Khái quát về nghệ thuật Hợp xướng và Chỉ huy hợp xướng

doc 6 trang ngocly 1530
Bạn đang xem tài liệu "Khái quát về nghệ thuật Hợp xướng và Chỉ huy hợp xướng", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • dockhai_quat_ve_nghe_thuat_hop_xuong_va_chi_huy_hop_xuong.doc

Nội dung text: Khái quát về nghệ thuật Hợp xướng và Chỉ huy hợp xướng

  1. Khái quát về nghệ thuật Hợp xướng và Chỉ huy hợp xướng 28/05/2015 1:07 CH. 1662 lượt xem Trịnh Thúy Hằng Hình thành từ sinh hoạt âm nhạc dân gian của các dân tộc trên thế giới, bắt đầu với cách hát một bè (hợp xướng đồng âm), hợp xướng được phát triển trở thành một thể loại âm nhạc có sức biểu đạt hết sức phong phú. Dù ở vai trò là tiết mục trong nhạc kịch, thanh xướng kịch hay là tác phẩm độc lập thì hợp xướng vẫn là nghệ thuật của tập thể diễn viên/ca sĩ. Ở đó, mọi người được hòa nhập trong một tập thể, cùng có chung một niềm cảm hứng,cùng chung một ý chí, cùng hướng tới một mục đích chung. 1. Khái niệm Hợp xướng và Chỉ huy hợp xướng Hợp xướng PGS.TS. Nguyễn Thị Nhung định nghĩa: “Hợp xướng là một loại hình của thanh nhạc, một tác phẩm thanh nhạc gồm nhiều bè, mỗi bè do một loại giọng trình diễn” [12, tr.39]. Giáo trình Chỉ huy dàn dựng hát tập thể của Đoàn Phi (2005, Nxb ĐHSP, Hà Nội) khái niệm: “Hợp xướng là một loại hình nghệ thuật được trình diễn bằng giọng hát (thanh nhạc) gồm nhiều bè, nhiều giọng” [13; tr.9]. Với nghĩa tương tự, hợp xướng được khái niệm trong cuốn Phương pháp hát và chỉ huy dàn dựng hát tập thể của Vũ Tự Lân, Lê Thế Hào (1998, Nxb Giáo dục) như sau: “Hợp xướng là loại hình nghệ thuật biểu hiện bằng giọng hát (thanh nhạc) gồm nhiều giọng, nhiều bè” [5; tr.148]; hoặc “Hợp xướng là loại hình nghệ thuật biểu diễn bằng giọng hát có sự dàn dựng, chỉ huy, phối bè [16; tr.22]. Mặc dù với nhiều cách diễn đạt khác nhau, các khái niệm trên đều đưa ra những đặc điểm chung của hợp xướng là: một thể loại thanh nhạc được diễn tấu tập thể, có nhiều bè, nhiều loại giọng hát được tổ chức một cách chặt chẽ. Diễn viên trong mỗi bè của đội hợp xướng có sự đồng nhất về loại giọng hát và kĩ thuật thanh nhạc khi thể hiện tác phẩm. PGS.TS. Nguyễn Thị Nhung cho rằng hợp xướng được phân thành 4 thể loại và nêu rõ khả năng biểu đạt của từng loại như sau [8, tr.130]: - Hợp xướng hỗn hợp: Có khả năng biểu hiện nội dung, hình tượng âm nhạc đa dạng. - Hợp xướng nam: Âm thanh đầy đặn, tính kịch mạnh mẽ, thường được dùng để diển tả không khí trang nghiêm, hùng tráng. - Hợp xướng nữ: có khả năng miêu tả những xúc cảm tươi mát, nhẹ nhàng. - Hợp xướng thiếu nhi: Tạo ra màu sắc trong giọng hát hồn nhiên của tuổi thơ. Với mục đích phân loại để phục vụ cho hoạt động dạy học chỉ huy hợp xướng,
  2. chúng tôi thống nhất có hai hình thức là: hợp xuớng có nhạc đệm và hợp xướng không nhạc đệm. Hợp xướng không nhạc đệm (accapenla). Trong đó, tùy vào thành phần diễn viên để chia ra thành những loại hợp xướng cụ thể. Chỉ huy hợp xướng “Chỉ huy hợp xướng” hay “Chỉ huy dàn dựng hợp xướng” chỉ là hai cách gọi cho một môn học bởi nội dung dạy học hoàn toàn giống nhau. “Cụm từ chỉ huy và dàn dựng chỉ hai công việc. Song nói cho đúng thì chỉ riêng động từ chỉ huy đã bao gồm cả khái niệm dàn dựng trong đó rồi” [5; tr.144]. Cuốn Phương pháp hát và chỉ huy dàn dựng hát tập thể của Vũ Tự Lân, Lê Thế Hào (1998, Nxb Giáo dục) khái niệm về chỉ huy như sau: “ Với nghĩa rộng, chỉ huy được hiểu là sự điều khiển việc biểu diễn tác phẩm âm nhạc bằng dàn hợp xướng, dàn nhạc hay những tập thể hòa nhạc lớn khác ” [5; tr.159]. Theo tác giả Nguyễn Bách viết trong cuốn “Nghệ thuật chỉ huy dàn nhạc và hợp xướng”, Nxb Trẻ, TP.HCM năm 2010: “Điều khiển hợp xướng hay điều khiển dàn nhạc là nghệ thuật chỉ huy cao cấp” [1; tr.13]; Qua đó, chúng ta có thể hiểu rằng, chỉ huy hợp xướng là việc điều khiển một tập thể ca sĩ trình bày một tác phẩm thanh nhạc có nhiều bè, nhiều giọng. Người chỉ huy hợp xướng là người có trách nhiệm dàn dựng tác phẩm, tham gia vào quá trình thể hiện tác phẩm cùng đội hợp xướng. 2. Vai trò của hợp xướng và Chỉ huy hợp xướng Vai trò của hợp xướng “Hợp xướng là tiết mục trong nhạc kịch, thanh xướng kịch, đồng thời còn là những tác phẩm độc lập” [8; tr.129]. Khác với một ca khúc một bè thông thường, hợp xướng tạo ra một âm hưởng đầy đặn, hoà hợp bởi các loại giọng hát, có khả năng biểu hiện tư tưởng, tình cảm của một tập thể người hát. Khi nghe hợp xướng, thính giả không chỉ nhận được những thông điệp từ giai điệu, lời ca mà còn cảm nhận được sự chuyển động của những khối âm thanh mang các chức năng hòa âm và tính kịch rất rõ nét. Khả năng biểu đạt của hợp xướng trong nhạc kịch đã được khai thác tối đa bởi những nhạc sĩ thiên tài trên thế giới. Trong phần mở đầu vở “I-van Xu-xa-nhin” của M. Glinka (1804 - 1857), hợp xướng nam với bài hát trang nghiêm “Trong bão táp, trong giông tố” vang lên từ sau hậu đài nghe mỗi lúc một gần và tiếp theo là hợp xướng nữ với nét nhạc vui tươi, nhẹ nhàng, trong sáng hòa vào hợp xướng nam đã vẽ nên một bức tranh hân hoan bằng ngôn ngữ âm nhạc. Hợp xướng của các cô gái Di-gan trong màn hai, vở “Các - men” của G. Bizet (1838 - 1875) miêu tả khung cảnh sinh động trong quán rượu đồng thời cũng gián tiếp phản ánh ý chí tự do, tính độc lập của nhân vật Cac- men. Trong nhiều trường hợp, hợp xướng thiếu nhi cũng tham gia vào việc phân bổ màu sắc kịch tính rất hiệu quả như hợp xướng của các bé trai trong vở “Con đầm Pích” (P. I.
  3. Tchaikovxki, 1840 - 1893) càng thể hiện vẻ tươi mát, vô tư của cuộc sống trong công viên thì càng làm nổi bật cảm xúc đầy bi ai của Hec-man Ảnh: Một tiết mục biểu diễn của Dàn hợp xướng Trường ĐHSP Nghệ thuật TW Với vai trò là một tác phẩm độc lập, hợp xướng cũng có nhiều hình thức phong phú. Từ ca khúc đơn giản đến những tác phẩm có cấu trúc phức điệu phức tạp đều chứa đựng sự tinh tế, giàu hình ảnh của nghệ thuật biểu hiện. Mỗi tác phẩm hợp xướng tích hợp trong đó nhiều yếu tố của nghệ thuật âm nhạc và giá trị nhân văn rất cụ thể. Chính vì thế, nó có khả năng nâng cao thẩm mỹ âm nhạc và giáo dục âm nhạc cho cộng đồng. Ở nước ta, nghệ thuật hợp xướng cũng đã đóng góp rất lớn vào sự phát triển âm nhạc cũng như công cuộc bảo vệ và xây dựng tổ quốc. Hợp xướng Việt nam phản ánh rõ nét những giai đoạn lịch sử cũng như tâm tư, nguyện vọng, ý chí của con người Việt nam. Trong thời kì đấu tranh chống Pháp và chống Mỹ, những bản hợp xướng như: “Ca ngợi Hồ chủ tịch” (Lưu Hữu Phước - 1955), “Tiếng hát người chiến sĩ biên thùy” (Tô Hải - 1958), Dưới ánh sao vàng (Vân Đông - 1958), “Cửu Long Giang (Lưu cầu - 1959), “Ca ngợi Tổ quốc” (Hồ Bắc - 1960) là những bản tráng ca khích lệ mạnh mẽ tinh thần chiến đấu của quân dân ta. Nhiều tác phẩm hợp xướng đã trở thành những dấu mốc lịch sử trong công cuộc xây dựng, kiến thiết đất nước như: “Ánh đèn trên cầu Việt Trì (Hoàng Hà - 1955), “Bài ca lấn biển” (Đức Bằng - 1964) hay phản ánh niềm vui, tinh thần lao động hăng hái của
  4. quần chúng: “Lớn lên trên biển cả” (Đỗ Nhuận - 1966), “Tiếng hát lâm trường” (Đức Bằng - 1964), “Tiếng hát đội nữ thủy lợi) hợp xướng nữ, Lưu Cầu - 1968) Phong trào hợp xướng đang ngày càng phát triển mạnh. Các hội thi hợp xướng ở trong nước và quốc tế thường xuyên được tổ chức ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Huế chứng tỏ loại hình nghệ thuật này đã chiếm một vị trí quan trọng trong nhu cầu thưởng thức của công chúng, khẳng định giá trị nghệ thuật của nó trong lĩnh vực âm nhạc nói chung. Vai trò của người Chỉ huy hợp xướng Nghệ thuật chỉ huy hợp xướng xuất hiện từ thế kỉ thứ V sau công nguyên với hình thức sơ khai là người chỉ huy dùng tay vẽ những đường cong để điều khiển nhóm người biểu diễn. Đến thế kỉ XVII, trong nhà thờ Ki-tô giáo mới có người dùng gậy ra dấu hiệu cho nhóm hát. Mặc dù phát triển chậm nhưng nghệ thuật chỉ huy hợp xướng đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc khẳng định chất lượng và hiệu quả của một tác phẩm hợp xướng. Mỗi tác phẩm âm nhạc đều chứa đựng nội dung, hình tượng nhất định, bộc lộ những suy nghĩ, tình cảm, quan điểm nghệ thuật và thế giới quan của người nhạc sĩ. Người chỉ huy hợp xướng không đơn thuần chỉ là người đánh nhịp mà phải hiểu một cách sâu sắc nội dung, thủ pháp nghệ thuật của tác phẩm. “Người chỉ huy là người tổ chức, tập luyện, dàn dựng, chỉ huy và biểu diễn cùng với đội hợp xướng” [13; tr.36]. Ở hình thức biểu diễn độc lập (đơn ca, độc tấu), mỗi ca sĩ, nhạc công có cách chuyển tải tác phẩm đến người nghe qua việc xử lí sắc thái và phong cách biểu đạt khác nhau tùy thuộc vào năng lực cảm thụ, nhận thức của cá nhân về tác phẩm. Đối với tác phẩm hợp xướng, người chỉ huy có trách nhiệm dàn dựng trên cơ sở nắm bắt nội dung, hình tượng và yêu cầu biểu đạt của tác phẩm, từ đó làm mới tác phẩm bằng tư duy sáng tạo riêng của mình như: thay đổi cách hát, cấu trúc trình bày, đội hình biểu diễn, trang phục từ đó mang đến cho người nghe một màu sắc mới, tạo nên những hiệu quả cảm xúc mới. Chính vì thế, người chỉ huy phải là người hiểu tác phẩm hơn bất kì thành viên nào trong đội hợp xướng. Lịch sử dàn dựng và chỉ huy hợp xướng của thế giới đã từng được đánh dấu mốc bởi sự sáng tạo của nhạc trưởng người Mỹ Leonard Bernstein (1918 - 1990) khi ông dàn dựng và chỉ huy giao hưởng số 9 của L.V. Beethoven (1770 - 1827), vào ngày 9/11/1989, sau sự kiện bức tường Berlin sụp đổ. Cùng với sự thay đổi nhịp độ diễn tấu của chương một và chương ba chậm hơn so với thông thường, ông quyết định đổi ca từ “niềm vui” thành “tự do” trong chương bốn - hợp xướng, thơ F. SChiller (1759-1805). Sự thay đổi này của ông thực sự mang lại sức đột phá lớn trong việc chuyển tải thông điệp của tự do và hòa bình bằng âm nhạc, làm rung động trái tim hàng trăm triệu người xem trên toàn thế giới, được đánh giá như là một trong những
  5. thành tựu lớn nhất trong lịch sử trình diễn âm nhạc cổ điển. Một trong những phẩm chất cần có của người hoạt động âm nhạc nói chung là khả năng tai nghe nhạc. Đối với người chỉ huy dàn nhạc và hợp xướng thì đây là một trong những yếu tố có tính quyết định hàng đầu. Có trường hợp làm hỏng chính tác phẩm của mình như nhạc sĩ L. V. Beethoven khi ông đã bị điếc nhưng vẫn cố gắng chỉ huy dàn nhạc. Có thể nói, hoạt động điểu khiển của người chỉ huy khi đứng trước dàn hợp xướng có ý nghĩa quyết định sự thành công hay thất bại của tiết mục biểu diễn. Một tác phẩm hợp xướng được dàn dựng và chỉ huy của nhiều người khác nhau sẽ mang lại hiệu quả hoàn toàn khác nhau về chất lượng trình diễn cũng như khả năng chuyển tải cảm xúc đến người nghe, người xem. Chúng tôi hi vọng rằng bài báo sẽ cung cấp, bổ sung cho người đọc những thông tin hữu ích về nghệ thuật hợp xướng và chỉ huy hợp xướng, góp một phần nhỏ vào việc đưa thể loại âm nhạc này đến với công chúng cũng như phục vụ cho công tác dạy học, đào tạo các chuyên ngành âm nhạc và Sư phạm âm nhạc. TÀI LIỆU THAM KHẢO * Tiếng Việt 1. Nguyễn Bách (2014), Nghệ thuật chỉ huy hợp xướng và dàn nhạc, Nxb Trẻ, TP.HCM. 2. Nguyễn Minh Cầm (2004), Chỉ huy hợp xướng, Nxb Bộ Văn hóa thông tin, Nhạc viện Hà Nội. 3. Hoàng Thị Cúc (2014), Hợp xướng - Một hình thức âm nhạc nhiều bè, website Trường ĐHSP Nghệ thuật TW. [ =139&articleid=3885] 4. Lan Hương dịch (1981), Các thể loại âm nhạc, Nxb Văn hóa, Hà Nội. 5. Vũ Tự Lân, Lê Thế Hào (1997), Phương pháp dạy hát và dàn dựng, chỉ huy hát tập thể, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 6. Vũ Tự Lân dịch (1961), Câu chuyện giao hưởng Nxb Mỹ thuật và Âm nhạc 1961, Vai trò giáo dục âm nhạc dịch, Nxb Văn hoá 1974, 7. Tú Ngọc, Nguyễn Thị Nhung, Vũ Tự Lân, Nguyễn Ngọc Oánh, Thái Phiên, Âm nhạc mới Việt Nam tiến trình và thành tựu, Nxb Viện Âm nhạc. 8. Nguyễn Thị Nhung (2005), Hình thức và thể loại âm nhạc 1, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội. 9. Nguyễn Thị Nhung (2005), Hình thức và thể loại âm nhạc 2, Nxb Đại học Sư
  6. phạm, Hà Nội. 10. Nguyễn Thị Nhung (2005), Phân tích tác phẩm âm nhạc, Trung tâm Thông tin – Thư viện Âm nhạc - Nhạc viện Hà Nội, Viện Âm nhạc - Nhạc viện Hà Nội. 11. Nguyễn Thị Nhung (2006), Phân tích tác phẩm tập 2, Nhạc viện Hà Nội. 12. Nguyễn Thị Nhung, Thể loại âm nhạc, Nhạc viện Hà Nội, Nxb Âm nhạc. 13. Đoàn Phi (2007), Chỉ huy dàn dựng hát tập thể, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội. 14. Đoàn Phi (2007), Chỉ huy dàn dựng hợp xướng, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội. 15. Đình Quang (1978), Nghệ thuật biểu diễn hiện thực tâm lí, Nxb Văn hóa, Thành phố Hồ Chí Minh. 16. Lê Anh Tuấn (2007), Giáo trình dàn dựng chương trình âm nhạc tổng hợp, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội. * Tiếng Anh * Phần đã được dịch ra tiếng Việt 17. L. X. Vưgôtxki (1995), Tâm lí học nghệ thuật, Nxb Khoa học xã hội Trường viết văn Nguyễn Du, Hà Nội. * Phần tiếng Anh 18. David whitwell (2011), The Art of musical conducting, Austin, Texas, USA. 19. The Church of Jesu Christ of latter-day Salnts (1992), The conducting course, USA.