Cây đàn ghi ta với đời sống âm nhạc Việt Nam
Bạn đang xem tài liệu "Cây đàn ghi ta với đời sống âm nhạc Việt Nam", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tài liệu đính kèm:
- cay_dan_ghi_ta_voi_doi_song_am_nhac_viet_nam.pdf
Nội dung text: Cây đàn ghi ta với đời sống âm nhạc Việt Nam
- CÂY ĐÀN GHI TA VỚI ĐỜI SỐNG ÂM NHẠC VIỆT NAM Là nhạc khí từ châu Âu du nhập vào Việt Nam, cây đàn ghi ta có vai trò quan trọng trong đời sống âm nhạc cũng như đời sống xã hội. Khả năng biểu diễn của cây đàn này thật đa dạng, có thể chơi cả những tác phẩm mang tính kinh điển lẫn những tác phẩm âm nhạc mang tính dân gian; không gian và phương thức trình diễn hầu như không bị hạn chế; có thể chơi ở bất cứ đâu: hòa tấu hoặc độc tấu trên sân khấu lớn trang trọng; độc tấu, đệm hát tại các công trường, nhà máy, trên đường hành quân ra mặt trận, trên mâm pháo, dưới chiến hào Âm sắc của ghi ta rất gần gũi, phù hợp với tâm sinh lý của người dân Việt Nam. Khả năng biểu cảm của nó cũng vô cùng phong phú, lúc buồn, lúc vui, khi xao xuyến, lúc hân hoan Tiếng đàn như có chất men cuốn hút tâm hồn con người, tạo thêm nguồn sinh lực để chúng ta vững tin vào cuộc sống. 1. Nhạc khí có xuất xứ từ châu Âu Cho tới nay, mặc dù giới nghiên cứu đều công nhận cây đàn ghi ta đã có mặt từ lâu ở các nước châu Âu, rồi lan tỏa sang các châu lục khác, nhưng hầu như chưa ai tìm được câu trả lời thỏa đáng về nguồn gốc xuất xứ của cây đàn này. Tuy nhiên, qua quá trình khảo sát, nhiều tư liệu đã đôi chút hé mở có tính giả thuyết về nguồn gốc xuất xứ của nó. Giả thuyết thứ nhất cho rằng, tổ tiên của các nhạc cụ dây ngày nay đều xuất phát từ cây cung săn bắn. Khi bắn, dây cung phát ra âm thanh, và người xưa tình cờ phát hiện ra điều thú vị đó, Theo thời gian, bằng cảm quan thẩm mỹ, để đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần, con người thực hiện một bước chuyển đổi chức năng bằng cách gắn thêm một số dây vào cung. Đây có lẽ là cơ sở đầu tiên mà người xưa đã tạo nên cây đàn cổ nhiều hơn một dây. Những cây đàn cổ này là hạc cầm hoặc đàn lia (lyre) có đến mười mấy dây. Ngành khảo cổ Pháp, trong quá trình khai quật cũng tìm được
- hình vẽ của người tiền sử Cromagnon ở hang Lascaux với hình người cầm cây cung nhạc cách ngày nay khoảng 4000 năm. Những cứ liệu đó vừa có tính hiện thực, vừa có tính phỏng đoán hoặc nhiên và đôi chút có tính thực dụng, nhưng theo đó, nhiều nhà nghiên cứu đồng thuận ý kiến cho rằng, cây đàn ghi ta cũng được hình thành trên cơ sở ấy. Giả thuyết thứ hai, căn cứ vào bức tượng đá của người Hittite thuộc Ai Cập cổ cách đây 4000 năm tr.CN, bức vẽ cho thấy một người nhạc công đang đứng đánh đàn kithara cổ. Từ cứ liệu này, một số nhà nghiên cứu cho rằng, đàn ghi ta từ đây mà hình thành, và nó thuộc về nhánh nhạc cụ có cần đàn. Như vậy đàn ghi ta xuất hiện từ thời cổ đại, rồi phải trải qua nhiều thời kỳ với những tìm tòi cải tiến không ngừng của con người, để đạt tới mức độ hoàn thiện như ngày nay. Giả thuyết thứ ba trái ngược với hai giả thuyết trên, cho rằng đàn ghi ta được chế tác hoàn toàn riêng biệt, không phải trải qua nhiều biến đổi để hoàn thiện. Bởi TK XIII, tại Tây Ban Nha đã có hai loại đàn: guitarra và guitarra latina mà hình dạng của nó giống như ghi ta ngày nay. Ba giả thuyết trên cho thấy, ghi ta là loại đàn cổ, nó có nguồn gốc từ châu Âu chứ không phải xuất phát từ các nước châu Á. Ngày nay, ghi ta có hình dạng như hình số 8. Cần đàn chia thành 19 phím. Hộp cộng hưởng được tạo bởi hai mặt đàn có lỗ phóng âm ở phía trước. 6 dây với các âm: mi - la - rê - xon - xi - mi được vít bởi các khóa (ở đầu cần đàn) và ngựa đàn (ở phần cuối hoặc nửa cuối của hộp cộng hưởng). Ghi ta có mặt ở các nước với các tên gọi: ketharah (người Dan Đê ở Babylon xưa), kithara (Hy Lạp, Ai Cập), kuitra hay gitar (Hà Lan), gitaar (Ba Lan), kitara (Tiệp), chitara (Ý), gitarre (Đức), guitare (Pháp) 2. Du nhập và phát triển ở Việt Nam
- Có nhiều ý kiến cho rằng, đàn ghi ta đã theo chân các cha cố người Pháp sang truyền đạo và các thương gia nước ngoài du nhập vào nước ta từ TK XIX. Những năm 30 của thế kỷ trước, phong trào hát lời ta điệu tây ở nước ta đã làm tăng số lượng người chơi ghi ta theo lối nhạc mới. Những ngày đầu, ghi ta Hawai được sử dụng phổ biến, còn ghi ta Espagnole thường chỉ dùng đệm cho hát là chính. Thời gian sau, các nghệ sĩ Đỗ Chí Khang, Dương Thiệu Tước, Đỗ Đình Phương, Phạm Ngữ, Tạ Tấn mới đi sâu vào nghệ thuật độc tấu. Đó cũng là những người thày đầu tiên đóng góp nhiều công sức cho sự nghiệp phát triển nghệ thuật ghi ta cổ điển ở Việt Nam. Một điều khá thú vị là, đàn ghi ta đã được các nhạc sĩ tài tử phương Nam Việt hóa để trở thành cây đàn độc đáo của nghệ thuật tài tử cải lương. Phím đàn không theo cách chia của hệ thống bình quân châu Âu, mà chia theo thang 5 âm và được khoét lõm xuống, một mặt làm thay đổi âm thanh, mặt khác khi diễn tấu dễ thực hiện kỹ thuật nhấn, nhá theo yêu cầu của bài bản tài tử cải lương và các làn điệu dân ca khác trên đất Việt. Trong hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm cũng như thời kỳ xây dựng đất nước, ghi ta được coi là cây đàn mang tính xung kích, có mặt ở mọi nơi, phục vụ nhu cầu thưởng thức của nhiều đối tượng. Tuy hiệu ứng tích cực của ghi ta với đời sống tinh thần của nhân dân ta là không thể phủ nhận, nhưng nhìn vào hệ thống đào tạo những nghệ sĩ chơi ghi ta cổ điển, so với thế giới thì ở Việt Nam vẫn còn non trẻ. Có thể điểm qua một số dấu mốc lịch sử để có thể thấy rõ được điều đó. Năm 1956, Trường Âm nhạc Việt Nam được thành lập, đó cũng là ngày khai sinh bộ môn ghi ta cổ điển Việt Nam do nhạc sĩ Phạm Ngữ làm chủ nhiệm bộ môn. Chương trình giảng dạy tuy số lượng ít nhưng đã mang tính hệ thống. Đây là dấu mốc vô cùng quan trọng, vì cây đàn ghi ta đã được đưa lên vị thế mới, từ nghiệp dư trở thành chuyên nghiệp. Chính điều ấy đã làm cho phong trào ghi ta phát triển mạnh mẽ. Nhiều nơi, ở các nhà văn hóa đã tổ chức những lớp học ghi ta cơ bản và nâng cao, đây cũng là nơi cung cấp một nguồn nghệ sĩ đáng kể cho các đoàn nghệ thuật chuyên
- nghiệp và bán chuyên nghiệp. Nhiều lớp nghệ sĩ đã gắn liền tên tuổi của họ với cây ghi ta như Tạ Tấn, Hải Thoại, Phạm Văn Phúc, Vũ Bảo Lâm, Nguyễn Quang Tôn So với miền bắc thì nghệ thuật ghi ta cổ điển ở miền Nam phát triển sớm hơn. Năm 1954, trên sóng phát thanh đã giới thiệu chương trình biểu diễn của một số nghệ sĩ: Đỗ Đình Phương, Hoàng Bửu Năm 1956, Trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn đưa ghi ta vào chương trình giảng dạy, ở đây có sự tham gia của các nghê sĩ Vũ Ngọc Khuê, Lê Xuân Cảnh, Lâm Cao Khoa Với Huế, phong trào ghi ta xuất hiện muộn hơn, phải đến những năm 1960, công chúng Huế mới được thưởng thức những tác phẩm ghi ta phát trên sóng phát thanh do các nghệ sĩ ở hai đầu đất nước trình diễn. Tuy nhiên, bắt đầu từ đó, phong trào học và chơi ghi ta cổ điển trên mảnh đất cố đô này nhanh chóng phát triển rộng rãi. Nhiều lớp học ghi ta được tổ chức tại các trường đại học và trung học. Theo đó, chương trình biểu diễn ghi ta của học sinh, sinh viên, cho dù quy mô còn nhỏ nhưng thường xuyên được tổ chức. Nói đến mảng nghệ thuật ghi ta ở Huế, không thể không nhắc tới sự đóng góp tài năng và trí tuệ của nhạc sĩ Trương Huệ Mẫn. Là giảng viên Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ, ông giúp học sinh tổ chức nhiều buổi biểu diễn ghi ta, trên cơ sở ấy, ông phát đã hiện được những tài năng trẻ, từ đó động viên khích lệ họ mạnh dạn tiến bước vào con đường nghệ thuật chuyên nghiệp. Năm 1974, lớp học ghi ta đầu tiên của trường gồm những học viên ưu tú như Lê Quang Hùng, Dương Vĩnh Thâm, Trần Văn Phú đã tốt nghiệp. Có thể nói, từ đây nghệ thuật ghi ta cổ điển của Huế đã có những bước đáng kể cả về phong trào lẫn chất lượng nghệ thuật. Năm 1975, khi đất nước thống nhất, bên cạnh việc lãnh đạo nhân dân ta bắt tay vào công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh và xây dựng lại đất nước, Đảng và Nhà nước còn quan tâm, đầu tư vào việc xây dựng đội ngũ âm nhạc cho các trung tâm đào
- tạo âm nhạc chuyên nghiệp trong cả nước. Một số học sinh có nghiệp vụ được cử sang các nước thuộc hệ thống xã hội chủ nghĩa để học tập, như Đặng Ngọc Long sang Đức năm 1980, Nguyễn Văn Dị sang Tiệp 1982, Phan Đình Tân sang Liên Xô năm 1983, Đồng Xuân Hùng sang Tiệp 1985 Riêng đối với Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam (HVANQGVN)), những ngày đầu chỉ có 4 giáo viên, 50 học sinh cả sơ cấp và trung cấp. Phải đến năm 1986, Nhạc viện mới mở khóa đại học ghi ta đầu tiên. Từ đó đến nay, mỗi kỳ tuyển sinh, số lượng thí sinh thi vào chuyên ngành ghi ta ngày một tăng lên đáng kể. Điều đó cho thấy sức hút của cây đàn ghi ta đối với người dân đất Việt là vô cùng mạnh mẽ và không hề suy giảm. Với chuyên ngành ghi ta, không chỉ gói tròn những gì vốn có, mà trong quá trình phát triển, HVANQGVN đã mở rộng quan hệ với các nước có nền nghi ta cổ điển phát triển để giao lưu, học hỏi những kinh nghiệm, kiến thức của họ. Trong những năm qua, nhiều nghệ sĩ nước ngoài được mời sang biểu diễn và giảng dạy tại HVANQGVN như Roger Jimermahn (Đức), Michel Griza (Pháp), Henriquez (Tây Ban Nha) và các nghệ sĩ của Autraylia, Italia Chính do việc mở rộng quan hệ giao lưu văn hóa nghệ thuật âm nhạc, mà nghệ thuật ghi ta Việt Nam cập nhật được nhiều thông tin về hoạt động ghi ta trên thế giới, từ đó học hỏi, nâng cao và giải quyết được nhiều vấn đề vướng mắc về phương pháp, quan điểm, giáo trình, tư liệu cũng như phong cách biểu diễn trên sân khấu. Cho dù ghi ta du nhập được nhiều năm và được người dân đất Việt chấp nhận, ở khía cạnh nào đó đôi khi nó đã được Việt hóa nhiều yếu tố để phù hợp thẩm mỹ dân tộc, nhưng so với thế giới thì rõ ràng nghệ thuật ghi ta của Việt Nam vẫn còn nhiều điều cần bàn. Tuy nhiên, nếu nhìn vào tố chất thông minh, sáng tạo, ham học hỏi của người Việt thì thời gian chưa hẳn đã phải là vấn đề quyết định tất cả. Bởi trong các cuộc thi ghi ta tầm cỡ quốc tế, nhiều nghệ sĩ Việt Nam cũng gặt hái được những thành
- quả đáng ghi nhận, gây được sự chú ý với bạn bè quốc tế. Những nghệ sĩ đó là: Đoàn Ngọc Long đạt giải đặc biệt cuộc thi H. Villa Lobos 1987 gồm 30 nước tham dự; Nguyễn Trí Toàn giải nhất cuộc thi ở Đức năm 1997; Nguyễn Trí Toàn đứng ở vị trí thứ 8 vòng II cuộc thi Printemps de la guitare vương quốc Bỉ năm 1998; Nguyễn Phương Thảo xếp ở vị trí thứ 8 vòng II cuộc thi concours vương quốc Bỉ năm 2000 Ngoài việc sánh vai thi tài với các nước có nghệ thuật ghi ta phát triển, thì đào tạo các nghệ sĩ cung cấp cho nhu cầu xã hội là việc làm thường xuyên của các trung tâm đào tạo âm nhạc trong cả nước. Đặc biệt HVANQGVN, hơn 50 năm qua, đã đào tạo được hàng trăm giảng viên, nghệ sĩ biểu diễn, nhạc công cho các trường, đoàn ca múa chuyên nghiệp từ trung ương đến địa phương trên phạm vi toàn quốc. Phải nói rằng, cây đàn ghi ta du nhập vào nước ta với những thuận lợi và khó khăn nhất định. Cho tới nay, một điều được khẳng định chắc chắn rằng, cây đàn ghi ta từ nghiệp dư đã vươn lên chuyên nghiệp và ngày càng có một vị trí vững chắc trong đời sống âm nhạc nước nhà. Những thành tựu đó là không thể phủ nhận, tuy nhiên, muốn có bước tiến dài hơn trên con đường nghệ thuật mang tính chuyên nghiệp, thì các trung tâm đào tạo âm nhạc lớn của quốc gia cần có sách lược cụ thể mang tính chiến lược. Trách nhiệm đó trước tiên thuộc về HVANQGVN - nơi đầu nguồn của dòng chảy - mà công việc cần làm đó là, mở rộng quan hệ ngoại giao với các nước có nền nghệ thuật ghi ta phát triển để học hỏi thêm kinh nghiệm của họ trên nhiều lĩnh vực liên quan tới cây đàn này. Bên cạnh đó, một công việc mang tính mấu chốt là xây dựng hệ thống giáo trình cho từng cấp học, vừa mang tính chuẩn, tiên tiến về kỹ thuật và hệ thống bài bản , vừa phù hợp tâm sinh lý cũng như khả năng của người học. Nhận thức và có kế hoạch đúng đắn sẽ luôn là liều thuốc kích thích, thúc đẩy nghệ thuật ghi ta Việt Nam tiến những bước dài trên con đường chuyên nghiệp và sẽ chiếm lĩnh được những vị trí xứng đáng trong nền nghệ thuật âm nhạc nước nhà cũng như trên thế giới.