Vượn trần trụi: Nghiên cứu của nhà động vật học về con vật người (Phần 1) - Desmond Morris

pdf 113 trang ngocly 2410
Bạn đang xem 20 trang mẫu của tài liệu "Vượn trần trụi: Nghiên cứu của nhà động vật học về con vật người (Phần 1) - Desmond Morris", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfvuon_tran_trui_nghien_cuu_cua_nha_dong_vat_hoc_ve_con_vat_ng.pdf

Nội dung text: Vượn trần trụi: Nghiên cứu của nhà động vật học về con vật người (Phần 1) - Desmond Morris

  1. VƯỢN TRẦN TRỤI Thông tin sách: Tên sách: VƯỢN TRẦN TRỤI: NGHIÊN CỨU CỦA NHÀ ĐỘNG VẬT HỌC VỀ CON VẬT NGƯỜI Tựa gốc: The Naked Ape: A Zoologist’s Study of the Human Animal Tác giả: Desmond Morris Biên dịch: Vương Ngân Hà Số trang: 392 Năm xuất bản: 2010 - NXB Hội nhà văn, Nhã Nam Thực hiện:Bi, missnow, Bún, tamchec Ebook miễn phí tại : www.Sachvui.Com
  2. GIỚI THIỆU Bìa 1: “Con vượn trần trụi, không chỉ đơn thuần bởi vì nó đã mất hết bộ lông dày trong quá trình tiến hóa, mà còn vì tôi muốn lột trần nó trên trang giấy, trưng bày nó đúng như bản chất vốn có của nó. Không hơn không kém”. - DESMOND MORRIS - Bìa gập 1: Desmond Morris sinh năm 1928 tại Wiltshire. Sau khi tốt nghiệp Đại học Birmingham chuyên ngành động vật học, ông đạt được học vị tiến sĩ tại Đại học Oxford. Năm 1959, ông trở thành người phụ trách bộ phận động vật có vú tại vườn thú London và giữ chức vụ này trong tám năm. Ông là tác giả của khoảng 50 bài báo khoa học và bảy cuốn sách trước khi hoàn thành cuốn Vượn trần trụi vào năm 1967, bán được hơn 10 triệu bản trên khắp thế giới và được dịch sang rất nhiều thứ tiếng. Ông cũng thực hiện nhiều chương trình truyền hình và phim về tập tính của người và động vật. Cách tiếp cận thân thiện, dễ hiểu khiến ông trở nên nổi tiếng với cả người lớn và trẻ em. Trong loạt tác phẩm quen thuộc của ông có Theo dõi con người, Theo dõi cơ thể, Theo dõi động vật và Theo dõi trẻ em. Ông là một trong số những người dẫn chương trình về lịch sử tự nhiên được biết đến nhiều nhất trên thế giới. Ngoài ra, Desmond Morris còn là họa sĩ tài ba với các tác phẩm Sinh học của nghệ thuật, Nghệ thuật Síp cổ đại và Nhà siêu thực bí ẩn. Nghiên cứu mới của ông về ý nghĩa các cử chỉ có nhan đề Tiếng nói của cơ thể: Chỉ dẫn toàn thế giới về các cử chỉ. Bìa 2: CUỐN SÁCH MÀ KHÔNG CON VẬT NGƯỜI NÀO DÁM BỎ QUA Ở đây là con Vượn trần trụi với tất cả những gì là nền tảng nhất của nó – trong tình yêu, trong công việc và trong chiến tranh. Tìm hiểu con vật người đúng như bản chất vốn có của nó: là họ hàng của những con vượn, bị cởi bỏ khỏi cái mã văn minh bề ngoài khi chúng ta nhìn chúng tán tỉnh bạn tình, yêu đương, ngủ, giao tiếp xã hội, chải chuốt, chơi trò chơi gia đình. Tác phẩm kinh điển của nhà động vật học Desmond Morris, cùng với Nguồn gốc muôn loài của Darwin, đã thể hiện con người không phải như một thiên thần sa ngã mà là một con vượn mới lên ngôi, đầy dẻo dai, nghị lực và trí tưởng tượng, tuy vậy vẫn chỉ là một con vật đang có nguy cơ quên mất nguồn gốc của mình.
  3. Với sự hiểu biết thấu suốt các căn nguyên, cuộc sống tình dục, các thói quen của con người và các ràng buộc đáng ngạc nhiên của chúng ta với thế giới động vật, tác phẩm ăn khách nhưng cũng gây vô vàn tranh cãi, Vượn trần trụi là cột mốc lớn trên chặng đường con người tìm hiểu bản thân mình. “Độc đáo, kích thích và làm sảng khoái trí óc. Là loại sách làm thay đổi cuộc sống con người”. - SUNDAY TIMES - Bìa gập 2: “Kích thích suy ngẫm Morris đã đưa ra một vài ý tưởng mới lạ và thách thức”. - NATURAL HISTORY – CÙNG MỘT TÁC GIẢ: Sinh học và nghệ thuật Động vật có vú: Chỉ dẫn về các loài còn sinh tồn Người và rắn (đồng tác giả) Người và vượn (đồng tác giả) Người và gấu trúc (đồng tác giả) Thời đại vườn thú Tập tính học linh trưởng (biên soạn) Vườn thú người Các kiểu tập tính sinh sản Tập tính gần gũi cơ thể Theo dõi người: Chỉ dẫn tại chỗ về tập tính của người Các tư thế: Nguồn gốc và sự phân loại (đồng tác giả) Những ngày động vật (tự truyện) Bộ lạc bóng đá Gấu trúc lớn (đồng tác giả) Trong đá (tiểu thuyết) Cuốn sách về các lứa tuổi
  4. Nghệ thuật Síp cổ đại Theo dõi cơ thể: Chỉ dẫn tại chỗ về loài người Theo dõi mèo Theo dõi chó Nhà siêu thực bí ẩn Kiến thức truyền thống về mèo Kẻ xây tổ người Theo dõi ngựa Khế ước động vật Theo dõi động vật: Chỉ dẫn tại chỗ về tập tính động vật Theo dõi trẻ Theo dõi lễ hội Noel Thế giới của các con vật Bộ ba Vượn trần trụi Con vật người: Quan điểm cá nhân về loài người Tiếng nói của cơ thể: Chỉ dẫn trần tục về các tư thế Thế giới mèo: Bách khoa toàn thư họ mèo Các giới: Lịch sử tự nhiên của đàn ông và đàn bà Những con mèo lãnh đạm: 100 giống mèo trên thế giới Các vệ sĩ của cơ thể: Bùa và ngải Vượn trần trụi và hành vi dùng mỹ phẩm (bằng tiếng Nhật) Mắt trần (tự truyện) Chó: Từ điển các giống chó Theo dõi của người Ngôn ngữ thầm lặng (bằng tiếng Ý) Bản chất của hạnh phúc (bằng tiếng Ý) Đàn bà trần trụi Đàn ông trần trụi
  5. Mục lục Lời cảm tạ Lời giới thiệu (Cho bản in năm 1994) Lời giới thiệu Nguồn gốc Tình dục Nuôi nấng con cái Khám phá Tranh đấu Kiếm ăn Chăm sóc cơ thể Các con vật Tài liệu tham khảo theo chương Thư mục
  6. Lời cảm tạ Quyển sách này dành cho độc giả thông thường và vì thế các chuyên gia sẽ không được trích dẫn trong nội dung sách, vì thực hiện điều này có thể phá vỡ mạch văn và là việc chỉ phù hợp cho tác phẩm học thuật chuyên ngành. Nhưng nhiều bài báo và cuốn sách nguyên bản được tham khảo trong quá trình viết ra quyển sách này và sẽ là sơ suất khi giới thiệu mà không ghi nhận sự hỗ trợ có giá trị của chúng. Ở cuối quyển sách này tôi đưa vào một phụ lục tham khảo theo từng chương kết nối các chủ đề được bàn thảo với các tác giả và cuốn sách chính có liên quan. Tiếp theo phụ lục này là một thư mục chọn lọc đưa ra danh mục tham khảo chi tiết. Tôi cũng muốn bày tỏ lời cảm tạ và sự biết ơn của tôi đối với nhiều đồng nghiệp và bạn bè, những người đã giúp đỡ tôi, trực tiếp và gián tiếp, trong các thảo luận, trao đổi thư từ và nhiều cách khác. Cụ thể, họ gồm những người sau: Tiến sĩ Anthony Ambrose, Ông David Attenborough, Tiến sĩ David Blest, Tiến sĩ N.G Blurton-Jones, Tiến sĩ John Bowlby, Tiến sĩ Hilda Bruce, Tiến sĩ Richard Coss, Tiến sĩ Richard Davenport, Tiến sĩ Alisdair Fraser, Giáo sư J.H Fremlin, Giáo sư Robin Fox, Nam tước phu nhân Jane van Lawick- Goodall, Tiến sĩ Fae Hall, Giáo sư Tôn ông[1] Alister Hardy, Giáo sư Harry Harlow, Bà Mary Haynes, Tiến sĩ Jan van Hooff, Ngài Julian Huxley, Cô Devra Kleiman, Tiến sĩ Paul Leyhausen, Tiến sĩ Lewis Lipsitt, Bà Caroline Loizos, Giáo sư Konrad Lorenz, Tiến sĩ Malcolm Lyall-Watson, Tiến sĩ Gilbert Manley, Tiến sĩ Isaac Marks, Ông Tom Maschler, Tiến sĩ L. Harrison Matthews, Bà Ramona Morris, Tiến sĩ John Napier, Bà Caroline Nicolson, Tiến sĩ Kenneth Oakley, Tiến sĩ Frances Reynolds, Tiến sĩ Vernon Reynolds, Quý bà[2] Miriam Rothschild, Bà Claire Russell, Tiến sĩ W.M.S Russell, Tiến sĩ George Schaller, Tiến sĩ John Sparks, Tiến sĩ Lionel Tiger, Giáo sư Niko Tinbergen, Ông Ronald Webster, Tiến sĩ Wolfgang Wickler và Giáo sư John Yudkin. Tôi cũng muốn bổ sung rằng việc đưa tên vào trong danh sách này không ngụ ý rằng những người có liên quan nhất thiết phải đồng ý với các quan điểm của tôi được trình bày trong cuốn sách này.
  7. Lời giới thiệu (Cho bản in năm 1994) Vượn trần trụi được xuất bản lần đầu tiên năm 1967. Mọi điều viết trong đó dường như hiển nhiên đối với tôi, nhưng lại gây sốc cho nhiều người. Họ khó chịu vì nhiều lý do. Sự bất bình chủ yếu là ở chỗ họ cho rằng tôi đã viết về những con người như thể đấy chỉ là một loài động vật khác để nghiên cứu. Trong vai trò của một nhà động vật học, tôi đã mất tới 20 năm để xem xét tập tính của một loạt các sinh vật, từ cá tới bò sát và từ chim tới thú. Các bài báo khoa học của tôi về các chủ đề từ tập tính tán tỉnh của cá tới sự cặp đôi của chim, cho đến tích trữ thức ăn ở thú đã được một số chuyên gia đọc và ít khi hoặc không gây ra tranh luận. Khi tôi quay sang viết sách cho những độc giả bình dân hơn, về các động vật như rắn, vượn và gấu trúc thì cũng không có gì om sòm. Chúng được một lượng nhỏ độc giả quan tâm đọc và chấp nhận. Nhưng sau đó, khi tôi tiến hành một nghiên cứu tương tự về loài linh trưởng khác thường với làn da trần trụi thì mọi chuyện đã thay đổi hẳn. Đột nhiên, mọi từ tôi viết ra đã trở thành chủ đề tranh luận nóng bỏng. Con vật người, như tôi đã phát hiện, vẫn còn thấy khó có thể chấp nhận bản tính sinh vật của nó. Tôi phải thú nhận rằng tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy mình đang giao chiến trong hậu quân của phe Charles Darwin. Sau một thế kỷ tiến bộ khoa học và phát hiện ngày càng nhiều các hóa thạch tổ tiên loài người, tôi cứ tưởng rằng hầu hết mọi người đã sẵn sàng đối mặt với thực tế chúng ta là bộ phận cố hữu của tiến hóa linh trưởng. Tôi cứ nghĩ rằng đầu óc họ đã sẵn sàng thực hiện việc xem xét tỉ mỉ hơn các phẩm chất động vật của mình và học hỏi từ chính chúng. Đó là mục tiêu của cuốn sách này, nhưng chẳng mấy chốc mọi thứ té ra rằng tôi phải tả xung hữu đột mạnh mẽ hơn. Tại một số nơi trên thế giới, Vượn trần trụi đã bị cấm, các cuốn sách truyền tay nhau ngấm ngầm bị giáo hội tịch thu và đốt, hoặc là ý tưởng loài người tiến hóa bị nhạo báng và cuốn sách được xem như một trò đùa nhạo tệ hại với khiếu thẩm mỹ kinh khủng. Tôi đã bị các bài hệ luận tôn giáo dồn ép tới tấp nhằm buộc tôi “cải tà quy chính”. Nhật báo Chicago Tribune đã phải hủy bỏ toàn bộ một số ra do những người sở hữu tờ báo cảm thấy chướng tai gai mắt bởi một bài phê bình cuốn sách này đã xuất hiện trên mặt báo. Tại sao họ lại bực mình như vậy? Là vì bài phê bình nói trên có chứa từ “dương vật”. Dường như sự thẳng thắn về chủ đề tình dục lại là một cái lỗi khác cần
  8. phải bới ra trong cuốn sách này. Thế nhưng cũng chính tờ báo đó lại đưa ra các bản tin tràng giang đại hải về bạo lực và giết người. Từ “súng ống” thường xuyên xuất hiện. Như tôi đã chỉ ra vào thời gian đó, một điều kỳ quặc là người ta sẵn sàng đề cập chuyện gì đó bắn chết người, chứ không phải điều gì đó “chụp” lại sự sống.[3] Nhưng ở đây không có chỗ cho lôgic. Bằng cách hoán đổi những con cá và chim của tôi thành những người đàn ông và những người đàn bà, tôi đã đánh thức gã khổng lồ đang ngủ là định kiến của con người. Ngoài việc bị coi là đã phá vỡ các cấm kị tôn giáo và tình dục, tôi cũng bị kết tội là “biến con người trở thành thú vật” qua việc khẳng định rằng loài người được dẫn dắt bởi các thôi thúc bẩm sinh mạnh mẽ. Điều này công khai chống lại nhiều lý luận tâm lý hợp mốt rằng mọi việc chúng ta làm đều do học tập và phản xạ có điều kiện quyết định. Người ta cũng tuyên bố rằng tôi đã nêu ra một ý tưởng nguy hiểm về việc nhân loại đã bị mắc kẹt vào các bản năng động vật tàn bạo và không thể thoát ra. Đây là sự hiểu biết lệch lạc khác về những gì tôi đã viết. Không có giải thích chính đáng cho việc tại sao đề xuất của tôi về “các xung lực bản năng động vật” bẩm sinh lại có thể làm cho con người trở nên tàn bạo theo nghĩa xúc phạm ngụ ý trong đó. Chỉ cần liếc qua các chương khác nhau của cuốn sách cũng thấy rằng các kiểu mẫu bẩm sinh tôi đã đề cập tới khi đưa ra các đặc trưng như vậy, chẳng hạn như thôi thúc mạnh mẽ nhằm hình thành các liên kết đôi yêu đương, nhằm chăm sóc con cái của chúng ta, nhằm tìm kiếm các thức ăn khác nhau, nhằm giữ cho bản thân chúng ta sạch sẽ, nhằm giải quyết các tranh chấp bằng sự phô trương và các nghi thức chứ không phải bằng sự đổ máu, và hơn tất thảy, nhằm thể hiện tính vui đùa, tính tò mò và óc sáng tạo. Đó là “các thôi thúc động vật” chính yếu của chúng ta và nói rằng những thôi thúc ấy làm cho chúng ta trở thành dã man hay tàn bạo là cố tình diễn giải sai lệch phương thức động vật học khi xem xét hành vi của con người. Ngoài ra, còn có sự hiểu sai về mặt chính trị. Người ta cho rằng, một lần nữa lại là lầm lẫn, tôi đã khắc họa loài người theo kiểu quy kết vào một hiện trạng nguyên thủy nào đó. Những người có quan điểm chính trị cực đoan nhìn nhận điều này là sự xúc phạm. Đối với họ, con vật người phải hoàn toàn dễ bảo, có khả năng thích ứng với bất kỳ chế độ nào áp đặt lên nó. Ý tưởng rằng, dưới lớp da, tất cả mọi người đều có thể dẫn dắt bằng một tập hợp các ám thị di truyền được thừa hưởng từ cha mẹ họ, là gớm guốc đối với các bạo chúa chính trị. Có nghĩa là các vị thủ lĩnh này sẽ luôn luôn chạm trán với sự phản kháng ẩn sâu đối với các ý tưởng xã hội cực đoan của họ. Mà như lịch sử dạy chúng ta, đó chính là điều đã xảy ra nhiều lần. Các chính thể chuyên
  9. chế có thể được thiết lập, nhưng rồi cũng ra đi. Bản chất con người thân thiện, hợp tác cuối cùng cũng tái khẳng định chính nó. Cuối cùng, có những người cảm thấy việc gọi con người là “Vượn trần trụi” là sỉ nhục và bi quan. Không có điều gì sai sự thật hơn thế. Tôi sử dụng tiêu đề này đơn giản chỉ để nhấn mạnh rằng tôi đã cố gắng khắc họa chân dung động vật của loài chúng ta. Được xem xét cùng các linh trưởng khác, “Vượn trần trụi” là miêu tả có căn cứ. Quy kết nó là sỉ nhục thì cũng có nghĩa là đang sỉ nhục các con vật. Quy kết nó là bi quan thì cũng có nghĩa là không thấy ấn tượng gì về câu chuyện thành công khác thường của loài động vật có vú được “thiết kế” hết sức khiêm tốn này. Khi ấn bản có minh họa của Vượn trần trụi được xuất bản năm 1986, người ta đề nghị tôi cập nhật cuốn sách. Chỉ có một sửa đổi tôi cảm thấy cần thực hiện. Tôi đã thay đổi con số 3 thành số 4. Năm 1967, khi cuốn sách lần đầu xuất hiện, dân số thế giới ở mức 3 tỷ. Đến năm 1986, con số này đã tăng lên thành 4 tỷ. Năm 1994, nó lại tăng thêm một lần nữa tới trên 5 tỷ. Vào năm 2000 nó sẽ là 6 tỷ.[4] Các tác động của sự gia tăng dân số ồ ạt đối với cuộc sống của con người làm tôi lo lắng. Trong hàng triệu năm tiến hóa, chúng ta từng là những sinh vật thưa thớt trên mặt đất, sinh sống trong các bộ lạc nhỏ. Cuộc sống bộ lạc đó nhào nặn chúng ta, nhưng nó không trang bị cho chúng ta để sống trong đô thị hiện đại. Vượn bộ lạc đã thích nghi như thế nào trong vai trò của Vượn đô thị? Câu hỏi này là chủ đề phần tiếp theo của Vượn trần trụi. Tôi thường nghe thấy người ta nói rằng “đô thị là rừng rậm nhiệt đới bê tông”, nhưng tôi biết điều này không đúng. Tôi từng nghiên cứu các khu rừng nhiệt đới và thấy chúng khác với đô thị. Chúng không quá đông đúc. Chúng có tổ chức và chỉ thay đổi rất chậm. Còn các đô thị sinh sôi nảy nở qua mỗi đêm. Nói theo kiểu sinh học, Roma được xây xong chỉ trong một ngày.[5] Trong vai trò một nhà động vật học, khi tôi nghiên cứu tập tính của các cư dân đô thị, họ gợi cho tôi một điều gì đó. Sinh sống trong các khu dân cư tù túng của mình, họ không gợi cho tôi liên tưởng đến động vật hoang dã trong rừng rậm nhiệt đới mà lại gợi đến các con vật bị giam hãm trong vườn thú. Đô thị, như tôi đã miêu tả, không phải là rừng nhiệt đới bê tông, mà là vườn thú người, và điều này trở thành tên gọi của quyển hai trong bộ ba tác phẩm Vượn trần trụi. Trong Vườn thú người tôi xem xét tỉ mỉ hơn các tập tính gây hấn, tình dục và làm cha mẹ của loài chúng ta, như được thể hiện ra dưới các căng thẳng và áp lực của cuộc sống đô thị. Điều gì xảy ra khi bộ lạc trở thành siêu bộ
  10. lạc? Điều gì xảy ra khi địa vị trở thành siêu địa vị? Bản năng sinh dục dựa trên gia đình của chúng ta sống sót như thế nào khi mỗi cá nhân bị bao quanh bởi hàng nghìn kẻ xa lạ? Nếu các đô thị là quá căng thẳng thì tại sao con người lại vẫn tụ tập về đây? Đáp án cho câu hỏi cuối cùng này bổ sung một yếu tố thú vị vào bức tranh đôi khi đáng thất vọng. Vì một đô thị, mặc cho mọi thiếu sót của nó, có vai trò như một trung tâm kích thích khổng lồ, nơi óc sáng tạo vĩ đại của chúng ta có thể bay bổng và phát triển. Để hoàn thành bộ ba tác phẩm này, trong cuốn sách mang tên gọi Tập tính gần gũi cơ thể,[6] tôi hướng vào chủ đề về những gì đã xảy ra với các mối quan hệ cá nhân của chúng ta trong môi trường mới này. Bản chất tình dục và yêu đương mãnh liệt của chúng ta phản ứng lại với cuộc sống hiện đại như thế nào? Trong các mối quan hệ thân thuộc của chúng ta, những gì đã mất đi và những gì đã đạt được? Theo nhiều cách, chúng ta vẫn trung thành rõ rệt với nguồn gốc sinh học của mình. Sự lập trình di truyền được chứng minh là linh hoạt, tuy nhiên vẫn đề kháng kém trước những thay đổi lớn. Tại nơi nào mà các quan hệ yêu đương cởi mở trở nên không thể đạt được đối với chúng ta, chúng ta vận dụng óc sáng tạo nghĩ ra các quan hệ thay thế để vượt qua. Tài trí của một loài như chúng ta cho phép chúng ta tận hưởng các tiện nghi kĩ thuật và sự sôi động của cuộc sống hiện đại trong khi vẫn tuân theo được các sai khiến nguyên thủy. Điều này từng là bí mật về thành công khác thường của chúng ta, và nếu chúng ta may mắn, sẽ cho phép chúng ta tiếp tục tiến bước trên sợi dây tiến hóa chênh vênh ngày càng nguy hiểm. Những ai vẽ ra tương lai như một cảnh quan đổ nát và ô nhiễm đều đang nhầm lẫn. Họ theo dõi các bản tin, chùn lòng trước những điều tồi tệ nhất chúng ta có thể làm và nâng lên hàng nghìn lần nhằm tạo ra kịch bản đầy ảm đạm. Họ bỏ sót hai điều. Thứ nhất, các tin tức được đưa tới cho chúng ta gần như luôn là các tin xấu, nhưng với mỗi hành động bạo lực và phá hoại xảy ra thì lại có hàng triệu hành động thân thiện hòa bình. Quả thật, chúng ta là loài yêu hòa bình đến không ngờ, với dân số khổng lồ của mình nhưng tính hòa bình rộng khắp của chúng ta lại không thể trở thành các đầu đề nổi bật trên báo chí. Thứ hai, khi mường tượng tương lai, họ thường bỏ qua khả năng xuất hiện các phát minh mới mang tính cách mạng. Mỗi thế hệ đều có các tiến bộ kĩ thuật không ngờ và không có lý do gì để giả định rằng các tiến bộ này sẽ dừng lại đột ngột. Ngược lại, chúng gần như chắc chắn sẽ gia tăng mãnh liệt. Không gì là không thể. Nếu chúng ta có thể tưởng tượng ra nó, chẳng chóng thì chầy chúng ta sẽ làm được điều đó. Nhưng ngay cả khi chúng ta đã tạo ra
  11. các máy tính lớn cồng kềnh thuộc thế hệ đầu tiên trông cũng nguyên thủy như các tấm bảng đất sét[7] thì tự bản thân chúng ta vẫn chẳng là gì hơn là những con Vượn trần trụi, được tạo ra từ máu và thịt. Ngay cả nếu như vì theo đuổi gắt gao sự tiến bộ, chúng ta tiêu diệt toàn bộ các họ hàng động vật gần gũi của mình, thì chúng ta sẽ vẫn cứ là các hiện tượng sinh học, tuân theo các quy luật sinh học. Với tất cả những ý nghĩ đó trong đầu, tôi vui mừng thấy rằng tác phẩm bộ ba Vượn trần trụi của mình, vốn được xuất bản trong giai đoạn từ năm 1967 tới năm 1971, hiện nay lại được tái bản. Sau 1/4 thế kỉ, thông điệp vẫn là như vậy - bạn là thành viên của loài động vật khác thường nhất đã từng sống trên Trái đất. Hãy hiểu bản chất động vật của mình và chấp nhận nó. DESMOND MORRIS Oxford, 1994
  12. Lời giới thiệu Hiện tại có 193 loài khỉ và vượn còn sinh tồn. 192 loài có lông che phủ. Ngoại lệ là loài vượn trần trụi, tự gọi chính mình là Homo sapiens (Người khôn ngoan). Loài đặc biệt và thành công lớn này dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu những động cơ của các tập tính “cao sang” hơn của mình và cũng gần ngần ấy thời gian để cố tình phủ nhận những động cơ nền tảng trong số đó. Nó tự hào về việc có bộ não lớn nhất trong số mọi loài linh trưởng, nhưng cũng cố gắng che giấu một thực tế rằng nó có dương vật lớn nhất, mà cứ thích dành danh dự này một cách giả dối cho loài vượn gôrila to lớn. Nó cũng là loài vượn có thanh âm mãnh liệt, rất ưa khám phá, sống bầy đàn quá đông đúc. Đã đến lúc chúng ta nên khảo sát tập tính cơ bản của nó. Tôi là một nhà động vật học và vượn trần trụi là một động vật. Vì thế nó là con mồi sòng phẳng cho ngòi bút của tôi và tôi không muốn lảng tránh nó lâu thêm nữa, chỉ vì lý do một số kiểu tập tính của nó phức tạp khó giải thích và gây ấn tượng lạ lùng. Lý do biện hộ của tôi là, cho dù trở thành quá uyên bác, nhưng Homo sapiens vẫn mãi cứ là loài vượn trần trụi; để đạt được các động cơ tập tính mới cao quý, thì nó vẫn chẳng mất một cái nào trong số các động cơ cũ “thấp hèn”. Điều này thường xuyên là nguyên nhân gây ra một số bối rối đối với nó, vì các xung lực bản năng cũ vẫn đi theo cùng nó trong hàng triệu năm, còn các xung lực mới chỉ có nhiều nhất là vài nghìn năm - vậy nên không có hi vọng gì về việc nhanh chóng rũ sạch tài sản di truyền đã tích lũy trong toàn bộ quá khứ tiến hóa của nó. Chỉ khi nào chấp nhận thực tế này, nó mới có thể trở thành loài động vật ít âu lo hơn và mãn nguyện nhiều hơn. Có lẽ đây là chỗ mà một nhà động vật học có thể giúp đỡ nó. Một trong những đặc điểm kỳ quặc nhất của các nghiên cứu trước đây về tập tính của vượn trần trụi là ở chỗ người ta gần như luôn luôn lảng tránh những điều hiển nhiên. Các nhà nhân loại học trước đó đổ xô vào đủ mọi ngóc ngách không chắc có thật của thế giới nhằm lần ra manh mối sự thật cơ bản về bản chất của chúng ta, đang nằm tản mát trong những chốn hẻo lánh, tù đọng văn hóa, không điển hình và không thành công đến mức gần như tuyệt chủng. Sau đó họ quay trở lại với các sự kiện gây sửng sốt về các tập quán hôn phối kỳ quái, các hệ thống quan hệ họ hàng kỳ dị, hoặc các thủ tục lễ nghi kỳ quặc của các bộ lạc này, và sử dụng các tư liệu này như thể chúng có tầm quan trọng trung tâm đối với tập tính của loài chúng ta khi xét tổng thể. Tất nhiên, công việc do những nhà nghiên cứu này thực hiện cực kỳ thú vị và có giá trị nhất trong việc chỉ ra cho chúng ta thấy điều gì có thể xảy ra khi một nhóm những con vượn trần trụi bị lạc vào một ngõ cụt văn hóa. Nó hé lộ rằng các kiểu hành vi của chúng ta có thể đi chệch xa đến đâu ra khỏi
  13. chuẩn thông thường mà không dẫn tới sự sụp đổ xã hội hoàn toàn. Nhưng nó không cho chúng ta biết tí gì về tập tính điển hình của những con vượn trần trụi điển hình. Điều này chỉ có thể thực hiện bằng cách xem xét các kiểu hành vi chung được chia sẻ giữa mọi thành viên thông thường và thành đạt của các nền văn hóa lớn - các mẫu vật dòng chủ đạo, những cá nhân điển hình đại diện cho đại đa số. Về mặt sinh học, đây là cách tiếp cận hợp lý duy nhất. Phản bác lại điều này, một nhà nhân loại học theo phong cách cũ có thể biện hộ rằng các nhóm bộ lạc đơn sơ về mặt công nghệ gần với bản chất của vấn đề đang xét hơn so với các thành viên của các nền văn minh tiên tiến. Tôi cho rằng không hẳn như vậy. Các nhóm bộ lạc đơn giản đang sinh sống ngày nay không phải là nguyên thủy mà đang tự phủ nhận chính mình. Các bộ lạc nguyên thủy thật sự đã không tồn tại trong nhiều nghìn năm. Vượn trần trụi về bản chất là loài thích khám phá và bất cứ xã hội nào không tiến bộ lên được thì trong một số khía cạnh nhất định là đã thất bại, đã “đi sai đường”. Có điều gì đó đã xảy ra đối với nó làm cho nó tụt hậu, là điều đang chống lại các xu hướng tự nhiên của loài ưa khám phá và điều tra thế giới xung quanh nó. Những đặc trưng mà các nhà nhân loại học trước đây đã nghiên cứu ở các bộ lạc này có thể chính là các đặc trưng cản trở sự tiến bộ của các nhóm liên quan. Vì thế thật nguy hiểm khi sử dụng thông tin này làm cơ sở cho sơ đồ tổng quát bất kỳ về tập tính của chúng ta xét trên phương diện một loài. Ngược lại, các nhà tâm thần học và phân tâm học thì ở gần đích nhắm hơn và tập trung vào nghiên cứu lâm sàng của các mẫu vật dòng chủ đạo. Phần lớn tư liệu ban đầu của họ, mặc dù không chịu tác động của các nhược điểm trong thông tin nhân loại học, nhưng cũng có sự thiên lệch đáng tiếc. Những cá thể mà công bố của các nhà khoa học nói trên dựa vào, dù đều gốc gác từ dòng chủ đạo, nhưng lại là các mẫu vật lệch chuẩn hay bất đắc chí về khía cạnh nào đó. Nếu đó là các cá thể mạnh khỏe, thành đạt và vì thế là cá thể điển hình, thì họ đã không cần phải tìm kiếm sự trợ giúp tâm thần và không đóng góp vào kho thông tin của các nhà tâm thần học. Một lần nữa, tôi không mong muốn làm giảm giá trị của những nghiên cứu loại này. Nó cung cấp cho chúng ta một cái nhìn thấu suốt hết sức quan trọng về cách thức các kiểu tập tính của chúng ta có thể bị phá vỡ. Tôi chỉ muốn nói rằng khi cố gắng thảo luận bản chất sinh học nền tảng của loài chúng ta như một khối tổng thể, sẽ không sáng suốt khi đánh giá quá cao những tìm tòi khám phá nhân loại học và tâm thần học trước đây. (Tôi cũng muốn bổ sung rằng tình hình của nhân loại học và tâm thần học đang thay đổi nhanh chóng. Nhiều nhà nghiên cứu hiện đại trong các lĩnh vực này công nhận hạn chế của những điều tra nghiên cứu trước đây và đang quay sang nghiên cứu các cá thể điển hình và mạnh khỏe ngày càng nhiều
  14. hơn. Như một nhà nghiên cứu đã phát biểu gần đây: “Chúng ta đang đặt cái cày trước con trâu. Chúng ta đã túm lấy những người bất thường, và giờ đây chỉ mới bắt đầu, tuy hơi muộn một chút, tập trung vào những người bình thường.) Cách tiếp cận tôi sử dụng trong quyển sách này lấy tư liệu từ ba nguồn chính: (1) thông tin về quá khứ của chúng ta đã được các nhà cổ sinh vật học khai quật và dựa trên hóa thạch cùng các di vật khác của tổ tiên chúng ta; (2) thông tin có sẵn từ các nghiên cứu tập tính động vật của các nhà tập tính học so sánh, dựa trên quan sát chi tiết trên phạm vi rộng các loài động vật, đặc biệt là những họ hàng còn sinh tồn gần gũi nhất với chúng ta, các loài khỉ và vượn; và (3) thông tin có thể tập hợp được bằng quan sát đơn giản, trực tiếp đối với các kiểu tập tính cơ bản nhất và chia sẻ rộng nhất của các mẫu vật dòng chủ đạo thành đạt từ các nền văn hóa lớn đương đại của bản thân loài vượn trần trụi. Do khối lượng công việc, đơn giản hóa cao độ theo một cách nào đó sẽ là cần thiết. Cách thức tôi thực hiện điều này chủ yếu là tránh đi vào chi tiết của công nghệ và tránh nói dài dòng, mà tập trung vào những khía cạnh nào trong cuộc sống của chúng ta có sự tương ứng hiển nhiên ở các loài khác: các hoạt động như kiếm ăn, chải chuốt, ngủ, tranh đấu, kết đôi và nuôi nấng con cái. Khi đối mặt với các vấn đề nền tảng này, vượn trần trụi phản ứng như thế nào? Các phản ứng của nó so với phản ứng của những loài khỉ và vượn khác như thế nào? Ở phương diện cụ thể nào thì nó là độc nhất vô nhị, và những đặc điểm kì cục của nó có liên quan tới lịch sử tiến hóa đặc biệt của nó như thế nào? Trong quá trình giải quyết những vấn đề này tôi nhận thức rõ rằng tôi đang gánh chịu nguy cơ làm mếch lòng khá nhiều người. Có những người không thích thưởng ngoạn bản chất động vật của chính mình. Họ có thể cho rằng tôi đã hạ cấp loài chúng ta bằng việc thảo luận nó theo các thuật ngữ động vật thô thiển. Tôi chỉ có thể đảm bảo với họ rằng đây không phải là mục đích của tôi. Những người khác sẽ không hài lòng vì bất kỳ sự xâm nhập nào vào lĩnh vực động vật học chuyên sâu mà họ là chuyên gia. Nhưng tôi tin rằng cách tiếp cận này có thể có ích, và dù các thiếu sót của nó có là gì đi chăng nữa, thì nó sẽ rọi một luồng sáng mới (và ở một số khía cạnh khá bất ngờ) vào bản chất phức tạp của loài đặc biệt là con người chúng ta.
  15. CHƯƠNG 1 Nguồn gốc Có một tấm biển gắn trên chuồng tại một vườn thú nào đó thông báo đơn giản rằng “Động vật này mới mẻ đối với khoa học”. Trong chuồng nhốt một con sóc nhỏ chân đen và nó xuất xứ từ châu Phi. Trước đó người ta chưa bao giờ tìm thấy một con sóc chân đen nào trên châu lục này. Người ta không biết gì về nó. Nó không có tên. Đối với nhà động vật học, nó đại diện cho một thách thức tức thì. Cách thức sống của nó như thế nào để làm cho nó trở thành độc nhất vô nhị? Nó khác như thế nào với 366 loài sóc còn sinh tồn khác mà người ta đã biết và miêu tả? Bằng cách thức nào đó, tại một điểm nào đó trong sự tiến hóa của họ nhà sóc, tổ tiên của con sóc này phải tách ra khỏi đồng loại và ổn định cuộc sống trong một quần thể mới sinh sôi nảy nở độc lập. Yếu tố nào của môi trường khiến cho sự cô lập của chúng trở thành một hình thái sống mới? Xu hướng mới ắt phải bắt đầu từ một bước đi nhỏ nhoi nào đó, ở một bầy sóc trong một khu vực có thay đổi đôi chút và thích nghi tốt hơn với các điều kiện đặc thù tại đây. Nhưng tại giai đoạn này chúng vẫn có thể lai giống với các con sóc họ hàng sinh sống cận kề. Hình thái sống mới sẽ có chút ít lợi thế trong khu vực đặc biệt của nó, nhưng nó sẽ không có gì hơn ngoài việc là một chủng của loài cơ sở và có thể bị hòa tan, tái hấp thụ vào dòng chủ đạo ở bất kỳ thời điểm nào. Theo dòng thời gian, nếu những con sóc mới này ngày càng được điều chỉnh để thích nghi hoàn hảo hơn trong môi trường đặc thù của chúng, thì cuối cùng sẽ tới thời điểm mà việc cách ly khỏi sự tạp giao từ các quần thể láng giềng sẽ có lợi hơn đối với chúng. Tại giai đoạn này tập tính xã hội và tình dục của chúng sẽ có thể trải qua những biến đổi đặc biệt, hệ quả là việc lai giống với các loại sóc khác trở thành khó khăn hơn và cuối cùng là không thể. Trước hết, giải phẫu của chúng có thể thay đổi và trở nên thích ứng hơn với loại thức ăn đặc biệt trong vùng, rồi thì tiếng kêu và biểu hiện kết đôi cũng có thể khác biệt, đảm bảo rằng những biểu hiện ấy chỉ hấp dẫn những bạn đời thuộc cùng quần thể mới. Sau cùng, một loài mới có thể xuất hiện, riêng biệt hẳn với những loài cũ, một dạng độc đáo duy nhất của sự sống, đó là loài sóc thứ 367. Khi nhìn vào con sóc chưa được nhận dạng trong chuồng của nó, chúng ta chỉ có thể phóng đoán về những điều này. Tất cả những gì chúng ta có thể chắc chắn là các dấu vết đặc thù trên bộ lông của nó - các chân màu đen của nó - chỉ ra rằng nó là một dạng mới. Nhưng các dấu vết này chỉ giống như các triệu chứng, tựa như dấu hiệu phát ban cung cấp cho vị bác sĩ một manh
  16. mối về bệnh tật của người bệnh. Để thực sự hiểu loài mới này, chúng ta chỉ sử dụng các manh mối này làm điểm khởi đầu, nó mách cho chúng ta biết rằng có điều gì đó khác lạ đáng để theo đuổi. Chúng ta có thể thử phỏng đoán lịch sử của con vật, nhưng điều này sẽ là quá táo bạo và liều lĩnh. Thay vì thế chúng ta sẽ bắt đầu một cách khiêm tốn bằng gán cho nó một cái tên đơn giản và hiển nhiên: gọi nó là sóc chân đen châu Phi. Bây giờ chúng ta phải quan sát và ghi chép lại mọi khía cạnh trong tập tính và cấu trúc của nó, xem xét xem nó khác hoặc giống với các loài sóc khác như thế nào. Sau đó, từng chút một, chúng ta có thể chắp nối câu chuyện của nó. Ưu thế lớn chúng ta có được khi nghiên cứu các động vật như thế là tự bản thân chúng ta không phải là những con sóc chân đen - một thực tế buộc chúng ta phải có thái độ khiêm tốn thích hợp với điều tra nghiên cứu khoa học thật sự. Nhìn sự việc trở nên khác xa, khác đến mức đáng ngại, khi chúng ta bắt tay vào nghiên cứu con người - động vật. Ngay cả đối với một nhà động vật học, người từng gọi một con vật là một con vật, cũng khó tránh được sự tự phụ một cách chủ quan của kẻ trong cuộc. Chúng ta có thể khắc phục được sự bất tiện này ở một mức độ nào đó bằng cách tiếp cận một cách thận trọng và rụt rè hơn đối với loài người, như thể đó là một loài khác, một dạng động vật xa lạ trên bàn mổ xẻ, đang chờ đợi sự phân tích. Chúng ta có thể bắt đầu như thế nào? Giống như với con sóc mới, chúng ta có thể bắt đầu bằng cách so sánh nó với các loài khác có quan hệ họ hàng gần gũi nhất. Từ răng, tay, mắt và một loạt các đặc trưng giải phẫu khác, nó hiển nhiên là một loại linh trưởng nào đó, nhưng rất kỳ quặc. Việc nó kỳ quặc như thế nào chỉ trở nên rõ ràng khi chúng ta trải thành một hàng dài các bộ da của 192 loài khỉ và vượn còn sinh tồn, sau đó thử chèn tấm da sống của con người vào một chỗ thích hợp ở đâu đó trong chuỗi dài này. Bất kỳ chỗ nào chúng ta đặt bộ da người vào thì nó cũng không đúng chỗ. Cuối cùng, chúng ta chỉ còn cách đặt nó vào vị trí bên phải, đoạn cuối hàng chứa các tấm da, tiếp sau các tấm da của các loài vượn lớn không đuôi như tinh tinh và gôrila. Ngay cả ở đây nó cũng quá khác biệt. Chân thì quá dài, tay thì quá ngắn và bàn chân thì quá kỳ dị. Rõ ràng là loài linh trưởng này phát triển một kiểu vận động đặc biệt, điều đó đã biến đổi hình dạng gốc của nó. Nhưng ở đây có một đặc trưng khác gây ra sửng sốt: tấm da này gần như trần trụi. Ngoại trừ các túm lông và tóc dễ thấy trên đầu, trong nách và xung quanh các cơ quan sinh dục, thì bề mặt tấm da này hoàn toàn trần trụi. Khi so sánh với các loài linh trưởng khác, thì sự tương phản là đầy ấn tượng. Thật sự thì một số loài khỉ và vượn cũng có các mảng da trần trụi nhỏ trên mông, mặt hay cổ của chúng, nhưng không ở đâu trong số 192 loài kia có gì đó chỉ hơi giống với tình trạng ở người. Tại điểm này và chưa cần tìm hiểu tiếp, điều hợp lý là đặt tên cho loài mới này là “vượn trần trụi”.
  17. Nó là tên gọi đơn giản, mang tính miêu tả dựa trên quan sát đơn giản, và không tạo ra những giả định đặc biệt. Có lẽ nó sẽ giúp chúng ta giữ được cảm giác chừng mực và duy trì tính khách quan của chúng ta. Nhìn vào mẫu vật kỳ dị này và suy ngẫm về tầm quan trọng của các đặc trưng độc đáo duy nhất của nó, bây giờ nhà động vật học bắt đầu thực hiện các so sánh. Còn ở những đâu nữa thì tình trạng trần trụi là một ưu thế? Các loài linh trưởng khác không thể giúp được gì, vì thế có nghĩa là phải nhìn xa ra một chút. Điều tra nhanh toàn thể các loài động vật có vú còn sinh tồn, ta thấy rằng chúng gắn bó rõ ràng với lớp lông che phủ bảo vệ, và có rất ít trong số 4.237 loài còn tồn tại thấy từ bỏ bộ lông là phù hợp với mình. Không giống như các tổ tiên bò sát của chúng, động vật có vú đã giành được một ưu thế sinh lý lớn trong việc có thể duy trì ổn định thân nhiệt cao. Điều này làm cho cỗ máy tinh xảo và các quá trình trong cơ thể vận hành nhịp nhàng trong điều kiện tối ưu. Nó không phải là đặc tính có thể bị loại bỏ một cách dễ dàng mà không có nguyên cớ. Các phương sách kiểm soát nhiệt độ có tầm quan trọng thiết yếu và việc có một lớp “áo khoác” dày bằng lông và cách nhiệt hiển nhiên đóng một vai trò lớn trong việc ngăn chặn mất nhiệt. Trong ánh nắng nóng, nó cũng sẽ ngăn chặn sự quá nhiệt và những tổn hại cho da do phơi trực tiếp dưới các tia nắng mặt trời. Nếu như lông bị mất đi, rõ ràng phải có lý do rất mạnh để xóa bỏ nó. Trừ một vài ngoại lệ, bước chuyển mạnh mẽ này chỉ có thể thực hiện khi động vật có vú dấn thân vào một môi trường hoàn toàn mới. Các loài động vật có vú biết bay, như những con dơi, buộc phải làm trụi lông cánh của chúng, nhưng vẫn giữ lại đặc tính có lông mao ở những bộ phận khác và khó có thể coi là các loài trần trụi. Các loài động vật có vú đào hang hốc ở một vài trường hợp – chẳng hạn như chuột chũi không lông châu Phi, lợn răng ống và tatu - đã giảm bớt lớp che phủ bằng lông của chúng. Các loài động vật có vú sống dưới nước như cá voi, cá heo, cá heo mõm tù (porpoise), bò biển, lợn biển và hà mã cũng bỏ lớp lông trong quá trình tạo ra hình dáng thuôn dạng khí động của chúng. Nhưng đối với tất cả các loài động vật có vú cư ngụ trên cạn điển hình hơn, cho dù chạy tung tăng trên mặt đất hay leo trèo trên cây, thì một bộ da rậm lông là vật bất ly thân. Nếu không kể các con vật to nặng bất thường như tê giác và voi (cũng gặp các vấn đề riêng về sưởi ấm và làm mát cơ thể), thì vượn trần trụi đứng lẻ loi, khác hoàn toàn với hàng nghìn các loài động vật có vú rậm lông cư ngụ trên đất liền xét về tình trạng trần trụi. Đến đây nhà động vật học buộc phải đưa ra kết luận rằng hoặc là ông đang nghiên cứu một loài thú đào bới hang hốc hoặc là một loài thú sống dưới nước, hoặc là ở đây có điều gì đó rất kỳ cục, quả thực là độc nhất, xung quanh lịch sử tiến hóa của vượn trần trụi. Trước khi sắp đặt một chuyến quan sát dài hơi động vật này trong hình dạng hiện tại của nó, điều đầu tiên cần
  18. làm là lần ngược trở lại quá khứ và xem xét các tổ tiên trực tiếp của nó càng gần càng tốt. Có lẽ bằng cách xem xét các hóa thạch và di vật khác và bằng cách đối chiếu với các họ hàng còn sinh tồn gần gũi nhất của nó, chúng ta sẽ ít nhiều hình dung được điều gì đã xảy ra khi loài linh trưởng mới này xuất hiện và tách khỏi cả đám họ hàng ấy. Sẽ là quá dài dòng khi trình bày tại đây mọi mảnh chứng cứ nhỏ lẻ mà người ta đã chịu khó thu thập trong thế kỷ qua. Thay vì thế, chúng ta sẽ giả định rằng nhiệm vụ này đã được thực hiện và đơn giản chỉ tóm tắt các kết luận có thể rút ra từ đó, kết hợp thông tin có được từ công việc của các nhà cổ sinh vật học luôn thèm khát hóa thạch với những sự kiện mà các nhà tập tính học theo dõi vượn kiên nhẫn đã thu lượm được. Nhóm linh trưởng, mà vượn trần trụi của chúng ta nằm trong số đó, vốn có dòng dõi từ thú ăn sâu bọ nguyên thủy. Những động vật có vú ban đầu này là các sinh vật nhỏ bé và tầm thường, luôn chật vật tìm cách sinh tồn trong rừng, khi các chúa tể bò sát ngự trị trong thế giới động vật. Khoảng 50 tới 80 triệu năm trước, sau khi thời kỳ hoàng kim của bò sát sụp đổ, các động vật ăn sâu bọ nhỏ bé này bắt đầu mạo hiểm tiến tới những vùng lãnh thổ mới. Tại đó chúng lan tỏa ra và phát triển thành nhiều hình dạng kỳ lạ. Một số trở thành những động vật ăn cây cỏ và đào bới trong lòng đất để tìm kiếm sự an toàn, hoặc phát triển đôi chân dài giống như cà kheo để chạy trốn khỏi kẻ thù. Một số khác trở thành những sát thủ với vuốt dài và răng nhọn. Mặc dù các loài bò sát chính yếu đã thoái vị và rời bỏ đấu trường, nhưng vùng đồng đất rộng rãi một lần nữa vẫn là chiến trường. Trong khi đó, ở nhóm còi cọc, các đôi chân nhỏ vẫn dựa vào sự an toàn của thảm thực vật rừng. Tất nhiên ở đây cũng có sự phát triển. Những động vật ăn sâu bọ thuở trước bắt đầu mở rộng chế độ ăn uống và làm chủ các vấn đề tiêu hóa trong việc nuốt ngấu nghiến các loại quả, hạt, quả mọng, chồi và lá cây. Khi chúng tiến hóa thành những dạng linh trưởng thấp nhất thì thị lực của chúng cũng được cải thiện, mắt dịch chuyển về phía trước của mặt và các chi cũng phát triển để trở thành công cụ cầm nắm thức ăn. Với thị lực ba chiều, các chi khéo léo và bộ não tăng lên một cách chậm chạp, càng ngày chúng càng trở thành thống trị trong thế giới trên cây. Trong khoảng từ 25 tới 35 triệu năm trước, những con vật sẽ thành khỉ này đã bắt đầu tiến hóa thành khỉ thật sự. Chúng phát triển đuôi dài và cân xứng, đồng thời gia tăng kích thước cơ thể một cách đáng kể. Một số trong chúng tiến theo con đường để trở thành các chuyên gia ăn lá cây, nhưng phần lớn vẫn duy trì khẩu phần ăn uống đa dạng và hỗn tạp. Theo dòng thời gian, một số sinh vật tựa như khỉ này trở nên to lớn hơn và nặng hơn. Thay vì chạy và nhảy chúng chuyển sang kiểu chuyền cành - đánh đu bằng cách
  19. chuyền tay dọc theo mặt dưới của các cành cây. Đuôi trở thành lỗi thời. Kích thước của chúng, mặc dù làm chúng cồng kềnh hơn khi ở trên cây, nhưng cũng làm cho chúng ít phải cảnh giác hơn trước các cuộc đột kích từ phía mặt đất. Ngay cả khi như vậy, ở giai đoạn này - giai đoạn dạng vượn - cũng có nhiều điều cần nói về việc chúng cố bám theo lối sống có sự thừa thãi và dễ kiếm ăn tại vườn Địa đàng của chúng. Chỉ khi nào môi trường đột ngột xô đẩy chúng vào các không gian rộng mở thì chúng mới chịu di chuyển. Không giống như các nhà khám phá là động vật có vú trước đây, chúng đã trở thành chuyên biệt hóa với sự tồn tại trong rừng. Hàng triệu năm phát triển đã biến chúng thành tầng lớp quý tộc của rừng, nếu vào thời gian đó chúng rời bỏ rừng thì chúng buộc phải cạnh tranh với các động vật ăn cỏ và các sát thủ sống trên mặt đất có ưu thế cao hơn. Và vì thế chúng lưu lại nơi này để đánh chén hoa quả và lặng lẽ chăm lo công việc của chính chúng. Cần phải nhấn mạnh rằng xu hướng phát triển thành vượn này vì một số lý do chỉ diễn ra tại Cựu Thế giới. Các loài khỉ đã tiến hóa tách biệt thành các động vật cư ngụ trên cây tiên tiến ở cả Cựu Thế giới và Tân Thế giới, nhưng nhánh linh trưởng châu Mỹ chẳng bao giờ lên tới dạng vượn. Ngược lại, tại Cựu thế giới, các dạng vượn tổ tiên đã lan tỏa trên một khu vực rừng rộng lớn, từ đầu này ở miền tây châu Phi, tới đông nam châu Á ở đầu kia. Ngày nay các dấu vết còn lại của sự bành trướng này có thể thấy ở tinh tinh cùng gôrila tại châu Phi và vượn tay dài cùng đười ươi ở châu Á. Ở khoảng giữa hai thái cực này của thế giới, thế giới hiện nay hoàn toàn thiếu vắng vượn có lông. Các cánh rừng tươi tốt sum suê đã mất đi. Điều gì đã xảy ra với những con vượn ban đầu? Chúng ta biết rằng khí hậu đã bắt đầu gây bất lợi cho chúng và rằng, vào thời điểm khoảng 15 triệu năm trước, các thành trì rừng rú của chúng đã bắt đầu suy giảm diện tích nghiêm trọng. Những con vượn tổ tiên buộc phải thực hiện một trong hai điều: hoặc là cố bám lấy những gì còn sót lại từ khu rừng cũ, hoặc, theo ý nghĩa gần như cách diễn đạt của Kinh Thánh, chúng phải đối mặt với việc bị tống cổ ra khỏi vườn Địa đàng. Các tổ tiên của tinh tinh, gôrila, vượn tay dài và đười ươi đã ở lại với rừng, và kể từ đó số lượng của chúng teo đi một cách chậm chạp. Các tổ tiên của loài vượn còn sống sót duy nhất khác - vượn trần trụi - đã ra đi, rời bỏ rừng và lao vào cuộc cạnh tranh với các động vật vốn đã thích nghi có hiệu quả với sự cư ngụ trên mặt đất trần trụi. Đây là hành động đầy rủi ro, nhưng nếu nói về thành công tiến hóa thì nó đã được ban thưởng rất hậu. Câu chuyện về thành công của vượn trần trụi từ thời điểm này trở đi đã được biết khá rõ, nhưng sự tóm tắt ngắn gọn sẽ vẫn có ích, do một điều sống
  20. còn là cần ghi nhớ các sự kiện xảy ra tiếp theo, nếu chúng ta muốn đạt được hiểu biết khách quan về tập tính hiện nay của loài này. Đối mặt với môi trường mới, một viễn cảnh ảm đạm đang chờ đón tổ tiên của chúng ta. Họ buộc phải trở thành hoặc là những sát thủ tốt hơn so với những động vật ăn thịt thời trước, hoặc là ăn cỏ tốt hơn so với các động vật ăn cỏ thời trước. Ngày nay, từ trong ý thức chúng ta biết rằng thành công đến từ cả hai hướng; nhưng nông nghiệp chỉ mới có từ vài nghìn năm nay, mà chúng ta lại đang nói tới vài triệu năm. Sự khai thác chuyên môn hóa các dạng thực vật của vùng đồng cỏ nằm ngoài khả năng của các tổ tiên ban đầu của chúng ta và phải chờ sự phát triển các kĩ thuật tiên tiến của thời kỳ hiện đại. Họ không có hệ tiêu hóa cần thiết cho việc xử lý trực tiếp thức ăn từ đồng cỏ. Khẩu phần ăn gồm quả và hạt (quả hạch) của rừng có thể được chuyển thành khẩu phần ăn rễ củ và thân hành tìm thấy ở ngay mặt đất, nhưng nguồn thức ăn rất hạn chế. Thay vì chìa tay ra đầu cành một cách lười biếng để nắm lấy quả chín ngon ngọt thì vượn mặt đất tìm kiếm rau cỏ sẽ buộc phải chịu khó cào bới trong đất cứng để có được món ăn ngon của nó. Tuy nhiên, khẩu phần ăn trong rừng trước đây của nó cũng không phải chỉ có quả và hạt. Chắc chắn các protein động vật đóng vai trò quan trọng trong thức ăn của nó. Xét cho cùng, nó xuất thân từ nhóm động vật ăn sâu bọ, và quê hương trên cây từ thời cổ xưa của nó luôn luôn có nhiều sâu bọ. Những con bọ béo ngậy, trứng, chim non yếu ớt, nhái bén và những con bò sát nhỏ tất cả đều có lợi cho nó. Có nghĩa là chúng không gây ra những vấn đề lớn đối với hệ tiêu hóa khá đa tạp của vượn. Hạ xuống mặt đất thì nguồn cung cấp thực phẩm này cũng không bị mất đi và không có gì cản trở nó gia tăng thành phần này trong khẩu phần ăn uống. Ban đầu, loài vượn này không phù hợp với vai trò của một sát thủ chuyên nghiệp trong thế giới động vật ăn thịt. Ngay cả một con cầy lỏn nhỏ, chưa nói gì tới những con thú lớn họ mèo, cũng có thể giết nó như giết một con mồi. Nhưng vẫn còn những con non của mọi loài động vật, những con yếu ớt hay ốm đau, để săn bắt, và bước đầu tiên trên con đường trở thành động vật ăn thịt có máu mặt cũng khá dễ dàng. Tuy nhiên, phần thưởng lớn thật sự, lại là tư thế vững chãi trên những đôi chân dài, giống như cà kheo, sẵn sàng chạy trốn ngay tức thì với tốc độ hoàn toàn không thể tưởng tượng nổi. Các động vật móng guốc chứa đầy protein vẫn nằm ngoài phạm vi của nó. Chúng ta đang nói tới một triệu năm gần đây hay đại loại như thế trong lịch sử tổ tiên của loài vượn trần trụi, và tới một loạt những sự tiêu vong và phát triển đầy ấn tượng ngày càng gia tăng. Nhiều sự kiện đã xảy ra cùng nhau, và nhận thức điều đó rất quan trọng. Khi câu chuyện được kể lại, người ta thường xuyên đề cập tới các phần tách bạch của câu chuyện như thể một sự tiến bộ lớn này dẫn tới một sự tiến bộ lớn khác, nhưng điều đó là
  21. không đúng. Vượn mặt đất đã có bộ não to và phát triển cao. Chúng cũng có mắt tinh, còn các cánh tay có thể cầm nắm hiệu quả. Giống như linh trưởng, chắc chắn chúng có tổ chức xã hội ở một mức độ nào đó. Do áp lực lớn đối với chúng trong việc phải gia tăng năng lực giết con mồi của mình, nên những thay đổi sống còn bắt đầu diễn ra. Chúng trở thành đứng thẳng mau chóng hơn, chạy tốt hơn. Tay chúng được giải phóng khỏi nhiệm vụ vận động và trở thành bộ phận cầm nắm vũ khí khỏe và hiệu quả. Bộ não của chúng trở thành cơ quan ra quyết định nhanh hơn và phức tạp hơn. Những điều này không diễn ra kế tiếp nhau thành một chuỗi lớn có trật tự; mà diễn ra cùng nhau, những tiến bộ nhỏ diễn ra đầu tiên ở một phẩm chất này rồi sang phẩm chất khác, mỗi tiến bộ nhỏ này lại thúc đẩy những tiến bộ nhỏ khác diễn ra. Con vượn săn mồi, con vượn sát thủ, đã được tạo ra. Cũng cần phải chỉ rõ rằng sự tiến hóa có thể đã tạo thuận lợi cho bước phát triển ít triệt để hơn của một sát thủ kiểu như mèo hay chó điển hình, một loại vượn mèo hay vượn chó, bằng quá trình đơn giản là phát triển to răng và móng tay thành các vũ khí nguy hiểm tương tự như răng nanh và vuốt. Nhưng nếu như thế sẽ đặt vượn mặt đất tổ tiên chúng ta vào sự cạnh tranh trực tiếp với những sát thủ mèo và chó đã chuyên biệt hóa rất cao. Có nghĩa là tranh đấu với chúng theo điều kiện ưu thế riêng của chúng, và kết quả đương nhiên sẽ là thảm họa đối với những con linh trưởng đang được đề cập. (Theo những gì chúng ta biết, trên thực tế điều đó có thể từng là phép thử và thất bại tồi tệ đến mức chẳng còn để lại chứng cứ nào.) Thay vì thế, cách tiếp cận mới hoàn toàn đã được tạo ra bằng cách sử dụng các vũ khí nhân tạo thay cho những vũ khí tự nhiên, và cách này tỏ ra có hiệu quả. Từ sử dụng công cụ tới tạo ra công cụ là bước kế tiếp, cùng với sự phát triển này thì các kĩ thuật săn mồi cũng được cải thiện, không chỉ ở phương diện các loại vũ khí mà còn ở phương diện hợp tác xã hội. Vượn đi săn là những thợ săn thành bầy, khi các kĩ thuật giết con mồi đã được cải thiện thì các phương thức tổ chức xã hội của chúng cũng được cải thiện theo. Các bầy sói cũng khai thác những điều này, nhưng vượn đi săn lại có bộ não phát triển hơn nhiều so với sói nên có thể ứng dụng khả năng của mình để giải quyết những vấn đề như liên lạc nhóm và hợp tác. Các mưu mẹo ngày càng phức tạp cũng được phát triển. Sự tăng trưởng của bộ não đã tỏ rõ sự lợi hại. Về bản chất, đó là nhóm thợ săn gồm những con đực. Các con cái quá bận rộn trong việc chăm sóc lũ con nên không thể đóng vai trò chính trong việc dồn đuổi và bắt con mồi. Khi độ phức tạp của cuộc đi săn tăng lên và những vụ cướp phá trở nên kéo dài hơn, điều thiết yếu đối với vượn đi săn là từ bỏ lối sống lang thang nay đây mai đó của tổ tiên. Chỗ trú ngụ trở thành cần thiết, nơi chúng trở về với chiến lợi phẩm, nơi các con cái và lũ con đang chờ đợi và cùng chia sẻ thức ăn. Bước tiến này, như chúng ta sẽ thấy trong
  22. các chương sau, tác động sâu sắc lên nhiều khía cạnh trong tập tính của ngay cả những con vượn trần trụi phức tạp nhất ngày nay. Vì thế vượn đi săn trở thành vượn chiếm giữ lãnh thổ. Toàn bộ kiểu mẫu quan hệ tình dục, quan hệ làm cha mẹ và quan hệ xã hội của nó cũng bắt đầu chịu ảnh hưởng. Kiểu sống lang thang hái hoa quả trước đó nhanh chóng tàn lụi. Bây giờ nó đã thực sự rời bỏ khu rừng địa đàng của mình. Nó là con vượn với những trách nhiệm. Nó bắt đầu lo lắng về những vật dụng tiền sử tương đương với máy giặt và tủ lạnh ngày nay. Nó bắt đầu phát triển những tiện nghi gia đình như lửa, tích trữ thức ăn, những nơi trú ẩn tự tạo. Nhưng đây là chỗ bây giờ chúng ta phải dừng lại, do chúng ta đang ra khỏi địa hạt sinh học để tiến vào địa hạt văn hóa. Cơ sở sinh học của những bước chuyển tiến bộ này nằm ở sự phát triển của bộ não đủ to và phức tạp để cho phép vượn đi săn thực hiện được những bước tiến ấy, nhưng dạng cụ thể mà chúng có được không còn là vấn đề của điều khiển di truyền đặc thù nữa. Loài vượn của rừng trở thành loài vượn mặt đất, kế đó chuyển thành loài vượn đi săn rồi trở thành loài vượn chiếm lĩnh lãnh thổ đã chuyển thành loài vượn văn hóa, và chúng ta phải tạm thời dừng ở đây. Tại đây cũng cần phải nhắc lại rằng, trong quyển sách này, chúng ta không quan tâm đến sự bùng nổ văn hóa to lớn xảy ra sau đó, những thứ mà vượn trần trụi ngày nay vẫn lấy làm tự hào - sự tiến bộ mạnh mẽ đã dẫn dắt nó, chỉ trong khoảng nửa triệu năm, từ việc tạo ra lửa tới chỗ chế tạo ra tàu vũ trụ. Câu chuyện này đầy hồi hộp, nhưng vượn trần trụi đang lâm vào chỗ bị lóa mắt bởi tất cả những điều này và quên đi rằng ẩn sâu phía dưới sự hào nhoáng bề mặt thì nó vẫn chỉ là một loài linh trưởng. (Một con vượn vẫn chỉ là con vượn, một kẻ hầu vẫn chỉ là kẻ hầu, cho dù chúng có được che phủ bằng nhung lụa đắt tiền.) Ngay cả con vượn vũ trụ cũng phải đi tiểu. Chỉ bằng cách đưa ra cái nhìn tỉnh táo vào nguồn gốc của chúng ta và sau đó nghiên cứu các khía cạnh sinh học trong cách thức chúng ta hành xử ngày nay trong vai trò của một loài thì chúng ta mới có thể thật sự đạt được hiểu biết cân bằng và khách quan về sự tồn tại khác thường của chính mình. Nếu chúng ta chấp nhận lịch sử tiến hóa của mình như được phác họa tại đây, thì thực tế sau đây trở nên hết sức rõ ràng: về bản chất chúng ta đã được sinh ra với vị thế những linh trưởng săn mồi. Trong số những loài khỉ và vượn còn tồn tại thì điều này làm cho chúng ta trở thành độc nhất vô nhị, nhưng những chuyển đổi lớn kiểu này không phải là không thấy ở những nhóm khác. Chẳng hạn, gấu trúc lớn[8] là ví dụ hoàn hảo của quá trình ngược lại. Trong khi chúng ta từ ăn thực vật trở thành ăn thịt thì gấu trúc lại từ ăn thịt chuyển thành ăn thực vật, và giống như chúng ta, ở nhiều khía cạnh nó cũng là sinh vật khác thường, độc nhất vô nhị. Vấn đề là ở chỗ sự chuyển đổi
  23. lớn kiểu này tạo ra một loài động vật có tính chất kép. Khi vượt qua ngưỡng giới hạn, nó nhanh chóng nhập vào vai trò mới của mình với một sinh lực tiến hóa lớn, nhưng vẫn còn mang theo nhiều đặc tính cũ của mình. Khoảng thời gian trôi qua không đủ để xóa bỏ tất cả các đặc tính cũ trong khi nó lại vội vàng tạo ra những đặc tính mới. Khi cá cổ đại lần đầu chiếm lĩnh vùng đất khô cạn, các phẩm chất sống trên cạn mới của chúng đã vượt lên phía trước trong khi chúng vẫn tiếp tục kéo theo những phẩm chất sống dưới nước. Phải mất hàng triệu năm để hoàn thiện được một hình thái động vật mới hoàn toàn, và quả thực các dạng tiên phong thường là những sự pha trộn rất kỳ quặc. Vượn trần trụi là sự pha trộn như thế. Toàn bộ cơ thể cũng như cách sống của nó phù hợp với sự tồn tại trong rừng, và sau đó nó bị quăng đột ngột (đột ngột theo nghĩa tiến hóa) vào một thế giới nơi nó chỉ có thể sống sót nếu bắt đầu lối sống giống như một con sói thông minh và mang theo vũ khí. Bây giờ chúng ta phải xem xét một cách chính xác xem điều đó ảnh hưởng thế nào, không chỉ đối với cơ thể, mà đặc biệt là tới hành vi của nó, và chúng ta kinh qua ảnh hưởng của di sản này trong thời điểm ngày nay như thế nào. Một cách thức để thực hiện điều này là so sánh cấu tạo và cách thức sống của một linh trưởng hái quả “thuần túy” với một linh trưởng ăn thịt “thuần túy”. Một khi đã làm sáng tỏ các khác biệt căn bản có liên quan tới hai phương thức trái ngược nhau trong việc kiếm ăn thì chúng ta mới có thể quay lại xem xét vị trí của vượn trần trụi để thấy sự pha trộn đã hoạt động như thế nào. Những anh tài nổi bật nhất trong đội ngũ đông đảo các động vật ăn thịt, ở một phía là chó hoang và chó sói, và ở phía kia là những con thú lớn thuộc họ mèo như sư tử, hổ và báo. Chúng được trang bị những giác quan hoàn hảo, tinh vi không chê vào đâu được. Thính giác của chúng tinh nhạy, các tai ngoài có thể ve vẩy và bắt được những tiếng sột soạt hay tiếng khịt khịt nhẹ nhất. Mắt chúng, cho dù kém đối với các chi tiết tĩnh tại và màu sắc, lại thính nhạy một cách đáng kinh ngạc với những chuyển động nhỏ nhất. Khứu giác của chúng cũng tốt đến mức chúng ta khó sánh nổi. Chúng có khả năng phân biệt các mùi chắc giống như nhìn thấy một cảnh quan ảo. Chúng không chỉ có khả năng phát hiện một mùi riêng biệt với độ chính xác cao, mà còn phân biệt được các mùi thành phần tách biệt của một mùi phức hợp. Các thí nghiệm được thực hiện trên chó năm 1953 chỉ ra rằng khứu giác của chúng tinh nhạy hơn chúng ta khoảng từ một triệu tới một tỷ lần. Những kết quả đáng ngạc nhiên này bị nghi ngờ, và sau đó, những thử nghiệm kĩ lưỡng hơn đã không thể xác nhận kết luận trên, nhưng ngay cả những ước tính thận trọng nhất cũng cho thấy khứu giác của chó tốt hơn chúng ta khoảng một trăm lần.
  24. Bổ sung cho các giác quan hạng nhất này; chó hoang và thú lớn họ mèo còn có thể trạng lực sĩ tuyệt vời. Những con mèo là các vận động viên chạy nước rút nhanh như chớp, còn những con chó là các vận động viên chạy việt dã với sức bền dẻo dai. Để giết chết con mồi, chúng vận dụng các quai hàm to khỏe, những chiếc răng sắc nhọn và với những con thú lớn họ mèo là cả các chi trước đầy cơ bắp, được trang bị bằng các móng vuốt lớn sắc nhọn như dao găm. Với các động vật này, tự bản thân hành vi giết con mồi đã trở thành mục đích, một tập tính hoàn hảo. Thực tế là chúng hiếm khi giết chết con mồi một cách bừa bãi hay hoang phí, nhưng nếu trong tình trạng bị giam cầm, một trong những động vật ăn thịt này được cho thức ăn đã làm sẵn, thì bản năng săn mồi của chúng vẫn trỗi dậy. Mỗi lần một con chó nhà được chủ dắt đi dạo hay ném que cho nó đuổi bắt thì bản năng săn bắt của nó vẫn trỗi dậy mà không cần thiết phải được ban thưởng bằng thức ăn đóng hộp cho chó. Ngay cả một con mèo nhà mập ú nhất cũng có nhu cầu đi rình mò đêm đêm và chực chờ cơ hội để lao vào một con chim bất cẩn nào đó. Hệ tiêu hóa của chúng phù hợp với sự nhịn ăn kéo dài tương đối lâu sau khi đã nhồi nhét đầy bụng. (Chẳng hạn, một con sói có thể ăn một bữa với lượng thức ăn tới 1/5 khối lượng cơ thể của nó - tương đương với bạn hay tôi ngấu nghiến 13-18kg thịt nướng trong một bữa ăn.) Thức ăn của chúng có giá trị dinh dưỡng cao và rất ít khi bị phí phạm. Tuy nhiên, phân của chúng bẩn thỉu và bốc mùi, việc đại tiện của chúng cũng bao gồm các kiểu tập tính đặc biệt. Trong một số trường hợp, phân của chúng được giấu đi và khu vực đó được che đậy cẩn thận. Ở những trường hợp khác, hành động đại tiện luôn luôn được thực hiện ở khoảng cách xa đáng kể từ nơi trú ngụ của chúng. Khi những con non làm dơ bẩn hang thì con mẹ sẽ ăn hết các cặn bã đó để giữ cho ngôi nhà của chúng được sạch sẽ. Tích trữ thực phẩm theo cách đơn giản cũng được chúng thực hiện. Xác súc vật hay các bộ phận của nó có thể được giấu đi, như chó và một vài loài mèo nhất định vẫn làm; hoặc chúng có thể được đem giấu trên chạc cây, như ở báo. Các thời kỳ hoạt động thể lực tích cực trong mùa săn bắt và giết chóc luôn luôn xen kẽ với những thời kỳ lười biếng và nghỉ ngơi. Trong những cuộc đọ sức bầy đàn thì các vũ khí mạnh mẽ mang tính sống còn với kĩ năng giết chóc tạo thành mối đe dọa tiềm tàng đối với sinh mệnh và cơ thể trong bất kỳ cuộc tranh chấp và kình địch nhỏ nào. Nếu hai con sói hay hai con sư tử bất hòa, vì cả hai đều được trang bị đầy mình nên trận chiến giữa chúng có thể xảy ra ngay tức thì và hậu quả là tàn tật hay tử vong. Điều này có thể gây nguy hiểm nghiêm trọng tới sự sinh tồn của loài, và tiến trình tiến hóa lâu dài đã ban cho những loài này vũ khí giết chóc tối thượng, thì cũng cần thiết phải gia tăng các kiềm chế mạnh trong việc sử dụng các vũ khí của
  25. mình đối với các thành viên khác cùng loài. Những ức chế này dường như có cơ sở di truyền đặc trưng: chúng không cần phải học. Các dáng điệu quy phục đặc biệt đã tiến hóa để tự động nhân nhượng con đầu đàn và ngăn chặn cuộc tấn công của nó. Sự nhuần nhuyễn các tín hiệu này là phần sống còn trong cách sống của động vật ăn thịt “thuần túy”. Phương thức săn mồi thực tế thay đổi tùy theo từng loài. Loài báo lén lút đi theo hay ẩn nấp đơn độc và vồ con mồi vào thời khắc cuối cùng. Báo ghêpa luôn rình mò cẩn thận và tiếp theo là dốc toàn lực rượt đuổi con mồi. Sư tử thường hoạt động theo nhóm, con mồi hoảng loạn bị một con sư tử dồn đuổi về phía những con sư tử khác đang ẩn nấp. Đối với một bầy sói thì có thể bao gồm các thủ đoạn bao vây và tiếp theo là cả bầy xông vào giết thịt con mồi. Chó săn châu Phi thực hiện kiểu xa luân chiến tàn nhẫn, những con chó kế tiếp nhau lao vào tấn công cho tới khi con mồi đang chạy trốn kiệt sức do mất máu. Các nghiên cứu gần đây tại châu Phi đã phát hiện ra rằng linh cẩu đốm cũng là những kẻ săn mồi theo bầy tàn ác chứ không phải chủ yếu là động vật ăn xác chết như người ta từng nghĩ trước đây. Sai lầm là do linh cẩu chỉ hình thành bầy trong đêm tối, còn những lần ăn xác thối không quan trọng vào ban ngày luôn luôn được người ta ghi lại. Khi hoàng hôn buông xuống, linh cẩu trở thành một sát thủ tàn nhẫn, cũng hiệu quả như những con chó săn ban ngày. Khoảng 30 con có thể đi săn cùng nhau. Chúng dễ dàng bắt kịp những con ngựa vằn hay linh dương mà khi đó không dám chạy hết tốc lực như ban ngày. Những con linh cẩu cắn xé phần chân của bất kỳ con mồi nào trong tầm săn đuổi cho tới khi một con bị thương tới mức tụt lại phía sau bầy đang chạy trốn. Sau đó tất cả những con linh cẩu cùng đổ xô vào con này, xé toạc những phần mềm cho tới khi con mồi gục xuống và bị giết chết. Linh cẩu sống chung trong hang hốc. Số lượng một nhóm hay một “thị tộc” sử dụng chung nơi trú ngụ này có thể từ mười tới một trăm con. Những con cái thường lảng vảng trong khu vực gần nơi trú ngụ này, nhưng những con đực thì lưu động hơn và có thể đi lang thang tới các khu vực khác. Có sự gây hấn đáng kể giữa các thị tộc nếu những cá thể riêng lẻ đang lang thang bị bắt gặp bên ngoài lãnh thổ của chúng, nhưng giữa các thành viên của cùng một thị tộc nào đó thì sự gây hấn là không đáng kể. Người ta cũng biết là có sự chia sẻ thức ăn ở một số loài. Tất nhiên, với một con mồi lớn thì lượng thịt đủ cho cả nhóm đi săn và không cần thiết phải tranh chấp, nhưng trong một số trường hợp thì sự chia sẻ này còn tiến xa hơn thế. Chẳng hạn, người ta biết rằng chó săn châu Phi ợ thức ăn cho nhau sau khi cuộc đi săn kết thúc. Trong một số trường hợp chúng thực hiện điều này tới mức độ mà người ta có thể đề cập tới như thể chúng có “dạ dày chung”.
  26. Động vật ăn thịt nuôi con nhỏ gặp một số phiền hà đáng kể trong việc cung cấp thức ăn cho lũ con đang lớn. Sư tử cái sẽ đi săn và mang thịt về hang hoặc sẽ nuốt những tảng thịt to và sau đó ợ ra cho các con non. Người ta cũng ghi nhận việc sư tử đực đôi khi tham gia vào việc này, nhưng dường như đó không phải là một thói quen thông thường. Ngược lại, người ta biết có những con sói đực từng đi xa tới 15 dặm để kiếm được thức ăn cho cả sói cái lẫn sói con. Những miếng xương lớn nhiều thịt được mang về cho các con gặm, hoặc các tảng thịt nuốt từ con mồi bị giết và sau đó được ợ ra khi về tới hang. Những điều này là một phần trong số các đặc trưng chính của các “chuyên gia” ăn thịt, do nó có liên quan tới kiểu sống săn bắt của chúng. Các đặc trưng này so sánh với các đặc trưng của khỉ và vượn hái quả điển hình như thế nào? Ở linh trưởng bậc cao, thị giác trội hơn nhiều khứu giác. Trong thế giới trèo cây của chúng, nhìn tốt quan trọng hơn so với ngửi tốt, và mõm đã co ngắn lại đáng kể, tạo cho mắt tầm nhìn tốt hơn. Trong việc tìm kiếm thức ăn, màu sắc của quả là yếu tố có ích, và không giống như ở động vật ăn thịt, linh trưởng đã tiến hóa để có thị lực tốt đối với màu sắc. Mắt chúng cũng tốt hơn trong việc phân biệt các chi tiết tĩnh tại. Thức ăn của chúng bất động và việc phát hiện các chuyển động nhỏ là ít thiết yếu hơn so với việc nhận ra các khác biệt khó thấy về hình dáng và cấu tạo. Thính giác cũng quan trọng, nhưng ít hơn so với ở các sát thủ lần theo dấu vết, nên các tai ngoài của chúng nhỏ hơn và kém linh động so với động vật ăn thịt. Vị giác thì tinh tế hơn. Khẩu phần ăn biến đổi nhiều hơn và nhiều hương vị - ở đây có nhiều thứ hơn để ăn. Đặc biệt, chúng có phản ứng tích cực mạnh đối với các đồ vật có vị ngọt. Vóc dáng của linh trưởng phù hợp cho việc leo trèo, nhưng không phù hợp cho việc chạy đua tốc độ cao trên mặt đất hay cho những hoạt động cần đến sức bền. Đó là cơ thể lẹ làng của một diễn viên nhào lộn chứ không phải thân hình vạm vỡ của một lực sĩ mạnh mẽ. Tay thích hợp cho việc cầm nắm nhưng lại không thích hợp khi xé hay đâm. Hai quai hàm và răng khỏe vừa phải, nhưng không giống như bộ máy đồ sộ, kẹp chặt và cắn xé của động vật ăn thịt. Thỉnh thoảng mới giết một con mồi nhỏ và tầm thường nên không đòi hỏi phải tốn quá nhiều sức lực. Trên thực tế, giết chóc không phải là phần cơ bản trong cách sống của linh trưởng. Việc ăn uống diễn ra suốt ngày. Thay vì những bữa ăn nhồi nhét khủng khiếp tiếp theo là những ngày nhịn ăn kéo dài thì khỉ và vượn vẫn duy trì cuộc sống với những bữa ăn tóp tép không ngừng nghỉ. Tất nhiên, chúng cũng có các giai đoạn nghỉ ngơi, thường là vào buổi trưa và ban đêm, nhưng
  27. dù thế nào đi chăng nữa thì sự tương phản là rõ nét. Thức ăn bất động luôn luôn có sẵn, chỉ chờ được hái và ăn. Tất cả những gì các động vật này cần thực hiện chỉ là di chuyển từ chỗ kiếm ăn này sang một chỗ khác, khi khẩu vị của chúng thay đổi hay do quả vào mùa hoặc hết mùa. Việc lưu giữ thức ăn là không cần thiết, ngoại trừ trường hợp tạm thời, trong các túi má căng phồng của một số loài khỉ nhất định. Phân của chúng cũng ít bốc mùi hơn phân của các động vật ăn thịt và chúng không phát triển một tập tính đặc biệt nào để giải quyết chất thải, do phân rơi từ trên cây xuống và cách xa con vật. Cả nhóm luôn luôn di chuyển nên có rất ít nguy cơ hôi hám hay bốc mùi quá mức đối với một khu vực cụ thể. Ngay cả các loài vượn lớn đi ngủ trong các ổ ngủ đặc biệt cũng tạo ra chiếc giường mới tại chỗ mới mỗi đêm, vì thế chúng ít có nhu cầu phải lo lắng về làm vệ sinh ổ. (Quả thực, một điều đáng ngạc nhiên khi người ta phát hiện thấy 99% số ổ gôrila đã bỏ trống trong một khu vực tại châu Phi có phân gôrila bên trong, và 73% số con vật thực sự đã nằm trong đó. Điều này nhất định phải tạo nên rủi ro bệnh tật bởi sự gia tăng nguy cơ tái nhiễm trùng, và đó là minh họa đáng chú ý về việc linh trưởng không dành sự quan tâm cơ bản tới phân thải ra.) Do bản chất tĩnh tại và sự dồi dào của nguồn thức ăn nên một nhóm linh trưởng không cần thiết phải chia tách để tìm kiếm thức ăn. Chúng có thể di chuyển, lẩn trốn, nghỉ ngơi và ngủ cùng nhau trong một cộng đồng chặt chẽ, mọi thành viên để mắt tới chuyển động và hoạt động của thành viên khác. Mỗi cá thể của nhóm tại bất kỳ thời điểm nào đó sẽ có một ý niệm tương đối tốt về những gì những thành viên khác đang làm. Đây là hành động không phải của động vật ăn thịt. Ngay cả ở những loài linh trưởng thỉnh thoảng có chia tách đàn thì đơn vị nhỏ hơn cũng không bao giờ chỉ là một cá thể riêng lẻ. Một con khỉ hay vượn đơn độc là sinh vật dễ bị tổn thương. Nó thiếu các vũ khí tự nhiên mạnh mẽ của động vật ăn thịt và khi cô lập rất dễ biến thành con mồi cho những sát thủ rình mò. Tinh thần hợp tác hiện diện ở những kẻ đi săn thành bầy như sói nói chung không có trong thế giới linh trưởng. Tính cạnh tranh và địa vị thống trị là hiện tình của nó. Tất nhiên, sự cạnh tranh trong hệ thống tôn ti xã hội cũng có mặt ở cả hai nhóm, nhưng nó ít bị kiềm chế hơn bằng hành động hợp tác trong trường hợp của khỉ và vượn. Các động thái phối hợp phức tạp cũng không cần thiết: sự nối tiếp của hành vi kiếm ăn không cần thiết phải xâu chuỗi cùng nhau theo kiểu phức tạp như vậy. Linh trưởng có thể sống theo kiểu tạm bợ, chỉ cần đáp ứng nhu cầu thiết yếu là đủ. Do nguồn cung cấp thức ăn của linh trưởng nằm xung quanh nó nên nó ít khi phải di chuyển trên một khoảng cách lớn. Các nhóm gôrila hoang dã,
  28. dạng linh trưởng còn sinh tồn to lớn nhất, đã được nghiên cứu kĩ lưỡng và các chuyển động của chúng được lần theo vết, vì thế hiện nay chúng ta biết rằng trung bình chúng di chuyển mỗi ngày chỉ khoảng 1/3 dặm (khoảng 530m). Đôi khi chúng chỉ di chuyển vài trăm foot (1 foot tương đương 0,3m). Ngược lại, động vật ăn thịt phải thường xuyên đi hàng dặm trong mỗi chuyến đi săn. Trong một số trường hợp, người ta biết rằng chúng phải di chuyển trên 50 dặm trong một hành trình săn bắt và phải mất vài ngày mới trở về đến nơi trú ngụ. Tập tính trở về nơi trú ngụ cố định là điển hình ở động vật ăn thịt, nhưng lại ít phổ biến hơn ở khỉ và vượn. Quả thực, một nhóm linh trưởng sẽ sống trong một phạm vi được xác định tương đối rõ ràng, nhưng về đêm thì hầu như chắc chắn nó sẽ nằm nghỉ ở bất kỳ đâu, nơi nó kết thúc một ngày lang thang. Nó biết khu vực chung nơi nó sinh sống do nó luôn luôn lang thang tới lui trong khu vực này, nhưng nó có xu hướng sử dụng toàn bộ khu vực này theo cách thức ngẫu nhiên hơn. Hơn nữa, tác động giữa đàn này với đàn khác cũng mang ít tính phòng thủ và ít gây hấn hơn so với ở động vật ăn thịt. Một lãnh thổ theo định nghĩa là một khu vực được phòng thủ, và vì thế linh trưởng không thể được coi là động vật chiếm giữ lãnh thổ điển hình. Một điểm nhỏ nhưng thích hợp ở đây, là động vật ăn thịt bị những con bọ chét ký sinh nhưng linh trưởng thì không. Khỉ và vượn bị chấy rận và các loài ký sinh ngoài nào đó quấy nhiễu, nhưng trái với quan điểm đại chúng, chúng hoàn toàn không có bọ chét, vì một lý do rất chính đáng. Để hiểu điều này, cần thiết phải xem xét vòng đời của bọ chét. Côn trùng này đẻ trứng không phải trên cơ thể sinh vật chủ của nó mà trong các mảnh vụn tại nơi ngủ của nạn nhân. Trứng của chúng mất ba ngày để nở thành những con giòi nhỏ lúc nhúc. Những ấu trùng này không sống bằng máu mà bằng các chất thải tích tụ trong chất bẩn của hang hay ổ. Sau hai tuần chúng kéo kén và biến thành nhộng. Chúng duy trì trạng thái ngủ này thêm khoảng hai tuần nữa trước khi trở thành bọ chét trưởng thành, sẵn sàng nhảy nhót trên cơ thể sinh vật chủ thích hợp. Vì thế, ít nhất là một tháng đầu tiên trong vòng đời của mình, bọ chét bị tách rời khỏi sinh vật chủ của nó. Từ đây, một điều rõ ràng giải thích tại sao một con thú du cư, như khỉ hay vượn, lại không bị bọ chét quấy nhiễu. Ngay cả khi nếu một ít bọ chét bị lạc lối, ngẫu nhiên xuất hiện trên một con nào đó và giao phối thành công thì trứng của chúng cũng sẽ bị bỏ lại phía sau khi nhóm linh trưởng di chuyển đi, và khi những con nhộng nở ra thì ở đó sẽ không có sinh vật chủ đang “ở nhà” để tiếp tục mối quan hệ. Vì thế bọ chét chỉ ký sinh lên những động vật có nơi trú ngụ cố định, chẳng hạn các động vật ăn thịt điển hình. Tầm quan trọng của điểm này sẽ trở nên rõ ràng ngay sau đây. Để thể hiện sự tương phản trong cách sống của động vật ăn thịt và linh
  29. trưởng, một mặt tôi đã tập trung một cách tự nhiên vào những thợ săn của vùng đồng cỏ điển hình, và mặt khác vào những thợ hái quả cư ngụ trong rừng điển hình. Có những ngoại lệ nhỏ nhất định đối với các quy tắc chung ở cả hai phía, nhưng bây giờ chúng ta phải tập trung vào ngoại lệ chính - đó là vượn trần trụi. Ở mức độ như thế nào nó có thể thay đổi chính mình, để pha trộn di sản là động vật ăn quả của nó với khả năng ăn thịt mới được tiếp nhận? Chính xác thì điều đó biến nó trở thành kiểu động vật nào? Trước hết, nó có các giác quan không thích hợp cho cuộc sống trên mặt đất. Mũi nó quá kém và tai không đủ thính. Thể trạng của nó hoàn toàn không tương xứng với những thử thách cần sự chịu đựng gian khổ và với những cuộc chạy đua nhanh như chớp. Về tính cách thì nó mang tính cạnh tranh nhiều hơn so với hợp tác và chắc chắn là kém trong việc trù tính thực hiện và tập trung năng lực. Nhưng thật may mắn là nó có bộ não thượng hạng, tốt hơn so với các đối thủ ăn thịt khác của nó khi xét theo trí thông minh nói chung. Bằng cách làm cho cơ thể trở thành đứng thẳng, thay đổi tay theo một hướng, chân theo một hướng khác và bằng sự cải thiện bộ não của nó thêm nữa và sử dụng bộ não ấy tích cực hơn, nó đã có cơ hội. Nói ra thì dễ, nhưng để có thể đạt được phải mất một thời gian dài và điều đó lại có đủ loại tác động ngược trở lại đối với các khía cạnh khác trong cuộc sống thường nhật của vượn trần trụi, như chúng ta sẽ thấy trong các chương sau. Tất cả những gì chúng ta cần quan tâm tới bây giờ là điều đó đã đạt được như thế nào và điều đó có ảnh hưởng như thế nào tới tập tính săn mồi và kiếm ăn của nó. Do cần phải giành chiến thắng trong một trận chiến bằng trí óc chứ không phải bằng sức mạnh cơ bắp nên một số bước tiến hóa vượt bậc đã được thực hiện để gia tăng mạnh mẽ sức mạnh trí óc của nó. Những gì xảy ra thật khác thường: vượn đi săn đã trở thành vượn thơ ấu. Mẹo tiến hóa này không phải là đơn nhất; nó xảy ra ở một số trường hợp hoàn toàn không dính dáng tới nhau. Nói một cách đơn giản, nó là quá trình (được gọi là kéo dài tình trạng thơ ấu) mà một số đặc tính vị thành niên hay thơ ấu nào đó được giữ lại và kéo dài cho tới khi trưởng thành. (Một ví dụ nổi tiếng là con giông mối Mexico, một loài giông mối có thể giữ tình trạng nòng nọc trong suốt cuộc đời và có khả năng sinh sản trong tình trạng này.)[9] Muốn hiểu rõ nhất cách thức của quá trình kéo dài tình trạng thơ ấu giúp bộ não của linh trưởng lớn lên và phát triển, chúng ta nên để ý tới đứa con chưa sinh ra của một con khỉ điển hình. Trước khi sinh ra thì bộ não của bào thai khỉ gia tăng nhanh chóng kích thước và độ phức tạp. Khi con vật sinh ra thì não của nó đã đạt tới 70% kích thước cuối cùng của bộ não khỉ trưởng thành. 30% còn lại được nhanh chóng hoàn thành trong sáu tháng đầu tiên
  30. của cuộc đời. Ngay cả một con tinh tinh non cũng hoàn thành sự phát triển bộ não của nó trong vòng 12 tháng sau khi sinh ra. Ngược lại, loài người chúng ta có bộ não khi sinh ra chỉ bằng 23% kích thước trưởng thành cuối cùng. Sự phát triển nhanh tiếp tục trong sáu năm sau khi sinh ra, và toàn bộ quá trình phát triển cho mãi tới khoảng năm thứ 23 của cuộc đời mới hoàn thành. Như thế, đối với bạn và tôi thì sự phát triển của bộ não còn tiếp tục trong khoảng mười năm sau khi chúng ta đã đạt tới sự thuần thục giới tính, nhưng đối với tinh tinh việc này được hoàn thành trong vòng sáu hay bảy năm trước khi con vật trở thành thuần thục về mặt sinh sản. Điều này giải thích rất rõ ràng ý nghĩa của câu nói chúng ta đã trở thành những con vượn thơ ấu, nhưng một điều thiết yếu là phải xác định cho rõ tuyên bố này. Chúng ta (hay đúng hơn là các tổ tiên là vượn đi săn của chúng ta) đã trở thành thơ ấu trong một số phương diện, chứ không phải là trong các phương diện khác. Tốc độ phát triển các đặc tính khác nhau của chúng ta không đồng đều cùng nhịp. Trong khi các hệ thống sinh sản của chúng ta lao lên phía trước thì sự phát triển bộ não của chúng ta lại lề mề đi đằng sau. Và điều này cũng diễn ra với các bộ phận khác cấu thành nên cơ thể chúng ta, một số bị chậm lại một cách rõ nét, một số khác bị chậm lại một chút và một số khác nữa thì hoàn toàn không bị chậm. Nói cách khác, ở đây diễn ra quá trình nhi tính có phân biệt. Khi xu hướng này xảy ra, chọn lọc tự nhiên sẽ ưu đãi cho quá trình làm chậm lại của bộ phận bất kỳ nào đó cấu thành nên con vật mà có thể giúp nó tồn tại được trong môi trường mới đầy thù địch và khó khăn. Bộ não không phải là bộ phận duy nhất trong cơ thể chịu ảnh hưởng: dáng điệu cơ thể cũng chịu ảnh hưởng theo kiểu như vậy. Một con thú chưa sinh ra có trục của đầu vuông góc với trục của thân. Nếu nó được sinh ra trong tình trạng như thế thì đầu của nó sẽ hướng xuống mặt đất khi nó di chuyển bằng cả bốn chân, nhưng trước khi sinh ra thì đầu ngả ngược về phía sau sao cho trục của nó thẳng hàng với trục của thân. Vậy là khi nó ra đời và bước đi thì đầu của nó hướng về phía trước theo bộ dạng đã được chấp nhận. Nhưng nếu con thú mà bước đi bằng các chân sau theo tư thế đứng thẳng thì đầu của nó sẽ hướng lên phía trên, nhìn lên trời. Vì thế, điều quan trọng đối với con vật đứng thẳng, như vượn đi săn, là duy trì góc vuông của đầu so với cơ thể ở trạng thái bào thai, sao cho đầu luôn hướng về phía trước, cho dù ở tư thế vận động mới, đây chính là điều đã xảy ra và một lần nữa phải nói rằng nó là một ví dụ về sự kéo dài tình trạng thơ ấu, giai đoạn trước khi sinh ra được giữ nguyên cho tới sau khi sinh ra và trong cuộc sống trưởng thành. Nhiều đặc điểm cơ thể khác của vượn đi săn có thể được giải thích theo cách này: cổ dài thanh mảnh, tình trạng tẹt của mặt, răng có kích thước nhỏ và mọc chậm, không có các gờ lông mày rậm và ngón chân cái không xoay
  31. được. Tóm lại, hiện tượng có rất nhiều đặc tính riêng biệt ở phôi thai có giá trị tiềm tàng đối với vai trò mới của vượn đi săn chính là đột phá tiến hóa mà nó cần. Trong cố gắng kéo dài tình trạng thơ ấu, nó cần cả bộ não cũng như cơ thể đi kèm với bộ não ấy. Nó có thể chạy theo chiều thẳng đứng với các tay tự do để cầm nắm và sử dụng các vũ khí, cùng lúc đó nó đã phát triển bộ não để có thể phát triển các loại vũ khí. Hơn thế nữa, nó không chỉ trở nên có đầu óc hơn khi điều khiển các đồ vật, mà còn có thời thơ ấu dài hơn để học hỏi từ cha mẹ và những con vượn đi săn trưởng thành khác. Khỉ và tinh tinh con rất tinh nghịch, tò mò và có óc sáng tạo, nhưng giai đoạn này nhanh chóng mất đi. Ở các khía cạnh này, tuổi thơ ấu của vượn trần trụi được kéo dài cho tới tận cuộc sống trưởng thành về mặt tình dục. Có rất nhiều thời gian để bắt chước và học hỏi kĩ thuật đặc biệt các thế hệ đi trước đã sáng chế ra. Điểm yếu của nó trong vai trò một thợ săn cần thể lực và bản năng có thể được bù đắp nhiều hơn bằng trí thông minh và các khả năng bắt chước. Nó có thể được cha mẹ dạy bảo kinh nghiệm theo cách thức mà không có bất kỳ động vật nào khác trước đó được dạy bảo. Nhưng tự bản thân sự dạy bảo là không đủ. Hỗ trợ di truyền là điều cần có. Các thay đổi sinh học cơ bản trong bản chất của vượn đi săn phải diễn ra cùng quá trình này. Nếu chỉ đơn giản lấy một con linh trưởng điển hình, sống trong rừng, hái quả, loại được miêu tả trước đây, và lắp cho nó một bộ não to cùng một cơ thể phù hợp với việc săn bắt thì vẫn khó biến con vật này trở thành một con vượn đi săn thành công nếu thiếu một số các thay đổi khác. Các kiểu tập tính cơ bản của nó có thể vẫn bị sai. Nó có thể nghĩ ra những kế sách rất thông minh, nhưng các thúc đẩy bản năng mang tính động vật nền tảng hơn của nó có thể vẫn không đúng kiểu cần có. Sự dạy bảo sẽ vận hành chống lại các khuynh hướng tự nhiên của nó, không chỉ trong tập tính kiếm ăn mà còn trong xã hội, tập tính gây hấn và tập tính tình dục chung và cả trong mọi khía cạnh tập tính cơ bản khác thuộc về sự tồn tại linh trưởng điển hình trước đó. Nếu các thay đổi được di truyền thúc đẩy không xảy ra thì sự giáo dục mới cho vượn đi săn non sẽ là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn. Rèn luyện văn hóa có thể thu được nhiều kết quả, nhưng dù cỗ máy trung tâm cao cấp trong bộ não có xuất sắc thế nào đi nữa thì vẫn cần hỗ trợ ở mức độ đáng kể từ các khu vực cấp thấp hơn. Nếu nhìn lại khác biệt giữa một động vật ăn thịt “thuần túy” điển hình và một linh trưởng “thuần túy” điển hình, chúng ta có thể thấy điều trên khá rõ. Động vật ăn thịt tiên tiến chia tách các hành động tìm kiếm thức ăn (săn bắt và giết chóc) ra khỏi các hành động ăn uống. Chúng trở thành hai hệ thống
  32. động cơ mang tính bản năng chỉ lệ thuộc phần nào vào nhau. Điều đó xảy ra bởi vì toàn bộ trình tự trên là quá dài và mất nhiều công sức. Hành động kiếm ăn quá cách xa nhau về thời gian, vì thế tự bản thân hành động giết chóc đã trở thành một phần thưởng. Ngay cả các nghiên cứu với mèo cũng chỉ ra rằng trình tự đó lại được phân chia tiếp. Bắt con mồi, rồi giết chết, chế biến (nhổ lông con mồi), và ăn thịt, mỗi hành vi đều có hệ thống động cơ thúc đẩy riêng rẽ, độc lập một phần với nhau. Nếu một kiểu tập tính trong số này đã được thỏa mãn khi đạt được mục đích thì nó không tự động làm thỏa mãn các tập tính khác. Đối với linh trưởng hái quả thì tình thế lại hoàn toàn khác biệt. Mỗi trình tự kiếm ăn, bao gồm tìm kiếm thức ăn đơn giản và sau đó ăn ngay lập tức, là tương đối ngắn ngủi, vì thế việc chia tách ra thành các hệ thống động cơ thúc đẩy tách biệt là không cần thiết. Đây chính là điều cần phải được thay đổi và đã thay đổi triệt để ở vượn đi săn. Bản thân việc đi săn cần phải trở thành một phần thưởng, nó không còn đơn giản chỉ là hành động thúc đẩy bởi sự thèm ăn và dẫn tới kết cục ăn uống cho thỏa chí. Có lẽ, giống như ở mèo, các công đoạn như đi săn, giết chóc và chế biến thức ăn đều phát triển những mục đích riêng biệt và độc lập của chính nó, và mỗi công đoạn đó đều kết thúc một cách tự thân. Như thế thì mỗi hành động phải tìm ra cách kết thúc thỏa mãn cho chính nó và không làm giảm mong muốn thỏa mãn những hành động khác trong chuỗi. Nếu chúng ta xem xét - như sẽ làm ở chương sau - tập tính kiếm ăn của các con vượn trần trụi ngày nay, chúng ta sẽ nhận ra rằng có nhiều dấu hiệu cho thấy quá trình giống như vậy đã xảy ra trong quá khứ. Bổ sung thêm cho việc trở thành sát thủ về mặt sinh học (chứ không phải về mặt văn hóa), vượn đi săn cũng phải thay đổi việc sắp xếp thời gian trong hành vi ăn uống. Những bữa ăn vặt liên tục bị loại bỏ và được thay thế bằng những bữa ăn lớn, cách quãng dài. Việc lưu giữ thức ăn đã được thực hành. Xu hướng cơ bản trong việc trở về nơi trú ngụ cố định phải được gắn vào hệ thống tập tính. Khả năng định hướng và trở về nhà phải được cải thiện. Đại tiện phải trở thành kiểu tập tính có tổ chức về mặt không gian, một hoạt động riêng tư (của động vật ăn thịt) thay vì một hoạt động cộng đồng (của linh trưởng). Tôi từng đề cập trước đây rằng một hệ quả của việc sử dụng nơi trú ngụ cố định là tăng khả năng bị bọ chét ký sinh. Tôi cũng đã nói rằng các động vật ăn thịt thì có bọ chét còn các linh trưởng thì không. Nếu như vượn đi săn là độc nhất vô nhị trong số các loài linh trưởng ở chỗ có nơi trú ngụ cố định, thì chúng ta cũng có thể cho rằng nó phá vỡ quy tắc của linh trưởng liên quan tới bọ chét, điều dường như đã xảy ra trong hoàn cảnh này. Chúng ta biết rằng ngày nay loài chúng ta bị các côn trùng này ký sinh và rằng chúng
  33. ta có loại bọ chét đặc thù - loài tiến hóa cùng chúng ta. Nếu đã đủ thời gian để nó phát triển và trở thành một loài mới, thì nó ắt phải từng sống cùng chúng ta trong một khoảng thời gian rất dài, đủ dài để trở thành kẻ đồng hành không được chào đón kể từ những ngày đầu tiên của vượn đi săn. Về mặt xã hội thì vượn đi săn phải gia tăng thiên hướng giao tiếp và hợp tác với những đồng tộc của nó. Nét mặt và thanh âm đã trở nên phức tạp hơn. Với các vũ khí mới trong tay, nó buộc phải phát triển các tín hiệu mạnh mẽ để có thể ngăn chặn các cuộc tấn công trong phạm vi nhóm xã hội. Mặt khác, để bảo vệ nơi trú ngụ cố định, nó phải phát triển các phản ứng gây hấn mạnh hơn đối với thành viên của các nhóm kình địch. Do các đòi hỏi trong kiểu sống mới của mình, nó phải kiềm chế thiên hướng đặc trưng của linh trưởng, đó là không bao giờ tách rời khỏi cả nhóm đông đảo. Có được tinh thần hợp tác mới nảy sinh, và do tính thất thường của nguồn cung cấp, nên nó phải học cách phân chia thức ăn. Giống như những con sói cha từng được đề cập trước đây, những con vượn đi săn đực cũng phải đem các nguồn cung cấp thức ăn về nhà để nuôi vượn cái cùng lũ con lớn chậm của chúng. Hành vi làm cha kiểu như vậy phải là sự phát triển mới, vì quy luật chung của linh trưởng là mọi sự chăm sóc của cha mẹ đều đến từ phía con mẹ. (Chỉ có linh trưởng khôn ngoan, như vượn đi săn của chúng ta, là biết cha đẻ của nó.) Do các con non có thời gian lệ thuộc cực kỳ dài và các nhu cầu lớn, nên con mẹ phải gần như thường xuyên chỉ quẩn quanh gần nơi trú ngụ. Ở phương diện này thì kiểu sống mới của vượn đi săn cũng làm nảy sinh một vấn đề đặc biệt, một vấn đề không có ở những động vật ăn thịt “thuần túy” điển hình: vai trò của giới tính phải trở nên khác biệt hơn. Các buổi đi săn, không giống như ở động vật ăn thịt “thuần túy”, phải là các nhóm chỉ toàn con đực. Nếu có điều gì đó ngược lại với bản chất của linh trưởng thì chính là đây. Việc một con linh trưởng đực đầy sinh lực phải ra ngoài kiếm ăn và bỏ lại các con cái không được che chở trước hành động theo đuổi từ bất kỳ con đực nào khác có thể đi ngang qua là điều chưa từng có. Không có sự giáo hóa nào có thể giải quyết ổn thỏa tình huống này. Cần có một sự dịch chuyển lớn trong tập tính xã hội. Giải pháp là sự phát triển của liên kết đôi. Vượn đi săn đực và cái phải yêu nhau và chung thủy với nhau. Đây là xu hướng chung ở nhiều nhóm động vật khác, nhưng lại hiếm ở linh trưởng. Việc này giải quyết được ba vấn đề một lúc. Các con cái phải ràng buộc và chung thủy với các con đực của mình trong khi chúng đi săn ở xa bên ngoài. Nghĩa là sự kình địch tình dục nghiêm trọng giữa các con đực bị giảm bớt, đồng thời giúp phát triển
  34. tính hợp tác của chúng. Nếu chúng đi săn cùng nhau thành công, thì các con đực yếu cũng như các con đực khỏe hơn đều có vai trò của mình. Chúng phải đóng vai trò trung tâm và không bị đẩy ra rìa xã hội, như đã xảy ra ở nhiều loài linh trưởng. Hơn thế, với các vũ khí lợi hại mới được tạo ra và phát triển, vượn đi săn đực phải chịu áp lực mạnh trong việc giảm bớt bất kỳ mối bất hòa nào trong phạm vi bộ lạc. Thứ ba, sự phát triển của đơn vị sinh sản một đực một cái có nghĩa là lũ con của chúng cũng được hưởng lợi. Nhiệm vụ nặng nề trong chăm sóc và rèn luyện lũ con lớn chậm đòi hỏi phải có một đơn vị gia đình cố kết. Ở các nhóm động vật khác, cho dù là cá, chim hay thú, khi có gánh nặng quá lớn khiến con cha hay con mẹ khó có thể gánh vác một mình thì chúng ta thấy có sự phát triển của liên kết đôi mạnh mẽ, ràng buộc con bố và con mẹ lại cùng nhau trong suốt mùa sinh sản. Điều này cũng xảy ra đối với vượn đi săn. Theo cách này, các con cái tin chắc nhận được sự hỗ trợ của các con đực và có thể dành hết sức lực vào trách nhiệm làm mẹ. Các con đực tin chắc về lòng trung thành của các con cái, yên tâm rời xa chúng để đi săn và tránh phải đánh nhau để tranh giành con cái. Còn lũ con được quan tâm, chăm sóc tối đa. Điều này nghe có vẻ dường như là giải pháp lý tưởng, nhưng nó bao hàm một sự thay đổi lớn trong tập tính tình dục - xã hội của linh trưởng, và như chúng ta sẽ thấy sau này, quá trình đó chưa bao giờ thực sự hoàn hảo. Một điều rõ ràng qua tập tính của loài chúng ta ngày nay là xu hướng này chỉ được hoàn tất một phần và các thôi thúc bản năng kiểu linh trưởng trước đây của chúng ta vẫn cứ tiếp tục tái xuất hiện dưới các dạng không rõ rệt lắm. Đây chính là cách thức vượn đi săn đảm nhiệm vai trò của động vật ăn thịt nguy hiểm và thay đổi các cách sống linh trưởng một cách tương ứng. Tôi đồ rằng chúng là các thay đổi sinh học cơ bản chứ không phải chỉ đơn thuần là các thay đổi văn hóa, và rằng loài mới đã thay đổi về mặt di truyền theo cách này. Bạn có thể cho đây là một giả định không có cơ sở. Bạn sẽ cảm thấy - do sức mạnh tác động của nhồi sọ văn hóa - rằng các thay đổi có thể dễ dàng thực hiện được bằng cách rèn luyện và phát triển truyền thống mới. Tôi nghi ngờ điều này. Chỉ cần nhìn vào tập tính của loài chúng ta ngày nay để thấy rằng điều đó không hẳn như vậy. Phát triển văn hóa từng tạo ra cho chúng ta những tiến bộ công nghệ ngày càng ấn tượng hơn, nhưng ở bất cứ nơi nào, khi những tiến bộ này xung đột với các đặc tính sinh học cơ bản của chúng ta thì chúng đều vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ. Các kiểu mẫu tập tính nền tảng đã được định hình vào thuở ban sơ của loài người, khi chúng ta là những con vượn đi săn, vẫn còn ảnh hưởng trong tất cả các hành động của chúng ta, không phụ thuộc vào việc những hành động đó cao cấp như thế nào. Nếu việc tổ chức các hoạt động trần tục của chúng ta - kiếm ăn, sợ hãi, gây hấn, tình dục, và sự chăm sóc từ phía cha mẹ dành cho con cái - đã được
  35. phát triển chỉ duy nhất bằng các biện pháp văn hóa, thì hẳn nhiên vào lúc này chúng ta đã có thể kiểm soát được những hoạt động đó tốt hơn và nhào nặn biến đổi tập tính của mình cách này cách kia sao cho thỏa mãn các nhu cầu phát triển ngày càng khác thường mà các tiến bộ công nghệ của chúng ta đặt ra đối với chúng ta. Nhưng chúng ta đã không làm được như vậy. Chúng ta đã nhiều lần cúi đầu chịu thua trước bản tính động vật của mình và ngấm ngầm thừa nhận sự tồn tại của một con thú phức tạp vẫn cựa quậy trong mỗi chúng ta. Nếu trung thực, chúng ta sẽ thú nhận rằng để thay đổi tình trạng hiện hành phải mất hàng triệu năm, bằng chính quá trình di truyền của chọn lọc tự nhiên đã tạo ra nó. Trong khi ấy, các nền văn minh phức tạp đến mức khó tin của chúng ta sẽ chỉ thịnh vượng nếu chúng ta trù tính chúng theo kiểu sao cho chúng không mâu thuẫn với hay có xu hướng kìm nén các nhu cầu mang tính động vật cơ bản của chúng ta. Thật không may là bộ óc tư duy không phải lúc nào cũng hòa hợp với bộ óc cảm nhận của chúng ta. Có nhiều ví dụ chỉ ra rằng sự phát triển không đúng hướng đã dẫn những xã hội loài người tới sự diệt vong hay trì trệ. Trong các chương tiếp theo chúng ta sẽ thử xem điều này đã xảy ra như thế nào, nhưng trước hết có một câu hỏi cần được trả lời - câu hỏi đã được nêu ra ở phần mở đầu chương này. Khi lần đầu tiên bắt gặp loài kỳ lạ này, chúng ta nhận thấy rằng nó có một đặc trưng nổi bật ngay lập tức so với toàn bộ số còn lại, khi nó được đặt như một mẫu vật trong chuỗi dài các linh trưởng. Đặc trưng này là bộ da trần trụi của nó, đã dẫn tôi, trong vai trò của một nhà động vật học, tới việc đặt tên cho sinh vật này là “vượn trần trụi”. Kể từ đó chúng ta cũng nhận thấy là có thể đặt cho nó bất kỳ tên gọi nào thích hợp: vượn thẳng đứng, vượn chế tạo công cụ, vượn trí óc, vượn chiếm lĩnh lãnh thổ Nhưng tất cả những tên gọi này đều không phải là những đặc điểm đầu tiên chúng ta nhận biết được. Được xem đơn giản như một mẫu động vật tại viện bảo tàng, chính sự trần trụi gây ấn tượng ngay lập tức, và đó là tên gọi chúng ta sẽ bám vào, chỉ cần đặt nó ngang hàng với các nghiên cứu động vật học khác và nhắc nhở chúng ta rằng đó là cách thức đặc thù dùng để tiếp cận nó. Nhưng tầm quan trọng của đặc điểm kỳ lạ này là gì? Tại sao vượn đi săn lại trở thành vượn trần trụi? Không may là hóa thạch không giúp được gì khi xem xét tới khác biệt về da và lông, vì thế chúng ta không thể hình dung được chính xác khi nào thì tình trạng trần trụi đại trà đã xảy ra. Có thể tương đối chắc chắn rằng nó không thể xảy ra trước khi tổ tiên của chúng ta rời bỏ quê hương trong rừng. Nó là sự phát triển kỳ quặc khó tin đến mức dường như rất có thể nó là một đặc trưng khác nữa của sự biến đổi lớn xảy ra trên các bình nguyên rộng mở. Nhưng chính xác nó đã xảy ra như thế nào, và nó giúp cho loài vượn đang nổi lên sống sót như thế nào?
  36. Vấn đề này đã làm đau đầu các chuyên gia trong một thời gian dài và nhiều học thuyết giàu tưởng tượng đã được đề ra. Một trong những ý tưởng hứa hẹn nhất cho rằng nó là một bộ phận khăng khít của quá trình kéo dài tình trạng thơ ấu. Nếu xem xét một con tinh tinh mới sinh, bạn sẽ thấy rằng đầu nó có nhiều lông, nhưng cơ thể gần như trần trụi. Nếu tình trạng này bị làm trễ lại cho tới khi con vật trưởng thành do kéo dài tình trạng thơ ấu thì tình trạng lông lá của con tinh tinh trưởng thành cũng sẽ rất giống của chúng ta. Một điều thú vị là ở chính loài chúng ta thì sự kìm hãm mọc lông do hiện tượng kéo dài tình trạng thơ ấu thúc đẩy cũng không hoàn tất hoàn toàn. Một bào thai đang phát triển vẫn tiến về phía tính trạng có lông của động vật có vú điển hình, vì thế trong khoảng từ tháng thứ sáu cho tới tháng thứ tám trong dạ con, nó được một lớp lông nhỏ và mịn che phủ gần như hoàn toàn. Lớp lông che phủ bào thai này được gọi là lông tơ và chỉ rụng ngay trước khi sinh. Những đứa trẻ đẻ non đôi khi chào đời vẫn còn lớp lông tơ này, khiến cha mẹ chúng sợ hãi, nhưng ngoại trừ một số trường hợp rất hiếm thì nói chung lớp lông này sẽ biến mất nhanh chóng. Có không quá 30 trường hợp đã được ghi nhận về các gia đình sinh con mà khi trưởng thành vẫn còn mang thân hình phủ đầy lông lá. Dẫu vậy, mọi thành viên trưởng thành của loài chúng ta cũng có một lượng lớn lông trên cơ thể - trên thực tế là nhiều hơn so với tinh tinh, họ hàng gần của chúng ta. Không phải chúng ta đã thật sự mất toàn bộ lông dày mà là chúng ta chỉ mọc ra những sợi lông nhỏ bé. (Tuy nhiên là điều này không đúng với mọi chủng tộc - người da đen đã trải qua cả sự mất lông thật sự cũng như mất lông biểu kiến.) Thực tế này đã khiến một số nhà giải phẫu học tuyên bố rằng chúng ta không thể coi bản thân là loài không lông hay loài trần trụi, và một chuyên gia nổi tiếng còn đi xa hơn thế khi nói rằng: coi chúng ta là “ít lông nhất trong số tất cả các loài linh trưởng là rất xa so với sự thật; và do đó, hàng loạt các học thuyết kỳ quặc từng được đưa ra để giải thích cho sự mất lông tưởng tượng là hoàn toàn không cần thiết, nói một cách khoan dung”. Đây rõ ràng là một lời nói bừa. Nó có khác gì nói rằng vì một người mù có đôi mắt nên ông ta không phải người mù. Về mặt chức năng, chúng ta trần trụi và da của chúng ta hoàn toàn bị phô bày ra đối với thế giới bên ngoài. Tình trạng này vẫn cần được giải thích, không phụ thuộc vào việc chúng ta có thể đếm được bao nhiêu sợi lông nhỏ dưới kính phóng to. Diễn giải bằng hiện tượng kéo dài tình trạng thơ ấu chỉ cung cấp manh mối về việc sự trần trụi xảy ra như thế nào. Nó không cho chúng ta biết một tí nào về giá trị của tình trạng trần trụi xét như một đặc tính mới giúp cho vượn trần trụi có thể sống sót tốt hơn trong môi trường thù địch. Người ta có
  37. thể cho rằng nó không có giá trị gì, rằng nó chỉ đơn thuần là phụ phẩm của các thay đổi kéo dài tình trạng thơ ấu khác và thiết yếu hơn, chẳng hạn như sự phát triển của bộ não. Nhưng như chúng ta đã thấy, quá trình kéo dài tình trạng thơ ấu là sự làm trễ có phân hóa của các quá trình phát triển. Một số thứ bị làm chậm lại nhiều hơn so với những thứ khác - tốc độ phát triển không đều nhau. Vì thế, khó có thể xảy ra tình huống đặc điểm thơ ấu tiềm ẩn nguy hiểm như sự trần trụi lại có thể được phép tồn tại đơn giản chỉ vì các thay đổi khác cũng bị làm chậm lại. Trừ khi có giá trị đặc biệt đối với loài mới, còn không nó sẽ bị quá trình chọn lọc tự nhiên giải quyết dứt điểm nhanh chóng. Vậy thì giá trị sinh tồn của bộ da trần trụi là gì? Một diễn giải cho rằng khi vượn đi săn từ bỏ quá khứ du cư và yên tâm với cuộc sống tại nơi trú ngụ cố định, hang hốc của nó bị các động vật ký sinh trên da tràn vào quấy phá nghiêm trọng. Việc sử dụng cùng một chỗ ngủ hết đêm này qua đêm khác được cho là đã cung cấp nền tảng sinh sôi vô cùng thuận lợi cho một loạt các loài ve, bét, bọ chét và rệp, tới mức mà tình thế đã tạo ra rủi ro bệnh tật nghiêm trọng. Bằng cách loại bỏ lớp lông che phủ, những kẻ sống trong hang này có thể đương đầu tốt hơn với vấn đề bọ rệp. Có thể có một phần sự thật trong ý tưởng này, nhưng khó có thể coi nó mang tầm quan trọng chính yếu. Chỉ có rất ít các loài thú sống trong hang khác - và ở đây có hàng trăm loài để đối chiếu - thực hiện bước thay đổi này. Tuy nhiên, nếu sự trần trụi được thúc đẩy bởi một nguyên nhân khác nào đó, thì nhân tiện nó cũng giúp loại bỏ dễ dàng hơn những sinh vật ký sinh da khó chịu, một nhiệm vụ mà ngày nay vẫn tiêu tốn nhiều thời gian đối với những loài linh trưởng nhiều lông hơn. Một ý tưởng khác với lập luận tương tự cho rằng vượn đi săn có các tập tính kiếm ăn quá bừa bãi đến mức bộ lông che phủ nhanh chóng trở thành cáu bẩn và một lần nữa lại dẫn tới rủi ro bệnh tật. Ý tưởng này chỉ ra rằng kền kền, những con vật dúi đầu và cổ vào các xác chết đầy máu, cũng mất hết lông tại những bộ phận này; và rằng sự phát triển như vậy, nhưng diễn ra trên khắp cơ thể, có thể đã xảy ra đối với vượn đi săn. Nhưng khả năng phát triển các công cụ để giết và lột da con mồi khó có thể xuất hiện trước khả năng sử dụng các vật khác để lau chùi lông của các thợ săn này. Ngay cả tinh tinh sống hoang dã cũng đôi khi dùng lá cây làm giấy vệ sinh khi gặp khó khăn với việc đại tiện. Một đề xuất từng cho rằng sự phát triển của lửa đã dẫn tới việc biến mất lớp lông che phủ. Vượn đi săn chỉ cảm thấy lạnh về đêm và khi có được sự xa xỉ là ngồi vòng quanh bếp lửa thì nó không cần đến bộ lông thú, nhờ thế cho phép bản thân đối phó tốt hơn với sức nóng ban ngày.
  38. Một học thuyết tài tình khác lại cho rằng, trước khi trở thành vượn đi săn, vượn mặt đất nguyên thủy vừa mới rời bỏ rừng xanh đã trải qua một giai đoạn dài là vượn thủy sinh. Người ta cho là những con vượn này di chuyển tới các vùng bờ biển nhiệt đới để tìm kiếm thức ăn. Tại đây nó tìm thấy các loài tôm cua ốc hến và các loài sinh vật duyên hải khác tương đối phong phú, một nguồn cung cấp thức ăn giàu có và hấp dẫn hơn những gì có trên các vùng bình nguyên bao la. Đầu tiên nó sẽ mò mẫm xung quanh các vũng thủy triều và vùng nước nông, nhưng dần dần nó sẽ bắt đầu bơi ra xa và lặn xuống sâu hơn để tìm kiếm thức ăn. Người ta cho rằng trong quá trình này nó sẽ đánh mất lông, giống như các động vật có vú khác khi quay trở lại sống ở biển. Chỉ có đầu nó, nhô lên từ mặt nước, là có thể giữ lại lớp lông che phủ để bảo vệ nó trước ánh nắng chói chang trực tiếp từ mặt trời. Sau đó, khi các công cụ của nó (nguyên được phát triển để kẹp vỡ các loại mai hay vỏ cứng) trở nên đủ tiên tiến, nó sẽ vươn ra xa khỏi cái nôi ở vùng duyên hải và tiến vào các không gian thuộc vùng đất rộng mở với vị thế một thợ săn đang nổi. Giá trị của học thuyết này ở chỗ giải thích tại sao ngày nay chúng ta lại nhanh nhẹn như vậy trong nước, trong khi các họ hàng gần gũi nhất, những con tinh tinh, lại không thể xoay xở được và nhanh chóng chìm nghỉm. Nó giải thích cho cơ thể có dáng thuôn và thậm chí cả tư thế đứng thẳng của chúng ta, đặc điểm thứ hai này được cho là đã phát triển khi chúng ta lội ngày càng sâu hơn vào trong nước. Nó làm sáng tỏ một đặc trưng kỳ dị trên cơ thể bạn - những dải lông. Nếu xem xét kĩ càng, bạn sẽ khám phá ra rằng trên lưng chúng ta thì hướng của các sợi lông dấu vết còn lại và nhỏ xíu khác biệt rõ nét với các loài vượn khác. Ở chúng ta, chúng trỏ ngược hướng vào trong về phía xương sống và theo đường chéo. Điều này phù hợp với hướng của dòng nước trườn trên một cơ thể đang bơi và chỉ ra rằng, nếu lớp che phủ bằng lông đã bị thay đổi trước khi bị mất đi, thì nó đã thay đổi theo đúng cách để giảm bớt sức cản khi bơi. Nó cũng chỉ ra rằng chúng ta có vị trí độc đáo trong số tất cả các loài linh trưởng ở chỗ là loài duy nhất có một lớp mỡ dày dưới da. Tương đương với lớp mỡ của cá voi hay hải cẩu, đó cũng là phương thức cách nhiệt bù đắp. Nó cũng nhấn mạnh rằng không có giải thích nào khác cho đặc trưng này trong giải phẫu của chúng ta. Ngay cả bản chất nhạy cảm của các bàn tay chúng ta cũng được giải thích hợp lý theo học thuyết thủy sinh. Xét cho cùng, một bàn tay hơi thô có thể cầm nắm một cái que hay một viên đá, nhưng phải là một bàn tay tinh tế, nhạy cảm thì mới cảm nhận được thức ăn trong nước. Có lẽ đây là nguồn gốc cách thức vượn mặt đất cần đến một siêu bàn tay, và sau đó truyền lại ở dạng sẵn có cho vượn đi săn. Cuổi cùng, học thuyết thủy sinh chĩa mũi dùi vào những người săn tìm hóa thạch truyền thống bằng cách chỉ ra rằng những người đó đã không thành công tí nào trong việc lần ra các kết nối cốt yếu đã bị thất lạc
  39. trong quá khứ cổ xưa của con người, và cung cấp cho họ một mẹo hữu dụng rằng nếu chỉ cần họ chịu khó tìm kiếm xung quanh các khu vực hợp thành vùng duyên hải châu Phi trong khoảng trên dưới một triệu năm về trước thì họ có thể tìm thấy điều gì đó giúp ích cho mình. Thật không may người ta vẫn chưa thành công trong việc tìm kiếm và mặc cho chứng cứ gián tiếp quyến rũ nhất của nó, học thuyết thủy sinh vẫn thiếu sự hỗ trợ vững chắc. Nó giải thích gọn gàng ổn thỏa cho một loạt các đặc điểm đặc trưng, nhưng đổi lại, nó đòi hỏi sự công nhận một giai đoạn tiến hóa lớn có tính chất giả thuyết mà chưa có chứng cứ trực tiếp. (Ngay cả khi nếu cuối cùng nó đúng thì cũng không mâu thuẫn nghiêm trọng với bức tranh chung về sự tiến hóa của vượn đi săn thoát ra từ vượn mặt đất. Nó chỉ đơn giản có nghĩa là vượn trên cạn đã trải qua một nghi thức rửa tội có lợi hơn mà thôi.) Một luận cứ theo hướng hoàn toàn khác gợi ý rằng, thay vì phát triển như một phản ứng đối với môi trường tự nhiên thì sự mất lông là một xu hướng xã hội. Nói cách khác, nó nảy sinh không phải như một phương thức cơ học mà là một tín hiệu xã hội. Các mảng da trần trụi xuất hiện ở một số loài linh trưởng và trong một số trường hợp nhất định thì chúng dường như đóng vai trò dấu hiệu loài, cho phép khỉ hay vượn có thể nhận dạng một con khác thuộc loài của chính nó hay loài khác. Sự mất lông đối với vượn đi săn được đơn giản coi là đặc trưng chọn lọc ngẫu nhiên, rồi được chấp nhận là dấu hiệu nhận dạng loài. Tất nhiên không thể phủ nhận rằng sự nhẵn nhụi khiến cho vượn trần trụi được nhận dạng dễ dàng hơn, nhưng còn có nhiều cách thức khác ít quyết liệt hơn để đạt được cùng một kết quả mà không phải hy sinh lớp che phủ cách nhiệt có giá trị. Một gợi ý khác cũng theo đường hướng ấy mô tả sự mất lông là cách mở rộng của tín hiệu giới tính. Nó cho rằng thú đực nói chung rậm lông hơn so với thú cái và rằng, bằng cách mở rộng khác biệt giới tính này, vượn trần trụi cái có thể trở nên ngày càng hấp dẫn hơn về mặt tình dục đối với các con đực. Xu hướng mất lông cũng có thể ảnh hưởng tới con đực, nhưng ở mức độ nhỏ hơn và với các khu vực tương phản đặc biệt, chẳng hạn như râu. Ý tưởng cuối cùng này giải thích khá tốt các khác biệt giới tính trong vấn đề lông lá, nhưng một lần nữa, việc mất đi lớp cách nhiệt cho cơ thể có thể là cái giá quá cao phải trả chỉ cho mỗi bề ngoài gợi tình, ngay cả khi lớp mỡ dưới da trở thành phương thức đền bù phần nào. Một biến thể của ý tưởng này cho rằng không có gì quá đáng khi nhận định bề ngoài nhạy cảm để đụng chạm có vai trò quan trọng về mặt tình dục. Người ta cho rằng bằng cách phô bày lớp da trần trụi cho nhau thấy trong các cuộc gặp gỡ tình ái, cả con đực lẫn con cái có thể trở nên nhạy cảm hơn đối với các kích thích tình
  40. dục. Ở các loài có tiến hóa liên kết đôi thì điều này tăng thêm hứng khởi hoạt động tình dục và thắt chặt liên kết giữa cặp đôi bằng cách làm mãnh liệt thêm các phần thưởng giao cấu. Có lẽ lý giải được biết tới nhiều nhất về tình trạng không lông là cho rằng nó đã tiến hóa như một phương thức làm mát. Khi ra khỏi những khu rừng đầy bóng râm thì vượn đi săn phải chịu nhiệt độ lớn hơn so với những gì trước đó nó từng trải qua, và người ta giả định rằng nó loại bỏ lớp che phủ lông lá để không bị quá nóng bức. Điều này là hợp lí nếu chỉ nhìn nhận một cách hời hợt. Xét cho cùng, chúng ta sẽ cởi bỏ áo vét của mình trong những ngày hè nóng bức. Nhưng nó không đứng vững khi xem xét kĩ lưỡng hơn. Trước hết, không có con vật nào khác (với kích thước cỡ như chúng ta) trên các bình nguyên rộng rãi lại thực hiện điều này. Nếu sự thực chỉ đơn giản như vậy thì chúng ta có thể mong đợi nhìn thấy sư tử hay chó rừng trần trụi. Thế nhưng chúng lại có lớp lông ngắn nhưng rậm. Phô bày lớp da trần ra ngoài không khí chắc chắn làm tăng cơ hội mất nhiệt, đồng thời cũng làm tăng cơ hội thu nhiệt và tăng các rủi ro thương tổn từ các tia nắng mặt trời, như bất kỳ người tắm nắng nào từng biết. Các thí nghiệm trong sa mạc chỉ ra rằng mặc bộ quần áo nhẹ có thể giảm mất nhiệt do giảm thiểu sự bay hơi nước, nhưng nó cũng làm giảm lượng nhiệt thu được từ môi trường tới 55% so với trạng thái khỏa thân hoàn toàn. Tuy nhiên, ở nhiệt độ khá cao, những bộ quần áo nặng hơn và lùng thùng hơn, như những kiểu được ưa chuộng tại các quốc gia Ảrập, là sự bảo vệ tốt hơn so với quần áo nhẹ. Nó giảm bớt lượng nhiệt thu vào, cùng lúc đó lại cho phép không khí lưu thông xung quanh cơ thể và hỗ trợ mồ hôi bốc hơi để làm mát tốt hơn. Rõ ràng tình hình phức tạp hơn những gì ta tưởng lúc ban đầu. Nhiều điều sẽ phụ thuộc vào các mức nhiệt độ chính xác của môi trường và vào lượng ánh nắng trực tiếp. Ngay cả khi chúng ta giả định rằng khí hậu phù hợp cho sự mất lông - nghĩa là nóng vừa phải, nhưng không quá nóng - chúng ta vẫn phải giải thích sự khác biệt nổi bật trong tình trạng che phủ giữa vượn trần trụi và các động vật ăn thịt khác của vùng đồng cỏ. Có một cách để làm điều đó, và nó có thể đưa ra câu trả lời tốt nhất cho toàn bộ vấn đề về sự trần trụi của chúng ta. Khác biệt bản chất giữa vượn đi săn và các kình địch ăn thịt là ở chỗ nó không được trang bị về mặt thể lực để có thể nhảy xổ chớp nhoáng vào con mồi hay thực hiện những cuộc rượt đuổi đường trường tiêu tốn sức. Tuy nhiên đây lại chính là những gì mà nó phải làm. Nó đã thành công bởi có bộ não tốt hơn, nghĩ ra được mưu kế thông minh hơn và tạo ra các vũ khí nguy hiểm hơn, nhưng mặc cho điều đó thì những cố gắng như vậy vẫn tạo ra căng thẳng lớn đối với thể lực loại xoàng của nó. Săn đuổi con mồi có vai trò rất quan trọng vì thế nó phải cố gắng, nhưng trong quá trình đó nó trải qua tình trạng cơ thể quá nóng bức. Vì
  41. thế phải xuất hiện áp lực chọn lọc mạnh nhằm giảm tình trạng quá nhiệt này và bất kỳ cải thiện nhỏ nào cũng được ưu ái, ngay cả khi phải hy sinh ở các hướng khác. Sự sinh tồn của nó phụ thuộc vào điều này. Đây chắc chắn là yếu tố then chốt trong quá trình biến đổi vượn đi săn đầy lông lá thành vượn trần trụi. Với việc kéo dài tình trạng thơ ấu để trợ lực cho quá trình này, và cộng thêm các ưu thế bổ sung của các lợi ích thứ cấp đã được đề cập, nó sẽ trở thành một mục tiêu tạo nên sức sống. Mất đi lớp che phủ bằng lông nặng nề và tăng số lượng tuyến mồ hôi trên toàn bộ bề mặt, cơ thể được làm mát hơn hẳn - không phải cho cuộc sống thường nhật, mà nhắm vào thời khắc quan trọng nhất của cuộc đi săn - bằng cách sản xuất ra lớp màng tràn trề chất lỏng đang bay hơi trên các chi và trên thân thể căng ra phơi bày ngoài không khí. Tất nhiên, hệ thống này sẽ không thành công, nếu như khí hậu quá nóng, bởi sẽ gây tổn thương đối với lớp da để trần, nhưng trong môi trường nóng vừa phải, nó có thể chấp nhận được. Điều thú vị là xu hướng này kèm theo sự phát triển lớp mỡ dưới da, chỉ ra rằng vượn trần trụi có nhu cầu giữ ấm cơ thể vào những lúc khác. Nếu dường như điều đó cân bằng lại việc mất lớp lông che phủ thì nên nhớ rằng lớp mỡ giúp duy trì thân nhiệt trong điều kiện lạnh nhưng không cản trở sự bốc hơi của mồ hôi khi quá nhiệt. Kết hợp các yếu tố lớp lông suy giảm, các tuyến mồ hôi gia tăng và tồn tại lớp mỡ dưới da dường như đã tạo ra cho các tổ tiên chăm chỉ của chúng ta đúng những gì họ cần cho việc săn bắt, là một trong những khía cạnh quan trọng nhất trong lối sống mới của họ. Và thế là vượn trần trụi vươn mình đứng dậy, một loài Vượn Trần Trụi đứng thẳng, đi săn, mang vũ khí, chiếm giữ lãnh thổ, kéo dài tình trạng thơ ấu, có trí óc, một linh trưởng theo nguồn gốc tổ tông và một động vật ăn thịt theo sự tự chọn, đã sẵn sàng chinh phục thế giới. Nhưng nó là sự khởi phát rất mới và mang tính thực nghiệm, mà các mô hình mới thường hay có khuyết điểm. Đối với nó, các hệ lụy chính xuất phát từ thực tế là các tiến bộ trong hoạt động văn hóa sẽ vượt trước bất kỳ tiến bộ di truyền tiếp theo nào. Các gien của nó sẽ tụt hậu phía sau và nó sẽ luôn luôn được nhắc nhở rằng, mặc cho mọi thành tựu do môi trường đúc nặn của nó, thì từ trong cốt lõi nó vẫn chỉ là một con vượn trần trụi thực sự. Từ thời điểm này chúng ta có thể bỏ lại quá khứ của nó ở phía sau và xem chúng ta thấy nó ở tình trạng hiện nay như thế nào. Một con vượn trần trụi hiện đại cư xử như thế nào? Nó giải quyết các vấn đề muôn thuở về kiếm ăn, tranh đấu, chọn bạn tình và chăm sóc con cái ra sao? Chiếc máy tính trong bộ não có thể cải tổ các bản năng thú tính của nó được bao nhiêu? Có lẽ nó đã phải nhân nhượng nhiều hơn so với những gì nó muốn thừa nhận. Chúng ta sẽ thấy.