25 Năm theo dòng kinh tế Việt Nam (Phần 2) - Huỳnh Bửu Sơn

pdf 57 trang ngocly 1870
Bạn đang xem 20 trang mẫu của tài liệu "25 Năm theo dòng kinh tế Việt Nam (Phần 2) - Huỳnh Bửu Sơn", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdf25_nam_theo_dong_kinh_te_viet_nam_phan_2_huynh_buu_son.pdf

Nội dung text: 25 Năm theo dòng kinh tế Việt Nam (Phần 2) - Huỳnh Bửu Sơn

  1. Chương III: HỆ THỐNG NGÂN HÀNG VIỆT NAM TRONG CƠ CHẾ THỊ TRƯỜNG CẢI TỔ HỆ THỐNG NGÂN HÀNG VIỆT NAM (I) (1990) Những ý định cải tổ hệ thống ngân hàng đã bắt đầu manh nha từ năm 1986, với tư tưởng chỉ đạo được nêu trong báo cáo chính trị của Đại hội 6 như sau: “Bên cạnh nhiệm vụ quản lý lưu thông tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, cần xây dựng hệ thống ngân hàng chuyên nghiệp kinh doanh tín dụng và dịch vụ ngân hàng, hoạt động theo chế độ hạch toán kinh tế”. Vào tháng 6 năm 1987, ông Lữ Minh Châu - Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước (ngày nay gọi là Thống đốc), một chức vụ tương đương bộ trưởng trong Hội đồng Bộ trưởng, đã đặt hàng Nhóm Thứ Sáu nghiên cứu đổi mới hệ thống ngân hàng, với trọng tâm là việc tách rời hệ thống ngân hàng một cấp hiện nay thành hai cấp, cấp quản lý thuộc Ngân hàng Nhà nước và cấp kinh doanh gồm những ngân hàng chuyên doanh và thương mại có trụ sở tại các trung tâm vùng kinh tế hay các tỉnh, thành phố, đồng thời tách rời hai nhiệm vụ trước nay vẫn được Ngân hàng Nhà nước kiêm nhiệm, nhiệm vụ của một Ngân hàng Trung ương và nhiệm vụ của một Kho bạc Trung ương. Tháng 10 năm 1987, một ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên ra đời tại Thành phố Hồ Chí Minh, đó là Ngân hàng Công thương Thành phố Hồ Chí Minh, sau này được đổi tên là Sài Gòn Công thương Ngân hàng để tránh trùng tên với một ngân hàng quốc doanh ra đời sau đó, Ngân hàng Công thương Việt Nam. Ngân hàng cổ phần đầu tiên, với số vốn khiêm tốn là 650 triệu đồng (khoảng 1,2 triệu USD), đã được sự ủng hộ nồng nhiệt của các cơ sở kinh tế tư doanh và những người gởi tiền từ khu vực gia đình do một trong những ưu điểm vượt trội của ngân hàng - vào thời điểm đó - là không thực hiện quản lý tiền mặt đối với doanh nghiệp và không hạn chế việc rút tiền mặt từ tài khoản tiền gởi hay tài khoản tiết kiệm. Sự ra đời của Sài Gòn Công thương Ngân hàng đã mở đầu cho việc xuất hiện lần lượt nhiều ngân hàng cổ phần khác hoạt động trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, một số ngân hàng là kết quả hợp nhất các hợp tác xã tín dụng sống sót sau thời kỳ đổ bể tín dụng. Tháng 8 năm 1989, Chính phủ (lúc đó còn gọi là Hội đồng Bộ trưởng) quyết định xúc tiến việc đổi mới toàn diện hệ thống Ngân hàng Việt Nam và xây dựng pháp lệnh ngân hàng. Hội đồng Bộ trưởng thống nhất giao Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính thành lập tổ chuyên gia nghiên cứu dự án cải tổ do Ông Cao Sĩ Kiêm đứng đầu. Tuy nhiên, vì đây là vấn đề rất mới, cần được nghiên cứu khách quan, khoa học từ nhiều phía, nên Hội đồng Bộ trưởng cũng quyết định thành lập một tổ chuyên gia gồm các chuyên viên trong và ngoài ngành ngân hàng song song nghiên cứu vấn đề này. Ông Phan Văn Tiệm - Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Vật giá Nhà nước được chỉ định làm tổ trưởng. Đến giữa tháng 10/1989 đề cương đã được mỗi tổ chuẩn bị xong bước đầu và bắt đầu thảo luận song
  2. song tại hai tổ. Trọng tâm của việc cải tổ là tách biệt hai chức năng ngân hàng và ngân sách của Ngân hàng Nhà nước và xây dựng hệ thống ngân hàng hai cấp, gồm Ngân hàng Nhà nước có chức năng quản lý hệ thống ngân hàng và thực hiện chính sách tiền tệ với tư cách Ngân hàng Trung ương, và một hệ thống các tổ chức tín dụng bao gồm các ngân hàng thương mại (quốc doanh và cổ phần), các hợp tác xã tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có chức năng kinh doanh tiền tệ. Việc tập trung cả hai chức năng quản lý và kinh doanh tiền tệ vào Ngân hàng Nhà nước lúc đó được so sánh hình tượng như một trọng tài kiêm nhiệm vai trò cầu thủ “vừa đá bóng vừa thổi còi” trên sân bóng, một nghịch lý cần chấm dứt để cho hệ thống ngân hàng có thể phục vụ tốt hơn lợi ích của người gởi tiền và doanh nghiệp. Những khái niệm mới như định chế Hội đồng Quản trị Ngân hàng Nhà nước, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước, quy định dự trữ tối thiểu bắt buộc như một công cụ quản lý khối tiền tệ thay cho cơ chế quản lý tiền mặt vừa cứng nhắc vừa không hiệu quả, cơ chế thị trường tiền tệ liên ngân hàng thông qua đó Ngân hàng Nhà nước có thể áp dụng các biện pháp lãi suất để điều tiết tín dụng và khối tiền tệ thay cho kế hoạch cung ứng tiền duy ý chí trước đây đã được đưa ra thảo luận và nhận được sự đồng thuận của cả hai tổ. Tuy nhiên, đối với đề nghị xác lập vị thế độc lập của Ngân hàng Nhà nước đối với Chính phủ trong việc xây dựng và thực hiện chính sách tiền tệ, nhiều vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước cho rằng bước đi như thế là quá nhanh và chưa thích hợp với tình hình và điều kiện lúc đó, nên quyết định tiếp tục đặt Ngân hàng Nhà nước trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng. Về việc thiết lập định chế Hội đồng quản trị Ngân hàng Nhà nước và thay đổi danh xưng của người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước, thay vì gọi là Tổng giám đốc (dễ gây lầm lẫn là người đứng đầu một ngân hàng thương mại) thì sẽ gọi là Thống Đốc cho phù hợp với cách gọi của đại đa số các nước thì được sự ủng hộ của người chỉ đạo cải tổ hệ thống ngân hàng là Ông Võ Văn Kiệt, lúc đó là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, và sau đó được đưa vào nội dung của Pháp lệnh Ngân hàng Nhà nước. Dự thảo đầu tiên của hai Pháp lệnh được viết xong vào cuối tháng 10/1989 (gồm 2 bản dự thảo, một cho Ngân hàng Nhà nước và một cho các tổ chức tín dụng), được trình bày trực tiếp trước cho Ông Võ Văn Kiệt và được ông chấp thuận cho mang ra thảo luận ở hai tổ nghiên cứu. Những cuộc thảo luận về dự thảo pháp lệnh rất sôi nổi, hào hứng, ngày càng có nhiều chuyên gia được mời hoặc tình nguyện tham gia góp ý hoàn chỉnh. Tháng 3/1990, Hội đồng Bộ trưởng quyết định cử một đoàn gồm các ông Nguyễn Thiệu, Lê Văn Tư, Huỳnh Bửu Sơn đi Pháp, Singapore và Thái Lan với sự tài trợ của hai ngân hàng Pháp là IndoSuez và BFCE. Mục đích chuyến đi là tham khảo ý kiến các giới ngân hàng tại các nước đó về đề án cải tổ và hai dự thảo pháp lệnh ngân hàng, rút ngắn quá trình phê chuẩn hai dự thảo pháp lệnh Chuyến đi Singapore không thành vì đoàn không được cấp chiếu khán vào Singapore do quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Singapore còn băng giá vì vấn đề chiến tranh tại Campuchia. Tuy nhiên, chuyến đi Pháp và Thái Lan đã thành công ngoài dự tính. Các giới chức ngân hàng Pháp cũng như Thái Lan đều đánh giá cao đề án và hai dự thảo pháp lệnh ngân hàng và hoan nghênh nỗ lực của Chính phủ Việt Nam cải cách hệ thống ngân hàng, cho đó là một bước đi cần thiết và phù hợp. Đặc biệt, Ngân hàng Pháp quốc (Banque de France - Ngân hàng Trung ương của Pháp) đã cử hẳn một nhóm chuyên gia đến làm việc với đoàn và sau này, một thành viên của họ, ông Chaise - Tổng Thanh tra Ngân hàng Pháp trở thành Cố vấn cho Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Cao Sỹ Kiêm. Cũng nhân chuyến đi đó, đoàn đã tranh thủ gặp ông
  3. Berth, đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Pháp, trao cho ông hai bản dự thảo pháp lệnh và đề nghị IMF cho ý kiến. IMF đánh giá cao hai dự thảo này và ngay sau đó, trong một thời gian chưa đầy 2 tuần, đã có một bản góp ý quan trọng gửi Chính phủ Việt Nam và cử sang Hà Nội một đoàn chuyên gia để giải thích và ủng hộ những điều khoản tiến bộ trong dự thảo hai pháp lệnh. Từ đó về sau, việc hỗ trợ đổi mới ngân hàng Việt Nam đã thành mối quan tâm thường xuyên của IMF và World Bank (Ngân hàng Thế giới). Chính nhờ tầm nhìn xa và sự chỉ đạo mạnh dạn, nhanh chóng và hiệu quả của Chính phủ, mà trực tiếp là của Ông Võ Văn Kiệt, hai dự thảo pháp lệnh ngân hàng đã được hoàn chỉnh trong một thời gian kỷ lục và được Chủ tịch nước Võ Chí Công ký ban hành vào tháng 5/1990 (có hiệu lực từ tháng 10/1990). Hai pháp lệnh về Ngân hàng Nhà nước và các Tổ chức Tín dụng có đầy đủ những yếu tố của hai bộ luật về tiền tệ, ngân hàng đầu tiên của nước ta trong thời kỳ Đổi mới. Sau này, vào năm 1995, trên cơ sở hai pháp lệnh, Chính phủ cũng đã chỉ đạo xây dựng Luật Ngân hàng. Hai pháp lệnh chính là cơ sở pháp lý ban đầu làm nền tảng cho hệ thống ngân hàng Việt Nam vận hành và phát triển trong cơ chế thị trường. Các ngân hàng cổ phần, ngân hàng liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài lần lượt sinh sôi nẩy nở trong hệ thống Ngân hàng Việt Nam, thúc đẩy tăng trưởng của các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ, xuất nhập khẩu. Hệ thống ngân hàng nước ta đã sẵn sàng hội nhập với thị trường tiền tệ quốc tế. Các hợp tác xã tín dụng thành thị và nông thôn ra đời, góp phần cải thiện dòng vốn phục vụ các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp nhỏ và nông dân. Ngân hàng Nhà nước cũng dần dần hoàn thiện các chức năng, nhiệm vụ trọng yếu của mình và cùng với hệ thống ngân hàng xây dựng một nền móng vững chắc để hoạch định và thực thi chính sách tiền tệ, tín dụng, đóng góp xứng đáng vào thành tích ổn định và phát triển kinh tế trong thời kỳ đầu của Đổi Mới và Mở Cửa. VÌ SAO HỆ THỐNG NGÂN HÀNG VIỆT NAM CHƯA CÓ SÉC CÁ NHÂN? (1994) Các nhà phân tích kinh tế phương Tây ngày nay khi đề cập đến tiến bộ trong hệ thống thanh toán nền kinh tế của họ, thường dùng thuật ngữ checkless society - có nghĩa là một xã hội không có séc (chi phiếu), không dùng séc. Việc sử dụng thuật ngữ này cho thấy sự thay đổi cơ bản về chất trong quan hệ thanh toán: những đồng tiền bằng nhựa, những thẻ thanh toán điện tử đang thay thế dần tiền giấy và séc, làm cho việc thanh toán được thực hiện nhanh hơn, chính xác hơn, an toàn hơn, đỡ cồng kềnh hơn và nhất là ít tốn kém hơn. Xã hội của chúng ta hiện nay cũng là một checkless society, nhưng không phải vì chúng ta đã có tiền nhựa hay tiền điện tử mà vì hệ thống ngân hàng của chúng ta chưa phổ biến được phương tiện thanh toán này. Đây là điều làm ngạc nhiên đến ngỡ ngàng không ít những người muốn tìn hiểu về nền kinh tế và hệ thống ngân hàng Việt Nam. Tiền mặt vẫn là phương tiện thanh toán giữa các cá nhân, giữa cá nhân và các đơn vị kinh tế với tất cả những bất tiện của nó, trên nền của sự thiếu thốn triền miên về nguồn vốn thanh toán trong toàn xã hội. Và cội rễ của tình trạng thiếu vốn thanh toán không gì khác hơn là việc sử dụng phổ biến tiền mặt như phương tiện thanh toán duy nhất của cá nhân. Hãy làm một cuộc so sánh giữa hai xã hội, một sử dụng hoàn toàn séc và một sử dụng hoàn toàn tiền mặt. Nếu quy định về dự trữ tối thiểu bắt buộc đều là 10% cho cả hai hệ thống ngân hàng và tổng giá trị thanh toán ở một thời điểm nhất định của hai nền kinh tế là ngang nhau - những yếu tố khác - như vòng quay tiền tệ cũng ngang bằng, thì lượng
  4. tiền mặt cần cho xã hội thứ hai sẽ gấp 10 lần xã hội thứ nhất. Chỉ riêng yếu tố đó cũng đã thấy việc không thể sử dụng séc đã gây ra tốn kém như thế nào về mặt in ấn tiền giấy và những phí tổn khác có liên quan đến việc thanh toán bằng tiền mặt. Chưa kể đến một vấn đề quan trọng khác. Mỗi cá nhân đều giữ tiền trong một thời gian lâu hay mau trước khi chi tiêu. Số tiền mặt đó nhân với thời gian giữ tiền mặt bình quân trong xã hội, nhân với toàn thể các cá nhân tham gia vào quá trình thanh toán trong thời gian đó của xã hội sẽ là một con số rất lớn. Con số đó chính là nguồn vốn thanh toán bị bất động ở một xã hội xài tiền mặt. Ở xã hội sử dụng séc, không có sự bất động vốn nói trên, mọi đồng tiền trong hệ thống ngân hàng đều rất hoạt động, chúng không nằm yên, lúc nào chúng cũng lưu chuyển và tạo ra lợi nhuận cho xã hội. Như vậy, việc phổ biến phương tiện sử dụng séc là quyền lợi trước hết của xã hội. Để quyền lợi này được đảm bảo, phải có sự hưởng ứng của mọi cá nhân, mọi đơn vị kinh tế. Và sự hưởng ứng này chỉ có được khi nào mọi người thấy rằng sử dụng séc tiện lợi hơn, đỡ phiền hà hơn, ít tốn kém hơn và ít mất thời gian hơn. Hệ thống ngân hàng phải cung ứng được những tiện ích đó. Những quy định hạn chế các lạm dụng phải nhằm mục tiêu làm cho các tiện ích đó được cung cấp tốt hơn, an toàn hơn, bảo vệ cho người trả séc lẫn người nhận séc mà không làm mất đi các tiện lợi cần thiết. Việc cho phép cá nhân mở tài khoản séc được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định từ cuối năm 1993, nhưng đến nay mới chỉ triển khai thí điểm tại Hà Nội và chỉ nhận được một sự hưởng ứng hạn chế. Giới Ngân hàng cho rằng các quy định về mở tài khoản séc cá nhân của NHNN nặng về mặt triệt tiêu các lạm dụng nhưng ít quan tâm đến việc tạo tiện lợi cho người sử dụng séc, do đó không khuyến khích người ta sử dụng séc. Ngoài việc quy định lãi suất của tài khoản séc cá nhân thấp hơn phân nửa lãi suất tiết kiệm không kỳ hạn, còn có ràng buộc như người sử dụng séc phải đến nhờ ngân hàng thực hiện nghiệp vụ bảo chi nếu chi trả một khoản tiền vượt quá năm triệu đồng. Đặc biệt còn có quy định là người chủ tài khoản séc cá nhân không được ủy quyền cho đệ tam nhân sử dụng tài khoản của mình, tước mất một hành vi pháp lý quan trọng và là một tiện ích cần thiết của một cá nhân với tư cách chủ tài khoản. Mặc khác, hệ thống thanh toán bù trừ séc cá nhân cũng chưa được NHNN triển khai rộng rãi trong hệ thống ngân hàng. Các ngân hàng thương mại còn than phiền về sự can thiệp quá sâu của NHNN như việc buộc họ phải in các tập séc theo mẫu thống nhất do NHNN quy định. Thật ra, tờ séc thể hiện lệnh của người chủ tài khoản cần có nội dung rõ ràng của một lệnh trả tiền, có chữ ký đích thực của ông ta là đủ để yêu cầu ngân hàng nhận mở tài khoản séc phải thực hiện lệnh đó. Các ngân hàng in tập séc cho khách hàng là để phục vụ tốt hơn yêu cầu của khách hàng, giảm bớt chi phí, thời gian, phiền hà cho họ trong việc viết lệnh. Luật thương mại các nước đều quy định những yếu tố pháp lý căn bản cấu thành một tờ séc mà không hề ràng buộc một mẫu séc thống nhất. Những quy định hiện nay của NHNN về việc mở và sử dụng tài khoản séc là rất chặt chẽ, nhưng e rằng sự chặt chẽ đó có thể ảnh hưởng không tốt đến mục tiêu phổ cập việc sử dụng séc trong dân chúng. Và nếu xã hội vẫn chưa thể sử dụng séc thay thế tiền mặt, xã hội đó sẽ mất đi nhiều lợi ích lớn lao về thời gian, về vốn liếng cần thiết cho nhu cầu phát triển kinh tế. Nên chăng có một sự phân định rõ ràng giữa vai trò kỹ thuật nghiệp vụ của hệ thống ngân hàng với vai trò của luật pháp quy định và bảo đảm các nghĩa vụ, quyền lợi của người sử dụng séc cùng người thụ hưởng séc. Ngân hàng, với chức năng của mình, cần tạo ra các tiện ích, thuận lợi đủ sức hấn dẫn cho mọi người hưởng ứng việc sử dụng
  5. séc, thu hẹp phạm vi thanh toán bằng tiền mặt. Về mặt pháp lý, một luật hay pháp lệnh về séc cần được ban hành sớm để chế tài những hành vi lạm dụng như việc ký séc không tiền bảo chứng, điều mà hệ thống ngân hàng thường e ngại. Sự phối hợp giữa chức năng của ngân hàng và luật lệ về chi phiếu là điều kiện quyết định giúp phổ biến rộng rãi hơn, an toàn hơn việc sử dụng séc cá nhân trong xã hội. Tháng 4/1994 NGÂN HÀNG NƯỚC NGOÀI: THỬ THÁCH ĐANG ĐẾN GẦN (1994) Ngày 14 tháng 7 tới đây, cũng là ngày Quốc khánh của Cộng hòa Pháp, IndoSuez - một ngân hàng lớn vào bậc nhất nhì ở Pháp và có mối quan hệ lâu đời với Việt Nam sẽ chính thức khai trương hoạt động tại Thành phố Hồ Chí Minh. Indo Suez sẽ là ngân hàng nước ngoài đầu tiên bước vào cánh cửa mở rộng của thị trường tiền tệ, tín dụng Việt Nam, theo sau đó sẽ là hàng loạt các ngân hàng nước ngoài khác, trước mắt là sáu ngân hàng đã được cấp giấy phép hoạt động. Họ đều là những ngân hàng lớn, có tầm cơ quốc tế. Sự có mặt của các ngân hàng nước ngoài chắc chắn sẽ làm biến đổi sâu sắc hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Những kỹ thuật ngân hàng mới sẽ được đưa vào cùng với tác phong quản lý, cung cách làm ăn, mối quan hệ giao tiếp với khách hàng hoàn toàn đổi khác. Hoạt động tiển tệ, ngân hàng sẽ trở nên phong phú, đa dạng hơn, hiện đại hơn và một không khí cạnh tranh dồn dập, sôi động, không cưỡng lại được sẽ cuốn hút các ngân hàng trong nước, quốc doanh cũng như cổ phần, vào cuộc chạy đua bắt buộc. Và trong cuộc chạy đua marathon nhằm chiếm lĩnh vị trí số một trên lĩnh vực tài chính, tiền tệ, các ngân hàng Việt Nam non trẻ, chưa kịp chuẩn bị đầy đủ cho cuộc thử sức này sẽ rất chật vật mới có thể chen vai cùng các đồng nghiệp hùng mạnh và có lợi thế hơn hẳn. Trước hết là ưu thế về vốn. Mỗi chi nhánh ngân hàng nước ngoài đều có một số vốn tối thiểu theo quy định là 15 triệu đô-la Mỹ, như vậy, chỉ riêng sáu ngân hàng được phép hoạt động đã có một số vốn tổng cộng lên đến 90 triệu USD, tương đương với một ngàn tỷ đồng Việt Nam, lớn hơn tổng số vốn pháp định của toàn bộ các ngân hàng trong nước. Theo pháp lệnh ngân hàng, huy động tiền gửi của các ngân hàng này, trên lý thuyết, lên đến mức 20 ngàn tỷ đồng. Đây là con số vượt xa tổng số tiền gửi hiện nay của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Sự ràng buộc về mức vốn tối thiểu của các ngân hàng nước ngoài trước đây tưởng chừng như một nút chặn, nay trở thành một thế mạnh tài chính áp đảo trên thị trường tiền tệ tín dụng trong nước. Thêm vào đó, các chi nhánh ngân hàng nước ngoài được hưởng một cơ chế tương đối rộng rãi, một cơ chế mà số ngân hàng trong nước được hưởng có thể đếm trên đầu ngón tay. Căn cứ trên sự hoạt động của Indo Suez, chúng ta thấy rằng các chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép hoạt động ngân hàng toàn diện, kinh doanh cả ngoại tệ lẫn tiền đồng. Đây là một chính sách thoáng nếu so với các nước trong vùng. Đài Loan chẳng hạn, những năm gần đây, họ mới cho giảm số hạn chế các ngân hàng nước ngoài bước khỏi ngưỡng cửa offshore banking (hoạt động ngân hàng ngoại biên) được thiết lập trong suốt mấy mươi năm trong thời kỳ phát triển, để bảo vệ các ngân hàng bản xứ. Thái Lan thì chỉ cho các ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Bangkok, không được phép mở chi nhánh ở bất cứ nơi nào. Các chi nhánh ngân hàng nước ngoài có một ưu thế không thể chối cãi, là khả năng thu hút những chuyên viên giỏi nhất về ngân hàng hay là về bất cứ lĩnh vực nào khác mà họ thấy cần. Với mức lương trả có thể gấp 10 lần mức lương trung bình của một ngân hàng
  6. trong nước, họ chỉ cần một thời gian ngắn là có thể tập trung trong tay những cán bộ ưu tú để xây dựng bộ máy. Ngay trong giai đoạn chuẩn bị này của các ngân hàng nước ngoài, các ngân hàng Việt Nam đã thực sự cảm thấy sức ép đang đè nặng về mặt nhân sự. Tình trạng chảy máu chất xám không chỉ từ khu vực ngân hàng mà còn từ nhiều khu vực khác là điều không thể tránh khỏi. Hơn nữa, để kiện toàn đội ngũ, chi nhánh các ngân hàng nước ngoài có thể gửi nhân viên Việt Nam của họ ra học tập, huấn luyện trong hệ thống mạng lưới của họ đặt tại Hồng Kông, Singapore chẳng hạn. Mặt tích cực của việc này là Việt Nam sẽ nhanh chóng có được một đội ngũ chuyên viên ngân hàng tinh nhuệ, nhưng mắc khác đó sẽ là bài toán hóc búa đặt ra cho các ngân hàng Việt Nam trong nỗ lực duy trì tiềm lực nhân sự của mình để có thể tồn tại và phát triển lâu dài. Các ngân hàng nước ngoài còn có một lợi điểm khác mà các ngân hàng trong nước chỉ có thể mơ ước. Họ bước vào thị trường tiền tệ, tín dụng Việt Nam với tư cách là một ngân hàng mới tinh khôi, lành mạnh, đầy năng lực khi các ngân hàng trong nước, quốc doanh, cổ phần, kể cả các ngân hàng mới thành lập trên cơ sở các hợp tác xã tín dụng trước đây đều phải trải qua một cơn bão táo tín dụng mà hay những hậu quả nghiêm trọng còn lại của nó vẫn chưa được khắc phục. Không bị thúc đẩy bởi hoàn cảnh, các ngân hàng nước ngoài sẽ thong thả chờ cho sóng yên gió lặng, thong thả chọn lựa những khách hàng tin cậy nhất, chọn lĩnh vực thuận lợi nhất để triển khai các hoạt động của mình. Họ còn có ưu thế vượt trội về mặt kỹ thuật. Khi thời cơ thuận tiện, họ sẽ lần lượt đưa vào thị trường Việt Nam những kỹ thuật ngân hàng mới, những công cụ thanh toán hiện đại, những dịch vụ có thể thỏa mãn mọi yêu cầu của khách hàng. Trong khi đó, do thiếu vốn, thiếu cơ sở kỹ thuật cần thiết, các ngân hàng của chúng ta, tuy cố gắng tối đa, có lẽ không phải đi sau họ chỉ một bước mà là nhiều bước. Vị trí chủ đạo trên thị trường, cuối cùng sẽ thuộc về kẻ nào nắm trong tay chiếc chìa khóa của kỹ thuật và công nghệ. Với chỗ dựa là mạng lưới bao trùm khắp nơi trên thế giới và với uy tín quốc tế sẵn có, các ngân hàng nước ngoài sẽ nhanh chóng trở thành những nhà vô địch trên lĩnh vực thanh toán đối ngoại. Họ sẽ dễ dàng lôi kéo về mình các nghiệp vụ thanh toán xuất nhập khẩu, nhất là nhập khẩu, do những điều kiện thuận lợi mà họ thừa khả năng tạo ra cho khách hàng. Mỗi ngân hàng còn là một nơi thu hút các nguồn tài trợ của chính phủ họ cho Việt Nam và các khoản đầu tư của các nhà đầu tư nước họ. Cuối cùng, nhưng không phải là kém quan trọng, các ngân hàng nước ngoài còn được những ưu đãi luật định dành cho các nhà đầu tư. Trong khi ngân hàng trong nước phải chịu áp lực nặng nề của thuế, trong đó có loại thuế bất hợp lý như thuế doanh thu, thì các ngân hàng nước ngoài được sự ưu đãi của luật đầu tư, sẽ được miễn thuế trong ba năm đầu. Cùng với các lợi điểm khác, ưu thế này cũng cố thêm một cách vững chắc vị trí của các ngân hàng nước ngoài trong hệ thống ngân hàng Việt Nam. Tuy nhiên, sẽ là thiếu soát nếu không đề cập đến những hạn chế mà ngân hàng nước ngoài gặp phải trong quá trình thực hiện chiến lược phát triển của họ. Hạn chế thứ nhất bắt nguồn từ tính thận trọng cố hữu của các ngân hàng. Khác với các nhà kinh doanh khác, nhà ngân hàng thường tự nhận mình là người bảo thủ và họ tự hào khi nói lên điều đó. Do vậy, các ngân hàng nước ngoài sẽ rất dè dặt không mở rộng ngay quan hệ tín dụng giữa họ và khách hàng Việt Nam và sự lựa chọn khắt khe đến lạnh lùng cùng với các tiêu chuẩn
  7. nghiêm ngặt của họ sẽ sớm là nản lòng các công ty, xí nghiệp Việt Nam muốn thiết lập quan hệ. Mặt khác, đối với họ, thị trường tiền tệ tín dụng ở đây vẫn còn nhiều bất trắc và họ sẽ không vội vã tham gia vào thị trường này, ngay cả khi họ đã được phép kinh doanh tiền đồng. Tình trạng lãi suất chưa ổn định, độ tin cậy của khách hàng chưa cao, sự mâu thuẫn chưa khắc phục giữa giá mua và giá bán đồng vốn, sự “cẳng thẳng” tiềm ẩn của tiền mặt đều là những trở ngại mà họ chưa thấy cần thiết phải đương đầu. Cái giá phải trả trong trường hợp này sẽ khá cao so với lợi ích mang lại. Các ngân hàng nước ngoài cũng chưa có kinh nghiệm tại chỗ và mặc dù một số lớn trong họ đã thiết lập văn phòng đại diện tại Việt Nam từ mấy năm nay, vẫn có nhiều vấn đề thực tế thị trường mà họ chưa hiểu nổi và cần có thời gian để tìm hiểu. Tuy nhiên, như đã nói, các ngân hàng nước ngoài không hề vội vã, thời gian rõ ràng đang đứng về phía họ. Còn đối với các ngân hàng trong nước, điều cốt tử là phải tranh thủ khoảng thời gian ngắn ngủi này để làm một cuộc thoát xác. Các ngân hàng Việt Nam, như những con đò thô sơ bỗng một sáng đẹp trời thấy bên cạnh mình những chiếc phà to lớn, xinh đẹp, bóng loáng, mới tinh. Người lái đò buộc phải vội vã lo sơn phết, vá víu lại con đò của mình, cố gắng mua thêm một cái máy đuôi tôm và nở một nụ cười chưa quen thuộc để chiêu đãi khách hàng như một nỗ lực sống còn trong môi trường cạnh tranh sòng phẳng, khắc nghiệt của cơ chế thị trường còn quá mới mẻ. Còn lâu những đợt sóng phía sau những chiếc phà đó mới nhận chìm được những con đò của chúng ta, nhưng chắc chắn chúng sẽ gây không ít khó khăn cho những con đò nhỏ đang chở khẳm những gánh nặng nợ nần. Mong rằng các con đò của chúng ta sẽ mau chóng lớn mạnh thành những chiếc phà hiện đại để cùng với những ngân hàng nước ngoài, biến hệ thống ngân hàng Việt Nam thành một mũi nhọn cho phát triển. Nhưng trước hết, các ngân hàng Việt Nam cần được sự hỗ trợ, một sự hỗ trợ khẩn cấp, tích cực và có hiệu quả từ phía ngân hàng mẹ, Ngân hàng Nhà nước. TÌNH HÌNH HỆ THỐNG NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI VIỆT NAM THỜI ĐIỂM 1995-1996 Nếu xem thời điểm ban hành hai Pháp lệnh ngân hàng khởi đầu công cuộc cải tổ hệ thống ngân hàng là cột mốc khởi đầu công cuộc cải tổ hệ thống Ngân hàng Việt Nam, cho đến nay hệ thống ngân hàng trẻ trung này của chúng ta mới được hơn năm tuổi. Thời gian tuy không dài, nhưng sự thay da đổi thịt để trưởng thành rất rõ nét. Cải tổ đã làm một cuộc phẩu thuật lớn. Cặp đôi song sinh được tách ra và nhờ đó mỗi người đã lớn lên theo cách riêng của mình. Ngân hàng Nhà nước, với tư cách một Ngân hàng Trung ương, giữ vai trò quản lý, điều hành hệ thống ngân hàng, chăm lo sức khỏe của nền tiền tệ, đang ngày càng hoàn thiện các chức năng và các công cụ quản lý. Trong khi đó, hệ thống ngân hàng thương mại đang phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Hiện nay, ngoài bốn ngân hàng quốc doanh có mặt ngay từ đầu, hệ thống được sự tham gia rộng rãi của trên 40 ngân hàng cổ phần, bốn ngân hàng liên doanh, 19 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, hai công ty tài chính, 69 hợp tác xã tín dụng và 153 quỹ tín dụng nhân dân (chưa kể trên 60 văn phòng đại diện ngân hàng nước ngoài). Mặc dù các ngân hàng quốc doanh vẫn tiếp tục giữ vị trí áp đảo với tổng tài sản có chiếm 87% của toàn hệ thống, tình trạng độc quyền ngân hàng đã chấm dứt, một môi trường cạnh tranh được hình thành và đang là động lực thúc đẩy các ngân hàng trong nước tự cải thiện mình về mọi mặt để tồn tại và tiến về phía trước. Mối
  8. quan hệ giữa ngân hàng và các đơn vị kinh tế trở nên bình đẳng và sòng phẳng hơn, ngày nay, các ngân hàng đang phải tích cực tranh thủ và “o bế” khách hàng của mình nhiều hơn là điều ngược lại. Ở đâu trong cơ chế thị trường, khách hàng, cuối cùng, cũng là vua. Nguồn tiền nhàn rỗi trong xã hội được thu hút nhiều hơn vào hệ thống ngân hàng. Quả tim của nền kinh tế bây giờ đây đang phục hồi dần chức năng của nó là hút và bơm nguồn máu cần thiết để nuôi dưỡng các tế bào của cơ thể, mà không phải chỉ là một số con kênh hạn hẹp được thiết lập nhằm phân phối nguồn vốn bao cấp từ ngân sách đến khu vực kinh tế quốc doanh như trước đây. Hệ thống ngân hàng đổi mới đã đóng góp phần xứng đáng của mình vào các thành tựu kinh tế trong thời gian qua. Trước hết, nó giúp nền kinh tế vượt qua cơn khủng hoảng tài chính của những năm 1990 - 1991. Sau đó, từ 1993 đến 1995, cũng chính hệ thống ngân hàng đổi mới đã góp phần không nhỏ trong việc cả nước thực hiện kỳ tích đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế trong ba năm liền lên trên 8%/năm, gấp đôi so với những năm trước đó. Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng nhanh, sản xuất kinh doanh trong cả hai khu vực quốc doanh và tư doanh đều phát triển, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam năm sau tăng nhiều hơn năm trước để đạt đến đỉnh cao 17,8 tỷ đô-la vào cuối năm 1995. Trong mỗi thành tích đó đều có sự góp sức ít nhiều của hệ thống ngân hàng được đổi mới của chúng ta. Khi quả tim lấy lại nhịp đập lành mạnh của nó, cơ thể kinh tế cũng bình phục và khỏe mạnh hơn trước. Tuy nhiên, những thành tích đáng kích lệ vừa kể không làm chúng ta quên một thực tế là hệ thống ngân hàng của chúng ta còn rất non trẻ và cần phải làm nhiều điều để giúp nó lớn mạnh, thực sự giữ vai trò trụ cột trong sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước. Trong một báo cáo năm 1995, Ngân hàng Thế giới đã nhận định rằng Việt Nam là một nước “thiếu ngân hàng”, có tỷ lệ số ngân hàng (và chi nhánh) trên đầu người dân thấp nhất so với các nước khác trong ASEAN và do đó tỷ lệ khối tiền tệ M3 (gồm tiền mặt lưu hành và các tài khoản tiền gởi trong hệ thống ngân hàng) so với tổng sản phẩm nội địa (GDP) chỉ bằng 23%, một tỷ lệ thấp hơn các nước trong khu vực và các nước có nền kinh tế chuyển đổi khác. Chức năng thanh toán của hệ thống ngân hàng chưa được phát huy đúng mức, dẫn đến tình trạng thanh toán tiền mặt còn rất lớn ngoài hệ thống ngân hàng, nhu cầu tiền mặt trong xã hội lên cao, thể hiện qua tỷ trọng tiền mặt lưu hành trên khối tiền tệ đạt đến con số kỷ lục 43%. Tỷ lệ này ở các nước ASEAN khác chỉ là 10%. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho rằng tỷ lệ tiền mặt lưu hành cao “Phản ánh sự thiếu tín nhiệm đối với hệ thống ngân hàng”, xuất phát từ “sự bất cập của hệ thống thanh toán và thiếu các dịch vụ ngân hàng phục vụ cho cá nhân”. Nhưng điều nghịch lý là tuy tỉ trọng tiền mặt lưu hành cao, khối lượng tiền mặt lưu hành vẫn không đáp ứng đủ cho nhu cầu tiền mặt trong một xã hội mà các hoạt động giao dịch thanh toán bằng tiền mặt phát triển theo cấp số nhân, dẫn đến hậu quả là người dân - nhất là tại các thành thị - phải đồng thời “xài” cả đồng đô-la Mỹ trong các cuộc giao dịch giá trị cao. Lượng đô-la mặt lưu hành hiện nay, theo một ước lượng không chính thức, xấp xỉ với giá trị lượng tiền đồng Việt Nam trong lưu thông. Khối lượng thanh toán quá lớn bằng tiền mặt - đô-la - ngoài hệ thống ngân hàng đã làm mất đi một nguồn vốn thanh toán quan trọng của hệ thống, mà chính nguồn vốn này mới là chỗ trông cậy thiết yếu của các ngân hàng để họ có thể phát huy vai trò tài trợ các hoạt động sản xuất kinh doanh thường nhật. Lãi suất tiết kiệm quá cao đã biến nguồn tiết kiệm
  9. thành một thứ thức ăn khó nuốt và việc tiếp nhận nguồn vốn này, đối với một số ngân hàng, không khác gì hành động “uống thuốc độc để giải khát”. Sự sống còn của các ngân hàng tùy thuộc vào khả năng tìm kiếm khách hàng sẵn sàng vay với một mức lãi suất cao hơn, có nghĩa là với một rủi ro cao hơn. Đây là một nỗ lực đầy khó khăn của các ngân hàng vì không dễ gì thuyết phục một đơn vị kinh tế lành mạnh và có tính toán chấp nhận vay với lãi suất cao, trong khi những kẻ dễ dàng chịu vay với giá cao thì không có gì đảm bảo rằng họ là những khách hàng có tính toán và lành mạnh. Phần lớn các ngân hàng Việt Nam, nhất là các ngân hàng vừa và nhỏ, phải sống bằng nguồn - vốn - giá - cao là tiền gởi tiết kiệm. Để tìm được “cửa sinh”, họ buộc phải giảm kỳ hạn tiết kiệm để giảm lãi suất. Thay vì nhận tiết kiệm kỳ hạn một năm và phải trả lãi 24%/năm, các ngân hàng giảm xuống sáu tháng để chỉ phải trả 20,4%/năm (1,7% tháng) và nay thì một số ngân hàng chỉ chấp nhận tiền gửi tiết kiệm với kỳ hạn ba tháng lãi suất 1,4% tháng, tức 16,8%/năm. Điều này có nghĩa là nguồn vốn huy động của các ngân hàng Việt Nam đang ngày càng trở nên ngắn hạn, hoạt động tín dụng của họ cũng trở nên ngắn hạn. Với lãi suất cao và nguồn vốn huy động ngắn hạn, vai trò của ngân hàng Việt Nam trong việc tài trợ trung và dài hạn nhằm phát triển sản xuất nội địa ngày càng trở nên rất lu mờ. Nhưng nếu các ngân hàng trong nước không đủ sức đảm đương việc tài trợ các dự án đầu tư cho các doanh nghiệp Việt Nam, ai sẽ thay thế họ? Câu trả lời rất hiển nhiên: các ngân hàng nước ngoài và họ sẽ tài trợ bằng đồng đô-la. Trận địa đang được ta bỏ trống nhưng họ không vội vã lấn chiếm. Thời gian ở về phía họ, họ sẽ chờ đợi để có một môi trường thuận lợi nhất, thời điểm thích hợp nhất, dự án hiệu quả nhất và khách hàng tốt nhất để lấy quyết định. Tài trợ dự án, đó là phân khúc thị trường mà các ngân hàng Việt Nam đang phải bước ra và không biết đến chừng nào mới có thể quay trở lại. Trong mớ bòng bong của những vấn đề phức tạp, Ngân hàng Thế giới nhận định rằng đầu mối của giải pháp là phải nhanh chóng hiện đại hóa hệ thống thanh toán của các ngân hàng. Phúc trình của Ngân hàng Thế giới nhận xét: “Các ngân hàng bản xứ cần được tăng cường đáng kể về mặt chế định để đương đầu với những thách thức của một thị trường đang được cởi trói. Sự thiếu thốn hiện nay về các quy định quản lý nghiệp vụ ngân hàng hiện đại là nguyên nhân dẫn đến sự bế tắc nghiêm trọng trong hệ thống thanh toán. Ngân hàng Thế giới hiện đã sẵn sàng tài trợ 49 triệu đô-la cho dự án hiện đại hóa hệ thống thanh toán do Ngân hàng Nhà nước bảo trợ với mục tiêu là “tăng cường uy tín của hệ thống ngân hàng Việt Nam và tạo điều kiện phát triển một khu vực ngân hàng hiện đại đủ khả năng phục vụ các yêu cầu của một nền kinh tế đang tăng trưởng”. Một hệ thống thanh toán hiện đại có thể giúp các ngân hàng mở rộng mạng lưới tiếp xúc của họ đến tận các doanh nghiệp, đến từng cá nhân. Nhưng quan trọng hơn, các ngân hàng phải được tạo điều kiện để cung ứng những phương tiện thanh toán ngày càng tiện lợi hơn nhằm phục vụ các nhu cầu đa dạng của người dân. Quả là chậm nếu đến đầu năm 1996, séc cá nhân mới được lưu hành trên thực tế. Rõ ràng các quy định về séc cần chú trọng nhiều hơn đến lợi ích của người thụ hưởng séc và sự tiện lợi của việc sử dụng séc, mới có thể nhận được sự hưởng ứng rộng rãi. Mặt khác, thương phiếu, hối phiếu, lệnh phiếu nếu được đưa vào trong quan hệ giao dịch thanh toán giữa các đơn vị kinh tế sẽ giúp khắc phục tình trạng chiếm dụng vốn lẫn nhau đang làm kiệt quệ nguồn vốn kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời phát huy vai trò ngân hàng trong việc tài trợ thanh toán và khai
  10. thông dòng chảy đồng vốn. Ngân hàng là một ngành công nghiệp, sự tồn tại và phát triển của nó tùy thuộc vào khả năng của chính nó tạo ra nhiều sản phẩm ngân hàng mới với chất lượng ngày càng cao hơn. Cần mạnh dạn tháo gỡ những ràng buộc để thúc đẩy sự năng động sáng tạo công nghiệp của các ngân hàng Việt Nam. Sẽ không có phát triển công nghệ ngân hàng, nếu mỗi ngân hàng không tự thấy, trước hết, mình là một đơn vị công nghiệp. Một hệ thống thanh toán tốt sẽ giúp hệ thống ngân hàng tích tụ nguồn vốn thanh toán lớn lao và đó là điều kiện căn bản cho việc hình thành thị trường tiền tệ liên ngân hàng. Nhưng muốn cho thị trường tiền tệ hoạt động tốt, làm tiền đề cho việc xây dựng và phát triển thị trường vốn, biện pháp tháo gỡ những ràng buộc pháp lý (deregulation) trên lãnh vực lãi suất cũng rất cần thiết. Ngân hàng Nhà nước không cần phải ấn định lãi suất tiền gửi và cho vay, dù là ấn định mức trần hay mức sàn, chính các ngân hàng thương mại sẽ làm công việc đó đối với khách hàng của mình, bằng cách dựa trên lãi suất cơ bản là lãi suất trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng. Về phần mình Ngân hàng Nhà nước sẽ kiểm soát các biến động lãi suất trên thị trường tiền tệ thông qua các hoạt động mua bán của Ngân hàng Nhà nước trên thị trường cũng như định hướng tín dụng của các ngân hàng thương mại bằng lãi suất tái chiết khấu hay tái cấp vốn. Một chuyên gia về ngân hàng đã nhận xét: “Sự giải tỏa về mặt tài chính dưới hình thức hủy bỏ mức lãi suất trần là điều kiện tiên quyết cho việc phát triển thị trường chứng khoán”. Nhiều điều phải làm để cải thiện môi trường ngân hàng, nhưng còn nhiều việc phải làm hơn nhằm tăng cường sinh lực và sức mạnh của các ngân hàng Việt Nam, giúp họ có thể trụ lại trong môi trường đó. Vấn đề nợ khê động của các ngân hàng vẫn còn là vấn đề ray rứt, bức xúc mà chủ trương thanh toán công nợ giai đoạn II hầu như hoàn toàn bế tắc trong việc tìm ra giải pháp. Và nếu phải tiếp tục mang nặng nợ nần, các ngân hàng khó có thể tiến nhanh về phía trước. Thuế cũng là một vấn đề cần lưu ý. Thuế doanh thu ngân hàng đã được bãi bỏ, nhưng mức thuế thu nhập 45% đánh trên các ngân hàng Việt Nam cao gần gấp đôi mức thuế thu nhập 25% đánh trên các chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang làm sút giảm tiềm lực cạnh tranh của các ngân hàng trong nước. Về phần mình, các ngân hàng thương mại cũng phải có chiến lược phát triển thích hợp, khi nền kinh tế nước ta hội nhập vào khu vực và phải chấp nhận một sự cạnh tranh quyết liệt về mọi mặt. Các ngân hàng quốc doanh cần được hưởng một cơ chế rộng rãi hơn trong việc sử dụng lợi nhuận để dự phòng rủi ro, tăng vốn, cải tiến công nghệ và nâng cao mức phúc lợi cho nhân viên. Các ngân hàng cổ phần cần tự chế trong việc phân phối lợi nhuận, theo đuổi chính sách đúng đắn là giảm tỷ lệ cổ tức hiện tại để tăng nguồn vốn đầu tư cho một tương lai phát triển, như mở rộng mạng lưới hoạt động, tiếp thu công nghệ mới, xây dựng, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ nhân viên ngân hàng chuyên nghiệp. Mặt khác, trong cơn sóng gió của cơ chế thị trường, các con thuyền nhỏ bắt buộc phải liên kết thành con tàu lớn, vững chắc hơn. Cần có một hành lang pháp lý hoàn chỉnh cho phép sự sáp nhập các ngân hàng một cách suôn sẻ, không gây xáo trộn trong hệ thống. Chỉ còn 5 năm nữa là kết thúc thế kỷ 20. Năm năm đó, đối với nước ta có ý nghĩa quyết định. Đó là thời kỳ lấy đà cho nền kinh tế tăng tốc và cất cánh. Hệ thống ngân hàng Việt Nam, với tư cách là nguồn dự trữ và cung ứng nhiên liệu cho cỗ máy kinh tế, phải thực hiện những tiến bộ vượt bực để có thể hoàn tất vai trò của mình là động lực cho nền kinh tế cất cánh. Tháng 12/1995
  11. THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH: THÀNH TỰU TRONG ĐỔI MỚI NGÀNH NGÂN HÀNG (1995) Thành phố Hồ Chí Minh, với sự năng động vốn có, là nơi mà thành tựu đầu tiên trong công cuộc đổi mới hệ thống ngân hàng đã được ghi nhận. Đó là vào năm 1987. Với một sáng kiến được coi là “táo bạo” vào lúc đó, được sự ủng hộ của Hội đồng Bộ trưởng và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, một ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên - và cũng là công ty cổ phần đầu tiên xuất hiện trước Luật Công ty - đã được khai sinh tại thành phố như một “thí điểm” cho mô hình ngân hàng thương mại thực sự. Vào thời đó định nghĩa về một ngân hàng thương mại “thực sự” cũng khá đơn giản: đó là một ngân hàng sẵn sàng cho người gửi tiền rút tiền mặt từ tài khoản tiết kiệm của họ mà không hỏi lý do tại sao, đồng thời sẵn sàng cấp tín dụng cho mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là doanh nghiệp và cơ sở sản xuất tư doanh, căn cứ vào hiệu quả sản xuất kinh doanh mà không phải dựa trên một kế hoạch tín dụng đã được duyệt trước. Ngân hàng nhỏ bé đó được đặt tên ban đầu là Ngân hàng Công thương Thành phố Hồ Chí Minh, sau này đổi lại là Sài Gòn Công thương Ngân hàng để tránh nhầm lẫn với Ngân hàng Công thương Việt Nam (một ngân hàng quốc doanh), khởi đầu với một số vốn cổ phần nhỏ nhoi khiêm tốn là 650 triệu đồng (chính xác là 650.250.000 ngàn đồng, tương đương 1,2 triệu USD vào thời điểm đó), đã được sự ủng hộ rộng rãi của đông đảo nhân dân thành phố. Chỉ hai năm sau ngày khai trương hoạt động, ngân hàng này đã đạt được mức lãi ròng là 12 tỷ đồng và tăng vốn cổ phần lên gấp năm lần. Bước đột phá đầu tiên tại Thành phố Hồ Chí Minh đã khởi động cả một tiến trình đổi mới của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Năm 1988, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tự cải tổ thành một hệ thống ngân hàng hai cấp, cấp quản lý và cấp kinh doanh, chấm dứt tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Ở cấp kinh doanh, có bốn ngân hàng chuyên doanh được thành lập: Ngân hàng Công thương Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam, Ngân hàng Ngoại thương, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển. Các Ngân hàng chuyên doanh có hầu hết các chi nhánh tại tỉnh, thành phố trên cả nước, nhưng chính các chi nhánh của họ hoạt động tại Thành phố Hồ Chí Minh là có quy mô hoạt động lớn nhất và có hiệu quả nhất. Tiến trình đổi mới và mở cửa không dừng lại ở đó. Khi hai pháp lệnh về ngân hàng ra đời vào năm 1990, tại Thành phố Hồ Chí Minh, những triển khai ban đầu của hai pháp lệnh đã gặt hái được những thành quả đáng phấn khởi. Ngân hàng liên doanh đầu tiên, IndoVina Bank, đã đặt hội sở chính tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ngân hàng nước ngoài đầu tiên, một ngân hàng Pháp - Banque Indosuez - cũng đã chọn Thành phố làm địa bàn hoạt động. Khủng hoảng tài chính năm 1990 đã làm đổ bể hàng loạt các hợp tác xã tín dụng tại Thành phố. Hậu quả là nghiêm trọng, nhưng nhờ tính cách năng động của Thành phố cùng với khí thế đổi mới đã giúp thành phố khắc phục được những hậu quả nặng nề đó, chuyển bại thành thắng, biến những đống tro tàn của Hợp tác xã tín dụng thành chất liệu hồi sinh cho các ngân hàng thương mại cổ phần mới. Hệ thống ngân hàng của Thành phố chẳng những chỉ phục hồi mà còn phát triển mạnh mẽ chưa từng có. Chỉ trong vòng 5 năm triển khai pháp lệnh, từ 1990-1995 trên toàn Thành phố đã có bốn ngân hàng quốc doanh với nhiều chi nhánh tại các quận huyện, 19 ngân hàng thương mại cổ phần, ba ngân hàng liên doanh, và bảy chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Sự có mặt đông đảo của các ngân hàng trên địa bàn Thành phố đã tạo nên một môi trường cạnh tranh sinh động và không kém phần quyết liệt. Qua nhiều năm trong cơ chế xin cho,
  12. có lẽ chỉ đến bây giờ khách hàng của các ngân hàng mới thật sự thấy mình là thượng đế. Không còn nữa cái cảnh khách hàng phải xếp hàng năn nỉ ngân hàng để xin được rút ra từng đồng tiền mặt hay phải chờ đợi hàng tuần cho một đơn xin vay được duyệt. Ngày nay, ngân hàng đến gõ cửa từng khách hàng và chọn lựa cho mình những khách hàng ruột, làm ăn có uy tín, hiệu quả. Nếu BFCE, Indosuez, BNP, First Vina đã làm thế, các ngân hàng Việt Nam, quốc doanh hay cổ phần cũng đang làm thế, nếu không muốn bị loại khỏi vòng chiến. Cạnh tranh đã mang lại sự hoàn thiện và phát triển. Đang có một lực lượng ngày càng đông đảo các nhân viên ngân hàng tại thành phố được đào tạo tốt hơn, có kiến thức sâu hơn, chuyên nghiệp hơn, giỏi sinh ngữ và nhất là có phong cách phục vụ khách hàng tốt hơn. Hơn nữa, sự phát triển của ngành ngân hàng đã hình thành một đội ngũ các nhà quản trị ngân hàng chuyên nghiệp. Đó sẽ là hạt nhân cho tiến trình hội nhập hoạt động ngân hàng Việt Nam vào khu vực và thế giới vì các nhà ngân hàng Việt Nam và các nhà ngân hàng quốc tế từ nay đã có thể “nói cùng một ngôn ngữ” và do đó, hiểu nhau hơn để tăng cường hơn mối quan hệ hợp tác. Chỉ hai năm trước đây, không ai có thể nghĩ rằng Việt Nam có thể trở thành một nước thành viên SWIFT, một tổ chức thanh toán quốc tế sử dụng kỹ thuật viễn thông và tin học có mạng lưới khắp toàn cầu. Vậy mà hiện nay đã có 15 ngân hàng hoạt động tại Việt Nam gia nhập vào hệ thống SWIFT (trong đó phần lớn hoạt động trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh) và con số sẽ ngày càng tăng thêm. Một số ngân hàng Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh đã tham gia vào các hệ thống chuyển tiền nhanh như Money Gram, Western Union, giúp cho các thân nhân tại Việt Nam nhận tiền gửi từ nước ngoài chỉ trong vòng vài phút, điều mà trước đây phải mất đến hàng tuần thậm chí hàng tháng, với một phí tổn cao hơn gấp bội. Du khách nước ngoài đến thành phố cũng dễ dàng cảm nhận được những đổi thay hàng giờ hàng phút trong lãnh vực phục vụ nhu cầu cho khách hàng về thanh toán, chi trả của hệ thống ngân hàng tại đây. Khách nước ngoài dễ dàng “cash” (đổi tiền mặt) từ các chi phiếu lữ hành (traveller check) được phát hành bởi các ngân hàng quốc tế. Các thẻ tín dụng được hoan nghênh ở khắp nơi, tại ngân hàng, tại nhà hàng, tại khách sạn và không chỉ một loại thẻ. Ngoài Visa Card là thẻ tín dụng quốc tế đầu tiên được sử dụng tại Việt Nam, giờ đây Master Card, JCB, American Express, thậm chí Diners Club cũng đều được chấp nhận thanh toán tại các điểm dịch vụ và buôn bán lớn ở trong Thành phố. Gần đây, một số ngân hàng hoạt động tại Thành phố vừa công bố là họ đã được phép phát hành thẻ Master Card. Công nghệ ngân hàng cũng đã đạt được những tiến bộ rõ rệt. Sự cạnh tranh đã thúc đẩy các ngân hàng trong nước đầu tư vào việc tin học hóa các hoạt động ngân hàng, thực hiện việc nối mạng và đưa vào sử dụng các “phần mềm” tân tiến nhất. Lãnh vực thanh toán được hưởng lợi nhiều nhất từ sự phát triển công nghệ ngân hàng. Thời gian thanh toán tiền cho khách hàng đã rút ngắn đến 90% so với trước đây. Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy, khi việc thanh toán bù trừ qua mạng tin học được thực hiện, bình quân mỗi ngày số tiền thanh toán qua Trung tâm thanh toán bù trừ tỉnh, thành phố lên đến 300 tỷ đồng. Riêng tại Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, khối lượng thanh toán đã chiếm 40% của cả nước. Việc chuyển tiền nhanh Bắc - Nam, Nam - Bắc cũng gia tăng. Hiện nay, mỗi ngày có hàng trăm tỷ đồng được chuyển từ Hà Nội vào Thành phố Hồ Chí
  13. Minh qua hệ thống ngân hàng, khách hàng ở Thành phố Hồ Chí Minh có thể nhận được tiền chỉ sau vài giờ từ lúc người gửi tiền thực hiện việc nộp tiền vào ngân hàng tại Hà Nội. Điều này không những làm giảm chi phí vận chuyển tiền, rút ngắn thời gian chuyển vận mà còn phát triển quan hệ thương mại giữa hai khu vực kinh tế quan trọng bậc nhất, góp phần vào việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của cả nước. Trên lãnh vực ngoại hối, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã đi bước đầu trong việc thực hiện các biện pháp ổn định tỷ giá của Nhà nước. Còn nhớ vào giữa khoảng năm 1991, cơn sốt đô-la xuất hiện dữ dội tưởng chừng như đã có thể phá vỡ hệ thống tiền tệ Việt Nam. Bằng nhiều biện pháp, trong đó có việc thành lập thí điểm Trung tâm giao dịch ngoại tệ tại Thành phố Hồ Chí Minh, cơn sốt ngoại tệ đã dần dần thuyên giảm vào cuối năm. Tuy nhiên, quan trọng hơn, sự ra đời của Trung tâm giao dịch ngoại tệ đã cho thấy chúng ta có thể ổn định tỷ giá, ổn định giá trị đồng bạc Việt Nam thông qua các biện pháp thị trường, xử lý tốt các quan hệ cung cầu ngoại tệ. Tỷ giá đô-la tại Trung tâm dần dần trở thành “điểm chuẩn” cho cả tỷ giá chính thức (do Ngân hàng Nhà nước công bố) lẫn giá trên thị trường tự do. Suốt một thời gian dài sau đó, giá trị đồng bạc Việt Nam, so với đồng đô-la, đã liên tục ổn định, trở thành một tiền đề cần thiết cho phát triển và tăng trưởng kinh tế trong các năm 1992, 1993 và 1994. Sự thành công của Trung tâm giao dịch ngoại tệ tại Thành phố Hồ Chí Minh đã dẫn đến sự hình thành một trung tâm tương tự tại Hà Nội hai năm sau và đó là cơ sở vững chắc để Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thể mạnh dạn cho thành lập thị trường ngoại tệ liên ngân hàng, giải quyết một bước cơ bản việc xử lý vấn đề tỷ giá theo “tín hiệu của thị trường”. Trong vòng bốn năm, từ 1991 đến 1994, tổng nguồn vốn hoạt động của hệ thống ngân hàng tại thành phố đã tăng 2,7 lần từ 7.314 tỷ đồng đến 19.840 tỷ đồng, còn nếu so với cuối năm 1986, nguồn vốn của hệ thống ngân hàng tăng gấp 650 lần. Trong bốn năm, huy động vốn bình quân tăng 15,8%/năm, tín dụng cho các thành phần kinh tế tăng 14%/năm. Hệ thống ngân hàng tại Thành phố phát triển nhanh đã tạo nên một sức mạnh tài chính giúp thành phố thực hiện một số chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng, cũng như hoàn thành các nhiệm vụ liên quan đến ngân sách. Các trái phiếu Kho bạc nhà nước phát hành tại thành phố được sự hưởng ứng cao nhất nước, từ đông đảo các thành phần dân chúng, các doanh nghiệp nhưng đặc biệt là từ các ngân hàng. Có ngân hàng tại Thành phố đã dự định (mua) trên 250 tỷ đồng trái phiếu kho bạc. Thành phố Hồ Chí Minh cũng là địa phương đầu tiên được Chính phủ cho phép phát hành trái phiếu đô thị - loại trái phiếu của chính quyền địa phương - để xây dựng cơ sở hạ tầng và các tiện ích công cộng. Đợt phát hành trái phiếu đô thị đầu tiên của Thành phố đến Nhà Bè đã được sự hưởng ứng rộng rãi và mau lẹ của dân chúng, nhất là các ngân hàng. Thành công của việc này mở ra một khả năng mới cho việc huy động nguồn vốn từ trong nước để xây dựng cơ sở hạ tầng tại các địa phương, điều mà trước đây rất khó khăn, vì vốn đầu tư lớn, địa phương không thể trông cậy vào nguồn cấp phát của ngân sách Trung ương. Tuy nhiên, lớn thuyền thì lớn sóng. Hệ thống ngân hàng tại Thành phố càng phát triển, đóng góp nhiều cho lợi ích kinh tế nhiều vấn đề phức tạp càng phát sinh mà cách giải quyết đúng chỉ có thể là kết quả của sự phân phối quản lý giữa ngành chức năng và quản lý nhà nước trên địa bàn. Làm thế nào để bảo đảm sức khỏe tài chính và hoạt động lành mạnh của các ngân hàng, tránh xảy ra trường hợp như Ngân hàng Gia Định? Làm thế nào để duy trì môi trường cạnh tranh giữa các ngân hàng như một động lực cho phát triển, vừa
  14. đảm bảo đó là một sự cạnh tranh lành mạnh, cạnh tranh để phát triển, để cùng tồn tại chứ không phải là cuộc chiến một mất một còn? Làm thế nào để thị trường tín dụng của Thành phố dần dần được thu hút vào hệ thống ngân hàng, đảm bảo sự lành mạnh và an toàn cho người đi vay lẫn cả kẻ cho vay, tránh những trường hợp bể hụi kiểu Trúc Viên? Làm thế nào bảo đảm số tiền tiết kiệm cho người gởi tiền, hạn chế bớt những rủi ro cho các khoản tiền tiết kiệm của công chúng trong điều kiện “sóng gió” của cơ chế thị trường? Một quỹ bảo hiểm tiền gởi tại thành phố cần được thành lập như thế nào, hoạt động ra sao, ai sẽ tham gia, có lợi ích như thế nào đối với sự tăng trưởng lành mạnh của hệ thống ngân hàng tại thành phố? Nên chăng xây dựng một thị trường tiền tệ liên ngân hàng tại thành phố hoạt động song hành với thị trường tiền tệ Hà Nội? Vai trò Ngân hàng Nhà nước tại thành phố cần được mở rộng như thế nào để đảm đương trọng trách là người điều hành hệ thống ngân hàng thương mại tại thành phố? Một sự phân cấp là cần thiết để giúp Ngân hàng Nhà nước thành phố có thể thực hiện tốt và đầy đủ trách nhiệm của mình, đồng thời phối hợp tốt với chính quyền thành phố trong việc quản lý. Tuy nhiên, cho đến nay, việc phân cấp phân quyền còn rất hạn chế, dẫn đến một vài trường hợp “khó hiểu” về mặt quản lý, thí dụ trên địa bàn thành phố, Ngân hàng Nhà nước thành phố chỉ quản lý các ngân hàng trong nước, còn các ngân hàng nước ngoài và liên doanh hoạt động tại thành phố thì chịu sự quản lý trực tiếp của Ngân hàng Nhà nước trung ương tại Hà Nội. Điều chắc chắn là trong những năm sắp tới, với sự phát triển ngày càng nhanh của hệ thống ngân hàng, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ trở thành trung tâm tài chính của vùng Nam bộ, bao gồm Đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông. Gần đây, đã có sáng kiến xây dựng một quỹ đầu tư cho toàn vùng, với sự tham gia của Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trong khu vực. Một quỹ phát triển vùng sẽ mang lại lợi ích lớn lao về mặt kinh tế, thúc đẩy sự phát triển kinh tế trên toàn vùng. Tuy nhiên để mục tiêu này có thể trở thành hiện thực, cần phải thiết lập các mối quan hệ liên kết bền vững giữa Thành phố và toàn vùng, những mối quan hệ về thương mại, về công nghệ, về huấn luyện đào tạo và nhất là về tài chính. Các ngân hàng tại Thành phố cần được khuyến khích mở chi nhánh hoạt động tại các tỉnh. Các đơn vị kinh tế lớn ở các tỉnh cũng cần được tạo điều kiện tiếp cận hệ thống ngân hàng ở Thành phố để sử dụng các dịch vụ thanh toán và tín dụng của hệ thống này. Nếu thị trường tiền tệ được thành lập tại Thành phố Hồ Chí Minh, chắc chắn nó không thể từ chối tư cách thành viên của các ngân hàng hoạt động có uy tín tại các tỉnh trong vùng. Và nếu nay mai, thị trường chứng khoán mở cửa tại Thành phố, nó cũng sẽ mở rộng cửa cho các công ty, xí nghiệp tại các tỉnh đang làm ăn có hiệu quả và có nhu cầu phát hành trái phiếu, cổ phiếu để huy động vốn phát triển hoạt động. Chính sức mạnh tài chính của Thành phố Hồ Chí Minh, với một hệ thống ngân hàng đa dạng và được hiện đại hóa, với các thị trường tài chính có khả năng thu hút các nguồn vốn ngắn hạn và dài hạn, sẽ giúp tạo nên một yếu tố rất quyết định cho sự phát triển kinh tế nhanh và cân đối ở Nam bộ, đó là sự hội nhập kinh tế vùng. Hội nhập kinh tế vùng sẽ mang lại một sức mạnh mới, có tính chất tổng lực về kinh tế cho toàn vùng và lan rộng ra trên toàn quốc. Với chính sách mở cửa, chúng ta đang trên tiến trình hội nhập kinh tế với thế giới và hiện nay đang chuẩn bị gia nhập ASEAN cùng khối mậu dịch tự do của nó là AFTA. Trong hoàn cảnh đó, hơn lúc nào hết chúng ta cần xây dựng cho mình một nền kinh tế “mở” từ bên trong, phá vỡ các tắc nghẽn, tạo điều kiện cho các nguồn lực trong nước thông thoáng để tổng hợp các ưu thế kinh tế của các địa phương, các tiểu vùng. Các nguồn lực đó sẽ được cộng hưởng để tạo nên một sức mạnh kinh tế tổng hợp bằng sự bền
  15. vững của các mối dây liên kết trên các lĩnh vực giữa các địa phương, trong đó mối quan hệ tài chính là quan trọng hàng đầu. Thực hiện được điều này mới mở ra khả năng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước với một tốc độ nhanh hơn, khắc phục dần nguy cơ tụt hậu so với các nước láng giềng. Kinh nghiệm của người luyện khí công cho thấy, một khi nguồn nội lực có thể được tích tụ và phát huy mãnh liệt do các huyệt đạo trong cơ thể đều được khai thông, người ấy sẽ có sức mạnh vô địch. Tháng 5/1995 NGÂN HÀNG VÀ VẤN ĐỀ NỢ QUÁ HẠN CỦA DOANH NGHIỆP (1998) Nếu một vài doanh nghiệp không thanh toán được nợ, các ngân hàng tổ chức phát mãi tài sản thế chấp của họ. Nhưng nếu có quá nhiều doanh nghiệp không trả được nợ, bản chất của vấn đề nợ đã thay đổi và giải quyết phát mãi tài sản trở thành giải pháp tồi nhất. Khi có quá nhiều tài sản mang ra phát mãi, sẽ có quá ít người có điều kiện và sẵn sàng mua. Lý do rất dễ hiểu, khi giá tài sản, như đất đai, nhà cửa, nhà xưởng, trên đà tụt xuống, không ai dại gì mua ngay mà đều trông chờ thời điểm giá chạm đáy. Và vì không biết bao giờ giá sẽ chạm đáy, nên tốt nhất là không mua. Mặc khác, trên bình diện kinh tế vĩ mô, phát mại tài sản doanh nghiệp (nhà xưởng, máy móc thiết bị) có nghĩa là đóng cửa xí nghiệp và tạo nên tình trạng mất công ăn việc làm, một tình trạng không ai muốn. Hơn nữa, khi máy móc thiết bị đang hoạt động, nó có giá trị của công nghệ và thương quyền, còn khi máy móc thiết bị nằm chờ phát mại, nó có giá trị của đống sắt vụn. Và chắc chắn, khi bán sắt vụn, không một ai khôn ngoan dám hy vọng là số tiền thu được có thể hoàn trả đủ các khoản vốn và lãi trước đây được dùng để tài trợ cho một xí nghiệp đang hoạt động. Vì vậy, giải pháp phát mại doanh nghiệp có thể được xem là một sát thủ hàng loạt. Trước hết nó giết ngay các xí nghiệp bị phát mại. Sau đó nó giết đến các doanh nghiệp chủ nợ, những người đã cung ứng nguyên liệu, vật tư cho xí nghiệp hoạt động. Tiếp theo, nó sa thải lao động, đưa nhiều người tham gia vào đội quân thất nghiệp ngày càng tăng. Cuối cùng, nó có thể tìm diệt đến chính các ngân hàng. Nhưng các ngân hàng vẫn phải tìm cách làm tan tảng băng đang đông cứng vào các khoản nợ quá hạn. Kinh nghiệm giải quyết vấn đề này ở các nước đã giúp tìm ra được những giải pháp sống còn tích cực, những giải pháp vừa giúp doanh nghiệp tồn tại, vừa giúp ngân hàng tồn tại. Đặc điểm của các giải pháp đó như sau: Lành mạnh hóa bảng cân đối tài sản của ngân hàng, đặc biệt đối với các khoản mục bên tài sản có, như giảm bớt tỷ lệ nợ quá hạn trên dư nợ. Tạo nguồn thanh khoản từ các tài sản thế chấp bị đóng băng. Làm giảm áp lực nợ, lãi quá hạn đối với doanh nghiệp. Tạo nguồn vốn lưu động mới cho các xí nghiệp. Tăng vốn các xí nghiệp, tăng vốn các ngân hàng. Các giải pháp cụ thể được đề nghị áp dụng như sau: 1. Chuyển sang trung và dài hạn các khoản nợ ngắn hạn mà xí nghiệp đã sử dụng để mua sắm máy móc thiết bị, xây dựng nhà xưởng để mở rộng sản xuất. Giải pháp này giúp giảm áp lực nợ quá hạn đối với doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp có thể tập trung được các nguồn tiền cho hoạt động (thay vì phải mang trả nợ và cụt vốn), như thế doanh nghiệp có
  16. cơ hội để tiếp tục hoạt động và có thời hạn tích lũy để trả nợ, đồng thời giúp các ngân hàng giảm bớt tỷ lệ nợ quá hạn. 2. Chuyển các khoản nợ của ngân hàng thành vốn của xí nghiệp. Giải pháp này được gọi là chuyển nợ thành vốn (debt equity swap), theo đó các doanh nghiệp cổ phần phát hành cổ phiếu để tăng vốn có thể đề nghị ngân hàng mua cổ phần tại doanh nghiệp bằng chính số nợ doanh nghiệp đã vay ngân hàng. Giải pháp này giúp xí nghiệp giảm được nợ quá hạn, tăng nguồn vốn tự có đồng thời giúp ngân hàng lành mạnh hóa các khoản nợ: giảm được tỷ lệ nợ quá hạn, tăng vốn đầu tư tại các xí nghiệp. 3. Ngân hàng mua lại tài sản thế chấp để giảm nợ. Trong điều kiện chưa thể tiến hành phát mãi tài sản rộng rãi cho công chúng - vì giá bất động sản xuống thấp và không có người mua - các ngân hàng có thể thực hiện việc xiết nợ bằng cách mua lại các tài sản thế chấp của doanh nghiệp (nhà cửa, nhà xưởng, đất đai) để trừ nợ. Để tránh thiệt thòi cho doanh nghiệp do giá tài sản do ngân hàng định đoạt tương đối thấp, có thể áp dụng các phương thức sau: - Ký hợp đồng mua lại tài sản sau một thời gian. Giữa ngân hàng và doanh nghiệp có thể thỏa thuận là sau một thời gian (một năm, hai năm), ngân hàng bán lại cho doanh nghiệp tài sản nói trên với mức giá mua lúc đầu, cộng thêm một khoản phí tương đương với lãi ngân hàng trong thời hạn đó. - Ký các hợp đồng thuê mua, theo đó doanh nghiệp sẽ thuê lại tài sản trong một thời hạn dài hơn (thí dụ 5 năm) và trả tiền thuê tính bằng tổng trị giá tài sản chuyển nhượng cho Ngân hàng theo giá chuyển nhượng chia đều cho số tháng của kỳ hạn hợp đồng (5 năm = 60 tháng), cộng thêm một khoản phí tương đương với lãi suất cho vay trung hạn hằng tháng của ngân hàng. Hết thời hạn hợp đồng, khi doanh nghiệp trả đủ tiền thuê, ngân hàng sẽ thực hiện việc chuyển nhượng tài sản trở lại cho doanh nghiệp. Giải pháp này rất tiện lợi đối với nhà xưởng, dây chuyền thiết bị máy móc Để khuyến khích giải pháp này, Chính phủ có thể cho phép miễn trừ một phần thuế chuyển nhượng quyền sở hữu tài sản. Trên cơ sở giá trị thực tế của các tài sản thu hồi là đất đai, nhà xưởng, nhà cửa, kho hàng , các ngân hàng có thể phát hành các trái phiếu cầm cố tài sản với kỳ hạn từ 1-5 năm với sự cho phép của Ngân hàng Nhà nước. Các trái phiếu này có thể chuyển nhượng được và có thể mang chiết khấu giữa các ngân hàng. Điều này sẽ giúp mỗi ngân hàng có thanh khoản cần thiết để ổn định hoạt động của mình. 4. Quản lý tài chính các doanh nghiệp: Các ngân hàng, với tư cách chủ nợ lớn, có thể tự mình hoặc cùng với các chủ nợ lớn khác thành lập ban quản trị tài sản, hoặc cử giám sát tài chính đến các doanh nghiệp mắc nợ gặp khó khăn lớn về tài chính, nhưng lại có khả năng - và tiềm năng - khôi phục hoạt động sản xuất bình thường của họ. Giám sát tài chính, hoặc Ban quản tài phải thực sự có quyền quyết định những vấn đề liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến hoạt động tài chính kinh doanh của xí nghiệp. Quyền lợi của xí nghiệp là cộng tác mật thiết với Giám sát tài chính hay Ban quản tài vì mục tiêu hướng tới của các tổ chức này chính là lành mạnh hóa tình hình tài chính, phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của xí nhgiệp. Cuối cùng chính Ban quản tài sẽ là người quyền định xem có nên thực hiện việc phá sản xí nghiệp hay không. 5. Hợp nhất các ngân hàng: Bốn giải pháp nêu trên nhằm giải cứu trực tiếp các doanh
  17. nghiệp. Các ngân hàng gặp khó khăn tài chính do có nợ quá hạn lớn cũng cần được cũng cố, tăng vốn, hoàn chỉnh bộ máy lãnh đạo, điều hành để duy trì tín nhiệm của công chúng. Đặc biệt trong tình hình hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay, đang có một số lượng khá lớn các ngân hàng cổ phần với số vốn thấp, hoạt động yếu ớt, tỷ lệ nợ quá hạn cao, việc củng cố lại càng cần phải tiến hành nhanh chóng. Một trong các giải pháp củng cố là hợp nhất các ngân hàng nhỏ để hình thành một ngân hàng với số vốn lớn hơn, một mạng lưới hoạt động rộng rãi hơn, tạo nên một độ tin cậy cao hơn. Hợp nhất hoặc sáp nhập các ngân hàng sẽ mang đến những khả năng mới để giải quyết các tồn tại cũ, không phải là kết quả sau cùng của việc giải quyết các tồn tại đó. Vì nếu buộc mỗi ngân hàng phải giải quyết hết các tồn tại của mình rồi mới được hợp nhất với các ngân hàng khác, việc hợp nhất ngân hàng sẽ không bao giờ xảy ra. Hệ thống ngân hàng thương mại đang cần sự hỗ trợ từ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước để giải tỏa các khoản nợ đóng băng và nhận được các khoản tín dụng cần thiết để có thể phục hồi. Ở Mỹ có Công ty Resolution Trust chuyên trách thu mua các tài sản từ các ngân hàng có vấn đề để giúp tạo nguồn thanh khoản cho họ. Thái Lan cũng thiết lập một Quỹ chuyên giải quyết vấn đề bất động sản thế chấp cho các ngân hàng, qua đó cung ứng nguồn thanh khoản mà các ngân hàng rất cần. Tình hình nợ ngân hàng đóng băng sẽ rất nguy hiểm nếu không được giải quyết sớm. Nó tương tự như một cục máu đông nằm ở van tim, ngăn chặn hoạt động của trái tim và hệ thống tuần hoàn và có nguy cơ phát triển thành chứng nhồi máu cơ tim. Làm tan cục máu đông đó càng sớm càng tốt là hành động khẩn cấp mà Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước phải nhanh chóng thực hiện. Đó là điều kiện thiết yếu để các hoạt động kinh tế phục hồi và hệ thống tài chính tiền tệ hoạt động bình thường trở lại. Tháng 1-1998
  18. Chương IV: CÁC BÀI TOÁN TIỀN TỆ CUỘC CHIẾN VỚI BÓNG MA LẠM PHÁT (1989) Đối với các chuyên gia hô hào chống lạm phát bằng mọi giá, tháng 4 và 5 năm 1989 đã chứng kiến ước mơ của họ nhanh chóng trở thành hiện thực. Chỉ số giá tiêu thụ vừa qua đã không thay đổi mấy, con số chính thức được Tổng cục Thống kê công bố trên toàn quốc là tốc độ tăng giá đã giảm còn 2% (tháng 5/1989), và thực tế còn giảm hơn. Giá vàng giảm 44% kể từ cuối quý 1-1989, từ 3,5 còn 1,9 triệu một lượng, giá đô-la giảm 30%, từ 6.000 đồng còn 4.200 đồng một đô-la. Giá các loại hàng tiêu dùng ngoại nhập cũng giảm mạnh (bình quân giảm 20%). Sản phẩm nội địa thuộc các nhóm hàng tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp, lương thực đều giảm giá trừ vài loại thực phẩm tại các thành phố có tăng giá đôi chút do khan hiếm và ảnh hưởng thời vụ. Như vậy, với việc áp dụng các biện pháp hạn chế tín dụng, giảm phát hành tiền, nâng cao lãi suất, được cộng hưởng bất ngờ bởi việc nhập khẩu và cho kinh doanh rộng rãi vàng, lạm phát tại Việt Nam đã bị chặn đứng, ít nhất là trong thời gian trước mắt. Con ma lạm phát sự thật đã không hùng mạnh như chúng ta tưởng tượng và sự gục ngã quá sớm của nó khiến cho những từ ngữ đã từng gây ấn tượng về một sự bùng nổ lạm phát, siêu lạm phát, lạm phát phi mã, lạm phát cấp ba nay nghe như những cung đàn lạc điệu. Chúng ta có thể tạm thời hài lòng với những kết quả ban đầu. Lần đầu tiên trong nhiều năm, đồng bạc Việt Nam trở nên có giá hơn trong khi vàng mất đi cái uy lực tưởng chừng như vạn năng của nó trong vai trò dự trữ giá trị. Lượng tiết kiệm tự nguyện tăng ồ ạt chưa từng có trong lịch sử Ngân hàng Việt Nam, chỉ trong vòng hai tháng số thu tiết kiệm cao hơn dư số tích lũy được trong mười mấy năm. Tâm lý lạm phát chừng như đã được khắc phục, nay không còn nghe nhắc đến việc các đơn vị kinh tế Nhà nước phải quy đổi đồng vốn ra vàng để trắc nghiệm khả năng bảo vệ nó, còn người tiêu dùng đã không còn xem đồng tiền như hòn than nóng, họ muốn giữ tiền trong tay lâu hơn với kỳ vọng là trong tương lai giá hàng sẽ xuống thấp hơn. Tuy nhiên, hào quang của những thành quả này - nếu có thể gọi đó là thành quả - đã bị mờ nhạt đi nhiều bởi bóng đen của niềm ưu tư khác bức xúc hơn về tình hình kinh tế: việc giải quyết bài toán lạm phát theo kiểu này phải chăng đã làm phát sinh những ẩn số nan giải khác cho bài toán về suy thoái kinh tế? Tình hình thực tế hiện nay đã không diễn ra như dự đoán của các chuyên gia chống lạm phát rằng sau khi lạm phát chấm dứt, “tình hình kinh tế xã hội sẽ ổn định, tạo điều kiện công nghiệp hóa hiện đại hóa theo kiểu mới để phát triển đất nước”. Việc hạn chế tín dụng - và tiền mặt - đồng thời nâng cao lãi suất đột ngột của Ngân hàng Nhà nước đã chiếu bí các đơn vị kinh tế và làm cho các hoạt động sản xuất và lưu thông hàng hóa của xã hội bị đình đốn. Một mặt, hàng tồn kho của họ không bán được vì các đơn vị mua hàng không có vốn để mua. Mặt khác, do không bán được hàng tồn kho, họ thiếu vốn lưu động để tiếp tục sản xuất kinh doanh. Vay vốn tiền mặt đối với họ là một việc liều lĩnh do lãi suất quá cao. Trong điều kiện không còn lạm phát, mức lãi cho vay trước 01/06/1989 là 12%/tháng, nay
  19. giảm xuống còn 10,5%/tháng vẫn không thể chịu đựng nổi đối với bất kỳ một đơn vị sản xuất kinh doanh nào. Nếu xem đây là một biện pháp sàng lọc, thì rõ ràng biện pháp này vô nghĩa vì không những các đơn vị làm ăn bết bát, mà cả các đơn vị làm ăn hiệu quả cũng không lọt qua được cái sàng khít rim này. Vả lại, những người chủ trương sàng lọc kiểu này đã có dự trù chưa những giải pháp cụ thể và thực tế để thanh lý những đơn vị phá sản, vì hậu quả để lại của việc sàng lọc không chỉ là những máy móc thiết bị nằm không mà còn là bao nhiêu công nhân phải mất việc. Các đơn vị sản xuất kinh doanh cá thể có cách riêng để đối phó với tình trạng ứ đọng hàng hóa. Họ tạm thời ngưng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng và đem gởi toàn bộ hoặc một phần vốn lưu động vào ngân hàng để hưởng lãi mà khỏi phải chịu thuế cùng những rủi ro, phí tổn khác trong hoạt động sản xuất. Điều này khiến cho thị trường vật tư nguyên liệu bị ế ẩm một cách đáng ngạc nhiên. Vào thời điểm này năm trước, giá vật tư nguyên liệu tăng nhanh, các đơn vị kinh tế vẫn tranh nhau mua dự trữ, còn nay giá giảm, vật tư nguyên liệu vẫn tiếp tục nằm ì trong kho. Các đơn vị thương nghiệp cũng than phiền hàng hóa ế ẩm, doanh số bán ra tụt dần. Để tự an ủi, chúng ta có thể quy trách tình trạng này cho các sản phẩm Trung Quốc, Thái Lan đang bày bán ê hề (tất nhiên cũng không chạy lắm), dù rằng cái gọi là hiện tượng tràn ngập hàng nước ngoài chính là hậu quả không xa của việc nhập khẩu vàng và bán tràn lan nhằm kiếm lợi nhuận qua việc kinh doanh món hàng quý này. Thật ra, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng hàng hóa nội địa ế ẩm là do khối cầu khả dụng của xã hội, trong đó đại bộ phận là từ khu vực nông nghiệp, đã giảm sụt nghiêm trọng. Lượng hàng nội địa đang chờ bán cho nông dân sau vụ lúa, nhưng điều trớ trêu là sau một vụ Đông Xuân trúng lớn, người nông dân chỉ thấy lúa chất đầy nhà, còn trong túi thì rỗng không. Hy vọng phát tài của nhà nông sau một mùa bội thu nay xem chừng đã tan biến, giá lúa đang ngày càng giảm còn bản thân người nông dân thì lo âu cho việc xoay sở đồng vốn lưu động dành cho vụ mùa sắp tới. Mặt khác, việc nông dân phải dự trữ lúa gạo trong điều kiện bảo quản tồi sẽ dẫn tới hao hụt và lãng phí số lúa thặng dư. Tình hình ngân sách Nhà nước cũng không khả quan. Với tình trạng đình đốn các hoạt động sản xuất kinh doanh, sự sụt giảm thu nhập và chi tiêu của toàn xã hội, việc thất thu thuế sẽ khó tránh khỏi và làm cho mục tiêu giảm khiếm hụt ngân sách trong thời kỳ sau lạm phát trở nên xa vời. Thêm vào đó khả năng tạo công ăn việc làm mới và duy trì mức nhân dụng đã đạt được trước đây của nền kinh tế sẽ rất yếu ớt. Vấn đề giải quyết nạn thất nghiệp chắc chắn sẽ làm đau đầu các nhà xây dựng chính sách kinh tế trong tương lai gần, nhất là trong thời kỳ hậu Campuchia. Ngân hàng Nhà nước cũng không thể không dự liệu các biện pháp nhằm bảo vệ hệ thống các ngân hàng thương mại và hợp tác xã tín dụng. Cơn lũ tiết kiệm đang tràn đến và không có lối thoát ra đang đặt hệ thống này vào một vị trí hết sức nguy hiểm. Có thể nói, sau những nỗ lực nhằm làm co rút khối tiền tệ và làm giảm tổng cầu tiền tệ của xã hội, chúng ta đang chứng kiến một nền kinh tế lâm vào tình trạng khan hiếm thanh khoản nghiêm trọng, giống như một cỗ máy đang chạy nhanh bỗng dưng bị cạn nhiên liệu và dầu mỡ. Nay không phải hệ thống ngân hàng thiếu tiền nữa, mà là toàn bộ nền kinh tế. Việc lạm phát bị ngăn chặn dễ dàng trong khi những vấn đề kinh tế cơ bản khác như tình trạng khiếm hụt ngân sách, tình trạng năng lực sản xuất yếu kém chưa được giải quyết cho thấy nó có thể tái phát. Đồng thời, một vấn đề khác được đặt ra: phải chăng lạm phát tại nước ta không thực sự là một căn bệnh mà chỉ là một triệu chứng, một phản ứng sốt tăng
  20. trưởng của một nền kinh tế từ lâu sống dưới chế độ bao cấp về giá? Và nếu thực sự như vậy, các phương thuốc làm giảm sốt tuy thần hiệu nhưng không thể chữa được căn bệnh mà có khi còn làm cho nó trầm trọng thêm bởi việc dùng quá liều lượng. Tình hình kinh tế của nước ta hiện nay đang làm sáng tỏ một sự thực là không thể chỉ giải quyết vấn đề lạm phát một cách riêng biệt mà phải đặt nó trong toàn bộ bài toán về phát triển kinh tế với những mục tiêu phải hướng đến như tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế, tăng mức nhân dụng, tăng lợi tức bình quân đầu người và thực hiện một tình trạng phân phối lợi tức xã hội công bằng hơn. Tất nhiên, chúng ta vẫn cần một chính sách hữu hiệu nhằm giải quyết những nguyên nhân có tính chất cơ cấu đang dẫn đến tình trạng lạm phát trì trệ, nhưng những giải pháp nhằm kiểm soát lạm phát sẽ chỉ là một bộ phận cân đối trong tổng thể chiến lược kinh tế vĩ mô nhằm đạt được những mục tiêu ưu tiên hơn và thực tế hơn như phát triển sản xuất và nâng cao mức nhân dụng. Nghị quyết 6 đã chỉ rõ là việc chống lạm phát cần được thực hiện song song với việc giải phóng năng lực sản xuất của đất nước. Như vậy, chỉ khi nào xem xét vấn đề lạm phát trong bối cảnh phát triển kinh tế chung, chúng ta mới có thể thiết lập được một hệ thống giải pháp kinh tế tiền tệ hoàn chỉnh, đồng bộ, hợp lý nhằm đạt được điều mà mỗi người trong chúng ta đều mơ ước là đất nước dân tộc ta thoát khỏi cảnh đói nghèo, tiến đến bến bờ thịnh vượng. Tháng 6/1989 CẦN ĐỔI MỚI CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ (1991) Chính sách tiền tệ hiện nay về cơ bản không khác bao nhiêu so với chính sách áp dụng trong thời kỳ bao cấp. Nhìn chung, chính sách tiền tệ vẫn mang tính chất thu hẹp (restrictive). Mục tiêu được xác định là chống lạm phát. Trong thời kỳ kinh tế kế hoạch hóa tập trung, mục tiêu cố hữu của chính sách tiền tệ vẫn luôn luôn là chống lạm phát. Các biện pháp thực hiện cũng không thay đổi mấy. Nét đặc trưng nổi bật là việc quản lý chặt chẽ tiền mặt trong lưu thông. Trong thời kỳ bao cấp, khi chỉ có một hệ thống ngân hàng duy nhất là Ngân hàng Nhà nước với vai trò vừa quản lý vừa kinh doanh tiền tệ, các biện pháp quản lý tiền mặt như xác định mức tồn quỹ cho các đơn vị kinh tế, buộc họ lập kế hoạch sử dụng tiền mặt và cho rút tiền mặt tùy theo nhu cầu kế hoạch đã được duyệt, có thể được thực thi tương đối dễ dàng so với hiện nay. Hiện nay, với quy định của pháp lệnh ngân hàng là Ngân hàng Nhà nước chỉ giao dịch với các ngân hàng, còn các ngân hàng trực tiếp giao dịch với cá nhân và các đơn vị kinh tế, các biện pháp quản lý tiền mặt theo kiểu cũ, tuy vẫn được Ngân hàng Nhà nước yêu cầu áp dụng, đã tỏ ra không thực tế, không khả thi, vi phạm quyền sở hữu tài sản của công dân và vi phạm nguyên tắc tín nhiệm ngân hàng. Biện pháp hạn chế đưa tiền giấy ra lưu thông hiện nay cũng không được mâu thuẫn với quyền của ngân hàng thương mại rút tiền mặt trên số dư tài khoản của họ tại Ngân hàng Nhà nước. Mặt khác, các biện pháp thu hút khối tiền mặt trong lưu thông vào hệ thống ngân hàng, đang được xem là những biện pháp chống lạm phát hàng đầu, lại mang tính chất hành chính và duy ý chí, không khác mấy so với thời kỳ bao cấp. Tuy nhiên, việc trước đây Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các đơn vị kinh tế, nhất là các đơn vị thương nghiệp phải nộp toàn bộ số thu tiền mặt vào ngân hàng và thực hiện việc thanh toán với nhau (không dùng tiền mặt) qua các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước hiện nay đã không còn phù hợp vì
  21. các đơn vị kinh tế có thể chọn lựa ngân hàng thương mại để gửi tiền mặt và họ cũng không bị buộc phải nộp hết số tiền mặt vào ngân hàng. Do đó, Ngân hàng Nhà nước buộc phải sử dụng công cụ lãi suất để thu hút tiền mặt. Khi yêu cầu thu hút tiền mặt càng lớn, lãi suất, nhất là lãi suất tiết kiệm thường xuyên được giữ ở mức cao, điều đó là một trở ngại cho việc phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp. Để mở rộng hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, đã có những biện pháp tích cực và ngăn chặn được Ngân hàng Nhà nước áp dụng. Tích cực như việc đa dạng hóa các hình thức thanh toán: séc chuyển tiền, ủy nhiệm chi, ngân phiếu thanh toán. Ngăn chặn như quy định hạn chế việc vận chuyển tiền mặt từ địa phương này sang địa phương khác. Khi mạng lưới thanh toán không dùng tiền mặt chưa phổ cập, việc hạn chế lưu thông tiền mặt sẽ làm suy giảm lưu thông hàng hóa trên thị trường xã hội. Sẽ là thiếu sót nếu không đề cập đến các biện pháp tín dụng. Trong thời kỳ kế hoạch hóa tập trung, tín dụng được tập trung vào khu vực quốc doanh và hạn chế đối với khu vực tư doanh. Tín dụng trong khu vực quốc doanh không hiệu quả dẫn đến hậu quả là cung tiền tệ gia tăng mà sản lượng hàng hóa dịch vụ không tăng tương ứng, nguyên nhân chính gây ra lạm phát. Hiện nay, với mục tiêu chống lạm phát, tín dụng cho khu vực tư tiếp tục thu hẹp thể hiện qua mức lãi suất cho vay cao và khối lượng tín dụng cung ứng từ Ngân hàng Nhà nước cho hệ thống Ngân hàng Thương mại giảm, trong khi nguồn vốn cung ứng cho khu vực quốc doanh từ ngân sách quốc gia lại tăng đều đặn. Điều này có thể dẫn đến một tình trạng lạm phát trì trệ cho nền kinh tế. Những biện pháp tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước như vừa trình bày, trong cơ chế kinh tế bao cấp đã tỏ ra không hiệu quả, chắc chắn không thích hợp với cơ chế thị trường, chưa kể có những hạn chế về mặt kỹ thuật. Việc quản lý khối lượng tiền mặt đưa vào lưu thông bằng cách kiểm soát kế hoạch rút tiền mặt của các đơn vị kinh tế hoặc bằng cách định mức tồn quỹ tiền mặt của họ là không khả thi. Các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp có mối quan hệ kinh doanh bình đẳng, họ không thể quản lý việc sử dụng tiền mặt của doanh nghiệp như trong thời kỳ bao cấp. Còn biện pháp hạn chế các Ngân hàng Thương mại rút tiền mặt từ tài khoản của mình từ Ngân hàng Nhà nước sẽ ảnh hưởng đến cam kết của họ đối với người gởi tiền là cá nhân hay doanh nghiệp, làm giảm tín nhiệm đối với ngân hàng, tạo tâm lý ưa chuộng tiền mặt tại các đơn vị kinh tế và đưa đến hiện tượng hai đồng tiền trong nền kinh tế, tiền chuyển khoản và tiền mặt. Trong điều kiện thanh khoản các ngân hàng thương mại thiếu nghiêm trọng như hiện nay, cùng với mức lợi nhuận ngân hàng giảm sút do nợ khó đòi của các xí nghiệp quốc doanh tăng mạnh, việc Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ lệ dự trữ tối thiểu bắt buộc như đang làm tạo một gánh nặng không kham nổi cho các ngân hàng và trên thực tế ít có ngân hàng nào có thể chấp hành được. Mặt khác, tuy pháp lệnh có giao cho Ngân hàng Nhà nước tổ chức thị trường tiền tệ, thực hiện việc mua bán các loại trái phiếu trên thị trường này với các tổ chức tín dụng, nhưng hiện nay Ngân hàng Nhà nước cũng chưa triển khai được nghiệp vụ này. Đây là nghiệp vụ của Ngân hàng Trung ương trên thị trường mở, rất quan trọng trong việc tác động đến mức lãi suất trên thị trường liên ngân hàng và mức cung tiền tệ. Vai trò của Ngân hàng Trung ương với tư cách là ngân hàng của các ngân hàng cũng hết sức quan trọng. Chính ở vai trò này, Ngân hàng Trung ương sẽ thực hiện việc đóng mở van tín dụng, điều tiết và định hướng tín dụng cho các ngân hàng thương mại thông qua các công cụ như tái chiết khấu và giới hạn trần của tín dụng. Các công cụ này sẽ tác động
  22. trực tiếp đến sự mở rộng hay thu hẹp của khối tiền tệ nhằm thực hiện các mục tiêu ngắn hay dài hạn của chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương. Những công cụ này hiện nay cũng chưa được áp dụng, hoặc chỉ áp dụng một cách phân biệt. Trong việc xác định mục tiêu của chính sách tiền tệ, như đã thấy mục tiêu bất di dịch của Ngân hàng Nhà nước từ trước đến nay là hạn chế lượng tiền lưu hành để kiềm chế giá cả. Ổn định giá cả là một trong các mục tiêu của chính sách tiền tệ nhưng không phải là mục tiêu duy nhất. Các nhà phân tích kinh tế vĩ mô đã liệt kê các mục tiêu phải nhắm tới của chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương như sau: Thực hiện toàn dụng lao động. Ổn định giá cả. Tăng trưởng Tổng sản lượng quốc dân nội địa (GDP). Quân bình cán cân thanh toán. Các mục tiêu này không phải lúc nào cũng tương hợp. Tùy theo tình hình kinh tế, cần sắp xếp lại thứ tự ưu tiên của các mục tiêu, và như vậy cũng phải thay đổi liều lượng và tính chất của các biện pháp thực hiện. Nhược điểm hiện nay của việc xây dựng và thực hiện chính sách tiền tệ là ở chỗ chúng ta tập trung duy nhất vào mục tiêu kiềm chế giá cả và áp dụng gần như không thay đổi một tập hợp các biện pháp tiền tệ và hành chính nhằm kiểm soát, hạn chế lượng tiền mặt đưa vào lưu thông. Trong điều kiện nền kinh tế chuyển sang cơ chế thị trường với tính chất đa dạng và bất trắc của nó, việc duy trì quan điểm thắt chặt tiền mặt và sử dụng các công cụ như trong thời bao cấp sẽ không còn thích hợp nữa, và hơn nữa sẽ không giúp Ngân hàng Nhà nước có đủ phương tiện và công cụ để can thiệp tích cực và có hiệu quả vào nền kinh tế. Điều quan trọng trước hết hiện nay là xác định các mục tiêu ưu tiên của chính sách tiền tệ và xây dựng các công cụ kỹ thuật phù hợp để thực hiện các mục tiêu đã vạch ra. Điều này sẽ tăng cường vai trò của Ngân hàng Nhà nước như một Ngân hàng Trung ương mà chính sách tiền tệ có ảnh hưởng quyết định đối với sự ổn định tiền tệ và tăng trưởng kinh tế. Việc xác định các mục tiêu phù hợp cần dựa trên đánh giá chuẩn xác tình hình kinh tế, các yêu cầu cấp bách có liên quan đến lợi ích toàn cục của đất nước. Để có được sự đánh giá chuẩn xác phải có thông tin chính xác và sự phân tích chính xác. Cuối cùng, khả năng lựa chọn những mục tiêu thích hợp cho một chính sách tiền tệ đúng đắn của Ngân hàng Nhà nước không chỉ dựa vào những tính toán khoa học mà còn là kết quả của một sự phối hợp đồng bộ nhịp nhàng mang tính nghệ thuật của một nhạc trưởng kinh tế. Tháng 11 năm 1991 TỪ LẠM PHÁT ĐẾN SUY THOÁI (1991) Trong cuộc đời thường, không có phép lạ, vì phép lạ chỉ thích xuất hiện trong chuyện cổ tích. Cho nên khi tôi kể với bạn rằng tại đây, mới rồi có những người không làm gì cả, chỉ rong chơi đây đó, mà có thể biến số vàng của họ tăng gấp bốn lần rưỡi trong một năm, chắc chắn bạn sẽ không tin. Thế nhưng, đó là sự thật. Thậm chí, bạn có thể là một trong những người may mắn được trao chiếc chìa khóa của kho tàng. Bạn không cần làm điều gì quá sức. Chỉ cần bạn có một ít liều lĩnh, một ít thận trọng và chọn đúng thời điểm. Liều lĩnh, để dám bán hết số vàng
  23. bạn có lúc cao giá nhất vào đầu năm 1989, tức khoảng 3,4 triệu một lượng. Thận trọng, để bạn không gửi nhầm số tiền đó vào những nơi sẽ “bể bạc” như Thanh Hương, Đại Thành. Đúng thời điểm, để “đầu tư” số tiền đó vào ngân hàng đầu tháng 4/1989 để hưởng mức lãi cao nhất so với những người chậm chân khác. Giả sử toàn bộ tài sản bạn dành dụm được là 10 lượng vàng, được mang bán với giá 3,4 triệu đồng/lượng, bạn sẽ có 34 triệu đồng. Đầu tháng 4/1989, bạn chọn một ngân hàng và gửi vào đó kỳ hạn 6 tháng, hưởng lãi 14% trên một tháng (tức 168%/năm). Đầu tháng 10 bạn gửi tiếp cả vốn lẫn lãi kỳ hạn 3 tháng, hưởng lãi 7%/tháng (84%/năm). Đầu tháng 1/1990, bạn gửi tiếp vốn lãi với kỳ hạn 3 tháng, lãi suất 7%/tháng (lãi suất 6%/tháng chỉ áp dụng vào tháng 2/1990). Đầu tháng 4/1990, đúng một năm sau ngày bạn gởi tiền vào ngân hàng, bạn rút vốn lãi ra và mua vàng. Với số tiền bạn có lúc đó là khoảng 91 triệu, với giá vàng lúc đó là 2.030.000 đồng một lượng, bạn mua được trên 45 lượng vàng. Trong một năm, từ tháng 4/1989 đến tháng 4/1990, bằng cách gửi tiết kiệm và được hưởng mức lãi suất “khủng”, mức lãi suất được Ngân hàng Nhà nước áp dụng để “chống lạm phát”, 10 lượng vàng của bạn đã biến thành 45 lượng vàng. Điều đó là gì, nếu không phải là phép lạ. Trong suốt một năm trời, nền kinh tế của ta đã hóa thành thiên đường của người tiết kiệm trước khi sự đổ bể tín dụng làm sụp đổ thiên đường đó. Cánh cửa thiên đường cũng mở rộng cho cả người nước ngoài. Lãi suất cao đã hấp dẫn họ mang đô-la Mỹ vào Việt Nam, đổi ra tiền đồng và gửi vào ngân hàng. Số nhập lượng đô-la phi mậu dịch khổng lồ trong năm 1989 đã giải thích tại sao, mặc dù cán cân mậu dịch quốc tế của ta thiếu hụt, đồng bạc Việt Nam đã tăng giá 20% so với đô-la Mỹ chỉ trong vòng một năm (từ 5.600 đồng ăn một đô-la vào đầu năm1989 còn 4.500 đồng/đô-la vào tháng 4 năm 1990). Tác động kép của lãi suất cao cộng với sự tăng giá của đồng bạc Việt Nam đã giúp cho người gửi tiền nước ngoài có thể kiếm được, trong một năm, gấp 3,3 lần số vốn họ có (một triệu đô-la thành 3,3 triệu đô-la). Tuy nhiên, đây không bao giờ là một cuộc chơi win-win. Số vàng chui vào túi bạn, cũng như số đô-la chui vào túi người nước ngoài, không phải là hồng phúc trời ban. Chúng cũng không thể tự sinh sôi nảy nở trong hầm bạc của các ngân hàng. Số vàng đó, số ngoại tệ đó đã được “mang nặng đẻ đau” từ các doanh nghiệp, từ người nông dân, những người đã vay và đã trả lãi cho các ngân hàng. Điều mà các nhà lãnh đạo tiền tệ chưa kịp thấy ra là làm thế nào ruộng đồng, nhà máy, cửa hàng, nhà xuất khẩu của chúng ta lại có thể tạo ra hiệu quả cao đến mức trả được một số tiền tương đương 45 lượng vàng cho số vốn 10 lượng vàng hay 3,3 triệu đô-la cho số vốn 1 triệu đô-la trong vòng một năm, chưa kể phần nộp thuế và chi phí khác trong hoạt động sản xuất kinh doanh? Tất nhiên, đó là một nhiệm vụ bất khả thi. Năng suất thực của nền sản xuất kinh doanh của chúng ta thấp, nhưng ngay cả nền sản xuất của các nước công nghiệp phát triển cũng không thể tạo được một mức lời thực “khủng khiếp” như vậy. Khi nghiên cứu về lãi suất thực (real interest rate), các nhà kinh tế học đã nhận thấy, trong một môi trường kinh tế không lạm phát, lãi suất thực chỉ vào khoảng 3% 1 năm. Mức lãi suất này một mặt thể hiện năng suất của đồng vốn (productivity of capital) mặt khác là một phần đền bù đúng mức cho việc nhịn tiêu dùng trong hiện tại của người tiết kiệm. Trong điều kiện kinh tế lạm phát, lãi suất thực là kết quả còn lại sau khi trừ lãi suất danh nghĩa (nominal interest rate) với tỷ lệ lạm phát. Nếu nó là một số âm, nó sẽ không khuyến khích tiết kiệm. Nếu nó là một số dương và quá cao (vượt trên 3%) nó trở thành tai họa cho các nhà sản xuất kinh
  24. doanh. Chính sách lãi suất, do đó, là một vấn đề hết sức quan trọng và phức tạp vì tác động mạnh mẽ của nó đối với hoạt động kinh tế. Trong nhiều trường hợp, lãi suất có thể trở thành con dao hai lưỡi. Trên thực tế, trong nhiều năm trở lại đây, chính lạm phát đã tài trợ cho các hoạt động sản xuất kinh doanh. Do tỷ suất lạm phát cao hơn lãi suất danh nghĩa, doanh nghiệp của chúng ta, cũng như tư, đã làm ăn phát tài một cách khá dễ dàng. Lãi suất thực lúc đó là một con số âm, trở thành động lực tài chính thúc đẩy, lôi kéo nền sản xuất kinh doanh của ta vốn dĩ yếu đuối, với công nghệ cũ kỹ lạc hậu, năng suất thấp và quản lý kém, phát triển từng bước. Sự phát triển này rõ ràng được chi viện một cách hào hiệp bởi khu vực gia đình và khu vực công. Lạm phát đã ngoạm lấy đồng tiền tiết kiệm của các bà nội trợ để nuôi dưỡng các doanh nghiệp. Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6% trong năm 1988 trong khi lạm phát tăng đến 3 con số (410%) đã minh chứng điểm này. Trong năm 1989, tình thế đã thay đổi, nền kinh tế đang rơi vào suy thoái và các biện pháp tiền tệ, lãi suất đã không thích ứng kịp với sự thay đổi đó. Tỷ lệ lạm phát giảm xuống còn bình quân 2,6%/tháng, trong khi đó lãi suất vay bình quân là 9%/tháng, dẫn đến lãi suất vay “thực” (real loan interest rate) là 6,4% tháng hay 76,8% năm. Đó là một mức lãi suất “địa ngục” mà không một nhà sản xuất nào dù hoạt động hiệu quả đến đâu, có thể chịu đựng nổi. (Trong khu vực tư, mức lãi suất vay “thực” còn cao hơn nhiều). Kết quả là có một sự chuyển dịch tài chính ngược chiều so với trước đây. Các dòng tiền bắt đầu chảy ồ ạt từ khu vực sản xuất kinh doanh sang khu vực gia đình, làm cạn kiệt sinh lực ở khu vực xương sống của nền kinh tế, nơi mà sự thịnh vượng của đất nước phải dựa vào. Phần lãi mà khu vực sản xuất kinh doanh phải trả cho khu vực gia đình qua trung gian của hệ thống ngân hàng, tín dụng là khủng khiếp. Điều này dẫn đến hai hậu quả nghiêm trọng về mặt tài chính cho các xí nghiệp: tình trạng ăn dần vào vốn và tình trạng mất khả năng thanh toán cả nợ lẫn lãi vay. Bị vướng trong cái bẫy tài chính này như con sâu trong lưới nhện, các doanh nghiệp cố vùng vẫy và càng vùng vẫy, càng bị siết chặt trong mắc lưới. Do cụt vốn, doanh nghiệp phải tiếp tục vay thêm ngân hàng, và càng vay áp lực lãi càng đè nặng. Trong khi đó việc tiêu thụ sản phẩm trở nên khó khăn, thị trường bị thu hẹp, tốc độ bán ra chậm do sức mua xã hội giảm. Sức mua giảm cũng xuất phát từ hai nguyên nhân: tiết kiệm được khuyến khích do lãi suất cao và thu nhập xã hội giảm do lỗ lã, đình trệ trong khu vực sản xuất khiến ngày càng có nhiều người bị mất công ăn việc làm. Hậu quả đối với nền kinh tế là nghiêm trọng. Tốc độ tăng trưởng GDP giảm từ 6% năm 1988 còn 2,4% năm 1989. Sự cố đổ bể tín dụng vào giữa năm 1990 cho thấy tình trạng phá sản trước tiên xảy ra trong khu vực tư doanh, nơi mà lãi suất vay thực sự cao đến mức khó tưởng tượng. Đây là kết quả của một sự tính toán sai lạc dựa trên kỳ vọng lạm phát của nhiều chủ doanh nghiệp. Các doanh nghiệp tư nhân nhiều tham vọng, trong thời kỳ bung ra huy động vốn đã chấp nhận vay vốn với lãi suất cao, xem đó là một cơ hội “làm giàu” mau chóng, vì tưởng rằng lạm phát sẽ tiếp diễn với tốc độ cao hơn lãi suất ngân hàng. Họ đã lầm lẫn và sụp đổ một cách thảm hại từ người ngay tình cho đến kẻ lừa đảo. Đến cuối năm 1990 và đầu năm 1991, tình trạng bất ổn tài chính xí nghiệp đã lan dần từ khu vực tư sang khu vực quốc doanh. Ngày càng có nhiều hơn các xí nghiệp bị giải thể hoặc chỉ hoạt động cầm chừng, hầu hết đều thiếu vốn nghiêm trọng và không còn khả năng chi trả. Thống kê
  25. không chính thức cho thấy số nợ của khu vực quốc doanh lên đến trên 10.000 tỷ đồng, trong số đó có nợ chiếm dụng lẫn nhau giữa các doanh nghiệp Nhà nước và nợ của họ đối với khu vực khác, nhất là đối với hệ thống ngân hàng. Tình trạng nợ xí nghiệp “đóng băng” đã dẫn đến chính sách đóng băng tín dụng của hệ thống ngân hàng. Trong khi các xí nghiệp kêu gào thiếu vốn, các ngân hàng lại không sẵn sàng cho vay. Họ lo củng cố tỷ lệ thanh khoản (liquidity rate), đẩy mạnh việc thu hồi nợ lãi, giảm bớt dư nợ. Mâu thuẩn giữa hai khu vực sản xuất và tài chính đã làm đình trệ các hoạt động kinh tế, làm trầm trọng thêm tình hình. Đầu năm 1991, các yếu tố khan hiếm tác động trong nền kinh tế làm cho giá cả một số mặt hàng, nhất là lương thực thực phẩm gia tăng. Đồng đô-la bắt đầu tăng giá trở lại, phản ánh tình hình khiếm hụt của cán cân mậu dịch và thanh toán quốc tế. Vật tư nguyên liệu nhập khẩu gia tăng đã đặt nền sản xuất nội địa trong tình trạng “Tiến thối lưỡng nan”: giá thành sản phẩm tăng nhanh trong khi giá bán sản phẩm không tăng được theo cùng nhịp do sức mua xã hội giảm. Những dấu hiệu của một tình trạng lạm phát trì trệ (stagflation) đã bắt đầu được nhận thấy: giá cả vẫn có chiều hướng tăng, nhưng sản xuất suy yếu và số lượng công ăn việc làm giảm sút. Vấn đề trở nên rất phức tạp. Dù sao đi nữa biện pháp ưu tiên hàng đầu vẫn là phải cứu vãn nền kinh tế vượt qua cơn bất ổn tài chính vừa là nguyên nhân, vừa là hậu quả của tình trạng lãi suất thực quá cao, hướng đến mục tiêu vực dậy và lành mạnh hóa nền sản xuất kinh doanh trong nước và phục hồi sự năng động của hệ thống ngân hàng. Kinh nghiệm tại các nước châu Mỹ La tinh trong các trường hợp khủng hoảng tài chính tương tự đã cho thấy chính sách tiền tệ có vai trò chủ yếu trong việc khắc phục bất ổn. Ngân hàng Trung ương có thể làm hồi sinh các hoạt động kinh tế đã bị tê liệt bằng một chính sách tiền tệ mở, nghĩa là thay đổi chính sách tín dụng nghiêm ngặt với hạn mức khắt khe đã từng là nguyên nhân gây ra tình trạng lãi suất cao. Sự hạn chế tín dụng, theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, làm giảm mức cung nhiều hơn là giảm cầu. Một chính sách tiền tệ thắt chặt - hạn chế tín dụng, lãi suất cho vay cao - làm cho sản xuất kinh doanh đình trệ, cung hàng hóa giảm sụt và như vậy vẫn có thể tạo ra tình trạng thừa cầu (excess demand) và tăng giá. Điều thiết yếu trong lúc này là nhận thức đúng đắn tính chất khẩn trương của tình hình để chuẩn bị hành động và hành động không chậm trễ để sớm thoát ra vũng lầy suy thoái. Tháng 3 năm 1991 NHỮNG BÀI TOÁN TIỀN TỆ NAN GIẢI (1992) Một cái Tết êm ả đã trôi qua, nếu chúng ta có thể gọi là êm ả, về mặt kinh tế, tình hình lắng dịu của giá cả. Giá vàng không tăng như thường thấy sau Tết Nguyên Đán, trái ngược lại với dự đoán của nhiều người. Ngoài một vài mặt hàng đặc biệt như bia, thuốc lá mà nhu cầu cao trong dịp Tết đã đẩy giá lên, giá các mặt hàng khác - nội địa cũng như ngoại nhập - đều đứng hoặc giảm nhẹ. Ở đồng bằng, giá lúa giảm đáng kể đã ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân và chi tiêu của họ. Sức mua xã hội trong cái Tết Nhâm Thân này giảm bất thường so với mọi năm đã làm giới tiểu thương kinh doanh vải vóc, quần áo, bánh mức, hoa kiểng, trái cây bị lỗ lã nặng nề. Cùng với tình hình cắt điện nhiều ngày trong tuần đang gây khó khăn cho sản xuất công nghiệp, tiểu công nghiệp tại thành phố, nạn thiếu vốn, thiếu tiền mặt trầm kha đang làm tê
  26. liệt các hoạt động sản xuất kinh doanh trong khu vực quốc doanh lẫn khu vực tư. Thu mua xuất khẩu giảm nghiêm trọng. Con tôm, hạt gạo đang bị kẹt ứ ở các tỉnh đồng bằng do thiếu tiền mặt thu mua và thiếu phương tiện chuyên chở. Điều này đe dọa sụt giảm các nguồn thu ngoại tệ dự kiến từ khu vực xuất khẩu. Sức mua giảm và tình trạng khan hiếm ngoại tệ, đến lượt chúng, sẽ tác động đến hoạt động nhập khẩu. Trong những tháng trước đây, chúng ta đã chứng kiến sự căng thẳng tiền mặt góp phần hiệu quả như thế nào trong quá trình làm giảm nhanh chóng tỉ giá đồng đô-la. Giờ đây điều này đang mất dần tác dụng. Trong điều kiện khan hiếm ngoại tệ, tỉ giá đồng đô-la sẽ có xu hướng tăng mạnh. Đến một lúc nào đó, nền kinh tế phải chịu đựng cùng lúc cả hai áp lực căng thẳng: tiền mặt và ngoại tệ. Dưới hai sức ép đó, giá vàng chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng. Điều có thể tiên đoán là nghiệp vụ nhập vàng sẽ không dễ “ăn”, có lời nhiều như trước. Giá vàng tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong tương quan với đồng đô-la Mỹ, sẽ không còn cách biệt nhiều so với giá vàng tại các thị trường lân cận như Hồng Kông, Singapore. Mới đây, có lúc sự chênh lệch này lên đến trên 30 đô-la mỗi lượng vàng (37,5 gram). Thời kỳ “vàng son” của kinh doanh vàng sẽ kết thúc, đồng thời cũng chấm dứt luôn tình trạng nhập khẩu vàng ồ ạt trong thời gian gần đây. Hiệu lực của chính sách tiền tệ thắt chặt đang phát huy tác dụng của nó đối với tổng cầu của nền kinh tế, cũng như đối với sản xuất và mức nhân dụng. Hiện tượng tăng CPI có thể bị chặn đứng ngay từ đầu quý 2/1992, ngoại trừ vài biệt lệ: một số mặt hàng nhu yếu phẩm như thịt, cá, thực phẩm sẽ tăng giá do khan hiếm. Tình trạng công nợ chậm thanh lý của các xí nghiệp quốc doanh vốn dĩ đã là gánh nặng tài chính khó kham nổi đối với chính họ nay có nguy cơ lây nhiễm sang hệ thống ngân hàng. Nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp sẽ không tăng trong điều kiện giá cả và sức mua xã hội giảm. Nạn “có vay không trả” có thể tái diễn như năm 1990. Mức nhân dụng sụt giảm và vấn đề tạo công ăn việc làm mới cho lao động dôi thừa từ khu vực quốc doanh sẽ là một vấn đề rất bức xúc của nền kinh tế. Như vậy, bóng ma lạm phát sẽ tan biến nhanh chóng trong những ngày đầu năm Nhâm Thân, nhưng thay vào đó các nhà điều hành kinh tế vĩ mô sẽ đau đầu nhiều hơn với cơn ác mộng suy thoái. Mặt khác, sự thắt chặt khối tiền tệ, trong đó bao gồm sự siết chặt tiền mặt, còn dẫn tới những kết quả không mong muốn đối với bản thân đồng bạc. Hội chứng phân liệt đồng bạc, tách đồng bạc thành hai loại chuyển khoản và tiền mặt, mỗi loại có giá riêng của nó, đang xói mòn chức năng thanh toán của đồng bạc như từng đã xảy ra nhiều năm trong thời kỳ bao cấp. Sự co rút khối tiền tệ không những không tăng cường mà còn suy giảm vai trò của đồng bạc trong nền kinh tế với tư cách là phương tiện thanh toán và dự trữ giá trị. Khi đồng bạc không thể đảm đương vai trò của nó, hiện tượng tồn tại song song các loại tiền khác (vàng, đô-la) bên cạnh đồng bạc sẽ trở nên quen thuộc trong nền kinh tế quốc dân, hơn nữa còn là một sự hiện diện không thể thiếu như minh chứng sau đây. Giả thiết chúng ta muốn đạt mức thu nhập bình quân đầu người là 200 USD cho năm 1992. Với 65 triệu dân, chúng ta phải có tổng thu nhập quốc dân là 13 tỷ USD. Chúng ta ước lượng vòng quay thu nhập (income velocity) của đồng bạc là 4 vòng/1 năm, một giả thiết khá rộng rãi cho một nền kinh tế có cơ cấu sản lượng nông nghiệp chiếm tỉ trọng cao trong GDP như nước ta. Khối tiền tệ bình quân cần thiết, theo đó, phải vào khoảng 3,2 tỷ USD tương đương 35 nghìn tỷ đồng Việt Nam (tỷ giá 11.000 đ = 1 USD). Nếu lượng tiền lưu hành bình quân chỉ chiếm 40% tổng khối tiền tệ - một tỉ lệ lý tưởng đối với Việt Nam hiện nay - nó cũng sẽ lên đến 14 nghìn tỷ đồng. Nếu khối tiền tệ trên thực tế thấp hơn mức
  27. vừa kể, các kịch bản sau đây sẽ xảy ra: • Hoặc mức thu nhập bình quân đầu người sẽ không đạt tới mức 200 USD/1 năm. • Hoặc vàng và đô-la sẽ là những đồng tiền hoạt động tích cực bên cạnh đồng bạc, tạo nên một thành phần đáng kể trong thu nhập và chi tiêu của nền kinh tế. • Hoặc nền kinh tế phải ở trong một tình trạng lạm phát cao, đủ để kích thích vòng quay thu nhập của đồng bạc gia tăng mạnh mẽ. Dẫn chứng trên cho thấy nhược điểm của chính sách tiền tệ thắt chặt hiện nay và cũng cho thấy rằng chúng ta không thể đồng thời mong muốn vừa tăng trưởng kinh tế cao vừa không có lạm phát. Việc xây dựng một chính sách tiền tệ phù hợp là một điều hết sức phức tạp và khó khăn, nhất là trong những điều kiện đặc biệt ở nước ta. Có ít nhất hai vấn đề lưỡng nan cần giải quyết. Vấn đề thứ nhất mang tính chất kỹ thuật. Nếu chúng ta muốn giành lại vị trí chính thống cho đồng bạc Việt Nam, thực hiện chủ quyền tiền tệ quốc gia, chấm dứt sự hiện diện “ký sinh” của vàng và đô-la Mỹ với tư cách vừa là trợ thủ vừa là địch thủ đáng sợ bên cạnh đồng bạc, chúng ta phải đảm bảo cho nền kinh tế một khối tiền tệ đầy đủ, đáp ứng được mọi nhu cầu giao dịch, thanh toán, dự trữ, phù hợp với yêu cầu thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế đã vạch ra. Điều này không thể có được với chính sách thắt chặt tiền tệ. Nhưng mở rộng như thế nào để vẫn đảm bảo được sự ổn định giá trị của đồng bạc lại là một chuyện không đơn giản, thậm chí còn khó hơn khi chọn lựa giải pháp thắt chặt. Vấn đề thứ hai có tính chất vĩ mô. Chính sách tiền tệ cần nhắm vào mục tiêu ổn định tiền tệ, nhưng đồng thời cũng phải tạo điều kiện và động lực cho tăng trưởng kinh tế. Điều trớ trêu là rất hiếm trường hợp một chính sách tiền tệ đạt được cả hai điều tốt đẹp trên đây. Người vạch chính sách bắt buộc phải chọn lựa, không phải giữa những điều tốt nhất mà là những điều ít xấu hơn. Theo cách nói của các nhà kinh tế, vốn dĩ là những người bi quan, đó là sự chọn lựa giữa lạm phát và thất nghiệp. Quả thật, bất cứ nhà lãnh đạo tiền tệ nào, ở các nước nào đều lúng túng trước quyết định lựa chọn “hiểm nghèo” đó. Mọi quyết định chọn lựa, do vậy, là một sự can đảm đáng khâm phục và trên bình diện kinh tế vĩ mô, chọn lựa đúng điều ít xấu hơn thực sự là một quyết định hoàn hảo nhất. THIẾU TIỀN: LÀM SAO TĂNG TRƯỞNG? (1993) Bức tranh toàn cảnh về tình hình tiền tệ năm 1992 có những nét tương phản. Đối với những người đứng ở phía cầu, tức là phía người tiêu dùng, bức tranh có màu hồng với những nét chấm phá lạc quan. Các bà nội trợ ít nhăn nhó hơn khi đương đầu với bữa cơm hàng ngày. Điều này đúng với những gia đình có đồng ra đồng vào ổn định. Với mức gia tăng giá cả bình quân 2% một tháng, số tiền chợ các bà phải chi ra tháng sau so với tháng trước tăng không đáng là bao, trong khi chất lượng bữa ăn vẫn đảm bảo. Đối với những bà cần mua sắm, họ sẽ ngạc nhiên thấy rằng các đức ông chồng có lý khi khuyên mình khoan tiêu xài. Giá một nồi cơm điện mà bà hằng ao ước thực sự rẻ hơn vào tháng sau so với tháng trước. Thật ra các ông chẳng có tài thánh gì mà đoán được giá nồi cơm đó sẽ giảm đi. Các ông khuyên các bà dè sẻn chỉ vì các ông lo âu. Năm 1992, số lượng tinh giảm biên chế từ các xí nghiệp gia tăng nhanh hơn là số lượng lao động được thu hút vào khu vực này. Những người ham tiết kiệm và có tiền tiết kiệm để gửi vào ngân hàng lại một lần nữa
  28. có lý. (Họ đã từng có lý vào năm 1989). Chỉ cần bán ra 3 lượng vàng vào tháng 9/1991 để gửi tiết kiệm, một năm sau họ sẽ thu về được 5 lượng vàng. Những ai có thân nhân nước ngoài gửi đô-la về làm ăn cũng có cơ hội tốt. Với 100 ngàn đô-la vào cuối tháng 9/1991, với mức lãi “khiêm tốn” là 30% năm, vào tháng 9/1992 họ sẽ kiếm được 30 ngàn đô-la tiền lãi cộng với vài ngàn đô-la lợi nhuận phụ do chênh lệch tỷ giá USD/VND giữa hai thời điểm. Khối cầu trong nước còn được bổ sung bởi một số lượng đô-la ồ ạt chảy vào Việt Nam qua nhiều ngõ, nhiều dạng, chính thức và không chính thức. Năm 1992, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng vọt so với năm trước, tuy rằng cấm vận chưa giải tỏa. Lượng đô-la mặt đổ vào thành phố khá cao, bình quân vài ba chục triệu đô-la mỗi tháng. Lượng vàng nhập vào bằng con đường mậu dịch và chi phí mậu dịch cũng đáng kể. Đáng chú ý và nổi bật nhất là những hoạt động trên thị trường bất động sản. Có thể gọi là năm 1992 là “năm bất động sản”, với hoạt động nhộn nhịp, sôi động, hấp dẫn, thu hút đông đảo các nguồn vốn trong và ngoài nước. Kinh doanh bất động sản trở thành chiếc đũa thần đã biến không ít người thành tỉ phú trong phút chốc. Sự gia tăng giá cả bất động sản, những khoản tiền bồi hoàn đất đai, hoa màu, những khoản lợi nhuận khổng lồ như “từ trên trời rơi xuống” thu được từ việc kinh doanh nhà cửa, đất đai đã bù được những khoản thu nhập bị giảm từ khu vực sản xuất. Xét về mặt vĩ mô, khối cầu đã được củng cố. Các khoản chi tiêu của những “nhà giàu mới” này đã nâng được sức mua trong nền kinh tế nhất là tại các điểm “nóng” như Thành phố Hồ Chí Minh. Mặc khác, khu vực đầu tư nước ngoài đang thu hút một số người có trình độ chuyên môn, biết ngoại ngữ với mức lương cao. Điều này cùng với các khoản thu nhập “đen” từ hệ thống buôn lậu phát triển nhanh chóng trong năm 1992 khiến cho sức mua xã hội về cơ bản có gia tăng. Nhìn từ góc độ của phía cung, tức là từ những người sản xuất, màu hồng của bức tranh có mờ nhạt đi ít nhiều, nếu không nói là có những chấm xám đe dọa. Năm nay tuy nông nghiệp được mùa nhưng thu nhập nông dân chưa được cải thiện vì giá nông sản giảm mạnh. Đối với một vài loại nông sản xuất khẩu như cà phê, giá bán còn thấp hơn giá thành. Khu vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp cũng gặp những vấn đề tương tự, có khi còn bức xúc hơn vì chịu sức ép từ nhiều phía. Trong nước là tình trạng thiếu vốn, thiếu điện, ngoài nước, phải chịu sự cạnh tranh mãnh liệt của hàng ngoại, nhất là hàng ngoại nhập lậu. Giá hàng nội buộc phải giảm mạnh, sản xuất thu hẹp kéo theo hậu quả tất nhiên của nó là sự sút giảm công ăn việc làm. Các ngành vải, nhựa, gốm sứ, đồ dùng gia đình chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Trong hoàn cảnh đó, một điều nghịch lý xảy ra là tuy thiếu vốn, các đơn vị kinh tế lại rất ngần ngại khi phải vay tiền ngân hàng vì lãi suất cho vay tuy có giảm nhưng còn khá cao so với hiệu suất lợi nhuận của họ. So với tốc độ lạm phát bình quân, mức lãi suất thực (real interest rate) của năm 1992 là trên 10% năm. Các đơn vị xuất khẩu cũng gặp khó khăn, nếu không muốn nói là điêu đứng vì nhiều nguyên nhân: giá xuất khẩu trên thị trường quốc tế giảm do ảnh hưởng kinh tế suy thoái trên thế giới, tỷ giá đồng bạc Việt Nam gia tăng mạnh so với giá đô-la Mỹ và mức thuế xuất khẩu cũng gia tăng. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, xuất khẩu của 9 tháng đầu năm 1992 chỉ tăng 16% so với cùng kỳ năm trước, trong khi xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 1992 đã tăng 33,2% so với 6 tháng 1991. Điều này cho thấy kể từ quý 3/1992, khi tỷ giá đô-la Mỹ tụt xuống dưới 11 ngàn đồng một đô-la, xuất khẩu tại thành phố hầu như chựng lại. Tỷ giá đồng bạc tăng, xuất khẩu giảm là nguyên nhân khiến giá các mặt hàng xuất khẩu giảm mạnh, nhất là giá nông sản xuất khẩu. Ngược lại, tỷ giá đô-la Mỹ giảm sụt có thể là cơ hội
  29. “hái ra tiền” cho các nhà nhập khẩu, nếu không có sự “ăn gian” của hàng lậu. Còn nhập khẩu chính thức tuy tăng mạnh so với năm 1991 (tăng 64%) nhưng một phần không nhỏ trong đó là hình thức vay vốn trả chậm từ nước ngoài. Tóm lại, số cung trong nước tuy có tăng nhưng chưa cân đối được với sự gia tăng của khối cầu trong nước, do đó, lực lượng hàng nhập khẩu chính thức qua đường buôn lậu là nguồn bổ sung quan trọng để tạo nên sự quân bình giá cả trên thị trường nội địa năm 1992. Sự tương phản của bức tranh nhìn từ hai góc độ cung và cầu có thể bắt nguồn từ vấn đề thanh khoản của nền kinh tế mà cội rễ của nó là cơn sốt tiền mặt. Cơn sốt tiền mặt gây hậu quả mạnh nhất ở khu vực nông nghiệp tuy rằng ở đó người ta ít có cảm giác bức xúc hơn vì nhu cầu cá nhân về tiền mặt thấp hơn là ở thành thị. Nhưng ở nông thôn, toàn bộ gánh nặng về thanh toán, giao dịch, mua bán đều dựa trên tiền mặt. Không có tiền mặt, các hoạt động kinh tế nông thôn quay về với tình trạng hàng đổi hàng. Thiếu tiền mặt để thu mua nông phẩm, giá nông phẩm bắt buộc phải hạ. Ở thành phố, bên cạnh tiền mặt người ta còn dùng vàng, đô-la, séc ngân hàng làm phương tiện thanh toán, do đó hoạt động kinh tế tuy có chịu ảnh hưởng của việc thiếu tiền mặt, nhưng ít nghiêm trọng hơn. Thiếu tiền mặt, trao đổi hàng hóa giữa thành thị và nông thôn sẽ dần dần trở nên một chiều: nông sản sẽ đổ về thành thị - nơi tập trung tiền mặt - ngày càng nhiều hơn trong khi hàng công nghệ phẩm chảy về nông thôn ngày càng ít hơn. Nói theo thuật ngữ kinh tế, tương quan mậu dịch sẽ ngày càng bất lợi về phía khu vực nông nghiệp. Ngược lại công nghiệp nội địa cũng mất chỗ dựa thị trường nơi người anh em của mình, vì người anh em đó quá yếu sức. Trong điều kiện kinh tế của chúng ta, thiếu tiền mặt chứ không phải là thặng dư mậu dịch, sẽ dẫn đến tình trạng tăng giá của đồng bạc Việt Nam so với các ngoại tệ khác. Trong cơ chế thị trường, tình trạng này sẽ lập tức được điều chỉnh bởi sự gia tăng nhập khẩu và giảm sụt xuất khẩu. Khiếm hụt cán cân thương mại sẽ có xu hướng gia tăng, dẫn đến hai hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế: nợ nước ngoài tăng và dự trữ ngoại tệ giảm. Đến lúc đó, chúng ta không còn có thể duy trì giá trị cao của đồng bạc, đồng thời phải đương đầu với các tình thế khó khăn: sản xuất đình trệ, dự trữ ngoại tệ giảm, tỷ giá đồng Việt Nam mất ổn định và tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm sụt. Điều đạt được lớn nhất trong những năm qua, được khẳng định hiển nhiên trong năm 1992, điều được các nhà quan sát kinh tế thế giới thực sự khâm phục và xem là một phép lạ kinh tế chính là ở chỗ chúng ta đã thực sự giải tỏa được hệ thống giá cả của thời kỳ bao cấp để chuyển sang cơ chế giá cả thị trường mà không có những xáo trộn lớn về giá cả. Đó là điều mà chưa nước nào, trong quá trình chuyển nền kinh tế từ kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường, làm nổi. Nước Nga không làm nổi, các nước Đông Âu khác không làm nổi. Cả Trung Quốc cũng chưa làm nổi. Vấn đề hiện nay là làm thế nào, trong điều kiện thuận lợi mới này, thực hiện thành công việc cấu trúc lại sản xuất, giúp cho sản xuất phát triển. Đây là một công việc khó khăn hơn và phức tạp hơn. Khu vực quốc doanh cần được sắp xếp, củng cố lại, chọn lựa trọng điểm, tập trung vốn và sử dụng vốn có hiệu quả nhưng trước tiên phải lành mạnh hóa tình hình tài chính bằng cách giải quyết nhanh chóng, dứt khoát công nợ. Khu vực tư doanh cần được tạo điều kiện để phát triển. Không thể để xuất hiện lâu đài khoảng trống trong sản xuất. Cần phải lấp khoảng trống đó và như vậy, chính sách tiền tệ buộc phải mở rộng, không có cách nào khác. Kiềm chế giá cả có thể là một mục tiêu của chính sách tiền tệ. Nhưng còn những mục tiêu