Luận văn Các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể

docx 20 trang ngocly 2570
Bạn đang xem tài liệu "Luận văn Các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • docxluan_van_cac_di_san_van_hoa_vat_the_va_phi_vat_the.docx

Nội dung text: Luận văn Các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể

  1. LUẬN VĂN TỐT NGHIỆP ĐỀ TÀI CÁC DI SẢN VĂN HÓA VẬT THỂ VÀ PHI VẬT THỂ
  2. MỤC LỤC I Khái niệm 4 1.1 Văn hóa vật thể 4 1.2 Văn hoá phi vật thể 1.3 Tổ chức nào công nhận di sản vật thể và phi vật thể, nó được xuất hiện từ bao giờ, điều kiện công nhận là như thế nào? 5 II. Những di sản văn hóa vật thể và phi Vật thể ở Việt Nam hiện nay 7 2.1 Di sản văn hóa vật thể 7 2.1.1 Quần thể di tích Cố đô Huế. 8 2.1.2 Vịnh Hạ Long 8 2.1.3 Khu di tích Mỹ Sơn. 9 2.1.4 Phố cổ Hội An. 9 2.1.5 Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. 10 2.1.6 Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội 11 2.2 Di sản văn hóa phi vật thể 11 2.2.1 Nhã nhạc cung đình Huế 11
  3. 2.2.2 Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. 12 2.2.3 Quan họ Bắc Ninh. 12 2.2.4 Ca trù. 13 2.2.5 Hội Gióng tại đền Sóc và đền Phù Đổng, Hà Nội 14 III. Công tác bảo tồn,duy trì và phát triển Văn hóa vật thể và phi vật thể như thế nào ở Việt Nam hiện nay 14 3.1.Văn hóa vật thể 14 3.2.Văn hóa phi vật thể 15
  4. BÀI LÀM I Khái niệm 1.1 Văn hóa vật thể Văn hoá vật thể là một bộ phận của văn hoá nhân loại, thể hiện đời sống tinh thần của con người dưới hình thức vật chất; là kết quả của hoạt động sáng tạo, biến những vật và chất liệu trong thiên nhiên thành những đồ vật có giá trị sử dụng và thẩm mĩ nhằm phục vụ cuộc sống con người. Văn hóa vật thể quan tâm nhiều đến chất lượng và đặc điểm của đối tượng thiên nhiên, đến hình dáng vật chất, khiến những vật thể và chất liệu tự nhiên thông qua sáng tạo của con người biến thành những sản phẩm vật chất giúp cho cuộc sống của con người. Trong VHVT, người ta sử dụng nhiều kiểu phương tiện: tài nguyên năng lượng, dụng cụ lao động, công nghệ sản xuất, cơ sở hạ tầng sinh sống của con người, phương tiện giao thông, truyền thông, nhà cửa, công trình xây dựng phục vụ nhu cầu ăn ở, làm việc và giải trí, các phương tiện tiêu khiển, tiêu dùng, mối quan hệ kinh tế Tóm lại, mọi loại giá trị vật chất đều là kết quả lao động của con người. 1.2 Văn hóa phi vật thể Di sản văn hóa phi vật thể được hiểu là các tập quán, các hình thức thể hiện, biểu đạt, tri thức, kỹ năng và kèm theo đó là những công cụ, đồ vật, đồ tạo tác và các không gian văn hóa có liên quan mà các cộng đồng và các nhóm và trong một số trường hợp là cá nhân công nhận là một phần di sản
  5. văn hóa của họ. Được chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác, di sản văn hóa phi vật thể được cộng đồng, các nhóm không ngừng tái tạo để thích nghi với môi trường và mối quan hệ qua lại giữa cộng đồng với tự nhiên và lịch sử của họ, đồng thời hình thành trong họ ý thức về bản sắc và sự kế tục, qua đó khích lệ thêm sự tôn trọng đối với sự đa dạng văn hóa và tính sáng tạo của con người. 1.3 Tổ chức nào công nhận di sản vật thể và phi vật thể, nó được xuất hiện từ bao giờ, điều kiện công nhận là như thế nào? Tổ chức công nhận là UNESCO hay còn gọi là tổ chức Giáo dục,Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc. Đây là 1 tổ chức được thành lập ngày 16 tháng 11 năm 1945 với việc ký kết Công ước thành lập của UNESCO. Ngày 4 tháng 11 năm 1946, Công ước này được chính thức có hiệu lực với 20 quốc gia công nhận: Úc, Brasil, Canada, Trung Quốc, Tiệp Khắc, Đan Mạch, Cộng hòa Dominica, Ai Cập, Pháp, Hy Lạp, Ấn Độ, Li Băng, Mexico, New Zealand, Na Uy, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ. UNESCO có 3 chức năng hoạt động chính phục vụ cho mục đích của tổ chức, bao gồm: - Khuyến khích sự hiểu biết và thông cảm lẫn nhau giữa các dân tộc thông qua những phương tiện thông tin rộng rãi; khuyến nghị những hiệp
  6. định quốc tế cần thiết để khuyến khích tự do giao lưu tư tưởng bằng ngôn ngữ và hình ảnh: - Thúc đẩy mạnh mẽ việc giáo dục quần chúng và truyền bá văn hóa bằng cách: o Hợp tác với các nước thành viên trong việc phát triển các hoạt động giáo dục theo yêu cầu của từng nước; o Hợp tác giữa các quốc gia nhằm thực hiện từng bước lý tưởng bình đẳng về giáo dục cho mọi người, không phân biệt chủng tộc, nam nữ hoặc bất cứ sự khác biệt nào khác về kinh tế hay xã hội; o Đề xuất những phương pháp giáo dục thích hợp để luyện tập thiếu nhi toàn thế giới về trách nhiệm của con người tự do; - Duy trì, tăng cường và truyền bá kiến thức bằng cách: o Bảo tồn và bảo vệ di sản thế giới về sách báo, tác phẩm nghệ thuật và các công trình lịch sử hay khoa học, khuyến nghị với các nước hữu quan về các Công ước quốc tế cần thiết; o Khuyến khích hợp tác giữa các quốc gia về tất cả các ngành hoạt động trí óc, trao đổi quốc tế những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục, khoa học và văn hóa kể cả trao đổi sách báo, tác phẩm nghệ thuật, dụng cụ thí nghiệm và mọi tư liệu có ích; o Tạo điều kiện thuận lợi cho các dân tộc tiếp xúc với các xuất bản phẩm của mỗi nước thông qua các phương pháp hợp tác quốc tế thích hợp. Thời điểm xuất hiện và điều kiện được công nhận:
  7. Di sản văn hóa vật thể hay còn gọi rộng hơn là: Di sản thế giới là di chỉ hay di tích của một quốc gia như rừng, dãy núi, hồ, sa mạc, tòa nhà, quần thể kiến trúc hay thành phố do các nước có tham gia Công ước di sản thế giới đề cử cho Chương trình quốc tế Di sản thế giới, được công nhận và quản lý bởi UNESCO. Sau đó Chương trình quốc tế Di sản thế giới sẽ lập danh mục, đặt tên và bảo tồn những vị trí nổi bật về văn hóa hay đặc điểm tự nhiên cho di sản nhân loại chung. Những vị trí được đưa vào danh sách di sản thế giới có thể được nhận tiền từ Quỹ Di sản thế giới theo một số điều kiện nào đó. Chương trình này được thành lập bởi Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, gọi tắt là Công ước di sản thế giới, nó được Đại hội đồng UNESCO chấp nhận ngày 16 tháng 11 năm 1972. Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại hay Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại là danh sách được UNESCO đưa ra để công nhận giá trị của các di sản văn hóa phi vật thể trên thế giới. Danh sách này được bắt đầu năm 2001 với 19 di sản, năm 2003 danh sách có thêm 28 di sản. Danh sách tiếp theo được lập vào ngày 25 tháng 11 năm 2005. Mỗi di sản văn hóa phi vật thể muốn có tên trong danh sách phải được một hoặc nhiều quốc gia đề cử cho UNESCO trước khi được một ủy ban của tổ chức này xem xét khả năng đưa vào danh sách. II. Những di sản văn hóa vật thể và phi Vật thể ở Việt Nam hiện nay 2.1 Di sản văn hóa vật thể
  8. 2.1.1 Quần thể di tích Cố đô Huế. Cố đô Huế là kinh đô một thời của Việt Nam, nổi tiếng với một hệ thống những đền, chùa, thành quách, lăng tẩm, kiến trúc nguy nga tráng lệ gắn liền với cảnh quan thiên nhiên núi sông thơ mộng. Nằm ở bờ Bắc sông Hương, tổng thể kiến trúc của cố đô Huế được xây dựng trên một mặt bằng với diện tích hơn 500ha và được giới hạn bởi ba vòng thành theo thứ tự ngoài lớn, trong nhỏ: Kinh Thành, Hoàng Thành và Tử Cấm Thành.Ba tòa thành này được đặt lồng vào nhau, bố trí đăng đối trên một trục dọc xuyên suốt từ mặt Nam ra mặt Bắc. Hệ thống thành quách ở đây là một mẫu mực của sự kết hợp hài hòa nhuần nhuyễn giữa tinh hoa kiến trúc Đông và Tây, được đặt trong một khung cảnh thiên nhiên kỳ thú với nhiều yếu tố biểu tượng sẵn có tự nhiên. Cố đô Huế còn là nơi lưu giữ rất nhiều những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, chứa đựng nhiều giá trị biểu trưng cho trí tuệ và tâm hồn của dân tộc Việt Nam. Năm 1993, quần thể di tích Cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. 2.1.2 Vịnh Hạ Long. Vịnh Hạ Long là một di sản độc đáo vì nó chứa đựng những dấu tích quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển lịch sử trái đất, là cái nôi cư trú của người Việt cổ, đồng thời là tác phẩm nghệ thuật tạo hình vĩ đại của thiên nhiên với sự hiện diện của hàng nghìn đảo đá muôn hình vạn trạng; nhiều hang động kỳ thú quần tụ thành một thế giới vừa sinh động vừa
  9. huyền bí. Bên cạnh đó, vịnh Hạ Long còn là nơi tập trung đa dạng sinh học cao với những hệ sinh thái điển hình như hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái rạn san hô, hệ sinh thái rừng cây nhiệt đới cùng với hàng nghìn loài động thực vật vô cùng phong phú, đa dạng. Năm 1994, UNESCO đã chính thức công nhận vịnh Hạ Long là Di sản thiên nhiên thế giới bởi giá trị ngoại hạng về mặt cảnh quan. Năm 2000, vịnh Hạ Long tiếp tục được UNESCO công nhận lần thứ hai là Di sản địa chất thế giới vì những giá trị độc đáo về địa chất, địa mạo. 2.1.3 Khu di tích Mỹ Sơn. Khu di tích Mỹ Sơn là khu vực đền tháp của người Chăm cổ, được học giả người Pháp M.C.Paris tìm thấy trong chuyến thám hiểm vùng Đông Nam Á vào năm 1898. Toàn bộ khu di tích nằm lọt trong thung lũng Mỹ Sơn thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng 68km về hướng Tây-Tây Nam.Được khởi công từ thế kỷ 4, Mỹ Sơn là một quần thể với hơn 70 ngôi đền tháp mang nhiều phong cách kiến trúc, điêu khắc tiêu biểu của dân tộc Chăm. Đây được coi là một trong những trung tâm đền đài chính của đạo Hindu (Ấn Độ giáo) ở khu vực Đông Nam Á và là di sản duy nhất của thể loại này tại Việt Nam. Năm 1999, khu di tích Mỹ Sơn đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. 2.1.4 Phố cổ Hội An. Phố cổ Hội An thuộc thị xã Hội An, tỉnh Quảng Nam. Đây là một khu phố được hình thành từ thế kỷ 16-17, trước đây là thương cảng của miền
  10. Trung. Đến nay khu phố cổ Hội An vẫn bảo tồn gần như nguyên trạng quần thể di tích kiến trúc gồm nhiều loại hình như nhà ở, hội quán, đình chùa, miếu, giếng, cầu, nhà thờ tộc, bến cảng, chợ kết hợp với đường giao thông ngang dọc tạo thành các ô vuông kiểu bàn cờ, mô hình phổ biến của các đô thị thương nghiệp phương Đông thời Trung đại. Cuộc sống thường ngày của cư dân Hội An với những tập quán, sinh hoạt văn hóa lâu đời đang được duy trì một cách khá bền vững, hiện là một bảo tàng sống về kiến trúc và lối sống đô thị thời phong kiến. Năm 1999, phố cổ Hội An đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. 2.1.5 Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng là một khu bảo tồn thiên nhiên tại huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, có tổng diện tích 85.754ha. Đặc trưng của vườn quốc gia này là các kiến tạo đá vôi, các loại hang động, sông ngầm và hệ động thực vật quý hiếm nằm trong Sách Đỏ Việt Nam và thế giới. Đặc biệt, ngoài hệ thống sinh cảnh thảm rừng và động vật hoang dã, vùng này chứa đựng trong lòng nó cả một hệ thống trên 300 hang động lớn nhỏ được mệnh danh là “vương quốc hang động”. Hệ thống động Phong Nha đã được Hội nghiên cứu hang động hoàng gia Anh (BCRA) đánh giá là hang động có giá trị hàng đầu thế giới với bốn điểm nhất có các sông ngầm dài nhất, có cửa hang cao và rộng nhất, có những bờ cát rộng và đẹp nhất, có những thạch nhũ đẹp nhất. Năm 2003, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đã được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới.
  11. 2.1.6 Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội. Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội bao gồm Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu với diện tích hơn 47.000m2 và Thành cổ Hà Nội với diện tích hơn 138.000m2, tạo thành một di sản thống nhất. Đây là minh chứng rõ nét về một di sản có liên hệ trực tiếp với nhiều sự kiện trọng đại của lịch sử Việt Nam trong mối quan hệ với khu vực và thế giới; là minh chứng duy nhất về truyền thống văn hóa lâu đời của người Việt ở châu thổ sông Hồng trong suốt chiều dài lịch sử.Những tầng văn hóa khảo cổ, di tích kiến trúc và nghệ thuật của di sản phản ánh một chuỗi lịch sử nối tiếp nhau liên tục của các vương triều cai trị đất nước Việt Nam trên các mặt tư tưởng, chính trị, hành chính, luật pháp, kinh tế và văn hóa trong gần một nghìn năm. Trên thế giới rất hiếm tìm thấy một di sản thể hiện được tính liên tục dài lâu như vậy của sự phát triển chính trị, văn hóa như tại Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội. 2.2 Di sản văn hóa phi vật thể. 2.2.1 Nhã nhạc cung đình Huế Nhã nhạc cung đình Huế là di sản văn hóa phi vật thể đầu tiên của Việt Nam được thế giới công nhận. Trong phần nhận định về nhã nhạc, Hội đồng UNESCO đánh giá Nhã nhạc Việt Nam mang ý nghĩa “âm nhạc tao nhã”.Nhã nhạc đã đề cập đến âm nhạc cung đình Việt Nam được trình diễn tại các lễ thường niên bao gồm các lễ kỷ niệm và những ngày lễ tôn giáo
  12. cũng như các sự kiện đặc biệt như lễ đăng quang, lễ tang hay những dịp đón tiếp chính thức. Năm 2003, nhã nhạc cung đình Huế đã được UNESCO công nhận là Kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại. 2.2.2 Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trải dài trên năm tỉnh Tây Nguyên Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Chủ thể của không gian văn hóa này gồm nhiều dân tộc khác nhau như Êđê, Bana, Mạ Văn hóa cồng chiêng là loại hình nghệ thuật gắn với lịch sử văn hóa của các dân tộc thiểu số sống dọc Trường Sơn-Tây Nguyên. Mỗi dân tộc ở Tây Nguyên sử dụng cồng chiêng theo cách thức riêng để chơi những bản nhạc của riêng dân tộc mình, nhất là vào dịp lễ hội, chào đón năm mới, mừng nhà mới Trải qua bao năm tháng, cồng chiêng đã trở thành nét văn hóa đặc trưng, đầy sức quyến rũ và hấp dẫn của vùng đất Tây Nguyên. Năm 2005, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã chính thức được UNESCO công nhận là Kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại. 2.2.3 Quan họ Bắc Ninh. Quan họ là một trong những làn điệu dân ca của vùng đồng bằng Bắc Bộ, Việt Nam; tập trung chủ yếu ở vùng Kinh Bắc (Bắc Ninh và Bắc Giang). Nghệ thuật dân ca Quan họ được coi là đỉnh cao của nghệ thuật thi ca. Đến nay, Bắc Ninh còn gần 30 làng Quan họ gốc, với hơn 300 làn điệu dân ca
  13. Quan họ.Hội đồng chuyên môn của UNESCO đánh giá cao giá trị văn hóa đặc biệt, tập quán xã hội, nghệ thuật trình diễn, kỹ thuật hát, phong cách ứng xử văn hóa, bài bản, ngôn từ và cả trang phục của loại hình nghệ thuật này. Năm 2009, UNESCO chính thức công nhận Quan họ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. 2.2.4 Ca trù. Hát ca trù (hay hát “ả đào”, hát “cô đầu”) là bộ môn nghệ thuật truyền thống của miền Bắc Việt Nam, rất phổ biến trong đời sống sinh hoạt văn hóa ở khu vực này từ thế kỷ 15. Ca trù sử dụng ba nhạc khí đặc biệt (không chỉ về cấu tạo mà còn về cách thức diễn tấu) là đàn đáy, phách và trống chầu. Về mặt văn học, ca trù làm nảy sinh một thể loại văn học độc đáo là hát nói. Hội đồng chuyên môn của UNESCO đánh giá về ca trù: Ca trù đã trải qua một quá trình phát triển ít nhất từ thế kỷ 15 đến nay, được biểu diễn trong không gian văn hóa đa dạng gắn liền ở nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau. Ca trù thể hiện một ý thức về bản sắc và sự kế tục trong nghệ thuật biểu diễn, có tính sáng tạo, được chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua các tổ chức giáo phường. Mặc dù trải qua nhiều biến động lịch sử, xã hội nhưng ca trù vẫn có một sức sống riêng bởi giá trị của nghệ thuật đối với văn hóa Việt Nam. Ngày 1/10/2009, ca trù của Việt Nam được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.
  14. 2.2.5 Hội Gióng tại đền Sóc và đền Phù Đổng, Hà Nội. Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, được công nhận ngày 16/11/2010. Hội Gióng là một lễ hội truyền thống hàng năm được tổ chức ở nhiều nơi thuộc vùng Hà Nội để tưởng niệm và ca ngợi chiến công của người anh hùng truyền thuyết Thánh Gióng, một trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Có 2 hội Gióng tiêu biểu ở Hà Nội là hội Gióng Sóc Sơn ở đền Sóc xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn và hội Gióng Phù Đổng ở đền Phù Đổng, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.Giá trị nổi bật toàn cầu ở hội Gióng chính là một hiện tượng văn hóa được bảo lưu, trao truyền khá liên tục và toàn vẹn qua nhiều thế hệ. Mặc dù ở gần trung tâm thủ đô và đời sống cộng đồng trải qua nhiều biến động do chiến tranh, do sự xâm nhập và tiếp biến văn hóa, hội Gióng vẫn tồn tại một cách độc lập và bền vững, không bị nhà nước hóa, thương mại hóa. III. Công tác bảo tồn,duy trì và phát triển Văn hóa vật thể và phi vật thể như thế nào ở Việt Nam hiện nay 3.1.Văn hóa vật thể Như ta đã thấy thì di sản văn hóa vật thể được xem là những di tích của văn hóa còn sót lại,đó là những công trình kiến trúc,di tích mà hiện tại vẫn còn tồn tại để chúng ta có thể nhìn thấy được,sờ thấy được.Việt Nam có
  15. một nền văn hóa lâu đời chính vì vậy những di tích văn hóa vật thể còn lại đến ngày nay là vô cùng quý báu.Nhưng trước những thay đổi về khí hậu,sự tác động của con người và tác động của thời gian đã khiến cho những di sản này dần tới những nguy cơ biến đổi và có thể dẫn đến biến mất. Trước những thực trạng như sự ô nhiễm ở Vịnh Hạ long là đáng báo động,hay sự xuống cấp của các kiểu nhà cổ ở phố cổ Hội An cũng ngày một trầm trọng nếu không có được những biện pháp thích đáng của các cơ quan chức năng nhằm trùng tu và bảo tồn trong thời gian sắp tới. 3.2.Văn hóa phi vật thể Ra đời từ quá khứ, vận hành cùng lịch sử cho đến ngày nay, dù ở giai đoạn nào, văn hoá phi vật thể cũng luôn đồng hành và có ý nghĩa quan trọng đối với đời sống tinh thần của mỗi cộng đồng, dân tộc. Do đó, muốn phát huy ý nghĩa tích cực của văn hóa phi vật thể trong xã hội hiện đại thì trước hết, cần quan tâm việc bảo tồn nó như thế nào. Ðặc trưng dễ nhận biết của văn hóa phi vật thể là nó không tồn tại dưới dạng vật chất, vật thể cụ thể (không kể một số hình thức đã được văn bản hóa) mà tiềm ẩn trong trí nhớ, tâm thức của con người và chỉ bộc lộ thông qua hành vi và hoạt động của con người. Nói cách khác, nếu văn hóa vật thể được khách thể hóa, tức tồn tại như một thực thể ngoài bản thân con người, thì văn hóa phi vật thể lại tiềm ẩn trong bản thân con người và thông qua diễn xướng, các hiện tượng vốn tiềm ẩn ấy mới có thể bộc lộ, thể hiện ra như một hiện tượng văn hóa.
  16. Văn hóa nói chung, nhất là văn hóa phi vật thể, đều là của cộng đồng (gia tộc, làng xã, địa phương, tộc người), nhưng tiềm ẩn trong trí nhớ và tâm thức của từng con người cụ thể, qua sự tiếp nhận và thể hiện của từng con người, cho nên nó mang dấu ấn cá nhân và vai trò sáng tạo của cá nhân rất rõ rệt. Bởi thế sự sáng tạo, bảo tồn và trao truyền của văn hóa phi vật thể lại phụ thuộc vào cuộc đời của từng cá nhân. Vì vậy, nó vừa mang tính bền chắc (tiềm ẩn trong tâm thức dân tộc) lại vừa mỏng manh dễ bị biến dạng(phụ thuộc cuộc sống của một cá nhân với bao may rủi, bất ngờ). Cũng chính vì đặc trưng nêu trên, văn hóa phi vật thể không chỉ phụ thuộc từng cá nhân, mà còn phụ thuộc các nhóm xã hội khác nhau (nông thôn, đô thị, già, trẻ, nam, nữ, trí thức, nông dân), Tính cá nhân và tính nhóm xã hội đã khiến cho văn hóa phi vật thể phong phú và đa dạng hơn nhiều, nói cách khác tính dị bản của nó cao hơn so với văn hóa vật thể. Từ những đặc tính trên ta thấy vai trò to lớn của giáo dục gia đình và cộng đồng đối với việc trao truyền và tiếp nhận của mỗi cá nhân đối với các di sản văn hóa phi vật thể, mà nhiều nhà nghiên cứu đã ví nó như là một hình thức của "gien di truyền xã hội". Sự phân biệt văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể là một sự giả định chủ quan của con người, giúp con người có thể nhận thức bản chất thực tại khách quan. Văn hóa với tư cách là khách thể, tồn tại và phát triển trên cơ sở kết hợp hữu cơ giữa mặt vật thể và mặt phi vật thể. Mặt này là tiền đề tồn tại của mặt kia và ngược lại. Do vậy, trong tư duy cũng như trong hoạt động thực tiễn, tránh sự cô lập, đối lập một cách tuyệt đối giữa mặt vật thể và phi vật thể của một hiện tượng văn hóa.
  17. Văn hóa truyền thống nói chung, văn hóa phi vật thể nói riêng của các tộc người ở nước ta, nhất là với các dân tộc thiểu số ở vùng núi còn chưa được chú ý sưu tầm, nghiên cứu. Hơn thế nữa, các hiện tượng văn hóa phi vật thể này lại đang đứng trước nguy cơ mai một, mất đi vĩnh viễn bởi thử thách của thời gian, bởi sự phá hoại vô ý thức của chính con người. Công tác sưu tầm một số hiện tượng văn hóa dân gian tiêu biểu ở Tây Nguyên gần đây như về sử thi và luật tục cho thấy, đối với các hiện tượng ngữ văn truyền miệng này, nếu không nhanh chóng điều tra, sưu tầm thì sẽ mất đi vĩnh viễn. Những người còn nhớ được hàng chục bộ sử thi đồ sộ dài hàng vạn câu, hiện nay số lượng có thể đếm trên đầu ngón tay và đều ở độ tuổi khoảng 70. Như đã phân tích, văn hóa phi vật thể vừa mang tính bền chắc lại vừa mang tính mỏng manh, dễ bị thương tổn. Những đặc tính này gợi cho chúng ta những cách thức hữu hiệu trong việc sưu tầm và bảo tồn các hiện tượng văn hóa phi vật thể này. Những năm vừa qua, ngành văn hóa đã có cố gắng lớn trong việc sưu tầm, nghiên cứu các hiện tượng văn hóa phi vật thể như ngữ văn dân gian, diễn xướng dân gian, ứng xử và quan hệ xã hội, tri thức dân gian Tuy nhiên, việc sưu tầm, nghiên cứu còn chưa tuân thủ các phương pháp khoa học nghiêm túc và chặt chẽ, do vậy chất lượng công tác sưu tầm và nghiên cứu chưa cao. Thí dụ, việc sưu tầm, nghiên cứu các hiện tượng văn hóa phi vật thể chưa tuân thủ nguyên tắc diễn xướng một trong những môi trường cần thiết để các hiện tượng văn hóa phi vật thể từ chỗ tiềm ẩn trong tiềm thức, tâm thức con người bộc lộ ra như là một thực thể. Hay việc sưu tầm ca dao, dân ca, truyện cổ, thành ngữ, tục ngữ của các dân tộc thiểu số vẫn chưa tuân thủ
  18. nguyên tắc song ngữ, tức là được thể hiện bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của chủ thể sáng tạo ra các hiện tượng văn hóa đó và ngôn ngữ phổ thông. Ngày nay, việc bảo tồn các hiện tượng văn hóa cổ truyền, trong đó có văn hóa phi vật thể, cần được quan tâm nhiều hơn nữa trước nguy cơ bị mất đi nhanh chóng trong sự biến đổi xã hội theo hướng CNH, HÐH. Có nhiều cách bảo tồn, nhưng chung quy có hai hướng chủ yếu: Bảo tồn trong dạng "tĩnh": Tiến hành điều tra, sưu tầm, thu thập các dạng thức văn hóa phi vật thể như nó hiện có theo quy trình khoa học nghiêm túc, chặt chẽ, "giữ" chúng trong sách vở, các ghi chép, mô tả trong các băng hình (vi-đê-ô), băng tiếng (audio), ảnh Tất cả các hiện tượng văn hóa phi vật thể này có thể lưu giữ trong các kho lưu trữ, các viện bảo tàng, các viện nghiên cứu ở trung ương và địa phương. Ðó là "phiên bản" giúp chúng ta sau này căn cứ vào đó có thể nghiên cứu, phục hồi các hiện tượng đã bị mai một. Thí dụ, những thập kỷ vừa qua Trung Quốc tiến hành sưu tầm tất cả các hiện tượng ca, múa, nhạc theo quy trình tỉ mỉ, nghiêm túc, rồi xuất bản thành sách. Sau này, trải qua hàng trăm năm, nếu có hiện tượng ca, múa, nhạc của dân tộc nào đó bị mất, thì căn cứ vào sách vở đã ghi chép có thể phục hồi một cách dễ dàng. Bảo tồn "động": Là bảo tồn các hiện tượng văn hóa phi vật thể đó ngay trong đời sống cộng đồng. Cộng đồng chính là môi trường không chỉ sản sinh ra các hiện tượng văn hóa phi vật thể, mà còn là nơi tốt nhất bảo tồn, làm giàu và phát huy nó trong đời sống xã hội.
  19. Tuy nhiên, hiện tại có một nghịch lý là nhiều hiện tượng văn hóa, nhất là văn hóa phi vật thể vốn là của nhân dân sáng tạo ra, nay lại "xa lạ" với chính họ, thậm chí chỉ tìm thấy trên sách vở của các nhà nghiên cứu. Do vậy, để bảo tồn chúng trong đời sống, chúng ta phải đưa nó trở lại với nhân dân, "xã hội hóa" nó. Hãy lấy thí dụ về việc phục hồi các lễ hội truyền thống hiện nay. Sau một thời gian dài, các di tích, đền, đình, chùa nay được tu bổ, các lễ hội được mở lại sau mấy thập kỷ vắng bóng. Do vậy, từ cách bày đặt cúng lễ trong di tích, đến các nghi lễ, sinh hoạt trong lễ hội đã bị quên lãng. Từ đó dẫn đến một số hiện tượng sinh hoạt nghi lễ trong lễ hội được phục hồi một cách méo mó, sai lạc. Nhiều nơi đã phải căn cứ vào việc sưu tầm, nghiên cứu của các nhà khoa học trước đây để giúp cho việc phục hồi lễ hội đúng quy cách đã định hình như trước kia. Hiện tượng phục hồi các loại hình dân ca cổ truyền cũng đang được thực hiện theo hướng phổ cập trở lại cho nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Như cùng với dự án điều tra, sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản sử thi Tây Nguyên, đã tiến hành thử nghiệm mở các lớp truyền dạy hát, kể sử thi, để thế hệ nghệ nhân cao tuổi truyền lại việc diễn xướng sử thi cho thế hệ trẻ. Như trên đã nói, văn hóa phi vật thể là văn hóa tiềm ẩn trong tâm thức và trí nhớ của một số người, mà lâu nay chúng ta vẫn tôn vinh họ là những nghệ nhân hay là những "báu vật sống". Do vậy, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể còn đồng nghĩa với việc "bảo tồn" các "báu vật sống" đó.
  20. Ðó chính là việc Nhà nước, cộng đồng thừa nhận những tài năng dân gian, tôn vinh họ trong cộng đồng, tạo những điều kiện tốt nhất trong hoàn cảnh có thể, để họ sống lâu, sống khỏe mạnh, phát huy khả năng của mình trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong thời kỳ CNH, HÐH ngày nay.