Vấn đề địa phương hóa giáo dục tại miền Nam trước năm 1975

pdf 18 trang ngocly 3540
Bạn đang xem tài liệu "Vấn đề địa phương hóa giáo dục tại miền Nam trước năm 1975", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfvan_de_dia_phuong_hoa_giao_duc_tai_mien_nam_truoc_nam_1975.pdf

Nội dung text: Vấn đề địa phương hóa giáo dục tại miền Nam trước năm 1975

  1. 92 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 7-8 (114-115) . 2014 VẤN ĐỀ ĐỊA PHƯƠNG HÓA GIÁO DỤC TẠI MIỀN NAM TRƯỚC NĂM 1975 Nguyễn Duy Chính* Lời giới thiệu: Trong quá trình tìm kiếm tư liệu để phục vụ cho chủ đề tìm hiểu giáo dục miền Nam 1954-1975, chúng tôi tình cờ bắt gặp tập luận văn tốt nghiệp Học viện Quốc gia Hành chánh dạng quay ronéo của sinh viên Nguyễn Duy Chính, khóa XV năm 1967-1970, nhan đề VẤN ĐỀ ĐỊA PHƯƠNG HÓA GIÁO DỤC TẠI VIỆT NAM, dài 63 trang khổ giấy A4, dưới sự hướng dẫn của GS Lê Văn Thận. Anh Nguyễn Duy Chính sau năm 1975 định cư tại Hoa Kỳ và từ khá lâu được biết như một nhà biên khảo lịch sử có uy tín về thời kỳ Tây Sơn Nguyễn Huệ. Anh cũng là một trong những cộng tác viên thường xuyên của tạp chí Nghiên cứu và Phát triển. Nhận thấy nội dung tập luận văn nêu trên rất phù hợp với đề tài chúng tôi đang quan tâm khảo sát, qua đó cho biết một trong những kế hoạch quan trọng mà các nhà hoạch định giáo dục miền Nam trước năm 1975 dự định triển khai, đó là địa phương hóa giáo dục. Đại khái, đây là chính sách giáo dục quốc gia được soạn thảo cho từng khu vực theo đặc tính văn hóa và kinh tế của từng địa phương, tương tự như những khu học chính của các quốc gia tân tiến, mỗi nơi chịu trách nhiệm soạn thảo và điều hành chương trình riêng cho khu vực mình nhưng vẫn theo những tiêu chuẩn trên toàn quốc. Mục tiêu của địa phương hóa giáo dục là giúp cho con người được hội nhập trở lại chính quê hương mình. Một thí dụ dễ hiểu là học sinh ở khu vực chài lưới phải được học một chương trình liên quan đến hải sản, ngư nghiệp để khi ra đời có khả năng đóng góp vào sự phát triển của chính khu vực đó, và giúp đỡ cha mẹ hiệu quả hơn (vì chính chúng có tay nghề cao hơn) chứ không phải từ bỏ khu vực của tổ tiên chạy về thành thị kiếm sống bằng một nghề khác. Vì vậy, mặc dù kế hoạch nêu trên còn dang dở, được sự đồng ý của tác giả, chúng tôi cho đăng lại nguyên văn phần II của tập luận văn (nhan đề do chúng tôi đặt) với mục đích cung cấp tài liệu tham khảo cho những nhà hoạch định giáo dục hiện tại, như một hình thức gợi ý hầu có thể tìm ra phương sách thích hợp cho một nền giáo dục Việt Nam trong tương lai. Nếu không được như vậy, chúng ta vẫn có thể coi đây như một tài liệu mang tính lịch sử, phản ảnh nỗ lực tư duy và thiện chí của các giới hữu trách miền Nam thời trước 1975, trong quá trình tìm kiếm các giải pháp hữu hiệu hơn cho nền giáo dục. NCPT. Khởi điểm cho một chính sách Giáo dục mới là vấn đề tổ chức lại nền giáo dục Việt Nam hầu gia tăng hiệu năng giáo dục đồng thời giúp địa phương dễ phát triển. Vấn đề địa phương hóa được nêu ra trong Kế hoạch giáo dục hậu chiến vào tháng 3 năm 1969 và được chính thức xác nhận thi hành trong Thông điệp đọc trước Lưỡng viện Quốc hội ngày 06/10/1969 của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Tuy nhiên, chủ trương của Tổng thống đã có nhiều điểm trùng hợp với quyết định của Đại hội đồng Giáo dục 1964. Vì thế có thể coi rằng từ 1964 đến 1969 là giai đoạn phôi thai chuẩn bị và đến nay vấn đề bắt đầu được thực hiện. Địa phương hóa giáo dục là gì? “Theo chủ trương này quyền hành sẽ được phân tán để đi đến chế độ địa phương tự quản để dân chúng, giáo chức, và chính quyền có cơ hội hợp tác * California, Hoa Kỳ.
  2. Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 7-8 (114-115) . 2014 93 chặt chẽ và tích cực đóng góp vào việc thực thi chính sách quốc gia giáo dục ở tại địa phương của họ” (Trích Thông điệp ngày 06/10/1969). Kế hoạch địa phương hóa “nhằm tạo điều kiện và môi trường thuận tiện để dân chúng ý thức được nhiệm vụ của họ hầu tích cực tham gia vào công cuộc giáo dục” (Thông điệp ngày 06/10/1969). I KẾ HOẠCH ĐỊA PHƯƠNG HÓA GIÁO DỤC Vấn đề địa phương hóa giáo dục hiện nay chưa hoàn toàn là một kế hoạch với đầy đủ các yếu tính của nó mà chỉ là một chủ trương tạo khung cảnh giáo dục thích hợp để tiến tới việc thực hiện một nền giáo dục đại chúng và thực dụng. Vì thế nếu xét toàn bộ, chỉ có những dự định, đề án, nhằm thực hiện tính chất phân quyền giáo dục cho phù hợp với nhu cầu quốc gia và tinh thần dân chủ. Tuy nhiên, trong toàn bộ chính sách giáo dục đề ra trong những ngày gần đây, chính quyền đã mong mỏi thực hiện một nền giáo dục mới mà nền tảng tổ chức thể hiện đặc tính của chủ trương địa phương hóa. Vì thế kế hoạch này phải được coi là căn bản mấu chốt trên đó xây dựng một mô hình giáo dục có những tính chất thực dụng và đại chúng, và cũng là bước đầu tiên trong toàn bộ chính sách giáo dục mới. Tất cả mọi dự định phát triển trong mọi cấp bậc sẽ không thành tựu nếu chưa xây dựng trên nền móng dẫn đạo. Vì vậy, nếu chỉ xét riêng một vấn đề địa phương hóa tách rời khỏi toàn bộ chính sách, mà không xét đến những hậu quả và mục tiêu, những hình thể kiến trúc xung quanh nó thì sẽ không nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề. I. Mục tiêu và căn bản giáo dục mới Theo đúng nguyên tắc phân quyền, giáo dục mới nhằm phân tán quyền hành cho địa phương để bớt gánh nặng cho trung ương và cũng thực hiện một nền giáo dục hữu hiệu có sự đóng góp tích cực của toàn thể dân chúng. Chính quyền không còn giữ vai trò độc quyền giáo dục mà chỉ hướng dẫn toàn thể theo một chính sách chung đã hoạch định. Giáo dục không chỉ dành riêng cho một triều đại, một thời gian mà phải có thể thích hợp với mọi hoàn cảnh, với mọi biến chuyển xã hội. Muốn thế giáo dục phải nằm trong đời sống, trong sinh hoạt hàng ngày và không thể tách rời đời sống học đường với đời sống cá nhân. A. Nền tảng giáo dục mới Nguyên tắc chỉ đạo làm ngọn đuốc soi đường giáo dục gồm 3 tính chất đã được Bộ Giáo dục đề ra: a) Nhân bản tính: Tôn trọng giá trị thiêng liêng của con người, lấy con người làm cứu cánh. Nền giáo dục mới chú trọng vào việc phát triển toàn diện con người trong mọi giai tầng về cả 3 phương diện: trí dục, đức dục và thể dục. b) Dân tộc tính: Khai triển các sắc thái đặc biệt của dân tộc về mọi khía cạnh, tôn trọng và phát huy những giá trị truyền thống cao đẹp của nhân dân. Thêm vào đó, giáo dục phải thích hợp với hoàn cảnh quốc gia, một quốc gia chậm tiến và chiến tranh. Nông nghiệp được đặc biệt nâng đỡ song song
  3. 94 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 7-8 (114-115) . 2014 với gia tăng về kỹ thuật đi đến một nền kinh tế tự chủ và làm rạng rỡ ý chí đấu tranh. c) Khoa học tính: Tôn trọng tinh thần khoa học, phù hợp với sự tiến triển của nhân loại. Nền giáo dục mới sẵn sàng đón tiếp những tinh hoa văn hóa, không bài ngoại, và phải thích hợp hóa mọi trào lưu với hoàn cảnh của Việt Nam. B. Hình thức thực hiện Các mục tiêu căn bản nêu trên được thể hiện tối đa trong khung cảnh học đường. Khung cảnh thích hợp mà Bộ Giáo dục đề ra là: Tiểu học Cộng đồng, Trung học Tổng hợp và Đại học Bách khoa. a) Tiểu học Cộng đồng: Thể hiện sự mật thiết giữa học sinh với quê hương, gắn bó với cộng đồng và gây ý thức trách nhiệm đối với đời sống chung quanh. Giáo dục cộng đồng còn mang ý nghĩa là sự trao đổi lý thuyết và kinh nghiệm giữa học đường và xã hội, giữa những thế hệ tiếp nối để có những lợi ích thiết thực. Đặc điểm của một trường cộng đồng do bộ đề ra là phải thực hiện những vấn đề: - Một chương trình giáo dục sát với nhu cầu và hoàn cảnh địa phương. - Tạo học đường thành một trung tâm phát huy và củng cố tinh thần dân tộc, ý chí tự cường, lòng yêu tự do và tinh thần tập thể. - Đưa con trẻ gắn liền với xã hội, gây ý thức muốn tham gia, đóng góp vào tập thể. b) Trung học Tổng hợp: Nhằm bổ túc kiến thức thực nghiệm cho phần lý thuyết, làm yếu tố căn bản thúc đẩy hướng nghiệp, phát triển sở thích và năng khiếu riêng. Trong 7 năm học sẽ gồm 2 năm quan sát, 2 năm định hướng và 3 năm chuyên khoa. c) Đại học Bách khoa: Chú trọng hơn nữa về kỹ thuật và chuyên nghiệp vì hiện nay số lượng sinh viên hai ngành này chỉ chiếm khoảng 3% tổng số. Các viện đại học của chính phủ và tư nhân được khuyến khích thiết lập để có thể cung ứng đầy đủ chuyên viên cao cấp, trung cấp cho kịp với đà tiến của một quốc gia kém mở mang. Một cách tổng quát, giáo dục mới nhằm đạt được những mục tiêu: - Tạo khung cảnh và điều kiện cho tất cả các học sinh có thể phát triển theo khả năng và chí hướng. - Gắn liền phát triển giáo dục với phát triển toàn bộ quốc gia bằng cách gia tăng quyền hạn địa phương và chú trọng đặc biệt đến kỹ thuật và chuyên nghiệp. Hai ngành này phải gia tăng về lượng và phẩm để tiến tới kinh tế tự chủ. II. Diễn trình kế hoạch Kế hoạch địa phương hóa do những thâu góp kinh nghiệm của nhiều quốc gia trong hoàn cảnh tương tự Việt Nam và đã đạt được kết quả khả quan.
  4. Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 7-8 (114-115) . 2014 95 Vì vậy, vấn đề phải được đề cập từ giai đoạn phôi thai trong ý niệm thuần túy đến giai đoạn chuẩn bị và hiện nay sắp sửa bước qua giai đoạn thi hành đồng thời xét cả những biến chuyển theo trào lưu, theo đề nghị của một số học giả trong và ngoài nước. A. Thời kỳ phôi thai (1964-1969) a) Đại hội Giáo dục 1964: Trong Đại hội Giáo dục tháng 10/1964, Giáo sư Trần Văn Kiện đã trình bày một hệ thống giáo dục mới được cải tổ sâu rộng trong mọi hệ cấp từ tiểu học đến đại học. Các biện pháp được đề ra gồm những điểm đặc biệt sau đây: - Thiết lập hệ thống giáo dục 12 năm. - Đi sát thực trạng và nhu cầu địa phương bằng cách chia trường tiểu học thành 4 loại: đồng bằng, sơn cước, duyên hải và đô thị, với chương trình và phương pháp giảng huấn khác nhau. - Thiết lập tổ chức hướng học và hướng nghiệp trong hai lớp 6 và 7, định hướng giáo dục trong hai lớp 8 và 9. b) Học đường mới: Tiếp theo Đại hội Giáo dục 1964, những bất ổn chính trị liên tiếp đã khiến cho giáo dục bị bỏ quên. Trong khi đó, các vấn đề giáo dục ngày càng gia tăng và đưa đến tình trạng khủng hoảng trầm trọng. Số trường sở, số cán bộ vẫn y nguyên, có khi còn sút giảm vì bị động viên, thì số học sinh sinh viên lại gia tăng gấp đôi trong vòng 4 năm. Năm 1965, Bộ Giáo dục tán đồng phong trào học đường mới và chịu bảo trợ về tinh thần lẫn vật chất. Phong trào tổ chức sinh hoạt nhằm đưa thanh thiếu niên tham gia trực tiếp vào các công việc xã hội. Phong trào gồm 3 giai đoạn: - Huấn luyện cán bộ. - Tổ chức công tác. - Truyền bá và duy trì. Tóm lại trong giai đoạn đầu, Bộ Giáo dục cố gắng rất nhiều để thực hiện một cuộc cách mạng giáo dục nhưng vì thiếu phương tiện và hoàn cảnh không cho phép nên chỉ đi đến một vài cải tổ nhỏ về thi cử, thu hồi trường Pháp, sửa đổi chương trình trung học Tuy nhiên, cũng đã gây được tiếng vang và gióng lên tiếng chuông báo động chính thức của chính quyền cho quốc dân về tệ trạng giáo dục, vấn đề công dân học, cũng như phác họa được một đường hướng mới cho văn hóa, giáo dục. B. Thời kỳ chuẩn bị Sau những biến chuyển về quân sự và chính trị, cấp lãnh đạo giáo dục đã bị thay đổi nhiều lần nên không thể thực hiện một kế hoạch lâu dài trong việc cải tổ. Hiến pháp ngày 01/4/1967 ra đời đã nâng giáo dục lên hàng quốc sách và minh định rõ rệt về căn bản, đường hướng thực hiện giáo dục trong 2 điều 10 và 11, gồm 7 khoản.
  5. 96 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 7-8 (114-115) . 2014 Sau đó, phúc trình của Nhóm Kinh tế hậu chiến cũng đề cập đến giáo dục với một mức độ khẩn trương trong gần 40 trang khuyến cáo 3 thời kỳ phát triển giáo dục. Vấn đề địa phương hóa được thực hiện và duy trì trong suốt 3 thời gian cải tổ, để có thể xây cất đủ trường sở và đào tạo đủ giáo chức cung ứng cho nhu cầu quốc gia. Các kế hoạch trong hơn 10 năm của chương trình phát triển hậu chiến thuộc phạm vi địa phương hóa giáo dục gồm có: a) Thời kỳ chuyển tiếp (6 tháng): Xây cất theo hình thức địa phương tự quản, dân chúng trực tiếp tham dự để hoàn thành 8.600 ngôi trường gồm 51.600 phòng học trên toàn thể các ấp Tân sinh, đào tạo thêm 25.000 giáo viên để phụ trách. Các lớp tráng niên, học nghề cũng được mở để người lớn có thể theo đuổi và bổ túc những điều còn thiếu sót. b) Thời kỳ tái thiết (3 năm): Trung ương đóng vai trò nghiên cứu, thâu thập các dữ kiện để khuyến cáo địa phương. Hội đồng Văn hóa Giáo dục Trung ương sẽ hoạch định một chính sách làm kim chỉ nam cho giáo dục. Việc phân quyền giáo dục được thực hiện ráo riết, và chia làm 60 đơn vị giáo dục, có Hội đồng Giáo dục địa phương trông coi, quy tụ thành 6 Học khu. Hai bậc Tiểu học và Trung học sẽ được phối hợp bằng một Ty Giáo dục quản trị cả 2 ngành về phổ thông và kỹ thuật. c) Thời kỳ phát triển (7 năm): tiếp nối các công trình bỏ dở của 3 năm tái thiết. Hội đồng Văn hóa Giáo dục quy định trong điều 93 và 94 của Hiến pháp, đã được thành lập theo luật số 05/69 ngày 02/5/1969, có nhiệm vụ: - Cố vấn cho chính phủ trong việc hoạch định và thực thi chính sách giáo dục. - Trình bày sáng kiến và soạn thảo kế hoạch. - Nghiên cứu việc thiết lập Hàn lâm viện Quốc gia. Trong tháng 7 và 8/1970, Hội đồng đã họp để thảo luận về chính sách giáo dục và đề cập việc địa phương hóa giáo dục trong đó dự định thành lập các Ty Trung học, Khu Học chánh và các Hội đồng Giáo dục địa phương. Đến tháng 10/1969 trong Thông điệp đọc trước Lưỡng viện Quốc hội, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã minh định chủ trương thực dụng hóa và đại chúng hóa giáo dục: “ Tôi quan niệm rằng giáo dục là của tất cả mọi người, và vì mọi người chớ không dành đặc quyền cho riêng một thiểu số nào trong xã hội. Tất cả mọi người đều có nhiệm vụ đóng góp tích cực vào công cuộc giáo dục và tất cả mọi người dân đều phải được hưởng sự giáo dục đến một căn bản tối thiểu Đó cũng là tinh thần dân chủ và bình đẳng thể hiện trong chế độ giáo dục”. Chủ trương địa phương hóa sẽ là môi trường thực hiện 2 đường lối đưa tới giáo dục đại chúng và thực dụng.
  6. Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 7-8 (114-115) . 2014 97 Để thi hành chính sách giáo dục nêu trên, Bộ Giáo dục cũng đã dự trù 5 năm để hoàn tất chương trình cưỡng bách giáo dục và riêng năm 1970, sẽ mở thêm 17.575 lớp học, thu nạp 609.262 trẻ em đến tuổi đi học. Trường Tổng hợp đã thực hiện được 11 trường và sẽ mở thêm 4 trường tại 4 vùng chiến thuật, đồng thời xúc tiến việc Tổng hợp hóa các trường công lập phổ thông. Các chương trình tại địa phương sẽ do Bộ Giáo dục, các Ủy ban Phát triển Nông thôn và dân chúng hợp tác để hoạch định và xây cất. Các hội phụ huynh học sinh cũng được thành lập để góp phần đắc lực vào việc địa phương hóa giáo dục. Số giáo chức càng ngày càng tăng gia và đã có thêm 3 trường sư phạm mở tại Huế, Long Xuyên, Định Tường. Các năm sau sẽ mở tại Biên Hòa, Cần Thơ, Nha Trang, Đà Lạt Tuy nhiên, các hoạt động nên chỉ là những giải quyết ngắn hạn nhằm đi tới mục tiêu tổng quát và trường cửu như đã hoạch định trong Thông điệp 10/1969. Để sửa soạn cho kế hoạch này, đã có những cải tổ và quyết định như sau: - Hệ thống liên tục 12 năm từ lớp 1 đến lớp 12 (Sắc lệnh số 660/TT/SL ngày 01/12/1969 của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu). - Sắc lệnh số 012/SL/GD ngày 25/01/1970 của Thủ tướng Trần Thiện Khiêm ấn định tiêu chuẩn thành lập các Khu Học chánh. - Cho phép mở thêm lớp bằng tài chính của phụ huynh học sinh, việc điều hành và tuyển chọn nhân viên, giáo chức được quy định rõ rệt (Thông tư số 931/ GD/PHTT ngày 18/12/1969 của Tổng trưởng Giáo dục). - Các trường công lập được tỉnh hạt hóa hay khuyến khích đi tới việc tỉnh hạt hóa (quy chế tỉnh hạt do sắc lệnh 168/SL/GD ngày 8/10/1966 của Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương và tổ chức do Nghị định số 1297/GD/PC/NĐ của Tổng trưởng Giáo dục ngày 07/9/1967). Các trường tỉnh hạt dựa trên căn bản hợp tác giữa phụ huynh học sinh, chính quyền địa phương và Bộ Giáo dục. Bộ bổ dụng, đài thọ lương bổng, nhân viên, Ban Quản trị trường lo xây cất, trang bị, tu bổ trường sở bằng tiền học phí (chỉ được thu bằng 1/2 trường bán công hay tư thục sở tại), tiền quyên góp và trợ cấp. Từ đầu năm 1970, bộ cho phép các địa phương đưa vào chương trình học những vấn đề liên quan đến cộng đồng và cho bậc Trung học đệ nhất cấp thêm 2 giờ những môn cần thiết và có ích. Ngay ở trung ương, bộ ủy nhiệm quyền hành rộng rãi cho nha để nha nhận lấy trách nhiệm của mình trong khi chờ đợi sẽ tái ủy nhiệm các quyền hạn ấy cho địa phương khi các Học khu được thành lập. - Tháng 7/1970, một số trường tại đô thành [Sài Gòn] đã được bộ giao cho đô thành quản trị và sẽ đô thành hóa lần lượt tất cả các trường sở tại. Bộ cũng đã nghiên cứu thành lập các Ty Trung học, Ty Giáo dục trước khi thành lập các Học khu. Theo Nha Kế hoạch, mỗi Học khu lúc đầu sẽ gồm 2, 3 tỉnh, sau sẽ lớn hơn tùy theo nhu cầu và phương tiện của địa phương. Hiện nay bộ đang tham khảo ý kiến của quần chúng để hoạch định những Học khu dựa trên các yếu tố địa lý, giao thông thích hợp.
  7. 98 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 7-8 (114-115) . 2014 Để sớm đạt mục tiêu địa phương hóa, bộ đã dự trù thành lập các Ủy ban Điều hợp Phát triển Giáo dục và xúc tiến việc thu học phí trường công. III. Nội dung kế hoạch địa phương hóa A. Học khu và cơ cấu trực thuộc a) Học khu Học khu nhằm phân tán quyền hành của trung ương cho địa phương và phân định dựa trên những yếu tố địa dư giao thông, hành chánh và nhân viên để phù hợp với từng miền trong nước. Nước Việt Nam sẽ chia thành nhiều Khu Học chánh (hay Khu Giáo dục). Mỗi khu gồm vài ba tỉnh hoặc thị xã có cùng tính chất. Mỗi Học khu sẽ mang một sắc thái khác nhau tùy theo đó là đồng bằng, cao nguyên, duyên hải hay đô thị. Chương trình học tại mỗi Học khu sẽ được hoạch định để đáp ứng nhu cầu của địa phương và phù hợp với các sắc thái địa phương ấy. 1. Tổ chức và điều hành Theo đề nghị của Nha Kế hoạch, bộ sẽ chia 51 tỉnh và thị xã trên toàn quốc thành 15 Khu Học chánh và 1 Đặc khu (Sài Gòn - Gia Định - Biên Hòa). Trái lại, đề nghị của Nhóm Nghiên cứu hậu chiến thì chỉ nên chia làm 6 Học khu mà thôi. Đứng đầu Khu Học chánh là 1 Trưởng khu được chọn trong số giáo chức nhiều kinh nghiệm và có khả năng. Ông Trưởng khu được hưởng phụ cấp Chánh thanh tra Trung học. Dưới quyền ông Trưởng khu có 1 phụ tá đặc trách hành chánh, và 1 Ban Thanh tra Học chánh với nhiệm vụ thanh tra các trường trung-tiểu học phổ thông cũng như kỹ thuật, chuyên nghiệp tại địa phương. Ban Thanh tra Học chánh được hưởng quy chế riêng. Bên cạnh Trưởng khu có một Hội đồng Giáo dục địa phương. Hội đồng này là một cơ quan dân cử, nhiệm kỳ 4 năm với trách vụ cố vấn và thiết lập kế hoạch giáo dục trong khu. Ngoài ra Hội đồng Giáo dục địa phương còn có nhiệm vụ kêu gọi dân chúng địa phương tích cực tham gia vào công tác giáo dục và đề nghị đảm phụ giáo dục. Học khu trưởng và nhân viên sẽ thiết lập một văn phòng tùy nơi thuận tiện tại một tỉnh trong Học khu. Các nhân viên trong Học khu sẽ do Trưởng khu đề nghị và Bộ Giáo dục bổ nhiệm. 2. Nhiệm vụ và quyền hạn Học khu trưởng có nhiệm vụ và quyền hạn sau đây: - Thiết lập kế hoạch mở mang trường sở phù hợp với chính sách và đường lối do bộ đề ra; - Điều động và sắp xếp nhân viên trong phạm vi Khu Học chánh; - Quản trị nhân viên về phương diện tuyển dụng, kỷ luật, thăng tiến và tài chánh; - Quản trị các cơ sở giáo dục, ngoại trừ các cơ sở thuộc viện đại học hay trực thuộc Bộ Giáo dục; - Thanh tra và kiểm soát các cơ sở giáo dục công và tư, ngoại trừ đại học;
  8. Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 7-8 (114-115) . 2014 99 - Phối hợp với Hội Phụ huynh học sinh và Hội đồng Văn hóa Giáo dục địa phương để thiết lập và đề nghị phân nhiệm ý của chương trình học. Trong vòng 5 năm sau khi thành lập, bắt buộc Học khu phải có những cơ sở giáo dục sau đây: - Trường Sư phạm (Tiểu học và Trung học đệ nhất cấp). - Trung tâm Tu nghiệp Giáo chức. - Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Địa phương. - Trường Trung Tiểu học kiểu mẫu. b) Các cơ quan trong Học khu Việc quản trị giáo dục theo đúng chương trình địa phương hóa, tại địa phương sẽ có các cơ quan sau đây: 1. Ở cấp tỉnh, thị xã hay đô thị có Ty Văn hóa Giáo dục trông coi toàn thể các trường trong tỉnh (có thể sẽ là một Ủy ban Giáo dục tại địa phương do dân bầu ra gồm 9-15 hội viên đại diện từ 25 đến 50 trường). Bên cạnh Ty Giáo dục có Hội đồng Điều hợp và Phát triển, với nhiệm vụ: - Ấn định chính sách phát triển giáo dục trong tỉnh. - Quản trị ngân sách phát triển. - Cố vấn cho Học khu về việc quản trị giáo chức và nhân viên các trường trong tỉnh. Trong tương lai, Hội đồng này là một cơ quan dân cử. Tạm thời thành phần được tổ chức như sau: - Đại diện chính quyền tỉnh (hội viên). - Đại diện Hội đồng tỉnh (phải có ủy viên Giáo dục của Hội đồng). - Thân hào, nhân sĩ. Chủ tịch và Tổng thư ký của Hội đồng phải là dân sự. Tỉnh trưởng là cố vấn tối cao. Trong những năm đầu vì tình hình chính trị chưa ổn định, chính quyền địa phương có thể chỉ định một phần Hội đồng. 2. Ở cấp trường, Ủy ban Quản trị trường có nhiệm vụ: quản trị và phát triển trường sở. Thành phần gồm có: - Hiệu trưởng (hội viên). - Đại diện phụ huynh học sinh. - Đại diện giáo chức (hội viên). Hội đồng Quản trị đã được thiết lập tại các trường tỉnh hạt, đô thị, thị xã và sẽ xúc tiến tại các trường công lập khác trong nước. B. Vấn đề tài chính và quản trị cơ sở giáo dục Tại địa phương, trường ốc sẽ do nhân dân xây cất và đảm nhiệm việc quản trị. Nhân dân đóng góp trực tiếp bằng công của và gián tiếp điều hành. Việc xây cất sẽ do một ủy ban trực tiếp điều khiển theo lối quan quản(*). Ủy ban gồm có: * Quan quản: Công tác thực hiện do chính cơ quan đảm trách, không do người bên ngoài đứng thầu. Chú thích mới của tác giả NDC.
  9. 100 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 7-8 (114-115) . 2014 - Đại diện chính quyền địa phương. - Hiệp hội Phụ huynh học sinh. - Hội đồng tỉnh. - Đại diện Bộ Giáo dục. Ngân khoản hoàn toàn do địa phương, bộ chỉ huy tài trợ theo phạm vi ngân sách trong trường hợp đặc biệt. Hiện nay, địa phương có thể sử dụng ngân khoản của chương trình tự túc phát triển. Theo đúng chương trình địa phương hóa, chính quyền sẽ để nhân dân xây cất theo ý muốn sao cho hòa hợp với khung cảnh địa phương chứ không theo một khuôn mẫu do trung ương định sẵn nhằm tạo cho ngôi trường một vẻ ấm cúng, thân mật khiến nhân dân hết lòng bảo vệ, tu sửa và phát triển. Tuy nhiên trường phải có tối thiểu hợp tác xã học sinh,(*) quán ăn trưa, tủ sách, tủ thuốc, vườn thực tập, lịch canh nông, bảng thành tích hoạt động Ngôi trường sẽ trở thành nơi tụ họp của dân chúng, dùng làm lớp học tráng niên, văn phòng Hội Phụ huynh học sinh và là trụ sở của Ủy ban Giáo dục để thảo luận về vấn đề điều hành hay các vấn đề công ích khác. a) Nguồn lợi tài chính Các nguồn lợi của địa phương như học phí, tiền do các nhà hảo tâm quyên tặng, trợ cấp của chính quyền, của các cơ quan quốc tế, hay của Hội Phụ huynh học sinh sẽ được lập thành ngân sách riêng dùng cho công việc phát triển trong tỉnh, thị xã hay đô thị. Số tiền này dùng để xây cất, trang bị, bảo trì, tu sửa và trả lương nhân viên văn phòng; Bộ chỉ trả lương giáo chức và Ban giám đốc trường (Hiệu trưởng, Giám học, Tổng giám thị, Giám thị) trong những năm đầu. Ngân khoản này sẽ do Hội đồng Điều hợp trực tiếp quản trị và chịu trách nhiệm. Riêng tại mỗi trường, Ủy ban Quản trị sẽ giữ nhiệm vụ quản trị và phát triển trường sở. Riêng về học phí thu của học sinh, vấn đề sẽ được đem ra thảo luận tại một đại hội giáo dục gồm các đại biểu của Hội đồng Điều hợp các tỉnh. Giá biểu có thể chung cho toàn quốc, hay riêng cho từng khu vực. Theo đề nghị của nhà kế hoạch, tiền thu được sẽ để tại quỹ của Hội đồng Điều hợp nhằm mục đích: - Có thể thiết lập kế hoạch phát triển chung cho tỉnh. - Tránh lạm phát phòng ốc tại những trường mà Hội Phụ huynh học sinh là những người khá giả nếu để tiền trường vào trường ấy sử dụng. - Do chính trường địa hạt thu từng kỳ 3 tháng hay 6 tháng. - Ban quản trị hay hiệu trưởng sẽ chuyển đến Hội đồng Điều hợp. - Hội đồng Điều hợp có toàn quyền sử dụng, ấn định thể thức chi tiêu trong từng phạm vi trách nhiệm. b) Vai trò của Hội Phụ huynh học sinh Vai trò của Hội Phụ huynh học sinh được đề cao trong chủ trương địa phương hóa vì trên căn bản việc quản trị và phát triển giáo dục sẽ do nhân dân đảm nhiệm. Theo bài thuyết trình của ông Vũ Đức Chang, Phó Tổng giám * Hợp tác xã học sinh: Một đoàn thể do chính học sinh tổ chức và điều hành. Chú thích mới của tác giả NDC.
  10. Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 7-8 (114-115) . 2014 101 đốc Trung, Tiểu học và Bình dân giáo dục, sự thành lập của Hội Phụ huynh học sinh trên toàn quốc nhằm: - Chăm sóc chu đáo cho sức khỏe và học hành của con em. - Củng cố đạo đức và phát huy đức tính. - Tạo sự đồng đều giữa chính quyền và nhân dân, khuyến khích, giúp đỡ giáo chức. - Canh tân chương trình cho phù hợp với địa phương, giải quyết các vấn đề xã hội. 1. Thành lập Thành phần Ban Quản trị từ 5-21 nhân viên giáo chức và phụ huynh học sinh. Tất cả mọi phụ huynh học sinh đương là hội viên của hội. Vấn đề tài chính sẽ do Đại hội Phụ huynh học sinh biểu quyết và sẽ được sử dụng: - Hoàn toàn cho địa phương nhưng có thể dùng trợ giúp địa phương khác nếu đại hội chấp thuận. - Ngân khoản có thể gia tăng theo nhu cầu và phải được kết toán minh bạch, hợp lệ, chống lãng phí. Hội Phụ huynh học sinh có thể đặt ra các chương trình dài hạn, ngắn hạn để thực hiện trong phạm vi thẩm quyền. Nhiều Hội Phụ huynh học sinh sẽ có thể kết hợp thành Tổng hội Phụ huynh học sinh để thống nhất kế hoạch, gia tăng nỗ lực, tập trung khả năng và tiếp tay với chính quyền trong việc giáo dục con em. 2. Nhiệm vụ Hội Phụ huynh học sinh có 2 nhiệm vụ: - Hướng dẫn chính quyền bằng cách: + Giúp ý kiến. + Soạn thảo điều lệ, nội quy, thể lệ tài chánh, chương trình hoạt động mẫu - Tài trợ chính quyền: + Cho đất để lập cơ sở giáo dục. + Cung cấp vật liệu, đồ trang bị, học cụ Học đường sẽ trở thành một trung tâm toàn diện giúp vào việc cải tạo xã hội và thực thi cách mạng. C. Vai trò của trung ương Chính quyền trong tương lai sẽ đóng vai trò hướng dẫn giáo dục quốc gia. Theo đúng kế hoạch, vai trò của trung ương sẽ có tính cách tham mưu và hỗ trợ. Khi chương trình địa phương hóa hoàn tất, Bộ Giáo dục chỉ còn giữ lại 4 nhiệm vụ: - Nghiên cứu và soạn thảo các kế hoạch dài hạn. - Thanh tra. - Đào tạo giáo chức. - Liên lạc với các cơ quan giáo dục quốc tế.
  11. 102 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 7-8 (114-115) . 2014 Bên cạnh bộ có một Hội đồng Hiến định làm tư vấn. Hội đồng này được thành lập theo luật số 05/69 ngày 02/5/1969 gồm 60 hội viên, 1/3 do Tổng thống chỉ định, 2/3 do các tổ chức văn hóa giáo dục, Hiệp hội Phụ huynh học sinh đề cử, nhiệm kỳ là 4 năm. Chủ tịch của hội đồng là Phó Tổng thống. Hội đồng họp mỗi năm 2 lần và có thể họp bất thường trong trường hợp đặc biệt. Hội đồng gồm 1 Văn phòng Chủ tịch, 1 Nha Tổng quản trị và 1 Khối Nghiên cứu kế hoạch. Mọi chi phí của hội đồng do ngân sách quốc gia đài thọ. D. Chương trình học và thi cử a) Chương trình học Các môn học trong chương trình sẽ gồm 2 phần: phần chung gồm những môn khoa học, toán áp dụng chung cho toàn quốc và phần địa phương nhằm giúp học sinh hiểu rõ những nhu cầu, sắc thái của địa phương. Hiện nay chưa thể áp dụng chương trình mới vì vấn đề địa phương hóa chưa hoàn tất. Tuy nhiên, đã có một vài thay đổi trong giai đoạn chuyển tiếp. Bộ Giáo dục đã triệu tập hội đồng gồm một số giáo chức đại học, trung học công lập và tư thục để soạn thảo chương trình học. Từ niên học 1970-1971 sẽ áp dụng một chương trình mới có những điểm đặc biệt sau đây: - Các lớp Đệ nhất cấp (lớp 6 - 9): + Gia tăng giờ Sử Địa từ 2-3 giờ. + Gia tăng giờ Công dân tại lớp 9 từ 1g30 lên 2 giờ. - Các lớp Đệ nhị cấp (lớp 10 - 12): + Gia tăng giờ Sử Địa từ 2-4 giờ. Chính sách dài hạn của bộ [về chương trình học] như sau: - Chương trình giáo khoa, bộ sẽ căn cứ vào sự khác biệt giữa 4 vùng (đô thị, đồng bằng, cao nguyên, duyên hải) mà ấn định những nét đại cương của chương trình địa phương cùng những tiêu chuẩn chung ở mỗi bậc học để cho trình độ không quá chênh lệch. Các chi tiết trong chương trình mỗi lớp cùng cách thức áp dụng tùy thuộc vào nhu cầu, sáng kiến, phương tiện và khả năng từng miền. Chương trình sẽ chú trọng đến tinh thần công dân và nêu cao giá trị cần lao. Các môn khác sẽ thực dụng hơn cũng như việc dạy ngoại ngữ phải được cải tiến, để học sinh có một căn bản sau khi qua bậc Trung học. - Việc nghiên cứu để hoạch định phải phù hợp với tâm lý thiếu nhi, chuẩn bị và đáp ứng nhu cầu tuổi trẻ, khuyến khích đóng góp khả năng hơn là nhồi sọ. b) Thi cử Việc thi cử (thí vụ) từ lâu đã là một vấn đề nan giải đối với quốc gia. Quan niệm học biến thành quan niệm luyện thi. Chính sách tập trung làm quốc gia tốn phí nhiều về nhân lực, thì giờ, tiền bạc. Địa phương hóa sẽ nhằm giảm thiểu các kỳ thi, để học sinh an tâm theo học. Bằng cấp chỉ có giá trị đánh dấu một giai đoạn theo học. Các trường học tại địa phương sẽ được trao dần việc cấp phát văn bằng tốt nghiệp. Hội đồng Giáo sư sẽ thẩm định giá trị căn cứ trên những cố gắng và tiến bộ của học sinh trong từng Tam cá nguyệt hay Lục cá nguyệt.
  12. Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 7-8 (114-115) . 2014 103 Uy tín trường được nâng cao và có sự cạnh tranh để giá trị văn bằng khỏi bị hạ thấp. Nhóm Nghiên cứu hậu chiến cũng đề nghị thay đổi hệ thống thi cử bằng tín chỉ, nghĩa là thi từng môn thay vì tập trung lại cuối năm, và rớt môn nào thì chỉ thi lại môn ấy. c) Đào tạo giáo chức Trong tương lai sẽ tiến tới việc mỗi Học khu thiết lập một trường sư phạm để cung ứng nhu cầu của địa phương. Hiện nay vấn đề này vẫn còn do trung ương hoàn toàn đảm nhận. Sự bổ dụng giáo chức căn cứ trên khả năng khi theo học ở trường nhiều khi gây trở ngại cho cả nơi tùng sự lẫn cá nhân viên chức giáo dục. Trở ngại cá nhân là xa nhà, thiếu thốn, bất mãn, và cho việc giáo dục là giọng nói, sự xa lạ và thiếu hăng say. Vì thế trong chương trình địa phương hóa thời kỳ chuyển tiếp, Bộ Giáo dục sẽ tuyển giáo sinh sư phạm ngay tại địa phương để gởi lên các trung tâm sư phạm thụ huấn. Sau khi tốt nghiệp, các giáo sinh sẽ được trở về phục vụ ngay tại nơi sinh sống hay địa phương đã chọn trước khi được tuyển vào trường. Sơ đồ tổ chức giáo dục trong tương lai Quốc gia Bộ Giáo dục Hội đồng Văn hóa Giáo dục Khu Khu Học chánh Hội đồng Giáo dục Địa phương Tỉnh Ty Giáo dục Ủy ban Điều hợp Giáo dục Trường Ban Quản trị Hội Phụ huynh học sinh II NHẬN ĐỊNH VỀ KẾ HOẠCH Chủ trương địa phương hóa hiện tại chưa có những văn thư chính thức để xác định việc thiết lập cho Học khu một quyền hạn và nhiệm vụ của từng cơ quan mà chỉ là những đề nghị dự tính. Tuy nhiên, qua tất cả các văn kiện đó, chúng ta có thể mường tượng phần nào khung cảnh giáo dục trong tương lai và kế hoạch giáo dục là một kế hoạch cực kỳ rộng lớn, ảnh hưởng đến quốc gia mạnh mẽ trong những năm tới, nhất là để sửa soạn cho một nền giáo dục trong thời kỳ tái thiết, kiến thiết, dự kiến sau khi chiến tranh chấm dứt. Kế hoạch địa phương hóa nhằm giải quyết vấn đề tập quyền cũng như có thể dễ dàng thực hiện việc cưỡng bách giáo dục, thực dụng hóa học vấn và đặt cá nhân vào cộng đồng nhằm gây dựng tình yêu quê hương dựa trên 3 căn bản: khoa học, nhân bản và dân tộc. Một cách tổng quát, những cải tổ gần đây chưa nói lên được tính cách đặc biệt quan trọng của địa phương hóa giáo dục, nhu cầu cấp bách phải giải quyết và cho quần chúng ý thức được sự tham gia của mình là cần thiết. Việc thành lập những cơ quan tư vấn tham gia vào việc quản trị giáo dục như Hội Phụ huynh học sinh, Hội đồng Văn hóa Giáo dục Quốc gia vẫn còn nặng tính cách hình thức, trên thực tế chưa có gì đáng kể. Việc điều hành ngay tại những thí điểm hay những nơi tiên phong trong cải tổ giáo dục cũng chưa được quần chúng tích cực ủng hộ, một phần vì chính quyền không đưa ra được tính chất
  13. 104 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 7-8 (114-115) . 2014 thiết thực, phần khác chưa phổ biến, giải thích được cho nhân dân bằng mọi hình thức. Ngay cả những người có thẩm quyền giáo dục cũng vẫn chưa nắm vững vấn đề và chưa tin tưởng tuyệt đối vào kế hoạch. Vì thế nhiều khi có điểm mâu thuẫn nhau giữa cơ quan này với cơ quan khác, giữa quyết định trước và sau vì sự giải thích không rõ ràng và không tiên liệu được tất cả những khó khăn xảy tới. Phải quan niệm rằng đây là một kế hoạch làm căn bản cho toàn bộ nền giáo dục và tương lai của giáo dục nói riêng và mọi ngành khác nói chung tùy thuộc rất nhiều. Vì thế, ngoài việc thâm cứu, điều nghiên rộng rãi đủ mọi thành phần cũng như triệu tập nhiều đại hội quốc dân để soạn thảo, vấn đề cũng phải được phổ biến và giải thích cặn kẽ, tuyên truyền rầm rộ. Hiện nay vẫn là những quyết định vá víu giải quyết nhu cầu cấp thời bằng quan điểm riêng của chính quyền. Ngay điểm này đã đi xa tinh thần dân chủ hóa giáo dục từ căn bản. Thêm vào đó, một số giới chức lại quan niệm độc quyền giáo dục, độc quyền kế hoạch và quan trọng hóa bản thân nên cố tình giới hạn việc xúc tiến cải tổ vì e rằng nền giáo dục mới sẽ không còn đặt nặng giá trị của trung ương nữa. Đây cũng là điểm cần xét lại, khi chưa cải tạo tinh thần, ý thức trách nhiệm thì chưa thể hoàn hảo hóa việc thi hành một kế hoạch toàn diện như giáo dục. Cho nên vấn đề đặt ra cũng đã lâu và trên giấy tờ xúc tiến mạnh như lời giải thích của chính quyền trong năm nay nhưng thực ra vẫn chưa có gì mới mẻ, các tệ trạng và bất công vẫn như cũ. Có thể phần nào phương tiện của bộ không được rộng rãi nhưng chỉ là một yếu tố mà thôi. Những biến cố chính trị, quân sự làm quần chúng thờ ơ với giáo dục và khung cảnh cố hữu cũng chỉ làm cho giáo dục với đầy đủ tính cách già nua, trì trệ, mà chưa có một sinh khí nào từ trung ương đến địa phương. Đến nay vẫn chưa có một kế hoạch cặn kẽ nào về vấn đề địa phương hóa mà chỉ là những bài thuyết trình quan điểm và văn thư sửa đổi hình thức. Vì thế, nhận xét về kế hoạch chưa thể chính xác và chặt chẽ dựa trên những quyết định hợp pháp, hợp lý của chính quyền mà chỉ là những nhận xét cực kỳ tổng quát có tính cách góp ý nhiều hơn là phê bình một kế hoạch. I. Các khó khăn của kế hoạch A. Trong hiện tại Hiện nay vấn đề quan trọng trong việc địa phương hóa là thành lập các Học khu để dân chúng nhìn rõ vấn đề, thấy rõ đặc điểm phân quyền giáo dục. Trong việc thành lập các Học khu, có những khó khăn sau đây: a) Nhân sự Từ trước tới nay đã có nhiều buổi thảo luận để quyết định, nhưng chưa xác định được [quyền hạn, nhiệm vụ] và của các Học khu gồm bao nhiêu Học khu trên toàn quốc. Tuy nhiên, theo quan điểm chung của giới chức thẩm quyền thì sẽ lập một thí điểm tại Huế để rút tỉa những ưu khuyết điểm hầu cải cách cho phù hợp với các Học khu khác sau này. Thí điểm này chưa được chính thức nêu ra vì nhiều lý do:
  14. Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 7-8 (114-115) . 2014 105 - Điều kiện chưa hội đủ; - Các quyền hạn và nhiệm vụ tại Học khu chưa xác định, nên nếu thành lập sẽ có thể tái diễn tình trạng tập quyền tại địa phương chưa đúng ý nghĩa địa phương hóa. Thêm vào đó, yếu tố cá nhân của vị Học khu trưởng cũng rất quan trọng. Ông này không những phải là người có nhiều khả năng, kinh nghiệm giáo dục mà còn phải hội đủ một số yếu tố đức tính cần thiết của một người chỉ huy nói riêng và đại diện chính quyền về giáo dục nói chung. Vì thế, khó khăn đầu tiên là tuyển chọn một số cá nhân thích hợp đủ sáng suốt và hăng say để làm những người tiên phong trong việc cải tổ. Cũng cần xét thêm là cá nhân còn phải phù hợp với mọi sắc thái cá biệt của địa phương như giọng nói, sắc tộc và thích ứng được với hoàn cảnh chính trị nữa, trong khi vẫn thi hành nghiêm chỉnh quyết định của trung ương. Có như thế, công việc giáo dục mới nhận được sự ủng hộ tích cực của quần chúng cũng như chính quyền địa phương hầu dễ dàng thực hiện những chương trình, những dự định của ngành giáo dục. b) Tổ chức giáo dục Trưởng Khu Học chánh là người quản trị toàn thể các trường trung và tiểu học trong khu. Hiện nay trong hàng ngũ giáo dục, cấp Tiểu học đã được thiết lập khá chặt chẽ. Đứng đầu trong cấp Tiểu học tại tỉnh là Ty Tiểu học trực thuộc Nha Tiểu học, đã có nề nếp từ 15 năm nay. Trong khi đó, các trường trung học phổ thông và kỹ thuật trực thuộc Nha Trung học và Nha Kỹ thuật tại trung ương, mỗi trường có một vị chỉ huy riêng. Mặc dù năm 1968, bộ có dự định thành lập một ty chung là Ty Văn hóa Giáo dục và Thanh niên nhưng vì gặp trở ngại tâm lý nên đã hoãn thi hành. Vì vậy trước khi thành lập Học khu, phải qua 2 giai đoạn: - Thành lập Ty Trung học. - Sáp nhập 2 Ty Trung và Tiểu học thành Ty Giáo dục. Khi thành lập xong, tất cả mọi trường trong tỉnh sẽ do ty đảm nhiệm và sau đó mới bổ nhiệm Trưởng khu. Một Khu Học chánh gồm có nhiều Ty Giáo dục. c) Địa giới và tổ chức hành chánh Hiện tại, về phương diện quân sự có chia thành vùng, khu chiến thuật. Vì thế nếu thành lập Khu Học chánh, tương quan giữa giáo dục và hành chánh, quân sự sẽ như thế nào? Một khi khu giáo dục khác khu quân sự là một vấn đề, nếu giáo dục không được sự hỗ trợ của quân sự và hành chánh sẽ khó lòng vượt qua các trở ngại kỹ thuật. Thêm vào đó, tương quan giữa Học khu và Tỉnh trưởng sẽ ra sao? Phải xác định tương quan và quyền hạn hai bên để có thể phối hợp, điều hòa và tích cực trên mọi phương diện, không thể quan niệm giáo dục đơn thuần tách rời khỏi những vai trò chuyên môn khác. Vấn đề đặt ra là ngoài nguyên tắc pháp lý còn có cả yếu tố tâm lý giữa giáo dục và hành chánh, giáo dục và quần chúng, để khỏi đưa đến sự tiếm quyền, sự giẫm chân và chi phối của hành chánh. Trước đây giữa giáo dục và
  15. 106 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 7-8 (114-115) . 2014 hành chánh đã không có những sự hợp tác chặt chẽ và tương thuận vì mặc cảm, ngày nay không giải quyết sẽ đưa đến nhiều rắc rối nữa. Điểm thứ hai là tổ chức Học khu thế nào để xứng đáng với vai trò chỉ huy cả một khu vực giáo dục. Hiện tại với ngân sách eo hẹp, việc thiết bị và thành lập cơ sở gây nhiều tổn phí. Đồng thời phải đặt vấn đề tuyển dụng nhân viên và tổ chức các phòng ốc một cơ sở khá quy mô. B. Trong tương lai Trong tương lai gần khi bắt đầu thi hành kế hoạch sẽ gặp phải những trở ngại sau đây: a) Sự phản đối của quần chúng khi phải đóng góp một số tiền vào việc xây cất và quản trị trường sở. Vấn đề này đã làm sôi nổi dư luận một thời gian trước đây và đã gặp những phản ứng bất lợi từ phía nhân dân. Người dân Việt Nam từ trước tới nay vẫn quan niệm là khi đã vào học trường công thì không phải chịu một phí tổn nào cả. Vì thế người dân đã coi chính quyền có nhiệm vụ phải cho con em họ được miễn giảm tối đa. Có thể coi sự đóng góp là hình thái căn bản để phân biệt trường công và trường tư. Tâm lý khoán trắng đó cũng tạo mặc cảm trọng công khinh tư. Đến nay, nếu vào trường công cũng phải đóng tiền sẽ bị dân chúng phản đối phần vì do thiệt hại vật chất, phần khác do mặc cảm kỳ thị và tâm lý ích kỷ coi rằng công lao của con em trong các cuộc thi tuyển để được vào trường công hóa ra vô ích hay sao? Mặc dù số tiền đóng góp không nhiều lắm nhưng trên bình diện người dân Việt Nam, hiện đang thiếu thốn cùng cực, nhất là tại nông thôn, và nếu một nhà có độ 2, 3 người con đi học thì học phí cũng không nhỏ. Với bản chất thụ động của người Việt Nam, sự quản trị trực tiếp hay gián tiếp do Hội Phụ huynh học sinh từ trước tới nay vẫn ít hưởng ứng. Số hội viên thì đông mà số hoạt động chẳng bao nhiêu. Vì thế phải xét kỹ vấn đề lập Hội Phụ huynh học sinh để gia tăng hiệu năng trong việc giúp người dân ý thức được vai trò của mình. b) Vấn đề di chuyển và thông tin Hiện tại chưa xác định là 6 hay 16 Học khu nhưng cả hai đều gặp bất lợi: - Nếu chia làm 6 Học khu sẽ có nơi không thuận tiện việc giao thông, một phần vì thiếu phương tiện, phần khác vì đường sá bị chiến tranh làm cho gián đoạn. Vì thế phải đặt cơ sở tại một tỉnh có tính cách đại diện mà phải dễ giao dịch nữa. Một số tỉnh gần Sài Gòn nên liên lạc thẳng với Sài Gòn nhiều khi dễ hơn liên lạc với Trưởng khu. - Nếu chia thành 16 Học khu, số lượng quá lớn sẽ làm quốc gia bị phân hóa. Quyền hạn và chính sách địa phương hóa rộng sẽ tạo nên tình trạng giáo dục cực kỳ phức tạp. Có thể nêu ra là để có tính chất độc đáo, các địa phương sẽ lạm dụng và làm mất đi sự thuần nhất trong nước, vượt khả năng và phương tiện của địa phương. Trên đây chỉ là một số khó khăn dự kiến bước đầu và còn có thể gặp nhiều trở ngại khác có tính cách chi tiết hơn.
  16. Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 7-8 (114-115) . 2014 107 II. Phương thức giải quyết Trước hết một kế hoạch toàn bộ như chính sách giáo dục không thể một ngày một buổi mà có thể đi đến chỗ hoàn bị vì vậy yếu tố thời gian cũng cần đặt ra. Kế hoạch không những phải nghiên cứu kỹ càng mà còn phải đối chiếu với nhiều quốc gia khác, nhất là những quốc gia có tình trạng tương tự như Việt Nam. Cần tham khảo sâu rộng ý kiến của quần chúng, cũng như việc thành lập thí điểm Nếu kế hoạch chỉ nhằm tạo một bộ mặt mới đầy đủ mọi tính chất pháp lý và cơ cấu tân tiến, dân chủ nhưng bản chất vẫn như cũ thì đó chỉ là “rượu cũ bình mới” chỉ tốt đẹp trên giấy tờ đầy tính chất trình diễn, mị dân, nhằm tạo sự thỏa mãn tự ái cá nhân của các nhà lãnh đạo hơn là giải quyết nhu cầu cho quốc gia. Kế hoạch không thể đi vào chỗ không tưởng dựa trên lý thuyết mà phải đi sát thực tế chiếu hội hoàn cảnh quốc gia - một quốc gia chậm tiến, lạc hậu và chiến tranh. Kế hoạch không phải là sáng kiến của một nhóm người mà phải do toàn dân đóng góp, toàn dân tham gia một cách tích cực. Hiện nay, các trường tiểu học toàn quốc đều được mệnh danh là trường cộng đồng nhưng thực tế thế nào? Các trường tổng hợp cũng vậy. Tổng hợp chăng ở chỗ mỗi trường có thêm một phòng dạy đánh máy do một số thư ký văn phòng phụ trách? A. Sự mạo hiểm cần thiết trong việc đầu tư giáo dục a) Dĩ nhiên đối với quốc gia Việt Nam, không thể bắt chước toàn bộ cơ cấu của một quốc gia tiền tiến: không một quốc gia nào giống hẳn một quốc gia nào. Vì thế kế hoạch không phải chỉ bao gồm việc tổng hợp những kinh nghiệm của các quốc gia khác hay nghiên cứu sâu rộng về tình trạng Việt Nam, mà còn phải có sáng kiến mới mẻ để áp dụng vào Việt Nam. Sáng kiến không phải là một quyết định táo bạo vượt các quy luật giáo dục mà là một sự mạo hiểm để cải tổ. Từ xưa đến nay không một định luật xã hội nào được coi như có thể áp dụng vượt không gian thời gian mà luôn luôn tùy thuộc vào các yếu tố ngoại lai, nội tại của từng miền. Vì thế vấn đề không chỉ là rập khuôn một quốc gia khác mà phải tham khảo đầy đủ ý kiến của các học giả, nhân sĩ có nhiều kinh nghiệm về giáo dục, biết rõ về giáo dục để có thể có một nền tảng vững chắc làm căn bản cho mai hậu. Tối thiểu cũng phải phát động một phong trào không ngại tốn công tốn của, vừa tạo kích thích tâm lý không bị mặc cảm bỏ rơi đồng thời thu thập được nhiều sáng kiến hữu ích, tìm ra những nguyên tắc chung điều hướng toàn bộ kế hoạch. Điểm thứ hai là khi áp dụng kế hoạch phải tiên liệu khả năng sẽ có thể chịu đựng những lời bình phẩm chỉ trích vô tư cũng như chủ quan từ các giới xã hội, và phải sẵn sàng đón nhận, giải thích đồng thời dựa vào đó để sửa sai hay để phổ biến chính sách trên một bình diện rộng rãi nhằm đánh tan nỗi nghi ngờ của quần chúng.
  17. 108 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 7-8 (114-115) . 2014 b) Ngân sách giáo dục và thời kỳ thực hiện thí điểm Trong thời gian đầu, kế hoạch địa phương hóa sẽ không khỏi tốn một khoản chi phí lớn lao trong việc thành lập cơ sở và phổ biến đường lối. Vì thế, chính quyền phải kêu gọi các quốc gia, các cơ quan quốc tế và quần chúng tích cực ủng hộ cả công lẫn của để chương trình sớm hoàn tất, đồng thời quốc gia cũng phải dành một khoản ngân sách lớn để chuẩn bị và dồn nỗ lực thực hiện. Điểm thứ hai là phải có thời gian chuẩn bị, thực hiện và nghiên cứu thí điểm lâu dài. Các quốc gia khác trước khi áp dụng một chương trình mới họ đều phải bỏ ra khoảng thời gian từ 5 đến 10 năm để nghiên cứu và thực hiện thí điểm. Các thí điểm tại Việt Nam chưa đúng mức, vẫn còn hời hợt, nông cạn và không đủ tiêu chuẩn đề ra. Như vậy khi thực hiện trên toàn quốc chắc chắn sẽ không sao đạt được kết quả tốt. B. Các đề nghị nhóm vượt qua những trở ngại a) Về nhân sự: Vị Trưởng khu Học chánh có thể tạm thời bổ dụng theo sự đề cử của địa phương và các giáo chức đại diện các trường trong khu vực đó. Vị Trưởng khu này phải là người xuất sắc, giàu kinh nghiệm, thiện chí, tuổi tác và đức độ. Có thể coi những vị này tương tự như quan Huấn đạo, Đốc học trong thời kỳ này và phải làm sao để họ được toàn khu kính nể nhờ khôi phục lại được vị trí của một ông thầy đúng nghĩa. Vì quyết định của Trưởng khu không có tính cách đơn phương nên lấy người đạo đức và tuổi tác làm căn bản tuyển chọn. Trước tình trạng thiếu giáo chức hiện nay, cần phải đào luyện gấp một số người hiểu rõ kế hoạch địa phương hóa, có tinh thần cộng đồng, có lối giảng dạy thiết thực và họ sẽ tu nghiệp để bổ túc khả năng sư phạm sau. b) Về tài chánh: Ngân sách giáo dục hiện nay quá ít ỏi không đủ để phát triển. Vì thế trong những năm đầu phải có đủ ngân khoản cần thiết thi hành kế hoạch. Hiện tại ngân sách giáo dục của Việt Nam là 8.015.664.000$,(*) chiếm tỷ lệ 4,38% ngân sách quốc gia (1970), một tỷ lệ quá ít chỉ đủ chi phí cho việc điều hành. Trong khi đó, ngay những quốc gia đã phát triển cũng dành những ngân khoản lớn cho giáo dục: Hoa Kỳ: 25% ngân sách quốc gia. Nga Sô: 12-13% ngân sách quốc gia. Có những tiểu bang ở Hoa Kỳ dành tới 70% ngân sách tiểu bang cho giáo dục.( ) Nước ta vì phải lo nhiều vấn đề khác cấp bách hơn nên không thể theo kịp họ nhưng bắt buộc phải gia tăng ngân sách giáo dục, khi nào vấn đề địa phương hóa thực hiện xong, ngân sách giáo dục sẽ rút xuống và chỉ quy tụ vào một vài trách nhiệm của trung ương. c) Về vận động giáo dục: Nên có những đoàn cán bộ đi sát với nhân dân, thực hiện cho dân, xây trường sở, phổ biến những bài ca hào hùng, chính khí vừa tác động tâm lý vừa tác động tuyên truyền, gây tranh đua giữa các địa phương bằng những kết quả cộng đồng như trồng rau, trồng hoa, xây lớp * Ngân sách quốc gia năm 1970. (Chú trong nguyên bản). Những vấn đề văn hóa giáo dục: Trần Ngọc Ninh. (Chú trong nguyên bản).
  18. Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 7-8 (114-115) . 2014 109 Có thể sử dụng một số sinh viên các phân khoa trong dịp nghỉ hè để làm cán bộ vì họ vừa có khả năng, vừa có thiện chí lại tránh được nhiều khó khăn khác. Một chính sách hay chưa đủ mà đường lối phổ biến mới là quan trọng. Tâm lý người dân thích thì làm, vui thì hy sinh. Tác động tinh thần còn mạnh mẽ gấp trăm lần tác động vật chất. Cũng trong tác động tâm lý, nên để các thân hào nhân sĩ, các địa chủ, phú nông được quyền đóng góp nhiều trong công tác giáo dục. Hiện nay giới chức giáo dục muốn đóng góp đồng đều vì sợ sẽ mang tới nạn lạm quyền giáo dục. Thực ra nếu để kẻ này góp công, người kia góp của sẽ khiến ai nấy ganh đua. Những người góp nhiều sẽ được tuyên dương, được khích lệ để đánh vào tính hiếu danh, tính thích phô trương. Hơn nữa, chính quyền cũng sẽ minh định rằng những số tiền đóng góp đó là hoàn toàn do địa phương và cho địa phương, thực hiện cho chính con em của họ. Số tiền dư ra sau công tác giáo dục nếu có sẽ được dùng cho những công tác xã hội khác nhau như mở quán ăn, vườn trẻ, hay để làm quỹ giải thưởng học vấn, tăng lương giáo chức Như thế không ai còn e ngại mà không đóng góp. Sự thờ ơ với giáo dục trước đây một phần lớn cũng vì tiền bạc đi vào ngân sách quốc gia như túi không đáy khiến không mấy ai tham gia gắng sức vào cộng tác. N D C TÓM TẮT Bài viết này là một chương trích từ luận văn tốt nghiệp Học viện Quốc gia Hành chánh năm 1970 của tác giả Nguyễn Duy Chính, nhan đề “Vấn đề địa phương hóa giáo dục tại Việt Nam”. Đây là một chủ trương lớn nhằm cải tổ nền giáo dục ở miền Nam của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, được đặt ra vào năm 1964 và chính thức thi hành từ năm 1969. Mục đích của chủ trương này nhằm phân quyền giáo dục để các địa phương tự quản, để dân chúng, giáo chức, và chính quyền có cơ hội hợp tác chặt chẽ và tích cực đóng góp vào việc thực thi chính sách quốc gia giáo dục tại địa phương mình. Bài viết gồm 2 phần: Phần I trình bày tổng quát về kế hoạch địa phương hóa giáo dục, từ mục tiêu, diễn trình thực hiện đến các nội dung cụ thể. Phần II nêu lên nhận định của tác giả về những khó khăn trong quá trình triển khai kế hoạch, trước mắt cũng như lâu dài, và đề xuất các phương cách giải quyết. ABSTRACT THE ISSUE OF LOCALIZATION IN EDUCATION IN SOUTH VIETNAM BEFORE 1975 This article is an extracted chapter from the author’s thesis at the National Institute of Administration in 1970, entitled “The issue of localization in education in Vietnam”. The thesis related to the policy of the education reform put forward in 1964 and formally executed in 1969 by the government of the Republic of Vietnam. The purpose of the policy was to decentralize the education to local areas so that the people, teachers, and local authorities had the opportunity to cooperate closely in and actively contribute to the implementation of national policy on education in their localities. The article consists of two parts, the 1st part provides an overview on the plan of localization in education including the goal, the implementation process and specific contents; meanwhile, the 2nd part presents the author’s comments on immediate and long-term difficulties in implementing the project and proposes ways of resolving them.