Lịch sử ra đời môn Võ ta

pdf 18 trang ngocly 2730
Bạn đang xem tài liệu "Lịch sử ra đời môn Võ ta", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdflich_su_ra_doi_mon_vo_ta.pdf

Nội dung text: Lịch sử ra đời môn Võ ta

  1. Lịch Sử Võ Ta Tác giả: Chưởng môn Việt Võ Đạo Lê Sáng Các Thời Kỳ Võ Học Và Đặc Tính Dẫn Nhập Lịch sử một nước, được phát triển do nhiều động cơ quyết định: địa thế, ý chí, tài nguyên và kinh tế, khả năng và truyền thống lãnh đạo quốc gia, văn hóa, võ học Trong các động cơ này, động cơ võ học thường được coi như động cơ quyết định cho sự tồn tại của một quốc gia, nhất là đối với những quốc gia phải thường xuyên tranh đấu để tồn tại. Thời trung cổ, Carthage là một đô thị phồn thịnh nhờ thương mại, nhưng bị La Mã thanh toán, chỉ vì động cơ võ học yếu kém. Chiêm Thành, Chân Lạp, Bồn Man tuy có những khả năng kinh tế và địa thế tốt không kém Việt Nam, nhưng lần hồi bị tiêu diệt cũng trong những trường hợp tương tự. Do đó, nhìn vào địa thế của Việt Nam trước, các quốc gia lân bang thường xuyên có sự tranh chấp với Việt Nam, chúng ta thấy ngay nhu cầu tranh đấu để tồn tại bao giờ cũng được xếp hàng đầu, để hình thành và kiện toàn một nền võ học dân tộc. Đặc biệt nhu cầu tranh đấu để tồn tại của chúng ta không phải chỉ giới hạn võ học trong vị thế tự vệ, mà còn mở rộng ra những lãnh vực Bắc phạt (thời Lý, Lý Thường Kiệt, Tôn Đản đánh 3 châu Khâm, Ung và Liêm), Nam tiến (với Chiêm Thành, Bồn Man, Chân Lạp) và Tây tiến (Lão Qua). Xác định giá trị của nhu cầu tranh đấu để tồn tại của dân tộc Việt Nam rồi, chúng ta cũng cần xác định thêm định nghĩa về võ học trong phạm trù Lược Sử Võ Học Việt Nam. Tựu trung, có 3 loại định nghĩa về võ học, tùy theo từng trường hợp: Trước hết, võ học được hiểu theo nghĩa thuần túy nhất tức "kỹ thuật đấu tranh bằng sức". Kế đó, võ học được hiểu theo nghĩa đấu tranh, tức tất cả những gì không phải là văn đều là võ, như lối diễn ý của cổ nhân trong thành ngữ "văn võ kiêm toàn" để trở thành những nhân tài lý tưởng đương thời: phi ngựa giỏi cũng là võ, chạy nhanh cũng là võ Cuối cùng, võ học hiểu theo nghĩa binh gia và có giá trị tương tự như quân sự học. Ví dụ: khi nói đến "võ tướng" là "tướng quân sự", "võ nghiệp của một danh tướng"
  2. tức sự nghiệp binh gia của một vị võ tướng Chúng ta sẽ tìm hiểu lược sử võ học Việt Nam với cả 3 định nghĩa trên, tuần tự từ các thời đại võ học và đặc tính, tiến trình thí võ qua các thời đại võ học và võ học Việt Nam hiện đại. Các Thời Đại Võ Học Và Đặc Tính 10 thời kỳ võ học được quy định và phân biệt theo các biến cố lớn của quốc gia: Thời huyền sử: chế độ thị tộc (2879-111 tr. CN.) Thời Bắc thuộc (111 tr. CN. - 906) Thời kỳ thành lập quốc gia: Ngô, Đinh, Tiền Lê (906-1009) Thời kỳ hoàn bị quốc gia: Lý, Trần (1010-1341) Thời kỳ trung suy: Trần mạt, Hồ, Minh thuộc (1341-1427) Thời kỳ phục hưng: Hậu Lê, Mạc (1427-1540) Thời kỳ phân ly: Lê- Mạt, Trịnh-Nguyễn, Tiền Nguyễn (1540-1802) Thời kỳ thống nhất: Hậu Nguyễn (1802-1883) Thời kỳ Pháp thuộc (1883-1945) Thời kỳ hiện kim (1945 tới nay) I. Võ Học Thời Huyền Sử: Chế độ thị tộc (2879-111 tr. CN.) Võ học thời huyền sử, vì không có sử sách biên niên, nên chỉ có thể căn cứ vào huyền thoại và những hình vẽ trên đá, những cổ vật đào thấy tại Đông Sơn (Thanh Hóa) và Chapa (Lào Cai). Tựu trung, võ học trong thời kỳ này có những đặc tính nổi bật: A. Đặc tính 1: văn võ song hành: Đặc tính văn võ song hành được biểu lộ ngay từ tổ chức xã hội hội : Lạc Long Quân, Âu Cơ không những là những nhà tổ chức giỏi, còn là những nhà lãnh đạo đấu tranh thiên tài với cả người, vật và thiên nhiên, khi lập quốc. Về tổ chức xã hội, ngoài nhà vua là một bậc văn võ song toàn, các chức quan cũng được phân biệt thành 2 ngành văn, võ song hành với nhau, là các chức quan Lạc hầu và Lạc tướng. B. Đặc tính 2: đã biết sử dụng vũ khí và kỹ thuật dụng võ: Qua những sử liệu, chứng tích lịch sử như trống đồng Ngọc Lũ và các vũ khí đào được, chúng ta có thể ước đoán về các loại vũ khí được sử dụng và kỹ thuật dụng võ trong thời huyển sử như sau: Búa rìu: xuất hiện trên trống đồng Ngọc Lũ với thế nhảy múa và biểu diễn. Ước
  3. đoán: có thể đi tới cân pháp , tức phép đánh búa rìu. Dao ngắn: qua những di tích đào được bằng đá và bằng đồng. Ước đoán: có thể đi tới đoản đao pháp (phép đánh dao ngắn) Lao, dáo: qua những hình vẽ cổ : mới đầu, chỉ là võ khí dài, hoặc bằng tre, hoặc bằng một thứ cây cứng, nhỏ, có đầu nhọn, để dùng vào việc săn bắn và đánh cá. Sau, được lắp thêm một bộ phận đá mài, đồng hay sắt, vừa sắc vừa nhọn, có thể phóng đi hay đánh sáp chiến. Ước đoán: có thể đi tới Thương pháp (phép đánh giáo, thương) và mâu pháp (phép đánh mâu) Cung, nỏ, tên: qua các hình vẽ cổ và truyền thuyết "nỏ thần" của An Dương Vương: cung, nỏ, tên được điều dụng với cả thế bắn. Ước đoán: người huyền sử đã biết khai dụng lối đánh viễn chiến (đánh xa) và tiễn pháp (phép dùng tên) và viễn xạ pháp (phép bắn xa). Gươm: qua các truyền thuyết về Lạc Long Quân đánh Ngư Tinh bằng "khối sắc đỏ" và dùng "gươm sắt", chém đầu đối thủ; truyền thuyết Phù Đổng Thiên Vương dùng "gươm sắt", "ngựa sắt" đuổi giặc Ân; truyền thuyết An Dương Vương dùng "gươm" chém Mỵ Châu ngồi sau lưng ngựa Gươm, được chế biến từ dao ngắn đã nâng cao kỹ thuật cận chiến của người huyền sử. Ước đoán: có thể rút tỉa kinh nghiệm từ đòn, thế, miếng mà lập ra "kiếm pháp" (phép đánh gươm). Thuyền: qua các hình vẽ cổ, là một phương tiện chuyển vận và tiếp tế bằng đường thủy và hàng hải, rất tiện dụng trong những trường hợp thủy chiến. Ước đoán: người huyền sử đã biết xử dụng thuyền làm một phương tiện khai thác thiên nhiên và thủy chiến, có thể kết hợp thành "thủy chiến pháp", ứng dụng trong các giai đoạn lịch sử nghiêm trọng. Ngựa: qua các hình vẽ cổ, là một phương tiện chuyển vận bằng đường bộ nhanh chóng và hữu hiệu nhất đương thời. Ước đoán: sự biết xử dụng và khai thác khả năng chuyên chở và tốc hành là động cơ chính cho những hoạt động giang hồ hành hiệp, rồi đi tới "thiết kỵ chiến pháp", "mã chiến pháp", và "xa mã chiến pháp", mở đầu cho hàng loạt những kỹ thuật xử dụng võ học và áp dụng binh pháp. C. Đặc tính 3: biết đưa võ học vào binh pháp: Vì thiếu sử liệu chính xác, nên chúng ta chỉ có thể ước đoán qua những truyền thuyết: Cuộc chiến tranh giữa An Dương Vương và Lạc Vương (Hùng Vương): Hùng Vương thắng nhiều cho nên kiêu, cuối cùng thua về tay An Dương Vương nhờ mưu lược.
  4. Cuộc xâm lăng của Triệu Đà bằng "giao hảo kế": An Dương Vương tuy có "nỏ thần" và hệ thống kiến trúc tinh vi của thành Cổ Loa, rút cuộc vẫn thua vì mắc mưu "lông ngỗng đưa đường" của Trọng Thủy. Những trận chống Tần, giết tướng Đồ Thư: đưa võ học lần lần vào binh pháp. Tóm lại, võ học trong thời huyền sử đã đi từ đơn đấu đến quần đấu, rồi thâm nhập vào binh pháp. Hiện tượng này khởi đầu bằng những cuộc giao đấu cá nhân (như trường hợp Lạc Long Quân đánh Ngư Tinh, Sơn Tinh đấu với Thủy Tinh) chuyển sang trường hợp "nhất hổ địch quần hồ" theo lối Phù Đổng Thiên Vương phá giặc Ân, rồi mới tới trình độ đưa võ học vào binh pháp như các trận đánh An Dương Vương-Hùng Vương thứ 18 II. Võ Học Thời Bắc Thuộc (111 tr. CN. - 906) Sự nô thuộc vào người Tàu là một cơ hội un đúc tinh thần bất khuất và khả năng võ học của người Việt đương thời, làm phát triển cả 3 ngành võ học: võ thuật, kỹ thuật đấu tranh, binh pháp và quân sự học. Trong thời kỳ này, 2 phát kiến mới được hình thành: Xu hướng hâm mộ anh hùng của quần chúng: quần chúng bị áp bức, thường có xu hướng hâm mộ những vị anh hùng đã giải thoát họ, như những vị hiệp sĩ, nữ kiệt và võ dũng, mở đầu cho sự kết hợp những lực lượng chống ngoại xâm. Nhân vật điển hình trong thời kỳ này đều là những bậc võ dũng và có tài lãnh đạo quần chúng, như Triệu Quang Phục, Trưng Nữ Vương, Triệu Trinh Nương, Lý Nam Đế, Mai Hắc Đế, Bố Cái Đại Vương Xu hướng phát triển chiến pháp kỳ tập (du kích chiến) và chiến pháp "dĩ nhược thắng cường, dĩ đoản thắng trường" (lấy yếu chống mạnh, lấy ngắn chống dài) do các lực lượng nghĩa binh được kết hợp để chống quan quân nhà Hán. Triệu Quang Phục, người rút quân về Bãi Sậy (Hưng Yên) chống quân Hán được coi như vị thủy tổ du kích chiến của Việt Nam. III. Thời Kỳ Thành Lập Quốc Gia (906-1009) Thời kỳ này bắt đầu từ họ Khúc dấy nghiệp tới chấm dứt nhà Tiền Lê. Điểm đặt biệt nhất trong thời kỳ này là, võ học đã thâm nhập hẳn vào binh pháp và trở thành một yếu tố quyết định trong sự thành lập và duy trì sự thành lập của quốc gia. Tinh thần thành lập quốc gia được phôi thai từ họ Khúc, được thử thách quyết
  5. định bằng trận Bạch Đằng Giang năm 931 của Ngô Quyền đại phá quân Nam Hán, và với nguy cơ sụp đổ vì nạn "Thập Nhị Sứ Quân" được Đinh Bộ Lĩnh dẹp tan và thống nhất lại quốc gia. Võ học hội nhập vào binh pháp trong thời kỳ này đã được nâng cao và phát triển mạnh mẽ về phương diện: Thủy chiến (thời Ngô Quyền) Bộ chiến (thời Đinh Bộ Lĩnh) Lâm chiến (thời Đinh Bộ Lĩnh-Lê Hoàn) Kỵ thuật phối hợp tác chiến thủy bộ (Ngô Quyền-Đinh Bộ Lĩnh) Tổ chức quân đội (thời Đinh: mỗi "Đạo" quân gồm 100.000 binh sĩ. Thập Đạo Tướng Quân Lê Hoàn chỉ huy 10 "Đạo", là 1 triệu quân) IV. Võ Học Trong Thời Kỳ Hoàn Bị Quốc Gia (1010-1341) Thời kỳ hoàn bị quốc gia bao gồm 2 triều đại Lý-Trần, đã phát huy võ học không những vào mọi tầng lớp xã hội, mà còn phát huy cả ý thức dụng võ bằng tinh thần Phật giáo đời Lý và tinh thần Tam giáo đời trần, vào cả những công cuộc chống xâm lăng, bình định nội loạn, khẩn hoang lập ấp, và mở rộng lãnh thổ. Ý thức dụng võ nâng cao thành tinh thần thượng võ được khuyến khích triệt để trong mọi tầng lớp xã hội bằng các sự việc: Tại kinh đô, có Giảng Võ Đường thành lập song hành với Quốc Học Viện, để đào tạo những nhân tài "văn võ kiêm toàn". Công chúa, phi tần, công tử, văn quan, thứ dân đều phải cưỡng bách học võ (múa gươm, cưỡi ngựa). Mỗi vị võ dũng hữu trách đều phải chiêu mộ dân chúng khẩn hoang lập ấp. Binh pháp Lý Thường Kiệt chủ về công, binh pháp Trần Hưng Đạo chủ về tự vệ, được phát huy rộng rãi, làm nền tảng cho binh pháp học Việt Nam. Các chiến công lừng lẫy của Lý Thường Kiệt và Trần Hưng Đạo đã làm các nước lân bang kính nể, tạo được một thời kỳ ổn định, kiến thiết và phát triển lâu dài. Tinh thần Tam Giáo đã được hội nhập vào võ học, để làm nền tảng khởi thủy cho tinh thần võ đạo Việt Nam (được gọi là tinh thần tiền võ đạo). Việt Nam đã khởi phát những chương trình Tây tiến và Nam tiến để mở rộng lãnh thổ, chinh phục các quốc gia Lão Qua, Chiêm Thành và Bồn Man. V. Võ Học Trong Thời Kỳ Trung Suy (1341-1427) Thời kỳ này bắt đầu từ Trần mạt lúc chấm dứt Minh thuộc vào năm 1427.
  6. Trong thời kỳ này, mặc dầu vận nước suy đồi, võ học vẫn tiếp tục phát triển với ý chí phục thù nhà, đền nợ nước, tranh thủ độc lập cho dân tộc. Điểm đặc biệt cần ghi nhận trong thời kỳ này là, sự phát triển mạnh của võ học và hội nhập võ học vào binh pháp, ý thức dụng võ cao độ phát triển với ý thức vững mạnh, đã rút ngăn hẳn thời Minh thuộc, dù luôn, dù luôn luôn bị đàn áp khốc liệt và vô nhân đạo chưa từng thấy trong lịch sử (giết hàng loạt, rút ruột người treo lên cây, tập trung xác chết và xương thành núi để khủng bố và làm tê liệt ý chí đề kháng ). Cụ thể hóa là mặc dầu xẩy ra những cuộc khởi nghĩa thất bại của Giản Định Đế và Trần Quý Khoách với những vị liệt sĩ tuấn quốc dũng cảm như Nguyễn Cảnh Chân, Đặng Tất, Đặng Dung tình thần kháng Minh cứu nước vẫn tiếp tục trường kỳ với thành công, bằng những hoạt động huấn võ bí mật tại rừng Lam Sơn (của Lê Lợi) và sự áp dụng binh pháp Việt Nam truyền thống của Nguyễn Trãi, bên cạnh ý chí phục quốc mãnh liệt của toàn quân và toàn dân đương thời. VI. Thời Kỳ Phục Hưng (1427-1540) Thời kỳ này khởi đầu từ nhà Lê, và chấm dứt từ năm 1540 (Nguyễn Kim phù Lê diệt Mạc). Thời kỳ này có 3 đặc điểm về võ học: Võ học dân dã lần lần thay thế hẳn võ học quý tộc trong mọi trách vụ quốc gia: trong thời kỳ Minh thuộc, hệ thống võ học quí tộc tại các vùng thị trấn bị hoàn toàn tiêu diệt, và quan quân nhà Minh triệt để cấm dân chúng học võ bằng cách kiểm tra dân số, bắt đeo "hộ thiếp", nhưng võ học dân dã vẫn phát triển, qua các tổ chức huấn võ tại các địa điểm bí mật. Do đó, khi nắm chánh quyền, Bình Định Vương chú trọng đặc biệt tới việc phát triển võ học tại dân dã, bằng cách tổ chức các khoa thi "Minh Kinh Khoa" cả văn lẫn võ để tuyển dụng nhânt tài võ học văn văn học. Cưỡng bách học võ: Các khoa "Minh Kinh Khoa" cũng đặc biệt áp dụng cho cả quan văn từ hàng tứ phẩm trở xuống, phải trúng tuyển mới được lưu dụng. Ý thức dụng võ, tức tinh thần tiền võ đạo giảm sút: Vì quá chú trọng tới võ học dân dã và coi nhẹ võ học quý tộc, nên Lê triều đặc biệt chỉ chú trọng tới võ thuật thuần túy, cuối cùng tự chuốc lấy những hậu quả trầm trọng mở đường cho một thời kỳ phân ly lâu dài trong Việt sử: trường hợp Mạc Đăng Dung giỏi võ, thí võ đậu Đô lực sĩ được trọng dụng rồi âm mưu phản loạn, đã khởi đầu từ ngay chính sách "trọng võ khinh văn" đặc biệt của Lê triều.
  7. VII. Võ Học Trong Thời Kỳ Phân Ly (1540-1802) Thời kỳ này khởi đầu từ năm Nguyễn Kim khởi nghĩa mở đầu tình trạng phân ly Lê-Mạc, rồi Trịnh-Nguyễn, Tiền Nguyễn (Tây Sơn) và chấm dứt vào năm 1802, khi Nguyễn Ánh thống nhất lãnh thổ. Võ học trong thời kỳ này có 3 đặc điểm: Võ học quý tộc được phục hồi và phát triển song song với võ học dân dã. Các danh tướng của các trận tuyến đối nghịch đều xuất thân từ cả 2 hệ thống võ học trên. Võ học dân dã đã có lúc lấn lước võ học quý tộc (nhà Tây Sơn đuổi Nguyễn, dẹp Trịnh), với các danh tướng xuất thân từ võ học dân dã, nhưng vì vua Quang Trung đột ngột qua đời, nên võ học quý tộc (Gia Long), với các danh tướng xuất thân từ võ học quý tộc, đã phục thù được và thống nhất lãnh thổ. VIII. Võ Học Trong Thời Kỳ Thống Nhất (1802-1883) Thời kỳ này khởi đầu từ khai nguyên nhà Hậu Nguyễn, tới năn chánh thức đặt chế độ Pháp thuộc. Võ học trong thời kỳ này có 5 đặc điểm: Các vua chúa triều Nguyễn vì có tự ti mặc cảm với võ học dân dã qua sự xuất hiện của Tây Sơn, nên không khuyến khích võ học dân dã phát triển. Các chức võ quan bị đặt dưới các chức văn quan, tạo thành một quan niệm đặc biệt "trọng văn khinh võ". Văn học phát triển độc lập, lần lần đưa giáo dục vào khuôn khổ hư văn, cử tử. Võ học suy yếu, phải dùng văn quan chỉ huy binh sĩ (Hoàng Diệu, Phan Thanh Giản ) nên thiếu khả năng đấu tranh chống ngoại xâm khi quân Pháp tấn công. Quan niệm "trọng văn khinh võ" đã đưa quốc gia tới tình trạng suy sụp, mở đầu thời kỳ Pháp thuộc. IX. Võ Học Trong Thời Kỳ Pháp Thuộc (1883-1945) Trong thời kỳ này, võ học bị biến thể và chìm đắm trong chính sách ngu dân của người Pháp, đã mang 6 đặc điểm: Võ học bị tách khỏi quân sự học.
  8. Võ học không còn được coi là một ngành học quan yếu cho sự sinh tồn của quốc gia, mà chỉ còn được coi là một ngành thể thao có tính cách giải trí. Chính sách ngu dân (phong trào lãng mạn, rượu ty, thuốc phiện) đã làm suy nhược tinh thần người Việt, để làm tê liệt hay suy giảm tinh thần và khả năng đề kháng. Sự du nhập võ học Nhật Bản (Jujitsu, Judo ) đã kích thích tinh thần thượng võ của người Việt, đem lại cho dân tộc Việt một nguồn hứng khởi mới. Tự ái võ học dân tộc bùng dậy: người Việt bắt đầu "về nguồn" võ học và hình thành một nền võ đạo Việt Nam vào năm 1938, gọi là Vovinam Việt Võ Đạo. Võ đạo dân tộc bừng dậy, nâng cao tinh thần ái quốc và cứu quốc của người Việt, để chấm dứt thời Pháp thuộc vào năm 1945. IX. Võ Học Trong Thời Kỳ Hiện Kim (1945 tới nay) Thời kỳ này bắt đầu từ 1945, năm cao trào tranh thủ độc lập dân tộc bùng dậy, cho tới nay. Võ học trong thời kỳ này mang 5 đặc điểm: Võ học tân tiến dân tộc sau khi hình thành từ 1938 đã phát triển mạnh trong các ngành sinh hoạt xã hội, nâng cao giá trị võ học từ một bộ môn thể thao giải trí lên võ đạo (1968), với danh xưng Việt Võ Đạo. Song song với Việt Võ Đạo, các môn phái võ đạo du nhập cũng hoạt động và phát triển mạnh: Nhu Đạo từ 1946, Không Thủ Đạo (Karatedo) từ 1954, Túc Quyền Đạo (Taekwondo) từ 1964, gây một tinh thần hiếu võ sôi nổi trong các tầng lớp xã hội, cùng với các môn võ khác như Yoga, Aikido (Hiệp Khí Đạo) Võ học lại một lần nữa hội nhập vào binh pháp và các hoạt động an ninh xã hội: các quân binh chủng và các lực lượng an ninh, cán bộ đều có chương trình huấn luyện võ thuật để thực dụng ngay vào công tác thực tế. Võ học, nhất là Vovinam- Việt Võ Đạo, đã hội nhập vào một số chương trình giáo dục học đường và chương trình huấn luyện Cán Bộ Phát Triển Nông Thôn, Cán Bộ Hành Chánh Tinh thần võ đạo đã được biểu hiện trong nhiều ngành sinh hoạt xã hội như cứu đói, cứu trợ nạn nhân chiến họa, nạn nhân bão lụt, khẩn hoang lập ấp, và đặc biệt được xử dụng trong nhiều trường hợp cận chiến trên chiến trường Việt Nam.
  9. Kết Luận Vai tuồng của võ học trong lịch sử đấu tranh của dân tộc Việt Nam là một vai tuồng thực dụng; và trong nhiều triều đại, đã trở thành một bộ môn giáo dục căn bản của người Việt. Tùy theo từng chính sách giáo dục trong các thời kỳ lịch sử, võ học có khi thăng khi trầm, nhưng vẫn luôn luôn tạo điều kiện phát triển trong mọi hoàn cảnh lịch sử. Giá trị thực dụng của võ học chính là động cơ quan yếu đã kiến tạo lịch sử: từ giao đấu cá nhân tới vận dụng vào các kỹ thuật tranh đấu chống thiên nhiên, đối nhân và đối vật, cuối cùng hội nhập vào binh pháp để trở thành một phương tiện quan yếu trong mọi trường hợp tự vệ và mở rộng lãnh thổ. Trong các thời kỳ lịch sử, võ học đã hình thành 2 khuynh hướng rõ rệt là võ học quí tộc và võ học bình dân, và đã có những cơ hội thi triển và đối nghịch mạnh mẽ, nhưng rồi vẫn kết hợp lại thành bộ môn võ học dân tộc duy nhất. Cùng với đà tiến triển của nền võ học nhân loại, võ học Việt Nam đã đi từ thô đến tinh, từ cá nhân tới tập thể, và luôn luôn chứng tỏ giá trị hữu hiệu tự thân trong mọi sứ vụ với xã hội và đất nước, và đã đạt tới sự hình thành một nền võ đạo Việt Nam. Võ sư chưởng môn Vovinam Lê Sáng Tiến Trình Thí Võ và Võ Học Hiện Đại Võ sư chưởng môn Lê Sáng I. Dẫn Nhập Thông thường, võ học của một quốc gia thường có 5 sứ vụ: Trừ gian diệt bạo Phò minh chúa Cứu quốc Kiến quốc Khai quốc Trong 5 loại sứ vụ trên, chỉ có sứ vụ trừ gian diệt bạo (dưới mọi hình thức) là một sứ vụ hành võ tự do, thích hợp với phong độ của những hiệp sĩ "giang hồ hành hiệp" tại những vùng rộng lớn chưa ổn định, các cơ cấu cai trị và luật pháp còn lỏng lẻo. Ba sứ vụ sau, đòi hỏi sự dấn thân của người hành võ trong một khuôn khổ kỷ luật, của quốc gia hay của một "minh chúa".
  10. Việt Nam không có đất đai rộng lớn và những vùng bất ổn mênh mông như Trung Quốc và Hoa Kỳ, nên không có nhiều hiện tượng "hiệp sĩ giang hồ" như Trung Quốc hay "anh hùng cowboy" miền viễn tây Hoa Kỳ, mặc dầu vẫn có một số hiệp thoại đặc biệt như Lãnh Tạo, Cố Bu, Chàng Lía v.v xuất hiện trong dân dã. Ngược lại, vị thế "tứ diện thọ địch" của Việt Nam với những cuộc chiến tranh chống xâm lăng, trừ nội loạn và mở mang bờ cõi liên tục đã làm xuất hiện hàng ngàn vạn anh hùng chiến sử. Rõ rệt là nhu cầu quốc gia của chúng ta luôn luôn cần tới những anh hùng dân tộc, hơn là những hiệp sĩ giang hồ. Do đó, võ học của VN là nền võ học mang nặng những sứ vụ đấu tranh phục vụ quyền lợi chung của quốc gia, dân tộc, thay vì chỉ phục vụ cho một gia đình, một xóm ấp, một lớp người giới hạn trong một môi trường nhỏ hẹp. Người học võ mặc nhiên chấp nhận truyền thống hành võ chung, nên luôn luôn mong mỏi được có cơ hội thi thố tài năng phò vua, giúp nước. Muốn phò vua giúp nước, phải khổ luyện tài năng và tìm cơ hội tiến thân. Cơ hội tiến thân của người võ sĩ chính là các cuộc thí võ của các triều đại lịch sử. Tới nay, mặc dầu các "cuộc thí võ" để tuyển dụng nhân tài võ học thuần túy không còn giữ những khuôn thước cũ, nhưng cũng vẫn được coi là những tiêu chuẩn thích dụng nhất trong một số nghiệp vụ như huấn luyện võ thuật học đường, quân đội, cán bộ, cảnh sát v.v Tất nhiên, tiến trình thí võ truyền thống đã được cải biến và chuyên hóa trong thời hiện đại, nhưng không phải vì thế mà võ học thời hiện đại bỏ qua những sứ vụ truyền thống với dân tộc. Trong mọi cảnh huống và tình huống lịch sử, mặc dầu chương trình thí võ có đổi thay, nhưng những tiêu chuẩn chính của thí võ vẫn còn được duy trì, để xếp hạng và tuyển lựa nhân tài võ học phục vụ trong mọi ngành sinh hoạt xã hội và quốc gia. II. Tiến Trình Thí Võ Qua Các Thời Đại Võ Học Vì nước nhỏ, lãnh thổ hẹp, nên Việt Nam không có nhiều huyền thoại về "hiệp sĩ giang hồ" như Trung Quốc và Nhật Bản; nhưng đổi lại, võ học đã hội nhập nhanh chóng vào các sinh hoạt cộng đồng - đặc biệt trong các lãnh vực phục vụ quốc gia. Do đó, thay thế vào những hoạt động "hành hiệp giang hồ" của từng cá nhân hay từng nhóm cá nhân rời rạc, chúng ta có rất nhiều võ tướng phục vụ quốc gia đắc lực. Mặt trái của sự ứng dụng những hoạt động võ học vào các sinh hoạt cộng đồng, là tình trạng nội loạn và giặc giã, trong đó có những kẻ cầm đầu đều là những người võ dũng. Tiến trình thí võ qua các thời đại võ học, đi từ biểu dương tài nghệ và thành tích,
  11. tới các cuộc thi trắc nghiệm rồi tới những cuộc thí võ có qui chế rõ rệt. A. Biểu Dương Tài Nghệ và Thành Tích Trước khi có những quy chế rõ rệt về việc tuyển dụng nhân tài võ học, sự xử dụng nhân tài võ học được ước đoán là không ngoài sự biểu dương thành tích. Sự biểu dương tài nghệ thường chú trọng tới sức khỏe (vác tạ, cử đình ), thập bát ban võ nghệ (nhất là kiếm pháp và thương pháp), tài khéo đặc biệt (cưỡi ngựa, bơi lặn, nhảy cao, chạy xa ) Sự biểu dương thành tích có thể căn cứ vào những buổi hội làng có đấu võ và đấu vật, và các thành tích võ học đạt được ở địa phương (như: đánh cướp, bẻ sừng trâu v.v ) Trong những trường hợp nhân tài tuyển dụng sẽ được điều dụng vào những chức vụ cao, sẽ có những cuộc đàm thoại trắc nghiệm đặc biệt về binh pháp học. Lối tuyển dụng nhân tài theo phương pháp trắc nghiệm gián tiếp bằng cách đòi hỏi biểu dương tài nghệ và thành tích cá nhân, được áp dụng cho tới năm 1253, năm thành lập Giảng Võ Đường dưới thời Trần Thái Tông. B. Thi Trắc Nghiệm Võ Học Trước khi có những quy chế thí võ rõ rệt, nước ta đã áp dụng những cuộc thi trắc nghiệm từ đời Trần Thái Tông. Sở dĩ võ học đời Trần tuy phát triển mạnh nhưng không thể có quy chế thí võ rõ rệt vì các triều đại nhà Trần bị ảnh hưởng mạnh bởi tư tưởng Trần Thủ Độ, người khai sinh ra triều đại. Con người Trần Thủ Độ, nhiều ý tưởng thiện ác đối nghịch nhau, và dôi khi pha trộn hỗn độn tới mức khó có thể phân loại chúng: ông vừa là đại gian thần nhà Lý, vừa là đại trung thần nhà Trần. Vừa là một lãnh tụ phi nhân (lập mưu giết hết con cháu nhà Lý để trừ hậu họa), vừa là một lãnh tụ vị tha (quyết liệt chống Mông Cổ để giữ nước, cứu dân: "đầu tôi chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo!"); vừa muốn tập trung quyền lãnh đạo trong tay con cháu nhà Trần, vừa muốn tận dụng nhân lực quốc gia để chống ngoại xâm, mở mang bờ cõi và chiêu dân lập ấp; vừa muốn cưỡng bách học võ cho mọi người không phân biệt đẳng cấp xã hội; vừa muốn tập trung binh quyền trong tay con cháu nhà Trần. Việc thí võ theo quy chế Giảng Võ Đường để tuyển dụng nhân tài võ học do đó chỉ áp dụng với thường dân chứ không áp dụng với quý tộc, mặc dầu quý tộc (vương gia) nhà Trần, từ công chúa, phi tần tới cái văn quan đều bị cưỡng bách học võ với các môn chính như múa gươm, cưỡi ngựa và binh pháp, rồi được tự do
  12. tổ chức và huấn luyện những đội quân riêng để đi khẩn hoang lập ấp, được gọi là các đội quân "Vương gia hầu đô". Chắc chắn lối thí võ dành riêng cho quý tộc nhà Trần chỉ là một lối thi biểu dương tài nghệ, và có tính cách khích lệ nhiều hơn lượng giá, phối kiểm. C. Những Cuộc Thí Võ Có Quy Chế Rõ Rệt Những cuộc thí võ có quy chế rõ rệt được áp dụng từ đời Lê Thái Tổ, với chế độ Minh Kinh Khoa, và tùy theo chính sách võ học của từng triều đại mà thay đổi. Những triều đại ấn định quy chế rõ rệt cho những cuộc thí võ, có thể lấy 3 triều dại Lê Thái Tổ, Gia Long và Minh Mạng làm điển hình. 1. Quy chế thí võ thời Lê Thái Tổ Quy chế thí võ thời Lê Thái Tổ được ấn định ngay từ sau khi phục hưng độc lập quốc gia, đánh đuổi quân Minh ra khỏi bờ cõi. Quy chế này mang 3 đặc điểm: Song song với việc mở trường tại khắp các lộ, các phủ để dạy cả văn lẫn võ, có tính cách cưỡng bách giáo dục cho cả con quan và con cái thường dân, triều đình mở các khoa thi "Minh Kinh Khoa" để chọn lọc và tuyển lựa nhân tài trong dân dã, gồm cả các môn thi về kinh sử và võ học. Các văn quan từ tứ phẩm trở xuống, bị bắt buộc phải học và thi đậu "Minh Kinh Khoa" mới được lưu dụng. Các tăng nhân cũng phải khảo hạch "Minh Kinh Khoa". Ai trượt, sẽ phải hoàn tục. Điểm đặc biệt cần ghi nhận ở đây là, Lê Thái Tổ là một vì vua rất trọng võ, nhất là võ học dân dã. Hơn ai hết, ông hiểu rằng cuộc kháng Minh sở dĩ thành công, chính là nhờ ở những tài nguyên võ học dân dã, chớ không phải là nền võ học quý tộc đã bị ngoại xâm khống chế, và nhất là không tùy thuộc ở những văn quan trong thời chiến. 2. Quy chế thí võ dưới thời Gia Long Gia Long phục quốc được chỉ nhờ một phần nhỏ vào tài nguyên võ học trong nước. Phần lớn cơ nghiệp của ông là do khả năng lãnh đạo, mưu lược, sức chịu đựng, tài ngoại giao và sự yểm trợ của ngoại quốc. Do đó, ông lượng giá rất cao về mưu lược, và đồng thời đánh thấp khả năng võ học được tuyển dụng, nhất là những khả năng võ học xuất phát từ dân dã.
  13. Tựu trung, quy chế thí võ dưới thời Gia Long đã phản ảnh khá chính xác quan niệm tuyển dụng nhân tài của ông, với 4 đặc điểm: Lập các khoa thi võ tương tự như những khoa thi "văn" có đủ cả thi Hương, thi Hội, thi Đình, nhưng áp dụng nguyên tắc "võ tôn văn nhất trật", tức cùng một danh xưng, nhưng đậu về "võ" bao giờ cũng kém đậu về "văn" một trật. Ví dụ: đỗ "võ cử nhân" thì hàm tùng lục phẩm, còn đỗ "văn cử nhân" thì được hàm chánh lục phẩm. Thí võ tuy cũng có Đình thí, nhưng không lấy Võ Trạng Nguyên, Võ Bảng Nhỡn, Võ Thám Hoa, mà chỉ lấy "Võ Tiến Sĩ". Điều kiện dự thí Võ Tiến Sĩ là phải tình nguyện thi 1 bài bằng chữ nho, với chủ đề về binh pháp (binh thư đồ trận, địa thế hành binh v.v ) Vì võ không được khuyến khích, và những người nếu giỏi về Hán Văn thường ít có khuynh hướng học võ vì bị bạc đãi và phải chịu đựng nhiều cực nhọc, nguy hiểm, nên hầu như không có ai dự thi Đình về Võ để hy vọng đậu Võ Tiến Sĩ. Thể lệ thi võ về Hương thí phải qua 4 trường Cử trượng (tạ) Bắn bia (9 mũi tên, xa 30 trượng, trúng đích cả) Quyền thuật (đoản côn) đánh thắng 3 độ Một kỳ chung kết bao gồm cả 3 môn thi trên. Thể lệ thi võ về Hội thí có 5 kỳ, được dành cho những thí sinh đã đậu Hương thí được gọi là Võ Cử Nhân. Các thí sinh Võ Cử Nhân được dự thi Hội tại kinh đô, cũng phải qua 3 kỳ đầu như ở Hương thí, nhưng điều kiện thi nặng hơn: xách nặng hơn nửa tạ trên thao trình xa hơn 10 trượng, bắn 12/12 mũi tên trúng đích, đánh thắng 4/4 độ đoản côn. Kỳ thứ 4 được gọi là kỳ đánh "lăn khiên" (giám khảo cầm cây dáo quấn vải nhúng mực đâm ra, biết tránh né không để đầu khiên có chấm mực là trúng) và kỳ cuối cùng, bao gồm cả 4 môn trên. 3. Quy chế thí võ dưới thời Minh Mạng Từ thời Minh Mạng trở đi, quy chế thí võ được ấn định làm 2 loại, tới triều Triệu Thị, mới trù hoạch thời điểm rõ rệt hơn: võ Hương thí được ấn định vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu, võ Hội thí được ấn định vào các năm Thìn, Tuất, Sửu, Mùi. Tuy nhiên, nội dung các kỳ thi có một số môn được cải đổi hay thay đổi, để thích hợp với trình độ quân sự mỗi ngày một thêm phát triển, với đặc điểm như sau: Môn giao đấu đoản côn được thay đổi bằng màn múa côn, sang độc diễn: múa côn nửa tạ (30kg) cầm vào khoảng 1/3, vừa đi vừa múa, nhảy nhót, đâm đánh, né
  14. tránh, đỡ gạt theo bài, miếng, thế, đòn đã định sẵn. Đi múa ngoài 60 trượng là ưu hạng, ngoài 50 trượng là bình hạng, ngoài 40 trượng là thứ hạng. Môn múa sang được bổ túc vào môn thứ 2: sang là một ngọn dáo dài 7 thước 7 tấc ta, phải cầm vào giữa để múa theo bài, nhảy nhót độ 3,4 bước rồi nhắm người bồ nhìn ở cách xa 3 trượng thật kỹ, rồi chạy thẳng tới đâm vào giữa rốn. Đâm trúng, xuyên qua là ưu hạng. Đâm trúng, không xuyên qua là bình hạng. Đâm trúng chỉ sượt qua là thứ hạng. Môn bắn tên được thay thế bằng môn bắn súng hiệp, 6 phát, cách 20 trượng 5 thước ta, nhắm vào bia (có vành tròn và hồng tâm) đặt trước chiếc ụ. Nếu 2 phát trúng hồng tâm, 1 phát trúng vành tròn, 3 phát trúng ụ đất, là ưu hạng. Nếu 1 trúng hồng tâm, 1 trúng vành tròn, 4 trúng ụ đất là bình hạng. Nếu 2 trúng vành tròn, 4 trúng ụ đất là thứ hạng. Môn thi thứ tư của Hương thí được thay đổi hẳn bằng phúc hạch về võ kinh, để xếp hạng các tân khoa Thi Hội cũng có những môn như thi Hương, nhưng tạ nặng hơn (64 cân ta), đi xa hơn (20 trượng), côn và sang nặng hơn, người bồ nhìn xa hơn, bắn súng hiệu đứng xa hơn. Đậu thi Hội được vào thi Đình lấy Võ Tiến Sĩ, gọi là "Tạo sĩ", gồm 1 bài hỏi về võ kinh, 1 vài điều yếu lược trong cách dùng binh của các danh tướng triều Nguyễn, và một vài câu hỏi về thời sự. Không biết chữ có thể xin miễn. Các tân khoa "võ" được đãi ngộ ngang hàng với các tân khoa "văn", chớ không còn chênh lệc như triều Gia Long. Võ học Việt Nam, qua quy chế thí võ như vậy, đã trải qua một thời kỳ "trọng văn khinh võ" dài suốt 143 năm, qua các chính sách giáo dục của vua chúa triều Nguyễn. Do đó, chúng ta thấy một hiện tượng quái dị phát sinh: các vị võ tướng giỏi, thường là những người chỉ giỏi binh pháp chứ không giỏi (một đôi khi, không hiểu hay không biết) về võ thuật, và những người giỏi về võ thuật lại rất ít hiểu biết về binh pháp, chỉ vì lý do không biết chữ (nên không có cơ hội tìm hiểu, nghiên cứu). Hiện tượng quái dị này để lại những thời tích đặc biệt trong Việt sử: các văn quan có đức độ tốt, phẩm chất cao, thường được giao phó cho những trách nhiệm điều binh khiển tướng, như cụ Hoàng Diệu, xuất thân là phó bảng, sau được bổ nhiệm Tổng Đốc và Binh Bộ Thượng Thư, cụ Phan Thanh Giản xuất thân là phó bảng, sau tuẫn quốc với chức vụ Kinh lược sứ. Trong khi có những nhân tài võ học xuất sắc như Tôn Thất Hội, nổi tiếng võ dũng suốt vùng Thừa Thiên, và thi đậu Võ Cử Nhân thời Gia Long, vẫn không được chấp chưởng binh quyền.
  15. Hậu quả của quy chế thí võ thời Hậu Nguyễn, là không những võ học Việt Nam bị đẩy lùi lại hàng chục thế kỷ, mà võ học càng ngày càng tách rời khỏi văn học, và cuối cùng lại tách rời ra khỏi cả binh pháp, để chỉ đào tạo được những nhân tài "võ phu" hay "võ biền", tức những người giỏi võ tuy đậu tới võ cử nhân và có công trạng lớn, địa vị cao, nhưng vẫn không biết chữ (vì quy chế thí võ không cần tới điều kiện này), khác hẳn với hệ thống Giảng Võ Đường và Quốc Học Viện song hành thời Trần, đã đào tạo được hàng loạt nhân tài võ học "văn võ song toàn". III. Võ Học Việt Nam Hiện Đại Thời Pháp thuộc nối tiếp nhà Hậu Nguyễn tuy có cải tổ chính sách giáo dục, nhưng lại hướng học chế Việt Nam sang ngành học thư lại và chính sách văn hóa ngu dân. Võ học suốt trong thời kỳ này (tới năm 1938) chỉ gồm một số hoạt động võ thuật rời rạc, lẻ tẻ, dù có những xu hướng Cần Vương Văn Thân chú trọng tới võ học trong việc chống Pháp. Loại võ học ra khỏi chính sách giáo dục, người Pháp cũng đương nhiên loại bỏ võ học ra khỏi tổ chức quân đội. Chương trình thí võ trong quân đội đương nhiên được thay thế bằng chương trình huấn luyện võ khí, tác xạ và kỹ thuật tác chiến. Võ học Việt Nam trong thời kỳ này, gần như chỉ còn được coi là một ngành thể thao có tác dụng giải trí công cộng, rập khuôn quan niệm đơn giản về thể thao của người Pháp. Mãi tới cuối thập niên 30, võ học Việt Nam mới có cơ hội bùng dậy, sau những thất bại của những phong trào kháng Pháp và sự học hỏi tinh thần tự cường của Nhật Bản được biểu hiện tinh thần Nhật Võ Đạo (Bushido) và các chiến tích võ sĩ đạo (Samurai) của họ. Sau sự ra mắt của môn phái Vovinam vào năm 1938 tại nhà Hát Lớn Hà Nội, một phong trào học "Võ Tự Vệ" và "Vovinam của người Việt Nam" được bừng dậy trong giới thanh niên - sinh viên, học sinh, viên chức - tại Bắc Việt, khích lệ thêm cả những dịch vụ du nhập võ học ngoại quốc vào Việt Nam, đặc biệt là môn Nhu Thuật (JuJitsu) và võ Thiếu Lâm. Sau 1945, Nhu Đạo (Judo) được du nhập Việt Nam, cùng với môn Yoga (Du Già). Tuy nhiên, trong các môn phái võ học trên, chỉ có môn phái Vovinam là phát triển mạnh nhất, do cao trào đấu tranh chống Nhật - Pháp đương thời. Vụ đụng độ điển hình nhất xẩy ra vào năm 1942, giữa 2 lớp sinh viên Việt và Pháp tại Hà Nội, đã gây ảnh hưởng tốt đẹp trong dư luận Hà Nội: những sinh viên Việt thấp bé, gầy yếu đã xử dụng tay không đại thắng sinh viên Pháp cao to, vóc dáng bên ngoài rất đường bệ. Từ đó, phong trào học "Võ Tự Vệ" (danh xưng võ trình nhập môn của Vovinam đương thời) và Vovinam" bùng dậy mãnh liệt tại khắp các nơi: sân Septo, các trường trung tiểu học, trường Sư Phạm v.v mặc dầu tại một vài nơi, người Pháp đã quyết liệt áp dụng những biện pháp chế tài tối đa, như cấm học
  16. Vovinam, trong khu vực quyền hạn của họ. Sau 18-8-45, phong trào học Vovinam trở thành một phong trào bộc phát tại Hà Nội, các tỉnh lỵ Bắc Việt và miền Bắc Trung Việt. Tại Hà Nội, phong trào học Vovinam đôi khi đã mang tính chất nồng nhiệt và quá độ, như sự xuất hiện của các khẩu hiệu: Người Việt Nam học Võ Việt Nam, học Vovinam để đánh Pháp tranh thủ độc lập, không học Vovinam không phải là người yêu nước v.v Trong thời gian này, phong trào học Vovinam để chống Pháp đã mở rộng ra các vận động trường và sân Đại Học Xá Hà Nội, với những lớp võ cộng đồng hàng ngàn người tới hàng chục ngàn người. Trận đánh điển hình nhất là trận cận chiến bằng dao găm và lưỡi lê, giữa một bên là Tự Vệ Thành Hà Nội, một bên là lính Phi Châu thuộc Pháp. Tuy nhiên, điểm đặc biệt cần ghi nhận trong thời gian này là: môn phái Vovinam dưới sự lãnh đạo của Cố Võ Sư Sáng Tổ Nguyễn Lộc đã cương quyết không làm chánh trị và không hội nhập vào chánh trị, mặc dầu đã góp công đào tạo rất nhiều cấp chỉ huy kháng chiến qua lớp huấn luyện các cấp bộ đại đội trưởng và trung đội trưởng dân quân du kích tại Chế Lưu Ẩm Thượng, Thanh Hương, Đan Hà, Đan Phú v.v ; và các lớp huấn luyện võ thuật cho bộ đội Nhà Chung Phát Diệm vào năm 1948 do ông Trần Thiện làm Tổng Chỉ Huy. Tới 1954, các môn phái võ học du nhập cũng bắt đầu tạo lập được ảnh hưởng mới tại Việt Nam, như Nhu Đạo, Không Thủ Đạo, Yoga, và một số lò võ Thiếu Lâm độc lập, nhưng vẫn chưa phát triển được sâu rộng trong các tầng lớp dân chúng, vì chánh quyền đệ nhất Cộng Hòa không có ý hướng khuyến khích phát triển võ học. Mãi tới sau cuộc chính biến 1963, hào khí học võ mới bùng dậy, gây ảnh hưởng mạnh mẽ trong các tầng lớp xã hội, đặc biệt trong các giới thanh thiếu niên và sinh viên học sinh bởi các động cơ: Chiến tranh mở rộng làm nổi bật giá trị thực dụng của võ học trong cả 2 trường hợp tự vệ và tấn công. Các chánh quyền chuyển tiếp đều mặc nhiên khuyến khích các hoạt động võ học (khuyến khích các hoạt động thể thao, tạo điều kiện thuận tiện cho các hoạt động võ học). Nhu Đạo, nhờ thế tranh đấu của Phật giáo qua các vị thượng tọa võ sư Nhu Đạo, có điều kiện phát triển mạnh mẽ. Túc Quyền Đạo (Tae Kwon Do) hay Võ Đại Hàn (vẫn được gọi là Thái Cực Đạo - vì tương tự với Karatédo của Nhật) được quân đội Đại Hàn phổ biến mạnh mẽ tại Việt Nam, đã chứng tỏ rất hiệu nghiệm trên các chiến trường du kích và cận chiến. Các môn phái võ đạo của Nhật cũng du nhập mạnh mẽ cùng với ưu thế thương
  17. mại của Nhật Bản: Atémi, Aikido, Karatédo, v.v xuất hiện tại Việt Nam với nhiều võ đường do các võ sư Nhật, Việt điều khiển. Môn phái Vovinam bước sang giai đoạn quảng bá mạnh mẽ với danh xưng Vovinam - Việt Võ Đạo, và hội nhập vào các chương trình huấn luyện cộng đồng: quân đội, cảnh sát, cán bộ phát triển nông thôn, cán bộ hành chánh, các trường Đại Học và Trung Học v.v đồng thời khởi sự quảng bá ra ngoại quốc. Các môn võ Việt Nam cổ truyền cũng bừng sống lại và hoạt động khá mạnh mẽ như: võ Bình Định, Lam Sơn Võ Đạo v.v Hiện nay, giá trị thực dụng của võ học đang được ứng dụng vào cả các lãnh vực chiến tranh và hòa bình, chắc chắn sẽ đẩy mạnh sự trưởng triển của võ học Việt Nam và tinh thần võ đạo Việt Nam. V. Kết Luận Qua các thời kỳ lập võ và hành võ tại Việt Nam, chúng ta thấy rõ ràng, mặc dầu tùy bối cảnh lịch sử mà phát triển mạnh hay yếu, võ học vẫn luôn luôn là động cơ tranh đấu hữu hiệu nhất trong cả 3 sứ vụ: cứu quốc, kiến quốc, và khai quốc. Trong cả 3 sứ vụ, võ học Việt Nam đã luôn luôn đóng một vai tuồng đặc biệt, vượt ra ngoài khuôn khổ hoạt động thể thao như tại một số quốc gia Tây Phương: đặc biệt với Việt Nam, võ học không phải chỉ là kỹ thuật vận dụng sức mạnh hay kỹ thuật tranh đấu, mà còn hội nhập cả vào quân sự học qua ngả đường binh pháp, và hội nhập với triết học và văn học, để hình thành một hệ thống tiền võ đạo Việt Nam và võ đạo Việt Nam. Trong một vài tình huống lịch sử, võ học Việt Nam có khi được tạm thời phân lập làm 2 ngành chuyên biệt là võ học quý tộc và võ học dân dã, nhưng cuối cùng cũng kết hợp lại thành một ngành giáo dục chuyên nhất không phân biệt đẳng cấp xã hội. Trong một vài cảnh huống lịch sử, võ học Việt Nam có khi phối kết với văn học và triết học, có khi lại tách rời ra thành một ngành học độc lập và hoàn toàn kỹ thuật, nhưng cuối cùng vẫn trưởng triển trong tinh thần thượng võ và ý thức võ đạo, quán hợp cả những tinh lý triết học và văn học phù hợp. Đặc biệt với võ học Việt Nam trong hậu bán thời kỳ thống nhất, quy chế thí võ biểu dương đầy đủ cho chính sách võ học của triều đại đương thời. Quy chế này đã đem lại cho chúng ta nhiều kinh nghiệm quý báu: một mặt vừa khuyến khích võ học, mặt khác làm suy yếu giá trị võ học với quan niệm trọng văn khinh võ, và tách biệt hẳn văn học ra khỏi võ học (võ cử nhân không cần biết chữ). Một đặc
  18. điểm khác là quy chế thí võ thời Nguyễn đã tỏ ra có ý hướng nghiêng về kỹ thuật hóa và hoàn toàn lúng túng trong vấn đề này: từ cung tên, đổi thành môn bắn súng hiệp, một thế kỹ thuật quân sự học thuần túy. Từ căn bản muốn hội nhập võ học vào kỹ thuật tác chiến hiện đại, chính sách tuyển dụng nhân tài võ học đã tỏ ra lúng túng trong việc phân biệt các ngành học, khi kỹ thuật bắn súng hiệp đòi hỏi những điều kiện về xạ trường và võ khí sử dụng khác hơn sự biểu hiện tài khéo và công phu luyện tập bằng chân tay. Chính sách xử dụng nhân tài võ học yếu kém từ căn bản, lại được áp dụng trái ngược ngay trên thực tế, bằng sự điều dụng các vị văn quan lỗi lạc chỉ huy trực tiếp các võ quan, nên đã để lại những vết thương khá lớn cho lịch sử dân tộc Việt khi phải đụng độ với chiến tranh cơ khí của người Pháp. Tới nay, sự phục hưng và trưởng triển vị thế của võ học trong cộng đồng quốc gia tuy đem lại cho chúng ta nhiều khích lệ mới và thành tích mới, nhưng còn đòi hỏi chúng ta nhiều công trình kiến tạo lớn lao hơn nữa để tô bồi nền võ học Việt Nam và tinh thần võ đạo Việt Nam được vinh danh với các cộng đồng nhân loại. Lê Sáng Chưởng môn Việt Võ Đạo