Luận án Thể loại truyện đồng thoại trong văn học Việt Nam hiện đại
Bạn đang xem 20 trang mẫu của tài liệu "Luận án Thể loại truyện đồng thoại trong văn học Việt Nam hiện đại", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tài liệu đính kèm:
- luan_an_the_loai_truyen_dong_thoai_trong_van_hoc_viet_nam_hi.pdf
Nội dung text: Luận án Thể loại truyện đồng thoại trong văn học Việt Nam hiện đại
- ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN ___ LÊ NHẬT KÝ THỂ LOẠI TRUYỆN ĐỒNG THOẠI TRONG VĂN HỌC VIỆT NAM HIỆN ĐẠI LUẬN ÁN TIẾN SỸ NGỮ VĂN Thành phố Hồ Chí Minh – Năm 2011
- ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN ___ LÊ NHẬT KÝ THỂ LOẠI TRUYỆN ĐỒNG THOẠI TRONG VĂN HỌC VIỆT NAM HIỆN ĐẠI Chuyên ngành: Văn học Việt Nam Mã số: 62.22.34.01 LUẬN ÁN TIẾN SỸ NGỮ VĂN Người hướng dẫn khoa học: PGS-TS. NGUYỄN THỊ THANH XUÂN Thành phố Hồ Chí Minh – Năm 2011
- LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu nêu trong luận án là trung thực, có nguồn gốc rõ ràng. Những kết luận khoa học của luận án chưa từng được ai công bố trong bất kì công trình nào khác Tác giả luận án
- 1 MỤC LỤC DẪN NHẬP 3 1. Lí do chọn đề tài 3 2. Lịch sử vấn đề 3 3. Đối tượng và nhiệm vụ nghiên cứu 12 4. Đóng góp của luận án 14 5. Phương pháp nghiên cứu 15 6. Cấu trúc của luận án 15 CHƯƠNG 1: TRUYỆN ĐỒNG THOẠI VIỆT NAM HIỆN ĐẠI – LÝ THUYẾT VÀ LỊCH SỬ THỂ LOẠI 17 1.1. Truyện đồng thoại Việt Nam hiện đại – những vấn đề lí thuyết 17 1.1.1. Thuật ngữ truyện đồng thoại trong văn học Việt Nam 17 1.1.2. Các quan niệm về truyện đồng thoại ở Việt Nam 19 1.1.3. Những độ chênh về thuật ngữ 23 1.1.4. Đặc trưng thể loại truyện đồng thoại 26 1.1.5. Truyện đồng thoại với một số thể loại khác 35 1.2. Truyện đồng thoại Việt Nam hiện đại – khái quát về lịch sử 41 1.2.1. Những nền tảng truyện kể truyền thống 41 1.2.2. Quá trình phát triển của truyện đồng thoại Việt Nam hiện đại 48 1.2.3. Thành tựu phát triển của truyện đồng thoại Việt Nam hiện đại 56 CHƯƠNG 2: TRUYỆN ĐỒNG THOẠI VIỆT NAM HIỆN ĐẠI –NHÌN TỪ PHƯƠNG DIỆN NỘI DUNG 64 2.1. Truyện đồng thoại Việt Nam hiện đại – những cảm hứng chính 64 2.1.1. Cảm hứng về thế giới tự nhiên 64 2.1.2. Cảm hứng về thế giới con người 70 2.2. Truyện đồng thoại Việt Nam hiện đại – những bài học giáo dục 81 2.2.1. Những bài học giáo dục nhân cách dành cho trẻ em 81 2.2.2. Những bài học có thể có ích cho cả người lớn 95 CHƯƠNG 3: TRUYỆN ĐỒNG THOẠI VIỆT NAM HIỆN ĐẠI - NHÌN TỪ PHƯƠNG DIỆN NGHỆ THUẬT 101 3.1. Hệ thống nhân vật và các biện pháp xây dựng nhân vật 101
- 2 3.1.1. Hệ thống nhân vật 101 3.1.2. Các biện pháp xây dựng nhân vật 105 3.2. Nghệ thuật tổ chức cốt truyện 116 3.2.1. Các cách xây dựng cốt truyện 117 3.2.2. Các kiểu cốt truyện 120 3.2.3. Cốt truyện đồng thoại và kĩ thuật kể chuyện 124 3.2.4. Một số hạn chế về nghệ thuật tổ chức cốt truyện 135 3.3. Nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ 135 3.3.1. Ngôn ngữ nhân vật 135 3.3.2. Ngôn ngữ người trần thuật 140 CHƯƠNG 4: TRUYỆN ĐỒNG THOẠI VIỆT NAM HIỆN ĐẠI – NHÌN TỪ PHƯƠNG DIỆN VỊ TRÍ THỂ LOẠI 150 4.1.Truyện đồng thoại Việt Nam hiện đại – những điều kiện phát triển 150 4.1.1. Điều kiện khách quan 150 4.1.2. Điều kiện chủ quan 154 4.2. Truyện đồng thoại Việt Nam hiện đại – những đóng góp 156 4.2.1. Kế thừa có phát triển truyện đồng thoại dân gian 156 4.2.2. Đáp ứng nhu cầu của một lớp công chúng đặc biệt 160 4.2.3. Tham dự vào sách giáo khoa 164 4.2.4. Nguồn cảm hứng sáng tạo cho nhiều bộ môn nghệ thuật khác 167 4.3. Truyện đồng thoại Việt Nam hiện đại – những thành tựu về tác giả 172 4.3.1. Tô Hoài – người đi tiên phong và tạo được đỉnh cao 172 4.3.2. Võ Quảng – người kết nối dân gian với hiện đại 177 4.3.3. Viết Linh – người chọn một lối đi riêng 181 4.3.4. Xuân Quỳnh – người phả chất thơ vào truyện đồng thoại 185 4.3.5. Trần Đức Tiến – người chạy tiếp sức trên con đường đồng thoại 190 KẾT LUẬN 196 1. Đánh giá thành tựu phát triển của truyện đồng thoại Việt Nam hiện đại 196 2. Đề xuất biện pháp phát triển truyện đồng thoại Việt Nam hiện đại 197 THƯ MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 199 DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH, BÀI BÁO TÁC GIẢ ĐÃ CÔNG BỐ LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN 219 PHỤ LỤC TÁC PHẨM KHẢO SÁT 221
- 3 DẪN NHẬP 1. Lí do chọn đề tài Truyện đồng thoại là một thể loại đã có quá trình phát triển lâu dài, đạt được nhiều thành tựu, có một vị trí quan trọng trong văn học Việt Nam hiện đại. Thường xuyên xuất hiện trong không gian gia đình và lớp học, truyện đồng thoại trở thành người bạn thân thiết của tuổi thơ, là nguồn dinh dưỡng tinh thần không thể thiếu trong quá trình trưởng thành của mỗi con người. Trong hoạt động giao lưu giữa các nền văn hóa với nhau, nhiều tác phẩm truyện đồng thoại đã được dịch và giới thiệu, góp phần mở rộng biên độ ảnh hưởng của văn học Việt Nam ra thế giới. Dù vậy, cho đến nay, ở Việt Nam vẫn chưa có một công trình nào tập trung nghiên cứu về truyện đồng thoại. Chọn đề tài Thể loại truyện đồng thoại trong văn học Việt Nam hiện đại, chúng tôi muốn khảo sát một cách hệ thống thể loại này, góp phần khắc phục một khoảng trống đáng tiếc trong đời sống nghiên cứu văn học thiếu nhi Việt Nam. 2. Lịch sử vấn đề Truyện đồng thoại hiện đại xuất hiện cùng với quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam vào những năm đầu thế kỷ XX và ít nhiều gây được tiếng vang với tác phẩm Dế mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài. Dù vậy, trong giai đoạn từ 1930 đến 1945, giới lí luận phê bình đương thời chưa chú ý đến truyện đồng thoại, ngoài đoạn văn ghi nhận về “mấy truyện nhi đồng có tiếng” của Tô Hoài trong Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan [203, tr.422]. Từ năm 1945 đến nay, truyện đồng thoại được đề cập tới trong một số chuyên luận, giáo trình, bài báo khoa học, bài đọc sách, lời bình Căn cứ vào nội dung, chúng tôi thấy có thể khái quát các ý kiến trong các công trình nghiên cứu trên thành bốn nhóm sau: 2.1. Nhóm thứ nhất: Nghiên cứu về đặc trưng, chức năng của thể loại truyện đồng thoại. Liên quan đến vấn đề này có các bài viết sau: Tìm hiểu đặc
- 4 điểm của đồng thoại của Vân Thanh [237], Lại nói về truyện đồng thoại viết cho thiếu nhi của Võ Quảng [212], Về sức tưởng tượng của đồng thoại của Nguyễn Kiên [117] và Truyện đồng thoại viết cho lứa tuổi nhi đồng của Định Hải [65]. Đề cập đến đặc trưng của truyện đồng thoại, các tác giả trên đều khẳng định: Truyện đồng thoại phản ánh cuộc sống không theo quy luật tả thực mà theo quy luật của tưởng tượng. Nguyễn Kiên cho rằng: “Đặc điểm nổi bật của đồng thoại là ở sự tưởng tượng vô cùng phong phú và rộng rãi, tưởng chừng như người viết có thể bịa đặt tha hồ” [117, tr.3]. Theo họ, nhờ tưởng tượng mà cuộc sống trong truyện đồng thoại “hiện lên rõ hơn, lộng lẫy hơn, có sức khái quát cao hơn”. Nhờ đó, thể loại này dễ dàng bắt nhịp với tuổi thơ, tham gia rất sớm vào quá trình hình thành nhân cách của mỗi con người [212, tr.76]. Khi nói về đặc trưng của truyện đồng thoại, các tác giả trên cũng bàn đến vấn đề nhân vật. Theo họ, hệ thống nhân vật của truyện đồng thoại rất đa dạng, nhưng trọng tâm vẫn là loài vật, và chúng được miêu tả theo một số nguyên tắc nhất định: nhân cách hóa, cách điệu hóa : “nhân vật của đồng thoại không chỉ là người mà còn đủ cả các loài vật, loài có xương sống hoặc không có xương sống, biết nhảy, biết bay, biết lội ( ), là các loài cây cỏ hoa quả mọc ở bất cứ khí hậu nào. Cả từ cây kim sợi chỉ cho đến đoàn tàu, chiếc cầu sắt, đều có thể biến thành nhân vật của đồng thoại” [212, tr.75]. Ghi nhận truyện đồng thoại ít nhiều gần gũi với truyện cổ tích và ngụ ngôn, Định Hải và Vân Thanh cho rằng, chính nhờ kết hợp nhuần nhuyễn khía cạnh tự nhiên và xã hội mà nhân vật truyện đồng thoại mang một vẻ riêng, vừa phản ánh thế giới loài vật, vừa trở thành ẩn dụ về cuộc sống con người [65],[237]. Bàn về vai trò, chức năng giáo dục của truyện đồng thoại có các tác giả Ngô Quân Miện, Lã Thị Bắc Lý và Nguyễn Ánh Tuyết. Tác giả Ngô Quân Miện nhận thấy: “Việc đưa những tình cảm, tư tưởng cao đẹp vào tâm hồn các em nhi đồng qua con đường đồng thoại là con đường có hiệu quả hơn hết” [148, tr. 85]. Nhà tâm lí học Nguyễn Ánh Tuyết trong Đồng thoại với việc giáo dục trẻ thơ cũng có quan điểm tương tự khi viết rằng: Truyện đồng thoại ngắn gọn, đậm chất mơ tưởng, có khả năng khơi dậy ở các em những cảm xúc thú vị, bất ngờ; đồng thời nó “khiến
- 5 cho một đứa trẻ từ một thính giả thụ động biến thành một người tham gia tích cực vào các sự kiện của các nhân vật vốn chỉ là chim muông, cây cỏ hay những vật vô tri, vô giác mà trở thành người bạn thân thiết với chúng” [271, tr.255]. Bài viết Truyện đồng thoại với giáo dục mẫu giáo của Lã Thị Bắc Lý [139] tiếp cận vấn đề theo hướng khác, đó là đi vào phân tích những tác động cụ thể như việc bồi dưỡng lòng nhân ái, cảm xúc thẩm mĩ Trên cơ sở đó, tác giả đã minh chứng được khả năng to lớn của truyện đồng thoại trong việc thực hiện chức năng giáo dục, một chức năng vốn rất được coi trọng trong văn học thiếu nhi. Những ý kiến về đặc trưng, chức năng của truyện đồng thoại nói trên, theo chúng tôi, có giá trị về mặt lí luận, sẽ được lưu tâm khi bàn về cách hiểu truyện đồng thoại ở Việt Nam. 2.2. Nhóm thứ hai: Nghiên cứu về tình hình phát triển và thành tựu của truyện đồng thoại. Vấn đề này thường được nghiên cứu trong thành tựu chung của văn học thiếu nhi, hoặc trong thành tựu riêng của một tác giả. 2.2.1. Nghiên cứu truyện đồng thoại trong diễn biến và thành tựu chung của văn học thiếu nhi: Trên Tạp chí Nghiên cứu Văn học số 6/1962, nhà nghiên cứu Vân Thanh có bài viết Văn học thiếu nhi Việt Nam, đánh giá thành tựu văn học thiếu nhi qua mấy năm đầu phát triển. Đề cập tới một số tác phẩm truyện đồng thoại tiêu biểu như Trăng rơi xuống giếng (Đào Vũ), Cuộc đời chìm nổi của chú Kíplê (Vũ Cận), Cái tết của Mèo con (Nguyễn Đình Thi) , Vân Thanh cho rằng, các tác giả đã xây dựng được những câu chuyện vui tươi, dí dỏm, có tác dụng làm phong phú thế giới tưởng tượng của các em [232, tr.30]. Đúng một năm sau, cũng trên Tạp chí Văn học (số 6/1963), Vân Thanh tiếp tục nêu lên tình hình phát triển của truyện đồng thoại qua bài Truyện viết cho thiếu nhi gần đây. Tập trung phân tích hai tác phẩm: Cuộc phiêu lưu của Văn Ngan tướng công (Vũ Tú Nam) và Đám cưới chuột (Tô Hoài, tái bản), Vân Thanh tỏ ý không tán đồng việc giáo dục các em bằng nhân vật phản diện (Văn Ngan), vì nếu các em bắt chước những hình tượng xấu thì rất nguy hại [233, tr.61]. Nhà nghiên cứu cũng
- 6 băn khoăn về tính không hợp thời của truyện Đám cưới chuột (Tô Hoài) trong hoàn cảnh xã hội mới. Trong bài viết Chặng đầu của nền văn học viết cho thiếu nhi, Vũ Ngọc Bình ghi nhận sự xuất hiện của các cây bút trẻ như Văn Biển, Trần Hoài Dương đã đem lại cho truyện đồng thoại giai đoạn chống Mỹ nhiều nét mới mẻ [16, tr.7]. Bài Tìm hiểu đặc điểm của đồng thoại của Vân Thanh cũng thể hiện một cái nhìn tương tự: sự phát triển của truyện đồng thoại trong giai đoạn chống Mĩ gắn liền với việc mở rộng chức năng phản ánh hiện thực, “đem lại cho nội dung đó hơi thở của thời đại” [237, tr.113]. Nhân năm Quốc tế thiếu nhi (1980), một cuộc hội thảo toàn quốc về văn học thiếu nhi đã được Hội nhà văn Việt Nam tổ chức tại Hà Nội (ngày 22 – 23/8/1981), thu hút sự tham gia đông đảo các nhà văn và nhà nghiên cứu. Tại Hội thảo này, nhà văn Nguyên Ngọc, thay mặt Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam trình bày bản báo cáo đề dẫn 35 năm văn học thiếu nhi. Báo cáo khẳng định: cùng với nhiểu thể loại văn xuôi khác, truyện đồng thoại đã đạt được bước tiến mạnh mẽ, nhiều tác phẩm “có sức sống, sức tỏa sáng lâu dài” [167, tr.8]. Cũng tại Hội thảo này, nhà văn Ngô Quân Miện có bài viết riêng về truyện đồng thoại với nhan đề Đồng thoại với việc bồi dưỡng tâm hồn các em . Trong phần đầu bài viết, tác giả khẳng định, truyện đồng thoại là loại truyện thích hợp nhất với các em nhi đồng, được nhiều người quan tâm khai thác. Nhờ vậy, theo thời gian, “cái vốn đồng thoại của chúng ta ngày một thêm dày và đa dạng hơn trước” [148, tr.82]. Trên Báo Văn nghệ số 30/1983, nhà thơ Định Hải cho rằng, truyện đồng thoại của ta có truyền thống từ xa xưa, phát triển mạnh trong thời kì hiện đại với sự đóng góp của nhiều thế hệ tác giả. Đặc điểm của truyện đồng thoại là viết về con vật nhưng là để nói về con người, về cuộc sống mới. Ưu điểm rõ nhất của truyện đồng thoại Việt Nam là “vui tươi, ngộ nghĩnh, ý nghĩa giáo dục nhẹ nhàng, tế nhị, ít khiên cưỡng”. Tuy vậy, truyện đồng thoại Việt Nam thường hay trùng lặp đề tài, nhân vật Vì vậy, sức hấp dẫn của thể loại ít nhiều bị hạn chế [65, tr.3].
- 7 Trong Phác thảo 50 năm văn học thiếu nhi Việt Nam, Vân Thanh thừa nhận: “Kể từ Dế Mèn của Tô Hoài, dòng đồng thoại luôn chảy trong văn học thiếu nhi Việt Nam” [243, tr.15]. Tài liệu Văn học thiếu nhi của tác giả Cao Đức Tiến được biên soạn nhằm mục đích phục vụ chương trình bồi dưỡng chuẩn hóa đội ngũ giáo viên mầm non, hệ trung học sư phạm. Theo Cao Đức Tiến, những truyện đồng thoại thành công đều “được viết bằng bút pháp vui tươi, hóm hỉnh, giàu chất thơ” [259, tr.64]. Chuyên luận Truyện viết cho thiếu nhi sau 1975 (vốn là Luận án Tiến sĩ Ngữ Văn) của Lã Thị Bắc Lý là công trình nghiên cứu về một số thể loại truyện viết cho thiếu nhi trong khoảng thời gian từ 1975 đến 2000. Trong công trình này, tác giả không đặt nhiệm vụ khảo sát thể loại truyện đồng thoại với lí do: sau năm 1975, truyện đồng thoại “không còn phù hợp nữa” [140, tr.104]. Xem phần Phụ lục giới thiệu 96 tác phẩm được tác giả sử dụng khảo sát, chúng ta không thấy có tác phẩm nào thuộc thể đồng thoại. Phải chăng, những thay đổi của xã hội Việt Nam sau 1975 đã khiến cho truyện đồng thoại không còn thích ứng, buộc phải từ giã văn đàn? Marian Tkachov là nhà văn, đồng thời là một dịch giả đã chuyển ngữ thành công Dế Mèn phiêu lưu ký và một số truyện đồng thoại khác của Tô Hoài, Vũ Tú Nam và Nguyễn Đình Thi sang tiếng Nga. Từ công việc của mình, ông đã thực hiện bài viết Truyện đồng thoại Việt Nam nhằm giúp bạn đọc Nga làm quen với văn học Việt Nam. Ông đã chỉ ra mối liên hệ mật thiết của truyện đồng thoại Tô Hoài với hội họa truyền thống, và xem “con người với súc vật nói cùng một thứ ngôn ngữ ( ), điều đó đã làm câu chuyện thêm tính thuyết phục” [263, tr.276]. 2.2.2. Nghiên cứu truyện đồng thoại trong thành tựu riêng của tác giả: Trong trường hợp này, đối tượng nghiên cứu chính là tác giả, là toàn bộ văn nghiệp của tác giả, trong đó có những tác phẩm truyện đồng thoại. Dạng nghiên cứu này thường xuất hiện trong các chuyên luận, giáo trình và một số bài viết có tính chất khắc họa chân dung tác giả văn học. Trước hết, phải kể đến nhà văn Tô Hoài. Trước 1945, Tô Hoài được Vũ Ngọc Phan khen là có lối viết truyện cho trẻ em “linh động và dí dỏm”, đượm màu
- 8 sắc thôn quê [203, tr.422]. Sau cách mạng, Tô Hoài được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm. Hầu hết các công trình nghiên cứu về Tô Hoài ít nhiều đều có đề cập đến mảng truyện đồng thoại. Có thể kể đến: Tô Hoài viết cho lứa tuổi măng non [46], Nhà văn Tô Hoài [160], Truyện loài vật của Tô Hoài [51], Tô Hoài, 60 năm viết [126] Theo các nhà nghiên cứu, Tô Hoài đã sáng tạo được một thế giới loài vật hết sức sinh động, có nhiều phát hiện, thể hiện một tâm hồn nhạy cảm, đầm ấm của tác giả trước cuộc đời [51, tr.29]. Họ cũng đánh giá cao mảng truyện đồng thoại trước 1945 của ông, xem Dế Mèn phiêu lưu ký là một thành công xuất sắc, xứng đáng là kiệt tác của văn học thiếu nhi Việt Nam [48]. Về những truyện đồng thoại sau 1945, Hà Minh Đức, Phong Lê và Trần Đình Nam ghi nhận đó là kết quả của những nỗ lực nhằm đổi mới cách viết [51, tr.29], song hiệu quả nghệ thuật chưa được như ý, “không còn gây được ấn tượng sâu sắc như những truyện ông viết trong mấy năm (mới) vào nghề” [126, tr.23] Dù vậy, trong tương quan chung, Tô Hoài vẫn xứng đáng là người ăn “giải cạn” ở thể loại này [160, tr.38]. Kế đến, phải kể tới nhà văn Võ Quảng – cây đại thụ của văn học thiếu nhi Việt Nam (1920 – 2007). Về ông, có các công trình, bài viết sau: Đồng thoại qua ngòi bút của Võ Quảng của Vũ Ngọc Bình [19], Truyện viết cho thiếu nhi dưới chế độ mới của Vân Thanh [239], Võ Quảng, 40 năm thơ văn cho thiếu nhi của Phong Lê [125], Đôi điều về truyện đồng thoại Võ Quảng của Bùi Văn Tiếng [261]; và các giáo trình: Văn học thiếu nhi Việt Nam của Dương Thu Hương và Trần Đức Ngôn [108], Văn học thiếu nhi Việt Nam của Lê Thị Hoài Nam [158], Văn học trẻ em của Lã Thị Bắc Lý [141], Văn học cho thiếu nhi của Châu Minh Hùng và Lê Nhật Ký [105]. Các ý kiến đều thống nhất nhận xét: nhiều truyện của Võ Quảng được “cấu tứ trên những sự tích dân dã” [19, tr.4], giàu chất triết lí, nhưng đó là thứ triết lí “hồn nhiên mà sâu xa” [125, tr.358], “thực sự là những công trình sư phạm góp phần giáo dục cho các em cả về trí tuệ, về thẩm mĩ và về phép đối nhân xử thế trong cuộc đời” [141, tr.45]. Đến nay, ngoài Tô Hoài và Võ Quảng, chúng ta chưa có những nghiên cứu riêng về Viết Linh, Văn Biển, Trần Hoài Dương và Trần Đức Tiến
- 9 2.3. Nhóm thứ ba: Nghiên cứu về giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm truyện đồng thoại. Ở đây, tác phẩm truyện đồng thoại được xem là đối tượng nghiên cứu chính. Mục đích của người nghiên cứu là khám phá vẻ đẹp nội dung và nghệ thuật của tác phẩm. Nằm trong hướng nghiên cứu này có các bài viết thuộc dạng phân tích, bình giảng, giới thiệu về một tác phẩm hay một tập truyện đồng thoại cụ thể. Tùy vào tính chất, quy mô của bài viết mà tác giả đề cập tới một hay nhiều phương diện giá trị của tác phẩm. Trên Báo Văn nghệ (số 310/1969), Hoàn Mỹ có bài giới thiệu về cuốn sách Cô Bê 20 của Văn Biển [157]. Theo tác giả, cuốn sách đầu tay này của Văn Biển đã thể hiện được một cách sinh động, ý vị về đề tài cuộc sống mới, con người mới và tỏ ra có ưu thế khi miêu tả nội tâm và cảnh sắc thiên nhiên [157, tr.14]. Giới thiệu tập truyện Gánh xiếc lớp tôi của Viết Linh, Vũ Ngọc Bình cho rằng, phần lớn các truyện trong tập là đồng thoại khoa học, có “hình tượng đượm chất thơ, tạo nên cái trữ tình tươi mát bên cạnh mạch tự sự chủ đạo của toàn tập” [18, tr.11]. Năm 1991, nhân dịp Con chuột mù của Bùi Hiển được tái bản, Văn Hồng đã Tản mạn về Con chuột mù, khen đó là một “áng văn hay”, vì tác giả đã vượt qua được cái khó của thể loại đồng thoại, miêu tả sinh động mối quan hệ bố chồng – nàng dâu vốn ít được chú ý trong cuộc sống cũng như trong văn chương. Theo ông, câu chuyện về loài chuột này lấp lánh tính người, tình người. Do vậy, “nửa thế kỉ đã trôi qua, thiên đồng thoại này vẫn chưa mất đi bao nhiêu ý nghĩa thời sự” [100, tr.99]. Trong Tuyển tập truyện viết cho thiếu nhi từ sau cách mạng tháng Tám (Nxb Giáo dục, 1999) do Phong Thu biên soạn có 17/70 truyện đồng thoại được chọn. Cuối mỗi truyện, người tuyển chọn đều đưa ra một lời bình ngắn gọn, nhấn vào một điểm đặc sắc nào đó của câu chuyện. Trong khi bình, Phong Thu đã chú ý làm nổi bật tính chất đồng thoại của một số tác phẩm. Cụ thể, với truyện Ếch Xanh đi học, ông viết như sau: “Câu chuyện đồng thoại vui kể về chú Ếch Xanh đi học cứ như là kể về một cậu học trò nào đó đã ham chơi, lười học lại còn không nghe lời mẹ nên
- 10 mới gặp phải những chuyện rắc rối dại dột và trở nên yếu hèn” [255, tr.156]. Truyện Đôi cánh của Ngựa Trắng của nhà văn Thy Ngọc cũng được xem là “câu chuyện nhỏ, chứa đến mấy bài học lớn đựng trong cái lẵng “đồng thoại” hấp dẫn, xinh xinh ” [255, tr.264]. Dạng bài lời bình còn xuất hiện trong hai tập sách Những câu chuyện bổ ích và lí thú (Nxb Giáo dục, 2001) do Trần Hòa Bình và Lê Hữu Tỉnh tuyển chọn. Ở đây, chỉ có lời bình về truyện Chuyện của Bong Bóng của Lương Đình Khoa là đáng chú ý: “Chọn lối viết đồng thoại, tác giả đã tìm được một hình thức diễn đạt phù hợp với ý tưởng có màu sắc triết lí” [15, tr.132]. Giữa năm 2007, nhà xuất bản Trẻ ấn hành cuốn Tôi là Bêtô của Nguyễn Nhật Ánh. Trong dịp này, một số nhà nghiên cứu, nhà văn đã có bài phê bình về cuốn sách này. Nhà nghiên cứu Phong Lê, trên tờ nhật báo Thanh Niên (ngày 27/5/2007), tỏ rõ sự hồ hởi: “Đã lâu lắm, tôi mới lại được đọc một truyện thú như thế”. Theo ông, cái hay của Tôi là Bêtô nằm ở lối kể tự nhiên về những chuyện đời thường mà không tẻ nhạt, lại gợi được nhiều ý tưởng và triết lí hồn nhiên. Trên tờ nhật báo đó, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cũng dành cho cuốn sách những lời khen ngợi qua việc ghi nhận về thủ pháp nhân cách hóa không những được nhà văn sử dụng mà ông còn kể về con vật đó bằng đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất với một thứ ngôn ngữ gần gũi, giản dị khiến cho người đọc dễ dàng đồng cảm với nhân vật chính của câu chuyện. Mặt khác, màu sắc triết lí trong mỗi câu chuyện nhỏ cũng góp phần làm nên giá trị thẩm mĩ cho tác phẩm [248]. Trên Kiến thức ngày nay (số 613/2007), Lã Thị Bắc Lý xem Tôi là Bêtô là một thành công mới của Nguyễn Nhật Ánh. Điểm mạnh ở thiên truyện này là xây dựng nhân vật và cách kể chuyện lôi cuốn, ngôn ngữ giàu chất thơ [142]. Đọc tập truyện Xóm đồ chơi, nhà văn Lý Lan nhận thấy: “Những câu chuyện Lưu Thị Lương kể đều ngắn gọn, súc tích theo tiêu chuẩn của truyện đồng thoại và hàm chứa bài học luân lí” [121]. Trong số những tác phẩm được quan tâm tìm hiểu, Dế Mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài là thiên truyện được nói tới nhiều và kĩ hơn cả. Ngoài những phân tích
- 11 trong các giáo trình văn học thiếu nhi, chúng ta còn bắt gặp nhiều bài viết khác về tác phẩm này. Có thể kể tới bài viết của Văn Giá [56], Nguyễn Lộc – Đỗ Quang Lưu [134], Vũ Văn Sỹ [227], Trần Đăng Xuyền [299] Những bài viết đó đều thống nhất khẳng định: Dế Mèn phiêu lưu ký là thiên truyện đồng thoại xuất sắc nhất của Tô Hoài nói riêng, của văn học Việt Nam nói chung. Về nghệ thuật, tác phẩm bộc lộ thế mạnh của ngòi bút Tô Hoài là miêu tả loài vật sinh động, ngôn từ góc cạnh và giàu biểu cảm. Có thể nhận thấy, số tác phẩm được đưa ra phân tích, bình giảng chưa nhiều. Điều đó cũng ảnh hưởng ít nhiều đến nhận thức nói chung của công chúng về tình hình sáng tác, chất lượng của truyện đồng thoại. 2.4. Nhóm thứ tư: Nghiên cứu truyện đồng thoại nhằm những mục đích khác. Hướng nghiên cứu này xem truyện đồng thoại như một văn liệu có giá trị minh chứng cho một tư tưởng lí luận, hay một nhận định nào đó về xuất bản. Tập tiểu luận, phê bình và hồi ức Từ mục đồng đến Kim Đồng (Nxb Kim Đồng, 1996) của Văn Hồng đề cập tới khá nhiều vấn đề của văn học thiếu nhi. Tập sách cung cấp cho độc giả nhiều thông tin thú vị về quá trình phát triển không ít thăng trầm của nhà xuất bản Kim Đồng, từ 1957 đến 1996. Trong cuốn sách đó, Văn Hồng có đoạn văn nói về tác phẩm Cuộc phiêu lưu của Văn Ngan tướng công (Vũ Tú Nam) bị phê phán gay gắt ngay khi vừa phát hành (1962), bản thân nhà văn Vũ Tú Nam bị quy chụp tội “ám chỉ Đảng viên phá hoại sản xuất (!)”. Theo Văn Hồng, sự việc này đã ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng phát triển của truyện đồng thoại. Bởi vì: “Từ đó trở đi, các tác giả thường né tránh đồng thoại, hoặc viết một cách đơn giản, minh họa” [100, tr.201]. Như vậy, từ câu chuyện về tình hình xuất bản của nhà Kim Đồng, tác giả đã cung cấp cho chúng ta thông tin bổ ích về hoạt động tiếp nhận, phê bình truyện đồng thoại trong giai đoạn 1955 – 1975. Trong Lí luận văn học – vấn đề và suy nghĩ (viết chung với Huỳnh Như Phương), Nguyễn Văn Hạnh dẫn trường hợp Dế Mèn phiêu lưu ký để lưu ý về phương pháp nhận diện thể loại Ký: “Ở đây, tác giả không đặt ra vấn đề ghi chép sự
- 12 việc đã xảy ra trong thực tế một cách trung thực. Cho nên, đây không phải là ký mà là truyện, mặc dù hình thức của nó là du ký” [72, tr.100]. Nói về phương pháp xử lí văn bản khi nghiên cứu tư tưởng của nhà văn, Nguyễn Xuân Nam trong Lí luận văn học (Phương Lựu chủ biên) cũng đã lấy Dế Mèn phiêu lưu ký làm ví dụ minh họa [191, tr.711]. Dương Huyền Ngân khảo sát Dế Mèn phiêu lưu ký là để tiếp cận bản sắc tiếng Hà Nội, văn hóa Hà Nội [164]. Trên đây là bức tranh chung về nghiên cứu, phê bình truyện đồng thoại ở Việt Nam trong nửa thế kỉ qua. Thực tế cho thấy, truyện đồng thoại Việt Nam đã được quan tâm ở cả trong và ngoài nước. Các ý kiến đề cập tới nhiều khía cạnh khác nhau của thể loại: đặc trưng, chức năng, tình hình phát triển và giá trị tác phẩm. Dù ý kiến chưa thật nhiều, chưa thật phong phú và hầu hết đều dừng lại ở dạng nhận định, ít đi sâu phân tích, lý giải, nhưng nếu được hệ thống lại sẽ giúp cho chúng ta những thông tin bổ ích, phục vụ thiết thực cho việc triển khai nghiên cứu đề tài. 3. Đối tượng và nhiệm vụ nghiên cứu 3.1. Đối tượng nghiên cứu Truyện đồng thoại đã có từ lâu trong lịch sử các nền văn học. Từ thực tiễn đời sống của mình, quần chúng nhân dân đã sáng tạo nên những thiên đồng thoại đẹp và phong phú. Về sau, bị hấp dẫn bởi truyện đồng thoại dân gian, nhiều nhà văn cũng đã đi vào khai thác thể loại này. Kết quả, bên cạnh những tác phẩm truyện đồng thoại dân gian, mỗi nền văn học đều có thêm bộ phận truyện đồng thoại thành văn. Dù dân gian hay thành văn, truyện đồng thoại bao giờ cũng là một thực thể văn chương sinh động, ẩn chứa nhiều điều hấp dẫn, lí thú đối với người nghiên cứu. Luận án chọn truyện đồng thoại Việt Nam thành văn làm đối tượng nghiên cứu, nhưng giới hạn ở những sáng tác trong thời kì hiện đại của nền văn học. Sở dĩ như vậy là vì, trong thời kì trung đại, việc sáng tác văn chương cho thiếu nhi chưa được quan tâm. Chỉ đến khi nền văn học chuyển sang phạm trù hiện
- 13 đại, nhiều nhà văn mới chú ý đến trẻ em, xem các em là một đối tượng độc giả có nhu cầu và đòi hỏi riêng. Trên cơ sở nhận thức như vậy, các nhà văn đã bắt tay sáng tác thơ văn cho thiếu nhi, trong đó có truyện đồng thoại. Như vậy, nghiên cứu về truyện đồng thoại trong văn học Việt Nam hiện đại là nghiên cứu những tác phẩm được viết ra bởi các nhà văn như Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi, Võ Quảng, Nguyễn Kiên và nhiều cây bút khác. Những sáng tác ấy được nhà văn hoàn thành và công bố trong hơn nửa thế kỉ nay, kể từ 1932 trở lại đây. Văn học thiếu nhi là một hệ thống mở, dung nạp cả những tác phẩm thông thường (viết cho người lớn) nhưng phù hợp với lứa tuổi các em. Dựa theo quan điểm đó, luận án sẽ chú ý tới cả những tác phẩm như Con chuột mù (Bùi Hiển), Ký ức của con Vện (Trần Tiêu) 3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu Luận án chủ trương tiếp cận truyện đồng thoại từ góc độ thể loại. Vấn đề thể loại vốn được quan tâm từ lâu trong các nền văn học. Ở Việt Nam, trong nhiều thập kỉ qua, đã có không ít công trình nghiên cứu được triển khai theo hướng này, thu được nhiều kết quả rất khả quan. Có thể nói, nghiên cứu văn học theo thể loại, trong hiện tại và tương lai, vẫn là hướng đi có nhiều triển vọng. Vận dụng vào lĩnh vực văn học thiếu nhi vốn là mảnh đất chưa được khai phá nhiều, công trình càng trở nên thiết thực, ý nghĩa. Tiếp cận đối tượng từ góc độ thể loại, luận án quan tâm tới hai phương diện chủ yếu là lịch sử và cấu trúc tác phẩm. Trên phương diện lịch sử, luận án có nhiệm vụ trình bày về quá trình, đặc điểm phát triển của thể loại qua các giai đoạn lịch sử văn học; đảm bảo việc phát hiện đặc điểm phát triển của thể loại ở từng giai đoạn phải gắn với những sự kiện về tác giả, tác phẩm cùng những tác động qua lại của các yếu tố trong thể loại. Như vậy, lịch sử vận động của truyện đồng thoại không chỉ được tái hiện với dáng vẻ bề ngoài mà còn được chú ý tới những quá trình và quy luật phát triển nội tại. Trên phương diện cấu trúc, luận án có nhiệm vụ khảo sát các yếu tố hợp thành nội dung và hình thức thể loại, tác phẩm. Cụ thể, đó là hệ thống đề tài, cảm hứng, hệ thống hình tượng, cốt truyện, ngôn ngữ và giọng
- 14 điệu Song để làm được điều này, người nghiên cứu trước tiên phải dành thời gian sưu tầm, tập hợp tác phẩm, chọn mẫu (tác giả, tác phẩm tiêu biểu) nhằm đảm bảo cho việc phân tích, khái quát về đặc điểm thể loại theo những phương diện nghiên cứu đã được xác định ở trên. Nghiên cứu về truyện đồng thoại Việt Nam hiện đại, luận án còn có nhiệm vụ làm rõ mối liên hệ của thể loại với văn chương truyền thống, cùng những đóng góp cụ thể của nó với văn học, văn hóa Việt Nam. Nhiệm vụ này được xác định dựa trên cơ sở nhận thức về mối liên hệ của đối tượng với văn học, văn hóa Việt Nam. Theo đó, truyện đồng thoại là một bộ phận hợp thành, vận động trong sự tương tác với các thể loại khác của nền văn học. Giải quyết tốt các nhiệm vụ trên đây, luận án tất yếu sẽ đạt được những kết quả tích cực, góp phần làm giàu thành tựu nghiên cứu về truyện đồng thoại ở Việt Nam. 4. Đóng góp của luận án - Trên cơ sở khảo sát một cách toàn diện lịch sử phát triển của thể loại truyện đồng thoại Việt Nam hiện đại, luận án cung cấp những kết quả cần thiết góp phần vào việc tổng kết, đánh giá lịch sử văn học viết cho thiếu nhi; rộng ra là lịch sử văn học nước nhà. - Làm sáng tỏ vốn liếng và những đóng góp của các tác giả đối với thể loại truyện đồng thoại mà lâu nay còn ít được quan tâm, giới thiệu; - Góp phần củng cố và bổ sung những tri thức lí thuyết thể loại, hình thành một cách hiểu có tính hệ thống về truyện đồng thoại; - Xây dựng và giới thiệu cho nhà trường (các cấp) bộ văn tuyển về truyện đồng thoại Việt Nam; gợi ý các phương pháp phân tích, vận dụng tác phẩm truyện đồng thoại vào việc rèn luyện năng lực viết văn cho sinh viên, học sinh; - Kết quả công trình sẽ là nguồn tư liệu cần thiết giúp cho việc biên soạn giáo trình, chuyên đề văn học thiếu nhi, phục vụ hoạt động giảng dạy và học tập trong nhà trường cao đẳng và đại học;
- 15 - Ngoài ra, luận án còn có ý nghĩa nhất định đối với người sáng tác, để trong suy nghĩ sáng tạo của mình, họ tìm cách đổi mới nghệ thuật viết truyện đồng thoại, tiếp tục tạo ra những tác phẩm hay, thỏa mãn yêu cầu chung của xã hội và đặc biệt là độc giả trẻ em. 5. Phương pháp nghiên cứu Ngoài phương pháp luận nghiên cứu văn học mácxít và lý thuyết tự sự học, luận án sẽ vận dụng các phương pháp sau: - Phương pháp nghiên cứu cấu trúc – hệ thống - Phương pháp nghiên cứu loại hình - Phương pháp nghiên cứu thi pháp học lịch sử. Cùng với các phương pháp trên, luận án còn sử dụng hệ thống các thao tác như thống kê, phân loại, phân tích, so sánh, tổng hợp Các phương pháp và thao tác nghiên cứu nói trên sẽ được vận dụng linh hoạt trong quá trình xử lí đề tài. 6. Cấu trúc của luận án Luận án gồm có 255 trang. Ngoài Mục lục (2 trang), Thư mục tài liệu tham khảo (20 trang, với 307 đề mục), Danh mục các công trình, bài báo đã công bố liên quan đến đề tài (2 trang), và Phụ lục hệ thống tác phẩm khảo sát (37 trang), nội dung chính của luận án được trình bày 196 trang, gồm: DẪN NHẬP (14 trang, từ tr.3 đến tr.16) Chương 1: Truyện đồng thoại Việt Nam hiện đại – lí thuyết và lịch sử thể loại (47 trang, từ tr.17 đến tr. 63) Chương này đề cập tới một số vấn đề lí thuyết về truyện đồng thoại: nguồn gốc thuật ngữ, quan niệm của văn học Việt Nam và đặc trưng, chức năng của thể loại. Kế đó, trình bày về lịch sử thể loại truyện đồng thoại hiện đại ở Việt Nam: cội nguồn và tình hình phát triển qua các giai đoạn lịch sử. Chương 2: Truyện đồng thoại Việt Nam hiện đại – nhìn từ phương diện nội dung ( 37 trang, từ tr.64 đến tr.100)
- 16 Chương này trình bày về các dạng nội dung, cảm hứng được thể hiện trong truyện đồng thoại, gồm: thế giới loài vật, thế giới trẻ em và thế giới người lớn, những bài học giáo dục dành cho trẻ em, và có thể có ích với cả người lớn. Chương 3: Truyện đồng thoại Việt Nam hiện đại – nhìn từ phương diện nghệ thuật (49 trang, từ tr.101 đến tr.149) Chương này sẽ trình bày về những thành công và hạn chế trong nghệ thuật xây dựng nhân vật, nghệ thuật tổ chức cốt truyện và nghệ thuật ngôn ngữ. Chương 4: Truyện đồng thoại Việt Nam hiện đại – nhìn từ phương diện vị trí thể loại (46 trang, từ tr.150 đến tr.195) Chương này lí giải những nguyên nhân đưa đến thành công cũng như hạn chế của truyện đồng thoại, những đóng góp của nó đối với nền văn hóa, văn học dân tộc. KẾT LUẬN ( 3 trang, từ tr.196 đến tr.198)
- 17 Chương 1: TRUYỆN ĐỒNG THOẠI VIỆT NAM HIỆN ĐẠI – LÝ THUYẾT VÀ LỊCH SỬ THỂ LOẠI 1.1. Truyện đồng thoại Việt Nam hiện đại – những vấn đề lí thuyết Cách nay đã nhiều năm, trên Tạp chí Văn học số 4/1974, nhà nghiên cứu Vân Thanh có viết rằng: “Lâu nay đọc đồng thoại, viết đồng thoại, nhưng vẫn chưa có lúc nào bàn bạc cho cặn kẽ với nhau: đồng thoại là gì? Không phải chỉ ở ta, mà ngay ở các nước bạn nhiều khi cũng chưa thật có sự thống nhất hoàn toàn trong quan niệm về đồng thoại” [237, tr.104]. Ghi nhận ấy, đến nay, dường như vẫn còn nguyên ý nghĩa thời sự. Bởi vậy, trước khi bàn về lịch sử phát triển, các phương diện nội dung và nghệ thuật của truyện đồng thoại, chúng ta không thể không nói đến quan niệm của văn học Việt Nam về thể loại này. 1.1.1. Thuật ngữ truyện đồng thoại trong văn học Việt Nam Thuật ngữ truyện đồng thoại trong văn học Việt Nam vốn có nguồn gốc Trung Hoa, được xác lập vào đầu thập niên 60 của thế kỉ XX. Vào thời điểm đó, chúng ta đang triển khai xây dựng nền văn học mới với sự chú ý đặc biệt tới độc giả thiếu nhi. Nhằm nâng cao chất lượng phong trào, nhà xuất bản Văn học đã tổ chức dịch, giới thiệu một số tài liệu nước ngoài về lí luận và kinh nghiệm sáng tác cho các em. Đó là những tài liệu: Kinh nghiệm viết cho các em (Nhiều tác giả,1960), Sáng tác đồng thoại và một số vấn đề khác (Kim Cận, 1961), Làm thơ cho các em (Nhiều tác giả, 1961) Trong những tài liệu nói trên, có một số bài viết của Kim Cận [23], Hạ Nghi [169], [170] bàn về sáng tác truyện đồng thoại hiện đại ở Trung Hoa. Về tính chất, đó là loại bài trao đổi về nghiệp vụ sáng tác, nhưng qua những gì mà các tác giả đã trình bày, chúng ta có thể hình dung được quan niệm của nền văn học này. Theo Kim Cận và Hạ Nghi, đồng thoại là một thể loại văn học nhi đồng, có hình thức đặc thù là nhân cách hóa loài vật. Trong Mạn đàm về vấn đề sáng
- 18 tác văn học nhi đồng, Hạ Nghi viết như sau: “Đồng thoại là một loại chuyện giàu tưởng tượng ( ). Nhân vật đồng thoại bao gồm tất cả động, thực vật được nhân cách hóa” [170, tr.14]. Trong Sáng tác đồng thoại và một số vấn đề khác, Kim Cận cũng khẳng định điều đó: “Tiếng chim lời thú là một hình thức biểu hiện thường dùng trong đồng thoại. Nhân vật chính trong đồng thoại thường là chó, mèo, lang sói mà đôi khi mới là người” [23, tr.17]. Mặt khác, hai tác giả cũng cho rằng, đồng thoại là một loại truyện giàu tưởng tượng; thiếu tưởng tượng, đồng thoại lập tức biến thành ngốc thoại, nhưng tưởng tượng mà vô căn cứ lại hóa thành mộng thoại. Cả hai đều không phù hợp với bản chất của thể loại này [170, tr.15]. Vào thời điểm những năm 1960, 1961 và cả nhiều năm về sau nữa, những bài viết của Kim Cận, Hạ Nghi gần như là nguồn tài liệu nước ngoài duy nhất bàn về truyện đồng thoại được giới thiệu ở Việt Nam. Vì lẽ đó, việc xem chúng là một căn cứ lí thuyết giúp xác lập thuật ngữ truyện đồng thoại trong văn học Việt Nam là điều dễ hiểu. Hơn nữa, trong quan hệ với nền văn hóa Trung Hoa lúc bấy giờ, chúng ta luôn giữ thái độ đề cao. Thư của Hội văn nghệ Việt Nam gửi Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Trung Hoa có đoạn như sau: “Tấm gương sáng của văn nghệ Trung Quốc là bài học quý báu cho văn nghệ mới Việt Nam. Chúng tôi cố gắng học tập các bạn” [222, tr.152]. Như vậy, đến đầu thập niên 60 của thế kỉ XX, ở Việt Nam, thuật ngữ truyện đồng thoại đã được xác lập theo con đường vay mượn từ thế giới bên ngoài, trực tiếp từ nền văn hóa Trung Hoa. Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng, trước đó khá lâu, danh từ đồng thoại của Hán ngữ đã có mặt ở Việt Nam, đã được ghi nhận lần đầu tiên bởi Hán – Việt từ điển của Đào Duy Anh (1932). Nhiều năm sau, danh từ này đã được ông Lê Văn Chánh dùng làm nhan đề cuốn sách Cổ kim đồng thoại, một tuyển tập truyện kể dành cho trẻ em. Sách do nhà xuất bản Minh Tân ấn hành vào năm 1952. Những điều trên, về một mặt nào đó, có ý nghĩa như là sự chuẩn bị cho việc ra đời thuật ngữ truyện đồng thoại trong văn học Việt Nam vào đầu thập niên 60 của thế kỉ XX
- 19 Từ 1961 trở đi, thuật ngữ truyện đồng thoại chính thức được giới nghiên cứu, phê bình ở Việt Nam sử dụng. Sớm nhất, có lẽ là Vũ Ngọc Bình, qua bài viết Những thiếu sót cần khắc phục trong sáng tác cho thiếu nhi hiện nay đăng trên báo Văn nghệ, số tháng 6/1961. Bài viết có đoạn như sau: “Còn đồng thoại là một thể loại không xa lạ gì với con em chúng ta. Dế Mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài, Cái tết của Mèo con của Nguyễn Đình Thi gần đây đã chứng tỏ đồng thoại là một loại truyện khá đặc sắc cho thiếu nhi” [17, tr.8]. Kế đó, phải kể đến Võ Quảng với bài viết Đảng và văn học thiếu nhi [215], Vân Thanh với Văn học thiếu nhi Việt Nam [232] Theo thời gian, thuật ngữ truyện đồng thoại được sử dụng ngày một phổ biến hơn. Trong các hình thức phổ biến thuật ngữ, ngoài những công trình có tính chất hàn lâm, chúng ta không thể không kể đến một bộ phận quan trọng khác là các giáo trình đại học, các sách giáo khoa, tài liệu dùng trong học đường. Những tài liệu này tuy không nhiều nhưng ảnh hưởng của nó đối với xã hội thì đặc biệt sâu rộng. Đây chính là nơi truyền đạt quan niệm chính thống về truyện đồng thoại trong nhiều thập kỉ qua. Tính đến thời điểm này, thuật ngữ truyện đồng thoại đã đi được một chặng đường dài đúng nửa thế kỉ, đã được nhiều người biết đến và sử dụng. Vậy nên, đặt vấn đề tổng kết cách dùng, cách hiểu của văn học Việt Nam về truyện đồng thoại vào lúc này là hoàn toàn cần thiết và có cơ sở. 1.1.2. Các quan niệm về truyện đồng thoại ở Việt Nam Nếu danh từ thông thường là tên gọi của một vật, một hiện tượng thì thuật ngữ lại là tên gọi của một quan niệm. Nó phản ánh cách lí giải của bản thân nhà khoa học về một hiện tượng chủ quan hay khách quan được tập hợp lại theo những tiêu chí nhất định nào đó. Theo ý nghĩa đó, bàn về thuật ngữ truyện đồng thoại trong văn học Việt Nam thực chất là tìm hiểu quan niệm của nền văn học về một thực thể nghệ thuật được gọi tên là truyện đồng thoại. Về phương pháp, đi tìm quan niệm văn học, chúng ta sẽ căn cứ vào cái hữu ngôn và vô ngôn. Trong đó, cái hữu ngôn là những phát biểu hiện ra thành lời, được ghi chép thành văn bản; cái vô ngôn thì ngược lại, ẩn tàng qua hình tượng, việc làm,
- 20 xác định có phần khó khăn hơn. Với mong muốn làm rõ quan niệm của văn học Việt Nam về truyện đồng thoại, chúng tôi chủ trương tìm hiểu trên nhiều nguồn tư liệu khác nhau. Cụ thể như sau: - Nguồn từ điển, gồm các bộ Từ điển văn học (i) và Từ điển ngôn ngữ(ii): (i). Các bộ từ điển thuộc nhóm văn học được khảo sát gồm: Từ điển văn học (Bộ cũ), (Nhiều tác giả) [178], Từ điển văn học (Bộ mới), (Nhiều tác giả) [194], Từ điển thuật ngữ văn học (Nhiều tác giả, Lê Bá Hán chủ biên) [185], Bách khoa thư Văn học thiếu nhi Việt Nam, (tập 1) (Vân Thanh – Nguyên An biên soạn) [187], Từ điển tác giả, tác phẩm văn học Việt Nam (Nhiều tác giả) [193]. Rất tiếc, các bộ từ điển nói trên không thấy có mục từ về truyện đồng thoại. (ii). Các bộ từ điển thuộc nhóm ngôn ngữ được khảo sát gồm: Từ điển Hán – Việt (Đào Duy Anh) [1], Hán – Việt từ điển (Thiều Chửu) [26], Từ điển tiếng Việt (Bùi Quang Tịnh và Bùi Thị Tuyết Khanh)[265], Từ điển tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học, 2001) [288]. Trong các bộ từ điển này đều có mục từ “đồng thoại”, và cách giảng theo hai cách – tạm gọi là giảng theo nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Riêng Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học (bản in 2001) giảng “đồng thoại” theo nghĩa hẹp: “Đồng thoại: thể truyện cho trẻ em, trong đó loài vật và các vật vô tri được nhân cách hóa tạo nên một thế giới thần kì thích hợp với trẻ em” [288, tr.344]. - Nguồn ý kiến của các nhà văn: Nhà văn là người trong cuộc, những ý kiến của họ vì thế là kết quả của quan sát và trải nghiệm. Tuy không chủ tâm làm lí luận, nhưng rải rác mỗi chỗ một ít, khi lẫn vào bài nhận xét về một cuộc thi sáng tác văn học, khi hạn chế trong một đoạn phát biểu khiêm tốn, những ý kiến về truyện đồng thoại của các nhà văn Võ Quảng, Nguyễn Kiên, Trần Hoài Dương luôn có giá trị, giúp ích cho chúng ta rất nhiều trong việc làm sáng tỏ vấn đề đang bàn. Trước hết, xin được nhắc đến ý kiến của nhà văn Võ Quảng (1920 – 2007). Ông là nhà văn có nhiều tiểu luận, phê bình về văn học thiếu nhi. Với riêng truyện đồng thoại, ý kiến của ông thể hiện qua các bài viết sau đây: Nói về các loại truyện viết cho thiếu nhi [211], Về một số quyển truyện viết cho thiếu nhi [214] và Lại nói
- 21 về truyện đồng thoại viết cho thiếu nhi [212]. Bài viết Lại nói về truyện đồng thoại viết cho thiếu nhi có tính chất tổng kết những suy nghĩ của ông về đặc trưng, bản chất của thể loại truyện đồng thoại. Ở bài viết này, ông vừa “nói lại”, vừa “nói thêm” nhằm làm rõ quan niệm của bản thân về truyện đồng thoại – điều trước đó, ông đã có một số phát biểu lẻ tẻ. Theo ông, đó là một thể loại văn học hiện đại dành cho trẻ em, có nhân vật “không chỉ là người mà đủ các loài vật”, có “sự tung hoành của tưởng tượng”, phản ánh cuộc sống không theo quy luật tả thực và có mối quan hệ gần gũi với cổ tích và ngụ ngôn. Nhìn chung, tư tưởng của ông về truyện đồng thoại là sáng rõ, nhất quán. Đoạn văn giới thuyết trong bài Về sức tưởng tượng của đồng thoại sau đây thể hiện rõ quan niệm của nhà văn Nguyễn Kiên về truyện đồng thoại: “Theo tôi hiểu thì đồng thoại, như ta gọi một cách quy ước với nhau như vậy, là một thể tài hiện đại, nảy sinh trên cơ sở kế thừa và phát triển trực tiếp từ một số thể loại văn học dân gian như truyện cổ tích, ngụ ngôn, truyền thuyết, chuyện vui dân gian ” [117, tr3]. Nhà văn Trần Hoài Dương trong thư gửi trực tiếp cho chúng tôi đã viết rằng: “Trong văn học viết cho thiếu nhi, truyện đồng thoại chiếm một vị trí rất quan trọng, đặc biệt là cho lứa tuổi nhi đồng. Truyện đồng thoại dễ hấp dẫn trẻ em hơn, có thể chuyển tải những ý tưởng sâu sắc, những nội dung giáo dục cao bằng những hình thức nhẹ nhàng, kì diệu, cuốn hút”. Ở một đoạn khác, ông viết: “Đặc trưng tiêu biểu nhất của truyện đồng thoại là nó có tính chất biểu tượng rất cao, ẩn chứa những triết lí sâu sắc nhưng phải được diễn đạt bằng một phong cách vừa giản dị, vừa bay bổng và đầy chất kì diệu”(Thư đề ngày 8/3/2006). Trong một bức thư khác, ông tỏ ra không đồng tình với cách dùng thuật ngữ truyện đồng thoại hiện hành. Theo ông, hiểu truyện đồng thoại là “truyện viết mang tính nhân cách hóa loài vật, đồ vật, mang nhiều ẩn dụ, ngụ ngôn ” như vậy là đã xa rời cái nguyên ý ban đầu của nó (Thư đề ngày 3/3/2007). Nhà văn Nguyễn Châu, tác giả hai tập đồng thoại Nhái Bén ra biển và Anh em nhà Kiến phát biểu:
- 22 Thể loại truyện đồng thoại luôn là thế mạnh của văn học cho trẻ em, nó thật sự lôi cuốn sự chú ý của trẻ. Chuyện những đồ vật, loài vật biết suy nghĩ, biết hoạt động như con người thì quá lạ đối với trẻ ( ). Truyện đồng thoại có thể nói được tất cả những chuyện lớn bé, từ chuyện học hành của trẻ đến những vấn đề lớn về sự sống còn của nhân loại (Thư đề ngày 12/10/2007). Quan niệm của các nhà văn về truyện đồng thoại thường không được trình bày dưới dạng định nghĩa. Chúng ta chỉ có thể bắt gặp điều đó khi tìm tới nguồn ý kiến khác – ý kiến của các nhà nghiên cứu, lí luận - Nguồn ý kiến của các nhà nghiên cứu, lí luận văn học: Định nghĩa được đề xuất sớm hơn cả là của nhà nghiên cứu Vân Thanh. Trong bài viết Tìm hiểu đặc điểm của đồng thoại đăng trên Tạp chí Văn học số 4/1974, Vân Thanh ghi nhận cách hiểu về truyện đồng thoại giữa các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước vẫn còn có chỗ chưa thống nhất. Chủ động gạt đi những điều cần được bàn bạc thêm, nhà nghiên cứu đưa ra định nghĩa về truyện đồng thoại như sau: Đồng thoại là một thể loại đặc biệt của văn học, có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa hiện thực và mơ tưởng. Ở đây, các tác giả thường dùng nhân vật chính là động vật, thực vật và những vật vô tri, lồng cho chúng những tình cảm của con người. (Cũng có khi nhân vật là người). Qua thế giới không thực mà lại thực đó, tác giả lồng cho chúng những tình cảm và cuộc sống của con người. Tính chất mơ tưởng hoặc khoa trương là những yếu tố không thể thiếu được trong đồng thoại [237, tr.104]. Tuy hơi dài và có chỗ chưa thật dứt khoát (câu văn trong dấu ngoặc đơn), song định nghĩa trên được nhiều người biết đến, sử dụng hoặc dựa vào đó để đưa ra định nghĩa mới (xin xem: Lã Thị Bắc Lý [141], Lê Thị Hoài Nam [158], Cao Đức Tiến [259], Nguyễn Ánh Tuyết [270] ). Điều đó chứng tỏ định nghĩa đã phản ánh được những đặc điểm cơ bản của truyện đồng thoại, phù hợp với cách hiểu của nhiều người.
- 23 Gần đây, trong tài liệu chuyên đề Văn học (biên soạn theo chương trình dự án phát triển giáo viên tiểu học của Bộ GD – ĐT), hai tác giả Cao Đức Tiến và Dương Thị Hương đã đưa ra định nghĩa về truyện đồng thoại như sau: “Truyện đồng thoại: là sáng tác của các nhà văn hiện đại, sử dụng nghệ thuật nhân hóa loài vật để kể chuyện về con người, đặc biệt là trẻ em, vì vậy nhân vật chủ yếu là loài vật” [260, tr.215]. Trong Văn học cho thiếu nhi, hai tác giả Châu Minh Hùng và Lê Nhật Ký xem truyện đồng thoại hiện đại là: “Thể loại văn học được các nhà văn viết riêng cho các em với bút pháp kế thừa từ đồng thoại dân gian gọi là đồng thoại hiện đại. Vẫn là truyện lấy loài vật (con vật, cỏ cây, hoa quả ) làm đối tượng miêu tả, với tư cách là văn học viết, đồng thoại hiện đại phải mới so với đồng thoại dân gian” [104, tr.107]. Định nghĩa trên thừa nhận truyện đồng thoại dân gian là nền tảng phát triển của truyện đồng thoại hiện đại. Tóm lại, từ những nguồn tài liệu đã dẫn ở trên, chúng ta nhận thấy có hai điều đáng nói. Thứ nhất, trong suy nghĩ chung của nhiều người, nói đến truyện đồng thoại là nói đến những sáng tác hiện đại trong nền văn học nước nhà. Thứ hai, nội hàm tuy có sự co giãn, nhưng thuật ngữ truyện đồng thoại chủ yếu được dùng theo nghĩa hẹp. Vì vậy, cách hiểu phổ biến lâu nay là, truyện đồng thoại là một thể loại (hay thể tài) truyện kể hiện đại dành cho trẻ em, có hình thức đặc thù là nhân cách hóa loài vật. “Đồng thoại, theo Đào Duy Anh, là truyện chép cho trẻ em (Hán – Việt từ điển) – Văn Hồng viết – Nhưng trong nghĩa thông thường lâu nay vẫn dùng, đồng thoại có nghĩa hẹp hơn: truyện loài vật được nhân cách hóa” [100, tr.83]. Nhớ rằng, quan niệm trên đã tồn tại trọn nửa thế kỉ nay, được nhiều người chấp nhận. Vì vậy, chúng ta cần tôn trọng và góp phần khẳng định. 1.1.3. Những độ chênh về thuật ngữ Trong Bản sắc văn hóa Việt Nam, nhà nghiên cứu văn hóa Phan Ngọc có viết rằng, “một tư tưởng từ ngoài vào, dù đó là Nho giáo, chủ nghĩa Mác hay tư tưởng
- 24 hậu công nghiệp, khi vào tâm thức Việt Nam ( ), thế nào cũng trải qua một độ khúc xạ, và do đó chịu một độ lệch. Người Việt Nam nói chung không hề cảm thấy có độ lệch ấy, cứ cho là mình làm đúng như ở nước xuất phát” [178, tr.204]. Nhận định trên hoàn toàn phù hợp với trường hợp thuật ngữ đang bàn. Như đã nói, thuật ngữ truyện đồng thoại trong văn học Việt Nam vốn vay mượn từ Trung Hoa. Nhưng trong quá trình sử dụng, nó đã được quy ước lại, thể hiện cách hiểu riêng của văn học Việt Nam. Đối chiếu với lí thuyết Trung Hoa về truyện đồng thoại, chúng ta thấy có những độ chênh thuật ngữ rất thú vị. Các tài liệu: Tinh hoa tri thức văn hóa Trung Quốc [109], Nhi đồng văn học khái luận [302], Nhi đồng văn học khái luận [303], Nhi đồng văn học thập bát giảng [305] và Nhi đồng văn học khái luận [306] cho thấy: thuật ngữ đồng thoại trong văn học Trung Hoa được du nhập từ Nhật Bản vào cuối thời đại nhà Thanh, với dấu mốc đầu tiên là bộ Tùng thư đồng thoại do Tôn Dục Tu chủ biên, Thương vụ ấn thư quán xuất bản (1909). Ban đầu, đồng thoại được hiểu là toàn bộ những tác phẩm có tính kể chuyện cho trẻ em. Về sau, đến thời Ngũ Tứ, đồng thoại mới được xem là một thể loại có vị trí độc lập, bên cạnh thần thoại, truyền thuyết, tiểu thuyết nhi đồng và nhiều thể loại khác. Về nguồn gốc, truyện đồng thoại nảy sinh từ trong dân gian. Từ chính đời sống phong phú của mình, quần chúng nhân dân đã sáng tạo nên những thiên đồng thoại hay và đẹp. Về sau, một số nhà văn hiện đại với vai trò tiên phong là Diệp Thánh Đào đã kế thừa dân gian, và học tập văn học phương Tây đã sáng tác nên nhiều tác phẩm truyện đồng thoại cho thiếu nhi. Như vậy, từ góc độ chủ thể sáng tạo, người Trung Hoa thừa nhận, trong kho tàng đồng thoại của mình gồm có hai bộ phận sáng tác là đồng thoại dân gian và đồng thoại hiện đại (còn gọi là đồng thoại thành văn được sáng tác trong thời kì hiện đại). Căn cứ vào loại hình nhân vật, đồng thoại được chia thành ba tiểu loại: đồng thoại siêu nhân thể, đồng thoại thường nhân thể và đồng thoại nghỉ nhân thể. Mỗi tiểu loại như vậy có những đặc điểm riêng. Cụ thể, trong đồng thoại siêu nhân thể nhân vật chính là lực lượng thần kì; còn trong đồng thoại thường nhân thể, đó là những con người bình thường. Ở tiểu loại đồng thoại nghỉ nhân thể, nhân vật là những sự vật có sinh
- 25 mệnh hoặc không có sinh mệnh được nhân cách hóa. Trong ba tiểu loại nói trên, đồng thoại nghỉ nhân thể phổ biến hơn cả, nhất là trong văn học hiện đại. Ngoài ra, trong văn học hiện đại còn có một mảng đồng thoại hướng tới thể hiện đề tài khoa học, được gọi là đồng thoại khoa học (hay đồng thoại trí tuệ). Chúng ta không khó nhận ra, cách hiểu về truyện đồng thoại ở ta “hẹp” hơn rất nhiều so với cách hiểu của người Trung Hoa. Tuy cùng xem truyện đồng thoại là một thể loại tự sự, nhưng nếu như lí thuyết Trung Hoa cho rằng, thể truyện này gồm cả những sáng tác dân gian lẫn hiện đại thì với chúng ta, nó chỉ gồm những sáng tác hiện đại. Nghĩa là, trong quan niệm của văn học Việt Nam, truyện đồng thoại là một thể loại tự sự hiện đại. Mặt khác, sự khác biệt còn thể hiện ở loại hình tác phẩm. Nếu văn học Trung Hoa quan niệm thể loại truyện đồng thoại là một tổng thể gồm những tác phẩm đồng thoại siêu nhân thể, đồng thoại thường nhân thể và đồng thoại nghỉ nhân thể thì với văn học Việt Nam, thể loại này chỉ gồm những truyện đồng thoại nghỉ nhân thể - tức truyện về loài vật nhân cách hóa. Hệ quả là, văn học Việt Nam xem đồng thoại và cổ tích là hai thể loại hiện đại dành cho thiếu nhi; thừa nhận chúng tuy mặt mũi lắm lúc khó phân biệt nhưng trước sau vẫn là hai thực thể độc lập. Chúng tôi nghĩ, đó là sự phân chia có cơ sở. Đến đây, chúng ta đã có thể khẳng định rằng, tuy chịu ảnh hưởng lí thuyết về truyện đồng thoại của Trung Hoa nhưng văn học Việt Nam chỉ tiếp thu một phần, và đó là phần cốt lõi, trọng tâm. Trên cơ sở đó, nền văn học tiếp tục tự mình xây dựng nên một quan niệm riêng, phù hợp với suy nghĩ chung của nhiều người. Không thể nói rằng, đến nay, hệ thống lí thuyết về thể loại truyện đồng thoại của ta đã hoàn chỉnh, nhưng những gì đã có cần được xem là nỗ lực của nền văn học nhằm góp một tiếng nói riêng vào vấn đề “chia cắt” bức tranh văn học thiếu nhi theo thể loại. Đó là điều đáng trân trọng, song cũng cần thấy một thực tế khác: xu hướng giản hóa nội hàm thuật ngữ, rộng ra là một hệ tư tưởng hay một lí thuyết cụ thể nào đó vốn là đặc điểm nổi bật của văn hóa Việt Nam. Nó khiến cho mọi điều có vẻ trở nên giản dị, phù hợp với thực tiễn chung của nền văn hóa. Song điều đó đã khiến
- 26 cho chúng ta lắm lúc thấy mình chẳng giống ai, và người nghiên cứu không khỏi bối rối khi đối chiếu với quy chuẩn chung của thế giới. Mở rộng tìm hiểu sang các nền văn học phương Tây, chúng ta thấy có sự tồn tại của thuật ngữ truyện đồng thoại: Children’s story (tiếng Anh), Contes pour enfants (tiếng Pháp), Сказка для детей (Tiếng Nga) Tuy nhiên, người châu Âu chỉ dùng Children’s story/Contes pour enfants/Сказка для детей theo cái nghĩa rộng thông thường là “truyện (dành cho) trẻ em” mà thôi. Vì vậy, sẽ là khó khăn nếu chúng ta cố công đi tìm một thuật ngữ tương đương thuật ngữ truyện đồng thoại như ta đang dùng hiện nay. Xem ra, có phần gần gũi là thuật ngữ Animal story – xin lưu ý: chỉ gần gũi thôi, vì trên thực tế, Animal story có hàm nghĩa rộng hơn nhiều. Tóm lại, về tên gọi cũng như quan niệm, truyện đồng thoại là một thuật ngữ có nội hàm co giãn. Đó là kết quả khách quan biểu hiện tính dân tộc và tính lịch sử của thể loại. Do đó, để chiếm lĩnh được thể loại truyện đồng thoại trong văn học Việt Nam hiện đại, chúng ta cần phải xác định xem nó có những dấu hiệu đặc trưng nào? 1.1.4. Đặc trưng thể loại truyện đồng thoại Thể loại là dạng thức cơ bản của tác phẩm văn học, được hình thành và tồn tại tương đối ổn định trong quá trình phát triển của lịch sử văn học. Mỗi thể loại bao giờ cũng là tập hợp của nhiều tác phẩm có sự tương đồng về loại hình, thể hiện chủ yếu ở “cách thức tổ chức tác phẩm, về đặc điểm các loại hiện tượng đời sống được miêu tả và về tính chất của mối quan hệ của nhà văn đối với các hiện tượng đời sống ấy” [185, tr.202]. Bản thân mỗi thể loại luôn có những tố chất thẩm mĩ thể hiện cá tính riêng, đồng thời là cái để phân biệt nó với những thể loại khác. Tuy nhiên, là một thành phần của loại nên giữa các thể luôn có sự gần gũi, tương tác và xâm nhập lẫn nhau. Vì vậy, đặc trưng thể loại không phải là một cái gì tuyệt đối riêng biệt, mà gắn với cái chung, song được thể hiện ra có phần đậm nét hơn, ở cả nội dung và nghệ thuật của tác phẩm. Nằm trong dòng tự sự, truyện đồng thoại trở thành một thể loại riêng nhờ những đặc trưng cơ bản sau:
- 27 1.1.4.1. Trước hết, truyện đồng thoại được sáng tác ra nhằm mục đích giáo dục trẻ em. Từ rất sớm, trong định nghĩa về truyện đồng thoại, người ta đã nhấn mạnh đến mục đích sáng tác này của truyện đồng thoại. Từ điển Từ Hải viết: “Đồng thoại là những câu chuyện đặc biệt vì trẻ em mà biên soạn. Về cơ bản, nó có kết cấu đơn giản, dễ hiểu, chủ yếu là gây sự hứng thú. Về mặt giáo dục thường dùng để khơi gợi, mở mang tư tưởng cho trẻ thơ ” [301, tr.807]. Nhà văn Tô Hoài, khi bàn về sáng tác truyện đồng thoại, cũng nhấn mạnh: “Đã đành, tác phẩm hay sẽ trở nên tác phẩm của chung mọi người. Nhưng viết cho các em, trước nhất, phải là của các em. Ví dụ: chức năng giáo dục ở một sáng tác cho các em là quan trọng bậc nhất, không thể bàn cãi” [80, tr.49]. Ngoài những bài học thực tế trong gia đình và ngoài xã hội, các nhà văn đã triệt để sử dụng nghệ thuật như một phương tiện hữu hiệu nhất để giáo dục thiếu nhi. Là một thể loại truyện loài vật nhân cách hóa, truyện đồng thoại tác động vào trẻ em theo con đường riêng. Đó là con đường thông qua những câu chuyện kể về loài vật nhằm tạo ra nơi độc giả nhỏ tuổi những xúc cảm nghệ thuật chân thực, từ đó để có nhận thức lí tính. Tiếp xúc với truyện đồng thoại, trẻ em không vội vàng rút ra bài học mà dành nhiều thời gian để đồng cảm với những số phận, những nhân vật trong truyện. Quan niệm về cái đẹp, cái xấu sẽ dần hình thành trong suy nghĩ của các em. Có thể khẳng định, truyện đồng thoại không phải là một thể loại triết lí, không chủ trương tác động vào lí trí mà là tâm hồn, tình cảm của các em một cách cảm tính và cụ thể. Do đó, bài học trong truyện đồng thoại thường cụ thể, nhẹ nhàng mà sáng rõ, chứ không thâm trầm triết lí sâu xa như ta vẫn thường thấy ở thể loại truyện ngụ ngôn. Phân tích hai tác phẩm Số Một và số Không của Ngô Quảng Hiếu và Anh chàng số Chín của Trần Ninh Hồ, chúng ta sẽ thấy được phần nào điều vừa nói . Ở hai truyện này, các tác giả đều dùng những con số tự nhiên làm nhân vật, cùng đề cập đến một thực tế là khi các con số liên kết lại với nhau chúng sẽ đưa đến một số lớn hơn. Tuy vậy, ở mỗi tác phẩm, “nội dung hiện thực” được trình bày không giản đơn như điều ta vừa nói. Mỗi tác phẩm theo đuổi một mục đích riêng, do đó, giữa
- 28 chúng có những điểm khác nhau căn bản. Truyện của Ngô Quảng Hiếu được viết theo thể ngụ ngôn, ngắn gọn đến cô đúc, thể hiện thái độ phê phán của tác giả đối với một hiện tượng xã hội thường thấy là khi có một lũ phụ họa bám theo sau thì một kẻ chẳng ra gì vẫn có thể trở thành nhân vật khổng lồ (!). Trái lại, Anh chàng số Chín của Trần Ninh Hồ là một truyện đồng thoại. Về hình thức, nó kể lể dài dòng hơn, mang tính chất “tâm sự” hơn. Nó đem đến cho các em cả một câu chuyện cuộc đời, chứ không đơn giản chỉ là một bài học như cách làm của truyện ngụ ngôn. Anh chàng số Chín – nhân vật chính của tác phẩm – tự cho mình là cao nhất, to nhất nên đâm ra hợm mình, coi thường tất cả các bạn còn lại trong hộp chữ số của bé Hoàng. Tình huống làm thay đổi nhận thức của các nhân vật trong cuộc là khi bé Hoàng thực hiện việc ghép số theo hướng dẫn của cô giáo, chỉ cần ghép số Một với số Không là đã đủ để lớn hơn anh chàng số Chín hợm mình rồi. Điều kì diệu của toán học, chân lí đời sống hiện dần qua bài học ghép số giản đơn và được chính các nhân vật trong cuộc nhận ra với một cảm xúc đầy tính chất con trẻ: “Ôi, ( ) – nếu chúng mình sớm biết xích lại gần nhau dù chỉ hai số thôi, thì nhất định anh chàng số Chín sẽ không còn bao giờ dám kiêu căng, khinh thường sự nhỏ bé của chúng mình nữa. Và số Chín, nếu anh ta nghĩ lại và xích lại gần bạn bè thì nhất định chính anh ta cũng sẽ lớn hơn lên rất nhiều, rất nhiều”. Đọc truyện của Trần Ninh Hồ, chúng ta thấy đó là câu chuyện được viết cho trẻ em, cung cấp cho các em bài học về ý nghĩa của sức mạnh đoàn kết. Truyện có phê phán, nhưng nhẹ nhàng; căn bản đó vẫn là tiếng nói nhân hậu, yêu thương. Trong khi đó, truyện của Ngô Quảng Hiếu là tiếng nói mỉa mai, phê phán của tác giả trước tệ nạn bè cánh, huênh hoang của thế giới người lớn. Bài học giáo dục trong truyện đồng thoại phong phú, không giới hạn trong một chủ đề cụ thể như ta vẫn thường thấy ở cổ tích, ngụ ngôn. Về điều này, Võ Quảng đã có lần phát biểu: “Chủ đề đồng thoại không giống như cổ tích chủ yếu đề cập đến cái thiện cái ác, mà còn giáo dục đủ các loại tình cảm, tạo thành con người có bản lĩnh, làm trọn nghĩa vụ công dân, nghĩa vụ làm người” [212, tr.75].
- 29 Bài học trong truyện đồng thoại được truyền đạt qua hệ thống hình tượng loài vật. Do hình tượng loài vật trong truyện đồng thoại được xây dựng đồng thời là hình tượng trẻ em, cho nên tác động của nó mang tính chất trực tiếp, gần gũi và thiết thực. Tâm lí học đã chứng minh rằng, thời thơ ấu là một giai đoạn quan trọng trong cuộc đời của một con người. Những gì đến với chúng ta trong những năm tháng ấy đều để lại dấu ấn sâu đậm. Truyện đồng thoại, với ưu thế của một thể loại được viết theo cách nhìn, cách cảm của trẻ em đã thể hiện được vai trò to lớn trong việc mang cái đẹp, cái cao cả, cái thiện, cái chân định vị vào tâm hồn trẻ thơ. Chuyện con gà, con dế hóa ra lại mách bảo được cho các em biết bao điều cần thiết về kĩ năng giao tiếp, ứng xử và lẽ sống trong cuộc đời. Dĩ nhiên, tác động của văn chương bao giờ cũng diễn ra từ từ nhưng có chiều sâu, có khả năng tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn trong những năm tháng về sau. 1.1.4.2. Nhân vật chính của truyện đồng thoại là loài vật và các vật vô tri khác được nhân cách hóa. Trong các tác phẩm tự sự, nhân vật là một yếu tố thi pháp quan trọng, thể hiện rõ đặc trưng của thể loại. Chẳng hạn, nhân vật chính của truyền thuyết bao giờ cũng phải là những cá nhân lịch sử, trong khi đó, nhân vật của truyện cổ tích lại là những con người đời thường Tìm hiểu đặc trưng truyện đồng thoại, cố nhiên, chúng ta không thể không xem xét vấn đề nhân vật của thể loại, nhất là nhân vật chính. Thế giới nhân vật trong truyện đồng thoại rất phong phú, đa dạng, bao gồm con người và loài vật, nhưng vừa phổ biến, vừa giữ vai trò chính là các con vật. Có thể nói, truyện đồng thoại đã tạo ra một hệ thống nhân vật riêng, mang tính chất đặc thù. Đó là kết quả của một lối tư duy nghệ thuật mới, hướng vào loài vật và con người, phản ánh đồng thời hai đối tượng này, hấp dẫn độc giả bằng những hình tượng vừa quen vừa lạ, vừa thực vừa hư. Trong cuộc sống, con chó, con gà, cây chuối, bút chì là những đối tượng không xa lạ gì với các em. Nhưng khi viết về con chó biết khóc, con gà biết suy nghĩ, cây chuối yêu thương đàn con, bút chì trốn học thì những điều ấy, trong mắt trẻ thơ lại thật hấp dẫn, thật lạ.
- 30 Nhân cách hóa là một thủ pháp nghệ thuật truyền thống, nảy sinh từ xa xưa và được vận dụng rộng rãi trong văn học nghệ thuật, nhất là thơ văn cho thiếu nhi. Sở dĩ như vậy là vì thủ pháp này đã có sự thích ứng cao đối với đặc trưng tâm lí trẻ em. Trong cuộc sống, quan hệ của trẻ em với thế giới loài vật diễn ra theo nguyên tắc “vật ngã đồng nhất”. Các em thường đối xử với đồ vật, các con vật như với một sinh thể có tâm hồn, tình cảm. Văn hào Pháp Anatole France từng nói: “Trẻ em và những loài vật rất hiểu nhau. Hòn đá biết nói cho những người nào biết nghe”. Loài vật sống theo bản năng, mà các em (nhi đồng) trong mọi hoạt động cũng đầy tính bản năng, cho nên giữa chúng và loài vật dễ có được sự đồng cảm, thấu hiểu. Với cái nhìn hồn nhiên của mình, nhi đồng rất giàu trí tưởng tượng, các em thấy cái gì cũng có hồn người, từ con chó, con mèo, con chim, con cá, đến cỏ cây hoa lá và cả những đồ vật không có sức sống như cái bàn, cái ghế, viên gạch, hòn bi. Đối với các em, đó là thế giới bạn bè, ẩn chứa nhiều điều kì diệu, có thể thỏa mãn được nhu cầu phiêu lưu, khám phá và nâng cánh ước mơ, tưởng tượng bay bổng. Đối với người sáng tác, loài vật là một nhân vật không thể thiếu được trong văn chương dành cho các em. Bởi, nó là hiện thân của cái đẹp, đem lại cho các em cuộc sống phong phú, mở rộng hiểu biết và bồi đắp tâm hồn. Cho nên, chúng ta không lạ khi trong thơ văn viết cho các em xuất hiện đông đảo hình tượng loài vật Trên thực tế, văn chương Việt Nam và thế giới đã có nhiều tác phẩm viết rất thành công về loài vật. Chúng ta không khó để kể ra đây truyện về chú Ếch Ping của S.Agold, Dế Mèn của Tô Hoài Chính những thiên truyện như vậy đã làm say mê biết bao trái tim bạn đọc, làm nên sức sống của văn học. Nhân vật loài vật trong truyện đồng thoại được miêu tả bằng thủ pháp nhân cách hóa. Thủ pháp nghệ thuật này không chỉ tạo nên hình thức nghệ thuật phù hợp với tâm lí trẻ em mà còn đem lại cho hình tượng ý nghĩa biểu trưng. Nhìn chung, mỗi nhân vật đồng thoại đều ít nhiều phản ánh tính cách của một hạng người hay một đặc điểm nào đó của con người. Như đã biết, cuộc sống được phản ánh trong truyện đồng thoại hoàn toàn không phải là diện mạo vốn có của nó được hiển hiện trước mắt các độc giả nhỏ tuổi mà là sự phản chiếu khúc xạ kì lạ. Vật mà nó tượng
- 31 trưng chỉ là ảnh xạ. Chẳng hạn, truyện Con Giun và con Ong của Nghiêm Văn Tỉnh: Trong truyện, con Ong xinh đẹp, cần mẫn làm mật, còn Giun chỉ thích ăn không thích làm. Vì thế, nó bị biến thành một loài xấu xí. Về sau, Giun nhận ra sai lầm của mình nên đã quyết tâm sửa đổi, chăm chỉ làm việc, được mọi người đề cao. Hình tượng Ong và Giun trong truyện trên, rõ ràng, là hình ảnh biểu trưng cho những hạng người khác nhau trong xã hội. Tác giả đã không đem chúng viết thành con người, mà chỉ cố gắng xây dựng mối liên hệ ngầm để người đọc liên tưởng đến những hạng người có thái độ khác nhau đối với vấn đề lao động. Con Ong, như thế là hình ảnh của những người yêu lao động, say mê làm ra của cải có ích cho đời. Còn con Giun lại là hình ảnh của sự thức tỉnh, chuyển biến từ lối sống tiêu cực sang tích cực, ngoại hình tuy có xấu xí nhưng việc làm thật đẹp. Hình tượng Con Ong và con Giun, rốt cục, là hình ảnh về những con người lao động vì sự tốt đẹp của cuộc sống. Nhân cách hóa trong truyện đồng thoại thường được nhà văn vận dụng vào việc xây dựng hình tượng loài vật đồng thời là hình tượng trẻ em. Ở đây, người viết truyện miêu tả loài vật nhưng thực chất là hướng vào trẻ em như một đối tượng phản ánh. Điều này gần như không xảy ra trong truyện cổ tích và ngụ ngôn, bởi các thể loại đó đặt trẻ em vào vị thế của người ngoài cuộc, vị thế của người nghe để tiếp nhận tri thức thẩm mĩ. Trong khi đó, truyện đồng thoại chủ động đưa các em tham gia vào câu chuyện, giúp trẻ em tìm thấy bóng dáng cuộc sống của mình trong xã hội loài vật, trong tính nết của từng con vật. Tiếp xúc với hình tượng Võ sĩ Bọ Ngựa trong truyện cùng tên của Tô Hoài, chúng ta thấy nhân vật này được nhà văn phú cho những đường nét tính cách trẻ em. Bọ Ngựa khác nào một đứa trẻ hiếu động, bởi mẹ vừa đi vắng đã vội quên ngay lời mẹ dặn, rời “nhà” ra xem thế giới rộng lớn thế nào. Bọ Ngựa rất hiếu thắng, vừa mới bắt nạt được Châu Chấu Ma và Gián Ống đã đòi cả bác Cồ Cộ, mụ Bọ Muỗm phải gọi mình là Võ sĩ Đại Mã. Nghe tin Dế Mèn đi phiêu lưu trở về, Bọ Ngựa nghĩ ngay đến việc bắt chước lên đường đi xa Bọ Ngựa có nhiều điểm đáng chê trách nhưng vẫn là một nhân vật đáng yêu,
- 32 tâm hồn trong trắng, biết hối lỗi khi nghe những lời phân tích đúng sai, thiệt hơn của mẹ Trong khi gán cho loài vật những đường nét tính cách, tình cảm của con người, truyện đồng thoại vẫn tìm cách bảo lưu những đặc điểm tự nhiên vốn có của chúng. Nguyên tắc miêu tả kết hợp này có tác dụng nới rộng diện tích nghĩa của hình tượng, khiến cho nhân vật đồng thoại hiện ra vừa là nó (vật), vừa là hình tượng ẩn dụ về con người. Phân tích nhân vật Bù Nhìn Rơm trong truyện Con Bù Nhìn Rơm của Diệp Thánh Đào, chúng ta sẽ thấy rõ điều đó. Bù Nhìn Rơm, trước hết, là một đồ vật, được người nông dân dựng lên để xua đuổi chim chóc, bảo vệ mùa màng. Nhưng dưới bàn tay nghệ thuật tài tình của Diệp Thánh Đào, nó không còn đơn thuần là một đồ vật. Bởi nó gợi lên trong mỗi độc giả hình ảnh một con người đang “nhẫn nại, lặng lẽ đứng giữa cánh đồng chịu nắng chịu mưa, xua đuổi lũ chim đang muốn nhặt hết những hạt giống mới gieo”. Nó cũng có lúc “mơ màng”, thả hồn theo cánh bướm; lại cũng có lúc “bạt vía kinh hồn” khi chứng kiến cảnh tượng đau thương Nguyên tắc miêu tả kết hợp đòi hỏi nhà văn phải có sự am hiểu và tôn trọng các đặc điểm tự nhiên của loài vật, sử dụng thủ pháp nhân hóa để tạo dịch chuyển đối tượng từ trường tự nhiên sang trường xã hội. Một khi đạt được sự hài hòa, thống nhất giữa nhân tính và vật tính như vậy, hình tượng nhân vật truyện đồng thoại sẽ có được sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với độc giả. 1.1.4.3. Đặc trưng thứ ba của truyện đồng thoại giàu hư cấu, tưởng tượng. Đặc trưng này được hầu hết các nhà nghiên cứu, nhà văn thống nhất thừa nhận. Chính chất tưởng tượng này cho phép đồng thoại chạm đến những yếu tố huyền ảo, phi thực. Trong Truyện đồng thoại viết cho thiếu nhi, Võ Quảng viết: “Không có chỗ nào gọi là xa xôi, không có vấn đề gì gọi là cao siêu mà truyện đồng thoại không với tới được. Làm được việc đó là vì truyện đồng thoại mang một thuộc tính cơ bản: sự tung hoành của chất tưởng tượng” [221, tr.74]. Các tác giả Nhi đồng văn học khái luận xem tưởng tượng là hạt nhân của đồng thoại khi viết: “Bất kì hình thức văn học nào cũng đều tồn tại sự tưởng tượng, thậm chí có thành phần của huyễn tưởng. Trong đồng thoại, tưởng tượng chiếm ưu thế. Tưởng tượng là hạt
- 33 nhân của đồng thoại và cũng là linh hồn của đồng thoại. Không có tưởng tượng sẽ không có đồng thoại” [313, tr.10]. Tâm lí học khẳng định rằng, tưởng tượng có vai trò quan trọng trong đời sống nói chung và nhất là trong văn chương, nghệ thuật. Lãnh tụ vô sản Nga V.I.Lênin từng có nhận định nổi tiếng như sau: “Thật là sai lầm nếu nghĩ rằng chỉ có nhà thơ mới cần tưởng tượng. Đó là một định kiến sai lầm ngu xuẩn. Ngay cả trong toán học cũng cần có tưởng tượng. Không có nó thì không thể có phép vi phân và tích phân”. Nhận định trên mặc nhiên thừa nhận lĩnh vực văn học nghệ thuật là mảnh đất màu mỡ, là nơi mà tưởng tượng được tự do tung hoành, bay lượn. Bởi bản chất của nghệ thuật là sáng tạo nên những thế giới không có trong thực tế, nhằm thể hiện quan niệm của nhà văn về cuộc sống, thể hiện những ý nghĩa của hiện thực được nhà văn khám phá và mong muốn khẳng định. Với ý nghĩa đó, tưởng tượng được xem là cái khuấy động ban đầu của nghệ thuật, là mảnh đất cho những mầm xanh, hoa trái sinh sôi. Người nghệ sĩ sử dụng tưởng tượng để sáng tạo nên các tác phẩm nghệ thuật đồng thời gửi gắm tư tưởng tình cảm của mình ở trong đó. Chẳng hạn, trước khi máy bay được phát minh, con người đã biểu đạt giấc mơ được bay trong không trung của mình bằng hình tượng chiếc thảm bay; trước khi tàu ngầm ra đời, Jules Verne đã có Hai vạn dặm dưới đáy biển hết sức kì thú Những hình tượng đó, dĩ nhiên là kết quả tưởng tượng sáng tạo của nhà văn, là hình tượng giấc mơ của nhân loại muốn được vùng thoát khỏi đời sống hiện tại để được thăng hoa trong một thế giới khác. Khi viết truyện đồng thoại, các tác giả đã tận dụng tối đa sức mạnh của tưởng tượng vào việc phản ánh và biểu thị cuộc sống. Tư duy lí tính ở trẻ em vốn còn non yếu, khả năng cảm thụ hiện thực còn hạn chế. Vì vậy, tưởng tượng giúp các em phá bỏ những ràng buộc, những hạn chế trong cuộc sống thường ngày, đưa các em vượt ra khỏi trạng thái bình thường để bay lượn thỏa thích trong thế giới lí tưởng. Nó đã thích ứng với đặc điểm tâm lí và thiên tính yêu thích tưởng tượng của trẻ em, đem lại nhiều khoái cảm thẩm mĩ, chắp cánh cho ước mơ bay cao, bay xa.
- 34 Về cơ bản, tác giả truyện đồng thoại không dựa vào dạng thức vốn có của cuộc sống để phản ánh bản chất của hiện thực mà tập trung khái quát cao độ bản chất của hiện thực. Sau khi rút ra được tư tưởng cơ bản của hiện thực rồi, người sáng tác sẽ đem hình tượng loài vật, đồ vật bình thường nhào nặn bằng ánh sáng của trí tưởng tượng, khiến cho chúng hiện ra với những màu sắc lung linh, nửa hư nửa thực. Điều đó có nghĩa là, tưởng tượng trong truyện đồng thoại không thoát li đời sống hiện thực. Chính hiện thực là nơi bắt đầu cũng là nơi trở về của tưởng tượng. Hiện thực gợi ý, mách nước để tưởng tượng nảy sinh và thăng hoa. Đến lượt mình, nó trở lại phản ánh, khái quát bức tranh hiện thực vốn đa dạng và phức tạp. Tô Hoài, một cây bút xuất sắc trong văn chương đồng thoại từng cho biết: “Tôi chưa viết một mẩu đồng thoại nào mà không do thực tế tư tưởng và đời sống xung quanh mình” [80, tr.49]. Tưởng tượng đem lại cho truyện đồng thoại khả năng vượt thoát những hạn chế của cuộc sống, mở rộng biên độ của sáng tạo. Tưởng tượng giúp nhà văn có thể đề cập đến cuộc sống ở chốn ao sâu, dưới hầm mỏ hay trên trời cao Trong truyện đồng thoại, thực tế cuộc sống có thể bị đẩy lùi, ẩn mình đi trong cái vỏ hình thức có vẻ hoang đường, nhưng chính nhờ tưởng tượng mà thực tế hiện ra lộng lẫy hơn, sức khái quát cao hơn. Và khi thực tế đã được khái quát cao, ý nghĩa tượng trưng của tác phẩm sẽ giàu có hơn lên rất nhiều. Nhờ vậy, hình tượng đồng thoại dễ đập vào mắt các em, dễ làm cho các em xúc động và qua đó, thực hiện các chức năng nghệ thuật khác nhau như giáo dục, giải trí Chúng ta đã có dịp đề cập tới ý kiến của Hạ Nghi về hai khả năng có thể xảy ra trong sáng tác truyện đồng thoại. Một là, tưởng tượng thoát li cơ sở đời sống, mọi suy nghĩ thiếu căn cứ thì đồng thoại không còn là đồng thoại nữa mà là mộng thoại. Ngược lại, thiếu tưởng tượng, hình tượng nghệ thuật khô cứng, đồng thoại sẽ trở thành ngốc thoại: “Mộng thoại làm cho các em thành người si. Ngốc thoại làm các em thành người ngốc” [170, tr.15]. Cả hai đều không thích hợp, đều làm giảm sức mạnh của thể loại trong việc biểu đạt cuộc sống, thể hiện ước mơ của con người, nhất là của tuổi thơ.
- 35 Những đặc trưng trên đây sẽ là căn cứ để nhận diện thể loại truyện đồng thoại. Tuy nhiên, do truyện đồng thoại có những chỗ giao cắt với truyện cổ tích, ngụ ngôn và loài vật, vì vậy, cần thiết phải phân biệt nó với những thể loại liên quan 1.1.5. Truyện đồng thoại với một số thể loại khác 1.1.5.1. Với truyện cổ tích loài vật, truyện đồng thoại có mối quan hệ hết sức gần gũi. Quan hệ đó thể hiện rõ ở những tác phẩm có nội dung lí giải đặc điểm tự nhiên của loài vật. Ví dụ: Vì sao Hươu cao cổ cao – cổ? (Vân Long), Vì sao Ve Sầu kêu về mùa hè? (Lan Phương) Truyện cổ tích loài vật là sản phẩm sáng tạo của quần chúng nhân dân. Nó ra đời từ rất sớm, nhằm đáp ứng nhu cầu đúc kết những kinh nghiệm, những hiểu biết về đời sống và tập tính loài vật của con người cổ đại. Do đó, truyện cổ tích loài vật mang những dấu vết quan niệm của người xưa về thế giới tự nhiên. Về sau, tác giả dân gian đã hòa lẫn những kinh nghiệm và hiểu biết về loài vật với những kinh nghiệm, hiểu biết xã hội khiến cho truyện cổ tích loài vật không còn nguyên cái vẻ đẹp buổi ban sơ. Các con vật trong truyện cũng mang những tính tình, tính cách rõ nét của các hạng, loại người trong xã hội. Theo nhận định chung, đối tượng tiếp nhận của truyện cổ tích loài vật ban đầu có thể là cả người lớn lẫn trẻ em. Nhưng về sau, khi hiểu biết của con người đã được tăng lên thì những câu chuyện kể về loài vật chỉ còn hấp dẫn với trẻ em. Trẻ em vẫn tìm được sự hứng thú, tin tưởng vào những lời giải thích chất phác của dân gian. Về điều này, Phạm Minh Hạnh đã có nhận xét đúng đắn: “Trẻ em tìm được con đường đi tới sự hiểu biết thế giới xung quanh mình và cuộc sống dần dần qua những câu chuyện đơn giản và hấp dẫn về loài vật. Vì thế đối tượng chính của truyện về loài vật là trẻ em” [73, tr.28]. So với truyện cổ tích loài vật, truyện đồng thoại sử dụng hệ thống nhân vật phong phú hơn, đa dạng hơn. Ngoài các con vật, truyện đồng thoại còn sử dụng các đồ vật, cỏ cây, thậm chí là các kí tự, khái niệm làm nhân vật. Ngoài một số ít tác phẩm tiếp tục đi vào chủ đề sự tích, tiếp nối truyền thống truyện cổ tích loài vật, còn lại hướng tới miêu tả thế giới loài vật như chính thế giới của trẻ em, để qua
- 36 đó mách bảo những bài học về cuộc sống. Bởi vậy, ngay trong những tác phẩm có nội dung sự tích thì chủ đề giáo dục vẫn trỗi lên như một cảm hứng chủ đạo. Đó là chưa nói, về mặt cấu trúc, hình tượng nhân vật đồng thoại thường hiện ra rõ nét hơn, có cá tính hơn, và thường là cá tính trẻ em. Như vậy, điểm chung giữa truyện đồng thoại và truyện cổ tích loài vật là nội dung giải thích đặc điểm tự nhiên của các vật. Có thể xem truyện cổ tích loài vật chính như là tế bào gốc, qua quá trình vận động đã chuyển hóa thành truyện đồng thoại, tiếp tục gây ảnh hưởng đối với đời sống tinh thần của trẻ em hôm nay. 1.1.5.2. Với truyện ngụ ngôn, truyện đồng thoại cũng có nhiều điểm gần gũi. Nói về truyện ngụ ngôn, đầu thế kỉ XX, ông Nguyễn Văn Ngọc, trong Lời tựa cuốn Đông Tây ngụ ngôn (1927) có nói đại ý rằng: Chữ ngụ nghĩa là gá gửi; chữ ngôn nghĩa là nhời nói. Ta dùng hai chữ ngụ ngôn để chỉ cái lối văn, hoặc văn xuôi, hoặc văn vần, thường đặt thành câu chuyện đem kể, rồi nhân câu chuyện mà dẫn những lời quy châm về luân thường đạo lí để cảm hóa lòng người. Về sau, tư tưởng đó cũng được tái khẳng định trong ý kiến sau đây của nhà nghiên cứu folklore Cao Huy Đỉnh: Cái lối ẩn dụ việc đời phần nhiều bằng hình tượng súc vật là đặc điểm của ngụ ngôn. Mỗi con vật biết nói, biết nghĩ, biết hành động là một biểu tượng của một loại người nhất định. Quan hệ xung đột hoặc đồng tình giữa chúng là những quan hệ xã hội thực sự nói lên những vấn đề đạo đức thực sự. Tổng hợp các ý kiến trên, chúng ta có thể đi đến kết luận: truyện ngụ ngôn là một thể loại có mục đích răn đời thông qua hình thức chủ yếu là những câu chuyện kể về loài vật. Như vậy, nội dung giáo huấn và kiểu loại nhân vật là hai yếu tố đưa đến mối quan hệ gần gũi, tương giao giữa truyện ngụ ngôn và đồng thoại. Về ranh giới giữa truyện ngụ ngôn và đồng thoại, từ lâu, một số nhà nghiên cứu, nhà văn ở Việt Nam như Phạm Minh Hạnh [73], Võ Quảng [212], Nguyễn Ánh Tuyết [271], Vân Thanh [237] và Cao Đức Tiến – Dương Thị Hương [260] đã đưa ra nhiều ý kiến xác đáng. Từ ý kiến của những người đi trước, chúng ta thấy sự khác biệt giữa truyện đồng thoại và ngụ ngôn thể hiện ở ba phương diện sau: dung lượng (i), tính chất bài học giáo huấn (ii) và phương pháp truyền đạt (iii).
- 37 (i). Về dung lượng, điểm nổi bật ở truyện ngụ ngôn là sự ngắn gọn, súc tích của ngôn ngữ và chi tiết. Theo Phạm Minh Hạnh: “Thông thường thì ngụ ngôn có độ dài rất khiêm tốn, có truyện chỉ 60 đến 70 từ ( ). Thường thì truyện ngụ ngôn chỉ khoảng 200 – 300 từ, ít truyện có đến 500 – 700 từ hay 1000 từ” [73, tr.50 – 51]. Tính ngắn gọn là một nét đặc trưng của truyện ngụ ngôn, một thể loại không chấp nhận lối giải thích dài dòng, vòng vo, tỉ mỉ. Thông thường, truyện ngụ ngôn tựa trên một tình tiết, một sự việc và được diễn đạt một cách hàm súc qua sự ám chỉ, so sánh, ẩn dụ để cho con người liên tưởng, tìm ra những ý nghĩa triết lí sâu xa. Trong khi đó, truyện đồng thoại thường có dung lượng lớn hơn, đúng như nhận xét sau đây của Cao Đức Tiến và Dương Thị Hương: “Dung lượng truyện có thể dài ngắn bất kì, nhưng cơ bản dù sao cũng dài hơn truyện ngụ ngôn, vì ngụ ngôn chỉ bao hàm một tình huống, trong khi đồng thoại là cả một câu chuyện có mở đầu, có kết thúc” [255, tr.173]. Chúng ta không khó để kiểm chứng điều đó nếu “chịu khó” nhìn vào thực tiễn sáng tác truyện đồng thoại của Việt Nam và thế giới. Những truyện đồng thoại có độ dài khiêm tốn nhất cũng phải đạt 500 – 600 từ, phổ biến là từ 1000 – 3000 từ, và không hiếm những truyện có 10.000 từ trở lên. Độ dài như thế là cần thiết giúp cho truyện đồng thoại diễn tả được một cách cụ thể, rõ ràng các tình huống, sự việc của câu chuyện. Nhờ đó, nhà văn “tâm sự” với các em được nhiều hơn, bài học giáo dục theo đó mà thấm sâu hơn. Về tâm lí, bản thân các em không thích những câu chuyện quá ư ngắn gọn, chỉ vài ba dòng văn, hoặc đôi ba lời kể. Với khuôn khổ chật hẹp, mọi chi tiết, sự việc sẽ bị giản lược tối đa, truyện dễ gây cho các em cảm giác hụt hẫng. Mặt khác, khi đạt tới một độ dài cần thiết, truyện đồng thoại sẽ thuận lợi hơn trong việc miêu tả nhân vật, tình huống , tạo được khoảng cách nhất định so với ngụ ngôn. (ii). Bài học trong truyện đồng thoại đơn giản và cụ thể, phù hợp với tuổi thơ. Trong khi đó, bài học ở truyện ngụ ngôn thường thâm trầm, ý nghĩa triết lí sâu xa. Chúng ta hãy quan sát qua trường hợp sau – truyện Cá Sấu mắc răng: Cá Sấu bị kẹt miếng thịt trong chân răng, vô cùng nhức nhối, khó chịu. Sấu bèn nhờ Cò gỡ hộ và hứa sẽ đền ơn. Thế nhưng, khi Cò gỡ xong, Sấu không thực hiện lời hứa
- 38 mà còn bảo: “Mày rút chân ra được khỏi miệng tao là phúc lắm rồi, còn đòi gì nữa”. Truyện này không đơn giản nói về việc Sấu vô ơn, sâu xa nó nêu ra triết lí: những kẻ độc ác không làm điều ác đã có thể coi là thiện rồi! Hay triết lí về phép thắng lợi tinh thần trong truyện Con Cáo và chùm nho của Aesop: Một ngày hè nóng bức, con Cáo đi lang thang trong vườn cây và chợt phát hiện ra chùm nho chín tít trên cành cây cao. Cáo quyết định hái chùm nho để giải cơn khát. Nó lùi lại mấy bước lấy đà, rồi chạy đến bật cao lên hi vọng sẽ hái được chùm nho. Nhưng liền mấy lần mà không được, nó bỏ đi và vênh váo nói: “Nho còn xanh quá!” Để hiểu được ý nghĩa sâu xa của những tác phẩm như vậy, người đọc cần có vốn kinh nghiệm, sự từng trải và trình độ tư duy đã phát triển ở mức cao. Những điều kiện để tiếp nhận ngụ ngôn như vậy chỉ có thể có được ở độc giả người lớn. Vì lí do này mà nhiều người đã thống nhất khẳng định, đối tượng chủ yếu của truyện ngụ ngôn là người lớn. Trẻ em tiếp nhận truyện ngụ ngôn thường chỉ ở phần diễn truyện, chưa thể hiểu được nghĩa lí sâu xa của tác phẩm. Xuất phát từ thực tế trên, các nhà nghiên cứu Mĩ đã nói một cách hình ảnh rằng: “Bài ngụ ngôn như một vở kịch ngắn, các súc vật là vai chính, chân lí được lóe sáng từ hình tượng câu chuyện tất cả những thứ đó có sức hấp dẫn kì diệu sự chú ý của các em và người lớn; những bài ngụ ngôn như vậy có khác gì các viên sỏi xinh mà ta lượm được trên bãi biển rồi bỏ vào túi như một kho kinh nghiệm để khi cần đến đem ra đối chiếu tức thì” [73, tr.41]. (iii). Về phương pháp truyền đạt, cả ngụ ngôn lẫn đồng thoại đều lấy loài vật, đồ vật, cỏ cây làm nhân vật và đều nhân cách hóa chúng. Tuy nhiên, ở truyện đồng thoại, nhân vật tồn tại trên hai tư cách: vừa là đối tượng nhận thức phản ánh, vừa là phương tiện chuyển tải bài học giáo dục. Còn nhân vật của truyện ngụ ngôn thì ngược lại, chỉ là phương tiện chuyển tải nội dung giáo dục. Là phương tiện nên nhân vật truyện ngụ ngôn được thay thế một cách dễ dàng. Ví dụ: các nhân vật Rùa, Thỏ trong truyện Rùa và Thỏ có thể thay bằng cặp Ốc Sên, Chồn hay Gấu, Ngựa mà không hề phương hại đến nội dung tác phẩm. Với truyện đồng thoại, sự thay thế sẽ khiến cho câu chuyện sụp đổ hoàn toàn. Chẳng hạn, khi thay nhân vật
- 39 Dế Mèn trong Dế Mèn phiêu lưu ký bằng một hình tượng khác, chắc chắn những nội dung miêu tả về nó sẽ không còn cơ sở để tồn tại. Điều đó có nghĩa là, tác phẩm bị đặt trước tình trạng bị “biến động”, nhiều lớp nội dung phải bỏ đi, bên cạnh viết mới một số lớp nội dung khác cho phù hợp với nhân vật. Truyện ngụ ngôn không đặt mục tiêu miêu tả nhân vật. Cách làm của nó là xây dựng một tình huống, một hành động bản chất của nhân vật, đưa lên trang giấy để suy ngẫm. Ngược lại, miêu tả nhân vật là một yêu cầu có tính bắt buộc của thể loại truyện đồng thoại. Khi xây dựng nhân vật, nhà văn thường chú ý khắc họa về ngoại hình, hành động, đời sống nội tâm Vì vậy, nhân vật truyện đồng thoại thường hiện ra trọn vẹn hơn, có hình, có tâm trạng hơn. Đến đây, chúng ta có thể khẳng định: biện pháp nghệ thuật của truyện ngụ ngôn và đồng thoại có sự giống nhau là cùng lấy nhiều đối tượng khác nhau, nhất là loài vật làm nhân vật. Điểm khác là, truyện ngụ ngôn dùng lối ẩn dụ, kín đáo; còn ở truyện đồng thoại lại là sự cách điệu. Truyện ngụ ngôn chủ trương nêu ra các bài học kinh nghiệm, những triết lí ứng xử trong cõi nhân sinh để giúp con người tự hoàn chỉnh mình; còn với truyện đồng thoại, mục đích là cung cấp kiến thức từ thấp lên cao, từ đơn giản đến phức tạp để các em học tập, trưởng thành. Cho nên, ở truyện ngụ ngôn, bài học càng thâm thúy, sâu sắc bao nhiêu thì càng hấp dẫn bấy nhiêu. Ngược lại, với truyện đồng thoại, sức hấp dẫn nằm ở vẻ giản dị, hồn nhiên và nhiều cảm xúc. Do đối tượng tiếp nhận khác nhau nên tính chất cảm hứng ở mỗi thể loại cũng khác nhau. Cảm hứng chủ đạo của ngụ ngôn là phê phán, lấy sự phủ định để khẳng định; còn truyện đồng thoại ưu tiên trình ra những hình tượng tốt nhằm khuyến khích các em bắt chước làm theo. Bàn về “số phận lịch sử” của truyện ngụ ngôn, một số nhà nghiên cứu văn học dân gian ở Việt Nam đã cho rằng, nó sẽ chững lại trong thời hiện đại và chỉ còn là một phương thức giáo dục nhi đồng [178, tr.458]. Nhà nghiên cứu văn học thiếu nhi Lã Thị Bắc Lý cũng xem truyện đồng thoại là “một biến thể của truyện ngụ ngôn” [140, tr.104]. Những nhận định trên đây tuy cách diễn đạt ít nhiều có khác nhau nhưng đều thừa nhận mối quan hệ chặt chẽ giữa truyện ngụ ngôn và đồng
- 40 thoại. Rõ ràng, trong sự phát triển của mình, ở phương diện giáo dục, truyện đồng thoại đã kế thừa truyện ngụ ngôn. Vì vậy, sự tồn tại của chất ngụ ngôn trong truyện đồng thoại là điều khó tránh khỏi. 1.1.5.3. Cuối cùng, “gần gụi với truyện đồng thoại có truyện loài vật” [211, tr.158], một thể loại trong hệ thống văn học viết cho thiếu nhi. Thể loại này có chức năng phản ánh đời sống sinh hoạt của loài vật. Vì vậy, nhân vật chính trong truyện là các con vật. Điểm giống nhau chủ yếu giữa truyện đồng thoại và truyện loài vật là miêu tả nhân vật, làm cho nhân vật hiện ra như nó vốn có ngoài đời. Tuy nhiên, miêu tả trong truyện đồng thoại thường mức độ hơn, không quá cụ thể, chi tiết như ở truyện loài vật. So với truyện loài vật, nhân vật trong truyện đồng thoại có sự tự do và rộng hơn nhiều. Biện pháp miêu tả nhân vật cũng có điểm khác nhau căn bản. Trong khi truyện loài vật lấy tả thực làm trọng tâm, thì truyện đồng thoại là nhân cách hóa. Kết quả, nhân vật truyện đồng thoại hiện lên trong tác phẩm vừa là nó (loài vật), vừa là hình ảnh biểu trưng về con người. Nhân vật của truyện loài vật chỉ mang ý nghĩa tả thực. Truyện loài vật ít chất tưởng tượng, các con vật hiện ra như ta vẫn thấy trong đời sống thực. Nhưng bằng chính cái thực đó, nhà văn giúp cho các em thấy được sự biến hóa kì diệu của thế giới tự nhiên, có thể rút ra được bài học cần thiết cho cuộc sống của mình. Chẳng hạn, trong truyện Ong bắt dế, nhà văn Vũ Tú Nam đã đặc tả hình ảnh con ong giữa trưa hè nắng gắt “cần cù, gan góc đi lùng bắt dế, sửa soạn chu đáo cho những đứa con của nó ra đời”. Ngòi bút miêu tả của nhà văn thật công phu, giúp các em hiểu được tập tính loài ong, đồng thời có thể liên hệ, rút ra cho mình bài học rèn luyện từ chính đức tính cần cù, biết lo xa trong cuộc sống của nhân vật. Ở truyện loài vật, bài học giáo dục (nếu có) là hệ quả của sự khám phá, miêu tả tính cách tự nhiên của con vật. Trong khi đó, ở truyện đồng thoại, bài học giáo dục là chủ đích, là cái cần đạt được trong miêu tả nhân vật, tổ chức câu chuyện
- 41 Những phân biệt nói trên cho thấy, truyện đồng thoại đã kế thừa và phát triển nhiều yếu tố thi pháp của các thể loại cổ tích, ngụ ngôn và loài vật. Đó là kết quả của mối quan hệ tương tác, sự xâm nhập và thâu hóa lẫn nhau giữa các thể loại. Nhờ vậy, bản thân mỗi thể loại có được những điều kiện cần thiết để phát triển. Mặt khác, về một mặt nào đó, chúng ta cũng có thể nghĩ tới tính dung hợp như một đặc trưng của thể loại truyện đồng thoại, khiến cho nó có họ hàng anh em với nhiều thể loại khác, không dễ phân biệt. Điều đáng nói là, nhờ sự kết hợp đó mà truyện đồng thoại gia tăng được khả năng phản ánh hiện thực, không chỉ nói chuyện gần, chuyện trẻ em, mà còn cả chuyện xa, chuyện người lớn. Là một thể loại hiện đại, truyện đồng thoại tất yếu mang dấu ấn phong cách sáng tạo của từng cá nhân nhà văn. Bởi vậy, việc khái quát các đặc trưng của thể loại hiển nhiên là điều không dễ dàng. Làm tốt nhiệm vụ này, chúng ta rất cần sự giúp sức của các nhà chuyên môn và những nhà văn quan tâm tới việc xây dựng hệ thống lí luận văn học thiếu nhi. 1.2. Truyện đồng thoại Việt Nam hiện đại – khái quát về lịch sử 1.2.1. Những nền tảng truyện kể truyền thống Trước khi truyện đồng thoại hiện đại nảy sinh và phát triển, trong văn học Việt Nam, đã có sự tồn tại của một bộ phận tác phẩm truyện kể về loài vật do quần chúng nhân dân và các tác giả trung đại sáng tác. Chúng tôi xem những sáng tác đó là một phần lịch sử của truyện đồng thoại Việt Nam hiện đại. 1.2.1.1. Nền tảng đầu tiên của truyện đồng thoại hiện đại là truyện cổ tích loài vật. Những truyện cổ tích lấy con vật làm đối tượng miêu tả để nhận thức đặc điểm tự nhiên của chúng trong mối quan hệ xã hội – thẩm mĩ với con người, gọi là truyện cổ tích loài vật. Đây là truyện cổ tích dành riêng cho trẻ em nên còn có thể gọi là truyện đồng thoại dân gian. Trong nghiên cứu văn học nói chung, loại truyện này ít khi xác lập thành một thể loại riêng mà xếp chung với các thể loại khác như thần thoại, truyền thuyết, cổ tích. Theo các nhà folklore, thần thoại về loài vật có nguồn gốc từ tín ngưỡng vật
- 42 linh, bái vật. Người nguyên thủy quan niệm thế giới loài vật cũng có linh hồn sự sống như con người. Một số có sức mạnh, khả năng phi thường được con người thần thánh hóa: Cá hóa Rồng, Xà Tinh, Ngư Tinh, Chúa Sơn Lâm, con Cóc là cậu ông Trời Sau này, trong tín ngưỡng văn hóa, phong tục, người ta lập đền thờ cúng tế và tổ chức lễ hội. Nhu cầu giải thích các sự tích xa xưa ấy đã cho ra đời truyền thuyết loài vật: Truyền thuyết về con chim phượng hoàng, truyền thuyết về con rùa vàng của người Kinh Thời kỳ đấu tranh chinh phục thế giới loài vật, các sinh vật trở nên gần gũi với con người, yếu tố thần linh mất dần. Những đặc điểm tự nhiên của loài vật trở thành đối tượng nhận thức thẩm mỹ và sự sống của chúng được đặt trong mối tương quan với xã hội loài người. Theo chúng tôi, loại truyện này mới đúng là cổ tích loài vật trong hệ thống thể loại cổ tích nói chung. Ở đây, trên cơ sở tâm lý tiếp nhận thẩm mĩ của trẻ em, chúng ta khu biệt thể loại cổ tích loài vật hay đồng thoại dân gian bởi các tiêu chuẩn sau: - Đối tượng chính được mô tả trong truyện là loài vật, nhằm mục đích giải thích đặc điểm, nguồn gốc tự nhiên của nó bằng liên tưởng, tưởng tượng. Thiếu đặc điểm này, truyện có xu hướng chuyển sang ngụ ngôn. - Loài vật cũng có xã hội của nó giống như con người. Truyện giúp các em nhận thức những vấn đề tinh tế của xã hội loài người thông qua lăng kính của loài vật. Loại truyện hướng vào giải thích đặc điểm, nguồn gốc tự nhiên của loài vật thường đi theo một qui luật cấu trúc đơn giản. Về bố cục, truyện thường tồn tại hai phần: phần truyện và phần kết rút ra từ phần truyện. Hai phần này gắn bó với nhau. Phần truyện mang ý nghĩa giải thích về quá khứ xa xưa. Phần kết qui về cái hiện tại vốn có của tự nhiên. Lối bố cục này phổ biến ở loại truyện có gắn với sự tích: Gốc tích bộ lông Quạ và Công, Sự tích chim Quốc Thực chất, tư duy của loại truyện này đi theo hành trình ngược. Từ tri giác đặc điểm hiện có của một hiện tượng tự nhiên, xã hội nào đó, người kể dựng chuyện bằng một tưởng tượng về quá khứ xa
- 43 xăm của nó. Chẳng hạn, từ bộ lông vằn vện của con hổ, người ta liên tưởng đến sợi dây trói và giả thiết rằng hổ trước kia có bộ lông trắng. Khi thách đố với trí khôn của con người, hổ bị thua cuộc, bị trói vào gốc cây. Những lằn dây bị đốt cháy còn in hình trên bộ lông hổ. Còn trâu chỉ có một hàm răng dưới vì khi cười sự thất bại của hổ, hàm trên va vào đá rụng hết, từ đó không mọc ra được nữa. (Trí khôn của ta đây). Nhìn bộ lông sặc sỡ, cầu kỳ của chim công, đối lập với bộ lông đen thủi của loài quạ, người kể tưởng tượng trước kia chúng đều trắng. Chúng ăn cắp màu và vẽ cho nhau. Quạ vẽ cho Công cẩn thận, Công có bộ lông đẹp. Quạ hấp tấp vì ham ăn làm cho Công vội vàng đổ mực đen lên người Quạ làm cho Quạ đến nay vẫn giữ mãi bộ lông xấu xí (Quạ và Công). Những cách giải thích ngộ nghĩnh như thế làm trẻ em rất thích. Thế giới nghệ thuật của loại truyện này có thể là loài vật tồn tại với tư cách một hệ thống độc lập (Quạ và Công, Thằn Lằn trộm chân, Cò, Vạc, Cộc, Dũ Dĩ, Đa Đa, Chèo Bẻo và Ác Là , có khi xen lẫn với con người (Trí khôn của ta đây, Tại sao Cọp ăn thịt người, Quạ và chim Khách, Rắn bốn chân và Rùa đen ). Khi loài vật tồn tại với tư cách là hệ thống hình tượng độc lập, chức năng giải thích nguồn gốc, đặc điểm tự nhiên của chúng đóng vai trò quan trọng. Nhân vật xuất hiện trong một môi trường tự nhiên nhất định như lẽ tồn tại của nó. Quạ, Công sống ở trên rừng, Lươn sống dưới nước, còn Cò, Vạc, Cộc, Chuột sống ở ngoài đồng, chim Cút sống trong bụi rậm, Chèo Bẻo làm tổ trên cây cao Loại nhân vật này chủ yếu được miêu tả ở sự biến đổi hình thức, từ dạng này sang dạng khác: từ trắng thành đen hoặc sắc màu sặc sỡ, từ không chân thành có chân, từ lông dài thành lông ngắn Phần bản chất được khơi ra ở một vài đặc điểm sơ giản: Quạ thích ăn thịt, Công thích múa, khoe mã, Thằn Lằn hay chạy trong rừng, chốc chốc lè lưỡi, Cò đi ăn ngày sải cánh ung dung, Vạc lẩn lút về đêm, Cút tự ti, lúc nào cũng trốn tránh Tất nhiên, những đặc điểm ấy không thuần túy là sản phẩm tự nhiên mà liên tưởng từ bản chất của con người trong sinh hoạt đời thường. Chức năng giải thích tự nhiên có xu hướng chuyển sang những ý nghĩa xã hội đơn giản.
- 44 Khi loài vật tồn tại trong mối quan hệ với sự sống con người thì chức năng giải thích tự nhiên có phần mờ nhạt. Chức năng xã hội đóng vai trò nổi bật. Các nhân vật gần như được nhân cách hóa một cách toàn diện. Những gì thuộc về đặc điểm tự nhiên của chúng đều có quan hệ chiếu ứng với tính cách của con người. Cái hung dữ và kiêu ngạo của Hổ, một nét tính cách tất yếu của kẻ mạnh muốn làm chúa tể. Cái tật hay kêu “quang quác” của quạ chỉ làm cho con người khó chịu muốn xua đuổi, ngược lại tiếng kêu “khách khách” vui vẻ của con chim Khách làm cho người ta thích thú Những chi tiết ấy đều mang nghĩa hàm ngôn về quan hệ ứng xử, cách sống của con người. Xung đột trong loại truyện đồng thoại giải thích tự nhiên diễn ra đơn giản. Cốt truyện được xây dựng trên cơ sở một giả tưởng nào đó về sự thay đổi từ quá khứ đến hiện tại. Toàn câu chuyện là hư cấu. Cốt lõi của sự thật không nằm ở sự thay đổi biến hóa của tự nhiên mà dựa vào bản chất sự sống của con người. Loài vật sinh ra vốn mang tính chất đặc trưng của giống loài. Người kể tưởng tượng ra sự thay đổi đột biến để tạo nên tính bất ngờ kỳ thú của câu chuyện để hấp dẫn trẻ em. Bất ngờ nhưng vẫn hợp lý và thuyết phục con trẻ. Có khi đơn giản vì một sai lầm hoặc cẩu thả mà Quạ từ trắng thành đen, Chèo Bẻo cả tin vào bạn để cho Ác Là ăn thịt mới biết cảnh giác làm tổ tận chót vót trên cành cao. Có khi do những ham muốn cờ bạc vô độ mà Vạc, Cộc, Đa Đa mắc nợ phải bán cả đồng ruộng cho Cò để rồi lén lút trong đêm tối kiếm ăn với tiếng kêu thảm thiết. Xung đột có khuynh hướng chuyển dần sang hình thái xã hội phức tạp hơn khi con vật đối mặt với con người. Đây là những truyện phản ánh thời kỳ đấu tranh chinh phục của con người đối với loài vật. Có cả những cuộc đấu sức lẫn đấu trí. Những con vật hung dữa như cọp, quạ, diều hâu, rắn, sói thường trở thành đối thủ với con người. Con người có trí khôn và sức mạnh của cộng đồng có thể chiến thắng những con vật hung dữ và nguy hiểm. Đặc biệt thú vị đối với trẻ em là chính con người thay quyền tạo hóa đã làm biến đổi đặc điểm tự nhiên của loài vật. Trong truyện Trí khôn của ta đây trí tuệ của con người không chỉ làm cho Hổ khiếp sợ mà còn sáng tạo cho nó bộ lông mới. Truyện Rắn bốn chân và Rùa đen với cuộc thi tài
- 45 do con người tổ chức đã làm cho giống Rắn độc ác và ngu ngốc thua Rùa đen hiền lành và thông minh. Bát cháo ngô nóng trừng phạt loài Rắn kia phỏng chân đi khập khiễng và cái đầu lúc nào cũng đung đưa như bị nghẹn cổ. Loại truyện phổ biến nhất của đồng thoại dân gian chính là hướng vào miêu tả “xã hội loài vật”. Không cần có hình ảnh con người, loài vật vẫn có xã hội của nó. Thực chất, đây là loại truyện đã chuyển hóa nhuần nhuyễn thế giới cuộc sống xã hội của loài người sang loài vật. Đặc điểm tự nhiên của loài vật và cuộc sống xã hội của loài người được đồng hóa ở mức cao nhất. Chính vì thế, loại truyện này song hành một lúc hai chức năng thẩm mĩ: - Khám phá những bí ẩn của thế giới tự nhiên qua loài vật. - Qua loài vật, nhận thức bản chất xã hội của chính con người (Khác với ngụ ngôn, loài vật chỉ là công cụ, phương tiện để nhận thức cuộc sống của con người). Đặc điểm của loại truyện này nằm hẳn trong cổ tích loài người. Có điều, những gì rất riêng của loài vật được người kể chú trọng để đảm bảo tính tự nhiên. Nhân vật chính được phân thành hai tuyến đối lập: Tuyến chính diện và tuyến phản diện. Thường tuyến chính diện là những con vật bé nhỏ, hiền lành, thông minh. Người kể thường chọn những con vật như Thỏ, Sóc, Gà rừng, Cóc tía, Hươu, Nai đại diện cho cái thiện, cho lý tưởng tình thương và sự cưu mang. Nhiều truyện ở Việt Nam và thế giới có một nhân vật chính lặp đi lặp lại, đó là Thỏ. Con vật đặc biệt này được xem có trí thông minh xuất chúng. Có lẽ, cái nhìn ấy xuất phát từ thành ngữ “Lành như thỏ”, cũng là đặc điểm tự nhiên của nó. Thỏ từng lừa Cọp nhảy xuống giếng để cứu sống cả khu rừng (Mưu con Thỏ). Thỏ lừa cá Sấu để thoát thân (Thỏ và cá Sấu). Thỏ lập mưu cứu người tiều phu thoát khỏi lòng dạ đen tối của cá Sấu (Cá Sấu thua mưu con Thỏ) Người ta thường nói “gan Cóc tía”. Cóc vốn nổi tiếng trong thần thoại, từng kiện trời, nghiến răng bắt trời làm theo ý mình. Bây giờ trong làng súc vật, Cóc nhỏ bé nhưng dám thi tài với Hổ. Cái vẻ lầm lì tự nhiên của Cóc thì sợ gì Hổ. Hổ có thể ăn thịt những con vật khác chứ bao giờ lại ăn thịt Cóc. Ở truyện Gan Cóc tía, dựa vào đặc điểm tự nhiên ấy, người kể hư cấu chuyện Cóc tía thi nhảy xa với con Hổ kiêu hãnh. Cóc nhường Hổ đứng trước,
- 46 mình sẵn sàng đứng sau đằng đuôi. Lúc Hổ nhảy, Cóc ngoặm lấy đuôi Hổ. Hổ phóng sang bờ suối đuôi văng ra đằng trước thế là Cóc thắng. Chưa hết, Cóc còn há miệng ra nói: “Ngoài tài nhảy xa, tao còn có tài bắt sống Hổ để ăn thịt nữa. Mày xem miệng tao thì rõ”. Cóc há miệng ra đầy lông. Hổ hoảng sợ chạy cong đuôi. Nhân vật phản diện đại diện cho cái ác thường là những con thú hung dữ như Cọp, Cáo, Sói, cá Sấu Tất cả đều được xây dựng trên cơ sở tự nhiên hợp lý. Tiếng gầm của Cọp vang động cả núi rừng làm cho các con vật bé nhỏ phải run sợ (Mưu của Thỏ). Con Cáo chuyên lừa bịp và trộm cắp (Cáo trộm gà) cá Sấu giả nhân giả nghĩa, lừ lừ giả chết, thậm chí dùng nước mắt để lừa kẻ khác mà ăn thịt (Nước mắt cá Sấu, Thỏ và cá Sấu). Những con vật ấy dễ làm cho trẻ em liên tưởng đến những nhân vật xấu xa độc ác trong cổ tích loài người. Về mặt ngôn từ, trong đồng thoại, có thể nói dân gian đã nhân cách hóa khá đặc sắc thế giới loài vật tạo tiền đề cho những liên tưởng nghệ thuật trong văn học nói chung. Khi giải thích tự nhiên , những đặc điểm của loài vật được đặt dưới cái nhìn hồn nhiên, liên tưởng đến tính cách ngộ nghĩnh của con trẻ. Bộ lông được gọi là “bộ váy” đi dạ hội (Quạ và Công). Cái cười rụng hết răng của trâu trong Trí khôn của ta đây có khác gì câu thơ Trần Đăng Khoa: “Hếch cái mũi trâu cười. Nhe cả hàm răng sún”. Nhất là đặc điểm âm thanh tiếng kêu của loài vật cứ như tiếng nói của con người. Không gán ghép miễn cưỡng mà liên tưởng khá hợp ly, giàu tưởng tượng. Họ nhà Vạc, đánh bạc thua Cò, bán hết ruộng đất phải mò ăn đêm. Cú sốc tâm lý ngày ấy bây giờ trở thành căn bệnh, lúc nào cũng luôn mồm: “Thua một vác, thua một vác”. Cũng trong cuộc chơi ấy, Dũ Dĩ mất tất cả, còn trở thành con nợ, thỉnh thoảng kêu lên những tiếng kêu ai oán: “Đông Tây tứ chi bán hết! Mần như ri cũng cực! Mần như ri cũng cực!”. Dòng họ nhà Đa Đa không dám trở lại đồng ruộng, cứ luẩn quẩn trong rừng, thỉnh thoảng tiếc cội nguồn của cha ông ngày trước: “Tiếc rổ tép đa đa! Tiếc rổ tép đa đa!”. Còn Chuột thông đồng với Cò, lúc viết giấy nợ, viết số 3 thành con số 9, sau này sợ Vạc, Dũ Dĩ, Đa Đa trả thù, cứ lén lút mà kêu: “Chín chục!, chín chục!” (Cò, Vạc, Cộc, Dũ Dĩ, Đa Đa và Chuột).
- 47 Khi kể chuyện đồng thoại, tác giả dân gian thường dùng những động từ, tính từ của con người biểu thị cho tính cách của loài vật làm cho chúng không còn vô tri vô giác nữa mà có hồn, sống động như con người. Thằn Lằn “lấm la, lấm lét, chốc chốc lè lưỡi ra” vì sợ họ nhà lươn đòi lại chân (Thằn Lằn ăn cắp chân). Rắn bốn chân “đầu bị lửa bén, cháy đỏ lên, cái đầu cứ gật gù mãi” (Rắn bốn chân và Rùa đen). Tóm lại, truyện đồng thoại dân gian có cả một kho tàng phong phú làm bài học sáng tác cho truyện đồng thoại hiện đại. 1.2.1.2. Trong lịch sử phát triển của mình, văn học Việt Nam đã trải qua thời kì trung đại kéo dài mười thế kỉ. Vì nhiều lí do, các tác giả trung đại chưa quan tâm tới việc sáng tác cho thiếu nhi. Tuy vậy, trong thành tựu chung của văn học thời kì này, chúng ta vẫn bắt gặp một số truyện kể về loài vật nhân cách hóa. Trong Thánh Tông di thảo, có truyện Muỗi nhà và Muỗi đồng kể về cuộc gặp gỡ giữa hai con vật chuyên đi hút máu người và gia súc, qua đó gián tiếp đề cập tới cuộc sống của con người. Trong Truyền kì mạn lục, Nguyễn Dữ có sử dụng hình thức con người và loài vật trò chuyện với nhau, như ở truyện Chuyện bữa tiệc đêm ở Đà giang: nhân vật vua Trần Phế Đế đi săn, đêm nghỉ lại ở bờ bắc sông Đà, con Cáo rủ Vượn già đến gặp Hồ Quý Ly và hai bên đã đối đáp, nghị luận khá lâu về chuyện thời thế. Đặc biệt, được biết đến rộng rãi hơn là những truyện thơ: Lục súc tranh công, Trinh thử và Trê Cóc. Nhân vật trong các truyện thơ này đều là các con vật, được tác giả nhân hóa và gán cho những vai xã hội cụ thể. Ở Lục súc tranh công, người đọc được chứng kiến cuộc tranh công của sáu con vật, gồm: Chó, Trâu, Ngựa, Dê, Gà và Lợn. Ở Trinh thử, đó là chuyện phẩm hạnh đoan chính của nàng Chuột Bạch bị thử thách bởi kẻ tà dâm Chuột Đực. Được xem là hấp dẫn hơn cả là truyện thơ Trê Cóc, vừa ám chỉ xã hội, vừa phản ánh quy luật tự nhiên rất hài hòa, thú vị. Nhìn chung, các tác giả truyện thơ muốn thông qua thế giới loài vật để đạt được một nội dung luân lí đạo đức, góp phần thanh lọc xã hội. Tuy không nhằm mục đích sáng tác cho trẻ em nhưng những sáng tác đó chắc chắn đã được lưu truyền trong đời sống dân gian, được các bậc phụ huynh đọc, kể cho con em mình.
- 48 Chúng ta ghi nhận ở đây đóng góp của các tác giả trung đại trong việc duy trì hình thức truyện kể về loài vật nhân cách hóa, tiếp tục chứng tỏ đó là một hình thức văn chương hấp dẫn, có thể chuyển tải được nhiều vấn đề khác nhau của cuộc sống, nhất là những bài học, những triết lí về văn hóa ứng xử. Không phải ngẫu nhiên mà sau này, con người hiện đại vẫn tìm đến với những sáng tác đó. Trong lĩnh vực truyện đồng thoại, Tô Hoài chẳng đã viết Trê Cóc trên cơ sở khai thác truyện thơ cùng tên đó sao! Từ dân gian đến trung đại, những truyện kể về loài vật đã tự mình lập thành một dòng riêng, vận động qua không gian và thời gian, không ào ạt mà vẫn đầy sức sống, trở thành một tiền đề quan trọng góp phần đưa đến việc ra đời của truyện đồng thoại hiện đại, một thể văn đặc biệt dành cho trẻ em. 1.2.2. Quá trình phát triển của truyện đồng thoại Việt Nam hiện đại Các nhà nghiên cứu đã thống nhất lấy năm 1932 làm mốc khởi đầu thời kì hiện đại của văn học Việt Nam. Từ đó cho đến nay, văn học Việt Nam đã trải qua những chặng đường phát triển khác nhau, nhưng nhìn chung, vẫn chưa vượt thoát ra khỏi phạm trù hiện đại. Là một thành tố của nền văn học Việt Nam hiện đại, quá trình phát triển của thể loại truyện đồng thoại vì thế sẽ được xem xét, mô tả trong khung lịch sử chung đã được xác định. 1.2.2.1. Từ năm 1932 đến 1945 là giai đoạn hình thành, xuất hiện của thể loại truyện đồng thoại Việt Nam hiện đại. Sở dĩ khẳng định như vậy là vì, trong giai đoạn này, lịch sử văn học nước nhà đã chứng kiến sự xuất hiện của một số tác phẩm do các nhà văn Tô Hoài, Trần Tiêu, Thy Ngọc sáng tác. Sớm nhất, đó là truyện Con Dế Mèn do Tô Hoài viết năm 1941, theo đơn đặt hàng của nhà xuất bản Tân Dân. Khi thấy Con Dế Mèn được khách, nhà Tân Dân đề nghị Tô Hoài viết tiếp Dế Mèn phiêu lưu ký. Về sau, hai tác phẩm này được gộp lại thành Dế Mèn phiêu lưu ký như ta vẫn thấy lâu nay.