Tìm vốn cho doanh nghiệp

pdf 16 trang ngocly 630
Bạn đang xem tài liệu "Tìm vốn cho doanh nghiệp", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdftim_von_cho_doanh_nghiep.pdf

Nội dung text: Tìm vốn cho doanh nghiệp

  1. Tìm vốn cho doanh nghiệp
  2. Tìm vốn cho doanh nghiệp (phần 1) Tìm vốn luôn là bài toán khó, đặc biệt đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhưng nếu xây dựng chiến lược vốn hợp lý, doanh nghiệp sẽ không khó tìm ra lời giải. Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam chiếm tới 97% trong hơn 450.000 doanh nghiệp, nhưng lại là đối tượng gặp khó khăn về vốn nhất. Nguyên nhân, theo ông Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (Vinasme), là “các doanh nghiệp vừa và nhỏ ra đời với vốn điều lệ quá ít”. Theo số liệu của Vinasme, các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam có vốn dưới 1 tỉ đồng chiếm tới 41% trong khi doanh nghiệp có vốn hơn 10 tỉ đồng chỉ chiếm 13%. Vì thế, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vừa và nhỏ chủ yếu phụ thuộc vào vốn vay.
  3. Trong khi đó, theo Bộ Kế hoạch và Đầu Tư, chỉ có khoảng 32% doanh nghiệp vừa và nhỏ có khả năng tiếp cận được vốn. Vì thế, trong thời gian qua, thị trường đã chứng kiến không ít doanh nghiệp vừa và nhỏ phải tạm dừng các dự án hoặc phải thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh vì không vay được vốn ngân hàng. Tuy nhiên, theo Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị Kinh Doanh, Đại học Ngân hàng TP.HCM, ngân hàng không phải là kênh huy động vốn duy nhất đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, còn có những nguồn vốn khác như vốn trả chậm, vốn vay liên doanh liên kết. Và điều quan trọng là dù muốn gia tăng vốn theo cách thức nào, điều đầu tiên là doanh nghiệp phải xây dựng cho mình chiến lược hợp lý. Chỉ khi xác định được mình cần nguồn vốn nào (vốn ngắn hạn, dài hạn hay vốn lưu động), sử dụng vốn ra sao, doanh nghiệp mới có thể đưa ra cách tiếp cận vốn hiệu quả.
  4. 3 chiến lược về nhu cầu vốn Khi quyết định chọn nguồn vốn nào, doanh nghiệp cần xem xét nhu cầu lúc đó của mình để tối ưu hóa chi phí vốn. Dùng vốn tự có: Đây là nguồn vốn của doanh nghiệp do các chủ sở hữu đóng góp. Vốn tự có cũng có thể được tạo ra dưới dạng lợi nhuận giữ lại. Nếu sử dụng vốn tự có, doanh nghiệp sẽ luôn ở thế chủ động và tránh được các rủi ro về tỉ giá (nếu vay ngoại tệ) và lãi vay. Tuy nhiên, doanh nghiệp không nên chỉ dùng vốn tự có mà cần đa dạng hóa kênh huy động vốn. Dùng vốn vay: Một doanh nghiệp tận dụng được nguồn vốn vay tức là đã tối ưu hóa được chi phí vốn. Nguồn vốn này có thể giúp doanh nghiệp đáp ứng các nhu cầu vốn trong ngắn hạn và cả dài hạn. Tuy nhiên, khi sử dụng vốn vay, doanh nghiệp thường bị động, lệ thuộc vào tình hình bên ngoài như điều kiện vay có
  5. thuận lợi hay không. Điều quan trọng hơn là nếu không chú ý đến cơ cấu vốn và sử dụng vốn không hợp lý, vốn vay sẽ trở thành gánh nặng đối với doanh nghiệp (như lãi vay cao, nguy cơ vỡ nợ). Chiến lược tài chính kết hợp: Đây là chiến lược kết hợp sử dụng cả vốn vay lẫn vốn tự có. Chiến lược này, theo ông Dương, Đại học Ngân hàng TP.HCM, là “phù hợp với doanh nghiệp Việt Nam”. Vấn đề là doanh nghiệp sẽ xem xét khi nào cần đi vay và khi nào nên sử dụng vốn tự có. Tìm vốn luôn là bài toán khó, đặc biệt đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhưng nếu xây dựng chiến lược vốn hợp lý, doanh nghiệp sẽ không khó tìm ra lời giải. 5 chiến thuật sử dụng vốn Sau khi đã tiếp cận được vốn, bước tiếp theo là doanh nghiệp
  6. phải xây dựng chiến thuật sử dụng vốn hiệu quả. Chiến thuật tiết kiệm vốn: Tiết kiệm vốn, theo ông Dương, Đại học Ngân hàng TP.HCM, không phải chỉ là rà soát, cắt giảm chi phí tài sản cố định (máy móc, thiết bị nhà xưởng, đất đai ) hay tinh gọn nhân sự, mà còn là gia tăng năng suất qua việc cải tiến máy móc, tận dụng nguồn lao động. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh. Chiến thuật giá: Để tận dụng hiệu quả nguồn vốn, tăng tốc độ luân chuyển vốn lưu động, tăng doanh thu và lợi nhuận, doanh nghiệp có thể áp dụng chiến thuật giá. Tùy vào đặc điểm doanh nghiệp, thị trường, khả năng cạnh tranh mà doanh nghiệp sẽ có những chiến thuật giá khác nhau. Đó có thể là chiến thuật giá biên tế, tức đưa ra một mức giá mà ở đó doanh số bán hàng đạt tối ưu nhất. Hay doanh nghiệp có thể linh hoạt sử dụng chiến thuật giá theo thị trường.
  7. Đặc biệt, những doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất đặc thù như Công ty Cổ phần Kinh Đô có thể áp dụng chiến thuật tối đa hóa lợi nhuận trong một khoảng thời gian cụ thể. Chẳng hạn, Kinh Đô có thể tối đa hóa lợi nhuận từ việc bán bánh Trung thu trong mùa Trung thu. Sau thời gian này, giá bán có thể giảm xuống còn 10-20% mức giá ban đầu. Chiến thuật chớp thời cơ: Ngân hàng Á Châu (ACB) là doanh nghiệp đã biết chớp thời cơ trong thời điểm khủng hoảng tài chính 2008-2009. Trong khi nhiều doanh nghiệp lao đao, tìm cách thu hẹp hoạt động, ACB lại ra sức đầu tư, củng cố nội lực bằng cách rà soát lại hoạt động, cải tiến sản phẩm, tăng cường đào tạo nhân lực. Kết quả là khi kinh tế phục hồi trở lại, ACB đã trở thành “Ngân hàng tốt nhất Việt Nam năm 2010” (được ba tạp chí quốc tế Global Finance, FinanceAsia và AsiaMoney công nhận). ACB cũng dẫn đầu trong khối ngân hàng thương mại cổ phần xét về cả quy mô lẫn chất lượng hoạt động.
  8. Chiến thuật đầu tư cơ sở vật chất: Để có được chỗ đứng vững chắc trong một thị trường nhiều cạnh tranh, doanh nghiệp phải luôn nâng cấp thông qua đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ hiện đại. Những hoạt động đầu tư này đòi hỏi số vốn không nhỏ. Tuy nhiên, vì mục tiêu phát triển dài hạn và để gia tăng năng suất, hoạt động đầu tư cơ sở vật chất hợp lý của doanh nghiệp thường được cổ đông và đối tác ủng hộ. Chiến thuật bố trí vốn hiệu quả: Theo quan sát của ông Dương, một trong những vấn đề thường gặp ở doanh nghiệp Việt Nam là bố trí sai nguồn vốn. Vì thế, từ chỗ lẽ ra có thể chủ động được vốn, doanh nghiệp cứ thấy thiếu vốn và luôn bị động. Việc bố trí vốn sai được thể hiện trong cơ cấu tài sản. Đó có thể là những khoản mua sắm quá mức hoặc đầu tư sai mục đích. Hay doanh nghiệp đã không biết quản lý hàng tồn kho hiệu quả. Bởi thế, chỉ riêng việc khắc phục nhược điểm trên cũng đã giúp doanh nghiệp tránh được những thất thoát về vốn.
  9. Tìm vốn cho doanh nghiệp (phần 2) Ngoài vốn vay ngân hàng, doanh nghiệp có thể tìm vốn qua hình thức phát hành cổ phiếu, trái phiếu, mua chịu hàng hóa, đi thuê tài chính hay liên doanh liên kết. Doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tới 97% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam, đóng góp hơn 40% tổng sản phẩm quốc nội, nhưng lại gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các kênh huy động vốn chính thức, do quy mô nhỏ, uy tín chưa cao. Tuy nhiên, nếu biết gõ đúng cửa, doanh nghiệp vẫn có cách để gỡ bài toán vốn. Phát hành cổ phiếu
  10. Thị trường chứng khoán được xem là kênh huy động vốn quan trọng của các doanh nghiệp. Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2010, theo thống kê của Công ty Truyền thông Tài chính Stox Plus, đã có 38,5% doanh nghiệp niêm yết công bố kế hoạch phát hành cổ phiếu, dự kiến sẽ huy động được 32.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, việc phát hành cổ phiếu ồ ạt đã khiến thị trường chứng khoán bị bội thực nguồn cung. Vì thế, kênh huy động này đã thực sự không còn thu hút trong thời gian gần đây. Mặc dù vậy, với đặc điểm vừa có thể gọi vốn từ cổ đông vừa có thể chào bán riêng lẻ cho đối tác, công nhân viên chức, việc phát hành cổ phiếu vẫn được nhiều doanh nghiệp ưa chuộng. Phát hành trái phiếu Trong 6 tháng đầu năm 2010, thị trường đã chứng kiến các đợt phát hành trái phiếu thành công của nhiều doanh nghiệp như
  11. Công ty Cổ phần Long Hậu, Công ty Cổ phần Vincom, Tập đoàn Sông Đà, Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Điều này đã cho thấy sức hấp dẫn của kênh phát hành trái phiếu. Bởi lẽ, doanh nghiệp có thể tránh bị pha loãng cổ phiếu, được hưởng ưu đãi thuế đối với vốn vay và giảm chi phí sử dụng vốn. Đặc biệt, nếu phát hành trái phiếu chuyển đổi, doanh nghiệp chỉ phải trả mức lãi suất rất thấp, thậm chí không phải trả lãi (như đợt phát hành trái phiếu chuyển đổi của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai và Tập đoàn Hòa Phát vào cuối năm 2009). Để đảm bảo cho sự thành công của đợt phát hành, ông Mạc Quang Huy, phụ trách quản lý tài sản và vốn của Ngân hàng Đầu tư Nomura Australia, cho rằng, doanh nghiệp phải minh bạch và uy tín. Bởi thế, trong số các doanh nghiệp đã phát hành thành công trái phiếu, có thể thấy đó hoặc là tập đoàn lớn thuộc sở hữu nhà nước hoặc là các công ty niêm yết và có những dự án hấp dẫn.
  12. Trong khi đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ lại yếu về năng lực quản lý, công nghệ lạc hậu, thiếu nhân lực, vốn ít, lại bị hạn chế trong việc lập dự án, phương án sản xuất, hệ thống sổ sách kế toán thiếu minh bạch. Vì thế, cơ hội tiếp cận kênh huy động vốn này không cao. Đi thuê tài chính Đi thuê tài chính là hoạt động đi vay thông qua việc thuê mướn máy móc, thiết bị, phương tiện và các tài sản khác nhằm phục vụ sản xuất kinh doanh. Ở Mỹ, cứ 10 doanh nghiệp thì có đến 8 thuê tài chính vì tính linh hoạt và tiện lợi của hình thức này. Khi thuê mướn tài sản, doanh nghiệp tránh được rủi ro do tài sản mất giá. Ngoài ra, khi có nhu cầu thay đổi hoặc nâng cấp tài sản, doanh nghiệp có thể tùy cơ ứng biến bằng cách thuê bổ sung hoặc ngừng thuê. Doanh nghiệp chỉ trả chi phí cho thời gian sử
  13. dụng thiết bị thay vì phải chi trả toàn bộ giá trị thiết bị. Vì thế, việc đi thuê tài chính cho phép doanh nghiệp linh hoạt về vốn, thanh toán, tận dụng được cơ hội kinh doanh và không làm ảnh hưởng tới hạn mức tín dụng của doanh nghiệp khi đi vay ngân hàng. Doanh nghiệp cũng hưởng được một khoản lợi về thuế so với việc sở hữu tài sản Tuy nhiên, ở Việt Nam hình thức này lại chưa phổ biến. Nguyên nhân là giá cho thuê tài chính (phí khấu hao tài sản, phí bảo hiểm ) còn cao. Ngoài ra, hành lang pháp lý về cho thuê tài chính vẫn chưa hoàn thiện. Mua chịu hàng hóa Đây là hình thức chiếm dụng vốn giữa các doanh nghiệp với nhau thông qua việc mua chịu hàng hóa và trả chậm. Việc chiếm dụng này có thể phải trả phí (lãi, chiết khấu) hoặc không tùy vào mối quan hệ giữa các bên. Tuy nhiên, khi tận dụng được nguồn
  14. vốn này, thay vì ngay lập tức phải thanh toán đủ số tiền mua nguyên vật liệu, hàng hóa, doanh nghiệp chỉ cần trả trước một phần. Như vậy, hình thức này cho phép doanh nghiệp sử dụng quỹ tiền mặt của mình cho những mục đích khác hoặc có thể có nguyên vật liệu kịp thời để phục vụ sản xuất kinh doanh, dù lúc đó chưa đủ vốn. Tuy nhiên, doanh nghiệp không thể chiếm dụng quá lâu một khoản nợ nào đó vì như thế sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp hoặc có thể bị kiện tụng. Vốn chiếm dụng cũng chỉ mang tính tạm thời, giữa các doanh nghiệp quen biết, có sự tín nhiệm lẫn nhau. Và quy mô tín dụng của hình thức này cũng giới hạn trong khả năng vốn hàng hóa mà đối tác có. Liên doanh liên kết Doanh nghiệp cũng có thể gọi vốn qua liên doanh liên kết. Đây là hình thức huy động hiệu quả và phù hợp với mọi doanh nghiệp.
  15. Tuy nhiên, theo quan sát của ông Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị Kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP.HCM, hình thức này chưa thành công tại Việt Nam. Lý do là mối liên kết giữa các doanh nghiệp thường lỏng lẻo. Dù cùng ngành nghề, cùng tham gia các hiệp hội, nhưng sự hỗ trợ, hợp tác giữa các thành viên vẫn rất hạn chế. Vốn vay ngân hàng Theo số liệu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, có đến 74,47% doanh nghiệp chọn hình thức vay vốn ngân hàng. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể tiếp cận nguồn vốn này. Để vay được vốn ngân hàng, doanh nghiệp phải tạo được lòng tin nơi tổ chức tín dụng. Muốn vậy, theo ông Dương, Đại học Ngân hàng TP.HCM, doanh nghiệp phải đạt được 7 tiêu chuẩn. Đó là tính pháp lý của doanh nghiệp; uy tín của doanh nghiệp thể
  16. hiện qua lịch sử vay nợ, danh tiếng và kết quả phỏng vấn có được; mục đích sử dụng vốn của doanh nghiệp; tính khả thi của dự án; môi trường kinh doanh của doanh nghiệp. Ngoài ra, doanh nghiệp có phương án tài chính nào khác để chắc chắn về khả năng trả nợ? Tài sản nào sẽ được doanh nghiệp dùng để làm đảm bảo? Rõ ràng, không dễ dàng gì để các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể đáp ứng được các tiêu chí trên. Đó là lý do vì sao chỉ 32% doanh nghiệp vừa và nhỏ có khả năng tiếp cận được vốn ngân hàng. Và dù các ngân hàng đang cởi mở hơn cũng như tiến hành hạ lãi suất cho vay, doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn khó tiếp cận được kênh vay vốn này.