi, Lumbini, Sarasvati, Balrampur, Bodhgaya. 10 Từ Hà Nội, du khách có thể đăng ký các Tour: Hà Nội - chùa Hương; Hà Nội - đền Nguyên phi Ỷ Lan - đền Đô - chùa Dâu - chùa Bút Tháp; Hà Nội - Tây Thiên - Thiền viện (Vĩnh Phúc); Hà Nội - Phủ Giầy - chùa Phổ Minh - đền Trần Các công ty du lịch thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM) cũng phát triển các Tour du lịch tâm linh đến các tỉnh lân cận: TP HCM - Châu Đốc - Long Xuyên - Núi Cấm (chùa Hang, chùa Mướp, miếu bà chùa Xứ, Tây An cổ tự, lăng Thoại Ngọc Hầu); TP HCM - Tây Ninh (núi Bà Đen, chùa Hạ, chùa Trung, chùa Thượng, tòa Thánh Tây Ninh) 3
  4. Chúng tôi cho rằng, việc xây dựng các trung tâm du lịch Phật giáo như trên là một hướng đi cần thiết. Song, sẽ rất lãng phí tài nguyên du lịch nếu chúng ta không chú ý khai thác các di sản sẵn có, nhất là trong điều kiện Huế có hàng trăm ngôi chùa lớn nhỏ với nhiều cổ tự giàu giá trị văn hoá - lịch sử. Mặt khác, để biến tiềm năng thành hiệu quả thiết thực lại không phải là vấn đề đơn giản. Chùa Thánh Duyên (xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) là một ví dụ điển hình mà chúng tôi muốn đưa ra bản thảo trong bài viết này. 2. Du lịch Thánh Duyên: tiềm năng và hiện thực Khi quyết định lựa chọn một điểm đến cho du lịch, người ta phải tính đến nhiều yếu tố khác nhau, trong đó không thể không kể đến: sức hấp dẫn đối với du khách; thị trường tiềm năng để mở ra khai thác; lợi ích đối với du khách và cộng đồng xã hội. Đánh giá Thánh Duyên như một tài nguyên du lịch, người ta có thể dễ dàng nhận thấy những ưu thế nổi bật trên tất cả các phương diện vừa nêu. Tuy nhiên, những lợi thế khách quan không phải lúc nào cũng dẫn đến những hệ quả tương ứng như mong đợi. Tại sao ngôi cổ tự này chưa thể là điểm sáng có hấp lực đối với du khách thập phương vẫn là dấu hỏi cần có câu trả lời. 2.1. Sức hấp dẫn tự thân 2.1.1. Những yếu tố đang có  Vai trò quốc tự và những thông điệp lịch sử, văn hóa “Chùa Thánh Duyên ở núi Thuý Vân, phía Đông kinh thành. Mặt trước núi, ngang giữa sườn núi làm chùa Thánh Duyên và các Đại Từ, trên đỉnh núi đắp Ngự tháp 3 từng, cao 5 trượng 6 thước, sau tháp trên hòn đá vuông có dựng đình Tiến Sảng, bến nước phía chân núi làm lầu Huân Phong, đều dựng năm Minh Mạng 17 (1836)”11. Những dòng ngắn ngủi được nhắc đến trong Đại Nam Nhất Thống Chí trên đây đã vẽ lại hình ảnh của chùa Thành Duyên gần 200 năm trước. Cũng liên quan trực tiếp đến sự kiện trùng kiến chùa Thánh Duyên năm Minh Mạng 17 (1836), Đại nam thực lục viết: 11 Quốc sử quán triều Nguyễn (QSQTN), (1961), Đại nam nhất thống chí - Kinh sư, Tu trai - Nguyễn Tạo [dịch], Sài Gòn: Nha văn hoá Bộ quốc gia giáo dục xuất bản (quyển thứ 4): tr.91. 4
  5. “Vua [Minh Mạng] dụ rằng: “Hai núi ấy [Thúy Hoa và Linh Thái12] chung quanh xanh biếc tốt tươi, là nơi khí thiên chung đúc lại. Hoàng tổ ta, Hiếu Minh hoàng đề, cầu phúc cho dân, đã từng lập chùa thờ Phật ở đây, riêng chiếm cảnh động đẹp. Từ khi trải qua binh lửa, đất Phật còn trơ gò đống. Hoàng khảo ta, thế tổ Cao hoàng đế, lại sửa sang cơ đồ như nhà Hạ, đổi mới mệnh trời, như nhà Chu. Mới bắt đầu kinh lý, chưa rảnh làm đến việc khác. Nay trong ngoài yên ổn, nước nhà rỗi rãi. Hôm trước, trẫm nhân đi tuần du ven biển, lòng vương dấu cũ, trạnh nghĩ đến phận mình là con phải trát vách lợp mái khi cha đã xây tường, và sơn thếp tô vẽ khi cha đã đóng đồ mộc. Chuẩn cho dựng ở núi Thuý Hoa một chùa, 1 gác, 1 tháp. Chùa đặt tên là Thánh Duyên tự, gác đặt tên là Đại Từ các, tháp đặt tên là Điều Ngự tháp ”13. Không chỉ mang dấu ấn của chúa Nguyễn Phúc Chu (Hiếu Minh hoàng đế) và vua Gia Long (Thế tổ Cao hoàng đế) như lời dụ của vua Minh Mạng, tinh thần con phải trát vách lợp mái khi cha đã xây tường, và sơn thếp tô vẽ khi cha đã đóng đồ mộc được các vị vua đời sau như Thiệu Trị, Tự Đức tiếp nối. Được xếp vào hàng Quốc tự, chùa Thánh Duyên cũng là nơi mà các vị hoàng thân quốc thích thường đến vãng cảnh, đề thơ và định ra nhiều lệ lễ 14. Đáng chú ý là 12 Núi Thúy Hoa: tên gọi khác của Thúy Vân. Trước đó, ngọn núi này có tên là Mỹ Am, sau đổi thành Thúy Hoa: “Năm Minh Mạng thứ 6 (1825), Thánh Tổ Nhân Hoàng Đế ngự đến cửa biển Tư Hiền, qua phường Đông Am, lên núi Mỹ Am, thấy có miếu xưa hoang lương khiến dân sở tại sửa lợp lại, đặt tên núi ấy là núi Thuý Hoa”. (QSQTN), (1961), tlđd, tr.91). Thúy Ba (không rõ năm đổi tên, nhưng năm Minh Mệnh năm thứ 21 [1840] có viết“Vua đi tuần chơi núi Thuý Ba. Thuyền vua đi đường sông Lợi Nông. Khi đến nơi, sai gióng xe đến chùa Thánh Duyên.(QSQTN (2004), Đại nam thực lục, Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn quốc gia - Hội sử học (biên soạn), Hà Nội: Nxb. Giáo Dục, (tập 4): tr.736.) Thúy Vân (Thiệu Trị năm thứ nhất (1841): “đổi núi Thuý Ba làm núi Thuý Vân, cửa biển Tư Dung làm cửa biển Tư Hiền” (QSQTN (2004), tlđd, (tập 4): tr.88). Núi Linh Thái gần cạnh núi Thúy Vân, tên gọi khác là Quy Sơn: “Núi ở huyện Tư Vinh gần xã Hoài Vinh. Phía ngoài thì bể cả bọc phương Đông, phía trong thì một phần bể bao quanh phương Tâu, phía Nam thì cửa biển Tư Dung chảy ra. Trong có nhiều rạch quanh co, trên có những tháp chót vót. Hình núi giống như cổ rùa nên đặt tên thế” (Vô Danh Thị (1961), Ô Châu Cận Lục, Dương Văn An [nhuận sắc tập thành], Bùi Lương [phiên dịch], Sài Gòn: Văn hóa Á châu xuất bản, tr.12). Trên đỉnh Linh Thái cũng có ngôi cổ tự xây trên nền cũ của tháp Chăm, gọi là chùa Hòa Vinh, sau đổi thành Trấn Hải tự (QSQTN (2004), tlđd, (tập1): tr.81; (tập 4): tr. 923; (tập 5):tr. 57. 13 QSQTN (2004), tlđd, (tập 4): tr.923. 14 Đáng chú ý là các sự kiện: - Năm Minh Mạng thứ 17 [1836]: Vua tuần du biển Tư Dung, ghé thăm núi Thuý Hoa, sắc phong thần làm thần núi Thuý Hoa QSQTN (2004), tlđd, (tập 4): tr.919. - Năm Minh Mạng thứ 18 [1836]: Vua rước Hoàng thái hậu (Thuận Thiên Cao hoàng hậu) đi chơi núi Thuý Hoa: “ ngày Nhâm Thìn, sai quan quân đến tế thần 2 núi Thuý Hoa, Linh Thái. Vua rước Từ giá đến thăm chùa Thánh Duyên, thưởng cho biền binh chuyên xây chùa tháp 400 quan tiền. Vua dụ rằng: “Núi này là danh nham phúc địa, xưa đức Hoàng đế Hiếu Minh hoàng đế ta đã dựng chùa ở đây, để lưu truyền danh thắng. Trước đây gặp phải binh hoả, bỗng đến điêu tàn, năm vừa qua, trẫm nhân lúc rỗi đi tuần, chỉ nghĩ làm tốt đẹp thêm, làm toà chùa lớn, sắc 5
  6. tướng trang nghiêm, nay được Hoàng Thái hậu thân đến dâng hương, thánh từ vui vẻ, trấm kính dâng từ chỉ, thưởng cho chùa 1000 quan tiền, còn núi Linh Thái tuy chưa đến nơi, nhưng tháp cũ Chiêm Thành, từng đã sửa lại, cũng thưởng 300 quan tiền ” (QSQTN (2004), tlđd, (tập 5): tr.57). - Năm Minh Mạng thứ 21 [1840] “Vua đi tuần chơi núi Thuý Ba. Thuyền vua đi đường sông Lợi Nông. Khi đến nơi, sai gióng xe đến chùa Thánh Duyên. Đề thơ ở chùa trên núi rằng: “Ký hữu hành cung phạm vũ, khởi vô liễu lục đào hồng. Cảnh như thị, nhân như thị, không thị sắc, sắc thị không”. Dịch nghĩa: “đã có cung Vua chùa Phật, há không liễu biếc đào hồng. Cảnh như thế, người như thế, không là sắc, sắc lại là không”. Vua sai triệu thị thần là Trương Đăng Quế sai đọc thơ ấy và bảo rằng: “4 câu thơ ấy, ý vị vô cùng. Kể ra thanh tĩnh điềm đạm là tôn giáo của nhà Phật, thì người ta thờ Phật, lại cần gì phải sắc tướng rõ ràng, chuông trống rầm rĩ ư? Nhưng theo lòng thiện vô lường, làm nên cõi vui thiên nhiên cũng là theo tục đấy thôi. Trẫm đối với đạo Phật, cái ý không khen không chê, đã có thể biểu hiện ra ở một bài thơ này vậy” (QSQTN (2004), tlđd, (tập 4):tr.736). - Năm Thiệu Trị nguyên niên [1841]: “ đặt tên núi là Thuý Vân, làm một cảnh trong 20 cảnh ở Thần Kinh, gọi là Vân Sơn thắng tích (cảnh đẹp vân sơn) chạm bia dựng đình phía bên tả cửa chùa [Thánh Duyên]” (QSQTN (1961), tlđd, tr.91) - Tháng 7, năm Thiệu Trị thứ 3 [1843] “Ngày Nhâm Tý, vua rước Từ giá (Hoàng Thái Hậu) chơi cửa biển Thuận An; lại chơi núi Thuý Vân” (QSQTN (2004), tlđd, (tập 6): tr.517). - Năm Thiệu Trị thứ 5[1845]: “Vua ngự chơi núi Thuý Vân, hành hương chùa Thánh Duyên, sai hoàng tử dâng lễ ở các Đại Từ. Ngày hôm ấy, nghỉ chân ở hành cung Thuý Vân, ngày Ất Tỵ về cung”(QSQTN (2004), tlđd, (tập 6): tr.739). - Năm Thiệu Trị thứ 6 [1846]: “Ngày Kỷ Hợi ( ), [vua] lại Ngự chơi núi Thuý Vân, lên tháp Điều Ngự ban ngọc để đeo cho Hoàng Tử, hoàng thân đi tuỳ giá, kim tiền có dây buông xuống cho quan văn, quan võ theo hầu; khi về cung, dừng thuyền ở đầm Hà Trung xem đánh cá ” (QSQTN (2004), tlđd, (tập 6): tr.782). Nhà Nguyễn cũng có những biên chế nhất định về mặt nhân sự và lễ nghi đối với núi Thuý Vân và các thiết chế tín ngưỡng nơi đây (trong đó có chùa Thánh Duyên): - Dưới thời Minh Mạng + Vua cho dựng miếu thờ ở chân núi, hằng năm, có đi tuần du, sẽ phái một viên đường quan theo hầu làm tế lễ. Năm nào không đi tuần du thì do Thừa Thiên phái một viên Kinh huyện đến tế, đặt làm lệ lâu dài. Ấp Đông Am sở tại có phụng thờ thần kỳ, cũng ban 1 tuần tế ” (QSQTN (2004), tlđd, (tập 4), tr.919). + Sau khi trùng tu chùa Thánh Duyên và Trấn Hải tự (núi Linh Thái), “vua phái Vũ lâm cấm binh đến canh giữ, mỗi tháng thay phiên một lần (hằng năm từ mồng 1 tháng 2 đến cuối tháng 10. Có dựng thêm hành cung để phòng khi vua đến chơi. Mỗi ban có một suất đội, 40 biền binh. Còn những tháng khác, chỉ có 20 biền binh thôi)” (QSQTN (2004), tlđd, (tập 4): tr.923, 924). - Dưới thời Thiệu Trị: + Các lễ dâng cúng tại chùa Thánh Duyên “trong những ngày khánh đản chư Phật, ngày Tết tam nguyên và các ngày thường trong hằng năm, đều do Thị vệ xứ chiêu Phát”. Sau đó, do bộ hộ chiêu phát. Ngoài ra, “ hằng năm 2 tiết lớn Vạn Thọ và Thánh Thọ, những chùa nhà nước lập ra [Thánh Duyên] và chùa các sơn môn lập ra, lệ có tụng kinh cầu phúc, các lễ phẩm cần những gì, do Thị vệ chiếu phát” (QSQTN (2004), tlđd, (tập 6): tr.586). + Năm 1846, nhà vua “chuẩn định lệ lễ các thần Thiên Phi, Thuý Vân, Lĩnh Thái, Đông Am. Từ nay phàm khi vua ngự giá đi chơi cửa biển Thuận An, Tư Hiền, quan có trách nhiệm dự biện lễ phẩm (các thần đền Thiên Phi, núi Thuý Vân, Đông Am lễ phẩm bằng trâu, bò, hương. lụa; thần núi Linh Thái lễ phẩm bằng xôi, lợn), đợi khi vua đến, phái cho kinh đường, phủ doãn theo hầu chia nhau đi tế”. (QSQTN (2004), tlđd, (tập 6): tr.871, 782). 6
  7. vào năm 1843, vua Thiệu Trị đã từng đặt đàn chay Thuỷ lục15 ở chùa Thánh Duyên. Sau đó, năm 1856, vua Tự Đức cũng đến cầu đảo tại ngôi chùa này16. Ngoài ra, những di tích còn lưu giữ ở Thánh Duyên cũng thể hiện rõ nét vai trò đặt biệt quan trọng của ngôi quốc tự này dưới thời Nguyễn: + Bia Ngự chế Thánh Duyên tự chiêm lễ (lạc khoản Minh Mạng thập thất niên [1836]) + Bức hoành Thánh Duyên tự (lạc khoản Minh Mạng thập thất niên [1836]) + Bức hoành Ngự tạo phụng Thánh Duyên tự (lạc khoản Minh Mạng thập thất niên [1836]) + Quả đại hồng chung có chữ Thánh Duyên tự chung (lạc khoản: Minh Mạng thập thất niên [1836]) + Chuông ở Đại Từ các (lạc khoản: Minh Mạng thập thất niên [1836]) + Bia Cam lộ tĩnh (lạc khoản: Minh Mạng thập bát niên [1837]) + Bia Vân sơn thắng tích (lạc khoản Thiệu Trị nguyên niên [1841]) + Bia đá Thúy Vân Sơn (lạc khoản: Thiệu Trị nguyên niên [1841]) + Hoành phi Phật nhật trùng quang (lạc khoản: Thành Thái thất niên [1895]) + Dòng chữ Hán ở cổng Tam quan Ngự kiến Thánh Duyên tự (lạc khoản Minh Mạng thập thất niên [1836]; Bảo Đại thập lục niên đại trùng tu [1941]) Cùng với những thông điệp có được từ các hiện vật/văn tự ở Thánh Duyên, và những sử liệu liên quan, các cơ sở tín ngưỡng khác ở núi Thuý Vân càng cho phép chúng ta khẳng định Thánh Duyên là một ngôi chùa mang nhiều giá trị văn hoá lịch sử. Trước hết phải kể đến sự hiện diện (trước đây) của ngôi chùa cổ có kiến trúc mái vòm ở trên núi, 4 giếng Chăm ở trước chùa, hệ thống miếu thờ Thiên Y A Na diễn ngọc phi thần nữ, Thượng giới hồng phi thần nữ, Bổn thổ Trương quý công tôn thần, Long Mã xích lân tôn thần Thêm vào đó, sự liên hoàn của núi Thúy Vân với di tích núi Linh Thái/chùa Hòa Vinh (Trấn Hải tự), vốn là nơi có cổ tháp Chiêm thành linh dị17 với la liệt tượng đá18 đã cho chúng ta một bằng chứng nữa về sự tiếp biến văn hóa Việt - Chăm, được biểu hiện trên mặt tôn giáo tín ngưỡng. - Dưới thời Tự Đức, cùng với các chùa công khác (Thiên Mụ, Giác Hoàng, Diệu Đế, Linh Hựu), chùa Thánh Duyên có 5 - 6 người được cấp lương cho để làm việc chùa (QSQTN (2004), tlđd, (tập 7): tr.127). 15 Đàn chay có đủ các khoa giáo của nhà Phật (QSQTN (2004), tlđd, (tập 6): tr. 517. 16 Tự Đức năm thứ 9 [1856]: “Vua rước Thái hậu ngự chơi hành cung Thuý Vân. Khi bấy giờ, ở Kinh sư ít mưa, đã sai quan phủ Thừa Thiên cầu đảo chưa được mưa. Vua nhân đấy, vào yết chùa Thánh Duyên mật khấn cầu đảo, ở đấy 5 ngày về cung. Rồi được mưa, đặc sai làm lễ tạ tất cả”. (QSQTN (2004), tlđd, (tập 7): tr. 454). 17 QSQTN (1961), tlđd, tr.91. 18 (QSQTN (2004), tlđd, (tập 4): tr.923. 7
  8. Không chỉ mang dấu ấn trải dài theo lịch sử, tinh thần cư Nho mộ Thích của vương triều nhà Nguyễn cũng thể hiện qua cách mà các vị Vua chăm lo ngôi Quốc tự này. Tư tưởng ấy đặc biệt thể hiện rõ trong bài văn bia Ngự chế Thánh Duyên tự chiêm lễ bát vận của vua Minh Mạng đặt tại chùa19 .  Giá trị kiến trúc nghệ thuật * Kiến trúc: Mặc dù không còn giữ nguyên trạng như bàn đầu nhưng chùa Thánh Duyên vẫn giữ được những nét chủ đạo của phong cách kiến trúc triều Nguyễn theo kết cấu trùng thiềm điệp ốc với nhiều lớp lang mềm mại, thanh tao. Thêm vào đó, lấy đầm Cầu Hai làm tiền án, lấy Thuý Vân - vốn được xem là danh thắng thứ 9 của xứ Thần kinh20 - làm hậu chẩm, Thánh Duyên có được một địa thế ít nơi nào có được. Dọc theo con đường ẩn mình dưới những gốc thông cổ thụ, từ chân núi đến đỉnh núi, người thưởng ngoạn có thể cảm nhận những bức tranh sơn thuỷ hữu tình và thường xuyên biến đổi khi phóng tầm mắt từ những cao độ khác nhau của Chùa Thánh Duyên - Gác Đại Từ - Tháp Điều Ngự. Với sự kết hợp hài hòa giữa các khối kiến trúc với mênh mông của mây trời nước biếc, lá hoa cây cỏ, bất cứ ai đến với ngôi chùa này cũng có thể cảm nhận sự u nhàn tĩnh lặng của chốn thiền môn, sự quyện hòa nhuần nhị giữa thiên nhiên với con người. Để từ đó, tìm thấy cho chính mình cảm giác thư thái, bình an và thiện tâm tràn ngập. * Điêu khắc: Do vai trò đặc biệt trong lịch sử cùng với sự may mắn của mình, Thánh Duyên còn lưu giữ được khá nhiều hiện vật từ thời Nguyễn. Trong đó, đáng chú ý là các tác phẩm điêu khắc với nhiều chất liệu và loại hình khác nhau: - Chất liệu đồng: + Hệ thống tượng thờ: Chùa Thánh Duyên còn lưu giữ được đến gần 70 pho tượng đồng: tượng Phật Thích Ca, Di Đà, Di Lạc, Quan Âm, Hộ Pháp, Phổ Hiền Bồ Tát. Đáng chú ý là bộ Thập bát La Hán thể hiện phong cách và nghệ thuật đúc tượng Việt Nam thế kỷ XIX vẫn còn nguyên vẹn. + Chuông: Hai quả đại hồng chung được đúc vào năm 1836 có tai chuông hình rồng và nhiều hoa văn trang trí (hình hoa sen, mặt trời) ở thân chuông. - Chất liệu đá: + Bia đá: một số bia không có hoa văn nhưng một số khác, như bia Ngự chế Thánh Duyên tự chiêm lễ bát vận được chạm trỗ công phu hình lưỡng long triều nguyệt ở trán bia và hoa văn hình hoa lá ở riềm bia. 19 Trong bài văn bia này có đoạn: “Này! Các vị vua ở đời đạt đến bậc thánh như Nghiêu Thuấn, hoặc những nhân chủ các triều đại Việt Nam và Trung Quốc mà ơn đức thấm khắp mọi người, đời sau còn hưởng nhờ phúc ấm, không có gì đáng hổ thẹn, đức có thể nêu gương, thì nhà Thích gọi là Phật, nhà Nho gọi là giác, ắt phép tắc thì có thể làm bậc thầy tiêu biểu, thờ cúng thì có thể vỗ về chúng sinh, không có gì sai khác, xét theo lý thì cũng chẳng mâu thuẫn chút nào!”. (Lê Nguyễn Lưu (2001), “Văn khắc tại chùa Thánh Duyên, trong Thông tin khoa học và công nghệ, số 3 (33): 117). 20 Thần kinh chi đệ cửu danh thắng (nội dung bia Vân Sơn Thắng Tích của vua Thiệu Trị). 8
  9. + Các hình trang trí trên bờ nóc, đầu đao của mái, chủ yếu là tứ linh cách điệu hình hoa lá hay lưỡng long triều nguyệt. - Chất liệu gỗ: + Các khánh vị, long vị, hoành phi sơn son thếp vàng, chạm nổi các hoa văn theo môtif lưỡng long triều nguyệt, long ẩn vân, hoa lá cách điệu + Các mảng điêu khắc gỗ mang chức năng trang trí theo kết cấu nhất thi nhất họa trong nội thất của Chùa, Các. * Văn học: Các bài văn bia ở Thánh Duyên không chỉ có ý nghĩa lịch sử như đã trình bày, mà còn là những tác phẩm nghệ thuật bằng ngôn từ, thể hiện tài năng, tâm hồn và tư tưởng của các vị vua triều Nguyễn.  Sức hấp dẫn từ yếu tố địa lý Nếu như các giá trị lịch sử văn hóa hay kiến trúc nghệ thuật của Thánh Duyên là những yếu tố chỉ có thể khám phá khi đến tận nơi thì sự đa dạng của các vùng địa lý bao quanh ngôi quốc tự này lai tạo nên những cảnh quan hết sức lý thú đối với du khách trong hành trình của mình. Chỉ tính riêng trong địa giới huyện Phú Lộc, lấy Thánh Duyên làm tọa độ gốc, chung quanh sẽ có: - Sự đa dạng của tài nguyên cảnh quan, gồm: + Đầm phá: Cầu Hai (liên xã); Lập An (thị trấn Lăng Cô); Đá Bạc + Bãi biển: Hàm Rồng (xã Vinh Hiền), Cảnh Dương (xã Lộc Vĩnh), Lăng Cô Bãi Chuối, Sơn Chà (thị trấn Lăng Cô). + Đồi núi: Linh Thái (xã Vinh Hiền); Hải Vân (thị trấn Lăng Cô), Bạch Mã (liên xã), núi Truồi. + Sông hồ: Hồ Truồi (xã Lộc Hòa); suối Voi (xã Lộc Hòa); suối Tiên (xã Lộc Thủy); suối Mơ, khe Lý Thương, suối Hói Cam, hói Dừa (Thị trấn Lăng Cô). - Sự đa dạng về tài nguyên sinh học: + Thảm thực vật và động vật đầm phá, biển đảo (rừng ngập mặn Cù Dù; đầm Cầu Hai, đầm Lập An; đảo Sơn Chà) với nguồn gốc đa dạng (nước ngọt, nước mặn, nước lợ); thành phần cấu trúc phong phú (thực vật phù du, thực vật nhỏ bùn đáy, rong (tảo), thực vật bậc cao, động vật phù du, động vật đáy, cá ), đặc biệt là các rạn san hô ở ven đảo Sơn Chà và ven bờ bắc mũi Hải Vân. + Thảm thực vật và động vật núi đồi: đáng chú ý nhất là sự đa dạng sinh học của vườn quốc gia Bạch Mã với hàng trăm loài thực vật, chim thú. - Sư đa dạng về tài nguyên sinh thái nhân văn: Phải kể đến hệ thống các di tích ở vùng lân cận: Di tích văn hóa Champa: Tháp Linh Thái 21 (xã Vinh Hiền; Các di tích thời Nguyễn: Hải 21 Di tích này có các hiện vật: tượng tượng giáo sĩ Ấn Ðộ, chim thần Garuda, tượng nữ công, đầu bò thần Nandin, phù điêu nam thần, tượng hình người. Tuy nhiên, các hiện vật này hiện đã được đưa vào các bảo tàng. 9
  10. Vân quan (Lăng Cô), chùa Linh Thái (xã Vinh Hiền), bia Hành cung Tĩnh Viêm (xã Lộc Hải)22; các di tích thời Pháp thuộc: hệ thống biệt thự ở Bạch Mã. Sinh hoạt ngư nghiệp của ngư dân các làng chài lân cận cũng sẽ mang lại những ấn tượng riêng đối với những người mới đến. Có ý kiến cho rằng, đối với du lịch đương đại, trung tâm của mỗi chuyến đi là hành trình chứ không phải là điểm đến. Với quan niệm này, trước khi đến với Thánh Duyên, sự đa dạng của các vùng địa lý bao quanh ngôi cổ tự này còn là cơ hội để du khách khám phá và trải nghiệm một bức tranh đa sắc, biến chuyển muôn màu. Cũng vì vậy, việc khám phá ý nghĩa tâm linh của mỗi cá nhân có thể được thực hiện trong suốt dọc hành trình của mình. Đó có thể là tình yêu thiên thiên, ý thức môi trường, hay thái độ tôn trọng những giá trị lịch sử, văn hoá, tín ngưỡng và truyền thống của cộng đồng bản địa 2.1.2. Một hấp lực đang cần Những phân tích trên đây khiến chúng ta không thể không thừa nhận rằng Thánh Duyên hội đủ những nhân tố hết sức thuận lợi cho việc thu hút du khách. Tuy nhiên, để trở thành một điểm đến của du lịch tôn giáo - tâm linh, dường như Thánh Duyên vẫn chưa có được một hấp lực cần thiết. Bởi, những gì đang hiện hữu ở đây chỉ thoả mãn nhu cầu thưởng ngoạn danh thắng của khách thập phương, hay xa hơn, họ chỉ có thể hoài niệm về một giai đoạn lịch sử đã qua. Nói cách khác, Thánh Duyên như một bức tranh đẹp lộng lẫy nhưng lại được đóng khung trong hồi quang của quá khứ, trong sự vắng lặng đến mức thiếu ấm áp cần thiết của chốn thiền môn. Cảm giác này, theo chúng tôi, chính là bởi Thánh Duyên không còn duy trì được nếp sinh hoạt vốn có của mình. Chư tăng không còn về đây tu học trong mùa An cư kiết hạ như một thời từng diễn ra. Sự ít ỏi về nhân sự không cho phép các hoạt động lễ nghi có quy mô lớn và thường xuyên đúng với vị thế của một ngôi quốc tự. Số lượng tín đồ, vì thế, cũng không thể đông đảo, điều đồng nghĩa với việc Thánh Duyên không còn là một đạo tràng lớn của Giáo hội như đã từng có. Đặc biệt, nơi đây từng có nhiều vị cao tăng về trú trì thì nay lại thiếu một vị Hoà thường trú tại chùa để chăm lo Phật sự. 22 Đây là bài văn bia do vua Khải Định ngự chế vào năm 1919, ca ngợi cảnh đẹp của Lăng Cô. Trong đó, có đoạn: Ở đây [Lăng Cô], đất liền núi Phú [Gia], bãi cát giăng ngang; nước tiếp đại dương, sông chảy quanh quất. Núi non cao ngất ôm phía sau, đầm nước trải dài về phía trước. Phía nam giáp với Hải Vân Quan, phía bắc liền với cửa biển Cảnh Dương. Thôn yên đảo vắng, nơi nơi cây biếc ráng hồng; bãi hạc đầm cò, thỉnh thoảng vọng tiếng tiều phu và nhịp chèo ngư phủ. Trông về núi thì thấy những cụm mây kỳ ảo bay lên từ hang hốc như các tiên nữ đang múa ở non bồng; nhìn xuống nước thì gió trong xua sóng chạy, như muôn ngựa cùng chầu về trên biển. Bấy giờ mới dừng xe loan trông ra bốn phía, nhìn rõ càng vui mắt, thấy nào là khí lành, nào là gió dịu, nào là cảnh vui, nào là vật đẹp. Đắm nhìn một hồi lâu, bất giác cả người mát rượi, sự nóng nực tan biến, lòng thấy hớn hở hẳn ra, và xúc cảnh sinh tình. Phan Thuận An (2001), “Bài văn bia “Hành cung Tĩnh Viêm” của vua Khải Định, người phát hiện khu du lịch Lăng Cô”, trong Thông báo Hán Nôm 2001, tr. 8 - 14. 10
  11. Dĩ nhiên, không thể vì du lịch mà sinh hoạt, tổ chức của nhà chùa phải xáo trộn. Song, để Thánh Duyên không đóng băng thành một di tích, có lẽ không chỉ dừng lại ở việc đóng góp kinh phí cùng chính quyền địa phương trùng tu tôn tạo như đã từng làm, Giáo hội Phật giáo Thừa Thiên Huế cần có thêm một số động thái nào đó để mạch sống từ quá khứ của ngôi quốc tự này tiếp tục dòng chảy xứng với tâm thế của mình. Khách thập phương, trong đó có khách du lịch tôn giáo, nhờ đó cũng có cơ hội để không chỉ được cảm nhận một ít niềm hứng khởi nhất thời do cảnh quan mang lại mà còn có thể trải nghiệm bản thân giữa không khí thiêng liêng mà gần gũi, ấm áp của chốn thiền môn. Đây hẳn là điều không đi ngược với những gì mà Phật giáo hướng đến nhằm phát huy chánh pháp. 2.2. Thị trường tiềm năng 2.2.1. Từ cơ sở khách quan Ngoài các di sản lớn ở hai đầu Nam - Bắc (Phong Nha - Kẻ Bàng, Quần thể di tích cố đô Huế; Hội An, Mỹ Sơn), lợi thế đáng kể nhất của Thánh Duyên chính là nằm sát Chân Mây - Lăng Cô - một khu kinh tế mới được Chính phủ chủ trương xây dựng thành “một trong những trung tâm thương mại quốc tế lớn của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; là trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng có ý nghĩa quốc gia và quốc tế; các ngành kinh tế khác gắn với cảng nước sâu Chân Mây; phát triển đô thị mới hiện đại, phù hợp với điều kiện tự nhiên và bảo vệ gìn giữ cảnh quan, môi trường sinh thái”23. Theo đó, nhiều dự án du lịch đã và đang được tổ chức triển khai tại khu kinh tế này. Ngoài các dự án đã hoạt động của các công ty trong nước (công ty du lịch Hương Giang, Thanh Tâm, Cố Đô - Lăng Cô ), còn có một số dự án lớn có vốn đầu tư nước ngoài, như: + Dự án khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế cao cấp Le Royal Annam Resort do Công ty cổ phần Hòa Bình đấu tư tại thôn Phú Hải (xã Lộc Vĩnh). + Dự án khu liên hợp nghỉ dưỡng Conic - Lăng Cô của Công ty Gia Minh - Conic. + Dự án khu du lịch nghỉ dưỡng Lập An của Công ty Gia Minh - Conic liên kết với Tập đoàn Kinh doanh địa ốc Nordica Properties (Đan Mạch). + Dự án khu du lịch sinh thái biển Everland Resort do Công ty cổ phần du lịch sinh thái Lăng Cô đầu tư. + Dự án du lịch Laguna của tập đoàn Banyan Tree (Singapore) ở Cù Dù (xã Lộc Vĩnh). + Dự án khu du lịch sinh thái Vedana Lagoon của Công ty du lịch thương mại Á Đông ở phía Bắc đèo Mũi Né. + Dự án khu nghỉ dưỡng Bãi Chuối tại thị trấn Lăng Cô do Công ty Cattigara One Limited của tập đoàn Cattigana (Singapore) đấu tư. .v.v. 23 Theo quyết định số :1363/QĐ-TTg, ngày 10 tháng 10 năm 2007 của thủ tướng chính phủ. 11
  12. Cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống giáo thông với chủ trương xây dựng các nút giao thông gắn kết hệ thống giao thông quốc gia với hệ thống giao thông Khu kinh tế24 đã giúp các tuyến đường từng bước đầu tư xây dựng, như: đường du lịch Lăng Cô, đường ven biển Cảnh Dương, hệ thống đường ven đầm Lập An, đường ven sông Bù Lu, đường ven núi Phú Gia. Hệ thống cầu vượt sông, vượt phá cũng đã hoàn thành: cầu Trường Hà qua đầm Thuỷ Tú, cầu Tư Hiền qua cửa Tư Hiền, cầu Bù Lu qua sông Bù Lu. Với vốn đầu tư hàng triệu USD, các dự án trên đây sẽ cung cấp một hệ thống hàng trăm phòng khách sạn, biệt thự, căn hộ cao cấp, các nhà nghỉ, trung tâm hội nghị, mua sắm quốc tế , các nhu cầu của du khách, trước hết là nhu cầu lưu trú sẽ cơ bản được đáp ứng. Sự hoàn chỉnh và thuận tiện của hệ thống giao thông cũng sẽ là một trong những nhân tố hu hút một lượng khách lớn, đặc biệt là khách quốc tế. Đây cũng là cơ sở để chúng ta hi vọng một lượng khách lớn có thể đến với Thánh Duyên. 2.2.2 đến năng lực thu hút du khách Làm thế nào để biến một sản phẩm văn hóa thành một sản phẩm du lịch? Điều đó phụ thuộc rất lớn vào năng lực của người tổ chức. Những thao tác cụ thể để thu hút du khách đến với Thánh Duyên có lẽ nằm ngoài phạm vi chuyên môn của chúng tôi. Song, nhìn nhận một cách khách quan, chúng tôi cho rằng, nghiên cứu xây dựng các Tour hợp lý là một trong những điều kiện hết sức cần thiết. Từ những thuận lợi về yếu tố như đã phân tích, có thể thấy, kết hợp các loại hình du lịch (du lịch nghĩ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, du lịch tôn giáo )25 là một hướng đi tích cực. Một mặt vừa phát huy đồng thời nhiều tài nguyên du lịch, một mặt vừa tạo sự hứng thú cho du khách. Hơn nữa, sự kết hợp này chính là cách khai thác lợi thế khác biệt của Thánh Duyên so với một số ngôi cổ tự, quốc tự nằm ngay trung tâm thành phố Huế. Dĩ nhiên, như bất cứ loại hình hay bất cứ điểm đến du lịch nào, các yếu tố khác cũng cần phải tính đến nhằm làm hài lòng du khách, như: quảng cáo tiếp thị,đa dạng hoá sản phẩm du lịch, đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên, vệ sinh môi trường, đảm bảo phương tiện đi lại .v.v. 2.3. Ý nghĩa của việc đưa Thánh Duyên vào khai thác du lịch 2.3.1. Lợi ích đối với cộng đồng và du khách - Đối với cộng đồng xã hội: + Tạo thêm sự phong phú cho các tuyến du lịch, góp phần làm giảm mật độ quá đông du khách ở trung tâm thành phố. 24 Như: điều chỉnh đường Quốc lộ 1A đi qua khu Chân Mây - Lăng Cô, xây dựng tuyến đường sắt nối đường sắt quốc gia với cảng Chân Mây, nâng cao năng lực cảng nước sâu Chân Mây (Quyết định số :1363/QĐ-TTg, ngày 10 tháng 10 năm 2007 của thủ tướng chính phủ). 25 Tour Huế - Thuận An - Phú Diên - Thánh Duyên đã được đưa vào chương trình du lịch của tỉnh. Đây là một trong những tour có thể kết hợp các loại hình du lịch nêu trên nhờ ưu thế riêng của từng điểm đến. 12
  13. + Bất cứ loại hình du lịch nào, kể cả hành hương tôn giáo đều cần sử dụng vận tải, các tiện nghi, mua sắm quà lưu niệm và các dịch vụ khác. Vì vậy, đưa Thánh Duyên vào Tour du lịch cũng là một cách góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân địa phương thông qua cơ hội việc làm, nguồn thu nhập, cơ sở hạ tầng được đầu tư Đối với người nông thôn (trực tiếp là người dân làng Hiền Vân và Đông An), điều này càng đặc biệt có ý nghĩa. + Bằng một cơ chế hợp lý, phát triển du lịch cũng là một cách để bảo tồn di tích thông qua nguồn kinh phí thu được từ các hoạt động dịch vụ. Ngoài ra, ở một khía cạnh nào đó, du lịch cũng là yếu tố góp phần tích cực vào việc giữ gìn và phục dựng các thực hành văn hoá (tôn giáo) truyền thống tại Thánh Duyên. - Đối với du khách: Du lịch ở Thánh Duyên sẽ cung cấp cho du khách những trải nghiệm khác nhau: từ giải trí, thưởng ngoạn đến nhu cầu nghiên cứu văn hoá lịch sử. Tất nhiên, nhu cầu chiêm bái, tâm linh của một bộ phận du khách cũng sẽ được đáp ứng. 2.3.2. Và những vấn đề trọng tâm để phát triển bền vững Song song với lợi ích trước mắt của cộng đồng địa phương và đáp ứng các nhu cầu của du khách, việc quản lý hiệu quả các nguồn tài nguyên chính là nội dung quan trọng nhằm đảm bảo du lịch phát triển bền vững. Đây là vấn đề được đặt ra không riêng đối với bất cứ loại hình du lịch nào. Đối với điểm đến Thánh Duyên, do đặc trưng của loại hình tài nguyên vừa là một di tích lịch sử văn hoá vừa là một điểm đến của tôn giáo - tâm linh, nên theo chúng tôi, để tạo sự cân bằng giữa phát triển du lịch và bảo vệ môi trường văn hoá - xã hội, không thể không lưu tâm đến một số vấn đề sau: (1) Thiết lập cơ chế hợp tác giữa các cơ quan, tổ chức hữu quan trong quy hoạch và phát triển du lịch. Cụ thể là giữa UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Bảo tàng lịch sử cách mạng Thừa Thiên Huế, Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, Giáo hội Phật giáo Thừa Thiên Huế, UBND xã Vinh Hiền, các công ty lữ hành, kể cả các cá nhân có năng lực tổ chức, điều hành. (2) Dành mối quan tâm đặc biệt cho việc bảo tồn, tôn tạo tài nguyên (chùa Thánh Duyên). Trên thực tế, từ năm 2001, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã cùng với Giáo hội Phật giáo Thừa Thiên Huế đầu từ gần 1.5 tỷ đồng đề trùng tu 17 hạng mục công trình. Nhờ đó, đến nay chùa Thánh Duyên đã khá khang trang so với hiện trạng ban đầu. Song, có lẽ ngoài các công trình kiến trúc, bảo vệ cảnh quan và sự đa dạng sinh thái của núi Thuý Vân cũng cần được chú ý. (3) Định hướng cho tất cả những người tham gia du lịch (bao gồm cả hướng dẫn viên lẫn du khách) tôn trọng các giá trị của cộng đồng. Sẽ không thể tránh khỏi những cách hành xử khác nhau, thậm chí là tương phản nhau do sự khác biệt về đặc trưng văn hoá giữa các đối tượng du khách hay giữa khách và chủ, nhưng không thể đáp ứng tất cả những nhu cầu hay lợi ích của họ mà làm xáo trộn hay gián đoạn mọi sinh hoạt của chốn thiền môn. (4) Cộng đồng đón tiếp, trực tiếp là chư tăng ở chùa Thánh Duyên, cần có thái độ cởi mở đối với du lịch. Ngược lại, cũng cần phải tính đến những hiệu ứng văn hoá xã hội do du lịch đem 13
  14. lại. Làm sao đó để sự tương tác giữa chủ và khách là cơ hội để mọi người hiểu biết lẫn nhau. Nói cách khác, du lịch cần phải hoạt động hài hoà với môi trường và thái độ của cộng đồng đón tiếp, phải làm sao để họ không trở thành nạn nhân của du lịch. 3. Kết luận Đánh giá đúng giá trị, nhìn ra được tiềm năng và biến tiềm năng thành hiện thực là những bước đi hết sức cơ bản để một sản phẩm văn hoá có thể trở thành một sản phẩm du lịch. Con đường đưa du lịch đến với Thánh Duyên không phải là ngoại lệ. Do đó, những khúc mắc đã hoặc có khả năng gặp phải khi xúc tiến du lịch ở đây như chúng tôi đã phân tích cũng có thể diễn ra ở các điểm du lịch tôn giáo khác. Cũng từ trường hợp cụ thể của Thánh Duyên, chúng tôi cho rằng trong quá trình thiết kế các Tour tuyến cho du lịch, những đánh giá tốt không phải lúc nào cũng đem đến kết quả tất yếu như mong đợi nếu không chú ý giải quyết những tình tiết đôi khi rất đơn giản xuất hiện trong quá trình thực hiện. Hơn nữa, suy cho cùng, sản phẩm du lịch là sản phẩm phục vụ con người nên nội dung và hình thức phục vụ không chỉ dựa trên những lợi thế sẵn có mà cần phải biết sáng tạo nhằm đánh thức trí tò mò và nhất là nhu cầu của du khách. Trong bối cảnh ngày càng nhiều người muốn đi tìm sự quân bình tâm lý giữa cuộc sống đầy rẫy nhưng âu lo căng thẳng như hiện nay thì Thánh Duyên hoàn toàn có thể phát triển thành một địa điểm du lịch tâm linh đúng nghĩa như nhiều nơi trên thế giới đã làm. Du khách có thể đến đây, trút bỏ cuộc sống thực tại để hành thiền, nghe pháp thoại, thực hành các lễ nghi và sống nếp sống đạm bạc, thanh nhàn như một người tu hành. Nói khác đi, họ có thể biến mình thành chủ thể của một môi trường xã hội mới để trải nghiệm và chiêm nghiệm bản thân, để sau đó, có thêm nguồn sinh lực đối diện với cuộc sống vốn có của mình. Dĩ nhiên, ngoài một bề dày lịch sử văn hoá được bồi đắp qua nhiều thế kỷ; một cảnh quan thiền vị, trầm mặc, trang nghiêm; một vị trí địa lý tương đối độc lập với cái ồn ào hối hả của cuộc sống trần tục, Thánh Duyên cần phải được bổ sung rất nhiều yếu tố khác, từ con người đến cơ sở vật chất và cả cách thức quản lý vận hành Cũng cần nói thêm rằng, tôn giáo là một lĩnh vực nhạy cảm và đặc thù nên sự thận trọng để giữ được sự hài hòa giữa du lịch và tôn giáo là rất cần thiết. Điều này không chỉ là mối quan tâm dành riêng cho Thánh Duyên mà chung cho cả Huế - xứ sở Thiền kinh - một vùng đất đang mở ra rất nhiều cơ hôi cho du lịch tôn giáo, đặc biệt là du lịch Phật giáo phát triển. N.T.T.H Tài liệu tham khảo A. Tài liệu tiếng Việt 1. Phan Thuận An (2001), “Bài văn bia “Hành cung Tĩnh Viêm” của vua Khải Định, người phát hiện khu du lịch Lăng Cô”, trong Thông báo Hán Nôm 2001, tr. 8 - 14. Lê Nguyễn Lưu (2001), “Văn khắc tại chùa Thánh Duyên, trong Thông tin khoa học và công nghệ, số 3 (33): 117). 14
  15. 2. Thích Nhật Từ (2004), “Đạo phật và du lịch tâm linh Ấn Độ” www.daophatngaynay.com/viet/pgtg/tamlinh.htm). 3.Quốc sử quán triều Nguyễn (QSQTN), (1961), Đại nam nhất thống chí - Kinh sư, Tu trai - Nguyễn Tạo [dịch], Sài Gòn: Nha văn hoá Bộ quốc gia giáo dục xuất bản (quyển thứ 4). 4. QSQTN (2004), Đại nam thực lục, Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn quốc gia - Hội sử học (biên soạn), Hà Nội: Nxb. Giáo Dục, (tập 4, 5, 6, 7). 5. Vô Danh Thị (1961), Ô Châu Cận Lục, Dương Văn An [nhuận sắc tập thành], Bùi Lương [phiên dịch], Sài Gòn: Văn hóa Á châu xuất bản. B. Tài liệu tiếng Anh 6.Catherine Jane Rogers (2007), "Secular Spiritual tourism", 7. Pallab Bhattacharya (2004), “India seeks to use buddhist heritage to attract tourists”, 8. Richard Sharpley (2009), “Tourism, Religion and Spiritual” in Tazim Jamal and Mike Robinson [edit], The sage handbook of tourism Studies, Lon don: Sage Pulocation. Ltd: 237 - 254. 9. Shackley, M. (2001). Managing Sacred Sites: Service Provision and Visitor Experience. London: Continuum. 10. McKelvie, J. (2005). “Religious Tourism.” Travel and Tourism Analys, (4): 1 - 47; Rusell, P. (1999). “Religious Travel in the New Millennium.”, Travel and Tourism Analys, (5): 39 - 68 15