25 Năm theo dòng kinh tế Việt Nam (Phần 1) - Huỳnh Bửu Sơn

pdf 82 trang ngocly 2620
Bạn đang xem 20 trang mẫu của tài liệu "25 Năm theo dòng kinh tế Việt Nam (Phần 1) - Huỳnh Bửu Sơn", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdf25_nam_theo_dong_kinh_te_viet_nam.pdf

Nội dung text: 25 Năm theo dòng kinh tế Việt Nam (Phần 1) - Huỳnh Bửu Sơn

  1. Lời giới thiệu: 25 năm, chỉ một chặng đường Ebook miễn phí tại : www.Sachvui.Com Hai mươi lăm năm theo dòng kinh tế Việt Nam - đó cũng là thời gian mà tác giả Huỳnh Bửu Sơn - chuyên gia kinh tế - với tư cách người cầm bút đã ghi lại những trải nghiệm sống động và biết bao trăn trở của một trí thức từ ngày đất nước đổi mới. Là một chuyên gia ngân hàng từ năm 1967, ông được biết đến không chỉ là người giữ chìa khóa của kho vàng 16 tấn do chính quyền cũ để lại, mà còn vì sau năm 1975 đến nay đã liên tục hoạt động trong lĩnh vực này qua nhiều vị trí khác nhau. Từ những hiểu biết và kinh nghiệm thực tiễn của mình, ông đã tham gia vào đời sống báo chí với hàng trăm bài bình luận và phân tích tình hình kinh tế sâu sắc. Các bài viết của tác giả với ngôn từ duyên dáng nhưng lập luận chặt chẽ, văn phong bay bướm nhưng tính thuyết phục cao, trình bày những vấn đề gai góc bằng tất cả tâm tình, đã lôi cuốn một số lớn độc giả của các báo mà ông từng cộng tác như Tuổi Trẻ, Lao Động, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần Là một thành viên tích cực trong Nhóm chuyên viên kinh tế “Thứ Sáu”, ông từng chủ trì nhiều công trình nghiên cứu có giá trị thực tiễn như “Giá-Lương-Tiền” vào năm 1986, hay “Đổi mới Hệ thống Ngân hàng” vào năm 1989 làm tiền đề cho sự ra đời sau đó của Pháp lệnh Ngân hàng mà ông đã có phần đóng góp tích cực trong quá trình soạn thảo. Cùng với ba chuyên viên khác trong nhóm “Thứ Sáu”, ông cũng được mời tham gia vào Tổ Tư vấn của chính phủ thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người mà ông từng bộc bạch “Tôi bị ông thu hút bởi đức độ, một trái tim bao dung nhân hậu, lòng yêu nước yêu dân sâu đậm và một sự minh triết đáng kinh ngạc”. Cuốn sách này ra đời từ gợi ý của một số thân hữu, là một tập những sự kiện và vấn đề theo dòng thời sự kinh tế - xã hội gần một phần tư thế kỷ qua, mà tác giả vừa là người trong cuộc vừa là chứng nhân. Phần 1 của Hai mươi lăm năm theo dòng kinh tế Việt Nam với tựa đề chung “Đồng bạc Việt Nam qua những chặng đường phát triển” sẽ đưa người đọc tìm đến sự tương quan giữa các phương tiện thanh toán trong đời sống kinh tế - xã hội hiện nay qua một nhận định mở đầu đầy hình tượng “Đồng bạc Việt Nam, người lữ hành cô đơn” đang còng lưng cần mẫn gánh trên đôi vai gầy yếu của mình sức nặng trì trệ để lại từ thời bao cấp. Sau buổi bình minh của kinh tế thị trường là một chặng đường dài thử thách với những cơn lốc lãi suất, lạm phát, tỷ giá, vậy đâu là bài toán tiền tệ để giúp đồng bạc làm tròn vai trò của mình. Phần đầu của tập sách sẽ dừng lại với những bài viết góp ý về một hệ thống ngân hàng hoạt động có hiệu quả trong cơ chế thị trường.
  2. Phần 2 có tựa đề “Mở cửa và giấc mơ hóa rồng” là một tập hợp những trăn trở và mong ước không chỉ của tác giả mà là của bất cứ ai trông chờ vào những giải pháp có tính chiến lược nhằm đưa đất nước ra khỏi vòng xoáy của nghèo nàn lạc hậu, mà trong chừng mực cứ như đang nằm ngoài tầm tay của chúng ta. Đó là những thách thức của chiến lược thời mở cửa, những giải pháp “khai thông huyệt đạo” để đi đến một tương lai thịnh vượng, cũng như đâu là những bước ngoặt trên con đường làm giàu đưa nền kinh tế đất nước vượt vũ môn. Trải qua một thời tuổi trẻ đầy biến động, thân phận gắn liền với một giai đoạn đặc biệt của lịch sử nhưng tác giả luôn giữ sự thanh liêm của người trí thức độc lập trong nhận thức, mạnh dạn nói đúng những điều mình nghĩ, viết đúng những điều còn băn khoăn chỉ nhằm đóng góp hiểu biết khiêm tốn của mình cho sự phát triển của đất nước, cho một xã hội hôm nay tốt hơn hôm qua và ngày mai tốt hơn hôm nay. Với ông, làm được phần nhỏ điều mình mong muốn cho cái chung đã là rất hạnh phúc rồi. Suy nghĩ đó chúng ta có thể nhìn thấy xuyên suốt qua các bài viết trong tập sách này. Nhà báo Trần Trọng Thức
  3. PHẦN 1: ĐỒNG BẠC VIỆT NAM QUA NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN Chương I: ĐỒNG BẠC VIỆT NAM, VÀNG VÀ ĐÔ-LA MỸ I. ĐỒNG BẠC VIỆT NAM ĐỒNG BẠC VIỆT NAM, NGƯỜI LỮ HÀNH CÔ ĐƠN (1991) Theo tục lệ, để đón mừng những ngày đầu năm mới, ai ai cũng đều lo sắm sửa cái mới. Ở nhiều nước, các Ngân hàng Trung ương thường nhân dịp này cho “đổi mới” bộ trang phục của đồng tiền quốc gia. Những tờ bạc cũ được thu về, những tờ bạc mới được phát ra. Ở nước ta, trong cái tưng bừng của ngày Tết, những tờ bạc mới theo truyền thống được tung ra làm tăng thêm niềm hân hoan “tống cựu nghinh tân” của mọi người, trong đó có cả nỗi vui mừng của các em nhỏ khi khám phá trong phong bao lì xì đỏ thắm những đồng tiền mới tinh, thơm phức. Đây không phải là việc làm xa xỉ, phiền toái và tốn kém vô ích như nhận xét của một số người. Tờ giấy bạc, như mọi thứ khác trên đời, có một tuổi thọ nhất định. Tuổi thọ này tương ứng với mệnh giá của tờ bạc, mệnh giá càng cao thì tuổi thọ càng dài. Điều này dễ hiểu, vì tiền có mệnh giá nhỏ được tiêu xài nhiều nên mau cũ rách hơn tiền có mệnh giá lớn. Kinh nghiệm cho thấy giấy bạc từ 200 đồng trở xuống có đời sống kéo dài từ 12 tháng đến 18 tháng, giấy 500 đồng, 1.000 đồng từ 18 tháng đến ba năm. Tuổi thọ dự đoán của tờ giấy bạc là một yếu tố giúp tính toán thời gian khấu hao khối lượng giấy bạc được phát hành ra lưu thông. Sau một thời gian lưu hành đã định trước, khối lượng giấy bạc đã cũ rách cần phải được thay thế mới. Đây không phải là đổi tiền. Việc đổi mới tờ giấy bạc chính là nhằm duy trì bộ mặt đẹp đẽ, đáng tin cậy của đồng bạc, tiện lợi cho người tiêu dùng. Mặc khác, đó còn vì mục đích vệ sinh. Chi phí in bạc thường rất đắt, mà hiện nay ta cũng chưa có nhà máy in bạc, nên việc in bạc phải nhờ nước ngoài và phải trả bằng ngoại tệ. Chi phí đắt vì giấy bạc phải là loại giấy đặc biệt, kỹ thuật in cũng phải rất đặc biệt để chống làm giả. Quan sát tờ giấy bạc, chúng ta có thể nhận ra những kỹ thuật ngoại quan tinh vi như hoa văn, hình lộng, dây kim khí, chữ in nổi, hình chồng nét ở hai mặt tờ bạc Ngoài ra, còn có những kỹ thuật bí mật để phòng ngừa giả mạo mà chỉ có Ngân hàng Trung ương, người phát hành giấy bạc mới biết. Ở ta có một điều nghịch lý là mệnh giá tờ giấy bạc được ấn định quá thấp, vừa không phù hợp với nhu cầu thanh toán vừa khiến cho việc in bạc trở nên quá tốn kém. Mệnh giá cao nhất của tờ giấy bạc hiện nay là 5.000 đồng tương đương 0,77 USD. Nếu so sánh với tờ giấy bạc 100 đô-la là loại giấy bạc lưu hành khá thông dụng của Mỹ, chúng ta
  4. sẽ thấy sự lãng phí như thế nào. Giả thuyết chi phí in tờ giấy bạc 5.000 đồng Việt Nam và tờ 100 USD là tương đương, như vậy để có một lượng giấy bạc đủ phục vụ cho việc trao đổi một số lượng hàng hóa có giá trị ngang nhau, chi phí mà ta bỏ ra để in bạc cao gấp 130 lần chi phí của Mỹ. Việc giữ một cơ cấu mệnh giá thấp cho khối tiền lưu hành không những khiến cho chi phí in ấn tốn kém mà còn làm cho việc mua bán hàng hóa không thuận lợi. Thử tưởng tượng bạn bán một chiếc xe Peugeot 405 mới tinh và được thanh toán bằng giấy bạc 100 đồng và 200 đồng. Có thể đánh cuộc với bạn rằng trọng lượng số bạc sẽ nặng hơn trọng lượng chiếc xe. Với sự bất tiện kiểu đó, không lấy làm lạ nếu hiện nay người ta quen dùng vàng và đô-la Mỹ làm phương tiện thanh toán cho những vụ buôn bán lớn. Riêng hiện tượng này cũng quá đủ để chứng minh một thực tế nghiêm trọng là khối lượng tiền lưu hành hiện nay không tương xứng với nhu cầu thanh toán các khoản giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ bằng tiền mặt trong nền kinh tế. Thế nhưng, điều kỳ lạ là mọi người có vẻ như tạm hài lòng với cơ cấu mệnh giá này và sẽ tỏ ra hoang mang khi có trong tay một tờ giấy bạc có mệnh giá cao hơn. Đây là một nhận thức sai lầm phổ biến mà cội rễ của nó gắn liền với tâm lý e sợ lạm phát. Người ta thường có cảm tưởng mơ hồ rằng đồng bạc đang bị mất giá, khi cầm trong tay một tờ bạc ghi mệnh giá cao hơn con số quen thuộc. Trong quá khứ, ở những nước có tình trạng siêu lạm phát, có lưu hành những tờ giấy bạc mà mệnh giá là một con số với chín con số không, hay lớn hơn. Nhưng điều cần phải thấy là những con số thiên văn trên giấy bạc chỉ là hậu quả, không phải là nguyên nhân của lạm phát. Còn việc duy trì mệnh giá thấp cho tờ bạc không bao giờ là biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn lạm phát, nhưng chắc chắn nó là biện pháp hữu hiệu để làm suy yếu chức năng thanh toán của đồng bạc đồng thời làm cho tờ giấy bạc trở nên kém an toàn hơn, vì khi chi phí in bạc trở thành quá tốn kém, chất lượng của tờ giấy bạc sẽ bị giảm sút. Chính trong điều kiện ngặt nghèo đó, đồng bạc Việt Nam đã phải mang vác trên đôi vai gầy yếu của mình cả sức nặng của một nền kinh tế 65 triệu dân đang “chòi đạp” để phát triển. Đồng bạc trở thành người phu siêng năng, cần mẫn, tháo vát, hoạt động như con thoi không ngơi nghỉ, vận chuyển hạt gạo, con cá, miếng thịt từ nông thôn ra thành thị rồi mang vải vóc, phân bón, thuốc trừ sâu, xi măng, đồ dùng gia đình từ thành thị về nông thôn. Điều đáng thương hơn, đó là những người phu đơn độc hoạt động chỉ bằng cơ bắp, không có những người bạn đồng hành cơ giới cùng chia sẻ trách nhiệm vận hành cỗ xe kinh tế như chi phiếu, thương phiếu, tín phiếu những phương tiện thanh toán thông thường mà nền kinh tế hiện đại nào cũng cần đến. Nếu có người đồng hành, thì lại là những đối thủ đáng sợ như vàng, đô-la Mỹ, những kẻ chỉ chực chờ cơ hội tước đoạt vai trò chính thống của đồng bạc Việt Nam. Thế nhưng, đó là một vai trò bạc bẽo. Với một lực lượng yếu và mỏng, đồng bạc Việt Nam phải quay vòng đến chóng mặt mới có thể vận hành bộ máy sản xuất kinh doanh đang trên đà phát triển. Tuy nhiên, điều không ngờ là trong suốt nhiều năm, quan điểm hạn chế khối lượng tiền lưu hành luôn luôn là kim chỉ nam của chính sách tiền tệ nước ta. Việc siết chặt khối lượng tiền là nhằm mục tiêu chặn đứng tình trạng gia tăng giá cả, nhưng kết quả đạt được thường là sự suy yếu của các hoạt động sản xuất và lưu thông hàng hóa của toàn nền kinh tế, nhất là trong khu vực tư. Việc phát hành tiền, nghiệp vụ bình thường của một Ngân hàng Trung ương, được Nhà nước ta quan trọng hóa và nâng lên hàng chiến lược kinh tế chính trị quốc gia. Do đó, nó vượt khỏi phạm vi quyết định của Ngân hàng Nhà nước để thuộc về một cơ quan cấp cao hơn, nếu không nói là cấp cao nhất của bộ máy quyền lực Nhà nước: Bộ Chính trị. Chính sách phát hành trở thành độc
  5. lập và biệt lập với chính sách tín dụng của ngân hàng. Điều này đã dẫn đến sự hình thành hai loại tiền trong nền kinh tế, tiền mặt và tiền chuyển khoản, với lãi suất khác nhau và giá trị khác nhau. Và theo quy luật “tiền xấu trục xuất tiền tốt”, nền kinh tế lâm vào một tình trạng căng thẳng thường xuyên tiền mặt, một cách diễn đạt văn hoa của hiện tượng “thiếu tiền mặt” trầm trọng. Sau đó, chúng ta đột nhiên đứng giữa sương mù của những điều nghịch lý được mô tả bởi một số nhà lý luận tiền tệ trong nước mà không có lý thuyết về tiền tệ nào có thể giải mã: nền kinh tế cùng lúc vừa thiếu tiền mặt vừa thừa tiền mặt, thậm chí có người còn chỉ rõ rằng thiếu tiền mặt trong khu vực Nhà nước và thừa tiền mặt trong khu vực tư. Khỏi phải nói, những nhận định mâu thuẫn như vậy không thể nào là cơ sở đưa đến việc xây dựng những giải pháp tiền tệ đúng đắn. Thật ra, tình trạng thừa tiền mặt biểu kiến mà nhiều người cho là một trong những nguyên nhân gây ra lạm phát, không phải là do số lượng tiền lưu hành nhiều mà là do đồng tiền phải quay rất nhanh để đảm bảo sự vận hành các hoạt động kinh tế phục vụ các nhu cầu tối thiểu nhất của cuộc sống người dân. Điều trớ trêu là đồng bạc chỉ quay nhanh khi người ta coi nó như hòn than nóng. Đây chính là nỗi cay đắng nhất của đồng bạc Việt Nam. Nó chỉ hoạt động hữu hiệu khi nó bị coi thường, rẻ rúng nhất. Kinh nghiệm trong 2 năm qua cho thấy, mặc dù khối lượng tiền phát hành vẫn tăng và tăng nhanh, tốc độ lạm phát vẫn bị kìm hãm và có lúc bị chặn đứng vì vòng quay đồng tiền đã chậm lại. Sự chậm lại của vòng quay đồng tiền phản ánh tình trạng suy giảm sức mua trong nền kinh tế, dẫn đến sự đình đốn các hoạt động sản xuất kinh doanh. Ở đây chúng ta cũng nhận được một sự cảnh tỉnh khác. Nếu như sự sụt giá liên tục và nhanh chóng của đồng bạc là một tai họa, thì sự tăng giá đột ngột và không cơ bản của đồng bạc cũng không phải là một điều đáng mong ước. Chính sự tăng giá đồng bạc do tăng lãi suất, được cộng hưởng bởi sự giảm sụt sức mua xã hội đã là nguyên nhân đưa đến tình trạng lỗ lã trong khu vực sản xuất, kinh doanh kể cả các ngành trước đây làm ăn có lãi như thương nghiệp, xuất nhập khẩu và dịch vụ kiều hối. Bạn vay vốn ngân hàng 100 triệu đồng, với lãi suất 10%/tháng để mua hàng dự trữ kinh doanh. Điều gì sẽ xảy ra cho bạn nếu một buổi sáng đẹp trời nào đó, bạn chợt nhận ra rằng, vì đồng bạc tăng giá, lô hàng của bạn chỉ còn có 90 triệu đồng và bạn không tài nào kiếm được người mua. Đó chính là thảm trạng tài chính của các doanh nghiệp trong thời gian qua và hậu quả của nó đang lây lan đến hệ thống ngân hàng. Dẫn chứng trên cho thấy chính sách tiền tệ không thể nào chỉ nhắm tới một mục tiêu đơn thuần như giá trị của đồng bạc mà còn phải lưu ý đến những vấn đề kinh tế khác như sự gia tăng tổng sản lượng, gia tăng thu nhập quốc dân hay nâng cao mức nhân dụng. Ổn định tiền tệ là mục tiêu không thể tranh cãi của chính sách tiền tệ nhưng xét cho cùng, chính sách tiền tệ chỉ là một bộ phận nằm trong chính sách kinh tế mà mục tiêu phục vụ không phải là một quan điểm hay một khái niệm mà là con người. Con người được làm việc, có thu nhập, có chi tiêu và có tích lũy. Giá trị đồng bạc cần phải được duy trì, nhưng điều đó chỉ thực sự có ý nghĩa khi nó giúp đạt được cứu cánh tối hậu của công cuộc phát triển kinh tế là thỏa mãn nhu cầu vật chất và tinh thần ngày càng tăng của mỗi người dân trong cộng đồng và đáp ứng nhu cầu được làm việc và có thu nhập của họ. Sự ra đời của hai Pháp lệnh về ngân hàng vào giữa năm 1990 đã mở ra triển vọng mới cho việc củng cố vai trò và chức năng của đồng bạc, hồng cầu cần thiết cho hệ thống tuần
  6. hoàn của cơ thể kinh tế. Chúng ta mong rằng, sang năm mới, đồng bạc Việt Nam sẽ có những người bạn đồng hành hùng mạnh và tốt bụng, cùng chia sẻ trách nhiệm thúc đẩy cỗ xe kinh tế vượt qua bãi lầy suy thoái. Chúng ta cũng mong rằng các mạch máu của hệ thống tuần hoàn sẽ được khai thông, để cho đồng bạc và những phương tiện thanh toán mới mẻ, hiện đại có thể tiếp nhận và vận chuyển hoàn hảo các nguồn vốn mới trong nước và ngoài nước đến những nhà đầu tư, những doanh nghiệp có khả năng sử dụng chúng một cách an toàn, lành mạnh và hiệu quả. Cuối cùng, chúng ta mong ước rằng những điều kiện cần thiết cho việc củng cố vai trò của đồng bạc sẽ sớm được thực hiện trong năm mới và đồng bạc sẽ có dịp góp phần xứng đáng của mình vào việc phục hồi sức khỏe cho nền kinh tế. Xin chúc lành cho đồng bạc Việt Nam! ĐỒNG BẠC VIỆT NAM TỪ BAO CẤP ĐẾN THỊ TRƯỜNG 1. Một đồng bạc Việt Nam thống nhất Ba năm sau ngày hòa bình lập lại, sự thống nhất tiền tệ thực sự diễn ra trên cả nước với việc đổi tiền năm 1978. Một đồng tiền duy nhất được lưu hành trên toàn quốc, với vai trò được giao phó lúc đó là xây dựng Chủ nghĩa Xã hội ở miền Bắc và thực hiện cải tạo Xã hội Chủ nghĩa ở miền Nam. Nền kinh tế toàn quốc được vận hành theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung, hầu hết các ngành công nghiệp đều được quốc hữu hóa, khu vực nông nghiệp được tập thể hóa và hợp tác hóa, các ngành thương nghiệp dần dần được tập trung vào Nhà nước, lực lượng tư thương mỏng dần qua nhiều đợt cải tạo, chỉ còn những người buôn bán nhỏ lẻ tại các chợ. Mỗi quận huyện biến thành một pháo đài, một đơn vị kinh tế công nông thương nghiệp hoàn chỉnh, cũng có nghĩa là khép kín, tự túc, khiến cho giao thương giữa các địa phương bị hạn chế dần, đặc biệt đối với những mặt hàng được xem là thế mạnh của mỗi quận huyện. Gạo, thủy hải sản và các loại nông sản khác có thể được dùng làm lương thực đều bị hạn chế buôn bán ra khỏi quận huyện. Tình trạng ngăn sông cấm chợ xảy ra trên toàn quốc, đến nỗi mỗi quận huyện được gọi là một nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa, và việc buôn bán hàng hóa ra vào mỗi tỉnh, mỗi quận huyện gặp nhiều rào cản, trạm kiểm soát thuế còn phức tạp, nhiêu khê hơn cả việc xuất nhập khẩu. Trong tình hình đó, vai trò của đồng bạc trong nền kinh tế bị lu mờ dần. Đồng tiền có chức năng thanh toán, nhưng rất hạn chế. Lương thực và các nhu yếu phẩm được bán theo tiêu chuẩn, hoặc theo tem phiếu. Việc mua bán giữa các địa phương phần lớn được thực hiện theo phương thức hàng đổi hàng. Khu vực nông thôn hầu như không có tiền mặt. Một cuộc khảo sát về cân đối tiền hàng ở huyện Cầu Ngang, tỉnh Cửu Long vào năm 1979 cho thấy bình quân tiền mặt trong tay người nông dân không đến 30 đồng (khoảng 2 USD). 2. Chính sách tiền tệ siết chặt, đặc trưng của thời kỳ bao cấp Chính sách tiền tệ thu hẹp là đặc trưng của thời kỳ kinh tế bao cấp. Ngân hàng Nhà nước, được xem là một Ngân hàng Trung ương, nhưng không được chủ động phát hành tiền. Việc phát hành tiền là do Chính phủ hoặc cấp lãnh đạo cao hơn (Bộ Chính trị) quyết định. Việc đưa đồng tiền ra lưu thông thường xuyên bị hạn chế vì mục tiêu kiềm chế giá cả. Cơ quan điều hành tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) lúc đó dường như chỉ có một mối quan tâm duy nhất là tìm mọi cách đưa đồng tiền đã phát hành ra nền kinh tế quay trở lại hệ thống Ngân hàng Nhà nước. Họ tin rằng bằng cách đó sẽ chống được lạm phát, danh từ lạm phát được hiểu là có một lượng tiền thừa rất lớn trong lưu thông và danh từ “trong lưu
  7. thông” được hiểu là trên thị trường tự do, nơi mà Nhà nước không thể kiểm soát được giá cả. Trên nguyên tắc, giá cả mọi loại hàng hóa trong nền kinh tế đã được Nhà nước quyết định theo kế hoạch, và sự phân phối của chúng cũng được Nhà nước quyết định bằng cách quy định định mức nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của mỗi người dân trong xã hội. Do vậy, theo nhận thức của các nhà điều hành, thực thi chính sách tiền tệ, nếu trong lưu thông không có tiền thừa, việc mua bán trao đổi hàng hóa trên cái gọi là thị trường tự do sẽ không thể phát triển đến mức gây ra tác động xấu đến hệ thống giá cả và kế hoạch phân phối hàng hóa của Nhà nước trong nền kinh tế. Với mục tiêu rất cụ thể như trên của chính sách tiền tệ trong thời bao cấp, mỗi chi nhánh Ngân hàng Nhà nước trên toàn quốc đều nhận được chỉ tiêu kế hoạch mỗi năm từ Ngân hàng Nhà nước trung ương là phải thực hiện bội thu tiền mặt. Lượng tiền mặt trong lưu thông được xem là một mối đe dọa vì nó là nguồn năng lượng cung cấp cho các hoạt động kinh tế ngoài quốc doanh, cho nền kinh tế ngầm, nằm ngoài sự kiểm soát của Nhà nước, đồng thời làm cản trở công cuộc cải tạo Xã hội Chủ nghĩa công thương nghiệp tư bản tư doanh. 3. Những biện pháp quản lý tiền mặt Do đó, những biện pháp quản lý tiền mặt được áp dụng tối đa. Ngân hàng Nhà nước buộc các doanh nghiệp (thời đó chỉ có doanh nghiệp quốc doanh) phải xây dựng kế hoạch thu chi tiền mặt định kỳ trình chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại mỗi địa phương phê chuẩn. Căn cứ trên kế hoạch tiền mặt đã được duyệt, Ngân hàng Nhà nước quy định định mức tiền mặt mà các doanh nghiệp được rút ra từ tài khoản của mình, với những lý do chính đáng được thừa nhận. Mỗi doanh nghiệp, tùy tình hình kinh doanh sản xuất, sẽ được phép giữ một mức tồn quỹ tiền mặt do Ngân hàng Nhà nước quy định, cũng như được phép chi trả bằng tiền mặt trên khoản thu bằng tiền mặt của đơn vị mình theo một tỉ lệ được phép gọi là mức tọa chi. Những quy định phiền toái về việc sử dụng tiền mặt của các doanh nghiệp chỉ nhằm thực hiện một mục tiêu là đảm bảo cho các chi nhánh của Ngân hàng Nhà nước có đủ nguồn thu tiền mặt đáp ứng các nhu cầu chi tiêu thường xuyên theo kế hoạch của doanh nghiệp (chủ yếu là chi trả tiền lương) mà không phải nhờ đến nguồn tiền phát hành của Ngân hàng Nhà nước Trung ương. Tuy nhiên, trong suốt thời kỳ thực hiện cơ chế kế hoạch hóa tập trung, các chỉ tiêu bội thu tiền mặt hàng năm mà Ngân hàng Nhà nước giao cho các chi nhánh của mình trên toàn quốc chưa bao giờ thực hiện được theo yêu cầu. Thật ra, đó cũng là một điều dễ hiểu. Nếu các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước đồng loạt đạt được chỉ tiêu bội thu tiền mặt do Ngân hàng Nhà nước Trung ương đề ra, chỉ trong một thời gian ngắn, nền kinh tế sẽ không còn tiền mặt để vận hành. Vì việc quản lý tiền mặt bản thân nó đã bao hàm một nghịch lý, nên nó giống như việc chạy đuổi theo cái bóng, cứ chạy mãi mà không bao giờ bắt kịp. Đồng tiền trong thời bao cấp tỏ ra rất tinh quái và thích chơi trò đuổi bắt. Một khi thoát được vào lưu thông, nó trốn tránh việc quay trở về hệ thống Ngân hàng Nhà nước. Các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại các địa phương, nhất là tại các thành phố lớn, luôn luôn bội chi tiền mặt và do đó, lâm vào tình trạng mà thời đó gọi là “căng thẳng tiền mặt” thường xuyên. Điều kỳ lạ là nguồn tiền phát hành của Ngân hàng Nhà nước Trung ương cũng luôn luôn không bao giờ đáp ứng kịp thời cho nhu cầu chi trả tiền mặt của các chi nhánh của mình tại các địa phương, và hiện tượng căng thẳng tiền mặt - được hiểu như là thời gian mà các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước chờ đợi được “rót” tiền mặt từ kho phát hành Ngân hàng Nhà nước Trung ương, để có đủ tiền mặt chi trả cho các khách hàng có tiền gởi và có yêu cầu rút tiền ra tại ngân hàng mình - xảy ra như cơm bữa. Tình trạng nợ tiền lương, tiền thưởng của người lao
  8. động, của cán bộ công nhân viên là thường xuyên, nhất là vào dịp lễ, Tết. Việc cán bộ nhân viên lãnh lương trễ vài ba tháng không phải là chuyện hiếm. Ngay cả đối với người dân được cán bộ ngân hàng đến tận nhà khuyến khích gởi tiền tiết kiệm vào các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, mỗi khi họ muốn rút tiền từ sổ tiết kiệm của chính mình, họ cũng phải trình bày với ngân hàng các lý do thực sự chính đáng (như vợ con bệnh tật, lo việc cưới hỏi hay ma chay, giỗ chạp), và cũng chỉ được rút tiền theo một hạn mức nhất định. Có thể nói, đồng tiền của doanh nghiệp và của cá nhân một khi đã lọt vào hệ thống Ngân hàng Nhà nước sẽ bị ngăn chặn mọi lối ra. Và chắc chắn đó chính là một trong những nguyên nhân khiến đồng tiền một khi thoát ra được, sẽ không bao giờ tự tìm đường về hệ thống ngân hàng, trừ phi bị bắt buộc. Một khi đồng tiền không còn gắn liền với hệ thống ngân hàng, hệ thống ngân hàng đó cũng mất đi vai trò “ngân hàng”, mà trở thành một cơ quan hành chính sự nghiệp đơn thuần, thực hiện chức năng quản lý, kiểm soát hoạt động mua bán giao dịch trong nền kinh tế bằng công cụ quản lý tiền mặt rất chặt chẽ và rất không hiệu quả. 4. Khan hiếm tiền mặt Sự kiểm soát chặt chẽ lượng tiền mặt trong lưu thông đã làm cho đồng bạc trở nên hiếm hoi. Nền kinh tế thường xuyên chịu áp lực giảm phát và hậu quả là một tình trạng suy thoái kinh niên kéo dài từ năm kế hoạch này sang năm kế hoạch khác, nhất là trong khu vực nông thôn nơi tiền tệ khan hiếm nghiêm trọng. Khối tiền tệ M1 bị thu nhỏ, trong đó tiền mặt (tiền giấy) chiếm tỷ lệ đến 70%, còn tiền chuyển khoản (tiền tại các tài khoản của ngân hàng) chỉ là một thứ chuẩn tiền. Tuy nhiên, dù chiếm tỷ lệ đến 70%, lượng tiền mặt trong lưu thông vẫn không đủ sức gánh vác toàn bộ các hoạt động kinh tế của một nền kinh tế 60 triệu dân, khiến cho các hoạt động này dần dần sút giảm nghiêm trọng. Nền kinh tế tiến dần vào tình trạng suy thoái và bị phi tiền tệ hóa. Hiện tượng “hàng đổi hàng” xuất hiện và ngày càng phổ biến. Trên thị trường tự do, tiền mặt không tràn ngập như suy nghĩ của các nhà điều hành tiền tệ, nó vẫn đang rất thiếu cho các hoạt động luân chuyển hàng hóa dịch vụ vốn sầm uất hơn nhiều so với thị trường có tổ chức (khu vực kinh tế Nhà nước) và tạo nên một lực hút tiền mặt rất mạnh. Thị trường tự do, để tồn tại, cũng cần tiền không kém thị trường có tổ chức, thậm chí còn bức xúc hơn vì không thể tự phát hành tiền. Tuy nhiên, vì Nhà nước không công nhận sự hiện hữu hợp pháp của thị trường tự do và vai trò của nó trong việc duy trì hoạt động thường nhật của nền kinh tế, nên đã không thừa nhận nhu cầu tiền tệ của thị trường này, mà chỉ thấy đây là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự ổn định của nền kinh tế kế hoạch. Người ta luôn quy trách nhiệm cho thị trường tự do và các thành viên của nó đã gây ra tình trạng căng thẳng tiền mặt và nhận định rằng do thị trường tự do đang tràn ngập quá nhiều tiền và lượng tiền này không bao giờ quay lại hệ thống ngân hàng, nên khu vực kinh tế Nhà nước phải chịu cảnh thiếu thốn tiền mặt nghiêm trọng. Và biện pháp đối phó trước mắt là phải siết chặt hơn nữa việc quản lý tiền mặt. Đó là tình trạng xảy ra vào những năm đầu thập niên 80. Đồng tiền trở nên cực kỳ khan hiếm cùng lúc với tình trạng mất giá liên tục của nó. Nghịch lý tiền tệ này đã xảy ra trong nền kinh tế bao cấp tồn tại hai thị trường song hành của Việt Nam. Đồng tiền đã có cùng lúc hai giá trị, hai tác dụng trên hai khu vực thị trường khác nhau. Trong khu vực Nhà nước, đồng tiền được ấn định một giá trị cao, nhưng không ai có tiền và nếu có cũng không mua được hàng. Ở đây, hàng được phân phối theo kế hoạch, và vì
  9. không có đủ hàng để phân phối theo kế hoạch của nhiều doanh nghiệp, nhiều địa phương, nên hàng được phân phối một cách nhỏ giọt, và được thanh toán theo hình thức chuyển khoản. Và như đã nói, đồng tiền trên tài khoản chưa phải là tiền thật, vì không thể rút ra sử dụng theo nhu cầu của chủ tài khoản, nên nó chỉ là một thứ chuẩn tiền (quasi-money) không mấy được ưa chuộng. Sự siết chặt tiền mặt đã làm suy giảm các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại của các doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp quốc doanh. Ngược lại, trên thị trường tự do, đồng tiền có vẻ như có mặt khắp nơi nhưng lại ngày càng giảm giá, vì nó giống như một hòn than nóng. Mỗi khi có đồng tiền trong tay, người dân lại vội vã đi mua hàng vì sợ nó mất giá và cũng vì sợ nó sẽ không còn tồn tại như kinh nghiệm đã được nếm trải qua hai lần đổi tiền năm 1975 và năm 1978. Và nếu không mua hàng, họ lại tìm cách mua vàng hay đô-la để dự trữ. Trên thị trường tự do, đồng tiền quay vòng đến chóng mặt và nếu nhìn hiện tượng đó theo lý thuyết tiền tệ, tình trạng giá cả tăng nhanh trên thị trường tự do là một điều dễ hiểu. Tuy nhiên, ở trên thị trường này, có tiền thì sẽ mua được hàng, miễn là chấp nhận giá cao. Như nước chảy xuống chỗ trũng, hàng hóa giá thấp từ khu vực nhà nước tìm mọi cách chạy ra thị trường ngoài theo mọi ngõ ngách để đến chỗ có giá cao hơn. Thị trường bên ngoài, dù chịu sức ép thu hẹp qua nhiều đợt cải tạo công thương nghiệp, vẫn tiếp tục lớn dần, các hoạt động kinh tế trên thị trường gọi là tự do ngày càng sôi động hơn, tạo nhiều công ăn việc làm hơn cho người lao động. Sự phát triển của thị trường tự do nhờ vào điều mà xã hội lúc bấy giờ lên án và coi là hành động tội phạm: tệ nạn “móc ngoặc” giữa cán bộ Nhà nước và tư thương, “tuồn hàng” từ các kho khóa chặt của Nhà nước ra ngoài. Đó chính là mặt tích cực của một tệ nạn, thực chất là nạn ăn cắp, trong ý nghĩa là hành động này đã cung cấp cho thị trường một lượng hàng hóa vốn bị bất động trong kho và sẽ bị hư hỏng dần qua thời gian, giúp cho nền kinh tế có năng lượng để vận hành, người tiêu dùng có cái để sống, để tồn tại. Đồng tiền chạy theo hàng hóa như bóng với hình, và chỗ trũng của nó là các thành thị. Trong khi đó, ở nông thôn, thiếu thốn tiền mặt là triền miên và nền kinh tế hàng hóa ở nông thôn đã không thể nào phát triển. Nông thôn tiếp tục chìm trong bóng đêm của tự cấp tự túc. 5. Hậu quả của chính sách tiền tệ siết chặt Chính sách thắt chặt tiền tệ của thời bao cấp đã đưa nền kinh tế vào vòng lẩn quẩn không lối thoát. Thắt chặt tiền tệ khiến cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp bị đình đốn, hậu quả là ngân sách bị thất thu thuế nhưng phải bội chi để bù lỗ cho các xí nghiệp quốc doanh. Kết quả tất yếu của điều này là Nhà nước phải gia tăng phát hành để bù đắp khiếm hụt ngân sách. Càng phát hành lớn cho ngân sách, càng phải giảm bớt tín dụng đối với khu vực sản xuất kinh doanh, càng phải tăng cường quản lý tiền mặt vì e sợ lạm phát. Mặt khác, Nhà nước cũng phải tăng giá hàng hóa, dịch vụ để giảm bớt bù lỗ. Những biện pháp gỡ rối tạm bợ như trên không thể ổn định được tình tình kinh tế khó khăn mà chỉ làm rối thêm các vấn đề sẵn có: giá cả hàng hóa tiếp tục leo thang cả trong khu vực Nhà nước lẫn thị trường tự do, tình trạng căng thẳng tiền mặt trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước và của các doanh nghiệp ngày càng trầm trọng hơn, tiền mặt vẫn tiếp tục được hút ra thị trường tự do, nơi nó vẫn trong tình trạng khan hiếm và được sự hỗ trợ trong vai trò thanh toán bởi vàng và đô-la. 6. Cải cách giá lương tiền năm 1985
  10. Chương trình cải cách giá lương tiền năm 1985 với đỉnh cao của nó là việc thu đổi toàn bộ lượng tiền trong lưu thông diễn ra vào tháng 9 năm 1985 là một nỗ lực được thực hiện với mục tiêu phá vỡ vòng lẩn quẩn nói trên. Cải cách về giá nhằm làm cho mức giá thực tế hơn trong quan hệ thành thị - nông thôn, công nghiệp - nông nghiệp, tránh tình trạng thường được ví von vào lúc đó là “mua như cướp, bán như cho”. Cải cách tiền lương không gì khác hơn là tăng lương cho cán bộ công nhân viên chức Nhà nước, làm dịu đi nỗi bức xúc của họ trước tình trạng giá cả leo thang. Nhưng trong chương trình này, cải cách tiền tệ là biện pháp then chốt nhất. Các nhà lãnh đạo tiền tệ vào lúc đó tin tưởng rằng việc thu đổi tiền sẽ là một đòn nặng giáng vào tư sản tư thương và việc thu gom tiền về sẽ là liệu pháp hiệu quả bậc nhất để chấm dứt điều mà họ cho là nguyên nhân cơ bản của tình trạng lạm phát và giá cả gia tăng đến chóng mặt trong thời gian qua. Những diễn biến xảy ra cho nền kinh tế tiếp theo biến cố thu đổi tiền vào tháng 9 năm 1985 cho thấy chương trình cải cách giá lương tiền hoàn toàn thất bại. Nền kinh tế lâm vào tình trạng đình trệ còn nghiêm trọng hơn trước lúc đổi tiền. Lưu thông hàng hóa trên toàn quốc bị tắc nghẽn. Các bà nội trợ than phiền không có tiền lẻ để đi chợ. Khu vực nông thôn quay về tình trạng hàng đổi hàng, nông dân phải mang lúa ra chợ để đổi lấy vải. Giá cả leo thang đến chóng mặt. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ số giá cả thị trường năm 1985 tăng 61% so với năm 1984, năm 1986 tăng đến 625% so với năm 1985. Đồng tiền mới phát hành ra đã bị giảm giá trầm trọng. Chỉ số sức mua đồng bạc năm 1985 chỉ bằng 62% năm 1984, sang năm 1986 chỉ còn 16%. Đây là những vấn đề thực sự làm đau đầu không những đối với các nhà lãnh đạo đất nước mà còn đối với các chuyên gia tiền tệ, các nhà phân tích kinh tế. Nếu hiện tượng tiền tràn ngập lưu thông là nguyên nhân dẫn đến gia tăng giá cả, thì tại sao khi thu đổi tiền về, giá cả vẫn tiếp tục gia tăng? Những năm tiếp theo, đồng bạc Việt Nam đã phải gian nan vượt qua các cơn khủng hoảng của chính nó: khủng hoảng về khan hiếm tiền mặt, khủng hoảng thiếu tiền lẻ, khủng hoảng vì sự mất tín nhiệm của người dân. Vì e sợ đổi tiền, người dân đã xem đồng tiền như một phương tiện dự trữ tạm thời, tâm lý trữ vàng, trữ đô-la trong dân chúng tăng cao. Trong hai năm 1986 và 1987, tình trạng cấm chợ ngăn sông, sự điều chỉnh liên tục giá nguyên nhiên liệu, giá vật tư, tâm lý trữ vàng, trữ đô-la, sự khan hiếm hàng hóa, mức lãi suất ngân hàng thấp cùng với tốc độ quay chóng mặt của đồng tiền, tất cả những yếu tố đó quyện vào nhau, trở thành một dòng xoáy lôi cuốn đồng bạc vào cơn ác mộng lạm phát chưa từng có. Để diễn tả nó, người ta đã không ngần ngại dùng các thuật ngữ gây nhiều ấn tượng như bùng nổ lạm phát, siêu lạm phát, lạm phát cấp 3, lạm phát phi mã. Năm 1988, tốc độ lạm phát vẫn tiếp tục ở mức 500%/năm. Nền kinh tế bị choáng váng và trong nỗi hoang mang đó, người ta đã không nhìn thấy một sự thật: lạm phát không thể được nuôi dưỡng trong điều kiện khan hiếm tiền tệ và nếu sự gia tăng giá cả đã xảy ra, chúng ta nên tỉnh táo phân tích hiện tượng này và đi tìm các thủ phạm đích danh, hơn là đổ trút mọi tội lỗi lên đầu đồng bạc Việt Nam. 7. Những đề xuất cho bài toán tiền tệ giá cả Đề cương “Các biện pháp chủ động về tiền tệ, giá cả nhằm phát triển kinh tế” của Nhóm chuyên viên nghiên cứu chuyên đề Công ty Cung ứng Hàng Xuất khẩu Quận 5 Thành phố Hồ Chí Minh (sau này gọi là Nhóm Thứ Sáu) đã tìm cách trả lời những câu hỏi liên quan đến vấn đề tiền tệ, giá cả vào thời điểm đó như sau:
  11. Về mặt tiền tệ, chính sách cơ bản của Ngân hàng Nhà nước là kiểm soát chặt chẽ khối lượng tiền phát hành ngay từ khâu xây dựng kế hoạch phát hành và quản lý chặt chẽ chúng sau khi chúng được đưa vào lưu thông, vậy tại sao tiền mặt cứ thừa trong lưu thông? Hiện tượng gọi là tiền thừa không phải mới xuất hiện, mà được thừa nhận là xuất hiện thường xuyên. Về mặt giá cả, chính sách giá cả đã áp dụng từ trước đến nay, không kể thời kỳ triển khai Nghị quyết về giá lương tiền, đều phản ánh mục tiêu kiềm chế giá cả. Các chính sách về tỷ giá, về giá thu mua, giá bán của thương nghiệp, về lương bổng đều phản ánh mô hình kinh tế kế hoạch hóa và mang tính chất giữ giá, kéo giá. Trong mối quan hệ tất yếu giữa các khu vực lưu thông phân phối, chính sách kiềm giá của Nhà nước, dù là áp dụng trong thị trường có tổ chức, cũng chắc chắn có ảnh hưởng đến giá cả trên thị trường tự do. Như vậy tại sao giá cả cứ tiếp tục gia tăng? Ngoài ra, có những nghịch lý cần làm sáng tỏ. Thí dụ: nếu cho là tiền mặt thừa trong lưu thông, tức là cung tiền đồng cao hơn cầu tiền đồng, tại sao lãi suất cho vay ở trong dân rất cao, cho thấy nhu cầu vốn tiền đồng rất lớn? Tại sao giá cả gia tăng mạnh mẽ trong khi khối cầu toàn xã hội - tức thu nhập quốc dân khả dụng - không tăng tương ứng? Và tại sao với tình trạng giá cả gia tăng, khối tiền tệ được cho là thừa, tỷ lệ thất nghiệp trong toàn nền kinh tế vẫn ở mức cao, sản xuất kinh doanh đình đốn? Sau khi so sánh giá cả một số mặt hàng chọn lựa trong các nhóm hàng công nghiệp tiêu dùng nhập khẩu, công nghiệp nội địa, lương thực thực phẩm,dịch vụ, vàng giữa thời điểm tháng 12 năm 1986 và tháng 12 năm 1973 tại Thành phố Hồ Chí Minh, hai thời điểm mà tỷ giá đồng USD trên thị trường tự do đối với đồng bạc Việt Nam tương đương nhau (tháng 12 năm 1973 tỷ giá VND/USD là 493 đồng Việt Nam bằng 1 USD, tháng 12 năm 1986 tỷ giá này là 455 VND bằng 1 USD), báo cáo đã phát hiện những thông tin đáng quan tâm liên quan đến tình hình giá cả tiền tệ: 3.1. Về tiền tệ, lượng tiền lưu hành tại Thành phố tháng 12 năm 1973 cao gấp 7 lần lượng tiền lưu hành vào tháng 12 năm 1986. Bình quân tiền mặt đầu người tại Sài Gòn vào tháng 12 năm 1973 là 18.000 đồng, còn tại Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 12 năm 1986 chỉ có 2.732 đồng. 3.2. Giá vàng tại Thành phố Hồ Chí Minh tháng 12 năm 1986 là 190.000 đồng một lượng ta (37.5gam), cao gấp 3.78 lần giá vàng tại Sài Gòn vào tháng 12 năm 1973 (50.204 đồng/lượng ta). Giá vàng tại Sài Gòn vào tháng 12 năm 1973 tính theo đồng Việt Nam thấp hơn giá vàng tại Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 12 năm 1986, nhưng nếu tính theo đồng USD, giá vàng tại Sài Gòn vào năm 1973 vẫn cao hơn các thị trường lân cận như Hong Kong, Bangkok và Vientiane. Do đó, trong suốt thời kỳ từ 1965 đến 1974, vàng từ các nước xung quanh, nhất là từ Lào, đã nhập lậu ồ ạt vào Việt Nam. Chỉ riêng từ Lào, mỗi tháng số nhập lậu vào Sài Gòn có lúc lên đến 70.000 lượng. Ngược lại, giá vàng tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 1986 nếu tính theo đồng USD vẫn thấp hơn so với các thị trường lân cận. Giá vàng tại Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 2 năm 1986 là 389.8 USD/troy ounce trong khi đó, tại Hong Kong là 405,5/troy ounce, chênh lệch thấp đến 15,7 USD một troy ounce (4%). Điều này đã khiến lượng vàng trong nước tiếp tục chảy máu ra nước ngoài trong nhiều năm nay. 3.3. Điều đáng ngạc nhiên là giá các nhóm hàng nhập khẩu ở hai thời điểm (cách nhau 13
  12. năm và qua hai lần đổi tiền với tỷ giá thu đổi cách biệt) lại gần như tương đương, từ nguyên liệu vật tư đến hàng tiêu dùng. Thí dụ, giá phân urea vào tháng 12 năm 1973 là 79.160 đồng/tấn, vào tháng 12 năm 1986 là 70.000 đồng/tấn. Giá xi măng ở hai thời điểm là 1.545 đồng/Kg (1973) và 1.600 đồng/kg (1986), xăng 125đồng/lít (1973) 100 đồng/lít (1986), dầu lửa 79 đồng/lít (1973), 70 đồng/lít (1986), đặc biệt các phụ tùng xe Honda gần như hệt, bougie cùng giá 350 đồng/cái, vỏ xe 2.350đồng/chiếc (1973) và 2.400 đồng/chiếc (1986). 3.4. Giá các mặt hàng công nghiệp nội địa vào thời điểm tháng 12 năm 1986 lại thấp hơn nhiều so với giá tháng 12 năm 1973, với tỷ lệ thấp bình quân là 39% đối với các mặt hàng giống nhau, có nghĩa là giá các mặt hàng công nghiệp nội địa năm 1973 tại Sài Gòn cao hơn năm 1986 tại Thành phố Hồ Chí Minh đến 2,5 lần. 3.5. Giá các mặt hàng lương thực thực phẩm nội địa năm 1986 còn thấp nhiều hơn so với năm 1973, với tỷ lệ thấp bình quân của các mặt hàng được chọn lựa là 33,3%, có nghĩa là giá vào tháng 12 năm 1973 cao hơn giá tháng 12 năm 1986 gấp 3 lần. Như vậy, nếu đứng trên từng vị trí của từng nhóm thu nhập, chúng ta sẽ thấy mỗi nhóm thu nhập sẽ có những nhận định khác nhau về tình hình giá cả. Người nông dân sẽ nhận thấy giá vàng tăng khủng khiếp, giá nguyên liệu vật tư nông nghiệp nhập khẩu cũng tăng nhanh, trong khi đó giá nông sản bị giảm. Các xí nghiệp công nghiệp nhận thấy giá nguyên liệu vật tư nhập khẩu tăng, giá máy móc thiết bị nhập khẩu quá cao trong khi đó giá bán sản phẩm công nghiệp không tăng đủ đề bù đắp chi phí sản xuất và khấu hao tài sản. Các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp cũng có nhận định tương tự. Như vậy, đối với nhà sản xuất, dù ở ngành nông nghiệp, công nghiệp hay tiểu thủ công nghiệp, nhận định chung vào thời điểm năm 1986 là càng sản xuất, càng phải chịu lỗ nhiều. Ngược lại, những người có thu nhập cố định như cán bộ, công nhân viên luôn nhận thấy là các loại giá đều tăng nhanh, chỉ riêng thu nhập của họ là giảm trong mối tương quan với giá cả. Những người sở hữu vàng sẽ nhận thấy là nhờ giữ vàng, giá trị tài sản của họ được giữ nguyên, trong khi giá mọi loại hàng khác so với vàng đều giảm. Một khách du lịch đến từ nước ngoài sẽ nhận thấy rằng Việt Nam, vào thời điểm đó, là một thị trường mà mọi loại giá đều thấp (trừ một vài mặt hàng nhập khẩu), kể cả giá vàng. Như vậy, trong cơn bão táp của hiện tượng lạm phát biểu kiến, những so sánh vừa nói đã cho thấy trên thực tế, vào năm 1986, nền kinh tế Việt Nam đang lâm vào tình trạng lạm phát trì trệ (staglation), tăng trưởng GDP thấp hoặc là một số âm, khiến cho thu nhập bình quân đầu người tính theo giá cố định giảm. Tình trạng gia tăng giá cả biểu kiến đã che giấu một sự thực là giá cả mọi loại hàng trong nước trong tương quan so sánh với giá vàng hay tỷ giá ngoại tệ đều đang “rơi”, trong đó thu nhập người dân mà đại đa số là nông dân và cán bộ công nhân viên chức “rơi” với tốc độ nhanh nhất. Tình trạng này là hậu quả của các chính sách kiềm hãm giá cả trong đó có các biện pháp tiền tệ như kiểm soát chặt chẽ lượng tiền phát hành, quản lý tiền mặt, thu đổi tiền, các biện pháp về giá cả như ấn định giá theo kế hoạch, quản lý lưu thông phân phối hàng hóa theo kiểu ngăn sông cấm chợ, xóa bỏ tư thương đường dài khiến cho sản xuất hàng hóa đình đốn, lưu thông hàng hóa bị tắc nghẽn. Trong khi đó, có những lực tác động lên giá cả rất nghiêm trọng nhưng Nhà nước không kiểm soát được hoặc không thể giải quyết như tình trạng tăng giá hàng nhập khẩu, tình trạng ứ đọng tồn kho, ngăn sông cấm chợ, tình trạng kinh doanh qua nhiều tầng nấc trung gian do sự bất cập của hệ thống thương nghiệp Nhà nước, thuế suất cao
  13. Tình hình trên đã dẫn đến một tình thế lưỡng nan trong việc áp dụng các biện pháp đối phó. Nếu cải thiện giá cả để thúc đẩy sản xuất, đời sống của thành phần có thu nhập cố định sẽ khó khăn hơn. Còn tiếp tục các biện pháp kiềm chế giá cả sẽ khiến cho sản xuất công nông nghiệp thêm trì trệ, suy thoái. Mặt khác, những nhận định rất khác nhau thậm chí mâu thuẫn về tình hình tiền tệ vào thời điểm đó càng làm tăng thêm sự lúng túng trong việc triển khai các biện pháp điều chỉnh. Nhiều người cho rằng nền kinh tế đang lâm vào tình trạng thừa tiền mặt trong lưu thông đồng thời có sự căng thẳng tiền mặt trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước, và cho rằng hiện tượng tiền thừa (do đồng tiền sau khi phát hành không quay về hệ thống ngân hàng) là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự căng thẳng tiền mặt. Những nhận định như thế không đưa đến một giải pháp nào khác hơn việc tăng cường quản lý tiền mặt và tìm cách thu hút số tiền thừa vào hệ thống ngân hàng, một biện pháp vô vọng và nguy hiểm. Do đó, việc thu đổi toàn bộ số tiền nằm trong lưu thông vào tháng 9 năm 1985 chẳng những không mang lại kết quả khả quan mà còn làm trầm trọng hơn tình hình giá cả như đã trình bày trong phần trên. Hơn nữa, nhận định như thế đã không giải thích được một số hiện tượng như sau: • Lãi suất cho vay tiền mặt trong nhân dân rất cao, lên đến 10%/ tháng hoặc có khi đến 1%/ngày. Điều này cho thấy cầu tiền mặt trong xã hội cho sản xuất kinh doanh và cho giao dịch thanh toán vẫn cao hơn cung tiền mặt, như vậy làm sao có chuyện thừa tiền? • Tình trạng hàng đổi hàng ở nông thôn hoặc dùng vàng, đô-la Mỹ làm phương tiện thanh toán ở thành thị ngày càng trở nên phổ biến. Điều này chứng minh rằng lượng tiền đồng trong lưu thông không đáp ứng được nhu cầu giao dịch thanh toán của toàn xã hội. • Thanh toán dùng tiền mặt là phương tiện thanh toán chủ yếu giữa người dân với nhau, giữa các doanh nghiệp Nhà nước và những thành viên của thị trường tự do trong khi thanh toán chuyển khoản ngày càng thu hẹp và không được ưa chuộng, dù là giữa các doanh nghiệp với nhau, tuy có những quy định hạn chế gắt gao của Ngân hàng Nhà nước. Điều này khiến cho nhu cầu tiền mặt của toàn nền kinh tế rất lớn và lượng tiền mặt hiện có không đáp ứng đủ nhu cầu này. Số liệu thống kê từ công tác thu đổi tiền chứng minh điểm này. Vào tháng 9 năm 1985 (lúc thu đổi tiền), lượng tiền lưu hành tại Thành phố Hồ Chí Minh là 14,6 tỷ đồng tiền cũ, đến tháng 12 năm 1986, lượng tiền lưu hành tại Thành phố là 10 tỷ đồng tiền mới. Nếu tính theo tỷ giá thu đổi (một đồng mới ăn 10 đồng cũ), chúng ta thấy lượng tiền lưu hành vào tháng 12 năm 1986 chỉ bằng 6,8 lần lượng tiền lưu hành vào tháng 9 năm 1985. Tuy nhiên, giữa hai thời điểm, giá cả hàng hóa dịch vụ tại Thành phố Hồ Chí Minh đã tăng gấp 10 lần. Như vậy về mặt giá trị thanh toán thực tế, lượng tiền lưu hành tại Thành phố Hồ Chí Minh vào cuối năm 1986 chỉ bằng 68% lượng tiền lưu hành vào tháng 9 năm 1985. Như vậy, nếu chỉ dựa vào con số tuyệt đối lượng tiền lưu hành, chúng ta sẽ cho rằng lượng tiền lưu hành năm 1986 nhiều hơn năm 1985, trong khi so với giá cả nó lại ít hơn. Số liệu thống kê còn cho thấy là không có mối tương quan rõ rệt giữa sự gia tăng lượng tiền trong lưu thông và gia tăng giá cả. Trong bốn năm từ năm 1977 đến năm 1980, lượng tiền lưu hành tại Thành phố Hồ Chí Minh hầu như không thay đổi, trong khi giá sinh hoạt vẫn gia tăng mạnh mẽ. Ngược lại, từ năm 1981 đến 1985, diễn biến tăng giảm giữa khối lượng tiền lưu hành và giá cả mỗi năm lại không cùng chiều. Chẳng hạn khi lượng tiền trong lưu thông tăng bình quân 80%/năm, giá cả chỉ tăng bình quân khoảng 40%, ngược lại khi
  14. lượng tiền trong lưu thông tăng khoảng 50% giá cả lại tăng trên 100%. Kết quả thống kê cũng cho thấy rằng sau mỗi lần đổi tiền, GDP sụt giảm, thu nhập quốc dân xuống thấp và hậu quả này thường kéo dài trong nhiều năm. Những số liệu thống kê nói trên cho thấy rằng mặt bằng giá công nông nghiệp của nền kinh tế nước ta vào thời điểm đó đang ở mức rất thấp, phản ánh một khối lượng cung cầu hàng hóa và dịch vụ xã hội thấp. Cung và cầu thấp là hậu quả của nhiều nguyên nhân, trong đó một phần quan trọng là do chính sách tiền tệ thắt chặt và xu hướng thắt chặt tiền tệ là sản phẩm tất nhiên của một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung. Tuy nhiên, mặt bằng giá này liên tục biến động do ảnh hưởng của các lực thúc đẩy và kiềm hãm trong nền kinh tế. Sự tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu là tác động chủ yếu gây nên tình trạng tăng giá trong nước, đó là những dấu hiệu đầu tiên cho thấy nền kinh tế thế giới vẫn có ảnh hưởng đối với một nền kinh tế còn đóng cửa như nền kinh tế nước ta vào lúc đó. Do vậy, Nhà nước phải liên tục điều chỉnh giá ngay cả trong khu vực của thị trường có tổ chức. Kế hoạch sản xuất, lưu thông phân phối và giá cả đã bị phá vỡ từ những cuộc điều chỉnh đó. Để kiềm hãm sự tăng giá, Nhà nước buộc phải thi hành các biện pháp thắt chặt tiền tệ và tạo nên một tình trạng thiếu tiền triền miên trong nền kinh tế, một trong nhiều nguyên nhân đưa đến sự sút giảm sản xuất và đình trệ các giao dịch thương mại hàng hóa và dịch vụ trên toàn quốc. Nền kinh tế thì thiếu tiền, nhưng người dân lại ngại giữ tiền vì e sợ đổi tiền và vì đồng tiền liên tục bị mất giá. Sự trốn chạy đồng tiền khiến cho đồng tiền quay vòng nhanh và làm cho giá trị của nó bị sút giảm nhanh hơn. Đề cương của Nhóm Thứ Sáu, được trình bày với các nhà lãnh đạo Nhà nước trong lãnh vực tiền tệ, tài chính vào tháng 3 năm 1987, đã đưa ra một cách nhìn mới về tình hình giá cả, tiền tệ và giúp Nhà nuớc mạnh dạn hơn trong việc áp dụng các biện pháp điều chỉnh nhằm khắc phục hậu quả của chương trình cải cách giá lương tiền năm 1985. Chính phủ đã cho tiến hành giải tỏa cấm chợ ngăn sông, bãi bỏ cơ chế giá bao cấp, giải phóng mặt bằng giá, công khai tuyên bố không đổi tiền và chuẩn bị đề án cải tổ hệ thống ngân hàng Việt Nam, được tiến hành vào tháng 10 năm 1989, tạo một bước đột phá đưa nền kinh tế chuyển mình tăng trưởng trong thời kỳ Đổi Mới và Mở Cửa. Xuân Tân Mùi 1991 ĐỒNG BẠC VIỆT NAM VƯỢT QUA MỘT CHẶNG ĐƯỜNG DÀI (1995) Đồng bạc Việt Nam hiện đang có vai trò ngày càng tích cực hơn trong nền kinh tế, tuy còn khá khiêm tốn so với vị trí đích thực phải có của nó. Vì thực ra, nó chỉ mới vượt qua cơn sốt trưởng thành chưa đầy bốn năm. Nhìn lại chặng đường hai mươi năm qua, phải nhìn nhận rằng, trong quá trình lớn lên, đồng bạc Việt Nam đã được nuôi dưỡng trong sự khan hiếm. Chỉ trong vòng mười năm, từ 1975-1985, đồng bạc Việt Nam đã ba lần “thay da đổi thịt”. Trong suối thời gian đó và mãi đến hết năm 1990, nền kinh tế luôn luôn ở trong tình trạng gọi là “khan hiếm tiền mặt”. Tình trạng này, đến lượt nó, đã làm đình trệ và đôi khi tắc nghẽn các hoạt động kinh tế, làm cho tốc độ phát triển GDP đã chựng lại trong nhiều năm và trong vài trường hợp, thụt lùi. Chính sách “tiền hiếm” dường như là một hệ quả tất yếu của mô hình quản lý kế hoạch hóa tập trung và cơ chế tài định giá cả. Chính sách đó được thường xuyên hỗ trợ bởi biện pháp quản lý chặt chẽ tiền mặt. Trong một thời kỳ dài mà hậu quả còn rơi rớt đến tận ngày
  15. hôm nay, các đơn vị kinh tế có giao dịch với Ngân hàng Nhà nước (hệ thống ngân hàng duy nhất lúc đó) đều phải lập kế hoạch tiền mặt hàng tháng, quí, để được duyệt số tiền mặt rút ra sử dụng trong kỳ. Các khoản tiền mặt thu về phải nộp hết cho ngân hàng theo qui định. Sau này, do phản ứng của các đơn vị kinh tế được giao dịch với ngân hàng (quốc doanh và cổ phần), đã có vài sự nới lỏng: tùy từng trường hợp các xí nghiệp có thể giữ lại một tỷ lệ nhất định tiền mặt tại quỹ để chi tiêu đột xuất, gọi là tọa chi, và hầu như các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước trên toàn quốc năm nào cũng được giao chỉ tiêu bội thu tiền mặt. Tất nhiên, đây là một chỉ tiêu hầu như không thể đạt được và người ta cũng không lường được hậu quả đối với nền kinh tế sẽ ra sao, nếu tất cả các chi nhánh của Ngân hàng Nhà nước đồng loạt đạt được chỉ tiêu này. Chính sách tiền hiếm và sự kiểm soát chặt chẽ lượng tiền mặt trong lưu thông đã làm cho đồng bạc trở nên hiếm hoi không đáp ứng nhu cầu tín dụng và thanh toán của nền kinh tế. Thành phần khối tiền tệ M1 có đến 70% là tiền mặt nhưng cũng chỉ có 70% này mới thực sự là tiền, tham gia trực tiếp vào hoạt động giao dịch thanh toán thường nhật của nền kinh tế, còn 30% tiền chuyển khoản trong ngân hàng chỉ là một thứ chuẩn tiền (quasi-money) không hơn không kém. Lượng tiền mặt trong lưu thông không đủ sức gánh vác toàn bộ các hoạt động kinh tế, đã làm cho các hoạt động này chậm lại, thu nhỏ. Tình trạng “hàng đổi hàng” xuất hiện và ngày càng trở nên phổ biến. Nền kinh tế dần dần bị phi tiền tệ hóa. Khan hiếm đồng tiền trong khu vực kinh tế ngoài quốc doanh (gọi là thị trường tự do) và hố ngăn cách giữa nó và thị trường Nhà nước (gọi là thị trường có tổ chức) đã khiến cho khu vực tư có một lực hút tiền mặt rất mạnh. Một khi đồng tiền thoát ra được hệ thống Ngân hàng Nhà nước, nó thường không quay trở lại, đơn giản chỉ vì nó trở nên quá cần thiết ở thị trường tự do. Nhưng những nhà phân tích tiền tệ lúc đó nhìn hiện tượng này với một cặp mắt khác. Không nhìn thấy tình trạng khan hiếm tiền tệ nói chung xuất phát từ một chính sách hạn chế phát hành tiền nghiêm ngặt, người ta đã giải thích hiện tượng căng thẳng tiền mặt trong khu vực kinh tế Nhà nước là do tiền mặt đã “tràn ngập trong lưu thông, đang nằm trong tay những con buôn lũng đoạn khiến nó không thể quay lại hệ thống ngân hàng và khu vực kinh tế Nhà nước”. Các trường hợp khất lương, hoãn thưởng trong khu vực Nhà nước trở nên phổ biến, nhất là trong ngành giáo dục, nơi mà mọi nguồn tiền đều trông cậy vào sự cấp phát của ngân sách. Đồng tiền trở nên cực kỳ khan hiếm cùng lúc, mỉa mai thay, với tình trạng mất giá dần dần của nó. Hay nói đúng hơn, đồng tiền cùng lúc có hai giá trị, hai tác dụng ở hai lãnh vực khác nhau. Trong khu vực Nhà nước, đồng tiền được ấn định một giá trị cao, nhưng không có tiền và cũng không có hàng để mua. Trên thị trường tự do, đồng tiền ngày càng giảm giá, nhưng có tiền thì mua được hàng, miễn là chấp nhận giá cao. Theo quy luât tự nhiên như nước luôn chảy xuống chỗ trũng, hàng hóa giá thấp từ khu vực Nhà nước tìm mọi cách chạy ra bên ngoài theo mọi ngõ ngách để đến chỗ có giá cao hơn. Thị trường tự do lớn dần, các hoạt động kinh tế bên ngoài khu vực kinh tế Nhà nước sinh động hơn, tạo công ăn việc làm cho nhiều người hơn. Đó chính là mặt “tích cực” có thể thấy được của tệ nạn móc ngoặc, tuồn hàng từ các kho của Nhà nước ra ngoài. Đồng tiền cũng chạy theo hàng hóa, và chỗ trũng của nó là các thành thị. Kết quả những đợt đổi tiền vào năm 1978 và 1985 đã cho thấy một thực tế đau xót: vùng nông thôn thiếu tiền mặt triền miên và do đó, kinh tế hàng hóa ở nông thôn đã không thể nào phát triển. Trong điều kiện đó, giải pháp thắt chặt tiền tệ càng đưa nền kinh tế vào một vòng lẩn quẩn không lối thoát. Thắt chặt tiền tệ khiến cho sản xuất kinh doanh bị đình trệ với hậu quả là
  16. ngân sách thất thu nhưng phải tăng chi do bù lỗ cho các đơn vị quốc doanh. Điều này lại dẫn đến kết quả tất yếu là gia tăng phát hành cho ngân sách. Càng phát hành cho ngân sách, càng phải giảm bớt tín dụng đối với khu vực sản xuất kinh doanh, nhất là khu vực tư doanh, càng phải thắt chặt việc phát hành tiền vì e sợ lạm phát. Mặt khác, Nhà nước cũng phải tăng giá các mặt hàng do Nhà nước cung ứng để giảm bớt bù lỗ và tăng nguồn thu. Hậu quả là giá hàng ngày càng tăng, lượng tiền ngày càng trở nên khan hiếm, và tiền mặt càng bị hút ra lưu thông nhiều hơn. Chương trình cải cách giá lương tiền năm 1985 với đỉnh cao của nó là việc thu đổi toàn bộ lượng tiền trong lưu thông là một nỗ lực được thực hiện với ý định giải tỏa vòng lẩn quẩn nói trên. Nội dung cải cách về giá và lương có logic và tính thực tế của nó, nhưng chính việc đổi tiền đã xóa sạch các kết quả về cải cách giá lương và làm trầm trọng hơn tình trạng đình trệ kinh tế. Những năm sau lần đổi tiền năm 1985, đồng bạc Việt Nam đã phải gian nan vượt qua các cơn khủng hoảng của chính nó, khủng hoảng về khan hiếm tiền mặt, khủng hoảng thiếu tiền lẻ, khủng hoảng vì sự mất tín nhiệm của công chúng. Vì e sợ đổi tiền, người dân xem đồng tiền như một phương tiện dự trữ tạm thời, tâm lý trữ vàng trong dân chúng tăng cao. Đồng bạc khó nhọc đảm đương chức năng thanh toán và dường như không được tin cậy để gánh vác chức năng dự trữ. Trong hai năm 1987 và 1988, tình trạng cấm chợ ngăn sông, sự điều chỉnh liên tục giá nguyên nhiên liệu vật tư, tâm lý trữ vàng, sự khan hiếm hàng hóa, mức lãi suất ngân hàng được ấn định thấp cùng với tốc độ quay chóng mặt của đồng tiền, tất cả những yếu tố đó hòa quyện vào nhau, trở thành một dòng xoáy lôi cuốn đồng bạc vào cơn ác mộng lạm phát chưa từng có. Để diễn tả nó, người ta đã không ngần ngại dùng các thuật ngữ gây nhiều ấn tượng như bùng nổ lạm phát, siêu lạm phát, lạm phát cấp 3, lạm phát phi mã. Năm 1988, tốc độ lạm phát được ghi nhận là 500%. Nền kinh tế bị choáng váng và trong nỗi hoang mang người ta đã không nhìn thấy một sự thật: lạm phát không thể được nuôi dưỡng trong điều kiện khan hiếm tiền tệ, và nếu sự gia tăng giá cả thực sự xảy ra, chúng ta nên sáng suốt đi tìm các thủ phạm khác hơn là vội vã kết tội cho sự hiện diện thừa thãi của đồng bạc, điều không hề xảy ra. Năm 1989 chứng minh rằng đồng bạc Việt Nam đã không hề là tác nhân chính gây ra lạm phát. Chỉ bằng biện pháp nâng cao mức lãi suất, cùng với việc mở rộng nhập khẩu và kinh doanh vàng, con ma lạm phát đã dễ dàng gục ngã trong chớp mắt. Nó đã không hùng mạnh như người ta đã tưởng tượng, đơn giản vì nó không có thật. Trong vòng năm tháng đầu năm 1989, giá vàng giảm 44%, từ 3,5 triệu đồng còn 1,9 triệu đồng một lượng, giá đô- la Mỹ giảm 30%, từ 6.000 đồng Việt Nam ăn 1 USD còn 4.200 đồng. Giá các loại hàng tiêu dùng ngoại nhập giảm đến 20% so với đầu năm. Do mức lãi suất ngân hàng cao trong khi giá hàng hóa lại giảm rất nhanh, tình trạng bãi đầu tư sản xuất kinh doanh đã xảy ra trước hết từ khu vực tư doanh. Các nguồn tiền chảy ngược lại vào hệ thống ngân hàng, trong khi toàn nền kinh tế lại thiếu thanh khoản nghiêm trọng. Khối cầu khả dụng của nền kinh tế bị giảm sụt lớn, đại bộ phận nông dân đã không thể bán được lúa sau một vụ mùa bội thu. Ở nông thôn lúa gạo đã trở thành phương tiện thanh toán thay tiền. Các thầy cô giáo được lãnh gạo thay lương và nhà nông đã phải đổi lúa lấy vải. Liệu pháp sốc của năm 1989 đã để lại hậu quả phụ ngay trong hai năm 1990 và 1991. Vụ đổ bể tín dụng xảy ra, kéo theo sự phá sản hàng loạt các hợp tác xã tín dụng và các xí
  17. nghiệp tư doanh. Các xí nghiệp quốc doanh cũng lâm vào cơn khủng hoảng nợ nần nghiêm trọng. Trong cơn hoảng loạn, đồng tiền một lần nữa chạy thoát ra ngoài hệ thống ngân hàng. Vào giữa năm 1991, cơn sốt đô-la tưởng chừng như đã có thể đánh ngã đồng bạc Việt Nam. Nhưng cuối cùng, vào đầu năm 1992, đồng bạc đã có thể gượng đứng dậy, bình phục và đi vào giai đoạn “sung sức” chưa từng có trước đây. Không những nó trở nên lành mạnh, ổn định, nó còn có thể góp phần xứng đáng của mình vào sự tăng trưởng kinh tế liên tục của đất nước trong ba năm 1992, 1993, 1994. Có hai liều thần dược để giúp đồng bạc Việt Nam hồi phục nhanh chóng. Liều thuốc thứ nhất là sự cải tổ hệ thống ngân hàng với sự ra đời của hai Pháp lệnh về ngân hàng. Điều này đã giúp khắc phục nhanh hậu quả của cơn khủng hoảng tài chính, tín dụng, đồng thời xây dựng nền móng vững chắc cho hệ thống ngân hàng Việt Nam, tuy còn non trẻ nhưng đã hội đủ những điều kiện cần thiết để phát triển. Hệ thống tuần hoàn mới, với quả tim lành mạnh hơn, đã có khả năng hút lượng tiền vào nhiều hơn để bơm đến nhiều nơi cần sử dụng hơn, góp phần đẩy mạnh phát triển các hoạt động kinh tế. Liều thuốc thứ hai chính là chính sách Mở Cửa, thực hiện sự hội nhập kinh tế từ bên trong và với thị trường quốc tế. Không còn cảnh ngăn sông cấm chợ, hàng hóa được giao lưu tự do trong nền kinh tế, đồng tiền cũng luân chuyển tự do theo chân hàng hóa. Áp lực tăng giá khu vực, hậu quả của sự tắc nghẽn lưu thông hàng hóa, đã giảm dần. Đồng tiền nay đã có mặt khắp nơi, từ thành thị đến nông thôn. Cánh cửa nhìn ra thị trường thế giới được mở ra, các nguồn hàng hóa, từ bên ngoài lần lượt đổ vào và ngay lập tức, tăng cường thêm sinh lực cho đồng bạc. Tuy nhiên, nền kinh tế đất nước đã tăng trưởng nhanh hơn là khả năng đáp ứng của đồng bạc, cũng như khả năng đáp ứng của hệ thống ngân hàng. Đồng tiền của Ngân hàng Nhà nước (tiền mặt) đã không nhận được sự hỗ trợ đầy đủ của đồng tiền ngân hàng (bút tệ) khiến cho khả năng tạo tiền của hệ thống ngân hàng thương mại gặp nhiều hạn chế, và hậu quả để lại là một khoảng trống tiền tệ trong một nền kinh tế đang ngày càng cần nhiều tiền hơn. Khoảng trống này được nhanh chóng lấp đầy bởi đồng đô-la, vừa đảm đương chức năng thanh toán, vừa chức năng dự trữ giá trị. Đã có nhiều nỗ lực nhằm khắc phục hiện tượng đô-la hóa nhưng kết quả chưa khả quan. Trong điều kiện hiện nay, phải thừa nhận rằng, chúng ta chưa có khả năng và cũng chưa thể vội vã cắt đứt đột ngột cục bướu ký sinh này. Nó đang có một vị trí nhất định trong nền kinh tế - bổ sung phương tiện thanh toán và dự trữ - tuy rằng sự hiện diện của nó đi ngược lại với lợi ích kinh tế đất nước trong lâu dài. Cuộc phẫu thuật chắc chắn phải được tiến hành nếu chúng ta mong muốn cơ thể kinh tế phát triển lành mạnh và bình thường, nhưng cần có thời gian để chuẩn bị các biện pháp kỹ thuật cần thiết nhằm bảo đảm an toàn trong phẫu thuật. Trong khi chờ đợi, đành phải chấp nhận cái nghịch cảnh đồng bạc Việt Nam chung lưng đấu cật với đồng đô-la để tăng cường lượng máu cho nền kinh tế đang tăng trưởng không ngừng, dù có phải chứng kiến vài cảnh trái tai gai mắt. Thí dụ đồng đô-la đang đánh bại đồng Việt Nam trong lãnh vực xuất khẩu. Với mức lãi suất thấp và được sự đồng tình mặc nhiên của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng nước ngoài đang là chủ nợ chính của những nhà xuất khẩu có tầm cỡ của Việt Nam cần vay đô-la để thu mua hàng xuất khẩu, điều này các ngân hàng Việt Nam, do quy định, không được phép làm. Điều đó cũng có nghĩa là nguồn “ngoại tệ vàng” thu được cho đất nước qua hoạt động xuất khẩu sẽ giảm nhiều. Vay đô-la để xuất khẩu, thu ngoại tệ về để trả nợ vay đô-la, đó chính là cái vòng kim cô mà nền xuất khẩu của chúng ta đang thích thú được đội vào. Con đường sắp tới của đồng bạc Việt Nam sẽ không thể bằng phẳng, thênh thang, nếu
  18. chúng ta không dốc sức tận tụy phát quang con đường đó. Nếu vận mệnh của đồng bạc gắn liền với vận mệnh nền kinh tế của nó, sức mạnh của nó tùy thuộc rất nhiều vào sức mạnh của hệ thống ngân hàng. Kinh nghiệm vừa qua cho thấy giá trị đồng bạc không thể có được do một sự mong muốn đơn thuần, mà là kết quả của một tập hợp các biện pháp tiền tệ đúng đắn. Chính sách “tiền hiếm” phải có tính chất chọn lọc và nhất thời, bằng không nó sẽ đi ngược với lợi ích tăng trưởng của nền kinh tế. Đổi tiền là một biện pháp vô ích và thậm chí có hại vì trong khi xác định tính chất tạm thời của đồng bạc, nó làm cho công chúng mất đi sự tín nhiệm đối với đồng tiền và cả với chính sách tiền tệ. Sự trưởng thành mau chóng vừa qua của đồng bạc cho thấy Nhà nước đang có những bước đi đúng, những biện pháp cần thiết để phục hồi vai trò của nó. Nhưng nền kinh tế đang tăng nhanh tốc độ để chuẩn bị cất cánh, cần có những chiến lược hành động mới phù hợp hơn, làm cho đồng bạc thích ứng hơn với yêu cầu của tình thế. Trách nhiệm này đang đè nặng lên vai của nhà lãnh đạo tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Mùa Xuân 1995 ĐỒNG BẠC VIỆT NAM, THỬ THÁCH TRÊN CHẶNG ĐƯỜNG MỚI (1996) Đối với khách du lịch nước ngoài, Việt Nam là một trong số các nước hiếm hoi dành qui chế “thoải mái” cho việc chi tiêu trên lãnh thổ mình những đồng tiền không phải nội tệ, miễn đó là ngoại tệ mạnh. Kể từ ngày Chính phủ chính thức ban hành quy định buộc sử dụng đồng tiền Việt Nam cho những giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam cho đến nay, tình trạng này không thay đổi mấy. Viện cớ không có sẵn tiền mặt đáp ứng nhu cầu của du khách, các khách sạn, nhà hàng cỡ 4, 5 sao đều chấp nhận đồng đô-la như một phương tiện nhanh toán, thậm chí được “mến chuộng” hơn cả đồng tiền trong nước. Ngược lại, cũng có nhiều du khách than phiền là, trong thời kỳ cao điểm triển khai chiến dịch “phục hồi nội tệ ”, họ phải đổi đô-la và nhận lại toàn giấy bạc mệnh giá nhỏ. Có người nói khi đổi 5 tờ giấy 100 đô, họ phải nhận lại đến 5.000 tờ giấy bạc 1.000 đồng, nặng không dưới năm kí lô! Dù có cường điệu hay không, thực tế cho thấy với cơ cấu mệnh giá hiện nay, đồng bạc Việt Nam khó có thể vươn lên nắm vai trò “chủ đạo” trong thanh toán bằng tiền mặt, nhất là đối với những “món hàng” có giá trị cao. Hiện nay, hầu như mỗi cửa hàng vàng, cửa hàng kim khí điện máy, cửa hàng tạp hóa lớn, khách sạn, nhà hàng đều “thủ” sẵn cho mình vài ba máy đếm tiền để phục vụ “nhanh hơn” các thượng đế. Ngày nay, kiểm ngân chỉ cần khéo tay (vì đã có máy đếm tiền đếm hộ). Tinh mắt cũng rất cần thiết, vì có những tờ giấy bạc giống nhau về màu sắc, nhưng lại khác nhau về mệnh giá (như tờ 5.000 đồng và 20.000 đồng đều cùng màu xanh dương nhạt). Gần đây công việc của họ còn nặng nề hơn, họ phải chấp hành quy định phân biệt bạc cũ, bạc mới trước khi nộp vào Ngân hàng Nhà nước. Công việc đếm tiền và phân loại vì vậy trở thành nghiệp vụ ngốn nhiều thì giờ nhất của các ngân hàng. Nếu công việc đếm tiền phải hao tốn quá nhiều thời gian, điều này có nghĩa là vòng quay giao dịch thanh toán sẽ phải chậm lại. Các ngân hàng dễ dàng nhận thấy rằng, thời gian dành cho thủ tục chuyển tiền từ Hà Nội vào Thành phố Hồ Chí Minh nhanh hơn nhiều lần so với thời gian mất đi cho công việc kiểm đếm. Nghiệp vụ chuyển tiền vì vậy trở thành một thứ “công quả” cho khách hàng. Và không lấy gì làm lạ khi hiện nay khách hàng thích nộp tiền mặt vào ngân hàng để đổi ngân phiếu thanh toán, thậm chí tự nguyện chịu chi phí kiểm đếm, một điều hoàn toàn ngược lại trước đây khi phiếu thanh toán mới ra đời. Đơn giản chỉ vì ngân phiếu thanh toán là những tờ giấy bạc
  19. có mệnh giá cao hơn và như vậy đỡ “cồng kềnh” hơn khi vận chuyển. Có thể nói, so với cách đây mấy năm, đồng bạc Việt Nam hiện nay mạnh hơn, ổn định hơn, có giá hơn nhưng vẫn chưa làm tròn được chức năng độc quyền thanh toán trên đất nước mình. Vẫn còn những kẻ - bạn hay không phải bạn - như ngân phiếu thanh toán, vàng, ngoại tệ mạnh, chen chân vào những “mảng trận địa thanh toán” mà nó bỏ trống vì không đủ sức đảm đương. Đồng bạc Việt Nam xem ra chưa được tạo điều kiện để lớn mạnh cùng nhịp với đà tăng trưởng của nền kinh tế. Khi nền kinh tế tăng trưởng, thu nhập người dân gia tăng và nhu cầu giữ tiền như một phương tiện thanh toán, một phương tiện dự phòng và một thứ tài sản “muốn xài lúc nào cũng được” đều gia tăng. Khối tiền tệ cũng phải gia tăng tương ứng, bằng không sẽ xảy ra hai trường hợp: hoặc nhịp độ tăng trưởng “chựng” lại do thiếu tiền, hoặc mọi người trong nền kinh tế phải có thể “xài” một loại “tiền” khác bổ sung vào chỗ thiếu hụt của đồng tiền trong nước. Điều này giải thích tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế trước đây và bây giờ là “đô-la hóa”. Trong tình hình đó, đồng bạc phải chấp nhận một vị trí khiêm tốn do các đồng nghiệp - và là đối thủ của nó - dành cho. Nó được phân công là đồng tiền của buôn bán lẻ, của nông nghiệp nông thôn, của tiết kiệm, của những giới có thu nhập cố định và thấp. Còn vàng và đô-la đảm nhận vai trò đồng tiền của dự trữ, của thành thị, của buôn bán lớn và hàng hóa có giá trị cao, của buôn lậu, của thành phần thu nhập cao. Đặc biệt đô-la còn là đồng tiền của khu vực dịch vụ cao cấp và của tín dụng ưu đãi. Mặt khác, do lãi suất cho vay bằng tiền đồng thường xuyên được giữ ở mức cao, vị trí đồng bạc với tư cách đồng tiền tín dụng ngày càng sút giảm. Nếu được chọn lựa giữa vay tiền đồng và vay đô-la, chắc chắn không có nhà doanh nghiệp khôn ngoan nào chịu vay tiền đồng. Và nếu chỉ là một đồng tiền tiết kiệm mà không phải là đồng tiền tín dụng và đầu tư, đồng bạc Việt Nam liệu có là người bạn đồng hành của nhà sản xuất, là đòn bẩy của tăng trưởng kinh tế hay không? Phục hồi ngôi vị của đồng bạc trong nền kinh tế Việt Nam là mệnh lệnh mà mọi người phải chấp hành vì đó chính là điều kiện cho sự an toàn và ổn định của hệ thống tài chính, cho sự lớn mạnh của khu vực sản xuất trong nước. Tuy nhiên, đó không phải là một nhiệm vụ đơn giản. Thay thế hàng tỉ đô-la đang lưu hành và nằm trong hệ thống ngân hàng không thể chỉ bằng cách đưa ra một số lượng giấy bạc tương ứng. Sự tràn ngập khối lượng giấy bạc sẽ làm chậm đáng kể vòng quay đồng tiền và ảnh hưởng đến tốc độ mua bán giao dịch. Cần cải thiện cơ bản về chất trong khối cung tiền tệ. Cơ cấu mệnh giá đồng bạc phải thay đổi, cách này hay cách khác, để việc sử dụng trở nên tiện lợi hơn, linh hoạt hơn. Cũng cần nghĩ đến việc đúc các đồng tiền kim loại thay thế cho các tờ bạc có mệnh giá thấp. Điều này không chỉ giúp kéo dài thời gian sử dụng, giảm bớt chi phí in ấn mà còn rất tiện lợi cho người tiêu dùng khi tiếp cận với các loại máy bán hàng sử dụng đồng kim loại (coin) mà chắc chắn sẽ du nhập vào thị trường Việt Nam ngày càng nhiều trong thời gian tới. Hệ thống thanh toán cũng cần được cải thiện nhanh chóng. Việc sử dụng “séc” cá nhân phải được phổ biến rộng rãi, muốn vậy các qui định về sử dụng séc cần phải thoáng hơn, dễ dàng hơn, tiện lợi hơn để khuyến khích việc thanh toán không dùng tiền mặt giữa các cá nhân. Thêm vào đó cần có qui định ràng buộc các doanh nghiệp, dù lớn hay nhỏ, đều phải mở tài khoản tại các ngân hàng. Các khoản thanh toán lớn giữa các đơn vị kinh tế, thí dụ từ 50 triệu đồng trở lên, phải được thanh toán qua hệ thống ngân hàng mà không được dùng tiền măt. Việc mua bán chuyển nhượng các loại hàng hóa có giá tri cao như đất đai, nhà cửa, xe cộ đều phải được xác nhận bằng phiếu nộp tiền vào ngân hàng, phiếu
  20. này là chứng từ để nộp thuế trước bạ. Các quy định nói trên, có thể bị xem là khắt khe, nhưng thật ra đều được áp dụng tại các nước tiên tiến như là một biện pháp điều hành an toàn và hiệu quả khối cung tiền tệ đồng thời sử dụng tối đa các nguồn vốn trong nền kinh tế, trong đó các khoản vốn thanh toán chiếm một tỷ trọng đáng kể. Trên con đường đi đến bến bờ thịnh vượng, người lữ hành là đồng bạc Việt Nam sẽ còn gặp lắm gian nan. Nhưng nó sẽ trưởng thành. Trước thềm năm mới, chúng ta kì vọng rằng đồng bạc Việt Nam sẽ có thể mang vác trên đôi vai trở nên rắn chắc của nó một tương lai tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Và cũng mong rằng niềm mơ ước nhỏ bé sau đây sẽ trở thành hiện thực trước mắt. Mỗi du khách đến thăm Việt Nam trong dịp Tết Nguyên Đán, sẽ cầm được trong tay những đồng bạc mới tinh, thơm phức và vui vẻ sử dụng nó, tiện lợi và rất tự nhiên như họ đã phải làm ở bất cứ nước nào có chủ quyền tiền tệ mà họ đến thăm. Xuân 1996 KHAN HIẾM TIỀN ĐỒNG VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ VĨ MÔ ĐÁNG QUAN TÂM (2001) Một báo cáo gần đây của Ban Vật giá Chính phủ cho thấy trong bảy tháng đầu năm 2001, chỉ số giá cả tiêu dùng trên cả nước vẫn tiếp tục giảm ở mức âm 0,9% so với cuối năm 2000. Một trong những nguyên nhân quan trọng của việc giảm sụt chỉ số giá tiêu dùng, theo báo cáo, là do giá hàng nông sản tiếp tục giảm làm giảm thu nhập của nông dân. Chỉ tính riêng gạo và cà phê, sự giảm giá đã làm giảm thu nhập nông dân khoảng 8.000 tỉ đồng, nếu tính cả các mặt hàng nông sản khác thì con số có thể lên đến hàng chục ngàn tỉ đồng. Thu nhập của nông dân giảm ảnh hưởng đến sức mua đối với hàng công nghiệp, nhất là hàng công nghiệp nội địa. Giả thiết bình quân mỗi người dân chỉ chi tiêu 80% thu nhập của mình - thực tế cao hơn - hệ số nhân sẽ là 4 và như vậy việc giảm thu nhập của nông dân sẽ gây ảnh hưởng dây chuyền làm giảm tổng thu nhập quốc dân gần 40.000 tỷ đồng, tức 15% GDP. Giá cả giảm liên tục cho thấy sức mua trên toàn nền kinh tế không tăng. Về mặt tiền tệ, điều này có nghĩa là khối tiền tệ cũng không tăng và/hoặc là vòng quay thu nhập của đồng tiền (income velocity of money) chậm lại. Như ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng ban Vật giá Chính phủ đã nhận xét, các biện pháp kích cầu của Chính phủ vẫn chưa phát huy hết tác dụng nên không đẩy được giá cả tiêu dùng lên. Những công trình đầu tư xây dựng hạ tầng, đặc biệt ở khu vực nông thôn đã không được thực hiện theo dự kiến. Nguồn vốn không thiếu nhưng tiến độ giải ngân lại quá chậm. Tại Thành phố Hồ chí Minh, trên tổng số 37 dự án đầu tư cơ sở hạ tầng đã được duyệt, chỉ có 11 dự án được giải ngân, với tổng vốn giải ngân chỉ bằng 1/3 dự kiến. Mục tiêu kích cầu đòi hỏi phải bơm một lượng tiền thích hợp vào lưu thông qua các kênh khác nhau để làm tăng khối cầu khả dụng và kích thích vòng quay tiền tệ, tuy nhiên trong thời gian qua, việc phát hành công trái và bán trái phiếu kho bạc trực tiếp vào hệ thống ngân hàng thương mại và dân chúng đã hút hàng ngàn tỷ đồng từ hệ thống ngân hàng thương mại và từ tiền trong lưu thông. Đó cũng là một nguyên nhân quan trọng đưa đến tình trạng thiếu tiền mặt tạm thời trong hệ thống các ngân hàng thương mại. Báo cáo hoạt động ngành ngân hàng sáu tháng đầu năm 2001 của Ngân hàng Nhà nước xác nhận “Số tiền cung ứng thêm không nhiều hơn số tiền thu về nên tổng lượng tiền đưa vào lưu thông không tăng so với ngày 31/12/2000.” Nếu khối tiền tệ và một bộ phận của nó là tiền mặt lưu hành không tăng, cùng với sự chậm lại của vòng quay tiền tệ, tổng khối cầu khả dụng
  21. sẽ không tăng và như vậy sức mua toàn xã hội phải sút giảm. Không những các biện pháp kích cầu chưa phát huy tác dụng, sự thiếu vắng các giải pháp vĩ mô tương hợp khiến cho trong phạm vi vi mô, các doanh nghiệp đã có không ít những hành động ngược lại đối với mục tiêu kích cầu. Trong điều kiện khan hiếm tiền đồng, các ngân hàng đã đua nhau tăng lãi suất huy động. Tại các ngân hàng thương mại cổ phần, lãi suất được nâng cao đến 0,7% tháng đối với tiết kiệm có kỳ hạn 1 năm. Ngân hàng Ngoại thương cũng phải nâng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 9 tháng từ 0,475/tháng lên 0,525%/tháng, tức 6,3%/năm. Ông Vũ Viết Ngoạn, Tổng giám đốc Vietcombank xác nhận “Những dấu hiệu khan hiếm tiền đồng đã xuất hiện, do đó chúng tôi phải tăng lãi suất nếu chúng tôi không muốn thấy những ngân hàng khác ăn mất chiếc bánh vốn tiền đồng.” Các ngân hàng thương mại rõ ràng không thể làm khác nếu không muốn lâm vào tình trạng thiếu thanh khoản nghiêm trọng. Những ngân hàng thừa tiền đồng do mạng lưới huy động tiết kiệm mạnh hơn như Ngân hàng Công thương Việt Nam cũng không dại cung ứng nguồn vốn tiền đồng trên thị trường tiền tệ với lãi suất thấp. Một giới chức ở ngân hàng ABN- AMRO chi nhánh Hà Nội nói: “Lãi suất của họ Ngân hàng Công thương Việt Nam (NHCTVN) quá cao, đến 7,5%/năm cho kỳ hạn vay 2 tuần lễ, chúng tôi không thể nào trả mức lãi cao như thế”. Việc các ngân hàng thương mại nâng cao mức lãi suất huy động và cho vay tiền đồng trong điều kiện giá cả và sức mua toàn xã hội sụt giảm là một hiện tượng nghịch lý, cho thấy một cách biệt lớn giữa các mục tiêu vĩ mô và vi mô. Một mức lãi suất cao trong nền kinh tế mang ý nghĩa khuyến khích tiết kiệm, giảm tiêu dùng, rõ ràng là không phù hợp với mục tiêu kích cầu. Hơn nữa trong tình hình giá cả sụt giảm, một mức lãi suất cao sẽ khiến cho lãi suất thực (real interest) trong nền kinh tế lên cao. Hiện nay, với tỷ lệ lạm phát là (- 0,9%) và lãi suất cho vay bình quân là 9,6%/năm, mức lãi suất thực trong nền kinh tế của ta đã lên hơn 10%. Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, nếu các biện pháp kích cầu của Chính phủ phát huy tác dụng tốt thì chỉ số giá cả của năm 2001 cũng chỉ tăng đến khoảng 2%. Như vậy, lãi suất thực sẽ gần 8%, là rất cao trong tình hình kinh tế hiện nay. Lãi suất thực quá cao sẽ làm giảm lợi nhuận của các doanh nghiệp và ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng trả nợ của họ. Tuy nhiên, các ngân hàng không thể lo cho các doanh nghiệp mà phải lo cho chính mình trước. Các ngân hàng thương mại không thể làm khác hơn khi đang phải chịu sức ép từ hai phía: một bên là tình trạng khan hiếm tiền mặt, một bên là sự sút giảm tỷ giá đồng bạc so với đồng đô-la. Hai áp lực này sẽ tác động xấu đến tình hình thanh khoản của các ngân hàng, nếu họ không có những biện pháp ngăn chặn. Điều hiển nhiên là, với tư cách một ngân hàng thương mại, họ không có trong tay giải pháp nào tốt hơn là giải pháp tăng lãi suất để đối phó với sự khan hiếm tiền đồng. Các hành động vi mô, trong sự thiếu vắng những giải pháp vĩ mô thích hợp, đang đi ngược lại với mục tiêu vĩ mô. Vấn đề đặt ra là sự thiếu ăn khớp đó sẽ “sống chung hòa bình” được bao lâu trước khi làm phát sinh một bài toán vĩ mô khác nghiêm trọng hơn. Tiền đồng khan hiếm trong khi vẫn đang mất giá cho thấy đã manh nha xuất hiện các vấn đề về cơ cấu: cán cân thương mại và thanh toán đang bị khiếm hụt, đầu tư nước ngoài ngưng trệ, tình hình tài chính suy yếu của các doanh nghiệp đang tác động tiêu cực đến xuất khẩu và đầu tư trong nước. Tuy nhiên, sự trượt giá của đồng bạc có lẽ không nghiêm trọng bằng những dự đoán về sự trượt giá đó. Các giới chức ngân hàng thương mại đã đưa
  22. ra nhiều dự đoán về mức độ trượt giá của đồng bạc và chắc chắn họ cũng sẽ dựa trên cơ sở đó để xây dựng các kế hoạch ứng phó trong tương lai. Các doanh nghiệp và dân chúng cũng sẽ có cách ứng xử của riêng mình và trạng thái tâm lý này chỉ có thể làm trầm trọng hơn một cách giả tạo tiến trình trượt giá của đồng bạc. Các giải pháp cũng sẽ không dễ dàng. Nếu giảm lãi suất nội tệ để mở rộng tín dụng, đầu tư nhằm làm tăng sức mua, thực hiện mục tiêu kích cầu sẽ dẫn đến một sự trượt giá nhanh hơn của đồng bạc. Nếu tiếp tục duy trì mức lãi suất cao, thắt chặt tín dụng, sẽ giúp làm chậm lại tiến trình trượt giá của đồng bạc nhưng sẽ không tạo điều kiện để nền kinh tế vượt khỏi suy thoái. Chỉ tiêu lạm phát do Quốc hội đề ra cho năm 2001 là 05% sẽ không thể đạt được nếu không có những biện pháp kích cầu mạnh mẽ, tích cực. Đã đến lúc các nhà lãnh đạo tiền tệ xem xét lại một cách nghiêm túc chính sách tiền tệ và hai bộ phận quan trọng của nó là chính sách tỷ giá và chính sách lãi suất để có một nhóm các biện pháp phù hợp, đồng bộ nhằm vào các mục tiêu chống giảm phát như tăng cường sức mua trong nền kinh tế, khuyến khích đầu tư, khuyến khích sản xuất, khuyến khích xuất khẩu. Một tỷ giá được chọn lựa phù hợp theo yêu cầu của thị trường và sức cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam sẽ ngăn chặn được tiến trình trượt giá và tái lập sự ổn định của đồng bạc, điều kiện cần thiết cho việc tạo một môi trường đầu tư hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, yếu tố quyết định cho việc phục hồi tốc độ tăng trưởng kinh tế. CHỐNG RỬA TIỀN TRONG MỘT NỀN KINH TẾ TIỀN MẶT Rửa tiền là một tập hợp những hành động nhằm che giấu nguồn gốc bất minh của đồng tiền có được bằng các cách thức không hợp pháp như từ các hoạt động buôn lậu, buôn bán ma túy, tham nhũng Từ rửa tiền (money laundering) là một từ hình tượng diễn tả một cách bóng bẩy nhưng khá chính xác hành động nhằm tẩy sạch đồng tiền. Đồng tiền, như một tục ngữ phương Tây đã từng nói, vốn không có mùi, có nghĩa là dù bẩn dù sạch, nó vẫn được mọi người quý trọng như nhau vì đều có quyền năng “có tiền mua tiên cũng được”. Nhưng đồng tiền phi pháp, theo một nghĩa bóng, là những đồng tiền đã nhuốm bẩn tội ác, thậm chí vấy máu. Và những tên tội phạm khi có được những đồng tiền đó, thường tìm cách “rửa” chúng, tức là muốn biến chúng thành những đồng tiền “sạch”, những đồng tiền có nguồn gốc hợp pháp, để cho những tài sản mà họ mua được từ những đồng tiền đó sau này cũng sẽ mang tính chất hợp pháp, có thể chuyển nhượng, mua bán một cách hợp pháp, công khai, và để lại cũng một cách hợp pháp, với tư cách là di sản thừa kế cho con cái của họ sau này, khi mà họ đã “rửa tay gác kiếm”. Rửa tiền không phải là một hiện tượng mới mẻ, nó cũng xưa như chính tội ác. Từ ngàn xưa, những kẻ phạm tội đều tìm mọi cách che giấu nguồn gốc các đồng tiền tội ác hòng xóa sạch dấu vết các hành động tội phạm của họ. Ngày nay, do sự bành trướng của nạn tham nhũng tại nhiều quốc gia, nạn buôn bán ma túy và buôn lậu vũ khí trên toàn cầu với doanh số mỗi năm ước lượng đến hàng trăm, hàng ngàn tỷ đô-la, thêm vào đó là các tổ chức khủng bố quốc tế với khả năng tài chính và nhu cầu cung cấp tiền cho mạng lưới khủng bố trên toàn thế giới rất lớn, đã khiến cho việc rửa tiền trở thành một dịch vụ béo bở cho một thị trường ngày càng rộng lớn, do đó ngày càng trở nên tinh vi hơn, khéo léo hơn, với kỹ thuật cao cấp hơn. Không những nó giúp cho những “ông hạm, ông trùm” thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật, ngang nhiên trở thành những ông chủ giàu có, lương thiện mà còn tạo điều kiện cho việc phát triển các mạng lưới khủng bố tại nhiều quốc gia, mang lại những hậu quả khó lường đối với vấn đề an ninh quốc gia và quốc tế.
  23. Do đó, rửa tiền đang là một mối đe dọa nguy hiểm đặt ra cho toàn thế giới, đòi hỏi sự hợp tác cũng mang tính chất toàn cầu của các quốc gia trên thế giới nhằm ngăn chặn hiểm họa này. Việc đất nước chúng ta ban hành các quy định về chống rửa tiền và triển khai các biện pháp phòng chống hành vi này là điều tất yếu trên tiến trình hội nhập. Có nhiều hình thức cũng như địa chỉ rửa tiền được giới tội phạm quốc tế chọn lựa. Những công ty ma, những sòng bạc, nhà hàng, tiệm kim hoàn, đại lý mua bán xe ô tô, các nhà môi giới tác phẩm nghệ thuật, các hoạt động xuất nhập khẩu đều là những địa chỉ rửa tiền quen thuộc. Tuy nhiên, quân cờ được ưa chuộng nhất vẫn là ngân hàng. Cho đến nay, hệ thống ngân hàng Thụy Sĩ, với chất lượng dịch vụ tốt và nguyên tắc tôn trọng bí mật khách hàng nổi tiếng vẫn được xem là điểm đến tốt nhất của các ông trùm, của các tổ chức tội phạm quốc tế, tuy rằng ngay từ thập niên 80, nhà cầm quyền Thụy Sĩ và các ngân hàng đã nhận thức được mối hiểm nguy bị các tổ chức tội phạm quốc tế lợi dụng, và do đó đã xây dựng các kênh thông tin và triển khai các mối liên lạc hợp tác chặt chẽ với các cơ quan phòng chống rửa tiền quốc tế. Các ngân hàng thường được chọn lựa không những vì khả năng của chúng có thể giao dịch với các khoản tiền rất lớn, mà còn vì một khi đồng tiền lọt được vào tài khoản của ngân hàng, nó lập tức trở thành một đồng tiền sạch từ đó có thể thực hiện được ngay các lệnh thanh toán với số lượng lớn đến bất kỳ đâu, mà không gây ra bất cứ một sự nghi ngờ gì về tính hợp pháp của chúng. Do đó, một trong các biện pháp chống rửa tiền thường được hệ thống ngân hàng các nước công nghiệp phát triển áp dụng là kiểm soát ngay từ đầu các khoản tiền mặt được nộp vào hệ thống ngân hàng. Cũng chính vì lý do đó, Nghị định 74 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định việc đưa vào danh sách cần theo dõi, giám sát các giao dịch bằng tiền mặt của các nhân và tổ chức thực hiện trong ngày trên mức 200 triệu đồng (hoặc tương đương) đối với các giao dịch tiền tệ và trên mức 500 triệu đồng (hoặc tương đương) đối với các giao dịch tiền gửi tiết kiệm. Các nhà làm luật Việt Nam chắc hẳn đã nghĩ rằng mức này đã đủ lớn để phải kiểm soát, so với điều kiện thu nhập bình quân đầu người còn tương đối thấp của nước ta vì ở Mỹ, với mức thu nhập bình quân đầu người cao gần gấp 100 lần nước ta, mỗi khi nộp đến 10.000 đô-la mặt vào ngân hàng là đã phải báo cáo (tại các nước EU, mức này là 15.000 euro). Tuy nhiên, có một sự khác nhau cơ bản giữa nền kinh tế hầu như không sử dụng tiền mặt ở Mỹ và nền kinh tế tiền mặt của nước ta. Trong nền kinh tế của Mỹ và các nước công nghiệp phát triển khác, các giao dịch lớn chủ yếu được thực hiện qua hệ thống ngân hàng, các tổ chức và cá nhân không sử dụng tiền mặt để thực hiện các giao dịch lớn. Họ đã quen gửi tiền vào ngân hàng và giao dịch thanh toán mọi thứ qua hệ thống này. Lâu dần, các chính phủ dựa theo tập quán này để thực hiện các biện pháp giám sát, kiểm soát hữu hiệu về thuế bằng cách quy định bắt buộc mọi giao dịch lớn đều phải thực hiện qua hệ thống ngân hàng. Hậu quả là toàn xã hội trở nên xa lạ với hiện tượng dùng tiền mặt để mua nhà, mua xe , hoặc những loại tài sản khác có giá trị lớn. Việc dùng một số lượng tiền mặt lớn (vài chục ngàn, vài trăm ngàn đô-la) để mua bán, giao dịch đều bị xem là những hiện tượng bất thường và không được những người làm ăn đàng hoàng chấp nhận. Không người lương thiện nào dám bán một tài sản có giá trị lớn của mình để nhận lại một số tiền mặt lớn. Không người lương thiện nào dám giữ một số lượng lớn tiền mặt trong nhà. Trừ phi chứng minh được là thắng canh bạc lớn tại các sòng bạc, một người tự nhiên có trong tay một số tiền mặt vài chục ngàn, vài trăm ngàn đô-la chắc chắn sẽ bị nghi ngờ về một nguồn gốc bất minh của số tiền đó. Hầu như chỉ có giới tội phạm, các tay buôn bán ma
  24. túy, buôn lậu vũ khí mới có trong tay những khoản tiền mặt lớn như thế. Ở các nước này, đồng tiền mặt, với số lượng lớn và tập trung, được xem là đã bị nhuốm bẩn. Ngược lại, trong những nền kinh tế đang phát triển, trong đó có Việt Nam, tiền mặt là phương tiện thanh toán phổ biến nhất. Không chỉ tiền mặt bản xứ, vàng, đô-la Mỹ cũng được sử dụng rộng rãi trong việc mua bán các loại hàng hóa, tài sản có giá trị lớn. Việc mua bán các tài sản, hàng hóa như nhà cửa, xe cộ, đất đai với giá trị tương đương hàng tỷ đồng bạc, hàng trăm, hàng ngàn lượng vàng, hàng trăm ngàn đô-la không phải là chuyện hiếm. Các giao dịch như thế đều được xã hội mặc nhiên thừa nhận, hơn nữa còn tỏ ra tiện lợi, nhanh chóng. Thử hỏi, trong tổng số các căn nhà ở khu Phú Mỹ Hưng, Nam Sài Gòn được bán ra mà tổng giá trị lên đến hàng trăm triệu đô-la, đã có bao nhiêu phần trăm được thanh toán qua ngân hàng? Theo luật, đồng bạc do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành có hiệu lực thanh toán không hạn chế trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Nhà nước cũng chưa có quy định nào về việc hạn chế thanh toán tiền mặt cho các giao dịch có giá trị lớn. Đồng tiền mặt, do vậy, đã hợp pháp và “sạch” ngay từ khi nó còn ở ngoài hệ thống ngân hàng. Một khi nó đã được sạch ngay từ khi nằm ngoài hệ thống ngân hàng, vậy cần gì phải “rửa” nó bằng cách đưa vào trong ngân hàng để rồi có thể bị “lộ tẩy”? Như vậy, nếu với mục tiêu chống rửa tiền, biện pháp giám sát các lượng tiền gởi vào hệ thống ngân hàng ở một mức nhất định có thể chỉ ngăn chặn được phần ngọn mà chưa đánh thẳng vào phần gốc, chưa kể có thể gây ra những tác động phụ không mong muốn đối với những người gởi tiền lương thiện nhưng ngại phiền phức, và cả đối với hệ thống ngân hàng nước ta đang nỗ lực thu hút nguồn tiền mặt. Việc phân biệt tiền sạch, tiền bẩn cho mục tiêu chống rửa tiền cần phải được thực hiện ngay từ các giao dịch ngoài hệ thống ngân hàng. Chính các giao dịch có giá trị lớn ngoài hệ thống ngân hàng mới cần được giám sát và kiểm soát trước nhất. Việc mua nhà, mua đất, mua xe muốn được đóng thuế trước bạ hợp lệ, tức là muốn được công nhận hợp pháp, phải được thanh toán thông qua ngân hàng. Điều này sẽ khuyến khích việc dân chúng gởi tiền vào và thanh toán qua hệ thống ngân hàng. Cần phải xây dựng cho cộng đồng xã hội tập quán thanh toán không dùng tiền mặt. Một hệ thống giám sát phòng chống tội phạm, đặc biệt là tội rửa tiền, chỉ có thể trở nên hữu hiệu nếu được xây dựng trên nền móng đó. Chính điều đó mới quyết định kết quả thành công của biện pháp chống rửa tiền, cho dù đó sẽ phải là một nỗ lực lâu dài. Nền kinh tế tiền mặt, từ lâu vốn được xem là thiên đường của bọn rửa tiền, sẽ chỉ kết thúc vai trò đó khi nó không còn là một nền kinh tế tiền mặt. Năm 2006 II. VÀNG KẾT THÚC HUYỀN THOẠI VÀNG? (1990) Câu chuyện về vàng năm 1989 là câu chuyện về sự tan vỡ một huyền thoại, trong đó vẫn còn phảng phất những nét kỳ lạ của một chuyện thần tiên. Sự đăng quang kiêu hãnh của vàng vào đầu năm không khác gì cô bé lọ lem dưới phép lạ của chiếc đũa thần biến thành nàng công chúa kiều diễm, rực rỡ trong buổi dạ hội. Khi đồng hồ báo nửa đêm, nàng công chúa phải hoảng hốt ra về vì sợ hiện nguyên hình. Những ngày tháng đầu quý 2 năm 1989 chính là giờ thứ 24 của vàng, nhưng nó không có cái may mắn của cô bé lọ lem về kịp thời và chỉ đánh rơi mỗi một chiếc giày, vàng đã đánh rơi tất cả để lộ bản chất là một thứ hàng hóa tầm thường như bao loại hàng hóa khác. Để cho độc giả không cảm thấy đột ngột, chúng ta nên bắt đầu câu chuyện vào đúng dịp đầu năm. Khi đó, thị trường vàng trên cả nước run rẩy trong một cơn sốt mãnh liệt chưa
  25. từng có. Và điều nghịch thường đã xảy ra. Lần đầu tiên kể từ sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, giá vàng tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong mối tương quan của nó với tỷ giá đồng đô-la Mỹ, đã đột nhiên cao hơn giá vàng tại các thị trường vàng quốc tế. Điều gì đã khiến một nền kinh tế chậm phát triển, có mức thu nhập thấp và khan hiếm ngoại tệ như nước ta đã làm nên điều phi thường - và phi lý này? Có nhiều nguyên nhân, kinh tế có, tâm lý có, mang tính chất đầu cơ thời vụ cũng có, tất cả đã cộng hưởng vào một thời điểm để tạo nên một sức ép mãnh liệt. Đầu năm 1989, một khối lượng lớn kiều hối đổ vào, đồng thời với một số lượng kiều bào về thăm nhà đông đảo chưa từng có, cả hai sự kiện này đã góp phần hình thành một lượng thu nhập thặng dư ở một thành phần lợi tức, và được nhanh chóng biến thành vàng. Thêm vào đó, các khoản thu bằng tiền của các giới kinh doanh nhân dịp Tết Nguyên Đán cũng nhanh chân không kém trong việc hoán chuyển này. Cuộc đổ xô tìm vàng thể hiện tâm lý trữ kim cố hữu của nhân dân ta, một đặc tính quen thuộc của một nền kinh tế chậm phát triển được tăng cường bởi tâm lý e sợ dai dẳng sự mất giá của đồng bạc. Đây là những tác nhân đầu tiên gây sốt. Còn có những nguyên nhân có ý nghĩa kinh tế, tiền tệ quan trọng hơn và đáng ngại hơn. Những tháng cuối năm 1988 đã xuất hiện những dấu hiệu đáng lo của một hiện tượng bãi đầu tư trong lĩnh vực sản xuất tiểu thủ công nghiệp tập thể và tư nhân cá thể. Tình trạng này xảy ra do giá nguyên liệu tăng cao, đồng thời thuế suất và lãi suất ngân hàng đều tăng mạnh. Đầu năm 1989, đã có một số cơ sở sản xuất đóng cửa, bất động hóa nguồn vốn của mình dưới dạng vàng, hoặc mang gửi vào hệ thống ngân hàng và hợp tác xã tín dụng. Tuy nhiên, tác nhân có tính chất quyết định làm gia tăng mạnh mẽ cơn sốt vàng lại là những dự đoán về sự tăng giá đầu vào, bắt nguồn từ sự tăng giá năng lượng và cước phí vận chuyển vào trước Tết Nguyên Đán. Vào thời điểm đó, vật tư nguyên liệu trở nên khan hiếm nghiêm trọng trên thị trường, các cửa hàng, công ty vật tư ngưng bán hàng trong khi có tin đồn giá vật tư sẽ được điều chỉnh tăng gấp nhiều lần. Một số các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh vật tư hay có nhu cầu tiêu thụ vật tư, nhất là tại các địa phương, trong khi chờ đợi mua vật tư đã tìm nơi trú ẩn cho số vốn lưu động của mình bằng cách đơn giản là đi mua vàng, với lý luận khá thực dụng là một khi giá vật tư tăng, giá vàng cũng sẽ tăng theo và như vậy họ sẽ không bị thiệt. Lý luận này càng được củng cố bởi quan điểm nổi bật lúc đó cho rằng các đơn vị quốc doanh phải có trách nhiệm giữ vững giá trị thực của đồng vốn bằng cách qui số vốn này theo giá vàng hay tỷ giá đô-la Mỹ. Vào lúc cao điểm của tình hình, đã xảy ra không ít các trường hợp các đơn vị kinh tế từ các tỉnh mang tiền mặt lên Thành phố Hồ Chí Minh mua vàng với bất cứ giá nào. Trong tháng 2 năm 1989, giá vàng có lúc lên đến mức kỷ lực là 3,5 triệu đồng một lượng. Như vậy, trong số những cái đầu nóng tham gia cuộc chạy nước rút để tôn vinh lễ đăng quang cho nữ hoàng vàng, có cả những đơn vị quốc doanh và tập thể. Phải có sự tham dự đó với một qui mô lớn lao mới đủ sức đẩy giá vàng trong nước lên đỉnh cao của sự phi lý. Đến đây, câu chuyện vàng đã chuyển sang hồi thứ hai cũng vẫn mang đầy kịch tính. Cơn sốt vàng đã tạo nên ảo tưởng về nhu cầu vàng trong nước, và trong khi giá các loại hàng hóa, kể cả hàng ngoại nhập, bị chìm đắm trong cơn sốt này, các đơn vị xuất nhập khẩu đã “nhạy bén” nghĩ đến vàng như một món hàng kinh doanh béo bở, mang lại nhiều lợi nhuận hơn hết. Mà lúc này, lợi nhuận là vô cùng cần thiết trong cái vòng lẩn quẩn quái quỷ tự cân đối ngoại tệ, tự cân đối xuất nhập, dùng lãi nhập bù lỗ xuất. Một đơn vị, rồi hai
  26. ba, rồi nhiều đơn vị, rất nhiều đơn vị được nhập khẩu vàng. Vàng trở nên tràn ngập thị trường. Vàng, chứ không phải vật tư nguyên liệu. Vàng, chứ không phải phân bón, thuốc trừ sâu, máy móc thiết bị. Chúng ta đã chắt chiu từng hạt gạo, từng con tôm, từng miếng khoai mì lát, từng hạt cà phê, từng hạt đậu, hạt mè để đổi lấy vàng. Cơn sốt vàng dịu đi nhanh chóng. Các đơn vị kinh tế trước đây trữ vàng, nay vội bán đổ bán tháo. Đến tháng 9 năm 1989, giá vàng tụt xuống đến mức thấp nhất, chỉ còn 1,6 triệu đồng một lượng ta, ngang với giá vàng vào giữa tháng 4 năm 1988, tức 17 tháng trước. Sự giảm sụt giá vàng trong nước, ngoài lý do nhập khẩu vàng ồ ạt cùng với chính sách hợp lý nhằm giảm bớt các điều kiện khắt khe đối với việc mang vàng phi mậu dịch về nước, còn cho thấy một sự thực là nhu cầu về vàng của người dân nước ta không quá lớn như đã tưởng tượng. Giá vàng sụt giảm dẫn đến những hậu quả không mong muốn. Cách làm của ta vừa tỏ ra thiếu phối hợp và không thận trọng, giống như ném chuột bị vỡ đồ. Điều này cũng dễ hiểu. Xuất phát từ động cơ kinh doanh vì lợi nhuận, chính sách quản lý vàng vừa qua không thể đạt được những mục tiêu kinh tế. Việc nhập khẩu vàng tràn lan đã làm hao hụt một khối lượng ngoại tệ đáng kể lẽ ra có thể sử dụng vào phát triển sản xuất. Sự giảm sụt nhanh chóng giá vàng trong điều kiện nhu cầu về vàng trong nước có hạn khiến cho các doanh nghiệp kinh doanh vàng khó bán vàng ra, do đó bị bất động một nguồn vốn lớn. Giá vàng sụt khiến tiềm năng thu nhập và chi tiêu của xã hội giảm, làm giảm tổng cầu của xã hội. Mặt khác, giá vàng xuống quá thấp đã làm xuất hiện hiện tượng chảy máu vàng; như vậy, sau khi được nhập khẩu chính ngạch, vàng lại chảy ra khỏi nước theo đường buôn lậu để đánh đổi một khối lượng lớn hàng ngoại nhập các loại, đây là một đòn rất nặng đánh vào lực lượng sản xuất non yếu trong nước. Sự sụt giảm giá vàng cũng có những kết quả tích cực. Đóng góp to lớn của hiện tượng này là nó đã phá tan huyền thoại về vàng với tất cả những hào quang mà người ta đã tưởng tượng xung quanh nó. Trong thời kỳ ngự trị của cơn sốt vàng, đồng bạc Việt Nam lao đao cho đến nỗi có nhiều người đã hoảng hốt đề nghị quay về chế độ kim bản vị cổ xưa, thậm chí đòi quy mọi thứ vốn ra vàng. Bây giờ chúng ta mới vỡ lẽ thì ra vàng cũng có thể bị chế ngự, và bị khuất phục bởi một quy luật tầm thường nhất, quy luật cung cầu. Chế ngự được vàng có nghĩa là ổn định được giá trị đồng bạc. Vấn đề chỉ còn ở chỗ là ta muốn khống chế vàng ở mức nào, để cho hiệu quả kinh tế đạt được do sự chế ngự nó vượt hơn chi phí phải trả cho biện pháp này. Mặt khác sự sụt giảm giá vàng cũng làm chấn động tâm lý lạm phát và tập quán trữ kim của xã hội. Những người đã từng trốn chạy đồng tiền để tìm nơi cư trú trong vàng nay chợt thấy ra sự vô dụng đáng thương của nó: không những nó không sinh lợi, nó còn bị mất giá một cách thảm hại. Bài học lớn nhất có thể rút ra từ câu chuyện vàng của năm 1989 là sự cần thiết phải có một chính sách về vàng, coi đó là một bộ phận quan yếu trong chính sách tiền tệ quốc gia. Chính sách này phải nhằm vào những mục tiêu kinh tế, tiền tệ vĩ mô và như vậy không thể có bất cứ một ý nghĩa kinh doanh nào. Những mục tiêu đó bao gồm: ổn định giá vàng nhằm ổn định giá trị đồng bạc, ngăn chặn việc chảy máu vàng, làm giảm bớt tâm lý trữ vàng trong xã hội. Mục tiêu ổn định giá vàng không có nghĩa là giữ giá vàng ở mức quá thấp hoặc quá cao.
  27. Nếu quá thấp nạn chảy máu vàng dễ xảy ra. Nếu quá cao, giá trị đồng bạc sẽ bị ảnh hưởng đồng thời dễ tạo tâm lý trữ vàng, đầu cơ vàng. Trong việc xác định giá vàng, cần lưu ý đến mức giá tại các thị trường lân cận, đồng thời cho phép một biên độ dao động không can thiệp của giá vàng trong nước do biến động của giá vàng quốc tế. Việc duy trì một tình trạng ổn định tích cực giá vàng sẽ góp phần làm giảm bớt tâm lý trữ vàng trong nhân dân. Chính tâm lý trữ vàng sẽ dễ dàng làm phát sinh tâm lý lạm phát, tạo nên tình trạng trốn chạy hỗn loạn đồng bạc trong thời kỳ có biến động. Cần phải có những biện pháp, kể cả những biện pháp cứng rắn, để thực hiện mục tiêu này như: cấm chỉ việc trữ vàng có tính chất tiền tệ (vàng thỏi, nén, lá ), nghiêm cấm việc quy đồng vốn và tài sản của các doanh nghiệp theo giá trị vàng hay đô-la Mỹ, áp dụng một chính sách lãi suất hợp lý đủ để khuyến khích việc tập trung nguồn vốn xã hội vào hệ thống ngân hàng, tạo điều kiện và cơ hội để mọi thành phần kinh tế, nhất là tư nhân, phát triển đầu tư và mở rộng các hoạt động sản xuất kinh doanh. Việc ổn định giá vàng trong nước một cách hợp lý cũng sẽ giúp ngăn chặn hiện tượng chảy máu vàng, trong ý nghĩa là triệt tiêu các khoản lợi nhuận đơn thuần phát sinh từ chênh lệch giá vàng, các khoản lợi nhuận này là động lực không thể cưỡng nổi đối với các tay buôn lậu vàng qua biên giới. Câu chuyện về vàng có lẽ vẫn còn dài, nhưng huyền thoại vàng đã kết thúc cùng với những ảo tưởng về sức mạnh vạn năng của nó. Thật ra, ngoài vẻ đẹp lấp lánh rực rỡ của một thứ kim loại tinh khiết và bền bỉ, vàng chỉ có giá trị đích thực khi nào nó còn được con người sử dụng như một phương tiện trong quá trình mở rộng các mối tương quan kinh tế. Vài ngàn năm sau, khi hậu duệ của chúng ta nghiên cứu lại giai đoạn lịch sử đầu tiên của nền văn minh công nghiệp, họ sẽ không ngạc nhiên khi thấy tổ tiên thông minh của họ đã đặt vàng vào một vị trí khiêm tốn phù hợp, biết sử dụng loại kim khí lóng lánh này đúng với khả năng và vai trò mà nó đáng được hưởng, và chỉ trong giới hạn đó. Xuân Canh Ngọ Tháng 1-1990 TỪ CÂU CHUYỆN VỀ VÀNG (2006) Vàng không phải là một kim loại quí nhất, hoặc có công dụng cao nhất. Nhưng nó là một thứ kim loại có ảnh hưởng lớn nhất đến đời sống kinh tế của toàn nhân loại. Nó là một thứ kim loại đa năng. Ngay từ thời xa xưa, con người đã bị hấp dẫn bởi sự óng ánh rực rỡ và bền bỉ của nó. Những món trang sức bằng vàng bao giờ cũng quyến rũ nhất. Một thời gian dài, nó là tiền tệ và là cơ sở đảm bảo vững chắc nhất - như nhiều người tin như thế - cho đồng tiền giấy do ngân hàng phát hành. Thỏa ước Bretton Woods năm 1944 giữa các cường quốc phương Tây khẳng định dùng vàng làm chuẩn cho đồng tiền của mình. Cho đến năm 1971, trước áp lực đòi đổi đô-la Mỹ ra vàng của nhiều nước chủ nợ, Mỹ mới tuyên bố từ bỏ chế độ kim bản vị cho đồng đô-la và hành động này đã khởi động hàng loạt những quyết định từ bỏ vàng như là một đảm bảo cho đồng tiền của các cường quốc phương Tây khác. Nhưng vàng không hề chịu lui vào hậu trường tài chính và tiền tệ của thế giới. Vào đầu thế kỷ 21 này, khi công nghệ thông tin bùng nổ làm cho hành tinh xanh trở nên gần gũi và chật hẹp hơn và loài người đang trên tiến trình xây dựng một nền kinh tế toàn cầu trên cơ sở tri thức, điều đáng ngạc nhiên là vàng vẫn còn giữ được một vị trí quan trọng khó hiểu trong sinh hoạt kinh tế của con người. Mọi người vẫn coi nó là một thứ tài sản quý và có một giá trị phổ quát, tuy rằng người ta cũng không hiểu nổi nó thực sự quý ở chỗ nào, có giá trị như thế nào về mặt kinh tế, ngoài nét đẹp lóng lánh ưa nhìn của nó?
  28. Những biến động của giá vàng trên thế giới trong thời gian gần đây đã làm tăng cao ngôi vị của vàng trên thị trường tài chính quốc tế. Vàng từ mức thông thường khoảng trên dưới 300 USD/ounce (31gram) vào năm 2000 đã tăng lên đến 620 USD/ounce vào đầu năm 2006 và theo tiên đoán của các nhà phân tích quốc tế, khả năng giá vàng lên đến 700 USD/ounce không phải là không hiện thực. Nhưng vì sao vàng bỗng nhiên lại tăng giá? Nguyên nhân đầu tiên có thể được thấy từ nguồn khai thác vàng trên thế giới. Kho vàng của Trái Đất không phải là vô tận, số lượng vàng khai thác có chiều hướng giảm từ vài năm nay, trong khi đó chi phí khai thác vàng lại gia tăng đáng kể do nhiều lý do. Tuy nhiên, đây có phải là lý do chính? Theo tính toán của các nhà phân tích, số lượng vàng khai thác được hàng năm vẫn vượt xa nhu cầu tiêu thụ vàng trên thế giới với tư cách vàng nữ trang. Như vậy, phải có một hiện tượng tăng vọt trong khối cầu về vàng không phải trang sức mới có thể gây nên một sự mất cân đối lớn trong cung cầu về vàng trên thị trường thế giới, và dẫn đến tình trạng giá vàng tăng vọt. Trong những năm gần đây, dự trữ ngoại tệ của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Nhật Bản đều tăng vọt, vượt mức 800 tỷ USD. Nhu cầu đảm bảo an toàn khiến những nước này phải đa dạng hóa rỗ ngoại tệ dự trữ của mình, và vàng chính là một đối tượng ngoại hối sáng giá. Thông tin gần đây cho thấy trong khi Nga giảm bớt số lượng vàng bán ra để củng cố dự trữ vàng của mình thì Trung Quốc đang là một khách mua vàng rất sộp. Mặt khác, viễn ảnh một cuộc tấn công quân sự của Mỹ vào các cơ sở hạt nhân của Iran có thể tái phát động một cuộc chiến tranh mới ở Trung Đông khiến cho đồng đô-la có nguy cơ bị giảm giá cũng có thể là một trong những lý do khiến các nhà đầu tư tài chính quốc tế đổ xô mua vàng. Ngoài ra, tình hình bấp bênh của giá dầu hiện nay đang dẫn đến những dự báo không mấy lạc quan về ảnh hưởng của nó đối với nền kinh tế thế giới, cũng có thể khiến những quỹ đầu tư quốc tế chuyển hướng đầu tư vào vàng, một thứ tài sản mà họ tin rằng sẽ duy trì được giá trị trong tình hình kinh tế bất ổn. Giá vàng quốc tế tăng tất nhiên ảnh hưởng trực tiếp đến giá vàng tại Việt Nam, một quốc gia mà trên thực tế đã có một độ hội nhập kinh tế khá sâu vào nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, có một điều đáng lưu ý. Hiện tượng giá vàng tăng đã xảy ra từ năm 2005, nhưng vào thời điểm đó, người ta đón nhận việc tăng giá với một thái độ bình tĩnh. Giá tăng nhưng các hoạt động mua bán vàng trên thị trường vẫn diễn ra bình thường, thậm chí còn kém sôi động hơn mức bình thường. Phản ứng đó vẫn còn được duy trì trong đợt tăng giá vào tháng 2 năm 2006, khi giá vàng trong nước vượt mức 11 triệu đồng/1 lượng ta (37,5 gram). Nhưng khi giá vàng vượt mức 12 triệu đồng/lượng, hoạt động trên thị trường vàng trong nước trở nên sôi động một cách khác thường. Giá vàng trong nước đã tăng nhanh, có lúc lên đến 13 triệu đồng/lượng và hiện nay cao hơn giá vàng quốc tế, tính trong tương quan với tỷ giá đồng đô-la Mỹ. Hiện tượng đổ xô đi mua vàng đã trở thành một “phong trào”, tuy rằng đã có những cảnh báo của những chuyên viên tài chính tiền tệ rằng tình trạng thiếu thông tin chính xác về thị trường vàng quốc tế có thể dẫn đến những rủi ro không lường được cho hoạt động mang tính chất đầu cơ trên giá vàng của các nhà đầu tư nhỏ lẻ trong nước. Như vậy, có thể thấy rõ là cơn sốt vàng lần này không phải là hậu quả của một tình trạng lạm phát trong đó mọi người đi tìm nơi trú ẩn của tài sản nơi vàng. Họ không chạy trốn đồng tiền, nhưng đang dùng đồng tiền để thực hiện một cuộc đầu tư mà họ cảm thấy có khả năng sinh lợi cao. Khi thị trường bất động sản đang bị cơ chế đóng băng, họ đi tìm những đối tượng đầu tư mới và vàng trở thành một mục tiêu đang nhắm đến. Đây là một
  29. điểm chung giữa các nhà đầu tư Việt Nam và các Quỹ Đầu tư quốc tế, tuy rằng quy mô khác nhau rất xa. Nó giúp chúng ta thấy được một thực trạng của thị trường tài chính thế giới. Ở đây luôn luôn sẵn có những nguồn tiền khổng lồ, có thể lên đến hàng ngàn tỷ USD, nguồn tiền này thậm chí vượt cả nhu cầu đầu tư tiềm năng trên toàn thế giới. Nói một cách khác, thế giới hiện nay có rất nhiều tiền mà không đủ cơ hội đầu tư, trong ý nghĩa những cơ hội đầu tư an toàn và sinh lợi. Nguồn tiền thừa đó hiện đang nhắm vào vàng và chắc chắn sẽ còn đẩy giá vàng lên một đỉnh cao mới khi nào còn có lợi. Xu thế này đang gây ảnh hưởng đến các nước khác. Tại Việt Nam, trong thời gian gần đây, tình hình tăng vọt của giá các loại cổ phiếu trên thị trường chứng khoán chính thức cũng như trên thị trường OTC, và sau đó là hiện tượng tăng vọt của giá vàng phản ánh một điều đáng mừng nhưng cũng rất đáng lo. Nguồn vốn trong dân cư tại các thành thị đang tăng trưởng khá nhanh, trong khi đó, môi trường đầu tư chưa đủ hấp dẫn, thiếu cơ chế huy động các nguồn vốn đó để đầu tư vào các dự án lành mạnh và có hiệu quả. Nhưng nếu nguồn vốn đó được nhân lên giả tạo bằng các khoản vay từ ngân hàng, nó sẽ tiềm ẩn nguy cơ lớn. Nói tóm lại, chúng ta đang có một lực lượng tài chính nhất định, nhưng đang thiếu nghiêm trọng những quỹ đầu tư, những nhà đầu tư, những doanh nhân. Điều đó làm phát sinh một vấn đề quan trọng khác, cần được các nhà lãnh đạo kinh tế và tiền tệ của chúng ta xem là ưu tư hàng đầu. Đó là vấn đề xây dựng cơ chế bảo vệ an toàn cho nguồn lực đó. Trong cơ chế thị trường, đầu tư vào cổ phiếu hay đầu tư vào vàng là những quyết định riêng của nhà đầu tư, với những rủi ro mà họ phải tự mình gánh lấy. Tuy nhiên, bảo vệ đồng tiền đầu tư cũng chính là bảo vệ nội lực của đất nước và đó chính là trách nhiệm của Nhà nước. Và Nhà nước không bảo vệ bằng cách yêu cầu họ phải làm thế nào cho đúng, mà chỉ cần tạo ra những điều kiện hỗ trợ như giúp họ tiếp cận đầy đủ, kịp thời với những thông tin rõ ràng, chính xác về tình hình thị trường, về tình hình tài chính của doanh nghiệp Công khai, minh bạch chính là những điều kiện thiết yếu để tạo nên một môi trường đầu tư lành mạnh và cơ hội đầu tư hiệu quả, bây giờ và cho tương lai.
  30. Như vậy, tuy đầu tư vào vàng không phải là một hành động đáng hoan nghênh nhưng vấn đề cốt lõi không phải ở chỗ tìm biện pháp ngăn chặn tình trạng đầu cơ vàng, mà là tạo được một môi trường đầu tư tốt nơi đó các nguồn vốn, kể cả vàng, sẽ được huy động và đưa vào các dự án đầu tư có hiệu quả góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước. QUẢN LÝ VÀNG TIỀN TỆ - CẦN THIẾT VÀ THẬN TRỌNG (2011) Theo thống kê của Hội đồng Vàng Thế giới (World Gold Council), khối lượng vàng được khai thác từ trước đến nay trên toàn hành tinh là 158 ngàn tấn. Mỗi năm, trung bình có khoảng 2.500 tấn vàng được khai thác, trong số này có 2 ngàn tấn được chế tác thành nữ trang hay các vật liệu bền dùng trong công nghiệp và nha khoa, 500 tấn vàng còn lại là vàng thỏi được đúc thành nhiều dạng khác nhau từ thỏi 12kg đến các miếng vàng 1 ounce (troy ounce = 31,1 gram) hoặc 1 lạng ta (37,5 gram). Chính 500 tấn vàng loại này là nguồn cung hàng hóa cho các thị trường mua bán vàng thỏi (gold bullion) ở khắp các nước, mà thị trường chính là London và New York, nơi mà vàng được định giá hằng ngày, hằng giờ. Trong vòng hai thập niên trở lại đây, mỗi năm nước ta đều có nhập vàng thỏi, với số lượng có xu hướng tăng dần theo đà tăng trưởng của nền kinh tế và sự giàu có của các tầng lớp dân cư, nhất là tại các đô thị. Số vàng này được các công ty vàng bạc đá quý trong nước, quốc doanh và tư nhân, chế tác thành vàng nữ trang hoặc vàng miếng nguyên chất 9999 mang ký hiệu của công ty chế tác như SJC, PNJ, SBJ bán rộng rãi cho dân chúng. Nước ta vốn là một nước nông nghiệp nên tâm lý trữ kim trong nhân dân rất phổ biến. Người dân thích trữ vàng vì tin rằng vàng là một thứ tài sản ít bị mất giá. Khi lượng vàng miếng trong lưu thông ngày càng nhiều, việc dùng vàng như là một phương tiện thanh toán đáng tin cậy cho các giao dịch giá trị cao như mua bán nhà đất ngày càng trở nên phổ biến và được ưa chuộng hơn tiền mặt. Vàng, trên thực tế, đã trở thành một đồng tiền thứ ba bên cạnh tiền đồng và đồng đô-la trong nền kinh tế nước ta. Gần đây, nhiều chuyên gia kinh tế trong nước đã cảnh báo về nguy cơ “vàng hóa” nền kinh tế, một hiện tượng tương tự như “đô-la hóa”, và kêu gọi nên tăng cường quản lý vàng, nhất là vàng miếng. Vậy nên xem vàng là hàng hóa hay tiền tệ? Đối với câu hỏi này, mỗi quốc gia, tùy trình độ phát triển kinh tế và phương thức quản lý tiền tệ, sẽ có câu trả lời riêng. Các nước hậu công nghiệp ở Tây Âu và Bắc Mỹ, sau khi từ bỏ chế độ kim bản vị tiền tệ (Thụy Sĩ là nước cuối cùng từ bỏ chế độ kim bản vị vào năm 2000) đã chấm dứt về mặt pháp lý vai trò tiền tệ của vàng. Tại những nước này, vàng là hàng hóa, dù là vàng nữ trang hay vàng thỏi vàng miếng. Việc mua bán, đầu cơ, tích trữ vàng được xem là hợp pháp như bất cứ các loại hàng hóa thông dụng khác trên thị trường. Thậm chí tại một số nước, kinh doanh vàng miếng còn được miễn thuế giá trị gia tăng. Trong khi đó, tại phần lớn các nước đang phát triển, nhất là tại các nước còn duy trì chế độ kiểm soát ngoại hối, vàng vừa được xem là hàng hóa, vừa được xem là tiền tệ. Việc quản lý vàng của nhà nước có thể đi từ mức độ rất chặt chẽ như cấm hẳn tư nhân kinh doanh vàng dù là nữ trang hay vàng thỏi, cho đến mức độ lỏng lẻo hơn như cho phép tư nhân kinh doanh tự do vàng nữ trang và hạn chế việc mua bán vàng miếng, xem vàng miếng như là một hình thức ngoại hối chịu sự quản lý của nhà nước. Sự khác biệt trong việc thừa nhận vàng là hàng hóa hay tiền tệ thật ra chỉ thuần túy là hình thức. Vàng nữ trang, hoặc vàng dùng trong công nghiệp và nha khoa được xem là hàng hóa, dù tuổi vàng vẫn là nguyên chất bốn số 9, trong khi vàng thỏi, vàng miếng lại được xem là vàng tiền tệ. Sự khác biệt về hình thức này dẫn đến một hệ quả pháp lý quan trọng là trong các quy định về quản lý vàng như một hình thức ngoại hối tại các nước